Làm thế nào để nhổ tận gốc áp bức một cách hữu hiệu mà tổn thất tối thiểu và lợi ích dài hạn tối đa cho những người được giải phóng vẫn là một vấn đề chưa có giải pháp thoả đáng. Người dân Nam Phi đã từng chờ đợi giải đáp này từ lâu. Mặc dù bài này là một tổng lược được nhuận lại của bốn bài viết được xuất bản năm 1963, với chỉ một vài thay đổi và thêm thắt vào năm 1980 mà thôi, nhưng những điểm chính yếu — mười bảy năm sau đó — vẫn còn có ý nghĩa như khi những bài này được viết ra, dù có một số dấu hiệu mới rất giới hạn về sự uyển chuyển của Chính Quyền.
Dù cho cuộc xung đột tại Nam Phi được giải quyết theo phương cách nào đi nữa, thì nhiều người trên khắp thế giới vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa đối diện với vần đề tổng quát về việc làm thế nào để nhổ tận gốc áp bức. Hy vọng rằng bài này sẽ nêu ra những câu hỏi và gợi ý về những đường hướng để cho những người đang còn tìm kiếm những câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi là đòi hỏi cần phải có gì để chấ m dứt áp bức.
٭ ٭ ٭
Tình hình tại Nam Phi hiện nay tỏ ra tuyệt vọng. Chính Quyền, được Đảng Hợp Nhất “đối lập”a ủng hộ, đã từ bao nhiêu năm nay gia tăng độc tài đối với dân chúng mà đa phần không phải là người Âu châu. Mọi phương tiện tạo thay đổi đều bị chặn lại. Những cơn nước lụt đang nhanh chóng dâng lên. Đối với Nam Phi không có con đường thoát nào mà không kéo theo nhiều đau khổ nghiêm trọng và đẫm máu. Nếu không có ai làm gì, thì tình hình sẽ trở nên xấu hơn, và sự đau khổ liên miên của người dân và bạo lực của Chính Quyền sẽ gia tăng, cuối cùng sẽ đóng góp vào một sự bùng nổ kinh rợn. Dù cho những phương tiện đối kháng bạo động hay bất bạo động được sử dụng, thì người dân không phải là dân Âu châu vẫn sẽ phải gánh chịu đau khổ lớn lao. Bất cứ ai chống đối đấu tranh trên cơ sở là đấu tranh sẽ đưa đến đau khổ là hoàn toàn không hiểu biết tình hình. Vấn đề là làm thế nào để đấu tranh cho hữu hiệu để thay đổi hoàn cảnh, và sự đau khổ có giúp đem lại một xã hội tự do, nhân bản hay không.
Bài này là một nỗ lực đóng góp vào sự hiểu biết về vấn đề này, và do đó chiếu rọi phần nào ánh sáng vào giải pháp cho vấn đề đó. Mục đích của tôi, do đó, không phải là “phán đoán” hay là “kết án” hay là “dạy dỗ” mà là đóng góp một vài ý nghĩ vào công việc đi tìm một giải pháp. Vấn đề của Nam Phi là một vấn đề của toàn thể nhân loại. Tất cả chúng ta đều cần học hỏi nhiều từ kinh nghiệm của Nam Phi.
Trong khi đi tìm một đường hướng hành động, chúng ta phải chấp nhận sự kiện là bất kỳ dù người ta làm điều gì đi nữa, thì vẫn sẽ có một nhóm người Nam Phi nòng cốt sẽ không bao giờ tự nguyện bỏ chính sách phân biệt và kỳ thị chủng tộc. Người ta cũng còn phải chấp nhận sự kiện là nhiều người Nam Phi gốc Âu châu quá tận tuỵ với vị thế quyền lực và giàu sang của họ nên họ sẽ tiếp tục phản công lại bất cứ sự thách thức nào, bằng bất cứ phương tiện gì, với một sự cứng rắn càng ngày càng gia tăng. Do đó, người ta phải thấy được là họ sẽ phản ứng bằng đàn áp gắt gao, và sự huỷ bỏ phân biệt và kỳ thị chủng tộc và sự thống trị của người Âu châu chỉ có thể đến sau một cuộc đấu tranh trường kỳ mà thôi.
Chỉ nói chuyện đạo đức về cách làm thế nào để đương đầu với vấn đề này sẽ không đủ. Đòi hỏi phải có một đường hướng hành động. Thêm vào những phương pháp hành động cụ thể trong những trường hợp rõ rệt, cần phải chú ý đến các chiến thuật vận hành trong những giai đoạn được xác định của cuộc đấu tranh, và đến chiến lược toàn bộ để điều hướng diễn tiến của đấu tranh.
Việc xét định một vài trong số những vấn đề chiến lược toàn bộ cần bao gồm ba lãnh vực sau đây:
- Làm thế nào để đạt được sức mạnh tối đa và dấn thân vào công cuộc đấu tranh của những người không phải là người Âu châu, nhất là những người châu Phib.
- Làm thế nào để tách rời một vài người trong số những người Âu châu để họ ngưng hỗ trợ những người thuộc Đảng Quốc Gia Phi châu và sự thống trị của người Âu châu, và thúc đẩy họ có hành động hỗ trợ những người không phải là người Âu châu.
- Làm thế nào để đem những áp lực tối đa của quốc tế tác động lên Chính Quyền Nam Phi hướng đến thay đổi phù hợp với sự tự quyết của người dân Nam Phi như là một tổng thể và với sự phát triển tương lai của họ.
Có hai kỹ thuật đấu tranh chính có thể được áp dụng bởi những người Nam Phi không phải là người Âu châu: một hình thức bạo động cách mạng nào đó, hay là bất hợp tác rộng lớn và thách thức không bạo động – nghĩa là, đấu tranh bất bạo động. Bạo động có lẽ sẽ theo mẫu tổng quát của cuộc đấu tranh tại Algérie, một loại chiến tranh du kích khủng bố. Một mẫu chính xác cho đấu tranh bất bạo động để thay thế thì không có, dù có những kinh nghiệm và tư tưởng để rút tỉa từ bên trong cũng như bên ngoài quốc gia Nam Phi.
Tái Xét Định Hiệu Năng Của Bạo Động
Quả lắc đã nghiêng hẳn về phía bạo động. “Từ mọi phía hiện nay đều có một sự chấp nhận định mệnh về chuyện không thể tránh được bạo động,” Colin Legum đã viết như thế trong tờ The Observer, “Khoảng thời gian dài hỗ trợ cho những phương pháp đấu tranh bất bạo động (như đã được biểu hiện qua Chủ Tịch Lithuli) của Quốc Hội [Quốc Gia Phi] đã qua rồi. Tất cả mọi bàn thảo bây giờ là về các chiến thuật bạo động, không còn là về sự thích hợp của bạo động nữa.”1Đắng cay, bực bội, bất lực đã nung nấu đến mức độ mà một sự bùng nổ bạo động trở nên hầu như không thể tránh được. Sự thất bại trong quá khứ của đấu tranh bất bạo động nhằm đạt những chiến thắng lớn đã đưa đến việc từ bỏ phương tiện này. Việc Chính Quyền cố ngăn chặn tất cả mọi hình thức phản đối đưa đến cái cảm giác có thể hiểu được là người ta phải đánh trả lại.
Mặc dù ủng hộ bằng miệng thì rất là phổ biến, nhưng những đáp ứng của thế giới đối với những khẩn cầu của những người không phải là người Âu châu về tẩy chay kinh tế và về khai trừ Chính Quyền Nam Phi về chính trị, ngoại giao, và văn hoá, thì thật là ít ỏi; cho nên những người không thuộc gốc Âu châu đương nhiên trở nên vỡ mộng đối với tiềm năng của những phương tiện như thế. Mặc dù có một vài cử chỉ có thiện ý, nhưng phong trào bất bạo động của thế giới đã không cung ứng được sự hỗ trợ lớn lao nào, dù là dưới hình thức thúc đẩy thế giới tẩy chay, hay là bằng cách cung cấp thông tin hữu ích hoặc những phân tích về những vấn đề của đối kháng, hoặc những tham vấn viên (nơi nào muốn có) để đóng góp vào việc xét định những vấn đề chiến lược và chiến thuật trong một cuộc đấu tranh bất bạo động hữu hiệu.
Mặc dù dĩ nhiên là không đầy đủ, nhưng những nỗ lực có ý nghĩa và đầy hy sinh nhằm áp dụng đấu tranh bất bạo động đã được thực hiện bởi những người không thuộc gốc Âu châu. Không ai có thể phủ nhận là nếu người ta tin là có thể có được một lối thoát hoà bình, thì họ đã chọn lối thoát đó.
Tuy nhiên phương thức giải thoát giáo điều bằng bạo động đã có quá nhiều người theo nên không thể đề bạt một sự xét định công bình về những đường hướng hành động thay thế, trừ phi sự thoả đáng của bạo động bị thách thức trên căn bản chiến lược, và trừ phi một số phẩm chất của đấu tranh bất bạo động được duyệt xét. Việc xét định những điểm lợi và hại của đấu tranh bạo động và bất bạo động thường khó, bởi vì sự thiếu kiên nhẫn đối với sự phân tích có tính trí óc về những vấn đề cách mạng hay vì sự chán mứa có lý do chính đáng về sự tổng quát hoá mơ hồ và việc giảng luân lý thường được tuôn ra bởi những người bênh vực cho những phương tiện bất bạo động.
Có nhiều lý do quan trọng để không chấp nhận việc không thể tránh được của phong trào đối kháng trông cậy vào bạo động để đạt chiến thắng. Trút bỏ cảm xúc hận thù vào những hành động bạo động thì không đủ, chẳng đủ gì hơn việc lòng tự trọng phát huy nơi người thách thức chính quyền nhờ hành động bất bạo động. Còn cần phải xét đến phương cách mà theo đó đường hướng hành động đề nghị sẽ đóng góp vào sự thành công của phong trào nữa.
Thừa nhận những khó khăn và nguy hiểm của một cuộc đấu tranh tương lai bằng đối kháng bất bạo động, và sự thiếu sót của phong trào bất bạo động trong quá khứ, tự nó không phải là một luận chứng thuận lợi cho việc dùng bạo động. Còn cần phải xét định những khó khăn và những nguy hiểm của một cuộc đấu tranh tương lai cả bằng chiến tranh du kích lẫn khủng bố, và còn bằng những loại đấu tranh bất bạo động mới có thể có. Nếu người ta thực hiện một cuộc xét định có trách nhiệm về những giải pháp thay thế thì sự duyệt xét này cần phải bao gồm một sự so sánh về những cái lợi và hại của từng kỹ thuật đấu tranh, và một sự xét định xem những cái bất lợi của mỗi kỹ thuật có thể vượt qua được hay không hay là có thể quân bình hoá lại bằng những nhân tố khác hay không. Có ít bằng chứng cho thấy là điều này đang xảy ra. Colin legum viết là “mất lòng tin vào công hiệu của những phương pháp cũ không luôn luôn đi đôi với sự thẩm định thực tế về xác suất là bạo động có thể cũng không thành công như thế mà thôi.”2
Có quá nhiều khó khăn và nguy hiểm liên quan đến việc chọn lựa đấu tranh bạo động ở tại Nam Phi nên bây giờ cần duyệt xét lại công hiệu của bạo động song song với việc khai phá xem có thể phát động được một cuộc đấu tranh bằng những phương tiện bất bạo động mà hữu hiệu hơn trong quá khứ hay không. Tuy mạnh hơn về quân sự không bảo đảm được chiến thắng — nhất là trong chiến tranh du kích – nhưng điều quan trọng cần lưu ý là Chính Quyền Nam Phi có một sức mạnh quân sự rất lớn — vượt trội hẳn bất cứ những gì mà những người Nam Phi không thuộc gốc Âu châu có thể có hy vọng thu góp được — ngăn chặn sự can dự rộng lớn và hết sức nguy hiểm của quốc tế.
Việc những người không thuộc gốc Âu châu sử dụng bạo động thực ra, trong nhiều phương diện, là một cái lợi cho Chính Quyền Nam Phi. Điều này đã cung cấp cái cớ cho việc đàn áp hết sức khắc nghiệt, điều có thể càng làm cho những người Phi châu, những người da màu thuộc tỉnh Cape, những người Ấn, và Á đông còn mất tinh thần hơn nữa. Có người cho rằng ít nhất là có một trường hợp chính quyền có thể đã cố tình tạo ra bạo động bằng cách sử dụng những nhân viên khiêu khích ở giai đoạn cuối của Chiến Dịch Thách Thức Bất Tuân Dân Sự năm 1952. Những vụ nổi loạn giữa ngày 18 tháng Mười và mồng 9 tháng Mười Một năm 1952 – trong lúc chiến dịch đang ở đỉnh cao – đã đưa đến kết quả sáu người Âu châu và ba mươi ba người Phi châu chết. Sự kiện này đã giúp người Âu châu rất nhiều trong việc đồng hoá chiến dịch bất bạo động với phong trào bạo động của người Mau Mau châu Phi tại Kenya – và vì vậy đã đảo ngược khuynh hướng của một vài người Âu châu có thiện cảm với chiến dịch. Những vụ nổi loạn này cũng còn đập tan tinh thần đối kháng giữa những người không thuộc gốc Âu châu. Vào tháng Mười, năm 1952, chẳng hạn, có 2.534 người tình nguyện thách thức các luật phân biệt và kỳ thị chủng tộc, trong khi cả tháng Mười Một và Mười Hai cộng lại, chỉ có được 280 người mà thôi. Sự bạo động này không phải là nhân tố duy nhất gây nên sự sụp đổ của phong trào (Sự sợ hãi về những bản án càng lúc càng trầm trọng, cũng như, như vài người đã gợi ý, những hoạt động nội bộ của những người Cộng sản trong phong trào.) Tuy nhiên, như Leo Kuper nói trong nghiên cứu của ông về chiến dịch này, “Rõ ràng là những vụ nổi loạn này đã đóng một vai trò quyết định.” Chúng còn “tạo cơ hội cho chính quyền chụp lấy sáng kiến và bắt đầu sử dụng quyền lực quá mức mà phần nào có thể biện minh được.”3
Việc giết chết những người biểu tình Phi châu tại Sharpeville vào ngày 21 tháng Ba năm 1960 thường được nêu lên như một biện minh cho việc bỏ rơi đấu tranh bất bạo động. Quan điểm này, tuy nhiên, được dựa trên một sự thiếu hiểu biết về những động năng của hành động bất bạo động. (Cũng không có nhiều người nhớ là những vụ bắn ở Sharpeville bắt đầu sau khi người Phi châu đã phá kỷ luật bất bạo động, liệng đá vào cảnh sát, và trước sự kiện này đã có một vụ nổi loạn tại Cato Manor không lâu trước đó, một diễn biến có thể đã làm cho cảnh sát trở nên bồn chồn hơn, và có thể làm gia tăng sự tàn ác tại Sharpeville.) Tuy nhiên, chính vì những vụ bắn giết này bị xem như là được thi hành chống lại những người biểu tình hoà bình không vũ trang nên đã khơi động được những cảm xúc sâu xa và phản đối mạnh mẽ tại Nam Phi và khắp toàn thế giới. Nếu cũng cùng một số người Phi châu bị cảnh sát bắn chết vì chống lại một đám đông vô kỷ luật xâm chiếm một khu vực cư trú của người Âu châu nhằm mục đích đốt phá và giết người thì hẳn sẽ không có được một phản ứng như vậy. Hãy so sánh, chẳng hạn, sự lưu tâm và phản đối được khơi động bởi cái chết của ít hơn một trăm người tại Sharpeville với sự lãnh đạm đối với cái chết của bất cứ trăm người dân Algérie nào khác trong cuộc đấu tranh Algérie.
Những vụ giết người tại Sharpeville đã phát hiện, đối với những người còn chưa nhận thức được điều này, bản chất thực sự của Chính Quyền Nam Phi và những chính sách của Chính Quyền này. Ngay sau khi vụ này xảy ra thì đã có rất nhiều hỗ trợ quốc tế đối với những chưong trình tẩy chay. Tại Na- Uy, cờ khắp toàn quốc đã được treo nửa cột sau vụ Sharpeville. Điều này biểu tượng cho tác dụng của vụ này — một tác dụng mà nếu Chính Quyền Nam Phi có thể chứng minh những người bị bắn là những người khủng bố, thì sẽ bị giảm đi rất nhiều. Hãy chứng kiến, chẳng hạn, phản ứng tương đối yếu ớt đối với những vụ hành quyết những tên khủng bố Poqo.
Tổn Phí Và Hiệu Quả Của Đấu Tranh Bất Bạo Động
Có một vài quan niệm rất ngây thơ về bản chất của đối kháng bất bạo động nổi bật cả giữa những người ủng hộ lẫn những người chống đối. Không phải nếu những đối thủ của một chế độ hành động bất bạo động thì chế độ áp bức cũng sẽ bất bạo động, và lặng lẽ chịu nghe theo. Không phải cứ bất bạo động là người ta sẽ tránh được đau khổ và hy sinh. Không phải nếu đối phương phản ứng bằng đàn áp bạo động, tàn ác, thì cuộc đấu tranh đã tan rã và phong trào đã bị đánh bại. Không phải phương cách bất bạo động là một phương cách dễ dàng.
Hoàn toàn ngược lại. Người ta phải thấy là nếu những người không phải gốc Ấu châu đối kháng bằng những phương tiện bất bạo động nhưng mang tính đấu tranh, thì sẽ có đau khổ và chết chóc. Điều này một phần là hậu quả của chính sự bạo động của hệ thống xã hội và chính trị đang bị tấn công. Và sự đàn áp bằng bạo lực một phần là chỉ dấu của sức mạnh của đấu tranh bất bạo động và một sự thừa nhận mối đe doạ mà đấu tranh bất bạo động đã mang đến cho sự tiếp tục tồn tại của hệ thống đó.
Vào lúc đối phương gia tăng cường độ đàn áp thì những người đối kháng phải chứng tỏ nhiều can đảm và không những phải tiếp tục mà còn phải gia tăng đối kháng nữa. Điều này không luôn luôn xảy ra ở Nam Phi. Sự sẵn lòng kiên quyết dù bị đàn áp sẽ tạo được thế nhu thuật chính trị. Nghĩa là, quyền lực lẽ ra hùng mạnh hơn của chính quyền sẽ bị vô hiệu hoá và trở thành bất lợi cho chính mình. Việc đàn áp những người bất bạo động có khuynh hướng làm mất đi thiện cảm và hỗ trợ cho chính quyền – trong số những người có thể đi theo phong trào đối kháng, những người thường ủng hộ chính quyền, và trên khắp thế giới – khi mà chế độ đã bị xem như là lệ thuộc vào, và sẵn sàng sử dụng bạo lực ác độc, không che đậy, chống lại những con người bất bạo động. Điều này có thể đưa đến sự gia tăng số người quyết định chống lại một chế độ như thế. Nó cũng có thể đưa đến những chia rẽ ngay trong phe của chính quyền. Khi tăng lên đủ số người, thì sự lớn lao của thách thức bởi những người đối kháng can đảm, ở giai đoạn cao điểm, có thể mạnh đến mức làm mất tinh thần ngay cả những cơ quan đàn áp.
Cái giá của thay đổi vì vậy có thể kinh khủng, nhưng không mắc hơn cái giá phải trả vì bạo lực. Có những dấu hiệu cho thấy là mặc dầu trong phong trào đối kháng bất bạo động có nhiều đau khổ, nhưng ít đau khổ hơn rất nhiều so với một phong trào đối kháng bạo động. Tỷ lệ theo số người tham gia, thì phong trào đấu tranh bất bạo động tại Ấn Dộ có ít người chết hơn rất nhiều so với chiến dịch của người Mau Mau ở Kenya — cả hai đều đấu tranh chống nền cai trị của Anh. Thông tin mà chúng ta có được về những loạt đình công trong các trại tù Nga, xảy ra chủ yếu vào năm 1953, thì ở những nơi nào mà những cuộc đình công được điều động phần lớn là bất bạo động thì con số tổn thất thấp hơn rất nhiều so với những nơi có nhiều bạo động. Tương tự như thế, trong số những chiến dịch của người Ấn, những chiến dịch nào có ít hay là không có bạo động thì có ít thương tích hay tử vong hơn là những chiến dịch có nhiều bạo động. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ấn, có không quá tám ngàn người chết trực tiếp hay gián tiếp gây ra bởi những vụ bắn giết và những thương tích khác gây ra trong tiến trình của cuộc đấu tranh trong một thời gian lâu dài. Con số tổn thất vĩ đại ở tại Algérie — được phỏng định cao đến mức một triệu người trong một dân số không quá mười triệu — một phần nhỏ của dân số Ấn Độ — thật là kinh hãi. Điều này không thể cắt nghĩa được bằng cách kết án là người Pháp tự bản chất dã man hơn người Anh.
Cái giá của nổi đậy bạo động cao hơn rất nhiều so với cái giá của nổi dậy bất bạo động. Sự thiếu kiên nhẫn về sự chậm trễ thấy trước của thay đổi do đấu tranh bất bạo động đem lại (chỉ dựa trên kinh nghiệm Nam Phi) không nên làm người ta mù quáng về chiều dài của thời gian mà đấu tranh bạo động cần có. Những thất bại và bế tắc vẫn xảy ra khi sử dụng những phương tiện bạo động, và đôi khi những phương tiện bất bạo động lại thành công nhanh chóng. Cả hai kỹ thuật đấu tranh bạo động lẫn bất bạo động đều đòi hỏi hy sinh và thời gian để có thể vận hành. Trong một vài hoàn cảnh thì kỹ thuật này có thể tỏ ra là nhanh hơn kỹ thuật kia. Nhưng, ngay cả lúc đó, những nhân tố khác cần phải được duyệt xét, như là con số những tổn thất có thể có và loại xã hội mà cuộc đấu tranh có thể đem lại.
Cuộc đấu tranh Nam Phi là một phong trào gạt bỏ chuyên chế và tranh thủ tự do. Do đó, điều quan trọng là kỹ thuật đấu tranh được sử dụng có làm được điều này hay không, hay là, trong những điều kiện tốt đẹp nhất, cuộc đấu tranh có hất đi được một thiểu số thống trị và thay thế bằng một nhóm khác hay không. Những cuộc đấu tranh bạo động có khuynh hướng được tiếp nối bởi sự tập trung quyền lực vào tay những người kiểm soát những phương tiện bạo động, thường là quân đội hay cảnh sát. Dân chúng lúc bấy giờ bị tước khí giới và không biết phương tiện đấu tranh nào khác, tương đối bất lực trước những nhà cai trị có những phương tiện đàn áp như thế. Chỉ đơn giản huỷ bỏ một hình thái chuyên chế tự nó không mang lại tự do. Điều đó thường đòi hỏi phân tán — chứ không phải tập trung thêm — quyền lực. Chỉ đơn thuần phá vỡ sự thống trị của người Âu châu tại Nam Phi mà không phân tán quyền lực trong dân chúng và các tổ chức và cơ chế của họ sẽ có nghĩa là ít nhất sẽ có nhiều quyền lực được tập trung vào tay của chính quyền mới cũng như trường hợp hiện tại. Có lẽ còn nhiều hơn, vì có những áp lực liên tục về trung ương tập quyền tại những quốc gia mới được giải phóng. Điều này nghiêm trọng, vì chúng ta biết rằng những người lãnh đạo phong trào đối kháng thường không ở lại để trở thành những nhà cai trị sau khi chiến thắng, mà chỉ một đảng duy nhất hay ngay cả chỉ một người duy nhất thường trở thành nổi bật. Ngay cả nếu điều này không phát khởi dưới những hình thái cực đoan ngay tức khắc, thì chính sự tập trung quyền lực vào trong tay ngay cả của một nhà cai trị hết sức tự kiềm chế và khoan dung cũng có thể đưa đến việc một nhà độc tài tiếm quyền áp đặt một nền chuyên chế rốt ráo và toàn vẹn, nếu có một cuộc đảo chánh xảy ra.
Ngược lại, đấu tranh bất bạo động có khuynh hướng phân tán quyền lực vào trong toàn thể dân chúng. Ngay cả chính tiến trình của cuộc đấu tranh cũng tuỳ thuộc vào sự hỗ trợ và tham dự phổ biến tự nguyện của dân chúng. Sau khi thành công kết thúc cuộc đấu tranh, việc tập trung sức mạnh quân đội vào tay của các vị chỉ huy (điều có thể được sử dụng để chống đỡ một nền độc tài mới) không xảy ra, và dân chúng được huấn luyện trong những phương tiện đấu tranh hữu hiệu theo đó họ có thể duy trì và nới rộng tự do chống lại những người tiếm quyền mới. Những xét định này hết sức quan trọng vì nếu chúng ta thực sự quan tâm đến việc tranh thủ tự do, chứ không phải chỉ thay thế một hệ thống chuyên chế này bằng một hệ thống chuyên chế khác. Những hậu quả thảm hại của bạo động cho những mục đích chính trị phải thúc đẩy chúng ta đi tìm những giải pháp, bất bạo động, khác cho ngay cả những vấn đề khó khăn nhất.
Đấu Tranh Bất Bạo Động Không Thoả Đáng
Những chỉ trích về bạo động không có ý ám chỉ là phong trào bất bạo động ở Nam Phi là thoả đáng. Trước tiên, đấu tranh chưa đủ. Nghĩa là, không hành động, không đối kháng, và sự thiếu vắng bạo động không có nghĩa là đồng nghĩa với hành động bất bạo động.
Thiểu số người Ấn ở Nam Phi, sử dụng đấu tranh bất bạo động, dưới sự lãnh đạo của Mohandas K. Gandhi giữa 1906 và 1914, đã đạt được những cải tiến lớn lao cho hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, đấu tranh bất bạo động đã không được sử dụng một lần nữa tại Nam Phi ở một tầm mức tương tự để chống lại sự phân biệt và kỳ thị mãi cho đến năm 1946, lại một lần nữa bởi người Ấn tranh thủ giảm khinh “Đạo Luật Khu Ổ Chuột [Ghetto Act].” Kể từ lúc đó đã có nhiều vụ tẩy chay xe buýt Phi (một vài vụ thành công), Chiến Dịch Thách Thức 1952 (trong đó có hơn 8.500 người bị giam tù vì bất tuân dân sự của luật phân biệt và kỳ thị chủng tộc), sự thách thức của những người Liên-Phi châu đối với luật đi lại vào năm 1960 dẫn đến vụ Sharpeville, và những nỗ lực tổ chức những vụ đình công khắp nơi (tỏ ra là thành công hơn là Chính Quyền thừa nhận vào lúc đó – ví dụ, vụ ba ngày tổng đình công năm 1961). Có những hoạt động khác tương tự như thế. Nhưng rõ ràng là hành động bất bạo động không đều đặn, và có những khoảng thời gian dài không có hoạt động. Điều này xảy ra vì những lý do cần thiết và hết sức dễ hiểu. Nhưng nơi nào mà những giai đoạn không hoạt động này là cần, thì sự cần thiết này lại do sự yếu kém của phong trào hay do dân chúng không thuộc gốc Âu châu gây nên. (Hãy tưởng tượng một quân đội mà chỉ đánh những trận phục kích lẻ tẻ sau những quảng cách hằng tuần hay hằng tháng trong một cuộc chiến tranh, hay là chỉ đánh những trận lớn sau quảng cách hằng tháng hay hằng năm!)
Tuy nhiên, không hành động, ngay cả trong những hoàn cảnh như Nam Phi, đôi khi có khuynh hướng không làm tăng sức mạnh mà lại làm suy yếu những thuộc cấp hơn nữa. Niềm tin là bao giờ còn tránh được bạo động thì người ta sẽ thực hiện được những bước tiến là một điều sai lầm. Nếu một phong trào đối kháng trong những hoàn cảnh như Nam Phi mà chỉ thỉnh thoảng mới có đấu tranh bất bạo động, thì phong trào sẽ không đạt được những kết quả có ý nghĩa trừ phi những thuộc cấp được tăng gia sức mạnh rất nhiều và tổ chức của họ phát triển trong những giai đoạn “yên lặng” đó.
Đấu tranh bất bạo động cũng sẽ không thành công nếu những người tham gia và dân chúng không sẵn lòng trả cái giá của đối kháng. Điều này cũng hết sức tương tự như trường hợp đấu tranh bạo động. Nếu trong một cuộc chiến theo lối cổ mà bộ binh suy sụp dưới hoả lực mạnh của địch, thì cánh này không thể thắng được. Cái lỗi trong hoàn cảnh như thế không phải vì chiến tranh, mà vì khả năng của quân lính thi hành cuộc chiến. Tương tự như thế, trong một cuộc đấu tranh bất bạo động, khi đối phương áp dụng đàn áp và gia tăng đàn áp, thì để có cơ hội chiến thắng, những người hoạt động bất bạo động phải có sức mạnh kiên quyết để hứng chịu những hình phạt nặng nề hơn vì sự thách thức của mình. Nếu họ không đủ sức mạnh để làm điều này thì lỗi không phải ở kỹ thuật mà ở chính những người hành động.
Vì vậy vào năm 1952, khi Chính Quyền định chế hoá những hình phạt nặng nề cho bất tuân dân sự, không gia tăng thách thức là một lỗi lầm nghiêm trọng về chiến thuật. Những người Liên-Phi châu lẽ ra cũng không bị bất ngờ khi Chính Quyền tuyên bố tình trạng khẩn trương để đương đầu với sự thách thức của họ. Rút lui ở một thời điểm như thế sẽ cho phép Chính Quyền chiếm thế thượng phong và để cho một bầu không khí sợ hãi và tuân phục bao trùm dân chúng một lần nữa.Tuy nhiên, còn có một nhược điểm khác trong những phong trào đối kháng bất bạo động trong quá khứ. Có một phương tiện khôn lanh mà Chính Quyền thường xuyên sử dụng để đương đầu với đấu tranh bất bạo động là loại bỏ những người lãnh đạo không thuộc gốc Âu châu ra khỏi đấu tranh chính trị mà không biến họ thành những liệt sĩ và nguồn cảm hứng cho dân chúng bằng cách bỏ tù họ. Ví dụ, một người có thể bị “nêu danh” hay “thanh toán” bằng Đạo Luật Dẹp Bỏ Cộng Sản, và do đó bị cấm duy trì hay làm thành viên của một số tổ chức chính trị nào đó, lãnh đạo những tổ chức này, hay tham dự những buổi họp chính trị. Những nhà lãnh đạo cấp quốc gia đôi khi bị xử theo Đạo luật này, bị kết tội, và chịu án nhiều năm tù, bị “treo giò” trừ phi không phạm một điều khoản nào đó trong Đạo luật này nữa. Theo Đạo Luật Hội Họp Về Nổi Loạn và Tu Chính Hình Luật, một người có thể bị đày đến một nơi xa nhà, xa công ăn việc làm, và xa các sinh hoạt. Sự lựa chọn cho những nhà lãnh đạo không thuộc gốc Âu châu là những năm tù tội. Giải pháp chọn lựa này nghiêm trọng đối với bản thân, nhưng những hậu quả của việc chấp nhận rút lui khỏi những sinh hoạt chính trị hay ngay cả sự lưu đày cũng có thể nghiêm trọng.
Một trong những hậu quả của việc những nhà lãnh đạo chấp nhận những giới hạn này, thay vì từ chối tuân theo và từ chối đi tù, đưa ra một cái gương phương hại đến công việc đối kháng trong tương lai. Một người bình thường chống đối phân biệt và kỳ thị chủng tộc có lẽ sẽ không mạo hiểm một hình phạt nặng hơn hình phạt mà người ta thấy các nhà lãnh đạo đang gánh chịu. Tuy nhiên sự sẵn lòng chịu tù tội và những đau khổ khác là điều kiện chính yếu của thay đổi. Thật là ý nghĩa việc Robert Sobukwe, người thành lập Đại Hội Liên-Phi, đã lựa chọn mình làm một trong những người đầu tiên đi tù vì bất tuân dân sự4. Albert Luthuli, trái lại, ám chỉ trong hồi ký của ông ta là ông ta có ý định tuân theo lệnh cấm chỉ cho đến khi lệnh này mãn hạn vào tháng Năm năm 1964 (dù cũng khó tin là trong những hoàn cảnh như thế mà ông được phép tái sinh hoạt chính trị)5. Chính Quyền vì vậy đã thủ đắc được những cái lợi khi bỏ tù các nhà lãnh đạo không thuộc gốc Âu châu mà không gây ra những cái hại nào cả.
Tất cả những điều này và những ảnh hưởng khác đã có khuynh hướng làm giảm thiểu tính đấu tranh và sinh hoạt của phong trào đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên trong một hoàn cảnh như thế, nếu không có đối kháng và thách thức bất bạo động mạnh mẽ, không có một phong trào nào đủ mạnh để đem lại nguồn hy vọng (nếu không đem lại những chiến thắng lớn lao), thì vì tuyệt vọng, một sự chuyển hướng qua phương thức bạo động hẳn sẽ là một điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Chính Quyền Nam Phi – như mọi chính quyền bất kỳ dân chủ hay chuyên chế như thế nào – cũng đều phải lệ thuộc sự tồn tại tiếp diễn của mình vào sự sẵn lòng của người dân tiếp tục hợp tác và khuất phục. Sự hợp tác và khuất phục này có thể mang nhiều hình thái, như là giúp điều hành hệ thống kinh tế, phục vụ như là nhân viên của chính quyền, và đơn thuần vâng theo những luật lệ và mệnh lệnh của chế độ.
Sự thoả thuận này đôi khi mang tính “tự do” — dựa trên cơ sở hỗ trợ chế độ hay khuất phục thụ động đối với chế độ. Những lúc khác thì sự thoả thuận này có thể bị “ép buộc” – nghĩa là sự chấp thuận có thể có được vì người ta sợ bị tù hoặc bị những hình phạt khác có thể được áp đặt lên họ nếu họ từ chối hợp tác. Nhưng ngay cả sự “thoả thuận bị ép buộc” cũng phản ánh sự lựa chọn là tốt hơn nên khuất phục và tránh bị trừng phạt thay vì thách thức và gánh chịu đau khổ. Trong cả hai trường hợp, kết quả là sự tiếp tục tồn tại của chế độ, chứ không phải chỉ của những mong muốn và quyết tâm của những người hay nhóm người trực tiếp kiểm soát guồng máy Nhà Nước, nhưng chủ yếu là của sự khuất phục và hợp tác của người dân như là một tổng thể. Cái giá của thách thức có thể biến đổi. Trong một vài hoàn cảnh, như trường hợp Nam Phi, thì cái giá này có thể cao kinh khủng. Khả năng của dân chúng rút lui sự thoả thuận cũng có thể biến đổi, tuỳ thuộc vào sự quyết tâm, vào sức mạnh, và sự sẵn lòng của họ chịu trả cái giá của sự thay đổi.
Vấn đề thay đổi chính quyền hiện hành hay đạt được cuộc cách mạng, do đó, không phải chỉ là vấn đề tấn công những nhà cai trị đương nhiệm và những nhân viên trực thuộc họ. Trách nhiệm chính yếu — về việc tiếp tục hệ thống hiện tại và về việc tạo thay đổi — thuộc về đại đa số quần chúng; không có sự khuất phục và hợp tác của họ, thì hệ thống – sau một nỗ lực đẫm máu nhằm ép buộc hợp tác trở lại — sẽ sụp đổ. Việc tranh thủ được thay đổi ở Nam Phi vì vậy tuỳ thuộc vào sự gia tăng sức mạnh cho những người không thuộc gốc Âu châu, nhất là những người Phi châu.
Thay đổi vì vậy vẫn có thể đạt được ngay cả dù cho những nhà cai trị hiện tại không bao giờ được thuyết phục đó là một điều tốt đẹp. Công tác chính yếu là tăng cường khả năng cho dân chúng. Sự quyết tâm xoá bỏ hệ thống cần phải được gia tăng. Sức mạnh và khả năng tổ chức để hành động đoàn thể cần phải được cải tiến. Sự sẵn lòng kiên quyết trong thách thức dù bị đàn áp cần phải được tăng cường.
Điều kiện của tự do thực sự hay của chuyên chế trong bất cứ xã hội chính trị nào vì vậy cũng phần lớn là phản ánh của sức mạnh trong quá khứ và hiện tại hay là sự yếu hèn của người dân như là một tập thể. Nếu người dân hiện tại yếu hèn và sợ hãi, không có khả năng hay không sẵn lòng trả cái giá của đau khổ vì rút lui sự thoả thuận của mình, thì sẽ không thể đạt được tự do thực sự và lâu bền được. Tự do thực sự không phải là cái gì được cho, mà là cái cần phải đòi hỏi công lao tranh thủ, và do đó là điều có thể được bảo vệ và nới rộng ngay cả khi phải đương đầu với những tấn công mới.
Do đó những người – gồm có những người lãnh đạo quan trọng không thuộc gốc Âu châu – mà đang tìm cách giải phóng Nam Phi duy nhất chỉ bằng sự can dự từ bên ngoài, đang cố bỏ qua vấn đề cách mạng duy nhất quan trọng hơn cả và cố tranh thủ một con đường tắt dẫn đến tự do trong khi không có con đường tắt nào cả. Ngay cả nếu Chính Quyền Quốc Gia Phi bị xoá bỏ bởi sự can dự từ bên ngoài đi nữa, và sự thống trị của người Âu châu theo đó bị chấm dứt, thì điều này cũng không khẩn thiết đem lại sự chấm dứt của áp bức ở Nam Phi. Nếu trong tiến trình này mà dân chúng như là một tổng thể không được tăng thêm sức mạnh và khả năng của chính họ trong việc tranh thủ và bảo vệ tự do không được gia tăng, nếu sự phân tán hữu hiệu về quyền lực giữa họ không xảy ra, nếu không có một sự gia tăng về khả năng của họ trong việc kiềm chế chính những nhà cai trị của họ, thì Chính Quyền kế tiếp – bất kỳ dưới màu cờ nào – sẽ chuyên chế ít nhất cũng giống như chính quyền vừa mới được thay thế. Đã phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để chấm dứt một hệ thống, người dân hẳn vẫn sẽ thiếu khả năng đạt được tự do thực sự.
Các phong trào khủng bố và du kích thường công nhận ở một mức độ đáng kể tầm quan trọng của việc rút lui hợp tác và thoả thuận khỏi chính quyền. Điều này cắt nghĩa tại sao rất thường xuyên khủng bố nhắm vào, không phải “kẻ địch” như người ta mong đợi, mà chủ yếu là vào người dân của chính mình, để buộc họ phải đối kháng (Có những dấu hiệu cho thấy là điều này đã bắt đầu xảy ra tại Nam Phi.) Vì vậy, đây là một nỗ lực ép buộc người dân phải tự do, một nỗ lực nhằm đạt một điều không thể đạt được. Ngay cả nếu thành công về phương diện chính trị trong việc làm sụp đổi chính quyền hiện hành, thì loại xã hội và loại giải phóng vì thế được tạo ra sẽ có một giá trị chứa chất hết sức nhiều nghi vấn.
Có bằng chứng là đấu tranh bất bạo động có thể giúp làm gia tăng sức mạnh của những người bị áp bức. Mohandas K. Gandhi luôn luôn lý luận là mục đích chính yếu của những cuộc đấu tranh bất bạo động mà ông ta lãnh đạo tại Ấn Độ không phải là để tấn công người Anh, một yếu tố quan trọng nhưng thứ yếu trong hoàn cảnh đó, mà là để tăng cường sự quyết tâm, sự độc lập, và khả năng đối kháng của người Ấn. Những điều này là yếu tố quan trọng hơn cả.
Điều này đã được chứng minh tại Nam Phi năm 1952 qua Chiến Dịch Thách Thức; trong Chiến Dịch này con số thành viên của Đại Hội Quốc Gia Phi đã nhảy vọt từ 7.000 lên đến 100.000. Con số thành viên không phải chỉ là tiêu chuẩn duy nhất của sức mạnh được gia tăng, mà còn là một chỉ dấu của sự đóng góp của đấu tranh bất bạo động vào sự gia tăng khả năng đối kháng, và sự gia tăng sức mạnh tổ chức. Cũng tương tự như thế, ở Ấn Độ, Đại Hội Quốc Gia Ấn theo chương trình của Gandhi đã được biến đổi từ một nhóm nhỏ bé thông qua những nghị quyết hằng năm thành một tổ chức đấu tranh quần chúng có khả năng lay chuyển cả Đế Quốc Anh.
Trong số những nhân tố có thể giúp tăng cường khả năng đối kháng của người dân là:
- tự trọng được gia tăng;
- tăng sức mạnh cho những tổ chức của dân chúng và khả năng hành động trong liên đới;
- phổ biến kiến thức về việc sử dụng đấu tranh bất bạo động và về việc làm thế nào để tổ chức hành động theo nhóm;
- biết được đìều những người khác đã làm ở những nơi khác trong tình thế khó khăn;
- gương của một vài người trong nhóm chống lại chuyên chế — điều có thể gây cảm hứng cho những người khác và lan truyền rộng rãi;
- một lãnh đạo có óc sáng tạo và được chấp nhận để thắp sángtình hình;
- một ý tưởng mới mẻ (hay một nhận định mới cho một ý tưởng cũ) có thể bỗng nhiên đem lại một niềm tin mới, nhất là nếu ý tưởng liên quan đến điều mà người ta có thể làm để giúp giải quyết vấn đề;
- những hành động không được chuẩn bị trước, phá vỡ bầu không khí tuân thủ và còn thúc đẩy được những người khác hành động nữa; và
- tham gia vào đấu tranh bất bạo động ở tầm mức nhỏ: điều này có thể đóng góp vào việc gia tăng lòng tin vào khả năng thay đổi hoàn cảnh, nhất là khi tranh thủ được những mục tiêu giới hạn.
Thường thường – dù không phải là luôn luôn – khi người ta bắt đầu hành động, thì những phẩm chất của sự can đảm, của sự sẵn lòng phục vụ tha nhân, và của sự quan tâm đối với những tệ đoan xã hội và chính trị chung quanh họ phát huy trong bản thân họ. Hơn nữa, gương của họ thường sẽ giúp những người khác thủ đắc được những phẩm chất này. Điều này, cùng với những hiệu quả khác của đấu tranh bất bạo động, sẽ giúp cải tiến khả năng của xã hội trong việc tranh thủ tự do.
Người ta, như Patrick Duncan chẳng hạn, đã lý luận là bởi vì Chính quyền Nam Phi đã làm cho tất cả những nỗ lực tạo thay đổi của những người không thuộc gốc Âu châu trở nên bất hợp pháp và cấm việc sử dụng đấu tranh bất bạo động để thay đổi phân biệt và kỳ thị chủng tộc, cho nên bạo động bây giờ có thể biện minh được. Tuy nhiên, đó là một lý luận rất hời hợt để đi đến kết luận là bởi vì đấu tranh bất bạo động không hợp pháp, cho nên bây giờ phải sử dụng bạo động. Đối kháng bạo động cũng bất hợp pháp vậy, và luận điệu này không đề cập đến vấn đề hiệu lực theo ý nghĩa thực tiễn.
Sự đàn áp của chính quyền càng ngày càng gia tăng hiện nay làm cho việc tổ chức đối kháng bất bạo động khó khăn hơn rất nhiều — nhất là một cách công khai hơn là vào năm 1952. Nhưng tổ chức đối kháng bạo động cũng không dễ gì hơn. Đúng là đối kháng bất bạo động thường hữu hiệu nhất khi tổ chức công khai. Tuy nhiên, trong một phong trào bạo động, những điệp viên và điểm chỉ viên làm cho bí mật không được hữu hiệu hoàn toàn. Và, trong lúc chúng ta phải ghi nhớ những nguy hiểm liên hệ, nhưng đấu tranh bất bạo động đã từng được tổ chức hữu hiệu một cách bí mật trong lúc thực hành thì công khai – như phần lớn cuộc đối kháng của người Na-Uy chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã. Hơn nữa, không phải tất cả mọi đối kháng bất bạo động đều cần phải được tổ chức trước mới hữu hiệu. Đôi khi, đối kháng hết sức hữu hiệu lại do đột phát. Những lúc khác thì những hành động được thiết kế và khởi động bởi một nhóm người rất nhỏ lại có thể đánh động được tần số, và tấm gương của họ có thể được rất nhiều người noi theo.
Những Nhân Tố Trong Chiến Lược Tạo Thay Đổi
Thiết kế được chiến lược và các chiến thuật khôn ngoan cho cuộc đấu tranh ở Nam Phi thì hết sức khó, nhưng điều rất quan trọng là cần phải những có nỗ lực đứng đắn để thực hiện cho được điều này. Chỉ như thế thì một giải pháp thay thế cho chiến tranh khủng bố và du kích và cho xâm lược bằng quân sự mới được người ta nghe theo một cách nghiêm chỉnh. Tiếc thay, chúng ta không có tất cả kiến thức mà chúng ta cần phải có để thiết lập chiến lược khôn ngoan, một lý do là vì thiếu sự quan tâm, và tài nguyên, cho loại nghiên cứu và phân tách có thể đã phát huy kiến thức của chúng ta.
Ít nhất có năm công tác chính cần được duyệt xét cẩn thận khi thiết kế chiến lược đó:
- Xét định tình hình hiện tại của Nam Phi, những dấu hiệu chứng tỏ sự cứng nhắc hay mềm dẻo, những ưu điểm và nhược điểm, và đặc biệt là tình hình và những tiềm năng của các nhóm khác nhau có thể ngăn cản hay hỗ trợ đối kháng, nhất là:
- Chính Quyền;
- đối lập của người Âu châu và đối lập có thể có đối với Chính Quyền;
- các nhà hoạt động và các tổ chức của những người không thuộc gốc Âu châu;
- đối kháng tiềm năng của những người không thuộc gốc Âu châu; và
- số còn lại trong dân chúng.
- Nghiên cứu kỹthuật đấu tranh bất bạo động, lýthuyết về quyền lực, các phương pháp, các động năng, điều kiện để thành công, và kinh nghiệm liên hệ có thể có từ những nơi khác.
- Giảm thiểu các nhược điểm nơi những người không thuộc gốc Âu châu, điều có thể gia tăng khả năng xoá bỏ áp bức của họ. Đặc biệt, điều này bao gồm những câu hỏi như sau:
- làm thế nào để nâng cao lòng tự tin vào giá trị của bản thân;
- làm thế nào để xoá bỏ sợ hãi và gia tăng sự sẵn lòng kiên trì trong đối kháng dù bị đàn áp;
- làm thế nào để gia tăng kiến thức và khả năng đối kháng được hữu hiệu hơn cả;
- làm thế nào để tranh thủ được lòng tin vào khả năng thay đổi tình huống (như bằng những chiến thắng nhỏ, như đã được thực hiện trong những vụ tẩy chay xe buýt trước kia); và
- làm thế nào để chọn những vấn đề rõ rệt (như những vấn đề kinh tế có giới hạn) để tạo thay đổi tức khắc.
- Cách lynhững khu vực dân chúng Nam Phi gốc Âu châu để họ không hỗ trợ Chính quyền, bao gồm nhất là những người phóng khoáng, các nhóm tôn giáo, thiểu số người Anh, và các nhà kỹnghệ. Thật là ý nghĩa khi Chiến Dịch Thách Thức năm 1952 hữu hiệu trong chiều hướng này, đưa đến việc thành lập cả Đảng Tự Do lẫn Đại Hội các nhà Dân Chủ, và cũng đưa đến việc tôn giáo chống đối có giới hạn.
- Khích động sự hỗ trợ tối đa của quốc tế và tận dụng hữu hiệu điều này được chừng nào hay chừng đó. Có một vài phương cách cụ thể mà theo đó người ta có thể cung cấp sự hỗ trợ quốc tế cho phong trào đấu tranh bất bạo động. Những gợi ý sau đây chỉ có tính minh hoạ mà thôi:
- truyền đạt tin tức, sự khuyến khích, những kế hoạch đối kháng, v.v. cho người dân Nam Phi bằng, chẳng hạn như, đài phát thanh đặt bên ngoài Nam Phi, nhật báo và những tài liệu khác in ấn bên ngoài Nam Phi để được phân phối trong nước;
- cải tiến hiệu lực của việc phổ biến và những chiến dịch giáo dục nhắm đến thế giới về tình hình tại Nam Phi và phong trào đối kháng ở đó;
- cung cấp tài liệu tuyển chọn về các đặc tính, các điều kiện, và các giải pháp trong đấu tranh bất bạo động và những phương tiện phụ thêm để huấn luyện người dân trong việc sử dụng kỹthuật này;
- gây áp lực kinh tế hữu hiệu hơn chống lại Nam Phi, như là tẩy chay và phong trào cấm vận cần nghiêm ngặt nhiều hơn là như người ta đã thực hiện từ trước cho đến nay (Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khuyến cáo đã lâu từ tháng Mười Một, năm 1962);
- tạo áp lực ngoại giao và văn hoá hữu hiệu hơn, như là cắt đứt quan hệ ngoại giao (cũng đã được khuyến cáo bởi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và từ chối hợp tác văn hoá, trừ phi ở nơi nào xoá bỏ hành động phân biệt và kỳthị chủng tộc);
- cắt tất cả mọi cung cấp về vũ khí quân sự, đồ phụ tùng thay thế, và đạn dược cho Nam Phi (cũng do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khuyến cáo) và những cung cấp có thể được dùng trong việc chế tạo tại Nam Phi;
- rút lui tất cả mọi đầu tư của nước ngài, ngoại trừ những kỹnghệ nào sẵn lòng trả lương vừa phải cho những người không thuộc gốc Âu châu và từ bỏ hành động phân biệt và kỳthị chủng tộc; và
- áp dụng trên khắp thế giới đủ loại đấu tranh bất bạo động, cũng như những phương tiện quy ước, để đạt những mục tiêu này.
Dĩ nhiên vai trò chính yếu của những người ở ngoài Nam Phi là phải ủng hộ và tham gia những hành động bất bạo động quốc tế này. Tuy nhiên, đấu tranh quốc tế và đấu tranh quốc nội liên hệ hỗ tương, và một vài loại đấu tranh ở trong Nam Phi có thể khích động sự hỗ trợ quốc tế hơn là những loại hành động khác hay không hành động.
Những biện pháp này có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc (1) tăng sức mạnh cho tinh thần, sự quyết tâm, và khả năng đối kháng của những người không thuộc gốc Âu châu; (2) làm suy yếu tinh thần, sự quyết tâm, và khả năng của chính quyền tiếp tục đường hướng hiện tại; và (3) làm sờn lòng dân chúng gốc Âu châu nói chung trong việc hỗ trợ chính quyền hiện hành và hỗ trợ phân biệt và kỳthị chủng tộc.
Giải pháp thay thế cho đường hướng hoạt động tổng quát này hẳn là một hình thức chiến tranh nào đó, có lẽ liên quan đến hoặc một chiến dịch khủng bố lâu dài hay là đấu tranh du khích dựa trên mô thức Algérie hay là sự can thiệp quân sự lớn lao bởi quân đội Liên Hiệp Quốc, một đồng minh quân sự toàn người Phi, hay là sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Nga hay Tàu. Tất cả những điều này đều hết sức nguy hiểm, nhất là nơi nào liên quan đến sự tranh chấp quyền lực giữa Đông và Tây và nơi nào mà sự tranh chấp này có thể biến thành chiến tranh hạt nhân.
Ở giai đoạn này thì xác suất không lớn cho cuộc đấu tranh có thể biến chuyển thành đấu tranh bất bạo động được áp dụng hữu hiệu ở trong nước, với sự hỗ trợ hùng mạnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu đấu tranh bất bạo động không xảy ra thì bởi vì thiếu mạo hiểm, thiếu hiểu biết, sức mạnh, và sáng kiến — chứ không phải vì đấu tranh bất bạo động, nếu được áp dụng một cách thông minh và can đảm, có thể đã không hữu hiệu. Nếu đấu tranh bất bạo động không xảy ra, thì thảm cảnh của Nam Phi trong tương lai có thể làm cho thảm cảnh của Nam Phi trong quá khứ và trong hiện tại tỏ ra là không có nghĩa lýgì cả. Tuy nhiên, vẫn còn hyvọng và cơ hội. Nếu giành lấy cơ hội này, thì thế giới có thể nhận lãnh được một bài học về cách làm thế nào để đương đầu với chuyên chế và thiết lập một nền tự do đích thực và lâu bền.
__________________________________________
CƯỚC CHÚ
aĐảngHợp Nhất sụp đổ năm 1977, kết quả bất đồng nội bộ. Hai đảng mới được thành lập: Đảng Cộng Hoà Mới và Đảng Nam Phi. Những đảng viên khác của Đảng Hợp Nhất trước kia nay theo Đảng Cải Tiến Tiến Bộ, được đổi tên thành Đảng Liên Bang Tiến Bộ hiện là đảng lớn thứ nhì trong nuớc.
bMặc dù tập quán lâu đời khi nói đền những người có nguồn gốc Âu châu thì người ta gọi là người “da trắng” và những người châu Phi thì gọi là người “da đen,” nhưng tôi đã chống điều này. Những từ này là sản phẩm của một xã hội kì thị chủng tộc, và việc làm cho chúng ta không thấy sự thực của muôn vàn vẻ đậm nhạt khác nhau của màu da trở thành một điều không thể tránh được — điều này làm cho việc kì thị chủng tộc vì hai màu da hết sức khó khăn – mà chỉ thấy rõ ràng hai nhóm biệt lập mà thôi. Điều đó làm cho kì thị chủng tộc, và những tập quán về thành kiến, kì thị, nô lệ, cách li, và chánh sách phân biệt và kì thị chủng tộc đối với người da màu Phi châu là một điều có thể nghĩ tới được, do đó có thể xảy ra được. Việc nhìn thấy thực tại đằng sau những ngôn từ của chúng ta thường đem lại những hậu quả nghiệm trọng khi nó là kết quả của những thiên kiến sai lầm, bóp méo thực tại, và là tiên phong cho những thực thi tai hoạ.
Từ “không phải là người Âu châu” được Phong Trào Hợp Nhất sử dụng để chỉ những người Phi châu, những người da màu tỉnh Cape, người Ấn, và người Á đông.
1The Observer (Luân Đôn) 5 tháng Năm 1963.
2 Như trên.
3 Leo Kuper, Đối Kháng Thụ Động Tại Nam Phi(New Haven, Conn.: Yale Unniversity Press, 1957,và London: Jonathan Cape, 1956), t.145.
4Robert Sokbukwe (1924-1978)trở thành Tổng Thư Kí của liên minh thanh niên của Đại Hội Quốc Gia Phi trong thời gian theo học Đại Học Fort Hare. Ông bỏ Dai Hội năm 1958 và thành lập Đại Hội Liên-Phi có mục đích điều động hành động bất bạo động có tính đấu tranh hơn chống phân biệt và kì thị chủng tộc mà không bị ảnh hưởng của Cộng sản mà ông cảm nhận được trong Đại Hội Quốc Gia Phi. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đại Hội Liên-Phi đã tổ chức những cuộc biểu tình bất bạo động lớn và bất tuân dân sự và năm 1959 và 1960 chống lại các luật về đi lại. Ông tin chắc là đối kháng bạo động là tự vẫn và hành động bất bạo động có tính đấu tranh là giải pháp thay thế hũu hiệu.
Sobukwe bị bắt vào ngày 21 tháng Ba, năm 1960 vì những tội khích động. Ông bị kết án ba năm tù, bị lưu giữ thêm sáu năm, rồi được thả vào giữa năm 1969 và đưa đến Kimberly. Ông mất tại đây vào ngày 27 tháng Hai, năm 1978 sau một cơn bệnh dài.
Ông được xem là một người nhu hoà, khiêm nhường, và có nhiều sức mạnh trí tuệ, một trong những người quốc gia Phi châu vĩ đại. Sobukwe bị tố cáo sai lầm là một người kỳthị chủng tộc. Ông đã thúc dục người Phi châu phải đứng dậy, nhìn về phía trước vào một Nam Phi mà trong đó mọi người thuộc mọi màu da đều có thể sống trong bình đẳng.
Albert Luthuli (1898?- 1967)được bầu làm Trưởng Khu Truyền Giáo Umvoti vào năm 1936, sau khi phục vụ với tư cách là Thư Kývà Chủ Tịch của Hiệp Hội Giáo Chức Phi. Năm 1952, vào lúc Chiến Dịch Thách Thức chống các luật về phân biệt chủng tộc, ông là Chủ Tịch Toàn Quyền của Đại Hội Quốc Gia Phi. Khi năm đó ông từ chối từ chức Chủ Tịch Đại Hội, Chính Quyền đã tước chức vụ Chủ Tịch của ông.
Luthuli là một trong số 155 người bị bắt năm 1956 vì chống đối phân biệt và kỳthị chủng tộc, nhưng sau Vụ Án Phản Quốc kéo dài ông được thả. Theo Đạo Luật Xoá Bỏ Cộng Sản, ông bị quản chế ỏ một khu vực tại gia gần Stanger, khoảng 30 dặm về phía Bắc của Durban. Vào tháng Ba, năm 1960, sau khi những người Liên-Phi đã khởi động thách thức các luật về đi lại, Luthuli đã đốt thông hành của mình ở Praetoria và thúc dục tất cả mọi người Phi đều làm như vậy. Chính Quyền Nam Phi đã cho phép ông đi Olso, Na-Uy vào năm 1961 để nhận lãnh giải Nobel, nhưng Luthuli đã bị cấm ra khỏi nước sau đó. Trong lúc bị lưu đày như thế, ông đã bị cấm không được diễn thuyết và tham dự hội họp công cọng. Những lời nói của ông bị cấm phát hành tại Nam Phi. Hồi kýcủa ông, Hãy Để Cho Dân Tôi Đi, bị cấm trong quốc gia này.
0 Comments