Có Thể Đạt Được
Bn Cách Thành Công
(Bài 039)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

 

Bốn con đường dẫn đến thành công    

Đấu tranh bất bạo động có thể thành công chỉ khi nào có những điều kiện cần thiết hoặc những điều kiện này được tạo nên. Việc những người đối kháng bất bạo động có khả năng tạo ra nhiều điều kiện trong số những điều kiện này bằng những hành động có chủ ý xảy ra thường xuyên hơn là thường được người ta thừa nhận.

     Có thể phân biệt được bốn tiến trình rộng lớn, hay bốn phương thức, có thể đem lại thành công: cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, và phân huỷ.

Cải hoá 

“Dùng từ cải hoá chúng tôi muốn nói là đối phương, như là kết quả của những hành động của nhóm hoặc của cá nhân đấu tranh bất bạo động, đã thay đổi lập trường bằng một quan điểm mới ủng hộ những mục đích của các nhà đấu tranh bất bạo động”, Lakey viết*.  Phương thức này có thể bị ảnh hưởng bởi lý trí, lập luận, cảm xúc, những niềm tin, thái độ, và đạo đức.

     Cải hoá trong đấu tranh bất bạo động do đó không chỉ nhằm giải phóng nhóm bị trị, mà còn nhằm giải phóng đối phương bị nghĩ là đã bị chính hệ thống và những chính sách của họ giam hãm. Những người cổ võ phương thức này thường nói là thái độ và hành tác của nhóm đấu tranh bất bạo động là tìm cách tách rời “cái ác” ra khỏi “ác nhân”, hay là cắt bỏ “cái ác” ra khỏi “người làm điều ác”.

    Tự hứng chịu đau khổ thường được xem là quan trọng để khởi động cải hoá. Vài người sử dụng đấu tranh bất bạo động tin tưởng là tự hứng chịu đau khổ không những cần phải có để vô hiệu hoá hay là làm cho sự đàn áp của đối phương không thực hiện được, mà có thể còn là phương tiện chính yếu để cải hoá đối phương. Một vài người lý luận là đau khổ chống lại nguỵ biện và thắng lướt vô cảm. Đau khổ do đó không còn chỉ là một sự mạo hiểm, mà đã trở thành một vũ khí.

     “Quảng cách xã hội” — mức độ cách biệt của “cảm giác thân hữu”, sự hiểu nhau, và sự thông cảm — giữa những nhóm tranh chấp càng lớn, thì cơ hội cải hoá càng nhỏ. Quảng cách xã hội càng nhỏ, thì cơ hội cải hoá càng dễ dàng hơn. Vài người đối kháng bất bạo động muốn cải hoá đối phương có thể tìm cách làm giảm đi hay cắt bỏ quảng cách xã hội giữa các nhóm tranh chấp để thúc đẩy phương thức này.

    Cải hoá có thể là kết quả vì những thay đổi về lý trí và/hoặc về cảm xúc trong lối suy tư và những cách nhìn của đối phương. Đúng ra những thay đổi này sẽ khác nhau, tuỳ theo cá nhân, tuỳ theo các diễn biến, và tuỳ theo tiến trình này đã vận hành được bao lâu. Những thay đổi về hành vi, niềm tin, cảm xúc, và thế giới quan nơi đối phương có thể là kết quả của cải hoá. Mức độ dễ bị cải hoá ở từng cá nhân sẽ khác nhau rất nhiều.

    Những nhân tố ảnh hưởng đến cải hoá bao gồm mức độ va chạm quyền lợi và quảng cách xã hội giữa các nhóm tranh chấp, bản tính của đối phương, cùng chia sẻ niềm tin và chuẩn mực hay niềm tin và chuẩn mực đối nghịch nhau giữa các nhóm, và vai trò của những thành phần thứ ba.

    Nếu nhóm đấu tranh bất bạo động cố tình tìm cách tạo thay đổi bằng cách cải hoá đối phương, thì nhóm có thể xúc tiến phương thức này bằng cách tránh bạo lực và thù nghịch, cố tranh thủ lòng tin của đối phương bằng sự thật, duy trì cởi mở về những dự tính của mình, biểu lộ sự hào hiệp, giữ một tư cách và những tập quán hoà nhã, tránh làm nhục đối phương, làm những hy sinh thấy rõ, thực hiện công việc có tính xây dựng, duy trì đích thân tiếp xúc với đối phương, chứng tỏ tin tưởng đối phương, hay phát huy thông cảm.

    Vì nhiều lý do, bao gồm cả việc không hoàn thành thoả đáng những nhân tố ảnh hưởng nói trên, những nỗ lực cải hoá có thể chỉ thành công phần nào thôi, hay có thể thất bại hoàn toàn. Một vài người hay nhóm người có thể đặc biệt chống lại phương thức cải hoá. Nhiều người thực hành đấu tranh bất bạo động loại hẳn phương thức cải hoá, tin rằng phương thức này không thể thực hiện được hay là không thực tiễn. Nếu cải hoá thất bại, hoặc không được thử nghiệm, thì đấu tranh bất bạo động cống hiến ba phương thức khác để đạt được thay đổi.

Thích nghi

Trong phương thức thích nghi, đối phương không bị cải hoá cũng không bị cưỡng ép một cách bất bạo động. Đối phương, dù vẫn chưa thay đổi ý kiến của mình một cách cơ bản về những vấn đề tranh chấp, nhưng quyết định chấp thuận ít nhất cũng là một vài đòi hỏi của những người đối kháng bất bạo động. Đối phương quyết định nhường một vấn đề hơn là mạo hiểm một kết cuộc tệ hơn. Những ảnh hưởng đáng lẽ ra đã có thể đưa đến cải hoá hay cưỡng ép bất bạo động có thể được sử dụng trong trường hợp này. Thích nghi xảy ra khi đối phương còn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, hoàn cảnh xã hội đã được thay đổi nhiều đến mức độ đối phương phải chấp nhận một vài thay đổi. Trong số những nhân tố đưa đến thích nghi là những nhân tố sau đây:

  • Đàn áp vũ lực không còn được xem là thích hợp nữa.
  • Đối phương tin là họ đã loại bỏ được phiền phức bằng cách chịu chấp thuận một số hay tất cả các đòi hỏi của những người đối kháng.
  • Đối phương thích nghi với đối lập trong chính nhóm của mình, và hành động để ngăn chặn sự phát triển của đối lập này.
  • Đối phương hành động để giảm thiểu tổn thất về kinh tế được nghĩ là sẽ gia tăng.
  • Đối phương đành phải nhã nhặn chịu cúi mình trước một việc không thể tránh được, để tránh sự nhục nhã của thất bại và có thể vớt vát được phần nào hơn là để tệ hại về sau. Có lúc, đối phương hành động để ngăn chặn người dân biết được sức mạnh thực sự của quần chúng.

Cưỡng ép bất bạo động và phân huỷ

Với cưỡng ép bất bạo động, đối phương không bị cải hoá, họ cũng không quyết định thích nghi với các đòi hỏi. Đúng ra, chính những chuyển đổi về các sức mạnh xã hội và về các tương quan lực lượng đã đưa đến những thay đổi mà những người đối kháng đòi hỏi ngược với ý muốn của đối phương, trong lúc đối phương vẫn còn tại vị trong những chức vụ đương nhiệm của mình. (Điều này giả định là những thay đổi đòi hỏi không bao gồm việc cất chức những giới chức của chính quyền hay là sự sụp đổ của chế độ.)

    Nói một cách sơ lược thì cưỡng ép bất bạo động có thể xảy ra bằng bất cứ cách nào trong ba cách sau đây:

  • Sự thách thách đã lan ra quá rộng và quá ồ ạt nên đối phương khó mà kiềm chế bằng đàn áp hoặc bằng những phương tiện kiềm chế khác.
  • Bất hợp tác và sự thách thức làm cho hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị không thể vận hành được nữa trừ phi những yêu sách của những người đối kháng được thoả mãn.
  • Ngay cả khả năng của đối phương áp dụng đàn áp cũng bị xói mòn và tan biến vì những lực lượng thi hành đàn áp (cảnh sát và quân đội) đã trở thành không còn tin cậy được nữa hay là đã phân huỷ.

Với bất cứ trường hợp nào trong số những trường hợp đề cập trên đây, dù quyết tâm không chấp thuận những đòi hỏi của những người đối kháng, đối phương cũng có thể khám phá ra được là họ không thể còn bàu chữa hoặc áp đặt những chính sách hay hệ thống đáng chê trách của họ được nữa.

    Cưỡng ép không chỉ được giới hạn vào những hiệu quả hay là sự đe doạ của việc sử dụng vũ lực.  Những nhân tố then chốt của cưỡng ép là

  • Ý muốn của đối phương có bị chặn lại hay không dù vẫn có những nỗ lực tiếp tục áp đặt ý muốn đó; và
  • Đối phương có có khả năng thực hiện ý muốn của mình hay không.

Cưỡng ép là sử dụng thể lực hay sức mạnh phi thể lực để ép buộc hay giới hạn hành động.

    Cưỡng ép bất bạo động do kết quả của bất hợp tác đã lan rộng đôi khi có thể hữu hiệu đến mức độ tạm thời làm tê liệt quyền lực của đối phương. Ý niệm phân huỷ đưa tiến trình này thêm một bước xa hơn nữa.

    Phân huỷ à do kết quả của việc áp dụng triệt để những lực đã  từng tạo ra cưỡng ép bất bạo động. Tuy nhiên, những lực này vận hành cực đoan hơn trong phương thức phân huỷ, để cho chế độ hay nhóm của đối phương phải hoàn toàn vỡ ra từng mảnh. Ngay cả không có một cơ quan nào còn được phối hợp và có khả năng để chấp nhận sự thất bại. Quyền lực của đối phương hoàn toàn bị tan rã.

    Sức mạnh của cưỡng ép và phân huỷ có thể thực hiện được nhờ khả năng của đấu tranh bất bạo động cắt đứt được những nguồn sức mạnh của đối phương, như đã thảo luận trước đây. Kỹ thuật này trở nên cưỡng ép và phân huỷ khi những người áp dụng nó một cách quyết liệt giữ lại hay rút lui những nguồn sức mạnh cần thiết của đối phương trong những lãnh vực sau đây:

    (1) Uy quyền: Chỉ việc áp dụng đấu tranh bất bạo động không mà thôi cũng vừa cho thấy đối phương đã mất hết bao nhiêu uy quyền rồi và cũng có thể vừa giúp xói mòn thêm uy quyền của họ nhiều hơn nữa. Uy quyền của đối phương có thể trở nên suy yếu và ngay cả tiêu tan. Thêm vào đó, những người đã từng phủ nhận uy quyền của đối phương, lúc bấy giờ, trong những hoàn cảnh cực đoan, có thể chuyển đổi sự trung thành của họ đến một đối thủ cạnh tranh dưới hình thức một chính quyền song hành.

    (2) Nhân lực: Bất hợp tác bất bạo động và bất tuân dân sự có thể cắt đứt những nguồn nhân lực đòi hỏi cần phải có cho sức mạnh của đối phương. Những nguồn nhân lực này có thể bao gồm đại bộ phận dân chúng, và nhóm khiếu nại, cũng như những người đối kháng bất bạo động. Kết quả có thể gia tăng những khó khăn của đối phương đối với việc thi hành công vụ rất nhiều, đồng thời làm suy yếu khả năng quyền lực của họ. Bất hợp tác kiên quyết và lan rộng có thể làm tê liệt hệ thống.

     (3) Kỹ năng và kiến thức: Một sự rút lui hợp tác bởi những nhân viên cốt cán, những nhân viên kỹ thuật, những giới chức cao cấp, các nhà quản trị, vân vân., có thể tạo nên một tác dụng đối với quyền lực của đối phương không tỷ lệ chút nào với số người thực sự bất hợp tác. Một thách thức bởi đấu tranh bất bạo động tỏ ra là đặc biệt có cơ may làm cho những xung khắc trong lòng chế độ của đối phương trở nên trầm trọng, do đó giảm thiểu các kỹ năng, kiến thức, nhận thức, sinh lực, và những điều tương tự cần phải có để đối đầu với sự thử thách.

     (4) Những nhân tố không nắm bắt được: Đấu tranh bất bạo động có khả năng đe doạ những tập quán tuân phục, và đặt vấn đề với những niềm tin về chính trị và các lý thuyết giáo điều. Đối kháng và bất tuân có thể chỉ phản ánh những thay đổi về các thái độ và niềm tin có sẵn trước đây, và cũng có thể giúp xói mòn thêm tập quán tuân phục mà không hề chất vấn và phát huy sự lựa chọn có ý thức về việc nên hay không nên tuân phục.

     (5) Vật lực: Đối kháng bất bạo động có thể điều chỉnh được số lượng vật lực mà đối phương có. Những nguồn lực này gồm có chuyên chở, thông tin, các nguồn lực kinh tế và tài chánh, các nguyên liệu, và những điều tương tự. Trong số 198 phương pháp đấu tranh bất bạo động, 61 phương pháp mang hình thức kinh tế: tẩy chay, đình công, và một vài phương pháp can thiệp. Những phương pháp khác có thể có những hiệu quả gián tiếp về kinh tế.

    (6) Chế tài: Ngay cả khả năng của đối phương áp dụng các trừng phạt chống lại phong trào đối kháng cũng có thể bị làm suy giảm hay cắt bỏ đi bởi đấu tranh bất bạo động. Những người giúp thực hiện các hình phạt — cảnh sát và các lực lượng quân đội – có thể thi hành lệnh một cách vô hiệu năng, hoặc là trong những trường hợp quá khích có thể lờ các lệnh này đi hay hoàn toàn bất tuân lệnh. Sự lơ là và bất tuân như thế thường là để đáp ứng lại đối kháng bất bạo động hơn là đối kháng bạo động. Sự thiếu tin cậy vào các trừng phạt, hay ngay cả sự cắt đứt hẳn các trừng phạt như là kết quả của những cuộc nổi loạn, sẽ có một tác dụng trầm trọng đối với vị thế quyền lực của đối phương.

   Những nhân tố tạo nên cưỡng ép bất bạo động và phân huỷ xảy ra trong nhiều hỗn hợp và tỷ l ệ khác nhau. Sự đóng góp của mỗi nhân tố tuỳ thuộc vào mức độ yếu tố đó điều chỉnh một hay nhiều nguồn sức mạnh cần thiết của đối phương. Cưỡng ép bất bạo động và phân huỷ có khuynh hướng xảy ra ở nơi nào mà

  • Con số những người đối kháng rất lớn.
  • Đối phương lệ thuộc vào những người đối kháng về những nguồn sức mạnh của mình.
  • Nhóm hay các nhóm từ chối hỗ trợ đối phương quan trọng theo ý nghĩa của sự hỗ trợ mà họ thường cung ứng.
  • Nhóm tranh đấu bất bạo động sành sõi trong việc áp dụng kỹ thuật đấu tranh bất bạo động.
  • Sự thách thức và bất hợp tác có thể kéo dài được trong một thời gian khá lâu.
  • Đối với một số dịch vụ và tiếp liệu, đối phương lệ thuộc vào những thành phần thứ ba thường ủng hộ nhóm đấu tranh bất bạo động.
  • Những phương tiện kiềm chế và đàn áp của đối phương chứng tỏ là không đủ và không hữu hiệu trong việc chống lại sự thách thức ồ ạt.
  • Có đối lập trong nhóm đối phương chống lại các chánh sách có vấn đề hay chống lại đàn áp. Sự đối lập này gồm có sự lưu tâm đến con số những người bất đồng ý kiến, cường độ của sự bất đồng, và các loại hành động họ sử dụng, như là đình công hay nổi loạn.

Đấu tranh bất bạo động được áp dụng một cách sành sõi sẽ đem lại những cơ hội thành công lớn lao hơn là bạo lực chính trị trong cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, chiến thắng không thể bảo đảm được. Những thay đổi sẽ xảy ra, theo chiều hướng tốt cũng như xấu. Thường thì, cũng như trong tất cả mọi cuộc xung đột, kết quả là một sự lẫn lộn giữa thất bại và thành công theo nhiều tỷ lệ khác nhau.


 

CƯỚC CHÚ 

*George Lakey, “Những Phương Thức Xã Hội Học của Đấu Tranh Bất Bạo Động” (Tập San Nghiên Cứu Hoà Bình),Tập II, Số 6 [Tháng Mười Hai 1968], t. 12.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.