Một nhận định đơn giản
Hành động bất bạo động, hay là đấu tranh bất bạo động, là một kỹ thuật hành động nhờ đó dân chúng có thể siết lại hay cắt đứt các nguồn sức mạnh của những người cai trị họ hay những kẻ áp bức khác. Kỹ thuật này được đặt cơ sở trên sự thông hiểu về quyền lực chính trị như đã được trình bày trong Bài 032.
Sự hiểu biết đó cho thấy là quyền lực của những nhà cai trị và của những hệ thống hệ đẳng, bất kể là độc tài như thế nào, lệ thuộc trực tiếp vào sự tuân phục và hợp tác của dân chúng. Sự tuân phục và hợp tác lại lệ thuộc vào việc dân chúng và vô số trợ tá của nhà cai trị có sẵn lòng chịu đồng ý — bằng những hành động hay không bằng hành động của họ — hỗ trợ các nhà cai trị hay không. Người ta có thể tuân phục và hợp tác vì họ chấp nhận các nhà cai trị hay là mệnh lệnh của nhà cai trị một cách tích cực, hay là họ có thể tuân phục và hợp tác chỉ vì bị hăm doạ đến độ phải khuất phục vì sợ bị trừng phạt.
Tuy thế, bất chấp những hình phạt, những hành vi chống đối, bất tuân và bất hợp tác vẫn xảy ra thường xuyên trong nhiều xã hội. Đôi khi, những hành vi này mang một ý nghĩa trọng đại, như đã được bàn đến ở Bài 032*.
Đấu tranh bất bạo động không đòi hỏi phải chấp nhận một lý thuyết chính trị mới hay một niềm tin tôn giáo hay đạo đức mới. Trong ý nghĩa chính trị, hành động bất bạo động được đặt cơ sở trên một nhận định rất đơn giản: người ta không luôn luôn làm những điều mà người ta bị bảo phải làm, và đôi khi người ta làm những điều bị cấm làm. Người dân có thể không tuân theo những luật lệ mà họ bác bỏ. Công nhân có thể ngưng làm việc, điều có thể làm tê liệt nền kinh tế. Hành chánh có thể khước từ thi hành các huấn lệnh. Quân nhân và cảnh sát có thể lơ là trong việc thi hành đàn áp hay là ngay cả nổi loạn. Khi mà những sự cố này xảy ra cùng một lúc, thì quyền lực của nhà cai trị sẽ suy yếu và có thể tiêu tan.
Kỹ thuật đấu tranh bất bạo động đã từng được áp dụng để chống lại đủ loại đối thủ. Từ “đối thủ” ở đây được dùng để chỉ kẻ địch, dù là một nhóm người, một thể chế, một chính thể, một kẻ xâm lược, hay, hoạ hoằn, là một cá nhân, mà cuộc đấu tranh bất bạo động đang chống lại. Thường thì khó khăn nhất trong những xung khắc nầy là xung khắc chống lại những nhà cai trị hiện tại của Nhà Nước hay là chống lại những nhóm người được Nhà Nước hậu thuẫn. Tuy nhiên kỹ thuật này cũng còn có thể áp dụng cho những xung khắc chống lại những đối thủ ít kinh khủng hơn. Những vấn đề tranh chấp trong những cuộc xung khắc này biến đổi tuỳ theo trường hợp. Chúng có thể bao gồm không những chỉ những vấn đề chính trị, mà còn những vấn đề xã hội, kinh tế, tôn giáo, và văn hoá nữa.
Khi người ta bác bỏ uy quyền của đối phương, từ chối hợp tác, rút lui sự hỗ trợ, và kiên trì trong bất tuân và thách thức là khi người ta đang khước từ cung cấp cho đối phương sự hỗ trợ nhân sự cơ bản và sự hợp tác mà bất cứ chính quyền hay hệ thống hệ đẳng nào cũng đòi hỏi. Nếu đối phương lệ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ như thế, và nếu những người đối kháng từ chối hợp tác và bất tuân với đủ số người trong một thời gian lâu đủ và kiên trì mặc dù bị đàn áp, thì những người đã từng là những “nhà cai trị” hay là nhóm thống trị chỉ trở thành một nhóm người khác mà thôi. Đây là giả định chính trị cơ bản của loại đấu tranh này.
Một cách tiến hành cuộc đấu tranh
Đấu tranh bất bạo động là một từ tổng quát bao gồm hằng tá phương pháp về phản đối, bất hợp tác, và can thiệp. Trong tất cả những phương pháp này, những người đối kháng tiến hành đấu tranh bằng cách làm — hoặc từ chối làm — một số hành động với những phương tiện không phải là bạo lực thể xác.
Đấu tranh bất bạo động có thể bao gồm những hành vi bỏ sót– nghĩa là người ta có thể không thi hành những hành động mà họ thường làm, được chờ đợi phải làm theo thói quen, hay là do luật, lệ đòi hỏi phải làm. Hay là, người ta có thể thi hành những hành động cố tình làm– nghĩa là người ta có thể thi hành những hành động mà họ thường không làm, theo thói quen không được chờ đợi phải làm, hay là bị cấm làm. Hay là, loại đấu tranh này bao gồm một sự hỗn hợp của những hành vi bỏ sót và cố tình làm. Không có cách gì mà kỹ thuật đấu tranh bất bạo động lại có thể thụ động được. Đó là hành động không bạo lực.
Mặc dù những phương tiện bất bạo động để tiến hành đấu tranh đã từng được sử dụng một cách phổ quát trong quá khứ, nhưng người ta vẫn không hiểu chúng được rõ ràng, hay là người ta nhầm lẫn chúng với những hiện tượng khác. Sự hiểu lầm hay nhầm lẫn này đã làm suy giảm hiệu lực của những nỗ lực sử dụng kỹ thuật này. Điều này do đó đã làm lợi cho đối phương mà chế độ hay các chánh sách của họ đang bị cuộc đấu tranh do dân chúng điều động chống lại. Nếu loại đấu tranh này bị đồng hoá một cách sai lầm với sự yếu đuối của tính thụ động, nhầm lẫn với chính sách hoà hoãn, dồn chung với bạo loạn hoặc chiến tranh du kích, hay là bị xem như là một loại hành động không đòi hỏi những chuẩn bị cẩn thận, thì thực sự có lẽ không nên thử nghiệm đấu tranh bất bạo động, hay là, nếu thử, thì có lẽ những nỗ lực này cũng chỉ vô hiệu lực mà thôi.
Các loại phương pháp đấu tranh
Cóít nhất là 198 phương pháp đấu tranh bất bạo động cụ thể đã được nhận dạng. Những phương pháp này tạo thành ba loại sinh hoạt chính yếu. Loại lớn nhất đầu tiên được gọi là phản đối và thuyết phục. Đây là những sinh hoạt mà qua đó những người thực hành phát biểu ý kiến bằng những hành động có tính biểu tượng, để chứng tỏ sự hỗ trợ hay không chấp thuận của họ đối với một hành động, một chính sách, một nhóm người, hay một chính quyền chẳng hạn. Nhiều phương pháp hành động cụ thể nằm trong loại này. Những phương pháp này bao gồm các bản tuyên ngôn, kiến nghị, truyền đơn, làm hàng rào cản, đeo ký hiệu biểu tượng, âm thanh biểu tượng, đêm không ngủ, ca hát, đi bộ, những đám tang có tính biểu tượng, mít tinh chống đối, thinh lặng, và quay lưng lại, vân vân. Trong nhiều hoàn cảnh chính trị, những phương pháp này hơi nhẹ, nhưng dưới một chế độ hết sức đàn áp thì những hành động như thế có thể là những thách thức ghê gớm và đòi hỏi một sự can đảm lớn lao.
Những phương pháp loại hai là bất hợp tác, một loại hết sức lớn có thể mang những hình thức xã hội, kinh tế, và chính trị. Qua những phương pháp này, người ta từ chối tiếp tục những hình thức hợp tác thông thường hay là từ chối khởi sự một hợp tác mới. Hiệu quả của sự bất hợp tác như thế tự bản chất có thể gây rối cho những tương quan đã được thiết lập và cho hệ thống điều hành hơn là những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động. Mức độ rối ren tuỳ thuộc vào hệ thống bị gây rối, vào sự quan trọng của sinh hoạt bị từ chối hợp tác, vào loại bất hợp tác được sử dụng, vào nhóm từ chối hợp tác, vào số lượng bao nhiêu người tham dự, và vào thời gian bất hợp tác kéo dài được bao lâu.
Những phương pháp bất hợp tác xã hội, ngoài những phương pháp khác có thể có, bao gồm tẩy chay xã hội, khai trừ, học sinh/sinh viên bãi khoá, biểu tình tại gia, và biến mất tập thể.
Những hình thức bất hợp tác kinh tế được gom lại dưới các tiêu đề (1) những cuộc tẩy chay kinh tế và (2) những vụ đình công lao động. Những phương pháp tẩy chay kinh tế, ngoài những phương pháp khác, bao gồm những cuộc tẩy chay của giới tiêu thụ, không trả tiền mướn, khước từ cho mướn hay bán tài sản, đóng cửa tiệm, rút tiền ra khỏi ngân hàng, khước từ lợi tức, cấm vận mậu dịch quốc tế. Những cuộc đình công lao động gồm có: đình công phản đối, tù nhân đình công, đình công làm đình trệ các sinh hoạt, tổng đình công, làm trì chậm sinh hoạt kinh tế, và nhiều hình thức khác nữa.
Bất hợp tác chính trị là một tiểu mục lớn hơn rất nhiều. Loại này bao gồm việc giữ lại hay rút lui sự trung thành, tẩy chay những cuộc bầu cử, tẩy chay làm việc cho chính phủ hay những chức vụ của chính phủ, khước từ giải thể những cơ chế hiện hành, phục tòng một cách miễn cưỡng và chậm trễ, bất tuân nguỵ trang, bất tuân dân sự, toà án bất hợp tác, cố tình vô hiệu năng, và bất hợp tác có chọn lựa bởi nhân viên công lực, bất hợp tác bởi những đơn vị thành phần của chính phủ, và cắt đứt liên hệ ngoại giao.
Tất cả những phương pháp can thiệp bất bạo động đều gây rối ren cho sự điều hành của những chính sách hay cho hệ thống một cách năng động bằng cách cố tình can dự hoặc trong các lãnh vực tâm lý, thể xác, xã hội, kinh tế, hay chính trị. Trong vô số những phương pháp thuộc loại này là tuyệt thực, biểu-tình-ngồi, đột kích bất bạo động, gây cản trở bất bạo động, chiếm dụng bất bạo động, tràn ngập các phương tiện dịch vụ, thiết lập những cơ chế xã hội song hành, các hệ thống truyền thông song hành, áp dụng phương pháp ngược lại với đình công bằng những công tác tình nguyện hay gia tăng năng suất để đạt mục tiêu, đình công tại chỗ, chiếm dụng đất bất bạo động, thách thức các phong toả, tịch thu tài sản, bảo trợ có chọn lọc, thiết lập những cơ sở kinh tế song hành, làm tràn ngập các hệ thống hành chánh, tìm cách đi ở tù, phương pháp hai chủ quyền và chính phủ song hành.
Những phương pháp này và nhiều phương pháp tương tự khác nữa về phản đối và thuyết phục bất bạo động, bất hợp tác, và can thiệp bất bạo động tạo nên kỹ thuật đấu tranh bất bạo động.
Thành công đòi hỏi điều kiện
Đấu tranh bất bạo động thành công không phải nhờ ảo thuật. Mặc dù những nhà đối kháng bất bạo động đã có nhiều lần thành công, nhưng không phải lúc nào cũng thành công, và hiển nhiên là không phải không trả giá. Chỉ chọn lựa tiến hành một cuộc đấu tranh bằng hành động bất bạo động không bảo đảm được thành công.
Nhiều cuộc đấu tranh trong quá khứ chỉ thành công một phần mà thôi. Đôi khi chiến thắng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn bởi vì người ta đã không lợi dụng chiến thắng đó để củng cố những thắng lợi, cũng như đã không chống lại những đe doạ mới đối với các tự do của họ cho được hiệu quả. Trong những trường hợp khác, chiến thắng trong một chiến dịch duy nhất đem lại những nhượng bộ, nhưng vẫn cần phải có những cuộc đấu tranh mới để tranh thủ cho được toàn bộ các mục tiêu. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, người ta đã đạt được những chiến thắng to lớn mà nhiều người nghĩ là không thể đạt được bằng đối kháng bất bạo động.
Tuy nhiên, một vài trường hợp đấu tranh bất bạo động trong quá khứ đã thất bại trong việc tranh thủ các mục tiêu. Sự thất bại như thế đã xảy ra vì nhiều lý do. Nếu các nhà đối kháng yếu, nếu những phương pháp cụ thể được chọn lựa không đúng, hay là các nhà đối kháng trở nên khiếp sợ và bị hăm doạ đến phải khuất phục, thì họ sẽ khó mà thắng được. Nếu các nhà đối kháng thiếu một chiến lược để tiến hành cuộc đấu tranh cho được hiệu quả tối đa, thì xác suất thành công bị giảm đi rất nhiều. Không có gì thay thế được cho sức mạnh đích thực và cho hành động khôn ngoan trong công cuộc tiến hành đấu tranh bất bạo động.
Tham gia vào một cuộc đấu tranh bất bạo động không miễn trừ cho bất cứ cá nhân nào khỏi bị tù tội, thương tích, đau khổ, hay chết chóc. Cũng như trong những cuộc xung đột bạo động, những người tham gia đấu tranh bất bạo động thường phải chịu những hình phạt nặng nề vì sự thách thức và bất hợp tác của họ. Tuy nhiên, những chiến thắng do đấu tranh bất bạo động ít đem lại tổn thất, hay ngay cả không đem lại tổn thất nào, cũng đã từng xảy ra, và thông thường thì các tổn thất trong các cuộc đấu tranh bất bạo động ít hơn rất nhiều so với những tổn thất trong những cuộc đấu tranh bạo động để tranh thủ cùng những mục tiêu như nhau.
Xét định kỹ thuật này thật kỹ càng hơn sẽ giúp chúng ta thẩm định được ý nghĩa tiềm tàng và hiệu quả tiềm năng của nó. Do đó, chúng ta hãy lược khảo cách điều hành của đấu tranh bất bạo động.
Các cách sử dụng và những hiệu quả của đấu tranh bất bạo động
Đấu tranh bất bạo động có thể dùng để thay thế cho bạo lực chống lại những nhóm khác trong xã hội, chống lại những nhóm trong một xã hội khác, chống lại chính quyền của chính mình, hay chống lại một chính quyền khác.
Nhiều khi chỉ có những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động mới có thể sử dụng được để gây ảnh hưởng đối với các ý kiến của đối phương hay là của những người khác. Những hành động như thế có thể tác động lên uy quyền đạo đức và tính hợp pháp của đối phương. Tuy nhiên, những phương pháp này là những phương pháp yếu.
Nhiều phương pháp trong số những phương pháp bất hợp tác sẽ mạnh hơn rất nhiều vì những phương pháp này có tiềm năng làm suy giảm hay cắt đứt sự cung cấp các nguồn sức mạnh của đối phương. Những phương pháp này đòi hỏi số đông người tham gia, và thường là sự tham gia của những nhóm hay của các cơ chế trong hành động từ chối hợp tác.
Những phương pháp can thiệp bất bạo động có thể được áp dụng bởi những nhóm lớn, nhỏ khác nhau. Một vài phương pháp trong số những phương pháp này – như là biểu-tình-ngồi tại một văn phòng, chẳng hạn – đòi hỏi một số ít người tham dự để tạo nên một tác động lớn lao hơn là những phương pháp bất hợp tác đòi hỏi. Ít nhất cũng là trong ngắn hạn, những phương pháp này nói chung thường gây rối ren cho nguyên trạng nhiều hơn là bất hợp tác. Tuy nhiên, một số phương pháp này có thể thường gặp phải đàn áp cùng cực. Để có thể gây được tác động, những người đối kháng phải được chuẩn bị để chịu đựng điều này, trong lúc vẫn kiên trì trong hành động thách thức bất bạo động của họ. Trừ phi số người tham dự hết sức lớn – như trong những cuộc biểu-tình-ngồi vĩ đại tại những con đường thuộc trung tâm thành phố — thì có thể là khó mà duy trì sự áp dụng những phương pháp này trong một thời gian lâu dài được. Những tổn thất có thể nặng nề.
Điều hết sức quan trọng là những ai chuẩn bị dấn thân vào một cuộc đấu tranh bất bạo động cần phải chọn những phương pháp mà họ sẽ sử dụng với tất cả sự cẩn trọng. Những phương pháp được lựa chọn phải đánh vào các nhược điểm của đối phương, tận dụng các ưu điểm của những người đối kháng, và được sử dụng cùng chung với những phương pháp khác theo phương cách làm thế nào để tất cả những phương pháp này hỗ trợ lẫn nhau. Muốn hữu hiệu nhất thì những phương pháp này còn cần phải được chọn lựa và thực thi theo một đại chiến lược cho toàn bộ cuộc đấu tranh. Đại chiến lược cần phải được thiết lập trước khi chọn lựa những phương pháp cụ thể. Việc thiết lập các đại chiến lược và các chiến lược cho những chiến dịch có giới hạn sẽ được bàn đếnsau.
Những hiệu quả của việc sử dụng các phương pháp hành động bất bạo động khác nhau rất nhiều. Những hiệu quả này tuỳ thuộc vào bản chất của hệ thống trong đó những phương pháp này được áp dụng, vào loại chế độ của đối phương, vào mức độ áp dụng những phương pháp, vào những vai trò thường lệ trong việc điều hành hệ thống của những người hay nhóm người áp dụng các phương pháp này, vào kỹ năng của những nhóm người sử dụng hành động bất bạo động, vào việc có hay không sử dụng những chiến lược khôn ngoan trong cuộc đấu tranh, và, sau cùng, là vào khả năng tương đối của những người đối kháng bất bạo động chịu đựng được sự đàn áp từ đối phương và kiên trì trong bất hợp tác và thách thức mà không rơi vào những phương tiện bạo động.
Đàn áp và những phương thức tạo thay đổi
Bởi vì những phương pháp đấu tranh bất bạo động này, đặc biệt là những phương pháp bất hợp tác, thường trực tiếp gây phiền phức hay gây gián đoạn cho sự cung cấp các nguồn sức mạnh mà đối phương cần và cho các sinh hoạt “bình thường,” nên đối phương có khuynh hướng phản ứng mạnh, thường là bằng đàn áp. Sự đàn áp này có thể bao gồm đánh đập, bắt bớ, tù tội, hành quyết, và tàn sát tập thể. Dù bị đàn áp, những người đối kháng đôi khi vẫn kiên trì đấu tranh chỉ bằng những vũ khí bất bạo động mà họ đã chọn lựa.
Những cuộc đấu tranh trong quá khứ rất hiếm khi được kế hoạch hoá và chuẩn bị một cách chu đáo và thường thiếu một kế hoạch chiến lược. Đối kháng thường không được tập trung vào một tụ điểm, và những người đối kháng thường không biết mình nên làm gì hay nên không làm gì. Hậu quả do đó không có gì ngạc nhiên khi đối đầu với sự đàn áp nghiêm trọng, những cuộc đấu tranh bất bạo động đôi khi chỉ đem lại những kết quả tích cực có giới hạn, hay ngay cả đưa đến những thất bại rõ ràng hay là những thảm hại. Thế nhưng, thật là ngạc nhiên khi có nhiều cuộc đấu tranh bất bạo động đột khởi đã thắng. Hiện nay thì chúng ta có đủ lý do để tin tưởng là hiệu quả của kỹ thuật này có thể được gia tăng rất nhiều nhờ sự hiểu biết tiến bộ hơn về những đòi hỏi của kỹ thuật này và nhờ việc thiết lập kế hoạch chiến lược.
Khi những cuộc đấu tranh bất bạo động thành công trong việc tranh thủ được các mục tiêu đã tuyên bố, thì kết quả đem lại là do sự vận hành của một trong bốn phương thức — cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, hoặc phân huỷ— hay là hỗn hợp hai hay ba phương thức này lại với nhau. Dù hiếm khi xảy ra, đối phương có lúc cũng thay đổi quan điểm; nghĩa là, đã có một sự cải hoá. Trong trường hợp này, như là kết quả của sự kiên trì bất bạo động và sự sẵn lòng của người dân cứ tiếp tục chịu đựng đau khổ, chịu những điều kiện khắt khe, và những bạo tàn giáng xuống họ; đối phương quyết định rằng chấp nhận những yêu sách của nhóm bất bạo động là đúng. Mặc dù những người theo chủ nghĩa hoà bình có tính tôn giáo thường hay đặt nặng khả năng nầy, nhưng điều này không xảy ra thường xuyên.
Một phương thức thông dụng hơn nhiều được gọi là phương thức thích nghi. Phương thức này có nghĩa là cả hai phía đều thoả hiệp về những vấn đề tranh chấp và chịu nhận lãnh, hay cắt bớt một phần của những mục tiêu nguyên thuỷ của mình. Phương thức này có thể chỉ vận hành được đối với những vấn đề mà mỗi bên có thể thoả hiệp được mà không thấy mình vi phạm đến những niềm tin căn bản hay những nguyên tắc chính trị. Phương thức thích nghi xảy ra hầu như trong tất cả những giải quyết về đình công lao động. Các điều kiện làm việc và lương phạn được thoả thuận sau cùng thường nằm đâu đó ở phần giữa những mục tiêu mà hai bên đã xác định lúc đầu. Chúng ta phải nhớ rằng những thoả hiệp như thế chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sức mạnh mà mỗi bên có thể sử dụng trong việc tiến hành cuộc xung đột.
Trong những cuộc xung đột khác, con số những người đối kháng đã trở nên quá lớn, và những bộ phận của trật tự xã hội và chính trị do họ ảnh hưởng hoặc kiểm soát quá trọng yếu đến độ phương pháp bất hợp tác và thách thức trở nên chế ngự tình hình đấu tranh. Đối phương tuy vẫn còn tại chức, nhưng họ không có thể kiểm soát hệ thống được nữa một khi không còn sự hợp tác và sự phục tòng trở lại của những người đối kháng. Ngay cả đàn áp cũng không còn hiệu quả, hoặc vì sự ồ ạt của bất hợp tác hoặc vì quân lính và cảnh sát của đối phương không còn tuân lệnh một cách đáng tin cậy nữa. Thay đổi được thực hiện, ngược với ý muốn của đối phương, vì sự cung cấp các nguồn sức mạnh mà đối phương cần đã bị làm suy yếu đi một cách trầm trọng hay là đã bị cắt đứt hẳn. Đối phương không còn có thể dùng sức mạnh chống lại các nguyện vọng của nhóm đấu tranh bất bạo động nữa. Đó là phương thức cưỡng ép bất bạo động.
Ví dụ, đây là những gì đã xảy ra trong cuộc Cách Mạng Nga Năm 1905. Như là kết quả của cuộc Đình Công Vĩ Đại Tháng Mười, Nga Hoàng Nicholas Đệ Nhị đã ban hành một tuyên ngôn có tính hiến định chấp thuận thành lập một Duma hay cơ quan lập pháp, do đó từ bỏ quyền đòi hỏi mình là nhà chuyên chế độc nhất.
Trong những hoàn cảnh cực đoan, sự bất hợp tác và thách thức quá rộng lớn và quá mạnh đến độ chế độ cũ chỉ còn cách là phải tan rã. Không có ai còn lại có đủ quyền lực để chịu đầu hàng nữa.
Ở tại Nga vào tháng Hai năm 1917, số người đình công thật là lớn; tất cả mọi từng lớp trong xã hội đều đứng lên chống chế độ Nga hoàng; những cuộc biểu tình xuống đường hoà bình khổng lồ đã đánh đổ lòng trung thành của quân đội; những viện binh biến thành những đám đông chống đối. Sau cùng, Nga Hoàng Nocholas Đệ Nhị, đối diện với thực tế, đã thầm lặng thoái vị, và chính quyền Nga hoàng đã “tan biến và bị quét sạch”. Đó là phương thức phân huỷ.
Ở tại Serbia vào tháng Mười năm 2000, chiến dịch thách thức và bất hợp tác do nhóm Otpor khởi động hội đủ hầu như tất cả những đặc tính của một chiến dịch phân huỷ, với một ngoại lệ quan trọng. Rõ ràng là Milosevic đã mất hết khả năng quyền lực và đang đối diện với cưỡng ép bất bạo động. Tuy nhiên, ông ta còn giữ đủ quyền để lên truyền hình tuyên bố đầu hàng. Bỗng nhiên ông ta đã khám phá ra, ngược lại với những lời đồn đại trước đó, là đối thủ ứng cử của ông, Vojislav Kostunica, đã thực sự thắng cuộc bầu cử và Milosevic đã không thắng. Ông ta chỉ còn đủ quyền hạn còn sót lại để đòi được thời gian trên truyền hình để tuyên bố chịu thua. Điều này cũng gần như là phân huỷ. Tuy nhiên, phương thức này hiếm khi là kết cuộc của đấu tranh bất bạo động.
Thêm những yếu tố khác của đấu tranh bất bạo động
Trong lúc bất hợp tác nhằm đánh đổ phục tòng và nhằm làm suy yếu hay cắt đứt những nguồn sức mạnh của đối phương là những lực lượng chính yếu trong đấu tranh bất bạo động, thì còn có một phương thức khác đôi khi cũng hữu hiệu. Đó là “nhu thuật chính trị.” Trong tiến trình này, sự đàn áp tàn bạo giáng xuống những người đối kháng bất bạo động có kỷ luật không những không làm tăng sức mạnh của đối phương và cũng như không làm suy yếu những người đối kháng, mà ngược lại là đằng khác.
Sự ghê tởm đối với đối phương lan rộng vì sự bạo tàn của họ trong một vài trường hợp đã vận hành chuyển đổi sức mạnh về phía những người đối kháng. Có thể có thêm nhiều người tham gia đối kháng. Những thành phần thứ ba có thể thay đổi ý kiến và các sinh hoạt của họ trở nên có lợi cho những người đối kháng và hoạt động chống lại đối phương. Ngay cả những thành viên trong số những người thường làm hậu thuẫn cho đối phương, trong số những nhà quản trị, và quân đội và cảnh sát có thể trở nên không còn tin cậy được nữa hay ngay cả có thể nổi loạn. Việc sử dụng bạo lực của đối phương lẽ ra có tính cưỡng bức lúc đó đã trở ngược lại phá vỡ khả năng quyền lực của chính họ. Tuy nhiên, nhu thuật chính trị không hữu hiệu trong tất cả mọi hoàn cảnh, và do đó thay vì phương thức này, ta cần đặt nhiều tin cậy vào tác dụng của phương thức bất hợp tác ở mức độ rộng lớn được tập trung một cách cẩn thận vào một điểm hội tụ.
Sự quan trọng của chiến lược
Đấu tranh bất bạo động hữu hiệu không phải là sản phẩm của việc chỉ áp dụng những phương pháp của kỹ thuật này. Một cuộc đấu tranh được tiến hành với những phương tiện bất bạo động, nói một cách tổng quát, sẽ hữu hiệu hơn nếu những người tham gia trước tiên thông hiểu những nhân tố nào là những nhân tố đóng góp vào thành công nhiều hơn hay vào thất bại, có thể xảy ra, rồi theo đó mà hành động.
Một biến số quan trọng khác trong những cuộc đấu tranh bất bạo động là những cuộc đấu tranh này có được tiến hành trên cơ cở của một đại chiến lược được chuẩn bị một cách khôn ngoan và của những chiến lược cho những chiến dịch cá biệt hay không. Việc có hay không có những tính toán chiến lược và lập kế hoạch, và nếu có, thì sự khôn ngoan của những tính toán và lập kế hoạch này, sẽ có một tác dụng lớn lao đối với tiến trình của cuộc đấu tranh và đối với kết quả cuối cùng của nó. Ở thời điểm này trong tiến trình của lịch sử thực hành đấu tranh bất bạo động, chúng ta có thể dự phóng là một nhân tố rất quan trọng trong việc thực hành và hiệu quả của đấu tranh bất bạo động là càng ngày người ta càng gia tăng áp dụng đấu tranh bất bạo động dựa trên cơ sở lập kế hoạch chiến lược.
Lập kế hoạch chiến lược thành thạo đòi hỏi không những chỉ sự thông hiểu về chính hoàn cảnh của cuộc xung đột mà thôi, mà còn đòi hỏi một sự thông hiểu thấu đáo về lý do tại sao kỹ thuật này có thể tung ra được sức mạnh hùng hậu, về những đặc tính chính yếu của đấu tranh bất bạo động, về nhiều phương pháp có thể áp dụng được, và về những động cơ và phương thức của kỹ thuật này vận hành như thế nào trong những cuộc đấu tranh thực thụ khi được áp dụng để chống lại những chế độ đàn áp.
Các đề tài và chủ đề của bài này đều được trình bày nhiều hơn và cặn kẻ hơn trong những bài kế tiếp.
Chúng tôi sẽ xét đến nhiều phương pháp cá biệt được bao gồm trong kỹ thuật này trong bài tới.
CƯỚC CHÚ
*Để có một phân tích đầy đủ hơn về đấu tranh bất bạo động và sự suy nghĩ trong chương này, y/c đọc Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action], (Boston: Poprter Sargent, 1973).
0 Comments