CHỮ HIẾU TRONG VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA DÂN TỘC, Phần III
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Philadelphia, ngày 20 tháng 12, 2018
III. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA LÝ THUYẾT KHỔNG GIÁO VÀ THỰC HÀNH TRONG DÂN GIAN NHƯ LÀ MỘT KHẲNG ĐỊNH VỀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA DÂN TỘC
Từ “giáo” trong Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, được thông dụng trong dân chúng thường mang lại trong trí óc con người ý niệm về thần linh. Thực ra từ “giáo:教” chỉ có nghĩa là dạy dỗ. Và Khổng giáo là một ý thức hệ có mục đích giúp các vua chúa thời phong kiến có phương tiện trị an, một phương thức dàn xếp an ninh, trật tự xã hội bằng cách giáo dục dân chúng phải lấy lòng nhân ái và đạo đức làm nền tảng cho cuộc sống. Đây là phương thức thiết lập trật tự và an ninh xã hội bằng “đức trị”. Người đề bạt “đức trị” là Khổng Tử. Không tin vào bản tính thiện của con người mà chỉ tin là con người sinh ra với bản chất ác, Hàn Phi — người sống vào khoảng cuối thời Chiến quốc ở Trung Hoa vào lúc Tần Thuỷ Hoàng đang thống nhất đất nước – đã dề nghị, cũng với mục đích tạo dựng an ninh và trật tự cho xã hội, phương thức “pháp trị”, lấy luật pháp để trừng trị những hành vi ác độc của con người.
Trong thế giới văn minh, tân tiến ngày hôm nay, nhất là tại những quốc gia Tây phương, người ta quan sát được ảnh hưởng của cả hai xu hướng: “đức trị” và “pháp trị”. An ninh và trật tự xã hội được bảo tồn nhờ ảnh hưởng mang tính nhân bản và đạo đức của các tôn giáo và của giáo dục gia đình. Ảnh hưởng của nhân bản và đạo đức có mục đích khai triển tính thiện luôn luôn hiện hữu trong mỗi cá nhân. Mặt khác, một hệ thống pháp luật với tam quyền phân lập dựa trên nguyên tắc công bằng bảo đảm là an ninh và trật tự của xã hội không bị phá vỡ bởi tính ác tiềm tàng trong mọi người và có thể phát lộ bất cứ lúc nào.
Khổng giáo là một luận án về đạo đức mang tính triết học, nhưng đồng thời cũng là một phương tiện trị an của giai cấp phong kiến xưa, nên những điều khoản đề cập đến nhiều khi mang tính võ đoán, áp đặt, và kỳ thị, nhất là kỳ thị giới tính, của xã hội được sắp xếp theo hệ thống hệ đẳng. Vì Khổng giáo tôn vinh vị trí của người đàn ông nên đã có quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một người con trai là có, mười người con gái là không). Do đó,
- Người đàn bà Việt đối kháng việc phải nhận lãnh trách nhiệm một thân một mình phải lo việc hiếu đạo trong gia đình chồng, nhất là khi chồng đã đã quá cố bỏ lại người vợ cô đơn, lại còn phải đợi ba bốn năm tang chồng – một khoảng thời gian chiếm mất một phần lớn của tuổi xuân — mới có quyền nghĩ đến chuyện bước thêm bước nữa.
Tay mang khăn chế, áo thùng,
Đầu đội chữ hiếu, tay bồng con thơ.
Em trách ông trời phân tóc lìa tơ,
Kẻ đi âm phủ, người ngồi chờ trần gian.
Thiệt hại thay cho thằng bé lên ba,
Nó lăn nó khóc giữa nhà năm gian.
Ba vuông nhiễu tím, đôi hàng chữ vôi,
Chớ thiệt hại thay, người thác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời chơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ,
Đầu đội chữ hiếu, tay sơ chữ tình,
Chữ hiếu trung thiếp tôi gánh vác một mình.
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp chăng,
Đường đi khuất nẻo khơi chừng.
Có khi không phải vì chồng đã mất mà vì chồng không lo đảm trách công việc hiếu đạo, tronglúc hiếu đạo chính là bổn phận của người đàn ông, nên người đàn bà nhắc nhở như một hình thức đối kháng.
Công ơn thầy mẹ, em không đền được,
Giao cho anh đền thế:
Ra Thanh bổ quế,
Vào Nghệ bổ sâm,
Lên non ngậm ngãi tìm trầm,
Đền ơn phụ mẫu đã lao tâm sinh thành.
- Khổng giáo chính thống hoàn toàn đặt trách nhiệm chữ hiếu lên vai người con trai với những yêu cầu rất khắt khe.
Làm trai nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay.
Công cha, đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân,
Thức khuya dậy sớm cho cần,
Quạt nông ấp ạnh giữ phần đạo con.
Đã sinh ra kiếp ở đời,
Trai thời trung hiếu, đôi vai cho tròn.
Quân sử, thần tử; thần bất tử, bất trung.
Phụ sử tử vong; tử bất vong, bất hiếu.
2.1. Khổng giáo đòi hỏi khắt khe ở người con trai phải hiếu đạo như thế: “cha bảo chết là phải chết, nếu không chịu chết là bất hiếu”. Thế mà người ta lại ít nghe người đàn ông nói đến hiếu đạo mà chỉ thường nghe người đàn bà không những nhắc nhở người đàn ông phải hiếu đạo mà còn đặt hiếu đạo đối với cha mẹ của mình, chứ không phải cha mẹ của người mình yêu – của người đàn ông — như là một điều kiện cho hôn nhân.
Anh về báo nghĩa sinh thành,
Chừng nào bóng xế, rủ mành sẽ hay.
Gặp anh đây, em hỏi giao hoà,
Thương em, anh có tưởng đến mẹ già em không?
Thương chi mà khiến em thương,
Trăm câu hiếu hạnh, chưa vấn vương câu nào.
Chim kêu dưới suối ao đàng,
Em còn chút mẹ, cậy chàng viếng thăm.
Để cắt nghĩa sự thoái thác thi hành hiếu đạo của mình, người đàn ông đã viện lý do việc công và còn nghiểm nhiên phát biểu là hiếu, trung đối với cha mẹ của mình quan trọng hơn hiếu trung đối với cha mẹ của người đàn bà.
Ba mươi anh không đi Tết,
Mồng một anh không tới lạy giường thờ.
Hiếu trung chi anh nữa mà biểu em chờ cho uổng công.
-Ba mươi anh mắc đóng hương án,
Mồng một an lo Ngài ngự Nam Giao,
Hiếu, trung bên anh anh còn bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi!
-Chiều ba mươi anh không đi Tết,
Rạng ngày mồng một, anh không đi dến lạy bàn thờ.
Hiếu trung mô nửa mà biểu em chờ uổng công.
_Hôm ba mươi anh mắc lo việc họ,
Sáng mồng một anh bận lo việc làng.
Ông bà bên anh cũng bỏ, huống chi bên nàng, nàng ơi!
2.2. Tuy nhiên người đàn bà cũng luônluôn nhắc nhở người yêu phải hiếu đạo với cha mẹ của chàng trước khi nghĩ đến tình yêu đôi lứa.
Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biết non xanh.
Ở sao cho trọn đạo sinh thành,
Thời em mới dám kết duyên lành với anh.
Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biếc non xanh,
Ở sao cho trọn đạo sinh thành mới nên.
Có cha mẹ mới có mình
Ở sao cho xứng chữ tình làm con.
Sông mô sâu bằng sông chợ Huyện,
Điện mô khéo bằng điện Châu Ê.
Thôi thôi, anh trở lui về,
Thờ thầy với mẹ cho trọn bề hiếu trung.
Cha mẹ sinh anh là trai,
Bận áo song khai, quần hai lá hẹ.
Nở bụng nào bỏ mẹ, theo em.
Quảng Bình là quê thân phụ,
Quảng Trị là phụ thân quê,
Anh tới đây quyết ở không về.
Bao giờ bông hường đã mở nhuỵ, anh mới về quê anh.
-Thôi thôi, chàng lui chân nhớm gót ra về,
Kẻo thế gian đồn đại thiếp say mê với chàng.
-Anh mà lui chân nhớm gót khỏi cươi,
Em có lạng vàng cũng khó được, tiếng cười cũng không.
-Ơn thầy, nghĩa mẹ đang còn nặng lắm, anh ơi!
Nghĩa phu thê sớm muộn, nhờ Trời,
Tiết thanh xuân em hãy còn đua nở, chẳng muộn thời anh lo.
2.3. Tiền bạc, chức tước, danh vọng đối với người đàn bà cũng không quan trọng bằng tình nghĩa và hiếu đạo.
Em không phải người thương đào phụ liễu,
Em không phải người thương nhiễu, phụ lương.
Em không thương anh lắm ruộng nhiều vườn,
Thương vì ý ở biết kính nhường mẹ cha.
Phải duyên phải nợ thì theo,
Không phải duyên nợ vàng đeo mặc vàng.
Dầu mà anh có nên quan,
Hiển vinh mình bạn, đây nàng cũng không.
Em kiếm nơi mô có tình nghĩa vợ chồng
Ơn cha nghĩa mẹ đạo đồng em theo.
2.4. Không những người con gái khuyên răn người yêu phải hiếu đạo đối với cha mẹ của chàng cũng như đối với cha mẹ của mình mà chính người con gái, thay vì người con trai — như yêu cầu của Khổng giáo–là người thi hành đạo hiếu đối với cha mẹ, một điều mà Khổng giáo không hề đòi hỏi, nhất là khi người con gái đã đến tuổi lấy chồng. Và đặc biệt là hiếu đạo ở đây phát xuất, không phải từ ý niệm bổn phận có tính cách công thức, mà từ tình yêu thương sâu đậm và chân thành đối cha mẹ. Thuý Kiều*, một thiếu nữ khuê các trong tuyệt tác văn chương của Nguyển Du, là một trường hợp điển hình của thực tế này.
Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.”
Trong lãnh vực hiếu đạo, người đàn bà bình dân cũng không khác gì người thiếu nữ khuê các:
Tới nơi đây lỡ chợ, lỡ đò,
Xẻo cẳng tay nuôi mẹ, giả thịt bò mẹ xơi.
Mẹ thương con, sa rơi nước mắt,
Nghĩ tới dâu hiền ruột thắt tận da.
Thôi hỡi con ơi, cháo rau cho qua bữa, thịt với thà làm chi.
Và hiếu đạo này có nguồn gốc từ tình thương, chứ không phải chỉ vì yêu sách của Khổng giáo:
Chim còn mến cội mến cành,
Anh cũng biết cho em còn mến nghĩa sanh thành mẹ cha.
Ai bưng bầu rượu đến đó,
Phải chịu khó bưng về.
Em đang lo hầu thầy mẹ cho tròn hiếu trung.
Áo gài năm nút hở bâu,
Em còn cha mẹ dám đâu tự tình.
Bông ngâu rụng xuống cội ngâu,
Em còn phụ mẫu dám đâu tự tình.
Ngọc còn ẩn bóng cây ngâu,
Em đang tùng phụ mẫu, dám đâu tự tình.
Bất tham sanh hề cô huý tử,
Anh có hoang đàng, em giữ hiếu trung.
Chỉ còn đương nối trong cuồng,
Em còn phụ mẫu, luông tuồng sao nên.
Khoan khoan chờ đợi em cùng,
Em còn hai chữ hiếu trung chưa đền.
Em không lấy chồng thì thua chúng kém bạn,
Em ra lấy chồng thì không đành đoạn với anh.
Em cũng muốn lấy chồng kịp lúc xuân xanh,
Vì mẹ già em dại, nên em đành ở ri.
- Đối tượng của hiếu đạo rõ nét nhất thường là người mẹ. Dĩ nhiên là cả cha lẫn mẹ đều được nhắc đến trong ý hướng cũng như thực hành hiếu đạo. Tuy nhiên, người đàn bà nhắc đến mẹ nhiều hơn. Có lẽ đời sống của người đàn bà nặng tình cảm và dễ dàng cảm thông, gắn bó với sự gần gũi, nuôi dưỡng, săn sóc, vỗ về, lo lắng, và những công lao, hy sinh hằng ngày của người mẹ cho con. Do đó tình cảm nghiêng hẳn về phía người mẹ hơn là phía người cha. Hơn nữa, người cha thường lo công việc bên ngoài nên ít gần gũi con cái.
Thiếp đà đòn gánh đôi quang,
Bán buôn nuôi mẹ, chàng sang mặc chàng.
Xách nón theo anh, nam thanh nữ tú,
Bỏ chút mẹ già, vượn hú, chim kêu.
Vượn hú, chim kêu, sao không sợ tội,
Bỏ chút mẹ già, lặn lội theo ai?
Đèo nào cao bằng đèo châu Đốc,
Đất nào dốc bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than, hai hàng luỵ nhỏ,
Có chút mẹ già biết bỏ cho ai?
Con cá đối nằm trong cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Anh khuyên em đừng lấy chồng xa,
Lỡ khi cha yếu mẹ già
Cơm canh ai nấu, mẹ già ai trông?
Xin anh đi học cho ngoan,
Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài.
Quan tiền dài em ngắt làm đôi,
Nửa thì giấy bút, nửa nuôi mẹ già.
Mẹ già là mẹ già anh,
Một ngày hai bửa, cơm canh mẹ già.
Bát cơm em nấu như hoa,
Bát canh em nấu như là mật ong.
Nước mắm, em lọc cho trong,
Mâm cơm em dọn tựa dòng cơm quan.
Một lo đứng cửa trông ra,
Hai lo đi lấy chồng xa nước người.
Ba lo sợ chị em cười,
Bốn lo đi ngược về xuôi sao đành.
Năm lo lúc tử lúc sinh,
Sáu lo con gái, một mình đường xa.
Bảy lo nhớ cửa nhớ nhà,
Tám lo còn chút mẹ già ai nuôi.
Chín lo em thiệt cả mười,
Để em kiếm lối tìm nơi đi về.
Một lo nhớ phượng nhớ loan,
Hai lo con gái đang xoan lỡ thì.
Ba lo phụ mẫu một bề,
Bốn lo em chửa lấy gì được yên.
Năm lo em hãy còn phiền,
Sáu lo em chửa được yên cửa nhà.
Bảy lo em lấy chồng xa,
Tám lo em để mẹ già anh nuôi.
Chín lo đồng đất nước người,
Mười lo đi ngược về xuôi một mình.
Đi đâu mà bỏ mẹ già,
Gối riêng ai sửa, chén trà ai nâng.
Mẹ già đầu bạc, tuổi cao,
Phận em con gái, thơ đào long đong.
Anh đã có vợ con chưa,
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
Mẹ già anh để nơi nao,
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
- Và để có thể tiếp tục thi hành hiếu đạo, người đàn bà thườngao ước được lấy chồng gần nhà để có thể dễ dàng tiếp tục lui tới phụng dưỡng mẹ cha.
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Têm trầu mà giắt mái rui,
Cúi đầu lạy mẹ làm sui chỗ gần.
Một lo em lấy chồng xa,
Hai lo em để bác mẹ già cho ai.
Em ra lấy chồng cách một cái phá,
Nên chi phải chịu hai chữ ly hương.
Nay đã cách trở đôi phương,
Thầy mẹ ở nhà đắng cơm, nghẹn nước.
Con cá đối năm trên cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Chồng gần không lấy, lấy chồng xa,
Một mai cha yếu, mẹ già,
Chén cơm ai xới, kỷ trà ai dâng?
Rau é mọc lộn với rau tần,
Thuyền rời bến đã xa, bậu nói còn gần.
Chồng gần bậu không lấy, bậu lấy chồng xa.
Một mai cha yếu mẹ già,
Bát cơm ai đỡ, kỷ trà ai nưng?
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già,
Chén cơm ai bới, bộ kỷ trà ai dâng?
Con cá đối nằm trên cối đá,
Con chim đa đậu nhánh đa đa.
Chồng gần bậu không lấy, bậu lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già,
Chén cơm, bát nước, bộ kỷ trà ai bưng?
Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già,
Bát cơm, đôi đũa, kỷ trà ai nâng?
Đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Một mai cha yếu, mẹ già,
Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dâng.
- Sự giằng co giữa tình và hiếu: Khổng giáo chính thống đặt nặng trách nhiệm hiếu thảo lên vai người con trai đầu lòng và đòi hỏi người con trai phải xem nhẹ tình yêu đôi lứa hơn là hiếu đạo. Đây là một yêu sách có tích cách công thức bất khả nhượng của Khổng giáo, không xét đến tính nhân bản của tình yêu đôilứa cũng như không xét đến vị trí và thân phận đáng trân quý và tôn trọng của người đàn bà. Người bình dân Việt Nam đã chất vấn phạm trù này.
5.1. Tính bất khả nhượng của yêu sách này rất rõ nét trong quan niệm
Đạo mẹ cha mất là khó kiếm,
Đạo vợ chồng chẳng hiếm chi nơi.
Mất mẹ mất cha thật là khó kiếm, chớ đạo vợ chồng chẳng thiếu gì nơi.
Bình phong cẩm ốc xà cừ,
Vợ hư để vợ, đừng từ mẹ cha.
Mất mẹ, mất cha, thật là khó kiếm.
Chớ điệu vợ chồng, không hiếm gì nơi.
Sông mô trong bằng sông An Cựu,
Hói mô quanh co bằng hói Châu Ê.
Công bất thành, duyên bất toại, anh xách nón ra về,
Mất thầy, mất mẹ, khó kiếm, chớ đạo nghĩa phu thê thiếu gì.
5.2. Người bình dân không đối kháng quan niệm hiếu mà chỉ phản ánh sự giằng co giữa tình và hiếu,không phải như là một sự giằng co giữa bổn phận và tình yêu, nhưng là một sự giằng co giữa hai sức mạnh của hai thứ tình yêu khác nhau như là một thực tại hiện sinh.
Chim kêu ải Bắc, Non Tần,
Nửa phần thương mẹ, nửa phần thương em.
Khăn xanh có ví hai đầu,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Lênh đênh nửa nước nửa dầu,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Lăm le muốn nhảy qua mương,
Nhảy thời đặng đó, còn thương mẹ già.
Một mình đứng giữa trung ương,
Bên tình bên nghĩa, biết thương bên nào.
Đặng chữ trung, bất tùng chữ hiếu.
Đăng chữ tam tòng, thất hiếu mẹ cha.
Thương nhau, nước mắt không khô,
Can trường đạo nghĩa biết chừng mô, bạn hè!
Đèo nào cao bằng đèo Châu Đốc,
Đất nào cao bằng dốc Nam Vang.
Một tiếng anh than, hai hàng luỵ nhỏ.
Anh có một mẹ già biết bỏ ai nuôi?
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Anh muốn thương nàng, biết được hay chăng.
Một mình liệu bảy lo ba,
Lo trung, lo hiếu, lo già thiệt thân.
Đoạn sầu mình, dễ thở, dễ than,
Sầu tôi khác thể, nhan tàn đêm khuya.
Buồn rầu muốn bỏ ra đi,
Sợ e thất hiếu, lỗi khi sinh thành.
Dứt đi thì dạ không đành,
Mà xa nhân ngãi như chỉ mành thắt gan.
Xách nón theo anh, bỏ mẹ sao đành,
Tấm rách ai vá, tấm lành ai may?
Vì trăng cho sóng bạc đầu,
Vì cha, vì mẹ, em phải ra màu thờ ơ.
Một tiếng em than, hai hàng luỵ nhỏ,
Em có mẹ già, biết bỏ cho ai?
Mưa sa nhỏ giọt đọt mi,
Có đôi không nói tiếng gì tôi hay.
Mình thương tôi đừng vội bắt tay,
Miệng thế gian ngôn dực, phụ mẫu hay rầy rà.
Mưa sa nhỏ giọt bông cà,
Làm sao cho đặng phụ mẫu già nuôi chung.
Xuống sông ôm đá trầm mình,
Sao em lại ở bạc tình với anh?
-Em nào dám cãi mẹ cha,
Theo anh, sợ nỗi người ta chê cười.
-Sống sao cho đặng với người,
Miễn loan gần phụng, ai cười mặc ai.
Nhớ hồi mẹ đẻ thiếp ra,
Nhai cơm, sún nước, lớn là chừng ni.
Nghe lời chàng, bỏ mẹ đi,
Thất hiếu với phụ mẫu, có hề chi không, hưở chàng?
Không nghe anh thì lỗi đạo tam tùng,
Nghe anh thì thất hiếu thất trung với mẹ thầy.
Anh không nghe thân phụ, sợ thất hiếu với thân phụ.
Nghe thân phụ thì thất hẹn với hiền thê.
Vì chưng anh mắc lấy đôi bề,
Thiếp có thương thì ơn thiếp, thiếp có chê cũng bằng lòng.
Niềm kim thạch, nghĩa cù lao,
Bên tình, bên hiếu, ở sao cho tuyền.
Đôi ta như quế trong ngăn,
Mở ra, thơm ngát, băn khoăn dạ sầu.
Thương mãi, nhớ lâu
Là mùi quế ấy.
Đưa tay nâng lấy,
Bày ra rõ ràng:
Lòng em thương anh
Chân thay yểu điệu
Còn chút mẹ già
Báo hiếu nghĩa thơ
Em tiếc công anh trăm đợi ngàn chờ
Vì ai bẻ khoá lìa tơ cho đành!
5.2. Trong cuộc giằng co này, có lúc tình yêu đối với cha mẹ đã chiếm ưu thế.Và ưu thế của hiếu đạo ở đây cũng không phải do sự vâng phục yêu cầu của Khổng giáo vì Khổng giáo chỉ đòi hỏi người đàn bà phục tòng người cha khi chưa lấy chồng, chứ không đòi hỏi người đàn bà phải ở độc thân để phụng dưỡng cha mẹ già. Đó là bổn phận của người con trai. Quyết định không lấy chồng để phụng dưỡng cha mẹ già rõ ràng là một sự tình nguyện phát xuất từ tình yêu thương đối với cha mẹ.
Cải lên ba lá ngất ngồng,
Ở vậy nuôi mẹ, lấy chồng mần chi.
Cải non ai lại ngứt nhồng,
Em nuôi thầy mẹ, lấy chồng bao lâu.
Chàng ơi! Ơn thầy ba năm cúc dục,
Nghĩa mẹ chín tháng cù lao.
Ai đền ơn cho thiếp mà nhủ thiếp trao ân tình.
Ơn hoài thai như biển,
Ngãi dưỡng dục tợ sông.
Em nguyền ở vậy phòng không,
Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận con.
Cha mẹ tóc bạc da mồi,
Ơn thâm em đền bồi không phỉ.
-Ơn cha rộng thinh thình như biển,
Nghĩa mẹ sâu thăm thẳm tựa sông.
Thương cho thân em là gái chưa chồng,
Mà lắm điều cực nhọc , não lòng thế ni.
-Công sanh dục bằng công tạo hoá.
Có cha mẹ, sau mới có chồng.
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng,
Cho nên ngày nay, dẫu thiên lao, vạn khổ, em cũng vui lòng chẳng than.
Đôi ta như bộ con cờ,
Trước ơn cha mẹ, sau nhờ phận duyên.
Giã chàng cho thiếp hồi hương,
Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường ai bi.
Văn kì thanh bất kiến kì hình,
Mặt chưa thấy mặt mà tình đã thương.
-Giã chàng chi thiếp hồi hương,
Kẻo cha mẹ thiếp trăm đường chờ mong.
5.3. Nhưng trong lãnh vực tình yêu đôi lứa, số lượng những câu ca dao, tục ngữ biểu lộ tình yêu thắng lướt hiếu đạo hay ít nhất là phản ánh một sự đối kháng tính câu thúc của đòi hỏi khắt khe của Khổng giáo trong lãnh vực hiếu đạo, nhiều gấp ba lần số câu chỉ dấu hiếu đạo thắng lướt tình yêu lứa đôi.
Mẹ cha bú mớm nâng niu,
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng
Cha mẹ bú mớm nâng niu,
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Mẹ cho bú mớm nâng niu,
Tội Trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Mình ơi! Tôi nhớ thương mình,
Mẹ cha chửi mắng, chữ tình nặng thêm.
Không men mấy thưở rượu nồng,
Bên mô cũng trọng, nghĩa chồng trọng hơn.
Tay đeo khăn gói qua sông,
Mẹ ôi! Lạy mẹ. Thương chồng phải theo.
Lạy mẹ cha, con đà lỗi đạo,
Biết ngày nào trả thảo mẹ cha.
Vai mang khăn gói sang sông,
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.
Ai kêu, ai hú bên sông,
Mẹ kêu con dạ, có chồng phải theo.
Tay mang khăn gói sang sông,
Mẹ gọi mặc mẹ, theo chồng cứ theo.
Thuyền đồng trở lái về đông,
Con đi theo chồng để mẹ cho ai?
Mẹ già đã có con trai,
Con là phận gái dám sai chữ tòng.
Chỉ thề nước biết non xanh,
Theo nhau cho trọn, tử sanh cũng đành.
Mẹ cha mà có hành thân,
Tôi nguyền bán tảo, buôn tần nuôi anh.
Đêm nằm ở dưới bóng trăng,
Thương cha, nhớ mẹ, không bằng nhớ em.
Mẹ cho bú mớm nâng niu,
Tội Trời thì chịu, không yêu bằng chồng.
Con ông Đô-đốc, Quận-công,
Lấy chồng cũng phải kêu chồng bằng anh.
Chiếc thuyền không đỗ bến Giang Đình,
Ta nay chỉ quyết lấy mình mà thôi.
Cây khô kia khá dễ mọc chồi,
Bác mẹ già chưa dễ có ở đời với ta.
Con dao vàng cắt miếng giò hoa.
Cái cò, cái vạc, cái nông,
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca.
Muối kia đổ ruột con gà,
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.
Thương cha, thương mẹ, có khi,
Thương em lúc đứng, lúc đi, lúc ngồi.
Thương cha, thương mẹ, có hồi.
Thương em, lúc đứng, lúc ngồi cũng thương.
Thuyền bồng trở lái về đông,
Con đi theo chồng, để mẹ cho ai?
-Mẹ già đã có con trai,
Con là phận gái dám sai chữ tòng.
Chỉ thề nước thẳm non xanh,
Theo nhau cho trọn, tử sanh cũng đành.
Trời cao, bể rộng mông mênh,
Ở sao cho trọn tấm tình phu thê.
Một em nói rằng thương,
Hai em nói rằng nhớ,
Ba là tình chồng,
Bốn là nghĩa vợ,
Năm là đức cù lao,
Mặc ai sớm tối ra vào,
Bạn về ta nhớ bạn, nước mắt trào như mưa.
Ngày ngày ăn bát cơm rang,
Ăn con tép mại, dạ càng long đong.
Chim sầu cất cánh bay rong,
Em nhớ nhân ngãi dốc lòng ra đi.
Chàng đừng trách em ăn ở bất nghì,
Cha cầm, mẹ giữ, chẳng đi được nào.
Chàng đi vực thẳm non cao,
Em mong tìm vào đến núi Tản Viên.
Bao giờ lỡ núi Tản Viên,
Cạn sông Tô Lịch thiếp mới quên lời chàng.
Tay cầm tấm mía tiện tư,
Nửa thời nấu mật, nữa dư nấu đường.
Em thương, thầy mẹ chẳng thương,
Nào em có quản quê hương xa gần.
Rượu ngon, rót lấy chín tuần,
Lòng em đã quyết, mười phân lấy chàng.
Thiếp liều mình thiếp như Bá Di, Thúc Tề
“bất thực Châu gia đạo vận vạn bang.”
Ví dù thầy mẹ phụ khó, tham sang,
Thiếp liều thân thiếp cho trọn với chàng một đôi.
Ví dầu cha mẹ không ưng,
Đèn chai nhỏ nhựa, em cùng lăn vô.
Ghe bầu trở lái về đông,
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi?
-Mẹ tôi đã được người nuôi,
Tôi thương chú lái, tôi xuôi một bề.
Tam Quan ngọt nước dừa xiêm,
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh.
Ví dù cha đánh, mẹ treo,
Đứt dây té xuống, em theo tới cùng.
Mặc dầu cha đánh, mẹ treo,
Đứt dây, té xuống, cũng theo chung tình.
Thương cha, thương mẹ có hồi,
Thương anh, lúc đứng, lúc ngồi cũng thương.
Thương nhau, cắp quách nhau đi,
Công cha, nghĩa mẹ, sau thì hãy hay.
Vì em không dám phụ nghĩa tào khương
Cho nên em phải lỗi với thung đường, anh biết không?
Cũng vì chỉ vấn tơ vương,
Cho nên lỗi với thung đường mẹ cha.
5.4. Trong tâm lý giằng co giữa tình thương cha mẹ và tình yêu lứa đôi, không những tình yêu đôi lứa đã tỏ ra là đã chiếm được vị thế ưu tiên, người bình dân còn đòi hỏi tình yêu có một chỗ đứng quan trọng, nếu không hơn, thì ít nhất cũng ngang bằng so với hiếu đạo.
Chữ Trung, chữ Hiếu, Chữ Hoà,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
Chữ Trung thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hoà thờ anh.
Nhà anh cách đây, nhà em cách đó,
Cách đây, cách đó, cách chẳng bao xa.
Đi đâu, chẳng ghé lại nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.
Mình về, ta chẳng cho về,
Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.
Chữ “trung” thì để phần cha,
Chữ “hiếu” phần mẹ, đôi ta chữ “tình”
Thờ cha kính mẹ đã đành,
Theo đôi theo lứa mới thành thất gia.
Mình giữ chữ trung, hiếu, còn thiếu chữ ân tình,
Đạo chồng, nghĩa vợ, sao mình vội vong.
Làm thơ giấy trắng, cẩn phong,
Tình thương, nghĩa nhớ ở trong thơ này.
Xem thơ nước mắt nhỏ đầy,
Thương tui đừng gởi thư này làm chi.
Nhện giăng trướng án bổ vi,
Hai đứa mình chồng vợ, sợ chi tiếng đồn.
Chí hiếu, chí trung, chí đễ.
Thầy mẹ mà thương rể thì bế đến con.
Hai ta đủ mặt vuông tròn,
Thảo ngay ai trước, tiếng còn lưu đây.
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu,
Đề vô trong áo bậu bốn câu ân tình.
Một câu phân với nữ trinh,
Ơn cha, nghĩa mẹ, cho trọn tình hiếu trung.
Hai câu ta phân với anh hùng,
Đào sâu, cuốc chín, ăn chung ở đời.
Ba câu anh nói, em phải nghe lời,
Đừng nghe lời thá sự, đổi dời duyên ta.
Bốn câu nuôi chút mẹ già,
Tình chồng, nghĩa vợ, mẹ với cha, đền bồi.
Đêm khuya nước mắt ròng ròng,
Vì tôi nhớ chữ lan phòng còn xa.
Làm sao hiệp mặt đôi ta,
Đặng tôi báo hiếu mẹ với cha bên mình.
Giàu như nậu, sáng cơm chiều cá,
Nghèo như em, sáng rổ rau má, chiều trã cua đồng.
Ơn cha không bỏ, nghĩa chồng không quên.
Mẹ già hai đứa nuôi chung,
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang.
Thuốc thang, thang thuốc bỏ gừng,
Ta không bỏ bạn, bạn đừng bỏ ta.
Mẹ già là mẹ già chung,
Anh lo thang thuốc, em giùm cháo cơm.
-Thiếp đố chàng hai chữ chi mà bỏ xuống đất,
Hai chữ chi mà cất lên tra,
Hai chữ chi mà phượng tha không nổi,
Hai chữ chi mà gió thổi không bay.
Trai nam nhơn chàng đối đặng, thiếp đây theo cùng.
-Hai chữ tiền tài anh bỏ xuống đất,
Hai chữ nhân nghĩa anh cất lên tra,
Hai chữ nhớ thương phượng tha không nổi,
Chữ tình chữ hiếu gió thổi không bay.
Trai nam nhơn anh đà dối đặng, gái em rày tính răng?
(Còn tiếp: IV. TỔNG KẾT)
CƯỚC CHÚ:
*Thuý Kiều: Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh lấy cảm hứng từ Kim Vân Kiều Truyện của một tác giả người Tàu tên là Thanh Tâm Tài nhân. Kim Vân Kiều Truyệncủa Thanh Tâm Tài nhân có nguồn gốc từ Kí Tiểu Trừ Từ Hải bản mạt, một câu chuyện có thật, do Mao Khôn ghi lại, “được viết đi viết lại như Lý Thuý Kiều truyện của Đới Sĩ Lâm, Vương Thuý Kiều Truyện của Dư Hoài, v.v…” (Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung, Đặng Quốc Cơ. Truyện Kiều với Tuổi Trẻ, Toronto, Canada: Làng Văn, 1998). Nội dung của những truyện này chủ yếu chỉ nói đến việc Thuý Kiều, một người đàn bà tài hoa bị Từ Hải, một tướng giặc phản loạn, bắt và yêu mến. Sau đó Thuý Kiều bị Hồ Tôn Hiến dụ dỗ để bắt Từ Hải giết đi. Sau khi bị bắt đánh đàn hầu rượu cho Hồ Tôn Hiến, Thuý Kiều lại bị ép buộc lấy một tù trưởng dân tộc thiểu số và Thuý Kiều đã nhảy xuống sông tự vẫn. Những ký sự này không hề nói đến việc Thuý Kiều bán mình chuộc cha. Thanh Tâm Tài nhân, một tác giả không tên tuổi trong nền văn học Trung Hoa, đã viết lại thành một tiểu thuyết dài 20 hồi khoảng cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, với chủ điểm là 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thuý Kiều, với nhiều tình tiết giống với Đoạn Trường Tân thanh của Nguyễn Du. Có giả thuyết (Đại Nam liệt truyện chính biên) cho rằng nhân đi sứ ở Trung Hoa năm 1813, Nguyễn Du bắt gặp tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài nhân, cảm khái hoàn cảnh của Thuý Kiều, đã sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài tài văn chương tuyệt kỹ của Nguyễn Du, một địa hạt vượt quá giới hạn của một đoạn chú thích ngắn, độc giả cần lưu ý điểm chủ chốt của Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là minh chứng thuyết “Tài Mệnh tương đố,”: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.”
Trong văn học Trung Hoa, người ta ít thấy tác giả nào nói đến chữ Hiếu của người đàn bà. Trường hợp Thuý Kiều là một trường hợp hi nữu, nhưng lại rất phù hợp với tâm lý người Việt, nhất là phụ nữ Việt luôn luôn tỏ lòng hiếu thảo bằng tình thương sâu sắc đối với cha me. Do đó, người đàn bà Việt Nam rất yêu truyện Kiều. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam chất phác thuộc làu truyện Kiều. Ngược lại, hầu như chẳng có người đàn ông bình dân Việt Nam nào thuộc làu được truyện Kiều cả.
Post Views:
344
0 Comments