Nhân Nghĩa trong Văn Chương Bình Dân
Trong môi trường văn hoá Việt, hai từ “nhân nghĩa” thường đi đôi với nhau và có ý nghĩa thông dụng là có lòng thương người và hành vi hợp với đạo lý, với lẽ phải. Tuy nhiên, đứng về phương diện giới hạn ý nghĩa của từ ngữ thì “lòng thương người” tương đối ít nêu lên những thắc mắc, nhưng những cụm từ “đạo lý” và “lẽ phải” thì không phải ai cũng hiểu như nhau. Có thể trong một môi trường văn hoá nhất định, ngữ nghĩa của những từ này có nhiều đồng thuận mặc dù giới hạn của đồng thuận cũng có thể rất co giản tuỳ theo trình độ suy tư và học vấn.
Bài này tập trung vào: (1) việc đào sâu ngữ nghĩa của cụm từ “nhân nghĩa”, (2) ảnh hưởng của ý nghĩa của những cụm từ này trong văn hoá Việt, nhất là trong quan điểm của người bình dân qua cao dao, tục ngữ, v.v…, và (3) sự khác biệt của ảnh hưởng của những quan điểm này giữa giới khoa bảng và đại đa số người bình dân.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của từ “nhân”.
Cuốn Hán-Việt Từ-Điển (1957) của Đào Duy Anh định nghĩa từ “nhân” (仁 ) là : Hột giống – lòng thương người – Thân yêu. Nguyễn Văn Khôn trong cuốn Hán-Việt Tự-Điển (1959) định nghĩa từ “nhân” là: Hột giống – nhân đức – lòng thương người – Họ. Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn do Đặng Thế Kiệt biên tập trên mạng định nghĩa “nhân” là: Đức khoan dung, từ ái, thiện lương.
Từ những định nghĩa này, ta thấy mẫu số chung là “lòng thương người” như là ngữ nghĩa chính xác (denotation) của “nhân”. Tuy nhiên, từ “nhân” trong Khổng giáo bao gồm một không gian ngữ nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Trong sách Luận Ngữ 論語 có câu: “Tử Trương vấn nhân ư Khổng Tử. Khổng Tử viết: năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hĩ. Thỉnh vấn chi, viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ [子張問仁於孔子. 孔子曰: 能行五者於天下為仁矣. 請問之, 曰: 恭, 寬, 信, 敏, 惠]” (Dương Hóa 陽貨). Nghĩa là: “Tử Trương hỏi Khổng Tử về đức nhân. Khổng Tử đáp: Làm được năm đức trong thiên hạ thì gọi là nhân. (Tử Trương) xin hỏi là những đức gì, Khổng Tử đáp: Cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái.”
Nói cách khác, nội hàm ngữ nghĩa (connotations) của từ “nhân” còn bao gồm ý nghĩa cung, khoan, tín, mẫn, và huệ. Cung (恭) là sự kính trọng, tôn kính. Khoan (寬) là sự độ lượng, không nghiêm khắc. Tín (信) là giữ đúng lời, đáng tin cậy. Mẫn (敏) là cần cù, gắng gỏi. Huệ (惠) là lòng thương người, lòng nhân ái (Hán Việt Từ Điển Trích dẫn).
Như vậy, nghĩa hẹp chính xác của từ “nhân” là lòng thương người và nghĩa rộng của “nhân” là ngoài lòng thương người đòi hỏi phải biết kính trọng người khác; phải khoan hồng, độ lượng; phải đáng tin cậy; và phải luôn luôn kiên trì, cố gắng học hỏi. Hơn nữa, hệ luận của chữ “tín” [đáng tin cậy] là chữ “thành” (誠) có nghĩa là lòng chân thật, vì con người không thể đáng tin cậy mà không chân thật được. Do đó, cụm từ “thành tín” thường đi đôi với nhau.
Còn “nghĩa” phải được hiểu như thế nào?
Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn định nghĩa là: Sự tình đúng với lẽ phải, thích hợp với đạo lý. Đào Duy Anh định nghĩa là: Việc theo đường lối phải – Đạo chính – Việc nên làm – Hào Hiệp – tương đối với chữ “lợi” (利) (Hán-Việt Từ-Điển, 1957). Theo tác giả Nguyễn Thị Luận trong bài “Góp phần tìm hiểu phạm trù “nghĩa” trong học thuyết chính trị-đạo đức của Nho giáo sơ kỳ” thì “Trong Từ điển Bách khoa thư triết học Trung Quốc do Nhà xuất bản Mưsli, Mátxcơva ấn hành năm 1994, mục từ nghĩa giải thích rằng, “nghĩa (義, 义) là bổn phận/chính nghĩa, là sự công bằng mang tính bổn phận .”
Qua những định nghĩa này ta thấy những thành tố ngữ nghĩa (semantic features) của từ “nghĩa” bao gồm ý niệm “lẽ phải, đạo lý, công bằng, và bổn phận.” Tuy nhiên, muốn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từ “nghĩa”, chúng ta còn phải tìm cho được sự đồng thuận về cụm từ “lẽ phải”, và của cụm từ “đạo lý” trong nhận thức về ý nghĩa của hai cụm từ này. Điều này có thể thực hiện được qua phương pháp (1): khai triển những thành tố ngữ nghĩa của từ, như thí dụ về Khổng Tử vừa trích dẫn trên đây hay là phương pháp (2): trưng ra những từ có ý nghĩa đối nghịch với những từ cần được định nghĩa. Phương pháp (1) trong nhiều trường hợp, nhất là đối với những từ trừu tượng, có thể là một con đường không có điểm đến vì từ trừu tượng này lại cứ liên tục được định nghĩa bằng một hay nhiều từ trừu tượng khác. Phương pháp (2), ít nhất cũng có thể vừa đưa ra một đề nghị về ý nghĩa của từ vừa minh định giới hạn cho việc truy cứu ngữ nghĩa. Đào Duy Anh, ngoài định nghĩa bằng cách khai triển những thành tố ngữ nghĩa của từ “nghĩa” [phương pháp (1)], còn gợi ý cho chúng ta đi theo phương pháp (2) bằng cách thêm vào định nghĩa của từ “nghĩa” cụm từ “tương đối1 với chữ lợi (利)”.
Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử đề cập đến lợi 24 lần. Quan điểm chủ đạo của Khổng Tử tập trung vào đạo “nhân”, nhưng chúng ta thấy là đạo “nhân” của Khổng Tử bao hàm cả ý nghĩa của “nghĩa”, và “nghĩa” trong quan niệm của Khổng Tử vừa tương phản vừa liên hệ với “lợi”. “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi君 子 喻 義, 小 人 喻 於 利. [Quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi] (Luận Ngữ, Lý Nhân IV, 16). Quân tử khác và tương phản với tiểu nhân, “nghĩa” khác và tương phản với “lợi”. Theo Khổng Tử, mặc dù “nghĩa” tương phản với lợi, nhưng không phủ định lợi mà “lợi” được sử dụng như là một công cụ điều hướng hành vi cho đúng với đạo lý mà thôi: “kiến lợi tư nghĩa” [thấy lợi nghĩ đến nghĩa], nghĩa là khi thấy lợi thì con người phải nghĩ đến lẽ phải, sự công bằng, và bổn phận của mình đối với những điều này.
Khổng Tử đặt “nhân” cao hơn “nghĩa” với “nhân” bao trùm “nghĩa”. Mạnh Tử thì nâng “nghĩa” lên ngang hàng với “nhân” qua phạm trù “nhân nghĩa”, hoàn toàn tương phản và phủ định “lợi”. Cũng như Mạnh Tử, Tuân Tử cũng lấy “nhân nghĩa” làm phản đề với và phủ định “lợi”. Tuy nhiên quan điểm tương phản và phủ định “lợi” của Tuân Tử mang tính quyết liệt hơn vì triết thuyết của Mạnh Tử dựa trên tiền đề bản tính nguyên thuỷ của con người là thiện trong lúc bản thể luận (ontology) của Tuân Tử về con người là tính ác. Do đó, tính tương phản và phủ định của Tuân Tử dựa trên cơ sở “lý” hơn là “đức”. Tuân Tử viết: “Nhân là yêu, nghĩa là lý, người nhân yêu người, người nghĩa theo lý.”2 Tuân Tử, thầy của Hàn Phi và Lý Tư, có thể xem là tiền thân của trường phái pháp gia trong triều đại nhà Tần.
Trở lại vấn đề ý nghĩa của từ “nghĩa”, ta có thể dung nạp cả hai phương pháp: phương pháp truy tầm những thành tố ngữ nghĩa lẫn phương pháp dùng từ đối nghịch để có một ý niệm chính xác về ý nghĩa của từ “nghĩa”. “Nghĩa” có thể được định nghĩa như là “bổn phận thực thi sự công bằng dựa vào lẽ phải [lý], vào đạo lý; và lẽ phải, đạo lý có thể đòi hỏi khước từ tư lợi.” Như vậy, nhân nghĩa là ý niệm về lòng thương người và lòng thương người đòi hỏi sự kính trọng người khác, sự khoan hồng, độ lượng, sự đáng tin cậy, lòng chân thành, và sự kiên trì, cố gắng học hỏi; và là bổn phận thực thi sự công bằng dựa theo lẽ phải, đạo lý, khước từ tư lợi.
Đây là những ý niệm cơ bản trong Nho giáo mà tầng lớp trí thức đã tầm học và thấm nhuần qua bao nhiêu thế kỷ, rõ ràng nhất là từ thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ thứ XX. Tuy nhiên, tầng lớp Nho sĩ này chiếm một tỉ lệ dân số rất nhỏ mà đa số ra làm quan; số còn lại làm nghề dạy học ở các vùng đô thị hoặc ở các làng mạc thuộc vùng thôn quê. Một số các con em trong các làng, xã đã đến nhà các “thầy đồ”, tìm sư học đạo. Do đó, ảnh hưởng của những ý niệm này đã được lan truyền trong các gia đình đại chúng bình dân khắp vùng thôn quê.
Chúng ta thử tìm hiểu và xét định mức độ của những ảnh hưởng này trong quần chúng dân dã qua văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, v.v…
1. Ý nghĩa của từ “nhân” trong văn học dân gian
Người bình dân quan niệm “nhân” hay “nhơn” là căn bản, là cái gốc của con người. Cây mà gốc rễ không bám đất hay bị hư thối thì cây sẽ chết. Người mà không có “nhân” thì không phải là người.
Người không nhân như chân không rễ.
Do đó người dân rất quý trọng những người lấy “nhân” làm chuẩn mực cho cuộc sống.
Sinh ra trong cõi hồng trần,
Là người phải lấy chữ nhân làm đầu.
Số giàu, lấy khó cũng giàu.
Số nghèo, chín đụn, mười trâu cũng nghèo.
Phải duyên, phải kiếp thì theo,
Thân em có quản khó nghèo làm chi!
Chữ nhân là chữ nhất thì,
Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo
Họ trân quý “nhân” đến mức độ lấy “nhân” làm “đạo” và lấy “nhân đạo” làm tiêu chuẩn cho việc quyết định về tình yêu và hôn nhân hơn là của cải, giàu sang, danh vọng.
Một dòng nước trong, năm bảy dòng nước đục,
Một trăm người tục, một chục người thanh.
Biết đâu nhơn đạo hiền lành,
Trao thân gởi phận mới đành dạ em.
Sầu ai mặt nọ không vui,
Hay sầu duyên nợ, nói tui sầu giùm.
Ruộng sâu cấy lúa đứng chùm,
Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn.
Gặp lúc đêm khuya trăng tỏ,
Hát đôi câu đặng rõ nhân tình.
Phòng loan thục nữ một mình,
Hay là đã kết duyên tình cùng ai?
_Vẳng tai nghe ai hát,
Lòng đây bát ngát nỗi phiền.
Cô phòng giữ dạ thuyền quyên,
Chờ nơi nhân đạo, em nguyền trao thân.
1.1. Tình yêu
Người bình dân trân quý “nhân đạo”, lấy “nhân đạo” làm nền tảng cho cuộc sống, làm tiêu chuẩn cho việc quyết định về tình yêu và hôn nhân. Nhưng người bình dân hiểu ý nghĩa của từ “nhân” như thế nào?
Trong quan niệm “nhân đạo” của người bình dân, tình yêu là cốt lõi. Trước tiên, tình yêu này được thể hiện qua những cảm xúc và hành vi đối với cha mẹ, đặc biệt nhất trong văn học bình dân là tình yêu đối với mẹ.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Nhớ về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Đi đâu mà bỏ mẹ già,
Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng.
Chẳng lo thân bậu, thân qua.
Lo chút mẹ già đầu bạc, tuổi cao.
Khó nghèo đòn gánh liền vai,
Bán buôn nuôi mẹ, giàu ai mặc giàu
Khó nghèo, xé vạt vá vai,
Làm thuê nuôi mẹ, không quản ai chê cười.
Dấn mình gánh nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ, quản gì là thân.
Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Gặp anh đây, em hỏi giao hoà,
Thương em, anh có tưởng đến mẹ già em không?
Ba tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.
Mẹ già bóng ngả cành dâu,
Phòng khi chóng mặt, nhức đầu, cậy ai?
Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau, con đỡ; mắt lờ, con nuôi.
Ai về tôi gửi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Chiều chiều lo bảy, lo ba,
Lo cha mẹ già, đầu bạc, tuổi cao.
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Con cá đối nằm trên cối đá,
Con chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Chồng gần không lấy, lấy chồng xa,
Một mai cha yếu mẹ già,
Chén cơm ai xới, kỷ trà ai dâng.
Em ra lấy chồng cách một cái phá,
Nên chi phải chịu hai tiếng ly hương.
Nay đã cách trở đôi phương,
Thầy mẹ ở nhà đắng cơm, nghẹn nước, khổ trăm đường hỡi anh!
Cắn ngón tay trỏ, lấy máu đề thơ,
Gởi thơ lên kêu anh lấy vợ, đừng chờ.
Em đây còn nhỏ tuổi để cha mẹ nhờ đôi năm.
Tiếp đến là tình yêu vợ chồng. Sự liên kết giữa vợ và chồng thường bắt đầu bằng tình yêu và được được xây dựng, củng cố bằng tình yêu.
Mình về, ta chẳng cho về,
Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành,
Chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “tình” là ba.
Chữ “trung” thì để phần cha,
Chữ “hiếu” phần mẹ, đôi ta chữ “tình”.
Nhưng căn bản là sự liên kết này, ngoài tình yêu, còn được tôn vinh thành đạo, “đạo vợ chồng”, con đường chính đáng với những phép tắc, quy củ mà con người phải tuân theo.
Xét ra trong đạo vợ chồng,
Cùng nhau nương cậy để phòng nắng mưa.
Đạo vợ chồng khó lắm, bạn ơi!
Chẳng dễ như ong bướm, đậu rồi lại bay.
Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay.
Đạo vợ chồng không phải cá tôm,
Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia.
Dĩ nhiên không phải chỉ vì trân quý chữ “nhân” mà người bình dân Việt mới yêu cha mẹ, vợ chồng, anh chị em. Trong bất cứ nền văn hoá nào người ta cũng có những tình yêu này. Nhưng thực thi tình yêu này như một “đạo lý” thì có lẽ hiếm thấy. Tình yêu cha mẹ được vinh thăng qua đạo “hiếu”. Tình yêu vợ chồng được nâng lên mức “đạo vợ chồng”.
Mặt khác, tình yêu không chỉ được giới hạn trong phạm vi gia đình mà còn giăng trải ra đến những người khác nữa. Tình thương đối với tha nhân còn được người bình dân khuyến cáo là nên thương người như ta thương chính bản thân.
Thương người như thể thương thân.
Yêu con người, mát con ta.
Yêu người mới được người yêu ta.
Thương người, người lại thương ta,
Ghét người, người lại hoá ra ghét mình.
Đặc biệt là ngay cả đối với người giúp việc trong gia đình, mà các nhà tư sản trung lưu có thói quen gọi là “đày tớ”, thường bị đối xử bất công, có khi tàn nhẫn, thì người bình dân lại có một khuyến cáo rất nhân bản:
Kẻ ăn người ở trong nhà,
Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.
Thương người đày đoạ chút thân,
Chớ nên ngược đãi, lòng nhân mới là.
Một điểm nổi bật nữa là người bình dân đối kháng sự phân biệt phái tính trong tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Trong một xã hội nặng về ảnh hưởng văn hoá Trung hoa như xã hội Việt Nam, người đàn ông, nói chung, chiếm hữu nhiều đặc quyền mang tính áp chế đối với phụ nữ. Trong số con cái thì con trai thường được quý trọng hơn con gái, nhất là người con trai trưởng. Văn hoá dân dã phản đối quan điểm này.
Gái mà chi, trai mà chi,
Sinh ra có nghĩa, có nghì là hơn
1.2. Sự kính trọng
Trong tình yêu, còn có sự kính trọng, nhất là kính trọng đối với cha mẹ.
Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Thờ thì dễ, giữ lễ mới khó.
Khôn ngoan nhờ ấm ông cha,
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm
Đi đâu anh hãy ghé qua nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em
Em thì phải kính trọng anh, chị.
Chị em trên kính, dưới nhường
Là nhà có phúc mọi đường yên vui
Văn hoá, phong tục đòi hỏi đặc biệt phải kính trọng người lớn tuổi.
Cụ già như cha như mẹ, không nên coi rẻ coi thường.
Không kính lão thì chó nhai xương.
Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho.
Kính lão đắc thọ.
Giao tế xã hội còn đòi hỏi phải kính trọng mọi người, nói chung.
Quý mình, đừng khinh người.
Trọng người, người lại trọng thân,
Khinh đi, khinh lại như lần trôn qua
Tuy nhiên, kính trọng không có nghĩa là luồn cúi trước quyền lực áp bức, một hành động mà người bình dân cho là đáng khinh bỉ.
Vào luồn, ra cúi.
Đội trên, đạp dưới.
Cắm đầu rụt cổ, luồn cúi cửa quyền.
1.3. Phúc đức
“Nhân” còm bao gồm ý nghĩa giúp đỡ người khác, một hành động mà người bình dân thường gọi là “làm phước” hay “làm phúc” có nghĩa là giúp đỡ, đem lại sự tốt lành cho tha nhân. Và người làm phước như vậy được gọi là người có “đức”, tức người có phẩm hạnh, tác phong tốt đẹp, đáng làm gương mẫu cho người khác.
Hễ muốn ra con người tử tế,
Phải dễ dàng, chớ để ai hờn.
Làm ơn, ắt hẳn nên ơn,
Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ.
Trước làm phúc, sau gặp lành.
Xui nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện.
Dù tu đến cõi thiên thai,
Không bằng lượm một nhành gai giữa đườn
Cứu được một người, phúc đẳng hà sa.
Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một ngườ
Cứu một người dương gian bằng một vàn âm ti.
Một đòi hỏi thiết yếu đối với việc làm phước là cần giúp đỡ những người gặp phải hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn; như thế mới có ý nghĩa. Giúp những người ăn no, mặc đủ thì hành động không mang ý nghĩa nâng đỡ mà lắm khi có thể chỉ thể hiện sự xu nịnh mà thôi.
Giúp người khi khó mới hay,
Nói chi bồ bịch những ngày ấm
Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Nhiều ít cũng là ơn nghĩa, miếng khi đói bằng gói khi no.
Thí một chén nước, phước chất bằng non.
Khó, giúp nhau mới thảo,
Giàu, trừ nợ không ơn.
Những người đói rách tả tơi,
Rộng lòng đùm bọc những người sa cơ
Nghèo với nghèo, giúp nhau lấy thảo; giàu mặc giàu, xu nịnh ai đâu.
Một sự khôn ngoan khác của người bình dân về hành động “làm phước” là giúp phương tiện tốt hơn là giúp của vì “của” chỉ có hiệu lực nhất thời chứ phương tiện thì có thể giúp người có cơ sở để tự lập được và có tương lai.
Giúp lời, không ai giúp của,
Giúp đũa, không ai giúp cơm
Cho vàng không bằng trỏ đàng đi buôn.
Làm phước còn đòi hỏi là người làm phước không nên mong muốn người khác biết đến hành động tốt đẹp của mình hay người được làm phước phải biết ơn hay trả ơn, mặc dù người chịu ơn có bổn phận phải ghi nhớ ơn đức ban phát cho mình.
Làm lành muốn chúng biết danh,
Ấy là làm tiếng, phải lành ở mô!
Thi ân bất cầu báo
Làm phúc không cầu được phúc.
Làm ơn nên thoảng như không,
Chịu ơn nên tạc vào lòng, chớ quên
“Nhân” trong lãnh vực “làm phúc” mang ý nghĩa hành động, và “đức” là hoa trái, là kết quả thu lượm được từ hành động này. Trong niềm tin về thuyết nhân quả rất phổ biến ở mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam, càng tích trữ nhiều “đức” càng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho đời sống hiện tại của gia đình cũng như cho những thế hệ con cháu trong tương lai. Tích trữ tiền của, vàng bạc không bằng tích trữ phúc đức.
Cha mẹ để của bằng non,
Không bằng để phúc cho con ở đời
Đức trọng, quỷ thần kinh.
Tu thân tích đức.
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng.
Dĩ đức báo đức.
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Có tiền có hậu mới hay,
Có trồng cây đức mới dày nên nhân.
Trăm năm tạc một chữ đồng,
Kẻ vun cây đức, người trồng cây nhân.
Ai ơi! Đừng vội chớ lo,
Khăng khăng giữ lấy trượng phu cho bền,
Ai ơi! Giữ lấy đạo hiền,
Trồng cây lấy đức, xây nền lấy nhân
Ai ơi cứ ở cho lành,
Tu nhơn tích đức để dành về sau
1.4. Hiền lành
Hiền lành là một thành tố khác của “nhân”. Một người có nhân đạo thì không thể độc ác. Hiền lành là căn tính của nhân. Người có “nhân” tất hiền lành. Tuy nhiên, một người hiền lành không hẳn là một người có nhân đạo, nghĩa là một người hiền lành không hẳn là một người đầy ắp tình yêu, một người luôn luôn kính trọng người khác, một người sẵn sàng làm phước, hay luôn luôn kiên trì, cần mẫn học tập. Cũng như đức tính hiền lành, mỗi thành tố vừa nêu trên, biệt lập, cũng sẽ không làm nên “nhân”. Nhưng hiền lành, một thành tố của “nhân”, là một đức tính của con người “nhân đạo” và đức tính này có thể luyện tập được, nên người bình dân, qua kinh nghiệm sống, thường khuyên răn con người phải hiền lành và từ đức tính hiền lành có thể học hỏi để thủ đắc những đức tính khác của “nhân”.
Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức trời dành phúc cho
Cha mẹ hiền lành để phúc cho con.
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Khuyên anh ăn ở cho hiền,
Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con.
Khuyên anh ăn ở cho lành,
Kiếp này chưa gặp, để dành kiếp sau.
Ai ơi! Cứ ở cho lành,
Tu nhân tích đức, để dành về sa
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
1.5. Khoan dung
Đạo nhân còn đòi hỏi sự khoan dung, độ lượng. Một người có nhân đạo luôn luôn sẵn sàng tha thứ hoặc không để ý đến lỗi lầm của người khác, không xoi mói, không xét nét vụn vặt. Đức tính khoan dung, độ lượng là điều kiện thiết yếu của sự hoà thuận giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng, và giữa người với người, dù cho có khác biệt về quan điểm.
Có dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Người trên lượng cả bao dung,
Khiến cho bề dưới đem lòng kính yêu.
Ăn cơm mới không nên nói chuyện cũ.
Chín bỏ làm mười.
Yêu nhau, chín bỏ làm mười.
Ba vuông sánh với bảy tròn.
Nhất sự thuận, vạn sự lành.
Dĩ hoà vi quý.
Trên thuận, dưới hoà.
Gia đình trên thuận, dưới hoà,
Quý hơn tiền của, ngọc ngà, muôn xe
1.6. Cần mẫn
Sự cần mẫn trong Khổng giáo chú trọng đến sự kiên trì trong học tập, luôn luôn miệt mài tìm hiểu để trau dồi kiến thức và đạo đức. Đối với người dân nông thôn, vì đời sống đơn giản, chất phát, sự cần mẫn tập trung nhiều nhất vào việc canh tác, phương tiện sinh sống duy nhất của họ. Do đó, họ rất trân quý đức tính cần cù và kiên trì. Không những họ kiên trì trong công việc đồng áng mà còn kiên trì cả trong tình yêu đôi lứa.
Trăm năm ai chớ bỏ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Yêu em không phải em giòn,
Yêu em chất phác, việc làm siêng năng.
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Anh ơi! Cố chí canh nông,
Chín phần, ta cũng dự trong tám phần.
Hay gì để ruộng mà ngăn,
Làm ruộng lấy lúa, chăn tằm lấy tơ.
Tằm có lứa, ruộng có mùa,
Chăm làm, Trời cũng đền bù có khi…
Nghé ơi, ta bảo nghé này,
Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.
Canh một chửa nằm, canh năm đã dậy.
Đầu tắt, mặt tối.
Đại phú do thiên, tiểu phú do cần,
Thức khuya, dậy sớm, tảo tần cho quen.
Chúng ta vừa duyệt qua ý nghĩa của từ “nhân” trong quan điểm của người bình dân như được thể hiện trong lối sống hằng ngày của họ. Bây giờ chúng ta hãy tìm xem người bình dân hiểu từ “nghĩa” như thế nào.
2. Ý nghĩa của từ “nghĩa” trong văn học dân gian
Để có cơ sở đối chiếu quan điểm của người dân chất phát ở vùng thôn quê với quan điểm hàn lâm, người viết xin nhắc lại định nghĩa của từ “nghĩa” rút tỉa từ các từ điển như đã dẫn chứng ở phần trên: “nghĩa” bao gồm ý niệm lẽ phải, đạo lý, công bằng, và bổn phận.”
“Lẽ phải, đạo lý, công bằng, và bổn phận” là những từ trừu tượng có thể được cắt nghĩa khác nhau, và tuỳ bối cảnh văn hoá, có thể có ý nghĩa không những khác nhau mà còn có thể đối nghịch nhau nữa. Trong xã hội truyền thống Việt, bổn phận của một người vợ là phải vâng lời, phục vụ và tuân phục chồng, như thế mới là người phụ nữ có đạo lý. Trong xã hội tân tiến ngày nay, yêu cầu này là một yêu cầu phản nhân quyền, mang tính cách kỳ thị phái tính, đi ngược với lẽ phải, và nếu áp đặt sẽ bị xem như là vi phạm pháp luật. Một thí dụ khác là tập tục ăn thịt người thân vừa mới mất của một số bộ lạc ở châu Phi. Đối với xã hội văn mình tân tiến, thì đây là một hành động man rợ. Nhưng đối với quan điểm của những người thuộc các bộ lạc này thì hành động ăn thịt người thân khi mới mất là một hành động biểu lộ sự đau buồn, thương tiếc giống như nghi thức “để tang”, và mang ý nghĩa siêu nhiên hướng dẫn linh hồn của người đã khuất trở về trong thân xác của thế hệ con cháu. (Wikipedia, Cannibalism).
Như vậy từ “nghĩa” thực sự có ý nghĩa gì trong quan điểm của người bình dân Việt Nam.
2.1. “Nghĩa” đồng nghĩa với tình yêu
Trong ca dao, tục ngữ, người bình dân dùng từ “nghĩa” , trong một số trường hợp, đồng nghĩa với từ “nhân” trong ý nghĩa tình yêu đôi lứa:
Bạc tình chi lắm hỡi chim,
Bỏ nhành khô héo, đi tìm rừng xanh.
Bạn ham nơi kẻ dỗ người dành,
Cho nên bạn lại bỏ đành duyên ta.
Cầm dao cắt đứt ruột ra,
Ruột đau cho mấy không bằng xa nghĩa chàng.
Sông cạn, biển cạn, lời nguyền không cạn,
Núi lỡ mòn, nghĩa bạn không quên.
Đường mòn sáng xuống chiều lên,
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
Ra về nhớ nghĩa em không?
Hay thuận buồm, xuôi gió, biệt mông xa chừng!
Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi,
Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng.
Nguyện cùng dưới nước trên trăng,
Một trăm chốn cũ không bằng chỗ xưa.
Gan khô, ruột héo như dưa,
Chàng đà bạc nghĩa, thiếp chưa dứt tình.
Đêm năm canh nghe con dế thốt,
Ngày sáu khắc, lần đốt ngón tay,
Hỡi ai! Duyên cớ ai bày!
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo!
Thang nào cao bằng thang danh vọng,
Nghĩa mô trọng bằng nghĩa chồng con,
Trăm năm nước chảy đá mòn,
Xa nhau ngàn dặm, dạ còn nhớ thương.
Hết dầu, đèn cháy tới tim,
Một ngày gá nghĩa cũng niềm phu thê.
Trượng phu anh xử nghĩa vuông tròn,
Ngàn năm lưu lạc, dạ còn thương anh
2.2. “Nghĩa” cũng đồng nghĩa với “nhân nghĩa”
Ý nghĩa chính của từ “nhân” là tình yêu, là lòng thương người. Trong lúc đó người bình dân cũng dùng từ “nghĩa” với ý nghĩa tình yêu, nhất là tình yêu đôi lứa. Do đó, từ “nhân nghĩa” hay “nhơn nghĩa”, hay “nhân ngãi” cũng thường được dùng chung với nhau như một từ tổng hợp để chỉ tình yêu, nhất là tình yêu đôi lứa.
Khi em chưa có chồng, anh nỏ dốc lòng gắn bó,
Giờ em có chồng rồi, anh đón ngõ trao thư.
Ngãi nhân nhân ngãi chi giừ!
Gái có chồng như đạo bùa trừ đeo tay.
Có quán, em phụ cây đa,
Ba năm quán đổ, cây đa hãy còn.
Có mực, em tình phụ son,
Có kẻ đẹp dòn, em phụ nhơn duyên.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân nghĩa mới quên người tình xưa!
2.3. “Nghĩa” có nghĩa là “đồng cam cộng khổ”
Trong liên hệ vợ chồng, “nghĩa” bao gồm ý nghĩa luôn luôn khắn khít, gắn bó với nhau để ngọt bùi cùng hưởng, khổ cực cùng chịu.
Đôi ta là nghĩa tào khang,
Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau.
Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau.
Anh đi ghe rổi chín chèo,
Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo.
_Nợ treo thì mặc nợ treo,
Em bán bánh bèo trả nợ cho anh.
Thuyền chẳng giậm thì thuyền chẳng đi,
Giậm ra ván nát, thuyền thì long đanh.
Đôi ta cố sức lên ghềnh,
Em ra đứng mũi để anh chịu sào.
Cỏ mọc bờ giếng cheo leo,
Tay vịn chân trèo, hái trái nuôi nhau.
Cỏ mọc bờ giếng cheo leo,
Lâm chung có bậu, hiểm nghèo có qua.
Chiếc thuyền nho nhỏ, ngọn cỏ đìu hiu,
Nay nước thuỷ triều, mại lại nước rươi.
Sông sâu sóng cả, em ơi!
Chờ cho sóng lặng, buồm xuôi, ta xuôi cùng.
Trót đem nhau vào kiếp bềnh bồng,
Xuống ghềnh, lên thác, quyết một lòng cho ngoan.
2.4. “Nghĩa” bao gồm ý nghĩa “biết ơn” và “tìm cách đền ơn”
Trước tiên là sự biết ơn và đền ơn công lao của cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng, và dạy dỗ.
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Mẹ cha trượng [trọng] quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết, muôn vàn công ơn.
Đội ơn chín chữ cù lao3,
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng.
Có cha mẹ mới có mình,
Ở sao cho xứng chữ tình làm con.
Ngó lên ngọn núi Ba Non,
Công cha, nghĩa mẹ, làm con phải đền.
Dẫu nên cũng bởi mẹ cha,
Dẫu không, cũng nhớ cây đa, bến đò.
Nhớ ơn chín tháng cưu mang,
Sanh thành dưỡng dục nhọc nhằn biết bao.
Công cha, nghĩa mẹ.
Sớm thăm, tối viếng, mới đành dạ con.
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Lấy chi đền ngãi mẹ chừ,
Cưu mang chín tháng với dư mười ngày.
Thương thay chín chữ cù lao3,
Tam niên nhũ bộ, biết bao nhiêu tình.
Lên cao mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà.
Có cha mẹ mới có ta,
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng.
Áo mẹ, cơm cha.
Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết, gót con như chì.
Cha sinh, mẹ dưỡng.
Cha sinh không tày mẹ dưỡng.
Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Ơn cha là ba ngàn bảy, nghĩa mẹ là bảy ngàn ba.
Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Dạy con, con nhớ lấy lời,
Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên.
Ba năm bú mớm con thơ,
Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào.
Dạy rằng chín chữ cù lao3,
Bể sâu không ví, trời cao không bì.
Biển Đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
Chim trời ai dễ đếm lông,
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.
Trải bao gian khổ không sờn,
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Thuyền không bánh lái thuyền quày,
Con không cha mẹ, ai bày con nên.
Ru hời, ru hỡi, ru hời,
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao3 chín chữ ghi lòng con ơi!
Ân cha nặng lắm, cha ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
Công cha trọng lắm, anh ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, mang nặng đẻ đau.
Ân cha, nghĩa mẹ chưa đền,
Bậu mong ôm gối, cuốn mền theo ai?
Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gửi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
Chỗ ướt mẹ nằm, ráo xê con lại.
Con có cha như nhà có nóc, con có mẹ như măng ấp bẹ.
Con không cha như nhà không nóc,
Con không mẹ như nòng nọc đứt đuôi.
Con mất cha như cây mất cành.
Con mất cha như gà mất tổ.
Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng.
Cơm nặng, áo dày.
Nuôi con mới biết lòng mẹ cha.
Ơn cha như biển, nghĩa mẹ như trời,
Thương mừng ghét sợ, không dám trao lời thở than.
Nước mắt chảy xuôi.
Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con cho đến thành người mới nghe!
Mẹ nuôi con, biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ, kể tháng, kể ngày.
Nuôi con mới biết sự tình,
Thảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.
Miệng ru, mắt nhỏ hai hàng,
Nuôi con càng lớn, mẹ càng thêm lo.
Cơm cha, áo mẹ ăn chơi,
Bưng bát cơm người, đổ bát mồ hôi.
Mất mẹ, mất cha, thật là khó kiếm,
Chớ đạo vợ chồng chẳng thiếu gì nơi.
Ơn cha, nghĩa mẹ chưa đền,
Lẽ nào ôm gối, cuốn mền theo anh.
Ơn cha ba năm cúc dục 3,
Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang.
Ơn cha đền bạc, nghĩa mẹ đền vàng,
Em chưa đền nổi, huống chi chàng người dưng.
Công cha, đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành, con phải biết thờ hai thân.
Thức khuya, dậy sớm cho cần,
Quạt nồng, ấp lạnh, giữ phần đạo con.
Chim còn mến cội, mến cành,
Anh đây cũng biết nghĩa sanh thành công lao
Ra công báo đáp ít nhiều phận con.
Thà tôi bận rách, bận rưới
Để cho cha mẹ tôi bận lành.
Cám thương cha mẹ sinh thành ra tôi.
Bao giờ cá lý hoá long,
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng trên tay.
Một mai con cá hoá rồng,
Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành.
Công danh hai chữ tờ mờ,
Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.
Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên, phải đoái tổ tông phụng thờ.
Công ơn thầy mẹ, em không đền được,
Giao cho anh đền thế,
Ra Thanh bổ quế,
Vào Nghệ bổ sâm,
Lên non ngậm ngãi tìm trầm,
Đền công ơn phụ mẫu đã bao tâm sinh thành.
Khuyên ai gắn bó báo đền công trình thầy mẹ,
Ân nặng nhường sông, nghĩa chất non cao.
Ơn cúc dục cù lao3,
Sinh thành lo sợ biết bao.
Lo cơm bữa nhường nao,
Ẵm bồng ra vào.
Nâng niu bú mớm đêm ngày xem tày vàng ngọc.
Hay chạy hay đi, lúc nắng, lúc mư
“Nghĩa” cũng còn bao gồm ý nghĩa của “hiếu”. Hay nói cách khác “hiếu đạo” là hành động chứng tỏ sự biết ơn và tìm cách trả ơn cha mẹ.
Trời thu vừa gặp tiết lành,
Muôn dân yên khoẻ, thái bình âu ca.
Muốn cho yên nước, yên nhà,
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Trong bốn nghiệp, ra công gắng sức,
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con.
Lắng tai nghe mẹ giãi bày,
Cha sinh mẹ dưỡng sánh tày bể Đông.
Lấy gì trả nghĩa, đền công,
Ở sao cho xứng tấm lòng mẹ cha.
Nuôi con tươi tốt như hoa,
Phòng khi cha già, mẹ yếu, cậy con.
Bữa ăn không biết mùi ngon,
Đắng cay mẹ chịu vì con đêm ngày.
Cha mẹ mong tháng mong ngày,
Nặng nề chín tháng mười ngày cưu mang.
Công cha xiết kể bằng ngàn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Cha mẹ một tuổi một già,
Cù lao dưỡng dục con mà dám quên.
Mẹ cha nuôi nấng dưỡng sinh,
Bù trì khó nhọc sinh thành ra con.
Sớm khuya định tỉnh thần hôn,
Mong cho con chóng lớn khôn kịp người.
Mẹ cha vất vả mấy mươi,
Cái giường, cái chiếu, cái nôi con nằm.
Vui khi con ngủ, con ăn,
Buồn khi khó ở, nhọc nhằn không yên.
Chốn ráo con nằm đã yên,
Cha mẹ thắp đèn, thức giấc thâu đêm.
Công cha, nghĩa mẹ đừng quên,
Con nên báo đáp trả đền hẳn hoi.
Dù cho vật đổi sao dời,
Có biết công cha mẹ mới phải người hiếu trung.
Nuôi con cho được vuông tròn,
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long.
Con ơi! Cho trọn hiếu trung,
Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy!
Em dặn anh nhân nghĩa ở trọn niềm,
Giữ câu hiếu hạnh, trăm năm, em cũng chờ.
Đói lòng ăn bát cháo môn,
Để cơm nuôi mẹ cho tròn hiếu trung.
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hoà,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
-Chữ Trung thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hoà thờ anh.
Chết ba năm, sống lại một giờ,
Để coi người nghĩa phụng thờ ra sao
_Thờ chàng đĩa muối, đĩa rau,
Thờ cha cúng mẹ mâm cao, cỗ đầy.
Ơn hoài thai như biển,
Ngãi dưỡng dục tợ sông.
Em nguyền ở vậy phòng không,
Lo đàng cha mẹ cho hết lòng phận con.
Ngày đêm em may vá kiếm tiền,
Trước nuôi cha mẹ, sau tuyền đạo con.
Ai vô Quảng Nam cho tôi gửi mua đôi ba lượng quế,
Ai ra ngoài Nghệ cho tôi mua tám chín lượng sâm,
Đem về nuôi dưỡng phụ thân,
Hai ta đền đáp công ơn sinh thành.
_Cha mẹ, tóc bạc da mồi,
Ơn thâm em đền bồi không phỉ
Nên em giãi thân hèn, kim chỉ nuôi thân.
_Ơn cha rộng thinh thinh như biển,
Nghĩa mẹ sâu thăm thẳm tợ sông.
Thương cho thân em là gái chưa chồng,
Mà lắm điều cực nhọc, não lòng thế ni.
_Công sanh dục bằng công tạo hoá,
Có cha có mẹ mới có chồng.
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng
Cho nên ngày nay, dẫu thiên lao vạn khổ, em cũng bằng lòng chẳng than.
Công sanh dục bằng công Tạo hoá,
Có cha mẹ mới có vợ chồng.
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng,
Bớ anh ơi!
Nay mà em lao khổ não nùng không than.
Chàng ơi! Ơn thày ba năm cúc dục,
Nghĩa mẹ chín tháng cù lao3.
Ai đền cho thiếp mà nhủ thiếp trao ân tình.
Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Ngày nào em bé cỏn con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha, áo mẹ, công thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
Trách ai đặng cá quên nơm,
Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.
Lo đêm rồi lại lo ngày,
Ở sao hiếu thảo cho tày phận con.
Khó nghèo củi núi, rau non,
Nuôi cha nuôi mẹ cho tròn nghĩa con.
Quyết lòng lập miếu chạm rồng,
Đền ơn phụ mẫu ẳm bồng ngày xưa.
Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Cây có cội mới nẩy nhành, xanh ngọn.
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.
Lá rụng về cội.
Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội.
Cây có cội, nước có nguồn.
Công danh hai chữ tờ mờ,
Lấy gì khuya sớm phụng thờ tổ tiên.
Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên, phải đoái tổ tông phụng thờ.
Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn,
Thôi thì hai đứa mình lên non gánh đá xây lăng phụng thờ.
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền.
Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng,
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông.
Biết răng chừ cá gáy hoá rồng,
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Cha sinh mẹ dưỡng ra con,
Cũng như trời đất nước non không cùng.
Vẫn là một khí huyết chung,
Chia riêng mày mặt trong lòng sinh ra.
Bào thai chín tháng mang ta,
Kiêng khem tật bệnh ai hoà chịu chung.
Vượt bể Đông có bè có bạn,
Mẹ sinh ta vượt cạn một mình.
Sinh ta mát mẻ yên lành,
Từ nay mẹ mới nhẹ mình không lo.
Chốn lạnh ướt để cho mẹ ngủ,
Nơi ấm êm, mẹ ủ con nằm.
Năm canh con khóc cả năm,
Ôm con mẹ chịu khổ tâm lo phiền.
Khi con ốm sốt chẳng yên,
Con phiền có một, mẹ phiền bằng hai.
Ngọn đèn chong bóng canh dài,
Nghĩ thua, nghĩ được có ai ngỏ cùng.
Con rày đã yên lành mát mẻ,
Mẹ mới lòng vui vẻ không lo.
Dành riêng quà bánh nhường cho,
Sắm riêng quần áo mới đồ chiều con.
Trông con nằm ngủ, ăn ngon,
Sợ con thất ý, lại còn hờn lâu.
Hai ba tuổi độ hầu học nói,
Tập dạy cho thưa nói dần dần.
Đến chừng biết mặc áo quần,
Nuôi thầy dạy học, tập văn tập bài.
Kể với ai cửa nhà nghèo đói,
Trông cho con theo dõi người ta.
Đến ngày con bước đi ra,
Mẹ cha biết mấy thịt da hao mòn.
Đến khi con mười lăm, mười tám,
Lấy vợ cho, lại sắm cửa nhà.
Sinh ta rồi lại nuôi ta,
Cũng như Trời Đất sinh ra giống người.
Làm người trước liệu hiếu thân,
Cảm ơn cha mẹ ân cần nuôi con.
Trăm năm mấy buổi thần hôn,
Một mai mấy buổi liệu đường kính lên.
Sao cho trọn chữ tri niên,
Sao cho trọn chữ chung thiên với người.
Kể từ mẹ mới thụ thai,
Biết bao khí huyết mẹ bù cho con.
Đến ngày hình thể vẹn tròn,
Ví như vượt biển trèo non nặng nề.
Kiêng ăn, kiêng ngủ, ê chề,
Đã e chín tháng, còn e mười ngày.
Kể từ hoa nở liền tay,
Bao giờ mẹ đó, con đây, mới mừng.
Lòng yêu con mấy cho bằng,
Nâng chừng như trứng, hứng chừng hứng hoa.
Phải con hay khóc, hay la,
Ban đêm quên ngủ, ngày đà quên ăn.
Tháng hè, đưa võng liền chân,
Tháng đông ướt áo, dậy trần quản chi.
Đầy năm, biết đứng biết đi,
Dắt tay từng bước phòng khi lỡ làng.
Miếng ngon, những nhịn cùng nhường,
Ba năm bú mớm, mẹ gầy dường xác ve.
Nghĩ đà ơn mẹ nhiều bề,
Kìa như dạy dỗ lại về ơn cha.
Trông thì vòi vọi, vỏ có ruột không.
Nghèo nghư em đây, biết ơn nghĩa vợ chồng,
Đổ mồ hôi, em quạt; ngọn gió lồng, em che.
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biếc non xanh,
Ở sao cho trọn đạo sinh thành mới nên.
Giàu như nậu, sáng cơm chiều cá,
Nghèo như em sáng rỗ rau má, chiều trã cua đồng.
Ơn cha không bõ, nghĩa chồng không quên.
Làm con phải nghĩ trước sau,
Công cha, nghĩa mẹ lo âu báo đền.
Nhớ ơn cúc dục3, sanh thiềng [thành],
Núi cao bể rộng, biết đền thế nao?
Ngẫm ngùi chín chữ cù lao3!
Nỗi niềm báo đáp biết bao cho vừa.
Ngọt bùi rượu sớm trà trưa,
Nóng toan quạt mát, lạnh ngừa sưởi than.
Mai hôm hầu hạ dưới màn,
Hết lòng phụng dưỡng cho toàn đạo con.
Công cha ba năm sinh thành tạo hoá,
Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang.
Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa báo ân,
Lên non gánh đá, xuống xây lăng phụng thờ.
Ngoài việc nhớ ơn cha mẹ, nhớ ơn thầy là một điểm đặc thù của xã hội truyền thống Việt Nam. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì sự giao tiếp giữa thầy và trò trong xã hội cổ học rất mật thiết như tình cha con. Trong hầu hết các trường hợp, học trò đến học ở nhà thầy, giúp đỡ quét dọn trong nhà thầy. Và giáo huấn không phải chỉ giới hạn trong văn chương, chữ nghĩa mà còn bao gồm cả luân lý, đạo đức để môn sinh trở thành người đạo đức toàn vẹn có thể gánh vác trách nhiệm xã hội. Luân lý, đạo đức là then chốt của nền cổ học: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Do đó, vị trí thứ bậc của vai trò người thầy trong xã hội cổ học rất cao: “Quân, sư, phụ”. Trên hết là vua, thứ đến là ông thầy, và người cha đứng ở vị thế thứ ba. Sự tôn trọng thầy đến như thế cũng có căn do hữu lý ở điểm xã hội truyền thống cổ gồm 90% là nông dân, cho nên sự giáo huấn con em thành người đạo đức, tài năng gần như hoàn toàn là trách nhiệm của ông thầy. Truyền thống trọng thầy này vẫn được tiếp tục cho đến quá tiền bán thế kỷ thứ 20 mặc dù ở tiền bán thế kỷ 20, chương trình giáo dục đặt nặng kiến thức nhân văn và khoa học hơn là luân lý, đạo đức. Tuy nhiên chương trình giáo khoa vẫn có phần “luân lý, đạo đức” ở bậc tiểu học và “công dân giáo dục” ở bậc trung học. Nói chung, phụ huynh và học sinh vẫn quý trọng thầy cô và mặc nhiên cũng mong đợi thầy cô có tác phong đạo đức, làm gương mẫu cho con em.
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.
Con ơi ghi nhớ điều này,
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây,
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.
Mấy ai là kẻ không thầy,
Thế gian thường nói, đố mầy làm nên.
Dốt kia thì phải cậy thầy,
Vụng kia cậy thợ thì mầy làm nên
Không thầy, đố mầy làm nên.
Một chữ nên thầy.
Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa.
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Mẹ cha công đức sinh thành,
Ra trường thày dạy học hành cho hay.
Muốn khôn thì phải có thầy,
Không thầy dạy dỗ, đố mày làm nên.
Mười năm luyện tập sách đèn,
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy,
Yêu kính thầy, mới làm thầy,
Những phường bội bạc, sau này ra chi!
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy.
Có trọng thầy mới được làm thầy.
Có thờ thầy mới làm được thầy.
Không thầy, không sách, quỷ thần không trách được.
Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy.
Bồng bồng mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ, phải yêu mến thầy.
Có thờ thầy mới được làm thầy.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có danh, có vọng, nhớ thầy khi xưa.
Biết ơn và tìm cách trả ơn là một đức tính không những chỉ được áp dụng cho cha mẹ, cho thầy cô mà còn được áp dụng với tất cả những ai đã làm ơn cho mình.
Người bình dân đặt nặng vấn đề biết ơn và trả ơn. Họ thường nhắc nhở đến vấn đề “ơn nghĩa”. Và biết ơn có nghĩa là phải tìm cách đền ơn, và của đền đáp công ơn nên quý giá hơn là ơn nghĩa mình đã nhận được.
Ơn ai một chút chớ quên,
Oán ai một chút để bên cạnh lòng.
Ăn cám, trả vàng.
Ăn đấu, trả bồ.
Ăn mận, trả đào.
Vay một, trả mười.
Ăn tấm, trả rặt [gạo nguyên hột].
Vay chín trả mười,
Hòng khi thiếu thốn có người cho vay.
Của một đồng, công một nén. (1 đồng cân=1/10 lạng; 1 nén= 10 lạng)
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn gạo, nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Nào ai vun quén cho mầy mầy ăn.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông.
Đường đi cách bến, cách sông,
Muốn qua dòng nước, nhớ ông lái đò.
Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi.
Ân thâm, nghĩa trọng.
Vay nên ơn, trả nên nghĩa.
Ơn kia nặng biết mấy cân,
Mênh mông trời bể, mấy tầng cao sâu!
Muốn ăn quả chín, nhớ người trồng cây.
Uống nước, nhớ kẻ đào giếng.
Uống nước sông, nhớ mạch suối.
Uống nước nhớ nguồn.
Nhớ ơn gầy dựng xưa kia,
Núi công bể đức, đầm đìa móc sương
Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.
Ân trả, nghĩa đền.
Ân báo, nghĩa đền.
Ân đền, oán trả.
Muốn ăn quả chín, nhớ ơn người trồng.
Ăn cây nào, rào cây ấy.
Ăn của Bụt, thắp hương giả Bụt.
Ăn của người, vâng hộ người.
Uống nước dễ quên người đào mạch.
Uống nước, nhớ kẻ đào giếng.
Uống nước sông, nhớ ngọn nguồn.
Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây; uống nước sông, nhớ mạch suối.
Ăn quả, phải vun cây.
Ăn táo, phải rào cây táo.
2.5. “Nghĩa” còn bao gồm ý nghĩa “thuỷ chung”
“Nghĩa” hay “nhân nghĩa” hay “tình nghĩa” với sự chú trọng vào từ “nghĩa” đòi hỏi sự thuỷ chung. Nói cách khác, thuỷ chung là hệ luận của nhân nghĩa. Và “nghĩa” đã trở thành đạo: “đạo nghĩa”:
Chèo ghe vượt sóng qua sông,
Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm, ai ơ
Đạo lý đã được quần chúng chấp nhận sẽ chuyển hoá thành mạch sống của nhân dân. Do đó người dân trân quý “đạo nghĩa” cũng như trân quý “nhân đạo” và lấy “đạo nghĩa” làm tiêu chuẩn cho tình yêu và hôn nhân.
Đường mòn, nhân nghĩa không mòn.
Giàu lòng nhân nghĩa mọi bề,
Mới là đá tạc vàng nghi chữ giàu
Bình Sơn đất mặn đồng chua,
Nhưng mà nhân nghĩa không thua nơi nào.
Nghèo tiền, nghèo của, không nghèo,
Nghèo nhân, nghèo nghĩa, oán theo có ngày.
Từ rày khuyên kẻ có con,
Lựa người nhân nghĩa gả còn nhờ sau.
Áo rách có cách, anh thương,
Nón cời có nghĩa, anh thương nón cời.
Bạc muôn mà vô ngãi,
Người không ngãi em chẳng cần.
Kiếm nơi đạo đức, Châu Trần kết đôi.
Anh em cốt nhục đồng bào,
Vợ chồng là nghĩa, lẽ nào không thương.
Cây đa cũ, bến đò xưa,
Người mà có nghĩa, nắng mưa cũng chờ.
Người còn thì của cũng còn,
Miễn là nhân ngãi vuông tròn thì thôi.
Ruột tằm đày đoạn tơ vương,
Thấy anh có nghĩa, náu nương đợi chờ.
Đốm bò miệng chậu sáng trưng,
Thấy mình có nghĩa, lòng ưng dạ đành.
Quế già, quế lại càng tốt,
Mía già, mía lại càng ngon.
Anh ơi! Anh có thương em mà đạo nghĩa vuông tròn,
Cách mấy sông em cũng lội, mà mấy đò em cũng đưa.
Chữ đồng tình tương ứng,
Câu đồng khí tương cầu.
Tắm mưa trải gió mặc dầu,
Nầy, bớ bậu ơi!
Anh kiếm nơi phải nghĩa, anh cầu kết duyên.
Trai hiếu thảo, lo chi ế vợ,
Gái chính chuyên nào sợ ế chồng.
Em lựa nơi nhân nghĩa, sợi chỉ hồng em trao.
Anh có thương hay không thì em nỏ biết,
Anh thốt nhiều lời thảm thiết hơn thương.
Thiếu chi quân tử bốn phương,
Thấy anh có ngãi, em ôm duyên đợi chờ.
Người bình dân trân quý nhân nghĩa, lấy nhân nghĩa là tiêu chuẩn cho tình yêu đôi lứa và hôn nhân, và nhân nghĩa đối với họ là một đạo lý:
Hoa thơm nhờ hương, nhờ nhuỵ,
Người có giá trị nhờ đạo đức, tác phong
Nhưng đạo đức, tác phong ở đây có nghĩa là gì.
Trổi bật nhất trong ca dao, tục ngữ là rất nhiều câu đề cập đến sự chung thuỷ trong mối tương giao nhân nghĩa của đạo vợ chồng.
Con chim kêu thương, con gà gáy nhớ,
Đạo vợ nghĩa chồng, ai nỡ đành xa.
Ra về đàng rẽ chia tư,
Đạo chồng nghĩa vợ, ai có trao thư, đừng cầm.
Đốn cây, ai nỡ dứt chồi,
Đạo chồng, nghĩa vợ, giận rồi lại thương.
Dẫu rằng da trắng, tóc mây,
Đẹp thì đẹp vậy, dạ nầy không ưa.
Vợ ta dù có quê mùa,
Thì ta vẫn cứ sớm trưa vui cùng.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dầu ai đem bạc đổi chì vẫn không.
Muối mặn ba năm, muối hãy còn mặn,
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đạo vợ chồng, đừng có đổi thay,
Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày vẫn theo.
Nghĩa nhân như chén nước đầy,
Bưng đi mà đổ, hốt rày được sao!
Trăm năm ai chớ bỏ ai,
Nghĩa trong vàng đá, tình ngoài nước mây.
Đốn cây, ai nỡ dứt chồi,
Tình chồng, nghĩa vợ, giận rồi lại thương.
Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi, chớ nghĩ những lời thiệt hơn.
Chừng nào Hòn Chữ bể tư,
Cửa Nha Trang cạn nước, anh mới từ nghĩa em.
Đã rằng là nghĩa vợ chồng,
Dẫu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời.
Phụ mẫu tình thâm,
Phu thê nhơn ngãi trọng.
Non non, nước nước khơi chừng,
Ái ân đôi chữ xin đừng có quên.
Tình sâu muôn trả nghĩa đền,
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này.
Nước vơi rồi lại nước đầy,
Tình kia chưa trả, nghĩa này chớ quên.
Dùng dằng tay lại nắm tay,
Đó đây là ngãi, ngàn ngày chớ quên.
Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi,
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao.
Đứt tay một chút còn đau,
Huống chi nhân nghĩa, lìa sao cho đành.
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ,
Sa Huỳnh khô đất, em mới từ nghĩa anh.
Chừng nào núi Bụt hết cây,
Lại Giang hết nước, dạ này hết thương.
Sông cách, biển cách, lòng ta khôn cách,
Đá lỡ non mòn, nghĩa bạn không quên.
Trăm năm ước hẹn chung tình,
Trên trời dưới đất chỉ mình với ta.
Trăng kia khi khuyết, khi tròn,
Lời thề biển cạn, non mòn, chớ sai.
Vàng ròng vào lửa chẳng phai,
Búa rìu sấm sét, không phai ân tình.
Ai làm cho đó xa đây,
Cho chim thèo bẻo xa cây măng vòi.
Anh ơi nghĩ lại mà coi,
Tấm lòng em ở gương soi nào bằng.
-Em đừng than ngắn thở dài,
Nghĩa em anh giữ nào phai tấc lòng.
Đôi ta đã tạc chữ đồng,
Tử sinh, sinh tử, một lòng có nhau.
Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Thương cho đến thuở bạc đầu vẫn thương.
Vợ chồng là nghĩa phu thê,
Tay ấp má kề, sinh tử có nhau.
Gương không có thuỷ, gương mờ,
Thuyền không có lái lửng lơ giữa dòng.
Mong sao nghĩa thuỷ, tình chung,
Cho thuyền cặp bến, gương trong nghìn đời.
Dãy dọc toà ngang, giàu sang có số,
Kim Long, Nam Phổ, nước đổ về Sình.
Như đôi đứa mình, chút nghĩa ba sinh,
Có làm răng đi nữa, chúng mình không bỏ nhau!
Biển tình chìm nổi, bối rối tư lương,
Thiếp với chàng như lửa với hương.
Một mai tê dù hương tàn, lửa tắt,
Đạo nghĩa cương thường chớ bỏ nhau.
Sông sâu, nước chảy đá mòn,
Của kia ăn hết, nghĩa còn ghi xương.
Ở cho chung thuỷ vẹn toàn,
Lên non, lên dõi; xuống thuyền, xuống theo.
Ở sao cho vẹn cho toàn,
Giao ngôn chớ phụ, nghĩa vàng chớ vong.
Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
Cho thuyền cặp bến, gương trong nghìn đời.
Nguyện cùng nhau, đất chín, trời mười,
Trăm năm không bỏ nghĩa người cố tri
Câu hỏi được đặt ra là tại sao “nhân nghĩa” lại đòi hỏi sự thuỷ chung? Thường thì người đàn bà chú trọng đến tình yêu hơn là “ơn nghĩa”, hơn là việc biết ơn và đền ơn. Đa số đàn bà chỉ muốn mãi mãi yêu chồng và luôn luôn được chồng yêu, và cắt nghĩa ý nghĩa của từ “nhân nghĩa” qua lăng kính tình yêu.
Thiếp trao chàng câu ân, câu ái,
Chàng trao thiếp câu ngãi, câu nhân.
Cả bốn câu hợp lại Tấn với Tần nên duyên.
Ngồi mà dệt tấm tơ lòng,
Chàng mong chữ nghĩa, thiếp mong chữ tình.
Hữu bằng tự viễn phương lai,
Lạc hồ quân tử lấy ai bạn cùng.
Chữ Hiếu, chữ Trung là thầy với mẹ,
Chữ Nhân, chữ Nghĩa là ái với ân.
Nhưng một số người đàn ông, sau quan hệ vợ chồng một thời gian, không còn đắm đuối yêu đương người vợ như hồi mới cưới nữa. Lý do có thể vì bản chất của những người đàn ông này dựa hiện tượng phổ thông “quen lâu ngày hết quý”, hay vì nền văn hoá cổ truyền dung dưỡng sự dễ dãi cho người đàn ông trong việc giao tiếp nam nữ nên người đàn ông nghĩ là mình có quyền đi tìm hương sắc mới lạ.
Ngày xưa ta chửa lấy mày,
Thời ta trải chiếu bàn tay cho ngồi.
Bây giờ ta lấy được rồi,
Chiếu chả cho ngồi, đất lại thả chông.
Tình trạng này thường đưa đến cảnh đa thê trong xã hội cũ mà người đàn bà không có quyền phản đối. Trong xã hội hiện đại thì tình trạng này hoặc đưa đến cảnh ly dị hoặc ngoại tình. Dĩ nhiên là không phải người đàn ông nào cũng như thế, cũng như không phải người đàn bà nào cũng chỉ biết một mực yêu chồng. Nhưng sự lạt lẽo của người đàn ông đối với vợ, sau một thời gian chung sống, là một sự kiện khá thông thường trong xã hội Việt Nam, nên nền văn hoá bình dân của Việt tộc đã kiến tạo ra một cơ chế hữu lý lôi kéo người đàn ông ra khỏi hành vi bất công này đối với người đàn bà. Đó là mối tương giao vợ chồng đã được biến thành “đạo vợ chồng”. “Đạo vợ chồng” không chỉ dựa trên tình yêu [nhân] mà còn dựa trên sự biết ơn và bổn phận phải đền ơn [nghĩa] như là những nguyên tắc đạo lý công bằng phải tuân theo. Người vợ trong bối cảnh văn hoá cổ truyền, ngoài tình yêu đối với chồng, còn phải chịu bao nhiêu là lao khổ: mang nặng, đẻ đau, chăm nuôi con cái, suốt đời chăm lo cơm nước, nhà cửa, và hằng ngày tận tuỵ săn sóc cho chồng từng chút một, trong những lúc chồng lành mạnh cũng như những lúc đau yếu, bệnh hoạn. Sự đền ơn quý giá và chính đáng nhất của người chồng là phải luôn luôn ý thức và hành động bồi đắp tình yêu đối với người vợ. Tình yêu đúng nghĩa không phải chỉ là những cảm xúc đam mê, say đắm của thuở ban đầu mà còn là một nỗ lực phát huy sự hiểu biết trưởng thành, sâu rộng và liên tục về khả năng cùng nhau san sẻ những khó khăn, đau khổ cũng như những niềm vui, hạnh phúc bằng sự nâng đỡ, hỗ trợ, và hợp tác, cũng như bằng sự khoan dung, tha thứ cho nhau suốt cuộc đời.
Ân tình này đã hết trông,
Ngãi nhơn như nước tràn đồng, khó ngăn.
Biển tình chìm nổi, bối rối tư lương,
Thiếp với chàng như lửa với hương.
Một mai tê dù hương tàn lửa tắt,
Đạo nghĩa cương thường chớ bỏ nhau.
Cầu mô cao bằng cầu danh vọng,
Nghĩa mô nặng bằng nghĩa chồng con.
Ví dầu nước chảy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm, lòng còn nhớ thương.
Đứa ở xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa.
Gừng già, gừng rụi càng cay,
Anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân.
Muốn cho đỏ lửa, sáng đèn;
Dây tình, dây nghĩa thắm bền, ai ơi!
Con cá nục gai bằng hai con cá nục vọng,
Vợ chồng nghĩa trọng, nhân ngãi tình thâm.
Xa nhau muôn dặm cũng tầm,
Gặp nhau hớn hở, tay cầm lời trao.
Ơn cha, nghĩa mẹ cao dày,
Tình chồng, nghĩa vợ thảo ngay trọn đời.
Dĩ nhiên một khi “đạo nghĩa” đã là kinh điển trong ý nghĩa “thuỷ chung” thì không thể chỉ áp dụng cho vợ chồng mà còn áp dụng cho bất cứ ai, nhất là đối với bạn bè.
Người dưng có ngãi thì đãi người dưng,
Anh em vô ngãi thì đừng anh em.
Bạn bè là nghĩa tương tri,
Sao cho sau trước một bề mới nê
2.6. “Nghĩa” đòi hỏi sự “công bằng”
Công bằng là tạo cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Con người “đạo nghĩa” không thể cho phép mình thiên vị trong cách đối xử. Để trả lời cho Tử Cống về câu hỏi điều gì có thể làm suốt đời, Khổng Tử trả lời: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác). Câu nói này xác định sự công bằng cần có trong cách đối xử với tha nhân. Tuy nhiên, Khổng Tử nhìn công bằng qua lăng kính tiêu cực. Khổng Tử dạy là điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác, chứ Khổng Tử không dạy là hãy làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình. Như vậy có nghĩa là có những điều mình muốn có, nhưng không khẩn thiết là mình cũng nên muốn người khác có như mình. Người bình dân không học thức nhiều, nhưng trong trường hợp cổ võ đạo lý công bằng, lại có cái nhìn tích cực khi đề cập đến điều nên làm hơn là điều không nên làm để thực thi đạo công bằng.
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Có đi có lại mới toại lòng nhau.
Ăn cho đều, kêu cho khắp.
Ăn cho đều, kêu cho sòng.
Ăn miếng chả, trả miếng nem.
Ăn quả vả, trả quả sung
Ăn cho no, đo cho thẳng.
Ăn đều, tiêu sòng.
Ân đền, oán trả.
Ân tương, cừu báo.
Hắc bạch phân minh.
Ăn cho, buôn so. (ăn uống thì cho nhau được, nhưng buôn bán thì phải sòng phẳng).
Ăn bánh trả tiền.
Ăn cái rau, trả cái dưa.
Ăn cơm trả gạo, ăn cháo trả tiền.
Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.
Ăn tám lạng, trả nửa cân (1 cân: 16 lạng).
Ăn miếng chả, trả miếng bùi.
Ăn ngọt, trả bùi.
Ăn miếng cho ngon, phải đờn [đền] cho đáng.
Ăn thì dùa [lùa], thua thì chịu.
Oán thì trả oán, ân thì trả ân.
Ơn đền ơn, oán trả oán.
Có vay, có trả mới thoả lòng nhau.
Của Bụt trả Bụt.
Của Bụt thiêu cho Bụt.
Của Trời trả Trời.
Khi giàu chẳng có đỡ ai,
Đến khi hoạn nạn, chớ ai đỡ mình.
Hệ luận của công bằng là không phân biệt đối xử, nhất là phân biệt đối xử dựa vào phái tính, tuổi tác hay chỉ vì thiên vị. Đặc biệt trong văn hoá Việt cổ truyền, chịu ảnh hưởng nặng của văn hoá “trọng nam, khinh nữ” [nam nặng, nữ nhẹ] của Trung hoa: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” [một trai là có, mười gái cũng như không], việc người bình dân Việt Nam khẳng định không nên phân biệt đối xử dựa trên phái tính hay tuổi tác là cả một cuộc cách mạng văn hoá lớn.
Chàng bao nhiêu tuổi năm nay,
Chàng rày mười tám, thiếp rày bốn ba.
Mồ cha đứa chê thiếp già,
Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim.
Trăm kim đổi lấy lạng vàng,
Mua gương Tư Mã thiếp với chàng soi chung.
Chàng về sắm sửa loan phòng,
Thiếp xin điểm phấn, tô hồng, thiếp theo
Bà già đã tám mươi tư,
Ngồi bên cửa sổ viết thư tìm chồng.
Gái mà chi! Trai mà chi!
Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn.
Tưởng rằng trong đạo mẹ cha,
Con trai, con gái cũng là một thương.
Trai mà chi, gái mà chi,
Sinh ra có ngãi có nghì là hơn.
Cũng thì con mẹ, con cha,
Cành cao vun xới, cành la bỏ liều.
Cũng là con mẹ con cha,
Con thì chín rưỡi, con ba mươi đồn
Đã đề cao công bằng thì đối kháng bất công là lẽ đương nhiên:
Con ông cháu cha.
Người ăn bát mẻ, người nằm chiếu manh.
Trời sao trời ở chẳng cân,
Người ăn không hết người mần chẳng ra.
Người thì mớ bảy, mớ ba,
Người thì áo rách như là áo tơi!
Trời sao trời ở chẳng công,
Người ba bốn vợ, người không vợ nào.
Con vua thì được làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Con vua thì được làm vua,
Con nhà kẻ khó bắt cua suốt ngày.
Con quan lại được làm quan,
Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.
Anh thì quần áo dong chơi,
Để em đi cấy, bồ hôi ướt đầm
2.7. “Nghĩa” còn được được định nghĩa bằng phản đề
“Nghĩa” vừa được định nghĩa như là bao gồm ý niệm “tình yêu”, ý niệm “biết ơn và đền ơn”, ý niệm “đồng cam cộng khổ”, ý niệm “chung thuỷ”, và ý niệm “công bằng” là những thành tố ngữ nghĩa của từ “nghĩa”, tạo nên nội hàm của “nghĩa”. Những ý niệm này đã giới hạn không gian ngữ nghĩa của từ “nghĩa” rất nhiều. Định nghĩa hàn lâm về từ “nghĩa” là “lẽ phải, đạo lý, công bằng, và bổn phận”. Những phạm trù này không những bao gồm nhiều thành tố ngữ nghĩa hơn là những ý niệm của các thành tố vừa nêu trên mà còn có thể bao gồm những ý niệm – tuỳ theo bối cảnh văn hoá – có thể mâu thuẫn với những gì thông thường được xem là “lẽ phải, đạo lý, công bằng, và bổn phận” như việc “ăn thịt người” đã được dẫn chứng trước đây.
Văn học bình dân còn giới hạn định nghĩa của từ “nghĩa” bằng cách trưng bày những ý niệm đối nghịch với phạm trù “nghĩa”, tức phủ định “nghĩa”. Sự phủ định này thường được tóm lược qua những cụm từ như “vong ơn”, “bội nghĩa”, “bạc tình”, “bạc nghĩa”, “dứt nghĩa”, “phụ nghĩa” và “bất nghĩa” được cụ thể hoá bằng những hoàn cảnh sống qua những câu ca dao như sau:
Cái cầu ba mươi sáu nhịp,
Em chẳng kịp nhắn vội với chàng.
Nghĩa tào khang sao chàng vội dứt,
Đêm nằm thao thức tưởng bức thư anh.
Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời,
Bây giờ anh ở bạc, ông Trời nào để anh.
Bạc tình chi lắm ngãi nhơn.
Chưa bao lăm ngày tháng, lo thay đờn đổi dây.
Sao đành dứt nghĩa, dứt tình,
Sao không nhớ khi lao khổ, vợ chồng mình đói no.
Nhổ bìm, nhổ lộn dây tiêu,
Trách ai ở bạc, bỏ liều vợ con.
Bạc tình thế, cũng người quân tử!
Không giận mần răng cho đặng.
Bỏ vợ chẳng hề ừ hữ, giận lắm hết khôn.
Mất chồng khó nỗi bôn chôn, thương đà hoá dại.
Đó đã đành phụ nghĩa, đây há dám vong tình.
Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Khi tươi thì hái, khi tàn thì quăng.
Đũa mun bịt bạc anh chê,
Đũa tre lâu cạnh anh mê nỗi gì.
Nắng lên cho héo lá gan,
Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy tình xưa.
Nắng lên cho héo ngọn dừa,
Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay.
Nắng lên cho héo nhành mai,
Tui rủa tối ngày kẻ chẳng thuỷ chung.
Thế gian lắm chuyện khôi hài,
Hễ ăn được cá tính bài bỏ nơm.
Trách người quân tử vô danh,
Chơi hoa, xong lại bẻ cành bán rao.
Khi nóng bắt lấy tai,
Khi nguội không biết tai là gì.
Khi chưa cầu luỵ trăm đàng,
Được rồi thì lại phủ phàng làm ngơ.
Qua cầu, lột ván, tháo đinh,
Người thương ở bạc với mình không hay.
Xưa kia anh bủng, anh beo,
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh mạnh, anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Hoạ hổ, hoạ bì, nan tri hoạ cốt,
Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm.
Ôi thôi rồi, thiếp đã lỡ lầm,
Chàng đà bạc nghĩa, thiếp ôm cầm mần chi !
Lý vọng Phu
Ca
Ơi người hơ tình nhơn ơi, a chi mà tệ, tệ lắm ơ chàng ơ.
Chi mà bạc, bạc lắm nờ.
Thương mình lắm lắm mình ơi!
Sao mình ở bạc như vôi ăn trầu.
Thương mình dạ cắt lòng đau,
Những thương mà chết, những sầu mà hư.
Cam sành chê đắng, chê hôi,
Hồng rim chê lạt, cháo bồi khen ngon.
Sen xa hồ, sen khô, hồ cạn,
Lựu xa đào, lựu ngã, đào nghiêng.
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền người bội nghĩa, biết mấy niên cho hết sầu.
Xưa kia, ăn đâu, ở đâu?
Bây giờ có bí, chê bầu rằng hôi!
Công em vun đất trồng đào,
Đến ngày ăn quả thời rào mất cây.
Biết rằng nông nổi thế này,
Thời em bẻ sạch những ngày đào non.
Bội nghĩa, vong ân.
Vô nhân, bạc nghĩa.
Chàng đà bạc nghĩa thì thôi,
Dù chàng lên ngược, xuống xuôi mặc lòng.
Huệ tàn, bướm chẳng vãng lai,
Tình thương đã phụ, trúc mai kể gì !
Sợi chỉ ngũ sắc tím vàng…
Bùa yêu ăn phải, dạ càng ngẩn ngơ.
Biết đâu trong đục mà nhờ,
Hoa xuân mất tuyết, dễ nhờ cậy ai !
Thương nhau, đứng đợi, ngồi trông,
Đêm khuya hiu quạnh loan phòng thì thôi.
Mình nay đã có vợ rồi,
Còn theo đón hỏi chi tôi thế này.
Lòng ai sao khéo tà tây,
Chớ sao chẳng nhớ những ngày thệ đoan.
Thò tay bẻ nhánh hoa tàn,
Trực nhìn thấy bạn, lòng vàng héo hon.
Hồi nào thề thốt keo sơn,
Nay sao đành phụ nghĩa ơn chung tình.
Chửa được thì hứng bằng rá,
Đã được thì đá bằng chân
Có mới thì nới cũ ra,
Mới ở trong nhà, cũ ở ngoài sân
Có cam, phụ quý
Có khế, ế chanh.
Có lê, quên lựu; có trăng, quên đèn.
Có trăng thì phụ lồng đèn,
Ba mươi, mồng một khôn tìm lấy trăng !
Có bát sứ, tình phụ bát đàn,
Nâng niu bát sứ có ngày vỡ tan.
Trách ai được miếu, phụ nghè [loại miếu nhỏ hơn].
Được chiêng, phụ trống; được bè, phụ nan.
Được chim bẻ ná, được cá quên nơm.
Uống nước dễ quên người đào mạch.
Được bạn, bỏ bè,
Được trâu, vội vã chê bê khó cày.
Tham đó, bỏ đăng.
Trách ai đặng cá quên nơm,
Để người đứt ruột trong cơn hội này.
Ai mà bạc nghĩa, quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm
Tiếc vông bỏ mản [hạt tấm] cho cu,
Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu đi
Thương tằm, ngửa áo bọc dâu,
Tưởng tằm có nghĩa, hay đâu bạc tình.
Ăn cháo, đái bát.
Ă cháo, đá bát.
Khi nóng, bắt lấy tai,
Khi nguội, chẳng biết tai là gì.
Khi ăn chẳng nhớ đến tai,
Đến khi phải bỏng, lấy ai mà rờ.
Ngày xưa ta chửa lấy mày,
Thời ta trải chiếu bàn tay cho ngồi.
Bây giờ ta lấy được rồi,
Chiếu chả cho ngồi, đất lại thả chông.
Đừng ăn cây táo mà rào cây sung.
Trách ai lấp nẻo sông Ngân,
Làm cho đôi lứa cố nhân bặt đường.
Thương nhau dòng luỵ chảy tuôn,
Trách cha mẹ gắt chẳng thương chút tình.
Anh về, em nhớ dạng nhớ hình,
Ngàn năm ly biệt đôi đứa mình phải xa.
Vái trời cho đặng chữ hiệp hoà,
Lâu lâu thăm viếng kẻo mà đợi trông.
Xin thương cho chút má hồng,
Chớ đừng bạc nghĩa, vong ân đoạn tình.
Ta đừng bội nghĩa vong ân,
Uống nơi nước nọ, nhớ chừng nguồn kia.
Ăn mít, bỏ xơ; ăn cá, bỏ lờ.
Ơn bằng cái dĩa, nghĩa bằng con ruồi.
Khi anh mặt bủng da chì,
Tay bưng bát thuốc, tay thì bát canh.
Bây giờ anh đẹp, anh xinh,
Anh lấy vợ bé, phụ tình thiếp chăng?
Một đôi lời
Nhắn bạn tình ơi!
Thề non nước giao ước kết đôi.
Trăm năm tạc dạ,
Dầu xa cách, song tình thương chớ phụ thì thôi.
Ống quyển dài khen ai khéo thổi,
Bỏ giọng trầm, nhiều nỗi đắng cay.
Anh thương em thì thương cho dày,
Đừng thương lả chả như ngày không thương.
Dặn lòng, dặn nạc, ai dễ dặn xương,
Dặn anh hai chữ cương thường đừng quên.
Dẫu mà lửa đốt một bên,
Lửa đốt mược lửa, đừng quên nghĩa vàng.
Bên đây sông, em bắc cái cầu năm mươi tấm ván,
Bên kia sông, em lập cái quán năm bảy từng thương.
Cái quán năm bảy từng thương
Là để người thương em đi buôn bán.
Cái cầu năm mươi tấm ván
Là để người thương em đi.
Trách anh sao bạc nghĩa vô nghì,
Bây giờ có đôi bạn không tiếng gì với em.
Anh đừng thấy cá phụ canh,
Thấy toà nhà ngói, phụ tranh rừng già.
Thân thiếp như cánh hoa đào,
Đang tươi, đang tốt, thiếp trao cho chàng.
Bây giờ nhuỵ rữa, hoa tàn,
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về,
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng.
Lắm quân quan, nhộn nhà hàng,
Lắm nơi lịch sự, hỡi chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi, chàng nghĩ mà coi,
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa.
Nào khi cờ bạc chàng thua,
Nào quần, nào áo, thiếp mua cho chàng.
Nào khi công nợ nhà hàng,
Thiếp tháo nhẫn bạc nhẫn vàng trao cho.
Nào khi trai gái nhà trò,
Một mình thân thiếp, chàng vò mấy phen.
Bây giờ chàng ăn ở ra dạ bạc đen,
Có bóng trăng, tình phụ bóng đèn thoảng qua.
Chàng từ, thiếp cũng xin thôi,
Bể hồ tát cạn, ai hôi mặc lòng.
Trời cao lồng lộng, đất rộng thinh thinh,
Tôi không có dạ phụ mình,
Bởi anh trước bạc, phụ tình ngãi xưa.
Được bóng trăng, chớ phụ bóng đèn,
Phòng này, phòng nọ, chớ quên phòng nào.
Mới yêu mà cũ cũng yêu,
Mới có mỹ miều, cũ có công lênh.
Trách anh chàng ăn ở ra dạ làm thinh,
Chơi hoa không thẹn với cành hoa ru!
Thôi thôi đừng ơn, đừng ngãi,
Thôi thôi đừng phải đừng không,
Đừng vợ, đừng chồng, đừng gì hết thảy.
Anh có nơi rồi, rúng rảy duyên em.
Bạc tình chi lắm hởi chim,
Bỏ cây khô héo, đi tìm cành xanh.
Nghe lời ai sớm dỗ, chiều dành,
Ngãi nhơn sao nỡ bạn tình bỏ ta.
Nào khi tôm luộc mướp bào,
Anh ăn, anh phụ, Trời nào để anh!
Có chả, anh tình phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán đình, phụ cây đa,
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Có mực thì anh phụ son,
Có kẻ đẹp giòn tình phụ nhân duyên.
Có bạc anh tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, quên tình người xưa.
Ăn cơm sao đặng mà mời,
Nước mắt lên láng, rã rời hạt cơm.
Mình ơi, đừng đặng cá quên nơm,
Đôi ta gá nghĩa, danh thơm để đời.
Cóc nghiến răng còn động đến Trời,
Sao mình chẳng tưởng mấy lời em than.
Bây giờ giáp mặt đinh ninh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.
Hay là người đã nghe ai?
Thả chông đường nghĩa, rải gai lối tình.
Con sao sáo đậu bên kia que sáo,
Mãn mùa rồi đậu lại que say.
Nợ nhà giàu không trả còn vay,
Còn duyên chàng với nợ thiếp, chớ có đổi thay tội Trời.
Dẫu rằng đá nát vàng phai,
Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh.
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan xẻ gánh chung tình làm hai?
Bây giờ người đã nghe ai,
Thả chông đường nghĩa, rắc gai lối tình.
Nhớ lời hẹn ước đinh ninh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Anh ơi có nhớ thuở cùng thề,
Cầm dao lá liễu dựa kề tóc mai.
Chữ đề vô đá lâu phai,
Nằm đêm nghĩ lại thử ai bạc tình.
Công thiếp vò võ đêm ngày,
Mà chàng ăn ở thế này, chàng ôi!
Thiếp như hoa nở đã rồi,
Xin chàng che lấy mặt trời cho tươi.
Công tôi gánh gánh gồng gồng,
Giở ra theo chồng, bảy bị còn ba.
Xưa tôi ở cùng mẹ cha,
Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành.
Bây giờ tôi về cùng anh,
Anh tham nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Đất rắn nặn chẳng nên nồi,
Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng,
Anh đi lấy vợ cách sông,
Để tôi lấy chồng trước ngõ anh ra.
Gió đưa trăng, trăng thanh vằng vặc,
Trăng đưa gió, gió mát hiu hiu.
Ngày rày anh được chỗ tân yêu,
Nghĩa nhơn hồi trước, em kêu thấu trời.
Uổng công em, cặn kẻ mấy lời,
Uổng công trao thuốc, trao trầu,
Uổng công nóng lạnh, nhức đầu, em thăm.
Uổng công mang tiếng, mang tăm,
Uổng công lụm cụm ba bốn năm với chàng.
Hồi nào ngăn ngả, đón đàng,
Bây giờ hỏi thiệt bạn vàng thương ai?
Anh đi chơi nhởn đâu đây?
Phải cơn mưa này, ướt áo, lấm chân.
Chậu nước em để ngoài sân,
Em chờ anh rửa xong chân, anh vào nhà.
Vào nhà, em hỏi tình ta
Trăm năm duyên ngãi mặn mà hay không.
Em đừng nói tốt như bột huỳnh tinh,
Hay đâu em bậu bạc tình lắm thay !
Trồng tre cho biết thứ tre,
Thứ tre lộc ngộc, thứ tre là ngà.
Trông cà cho biết thứ cà,
Thứ cà tim tím, thứ cà xanh xanh.
Trồng chanh cho biết thứ chanh,
Thứ chanh ăn quả, thứ chanh gội đầu.
Trồng dâu cho biết thứ dâu,
Thứ dâu ăn quả, thứ dâu chăn tằm.
Một nong tằm là năm nong kén,
Một nong kén là chín nén tơ.
Công anh năm đợi tháng chờ,
Sao em dứt chỉ lìa tơ cho đành
Mới yêu thì cũ cũng yêu,
Mới có mỹ miều, cũ có công lênh
2.8. “Oán thù” là phản đề phủ định “nghĩa”
“Oán thù” được dùng ở đây như một phản đề phủ định ý nghĩa của từ “nghĩa”. Có oán thù thì không có “đạo nghĩa”.
Oán cừu thì cởi, nhân nghĩa thì thắt.
Xui nhau làm phúc, không ai giục nhau đi kiện.
Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc.
2.9. “Ác độc, gian manh” như là phản đề phủ định “nghĩa”
Sự “ác độc, gian manh” được dùng như là một phản đề phủ định ý nghĩa của từ “nghĩa” và làm sáng tỏ hơn định nghĩa của từ “nghĩa”.
Có tình, có nghĩa, có mình có ta,
Còn như bạc ác, tinh ma,
Trôi sông dạt bể, ai mà vùi cho.
Cửa Nhật Lệ, sông Gianh còn đó,
Chùa Non Nước sát núi Mậu Sơn.
Dạ em đây ở thẳng như đờn,
Lòng anh cong queo, ăn ở thất nhơn, có Trời.
Những người bất nghĩa, bất nhân,
Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài.
Hay gì lừa đảo, kiếm lời,
Một nhà ăn uống, tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,
Pha phôi thực giả, tìm đường dối nhau.
Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền
Trăm mưu, nghìn kế; tay bế nhân luân.
Phước đức quý hơn bạc vàng,
Mấy người gian ác, giàu sang ích gì!
Người mà phi nghĩa đừng chơi,
Của mà phi nghĩa mấy mươi chớ màng.
2.10. “Thất tín” như là phản đề phủ định “nghĩa
Văn học bình dân định nghĩa từ “nghĩa” bao gồm những thành tố “tình yêu”, “biết ơn và đền ơn”, “đồng cam cộng khổ”, “chung thuỷ” và “công bằng”. Để giới hạn cũng như làm sáng tỏ ý nghĩa của định nghĩa này, sự“thất tín” được sử dụng như là một phản đề phủ định “nghĩa”.
Đã thề phải giữ lời thề,
Đừng như con khách, tứ bề hót vang
Có trăng, anh phụ bóng đèn,
Được nơi sang trọng, lời nguyền quên ngay.
Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
Như rựa chém xuống đất,
Như mật rót vào tai.
Bây chừ anh đã nghe ai,
Bỏ em giữa chốn non đoài, khổ chưa!
Những lời mình nói với ta,
Sông sâu hoá cạn, đường xa lại gần.
Ai ngờ ra dạ lần khân,
Sông cạn lại thẳm, đường gần lại xa.
Cất tiếng than, hai hàng luỵ nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em đây.
Em nhớ ngày nào bên ao cá lội,
Anh chỉ, anh thề không lỗi nghĩa keo sơn.
Mà giờ đây anh đã sang giàu,
Anh quên đi lời hứa buổi ban đầu cùng em.
Thiếp xa chàng như gương xa thuỷ,
Chàng xa thiếp như chỉ nọ xa canha.
Chẳng qua duyên nợ không thành,
Anh người xảo ngôn lệnh sắcb không đành thì thôi.
a chỉ dọc trong khung cửi
b giả dối, chỉ bề n
Một trăm con bướm trắng nó cắn sợi dây đờn,
Bởi anh thất ngôn lời nói, con bạn hờn trăm năm.
Thiếp nguyện với chàng đầu xanh tóc bạc,
Chàng nguyện với thiếp đá tạc thành bia.
Chàng nghe ai, sớm cách vội lìa,
Bỏ sầu cho thiếp sớm khuya một mình.
Mấy lâu mưa lụt lút biền,
Anh ơi có nhớ lời nguyền hay không?
Gió mùa thu mây mù trăng tối,
Anh không nhớ lời thệ hải, minh sơn.
Nay đà có vợ, có con,
Phỉnh duyên em từng chặng, lỡ mối tô son, ai đền.
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng,
May áo chàng cùng sóng áo em.
Chữ tình cùng với chữ duyên,
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền
Một miệng, hai lòng.
Khác nào quạ mượn lông công,
Ngoài hình xinh đẹp, trong lòng xấu xa.
Miệng thơn thới, dạ ớt ngâm.
Miệng thủ thỉ, bụng quỷ ma.
Bằng hữu chỉ ư tín
2.11. “Lợi” như là phản đề tương phả nhưng quan hệ với “nghĩa”
“Vong ơn, bội nghĩa”, “oán thù”, “ác độc, gian manh”, “thất tín” được dùng như là những phản đề của “nghĩa”, phản đề trong ý nghĩa phủ định “nghĩa” để làm sáng tỏ ý nghĩa của “nghĩa”. “Vong ơn, bội nghĩa”, “oán thù”, “ác độc, gian manh”, “thất tín” là không đạo nghĩa. Mặt khác, “lợi” cũng là phản đề của “nghĩa”, nhưng là phản đề trong ý nghĩa tương phản với, chứ không phủ định “nghĩa”. Người có đạo nghĩa vẫn có thể đi tìm cái lợi nếu cái lợi đó hữu ích cho đại chúng hay không phải do sự tham lam, ích kỷ phục vụ quyền lợi cá nhân và làm hại người khác.
Mạnh Tử và nhất là Tuân Tử rất quyết liệt trong việc phủ định “lợi” để con người có thể thi hành “đạo nghĩa”. Nhưng Khổng Tử thì chỉ nói là khi thấy “lợi” thì phải nghĩ đến “nghĩa” (kiến lợi tư nghĩa). Điều này cho ta thấy “nghĩa” vẫn có liên hệ với “lợi” mặc dù tương phản với lợi. “Nghĩa” là kim chỉ nam điều hướng hành động phân biệt cái “lợi” hữu dụng và cái “lợi” bất nghĩa; phân biệt cái “lợi” mang tính ích kỷ chỉ thoả mãn quyền lợi cá nhân, xâm hại đến quyền lợi của người khác, hay cái “lợi” mang lại hạnh phúc cho đại quần chúng nhân dân, hay mang lại lợi ích cho bản thân, nhưng không phương hại đến hay tổn thương người khác.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét người bình dân Việt phủ nhận loại “lợi” nào.
Phú tắc cộng lạc, bần tắc cộng ưu,
Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly.
Bây giờ em đặng chữ vu quy,
Ham nơi quyền quý, sá gì thân tôi.
Trọng là trọng tình, quý là quý nghĩa,
Ai đếm xỉa chi đến chữ sang hèn.
Dầu ai cho anh vàng khối, anh cũng chẳng màng.
Yêu là yêu cái lòng trong sạch của nàng với anh.
Mới gặp nhau, đừng buông lời nói quấy,
Tiền tài không trọng mấy, em quý nghĩa tào khang.
Em mê chi những hột thuỷ xoàn,
Miễn anh giữ được tấm lòng vàng đừng phai.
Tay bưng dĩa muối, chén tương,
Tương chua, muối chát, nhớ thương nghĩa chàng.
Bạn có gặp nơi nhà ngói, nhà sàn,
Nhớ hồi áo rách lang thang chưa tề?
Bạn có gặp hàng lụa phủ phê,
Nhớ hồi áo rách xưa tê không chàng?
Ăn tiêu nhớ tới múi hành,
Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào.
Mới gặp nhau đây, anh đà gài sự quấy!
Tiền tài không trọng mấy,
Nhơn nghĩa mới lâu dài.
E khi nhiễu cũ, vàng phai,
Anh ơi!
Sắc suy nghĩ tuyệt, anh bỏ ra ngoài không thương.
Khi tê một thiếp một chàng,
Không hay mô Tây lại sứ sang.
Bạc con chim kêu tốt tiếng, thiếp bỏ nghĩa chàng thiếp đi.
Hồi khi mô thuốc vấn liền tay,
Nói chơi với bạn mà đến nay bạn lấy chồng.
Rượu không men, mấy thuở rượu nồng,
Bề mô bạn cũng trọng, nghĩa bên chồng bạn hơn.
Mấy lời thệ hải minh sơn,
Cuối cùng rồi cũng chẳng chi hơn bạc tiền.
Tham giàu, phụ nghĩa, ai khen,
Như con châu chấu thấy đèn nhảy vô.
Tham vàng phụ nghĩa, ai ơi!
Vàng rồi tiêu hết, nghĩa đời còn nguyên.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, em quên anh rồi.
Có oản, em tình phụ xôi,
Có cam, phụ quýt, có người phụ ta.
Có chả, em tình phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán tình, phụ cây đa.
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Có mực, em tình phụ son,
Có kẻ đẹp giòn, em phụ nhân duyên.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, quên người tình xưa!
Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tự thiên kim.
Đứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi em ở bạc nên anh phải tìm nơi xa.
Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim.
Con le le mấy thuở chết chìm,
Người thân ở bạc còn tìm làm chi !
Tiền là gạch, ngãi là vàng.
Có vàng, quên thau.
Em nói với anh
Như rựa chém xuống đất,
Như Phật chất vào lòng,
Hoạn nạn tương cứu,
Sanh tử bất ly.
Bây giờ đặng chữ vu quy,
Em đặng nơi quyền quý,
Em nghĩ gì tới anh!
Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn,
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai.
Sợ em ham chốn tiền tài,
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ anh.
Trồng chanh đắp nấm cho chanh.
Đứng gần bên anh đôi chuỗi lên màu,
Trách lòng người nghĩa ham giàu bỏ em.
Gớm thay thời buổi Tây, Tàu,
Bỏ đường trung nghĩa, ham cầu lợi danh.
Áo nâu, kiềng bạc sáng loà,
Làm cho anh bỏ vợ nhà anh theo.
Thiếp xa chàng bơ ngơ, báo ngáo,
Chàng xa thiếp như bộ nút vàng tra áo mình sô.
Chàng tham giàu, tham có nơi mô,
Phụ phàng duyên thiếp, đổ hô cho Trời.
Thiếp xa chàng võ vàng da tóc,
Trách người quân tử ngậm ngọc vô tâm.
Bởi vì ai tham nơi tiền bạc, nhẹ gánh tình thâm.
Bỏ duyên em lơ lửng, khó cầm, lỡ buông.
Xuống đầm ngắt lá sen xanh,
Thấy chim loan phượng đỗ cành xoan dâu.
Người ơi, trở lại xơi trầu,
Ham nơi phú quý, bỏ nhau sao đành!
Tiền tài nhân nghĩa tận.
Gớm thay thời buổi Tây, Tàu,
Bỏ đường nhân nghĩa, ham cầu lợi danh.
Ngó lên cầu Trường Tiền, cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
Ngó lên tháp Thiên Mụ, tháp Thiên Mụ bảy tầng.
Anh xa em hay trọng phú khinh bần,
Mấy câu lương duyên em còn ghi tạc, chín mười phần dọi anh.
Đêm qua dồn dập mưa mau,
Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng.
Trách chàng phụ ngãi tham vàng,
Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ.
Biết nhau từ bấy đến giờ,
Đã cho bướm đậu thì chừa sâu ra.
Tham vàng, bỏ ngãi, chàng ơi!
Vàng ăn cũng hết, ngãi tôi vẫn còn.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang.
Một tiếng anh than, ba bốn đôi vàng em không tiếc,
Anh lấy đặng của rồi, trốn biệt lánh thân.
Trách con bươm bướm khôn ngoan,
Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay…
Mồ cha con bướm khôn ngoan,
Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Khuyên đừng phụ chốn khó khăn,
Khó mà biết ngãi, đạo hằng hơn sang.
Tiền tài nay đổi, mai dời,
Nghĩa nhân gìn giữ trọn đời với nhau
Thương nhau chẳng luận sang hèn,
Nghĩa nhân mới trọng, bạc tiền kể chi.
Khuyên đừng phụ chốn khó khăn,
Khó mà biết ngãi đạo hằng hơn sang.
Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng.
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền người bội nghĩa, biết mấy niên cho hết sầu.
Gió trên nhành rung cây nghiêng ngả,
Ve kêu sầu trong dạ bâng khuâng.
Gửi lời về nhắn với tình nhân,
Bấm tay kể thử ái ân ít nhiều.
Nhớ khi mô, khuya sớm mỹ miều,
Gió đưa, duyên đẩy, dặt dìu lòng thương.
Nhớ khi mô đạp tuyết, giày sương,
Bóng trăng nghiêng, mặt trời ngả, khổ trăm đường, bạn biết chưa!
Bạn không nhớ khi miếng thuốc gửi, miếng trầu đưa,
Tình không thương, sao hẹn sớm hò trưa, hỡi mình!
Bạn nói bạn không tham giàu, phú quý coi khinh,
Cớ sao bạn phụ nghĩa mình, bạn ơi!
Con cá ham mồi lạ, quên khúc sông dài,
Con chim ham cảnh lạ, đứng hát hoài nhành cây.
Gật gù chim gáy lầu tây,
Chim cu ơi! Chim cu hỡi! Lồng đây, hãy trở về!
Câu lương duyên thề nguyền giao ước,
Nghĩa sắt cầm giữ vẹn trước cũng như sau.
Anh chớ có thấy sang mà bỏ bạn cựu,
Chớ có phụ khó, tham giàu mà bỏ em.
Nhân nghĩa là chúa muôn đời,
Bạc tiền là khách qua chơi bây giờ.
Anh chẳng tham rộng ruộng, lớn vườn,
Tham vì nhơn ngãi, cương thường mà thôi
Trọng nghĩa, khinh tài
Vàng tiêu lâu cũng hết, nghĩa đến chết vẫn còn.
Vật khinh, tình trọng.
Trọng nghĩa, khinh tài.
Vị tình, vị nghĩa ; không ai vị đĩa xôi đầy.
Trăm năm không bỏ nghĩa chàng,
Mặc ai chọn bạc, đổi vàng mặc ai.
Của đầy mình không bằng tình ăn ở.
Chẳng qua duyên nợ trời sinh,
Tham vì nhân nghĩa, lợi danh chẳng màng
Giàu bên cửa ngõ không màng,
Khó mà có nghĩa, băng ngàn tìm đi.
Nghèo nhân, nghèo nghĩa thời lo,
Nghèo tiền, nghèo bạc; chẳng lo là nghèo.
Lời em nói ra bằng ba lời thế thốt,
Như đinh đóng cột,
Như rìu cốt vào cây.
Anh đừng ngại gió, e mây,
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.
_Gặp em giữa chốn vườn đào,
Kẻ giàu, người khó làm sao nên tình?
_Thế gian chuộng của, chuộng tài,
Em đây chuộng nghĩa, chẳng nài giàu sang.
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau.
Tay bưng đĩa muối sàng rau,
Muối rau có nghĩa, sang giàu đừng tham.
Vợ chồng là nghĩa phu thê,
Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau.
Chẳng tham của sẵn anh đâu,
Tham vì nhân ngãi năm đầu ngón tay.
Bao giờ cho đặng sum vầy,
Giao ca đôi mặt, dạ này mới vui.
.
Tìm vàng, tìm bạc dễ tìm,
Tìm câu nhân nghĩa, khó tìm bạn ơi!
_Ngó lên dừa ngả ba cây,
Thấy em khôn khéo, muốn gầy nghĩa nhơn.
_Nghĩa nhân ba gánh tràn trề,
Gánh từ Phù Mỹ, gánh về Bồng Sơn.
Em ngồi, em kể công ơn,
Bạc vàng nặng ít, nghĩa nhơn nặng nhiều.
Giàu sang nhiều kẻ đến nhà,
Khó khăn đến phải ruột rà xa nhau.
Được bạn bỏ bè,
Được trâu vội vã chê bê khó cày.
Được voi to, trâu bò chẳng kể.
Mặc ai chác lợi mua danh,
Miễn ta học đặng đạo lành thì thôi.
Ăn nhau, ruột thịt không từ.
Anh em thậm thật là hiền,
Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau.
Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Thấy của thì tối mắt lại
Trách ai trồng chuối dưới bàu,
Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu xác xơ.
Những cái “lợi” mà người bình dân liệt kê trên đây bao gồm của cải vật chất, tiền bạc, danh vọng, và hương sắc đàn bà mới lạ nhằm thoả mãn sự tham lam, ham muốn ích kỷ cá nhân mà bỏ quên “đạo nghĩa”. Và sự tham lam, ham muốn ích kỷ này lại không phải do công khó làm ăn của chính bản thân tự tạo ra, mà chỉ là sự tham lam, ham muốn sở hữu của người khác có sẵn đem lại cho mình. Đây là những cái lợi tương phản với “nghĩa” và đeo đuổi những cái lợi này thì không thể thi hành “đạo nghĩa” được.
Tuy nhiên, cần mở một đấu ngoặc ở đây: Có một điểm quan trọng cần lưu ý để tránh hiểu lầm. Đó là có thể có người nghĩ rằng đại đa số người dân Việt Nam xem nhẹ của cải vật chất, tiền tài, và danh vọng, nhất là khi những cái lợi này chỉ để thoả mãn quyền lợi cá nhân. Không phải vậy. Họ chỉ xem nhẹ của cải vật chất, tiền tài, danh vọng trong tương quan với “nghĩa”; nếu chỉ vì vật chất, danh vọng cho cá nhân mà dẫm nát “nghĩa” thì “nghĩa” quan trọng hơn. Thực ra, họ vẫn đặt nặng vấn đề của cải và danh vọng cho bản thân và biết rằng muốn khá giả thì phải cần cù làm việc: “đại phú do thiên, tiểu phú do cần.” Họ cũng hiểu rằng muốn giàu sang thì phải làm nghề buôn bán: “phi thương bất phú”. Cho nên quan điểm “đạo nghĩa” của người dân Việt Nam không khẩn thiết đưa đến sự trì chậm về việc phát triển kinh tế quốc gia. Ngược lại, sự cần cù và kiên trì trong công ăn việc làm cũng như ý thức về tiềm năng của thương mại là những yếu tố có khả năng đem lại giàu sang cho đất nước.
2.12. “Nghĩa” là “lẽ phải”, là “đạo lý”.
Sau khi đã định nghĩa từ “nghĩa” là tình yêu, là sự biết ơn và đền ơn, là đồng cam cộng khổ, là chung thuỷ và là công bằng; sau khi đã làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của từ “nghĩa” bằng cách trưng dẫn những phản đề phủ định “nghĩa” như vong ơn, bội nghĩa, oán thù, ác độc, gian manh, thất tín; và sau khi đưa ra phản đề “lợi” tương phản nhưng liên hệ với “nghĩa”, văn học bình dân gói trọn “đạo nghĩa” lại trong cụm từ “lẽ phải”. Và lẽ phải trong trường hợp này chỉ có thể được cắt nghĩa là tình yêu, là sự biết ơn và đền ơn, là đồng cam cộng khổ, là sự chung thuỷ, là sự công bằng. Vong ơn, bội nghĩa, oán thù, độc ác, gian manh, thất tín là không “đạo nghĩa”, và từ chối thoả mãn sắc dục một cách bất chính, chiếm đoạt của cải, tiền tài, danh vọng thuộc quyền sở hữu của người khác để thoả mãn những nhu cầu ích kỷ cá nhân thì mới thực thi được “đạo nghĩa”.
Củ cải nói phải cũng nghe.
Sợ người ở phải, hãi người cho ăn.
Khôn ngoan chẳng qua lẽ phải.
Chẳng sợ gì Trời, chỉ sợ lời nói phải.
Nói hung, nói hăng không bằng nói lẽ.
Phải chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua phép.
Ở đời mình giữ lấy mình,
Điều hay, lẽ phải đinh ninh giữ tròn.
Dây mực thẳng, mất lòng cây gỗ cong.
3. Mẫu số chung giữa “nhân” và “nghĩa
Mặc dù qua những phân tách trên đây, chúng ta thấy “nhân” và “nghĩa” có những ý nghĩa riêng biệt. Ý nghĩa chủ đạo của “nhân” là lòng thương người, là tình yêu. Ngoài ra những ý nghĩa khác của “nhân” là sự kính trọng, lòng khoan dung, độ lượng, đức tính cần mẫn, và sự hiền lành. Ý nghĩa riêng biệt trổi bật nhất của “nghĩa” trong ca dao và tục ngữ là ý niệm “biết ơn và đền ơn”; tiếp theo là ý niệm “đồng cam cộng khổ”, ý niệm “thành tín”, ý niệm “chung thuỷ”, và ý niệm “công bằng”. Nhưng qua văn chương bình dân như đã dẫn chứng, chúng ta thấy có mẫu số chung giữa “nhân” và “nghĩa”: đó là lòng thương người, là tình yêu. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta thấy người bình dân dùng từ “nghĩa” và “nhân nghĩa” đồng nghĩa với tình yêu, và do đó gần như làm mờ nhạt sự khác biệt giữa “nhân” và “nghĩa” để cho cụm từ “nhân nghĩa” trở thành một đạo lý bao gồm tất cả các thành tố vừa nêu trên
4. Những nét đặc thù của văn học bình dân trong quan điểm “nhân nghĩa”
Trước tiên, chúng ta thấy rằng những quan niệm của Khổng giáo về “nhân nghĩa” là những ý niệm trừu tượng như “cung”, “khoan”, “tín”, “mẫn”, “huệ”. Những từ trừu tượng, cũng như những công thức toán học, có khả năng thu gọn nhiều thành tố ngữ nghĩa lại trong một số ít từ. Nhưng khác với các công thức toán học ở chỗ những công thức toán học có giới hạn rõ rệt khi khai triển. Giới hạn triển khai của những từ trừu tượng thường là bối cảnh văn hoá. Nhưng ngay cả cùng một môi trường văn hoá, ngữ nghĩa của những từ trừu tượng cũng không cho người ta thấy được những trường hợp cụ thể. Ví dụ từ “cung” được cắt nghĩa là sự kính trọng, nhưng ai kính trọng ai, kính trọng như thế nào, khi nào thì sự kính trọng được thi hành, khi nào thì không nên có sự kính trọng.
Văn học bình dân định nghĩa bằng cách đưa ra những trường hợp sống hằng ngày để cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng (operational definition) ví dụ như khi định nghĩa từ “nhân” trong ý nghĩa “lòng thương người”, trong ý nghĩa “tình yêu” thì người bình dân nói đến tình yêu trước tiên đối với cha mẹ, rồi đối với vợ chồng, đối với anh chị em, và đối với những người khác. Hơn nữa, tình yêu này có một tiêu chuẩn khoanh lại giới hạn của tình yêu
Người dưng có ngãi thì đãi người dưng,
Anh em vô ngãi thì đừng anh em.
Khi đề cập đến lòng thương người đối với tha nhân, người bình dân đối kháng thái độ thường có của của những người thuộc xã hội thượng lưu hay trung lưu cũ, có học và có thể được xem là đại diện cho khuôn vàng, thước ngọc của Khổng giáo. Những giai cấp xã hội này, trong đa số trường hợp, có thói quen đối xử với người giúp việc trong gia đình một cách tồi tệ, xem họ là “người ăn”, “đứa ở”, là “đày tớ” không xứng đáng với ý nghĩa nhân phẩm, mặc dù Khổng giáo không bao giờ khuyến khích cách hành sử như vậy. Nhưng thực tế đã khích động người bình dân chống đối hành vi tồi tệ này và đưa ra một đề nghị rất nhân bản.
Kẻ ăn người ở trong nhà,
Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn.
Thương người đày đoạ chút thân,
Chớ nên ngược đãi, lòng nhân mới là.
Trong xã hội truyền thống cũ, người ta xem nhẹ vai trò và giá trị của phụ nữ và coi trọng nam giới. Không những người ta chỉ xem nhẹ mà thực sự là xem thường: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.”
Những nhà nghiên cứu hàn lâm thường phân biệt Khổng giáo hay Nho giáo chính thống với Tống Nho để chứng minh là Nho giáo chính thống không khinh miệt và áp chế phụ nữ như thế. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những hệ quả của Khổng giáo nói chung đã ăn sâu vào tiềm thức của lớp sĩ phu trong thời kỳ cổ học và ảnh hưởng của những hệ quả này trên quần chúng cũng như những phản ứng của quần chúng đối với những hệ quả này. Phản ứng của quần chúng dân dã là đối kháng lại cách thức đối xử phân biệt dựa trên phái tính cũng như tuổi tác. Và xét theo góc cạnh bối cảnh văn hoá xã hội thì đây là một cuộc cách mạng vĩ đại.
Gái mà chi! Trai mà chi!
Sinh ra có nghĩa có nghì là hơn.
Chàng rày mười tám, thiếp rày bốn ba.
Mồ cha đứa chê thiếp già,
Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim.
Trăm kim đổi lấy lạng vàng,
Mua gương Tư Mã thiếp với chàng soi chung.
Chàng về sắm sửa loan phòng,
Thiếp xin điểm phấn, tô hồng, thiếp theo.
Bà già đã tám mươi tư,
Ngồi bên cửa sổ viết thư tìm chồn
Trở lại vấn đề ý nghĩa của “nhân nghĩa”, người bình dân – qua ca dao, tực ngữ — đã sử dụng một mô thức định nghĩa bao gồm hai phương pháp: (1) phương pháp khai triển nội hàm của từ và (2) phương pháp sử dụng phản đề. Phương pháp (2) là sáng kiến độc đáo của người bình dân Việt Nam. Khi định nghĩa “nhân”, Khổng Tử đã dùng phương pháp (1) định nghĩa “nhân” bao gồm những ý niệm cung, khoan, tín, mẫn, và huệ. Khi định nghĩa từ “nghĩa”, Mạnh Tử và Tuân Tử sử dụng phương pháp mà mới nhìn qua người ta nghĩ đến phương pháp phản đề, nhưng xét kỹ thì chỉ là phương pháp định nghĩa bằng “loại trừ” (definition by elimination). Định nghĩa của từ “nghĩa” theo Mạnh Tử và Tuân Tử gồm hai vế: “nghĩa và “lợi”. Hai vế này không đi đôi với nhau, và theo Khổng Tử thì cũng không phủ định nhau. Theo Mạnh Tử và Tuân Tử, muốn thực thi “đạo nghĩa” thì cần phải loại trừ “lợi”. Người bình dân Việt Nam, qua văn chương bình dân, đã định nghĩa từ “nghĩa” bằng cách khai triển nội hàm của “nghĩa”: “Nghĩa” gồm có những ý niệm như tình thương, đồng cam cộng khổ, biết ơn và đền ơn, thành tín, chung thuỷ, và công bằng. Ngoài ra, người bình dân còn dùng phương pháp phản đề bằng cách đưa ra những từ đối nghịch (opposites) phủ định ý nghĩa của từ “nghĩa” để giới hạn và làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của từ “nghĩa”. Những từ như vong ơn, bội nghĩa, oán thù, ác độc, gian manh, thất tín là những từ đối nghịch phủ định ý nghĩa của từ “nghĩa” và làm sáng tỏ từ ý nghĩa của từ “nghĩa”: vong ơn, ác độc, thất tín… là không có đạo nghĩa. Phương pháp sử dụng những từ đối nghịch (use of opposites) để truy cứu ý nghĩa của các ý niệm (concept) mãi đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 mới được nhà ngữ học Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure khai mở và đến những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20 mới được Jacques Derida khai triển qua triết thuyết giải cấu trúc (deconstructionism) của ông
Một điểm đặc thù khác của người bình dân Việt Nam khi khai triển nội hàm của từ “nhân”, người ta không thấy “thành tín” mà, thay vào đó, chỉ thấy đức tính “hiền lành” được sắp xếp như là một thành tố ngữ nghĩa của “nhân” thay đổi phần nào mô hình định nghĩa của Khổng Tử. Nhưng người ta lại thấy “thành tín” được đề cập từ một góc độ khác. Người ta thấy sự thiếu “thành tín” hay “thất tín” được sắp xếp như là một phản đề phủ định “nghĩa”. Nói cách khác, “thất tín” là không có đạo nghĩa. Và có lẽ, theo phương pháp loại suy, người ta cũng có thể kết luận “thất tín” đối nghịch (opposite) với “thành tín”, cho nên “thành tín” là thành tố ngữ nghĩa của “nghĩa” hơn là của “nhân”, như Khổng Tử đã sắp xếp. Ngoài ra, người bình dân – qua ca dao và tục ngữ — còn định nghĩa từ “nghĩa” bằng cách khai triển nội hàm của từ “nghĩa” bằng những thí dụ cụ thể về từng hoàn cảnh sống bao gồm những thành tố như là “tình yêu”, sự “biết ơn và đền ơn”, sự “đồng cam cộng khổ”, sự “chung thuỷ”, và “công bằng” với sự “biết ơn và đền ơn” như là thành tố cốt lõi; trong lúc Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử định nghĩa “nghĩa” bằng cách bàn nhiều về “lợi” (trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử đề cập đến “lợi” 24 lần) hoặc loại bỏ “lợi” (Mạnh Tử và Tuân Tử) để hiểu rõ ý nghĩa của “nghĩa” và để thực thi đạo “nghĩa”.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Pennsylvania, Ngày 5 Tháng 3 Năm
CHÚ THÍCH
1 Đối lập nhau, nhưng có quan hệ với nhau (Đào Duy Anh, Hán-Việt Từ-Điển, 1957).
2 Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Triết Học Trung Quốc. Nxb. Thanh Niên, tr. 404-405.
3 Chín chữ cù lao: (1) Sinh: cha mẹ đẻ ra, (2) Cúc: nâng đỡ, (3) Phủ: Vỗ về, (4) Súc: cho ăn, bú mớm, (5) Trưởng: nuôi dưỡng thể xác, (6) Dục: giáo huấn, (7) Cố: trông nom, (8) Phục: quấn quýt , săn sóc không rời tay, (9) Phúc: đùm bọc, bảo vệ.
Post Views:
638
0 Comments