Đối Kháng Với Chuyên Chế Mà Không Có Chuẩn Bị
Có thể sẽ có những vấn đề nghiêm trọng trong những cuộc đấu tranh bất tuân và bất hợp tác như thế chống lại các nền độc tài cực đoan. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không có sẵn một giải pháp mà không có những khó khăn và nguy hiểm. Những vấn đề của loại đấu tranh này cần phải được nhìn trong viễn tượng những giới hạn hiện tại của đủ loại bạo lực chính trị nhằm đối kháng và đánh tan các nền độc tài. Nghiêm chỉnh khai phá tiềm năng tương lai của bất tuân và bất hợp tác nhằm làm gia trọng những nhược điểm của các nền độc tài để kiềm chế và đánh tan chúng cần phải bắt đầu bằng cơ sở của sự hiểu biết về các nền độc tài, về bản chất của đấu tranh bất bạo động, và về lịch sử của những cuộc đấu tranh bất bạo động chống độc tài trước đây. Mặc dù vẫn chưa đủ, nhưng tất cả những điều này cần thiết cho một sự khởi đầu. Những thí dụ về đấu tranh bất bạo động chống lại những áp bức nhẹ nhàng hơn, do đó, cũng có ý nghĩa: người ta sẽ không thể hiểu được làm thế nào để điều động một cuộc đấu tranh bất bạo động lớn lao chống lại một hệ thống toàn trị, hay là đâu là tất cả những vấn đề, những nhược điểm, ưu điểm, nếu không trước tiên nghiên cứu việc đấu tranh chống lại những trở ngại nhỏ. Lịch sử tổng quát của kỹ thuật này do đó có ý nghĩa. Hiểu nhiều về các loại phương pháp cụ thể, các nguyên tắc chiến lược, những điều kiện căn bản để có hiệu lực, và các động năng và phương thức đấu tranh bất bạo động là quá trình cần thiết cho việc khai phá nàya. Không có quá trình này thì không thể tán thưởng đầy đủ những đặc tính tổng quát và các khả năng của kỹ thuật này. Chúng bao gồm:
- đấu tranh bất bạo động sử dụng sức mạnh và phản công lại sức mạnh của đối phương như thế nào;
- việc sử dụng kỹ thuật này đập vỡ hấp lực của tuân thủ và của sợ hãi như thế nào;
- các vai trò của đối kháng biểu tượng và tâm lý;
- nhiều phương cách theo đó bất hợp tác kinh tế và chính trị sử dụng và ảnh hưởng quyền lực;
- sự cần thiết duy trì kỷ luật bất bạo động để áp dụng nhu thuật chính trị nhằm mục đích phản công lại đàn áp bạo động và sử dụng nhu thuật chính trị để hỗ trợ các nhà đối kháng;
- những sức mạnh liên tục thay đổi của cả hai phe đối nghịch trong một cuộc đấu tranh bất bạo động;
- những phương cách đấu tranh vẫn có thể tiếp tục sau khi bất cứ lãnh đạo nổi tiếng nào đã bị bắt;
- những tiến trình kêu gọi thêm hỗ trợ trong thời gian đấu tranh từ những thành viên trong quần chúng, từ chính phe đối phương, và từ các thành phần thứ ba; và
- những phương thức tạo thay đổi có thể đưa đến thành công (phương thức sử dụng hiếm khi là phương thức cải hoá, thường hơn là phương thức thích nghi, đôi khi là cưỡng ép bất bạo động, và ngay cả phân huỷ chế độ của đối phương).
Trong một số trường hợp quan trọng, đấu tranh bất bạo động đã từng được áp dụng chống lại những hệ thống toàn trị, hoặc đơn độc hoặc hỗn hợp cùng với bạo động chính trị. Trong lúc chưa có hệ thống toàn trị nào bị lật đổ vĩnh viễn bởi đấu tranh bất bạo động, nhưng có nhiều đối kháng như thế đã xảy ra hơn là người ta thường công nhận. Những trường hợp này khẳng định là đấu tranh bất bạo động chống lại các nền độc tài cực đoan, bao gồm cả những hệ thống toàn trị, là một điều có thể thực hiện được. Mức độ thành công và thất bại của những trường hợp này biến đổi, một phần tuỳ theo tiêu chuẩn ấn định. Trong nhiều trường hợp loại đấu tranh này đem đến những khó khăn kinh khủng cho chế độ. Đôi khi đấu tranh ép buộc chế độ phải có những nhượng bộ và ít ra cũng thắng được một phần nào.
Những trường hợp sau đây nằm trong số những trường hợp quan trọng hơn:
- việc bất tuân dân sự, bất hợp tác chính trị, và cứu những người Do Thái bởi Phong Trào Đối Kháng Na-Uy trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng 1940-1945;
- sự bất hợp tác chính trị, những cuộc đình công lao động, đối kháng tâm lý, việc cứu những người Do Thái, và vụ tổng đình công tại Cophenhagen, bởi Phong Trào Đối Kháng Đan Mạch, 1940-45;
- việc bất hợp tác chính trị, phát hành số lượng lớn các nhật báo chui, quần chúng dùng căn cước mới, đối lập tôn giáo, và những cuộc đình công lớn vào những năm 1941, 1943 và 1944 bởi Phong Trào Đối Kháng Hoà Lan, 1940-1945;
- những cuộc diễn hành phản đối, những vụ đình công, và biểu tình ngồi, trước những xe tăng trong vụ Nổi Dậy Đông Đức, tháng Sáu, năm 1953;
- những cuộc đình công trong các trại tù nhân chính trị (đặc biệt ở tại Vorkuta) tại Liên Bang Sô-Viết năm 1953;
- những buổi xuống đường, những vụ tổng đình công, thách thức chính trị, việc thành lập các hội đồng công nhân, và việc thiết lập một chính quyền toàn quốc thay thế hội đồng liên bang trong thời gian cuộc Cách Mạng Hung Gia Lợi năm 1956-57;1
- áp lực quần chúng và những cuộc xuống đường nhằm giải phóng chính trị và về những bất bình kinh tế tại Ba Lan năm 1956 và 1970-71;
- phát truyền đơn, những cuộc biểu tình công cộng, và biểu tình ngồi bởi những nhà hoạt động dân quyền Sô-Viết và bởi những người Do Thái Sô-Viết tại Liên Bang Sô-Viết muốn được phép di cư trong những năm 1960 và 1970;
- Sự từ chối hợp tác, những buổi xuống đường, đài phát thanh đối kháng, những buổi phát hình, sự thách thức chính quyền và Đảng, sinh viên phản đối, và các nỗ lực nhằm xói mòn tinh thần của quân đội Sô-Viết tại Tiệp Khắc năm 1968-69 chống lại sự xâm lược Sô-Viết và những biện pháp nhằm tái áp đặt một nền độc tài Cộng Sản cứng nhắcb.
Tất cả những trường hợp này xảy ra mà không có chuẩn bị trước. Những cuộc đấu tranh này được xúc tiến bởi những người có ít hay không có một sự hiểu biết thực sự về kỹ thuật bất bạo động, những động năng và những đòi hỏi của kỹ thuật này, ngoại trừ sự hiểu biết thủ đắc được qua kinh nghiệm hết sức giới hạn hoặc là nghe người ta nói lại. Do đó, thật là hợp lý nếu chúng ta tìm hiểu xem thử bằng cách sử dụng kiến thức được gia tăng về kỹ thuật này cộng thêm (nơi nào có thể được) huấn luyện cao cấp cùng với những chuẩn bị khác dựa trên kiến thức sâu sắc về những nền độc tài cực đoan và những nhược điểm của chúng, chúng ta có thể làm trầm trọng những nhược điểm này rất nhiều và gia tăng hiệu lực của đấu tranh bất bạo động chống lại những hệ thống toàn trị.
Nhiều vấn đề khó khăn xuất hiện ngay khi ta vừa bắt đầu nghĩ một cách nghiêm túc đến việc tiến hành đấu tranh bất bạo động trong một phong trào giải phóng chống lại một hệ thống toàn trị. Bởi vì những biến đổi tuỳ theo hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình của cuộc đấu tranh chống hệ thống, nên chúng ta cần phải biết hoàn cảnh cụ thể càng rõ càng tốt để giải quyết những vấn đề đó. Những biến đổi này sẽ được bộc lộ bởi những câu trả lời cho những câu hỏi như sau đây:
Chế độ toàn trị vừa mới được thiết lập hay đã được thiết lập từ lâu rồi?
Dân chúng đã bao giờ có kinh nghiệm nào hay thực hành nào trước đây được xem như là huấn luyện cao cấp hay là chuẩn bị cho đấu tranh bất bạo động hay không?
Đã có tài liệu thông tin, phân tích, và giáo dục về đấu tranh bất bạo động được phân phát và đọc, theo lối zamizdatc chưa?
Những nhóm và tổ chức độc lập (những tụ điểm quyền lực) không nằm dưới sự kiểm soát của Nhà Nước hay Đảng còn tồn tại hay vừa mới được thiết lập đến được mức độ nào?
Hệ thống toàn trị có nguồn gốc trong nước hay ngoài nước, hoặc hỗn hợp như thế nào?
Chế độ từ nguyên thuỷ có được thiết lập với sự hỗ trợ của ngoại bang hay không, hay là chỉ được ngoại bang hỗ trợ bây giờ?
Hệ thống từ nguyên thuỷ phát khởi như thế nào: được phát khởi bởi một vụ đảo chánh, bởi chiến tranh du kích, bởi ngoại xâm, bởi diễn biến tiệm tiến, hay bằng cách nào khác?
Các nhà quản trị, các quan chức, công chức, cảnh sát, và quân đội trung thành với hệ thống và mãn nguyện đến mức độ nào trong chức vụ hiện tại của họ?
Có còn các nhóm hay tổ chức quan trọng tồn tại, như là nhóm lao động, tôn giáo, văn hoá, vân vân, trong hiện tại hay có tiềm năng trong tương lai chống lại hệ thống hay không?
Những thái độ của đại chúng đối với hệ thống như là một tổng thể, đối với những bất bình cụ thể hay những điểm hỗ trợ tích cực là gì, và họ nhìn về tương lai như thế nào?
Những Vấn Đề Đấu Tranh Đòi Hỏi Nghiên Cứu
Ngoài quá trình hiểu biết hoàn cảnh cụ thể được phát hiện bởi những câu hỏi trên, chúng ta còn cần một kiến thức rộng lớn hơn về những vấn đề của đấu tranh bất bạo động chống lại những nền độc tài cực đoan và những giải pháp sẵn có cho những người đối kháng. Ở đây, nghiên cứu cao cấp, phân tích, và thiết kế chiến lược có thể cung ứng những nhận định hữu ích cho việc sử dụng sau này trong những cuộc đấu tranh thực sự. Sau đây là những câu hỏi mà chúng ta cần nghiên cứu để hỗ trợ việc thiết kế cao cấp:
- Đối diện với sự kiểm soát của hệ thống về truyền thông và ấn hành và phân phối tài liệu, thì làm sao người ta có thể phổ biến thông tin và sự hiểu biết về đấu tranh bất bạo động? Tài liệu bất hợp pháp, những buổi phát thanh đặt căn cứ ở nước ngoài, và “giáo dục bằng thí dụ” qua những hành động nhỏ có kế hoạch, hay là bằng những hành động tự phát có thể đóng được vai trò nào?
- Đối diện với cảnh sát chính trị hữu hiệu, làm thế nào người ta có thể giải quyết vấn đề lãnh đạo cho đấu tranh bất bạo động? Phong trào bí mật, những cá nhân và các nhóm nhỏ làm gương, những hành động tự phát “không có lãnh đạo”, hay những hướng dẫn “vô danh” hay qua đài phát thanh có vai trò gì?
- Đối diện với cảnh sát chính trị, với kiểm duyệt, và những hình thức kiểm soát khác, làm thế nào để người ta có thể lập kế hoạch cho hành động và đối kháng, và phổ biến sự hiểu biết về những kế hoạch và hướng dẫn như thế đến những người được trông đợi là sẽ thi hành những kế hoạch đó? Vai trò của những thông tin “chui”, của những hành động tự phát, và của sự đồng thuận về những loại vấn đề cần phải chống đối, là vai trò gì?
- Những vấn đề cụ thể liên hệ đến những động năng của đấu tranh bất bạo động đang vận hành dưới những nền độc tài cực đoan cần phải được giải quyết như thế nào? Những vấn đề này, ví dụ, có thể liên quan đến sự thiếu vắng những quyền tự do dân sự, không sử dụng được những phương tiện truyền thông công cộng. Những vấn đề khác có thể dính liền với nền tảng ý thức hệ vững chắc của các hệ thống; điều này gợi ý về một vai trò nhỏ hơn cho những nỗ lực “cải hoá” các nhà lãnh đạo và các tín đồ, và một vai trò lớn hơn cho những hành động huy động tăng thêm hỗ trợ cho phong trào đối kháng, hoặc cho những hành động hạn chế hay cắt đứt những nguồn sức mạnh của nhà cai trị.
- Làm thế nào để người ta có thể phá vỡ được lòng tự tin nơi nhà Lãnh Đạo và Đảng, và tạo được bất mãn sâu rộng? Làm thế nào để người ta có thể, ở những giai đoạn thích hợp, biến sự bất mãn này thành sự rút lui hợp tác và thách thức chế độ?
- Làm thế nào để người ta có thể tiếp cận vấn đề ý thức hệ toàn trị một cách tốt đẹp nhất? Cách nào là cách hữu hiệu nhất, chất vấn nó, cắt nghĩa lại, phê bình, hay phủ nhận nó? Ý thức hệ chính thức mang lại ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của cá nhân đến mức độ nào? Cung ứng một ý thức hệ cạnh tranh rõ ràng, với một nhãn quan khác về đời sống có tốt hơn không, hay là không làm như vậy, mà khuyến khích người ta phát triển đủ loại nhãn giới và những triết lý mà họ thấy tốt đẹp hơn cả?
- Trong những hoàn cảnh chính trị như thế, làm thế nào để đối lập và đối kháng có thể được tổ chức và điều hành một cách hữu hiệu: hết sức công khai, như trường hợp những người Do Thái Nga và phong trào dân quyền trong những năm 1960 và 1970, hay là bí mật, như nhiều trường hợp kháng chiến chống lại những đảng viên Đức Quốc Xã? Những hàm ý thực sự và những hậu quả của hai lập trường này là gì? Điều này phức tạp hơn là khi mới nhìn qua.
- Làm thế nào để người ta có thể quyết định một chiến lược đối kháng công hiệu hơn cả trong cơn khủng hoảng và trước khi khủng hoảng xảy ra? Quyết định trước những nơi và điều kiện cho phong trào đối kháng mà không có những chỉ dẫn cụ thể có có lợi không? Trong những điều kiện nào nên thực hành một chiến lược hoàn toàn bất hợp tác? Còn khi nào thì nên áp dụng bất hợp tác có chọn lựa tại những điểm và những vấn đề đặc biệt quan trọng?
- Trong những giai đoạn đầu của những nền độc tài cực đoan đang tiến đến toàn trị, thì làm thế nào để người ta có thể ngăn chặn được “sự phân hoá” của dân chúng và sự phá huỷ những tụ điểm quyền lực của xã hội?”d. Ở những giai đoạn đã phát triển của của hệ thống toàn trị khi mà sự phá huỷ những cơ chế độc lập đã đi rất xa, thì làm thế nào để người ta có thể tạo ra và tăng cường những nhóm và tổ chức mới ngoài sự kiểm soát của hệ thống?
- Làm thế nào để người ta có thể giải quyết những vấn đề do bầu khí sợ hãi trong xã hội toàn trị áp đặt lên phong trào đối kháng? Dựa vào kinh nghiệm quá khứ, và vào phân tích, trong những điều kiện nào người dân có thể gạt bỏ được sự sợ hãi như thế hay là vẫn hành động thách thức dù sợ hãi? Trong một bầu không khí chính trị đầy sợ hãi tột cùng, thì những hành động thách thức mạnh dạn được thực hiện một cách không sợ hãi sẽ có tác dụng gì? Tác dụng như thế nào và tại sao?
- Làm thế nào để những người đối kháng có thể chịu đựng được đàn áp gắt gao trong lúc vẫn tiếp tục thách thức? Đàn áp có thể gồm có tù tội, giam giữ trong các trại tập trung, hành quyết, trả thù những người không tham gia, dùng dược liệu để trị, lưu giữ như những trường hợp bệnh tâm thần, hạn chế thực phẩm, nước uống, cung cấp nhiên liệu, chuyên viên khiêu khích, và trục xuất có chọn lọc hay ồ ạt từng đoàn. Những phản ứng khác của hệ thống đối với các thách thức bất bạo động có thể gây những vấn đề gì cho những người đối kháng? Những phản ứng này có thể gồm có: (a) những biện pháp kiềm chế nhẹ nhàng được áp dụng để tránh tạo ra những người tuẫn tiết ví chính nghĩa hay là đem lại sức mạnh quá mức cho đối lập, hay là (b) đàn áp và khủng bố hết sức gắt gao được áp dụng để phục hồi hợp tác, tuân phục, và khuất phục, vì sự rút lui của họ được xem như là một sự đe doạ nghiêm trọng nhất có thể có đối với hệ thống. Những vấn đề này có thể được giải quyết như thế nào? Có thể nào đạt được một sự cân bằng giữa nhu cầu hành động để tranh thủ ngay những mục tiêu cấp thời và khả năng của người dân thách thức và chịu đựng hậu quả trừng phạt hay không?
- Có nên chấp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài cho phong trào đấu tranh hay không – như những buổi phát thanh, bí mật đưa tài liệu vào nước, các cơ quan đầu não cho các nhà lãnh đạo lưu vong, và bất hợp tác của quốc tế về kinh tế và chính trị với chế độ độc tài? Điều này có thể có lợi cho phong trào đấu tranh hay không? Hay là, ngoại viện sẽ làm mất chính nghĩa của phong trào bằng cách để cho những người kháng chiến bị gán cho cái nhãn hiệu “tình báo viên cho ngoại bang”? Sự hỗ trợ như thế có thể đóng góp vào việc lệ thuộc vào, hay sự kiểm soát bởi các nhóm hay các chế độ ngoại bang hay không? Làm thế nào để một phong trào đối kháng chống lại một nền độc tài cực đoan có thể hoàn toàn độc lập với tất cả mọi giúp đỡ từ bên ngoài trong cuộc đấu tranh quốc nội của chính mình, trong lúc vẫn chấp nhận những hỗ trợ từ bên ngoài qua các vụ cấm vận và chế tài ngoại giao, chẳng hạn? Lập trường này có thể đưa đến những vấn đề nào và làm thế nào để những vấn đề này có thể giải quyết được?
- Sự tuân thủ quá mức và sự lệ thuộc hỗ tương trong lòng hệ thống toàn trị có làm gia tăng một cách bất tương xứng tác dụng của những hành động thách thức và đối kháng, làm cho những hành động rất giới hạn trở nên có ý nghĩa không? Hay là, ngược lại, sự tuân thủ quá mức này làm cho người ta có thể kết án những người đối kháng là những người mang bệnh tâm thần, những người phản xã hội, hay là điệp viên của ngoại bang, và có thể dễ dàng cô lập những hành động đó.
- Sự kiện thách thức bất bạo động có thể gây những phản ứng khác nhau trong các thành phần dân chúng khác nhau, trong các loại nhân viên và giới chức khác nhau mang những hàm ý nào đối với chiến lược và các chiến thuật đối lập, và đối với đường hướng của phong trào? Ví dụ, phản ứng có thể khác nhau đối với những Đảng viên hoàn toàn trung thành, những Đảng viên “uyển chuyển”, những người theo Đảng có lí tưởng nhưng thiếu sự hiểu biết thực sự, những tầng lớp xã hội khác nhau, những khu vực tôn giáo, quốc gia, hay văn hoá khác nhau của dân chúng, những thành viên của các ngành và cấp bậc khác nhau của các lực lượng quân đội, những thành viên của cảnh sát chính trị, và thượng cấp.
- Làm sao để người ta có thể duy trì được các nhu yếu phẩm của cuộc sống, như là thực phẩm, nước uống, nhiên liệu, và sự cần thiết của công ăn việc làm và tiền bạc, chống lại việc Nhà Nước hạn chế các thứ này như là một hình thức đàn áp để kiềm chế những người đối kháng?
- Làm thế nào để chiến lược đối kháng có thể nhắm một cách có chủ ý đến việc làm gia trọng những nhược điểm cố hữu tìm thấy trong hệ thống, do đó gây phương hại cho hệ thống tận gốc rễ theo những phương cách làm cho hệ thống khó phản công lại được?
- Đối kháng có thể nào được thiết kế nhằm tạo xung khắc, hay làm trầm trọng những xung khắc hiện hữu, giữa các cấp cai trị của hệ thống không? Những xung khắc nội bộ như thế có thể giúp ích cho phong trào đối kháng hay không, dù cho những người đối kháng hiếm khi hoặc chưa bao giờ biết đến những xung khắc này ngoại trừ trường hợp họ đã tạo được những thay đổi lớn về nhân viên, chánh sách, hoặc về cơ cấu?
- Làm thế nào để người ta có thể khuyến khích vô hiệu năng có chủ ý, lơ là trong việc thi hành bổn phận, và có lẽ rốt cùng sẽ là nổi loạn trong hàng ngũ những giới chức, quan chức, các nhà quản trị, cảnh sát, và quân lính? Những hiệu quả khác nhau nào đối với các khả năng đó có thể được tạo nên bởi thụ động, bởi hành động bạo động, và bởi hành động bất bạo động? Làm thế nào để việc không cung cấp hay là từ chối cung cấp thông tin cho trung ương, việc chuyển đạt lệnh xuống cấp dưới, việc thi hành các chánh sách và chỉ thị, và ngay cả việc thi hành đàn áp, có thể được thiết kế ở tầm mức lớn đủ để có thể gây thảm hại cho nền độc tài?
Mười tám câu hỏi này minh xác nhiều vấn đề thực tiễn đòi hỏi được tra cứu nếu chúng ta muốn học hỏi làm thế nào để đập vỡ các nền độc tài cực đoan, bao gồm cả những hệ thống toàn trị. Nỗ lực tìm những giải pháp cho các nền độc tài cực đoan và khai phá tiềm năng của đấu tranh bất bạo động chống lại những nền độc tài này phải được dựa trên cơ sở nhận thức đầy đủ các loại vấn đề nghiêm trọng liên hệ. Tuy nhiên, nếu sự nghiên cứu và phân tích đòi hỏi được thi hành ở một tầm mức đầy đủ và có phẩm chất cần có, thì chúng ta có thể thủ dắc được kiến thức đòi hỏi đề giúp người ta thiết kế được những chiến lược đấu tranh bất bạo động hữu hiệu để kháng cự và đập vỡ các nền độc tài cực đoan.
Sử Dụng Kiến Thức Cho Tự Do
Sự tiếp tục và hồi sinh của dân chủ chính trị đòi hỏi là chúng ta phải có những biện pháp có chủ ý phong phú hoá nền dân chủ đó và phản công lại những phát triển và lực lượng giới hạn hay gây nguy hiểm cho dân chủ. Những biện pháp này gồm có cả việc gầy dựng có ý thức những điều kiện xã hội và chính trị cần thiết nằm bên dưới, lẫn sự cải tiến những cơ chế dân chủ, những thủ tục hiến định, và luật pháp. Khẩn thiết cần phải có một sự xét định các phương tiện dân chủ để sửa sai những bất công xã hội và kinh tế. Như thế bởi vì công lý phải được liên kết chặt chẽ với tự do và dân chủ, và bởi vì đã có nhiều cuộc tấn công vào chính quyền dân chủ nhân danh công lý. Cũng cần đòi hỏi phải có những biện pháp cho hành động khẩn trương chống lại những đe doạ độc tài từ trong và ngoài nước đối với những nền dân chủ hiện hành.
Tạo ra những phương tiện như thế đòi hỏi một công trình nghiên cứu tầm cỡ về bản chất của những nền độc tài. Công cuộc nghiên cứu này phải bao gồm cả những phương tiện kiểm soát lẫn những nhược điểm của độc tài, để đối lập có thể tập trung vào những điểm dễ bị tấn công. Nghiên cứu còn cần phải chú trọng vào bạo động chính trị dưới mọi hình thức và tác dụng của nó đối với các hệ thống chính trị, đối với những phương cách khác thay thế cho bạo động trong những cuộc đấu tranh nghiêm trọng quốc nội và quốc tế chống lại các nền độc tài, và đối với nạn diệt chủng. Chúng ta cần biết nhiều hơn về những điều kiện mà trong đó nạn diệt chủng có thể xảy ra và về những nỗ lực trong quá khứ nhằm làm hao mòn hay đánh bại nạn diệt chủng. Đòi hỏi cần phải có nhiều hiểu biết hơn về khả năng tồn tại của tự do chính trị và những khả năng chọn lựa các hình thái cơ cấu và thủ tục dân chủ có sinh khí, và về những điều kiện nằm bên dưới có thể là những yêu cầu cho một nền dân chủ chính trị hiện hành. Khả năng chống lại những tấn công của độc tài có thể được phong phú hoá nhờ kiến thức rộng lớn hơn về những cách thức tấn công và những điều kiện để thành công cho đủ mọi hình thái tiếm quyền.
Chúng ta cũng cần phải chú ý đến những phương cách cấu tạo và chuẩn bị xã hội của chúng ta để trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều khả năng tránh tạo nên những nền độc tài hơn và có nhiều khả năng đương đầu với những nền độc tài này hơn khi đối đầu với chúng. Sau đây là một vài câu hỏi về chánh sách dài hạn mà chúng ta nên xét đến:
- Chúng ta nên kiến tạo những cơ chế xã hội, kinh tế, và chính trị của chúng ta như thế nào để làm cho hệ thống tự do và dân chủ được dễ dàng, và làm cho việc áp đặt bất cứ một nền độc tài nào từ trong hay ngoài nước trở nên rất khó khăn hoặc không thể xảy ra được.
- Chúng ta nên tổ chức các khả năng đối kháng của dân chúng như thế nào để làm cho họ có thể đánh bại được các nỗ lực tiếm quyền ở trong nước hay là nền cai trị của ngoại bang có thể xảy ra.
- Chúng ta nên giúp đỡ dân chúng ở những nơi khác trên thế giới như thế nào – mà không gây bạo động nguy hiểm trong nước đó hay chiến tranh thế giới — để họ có thể bảo vệ nền độc lập của họ và các khả năng duy trì hay tranh thủ những hệ thống chính trị dân chủ và công lý xã hội mà không cần phải làm thay cho họ, và không cần thống trị hoặc dùng mánh khoé để điều động họ.
- Dân chúng nên hành động ở trong nước như thế nào để xói mòn một cách hữu hiệu một nền độc tài đã được ổn định – như là bằng cách tập trung đối kháng vào những nhược điểm cố hữu của nền độc tài, làm trầm trọng thêm những vấn đề nội tại, tạo bất đồng trong lòng chế độ, thay vì dùng những phương tiện thống nhất chế độ và thúc đẩy dân chúng hỗ trợ chế độ.
- Chúng ta phải tạo ra những phương thức thay thế cho đấu tranh quân sự hiện đại như thế nào để có thể cung cấp phòng thủ tự lập hữu hiệu, ngay cả cho những quốc gia nhỏ bé.
- Chúng ta nên tạo ra những phương cách như thế nào để cải tiến các xã hội, gia tăng công lý, và phân phối quyền lực đồng đều trong dân chúng mà không sử dụng những phương tiện độc tài.
Sự khảo cứu và những nghiên cứu chính sách này có thể phát hiện một vài ngõ cụt mà người ta có thể tránh né trong tương lai. Tuy nhiên, công việc này rất có thể cung cấp những giải pháp chính trị mới có ý nghĩa nền tảng có thể đóng góp vào việc làm hồi sinh dân chủ chính trị, tạo ra những chương trình phòng ngừa độc tài, và giới thiệu những chính sách mới, hữu hiệu hơn cho việc bảo vệ hiến pháp và quốc gia.
Chúng ta cần không những chỉ tận hiến mình một lần nữa cho những nguyên tắc chính trị về tự do và dân chủ; chúng ta còn cần phải tìm cho ra và tạo nên những chính sách và phương tiện hành động mà khi đối diện với những nguy hiểm của những nền độc tài hiện đại sẽ giúp cho những nguyên tắc này tồn tại, được thực thi, và có sinh khí trở lại trên lý thuyết cũng như trong thực hành. Điều này có thể giúp chúng ta có khả năng đối đầu với những đe doạ của những nền độc tài với niềm tin là chúng ta có thể chịu đựng nổi những tấn công và chiến thắng độc tài.
CƯỚC CHÚ:
aXem những thảo luận dẫn nhập về một vài khía cạnh này ở Chương Chín, “Sự Tương Đương Chính Trị Với Chiến Tranh – Phòng Thủ Dựa Trên Dân Sự,” Tiểu Chương: Kiểm Soát Quyền Lực Chính Trị Và Điều Động Đấu Tranh Công Khai, và Chương Mười, “Tìm Một Giải Pháp Cho Vấn Đề Chiến Tranh.” Tuy nhiên, đòi hỏi cần hiểu sâu hơn. Về điểm này, xem Gen Sharp, Chính Trị Của Hành Động Bất Bạo Động (Boston: Porter Sargent Publisher, 1973).
bMuốn có một thiên điều tra ngắn gọn, có tham khảo, về Phong Trào Đối Kháng Tiệp Khắc và Slovak. Xem Chương Chính, “Sự Tương Đương Chính Trị Với Chiến Tranh – Phòng Thủ Dựa Trên Dân Sự.
cTừ tiếng Nga chỉ những tập tài liệu và bài vở in ấn và phát hành bất hợp pháp.
dXem thảo luận về các tụ điểm quyền lực ở Chương Hai, “Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị.”
1Để tham chiếu các trường hợp trong số những trường hợp thượng dẫn, xem Sharp, Chính Trị của Hành Động Bât Bạo Động.
0 Comments