Vào một lúc nào đó trong khi đang chiêm nghiệm một cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt áp bức thì những người có trách nhiệm soạn thảo một đề cương đại chiến lược cho mục đích đó cần phải được tuyển chọn. Nhân viên của nhóm soạn thảo cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi vì không phải bất cứ ai sốt sắng tham gia là người khôn ngoan và có kỹ năng hơn cả. Những người không chịu đọc các tài liệu về bộ môn này sẽ không thích hợp. Những người từ bên ngoài không thể hiểu thấu đáo về đất nước và xã hội mình, không nên đưa vào tiến trình soạn thảo.
Sự tham gia vào việc lập kế hoạch cho một cuộc đấu tranh bất bạo động trong tương lai của những người thiếu thông tin, giáo điều, và cho mình là trung tâm, có thể đưa đến thảm hoạ. Thêm nữa, điều rất quan trọng là những người làm kế hoạch không được là những người có những động lực riêng tư có thể ảnh hưởng đến tiến trình lập kế hoạch.
Nói một cách tích cực, những người soạn thảo phải là những người đã chứng tỏ được khả năng suy tư và lập kế hoạch một cách chiến lược. Hầu hết mọi người, ở một lúc nào đó, đều không có khả năng này.
Việc soạn thảo, dĩ nhiên, chỉ sẽ đến sau khi đã đọc rất nhiều, phản hồi, và suy tư như đã phác hoạ trong tài liệu này.
Nhất là nhân viên soạn thảo phải giỏi cả về việc đưa ra một đại chiến lược lẫn những chiến lược cho các chiến dịch cục bộ có giới hạn.
Sự khắc nghiệt của áp bức cực đoan sẽ làm cho việc thành lập cũng như điều hành một nhóm soạn thảo chiến lược hết sức khó khăn và thường rất nguy hiểm. Một vài người có thể cần phải trốn tránh bắt bớ. Những người đối kháng thường gặp khó khăn trong việc hội họp.Trong số những người đối kháng có thể có điểm chỉ viên, hoặc các chuyên viên khiêu khích.
Những nhóm lập kế hoạch đối kháng có lúc đã có thể sinh hoạt ở những nơi thường ít bị nghi ngờ nhất. Tại Na Uy thời bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, mười hai người họp mặt ngay tại thủ đô đã lập thành một nhóm lãnh đạo bí mật cho đất nước họ. Ngay tại Đức, có những người bí mật mưu đồ giết Hitler. Gần tổng hành dinh của Gestapo tại Berlin, hằng ngàn phụ nữ tụ họp phía ngoài nhà lao tạm thời, đòi hỏi thả những người chồng Do Thái của họ. Họ đã thắng.
Trong một vài hoàn cảnh, những người lưu vong có thể hữu ích. Những kỹ thuật truyền thông mới cũng có thể hỗ trợ việc lập kế hoạch được thận trọng.
Những người nghi ngờ có thể dẫn chứng là việc lập kế hoạch chiến lược ở tầm mức này và với chiều sâu như thế để xúc tiến đấu tranh bất bạo động nhằm đạt giải phóng chưa từng được thực hiện trước đây. Họ có thể ngay cả cho việc lập kế hoạch như thế là không cần thiết.
Việc lập kế hoạch chiến lược có thể thực hiện được thường xuyên hơn là người ta nghĩ. Ở nơi nào hoàn cảnh cho phép thì mục đích của nhóm soạn thảo có thể là đưa ra một bản thảo cho một đại chiến lược sau đó sẽ được thẩm định bởi một nhóm khoáng đại hơn.
Trong một vài hoàn cảnh ngặt nghèo, thẩm định bản thảo của một đại chiến lược bởi một nhóm khoáng đại hơn có thể không thực hiện được. Tuy nhiên, dưới những chế độ cực đoan thì một nhóm chiến lược nhỏ nhưng khôn ngoan đôi khi vẫn có thể lập được kế hoạch và phổ biến hướng dẫn cho hành động. Những khuyến cáo của họ có thể được thử thách bằng cách đo lường phản ứng của quần chúng đối với lời kêu gọi tham gia vào một hành động rất nhỏ nhưng gây được chú ý mà tương đối an toàn, không cần chỉ đạo tiếp theo. Phản ứng này có thể cho biết là cần thêm thời gian trước khi leo thang chống đối hay là dân chúng đã sẵn sàng cho một hành động mạo hiểm hơn.
Nếu thẩm định là có thể thực hiện được thì bản thảo có thể được chấp thuận, trả lui để được sửa đổi lại, hoặc xếp lại một bên và yêu cầu một đề cương mới cho đại chiến lược.
Những quyết định cơ bản về chiến lược
Ngay ở giai đoạn đầu của các cuộc bàn luận, nhóm kế hoạch chiến lược sẽ cần phải quyết định, ít nhất là một cách tạm thời, là họ nhắm sẽ sử dụng cách thức hành động bất bạo động nào: cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, hay phân huỷ. Trong bối cảnh của những nền độc tài và áp bức nghiêm trọng khác thì hầu như chủ điểm chắc chắn phải là cưỡng ép bất bạo động hoặc là phân huỷ.
Những người soạn bản thảo đại chiến lược sẽ cần phải cân nhắc xem là chỉ một cuộc đấu tranh bất hợp tác và thách thức lớn duy nhất, có kỷ luật, có thể phân huỷ được nền độc tài hùng mạnh hay hệ thống áp bức hay không. Dù sao thì điều này thật là hiếm, và khó mà chắc chắn được. Không được như vậy thì cần phải lập kế hoạch làm thế nào để khởi công cuộc đấu tranh và làm sao để tập trung vào những cuộc đấu tranh có giới hạn và xúc tiến những cuộc đấu tranh này.
Những vấn đề nêu lên cho các chiến dịch có giới hạn nên là những vấn đề có thể khơi động được sự hỗ trợ rộng lớn trong khắp toàn dân. Những vấn đề được chọn cũng nên là những vấn đề được xem là có thể biện minh được một các rõ ràng, và phải là những vấn đề mà chính quyền khó mà phủ nhận được. Những vấn đề này thường cũng phải là những vấn đề mà chính quyền có thể miễn cưỡng nhượng bộ hay là chính quyền phải bị đánh bại vì dân chúng được đã tăng cường tự lực.
Cần phải rất thận trọng trong việc chọn lựa các phương pháp hành động cá biệt để áp dụng ở nhữnggiai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh. Có nhiều phương pháp cá biệt trong kỹ thuật hành động bất bạo động, nhưng không phải tất cả đều là những lựa chọn khôn ngoan cho một cuộc xung đột nào đó. Vài phương pháp chứng tỏ là những lựa chọn tệ hại, chỉ một số ít là có thể đóng góp đắc lực vào việc đạt được thành công. Những phương pháp để được sử dụng cần phải có khả năng giúp đạt được các mục tiêu của những người đối kháng và giúp thực thi chiến lược đã được lựa chọn.
Chọn lựa vũ khí
Để đạt được những kết quả tối ưu, việc chọn lựa vũ khí bất bạo động để khởi xướng và điều động chiến dịch cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và khôn ngoan. Cần phải quyết định phương pháp nào trong số những phương pháp bất bạo động cụ thể được mô tả trong Bài 018 và 034 (và có thể là những phương pháp khác nữa) là thích hợp nhất cho một cuộc xung đột nhất định. Quyết định này cần phải được thực hiện sau khi xét định nhiều nhân tố khác nhau. Những nhân tố này bao gồm các vấn đề tranh chấp, bản chất của các nhóm đối lực, thể loại văn hoá và xã hội của mỗi nhóm, và bối cảnh xã hội và chính trị của cuộc xung đột. Các nhân tố khác là những phương thức tạo thay đổi mà nhóm bất bạo động muốn thực hiện (như là cải hoá hay cưỡng ép), kinh nghiệm của nhóm bất bạo động, và khả năng của họ áp dụng vào hoạt động bất bạo động. Sau cùng còn có thể loại của đàn áp, những phản công có thể có, và khả năng nhóm bất bạo động chịu đựng được những điều này, và những cường độ dấn thân vào cuộc đấu tranh của nhóm bất bạo động. Dĩ nhiên là còn những nhân tố khác nữa.
Số lượng những phương pháp được sử dụng trong bất cứ một cuộc xung đột duy nhất nào đó cũng sẽ biến đổi chỉ từ một đến cả hằng tá. Sự lựa chọn những phương pháp nào đó để sử dụng cho một chiến dịch nhất định sẽ dựa trên cơ sở của một số nhân tố. Một trong những nhân tố này là xét định xem những đặc tính căn bản của phương pháp này có chứa đựng những đặc tính cần có cho cuộc xung đột đó hay không. Ví dụ, nói một cách tổng quát thì những phương pháp thuộc loại phản đối và thuyết phục bất bạo động thường có hiệu quả phần lớn mang tính biểu tượng và tạo ra được ấn tượng là có sự hiện diện của đối lập. Theo tỷ lệ thì tác dụng của những phương pháp này mạnh hơn dưới những chế độ độc đoán trong đó đối lập và bất tuân thường hay bị ngăn cản và hiếm có. Tuỳ vào số lượng người tham dự, những phương pháp bất hợp tác thường gây ra khó khăn cho việc duy trì sự điều hành và hiệu năng bình thường của hệ thống. Trong những hoàn cảnh trầm trọng, những phương pháp này có thể đe doạ sự tồn tại của hệ thống. Những phương pháp can thiệp bất bạo động có những đặc tính của cả hai loại trên, nhưng thêm vào đó thường hay tạo nên một sự thách thức trực tiếp đối với chế độ. Loại phương pháp này có thể gây tác dụng mạnh hơn với số lượng người ít hơn, với điều kiện là không sợ hãi và kỷ luật được duy trì.
Tiến từ thể loại phản kháng và thuyết phục bất bạo động đến thể loại bất hợp tác và từ đó tiến đến can thiệp bất bạo động thường là một tiến trình gia tăng tiệm tiến về mức độ hy sinh đòi hỏi ở những người đấu tranh bất bạo động, về nguy cơ xáo trộn sự an bình và trật tự công cộng, và về hiệu năng. Những phương pháp bất hợp tác có thể được cắt nghĩa như là sự rút lui không hợp tác với hệ thống tà, và do đó mang ý nghĩa của một hành động tự vệ có tính đạo đức. Sử dụng thể loại những phương pháp này, đối chiếu với phương pháp can thiệp bất bạo động, cũng có thể đóng góp vào việc tạo ra một hoàn cảnh xã hội tương đối ít bùng nổ và ít nguy hiểm hơn, vì những phương pháp này chỉ là rút lui sự hợp tác đang có hay là giữ lại những hình thức hợp tác mới với đối phương. Những hình phạt và đau khổ áp đặt trực tiếp hay gián tiếp lên những người bất hợp tác, mặc dù có lúc rất nặng nề, nhưng tương đối ít nặng nề hơn là những hình phạt và đau khổ trong trường hợp can thiệp bất bạo động. Thêm nữa, nguy cơ đàn áp như thế trong trường hợp này thì ít hơn. Hơn nữa, bảo người ta đừng làm một việc gì, nghĩa là, bảo bất hợp tác, thì dễ hơn là lôi kéo người ta làm một việc gì nguy hiểm bị cấm đoán.
Muốn bất hợp tác được hiệu quả thì cần phải có số lượng người tham gia lớn hơn là số người mà phản kháng có tính biểu tượng hay can thiệp thường đòi hỏi, và hành động thường kéo dài trong một thời gian lâu hơn. Thường thì thời gian lâu là cần thiết để phương pháp bất hợp tác tạo được tác dụng của nó. Năm 1930 Gandhi nói là trong lúc muốn cho chiến dịch tẩy chay hàng vải ngoại thành công, cần phải có ba trăm triệu người, nhưng chỉ cần một đạo quân mười ngàn người đàn ông và phụ nữ thách thức là đủ cho chiến dịch bất tuân dân sự. Nhiều phương pháp can thiệp bất bạo động có thể chỉ được thi hành trong một thời gian giới hạn. Do đó muốn có được hiệu quả lâu dài thì phải tái diễn hành động một cách liên tục. Những phương pháp này do đó đòi hỏi những người thi hành có kỹ năng hơn, đáng tin cậy hơn và quyết chí hơn là những phương pháp bất hợp tác. Vì điểm này mà những phương pháp can thiệp bất bạo động gấp rút hơn thường đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ càng mới có thể áp dụng một cách thành công được. Hơn nữa, những phương pháp này thường được phối hợp tốt đẹp hơn hết với những hình thức hoạt động bất bạo động khác. Và phong trào sử dụng những phương pháp can thiệp phải có kỷ luật cao hơn và lãnh đạo tốt hơn. “Những biện pháp gấp rút nhất luôn luôn chứa đầy những nguy hiểm lớn lao hơn cả và đòi hỏi kỹ năng cao nhất để có thể sử dụng chúng.”
Một nhân tố quan trọng khác trong việc lựa chọn những phương pháp cần có để sử dụng trong chiến dịch là các nhà hoạt động có ý định tạo thay đổi bằng phương thức cải hoá, thích nghi, hay là cưỡng ép bất bạo động. Trong bối cảnh đó, những thuyết phục đối phương thay đổi mà nhóm bất bạo động đang cố đưa ra có thể quan trọng; những thuyết phục này bao gồm, chẳng hạn như những mất mát về kinh tế, làm yếu đi vị thế chính trị, mặc cảm tội lỗi, những nhận thức mới, vân vân. Muốn cải hoá đối phương thì những phương pháp như là tổng đình công, nổi loạn hay lập chính quyền song song dĩ nhiên là không thích hợp. Nhưng nếu chủ định là cưỡng ép bất bạo động thì những phương pháp này chính là những phương pháp cần đến, còn những hình thức trông cậy vào tác dụng lên hiệu quả tâm lý và tình cảm của lãnh đạo đối phương thì chỉ làm mất thì giờ và sức lực. Tuy thế, vấn đề lại phức tạp và thông thường những phương pháp tạo nên những áp lực khác biệt nhau và sử dụng những phương cách khác nhau lại có thể phối hợp với nhau một cách hữu hiệu trong cùng một chiến dịch. Đưa ra quy luật nhanh chóng thì không thể được.
Trong hầu hết các trường hợp, cần phải dùng nhiều hơn là một phương pháp; tiếp đến là trình tự các phương pháp được áp dụng, những cách thức các phương pháp được phối hợp với nhau, và những phương pháp này ảnh hưởng như thế nào lên việc áp dụng những phương pháp khác và đóng góp như thế nào vào cuộc đấu tranh toàn bộ, trở nên tối quan trọng. Những phương pháp cần áp dụng phải được xét đến không những chỉ vì tác dụng cụ thể và tức thời của chúng lên hoàn cảnh xung đột và lên đối phương; mà cũng quan trọng là vì sự đóng góp của chúng vào sự phát triển tiệm tiến của phong trào, vào những thay đổi về thái độ và những tương quan lực lượng, vào những biến đổi về sự hỗ trợ đối với mỗi phe, và vào việc áp dụng và những hiệu quả sau này của những phương pháp bất bạo động triệt để hơn.
Đôi khi sự phối hợp các phương pháp tương đối đơn giản, nhất là khi hoạt động có tính địa phương hay giới hạn. Những cuộc tẩy chay kinh tế đã từng được áp dụng, chẳng hạn, để hỗ trợ những “biểu-tình-ngồi” chống kỳ thị chủng tộc, và làm hàng rào cản cũng thường được dùng để hỗ trợ những cuộc đình công. Tuy nhiên khi một cuộc tổng đình công được dùng để hỗ trợ quân lính chính quyền nổi loạn thì hoàn cảnh bắt đầu trở nên phức tạp hơn, nhanh chóng đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương pháp hơn.
Đối với những chiến dịch quy mô được vạch ra để chống lại những đối thủ quyết liệt thì câu hỏi làm thế nào để phối hợp việc sử dụng một vài phương pháp không phải dễ trả lời; câu hỏi này phải được xét định trong bối cảnh của cả chiến lược toàn bộ của cuộc đấu tranh lẫn của những giai đoạn có tính địa phương và có giới hạn hơn. Trong một cuộc đấu tranh dài hạn, phân chia thành giai đoạn rất quan trọng, và việc lựa chọn và trình tự của các phương pháp có thể là nhân tố độc nhất quan trọng hơn cả trong công việc phân chia giai đoạn đó. Ví dụ Waskow nói đến sự “ ‘leo thang’ của hỗn loạn mà không cần bạo động.” Sự quan trọng của sự phát triển theo giai đoạn này của một chiến dịch bất bạo động đã từng được các chuyên gia về loại đấu tranh bất bạo động của Gandhi nhấn mạnh, như là Bose và Bondurant. Một trong “chín quy luật” của nhà đấu tranh bất bạo động (satyagraha), Bondurant liệt kê là:
Thúc đẩy tiệm tiến phong trào qua những bước và những giai đoạn được ấn định để thích ứng vào hoàn cảnh nhất định. Quyết định khi nào cần phải tiến lên thêm một giai đoạn đấu tranh bất bạo động (satyagraha) nữa cần phải được cân nhắc cẩn trọng dựa trên hoàn cảnh luôn luôn biến đổi, nhưng cần phải tránh tình trạng tĩnh.
Do đó có thể cần quyết định là một số phương pháp sẽ phải đi trước những phương pháp khác, để sau này có thể dùng những hình thức triệt để hơn.
Gandhi thường xuyên dùng phản ứng của những người tình nguyện và của công chúng đối với một hành động nào đó để thử nghiệm xem có thể tiến thêm được xa hơn, đến một hình thái hành động triệt để hơn hay không, dựa trên tiêu chuẩn mức độ dấn thân, sự sẵn sàng hành động, khả năng chịu đựng những trừng phạt của đối phương, mức độ kỷ luật, và khả năng giữ được vừa không sợ hãi vừa bất bạo động. Trong phúc trình trước Uỷ Ban Hunter năm 1920, ông nói rằng:
Hartal (đóng cửa tiệm và nghỉ việc) được thiết kế để đánh động trí tưởng tượng của người dân và của chính quyền…Tôi không có phương tiện để hiểu thấu đầu óc của Ấn Độ ngoại trừ bằng một phong trào thu hút sự quan tâm như thế. Hartal là một chỉ dấu thích đáng cho tôi biết được là tôi có thể thực thi bất tuân dân sự đến mức độ nào.
Ông cũng còn dùng sự tẩy chay của giới tiêu thụ để thử nghiệm xem đã sẵn sàng để dùng phương pháp bất tuân dân sự được hay chưa. Gandhi viết năm 1921: “Tôi tin chắc là nếu chúng ta thực hiện được việc tẩy chay hàng vải ngoại thành công thì chúng ta sẽ đã có thể tạo ra được một khung cảnh cho phép chúng ta đánh dấu sự khởi đầu bất tuân dân sự ở một mức độ mà không có một Chính quyền nào có thể cưỡng lại được.”
Năm 1920 Gandhi đã phúc trình ở Ấn Độ Trẻ Trung là những người tổ chức phong trào bất hợp tác sắp tới đã quyết định là phong trào phải được xúc tiến theo bốn giai đoạn: 1) từ bỏ những chức vụ và tước vị danh dự, 2) tuần tự tự động rút lui không làm việc cho chính phủ, 3) rút cảnh sát và quân đội ra khỏi dịch vụ của chính phủ (“một mục đích xa”), và 4) ngưng trả các thứ thuế (“một mục đích xa hơn nữa”). Giai đoạn một đòi hỏi nguy hiểm và hy sinh tối thiểu, hai giai đoạn cuối thì đem lại nhiều nguy hiểm hơn cả.
Phong trào 1930-1931 được thiết kế theo một chiến lược khác, bắt đầu bằng những phản đối bất bạo động, như là chính cuộc Diễn Hành Chống Thuế Muối và những cuộc mít tinh đông đảo, và những hình thức bất hợp tác chính trị nhẹ nhàng, như những vụ rút lui có giới hạn ra khỏi ngành lập pháp ở cấp tỉnh — tất cả đều chỉ đòi hỏi một số ít người. Phong trào quần chúng tự nó trực tiếp bắt đầu bằng sự bất tuân dân sự về một luật bị xem là trái với đạo đức, rồi phát triển ra bao gồm những hình thức bất hợp tác nhẹ nhàng lẫn những hình thức bất hợp tác triệt để hơn và can thiệp bất bạo động.
Sau này, khi cuộc xung đột mở rộngthì cả kích thước của các hoạt động lẫn những mục tiêu rõ rệt của các chiến dịch có thể được bành trướng. Những phản công của chế độ, đặc biệt là đàn áp, cũng có thể trở nên khắc nghiệt hơn, nhất là khi đối kháng áp đặt lên chính quyền áp bức những hao tổn càng lúc càng gia trọng.
Kiến thức và sự hiểu biết có thể thủ đắc được nhờ những sách đọc được ấn định trong tài liệu này sẽ giúp những người vạch kế hoạch quyết định là họ cần thực hiện thêm những công tác nào và lập thêm kế hoạch nào.
0 Comments