CHIẾN DỊCH BÌNH MINH

Trích Tác Phẩm Trận Chiến Tình Báo Phản Tình Báo Giữa VNCH/CIA và Tổng Cục 2 Tình Báo Cộng Sản Hà Nôi. [Trang 628-634]

 

9 giờ 15 tối ngày 5-5-1972, tại phòng hội BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế, thành phần tham dự gồm có:

– Chỉ huy Trưởng CSQG/Thừa Thiên-Huế, kiêm Tổng  thư ký điều hành Ủy Ban Phượng Hoàng: Đại Úy Liên Thành

– CHP/ CSQG/Thừa Thiên-Huế: Đại Úy Trương Văn Vinh

– Trưởng Phòng CSĐB: Đại Úy Trương Công Ân

– Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga: Nữ Đại Úy…

– Trưởng Phòng Cảnh Sát Tư Pháp: Đại Úy Nguyễn Văn Ngôn

– Trung Tâm Trưởng TTHQ/Cảnh Lực, kiêm phụ tá Tổng Thư Ký Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh: Đại Úy Trần Văn Trinh

– Trưởng phòng Hành Chánh, tiếp liệu: Đại Úy Trần Văn Quế

– Trưởng Ban Nhân Viên: Trung Úy Phạm Thìn

– Trưởng ban An Ninh Nội Bộ: Trung Úy Lê Khắc Kỷ

– Đại Đội trưởng ĐĐ/CSDC: Đại Úy Trần Văn Tý

– Trưởng ban Tuần tiễu Hỗn hợp: Đại Úy Đoàn Đích

– Biệt Đội Trưởng BĐ Hình Cảnh: Trung Úy Văn Hữu Tuất.

– Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Giang Cảnh: Đại Úy…

– Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn: Trung Úy Hồ Lang

– Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tạm giam: Trung Úy Trần Văn Hồng

– Trưởng Ban Hoạt Vụ: Thiếu Úy Dương Văn Sỏ

– CHT Quận I, phụ tá CSĐB: Đại Úy Lê Khắc Vấn

– CHT Quận II, Phụ tá CSĐB: Đại Úy Ngô Trọng Thành

– CHT Quận III, Phụ tá CSĐB: Trung Úy Phạm Cần

– CHT Quận Phong Điền và PT/CSĐB: Đại Úy Trần Thế Hiển

– CHT Quận Quảng Điền và PT/ CSĐB: Đại Úy Trần Đức Tuất

– CHT Quận Hương Điền,Phụ Tá CSĐB: Đại Úy…

– CHT Quận Hương Trà, PT/ CSĐB: Đại Úy Lê Văn Phi

– CHT Quận Nam Hòa, PT/ CSĐB: Đại Úy Dương Phước Tấn

– CHT Quận Hương Thủy, PT/ CSĐB: Đại Úy Phạm Bá Nhạc

– CHT Quận Phú Vang, PT CSĐB: Đại Úy Nguyễn Văn Hướng

– CHT Quận Phú Thứ, PT/ CSĐB: Đại Úy Lê Văn Thiện

– CHT Quận Vinh Lộc, PT/ CSĐB: Đại Úy Tôn Thất Trang

– CHT Quận Phú Lộc, PT/ CSĐB: Đại Úy Nguyễn Văn Toàn

– Đại Úy Dụng đại diện Ty An Ninh Quân Đội Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.

– Trung Úy Lợi, Đại diện Phòng 2 và Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Thừa Thiên tại Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh.  

Về phía phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ gồm có:

– Thiếu Tá Cố Vấn chương trình Phụng Hoàng Tỉnh.

– Đại diện văn phòng cố vấn CSĐB.

– Cố vấn Đại đội CSDC.

– Cố Vấn Trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.

Mở đầu buổi họp là phần thuyết trình diễn biến tình hình chiến sự của hai mặt trận phía Bắc và phía Tây Thành phố Huế, do Đại Úy Trinh, Trung Tâm trưởng TTHQ/Cảnh Lực trình bày. Kế tiếp, Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng phòng CSĐB trình bày kế hoạch và khả năng của địch trong âm mưu phát động cuộc Tổng Nổi Dậy tại Thành phố Huế trong những ngày sắp đến.

Phần tôi, tôi thông báo cho mọi đơn vị trưởng biết quyết định của Bộ Chỉ Huy Tỉnh, trong phiên họp hồi chiều là mở cuộc Hành Quân rộng lớn, bắt giữ tất cả các thành phần nòng cốt, hạ tầngg cơ sở địch trong toàn tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, để chận đứng cuộc Tổng Nổi Dậy của bọn chúng. Ngoài ra,  thành phố phải được kiểm soát thật chặt chẽ, đề phòng các toán tiền phương đặc công Việt cộng xâm nhập, bất thần tấn công các cơ sở quan trọng của chính quyền như: Trung Tâm Cải Huấn(nhà lao Thừa Phủ), Tòa Hành Chánh Tỉnh, đài Phát Thanh, đài Truyền hình, Ty Ngân khố, Ty Bưu điện, các trụ sở phát tuyến hệ thống phát thanh ra miền Bắc của các đài Tiếng Nói Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc, và nhất là đặc công thủy, có thể đặt chất nổ phá sập 3 cây cầu quan trọng đó là cầu Bạch Hổ, cầu Mới và cầu Tràng Tiền. Vì thế trách nhiệm của chúng ta, lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế trong giờ phút này hết sức nặng nề, chúng ta phải đối phó hai mặt:

– An ninh trong thành phố.

– Ngăn chận cuộc Tổng Nổi Dậy.

Vì vậy tôi có ý định xử dụng khoảng 3000 nhân viên vào hai công tác này và được phân chia như sau:

 – Đại Đội 102 Cảnh Sát Dã Chiến có 10 trung đội, quân số vào khoảng 500 người (không giống như cấp số của quân đội).

– 1/ Trung đội tăng cường cho Cảnh Sát sắc phục tại các nút chận cửa ngõ ra vào thành phố như: An Hòa, Bao Vinh, Đập Đá, Chợ Cống, An Cựu, Nam Giao, Cầu Lòn.

– 2/ Trung đội tăng cường canh giữ các yếu điểm quan trọng trong thành phố.

– 3/ Trung đội tăng cường cho phòng CSĐB yểm trợ cho cuộc Hành Quân.

Các trung đội còn lại là lực lượng trừ bị sẵn sàng ứng phó mọi biến động xảy ra trong thành phố và nhất là trấn áp các cuộc biểu tình bạo động.

Đơn vị 102 CSDC, đặt dưới quyền chỉ huy và điều động của Đại Úy Trần Văn Tý, Đại đội trưởng, và đại đội phó Đại Úy Bác Sĩ  Chung Châu Hồ (Bác sĩ Hồ xuất thân Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, ra trường phục vụ tại BCH/CSQG Thừa Thiên. Đại đội phó 102 CSDC, anh ta học y khoa tại Đại Học Y Khoa Huế, rất hiếu học, vì thế tôi giúp anh ta có thì giờ học hành, mặc dầu đã tốt nghiệp Bác Sĩ, nhưng anh ta vẫn làm đại đội phó 102 CSDC).

Tôi lưu ý Đại Úy Trần Văn Tý, với tình hình hiện tại nếu có biểu tình bạo động xảy ra, thì đó là cuộc biểu tình của đám cơ sở nội thành Việt cộng, vì thế phải đàn áp thật mạnh và dập tắt tức thời, những ai chống lại bằng vũ khí, cho lệnh nổ súng bắn trả ngay, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về lệnh này.

– Đơn vị Biệt Đội Hình Cảnh. Trung Úy Văn Hữu Tuất, Biệt Đội Trưởng.

– Đơn vị Tuần tra Hỗn Hợp. Đại Úy Đoàn Đích chỉ huy.

Trong 2 ngày nay đã có những vụ cướp giựt trên đường phố, và trộm cắp tài sản của nhiều gia đình đã chạy giặc vào Đà Nẵng. Để bảo vệ an ninh và tài sản của đồng bào, hai đơn vị trên phải phối hợp chặt chẽ, truy bắt hết bọn bất lương này, giao cho phòng Tư Pháp, đợi tình hình ổn định, lập thủ tục truy tố bọn chúng ra tòa.

– Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt. Nỗ lực chính của Chiến dịch Bình Minh. Xử dụng 1200 nhân viên CSĐB, tăng cường 100 Cảnh Sát Dã Chiến yểm trợ, và 400 nhân viên Cảnh Sát Sắc Phục yểm trợ lục soát và lập biên bản theo đúng thủ tục luật pháp quy định. Lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Trương Công Ân, Trưởng Phòng cảnh Sát Đặc Biệt.

Tôi lưu ý với các cấp chỉ huy hiện diện trong phiên họp:

Tình hình Huế mỗi giờ mỗi trầm trọng, cơ quan Tỉnh Ủy và Thị Ủy Việt cộng sẽ phát động cuộc Tổng Nổi Dậy cướp chính quyền tại Huế bất cứ giờ nào, kể từ ngày mai 6-5-1972, vì vậy chúng ta cần phải ra tay trước thật nhanh, mạnh mẽ và quyết liệt. Bất kỳ ai, dù họ là cấp nào, giới chức nào, tôn giáo hay phe phái nào, đã nằm trong danh sách đều phải bị bắt giữ. Tất cả phải được giải giao về trại tạm giam và trung tâm thẩm vấn.

Trung Úy Hồng, trại trưởng Tạm Giam và Trung Úy Nguyễn Thế Thông, Trung tâm Trưởng Trung Tâm Thẩm vấn, phối hợp lập hồ sơ thật nhanh, chờ phương tiện di chuyển họ ra Côn Sơn.

Tôi cũng tiên liệu rằng, trong thời gian cuộc hành quân đang tiếp diễn, hoặc sau khi chấm dứt, chúng ta sẽ gặp rất nhiều chống đối, bôi nhọ, vu khống của những phe phái đối lập, tôn giáo, và ngay cả những cơ sở Việt cộng nằm trong cơ quan lập pháp của Chính Phủ VNCH, v.v… Mọi hậu quả, với tư cách là người chỉ huy, tôi nhận lãnh trách nhiệm. Vì vậy  tôi đã ký khống chỉ gần 2000 lệnh bắt giữ, chốc nữa đây Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB sẽ giao cho anh em chỉ huy trưởng quận. Đây là lệnh của tôi, của Chỉ Huy Trưởng CSQG Thừa Thiên- Huế, bằng bút ký lệnh, bằng giấy trắng mực đen, chứ không bằng khẩu lệnh, anh em yên tâm thi hành. Tôi chỉ xin anh em một điều duy nhất:

– Cũng như tôi, hãy đem danh dự, tuổi trẻ, và tâm hồn trong sáng của một sĩ quan Quân lực VNCH, của một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, thi hành nghiêm chỉnh lệnh thượng cấp giao phó. Đừng đem tư thù, hoặc quyền lợi nhỏ nhen cá nhân mà vu khống, chụp mũ, bắt người vô tội. Nhớ kỹ: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Gieo oan ức cho kẻ khác, cho dù anh em thuộc tôn giáo nào, cũng phải tin rằng, nếu đời này ta không trả món món nợ oan nghiệt đó, thì đời sau con cháu chúng ta sẽ phải trả nặng gấp bội phần.

Tôi nhắc lại:

– Bất kỳ cấp nào vi phạm những điều tôi vừa nêu trên, ngay lập tức sẽ bị câu lưu và truy tố ra tòa.

– Ngày N của chiến dịch Bình Minh là ngày mai: 6-5-1972.

– Giờ G là 6 giờ sáng.

Một lực lượng Đặc nhiệm được thành lập để truy bắt Trung Tá Việt cộng Hoàng Kim Loan gồm có:

– 20 nhân viên CSĐB

– 30 nhân viên CSDC yểm trợ

Tôi trực tiếp chỉ huy, Đại Úy Ân trưởng phòng CSĐB, Thiếu Úy Dương Văn Sỏ trưởng ban Hoạt Vụ, phụ tá.

– Giờ xuất phát của lực lượng đặc nhiệm là G -2 tức 4 giờ sáng ngày 6-5-1972.

Sở dĩ tôi chọn 4 giờ sáng, 2 giờ trước chiến dịch Bình Minh khai diễn là để khỏi bị động, tên này có thể chạy thoát.

Phiên họp Hành Quân chấm dứt vào lúc 11 giờ 20 tối. Các Chỉ Huy truởng và phụ tá Đặc biệt lần lượt lên trực thăng trở về nhiệm sở.

Các đơn vị trưởng khác không cần điều động đơn vị đều đựơc giữ lại BCH, để  khỏi bị tiết lộ tin tức hành quân. Tất cả đều dùng cơm khuya tại Câu lạc Bộ của BCH.

KẾT QUẢ:

– 4 giờ 54 phút sáng ngày 6-5-1972, Trung Tá Việt cộng Hoàng Kim Loan, Thành Ủy viên Thành Ủy Huế –  Bị Lực Lượng Đặc Nhiệm BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế bắt sống tại Vỹ Dạ.

Diễn tiến hành động:

Từ nhiều ngày nay, các toán theo dõi đã bám sát mục tiêu Hoàng Kim Loan, và gần nhất ghi nhận:

– Ngày 2-5-1972 hắn di chuyển đến nhà tên Lê Vân, cơ sở nội thành, nhà nằm trên khu thượng thành, gần cửa Thượng Tứ.

– Ngày 3-5-1972 di chuyển ra ở khách sạn Hương Bình ngay tại đường Trần Hưng Đaọ đối diện với vườn hoa Nguyễn Hoàng, đóng vai làm bồi phòng khách sạn. Khách sạn Hương Bình là cơ sở kinh tài của cơ quan Thành Ủy Huế.

– Ngày 4-5-1972, di chuyển đến tiệm ảnh Lê Quang cũng ở đường Trần Hưng Đại, tại đây còn có một hầm bí mật trong nhà.

– Sáng ngày 5-5-1972, Hoàng Kim Loan di chuyển đến nhà Lê Phước Á, giáo sư trường Trung Học Nguyễn Du, Lê phước Á có vợ là Huyền Tôn Nữ Kim Cương. Cả hai vợ chồng đều là cơ sở Trí Vận của Hoàng Kim Loan.

Đây là địa điểm cuối cùng, hắn chọn nơi đây làm BCH  điều khiển cuộc Tổng Nổi Dậy. Hắn là người Cộng sản nên không tin vào tướng số, phong thủy, hắn đã chọn đúng tử địa chui vào, và gặp ngay khắc tinh của hắn là tôi, có lẽ số hắn đã tận.

 

 

 

 

 

 

 

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.