Chống Đảo Chánh (I)
(Bài 063)
Gene Sharp & Bruce Jenkins
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Những người ủng hộ dân chủ chính trị, nhân quyền, và công lý xã hội có đủ lý do chính đáng để lo lắng về đảo chánh. Những vụ cướp chớp nhoáng guồng máy nhà nước đã xảy ra rất thường xuyên trong những thập kỷ vừa qua. Những vụ đảo chánh đã từng lật đổ những hệ thống chính quyền dân chủ hiến định đã được ổn định, chận đứng những phong trào tiến đến dân chủ nhiều hơn, và đã từng áp đặt những chế độ bạo tàn và áp bức. Những vụ đảo chánh là một trong những phương cách chính yếu để cho các nền độc tài được thiết lập. Đảo chánh cũng còn có thể nhanh chóng thúc đẩy nội chiến và những cơn khủng hoảng quốc tế. Đảo chánh vẫn còn là một vấn nạn chưa được giải quyết về phòng thủ.

    Đảo chánhlà nhanh chóng giành quyền kiểm soát guồng máy nhà nước về vật chất và về chính trị bằng hành động bất hợp pháp được hậu thuẫn bởi sự đe doạ hoặc sử dụng bạo lực. Những thành viên của chính quyền trước đó bị hạ bệ ngoài ý muốn của họ. Trước tiên nhóm đảo chánh nhanh chóng chiếm giữ các trung tâm chỉ huy, làm quyết định, và quản trị, thay thế thủ lãnh và những giới chức cao cấp bằng những người (quân đội hoặc dân sự) mà họ lựa chọn. Sau đó họ sẽ kiểm soát toàn bộ guồng máy nhà nước. Những cuộc đảo chánh thành công thường được hoàn thành một cách nhanh chóng, nhiều nhất là trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ.

    Những cuộc đảo chánh đã từng xảy ra tại cả hằng tá quốc gia ở hầu hết mọi vùng trên quả địa cầu này trong những thập kỷ vừa qua, bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Phi Luật Tân, Ba Tây, Tiệp Khắc, Ghana, Liberia, Chí Lợi, Fiji, Hi Lạp, Libya, Lào, Guatemala, Á Căn Đình, Grenada, Ba Lan, và Liên Bang Sô Viết.

    Đảo chánh rất phổ biến ở Phi châu tại những quốc gia độc lập thời hậu thuộc địa. Vụ đầu tiên là cuộc đảo chánh của quân đội lật đổ tổng thống của Ghana, Kwame Nkrumah năm 1966. Có năm vụ đảo chánh ở Thái Lan trong khoảng từ 1951 đến 1976, làm cho việc phát huy dân chủ trở thành khó khăn. Ở Libya, Muammar Khaddaffi giành được quyền lực nhờ kết quả của một cuộc đảo chánh của quân đội năm 1969. Chính phủ Allende ở Chí Lợi bị lật đổ bởi một cuộc đảo chánh của quân đội năm 1973. Vụ đảo chánh của quân đội tại Ba Tây năm 1964 đã đem lại một chế độ quân phiệt đàn áp cai trị hằng bao nhiêu năm. Ở tại Guatemala, vụ đảo chánh 1982 đã được tiếp nối bằng một vụ đảo chánh khác sau đó đặt Tướng về hưu Rios Mott vào vai trò lãnh đạo. Bản tuyên bố tình trạng khẩn trương năm 1981 và việc phong Tướng Jarulzelski lên làm Tổng Thống Ba Lan để đàn áp nghiệp đoàn lao động của Công Đoàn Đoàn Kết, cũng như nỗ lực đảo chánh bất thành của phe theo đường lối cứng rắn ở tại Liên Bang Sô Viết vào tháng Tám 1991, là những trường hợp được biết đến nhiều nhất trong những thập kỷ vừa qua. Những cuộc đảo chánh và những cuộc đảo chánh hụt vẫn tiếp tục.

    Một vài nhà văn đã bình luận rằng những vụ đảo chánh — chứ không phải những cuộc bầu cử — “đã từng là phương tiện thường xuyên nhất để thay đổi chính phủ” và đối với Phi châu thời hậu thuộc địa thì “đảo chánh quân sự, thực ra, đã trở thành phương pháp được cơ chế hoá để thay đổi chính phủ….”2

    Người ta có ý kiến là những vụ đảo chánh ngày nay xảy ra ít hơn trước kia, nhưng sự giảm bớt này có thể không kéo dài được lâu và ý kiến này còn cho là dù ngay cả khi người ta đã tránh được đảo chánh trong nhiều năm nhưng đất nước vẫn có thể ở trong thế yếu3.

    Đã có những nỗ lực lớn và những số tiền kếch xù đều đặn dành riêng cho việc chuẩn bị chống lại ngoại xâm. Tuy nhiên, hầu như là người ta đã không làm gì cả để chuẩn bị cho xã hội đương đầu với vấn đề phòng thủ chống lại đảo chánh, dù đảo chánh thường xuyên xảy ra trong chính trị thế giới. Việc xét định một cách nghiêm túc công việc phòng thủ chống lại đảo chánh đã được chờ đợi quá lâu rồi.

Đảo Chánh Vận Hành Như Thế Nào

Giành được guồng máy chính trị về chỉ huy và hành chánh thường bắt đầu bằng hành động chống lại những giới chức chóp bu trong chính quyền cũ, và chiếm cứ các công thự và văn phòng của chính quyền, các tổng hành dinh quân đội và cảnh sát, và các trung tâm kiểm soát truyền thông và vận tải. Các cuộc đảo chánh thường xảy ra rất nhanh chóng, thường chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, và do đó thiết kế mưu đồ bí mật là điều quan trọng.

    Những vụ đảo chánh thường được điều động bởi một thành phần chủ yếu trong các lực lượng quân đội, hành động đơn phương hay liên hiệp với các bè phái chính trị, các tổ chức tình báo (quốc nội hay quốc ngoại), hay những lực lượng cảnh sát. Đôi khi đảo chánh là những vụ tiếm quyền hành pháp: một vị nguyên thủ quốc gia (tổng thống hay thủ tướng, chẳng hạn), tuyên bố một tình trạng khẩn trương giả tạo, để có hành động đình chỉ chính quyền hiến định và thiết lập một nền độc tài4. Có khi thì những vụ đảo chánh được lãnh đạo bởi một đảng chính trị độc tài, có hoặc không có những lực lượng bán quân sự của chính họ. Những vụ đảo chánh cũng có thể được khởi động bởi một bộ phận trong thành phần lãnh đạo đang cai trị được hậu thuẫn bởi những nhóm khác. Để cho đảo chánh được thành công thì điều quan trọng là những người không tham dự cần phải hỗ trợ, thụ động, hoặc đã bị vô hiệu hoá. Bởi vì bản chất ít người và mưu toan của nó, đảo chánh ngược lại với một cuộc cách mạng quần chúng (mặc dù những người làm đảo chánh có thể gọi hành động của họ là “cách mạng”).

    Nhóm khởi động đảo chánh thường có dự định sử dụng sức mạnh của bộ phận nhà nước mà họ đã kiểm soát (hay là hy vọng sẽ kiểm soát ngay từ bước đầu) chống lại những bộ phận khác để tranh thủ sự kiểm soát toàn bộ chính quyền. Thường thì những bộ phận khác sẵn sàng đầu hàng. Họ có thể làm như thế chỉ vì cảm thấy các lực lượng ồ ạt ủng hộ đảo chánh. Họ cũng có thể đầu hàng vì họ không mạnh mẽ ủng hộ chính quyền đã được thiết lập, có thiện cảm năng động đối với những người làm đảo chánh, hoặc cảm thấy bất lực, không biết phải làm điều gì khác hơn.

    Những người tiếm quyền thông thường có dự định duy trì trật tự và giữ hệ thống bàn giấy, công chức, các lực lượng quân đội, chính quyền địa phương y nguyên như cũ (ít nhất là trong thời gian hiện tại), nhưng đưa họ vào dưới sự chỉ huy của mình. (Một chính phủ mới do một cuộc đảo chánh quân sự có thể có nhân lực hoàn toàn là quân sự, bán quân sự, hoặc hoàn toàn dân sự.)  Quyền lực thu góp lại của nhà nước dưới quyền của những kẻ tiếm quyền lúc bấy giờ có thể được sử dụng để chống lại tất cả xã hội để nới rộng hoặc củng cố sự kiểm soát toàn bộ quốc gia.

Khi nào thì đảo chánh có khuynh hướng xảy ra?

Tại một vài quốc gia, đảo chánh là một điều không thể nghĩ đến được, như ở Na Uy và Thuỵ Sĩ, chẳng hạn. Nơi nào mà những thủ tục dân chủ hiến định hiện hữu, được tôn trọng, và cung ứng những phương tiện hoà bình đã được định chế hoá để giải quyết các xung khắc nội bộ, để thay đổi chính quyền, và để bắt các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm, thì ít có cơ hội để cho đảo chánh xảy ra. Nếu các nhóm có khả năng điều động đảo chánh – như quân đội chẳng hạn – tin tưởng vào các tiến trình dân chủ và tôn trọng những giới hạn đặt để lên quyền hạn của họ, thì chắc họ sẽ không làm đảo chánh. Thay vào đó, họ có thể tự chế, tin rằng chuẩn bị một cuộc đảo chánh là một điều sai lầm.

    Cấu trúc xã hội của xã hội cũng ảnh hưởng đến việc quyết định là đảo chánh có thể xảy ra hay không. Nơi nào mà các tổ chức dân sự, phi chính phủ, của xã hội mạnh và được kiểm soát một cách dân chủ, và những cơ chế quân sự và các đảng phái chính trị phản dân chủ yếu hơn so với các tổ chức đó, thì đảo chánh khó xảy ra.

    Nơi nào mà xã hội làm việc với nhau một cách hài hoà thì khó có đảo chánh. Tuy nhiên, tình trạng này hiếm hoi và không phải là điều kiện để ngăn chặn đảo chánh. Nếu những vấn đề nội bộ ít ra cũng chỉ nghiêm trọng có giới hạn và có thể giải quyết được bằng những thủ tục đã được định chế hoá và bằng những thủ tục hoà bình khác, thì khó có đảo chánh. Hay là, nếu có những xung đột sâu sắc nhưng được xúc tiến một cách bất bạo động thay vì bằng bạo động nội bộ, thì bối cảnh sẽ không được sắp xếp cho một cuộc đảo chánh bởi một nhóm người hứa hẹn là sẽ chấm dứt bạo động nội bộ để phục hồi luật pháp và trật tự. Ở nơi nào mà các chính trị gia tìm cách phục vụ xã hội và tránh tham nhũng, thì sẽ cất đi được một “biện minh” cho một cuộc đảo chánh.

    Mặt khác, khi không có những điều kiện này, thì xã hội dễ có đảo chánh.  Gốc rễ của những hệ thống chính trị dân chủ có thể cạn và bị xói mòn. Chính quyền có thể bị coi như là bất hợp pháp, và có thể có sự không hài lòng lan rộng đối với thành quả của chính quyền. Có lẽ chính quyền có thể bị tố cáo là không có khả năng, là tham nhũng, hay là không có quyết định trong những lúc khủng hoảng. Sự tin tưởng vào khả năng của những thủ tục dân chủ để sửa sai hoàn cảnh hoàn toàn thiếu hẳn, và trong một vài trường hợp có thể không có những thủ tục để thay thế các chính phủ kế tiếp được mọi người đồng ý.

    Các tổ chức dân sự phi chính phủ của xã hội – như các tổ chức thiện nguyện đủ loại, các đảng phái chính trị, các cơ chế giáo dục độc lập, các tổ chức tôn giáo, các nghiệp đoàn thương mại, và nhiều loại khác nữa – có thể yếu kém và hầu như là không hiện hữu. Thêm nữa, dân chúng nói chung có thể thiếu sự tham dự đáng kể vào hệ thống chính trị. Do đó, sẽ không có những nhóm hay tổ chức có khả năng chống lại việc chiếm đoạt guồng máy nhà nước.

    Xã hội có thể có những vấn đề nội bộ rất nghiêm trọng liên hệ đến bạo động. Những bất ổn xã hội nghiêm trọng, những vấn đề kinh tế khó khăn, những xung đột chính trị trầm trọng, hay bạo động quốc nội và những vụ ám sát có thể làm cho đa phần xã hội sẵn lòng chấp nhận một chính quyền mới, mạnh, hứa hẹn hành động để “vãn hồi” trật tự và để chấm dứt cơn khủng hoảng.

    Những tình trạng kinh tế không thuận lợi, tương tác với những nhân tố chính trị, có thể làm cho xã hội dễ có đảo chánh, và người ta đã từng lý luận rằng thiếu sự đa dạng về xuất cảng và quá lệ thuộc vào thị trường quốc tế biến đổi để xuất cảng có thể tạo ra những điều kiện làm cho đảo chánh có thể xảy ra5.

    Đôi khi, những cá nhân, những nhóm có sức mạnh, một đảng độc tài, hay là một bè phái quân phiệt có thể đơn thuần chỉ ham muốn quyền lực và thống trị — dù có hay không có chiêu bài về những mục tiêu thanh cao6.

    Tuy nhiên, những điều kiện như thế không khẩn thiết phải tạo ra đảo chánh. Ngay cả khi những điều kiện cho một cuộc đảo chánh có thể thuận lợi và những người có thể làm đảo chánh thiếu tự chế, họ vẫn có thể không dám làm bởi vì có thể thất bại. Khuynh hướng thất bại này có thể phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Những thành phần quan trọng trong quân đội, cảnh sát, công chức, cũng như các cấp thấp trong chính quyền được xem là không hỗ trợ và có thể chống lại cuộc đảo chánh. Các tổ chức độc lập của xã hội có thể nghiêng về chống đối cuộc đảo chánh và mạnh đủ để hành động chống lại một cách mãnh liệt.

    Khả năng hành động chống lại một cuộc đảo chánh của những người chống đối vụ đảo chánh có thể ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của những người muốn làm đảo chánh về việc có nên hay không nên làm đảo chánh. Nếu xã hội có vẻ chống đối quyết liệt việc giành quyền lực, thì đảo chánh có khuynh hướng ít xảy ra.

    Những người có ý đồ làm đảo chánh thì họ hẳn phải có được cái khả năng cho rằng một khi họ đã cướp được quyền lực thì họ sẽ chỉ gặp chống đối tối thiểu từ giới quan liêu và quần chúng mà thôi. Trong những xã hội mà quần chúng được huy động một cách chính trị, quần chúng tham dự, và quần chúng mạnh thì những người làm đảo chánh không thể có giả thuyết này được7.

Hỗ trợ đảo chánh

Tiền điều kiện căn bản cho một cuộc đảo chánh là các lực lượng tổ chức và đàn áp của những người làm đảo chánh được tin là mạnh hơn các tổ chức và các lực lượng khác của xã hội. Tóm lại, xã hội dân sự yếu hơn các lực lượng quân đội. Thực vậy, tại nhiều quốc gia, những lực lượng quân đội trong mấy thập kỷ vừa qua đã bành trướng đến mức trở thành cơ chế hùng mạnh nhất trong toàn thể xã hội. Các lực lượng quân đội đã thường quay trở lại chống chính xã hội và dân chúng là những người mà sự sinh tồn của họ lệ thuộc và lẽ ra họ phải bảo vệ. Một cuộc đảo chánh như thế có xác suất xảy ra nhiều hơn nếu quân lính trung thành với các sỹ quan của họ hơn là trung thành với chính quyền dân chủ.

    Thay vì đảo chánh quân sự, nếu đảo chánh là một vụ tiếm quyền hành pháp (đôi khi còn gọi là “tự đảo chánh” [self-coup]8), thì điều cần thiết là các cơ quan chính quyền dân sự và các lực lượng quân đội hỗn hợp với nhau trong việc hỗ trợ giành quyền lực phải mạnh hơn những tổ chức dân sự của xã hội. Thay vì như vậy, đảo chánh có thể là một vụ xúc tiến bởi một đảng phái chính trị có kỷ luật với những lực lượng bán quân sự của chính họ. Những người ủng hộ đảng này đôi khi cũng có thể hành động từ những bộ then chốt trong một chính chủ liên hiệp hay là với sự ủng hộ của những thành phần quan trọng trong quân đội và cảnh sát. Để thành công, đảng này phải có khả năng hành động hơn những khu vực khác của xã hội có thể đang chống lại vụ cướp chính quyền. Trong một vài hoàn cảnh, những điệp viên của một chính quyền quốc ngoại có thể trợ giúp các nhóm chính trị hoặc quân đội ở trong nước thực hiện đảo chánh.

    Trong những cuộc đảo chánh trong quá khứ, những người ủng hộ tự do chính trị thường đã im lặng và chịu khuất phục một cách thụ động. Điều này không có nghĩa là khi một cuộc đảo chánh thành công tức là dân chúng nói chung ủng hộ. Trong nhiều trường hợp, dân chúng có thể thực sự chống đối, nhưng không biết phải làm gì. Một cuộc nội chiến chống lại các lực lượng quân đội và các đồng minh của họ — một cuộc chiến mà những người yêu dân chủ chắc sẽ thua — hiển nhiên là chỉ gây được cảm hứng cho một số ít người mà thôi. Những người tin tưởng vào các thủ tục hiến định không biết cách nào khác để đánh bại một cuộc đảo chánh được các lực lượng quân đội ủng hộ.

    Không có những chuẩn bị nghiêm túc về phòng vệ chống đảo chánh thì khó mà có được một hệ thống dân chủ lâu bền ở tại nhiều quốc gia, nhất là tại những quốc gia đã có một lịch sử về các cuộc đảo chánh. Ngay cả tại những quốc gia đã từng đạt được một tình trạng chính trị tương đối dân chủ, những biện pháp chống đảo chánh vẫn quan trọng dù cho những cá nhân hay các nhóm có khả năng xúc tiến đảo chánh đã công khai tuyên bố những dự định trong trắng của họ.

Những nỗ lực ngăn chặn đảo chánh

Dĩ nhiên là ngăn chặn trước để đảo chánh khỏi xảy ra thì tốt hơn là phải phòng vệ chống lại đảo chánh. Một vấn đề quan trọng do đó là làm thế nào để ngăn cản và chặn đứng đảo chánh.

    Trong nhiều nền dân chủ hiến định, người ta đã từng cho rằng nếu hiến pháp và luật pháp cấm đảo chánh, thì nền dân chủ sẽ được an toàn. Điều này có thể chứng minh được là không đúng, vì có quá nhiều quốc gia đã thấy được điều này trước nguy cơ của đất nước. Những nền dân chủ với những điều khoản hiến pháp và luật chống lại những ý đồ cướp quyền kiểm soát nhà nước bằng đảo chánh đã từng chính là nạn nhân của những cuộc đảo chánh. Nên có những cấm cản pháp lý như thế, nhưng đã nhiều lần những cấm cản như thế không chặn đứng được đảo chánh. Những cuộc đảo chánh thực ra luôn luôn được xúc tiến bởi những nhóm người rất sẵn lòng vi phạm những ngăn cản hiến định và pháp lý đối với những hành động mà họ đã dự tính. Điều này không có nghĩa là các điều khoản hiến pháp và pháp lý không hữu ích, nhưng không đủ. Rõ ràng là cần phải có những phương tiện để thực thi những điều khoản đó.

    Những người hay những nhóm người sẵn lòng dẹp một bên hay thủ tiêu những giới chức hành pháp để tự đặt để mình vào vị trí nhà cai trị sẽ không thấy gì trở ngại trong việc họ vi phạm những rào cản hiến định và pháp lý hiện hành đối với hành động của mình. Những nhóm quân đội nhất quyết “cứu nước” hoặc thiết lập sự thống trị của họ sẽ không bị hàng rào pháp lý ngăn chặn một cách nghiêm trọng. Các đảng chính trị có kỷ luật tự xem mình là những cứu tinh của dân tộc và là những người kiến tạo nên một xã hội tương lai lý tưởng có thể không tôn trọng bất kỳ một rào cản nào đối với việc cướp chính quyền của họ để thực thi sứ mạng của mình.

    Cũng cần phải có những nỗ lực dẹp bỏ đi những bất bình có thể biện minh được trong xã hội, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đủ. Những bất bình như thế có thể đích thực khích động những người muốn làm đảo chánh hay là chúng có thể chỉ là những chiêu bài cho một nỗ lực đảo chánh vì những động lực ít cao quý hơn.

     Việc quốc tế lên án và chế tài cũng không tỏ ra là ngăn cản được những người quyết chí làm đảo chánh9. Mong đợi là những ảnh hưởng quốc tế sẽ có thể ngăn chặn được, hay là đánh bật, một cuộc đảo chánh trong nước thì thật là ngây thơ. Giỏi lắm thì họ chỉ có thể hỗ trợ cho một khả năng mạnh tại địa phương nhằm chặn đứng những nỗ lực tiếm quyền mà thôi. Vào những lúc khác thì một số ảnh hưởng quốc tế có thể ủng hộ đảo chánh, hay là ngay cả lực lượng chính yếu xúi giục đảo chánh, ví dụ như chính quyền Hoa kỳ đã từng làm trong nhiều trường hợp.

    Dĩ nhiên là, lúc bấy giờ, đòi hỏi cần phải có một cái gì khác hơn: những rào cản những vụ đảo chánh mạnh. Tiểu luận này sẽ lý luận là những rào cản này có thể dựng lên được ngay trong nước bởi một chánh sách có chuẩn bị về việc phòng vệ chống đảo chánh. Chánh sách này không những chỉ có tiềm năng đánh bại đảo chánh mà thôi. Chánh sách này còn có thể được sử dụng như là một cản trở có tiềm năng đối với những tấn công này, một cản trở tiềm năng bắt gốc từ khả năng phòng vệ hữu hiệu.

    Bởi vì đảo chánh rất thường xuyên thành công, nên dân chúng tỏ vẻ không nghĩ là những rào cản chống đảo chánh hữu hiệu có thể dựng lên được. Sự rối loạn cọng với ý thức bất lực đi kèm theo những cuộc đảo chánh đã được làm trầm trọng thêm bởi việc dân chúng thiếu kế hoạch, thiếu chuẩn bị, và huấn luyện để chặn đứng đảo chánh. Khi mà đảo chánh được các lực lượng quân đội hậu thuẫn, những người mà lẽ ra phải bảo vệ xã hội mà sức mạnh quân đội lẽ ra không nên được sử dụng để chống lại, thì sự lo âu và thất vọng của dân chúng sẽ gia tăng.

Những cuộc đảo chánh đã từng bị đánh bại 

Vấn đề làm thế nào để chặn đứng những cuộc đảo chánh có vẻ như là không giải quyết được, ngoại trừ sự kiện quan trọng là đôi khi có những cuộc đảo chánh đã từng bị đánh bại. Mặc dù thường xuyên ở trong những điều kiện bất lợi, thế mà dân chúng đã nhiều lần có thể chặn đứng được những vụ cướp chính quyền bất hợp pháp. Những trường hợp này thật là đặc biệt.

    Đôi khi đảo chánh thất bại vì bất hợp tác và thách thức bẻ gãy mối liên hệ có dự tính giữa việc kiểm soát những cơ sở vật chất của chính quyền và sự kiểm soát nhà nước về chính trị. Công chức, những người làm việc bàn giấy, các tập họp nhóm trong quân đội, và các nhân viên khác của nhà nước đôi khi đã thẳng thừng từ chối hợp tác với những người làm đảo chánh, khước từ kiểm soát guồng máy nhà nước. Đảo chánh cũng đã từng bị nguy khốn vì sự cắt đứt mối giây liên hệ giữa việc kiểm soát guồng máy nhà nước trung ương và sự kiểm soát xã hội – bao gồm các tổ chức xã hội độc lập, các chính quyền địa phương, và dân chúng như là một tổng thể. Những người làm đảo chánh thường hạn hẹp cho rằng thống trị được các cơ cấu của nhà nước có nghĩa ngang bằng với kiểm soát chính trị và xã hội. Tuy nhiên, không khuất phục được những lãnh vực này của xã hội thì lãnh đạo đảo chánh không thể nào trở thành một chính phủ bền vững được.

    Việc đánh bại vụ cướp chánh quyền hụt của phe cứng rắn tại cựu Liên Bang Sô Viết vào tháng Tám 1991 là một trường hợp tương đối mới đây về việc quần chúng bất hợp tác chống lại một cuộc đảo chánh. Những trường hợp nỗi bật trước đó về phòng vệ chống đảo chánh thành công đã xảy ra tại Đức năm 1920 chống vụ đảo chánh Kapp (đe doạ nền cộng hoà đại nghị mới mẻ Weimar) và ở Pháp năm 1961 chống vụ nổi loạn của các tướng lãnh tại Algiers (nhằm mục đích duy trì Algérie thuộc Pháp bằng cách loại bỏ chính quyền của de Gaulle-Debré). Trong ba trường hợp này, và một vài trường hợp khác nữa, những cuộc đảo chánh bị chặn đứng bởi đối kháng bất bạo động trong nước. Chỉ thỉnh thoảng, như trong thời gian của cuộc đảo chánh năm 1991 tại Liên Bang Sô Viết, thì mới có sự đe doạ hay hành động nghiêm trọng của quốc tế hỗ trợ về phương diện ngoại giao hay là kinh tế mà thôi.

Nước Đức năm 192010. Vào ngày 12 tháng Ba năm 1920 những đơn vị Freikorps [bán quân sự] không chính thức gồm các cựu quân nhân và dân sự chiếm đóng Berlin trong một cuộc đảo chánh chống lại Cộng hoà Đại nghị Weimar do TS. Wolfgang Kapp và Trung Tướng Walter von Lüttwitz tổ chức. Cuộc đảo chánh nhằm thiết lập một chế độ độc đoán bao gồm những “chuyên gia.” Quân đội nhỏ bé của Đức vẫn đứng “trung lập.” Chính quyền dân chủ hợp pháp của Tổng Thống Friedrich Ebert bỏ trốn.

    Mặc dù không được chuẩn bị đàng hoàng, cuộc đảo chánh vẫn có thể đã thành công nếu không có đối kháng.  

    Chính quyền hợp pháp tuyên bố là tất cả mọi công dân đều phải chỉ tuân phục chính quyền hợp pháp này mà thôi, và rằng các tỉnh phải từ chối mọi hợp tác với nhóm Kapp. Sau một vụ đình công của công nhân chống lại cuộc đảo chánh xảy ra tại Berlin, một lời kêu gọi tổng đình công được tung ra dưới tên của Tổng thống Ebert và các tổng trưởng Đảng Xã Hội Dân Chủ — dù không có sự chấp thuận chính thức của những vị này.

    Những người làm đảo chánh Kapp đã nhanh chóng gặp phải sự bất hợp tác ở tầm mức rộng lớn của công chức và các công nhân viên bảo thủ của chính quyền, ngoài ra còn có những người khác nữa. Những người có khả năng đã từ chối nhận lãnh các chức vụ tổng trưởng trong chính phủ mới. Đàn áp của đảo chánh Kapp thật tàn ác, và vài người đình công đã bị bắn chết. Tuy nhiên, sức mạnh của bất hợp tác gia tăng, và vụ tổng đình công đã làm tê liệt Berlin. Ngân hàng Reichsbank từ chối cấp ngân quỹ cho những người tiếm quyền. Ngày 17 tháng Ba, Cảnh Sát An Ninh của Berlin đòi hỏi Kapp phải từ nhiệm. Ông ta đã trốn qua Thuỵ Điển cùng ngày, nhiều phụ tá của ông rời Berlin trong những bộ áo quần dân sự, và Lütwitz từ chức. Freikorps [lực lượng bán quân sự] lúc bấy giờdiễn hành ra khỏi Berlin, vừa diễn hành vừa bắn giết và làm bị thương những người dân phản đối.

    Cuộc đảo chánh đã bị đánh bại bởi hành động hỗn hợp của công nhân, công chức, những người làm việc bàn giấy, và quần chúng bằng cách từ chối sự hợp tác của người dân và về hành chánh mà những người tiếm quyền đòi hỏi. Nền Cộng Hoà Weimar tồn tại để rồi phải đối diện với những vấn đề nội bộ nghiêm trọng khác. Những tốn kém về tài chánh của cuộc đối kháng chống lại vụ đảo chánh hụt thì vừa phải.  Người ta dự đoán khoảng vài trăm người đã bị người làm đảo chánh Kapp giết và một số khác thì bị thương.

Nước Pháp năm 196111. Tổng Thống Charles de Gaulle của Pháp vào khoảng đầu tháng Tư cho biết là ông sẽ không còn muốn giữ Algérie thuộc Pháp nữa. Để phản ứng lại, vào đêm 21-22 tháng Tư những đơn vị quân đội Pháp phản loạn cướp quyền kiểm soát thủ đô Algiers và những địa điểm then chốt vùng lân cận. Tuy nhiên, cuộc đảo chánh ở đây chỉ thành công ở việc thay thế chính phủ hợp pháp ở tại Paris mà thôi.

    Vào ngày 23 tháng Tư các đảng phái chính trị và các nghiệp đoàn thương mại tại Pháp đã tổ chức những cuộc mít tinh quần chúng và kêu gọi tổng đình công một tiếng đồng hồ. Đêm hôm đó de Gaulle phát thanh một bài diễn văn, cũng nghe được tại Algérie, thúc dục dân chúng thách thức và bất tuân phục những kẻ phiến loạn, ra lệnh sử dụng “mọi phương tiện” để đánh đổ chúng. “Tôi cấm mọi người dân Pháp, và nhất là mọi quân nhân, thi hành bất cứ lệnh gì của chúng.” Thủ Tướng Debré cảnh cáo một vụ tấn công bằng máy bay từ Algiers. Tuy nhiên, thay vì ra lệnh hành động quân sự, ông đã kêu gọi dân chúng hành động: “Khi nào nghe còi hụ, thì hãy đi đến đó [các phi trường] bằng cách đi bộ hoặc bằng xe hơi, để thuyết phục những quân nhân nhầm lẫn về lỗi lầm lớn lao của họ.”

    Bài diễn văn của de Gaulle đã được sao lại và được dân chúng và những quân nhân Pháp trung thành ở tại Algérie phân phát rộng rãi. De Gaulle sau này tuyên bố là: “Từ lúc đó trở đi, cuộc nổi loạn gặp phải ngay tại chỗ một sự kháng cự thụ động càng lúc càng trở nên rõ rệt theo từng giờ một.”

    Ngày 24 tháng Tư mười triệu công nhân tham gia một cuộc tổng đình công có tính biểu tượng. Tại các phi trường người ta chuẩn bị đặt xe cộ trên các phi đạo để chặn đứng máy bay đáp xuống. Algérie bị áp đặt phong toả về tài chánh và tàu bè.

    Binh lính Pháp trung thành ở tại Algérie đã hành động để phá hoại quân phiến loạn. Hai phần ba các phi cơ vận tải và nhiều phản lực chiến đấu cơ đã được bay ra khỏi Algérie, còn những phi công khác thì chặn các phi trường hoặc giả vờ bị hư máy móc. Bộ binh thì chỉ trụ tại các doanh trại. Có nhiều trường hợp cố ý vô hiệu năng, mệnh lệnh và hồ sơ “thất lạc” và truyền thông và vận tải chậm trễ. Công chức dấu tài liệu và rút lui.

    Vào ngày 25 tháng Tư de Gaulle cho phát thanh lệnh cho binh sĩ trung thành bắn vào quân phản loạn, nhưng việc này không còn cần nữa. Đảo chánh đã bị tiêu diệt rồi. Những người lãnh đạo phiến loạn quyết định ngưng vụ đảo chánh không thành, và trong đêm 25-26 tháng Tư trung đoàn dù đã từng chiếm Algiers trước đó nay rút ra khỏi thành phố.

    Có một vài tổn thất, có lẽ ba người bị giết và một số người bị thương ở tại Algérie và Paris. Cuộc tấn công vào chính phủ de Gaulle đã bị đánh bại bởi sự thách thức và giải thể.

Liên bang Sô Viết năm 199112. Vào ngày 18 tháng Tám 1991 trong một nỗ lực nhằm chặn đứng việc tản quyền triệt để tại Liên Bang Sô Viết, một nhóm các giới chức Sô Viết thuộc phe cứng rắn bắt giữ Tổng Thống Mikhail Gorbachev và đòi hỏi ông phải trao tất cả mọi quyền hành hành pháp cho phó tổng thống của ông. Gorbachev đã từ chối.

    “Uỷ Ban Nhà Nước về Tình Trạng Khẩn Trương” tự tuyên xưng –  gồm có, ngoài những người khác, phó tổng thống Sô Viết, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng, chủ tịch KGB, và bộ trưởng nội vụ — tuyên bố sáu tháng “tình trạng khẩn trương.” Báo chí đối lập bị cấm, các đảng chính trị bị ngưng (ngoại trừ Đảng Cộng Sản), và cấm các cuộc biểu tình. Sắc lệnh đầu tiên của đám quân phiệt khẳng định vị trí tối cao của hiến pháp Sô Viết đối với những hiến pháp của các nền cộng hoà liên bang và bắt buộc phải tuân thủ mọi mệnh lệnh của Uỷ Ban về Tình Trạng Khẩn Trương.

    Hình như đám quân phiệt có sẵn trong tay toàn bộ các lực lượng quân sự của Liên Bang Sô Viết. Các sư đoàn thiết giáp và lính nhảy dù được dàn ra khắp Moscow. Tại vùng Baltics, các lực lượng ủng hộ đảo chánh chiếm các cơ sở điện thoại, truyền thanh và truyền hình và phong toả các hải cảng then chốt. Những đơn vị tấn công thiết giáp bên ngoài Leningrad bắt đầu di chuyển vào thành phố.

    Ở tại Moscow, hằng chục ngàn người tập họp đột phát trên các đường phố để phản đối cuộc đảo chánh. Bằng một hành động thách thức đầy kịch tính, Tổng Thống của Nước Nga Boris Yeltsin leo lên đứng trên một chiếc xe thiếp giáp địch và tố cáo hành động của những người làm đảo chánh là một “cuộc đảo chánh khuynh hữu, phản động, và phản hiến pháp.” Yeltsin tuyên bố là “mọi quyết định và chỉ thị của uỷ ban này đều bất hợp pháp” và kêu gọi dân chúng cự tuyệt những người làm đảo chánh và kêu gọi quân đội không tham gia đảo chánh. Yeltsin kết luận bằng lời kêu gọi một “cuộc tổng đình công vô giới hạn.” Vào khoảng cuối ngày hôm đó, Yeltsin ra lệnh cho quân đội và nhân viên KGB thuộc cộng hoà Nga vâng lệnh ông, chứ không vâng lệnh những người làm đảo chánh.

    Hằng ngàn người tụ họp trước “Toà Nhà Trắng” (toà nhà quốc hội) của Nga để bảo vệ quốc hội khỏi bị tấn công. Những hàng rào cản được dựng lên; các xe điện và xe hơi chặn đường. Mặc dù lời kêu gọi tổng đình công phần lớn không được chú ý, nhưng những người thợ hầm mỏ tại các công trường than đá tại Kuzzbass và gần Sverdlosk đã đình công.

    Những người làm đảo chánh ra sắc lệnh áp đặt một tình trạng khẩn trương đặc biệt ở tại Moscow vì “những tập họp, những tuần hành trên đường phố, những cuộc biểu tình và những xúi dục nổi loạn.” Vào đêm thứ hai của cuộc đảo chánh, những người tổ chức đối kháng dán truyền đơn khắp cả hệ thống xe điện ngầm của thành phố kêu gọi một cuộc biểu tình quần chúng ngay ngày hôm sau trước toà “Nhà Trắng”.

    Tại Leningrad, 200.000 người tụ tập lại đáp lời Thị Trưởng Anatoly Sobchak kêu gọi một “sự kháng cự hợp hiến rộng lớn nhất” chống lại vụ đảo chánh. Hằng chục ngàn người ở tại Moldavia đã chặn đường để cầm chân quân đội Sô Viết. Những nhà lãnh đạo của Ukraine và Kazakhstan lên án cuộc đảo chánh. Một cuộc tụ tập lớn ở tại Minsk kêu gọi quần chúng bất tuân dân sự. Tổng Thống Landsbergis của Lithuania kêu gọi dân chúng bao vây toà nhà quốc hội để bảo vệ quốc hội khỏi bị tấn công. Những buổi họp khẩn cấp của quốc hội của Latvia và của Estonia tuyên bố hoàn toàn độc lập với Liên Bang Sô Viết.

    Tại Moscow, báo chí đối lập bị cấm vẫn cho in tờ The Common Paper kêu gọi dân chúng đối kháng. Một máy phát sóng truyền thanh được trao tặng giúp chính quyền Nga phát thanh thông tin về công cuộc đối kháng khắp trong nước qua các đài tiếp vận địa phương. Đài phát thanh độc lập “Tiếng Vọng Moscow” bị cấm vẫn tiếp tục phát thanh, chuyển đạt những bài diễn văn đang xảy ra từ một buổi họp khẩn cấp của quốc hội Nga. Mặc dù bị cấm chỉ, các chuyên viên đài Truyền Hình Nga vẫn đưa những chương trình tin tức vào băng vi-đê-ô và phân phát đến hai mươi thành phố tại Liên Bang Sô Viết.

    Các giới chức tại các cơ sở truyền thông do nhà nước kiểm soát từ chối hợp tác với những người làm đảo chánh. Những bài diễn văn của Yeltsin và của Sobchak được phát sóng trong những chương trình tin tức hằng đêm mà nhân viên kiểm duyệt KGB của Uỷ Ban Về Tình Trạng Khẩn Trương quyết định không ngăn chặn. Sau đó, Vị Đệ Nhất Phó Chủ Tịch đài Truyền Hình Sô Viết, Valentin Lazutkin, nhận một cú điện thoại của Tổng Trưởng Nội Vụ Pugo như sau: “Anh đã bất tuân hai mệnh lệnh…. Anh đã ra chỉ thị cho nhân dân là phải đi đâu và phải làm gì. Anh sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này.” Những đám đông thách thức càng lúc càng lớn trước toà Nhà Trắng đêm hôm đó để bảo vệ chính phủ Nga.

    Đã có những nổ lực đồng bộ được thực hiện để đánh đổ sự trung thành của những lực lược của những người làm đảo chánh. Truyền đơn và thực phẩm được phân phát cho binh lính. Dân chúng nài nỉ những đội quân thiết giáp theo phe mình. Yeltsin khuyến khích kỷ luật: “Đừng khiêu khích quân đội. Quân đội đã trở thành vũ khí trong tay những người làm đảo chánh. Do đó chúng ta cũng nên ủng hộ quân đội và duy trì trật tự và kỷ luật khi tiếp xúc với họ.”

    Trong một số trường hợp, đã có toàn bộ những đơn vị quân đội đào ngũ bỏ rơi những người làm đảo chánh. Mười xe thiết giáp trước toà Nhà Trắng đã xoay họng súng ra khỏi toà nhà quốc hội, thề là sẽ giúp bảo vệ quốc hội khỏi bị tấn công. Những vụ nổi loạn chống phe đảo chánh đã được tường trình tại Căn Cứ Hải Quân Leningrad và tại học viện huấn luyện binh chủng nhảy dù. Những đơn vị tại vùng Viễn Đông từ chối ủng hộ đám lãnh đạo quân phiệt. Tại cộng hoà Nga, những đơn vị cảnh sát và KGB thuộc bộ nội vụ địa phương tuyên bố trung thành với Yeltsin. Tổng Trưởng Quốc Phòng Yasof ra lệnh cho sư đoàn Tula rút lui khỏi những vị trí gần Nhà Trắng vì không biết chắc sự trung thành của binh sĩ. Tổng Trưởng Nội Vụ Pugo giải tán cảnh sát tại Moscow vì sợ họ không trung thành với phe đảo chánh.

    Vào buổi chiều ngày thứ hai của cuộc đảo chánh, phe đảo chánh cố sắp đặt một toán chiến đấu mới để tấn công toà Nhà Trắng của Nga. Binh sĩ nhảy dù của bộ binh và những lực lượng của bộ Nội Vụ có nhiệm vụ bao vây Nhà Trắng, dọn đường cho một cuộc tấn công bởi Nhóm Alpha tinh nhuệ của KGB. Tuy nhiên, người đứng đầu của quân nhảy dù thuộc Bộ Binh và vị chỉ huy Lực Lượng Không Quân Sô Viết từ chối tham dự vào cuộc tấn công. Mấy tiếng đồng hồ trước cuộc tấn công đã được soạn thảo, vị chỉ huy của Nhóm Alpha của KGB xác định là những lực lượng của ông sẽ không tham dự. “Sẽ không có một cuộc tấn công. Tôi sẽ không chống lại nhân dân.”

    Sáng ngày hôm sau, Ban Quản Trị Quốc Phòng Liên Bang Sô Viết bỏ phiếu rút quân ra khỏi Moscow. Các thành Viên của Uỷ Ban về Tình Trạng Khẩn Trương sau đó đã bị bắt (một người đã tự vẫn). Tổng Thống Gorbachev trở lại chức vụ. Tổn thất thấp — tổng cộng có năm người được tường trình là đã bị giết trong thời gian của cuộc đảo chánh hụt. Cuộc đảo chánh đã bị đánh bại. Sự thách thức công khai của quần chúng và sự bất tuân trong quân đội đã phá tan được nỗ lực của phe cứng rắn muốn trở lại với nền cai trị độc đoán.

    Ba trường hợp đối kháng thành công này — nước Đức 1920, nước Pháp 1961, và nước Nga 1991 – xác tín là một sự phòng vệ chống lại đảo chánh có thể thực hiện được. Hẳn là có những trường hợp khác mà sự đối kháng tương tự đã không thành công, nhưng sự kiện đã có những thành công xác định là ít nhất trong một số điều kiện nào đó đảo chánh có thể bị đánh bại được.

______________________________________________

CƯỚC CHÚ 

1Các từ “coup d’état” [tiếng Pháp] và “putsch”[tiếng Đức] được dùng đồng nghĩa trong chương này.

2Xem Rosemary H.T. O’Kane, chẳng hạn, The Likelihood of Coups [Có Thể có Đảo Chánh] (Aldershot, England, etc.: 1987), t.1; Steven R. David, Defending Third World Regimes from Coups d’État [Bảo Vệ Những Chế Độ Của Thế Giới Thứ Ba Khỏi Bị Đảo Chánh] (Lanham, Maryland etc.: University Press of America, 1985), t.4; J. Craig Jenkins and Augustine J. Kposowa, “the Political Origins of African Military Coups: Ethnic Competition, Military Centrality, and the Struggle over the Postcolonial State, “ In International Studies Quarterly (1992) [“Nguồn Gốc Chính Trị của Những Vụ Đảo Chánh Quân Sự tại Châu Phi: Tranh Chấp Sắc Tộc, Trọng Tâm Quân Sự, Tranh Giành Nhà Nước Thời Hậu Thuộc Địa,” trong Những Nghiên Cứu Quốc Tế Nguyệt San Tam Cá Nguyệt(1992)], Tập 36, tt.271-272; Steven R. David, Third World Coups d’État and International Security[Những Cuộc Đảo Chánh trong Thế Giới Thứ Ba và An Ninh Quốc Tế] (Baltimore  và London: Johns Hopkins University Press, 1987), tt.1-2; và Stevens R. David, “The Superpower Competition for Influence in the Third World” [“Cạnh Tranh Ảnh Hưởng Của Các Siêu Cường Tại Thế Giới Thứ Ba”] trong Samuel P. Huntington, Biên Tập Viên,The Strategic Imperative: New Policies for American Security [Phạm Trù Chiến Lược: Những Chánh Sách Mới Cho An Ninh Hoa Kì] (Cambridge, Massachusetts: Ballinger, 1982), t.236. Các trích dẫn là lần lượt của O’Kane, The Likelihood of Coups [Có Thể Có Đảo Chánh], t.1, rồi của Jenkins và Kposowa, “The Political Origins of Military Coups,” [“Nguồn Gốc Chính Trị của Những Vụ Đảo Chánh Quân Sự”], t. 271.

3David, Third World Coups d’État and International Security [Những Cuộc Đảo Chánh Tại Thế Giới Thứ Ba và An Ninh Quốc Tế], tt.153-154, và O’Kane, The Likelihood of Coups [Có Thể Có Đảo Chánh], t.135.

4Những hành động về tình trạng khẩn trương bởi một lãnh tụ hành pháp nhanh chóng trao trả lại những đặc quyền và phục hồi những thủ tục bình thường hiến định thì không gọị được là đảo chánh.

5Xem O’Kane, The Likelihood of Coups [Có Thể Có Đảo Chánh], và để đối chiếu với quan điểm trái ngược, xem Jenkins và Kposowa, “Nguồn Gốc Chính Trị của Những Vụ Đảo Chánh Quân Sự tại Châu Phi.”

6Để có một thảo luận về sáu loại đảo chánh quân sự tại những quốc gia thuộc thế giới thứ ba, được sắp xếp theo các động lực và hiệu quả, y/c xem Steven R. David, Third World Coups d’État and International Security [Những Cuộc Đảo Chánh Tại Thế Giới Thứ Ba và An Ninh Quốc Tế] (Baltimore and London: John Hopkins University Press, 1987), tt.13-16.

7David, Defending Third World Countries from Coups d’État [Bảo Vệ Những Quốc Gia trong Thế Giới Thứ Ba Khỏi Bị Đảo Chánh], tt. 4-5.

8Gốc tiếng Tây Ban Nha autogolpe, dùng để mô tả những trường hợp tại Mỹ châu La tinh trong những năm đầu của thập kỉ 1990.

9Điều này không phải để phủ nhận là trong một vài trường hợp sự can thiệp của ngoại bang có thể chặn đứng hay ngay cả lật ngược cuộc đảo chánh, đặc biệt là ở nơi nào mà một cuộc xâm lăng quân sự ồ ạt có thể thực hiện được như hành động của Hoa Kì ở tại Grenada năm 1983. Điểm muốn nói ở đây là những trường hợp này là những ngoại lệ và không thể tin cậy vào những phương tiện này được. Nếu những phương tiện này được sử dụng, thì chúng sẽ giành quyền kiểm soát tình hình khỏi tay của dân chúng địa phương.

     Chúng ta rất dễ coi nhẹ những khó khăn của Hoa Kì, hay của một siêu cường tương lai nào khác, đã từng theo đuổi một chánh sách đe doạ và áp dụng can thiệp quân sự để chặn đứng đảo chánh một cách nói chung. Steven R. David đã nêu lên những điểm này: “Những khó khăn tự tại trong việc bảo vệ các chế độ khỏi bị những hậu quả của những đe doạ quân sự tầm cỡ không có nghĩa gì so với vấn đề liên quan đến việc thiết kế những chiến lược nhằm bảo vệ các cấp lãnh đạo khỏi bị những cuộc đảo chánh do dân địa phương gây nên.” (David, “The Superpower Competition for Influence in the Third World,” [Sự Tranh Giành Ảnh Hưởng của các Siêu Cường ở tại Thế Giới Thứ Ba,” t.142.) 

10Câu chuyện này được dựa trên Wilfred Harris Crook, The General Strike [Tổng Đình Công] (Chapel Hill, NC: University of North Carolina Press, 1931), tt.496-527; Donald Goodspeed, The Conspirators [Những Kẻ Âm Mưu] (New York: Viking, 1962), tt.108-188; Erick Eyck, A History of the Weimar Republic [Lịch Sử của Nền Cộng Hoà Weimar] (Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1962),tập I, tt.129-160; Karl Roloff, (bd: Karl Ehrlich),”Den Ikkevoldelige Modstand: den Kvalte Kapp-Kupet,” trong Ehrlich, N. Lindberg, và G. Jacobsen, btv, Kamp Uden Vabeen (Copenhagen: Levin & Munksgaard, Einar Munksgaard, 1937), tt.194-23; và John Wheeler-Bennett, The Nemesis of Power [Đối Thủ của Quyền Lực] (New York: St. Martin’s Press, 1953), tt.63-82. Xem thêm Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động] (Boston: Porter Sargent, 1973), tt.40-41 và 79-81.

11Câu chuyện này được dựa trên câu chuyện của Adam Roberts, “Đối Kháng Dân Sự Chống Lại Đảo Chánh Quân Sự,” Journal of Peace Research [Báo Nghiên Cứu Hoà Bình] (Olso), tập xii, số 1 (1975), tt.10-36. Tất cả mọi trích dẫn đều từ nguồn này.

12Câu chuyện về vụ đảo chánh Sô viết tháng 8, 1991 là do Bruce Jenkins biên soạn, và trước đây được xuất bản trong tác phẩm của Gene Sharp với sự phụ trợ của Bruce Jenkins, Self-Reliant Defense without Bankruptcy or War [Tự Lo Phòng Vệ mà Không Bị Khánh Tận hoặc Chiến Tranh] (Cambridge, Mass.: Albert Einstein Institution, 1992), tt.16-19. Câu chuyện được thu thập từ những nguồn sau đây: The Boston Globe, 20-23 tháng Tám 1991; The Economist, 24-30 tháng Tám 1991; Stuart H. Loory và Ann Imse, Seven Days That Shook the World [Bảy Ngày Làm Rung Chuyển Thế Giới], Phúc Trình CNN, (Atlanta: Turner Publishing, Inc. 1991); Newsweek, 2 tháng Chín 1991; The New Yorker, 4 tháng Mười Một 1991; The New York Times, 20-25 tháng Tám 1991; Time, 2 tháng Chín 1991; The Washington Post, 21 tháng Tám 1991.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.