HUẾ – ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN CÓ THẬT
Hai giờ 33 phút sáng ngày mùng hai Tết Mậu Thân 1968 là giờ khởi đầu của 624 giờ đau thương kinh hoàng của cuộc tàn sát của bầy ác quỷ, của lũ người man rợ từ rừng núi phía tây tràn vào Huế. Bọn quỷ khát máu này là ai?
Bọn chúng là quân “Giải Phóng”, là quân đội “Nhân Dân”, là Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, là những giáo sư, sinh viên, học sinh đã theo Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu, và Thích Chánh Trực trong cuộc phản loạn vào tháng 6/1966 tại Miền Trung.ai giờ 33 phút sáng ngày mùng hai Tết Mậu Thân 1968 là giờ khởi đầu của 624 giờ đau thương kinh hoàng của cuộc tàn sát của bầy ác quỷ, của lũ người man rợ từ rừng núi phía tây tràn vào Huế. Bọn quỷ khát máu này là ai?
Khi phong trào tranh đấu phản loạn bị chính phủ VNCH dẹp tan, bọn chúng đào thoát lên mật khu. Nay bọn chúng theo chân quân cướp man rợ trở lại Huế với gươm đao, búa liềm, với mã tấu, với AK, với B40 thẳng tay chém giết, chôn sống đồng bào, bắn sập thành phố, và bắn sập đền đài miếu vũ của tổ tiên.
Và Huế trong 624 giờ đồng hồ đã trải qua từng giây một, từng phút một, từng giờ một, từng ngày một, những tang tóc thê lương, những máu và nước mắt của hằng chục ngàn dân Huế nhỏ xuống trên mảnh đất thân yêu của quê hương.
Kêu trời không thấu, kêu đất không nghe, cầu khẩn thần linh phù trợ, thần linh ngoảnh mặt. Huế ôm nhau trong vòng tay run rẩy, dìu nhau chạy trốn Việt cộng, khập khễnh bước thấp bước cao với nỗi kinh hoàng tột độ.
Người Huế chết quá nhiều, chết tức tưởi, chết oan ức, chết không hiểu tại sao phải chết, tội tình chi mà phải chết. Huế mỗi thước đất là một thây người, là mỗi vũng máu tươi còn chưa kịp đổi màu. Người Huế chết từ trong nhà ra đến sân, sân trước đến sân sau, thây người nằm chết âm thầm lặng lẽ trên đường phố, nơi vỉa hè. Thây người sình thối trong lùm cây bụi cỏ. Thây người nằm co quắp trong đường hẻm, nơi bờ ao, nơi tường thành, thây người trong trường học, trong sân chùa. Một rừng xác chết, một bãi thây người. Người Huế chết nằm, chết đứng, chết ngộp thở vì bị chôn sống, chết vì bị cuốc xẻng đập vào đầu, 5327 người chết, 1200 bị bắt đi mất tích.
Hỡi trời hỡi đất, hỡi Chúa hỡi Phật, hỡi hồn thiêng sông núi, hỡi anh linh tiền nhân, quý vị ở đâu sao không ra tay cứu vớt dân Huế? Họ đã làm gì nên tội? Hay là Phật, Chúa, thần linh cũng phải đành bó tay trước loài quỷ cộng sản để mặc bọn chúng thẳng tay say sưa chém giết đồng bào vô tội!
Năm giờ 30 sáng, trong ánh sáng lờ mờ của ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, cộng quân tràn ngập khắp mọi nơi trong thành phố và vùng ráp ranh các quận Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang và bọn chúng bắt đầu một cuộc tàn sát đồng bào Huế còn dã man hơn thời trung cổ.
Cuộc tàn sát dân chúng Huế được Việt Cộng chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn I:
Bắt và giết người theo danh sách trong hồ sơ đen mà cơ quan An Ninh Khu, Tỉnh, Thị Ủy Việt Cộng đã thiết lập từ trước cuộc tấn công. Khi lực lượng quân sự tràn vào Huế thì ngay lập tức lực lượng Công An Khu Ủy của Tống Hoàng Nguyên, lực lượng Công An Thừa Thiên-Huế của tên Đại Tá Nguyễn Đình Bảy tự Bảy Lanh, phối hợp chặt chẽ với các đội An Ninh Tự Vệ Khu Phố của Nguyễn Đắc Xuân truy lùng, bắt bớ, và hạ sát các mục tiêu ngay. Đó là thời điểm sau 2 giờ 33 phút sáng ngày Mùng 2 Tết, và kéo dài một ngày sau đó.
Giai Đoạn II:
Ngay trong ngày Mùng 2 Tết, vào buổi sáng sau cuộc tụ họp đồng bào tại 2 Quận I và II, chúng công bố thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Quận I và II, cùng Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Tỉnh Thừa Thiên-Huế, đồng thời cũng công bố thành phần tổ chức của Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình. Những vụ bắn giết bắt bớ dân chúng trong giai đoạn này quy mô hơn, có tổ chức hơn, và quá sức tàn bạo.
Giai Đoạn I bắt đầu từ 2 giờ 33 phút sáng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968:
Trời chưa sáng hẳn, một số lớn các gia đình trong ba quận thị xã Quận I, II, và III, và ba quận giáp ranh Hương Trà, Phú Vang, và Hương Thủy đã bị đám Công An Thành Ủy, lực lượng An Ninh và Bảo Vệ Khu Phố của Nguyễn Đắc Xuân, đám chỉ điểm, đám cơ sở nội thành xông vào từng nhà lục soát bắt người. Bọn chúng đã có sẵn hồ sơ lý lịch, tên tuổi từng người mà bọn chúng gọi là Công An Cảnh Sát Ngụy, binh lính Ngụy, công chức chính quyền Ngụy, nhân viên tình báo “Xê -I -A”. Không cần biết đúng sai, bọn chúng thỏa thích nổ súng vào những người trong trong bảng phong thần nầy.
Bảy giờ sáng ngày Mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, dân chúng Huế bắt đầu chạy giặc. Họ bỏ lại tất cả để chạy trốn Việt cộng. Nhà cửa tài sản bỏ lại đã đành, thức ăn thức uống, áo quần cũng không kịp mang theo, miễn sao tránh xa bọn Cộng sản tìm về vùng Quốc gia đang kiểm soát. Già trẻ, lớn bé, cha mẹ, con cái, dắt dìu nhau tìm đường chạy trốn Việt cộng. Nhưng khốn thay, họ biết chạy đi đâu vì khắp nơi đều là Việt Cộng. Bọn Việt cộng xả súng bắn vào đoàn người đang hốt hoảng và hỗn loạn chạy tìm nơi bình yên trú ẩn. Thây người ngã gục, máu đào tuôn rơi nhuộm đỏ màu cờ đỏ sao vàng của Hồ Chí Minh, của đảng Cộng sản Việt Nam, và cờ 3 mảnh của lực lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình.
– Nhân viên cao cấp của chính quyền Thị xã Huế hy sinh đầu tiên là ông Trần Đình Thương, Phó Thị Trưởng Thị xã Huế. Vì không nắm vững tình hình nên trời chưa sáng hẳn ông đã phóng xe khỏi nhà với ý định là đến nhiệm sở Tòa Hành Chánh Tỉnh và Thị Xã xem tình hình thế nào, ông đã bị cộng quân bắn hạ ngay trước cổng nhà, đối diện với công viên Bến Ngự, ngay ngã tư Nguyễn Hoàng- Nguyễn Huệ thuộc Quận III Thị xã Huế.
Thật tội nghiệp, mãi hơn 12 ngày sau, khi khu vực nầy được giải tỏa, thân nhân mới lấy được xác đem về mai táng. Lúc đó thi thể ông đã sình thối.
– Tại vùng Bến Ngự, Nam Giao, Từ Đàm, dân chúng kéo nhau chạy trốn lên vùng nhà máy nước Vạn Niên, gần chùa Từ Hiếu, cạnh đồi thông Quảng Tế, hoặc cố gắng băng qua cầu Bến Ngự chạy về hướng trường Quốc Học hoặc bệnh viện Trung Ương Huế. Tất cả hai hướng đều bị cộng quân hoặc bằng súng nhỏ, hoặc bằng súng cối pháo kích và bắn bừa bãi vào đoàn người chạy loạn để ngăn chận không cho dân chúng trốn thoát khỏi vùng bọn chúng đang kiểm soát. Tất cả đều phải quay trở lại nhà để bọn chúng có thể sử dụng làm con tin, làm khiên đở đạn, và làm chùn bước quân đội VNCH muốn tấn công chúng.
Chị ruột tôi là Công Tằng Tôn Nữ Thạch Hà, nhà ở cạnh chùa Từ Đàm theo đoàn người tỵ nạn bồng con chạy từ vùng chùa Từ Đàm lên nhà máy nước Vạn Niên cạnh đồi Quảng Tế, nhưng đã bị cộng quân pháo kích chận đường, nên cả đoàn người phải chạy trở lại. Khi chị về đến nhà thì mới phát giác bé Ni con gái của chị đã chết trên tay từ hồi nào vì bị mảnh đạn pháo kích của cộng quân.
Thương cho chị tôi đau đớn vô vàn và thương cho cháu bé mới hai tuổi đầu. Tôi cũng tự hỏi, có biết bao nhiêu sinh mạng bé bỏng như bé Ni đã bị giết hại trong Tết Mậu Thân này, và có bao nhiêu người mẹ ôm con chạy giặc mà không biết con chết trên tay tự bao giờ? Khi tay gõ bàn phiếm viết những giòng chữ này thì ký ức tôi quặn thắt, nhớ lại hình ảnh chị tôi và bé Ni, cùng với tiếng hát nức nở của Hoàng Oanh:
Bà Mẹ đau thương như muối đổ trong lòng. Chạy giặc ôm con qua những cảnh hờn vong. Và người con yêu đã chết trên tay lúc nào, xót xa vạt áo trắng hôm nay hoen máu đào.
Ai? Ai đã giết con tôi?
Hai người anh chồng của chị Thạch Hà cũng bị Việt Cộng bắt tại nhà và đem đi mất biệt. Sau nầy tìm ra xác của họ, cũng chết trong tình trạng bị chôn sống.
Dân chúng vùng Nam Giao, Từ Đàm, dốc Bến Ngự, bị thương khá nhiều và nhiều gia đình bắt đầu bị đói vì đã hết gạo. Cha tôi, Hoàng Thân Tráng Cử, cùng với một người bạn chí thân là Bác Võ Thành Minh, hai ông là những trưởng Hướng Đạo thâm niên nhất cùng một thời với Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Thúy, trưởng Trần Điền của phong trào Hướng Đạo Việt Nam, chạy chỗ nầy sang chỗ kia, băng bó cứu giúp cho những đồng bào bị thương. Phụ thân tôi và bác Võ Hoàng Minh vào những nhà vắng chủ tìm gạo nấu cơm tiếp tế cho nhiều gia đình có trẻ thơ đang bị đói, và cuối cùng họ thành lập một đoàn cứu thương tải thương những người bị thương quá nặng để đưa về bệnh viện Trung Ương Huế.
Sau nầy cha tôi kể lại với chúng tôi: Có 4 người bị thương rất nặng cần phải vào bệnh viện mới mong cứu sống. Cha tôi và bác Võ Thành Minh cuốn 4 cái mền làm võng cùng một số thiếu nhi khiêng 4 người nầy định đưa về bệnh viện Trung Ương Huế. Đi đầu là bác Võ Thành Minh với miếng vải trắng cột vào một khúc tre làm biểu tượng cho cờ cứu thương, đi giữa hàng cán bệnh nhân là cha tôi. Đoàn mới ngang dốc Bến Ngự thì bị một toán Việt cộng chận đoàn cứu thương lại. Một tên Việt cộng hỏi bác Minh và cha tôi:
– Chúng mày treo cờ trắng đi đầu hàng địch hả?
– Chúng tôi đưa 4 người bị thương quá nặng vào bệnh viện.
Hai tên khác dí mũi súng AK vào cha tôi và bác Minh:
– Đi lui! Không thì chúng tao bắn tan xác bây giờ.
Cả đoàn đành đi lui. Chỉ mấy giờ sau 4 nạn nhân tắt thở vì ra máu quá nhiều.
Cha tôi và bác Võ Thành Minh trở lại nhà Cụ Phan Bội Châu gần chùa Từ Đàm. Khoảng nửa giờ sau, một toán Việt cộng đến nhà Cụ Phan để bắt cha tôi và bác Minh. Cha tôi may mắn chạy thoát bằng cửa sau sang nhà hàng xóm lẩn trốn. Bác Võ Thành Minh bị bọn chúng bắt dẫn đi và sau đó giết bác. Sau nầy thân nhân của bác Võ Thành Minh tìm được xác của bác trong một hố chôn tập thể. Tưởng cũng cần nhắc lại, năm 1954 hiệp định Geveva giữa Việt Cộng và Pháp chia đôi đất nước lấy vĩ tuyến 17 làm lằn ranh Quốc-Cộng, thì bác Võ Thành Minh chính là người đã dựng lều bên bờ hồ Geneva thổi sáo cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam. Bác Võ Thành Minh, suốt đời giữ lời hứa của một Hướng Đạo sinh là:
Trung thành với Tổ quốc – Giúp ích mọi người – Tuân theo luật Hướng Đạo.
Bác có tội tình chi mà bọn chúng đem chôn sống bác? Chẳng lẽ vì đi cứu người dùng mảnh vải trắng làm cờ mà bị giết? Trong lửa đạn tìm đâu ra sơn đỏ để làm thành cờ hồng thập tự, đành dùng vải trắng làm cờ cứu thương cho hai bên đừng bắn vào đoàn tải thương, vậy mà bọn ngu dốt man rợ kia cho là kéo nhau đi đầu hàng địch, để rồi cuối cùng thì những người bị thương phải chết vì không được cứu chữa, còn người tải thương thì bị bắt và bị chôn sống! Lịch sử nào tha được tội ác của bọn cộng sản tàn bạo này?
Cũng tại ngôi nhà của Cụ Phan Bội Châu, sau khi bắt bác Võ Thành Minh, bọn chúng lại bắt hai người cháu nội của Cụ Phan Bội Châu đem đi chôn sống, đó là anh Phan Thiện Cầu, Đại Úy Quân Cảnh Tư Pháp VNCH, và anh Phan Thiện Tường, Giáo Sư. Trong khi đó thì anh ruột của hai anh Phan Thiện Cầu và Phan Thiện Tường lại là Đại Tá Việt Cộng “Quân Đội Nhân Dân” Phan Thiện Cơ (!) và thời điểm đó Phan Thiện Cơ là Tư Lệnh chiến trường Tây Nguyên! Đau lòng thay cho cụ Phan Bội Châu.
Cụ Phan Bội Châu và gia đình tôi có quan hệ rất mật thiết. Cụ là một nhà tiền bối cách mạng phụ tá cho ông nội tôi là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong phong trào Đông Du và trong Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội. Cụ và cha tôi, Hoàng Thân Tráng Cử, có một mối giao tình khắng khít vì công việc cách mạng chống Pháp chống cả Việt Minh liên quan đến ông nội tôi Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
Không hiểu Đại Tá Phan Thiện Cơ nghĩ gì khi hay tin hai người em của mình bị chính các đồng chí của mình đem đi chôn sống? Hay ông Đại Tá Việt Cộng này cũng học tập gương của đồng chí kính yêu Trường Chinh đem cả cha mẹ mình ra đấu tố và giết hại để làm gương cho các anh hùng nhân dân noi theo? Phải chăng đó chính là chân lý là nguyên tắc Đấu Tranh Giai Cấp của Bác và Đảng?
Năm 1973, Đại Tá Phan Thiện Cơ là một thành viên cao cấp trong phái đoàn quân đội Bắc Việt tại Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến 4 phe (Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và Cộng Sản Hà Nội) đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất Sàigòn.
Tại vùng Nam Giao, Cộng quân bắt sinh viên Lê Hữu Bôi tại chùa Tường Vân, nơi tu đạo của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Lê Hữu Bôi, sinh viên trường Quốc Gia Hành Chánh, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn bị bắt và sau đó đem đi chôn sống, vì nghi là ‘Xê-I-A”. Sinh viên Lê Hữu Bôi gọi Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết là cậu ruột, gọi bà nội tôi là dì. Tôi gọi sinh viên Lê Hữu Bôi là bác.
Sau nầy chúng tôi tìm ra xác sinh viên Lê Hữu Bôi. Tội nghiệp, ông ra Huế vừa nghỉ Tết và cũng để đi hỏi vợ thì bị Việt cộng bắt đi chôn sống.
0 Comments