Đối đầu với quyền lực của đối phương
Những người đối kháng dùng sức mạnh của họ để chống lại quyền lực của đối phương. Kỹ thuật hành động bất bạo động kiềm chế và tung ra sức mạnh bằng cách sử dụng những phương pháp tâm lý, xã hội, kinh tế và chính trị.
Thường thường đối phương là chính quyền hay là một nhóm người có được sự hỗ trợ của toà án nhà nước, của cảnh sát, của nhà tù, và của lực lượng quân đội. Các nhóm sử dụng đấu tranh bất bạo động thường khôn ngoan từ chối đối đầu với đối phương có vũ khí bạo lực, vì với vũ khí bạo lực họ quá ở thế thượng phong. Thay vào đó, theo ngôn ngữ chiến lược, nhóm đấu tranh bất bạo động chống lại bạo lực của đối phương một cách gián tiếp bằng những phương thức vận hành có lợi cho những người đối kháng. Một cuộc xung đột bất cân xứng tiếp diễn sau đó vì hai bên xông vào cuộc chiến với những phương tiện trái ngược nhau.
Đấu tranh bất bạo động vận hành theo hướng làm suy yếu đối phương bằng cách cách ly những cơ chế và nhóm người thường cung ứng các nguồn sức mạnh cho đối phương, tạo phiền phức cho việc sử dụng hữu hiệu các lực lượng của đối phương, và đôi khi làm suy nhược ý chí muốn sử dụng những khả năng sẵn có của họ. Việc làm giảm bớt hay cắt bỏ hẳn các nguồn sức mạnh của đối phương là một nỗ lực làm thuyên giảm hay là làm tan rã khả năng tiếp tục chiến đấu.
Những nguồn gốc xã hội của những thay đổi về quyền lực
Sức mạnh của cả nhóm đấu tranh bất bạo động lẫn của đối phương đều luôn luôn biến đổi. Những biến đổi về sức mạnh của những phe tranh chấp trong loại hoàn cảnh xung đột này thường có khuynh hướng cực độ, xảy ra nhanh chóng hơn, và đem lại những hậu quả đa dạng hơn là những biến đổi về sức mạnh trong một cuộc xung đột khi mà cả hai bên đều sử dụng bạo lực. Hơn nữa, nhóm đấu tranh bất bạo động, qua các hoạt động và hành tác của mình, có thể làm tăng hay giảm sức mạnh tương đối của nhóm đối nghịch.
Căn nguyên đầu tiên của những biến đổi về quyền lực của mỗi bên là do sức mạnh của những người lãnh đạo của nhóm đối kháng cũng như của nhóm đối phương lệ thuộc vào mức độ và phẩm chất của sự hỗ trợ và của sự tham dự mà những người lãnh đạo nhận được từ phe nhóm của họ hay là từ bộ máy hành chánh hay các cơ quan đàn áp mà họ kiểm soát. Những người làm bàn giấy và các nhân viên thừa hành đàn áp thường có khuynh hướng giảm bớt hiệu năng và gia tăng bất hợp tác với quan chức của chính mình khi những người đối kháng sử dụng những phương tiện bất bạo động thay vì bạo lực.
Căn nguyên thứ hai của những biến đổi về sức mạnh của hai phe là mức độ thiện cảm và hỗ trợ của quần chúng đối với những người đối kháng bất bạo động hay ngược lại, đối với đối phương và các chánh sách và hành động của họ. Việc gia tăng hỗ trợ cho những người đối kháng có xác suất xảy ra cao hơn nếu phong trào đối kháng không bạo động thay vì bạo động.
Căn nguyên thứ ba của những biến đổi về sức mạnh của hai phe là ý kiến và sự trợ giúp thực tiễn của cộng đồng quốc gia và cộng đồng quốc tế. Ý kiến của quần chúng và sự trợ giúp từ bên ngoài có thể giúp tăng sức mạnh hay làm suy yếu cả hai bên, nhưng rõ ràng là không thể trông cậy vào tác dụng này như là một lực chính yếu để đạt được thay đổi.
Các rủi ro và biến đổi trong đấu tranh bất bạo động
Như trong mọi loại xung đột, đấu tranh bất bạo động cũng có những rủi ro. Một rủi ro là nguy cơ thất bại. Sử dụng kỹ thuật này không bảo đảm thành công. Những rủi ro khác bao gồm sự bất an ninh và nguy hiểm cho những người đối kháng. Đàn áp có lẽ sẽ là phản ứng khi đối kháng thách thức trầm trọng trật tự đã được thiết lập. Trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, những người đối kháng có thể bị thương tích, chịu những mất mát về kinh tế, bị tù tội, và ngay cả bị giết. Tuy vậy, theo lịch sử thì những rủi ro này giảm đi rất nhiều trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, so với những cuộc đấu tranh mà hai bên đều sử dụng bạo lực. Trong những hoàn cảnh có khuynh hướng bùng nổ thì nguy cơ bạo lực được phát động bởi những người bực bội cũng có thể xảy ra. Điều này có thể gây tổn hại nặng nề cho phong trào đấu tranh bất bạo động. Hơn nữa, những nền độc tài quá khích có thể cố ý có hành động ác nghiệt đối với những người vô tội để uy hiếp những người khác phải khuất phục theo bản năng. Người Trung Hoa có câu “Giết gà doạ khỉ”. Tuy nhiên không làm gì cả trong hoàn cảnh bị áp bức là không những chỉ mời gọi đối phương tiếp tục bạo lực mà còn mời gọi cả nhóm bị thống trị hành động bạo động nữa.
Các đặc điểm của những phong trào đấu tranh bất bạo động thì vô số kể, như những trường hợp trước đây đã minh chứng. Không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Tuy nhiên, để cho sự phân tích các động năng của hành động bất bạo động được dễ dàng trong bài này và những bài sau, chúng ta cần đưa ra một số giả định là:
- Những phương pháp của tất cả ba loại, phản đối và thuyết phục, bất hợp tác, và can thiệp, đều được sử dụng, nhưng đặc biệt nhất là phương pháp bất hợp tác.
- Có rất nhiều người tham gia, hầu hết hành động theo kỷ luật bất bạo động trong suốt thời gian của cuộc đấu tranh.
- Nhóm đối thủ là chế độ hiện hành hay là có hậu thuẩn của Nhà Nước.
- Có một vài tự do dân sự, nhưng bị giảm đi rất nhiều khi xảy ra xung đột.
Lãnh đạo trong đấu tranh bất bạo động
Chúng ta cũng giả dụ rằng có một nhóm lãnh đạo của những người đối kháng điều hành cuộc đấu tranh. Điều này không phải luôn luôn như vậy. Ngay cả khi có một nhóm lãnh đạo như thế thì nhóm này không khẩn thiết có được hiểu biết nhiều về kỹ thuật này. Những người lãnh đạo này cần phải trở thành những chuyên viên về đấu tranh bất bạo động. Kiến thức về đấu tranh bất bạo động cũng còn cần phải được phổ biến sâu rộng. Dân chúng có kiến thức nhiều hơn và thông hiểu kỹ thuật bất bạo động sẽ gia tăng khó khăn cho đối phương muốn “cắt đi cái đầu” của phong trào bằng cách bỏ tù hay giết chết những người lãnh đạo. Những người lãnh đạo phục vụ như là những phát ngôn nhân và đưa ra tổ chức, và có thể thực thi những giải pháp cho các vấn đề tranh cãi. Lãnh đạo có thể thực hiện theo nhóm, theo uỷ ban, theo cá nhân, hay là theo cách hỗn hợp những phương thức này. Trong một vài trường hợp, khó nhận dạng được lãnh đạo trong những phong trào như thế.
Cởi bỏ sợ hãi
Một tiền điều kiện cho đấu tranh bất bạo động là cởi bỏ hay kiềm chế nỗi sợ hãi, là phải hành động độc lập và phải chịu những đau khổ có thể xảy ra. Điều kiện này có nhiều lý do:
- Hèn nhát và đấu tranh bất bạo động không đứng chung với nhau được. Người hèn nhát tìm cách tránh xung đột và chạy xa sự nguy hiểm, còn người đối kháng bất bạo động đối diện xung đột và chấp nhận nguy hiểm có thể xảy ra.
- Sợ hãi phát sinh từ một giả định về sự yếu kém của mình. Tuy nhiên, những người đối kháng bất bạo động cần phải tin tưởng vào lýtưởng đấu tranh, những nguyên tắc, và những phương thức hành động của mình.
- Cởi bỏ sợ hãi, hay kiềm chế sợ hãi, lệ thuộc vào việc tranh thủ được niềm tin vào sức mạnh của chính mình có thể hành động hữu hiệu và đem lại được thay đổi. Sợ hãi có thể được cởi bỏ theo từng giai đoạn. Tham gia vào cuộc đấu tranh cũng giúp cởi bỏ được sợ hãi.
- Hành động đối kháng đề nghị cần phải tỷlệ với sự can đảm của những người tham dự, không nên nguy hiểm hơn sức chịu đựng của họ. Những người hoạt động mà sợ hãi thì chỉ có thể đảm nhiệm được những công tác nhẹ thôi.
- Muốn chấm dứt những tàn ác nhanh chóng hơn, thì cần phải chứng minh là đàn áp khốc liệt không đạt được mục tiêu của đối phương nhằm ngăn chặn đối kháng.
- Tóm lại, gan dạ trong kỹthuật đấu tranh này không những chỉ là một sự dũng cảm mang tính đạo đức, mà còn là một yêu cầu thực tiễn.
Chuẩn bị cho đấu tranh bất bạo động
Trong tất cả mọi chiến dịch, lập kế hoạch cẩn thận và chuẩn bị là điều khẩn yếu. Khi có thể được thì cần xét định các loại chuẩn bị sau đây để tăng khả năng thành công đến mức tối đa.
Tra cứu
Công việc tra cứu trước bao gồm nhiều yếu tố. Trước tiên, cần định rõ các nguyên do của xung khắc, liệt kê các khiếu nại, vạch ra những thay đổi mong muốn, phổ biến sâu rộng lýtưởng đấu tranh, các sự kiện, và mục đích, và tạo ra một “ý thức về lýtưởng đấu tranh” — một nhận thức rõ rệt về những điều khiếu nại và lýdo cho cuộc đấu tranh sắp tới.
Thứ đến là tra cứu về đối phương, bao gồm các mục tiêu, niềm tin, bối cảnh, ưu điểm, nhược điểm, các cơ chế hỗ trợ, các tiến trình đưa ra quyết định, những đồng minh, và những chỗ dễ bị tổn thương của họ. Những yếu tố khác sẽ được thảo luận ở Bài 040.
Thiết kế chiến lược cho một cuộc đấu tranh có thể xảy ra
Giả thiết là có những thương thảo đang được khởi sự (như sẽ thảo luận dưới đây), thì cần phải có thiết kế chiến lược hết sức cẩn thận cho cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai trước khi bắt đầu những cuộc thương thảo như vậy. Không có kế hoạch chiến lược khôn ngoan và các loại chuẩn bị khác mà đã dấn thân vào các thương thảo quan trọng với đối phương thì thật là hấp tấp. Cần phải có sức mạnh hậu thuẫn cho những yêu cầu và đòi hỏi thì đối phương mới xem trọng những người đối kháng.
Trong nhiều cách khác nhau, những nguyên tắc chính trị của đấu tranh bất bạo động thực ra rất đơn giản. Tuy nhiên các vận hành thực sự của kỹ thuật này lại phức tạp hơn việc điều hành đơn giản của những phương pháp được sử dụng rất nhiều. Mức độ thành công cao nhất có lẽ sẽ không đạt được bằng sự may mắn hay chỉ bằng sự kiên trì. Trong nhiều cuộc xung đột, việc điều hành đấu tranh bất bạo động có thể phức tạp hơn là điều hành một cuộc chiến tranh quân sự quy ước. Nếu những người đối kháng bất bạo động và những người lãnh đạo hiểu được sự phức tạp này, thì họ có cơ hội tăng hiệu lực của cuộc đấu tranh của mình hơn thường lệ nếu họ chỉ thông hiểu được những đặc tính căn bản nhất của kỹthuật này.
Nói một cách tổng quát, nếu muốn làm được một việc gì thì xác suất đạt được mục đích này sẽ cao nhất nếu người ta sử dụng những nguồn lực mình có và những ảnh hưởng của mình để gia tăng hiệu lực đến mức tối đa. Trong đấu tranh bất bạo động, điều này có nghĩa là phải có một kế hoạch chiến lược để di chuyển từ hiện tại – khi mà mục đích chưa đạt được — đến tương lai – khi đã đạt được mục đích.
Chúng tôi sẽ thảo luận về sự quan trọng của việc thiết kế chiến lược nhiều hơn ở Bài 041và bàn đến những yếu tố của thiết kế chiến lược ở Bài 042 và 043. Nếu thông hiểu quán triệt về các động năng của đấu tranh bất bạo động và xét định được hoàn cảnh của cuộc xung đột, thì người ta có thể có khả năng hơn trong việc vạch ra một chiến lược tốt cho một cuộc xung đột. Nhận dạng ra được những bước tiến cần có trong việc chuẩn bị những chiến lược khôn ngoan là một hiện tượng mới, sẽ được thảo luận chi tiết ở Phần Bốn.
Làm sắc bén tụ điểm tấn công
Sự thành công của chiến dịch tuỳ thuộc vào việc tìm thấy điểm để tấn công. Cố đạt cho được nhiều mục tiêu quan trọng cùng một lúc là một điều thiếu khôn ngoan. Lãnh đạo bất bạo động sẽ khôn ngoan hơn nếu tập trung hành động vào những điểm yếu nhất trong tình huống, chính sách, hay hệ thống của đối phương. Những vấn đề tranh chấp được nêu lên cần phải chính xác và người ta có thể hiểu được một cách rõ ràng và công nhận là chính đáng. Đấu tranh trong một cuộc xung đột quan trọng thường sẽ rút được lợi nếu được phân chia thành những giai đoạn đối kháng rõ rệt. Sự thành công có thể tuỳ thuộc vào việc phân chia chiến lược dài hạn thành nhiều giai đoạn để đạt được một loạt những thắng lợi nhỏ; những chiến thắng nhỏ này sau cùng sẽ đưa đến một chiến thắng lớn duy nhất.
Tập trung lực lượng vào một khía cạnh cụ thể, rõ ràng là chính đáng của vấn đề tổng quát, sẽ làm tăng khả năng của những người đối kháng trong việc tranh thủ những mục tiêu rộng lớn của họ. Ta nên tìm cách kiểm soát cái mắc xích bảo đảm cho ta chiếm được toàn bộ sợi giây xích. Đàn áp những người đối kháng đang tập trung sức mạnh vào một tụ điểm tấn công như thế có thể đưa đến việc tăng cường lý tưởng đấu tranh của họ.
Tạo “ý thức về lý tưởng đấu tranh”
Ở giai đoạn đầu, quan trọng là quảng bá các dữ kiện, các vấn đề tranh chấp đang bị đe doạ, và những lýluận do nhóm đấu tranh bất bạo động đưa ra, dưới hình thức những tập sách nhỏ, truyền đơn, sách, bài viết, báo chí, truyền thanh, truyền hình, mít tinh công khai, những bài hát, các khẩu hiệu, băng thu âm, thu hình, và những phương tiện khác, càng nhiều càng tốt. Quan trọng là phẩm chất của những nỗ lực này. Không nên khơi động hận thù và bất dung. Cũng quan trọng nữa là không nên gây hấn với những đồng minh có thể có trong tương lai.
Tạo “ý thức về lýtưởng đấu tranh” có thể được phân chia thành giai đoạn. Những giai đoạn này bao gồm những hoạt động nhằm:
- Phát huy sự thông hiểu về những vấn đề nêu lên trong cuộc xung đột.
- Thông báo cho dân chúng biết về cuộc đấu tranh đang được dự tính, những điều kiện đòi hỏi để thành công trong cuộc đấu tranh, và sự quan trọng của việc dấn thân hay không dấn thân vào một số hành động nào đó.
- Giải thích lý do đòi hỏi trực tiếp hành động.
- Báo trước gian lao và đau khổ phải chịu trong thời gian tranh đấu.
- Tạo niềm tin là sự đàn áp có thể có mà người dân sẽ phải gánh chịu là xứng công vì hơn bất cứ loại đấu tranh nào khác, đấu tranh bất bạo động có cơ may sửa sai bất công hơn cả.
- Củng cố niềm tin cho dân chúng là, về dài hạn, sự hỗn hợp của một lý tưởng đấu tranh chính đáng với việc sử dụng kỹ thuật này sẽ bảo đảm chiến thắng.
Lượng và phẩm trong hành động bất bạo động
Cần phải liên tục xét định thật cẩn trọng sự liên hệ giữa số người tham gia vào cuộc đấu tranh và phẩm chất của sự tham gia của họ. Sự quân bình tốt nhất giữa số lượng và phẩm chất sẽ biến đổi tuỳ theo từng hoàn cảnh. Dĩ nhiên là khi sử dụng một kỹ thuật hành động lệ thuộc nhiều vào hiệu quả của việc rút lui sự thoả thuận, rút lui hợp tác, hay sự tuân phục thì số người tham gia là quan trọng trong việc định giá tác dụng của hành động.
Tuy nhiên, nói chung thì phẩm chất quan trọng hơn là số lượng. Hạ thấp chuẩn mực để có được số đông có thể phản tác dụng và có thể đưa đến một phong trào yếu hơn. Đòi hỏi cần phải có những chuẩn mực cao về hành vi bất bạo động để có được một phong trào mạnh về phẩm cũng như về lượng. Sự đích thực của sức mạnh đối kháng tương quan với những nhân tố như là không sợ hãi, kỷluật, và kiên trì dù bị đàn áp, và với sự khôn ngoan khi lựa chọn chiến lược, các chiến thuật, và các phương pháp hành động. Tuy nhiên, một số trong số những phương pháp này (đặc biệt là những phương pháp được xếp vào loại can thiệp về tâm lý, như tuyệt thực chẳng hạn) có thể đóng góp vào việc cải hoá đối phương, hay ít nhất cũng đóng góp vào việc đối phương trở nên ít chắc chắn hơn về giá trị của những quan điểm và chánh sách trước đó của họ. Những phương thức cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, và phân huỷ này sẽ được bàn đến trong bài tới.
Tổ chức phong trào
Đôi khi một tổ chức hiện hành – hay là nhiều tổ chức – có thể tiến hành cuộc đấu tranh bất bạo động. Lúc khác thì lại cần phải tạo ra một tổ chức mới. Tổ chức phải có hiệu năng, trung thực, và có thể điều hành bằng kỷ luật tự giác, và có khả năng thông tin nội bộ hữu hiệu. Tổ chức cũng nên có kế hoạch trước làm thế nào để liên lạc với các ủng hộ viên, trong trường hợp đối phương cắt đứt hay chặn các đường giây liên lạc.
Những nỗ lực tổ chức phải tập trung vào:
- Công chúng: quảng bá các dữ kiện và khiếu nại; gây thiện cảm; phổ biến tin tức đích thực về bản chất và những điều kiện đòi hỏi của đấu tranh bất bạo động.
- Những người tình nguyện: chiêu mộ; huấn luyện và tuyển các tham dự viên vào phong trào; cổ võ tự nguyện.
- Lãnh đạo: chuẩn bị người thay thế cho những người lãnh đạo phong trào bị bắt; đặt thủ tục cho việc tiếp tục tuyển chọn lãnh đạo; cung cấp thông tin cho lãnh đạo.
- Tổng quát về phong trào: hỗ trợ tinh thần và kỷ luật; chuẩn bị các tham dự viên hành động mà không cần có lãnh đạo trong những lúc bị đàn áp ráo riết; duy trì liên lạc.
Công khai và bí mật trong đấu tranh bất bạo động
Bí mật, lừa gạt, và những mưu toan ngầm gây ra những vấn đề khó khăn cho một phong trào sử dụng đấu tranh bất bạo động. Nếu hoạt động dưới một nền độc tài chính trị thì đôi khi cần phải bí mật. Ở những nơi khác, bí mật có thể đem lại nguy hiểm trầm trọng.
Người ta thường có những lý luận bênh vực bí mật trong những cuộc đấu tranh bất bạo động để tạo bất ngờ cho đối phương và đánh đối phương khi họ chưa chuẩn bị chống lại những hành động đối kháng. Điều này đáng nghi ngờ. Trước tiên, đã từ lâu người ta đã từng dùng điệp viên và điểm chỉ viên trong các tổ chức đối kháng rất thành công. Hơn nữa, kỹ thuật thông tin tân tiến làm cho việc giữ bí mật khó mà duy trì được. Hai là việc đối phương biết trước được những cuộc biểu tình đã được dự tính, chẳng hạn, sẽ cho đối phương có thì giờ để tìm cách phản công. Điều này có thể làm giảm cơ hội cho những biện pháp tàn bạo ghê gớm và những giết chóc do cảnh sát hay quân đội gây ra khi không nhận được chỉ thị phải hành động như thế nào. Thứ ba, và là điểm quan trọng hơn cả, là không phải yếu tố bất ngờ mà là việc sử dụng một phong trào đấu tranh bất bạo động đã gây nên khó khăn cho đối phương trong việc giải quyết loại chống đối này, so với việc sử dụng đối kháng bạo động.
Hiệu quả của đấu tranh bất bạo động tuỳ thuộc vào chính bản chất của kỹ thuật này, vào việc lựa chọn các chiến lược đối kháng, và vào kỹ năng của những người đối kháng, cũng như vào sự can đảm và kỷ luật của họ.
Một nguy hiểm nữa của việc làm bí mật là chính cái lýdo sử dụng bí mật. Bí mật thường được dùng vì sợ hãi, và do đó đã đóng góp vào việc làm tăng lên sự sợ hãi — điều cần phải được loại bỏ hay kiềm chế nếu muốn đấu tranh bất bạo động được hữu hiệu.
Thảo luận sau đây được đặt trên giả thuyết là cuộc đấu tranh đang xảy ra trong một hệ thống chính trị cho phép người dân có được nhiều tự do dân sự quan trọng. Nếu đây không phải là trường hợp nói trên thì cần phải lưu ý cẩn thận về việc quyết định điều nào và những sinh hoạt nào cần phải giữ bí mật hoặc nên tiết lộ.
Đấu tranh bất bạo động đặt cơ sở trên sự dũng cảm và kỷ luật. Công khai – nghĩa là, trung thực với đối phương và với công chúng về những dự tính và những kế hoạch của mình – có thể là hệ luận của những điều kiện về sự không sợ hãi và của kỷ luật bất bạo động. Công khai dẫn đến giải thoát khỏi sự sợ hãi bị bắt bớ, bị tiết lộ những bí mật, bị phá vỡ các tổ chức đối kháng, và bị tù tội. Một phong trào quần chúng cần phải công khai. Đại bộ phận quần chúng không thể tham gia vào một phong trào đối kháng bí mật bởi vì bí mật đòi hỏi là sự hiểu biết về các kế hoạch chỉ được một số ít người được tín cẩn cất giữ mà thôi. Hơn nữa, kỷ luật bất bạo động chỉ đạt được tốt nhất giữa ánh sáng của ban ngày hơn là một cách thầm kín. Bí mật có thể đóng góp vào một phong trào nhỏ bé hơn và có thể sẽ phải dùng đến bạo lực ngay trong lòng của phong trào đối kháng nhằm làm câm nín những người bị tình nghi là đã tiết lộ những bí mật cho đối phương.
Bí mật cũng còn tạo nghi kỵ trong phong trào, một sự nghi kỵ có khuynh hướng tăng theo thời gian. Nó thường dẫn đến những hậu quả thảm hại khi những khác biệt nội bộ nổi lên dưới dạng những điều được “gọi là” những vi phạm về bí mật. Có thể một hệ phái này tố cáo lãnh đạo của hệ phái kia là gián điệp. Một phong trào đầy nghi kỵ không thể nào sinh hoạt như là một phong trào đối kháng được.
Trong cuộc đấu tranh giành tự do, thì cần phải hành động như là những con người tự do. Nói về sự giải phóng về tâm lý khi người ta hành động công khai và không có gì bí mật, Jewaharlal Nehru (sau đó trở thành Thủ Tướng, và trước đó đã cổ động bạo loạn), đã dựa trên chính những kinh nghiệm bản thân trong những cuộc đấu tranh của Ấn Độ giành độc lập, viết là:
Hiệu quả của công khai đối với đối phương
Sự công khai làm cho đối phương dễ dàng (nhưng không bảo đảm) hiểu được những động lực, mục đích, dự định, và kế hoạch của nhóm đấu tranh bất bạo động. Người ta có thể tìm cách liên tục tiếp xúc trực tiếp với đối phương để tránh hay để sửa sai những bóp méo về nhận định có thể ảnh hưởng trầm trọng đến chiều hướng của cuộc đấu tranh. Trong một vài hoàn cảnh, thông báo trước cho các giới chức đối phương biết về những cuộc biểu tình, chẳng hạn, có thể giảm thiểu được những bạo tàn do cảnh sát và quân đội gây nên vì bị bất ngờ, nhưng cũng có thể được cắt nghĩa như là một cuộc “chiến đấu ngay thẳng” và nghĩa hiệp.
Tiết lộ tài liệu thường được giữ bí mật có thể được đối phương cắt nghĩa theo hai cách đối nghịch nhau: đối phương có thể nghĩ rằng vẫn còncó điều gì quan trọng còn được giữ bí mật hay là họ có thể trở nên tôn trọng hơn về sự chân thành của nhóm. Đối phương có thể xem việc thú nhận những kế hoạch của những người đối kháng như là một nhược điểm hay là sự thiếu khả năng, hay ngược lại, như là một chỉ dấu của một phong trào hết sức mạnh có thể thành công mà không cần bí mật.
Thương thảo
Ở nơi nào điều kiện chính trị cho phép, nhóm đấu tranh bất bạo động nên đeo đuổi, và nên được nhìn thấy là đang đeo đuổi mọi nỗ lực nhằm đến một giải pháp trước khi tung ra hành động trực tiếp. Điều này sẽ tăng vị thế tinh thần của nhóm rất nhiều. Các thương thảo sẽ giúp đặt đối phương về phía sai quấy trước mắt nhiều người và nhóm người giúp đem lại thiện cảm và hỗ trợ cho nhóm đấu tranh bất bạo động.
Những cuộc thương thảo đòi hỏi những người đối kháng cần phải xét định trước đâu là những mục tiêu quan trọng hơn hết mà họ nhất quyết phải cứng rắn và đâu là những điểm mà những người thương thuyết có thể mềm dẻo và có thể nhượng bộ được. Một khi các yêu sách đã được quyết định thì thường không nên thay đổi nữa.
Cần nên nhớ là ngôn từ và những lời kêu gọi đến lòng đạo đức thường ít có ảnh hưởng đến việc quyết định kết quả của những cuộc thương thảo hơn là sức mạnh của những người đối kháng rất nhiều. Đối phương phải xét định xem những người đối kháng, khi chưa tung ra cuộc đấu tranh công khai, có thể làm được điều gì nếu họ không đạt được một giải pháp thoả đáng cho cuộc xung đột. Để có được hiệu quả lớn nhất trong các cuộc thương thảo cũng như trong đấu tranh công khai, những người đối kháng có thể cần phải được tổ chức kỹcàng và tương đối mạnh – càng được tổ chức kỹ và càng mạnh thì càng tốt. Tuy nhiên, đây không phải là dịp để khoác lác về chính trị hay là để bịp bợm.
Cuộc xung đột có lẽ sẽ không giải quyết được ở giai đoạn này. Những chuẩn bị được tiếp tục cho cuộc đấu tranh bất bạo động trong thời kỳ thương thảo rất quan trọng và thực tế. Các cuộc thương thảo không thay thế cho đấu tranh công khai được. Một tiền điều kiện cho những cuộc thương thảo được hữu hiệu là sự quyết tâm và khả năng đấu tranh. Gandhi nói là đạo quân bất bạo động nên được chuẩn bị kỹ càng đến độ làm cho cuộc chiến bất bạo động không còn cần thiết nữa. Người ta phải đòi hỏi ở đối phương không những chỉ những hứa hẹn, mà còn đòi hỏi đối phương phải có những hành động đi trước bảo đảm là những hứa hẹn đó sẽ được thoả mãn.
Tuy nhiên, ta không nên chờ đợi những phép lạ. Những vấn đề tranh chấp trọng đại không thể được giải quyết chỉ bằng thương thảo hay đối thoại. Thường đòi hỏi cần phải có những chuyển đổi căn bản về các tương quan lực lượng mới thoả mãn được những yêu sách quan trọng. Khả năng đấu tranh bất bạo động hữu hiệu thường đem lại nhiều trọng lượng cho lời nói tại những cuộc thương thảo. Nếu những lời nói đã được tăng sức mạnh đó vẫn không đủ để khuyến dụ đối phương chấp nhận những thay đổi đòi hỏi, thì cần phải có đấu tranh thực sự.
Chiến lược nền tảng cho cuộc đấu tranh đã được ấn định từ trước rồi, nếu những cuộc thương thảo với đối phương không có những dấu hiệu đem lại những kết quả thoả đáng, thì những sự chuẩn bị về tổ chức cho cuộc đấu tranh sắp tới cần phải được hoàn tất.
Đôi khi phải cần một tối hậu thư
Trong một vài cuộc đấu tranh bất bạo động, nhưng không phải là tất cả, giai đoạn kế tiếp sẽ là đưa ra một tối hậu thư cho đối phương. Tối hậu thư xác định những đòi hỏi tối thiểu và nói lên dự định đối kháng. Nhóm đấu tranh bất bạo động đề nghị bỏ các kế hoạch đối kháng nếu đối phương chấp thuận những đòi hỏi đó (hay là một phần lớn của những đòi hỏi) vào một ngày và giờ được chỉ định. Không đạt được những thay đổi đã được hai bên cùng thoả thuận có nghĩa là cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ được khởi động. Nhóm đấu tranh bất bạo động phải có khả năng thực thi hành động đã tiên liệu.
Tối hậu thư được đưa ra là để gây ảnh hưởng với đối phương, thông tin cho đại chúng, và củng cố tinh thần của nhóm khiếu nại và để tăng ý chí phấn đấu của các thành viên trong nhóm khiếu nại. Một tối hậu thư như thế rất thông thường trong những cuộc đấu tranh do Mohandas Gandhi lãnh đạo và thúc đẩy, và thường được sử dụng trong những cuộc đình công lao động.
Tối hậu thư cũng có thể nhằm chứng minh là nhóm đấu tranh bất bạo động đã thực hiện nỗ lực cuối cùng để đi đến một giải pháp hoà bình. Điều này có thể đem lại cho cuộc đấu tranh cái hào quang của tự vệ, dù nhóm đang chuẩn bị tung ra một cuộc đấu tranh bất bạo động dũng mãnh.
Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, thường không có tối hậu thư. Những người đối kháng bất bạo động không nên trông đợi là một tối hậu thư hay một lời tuyên bố như thế sẽ đưa đến việc đối phương đầu hàng. Đối phương có thể xem một sự thông báo như thế là một thách thức không chính đáng đối với uy quyền của họ và là một hành vi hết sức không đúng phép tắc của những người trong cương vị thuộc cấp. Đối phương do đó có thể trở nên giận dữ, bỏ mọi cuộc thương thảo đang diễn tiến, hoặc tuyên bố là thông báo đáng lẽ phải được gửi cho một giới chức thừa hành nào đó. Đối phương có thể ghi nhận một cách lạnh nhạt là có nhận được tối hậu thư, hay là lơ hẳn chuyện này.
Nếu sự việc xảy ra như thế thì đã đến lúc phải hành động.
CƯỚC CHÚ
*JawaharlanNehru, Một Hồi Kí(An Autobiography),London: The Bodley Head, 1953. t.69
0 Comments