Một nguyên tắc căn bản là không bao giờ ở thế hoàn toàn thụ động.
—Carl von Clausewitz, Về Chiến Tranh
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
Những công việc khác nhau đòi hỏi cho việc thiết lập kế hoạch điều hành một cuộc đấu tranh bất bạo động ở bình diện chiến lược và chiến thuật đưa ra nhiều thách thức cho những người làm kế hoạch. Trong những điều kiện tốt đẹp nhất, vẫn có những khó khăn trong việc điều hợp những liên hiệp lỏng lẻo mà khả năng thường được đánh giá quá cao và những ước mong thì lại khác biệt nhau. Kết hợp những mong ước này lại thành những mục đích chung trở nên một công tác quá lớn lao đối với những người lãnh đạo phong trào thường có rất ít kinh nghiệm về phân tích và thiết kế chiến lược. Ngay cả sự giao tiếp giữa những nhóm khác biệt này cũng bị làm cho khó khăn vì nhiều nhóm đã phát triển một loại từ ngữ riêng của họ về đấu tranh bất bạo động hay là không hiểu những quan niệm tạo nên những từ thường được gắn liền với đấu tranh bất bạo động.1
Việc lập kế hoạch quân sự xảy ra thông thường trong một bối cảnh tổ chức hệ đẳng được định nghĩa rõ ràng. Còn bối cảnh tổ chức của một phong trào bất bạo động thì thường là một liên hiệp giữa những người “ngang hàng” nhau, và tất cả những người “bình đẳng” này đều mong muốn mình ở vị thế “số một giữa những người bình đẳng” này. Luôn luôn có những tố cáo trong số các nhóm khác nhau là nhóm này hay nhóm nọ đã bị nhân viên chính quyền xâm nhập (trong lúc sự thật là tất cả mọi nhóm có lẽ đều đã phần nào bị xâm nhập); có thể có bất đồng ý kiến về hình thái chính quyền nào sẽ thay thế cho chính quyền đang bị chống đối; một vài người lãnh đạo có thể bị những người khác cho là quá độc đoán, và có thể, trên thực tế, không thích hợp với những giới hạn do một xã hội dân chủ áp đặt lên chính quyền (sẽ không phải là lần đầu tiên mà một lãnh chúa giúp lật đổ một lãnh chúa bạn); và vài người có thể dấn thân vào cuộc đấu tranh bất bạo động cho tới khi nào khả năng xúc tiến một cuộc đấu tranh vũ trang trở thành một giải pháp thực sự. Dù trước sự khác biệt về mục đích và sự nghi kị như thế, chiến lược và những kế hoạch hỗ trợ vẫn phải được hoạch định.
Những Quan tâm về An ninh
Giả định là vào một lúc nào đó mọi nhóm đối lập đang tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại chính quyền sẽ bị chế độ đang bị tấn công nhắm đến và xâm nhập là một việc làm cẩn trọng. Trong lúc thẩm nhập có thể là một vấn đề hệ trọng, các điểm chỉ viên của chính quyền cũng có thể được sử dụng như là một đường giây để chuyển đạt thông tin được chọn lọc đến chính quyền. Thông tin mà các nhà lãnh đạo phong trào muốn chuyển đạt đến chính quyền có thể bao gồm những phúc trình như là phong trào dự tính duy trì bất bạo động, phong trào không dự tính thù hận, khoan hồng cho các giới chức chính quyền vẫn mở rộng, đối tượng của các nỗ lực của đối lập là cái “hệ thống” đã chấp chứa các lạm dụng về nhân quyền và tham nhũng và phong trào không chống lại tất cả những người vừa phục vụ hệ thống này vừa cũng là nạn nhân của hệ thống đó. Có lẽ cũng có thể hữu ích để cho chính quyền “khám phá” qua chính người của họ là phong trào sẽ thu nhận nhân viên trong các cơ chế quân đội, cảnh sát, và công chức vào với nền dân chủ mới, với điều kiện duy nhất là công nhận uy quyền của chính quyền mới và thề nguyền trung thành với hiến pháp mới. Cũng có thể hữu ích nữa là để cho chính quyền “khám phá” qua chính người của họ là có một danh sách những người đã từng tham dự vào công việc tra tấn và các vụ hành quyết bên ngoài luật pháp. Các nhân viên mật vụ này sẽ có thể phúc trình một cách chính xác là có một hồ sơ đích danh từng cá nhân và hồ sơ này gồm có những kết án rõ rệt về các lạm dụng và những hành động tội ác khác, cùng với hình ảnh của nạn nhân minh hoạ tội ác, và những thệ chứng của các nhân chứng, bao gồm của cả nhân viên quân đội và cảnh sát đã từng chống đối lại sự áp bức và bạo tàn được chính quyền chấp thuận. Thêm nữa, những nhân viên của chính quyền làm việc trong phong trào đối lập sẽ có thể thông báo cho cấp trên của họ biết là đã có một bản sao của tất cả những thông tin thu thập được này, được cất giữ một cách an toàn tại quốc ngoại để bảo toàn an ninh tài liệu.
Có một vài lãnh vực về đấu tranh bất bạo động không thể, và cũng không nên, giữ bí mật. Sự kiện rằng đang có đối lập chống lại chuyên chế hiển nhiên sẽ không là một ngạc nhiên đối với một nhà độc tài. Và cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng các tổ chức đang kết hợp với nhau để chống lại một nhà độc tài. Hầu như chắc chắn là bất cứ một chế độ độc đoán nào cũng biết đến những cuộc đấu tranh bất bạo động thành công trong những năm vừa qua và những cuộc đấu tranh này được xúc tiến như thế nào2. Và cũng đúng là thông tin về việc lập kế hoạch hành động mang thời gian tính, nghĩa là, giá trị của kế hoạch sẽ giảm đi rất nhiều một khi hành động đã được xúc tiến.
Mặc dù có nhiều trường hợp khi chính quyền biết được về việc thiết lập kế hoạch và quan niệm về đấu tranh có thể có lợi cho phong trào dân chủ, nhưng cũng có những sinh hoạt cần được bảo toàn an ninh, không thể tiết lộ cho đối phương được. Nói một cách tổng quát thì địa điểm và sự di chuyển của những người lãnh đạo cốt cán, những người đã có một sự hiểu biết chi tiết về các hoạt động thiết kế liên hệ đến nhiều hơn là một tổ chức, và những người khác mà nếu bị chính quyền bắt thì mạng sống của họ sẽ bị nguy hiểm. Nhóm đối kháng OPTOR của người Serb đã tổ chức lãnh đạo của họ mà hầu hết các thành viên đều không được biết đến. Lãnh đạo không bao giờ gặp nhau như là một nhóm, mà chỉ gặp từng người một một cách ngắn ngủi tuỳ theo điều kiện đòi hỏi mà thôi.
Một phương cách khác để cách li thành phần thiết kế ra khỏi phong trào rộng lớn là phương cách được sử dụng bởi Hội Đồng Quốc Gia của Liên Hiệp Miến Điện (NCUB), một tổ chức bao trùm nhiều lực lượng đấu tranh cho dân chủ chống lại nền độc tài quân phiệt tại Rangoon. Hội Đồng này thiết lập ra Uỷ Ban Thách Thức Chính Trị (PDC) để phát triển khả năng phân tích chiến lược, soạn thảo các kế hoạch, và điều hợp các hoạt động bất bạo động của các nhóm thành viên. Nhóm này phúc trình trực tiếp lên lãnh đạo NCUB.
Giá trị của Thông tin về Tổ chức
Kinh nghiệm cho thấy là một vài loại thông tin luôn luôn được cần đến để giúp cho các cấp chỉ huy quân sự làm những quyết định đúng đắn. Tham mưu quân đội có trách nhiệm bảo đảm là thông tin này luôn luôn có sẵn. Thay vì chờ đợi được trao nhiệm vụ về những loại thông tin này trước khi đi thu thập chúng, ban tham mưu phải luôn luôn tìm kiếm thông tin cần có cho việc quyết định đúng đắn, phân tích những loại thông tin này, và lưu giữ các loại thông tin này tại những địa điểm nhất định trong những tài liệu rõ rệt. Vì vậy, khi một vị tướng bước vào tổng hành dinh điều khiển của ông và hỏi: “Địch quân đang làm gì?” thì một sĩ quan tham mưu có thể trả lời ông với những thông tin cập nhật. Được báo cáo như thế, vị tướng có thể xác định được tác dụng hành động của địch lên những kế hoạch nhằm đạt những mục tiêu của ông cũng như tìm thấy những cơ hội để khởi động những hành động tiến công xa hơn.
Các kế hoạch gia cho những hoạt động bất bạo động không thể bỏ qua hằng bao nhiêu thế kỉ kinh nghiệm của các lực lượng quân đội trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch. Một khía cạnh quan trọng của việc lập kế hoạch quân sự là phương cách có hệ thống của nó: soạn thảo một phỏng định chiến lược về tình hình, chọn những đường hướng hành động, xác định sứ mạng rõ ràng, và soạn thảo những kế hoạch hành quân.Thêm nữa, một khi các mô hình và những thủ tục chuẩn định đã được theo đúng, thì thông tin có thể tìm được theo cùng một trình tự trong mỗi tài liệu kế hoạch.
Một mô hình kế hoạch cho một chiến dịch quân sự gồm có thông tin quan trọng về những gì các lực lương đối phương và các lược lượng bạn đang làm trong vùng đối tượng của chiến dịch, những mục tiêu của kế hoạch, và các tài nguyên sẽ được chuẩn bị sẵn. Xét định một mô hình kế hoạch cho một chiến dịch quân sự sẽ cung cấp một thí dụ về việc thông tin được sắp xếp như thế nào để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của những người chịu trách nhiệm thực thi kế hoạch đó. Như dàn bài dưới đây minh chứng, mô hình này cũng thích nghi được cho việc lập kế hoạch bất bạo động ở mọi cấp.
Mô hình cho Một Kế hoạch Chiến dịch
1. Tình Hình. Những tiểu đoạn dưới đây mô tả ngắn gọn môi trường hoạt động của vùng đối tượng.
1.1. Tình hình bạn. Trong tiểu đoạn này, thông tin được cung cấp về các hoạt động của các thành phần bạn chung quanh vùng đối tượng. Thông tin này được giới hạn vào loại thông tin cần phải được cân nhắc khi soạn thảo các kế hoạch chi tiết cho những công việc được chỉ định cho những công tác giao phó mà thôi.
1.2. Tình hình địch. Đoạn văn này mô tả các hoạt động của các lực lượng địch đang xảy ra xung quanh vùng đối tượng.
2. Sứ Mạng. Đây là một lời xác định Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, và Tại sao cho công tác. Không còn có thể thắc mắc ai là người chịu trách nhiệm thi hành sứ mạng, những mục đích rõ rệt cần phải tranh thủ, khi nào sẽ bắt đầu chiến dịch, và tại sao sứ mạng này là cần thiết.
3.Thi Hành.
1. Quan Niệm về Chiến Dịch. Tiểu đoạn này mô tả nhà kế hoạch có một viễn cảnh về một chiến dịch diễn biến từ đầu cho đến cuối như thế nào. Độc giả có thể “nhìn thấy sự suy tư” đằng sau sứ mạng. Sự suy tư này có thể bao gồm sự “phân chia giai đoạn”; và sự phân chia giai đoạn này làm sáng tỏ thêm những điều trông đợi sẽ xảy ra:
(1) Giai đoạn I. Chuẩn bị. Giai đoạn này mô tả những hoạt động cần thực hiện để chuẩn bị cho (các) tổ chức đã được giao phó công tác phải hoàn toàn có khả năng.
(2) Giai đoạn II. Giai đoạn này mô tả những gì sẽ xảy ra từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến khi đạt được các mục tiêu.
(3) Giai đoạn III. Nếu thích hợp thì tiểu đoạn này và các tiểu đoạn tiếp theo có thể dùng để xác nhận những hành động cần phải được thực hiện tức khắc nhằm củng cố mục tiêu hoặc dùng để mô tả những công tác tiếp nối nào cần được giao phó để cho tổ chức có thể suy nghĩ trước về công tác tới.
2. Công việc. Tiểu đoạn này xác định những công việc cụ thể giao phó cho các tổ chức tham gia.
4. Quản trị và Hậu cần. Đoạn văn này xác định các giàn xếp về điều hợp công việc quản trị và hậu cần nhằm nắm chắc sự hỗ trợ phải sẵn sàng cho chiến dịch.
Chỉ huy và Dấu hiệu. Nếu có những truyền thông và những yêu cầu về phúc trình đặc biệt, thì thông tin cần được đưa vào đoạn văn này. Nếu không thì đoạn văn này đề cập ngắn gọn đến những “theo thủ tục hiện hành”. Đối với những chiến dịch bất bạo động thì đoạn văn này tốt hơn nên gọi là “Điều Hợp và Truyền Thông” để phản ánh nhu cầu thừa nhận là phải có liên lạc giữa những người tham gia các hoạt động và những người chịu trách nhiệm điều hợp các thành phần liên hệ.
Trong mô hình này, không có đoạn văn nói về các giả định. Những giả định trong một kế hoạch được xoá đi khi tài liệu đã trở thành “lệnh” (nghĩa là khi đã có quyết định thi hành lệnh và tài liệu đã được phân phối). Quy chiếu các phụ lục (như phụ lục về hỗ trợ tuyên truyền) được ghi nhận ở phần cuối tài liệu. Phân phối các kế hoạch và các lệnh có thể có nguy cơ bị lộ. Những giả định của những người hoạch định kế hoạch cho phong trào bất bạo động sẽ là một tin tức tình báo cho chế độ đối lập. Chỉ xác định một giả định không mà thôi cũng đủ phát lộ điều mình không biết, và quan trọng hơn nữa, là phát lộ điều được xem là quan trọng. Các giả định cũng còn phát lộ phẩm chất của sự phân tích mà người viết kế hoạch có được. Các phụ lục sẽ chứa đựng thông tin chi tiết về các khả năng và dự tính của phong trào (như ở trong Phụ lục về Tuyên Truyền hay Phụ Lục về Truyền Thông) mà đối phương có thể sử dụng để chặn trước hay vô hiệu hoá trước khi kế hoạch hay lệnh được thi hành.
Mô hình dựa vào quân sự này không phải là mô hình duy nhất để sử dụng cho việc lập kế hoạch. Mô hình này có thể biến chế để thích nghi với bất cứ tổ chức nào, hay là có thể phác hoạ một mô hình mới. Tuy nhiên, bất cứ một tổ chức nào dấn thân vào một cuộc đấu tranh để thay đổi chính trị cũng nên cần phải sử dụng một mô hình bao gồm tất cả những thông tin thiết yếu. Sử dụng một mô hình như thế không những chỉ giúp hướng dẫn việc hoạch định một kế hoạch đầy đủ mà còn tránh được bỏ sót các thông tin quan trọng. Hơn nữa, một khi đã quen thuộc với mô hình, thì người đọc sẽ biết cách tìm loại thông tin mình cần ở chỗ nào trong kế hoạch.
Những Biện pháp Kiểm soát
Để phụ trợ công việc điều hợp các hoạt động của nhiều nhóm trong thời gian chiến dịch, có nhiều chọn lựa sẵn có cho người hoạch định kế hoạch sử dụng như là những biện pháp kiểm soát theo dưới đây:
- Thời gian. Khi một diễn biến nào đó được dự tính là sẽ xảy ra như là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn, thì những tài nguyên cần sử dụng cho những hoạt động khác đã được bố trí thời gian có thể cần phải được mượn từ một tổ chức khác. Do đó ấn định một khung thời gian như là “không được sớm hơn” hay là “không được trễ hơn” cho diễn biến đó có thể là một điều thích hợp. Nếu diễn biến thực sự là một phần của một chiến dịch tìm cách phản ánh một cuộc đấu tranh quần chúng thì điều quan trọng là phải được quyết định là “Không-Giờ” [Giờ Ấn Định] để mọi hoạt động đều có thể xảy ra cùng một lúc. Những nơi nào cần phải hành động dù có sự hiện diện đông đủ của cảnh sát và quân đội đàn áp tàn bạo, thì có thể thiết kế những cuộc biểu tình “chớp nhoáng” (tập họp xong, giải tán liền) tuỳ theo thời gian phản ứng phỏng định của quân đội và cảnh sát. Trong những trường hợp này, cuộc biểu tình có thể được thiết kế để đạt mục tiêu trong vòng vài phút thôi.
- Giới hạn. Một chiến lược có thể đòi hỏi nhiều chiến dịch ở nhiều địa điểm khác nhau mà tách riêng các hoạt động ở những địa điểm này là một điều thích hợp. Ví dụ, nếu phân tích thông tin gợi ý là một cột trụ chống đỡ nào đó trong tỉnh có thể bị tấn công hữu hiệu hơn nếu cổ xuý phương pháp thích nghi hơn là phương pháp cưỡng ép, thì cần phải áp đặt những giới hạn đối với một số hành động để có thể đeo đuổi những hoạt động hết sức tập trung vào việc đánh đổ cột trụ đó.
- Những Địa điểm Phối hợp. Khi có nhiều hơn là một tổ chức cùng có mặt trong một khu vực cho một nỗ lực chung thì một địa điểm nhất định cần phải được chỉ định để liên lạc với nhau nhằm phối hợp và trao đổi thông tin.
- Những Điều Khác. Những biện pháp chủ động khác cần phải được cân nhắc như là các khu vực tập họp (ngay trước khi diễn biến xảy ra) và các điểm tập trung (khi đòi hỏi phải rời bỏ địa điểm biểu tình). Dù sao thì ý kiến sử dụng một hay nhiều biện pháp chủ động là để giảm thiểu sự rủi ro làm mất đi khả năng tác động lên kết quả của một diễn biến đã được hoạch định. Một khi mất chủ động, thì mục tiêu có thể không tranh thủ được, xác suất tổn thất tăng, và tiếp theo đó là sự rối loạn giữa những người tham gia.
Kéo — Đừng Đẩy — Những Cột trụ Chống đỡ
Thiết kế chiến lược nên bao gồm những nỗ lực kết nạp vào phong trào đối kháng đấu tranh cho dân chủ những người bạn và những người bà con của những giới chức then chốt của những cột trụ chống đỡ cho nhà chuyên chế. Về điểm này thì điều quan trọng là nên đặt nặng vấn đề lôi kéo các thành viên của những cột trụ chống đỡ cốt yếu về phe đối kháng thay vì chọn những phương cách đẩy họ lún sâu vào trung tâm cơ cấu quyền lực của chế độ. Nhà chuyên chế phải đối đầu với vấn nạn về sự trung thành lâu bền của những người mà chủ mình đòi hỏi phải bắt bớ, hăm doạ, và bạc đãi những thành viên của chính gia đình mình. Một vị chỉ huy một lực lượng kiểm soát nổi loạn dĩ nhiên khó mà ra lệnh sử dụng dùi cui, dao găm, và khói gây ói, khi mà những hàng đầu của cuộc biểu tình gồm có con cái của ông ta. Theo luận lí thì vị chỉ huy này sẽ phải được thay thế bởi một vị chỉ huy khác ít kinh nghiệm hơn. Và cũng theo luận lí thì vị chỉ huy bị thay thế sẽ trở thành đối tượng kết nạp cho phong trào đối kháng đấu tranh cho dân chủ. Những khó khăn của chế độ sẽ là vô tận khi mà những cột trụ chống đỡ cho họ đã bị xói mòn một cách không còn ngăn cản được nữa.
Khả năng và Dự định
Một điều cần cân nhắc khác trong việc lập kế hoạch chiến lược là vấn đề khả năng so với dự định. Điều mà đối phương có khả năng làm không bỗng nhiên thay đổi. Mặt khác, các dự định có thể thay đổi rất nhanh chóng. Do đó, những kế hoạch có cân nhắc các khả năng có thể thích nghi với những thay đổi về dự định. Nếu chú trọng vào các khả năng, thì chúng ta có thể phần nào ngạc nhiên về một sự thay đổi trong cách sử dụng hay cách dàn quân của những lực lượng địch, nhưng những thay đổi như thế sẽ không đưa đến kết quả kinh ngạc đến mức làm tê liệt hoạt động. Bản phỏng định chiến lược cung cấp cho người làm kế hoạch chiến lược một danh sách các khả năng mà đối phương sẵn có.
Tạo Tình trạng Tiến Thoái Lưỡng Nan cho Đối phương
Một chiến lược được suy nghĩ kĩ lưỡng sẽ tìm cách tạo những cơ hội kết nạp người tham gia bất kể chế độ phản ứng lại những sáng kiến của phong trào dân chủ như thế nào. Nếu chế độ thẳng tay đàn áp những người biểu tình, thì sẽ càng làm cho quần chúng xa lánh hơn, do đó tăng cơ hội kết nạp. Những người làm kế hoạch nên luôn luôn tìm cơ hội đặt chế độ vào tình trạng chính trị tiến thối lưỡng nan đưa đến những kết quả duy nhất là kết quả nào cũng bất lợi cả. Các kế hoạch gia phải nhận dạng được những niềm tin vững chắc của người dân và khiêu khích đối phương có những hành động chống lại những niềm tin đó. Những vụ giới nghiêm và các hạn chế không cho phép tụ tập đông đúc chẳng hạn có thể cản trở những ngày hội và lễ nghi truyền thống và tôn giáo.
“Hành động gây tình trạng tiến thối lưỡng nan” nổi tiếng nhất là vụ Tuần Hành vì Thuế Muối do Mohandas Gandhi lãnh đạo năm 1930 trong thời gian phong trào Ấn Độ đòi tự trị. Gandhi tìm ra được một vấn đề lôi cuốn được mọi tầng lớp và đẳng cấp xã hội ở Ấn Độ và là một vấn đề ép buộc chính quyền thuộc địa của người Anh phải hoặc là bắt ông, một hành động sẽ “châm ngòi cho toàn cõi Ấn Độ”, hoặc là không bắt ông, thì sẽ giúp cho ông “làm cho toàn nông thôn nổi dậy.”3
Suốt hơn một trăm năm, người Anh chiếm độc quyền làm muối cho nhà nước. Vì là một nhu yếu phẩm lương thực, tất cả mọi người đều phải mua muối do chính quyền sản xuất. Làm muối không đòi hỏi kĩ năng (lấy nước biển, để nước bay hơi, rồi cào lấy muối), và độc quyền này có thể phá bỏ dễ dàng nếu người dân chỉ cần bắt đầu tự làm muối lấy. Chính quyền ý thức được những hậu quả của việc Gandhi dự định tuyên bố làm muối nếu dự định này không được ngăn chặn. Khi chính quyền không hành động (bắt ông vài tuần sau khi cuộc tuần hành đã thành công trong việc đánh đổ độc quyền), thì bất tuân dân sự đã được thừa nhận như là một vũ khí bất bạo động chính đáng có hiệu lực đánh đổ các nguồn sức mạnh của chính quyền4.
Tóm Lược
Thiết lập kế hoạch chiến lược bắt đầu bằng một mục tiêu rõ rệt rút ra từ những mục đích chính sách. Hiệu lực của việc thiết kế này phần lớn tuỳ thuộc vào việc tạo nên những kế hoạch rõ ràng về dự tính, giữ những công tác phù hợp với khả năng, chú trọng đến chi tiết, và tính trước được các phản ứng của đối phương. Những kế hoạch này sẽ được chu toàn tốt đẹp nhất bằng cách sử dụng một phương cách có hệ thống bao gồm các mô hình dùng vào việc tổ chức thông tin.
______________________________
CƯỚC CHÚ
1 Xem Phụ lục 1 để biết những từ ngữ đề nghị về đấu tranh bất bạo động do Viện Albert Einstein soạn thảo.
2 Xem Peter Ackerman và Jack Duvall, Một Lực lượng Mạnh Hơn: Một Thế kỉ Đấu tranh Bất Bạo Động [A Force More Powerful: A Century of Nonviolent Conflict]. (New York: Palgrave, 2000).
3 Như trên, 88
4 Để xét định chi tiết hơn về phương cách Gandhi lập chiến lược, y/c xem Gene Sharp, Gandhi như là một Chiến lược Gia Chính trị [Gandhi as a Political Strategist].
0 Comments