Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
1. Kiến thức về hoàn cảnh của xung đột, về đối thủ, và về xã hội
Những người đang sống dưới nền cai trị độc tài hoặc những hình thái áp bức khác thì thường đã có sẵn một kiến thức khá lớn về hệ thống mà họ đang ở trong đó. Do đó họ có được một phần nào tiềm năng của sức mạnh. “Tiềm Năng của Sức Mạnh” ở đây là muốn nói đến những phẩm chất, những tài nguyên, và những khả năng mà, một khi đã được huy động và áp dụng, có thể làm cho nhóm người này có khả năng thi thố sức mạnh đáng kể trong một cuộc xung đột.
Những câu hỏi sau đây có thể hữu ích trong việc làm sáng tỏ loại kiến thức này:
- Những vấn đề đặt ra trong cuộc xung đột này là gì?
- Những vấn đề này quan trọng đến mức nào đối với mỗi bên?
- Những vấn đề này, hay là cường độ dấn thân vào những vấn đề này có đã biến đổi theo thời gian hay không?
- Mỗi bên thấy dễ hoặc khó đến mức độ nào khi phải nhượng bộ bên kia?
- Các nhượng bộ khả dĩ chấp nhận được có lợi hay có hại cho những người đối kháng chống lại áp bức?
- Có thể nào dân chúng đối kháng có phương cách huy động thêm những người khác hay nhóm người khác tham gia vào cuộc đấu tranh cho những vấn đề này không?
- Làm sao sử dụng những vấn đề thực tế để xúc tiến động viên đối kháng, để làm teo đi sự ủng hộ đối thủ, và để chuyển đổi sự trung thành trong hàng ngũ đối phương và các thành phần thứ ba?
Những người lưu vong có thể phần nào thiếu kiến thức này, mặc dù họ có thể có những ưu điểm khác. Họ có thể có thông tin và những nhận thức mà những người sống trong xã hội đó không có.
Khi thẩm định hiện tình quốc nội thì soạn thảo một bảng thẩm định về những sức mạnh tuyệt đối và sức mạnh đối chiếu của hệ thống áp bức và của phong trào dân chủ hiện tại và có thể có trong tương lai, là một việc làm có thể hữu ích. Đối thủ mạnh ở chỗ nào và yếu ở chỗ nào? Đối kháng mạnh ở chỗ nào và yếu ở chỗ nào? Điều này có thể làm được bằng cách thực hiện một phỏng định chiến lược.
Phỏng định chiến lược được cắt nghĩa trong những sách đọc sau đây:Waging Nonviolent Struggle, [Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động] tt. 525-545; Robert L. Helvey, On Strategic Nonviolent Conflict, [Về Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược] tt. 47-62, và 154-155. Số trang: 39. Tổng số trang cho đến điểm này: 65.
Tuy nhiên, khi đưa ra một phỏng định chiến lược thì cần phải thận trọng đừng để các thành viên trong nhóm lập kế hoạch bị ám ảnh bởi những chi tiết của phỏng định chiến lược mà bỏ quên những nhân tố quan yếu của toàn cảnh.
Điểm chính yếu là phải biết được những ưu điểm cũng như những nhược điểm của cả hai bên, các cội nguồn của sức mạnh của họ, và những tác dụng có thể có khi sử dụng sức mạnh này của cả hai bên trong một cuộc xung đột công khai. Những ưu điểm và nhược điểm này của hai bên đối chiếu với nhau thì như thế nào? Và, làm thế nào để có thể thay đổi được những ưu điểm và những nhược điểm này của cả hai bên?
Rõ ràng là nên biết trước các phương tiện đàn áp bạo động và những khống chế mà đối thủ có thể áp dụng để cố chặn đứng bất hợp tác và thách thức. Cần cân nhắc các dữ kiện này khi lập kế hoạch cho cuộc xung đột tới.
Đôi lúc một chế độ áp bức, khi đối diện với sự đối kháng mạnh mẽ, có thể giáng xuống những đòn đàn áp và hung bạo cùng cực. Cũng phải nên cân nhắc những biện pháp phản công về tâm lí, kinh tế, và chính trị mà đối thủ có thể sử dụng. Khả năng và sự sẵn sàng của quần chúng đối kháng có kiên trì trong cuộc đấu tranh giải phóng dù bị đàn áp hay không, và những phản công khác của đối thủ cũng cần phải được thẩm định.
2. Kiến thức sâu sắc về bản chất và cách vận hành của kỹ thuật hành động bất bạo động
Kỹ thuật bất bạo động này thường được hiểu một cách thô sơ và không đầy đủ. Nhiều người có những tiên kiến sai lầm về kỹ thuật này. Họ có thể tin là họ hiểu nó rõ ràng, nhưng thực tế thì thường thường rất khác.
Theo một vài cách nào đó thì đấu tranh bất bạo động rất đơn giản. Theo một vài cách khác thì kỹ thuật này lại hết sức phức tạp. Đòi hỏi cần phải có một sự hiểu biết cao hơn là sự hiểu biết sơ đẳng về hiện tượng này thì mới có thể lập được chiến lược khôn ngoan và có hiệu quả. Không ai có thể lập được một đại chiến lược khôn ngoan đặt nhiều tin cậy vào việc sử dụng đấu tranh bất bạo động, và những chiến lược cho các chiến dịch cục bộ cá biệt, mà trước đó không hoàn toàn thông hiểu kỹ thuật này.
Sự thiếu sót phổ quát về kiến thức hiện hữu và về sự thông hiểu kỹ thuật này có nghĩa là các nhóm người hay những người thừa nhận sự hữu ích có thể có được của đấu tranh bất bạo động không nên hấp tấp đi vào hành động mà chưa nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị khôn ngoan.
Họ cũng không nên tham gia ngay vào việc thiết lập một đại chiến lược cho cuộc đấu tranh toàn diện, hoặc những chiến lược cá biệt cho những chiến dịch cục bộ có giới hạn. Thừa nhận mình không biết có thể rất có ích ở chỗ mình khỏi lâm vào cảnh đưa ra những giả định khờ khạo và nguy hiểm có thể đưa đến khó khăn hay tai hoạ.
Hầu như là đâu đâu cũng khan hiếm sự hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật này. Hiện tượng này chỉ mới bắt đầu được sửa sai qua những ấn phẩm bằng Anh ngữ trong một vài thập niên mới đây mà thôi.
Mặc dù chưa được hoàn hảo, đa phần kiến thức và sự hiểu biết cần dùng sẵn có, đòi hỏi để tham gia vào việc lập kế hoạch chiến lược nay đã tìm thấy trong những công trình nghiên cứu được ấn hành bằng Anh ngữ. Kiến thức này thì hiếm hơn trong các ngôn ngữ khác. Hơn nữa, tương đương hoàn toàn về từ ngữ trong các ngôn ngữ khác hầu như là không bao giờ có được. Các ý niệm và từ ngữ trước đây rất thiếu thốn hoặc không có ngay cả trong các nghiên cứu bằng Anh ngữ. Tình trạng này đã làm cho việc dịch thuật tài liệu hiện có từ tiếng Anh sang các thứ tiếng khác trở nên khó khăn hơn.
Những nỗ lực nhằm thủ đắc kiến thức và sự hiểu biết mới về đấu tranh bất bạo động đã đòi hỏi và sản xuất ra các từ mới cũng như đưa đến việc duyệt xét lại các định nghĩa.1Những điều này đã làm cho việc chuyển đạt các ý niệm và ý tưởng then chốt khả dĩ tiến bộ hơn.2 Những bản dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau của một số từ then chốt và của một vài sách quan trọng có thể tìm thấy trên mạng của Viện Albert Einstein.3
Hầu hết các sách đọc về hành động bất bạo động đề nghị ở đây đều do cùng một tác giả duy nhất trước tác. Tiếc rằng đó là thực tế, và rằng lãnh vực đấu tranh bất bạo động đã chưa được nghiên cứu đầy đủ và cân nhắc một cách thoả đáng. Sự lựa chọn các sách đọc, tuy vậy, đã được thực hiện dựa trên nội dung chứ không phải dựa vào người trước tác. Những công trình nghiên cứu tương đương do những tác giả khác đề cập đúng cùng một nội dung thì chưa tìm thấy. Những nghiên cứu quan trọng khác hiện có về hành động bất bạo động mà không được liệt kê ở đây có thể hữu ích sau này như là những sách đọc bổ túc.
Việc chọn lựa các sách đọc đề nghị ở đây được thực hiện dựa trên giả định là độc giả chủ yếu có ý muốn sau này có thể áp dụng kỹ thuật này vào việc chống độc tài. Tuy nhiên, như có nói trước đây là những sách đọc này còn có thể hữu ích cho việc đối đầu với những xung đột khắc nghiệt khác, đặc biệt là những xung đột nhằm thay thế áp bức xã hội và kinh tế bằng những chính sách và thể chế công bằng hơn.
Cung cấp một tài liệu học tập có hướng dẫn vào một thời điểm mà người ta nghĩ rằng họ đã sẵn sàng hành động thì thật là gây rối trí, ngay cả phiền toái, cho họ. Đó là một phản ứng chung thường được quan sát lặp đi lặp lại nhiều lần.
Những người từng suy nghĩ về việc sử dụng đấu tranh bất bạo động trong tương lai thường cho rằng họ đã thông hiểu giải pháp này một cách đầy đủ và do đó thấy không có nhu cầu phải tốn thì giờ đọc thêm. Điều đó hầu như là không bao giờ đúng như vậy.
Một thái độ và thói quen như thế, trong trường hợp tốt nhất, thì sẽ là toa thuốc đưa đến thiết kế chiến lược thiếu sót, và, trong trường hợp xấu nhất, thì sẽ là điềm báo trước thảm hoạ.
Hỗ trợ từ bên ngoài?
Có vài người từng thừa nhận là thiếu kiến thức sâu về đấu tranh bất bạo động đã xoay qua người ngoài để nhờ hướng dẫn họ cần phải làm gì. Họ có thể tìm được những cá nhân hay nhóm người sốt sắng cố vấn và sẵn sàng giúp đỡ.
Tuy nhiên, nhận những giúp đỡ này có thể đôi khi lại cũng nguy hiểm như là quyết định làm thế nào để xúc tiến một cuộc xung đột như thế mà không hiểu sâu về đấu tranh bất bạo động. Nhân lực từ bên ngoài không thể có được kiến thức thiết thực về hoàn cảnh của cuộc xung đột, và về hoàn cảnh chính trị hiện hành, cũng như về bối cảnh lịch sử. Người từ bên ngoài có thể ngay cả không hiểu thấu đáo đấu tranh bất bạo động. Sự hướng dẫn mà họ cung cấp có thể không được khôn ngoan, và có tiềm năng đưa đến thất bại và tổn thất nặng nề.
Thêm vào đó, sự hỗ trợ từ bên ngoài không có khả năng tăng cường tự lập. Những người nhận sự cố vấn từ bên ngoài để giải quyết khó khăn của họ sẽ vẫn phải lệ thuộc vào người khác để giải quyết những vấn đề của chính mình.
Hơn nữa, sự hướng dẫn do người ngoài cung cấp có khi lại chủ yếu được thúc đẩy bởi sự mong ước được đạt những mục tiêu của chính nhóm bên ngoài đã cố vấn, thay vì những mục tiêu của người dân đang đối diện với áp bức. Đôi khi, nhờ người ngoài hướng dẫn về những gì những người đối kháng cần phải làm có thể đưa đến kết quả là đánh mất sự kiểm soát cuộc đấu tranh cho người ngoài. Cố vấn sai lầm và hời hợt có thể gây nên tai hại lớn.
Có thể xảy ra sự kiện là những người bên ngoài đề nghị giúp đỡ một nhóm đấu tranh bất bạo động cũng còn đề nghị giúp tiền bạc cho những người đối kháng thường xuyên gặp khó khăn về tài chánh. Cần cân nhắc hết sức cẩn thận những trường hợp như vậy.
Sự hỗ trợ về tài chánh như thế thường có thể được cung cấp bởi những cá nhân, các tổ chức, hay là các cơ quan tình báo. Sự hỗ trợ về tài chánh sau này có thể được khám phá ra là có liên quan đến những khống chế thuộc loại này hay loại khác. Nếu chấp nhận những khống chế này thì những người đối kháng sẽ mất đi khả năng quyết định con đường hành động của mình. Nếu không chấp nhận những khống chế đó thì hỗ trợ tài chánh có thể bị cắt đứt. Nếu hỗ trợ tài chánh là do một cơ quan tình báo cung cấp thì những thay đổi chính sách của chính quyền bảo trợ có thể đưa đến sự chấm dứt tài trợ một cách đột ngột.
Thêm vào đó, hồ sơ những “trò chơi bẩn” xấu xa nhất trong quá khứ liên quan đến một cơ quan tình báo và chính phủ của cơ quan này làm cho bất cứ những liên hệ nào với họ bởi một phong trào giải phóng dân chủ sẽ bị nghi ngờ là thiếu khôn ngoan và làm gia tăng gấp bội khả năng phong trào bị công kích. Những phát hiện là những người đối kháng được tài trợ bởi một cơ quan tình báo có thể làm nhơ nhuốc phong trào một cách tệ hại và đóng góp vào việc làm mất thanh danh của những người đối kháng như là công cụ của một chính quyền ngoại bang thù địch. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với công việc của phong trào đối kháng nhận lãnh tài trợ.
Những thực tế này làm cho việcGandhi cảnh báo mạnh mẽ những người đối kháng là không nên lệ thuộc vào hỗ trợ tài chánh từ bên ngoài dễ hiểu hơn.
Đi tìm kiến thức có chiều sâu
Cố gắng lập kế hoạch cho những chiến lược cho một cuộc đấu tranh bất bạo động trong tương lai mà không có một quá trình và kiến thức đầy đủ thì cũng giống như một sinh viên trẻ hăng hái đi vào một phòng thí nghiệm hoá học, pha trộn hỗn độn các nguyên tố và các hợp chất xa lạ lại với nhau mà không hề học hỏi các sách vở về hoá học trước. Không có một kiến thức sâu về hoạt động bất bạo động mà khuyến cáo một đường lối hành động thì có lẽ sẽ gây phương hại lớn lao cho phong trào.
Cần phải có một lời thề tương đương như lời thề Hippocrate trong y khoa cho những nỗ lực phổ biến kiến thức về đấu tranh bất bạo động: Trước tiên, đừng gây hại. Muốn lưu ý đến lời cảnh báo này thì cần phải biết cái gì phương hại đến việc áp dụng đấu tranh bất bạo động.
Muốn đáp ứng nhu cầu của sự hiểu biết sâu về hành động bất bạo động thì cần phải đặc biệt chú trọng đến việc tra cứu những xét định sẵn có về kỹ thuật này. Các sách đọc được chỉ định sau đây đã được chọn lọc cho việc học tập theo một trình tự đề nghị chính xác. Tự chọn lựa lấy trong số sách này, thay đổi trình tự các sách đọc, thay thế những sách khác vào, hay nhảy vọt, bỏ không đọc một sách nào đó là một điều không khôn ngoan. Sau này, đọc thêm các sách khác có thể hữu ích, nhưng bây giờ thì không. Trừ phi có ghi chú khác đi, những sách này đều do Gene Sharp trước tác.
Các sách đọc vỡ lòng
Về phân tích những chỗ yếu của độc tài đối với đối kháng bất bạo động thì đọc “Facing Dictatorships with Confidence” [“Đối Diện Độc Tài Bằng Tự Tin”] trong cuốn Social Power and Political Freedom [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị], tt. 91-112. Số trang: 22.
Dẫn luận ngắn gọn về hành động bất bạo động ở trong: “There Are Realistic Alternatives,” [“Có Những Giải Pháp Thay Thế Thực Tiễn”] tt. 1-45. Số trang: 45.
Muốn tìm hiểu những phương thức để giải quyết độc tài thì đọc “From Dictatorship to Democracy,” [Từ Độc Tài Đến Dân Chủ] tt. viii-x, 1-90. Số trang: 90.
Các sách đọc trung cấp
Phân tích sức mạnh của hành động bất bạo động ở trong: Robert L. Helvey, On Strategic Nonviolent Conflict, [Về Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược] tt. ix-xii, 1-45, và 64-81. Số trang: 63.
Thêm tài liệu về hành động bất bạo động trong những cuộc xung đột: Waging Nonviolent Struggle, [Tiến Hành Tranh Bất Bạo Động]tt. 13-67, 359-432. Số trang: 129. Tổng số trang cho đến chỗ này là: 414.
Các sách đọc để lập kế hoạch chiến lược và chọn phương pháp
Để đẫn nhập vào việc lập kế hoạch chiến lược, duyệt lại The Politics of Nonviolent Action, [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động]tt. 492-496; đọc: Waging Nonviolent Struggle, [Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động] tt. 433-447; Helvey, On Strategic Nonviolent Conflict, [Về Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược] tt. 82-93. Số trang: 32.
Về cách cắt bỏ các nguồn sức mạnh thì đọc:The Politics of Nonviolent Action, [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động] tt. 11-12 và 744-757. Số trang: 16.
Về việc tái phân phối quyền lực chính trị thì đọc:Waging Nonviolent Struggle, [Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động] tt. 424-432. Số trang: 9.
Hướng dẫn soạn thảo kế hoạch chiến lược có ở trong The Politics of Nonviolent Action, [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động] tt. 496-512; và Waging Nonviolent Struggle, [Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động] tt.433-515. Số trang: 100.
Để thảo luận làm thế nào nhổ tận gốc áp bức mà tổn thất tối thiểu và hiệu quả tối đa thì đọc:Social Power and Political Freedom, [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị] tt. 161-179. Số trang: 19.
Về sự quan trọng của những tổ chức phi chính phủ thì đọc Social Power and Political Freedom, [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị] tt. 21-67. Số trang: 47.
Muốn phân tách mối tương quan giữa kỹ thuật đấu tranh và cơ cấu xã hội thì đọc Social Power and Political Freedom, [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị] tt. 309-379. Số trang: 71.
Để thảo luận thêm các khía cạnh của hành động bất bạo động thì đọc On Strategic Nonviolent Conflict, [Về Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược] tt.94-132. Số trang: 39. Tổng số trang cho đến chỗ này là: 747.
Các sách đọc này có thể cung cấp sự hiểu biết rất hữu ích sau này cho việc lập kế hoạch đấu tranh chống lại những đối thủ đã cố thủ vững chắc. Những đối thủ này thường khó mà buông rơi quyền quản lý và thống trị của họ mà không chiến đấu. Hành động khôn ngoan có thông tin trong những hoàn cảnh như thế này sẽ gia tăng xác xuất đạt được thành công, đồng thời giảm thiểu được tổn thất.
Giả dụ những kế hoạch đối kháng, ít nhất cũng là một phần nào của kế hoạch, đang được thiết lập, dựa trên cơ sở phỏng định chiến lược. Trong lúc một cuộc xung đột bất bạo động lớn đang diễn ra thì cả sức mạnh tiềm năng lẫn sức mạnh thực thụ đã được huy động của cả hai bên chắc chắn sẽ thay đổi. Do đó đòi hỏi cần phải có một sự chú ý mới về sự cân bằng lực lượng của các đối thủ. Khi sức mạnh thực thụ của một hay cả hai bên đã thay đổi thì thực hiện một phỏng định chiến lược mới có thể sử dụng trong việc lập những kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp của cuộc xung đột là một việc làm khôn ngoan.
Đấu tranh bất bạo động khôn ngoan có lẽ sẽ đạt được giải phóng hơn là những phương tiện khác bởi vì áp dụng kỹ thuật này thường phân tán sức mạnh có hiệu quả ra khắp cả xã hội. Sự phân tán này xảy ra theo hai cách:
- Dân chúng trở nên kinh nghiệm về cách áp dụng loại hành động có thể sử dụng, với sự cẩn trọng, để chống lại bất cứ sự áp bức nào trong hiện tại cũng như trong tương lai.
- Áp dụng đấu tranh bất bạo động sẽ tăng sức mạnh cho, và giúp tạo nên, những tổ chức độc lập bên ngoài sự kiểm soát của Nhà Nước. Những tổ chức hay nhóm này có thể được gọi là những tụ điểm của sức mạnh, những “nơi” có sức mạnh và từ đó sức mạnh được áp dụng. Những tổ chức này khi cần đến có thể dùng như là những cứ điểm cho việc đối kháng có tổ chức. Những đối kháng và thách thức cá nhân có thể cao quý và anh hùng, nhưng đối kháng mang lại thành công trong việc dứt điểm độc tài đòi hỏi đối kháng và thách thức tập thể.
Tuy nhiên, ở đây cũng nên nhắc nhở là phải thận trọng. Một chiến lược có thể có được hiệu quả không phải tự động mà có chỉ vì nghiên cứu nhữngsách này. Những tuyển tập có trình tự này có thể rất hữu ích, nhưng chỉ những sách này không mà thôi thì không bảo đảm là độc giả sẽ có khả năng lập được những chiến lược khôn ngoan. Đòi hỏi cần phải có thêm cái gì khác.
3. Khả năng suy tư và lập kế hoạch một cách có chiến lược
Những ai có ý định muốn lập một kế hoạch khôn ngoan nhằm xoá bỏ áp bức thì cần phải gia tăng những khả năng của mình bằng những phương cách sau đây:
- Cần nghiên cứu những khuyến cáo về việc thiết lập kế hoạch các chiến lược.
- Cần tự suy nghĩ, và lập kế hoạch một cách khôn ngoan.
- Cần chuẩn bị để nhận lãnh trách nhiệm.
- Cần phát huy các khả năng suy tư một cách chiến lược và lập kế hoạch các chiến lược một cách thành thạo.
Nói cách khác, những người làm kế hoạch cần suy nghĩ làm sao nhóm có thể hành động như thế nào để những người đối kháng thực sự đóng góp được vào việc đạt những mục tiêu của họ. Tất cả những điều này cần phải được thực hiện trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chống lại những đối thủ độc tài hoặc thống trị đang có vẻ sẵn sàng và có khả năng đàn áp một cách ác độc.
“Suy tư một cách có chiến lược” có nghĩa là tính toán làm sao hành động cho thực tiễn theo những phương cách làm thay đổi được hoàn cảnh để cho việc đạt mục đích mong ước trở nên có thể dễ thực hiện hơn. Điều này rất khác việc chỉ khẳng định sự đáng ước mong của mục đích, hay khác việc chỉ tuyên bố đối lập với hệ thống hiện hành.
Tính toán làm sao để đạt cho được mục đích dài hạn bao gồm việc tính toán những hành động nào cần thực hiện mà có thể làm cho việc đạt mục đích mong ước xích lại gần hơn. Việc thiết lập kế hoạch cho một đại chiến lược dài hạn sẽ cần một sự chú ý sắc bén đến một số chiến dịch có giới hạn dự phóng cho tương lai của cuộc xung đột dài hạn.
Những kế hoạch này cần bao gồm các sự kiện là cuộc xung đột dài hạn sẽ được bắt đầu như thế nào, các hoạt động sẽ được phát triển như thế nào, và bằng cách nào những chiến lược phụ và những chiến dịch cá biệt dành cho các vấn đề có giới hạn có thể đóng góp vào việc rốt cuộc đạt được mục đích chính.
Suy tư chiến lược còn có nghĩa là phải học được cách làm thế nào để phản công lại những hành động của đối thủ hay của bất cứ những người hay nhóm người nào muốn cuộc đấu tranh bất bạo động thất bại.
Những cân nhắc chiến lược cơ bản: những nguồn sức mạnh của đối thủ
Lập kế hoạch chiến lược thực tiễn đòi hỏi khả năng nhận dạng được những nguồn sức mạnh của đối thủ, và xét định xem những người đối kháng có thể làm suy giảm hay cắt đứt sự cung ứng các nguồn này hay không, và nếu được thì bằng cách nào.
Tại Serbia, khi lập kế hoạch lật đổ độc tài Milosovic, Srdja Popovic và các cộng sự viên của ông đã chú trọng đến sáu nguồn sức mạnh chính trị được nhìn thấy ở bất cứ nhà cai trị nào.
Duyệt lại: The Politics of Nonviolent Action, [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động] tt. 11-12 vàtt.744-757. Không đọc thêm tài liệu.
Sáu nguồn sức mạnh được nhận dạng này là quyền hành (chính danh), nhân lực, ỹ năng và kiến thức, các nhân tố không nắm bắt được, vật lực, và chế tài. Việc cung cấp cho các nhà cai trị sáu nguồn sức mạnh này xảy ra được là nhờ sự hỗ trợ, sự giúp đỡ, sự tuân phục, và hợp tác của dân chúng và của các tổ chức trong xã hội. Những nhóm người và tổ chức cung cấp cho các nhà lãnh đạo các nguồn sức mạnh cần thiết này được Robert L. Helvey gọi là những “cột trụ chống đỡ”cho chế độ.
Những nhóm người và tổ chức này không bảo đảm là sẽ cung cấp các nguồn sức mạnh đó. Mức độ ủng hộ của họ luôn luôn biến đổi một phần nào, và có thể được cố ýlàm cho biếnđổi. Một khi những cột trụ chống đỡ trở nên không còn tin cậy được nữa, một khi họ làm teo lại hay ngay cả cắt bỏ việccung ứng sáu nguồn sức mạnh đó thì chế độ áp bức sẽ bị suy yếu. Nếu việc cung ứng các nguồn sức mạnh cần thiết bị cắt đứt thì chế độ áp bức có thể sẽ bị làm mất hết quyền lực và tan rã.
Những nhận thức này cùng với kinh nghiệm của Serbia cho thấy là nhân tố chính yếu trong việc thiết lập một đại chiến lược phải là sự thử thách xem mỗi chiến dịch đối kháng có làm suy yếu hay tăng sức mạnh của đối thủ. Điều này cũng được áp dụng vào việc đánh giá những chiến lược có thể có và những mục tiêu dành cho các chiến dịch có giới hạn.
Điều ngược lại ít nhất cũng có ý nghĩa tương tự: các nguồn sức mạnh của những người đối kháng có được tăng cường hay bị suy yếu đi sau mỗi chiến dịch có giới hạn?
Những người lập kế hoạch chiến lược cần phải cân nhắc những vấn đề này thật cẩn trọng.
Những cân nhắc chiến lược cơ bản: quân bình lệ thuộc
Các hành vi bất hợp tác xã hội, kinh tế, và chính trị (còn được gọi là tẩy chay) tạo nên những thể loại chính yếu của các phương pháp đấu tranh bất bạo động sẵn có.
Những phương pháp này chỉ có tác dụng mạnh trên các đối thủ nếu họ thực sự cần những hàng hoá, dịch vụ, và các nguồn sức mạnh đã bị tẩy chayvà nếu đối thủ lệ thuộc vào những người đối kháng về những thứ này. Nếu lệ thuộc vào một điều gì rất cần thì bất hợp tác để siết lại hay cắt đứt cung cấp sẽ có thể có tác dụng rất mạnh. Nếu cả hai bên đều lệ thuộc vào đối phương về một điều gì quan trọng thì cuộc xung đột có lẽ sẽ phức tạp hơn nhiều. Những thực tế này cần phải được cân nhắc cẩn thận trong việc lập kế hoạch chiến lược đối kháng.
Việc phân phối các lệ thuộc và cân bằng các lệ thuộc sẽ ảnh hưởng lớn đến tác dụng của bất hợp tác. Do đó các câu hỏi như sau đây cần được giải đáp trong lúc thiết lập kế hoạch chiến lược:
- Bên nào lệ thuộc vào đối phương về những hàng hoá, dịch vụ, và nguồn sức mạnh cần thiết, và lệ thuộc đến mức độ nào?
- Những lệ thuộc này là thuần đơn phương, hay là cả hai bên đều lệ thuộc rất nhiều vào đối phương?
- Bên lệ thuộc, hay các bên lệ thuộc có đã, hay có thể, tạo ra hàng hoá, dịch vụ, hay các nguồn sức mạnh thay thế để điền vào những thứ đã bị phe bất hợp tác cắt bớt hay cắt bỏ đi hay không?
Những cân nhắc chiến lược cơ bản: tình trạng xã hội dân sự như thế nào?
Một nhân tố chính yếu thứ ba cần phải được cân nhắc là tình trạng của các nhóm và các tổ chức độc lập của xã hội, những tụ điểm của sức mạnh, như đã có lưu ý trước đây. Khi soạn bản thảo các chiến lược, và sau này khi áp dụng chúng vào cuộc xung đột công khai, cẩn trọng cân nhắc những tổ chức không bị cơ cấu chính quyền kiểm soát này là một việc làm rất quan trọng.
Các tụ điểm của sức mạnh nàycó thể có những mục đích khác nhau, nhiều tổ chức hoàn toàn phi chính trị. Một số thì có thể rõ ràng là chính trị. Áp dụng tiềm năng sức mạnh của các tụ điểm sức mạnh này có thể chỉ có giá trị soi sáng (như trong giáo dục), hoặc có thể làm lung lay hệ thống (như trường hợp công chức bất hợp tác), hoặc ngay cả có thể chấm dứt áp bức (như sự tan rã của nền hành chánh và nhân viên công lực của đối thủ).
Gộp lại với nhau, các nhóm và các tổ chức này thường được gọi là “xã hội dân sự”. Nếu xã hội có những tụ điểm sức mạnh này với con số và sức mạnh đáng kể thì chúng có thể làm căn cứ cho việc tăng cường tự lực cho dân chúng trong cuộc đấu tranh dân chủ hoá. Các tụ điểmnày có thể giúp rất nhiều cho dân chúng đối kháng tiến hành bất hợp tác nhằm siết lại hay cắt đứt các nguồn sức mạnh của chế độ. Bằng cách đem lại đoàn kết và hỗ trợ, các tổ chức này có thể giúp dân chúng chịu đựng nổi đàn áp cực kì tàn bạo.
Nếu xã hội không có những tụ điểmsức mạnh với con số và sức mạnh đáng kể thì cần phải cân nhắc các nhược điểm hay sự thiếu vắng của những tổ chức này khi lập kế hoạch cho đại chiến lược hay cho các chiến lược của những chiến dịch cục bộ cá biệt. Những bước tiên khởi của một cuộc đấu tranh dài hạn nhằm dứt điểm độc tài do đó sẽ cần phải thật giới hạn và được xúc tiến thật cẩn thận.
Nếu cuộc đấu tranh dài hạn cần phải đủ mạnh để chấm dứt áp bức thì hầu như chắc chắn cần thiết là các tụ điểm sức mạnh phải hiện hữu, phải xuất đầu lộ diện, hoặc phải được chủ ý tạo ra và động viên. Tăng sức mạnh của các tụ điểm này hay là tạo ra những tụ điểm sức mạnh, do đó, phải là ưu tiên.
Những tụ điểmnhư thế, dưới dạng các “hội đồng”, đã xuất hiện trong thời kỳ Cách Mạng Hung Gia Lợi năm 1956-1957 trước khi cuộc đấu tranh chuyển sang các phương tiện quân sự khi Quân Đội Hung cố gắng đánh các lực lượng quân đội Sô Viết. Sau khi cuộc đấu tranh quân sự bị đập nát thì một cuộc đấu tranh giai đoạn hai bất bạo động đã được xúc tiến.
Cần đòi hỏi những người soạn thảo chiến lược phải chú trọng đến tình trạng và điều kiện của những tụ điểm sức mạnh này.
Những cân nhắc chiến lược cơ bản: các mục tiêu và hoạt động của chiến dịch có làm trầm trọng thêm các nhược điểm của hệ thống áp bức không?
Một nhân tố chính yếu thứ tư cần phải được cân nhắc khi lập kế hoạch cho đại chiến lược và cho các chiến lược của những chiến dịch cục bộl à xét xem các mục tiêu và các hoạt động có làm trầm trọng những nhược điểm tự tại của độc tài cực đoan hay của hệ thống áp bức không.
Ngược lại những gì người ta thường nghĩ, những nền độc tài cực đoan và những hệ thống thống trị khác không vĩnh viễn hùng mạnh như hình ảnh được trưng bày hay thường được gắn cho chúng. Các chế độ này thực ra có những khó khăn nội bộ và những động năng mà, với thời gian, có khuynh hướng làm suy yếu sự kiểm soát và tồn tại của trung ương. Những hoạt động đối kháng làm suy yếu các nhược điểm tự tại này có cơ may gây tác dụng mạnh hơn là những hoạt động khác.
Để biết các nhược điểm của những nền độc tài cực đoan, mời đọc: Social Power and Political Freedom, [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị] tt. 100-101. Số trang: 2. Tổng số trang cho đến chỗ này: 749.
Giả thuyết vận hành ở đây là các hoạt động làm trầm trọng những chỗ yếu sẵn có trước sẽ có cơ may gây những tác dụng tổn hại nặng nề cho nền độc tài hơn là những hoạt động không đem lại hiệu quả như thế.
Những cân nhắc chiến lược cơ bản: sự quan trọng của sáng kiến trong lúc xung đột
Muốn có được những cuộc đấu tranh bất bạo động hữu hiệu thì điều quan trọng là những người đối kháng vừa cần phải chụp lấy sáng kiến ngay từ ban đầu vừa phải duy trì sáng kiến suốt cuộc xung đột. Những người đối kháng không được cho phép mình bị đưa vào cái thế chỉ chủ yếu phản ứng lại những hành động của đối phương.
Duy trì sáng kiến vẫn có thể thực hiện được ngay cả khi những kết quả phỏng định chiến lược lúc ban đầu cho thấy là chế độ hiện hữu cực kì mạnh và những người đối kháng thì có vẻ yếu hơn nhiều.
Duy trì sáng kiến có ý nghĩa cho cả giai đoạn công lẫn giai đoạn thủ của cuộc xung đột.
CƯỚC CHÚ:
1Xem cuốn The New Technical Dictionary of Civilian Struggle[Tự Điển Đấu Tranh Dân Sự, tự điển chuyên môn mới] của Gene Sharp đang chờ ấn hành.
2“A Guide to Translating Texts on Nonviolent Struggle” [Hướng dẫn Dịch Thuật các Sách về Đấu Tranh Bất Bạo Động] có trên mạng của Viện Albert Einstein: www.aeinstein.org
0 Comments