ĐI TÌM NHỮNG PHƯƠNG CÁCH
KIỀM CHẾ CHÍNH QUYỀN(I)
(Bài 050)
Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

Một trong những vấn đề tổng quát khẩn trương nhất về chính trị ngày nay là làm thế nào để kiềm chế những hành động của các chính quyền hiện đại. Quyền lực không được kiểm soát của những chính quyền này đe doạ chúng ta ở nhiều mặt — trắng trợn hơn cả là qua những hình thức bạo ngược và chiến tranh. Những phương tiện truyền thống nhằm kiềm chế các nhà cai trị — như những hạn chế hiến định, các cuộc bầu cử, sự tự chế bởi chính các nhà cai trị, và cách mạng bạo động – đã từng chứng tỏ là có những giới hạn và bất lợi đáng kể, dù chúng có đem lại những đóng góp khác. Trong những trường hợp quá khích đòi hỏi cần có sự kiềm chế thì chúng ta không thể chỉ trông cậy vào những phương tiện truyền thống như là những giải pháp duy nhất. Nếu chúng ta không muốn trở thành chỉ là những cái đinh ốc chính trị bất lực, hay là bị tiêu diệt, thì chúng ta phải tìm cho được và ứng dụng những phương tiện hữu hiệu để kiềm chế quyền lực của các nhà cai trị.

    Nếu chúng ta phải khám phá, phát triển, và ứng dụng những phương tiện kiềm chế như thế thì chúng ta cần phải suy nghĩ về vấn đề này. Để thực hiện điều này, chúng ta phải trở lại với mức thảo luận căn bản hơn nhiều về quyền lực chính trị so với những cuộc thảo luận thông thường ngày nay về những vấn đề chiến tranh, chuyên chế, và áp bức. Chúng ta cần xác định vị trí và xét đến các yếu tố của vấn đề quyền lực chính trị không được kiểm soát và xét định những tương quan giữa những yếu tố đó. Khi làm điều này thì chúng ta phải cẩn thận đừng chấp nhận một cách vô thức những quan điểm mà người ta thường có về quyền lực chính trị. Những quan điểm này sẽ áp đặt những giới hạn lên sự suy tư của chúng ta, điều có thể ngăn chặn chúng ta thành công trong việc sáng tạo những phương tiện kiểm soát hữu hiệu. Thay vì như vậy, khi chúng ta tìm hiểu và xét nghiệm những thực tế xã hội và chính trị liên hệ đến quyền lực chính trị, chúng ta cần phải cố gắng — một cách có ý thức — vượt quá những lằn ranh quan niệm bị áp đặt bởi sự tự động chấp nhận những giả định truyền thống. Chúng ta cần tìm tòi xem những phương tiện khác kiềm chế các nhà cai trị có có sẵn hay không hay là cần phải được sáng tạo cộng thêm vào với những phương tiện kiểm soát mà người ta đã từng trông cậy vào, trong quá khứ.

    Ngay cả trước khi có thể bắt đầu suy nghĩ về những phương cách kiềm chế quyền lực chính trị trong những trường hợp quá khích, chúng ta cần phải nhìn ngay vào quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị là gì, và bản chất của nó là gì? Đây là những câu hỏi nền tảng cho việc xét định những phương tiện có thể được sử dụng để kiểm soát quyền lực chính trị khi những người nắm giữ quyền lực không muốn bị kiềm chế. Những quan điểm khác nhau về quyền lực chính trị và về bản chất của quyền lực chính trị sẽ đưa đến những nhận định tương ứng về các giải pháp có thể có đối với những người muốn áp dụng kiểm soát.

    Thường thường người ta cho rằng quyền lực của một “nhà cai trị” (dĩ nhiên là bao gồm không những chỉ những vị lãnh đạo hành pháp, mà còn các nhóm lãnh đạo và tất cả những cơ chế chỉ huy cơ cấu Nhà Nước nữa) như là một núi đá hoa cương: rắn chắc, đồ sộ và nhất quán, bền vững, hoặc gần như là vĩnh cửu. Theo lối nhìn này thì một quyền lực như thế chỉ trong những trường hợp cực đoan mới chịu bị khuất phục bởi một số phương tiện kiểm soát có thể có được mà thôi. Người ta có thể thực hiện kiểm soát bằng cách thay đổi “quyền sở hữu” hay “quản trị” của cơ cấu Nhà Nước. Điều này có thể thực hiện được một cách hợp pháp (như bằng bầu cử) hay bất hợp pháp (như bằng đảo chánh). Cả hai phương cách này đều để lại cấu trúc và quyền lực sẵn có gần như là nguyên vẹn cho “sở hữu chủ” hay “quản trị viên” mới. Hoặc người ta có thể hăm doạ hay là thực thi một cuộc tấn công bùng nổ trực tiếp có tầm cỡ ( như là một cuộc cách mạng bạo động hay một cuộc chiến tranh quốc tế) nhằm phá vỡ ít nhất là phần nào cái cơ cấu hùng mạnh đó. Người ta thường có cái quan niệm phổ quát là để chống lại một nhà cai trị không muốn chấp nhận những giới hạn hay tự nguyện thoái vị thì chỉ có những phương tiện huỷ hoại như thế mới có khả năng làm suy yếu hoặc loại bỏ quyền lực của một chế độ như thế mà thôi.

Cội Nguồn Quyền Lực của Các Nhà Cai Trị
Có Thể Bị Cắt Đứt

Một quan điểm thay thế khác về quyền lực của các nhà cai trị hầu như là hoàn toàn đối nghịch lại. Quyền lực chính trị của nhà cai trị không được quan niệm như là một núi đá hoa cương đòi hỏi một khả năng kiểm soát bùng nổ. Theo lý thuyết khác biệt này, nhà cai trị (hay nhóm cai trị) là một con người (hay một nhóm người). Nhà cai trị trong con người ông ta không có quyền lực gì hơn bất cứ con người nào khác. Nhận định này thật quá sơ đẳng nên thường không bao giờ được chú ý đến. Tuy nhiên, nhìn nhận được điều này dẫn đưa đến những nhận thức và giải pháp mới. Nếu nhà cai trị trong thân xác của chính ông ta không có quyền lực gì hơn bất cứ cá nhân nào khác, thì quyền lực cai trị của ông ta phải đến từ bên ngoài ông ta. Quyền lực này do đó phải có cội nguồn từ xã hội, và vị trí của những cội nguồn này cần phải được xác định. Những cội nguồn này bao gồm sự chấp nhận quyền cai trị của nhà cai trị (“quyền hành”), những tài nguyên kinh tế, nhân lực, khả năng quân sự, kiến thức, các kỹ năng, guồng máy hành chánh, cảnh sát, các nhà tù, toà án, và những điều tương tự. Mỗi một cội nguồn này lần lượt sẽ liên hệ chặt chẽ với, hay là trực tiếp lệ thuộc vào mức độ hợp tác, khuất phục, vâng phục, và sự hỗ trợ mà nhà cai trị có thể thủ đắc được từ người dân của mình. Những người này bao gồm quần chúng nói chung và những “trợ tá viên” được trả lương và các nhân viên của ông ta. Sự lệ thuộc này, trong một số trường hợp, có thể giúp người dân giảm bớt việc cung cấp các nguồn quyền lực, hoặc rút hẳn những nguồn này đi, bằng cách giảm bớt hay rút lui sự hợp tác hay vâng phục cần thiết của họ.

    Nếu sự chấp nhận, sự khuất phục hay sự hỗ trợ của các “trợ tá viên” được trả lương và các nhân viên và cả của quảng đại quần chúng được rút lui phần nào hay toàn bộ thì các cội nguồn của quyền lực kết cuộc sẽ bị siết lại, và do đó quyền lực hữu hiệu của nhà cai trị sẽ bị suy yếu đi. Việc làm suy yếu này nói một cách tổng quát sẽ tỷ lệ với mức độ mà việc cung cấp các nguồn sức mạnh được siết lại. Nếu việc rút lui sự chấp nhận, sự khuất phục, và sự hỗ trợ có thể duy trì được dù cho bị nhà cai trị trừng phạt vì bất tuân (“chế tài”) thì ngày tàn của chế độ đang thấy trước mắt. Do đó, vị thế và quyền lực chính trị của tất cả các nhà cai trị đều lệ thuộc vào sự tuân phục, khuất phục, và hợp tác của người dân. Đây là một tóm lược hết sức cô đọng của một phân tíchdài hơn rất nhiều (và phần nào ít đơn giản hơn). Tuy nhiên, nói là quyền lực của nhà cai trị không những không vững chãi và nhất quán và không vĩnh cửu, mà ngược lại phải luôn luôn dựa trên cấu trúc phức tạp và mong manh của những liên hệ về con người và về cơ chế thì cũng đủ. Những ngụ ý của nhận định này đã hiển nhiên, mặc dù những vấn đề thực tiễn lớn lao trong việc thực thi việc rút lui sự hỗ trợ vẫn còn đòi hỏi nhiều quan tâm nghiêm chỉnh.

    Nguyên tắc rút lui các nguồn sức mạnh khỏi các nhà cai trị khi được áp dụng một cách thực tiễn có thể cung cấp những phương tiện hữu hiệu cần cho cuộc đấu tranh áp đặt kiểm soát lên những nhà cai trị không muốn bị kiềm chế. Những phương tiện chống lại loại nhà cai trị này thường nằm trong những thành phần cốt yếu của khả năng tổng quát của xã hội kiềm chế các nhà cai trị của mình.

Cấu Trúc của Xã Hội Ảnh Hưởng Đến
Khả Năng Kiểm Soát 

Một thành phần rất quan trọng trong khả năng đó là những điều kiện cơ chế và cấu trúc của xã hội. Điều này nói đến sự hiện hữu hay là vắng bóng của những tổ chức khác nhau, số lượng của các tổ chức, mức độ tập quyền hay tản quyền của những tổ chức này, các thủ tục làm những quyết định nội bộ, và mức độ về sức mạnh nội tại và sự sinh động của chúng. Một trường hợp quá khích sẽ là một xã hội mà trong đó mọi tổ chức đều là một phần của cơ cấu tập trung của Nhà Nước hay là chịu lệ thuộc một cách hữu hiệu vào nhà Nước hay là bị Nhà Nước kiềm chế. Cực đoan khác là một xã hội mà trong đó tất cả mọi nhu cầu của xã hội đều được một số lớn các tổ chức độc lập khác nhau đáp ứng và trong đó có sự hiện hữu của những hình thái chính quyền, nhưng không có Nhà Nước trung ương tập quyền (“Nhà Nước” ở đây nói đến một hình thái chính quyền cụ thể sở hữu, ngoài những yếu tố khác, một bộ máy bàn giấy thường trực, một hệ thống quân sự thường trực và một lực lượng cảnh sát thường trực, sử dụng những phương tiện kiềm chế bằng bạo lực, được hỗ trợ bằng một hệ thống nhà tù).  Tuy nhiên, những điều kiện cực đoan về cơ cấu hết sức trung ương tập quyền hay tản quyền như thế thường hiếm khi hay không bao giờ có. Hầu như tất cả các xã hội chính trị đều có một cấu trúc đâu đó ở giữa hai thái cực này. Mức độ của khả năng tập trung lại hay phân tán quyền lực hữu hiệu trong xã hội, mức độ mà theo đó khả năng được tập trung vào Nhà Nước hay được phân tán cho các tổ chức độc lập của xã hội, là một vấn đề quan trọng.

    Tình trạng cơ cấu của xã hội ảnh hưởng đến khả năng của xã hội kiểm soát quyền lực của các nhà cai trị theo hai cách. Nếu quyền lựcđược phân tán rộng rãi giữa những tổ chức độc lập mạnh và năng động, thì tình trạng đó sẽ hỗ trợ rất nhiều trong những trường hợp khẩn trương cần đòi hỏi đấu tranh để kiềm chế nhà cai trị. Quyền lực này sẽ tăng cường khả năng của người dân và các tổ chức trong việc rút lui những nguồn sức mạnh của nhà cai trị để áp đặt sự kiềm chế. Hơn nữa, tình trạng cơ cấu sẽ đặt để những biên giới rộng lớn cho quyền lực tiềm năng của ông ta mà muốn vượt quá những biên giới này ông ta không thể không thực hiện những thay đổi về cơ cấu hay quyết định gia tăng sự hỗ trợ năng động của người dân và của các tổ chức của họ.

    Bất cứ nhà cai trị nào cũng không khẩn thiết sẽ nới rộng việc sử dụng quyền lực, sự thống trị và sự kiểm soát của mình đối với xã hội một cách xa hay sâu đến mức mà tình trạng cơ cấu cho phép. Thiếu động lực thúc đẩy, sự tôn trọng những giới hạn hiến định, những niềm tin về đạo đức hay tôn giáo, hoặc sự tuân thủ những lý thuyết hay triết lý  chính trị có thể làm cho nhà cai trị cố tình kiềm hãm mình không sử dụng toàn tiềm năng quyền lực mà tình trạng cơ cấu của xã hội đã cung ứng sẵn cho ông ta.Tuy nhiên, nếu quan điểm của nhà cai trị thay đổi, nếu hoàn cảnh làm ông ta thấy là cần phải có những hành động quá khích hơn, nếu những nhu cầu của cá tính làm cho ông ta trở nên khát vọng quyền lực hơn, hay là nếu có một người hay một nhóm người bằng cách tiếm quyền giành lấy vị thế của nhà cai trị, thì lúc bấy giờ nhà cai trị có thể đẩy mạnh việc sử dụng tiềm năng quyền lực tối đa đến những giới hạn đã được quyết định bởi những tình trạng cơ cấu xã hội. Nhà cai trị có thể ngay cả tìm cách làm suy yếu hoặc tấn công các tổ chức mà nhờ vào sức mạnh của chính mình đã ấn định các giới hạn đó.

    Tất cả những điều này, do đó, gợi lên cái ý là, thêm với những điều luật của hiến pháp và những giới hạn tự chế của chính nhà cai trị, cần phải có một kỹthuật đấu tranh để kiềm chế những nhà cai trị không muốn bị kiểm soát, và một tình trạng cơ cấu xã hội đưa ra những giới hạn hữu hiệu cho tiềm năng quyền lực của các nhà cai trị để thiết lập một sự kiểm soát hữu hiệu đối với quyền lực của những nhà cai trị hiện đại.

    Có một kỹ thuật đấu tranh dựa trên quan điểm về bản chất của quyền lực nói trên (quyền lực có những nguồn gốc có thể bị siết lại bằng cách rút lui sự hợp tác và tuân phục). Kỹ thuật này được gọi là hành động bất bạo động. Hành động bao gồm phản đối bất bạo động có tính biểu tượng; bất hợp tác kinh tế, xã hội, và chính trị; và can thiệp bất bạo động dưới hình thức tâm lý, vật chất, xã hội, kinh tế, và chính trị2. Kỹ thuật này một khi đã được làm cho tinh tế, được phát triển, và được thực thi trong nhiều hoàn cảnh cụ thể khác nhau, có thể tạo thành linh hồn của giải pháp đáp ứng nhu cầu về một một kỹ thuật đấu tranh nhằm kiềm chế các nhà cai trị không muốn tự nguyện chấp nhận những giới hạn cho quyền lực của mình. Cần có nhiều nghiên cứu, phân tách, và tìm hiểu về chánh sách, và phát triển về bản chất và tiềm năng của kỹ thuật kiềm chế này.

    Tuy nhiên, bài này chủ yếu tập trung vào vai trò của cấu trúc xã hội nằm bên dưới việc quyết định những giới hạn về tiềm lực của nhà cai trị. Trọng điểm của cuộc thảo luận này là xét định những hậu quả dài hạn của việc tập trung tương đối tiềm lực của xã hội vào Nhà Nước, so với những hậu quả dài hạn của việc phân tán tương đối quyền lực vào những tổ chức phi Chính phủ của xã hội như là một tổng thể.

    Có lúc, dù không xảy ra thường xuyên, cá nhân có thể ảnh hưởng sâu đậm đến diễn biến của những biến cố xã hội và chính trị nhờ sức mạnh thuyết phục của bản thân, nhờ những liên hệ của mình với những nhân vật giữ những chức vụ then chốt trong cơ cấu, và nhờ khả năng của mình sử dụng những loại hành động bất bạo động nào đó. Một vài hành động cá nhân của Mohandas K. Gandhi minh xác khả năng này. Tuy nhiên, những trường hợp này hiếm hoi, nhất là để chống lại những nhà cai trị nhất quyết cai trị theo ý muốn của mình mà không chịu bị giới hạn. Trong những trường hợp như thế thì quyền lực của họ chỉ có thể bị cắt đi một cách đáng kể hay là bị phá huỷ bằng cách siết chặt các nguồn sức mạnh của họ mà thôi. Tuy nhiên việc siết lại như thế không thể thực hiện được với những cá nhân biệt lập. Những cội nguồn quyền lực của nhà cai trị thông thường chỉ bị đe doạ một cách đáng kể khi khi sự hỗ trợ, hợp tác, và tuân phục bị giữ lại cùng một lúc bởi một số lớn người dân, nghĩa là, bởi các nhóm xã hội và các tổ chức. Do đó khả năng của các cơ chế này rút lại những nguồn mà họ cung cấp là then chốt. Khả năng này do nhiều nhân tố khác nhau tác động, bao gồm kỹnăng của người dân trong việc áp dụng kỹ thuật đấu tranh, và cả nhu cầu tương đối của nhà cai trị về các nguồn sức mạnh mà các cơ chế này có thể cung ứng.

     Có hai điều tổng quát có thể xảy ra lúc này. Quyền lực có thể quá bị tập trung vào Nhà Nước, và người dân quá bị phân hoá, đến độ không có được những nhóm hay tổ chức xã hội tầm thước có khả năng rút lui được các nguồn sức mạnh của nhà cai trị, và do đó kiềm chế được những hành động của nhà cai trị. Mặt khác, nếu trong xã hội có được ở một mức độ khả quan những nhóm có khả năng hành động độc lập, do đó có khả năng kiềm chế, thì sự hiện diện và sức mạnh của những tổ chức đó sẽ gia tăng xác suất thành công một cách đáng kể cho một cuộc đấu tranh nhằm kiềm chế quyền lực của nhà cai trị. Các nhóm và tổ chức có khả năng hành động độc lập như thế được gọi là những “tụ điểm (nơi chốn) của quyền lực”.

     “Quyền lực” ở đây dĩ nhiên là nói đến quyền lực chính trị, một loại sức mạnh xã hội. Quyền lực chính trị ở đây được định nghĩa như là toàn bộ những phương tiện, ảnh hưởng, và áp lực – bao gồm quyền hành, các hình thức tưởng thưởng và chế tài – có sẵn để sử dụng cho việc tranh thủ các mục tiêu của người nắm giữ quyền lực, nhất là của các cơ chế chính quyền, của Nhà Nước, và của các nhóm chống lại cả hai. Quyền lực chính trị có thể được đo lường bằng khả năng kiểm soát hoàn cảnh, con người, hay là các tổ chức, hay là khả năng động viên người và các tổ chức cho một sinh hoạt nào đó. Quyền lực có thể được sử dụng để làm cho một nhóm có được khả năng tranh thủ một mục đích, để thực thi hay thay đổi các chính sách, để khuyến dụ những người khác hành động khi những người sử dụng quyền lực ước muốn dấn thân vào đối lập, để duy trì hệ thống, những chính sách, và những liên hệ hiện hành, hay là để sửa đổi, phá huỷ, hoặc thay thế các quan hệ quyền lực trước đây. Chế tài – có thể là bạo động hay bất bạo động — thường là yếu tố then chốt của quyền lực. Không luôn luôn cần phải áp dụng khả năng sử dụng trừng phạt để được hữu hiệu.  Chỉ khả năng áp dụng trừng phạt và sử dụng những thành phần khác của quyền lực cũng đủ để tranh thủ mục tiêu rồi. Trong những trường hợp như thế thì quyền lực cũng không kém gì hơn là khi quyền lực được áp dụng cùng với trừng phạt3.

Vai Trò của Những Tụ Điểm Quyền Lực
Được Phân Tán
Trong Việc Kiềm Chế Quyền Lực Chính Trị

Hình thái chính xác và bản chất của những tụ điểm quyền lực (hay là những nơi mà quyền lực được tìm thấy, quy tụ, hay biểu hiện) biến đổi từ xã hội này đến xã hội khác, từ hoàn cảnh này đến hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, chúng thường bao gồm các nhóm và tổ chức xã hội như là gia đình, các giai cấp xã hội, các nhóm tôn giáo, các nhóm văn hoá và quốc tịch, các nhóm ngành nghề, các nhóm kinh tế, các làng, thành phố, đô thịtỉnh lị và vùng, các cơ quan nhỏ của chính phủ, các tổ chức thiện nguyện, và các chính đảng. Rất thông thường đó là những nhóm xã hội và tổ chức truyền thống, ổn định, và chính thức. Tuy nhiên, đôi lúc, các tụ điểm quyền lực có thể được tổ chức một cách ít chính thức hơn, và ngay cả có thể vừa mới được tạo ra hay là được hồi sinh trong tiến trình tranh thủ một mục tiêu nào đó hay là chống đối lại nhà cai trị (như những hội đồng công nhân trong thời gian cuộc Cách Mạng Hung Gia Lợi năm 1956). Vị thế của những nhóm hay tổ chức này như là những tụ điểm sẽ được quyết định bởi khả năng hành động độc lập, sử dụng sức mạnh hữu hiệu, và điều động được sức mạnh hữu hiệu của người khác, như của nhà cai trị, hoặc của một tụ điểm hay nhiều tụ điểm quyền lực nào đó.

    Khả năng của những tụ điểm này trong việc kiềm chế những hành động của nhà cai trị lúc bấy giờ sẽ chịu ảnh hưởng của (1) mức độ hiện hữu của những tụ điểm này, (2) mức độ chúng có thể hành động độc lập, (3) những nguồn quyền lực mà chúng kiểm soát, (4) mức độ sức mạnh xã hội mà chúng kiểm soát, và (5) đôi khi, những nhân tố khác nữa. Nếu tất cả những nhân tố này đều có thật nhiều, thì các tụ điểm có thể tự do cung ứng những nguồn quyền lực mà nhà cai trị cần đến, hay thay vì như vậy, những tụ điểm này có thể chọn siết chặt lại hoặc cắt đứt những nguồn quyền lực mà nhà cai trị đòi hỏi. 

Các Tụ Điểm Quyền Lực Đặt Những Giới Hạn
Cho Khả Năng Quyền Lực của Nhà Cai Trị

Cơ cấu quyền lực của xã hội như là một tổng thể bao gồm cả hai thứ: những liên hệ giữa những tụ điểm quyền lực với nhau lẫn những liên hệ này với nhà cai trị. Cơ cấu quyền lực của xã hội, nghĩa là, những liên hệ này, trong dài hạn sẽ quyết định các lãnh vực và sức mạnh của quyền lực hữu hiệu tối đa của nhà cai trị4. Khi quyền lực được phân tán một cách hữu hiệu trong khắp cả xã hội giữa những tụ điểm như thế thì quyền lực của nhà cai trị rất có thể bị kiềm chế và giới hạn. Tình trạng này được gắn liền với “tự do” chính trị. Ngược lại, khi những tụ điểm như thế đã bị làm suy yếu một cách trầm trọng, đã bị phá vỡ một cách hữu hiệu, hay là sự hiện hữu độc lập và tự quản trong hành động đã bị một vài loại kiểm soát áp đặt phá huỷ thì quyền lực của nhà cai trị rất có thể không bị kiềm chế. Tình trạng này được gắn liền với “chuyên chế”. “Khi người ta nhìn thấy và cảm nhận được chỉ có một quyền hành duy nhất của con người thì tình trạng này xa rời với tự do hơn cả”, Betrand de Jouvenel đã viết như thế5.

    Khi những tụ điểm quyền lực quá nhiều và quá mạnh để nhà cai trị có thể thực hiện được sự kiểm soát vô giới hạn hay phá huỷ chúng, thì nhà cai trị vẫn có thể thủ đắc được những nguồn quyền lực mà ông ta cần từ những tụ điểm này. Tuy nhiên, muốn làm như vậy, nhà cai trị phải làm cho những nhóm xã hội và tổ chức có cảm tình với ông ta, với những chánh sách và biện pháp của ông ta, và với chế độ của ông ta như là một tổng thể, để cho họ sẵn lòng chịu khuất phục, hợp tác, và cung ứng các nguồn quyền lực cho ông ta. Để thực hiện điều này, ông ta phải điều chỉnh hành vi và chánh sách của mình để giữ được thiện ý và sự hợp tác của những người tạo nên các nhóm và tổ chức của xã hội. Đây là một loại kiểm soát gián tiếp mà những tụ điểm quyền lực có thể thi hành đối với nhà cai trị. Nếu nhà cai trị không cố gắng điều chỉnh hoặc điều chỉnh không thành công, thì ông ta sẽ làm mất lòng dân chúng mà ông cai trị, lúc bấy giờ những tụ điểm mạnh của xã hội có thể, bằng một cuộc đấu tranh công khai, rút lui những nguồn quyền lực mà họ kiểm soát và nhà cai trị đòi hỏi. Theo phương cách này dân chúng hành động qua các nhóm và tổ chức có thể áp đặt kiểm soát đối với một nhà cai trị có tham vọng độc đoán hay ngay cả làm cho chế độ tan rã và quyền lực của nhà cai trị tan biến.

    Điều ngược lại cũng đúng. Khi các nhóm xã hội và các tổ chức mất đi khả năng quyết định và hành động độc lập, mất đi sự kiểm soát đối với các nguồn quyền lực, hay là đã bị làm suy yếu đi rất nhiều hoặc bị phá vỡ, thì sự mất mát như thế sẽ đóng góp đáng kể vào việc làm cho quyền lực của nhà cai trị vô giới hạn và không thể kiềm chế được. Trong những trường hợp không có nhiều những tụ điểm quyền lực và người dân chỉ là một khối những cá nhân phân hoá không có khả năng hành động tập thể, thì quyền lực của nhà cai trị ít bị người dân kiềm chế hơn cả.

Những Tấn Công Có Chủ Ý và Những
Hậu Quả Không Dự Tính Có thể Làm Suy Yếu
Các Tụ Điểm Quyền Lực 

     Những nguyên nhân hoàn toàn khác nhau có thể làm suy yếu hoặc phá vỡ các tụ điểm quyền lực của xã hội. Những chánh sách của nhà cai trị có chủ ý tấn công sự độc lập của những tụ điểm này, làm suy yếu sức mạnh của chúng, hay ngay cả phá vỡ chúng chỉ là một trong những điều có thể xảy ra. Những kết quả tương tự có thể xảy ra tiếp theo như là những hậu quả phụ không dự tính do sự điều hành những chánh sách xã hội, kinh tế, và chính trị hoặc do những động lực khác.

    Nơi nào cuộc tấn công có chủ ý thì có thể là nhà cai trị cảm thấy các nhóm và tổ chức như thế là những đối thủ cạnh tranh, và nhìn nhận là các nhóm và tổ chức đó áp đặt giới hạn lên quyền lực và tham vọng toàn năng của mình. Lúc bấy giờ nhà cai trị có thể chủ ý tìm cách phá vỡ sự độc lập của chúng và ngay cả giải tán các cơ chế. Nhà xã hội học người Đức Georg Simmel lýluận là ước muốn “bình đẳng hoá” người dân của những nhà cai trị không phải là vì ưu tiên đạo đức về bình đẳng, mà thực ra chỉ vì mong muốn làm suy yếu những nhóm người có khả năng giới hạn quyền lực của các nhà cai trị. Một bộ phận nào đó có thể biến mất khỏi hàng ngũ của những nhóm xã hội và tổ chức của xã hội, nhất là nếu cơ chế này không có khả năng đối kháng hữu hiệu chống lại những nỗ lực của nhà cai trị. Tuy nhiên, thông thường hơn thì nhóm hay tổ chức này vẫn tiếp tục tồn tại một cách chánh thức, nhưng sẽ thiếu hẳn những phẩm chất đem lại độc lập và  khả năng kiểm soát các nguồn quyền lực. Ít quá khích hơn thì nhóm vẫn tiếp tục tồn tại với sự độc lập và quyền hạn bị giảm đi rất nhiều nhưng không bị triệt tiêu. Một nhà cai trị muốn có quyền lực vô giới hạn và không bị thách thức có thể cố thay thế một tụ điểm bằng một tổ chức do hệ thống của ông ta kiểm soát chặt chẽ.

    Khi những cuộc tấn công vào các tụ điểm quyền lực của xã hội như thế được nhìn nhận như là những nỗ lực nhằm nâng cao quyền lực vị kỷ của nhà cai trị, để áp đặt một thể chế độc tài, hay là để nới rộng sự kiềm chế của một thể chế đã áp bức sẵn, thì những tấn công này đã được nhìn thấy một cách phổ quát là thật đáng quan ngại. Tuy nhiên, đây không phải luôn luôn là trường hợp. Khi nhóm hay tổ chức bị tấn công bị nhiều người cho là áp bức, trục lợi, hoặc phản xã hội, hay là bị thất sủng vì những lýdo khác, thì một cuộc tấn công vào tổ chức này bởi một nhà cai trị áp dụng những tài nguyên hùng hậu hơn của Nhà Nước thường được chấp nhận một cách rộng rãi và được xem như là tiến bộ và ngay cả giải thoát nữa. Điều này không phủ định chút nào quan điểm trên đây cho rằng việc làm suy yếu hay phá vỡ những tụ điểm quyền lực sẽ làm gia tăng quyền lực của nhà cai trị đang chỉ đạo Nhà Nước.

    Những tụ điểm bị tấn công có thể đã vận hành ngược lại hay thuận theo sự hưng thịnh của xã hội như là một tổng thể; trong cả hai trường hợp, những tụ điểm này đã siết lại khả năng quyền lực của nhà cai trị. Điều này không có nghĩa là những nhóm hay những tổ chức sinh hoạt làm hại đến dân chúng hay những thành phần của dân chúng nên được chấp nhận một cách thụ động và được phép tiếp tục những hành vi trong quá khứ. Không phải là việc kiềm chế hay loại bỏ những cơ chế như thế, điều sẽ tạo ra vấn đề; mà chính là cái phương cách nhằm đạt được hay loại bỏ kiềm chế sẽ đưa đến việc làm gia tăng khả năng của nhà cai trị trở thành độc tài và áp bức. Vấn đề sẽ được tạo ra khi guồng máy Nhà Nước thi hành việc kiềm chế hay loại bỏ và những tụ điểm quyền lực mới không được thành lập, hay là những tụ điểm hiện hành khác không được tăng cường; những tụ điểm này ít nhất cũng nằm ngoài vòng kiểm soát của nhà cai trị giống như những tụ điểm bị tấn công. Về điểm đặc biệt này thì việc tụ điểm cũ bị khuất phục bởi luật pháp dân chủ phóng khoáng, bởi nghị định của một nhà chuyên chế, hoặc do tuyên cáo của của một lãnh đạo cách mạng, không quan trọng mấy. Trong nhiều hệ thống khác nhau, hậu quả nói một cách tổng quát đều như nhau. Hậu quả là vừa gia tăng tầm cỡ và những khả năng của guồng máy Nhà Nước vừa làm suy yếu hay cắt bỏ đi một nhóm hay một tổ chức có khả năng chống lại và giới hạn khả năng quyền lực của nhà cai trị đang chỉ huy cơ cấu Nhà Nước.   

    Bao giờ tụ điểm quyền lực còn bị làm suy yếu đi rất nhiều hay bị phá vỡ mà không có một sự gia tăng cân bằng sức mạnh bởi những nhóm hay tổ chức hiện hành hay tạo nên những tổ chức mới độc lập với Nhà Nước, thì kết quả theo một nghĩa nào đó sẽ giống y như nhau: nghĩa là quyền lực của nhà cai trị sẽ gia tăng và khả năng của người dân trong việc giới hạn hay kiềm chế quyền lực này sẽ bị giảm thiểu. Điều này không những chỉ áp dụng cho nhà cai trị hiện tại đang chỉ đạo Nhà Nước. Một nhà cai trị như thế thực ra có thể có những mục đích nhân bản và không có ước muốn trở nên độc tài. Kết quả cũng còn được áp dụng cho những nhà cai trị tương lai thừa hưởng tiềm năng quyền lực đã được nới rộng, có thể ít nhân bản hơn những vị tiền nhiệm rất nhiều, và có thể đã thực sự giành được sự kiểm soát guồng máy Nhà Nước bằng cách tiếm quyền, như một cuộc dảo chánh chẳng hạn. Cũng cùng một tiến trình tổng quát đã vận hành trong những hoàn cảnh rất khác biệt trong việc đập tan giới quý tộc và các lãnh chúa phong kiến thời Cách Mạng Pháp và trong việc phá vỡ những nghiệp đoàn thương mại độc lập và các chính đảng tại Nga cộng sản dưới thời Lenin và Stalin, và cả tại Đức Quốc Xã dưới thời Hitler. Kết quả của những trường hợp này là gia tăng việc tập trung quyền lực của xã hội, bành trướng khả năng quyền lực của Nhà Nước, giảm thiểu những giới hạn đã có thực và những kiềm chế của dân chúng đối với khả năng quyền lực hữu hiệu của nhà cai trị.

Những Nhân Tố Khác
Có Thể Ảnh Hưởng Đến Các Nhà Cai Trị
Nhưng Không Kiềm Chế Được Họ 

Điều này không có nghĩa là sẽ có một tương quan toán học chặt chẽ giữa mức độ quyền lực được phân tán vào các tụ điểm này hoặc tập trung vào Nhà Nước và mức độ quyền lực của nhà cai trị có thể bị kiềm chế hay chuyên chế. Như đã có nói trước đây, những nhân tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi thực sự của nhà cai trị, bao gồm những giới hạn tự áp đặt mà ông ta chấp nhận trong việc hành sử quyền lực của mình và bất cứ những giới hạn nào được thiết lập bởi các thủ tục cơ chế, như là các cuộc bầu cử, các điều khoản hiến pháp, và những phán quyết tư pháp, với điều kiện là nhà cai trị sẵn lòng tuân thủ.

      Tuy nhiên, phân tích này không có nghĩa là sức mạnh tương đối và tình trạng nội tại của những tụ điểm như thế sẽ đặt ra những giới hạn khắt khe cho việc hành sử quyền lực của nhà cai trị. Ông ta không thể vượt qua những giới hạn này mà tuyệt nhiên không hề để ý đến ý kiến của người dân. Những giới hạn này trong những hoàn cảnh như thế chỉ có thể  vượt qua được nếu có sự thoả thuận và hỗ trợ của các nhóm xã hội và tổ chức của xã hội chứ không thể đối nghịch lại sự chống đối rõ ràng của họ được. Điều kiện của những tụ điểm quyền lực của xã hội phần lớn sẽ quyết định khả năng dài hạn của xã hội trong việc kiểm soát quyền lực của nhà cai trị. Một xã hội mà trong đó các nhóm và các tổ chức có sức mạnh xã hội đáng kể và có khả năng hành động độc lập thì sẽ có khả năng kiềm chế quyền lực của nhà cai trị, và do đó có khả năng chống lại chuyên chế, hơn là một xã hội mà trong đó mọi người dân đều bất lực.

Các Hình Thái Cơ Chế Là Thứ Yếu
Đối Với Sự Phân Phối Quyền Lực Thực Thụ 

Khuôn khổ cơ chế chính thức và các thủ tục của chính quyền vẫn quan trọng trong bối cảnh của nhận định này, nhưng tình trạng cơ cấu nằm bên dưới, trong dài hạn, sẽ lấn át những dàn xếp chính thức về chính trị. Chính sự phân phối quyền lực trong toàn cơ cấu xã hội như một tổng thể quyết định quyền lực thực thụ của nhà cai trị, dù cho những nguyên tắc đã từng được công khai thừa nhận cho hệ thống hay cho những hình thái cơ chế của hệ thống là gì.

    Dù cơ cấu chính trị chính thức của chính quyền có thể hết sức độc tài, nhưng nếu nhiều quyền lực hữu hiệu được phân phối giữa những nhóm xã hội và tổ chức khác nhau, thì xã hội nội tại có lẽ sẽ mạnh đủ để duy trì một hệ thống chính trị tương đối “tự do” và mạnh đủ để giới hạn và kiềm chế quyền lực hữu hiệu của nhà cai trị. Ngay cả một chính thể chính thức “chuyên quyền” do đó cũng có thể phải chịu những giới hạn và kiềm chế khắt khe. Ngược lại, nơi nào mà các tụ điểm chính trị yếu, thì xã hội có lẽ sẽ không thể ngăn chặn được sự thống trị của một chính thể độc tài, dù nguồn gốc của chính thể này là từ trong hay ngoài nước. Một xã hội có được một hiến pháp dân chủ nhưng thiếu những tụ điểm quyền lực mạnh vì vậy sẽ rất yếu thế trước một nhà độc tài có thể có, trong lúc một chế  độ “dân chủ” hiến định có thể có quyền lực hầu như là vô giới hạn và không bị kiểm soát. Nếu để cách quãng một thời gian thì mức độ phân tán hay tập trung quyền lực trong khắp xã hội có thể vào một lúc nào đó sẽ được phản ánh trong những dàn xếp chính trị chính thức của xã hội.

Những Tụ ĐiểmQuyền Lực Mạnh
Có Thể Kiềm Chế Các Nhà Chuyên Chế

Những thí dụ từ các nền quân chủ phong kiến Pháp và Nga sẽ minh xác là quyền lực của các nhà cai trị trên lý thuyết là vô giới hạn vẫn có thể bị kiềm chế như thế nào khi quyền lực được phân tán giữa những tụ điểm khác nhau trong khắp xã hội.

    Nhà phân tách chính trị quan trọng người Pháp của thế kỷ thứ mười chín Alexis de Tocqueville gợi ý là trong số những “chướng ngại vật trước đây đã từng chặn đứng sự hung hãn của chuyên chế”là ba điều sau đây: (1) tôn giáo, trước đây đã có lần giúp các nhà cai trị và những người bị trị “định nghĩa những giới hạn tự nhiên của độc tài,”(2) sự tôn trọng đối với những nhà cai trị, không có sự tôn trọng này, khi đã bị những cuộc cách mạng đập tan, đã cho phép các nhà cai trị rơi trở lại vào “những quyến rũ của quyền lực độc đoán”mà không cảm thấy nhục nhã, và — điều mà chúng ta lưu tâm hơn cả — (3) sự hiện hữu của những tụ điểm quyền lực hữu hiệu trong toàn xã hội, như là các tỉnh, các quý tộc của các thành phố, và các gia đình10.

    Trước Cách Mạng Pháp, dưới chế độ cũ, vào đúng lúc khi mà “các luật lệ và sự thoả thuận của người dân đã đầu tư vào các vị quân vương với một quyền hành hầu như là vô giới hạn11, thì “quyền lực của một phần của thần dân cũng đã là một chướng ngại vật không thể vượt qua được đối với sự chuyên chế của nhà vua rồi…”12 Trong số các cội nguồn của cái quyền kiềm chế này, de Tocqueville nói tiếp, là “những đặc quyền của giới quý tộc…quyền hành của các tối cao pháp viện, … những đặc quyền của các tỉnh, đã giúp ngăn chặn búa rìu của quyền hành quân vương và duy trì được tinh thần đối kháng trong nước.”13 Trong thời đại đó, người dân rất khắn khít với nhau; nếu một người bị tấn công một cách bất công thì những người khác sẽ giúp đỡ14. Các tỉnh và thành phố tương đối độc lập, và “mỗi nơi đều có ý muốn riêng của mình, đối nghịch với ý muốn chung chịu khuất phục15. Các quý tộc có khá nhiều quyền lực và ngay cả sau khi đã mất hết quyền lực, họ vẫn tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng. Họ “dám đơn phương đối diện với những nỗ lực của công quyền.”16 Khi mà cảm tình gia đình mạnh, thì “người chống đối áp bức không bao giờ cô đơn” trái lại còn tìm được sự hỗ trợ trong số bà con, bạn bè từ đời này sang đời khác, và trong số các khách hàng17. Ngay cả khi những người này yếu thì người ta vẫn có được lòng tin vào tổ tiên và hi vọng vào con cháu mình18.  Những điều này cùng với những ảnh hưởng khác của các tụ điểm quyền lực độc lập trong xã hội đóng góp vào việc giới hạn quyền lực chính trị thực thụ của nhà cai trị mà trên lý thuyết có sức mạnh toàn năng.

    Triết gia chính trị người Pháp đương thời Bertrand de Jouvenel mô tả tình trạng này bằng những ngôn từ tương tự. Tại nước Pháp ở thế kỷ thứ mười bảy, trên lý thuyết vị quân vương có toàn quyền sinh sát, nhưng thực ra, quyền lực chính trị của ông ta hết sức bị giới hạn. Sự giới hạn này đã được gây nên bởi những phương cách không phải chỉ vì những biến đổi về kỹ thuật giữa thời đại đó và thời đại chúng ta mà thôi.

Đâu đâu… người ta cũng phủ nhận cái quyền của vị quân vương muốn đưa ra luật lệ gì tuỳ thích; người ta không tin là ước muốn của ý quân vương có sức mạnh bắt buộc, dù những ước muốn đó là gì. Mọi người đều biết rằng một sắc lệnh của một quyền lực trần tục không có tính bắt buộc về mặt đạo đức chỉ vì hình thức của nó, nếu tuân chỉ theo sắc lệnh đó không thoả mãn được một số điều kiện.

   Nói cách khác, vị quân vương, hay là phát ngôn nhân của ông ta, ít tự do trong chế độ cũ hơn là bây giờ, và chỉ huy ít độc đoán hơn19.

Tương tự như thế, nhà xã hội học người Ý thuộc thế kỷ thứ 20 đã lý luận như sau:

 Vị thủ lãnh của một nhà nước phong kiến có thể làm điều sai quấy đối với bất cứ ai trong số những bá tước của ông, nhưng ông không bao giớ là chủ nhân tuyệt đối của tất cả những vị này. Họ có sẵn một số sức mạnh quần chúng để sử dụng… và luôn luôn có thể hành sử cái quyền chống đối có thực trên thực tế của mình.Cá nhân những bá tước này, đến lượt họ, ý thức được là có một giới hạn cho sự độc đoán mà họ có thể hành sử đối với quần chúng thần dân của họ. Sự phi lý về phần họ có thể khiêu khích một sự bất ổn tuyệt vọng dễ dàng đưa đến nổi loạn. Vì thế, hoá ra là tại những quốc gia thực sự phong kiến, việc cai trị của các chủ nhân ông có thể đầy bạo lực và độc đoán từng lúc, từng hồi, nhưng nói chung thì việc cai trị này hết sức bị giới hạn bởi phong tục20.

Dù rằng hiến pháp tự nó đã độc tài trong thời phong kiến, nhưng quyền lực hỗn hợp của các nhóm xã hội và các tổ chức trong khắp xã hội, và ảnh hưởng của những giới hạn không nắm bắt được đối với quyền lực của nhà cai trị, đã vận hành để kiềm chế quyền lực của các vị quân vương. “Các ông vua có quyền, nhưng không có phương tiện và ước muốn làm điều gì tuỳ thích,” Tocqueville viết21. Một số trong các nhóm này, như giới quý tộc chẳng hạn, có thể chống đối tự do cá nhân. Tuy vậy, ông lý luận là sự độc lập và quyền lực của họ đã làm cho sự yêu chuộng và tình trạng tự do được sống động22Chính sự hiện hữu của nhiều loại quyền hành và nhiều chủ nhân đòi hỏi sự trung thành của người dân – thay vì một vị duy nhất – đã cho phép người dân có được một mức độ lựa chọn nào đó cũng như khả năng xoay xở. Trong một hoàn cảnh như vậy, thì Simmel cho rằng người dân “thủ đắc được một sự độc lập nào đó đối với mỗi vị, còn riêng về cảm nhận riêng tư, thì có lẽ ngay cả đối với tất cả các vị ấy.”23

    Có một hoàn cảnh tương tự tại Đế Quốc Nga dưới chế độ Nga hoàng vào thế kỷ thứ mười chín. Nhà sử học đáng kính của xã hội này và của những phong trào cách mạng của xã hội này, Franco Venturi, đã viết: “…quyền lực ghê gớm mà Nicolas I, nhà độc tài số một trong số những quân vương Âu châu đương thời, nắm giữ, thực ra hết sức bị giới hạn khi quyền lực này động chạm đến những nền tảng của cơ cấu xã hội Nga.”24  Ví dụ, Nga hoàng, trước cuộc giải phóng nông nô, đã tìm những phương tiện để cải tiến số phận nông dân, nhưng ông đã gặp phải sự chống đối từ những nhóm và những giai cấp mà ông cần sự hỗ trợ và sự đồng ý để thực hiện những thay đổi mà ông muốn25. Nhà Nước thực ra không có khả năng can dự vào những quan hệ giữa nông dân và các quý tộc. Đây chỉ là “một bằng chứng nữa về sự yếu kém của nền độc tài của Nicholas I; quyền lực này chỉ mạnh ở trong tình trạng tĩnh, và yếu ngay khi có ý muốn hành động.”26

    Sự đối kháng có tiềm năng sinh động chống lại những kế hoạch của Nga hoàng nổi lên từ cả nông dân lẫn từ quý tộc. Nông dân sống trong những điền trang tư nhân hầu như là thống nhất trong việc tin rằng mặc dù họ thuộc quyền sở hữu của các quý tộc và các địa chủ, nhưng đất đai thì lại thuộc quyền sở hữu của chính các nông nô. Do đó họ bác bỏ bất cứ nỗ lực nào “đem lại tự do” cho bản thân họ mà lại dâng đất cho quý tộc. Một nỗ lực như thế có thể đưa đến cách mạng với thành phần nông nô vừa cố giữ lấy phần đất của họ vừa đòi hỏi hoàn toàn được giải phóng khỏi thuế khoá27. Viễn tượng này thật quan ngại vì nông dân có những tổ chức tự quản của họ, các nông hội [obshchina và mir], nghĩa là những tụ điểm  quyền lực hữu hiệu. Họ kinh nghiệm về hội họp, về thảo luận, về làm quyết định, và về việc cùng hành động với nhau, những khả năng có một lịch sử lâu dài. Venturi phúc trình như sau:

      Nhà Nước do những cải cách của Peter Đại Đế thiết lập nên trước đó đã không bao giờ bám rễ được trên toàn quốc. Song song với Nhà Nước vẫn có một hệ thống tự quản địa phương tồn tại từ thời trung cổ với những nhóm có tổ chức của các nông gia và các nhà thương mại28.

“Chính qua những tổ chức này, những tổ chức duy nhất mà nông dân có sẵn để sử dụng, mà xã hội nông dân đã tự vệ được.”29 Do đó, chính quyền Nga hoàng đã tìm cách kiềm chế các nông hội [obshchina]30.

    Dù sự đối kháng của các quý tộc chống lại cải cách đã từng được thổi phồng ở Tây Phương, sự chống đối này vẫn có ý nghĩa. Sự chống đối của họ, Venturi viết, đã đặt Nga hoàng vào “thế yếu.”31 Các quý tộc, cũng vậy, lo sợ một cuộc cách mạng nông dân, và sự chống đối của họ đã được tăng cường bởi sự cảm nhận là Nga hoàng ước muốn thay đổi nhiều hơn là sự thực. “Sự đối kháng của giới quý tộc tỷ lệ với sự yếu kém của nền chuyên chế….”32 Những quý tộc, như là những cá nhân cũng như nhóm, dĩ nhiên là quá mạnh nên Nga hoàng không thể lờ đi hoặc dẹp tan được.

    Nông dân sợ bị tước quyền sở hữu đất đai, và các quý tộc thì sợ bị tước quyền sở hữu nông nô của mình. Cả hai nhóm đều có khả năng hành động tập thể và tạo nên được những tụ điểm quyền lực quan trọng không thể làm ngơ được. Những tụ điểm quyền lực này do đó đã giới hạn và kiềm chế quyền lực của vị Nga hoàng mà trên lý thuyết có quyền lực toàn năng.

    Những thí dụ của Pháp và của Nga này chỉ là những minh xác về khả năng tổng quát của những tụ điểm quyền lực thuộc bất cứ loại nào, nếu mạnh đủ và độc lập, trong việc kiềm chế quyền lực của một nhà cai trị bất kể trên lý thuyết ông ta có quyền lực vô giới hạn như thế nào đi nữa. Nhưng những thí dụ này không nên được cắt nghĩa như là những lời tạ tội cho chế độ phong kiến. Dù Tocqueville đã từng bị kết án là người biện hộ cho chế độ phong kiến, trong trí óc của ông ta, ông rất rõ ràng là sự kiềm chế do những tụ điểm quyền lực ở Pháp thời chế độ cũ thực hiện không phải là kết quả của chính hệ thống quý tộc. Đúng ra là khả năng kiềm chế có được là do sự phân tán quyền lực hữu hiệu trong khắp xã hội, mà trong trường hợp này là đặc thù của hệ thống quý tộc. Sự phân tán quyền hành giữa những nhóm và tổ chức của xã hội như thế cũng có thể vận hành trong những hệ thống khác, và sẽ đem lại kết quả kiềm chế tương tự đối với nhà cai trị. Khả năng kiềm chế do sự phân tán quyền lực đem lại.

    Tocqueville nhận định là tác dụng của quyền lực phân tán đối với quyền lực của những nhà cai trị vượt quá chính trị nội bộ. Tác dụng này còn có tiềm năng bao gồm khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh quốc ngoại mà không cần sự hỗ trợ của thần dân, và ngay cả khả năng của một một nhà cai trị xâm lược chinh phục một quốc gia có một cơ cấu quyền lực phân tán.

     Một dân tộc vĩ đại thuần quý tộc không thể chinh phục các láng giềng của mình, cũng không thể bị láng giềng của mình chinh phục, mà không gặp nhiều khó khăn. Dân tộc này không thể chinh phục được các láng giềng vì những lực lượng của dân tộc này không bao giờ có thể tập họp lại và thống nhất với nhau trong một thời gian lâu dài được; dân tộc này không thể bị chinh phục, bởi vì kẻ địch sẽ gặp phải ở từng bước tiến những trung tâm kháng chiến nhỏ ngăn chặn cuộc xâm lăng. Chiến tranh chống lại hàng ngũ quý tộc có thể được so sánh với một cuộc chiến tại một quốc gia đầy đồi núi; phe bại trận liên tục có những cơ hội để tái phối trí lực  lượng và kháng cự ở một địa điểm mới33.

     Trong lúc các tụ điểm quyền lực hữu hiệu có thể áp đặt những giới hạn và kiềm chế lên quyền lực của nhà cai trị, nhưng nếu những tụ điểm này yếu, không có, hoặc bị phá huỷ thì quyền lực của nhà cai trị cũng theo mức độ đó mà không bị kiềm chế.


CƯỚC CHÚ

  1. Gene Sharp, Chính Trị Của Hành Động Bất Bạo Động (Boston, Nhà Phát Hành Porter Sargent, 1973), Chương Một.
  2. Như trên., Chương Hai – Mười Bốn để xem phân tích về bản chất của đấu tranh bất bạo động.
  3. Về một vài định nghĩa liên hệ về quyền lực, xem Robert M. Maclver, Màng Lưới Chính Quyền (New York: McMillan Co., 1947), tt. 82 và 83; Martin J. Hillenbrand, Quyền Lực và Đạo Đức (New York: Columbia University Press, 1949), tt.4-5; Jacques Maritain, Con Người và Nhà Nước (London: Hollis & Carter, 1954), t. 114; và Harold D. Lasswell, Quyền Lực và Nhân Cách (New York: W.W. Norton & Co., 1948), t. 12.
  4. Maclver viết: “Chính quyền sử dụng quyền lực nào và sử dụng cho những mục đích nào tuỳ thuộc vào những sức mạnh khác (những tụ điểm quyền lực), vào cách thức những sức mạnh này được điều chỉnh hữu hiệu với nhau trong dấu tranh và xung đột, trong sự đồng quy và phân rẽ, của những ý đồ tranh giành quyền lực.” Maclver, Màng Lưới Chính Quyền, t.91)
  5. Bertrans de Jouvenel, Chủ Quyền: Điều Tra Về Công Ích (Chicago: University of Chicago Press, 1959 và Cambrigde tại the University Press, 1957) t. 71.
  6. Georg Simmel viết: “Động lực chính của nhà cai trị trong việc cân bằng những khác biệt về hệ đẳng phát xuất từ sự kiện là những liên hệ về sự thống trị và nô thuộc mạnh mẽ giữa những người dân của ông ta trên thực tế và về tâm lí đã cạnh tranh với chính sự thống trị của của ông ta. Vã lại, một sự áp bức quá mức đối với một số tầng lớp nào đó bởi những tầng lớp khác cũng nguy hiểm cho nền độc tài cũng giống như một quyền lực quá lớn của những tầng lớp áp bức này.” (Georg Simmel, Xã Hội Học của Georg Simmel [Dịch, biên tập, và có Dẫn Nhập bởi Kurt H. Wolff; Glencoe, Illinois: The Free Press, 1950], t. 198.)
  7. Alexis de Tocqueville, Dân Chủ Tại Mỹ [Dịch bởi Henry Reeve, C.B.; London: Longmans, Green and Co., 1889), vol. I, t. 332.
  8. Như trên
  9. Như trên, t. 333.
  10. Như trên.
  11. Như trên, t.332
  12. Như trên, t.6.
  13. Như trên, t.332.
  14. Như trên, tập II, t.296.
  15. Như trên, tập I, t.333.
  16. Như trên.
  17. Như trên, t.334.
  18. Như trên.
  19. Jouvenel, Chủ Quyền, t.200.
  20. Gaetano Mosca, Giai Cấp CaiTrị (Những Yếu Tố Của Khoa Học Chính Trị) (Dịch bởi  Hannah D. Kahn; biên tập và duyệt lại với Dẫn Nhập bởi Arthur Livingstone; New York và London: McGraw-Hill, 1939), t. 141.
  21. Tocqueville, Dân Chủ Tại Mỹ, tập I, t.332.
  22. Như trên.
  23. Simmel, Xã Hội Học Của Georg Simmel, t.232.
  24. Franco Venturi, Những Nguồn Gốc Của Cách Mạng (New York: Alfred A. Knopt, 1960, và London: Weidenfeld and Nicolson, 1960), t.66.
  25. Xem như trên.
  26. Như trên, t.67.
  27. Như trên, tt.68-69.
  28. Như trên, t.198.
  29. Như trên, t.70.
  30. Như trên, t.71.
  31. Xem Như trên, tt.72-73.
  32. Như trên, t.72.
  33. Tocqueville,Dân Chủ Tại Mỹ, tập II, t.258
Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.