GIẢI THOÁT KHỎI ÁCH NÔ LỆ CỦA GIẶC TÀU

Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Người Việt quốc gia tại hải ngoại đã từng tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam suốt 43 năm nay bằng cách tỏ thái độ phản đối chính thể độc đảng, độc tài CSVN đàn áp và bóc lột nhân dân Việt Nam trong nước qua các phương sách như (1) kháng thư, (2) các cuộc biểu tình, và (3) những cuộc vận động các nước tự do và các cơ quan quốc tế tạo áp lực lên chính quyền Việt Nam độc tài, toàn trị phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người. Ở trong nước, nhiều nhà đấu tranh dân chủ và các tổ chức dân sự cũng đứng lên đòi hỏi những quyền làm người mà chính ông Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tuy nhiên, đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không tôn trọng bản tuyên ngôn này; trái lại đã bỏ tù các nhà tranh đấu dân chủ từ 5 đến 15, 20 năm với những lý do vu vơ phản hiến pháp, cọng thêm nhiều năm quản chế tại gia. Thật là vô lý và tàn ác!

Đàn áp và bóc lột nhân dân và không tôn trọng bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9, 1945 là những trọng tội. Nhưng tội nặng nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là, để củng cố địa vị và quyền lực, đã bán nước Việt Nam thân yêu cho Tàu cộng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã cống hiến cho Tàu cộng trên 800 cây số vuông ở biên giới phía bắc và thác Bản Giốc, cho Tàu thuê trên 300 ngàn hec-ta rừng đầu nguồn trong 50 năm gây tác hại cho những lưu vực hạ nguồn, để cho Trung cộng xây dựng đường cao tốc nối liền Hà Nội với biên giới Việt-Trung tại Lào Cai, tạo phương tiện nhanh chóng và thuận lợi cho Tàu cộng xua quân vào các tỉnh miền Bắc; để cho Cao Bằng, Mong Cáy, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kontum, Bình Định, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh cho người Tàu thuê nhiều vùng đất tốt trong thời hạn 99 năm mà người Việt không có quyền bén mảng đến những khu vực này; để cho người Tàu xây dựng những thành phố Tàu lớn ở Bắc Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Bình Dương; nhượng Tây Nguyên, yết hầu quân sự của đất nước, cho dự án Bô-Xít tác hại môi sinh với trên 20 ngàn công nhân mà người ta tin chỉ là quân đội Trung cộng trá hình, và ngay cả nhân viên an ninh Việt Nam cũng không được phép vào khu vực này; cho Trung cộng, qua trung gian Đài Loan, thiết lập trung tâm công nghệ luyện thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, gây ô nhiễm bờ biển suốt 4 tỉnh miền Trung, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên làm chết hàng trăm tấn cá gây thất nghiệp cho cả triệu ngư dân tại 4 tỉnh này; hợp tác với Công ty lưới điện Trung quốc (CSG) và Công ty Điện lực Quốc Tế Trung quốc (CPIH) xây dựng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, gần biển, bất chấp ô nhiễm do xả thải phế liệu gây ra; cho phép hằng trăm ngàn người Tàu vào Việt Nam du lịch không cần chiếu khán, những người này có thể ở lại định cư tại Việt Nam mà không ai biết vì không bị kiểm soát. Dần dà, chẳng bao lâu nữa, người Tàu không cần phải dùng biện pháp quân sự, Việt Nam cũng sẽ biến thành một tỉnh của Trung cộng như Tây Tạng và Tứ Xuyên mà thôi. Thêm vào chiến dịch “tằm ăn dâu này”, Đảng Cộng sản Việt Nam, để có được sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho địa vị của mình, còn ký với Trung cộng một mật ước tại Thành Đô (Chengdu) năm 1990, đã bị tướng cộng sản Hà Thanh Châutiết lộ vào tháng 4 năm 2013 bằng cách trao cho Foreign Policy Magazinenhững tài liệu mật của Bộ Quốc Phòng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, sau khi ông này đã xin được quyền tị nạn tại Hoa Kỳ. Tài liệu cho biết Việt Nam sẽ bị biến thành một tỉnh của Trung cộng theo mô hình Tây Tạng qua ba chu kỳ, mỗi chu kỳ là 20 năm:

Chu kỳ I:   2000-2020: Việt Nam trở thành một tỉnh tự trị
Chu kỳ II: 2020-2040: Việt Nam trở một tỉnh lệ thuộc Tàu
Chu kỳ III: 2040-2060: Việt Nam đổi tên thành Âu Lạc (tên lấy từ hai nhóm thổ dân xưa    sống giữa hai xứ) và sẽ chịu sự quản trị trực tiếp của thống đốc Quảng Tây.

Ngược lại với hành động bán nước hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam, các vua chúa thời xưa – suốt dọc dài lịch sử dân tộc Việt trên 2000 năm ròng rã — tuy có người quỳ luỵ Tàu, nhưng tuyệt đối không có bất cứ một vị nào chịu nhượng dù chỉ một tấc đất cho đại Hán.

Sau đây là Lời của danh tướng Lý Thường Kiệt(1077):

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch nghĩa

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.

Vua Trần Nhân Tông(1258-1309) thì để lại di chúc1như sau:

Các Người chớ quên!
Nghe lời Ta dạy
Chính nước lớn
Làm những điều bậy bạ
TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
Bất nghĩa bất nhân
Ỷ nước lớn
Tự cho mình cái quyền ăn nói!
Nói một đường làm một nẻo! Vô luân!
Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!
Họa Trung Hoa!
Tự lâu đời truyền kiếp!
Kiếm cớ này bày chuyện nọ! TÀ MA!
Không tôn trọng biên cương theo quy ước
Tranh chấp hoài!
Không thôn tính được ta
Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy!
Gặm nhấm dần
Giang Sơn ta nhỏ lại
Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di
Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
Canh cánh bên lòng “ĐẠI SỰ QUỐC GIA”!
Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VỊÊT
Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa!
 
VẬY NÊN!
CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
KHÔNG ĐỂ MẤT MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
HÃY ĐỀ PHÒNG QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA!
LỜI NHẮN NHỦ
CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.

Vua Lê Thánh Tông(1442-1497)cũng đã có thái độ dứt khoát: Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?… Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Trước tình trạng mất đất, mất biển, người Tàu tràn lan khắp đất nước như hiện nay, cọng thêm với mật ước Thành Đô, viễn tượng của nước Việt Nam thân yêu của nhân dân Việt Nam trong năm 2020 là một tỉnh thành của Trung cộng, có thể — trong giai đoạn đầu — do các quan thái thú Việt Nam, rút ra từ Bộ Chính Trị, quản trị. Nhưng dĩ nhiên là mọi chính sách di dân, khổ sai lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên đều do người Tàu sai khiến để phục vụ quyền lợi của họ. Nhân dân Việt Nam sẽ chỉ là những tên nô lệ.

Chỉ 16 người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong Bộ Chính Trị cùng với các tổng bộ trưởng của chế độ — chỉ vì quyền lợi, chức vị, và tiền bạc – mà đành tâm để cho 95 triệu người dân Việt phải làm nô lệ cho giặc Tàu. Người Việt quốc gia trong cũng như ngoài nước, nghĩa là người Việt yêu nước không cộng sản; cũng như người Việt cộng sản, ai ai cũng đồng tâm chống lại sự thẩm nhập và xâm lấn của Trung cộng luôn luôn muốn thôn tính nước Việt ta. Thực ra, hiện nay ở Việt Nam không còn chủ thuyết cộng sản; chủ thuyết cộng sản chỉ là một chiêu bài để Đảng cộng sản khống chế, bóc lột nhân dân bởi vì tất cả những gì lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đang thực hiện đều hoàn toàn đi ngược lại với chủ thuyết cộng sản, một chủ thuyết sai lầm và lỗi thời. Chỉ còn lại là một nhóm nhỏ, một số ít, trên chóp bu khăng khăng bám chặt vào quyền lực để đàn áp hoặc bạc đãi đại đa số nhân dân thấp cổ bé miệng, để bóc lột, tham nhũng, và đồi truỵ. Trong số đại đa số này là những thành phần các sĩ quan trẻ trong quân đội nhân dân từ cấp tá trở xuống, binh sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên các cấp, các thành phần trí thức, báo chí, công nhân lao động, nông dân, các thương gia nhỏ, và những thành phần nhân dân khác. Trong số các thành phần lãnh đạo cao cấp, có lẽ cũng có một số người yêu nước muốn chống lại sự áp bức, xâm lấn của Trung cộng, nhưng số người này không chống lại nổi áp lực của số đông hơn được Tàu cộng nâng đỡ qua sự trợ lực của tình báo Hoa Nam. Những người này chờ đợi cơ hội thuận tiện để hành động vì đại nghĩa. Trái lại trong số đại đa số thì — ngoại trừ một số rất ít vì mù quáng, vì bị lường gạt — chứ gần như toàn thể nhân dân bao gồm những thành phần các sĩ quan trẻ từ cấp tá trở xuống, binh sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên các cấp, các thành phần trí thức, báo chí, công nhân lao động, nông dân, các thương gia nhỏ, và những thành phần nhân dân khácđều thấy rõ và uất ức trước viễn tượng xâm lăng của đại Hán.

Như vậy làm thế nào để thoát ách nô lệ Trung cộng sắp xảy ra?

Chỉ có hai giải pháp:

Giải pháp I:  Một quốc gia độc lập có lãnh đạo được toàn dân tự do bầu lên — dưới sự kiểm soát của quốc tế — cho ba ngành phân lập, hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Một chính phủ do đảng cử, dân bầu không thể đại diện cho dân cũng như Đảng cộng sản chỉ là tự phong, không có giá trị pháp lý trên chính trường quốc tế. Một khi đã có một quốc gia Việt Nam độc lập do dân tự do bầu lên thì Việt Nam không còn lệ thuộc vào Trung cộng nữa mà hoàn toàn tự do chọn lựa các quan hệ song phương và bình đẳng với tất cả mọi quốc gia trên thế giới, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (1 hl=1852km), nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam. Và các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý. Vì là một quốc gia độc lập, dân chủ, và tự do nên lập trường này sẽ được sự hỗ trợ pháp lý và có thể là quốc phòng nữa của các quốc gia tự do, nhất là các quốc gia tự do có quyền lợi giao thương trên Biển Đông, trong đó quyền lợi đầu tư của Hoa Kỳ chiếm đến 23% tổng số (1.2 ngàn tỉ trên 5.3 ngàn tỉ).

Toàn dân đã sẵn sàng: hoặc là Đảng Cộng sản tự nguyện thay đổi lập trường nô lệ, ích kỷ, phản trắc, để thành tâm xây dựng một chế độ dân chủ độc lập. Những người ngay chính, trong sạch, yêu nước thuộc chế độ hiện tại vẫn có cơ hội ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo đất nước. Nếu lãnh đạo cộng sản không chịu cứu nước bằng phương thức này thì các thành phần cấp tiến như các sĩ quan trẻ, quân nhân, công chức, giáo chức, các thành phần trí thức, cùng với các tổ chức xã hội dân sự sẽ đứng ra tổ chức đấu tranh bất bạo động lật đổ bạo quyền để đi đến việc thành lập một chính thể dân chủ tự trị và tự do, phục vụ quyền lợi của toàn dân. Còn thân phận của những nhà độc tài ngoan cố thì thế nào rồicũng sẽ bị kết liễu như Nicolae Ceaușescu của Ru-ma-ni mà thôi, lưu xú cho lịch sử dân tộc.

Giải pháp II: Trở lại Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1, 1973. Hiệp Định này do 4 thành phần ký: Ngoại Trưởng William P. Rogers (Hoa Kỳ), Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm (Việt Nam Cộng Hoà), Ngoại Trưởng Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà), và Ngoại Trưởng Nguyễn Thị Bình (Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam).

Theo Chương V,
Điều 15 của Hiệp Định thì:

Sự thống nhất của Việt Nam phải được thực hiện từng bước một bằng phương tiện hoà bình dựa trên căn bản thảo luận và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, mà không có sự ép buộc hay sáp nhập của từ phía nào, và không có sự can dự của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam thoả thuận.

 Trong lúc chờ đợi thống nhất:

    a. Đường phân ranh quân sự giữa hai vùng ở vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới chính trị hay lãnh thổ, như đã được nói đến ở đoạn văn 6 trong Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội Nghị Genève 1954.

    b. Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam phải tôn trọng Vùng Phi Quân Sự ở hai bên đường Phân Ranh Quân Sự Tạm Thời.

 Điều 19:

Các bên đồng ý triệu tập một Hội Nghị Quốc Tế trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hiệp Định này để xác nhận những thoả hiệp đã ký kết; để bảo đảm sự kết thúc cuộc chiến, sự bảo tồn hoà bình ở Việt Nam, sự tôn trọng những quyền quốc gia nền tảng của nhân dân Việt Nam, và quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam; và để đóng góp và bảo đảm hoà bình ở Đông Dương.

 Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thay mặt cho các bên tham dự Hội Nghị Paris về Việt Nam sẽ đề nghị những thành phần sau đây tham dự Hội Nghị Quốc Tế này: Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hoà Pháp, Cộng Hoà Xã Hội Liên Bang Sô Viết, Anh Quốc, bốn quốc gia trong Uỷ Hội Quốc Tế về Kiểm Soát và Thanh Tra[Gia Nã Đại, Hung Gia Lợi, Ba Lan, và Cộng Hoà Indonesia], và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, cùng với những bên tham dự Hội Nghị Paris về Việt Nam2[Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam]  .

Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam nhóm họp vào ngày 26 tháng 2, 1973. Các ngoại trưởng từ Gia Nã Đại, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Pháp, Hung Gia Lợi, Indonesia, Ba Lan, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Liên Bang Sô Viết, Anh, và Hoa Kỳ đã dự Hội Nghị. Vào ngày 2 tháng 3 các đại biểu đều trịnh trọng tuyên hứa tôn trọng “những ước vọng và các quyền quốc gia nền tảng của nhân dân Việt Nam,” “tuyệt đối tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc” những thoả hiệp của tháng Giêng, theo dõi và hỗ trợ những nỗ lực của Uỷ Hội Quốc Tế về Kiểm Soát và Thanh Tra (ICCS), và thực hiện những tham khảo cần thiết để duy trì hoà bình.

Mặc dù đã tuyên hứa tôn trọng các điều khoản của Hiệp Định Paris 1973 như thế, nhưng Miền Bắc đã xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực, vi phạm Hiệp Định Paris 1973. Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hoà Bình ngày 16 tháng 10, 1973. Việc Lê Đức Thọ từ chối nhận giải chứng tỏ ý đồ xâm chiếm Miền Nam của Miền Bắc Việt Nam đã được chuẩn bị ngay sẵn từ đầu.

Trong bốn bên tham dự Hội Nghị này thì hiện nay chỉ còn Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trên thực tế, chỉ là cánh tay nối dài của chế độ cộng sản Miền Bắc, nên đã bị giải thể ngay sau khi Miền Nam bị Miền Bắc chiếm đóng. Miền Nam thua cuộc, nhưng những giới chức của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và nhân dân Việt Nam yêu tự do vẫn là những nhân chứng cho sự vi phạm Hiệp định của đảng Cộng sản miền Bắc và vẫn có thể vận động thế giới yêu cầu Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thực thi các điều khoản của Hiệp Ước.

Về phần Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hẳn phải thấy rằng, trước đe doạ của Trung cộng, giải pháp này giải toả được áp lực của Trung cộng bằng cách trả lại Miền Nam cho một chính phủ tự do, do dân bầu để chính phủ tương lai này có thể độc lập với sức ép của Trung cộng và đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và quyền các hải đảo có lãnh hải 12 hải lý theo luật biển quốc tế. Lãnh đạo cộng sản vẫn có Miền Bắc để quản lý theo mô thức chính trị mà họ hằng đeo đuổi và Miền Nam có quyền tự quyết theo mô thức độc lập, dân chủ. Vấn đề thống nhất đất nước vẫn có thể thực hiện được qua các thảo luận hoà bình.Nếu lãnh đạo cộng sản Việt Nam không thấy hay không chấp nhận con đường cứu nước này thì dòng thác lịch sử sẽ thúc đẩy các sĩ quan trẻ, quân đội nhân dân, giới trí thức, các tổ chức xã hội dân sự tạo áp lực để họ phải chấp nhận.

Về phần Hoa Kỳ, trước đây lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ muốn quên đi Việt Nam vì chiến tranh Việt Nam đã khơi dậy lại một quá khứ mà người Mỹ không mấy hãnh diện. Tuy nhiên, từ khi Trung cộng bành trướng ảnh hưởng và sức mạnh quân sự và kinh tế xuống vùng Đông Nam Á thì Hoa Kỳ cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà để trước tiên là trao đổi giao thương và thứ đến cũng là để ngăn chặn sự bành trướng này của Trung cộng. Do đó, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có thể hợp tác với Hoa Kỳ để đi đến Giải Pháp I hoặc Giải Pháp II.

Hoa Kỳ hẳn phải sẵn sàng hợp tác vì những lý do sau đây:

 Thứ nhất: Quyền lợi tối quan trọng của Hoa Kỳ là con đường giao thương bằng đường biển từ Ấn Dộ Dương tới Thái Bình Dương qua eo biển Malacca và Biển Đông. Tổng trị giá giao thương này được đánh giá khoảng 5.3 ngàn tỉ đô la mỗi năm là số lượng đầu tư thương mãi quốc tế của Hoa Kỳ, Trung cộng, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ấn độ, Ý, Brazil, và Gia Nã Đại; trong số đó, Hoa Kỳ chiếm khoảng 1.2 ngàn tỉ đô.  Ngoài ra, Biển Đông còn có trữ lượng dầu khoảng từ 7 đến 11 tỉ thùng dầu. Theo phỏng tính lạc quan của Trung cộng thì Biển Đông rồi sẽ có thể cung ứng lên đến 130 tỉ thùng dầu, đứng thứ nhì về sản xuất dầu, chỉ sau Saudi Arabia. Biển Đông còn tiềm năng tích trữ khoảng 900 ngàn tỉ cubic feet khí đốt [1 cubic foot= 28316.8 cubic cm].

Thứ hai: Năm 2014 Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đã ký kết Hiệp ước 10 năm về quốc phòng chung, cho phép Hoa Kỳ hoạt động quân sự từ 8 căn cứ tại quốc gia này và Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc phòng cho Phi Luật Tân.

Thứ ba: Sự bành trướng về quân sự và thương mãi của Trung cộng càng ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới, từ Biển Đông, Thái Bình Dương và toàn cõi Đông Nam Á, đến châu Phi, và ngay cả Nam Mỹ, cạnh tranh thách thức Hoa Kỳ.

Thứ tư: Mặc dù Hoa Kỳ không dự đoán những hành động quấy phá của Trung cộng ở Biển Đông liên hệ đến thuỷ lộ giao thương quốc tế, nhưng cũng không chấp nhận việc Trung cộng có cơ hội có những hành động gây hấn, như là chặn đường giao thương. Nhưng mới đây, ngày 23 tháng 4, 2018, Báo World và Observer thông báo là Đô Đốc David S. Davidson— tổng tư lệnh thuỷ, lục, và không lực của Mỹ tại Thái Bình Dương – đã tường trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ trong tuần vừa qua là “Chúng ta đã mất Biển Đông”. Trung cộng đã biến 7 bãi đá ngầm tại Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự lớn mạnh đủ để kiểm soát hằng ngàn dặm về phía Nam. Ông cũng cho biết là chỉ có một cuộc đối đầu vũ trang mới chặn được Bắc Kinh đóng các thuỷ lộ quốc tế tại Biển đông . Ông nói với các chính trị gia [các nhà lập pháp]rằng đây là lý do [Hoa Kỳ]khẩn thiết phải nắm lại lợi thế kỹ thuật mà quân đội Hoa Kỳ đã từng chiếm giữ suốt 5 thập kỷ sau Đại Chiến II (He says only an armed conflict could now stop Beijing from closing the South China Sea’s international sea lanes. He told politicians this was why it was vital to recapture the technological advantage US forces held for five decades after World War II)3.

Nhưng lý luận cho thấy là trước khi Hoa Kỳ quyết định đi đến xung khắc vũ trang với Trung cộng, dĩ nhiên là nếu có giải pháp hoà bình nào đem lại quyền lợi cho Hoa Kỳ tại Biển Đông thì xác suất lãnh đạo Mỹ hợp tác sẽ là rất lớn. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có thể, vì quyền lợi của đất nước quan trọng hơn quyền lợi cá nhân, có thể hợp tác với Hoa Kỳ để thực thi Giải Pháp I hoặc Giải Pháp II.

Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi tối thượng của đất nước Việt Nam thân yêu, người Việt quốc gia tại hải ngoại và quốc nội sẽ ủng hộ và hỗ trợ bằng mọi phương tiện để đi đến Giải Pháp I. Tuy nhiên, để đi đến Giải Pháp II, trong trường hợp không thực hiện được giải pháp I, những người Việt quốc gia sẽ vận động Hoa Kỳ thi hành Hiệp Định Paris ký ngày 27 tháng 1,1973 và vận động các quốc gia tham dự Hội Nghị Quốc Tế ngày 26 tháng 2, 1973 tại Paris mà các thành phần tham dự, bao gồm cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, đã tuyên hứa là sẽ tôn trọng “những ước vọng và các quyền quốc gia nền tảng của nhân dân Việt Nam,” “tuyệt đối tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc” những thoả hiệp của tháng Giêng. Những quốc gia này, vì sứ mạng và trách nhiệm bảo vệ hoà bình và bảo đảm việc thực thi các điều khoản của Hiệp Định Paris 1973, sẽ tạo áp lực lên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải tôn trọng và thi hành các điều khoản của Hiệp Định.

Để thực hiện công việc vận động này, người Việt quốc gia cần kết hợp lại thành một tổ chức, đại diện cho Việt Nam Cộng Hoà, bao gồm những thành viên có trách nhiệm trong Đệ I và Đệ II cộng Hoà, những thành phần đại diện cho các đảng phái quốc gia, các tôn giáo, v.v….Tổ chức này đòi hỏi ba khả năng: (1) khả năng giao tế rộng và ngôn ngữ thích hợp để  vận động các giới chức tại các quốc gia cần vận động, (2) khả năng tài chánh để gửi người đi vận động, nếu cần, và để trang trải những chi phí tổ chức, và (3) khả năng kiến thức về khoa học chính trị, luật pháp và các ngành chuyên môn khác. Tổ chức sẽ có hai sứ mạng: (1) Vận động cho việc thực thi các điều khoản của Hiệp Định Paris ký ngày 27 tháng 1, 1973; và (2) thiết lập mô hình tổ chức chính thể Miền Nam bao gồm những bước tiến từ (a) tổ chức bầu cử và ứng cử cho chính phủ lâm thời và quốc hội lập hiến, đến (b) mô thức đi đến chính phủ dân cử thực thụ cho Miền Nam.

Muốn hoàn thành tổ chức đại diện cho Việt Nam Cộng Hoà nhằm thực thi hai sứ mạng vừa nói trên, trước tiên cần có một nhóm nòng cốt tập họp lại để hoạch định kế sách nối kết những thành viên cho tổ chức chính thức. Kế hoạch nối kết cần dựa trên ba tiêu chuẩn khả năng mà tổ chức đòi hỏi như được đề cập ở phần trên.

Với những sơ xuất tất nhiên hẳn phải có vì sự hiểu biết hạn hẹp, tác giả bài này xin tạm đề nghị các thành phần sau đây xung phong thành lập nhóm nòng cốt :

  1. Đại diện chính phủ Việt Nam Cộng Hoà
  2. Đại diện Cựu quân nhân
  3. Đại diện Hội Cựu tù Nhân Lương Tâm
  4. Đại diện cựu tù nhân chính trị
  5. Đại diện Người Bảo Vệ Nhân Quyền
  6. Đại diện Tập Hợp Quốc Dân Việt
  7. Đại diện Khối Tự Do Dân Chủ 8406
  8. Đại diện các chuyên gia
  9. Đại diện cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại
  10. Đại diện Phật giáo
  11. Đại diện Tin Lành
  12. Đại diện Công giáo
  13. Đại Diện Cao Đài
  14. Đại diện Hoà Hảo
  15. Đại diện các đảng phái quốc gia
  16. Đại diện Hội Luật Gia Việt Nam, California
  17. Đại diện các tổ chức Xã hội dân sự
  18. V.v…

Như đã nói trên, vì sự thiếu sót do kiến thức hạn hẹp, xin quý vị thức giả miễn thứ cho nếu đề nghị các thành phần trên đây có điều gì lầm lỗi. Danh sách này chỉ có giá trị gợi ý. Và dĩ nhiên nhóm nòng cốt sẽ vẫn phải được nới rộng hay thu hẹp tuỳ thuộc sự hiểu biết và đề nghị của các thành viên khởi sự nhóm nòng cốt, trước khi xúc tiến kế hoạch nối kết với các quý vị khác để thành lập TỔ CHỨC VẬN ĐỘNG THỰC THI HIỆP ĐỊNH HOÀ BÌNH BA-LÊ 1973 VÀ THIẾT KẾ THỂ CHẾ DÂN CHỦ CHO MIỀN NAM VIỆT NAM. Điều quan trọng là cần có người khởi xướng đầu tiên. Trong số những thành phần đề nghị ở trên, hay từ những thành phần khác, thế nào cũng có vị ý thức được tình trạng khẩn trương, nguy khốn của đất nước và sẵn sàng xung phong ra kêu gọi các quý vị khác thành lập nhóm nòng cốt.

Một yếu tố hết sức quan trọng trong việc thành lập tổ chức là vấn đề phá hoại và chia rẽ. Vấn đề này xảy ra trong hầu hết các tổ chức của người Việt quốc gia tại hải ngoại. Phá hoại và chia rẽ có thể là do cộng sản thẩm nhập, có thể là do tranh chấp, hoặc do “chụp mũ” không có bằng chứng. Các phương tiện truyền thông của người Việt tại hải ngoại cũng như của quốc tế đều thường xuyên nêu lên nhược điểm này tạo nên hoàn cảnh các tổ chức bị coi nhẹ hoặc bị khinh miệt, làm mất đi sự tin tưởng và hỗ trợ có thể có của các cơ quan, tổ chức quốc tế, cũng như của các quốc gia tự do. Dĩ nhiên là người Việt quốc gia không có phương tiện điều tra để đi đến kết luận phá hoại và chia rẽ là do cộng sản, hay tranh chấp, hoặc chụp mũ một cách mù quáng. Tuy nhiên, trong tiến trình lập kế hoạch tạo dựng tổ chức, nếu các thành viên luôn luôn dựa trên (1) khả năng cần có của tổ chức và (2) sứ mạng của tổ chức như đã được trình bày ở phần trên làm tiêu chuẩn cho mọi thảo luận và hành động, và trong trường hợp nếu có thành viên nào đi ngược lại những tiêu chuẩn này thì phải bị loại ra khỏi tổ chức với đa số phiếu (50%+1) của ít nhất là hai phần ba (2/3) thành viên hiện diện trên tổng số các thành viên. Dĩ nhiên là khả năng và sứ mạng của tổ chức cần phải được tất cả mọi thành viên (100%) của nhóm nòng cốt đả thông và thông qua trước.

Philadelphia, ngày 28 tháng 4 năm 2018
Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

________________________________

THAM KHẢO

1Theo Giòng Bách Việt.

2Chuyển ngữ Chương V, Điều 15 và 19 từ tài liệu củaWikisource, the Paris Peace Accords.

3World, “US Admiral warns: Only war can now stop Beijing controlling the South China Sea”,  Apr.23, 1973.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.