TUÂN PHỤC
(Bài 026)
Con người sinh ra tự do, và đâu đâu con người cũng bị gông cùm.
–Jean Jacques Rousseau, Khế Ước Xã Hội, Tập 1, Chương 1

Robert L.Helvey
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Trong một nỗ lực nhằm phản hồi lại những nhận định như nhận định trên đây, TS. Gene Sharp đã nêu lên những câu hỏi như sau:

     Làm sao mà một nhà cai trị có thể tranh thủ và duy trì sự thống trị chính trị đối với bao nhiêu là người dân như thế được? Tại sao với những số đông như thế mà họ lại chịu khuất phục và vâng lệnh ông ta, ngay cả khi rõ ràng là làm như thế chẳng lợi lộc gì cho họ cả?1

     Những câu hỏi mà Gene Sharp nêu lên ở trích đoạn trên là cơ sở cho sự phân tích sâu sắc của ông về lý do tại sao người ta tuân phục. Chương này, phần lớn, sẽ cung ứng sự phân tích này. Mô thức quyền lực đa nguyên (Bài 024), sự sắp xếp các nguồn sức mạnh thành những cột trụ chống đỡ (Bài 025), và tuân phục là bộ ba cần cho sự thông hiểu lý thuyết và các áp dụng của đấu tranh bất bạo động chiến lược. Do đó, thiết yếu cần phải có một sự thông hiểu quán triệt về lý do tại sao người ta tuân phục, đôi khi đến mức phải bỏ sinh mạng của mình cho những lý do mà họ hết sức chống đối. Tuân phục là “huyết mạch của quyền lực chính trị”. Một nhà cai trị không thể cai trị nếu dân chúng không tuân phục. Những chiến lược đấu tranh bất bạo động được đặt trên cơ sở của chính nhận định này. Nếu mục đích của chúng ta là động viên công chúng rút lui sự thoả thuận được cai trị bởi các nhà độc tài hay là bởi những chế độ độc đoán khác, thì trước tiên chúng ta phải hiểu tại sao người ta tuân phục đã.

Thói quen

Lý do hầu hết người ta tuân phục là vì thói quen. Chúng ta có thói quen tuân phục những người có uy quyền. Từ bé, chúng ta đã bị bắt phục tòng uy quyền. Đối với hầu hết chúng ta uy quyền bắt đầu với cha mẹ, anh chị, ông bà, và những thân nhân khác và chuyển đến các giáo sư, cảnh sát, và ngay cả những biểu tượng của uy quyền nữa. Ví dụ, chúng ta tuân theo những dấu hiệu đèn đường vì thói quen – ngay cả ở những ngả tư đường không có xe cộ.

   Một mục tiêu chính yếu trong việc huấn luyện tân binh trong các lực lượng quân đội là tạo những thói quen tuân phục mới. Người tân binh phải nhanh chóng biết phản ứng lại tức khắc và không chất vấn các lệnh của người đội trưởng huấn luyện. Hằng bao nhiêu giờ tập theo lệnh kế tiếp nhau, lặp đi lặp lại, và sự thanh tra liên tục có tính hăm doạ rất ít liên hệ đến những kỹnăng chiến đấu của chiến tranh tân tiến, nhưng tất cả đều liên hệ đến việc tạo nên một tập quán vâng lệnh. Thêm vào đó, những kỹ năng quân sự căn bản, như việc sử dụng vũ khí, đã được nhồi sọ sâu đậm bằng các diễn tập lặp đi lặp lại, đến độ việc sử dụng vũ khí trở thành thói quen, và không đòi hỏi suy nghĩ có chủ ý.

   Những ai trong chúng ta ghiền thuốc lá thì biết thói quen là gì. Chúng ta không biết mình đã hút bao nhiêu điếu thuốc, không nhớ là mình đã hút, và không bỏ được thuốc khi giá thuốc đã tăng đến mức phi lý. Muốn bỏ thói quen này và những thói quen khác, bao gồm cả thói quen tuân phục, chúng ta phải làm một quyết định có chủ ý, luôn luôn tự nhắc nhở mình về quyết định này, và phải lặp đi lặp lại tại sao bỏ thói quen này là quan trọng.

Sợ bị trừng phạt

Sợ bị trừng phạt vì bất tuân là một lý do khác tại sao người ta tuân phục. Mỗi khi chúng ta vi phạm luật lệ, thì quyền lực của chính quyền có thể trừng trị chúng ta. Chúng ta có thể bị phạt rất nhiều tiền. Nhà nước có thể tịch biên gia sản. Nhà nước có thể bỏ tù chúng ta. Nhà nước ngay cả có thể hành quyết chúng ta vì bất tuân luật lệ. Mục đích của các hình phạt là để trừng phạt người phạm lỗi và/hay là để ngăn chặn những người khác vi phạm những luật đó hay là những luật tương tự. Một nhà cai trị chuyên chế lệ thuộc vào sự sợ hãi các hình phạt để có được sự tuân phục hơn là những nhà cai trị có sự hậu thuẫn tự nguyện của nhân dân.

Tư lợi 

Có nhiều người có thể nói là họ rất ghét chính quyền, tuy nhiên họ vẫn hỗ trợ chính quyền một cách đắc lực. Xét định vai trò của tư lợi và các ân thưởng cá nhân dành cho những người ủng hộ chính quyền thì sẽ cắt nghĩa được đầy đủ nghịch lý này. Ví dụ, những ân thưởng cá nhân dành cho những người trong các lực lượng quân đội tuân hành các chính sách thất nhân tâm và ngay cả tàn bạo nữa là gì? Thăng chức, huy chương, uy tín, các đặc quyền, và lợi tức hưu liễm có thể là những nhân tố. Trong một nền kinh tế do chính phủ kiểm soát, thì hầu hết mọi người đều làm việc cho chính phủ, nên quyền lợi riêng tư của mỗi người là không để mất việc, bởi vì có thể không có cơ hội công ăn việc làm nào khác. Những người khác có thể nhận lãnh những ân thưởng đáng kể về tài chánh nhờ hỗ trợ chính quyền. Chúng ta không nên kết án tất cả mọi người đã hỗ trợ một chính quyền thất nhân tâm vì tư lợi. Mỗi người đều có những lý do riêng của họ khi làm như vậy. Nhiều người tin là không còn cách nào khác. Sự thách đố đối với chúng ta là chứng minh cho họ thấy là bất tuân phục có thể có lợi cho họ.

Nghĩa vụ tinh thần 

Ý thức về tuân phục như là một nghĩa vụ tinh thần là một quan niệm phổ biến trong mọi xã hội. Nghĩa vụ tuân phục này phát sinh từ:

Lợi ích Chung của Xã hội. Người ta có thể lý luận là luật pháp bảo vệ mọi công dân. Một vài điều luật bảo vệ chúng ta khỏi bị những hành vi phản xã hội (như cướp bóc, giết người, hãm hiếp). Những luật khác nhằm bảo đảm lợi ích chung của xã hội (phân phối hàng hoá và các dịch vụ, bắt người trẻ nhập ngũ vào Quân đội, thuế má). Ngay cả chính chúng ta đôi khi cũng có thể cảm thấy là lợi ích chung sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách tuân phục một nhà cai trị bị ghét, bởi vì chúng ta không tin là thay đổi sẽ làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Joseph Stalin rõ ràng là một nhà chuyên chế. Dù vậy, hằng triệu người vẫn tuân phục ông, bởi vì sự tuân phục được xem là đem lại lợi ích chung cho xã hội. Ngay cả sau khi biết Stalin là người trách nhiệm về cái chết của hơn 20 triệu người mà có một số người Nga vẫn luyến tiếc những “ngày xưa tốt đẹp”. Chúng ta có thể xem áp lực bạn bè đồng lứa như một phản ánh của nghĩa vụ tinh thần là phải tuân phục. Nên nhớ là – áp lực bạn bè đồng lứa tác động theo cả hai hướng và có thể hữu ích trong việc thay đổi những tập quán về hành vi. 

Các nhân tố siêu nhân 

Đôi khi các nhà lãnh đạo được gắn cho hình ảnh của một siêu nhân hay của một nhân vật giống như thượng đế. Khi một nhà cai trị được xem như là toàn năng hay là được xem như là hiện thân của cả một tôn giáo, thì hầu như là một điều không thể quan niệm được khi nghĩ đến bất tuân phục một nhà cai trị như thế. Ai mà dám không tuân phục Adolph Hitler khi ông đang ở đỉnh cao quyền lực của ông ta? Việc thần thánh hoá các nhà lãnh đạo đã từng có một lịch sử lâu dài. Suốt hằng bao nhiêu thế kỷ, người ta đã chấp nhận quan niệm các “vua-thánh thượng” hay là “thần quyền của nhà vua”. Một biến thể của phương thức thần quyền này là sự hoà quyện của tôn giáo với nhà nước Iran ở thế kỷ thứ 20. Để phản công lại nhân tố tuân phục này, chúng ta chỉ cần nói lên sự thật – đó là con người không thể toàn năng và nhà cai trị cũng không phải là thừa tác nhân của Thượng Đế.

Đồng cảm với những nhà cai trị 

Một vài người xem các nhà cai trị của họ như là chính gia đình của họ nới rộng. Cũng một phần nào giống như những người ủng hộ một đội bóng đá cảm thấy sung sướng khi đội nhà thắng và buồn rầu khi đội nhà thua, nhà cai trị là cá nhân được nới rộng. Điều này đặc biệt đúng khi mà nhân dân và nhà lãnh đạo đã từng cùng nhau trải qua những kinh nghiệm khó khăn, như là một cuộc đấu tranh giành độc lập chẳng hạn. (Một vài nhà tranh đấu giành độc lập nổi danh gồm có Hồ Chí Minh, Tướng Ne Win, và Robert Mugabe). Nếu sự nới rộng gia đình này là một nhân tố trong sự tuân phục của một người nào đó, thì cần phải thuyết phục là một sự đồng cảm với nhà lãnh đạo không còn biện minh được nữa.

Khu vực của sự bất cần

Một số người có thể biểu lộ một sự bất cần đối với hầu hết, nếu không phải là tất cả, các luật lệ có thể phần nào tác hại đến đời sống hằng ngày của họ. Họ tuân phục chỉ vì không làm như thế có thể gây nên phiền phức không đáng công. Đối với hầu hết mọi người thì đây là một giả định có thể hợp lý đối với đa số luật lệ. Tuy nhiên, có thể có nhiều rắc rối, khi mà luật lệ siết chặt các quyền hạn và tự do căn bản xâm phạm khu vực thoải mái của sự bất cần này. Công tác của đối lập dân chủ là phải cảnh báo dân chúng là bất cần đối với sự xâm phạm nầy không còn thích hợp nữa vì nó sẽ đóng góp vào việc nô lệ hoá xã hội khi mà những tự do cá nhân đã bị xói mòn bởi những hạn chế càng lúc càng tinh vi đang được áp đặt lên dân chúng.

Thiếu tự tin 

Vì nhiều lý do khác nhau, một số người thiếu tin tưởng vào chính bản thân, vào sự phán đoán hay ngay cả vào khả năng của mình có đủ sức đối kháng hoặc bất tuân hay không. Ở nơi nào đã có một nền cai trị độc đoán kéo dài hằng thập kỷ thì ở đó có ít kinh nghiệm tự quyết trong xã hội và ít cơ hội đào tạo lãnh đạo. Có lẽ một số người nghĩ rằng những nhà cai trị của họ có khả năng hơn họ trong việc đưa ra những quyết định. Và rất quan trọng cho phong trào đối kháng là những người này có thể cảm thấy là họ không thể thách thức chính quyền một cách thành công hay là tham gia vào công việc giải phóng chính mình được. Việc phục hồi niềm tin của công chúng vào khả năng phán đoán những hành động của những nhà cai trị, rồi hành động dựa trên cơ sở của những phán đoán này rất thiết yếu cho sự thành công của đấu tranh bất bạo động. Đôi khi, điều mà chúng ta nghĩ là “sự bất cần” thực ra có thể chỉ là sự thiếu tự tin. 

Tóm lược

Chúng ta vừa xét định một vài lý do tại sao người ta tuân phục các nhà lãnh đạo5. Những lý do này cung cấp một phản biện đối với lý luận cho rằng tuân phục là một điều “tự nhiên”. Con người không được sắp xếp trước theo di truyền là phải khuất phục. Sự tuân phục chủ yếu là do một sự hỗn hợp của những thói quen, sự sợ hãi và các quyền lợi – thói quen và quyền lợi có thể được thay đổi còn sợ hãi thì có thể vượt qua được.

 


CƯỚC CHÚ

1Như trên., 18
5Như trên., 19-25

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.