ÁP DỤNG THÁCH THỨC CHÍNH TRỊ
(Bài 021)

 

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Trong những hoàn cảnh mà dân chúng cảm thấy bất lực và sợ hãi, thì điều quan trọng là những công tác tiên khởi cho công chúng phải là những hành động ít mạo hiểm và gầy dựng lòng tin. Những loại hành động này – như là trang phục một cách khác thường chẳng hạn – có thể gây một ấn tượng công khai về một bất đồng ý kiến và cung cấp một phương tiện để cho công chúng tham gia một cách có ý nghĩa hơn trong những hành động bất đồng ý kiến khác. Trong những trường hợp khác một vấn đề phi chính trị (như là bảo đảm sự cung cấp nước uống an toàn) nhỏ nhặt (trên bề mặt) có thể lấy làm trọng tâm cho một cuộc đấu tranh tập thể. Các chiến lược gia nên chọn một vấn đề tranh chấp có những giá trị được người ta công nhận một cách phổ quát và khó khước từ. Thành công trong những chiến dịch hạn chế như thế có thể không những chỉ sửa sai được những bất mãn cụ thể mà còn thuyết phục được dân chúng là họ thực sự có tiềm năng của sức mạnh.

    Hầu hết các chiến lược của những chiến dịch trong cuộc đấu tranh dài hạn không nên nhắm đến sự sụp đổ toàn vẹn tức khắc của nền độc tài, mà thay vì như vậy nên nhắm đến việc tranh thủ những mục tiêu hạn chế. Và không phải mọi chiến dịch đều đòi hỏi sự tham gia của mọi khu vực của dân chúng.

    Khi chiêm nghiệm một loạt những chiến dịch cụ thể để thực thi đại chiến lược, các chiến lược gia đối kháng cần phải xét định xem những chiến dịch ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh dài hạn sẽ khác nhau như thế nào.

Đối kháng có chọn lọc

    Trong những giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, những chiến dịch biệt lập với những mục tiêu cụ thể khác nhau có thể rất hữu ích. Những chiến dịch chọn lọc như thế có thể tiếp theo nhau, chiến dịch này sau chiến dịch khác. Thỉnh thoảng, hai hoặc ba chiến dịch có thể xảy ra trùng thời gian với nhau.

    Khi thiết kế một chiến lược cho “đối kháng có chọn lọc” thì cần phải định rõ những vấn đề tranh chấp hay là những bất bình có giới hạn cụ thể biểu tượng cho sự áp bức tổng quát của nền độc tài. Những vấn đề này có thể là những đối tượng thích hợp cho việc điều hành các chiến dịch nhằm tranh thủ những mục tiêu chiến lược trung hạn nằm trong đại chiến lược toàn bộ.

    Những mục tiêu chiến lược trung hạn này cần phải có thể đạt được bởi khả năng sức mạnh hiện tại hay dự phóng trong tương lai của các lực lượng dân chủ. Điều này giúp bảo đảm được một loạt chiến thắng, một điều rất tốt làm lên tinh thần, và còn đóng góp cho những chuyển đổi tiệm tiến về những tương quan lực lượng có lợi cho cuộc đấu tranh dài hạn.

   Những chiến lược đối kháng có chọn lọc nên chủ yếu tập trung vào những vấn đề xã hội, kinh tế, hay chính trị cụ thể. Những vấn đề này có thể được chọn lựa để giữ một phần nào của hệ thống xã hội và chính trị ngoài vòng kiềm chế của các nhà độc tài, để giành lại quyền kiểm soát một vài phần hiện đang bị các nhà độc tài kiểm soát, hay là để khước từ không cho các nhà độc tài đạt được một mục đích nào đó. Nếu có thể được thì chiến dịch đối kháng có chọn lọc cũng nên đánh vào một hay nhiều hơn một nhược điểm của nền độc tài, như đã có thảo luận trước đây. Do đó, các nhà dân chủ có thể gây nên được tác dụng lớn lao nhất có thể được với khả năng sức mạnh mà họ có.

    Các chiến lược gia cần phải thiết kế rất sớm, ít nhất là chiến lược cho chiến dịch đầu tiên.  Những mục tiêu hạn chế của chiến dịch này phải là những mục tiêu nào? Chiến dịch này sẽ giúp hoàn thành đại chiến lược đã được lựa chọn như thế nào? Nếu có thể được thì khôn ngoan là nên phác thảo ít nhất những đường nét tổng quát của những chiến lược cho chiến dịch thứ hai và có thể là cho chiến dịch thứ ba nữa. Tất cả những chiến lược như thế sẽ cần phải thực thi đại chiến lược đã được lựa chọn và vận hành trong giới hạn của những hướng dẫn tổng quát.

Thách thức có tính biểu tượng

    Khi bắt đầu một chiến dịch nhằm xói mòn nền độc tài, những hành động đầu tiên mang tính chất chính trị nhiều hơn có thể có tầm mức hạn chế. Những hành động này nên được thiết kế một phần là để trắc nghiệm và ảnh hưởng tâm trạng của quần chúng, và để chuẩn bị họ cho cuộc đấu tranh tiếp theo bằng bất bạo động và thách thức chính trị.

    Hành động tiên khởi có lẽ sẽ có hình thái của một cuộc phản đối có tính biểu tượng hoặc có thể là một hành động bất hợp tác hạn chếhay tạm thời mang tính biểu tượng. Nếu số người sẵn lòng hành động còn nhỏ, thì hành động tiên khởi có thể là đặt vòng hoa tại một nơi có tầm quan trọng có tính biểu tượng, chẳng hạn. Mặt khác, nếu số người sẵn lòng tham dự rất lớn, thì người ta có thể dùng phương cách ngưng tất cả mọi sinh hoạt trong vòng năm phút hay là giữ yên lặng trong nhiều phút. Trong những trường hợp khác, một vài người có thể tuyệt thực, thực hiện đêm không ngủ tại một nơi có giá trị biểu tượng quan trọng, một cuộc học sinh/sinh viên bãi khoá ngắn hạn, hay là một cuộc biểu tình ngồi tạm thời tại một cơ quan quan trọng. Dưới một nền độc tài thì những hành động hung hăng này hẳn có lẽ sẽ được đáp ứng bằng đàn áp khắc nghiệt.

    Một số hành động có tính biểu tượng, như là chiếm giữ địa sở ngay trước dinh thự của nhà độc tài hay là trước tổng hành dinh của cảnh sát có thể đưa đến mạo hiểm lớn lao và do đó  không được khuyến khích cho việc khởi động chiến dịch đầu tiên.

    Những hành động phản đối tiên khởi có tính biểu tượng đã có lần gây được sự chú ý trên toàn quốc và quốc tế — như là những cuộc biểu tình xuống đường của đại khối quần chúng tại Miến Điện năm 1988 hay là vụ sinh viên xâm chiếm và tuyệt thực tạiquãng trường Thiên An Môn năm 1989. Những tổn thất cao về phía những người biểu tình trong cả hai trường hợp này chứng minh là những người làm chiến lược phải hết sức cẩn trọng trong việc lập kế hoạch cho các chiến dịch. Mặc dù tạo được tác dụng tinh thần và tâm lýto lớn, nhưng những hành động như thế tự chúng khó mà lật đổ được độc tài, bởi vì những hành động này tự bản chất vẫn chỉ có tính biểu tượng và không thay đổi vị thế quyền lực của nền độc tài.

    Thường thì không thể cắt đứt việc những nhà độc tài tiếp cận những nguồn sức mạnh một cách trọn vẹn và nhanh chóng vào lúc đầu của cuộc đấu tranh được. Điều này đòi hỏi gần như là toàn thể dân chúng và hầu như tất cả mọi cơ chế của xã hội – mà trước đây phần lớn đã chịu khuất phục — tuyệt đối khước từ chế độ và bỗng nhiên thách thức chế độ bằng sự bất hợp tác triệt để của đại khối quần chúng. Điều này chưa xảy ra và khó đạt được hơn cả. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, một chiến dịch bất hợp tác và thách thức toàn bộ nhanh chóng là một chiến lược không thực tế cho một chiến dịch tiên khởi chống lại nền độc tài.

Trải rộng trách nhiệm

    Trong một chiến dịch đối kháng có chọn lọc, gánh nặng của cuộc đấu tranh thường do một hay nhiều hơn một khu vực trong xã hội gánh chịu trong một thời gian. Trong một chiến dịch về sau này với một mục tiêu khác, gánh nặng thường được chuyển cho những nhóm dân chúng khác. Ví dụ, sinh viên có thể điều hành những cuộc bãi khoá về một vấn đề giáo dục, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tín đồ có thể tập trung vào một vấn đề về tự do tôn giáo, những nhân công đường hoả xa có thể tuân theo những luật lệ một cách tỉ mỉ để làm trì chậm hệ thống chuyên chở hoả xa, các nhà báo có thể thách thức kiểm duyệt bằng cách ấn hành những tờ báo có những trang trống, nơi mà lẽ ra những bài báo bị cấm đã được đăng, hay là cảnh sát có thể liên tục không tìm thấy và bắt những thành viên của đối lập dân chủ trong danh sách cần bắt. Phân chia các chiến dịch đối kháng thành nhiều giai đoạn theo vấn đề và theo nhóm dân chúng sẽ cho phép một số thành phần dân chúng được nghỉ ngơi trong lúc cuộc đối kháng vẫn tiếp tục.  

    Đối kháng có chọn lọc đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ sự tồn tại và độc lập của các nhóm và các cơ chế xã hội, kinh tế, và chính trị độc lập nằm bên ngoài sự kiềm chế của nền độc tài, điều mà chúng ta đã có thảo luận một cách vắn tắt trước đây. Những trung tâm sức mạnh này cung cấp những căn cứ cơ chế từ đó dân chúng có thể tác động áp lực hay là có thể kháng cự lại sự kiềm chế của độc tài. Trong cuộc đấu tranh, những trung tâm này có khuynh hướng là những tiêu đích trước tiên của nền độc tài.

Nhắm vào sức mạnh của các nhà độc tài

    Trong khi cuộc đấu tranh dài hạn phát triển vượt quá những chiến lược tiên khởi tiến vào những giai đoạn nhiều tham vọng và tiên tiến hơn, thì các chiến lược gia sẽ cần phải tính toán làm thế nào để các nguồn sức mạnh của các nhà độc tài có thể bị hạn chế hơn nữa. Mục đích thường là sử dụng sự bất hợp tác của quần chúng để tạo ra một hoàn cảnh chiến lược mới có lợi hơn cho những lực lượng dân chủ.

    Khi các lực lượng đối kháng dân chủ đã gom được sức mạnh, thì các chiến lược gia thường mưu tính bất hợp tác và thách thức có nhiều tham vọng hơn nhằm cắt đứt những nguồn sức mạnh của các nhà độc tài, với mục đích gây nên tê liệt chính trị càng lúc càng nặng, và cuối cùng là sự phân huỷ của chính nền độc tài.

    Cần phải thiết kế cẩn thận làm thế nào để các lực lượn dân chủ có thể làm suy yếu sự hỗ trợ mà những người hay nhóm trước đây đã cung ứng cho nền độc tài. Sự hỗ trợ của họ có sẽ bị làm cho yếu đi bằng cách phát hiện những bạo tàn mà chế độ đã gây ra, bằng cách vạch trần những hậu quả kinh tế thê thảm do các chánh sách của các nhà độc tài tạo nên, hay là bằng một sự hiểu biết mới rằng nền độc tài có thể bị chấm dứt hay không? Những người ủng hộ các nhà độc tài ít nhất là nên được khuyến dụ để họ trở nên “trung lập” trong các sinh hoạt của họ (những người còn “do dự”) hoặc tốt hơn là trở nên những người ủng hộ năng động cho phong trào đấu tranh cho dân chủ.

    Trong thời gian thiết kế và thực thi thách thức chính trị và bất hợp tác, thì điều hết sức quan trọng là phải chú ý kỹlưỡng đến tất cả những người ủng hộ và những người phụ tá chính yếu của các nhà độc tài, bao gồm đám người thân cận nội bộ, các đảng chính trị, cảnh sát, và các chuyên viên bàn giấy, nhưng đặc biệt nhất là quân đội của họ.

    Mức độ trung thành của các lực lượng quân đội, của cả binh lính lẫn các sĩquan, đối với nền độc tài cần phải được thẩm định cẩn thận và cần phải có một quyết định xem quân đội có sẵn lòng đón nhận ảnh hưởng của các lực lượng dân chủ hay không. Có thể là nhiều quân nhân bình thường không được hài lòng và là những người lính bị động viên sợ hãi chăng? Có thể là nhiều binh sĩ và sĩ quan xa lánh chế độ vì những lýdo cá nhân, lýdo gia đình hay lýdo chính trị chăng? Những nhân tố nào khác có thể làm cho binh sĩ và sĩ quan dễ bị tổn thương trước sự tiến công của dân chủ.

    Trong thời gian bắt đầu của cuộc đấu tranh giải phóng cần phải sớm thiết lập một chiến lược đặc biệt để liên lạc với binh lính và công chức của các nhà độc tài. Bằng ngôn từ, bằng các biểu tượng, và bằng hành động, các lực lượng dân chủ có thể thông báo cho binh lính biết là cuộc đấu tranh giải phóng sẽ mạnh mẽ, dứt khoát, và kiên quyết. Binh lính nên biết là cuộc đấu tranh sẽ có một sắc thái đặc biệt, được thiết kế để lật đổ nền độc tài nhưng không đe doạ tính mạng của họ. Những nỗ lực như thế thường nhắm đến mục đích là rốt cuộc xói mòn tinh thần binh sĩ của các nhà độc tài và sau cùng là đánh đổ lòng trung thành và sự tuân phục của họ thuận lợi cho phía phong trào dân chủ. Những chiến lược tương tự cũng có thể nhắm đến cảnh sát và công chức.

    Tuy nhiên, nỗ lực thu nạp cảm tình và, sau đó, là khuyến dụ bất tuân trong số những lực lượng của những nhà độc tài, không nên được cắt nghĩa như là một sự khuyến khích những lực lượng quân đội chấm dứt nhanh chóng nền độc tài hiện hành bằng hành động quân sự. Một viễn tượng như thế chắc sẽ không đem lại một nền dân chủ hữu hiệu, bởi vì (như chúng ta đã thảo luận) một cuộc đảo chánh sẽ chẳng làm được bao nhiêu trong việc sửa đổi sự mất quân bình về những tương quan lực lượng giữa quần chúng và các nhà cai trị. Do đó, sẽ cần phải thiết kế như thế nào để các sĩ quan quân đội có thiện cảm với các lược lượng dân chủ hiểu được rằng một cuộc đảo chánh quân sự hay một cuộc nội chiến chống lại độc tài là một điều không cần phải có hay không phải là một điều mà người dân mong ước.

    Các sĩ quan có thiện cảm với các lực lượng dân chủ có thể đóng những vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chẳng hạn như là phát động sự bất mãn và bất hợp tác trong các lực lượng quân đội, khuyến khích sự cố ý vô hiệu năng và yên lặng tảng lờ các mệnh lệnh, và ủng hộ việc khước từ thi hành đàn áp. Nhân viên quân sự cũng có thể cung ứng nhiều phương cách hỗ trợ tích cực bất bạo động cho phong trào dân chủ, bao gồm cung cấp lối đi an toàn, thông tin, lương thực, các vật dụng y tế, và những thứ như thế. 

    Quân đội là một trong những nguồn sức mạnh quan trọng nhất của các nhà độc tài vì quân đội có thể trực tiếp sử dụng những đơn vị có kỷluật và vũ khí để tấn công và trừng trị những người dân bất tuân phục. Các chiến lược gia thách thức nên nhớ rằng sẽ cực kỳ khó, hay là không thể, phân huỷ nền độc tài nếu cảnh sát, các chuyên viên bàn giấy, và các lực lượng quân đội vẫn hoàn toàn ủng hộ các nhà độc tài và tuân lệnh thi hành các chỉ thị của họ. Các chiến lược gia dân chủ do đó nên dành ưu tiên đặc biệt cho những chiến lược nhắm đánh đổ sự trung thành của những lực lượng của các nhà độc tài.

    Các lực lượng dân chủ nên nhớ là sự bất mãn và bất tuân giữa những lực lượng quân đội và cảnh sát có thể rất nguy hiểm cho những thành viên của những nhóm này. Binh lính và cảnh sát có thể nhận lãnh những hình phạt nặng nề vì bất cứ hành vi bất tuân nào và bị hành quyết vì những hành động phản loạn. Các lực lượng dân chủ không nên yêu cầu binh sĩ và các sĩ quan là họ phải nổi loạn ngay. Thay vì như vậy, ở nơi nào mà liên lạc có thể thực hiện được, thì cần phải cho họ biết rõ là có nhiều hình thái “bất tuân trá hình” tương đối an toàn mà họ có thể khởi công. Ví dụ, cảnh sát hay binh lính có thể thi hành các chỉ thị đàn áp một cách vô hiệu năng, không tìm thấy những người được lệnh phải bắt, cảnh báo cho những người đối kháng biết về đàn áp, những lệnh bắt bớ, những lệnh trục xuất, và không báo cáo thông tin quan trọng cho cấp trên. Các sĩ quan bất mãn đến lượt mình có thể xao lãng trong việc chuyển đạt các chỉ thị đàn áp xuống theo hệ thống chỉ huy. Binh lính có thể bắn cao quá đầu những người biểu tình. Tương tự như thế, về phần các công chức thì họ có thể làm mất hồ sơ và các chỉ thị, làm việc một cách vô hiệu năng, và trở “bệnh” để họ cần phải ở nhà cho đến khi “bình phục.”

Những chuyển đổi trong chiến lược

    Các chiến lược gia thách thức chính trị sẽ cần phải liên tục thẩm định xem đại chiến lược và các chiến lược cụ thể cho các chiến dịch đang được thực thi như thế nào. Có thể là, chẳng hạn như, cuộc đấu tranh không xảy ra được tốt đẹp như mong muốn. Trong trường hợp này thì sẽ cần phải tính toán xem đòi hỏi cần phải có những chuyển đổi nào về chiến lược. Cần phải làm gì để gia tăng sức mạnh của phong trào và giành lại sáng kiến? Trong hoàn cảnh như thế thì cần phải nhận dạng cho được vấn đề, thực hiện một cuộc tái thẩm định về chiến lược, có thể là chuyển những trách nhiệm đấu tranh cho một nhóm dân chúng khác, động viên thêm những nguồn sức mạnh, và hoạch định những đường hướng đấu tranh thay thế. Khi điều này đã thực hiện xong, thì kế hoạch mới cần phải được thực thi ngay tức khắc.

    Ngược lại, nếu cuộc đấu tranh xảy ra tốt đẹp hơn là mong muốn và nền độc tài đang trên đà sụp đổ sớm hơn là dự tính trước đây, thì làm thế nào để các lực lượng dân chủ lợi dụng được những thắng lợi bất ngờ và tiến đến việc làm tê liệt nền độc tài? Chúng ta sẽ khai phá câu hỏi này trong bài tới.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.