Không phải mọi xung đột đều có cùng tầm quan trọng ngang nhau
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều xung đột, và chúng ta có bổn phận phải đối đầu với nhiều cuộc xung đột trong số những xung đột này.
Không phải tất cả mọi xung đột đều có cùng tầm quan trọng ngang nhau. Một vài cuộc xung đột quan trọng hơn những cuộc xung đột khác rất nhiều, và trong một vài xung đột, những vấn đề tranh chấp khó được giải quyết ổn thoả hơn là những vấn đề tranh chấp trong những vụ xung đột khác.
Nơi nào mà những vấn đề tranh chấp chỉ có tầm quan trọng giới hạn thì nơi đó thường ít có khó khăn trong việc đi đến một giải pháp. Chúng ta có thể có tiềm năng chia sẻ sự khác biệt, có thể đồng ý về một giải pháp thứ ba, hay là hoãn lại một vài vấn đề tranh cãi để giải quyết sau. Dù vậy, ngay cả đối với những xung khắc ít quan trọng này, nhóm khiếu nại vẫn cần phải có những phương tiện có hiệu lực để thúc đẩy các yêu sách của mình. Nếu không thì đối phương có rất ít lí do để xét đến những yêu sách này một cách đúng đắn.
Tuy nhiên có nhiều cuộc xung khắc mà trong đó những vấn đề tranh cãi bị đe doạ, hay là được tin là bị đe doạ. Những cuộc xung khắc này không thích hợp cho việc giải quyết bằng bất cứ phương pháp nào liên quan đến thoả hiệp. Đây là trường hợp của những “xung đột nghiêm trọng.”
Xúc tiến những cuộc đấu tranh nghiêm trọng
Trong những vụ xung đột nghiêm trọng, ít nhất có một phe xem việc tiến hành đấu tranh chống lại những đối thủ thù nghịch là cần thiết và tốt, vì những vấn đề tranh chấp được xem là đang bị đe doạ. Người ta thường tin là phải tiến hành đấu tranh để thúc đẩy và bảo vệ tự do, công lí, tôn giáo, nền văn minh, hay người dân. Các giải pháp đề nghị đòi hỏi những thỏa hiệp căn bản về những vấn đề nền tảng này hiếm khi được chấp nhận. Cũng trong chiều hướng này, chịu khuất phục đối phương, hay bị đối phương đánh bại, được xem là một thảm hoạ. Mặc dù vậy, người ta thường tin rằng cần phải thỏa hiệp hay nhượng bộ để có được những giải pháp hoà bình cho những xung đột nghiêm trọng. Nhưng vì đây không phải là những giải pháp có thể chấp nhận được đối với các phe liên hệ, do đó người ta tin là cần phải xúc tiến cuộc đấu tranh bằng cách áp dụng những phương tiện mạnh nhất có thể có được. Những phương tiện này thường bao gồm một vài hình thức bạo động.
Có những giải pháp thay thế
Bạo lực, tuy vậy, không phải là khả năng độc nhất. Chiến tranh và những hình thức bạo động khác, lâu nay không phải là phổ quát trong việc tiến hành những xung đột nghiêm trọng. Trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, suốt hằng thế kỉ và vượt qua những bức tường văn hoá, một kĩ thuật đấu tranh khác đã có lần được áp dụng. Kĩ thuật này được đặt trên cơ sở của khả năng kiên trì, khước từ hợp tác, bất tuân, và sự cương quyết chống lại đối phương cường bạo.
Dọc dài lịch sử loài người, và trong một số rất lớn những cuộc xung đột, một phe đã từng chọn đấu tranh bằng những phương pháp tâm lí, xã hội, kinh tế, hoặc chính trị, hay là hỗn hợp của những phương pháp này. Đã nhiều lần phương pháp đấu tranh này được áp dụng khi những vấn đề tranh chấp căn bản bị đe doạ, và khi đối phương tàn ác, sẵn sàng và có khả năng áp dụng đàn áp khắc nghiệt. Những đàn áp này gồm có đánh đập, bắt bớ, tù tội, hành quyết, và sát hại tập thể. Bất kể những đàn áp như thế, nếu những người đối kháng kiên trì, chỉ đấu tranh bằng “vũ khí bất bạo động” đã chọn thì có lúc họ đã thắng.
Kĩ thuật thay thế này được gọi là hành động bất bạo động hay là đấu tranh bất bạo động. Đây là một “giải pháp thay thế tối hậu được cổ xuý.” Trong một vài xung đột nghiêm trọng, kĩ thuật này đã từng được sử dụng thay thế cho đấu tranh bạo động.
Trong trí óc của nhiều người, đấu tranh bất bạo động thường được gắn liền mật thiết với những người như là Mohandas K. Gandhi và Martin Luther King, Jr. Công việc và các hoạt động của cả hai người và những phong trào mà họ lãnh đạo đóng một vai trò then chốt, rất quan trọng. Tuy nhiên, những phong trào này không thực sự tượng trưng cho mọi hành động bất bạo động. Thực ra, công việc của các vị này, trong những ý nghĩa quan trọng, không tiêu biểu cho sự thực hành tổng quát của đấu tranh bất bạo động trong mấy thập kỉ vừa qua và chắc là suốt cả hằng mấy thế kỉ nay. Những cuộc đấu tranh bất bạo động theo lịch sử không phải là mới mẻ. Chúng đã từng xảy ra suốt nhiều thế kỉ, nhưng thường không được lịch sử chú trọng mấy.
Đấu tranh bất bạo động lan rộng
Đấu tranh bất bạo động đã xảy ra trong những nền văn hoá, những giai đoạn lịch sử, và những điều kiện chính trị rất khác nhau. Nó đã từng xảy ra ở phương Tây cũng như phương Đông. Hành động bất bạo động đã xảy ra tại những quốc gia đã được kĩ nghệ hoá cũng như những quốc gia chưa được kĩ nghệ hoá. Nó đã từng được thi hành tại những nền dân chủ lập hiến và đã từng được sử dụng để chống lại những đế quốc, chống ngoại xâm, và các hệ thống độc tài. Đấu tranh bất bạo động đã từng được tiến hành nhân danh hằng hà sa số những lí tưởng đấu tranh và phe nhóm, và ngay cả để tranh thủ những mục tiêu mà nhiều người chống đối. Nó đã từng được sử dụng để ngăn cản, cũng như để cổ võ thay đổi. Việc sử dụng đấu tranh bất bạo động đôi khi được trộn lẫn với hành động bạo động có giới hạn, nhưng thường thì nó đã được sử dụng nhiều lần với rất ít hay là không có bạo động.
Những vấn đề tranh cãi hệ trọng trong những cuộc xung đột này thường có nhiều nguồn gốc khác biệt nhau. Chúng bao gồm những vấn đề xã hội, kinh tế, sắc tộc, tôn giáo, quốc gia, nhân đạo, và chính trị; từ những vấn đề tầm thường đến những vấn đề cơ bản.
Mặc dù các sử gia thường hay lơ là về loại đấu tranh này, nhưng rõ ràng đây là một hiện tượng rất cổ. Hầu hết lịch sử về kĩ thuật này hẳn đã bị thất lạc, và những gì còn lại thì hầu hết bị lãng quên.
Nhiều trường hợp về việc sử dụng đấu tranh bất bạo động có rất ít hay không liên quan gì đến các chính quyền. Những trường hợp ngày nay thì bao gồm những xung khắc về quản lí lao động và về những nỗ lực nhằm áp đặt hay chống đối những áp lực bắt tuân thủ quy ước xã hội. Hành động bất bạo động cũng còn được sử dụng trong những xung khắc về sắc tộc và tôn giáo và trong nhiều hoàn cảnh khác, như những tranh chấp giữa sinh viên và các ban quản trị đại học. Những xung khắc quan trọng giữa dân sự và chính quyền mà một phe sử dụng hành động bất bạo động cũng đã từng xảy ra nhiều nơi. Những thí dụ sau đây thuộc về loại này.
Những trường hợp đấu tranh bất bạo động
Từ cuối thế kỉ thứ 18 đến suốt thế kỉ thứ 20, kĩ thuật đấu tranh bất bạo động đã được sử dụng nhiều trong những cuộc nổi dậy của thuộc địa, trong những xung đột quốc tế về chính trị và kinh tế, trong những xung khắc về tôn giáo, và những đối kháng chống nô lệ1. Kĩ thuật này đã nhắm đến việc bảo đảm quyền công nhân được tổ chức, các quyền của phụ nữ, quyền phổ thông đầu phiếu khi đến tuổi, và quyền đầu phiếu của phụ nữ. Loại đấu tranh này đã từng được sử dụng để giành độc lập quốc gia, để phát động những thắng lợi kinh tế, để chống lại nạn diệt chủng, để lật đổ các nền độc tài, để giành quyền công dân, để chấm dứt phân biệt đối xử, và để chống ngoại xâm và những cuộc đảo chánh.
Vào thế kỉ thứ 20, đấu tranh bất bạo động đã vươn lên đến một ý nghĩa chính trị chưa từng thấy trên thế giới. Những người sử dụng kĩ thuật này đã thâu góp được những thành quả to lớn, và, dĩ nhiên là đôi khi cũng đã kinh qua thất bại. Người ta đã tranh thủ được thù lao cao hơn và điều kiện làm việc được cải tiến. Những truyền thống và hành động áp bức được huỷ bỏ. Cả nam lẫn nữ giới đều được quyền bỏ phiếu tại nhiều quốc gia, một phần nhờ sử dụng kĩ thuật này. Các chính sách của chính quyền được sửa đổi, những điều luật được huỷ bỏ, luật lệ mới được ban hành, và những cải cách chính quyền được định chế hoá. Những kẻ xâm lược nản lòng và những quân đội đã phải chiến bại. Một đế quốc bị tê liệt, những cuộc đảo chánh bị đập vỡ, và những nền độc tài bị sụp đổ. Đấu tranh bất bạo động đã được sử dụng để chống lại những nền độc tài khắc nghiệt, bao gồm cả hai hệ thống Đức Quốc Xã lẫn Cộng sản.
Những trường hợp sử dụng kĩ thuật này vào khoảng đầu thế kỉ thứ 20 gồm có những yếu tố trọng đại của cuộc Cách Mạng Nga năm 1905. Ở tại những quốc gia khác nhau, những công đoàn đang lớn mạnh đã sử dụng đình công và tẩy chay kinh tế ở nhiều nơi. Những vụ tẩy chay các sản phẩm của Nhật do người Trung Hoa thực hiện đã xảy ra vào những năm 1908, 1915 và 1919. Người Đức đã dùng đối kháng bất bạo động để chống lại cuộc đảo chánh Kapp năm 1920 và để chống lại việc người Pháp và người Bỉ chiếm đóng vùng Ruhr năm 1923. Trong những thập niên 1920 và 1930, những người quốc gia Ấn đã dùng đấu tranh bất bạo động trong những cuộc đấu tranh của họ chống lại nền cai trị của người Anh, dưới sự lãnh đạo của Mohandas K. Gandhi. Cũng trong chiều hướng này, những người Hồi giáo Pahstun, lúc bấy giờ thuộc Tỉnh Biên Giới Tây-Bắc Ấn Độ thuộc Anh (bây giờ là Pakistan), cũng sử dụng đấu tranh bất bạo động chống lại nền cai trị của người Anh, dưới sự lãnh đạo của Khan Abdul Ghaffar Khan.
Từ năm 1940 đến năm 1945, dân tại nhiều quốc gia Âu châu, nhất là tại Na Uy, Đan Mạch, và Phần Lan đã sử dụng đấu tranh bất bạo động để chống lại sự chiếm đóng và cai trị của Đức Quốc Xã. Hành động bất bạo động đã được sử dụng để cứu người Do Thái khỏi vụ Tàn Sát ở Berlin, Bulgaria, Đan Mạch, và những nơi khác. Những nhà độc tài quân phiệt của Salvador và Guatemala đã bị lật đổ trong những cuộc đấu tranh bất bạo động ngắn ngủi vào mùa xuân năm 1944. Những cuộc đấu tranh bất bạo động cho dân quyền của người Mĩ chống lại phân biệt chủng tộc, đặc biệt vào những thập niên 1950 và những thập niên 1960, đã thay đổi luật lệ và những chính sách đã được thiết lập lâu đời tại miền Nam Hoa Kỳ. Vào tháng Tư năm 1961, sự bất hợp tác của những tân binh Pháp tại thuộc địa Pháp ở Algeria, kết hợp với những cuộc biểu tình của quần chúng tại Pháp cùng với sự thách thức bởi chính quyền Debré-De Gaulle, đã đánh bại cuộc đảo chánh của quân đội tại Algiers trước khi một cuộc đảo chánh liên hệ được tung ra ở Paris.
Vào năm 1968 và 1969, tiếp theo vụ xâm lăng dựa theo Thoả Ước Warsaw, Người Tiệp và Slovak đã chận được sự kiểm soát trọn vẹn của người Nga trong tám tháng bằng đấu tranh bất bạo động ứng biến và bằng khước từ cộng tác. Từ 1953 đến 1991, những nhà li khai tại những quốc gia bị cộng sản cai trị ở Đông Âu, đặc biệt là Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Estonia, Latvia, và Lithuania, đã liên tục sử dụng những cuộc đấu tranh bất bạo động để giành độc lập mỗi lúc một nhiều hơn. Cuộc đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan bắt đầu vào năm 1980 với những cuộc biểu tình hỗ trợ cho yêu sách về một công đoàn tự do hợp pháp, và đã kết thúc vào năm 1989 chấm dứt chế độ Cộng sản Ba Lan. Những vụ chống đối bất bạo động và đối kháng của quần chúng cũng hết sức quan trọng trong việc xói mòn các chính sách phân biệt chủng tộc và sự thống trị của Âu châu tại Nam Phi, đặc biệt là giữa những năm 1950 và 1990. Nền độc tài Marcos đã bị đập vỡ bằng một cuộc nổi dậy bất bạo động vào năm 1986.
Tháng Bảy và tháng Tám năm 1988, những nhà dân chủ Miến Điện chống lại nền độc tài quân phiệt bằng những cuộc đi bộ và thách thức và đã lật đổ ba chính phủ, nhưng cuộc đấu tranh này đã bị đánh gục bởi một cuộc đảo chánh quân sự mới và vụ tàn sát tập thể. Năm 1989, sinh viên Trung Hoa và những người khác từ hơn ba trăm thành phố (gồm cả Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh) đã tiến hành những chống đối có tính biểu tượng chống tham nhũng và đàn áp, nhưng những cuộc chống đối này phải chấm dứt sau những vụ tàn sát tập thể của quân đội.
Đấu tranh bất bạo động đã dứt điểm được các nền độc tài tại Ba Lan và Tiệp Khắc năm 1989 và tại Đông Đức, Estonia, Latvia, và Lithuania năm 1991. Cuộc đảo chánh bất thành theo “đường lối cứng rắn” của KGB, của Đảng Cộng sản, và của quân đội Xô Viết, đã bị chính bất hợp tác và thách thức chống lại và do đó chặn đứng được sự chiếm đoạt bất thành của Nhà Nước Xô Viết.
Tại Kosovo, dân chúng Albanian giữa những năm 1990 và 1999 đã tiến hành một chiến dịch bất hợp tác rộng lớn chống lại nền cai trị áp bức của người Serb. Khi chính phủ “trên thực tế” của Kosovo thiếu một chiến lược bất bạo động để giành độc lập “trên căn bản pháp lí”, thì Quân Đội Giải Phóng Du Kích Kosovo đã khởi động bạo lực. Tiếp theo đó là sự đàn áp khắc nghiệt của người Serb và những vụ tàn sát tập thể được gọi là “rửa sạch chủng tộc” [ethnic cleansing], đưa đến việc NATO dội bom và can thiệp. Bắt đầu vào tháng Mười Một năm 1996, người dân Serb đã tiến hành những cuộc diễn hành và chống đối hằng ngày tại Belgrade và những thành phố khác, chống lại nền cai trị độc đoán của Tổng Thống Milosevic và sửa sai gian lận bầu cử vào giữa tháng Giêng năm 1997. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các nhà dân chủ Serb thiếu một chiến lược để thúc đẩy cuộc đấu tranh đi xa hơn và đã thất bại trong việc tung ra một chiến dịch lật đổ nền độc tài Milosevic. Vào đầu tháng Mười năm 2000, phong trào Otpor (Đối Kháng) cùng với những nhà dân chủ khác đã lại nổi dậy chống Milosevic trong một cuộc đấu tranh bất bạo động được thiết kế cẩn thận và nền độc tài đã sụp đổ.
Vào đầu năm 2001, Tổng thống Estrada, người bị tố cáo tham nhũng, đã bị người dân Phi Luật Tân lật đổ trong chiến dịch “Sức Mạnh Nhân dân Số Hai”.
Còn nhiều thí dụ quan trọng khác trong thế kỉ vừa qua, và việc thực hành đấu tranh bất bạo động vẫn tiếp tục.
Những phương pháp đấu tranh bất bạo động
Có vô số phương pháp cụ thể về đấu tranh bất bạo động, hay là vũ khí bất bạo động. Cho đến ngày hôm nay, người ta đã nhận dạng được gần hai trăm phương pháp, và chắc chắn là, hiện tại cũng đang có cả hàng chục phương pháp nữa, và nhiều phương pháp khác sẽ xuất hiện trong những vụ xung đột trong tương lai. Các phương pháp này được mô tả chi tiết ở Bài 018 và 034.
Những phương pháp đấu tranh bất bạo động bao gồm những cuộc đi bộ chống đối, giăng cờ bị cấm, tập họp quần chúng, đêm không ngủ, hàng rào cản, tẩy chay xã hội, tẩy chay kinh tế, đình công lao động, bác bỏ tính hợp pháp, bất tuân dân sự, tẩy chay những chức vụ chính quyền, tẩy chay những cuộc bầu cử gian lận, công chức đình công, cảnh sát bất hợp tác, bất tuân không cần giám sát trực tiếp, nổi loạn, biểu-tình-ngồi, tuyệt thực, ngồi giữa đường, lập các cơ chế thay thế, chiếm giữ các văn phòng, và thiết lập chính quyền song hành.
Những phương pháp này có thể được sử dụng để chống đối có tính cách biểu tượng, để chấm dứt hợp tác, hay là để phá rối sự điều hành của một hệ thống hiện hành. Từ góc cạnh này, có ba loại phương pháp bất bạo động lớn: phản đối và thuyết phục bất bạo động, bất hợp tác, và can thiệp bất bạo động.
Những vụ chống đối có tính biểu tượng, mặc dù phần nào nhẹ nhàng trong hầu hết mọi hoàn cảnh, có thể chứng tỏ rõ ràng là một phần dân số chống đối chế độ hiện hành và có thể đóng góp vào việc làm mất đi tính hợp pháp của chế độ. Bất hợp tác về xã hội, kinh tế, và chính trị, một khi thực hành mạnh mẽ và lâu đủ, có thể làm suy yếu sự kiểm soát, tài sản, sự thống trị, và quyền lực của đối phương, và có tiềm năng gây nên tê liệt. Các phương pháp can thiệp bất bạo động — thường phá rối trật tự hiện hành bằng những phương pháp tâm lí, xã hội, kinh tế, vật chất, hay chính trị — có thể đe doạ sự kiểm soát của đối phương một cách trầm trọng.
Có những cá nhân hay phe nhóm có thể có những ý kiến khác biệt nhau về sự hữu dụng chính trị tổng quát và về việc có thể chấp nhận được hay không, trên quan điểm đạo đức, những phương pháp đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi nhờ kiến thức và sự thông hiểu nhiều hơn về cách sử dụng và về việc cẩn trọng xét định sự thích dụng và hiệu lực của những phương pháp này.
Một chọn lựa thực tiễn
Đấu tranh bất bạo động được nhận dạng bởi những gì người ta làm, chứ không phải bởi những gì người ta tin tưởng. Trong nhiều trường hợp, những người sử dụng các phương pháp bất bạo động này đã từng tin là bạo lực có thể hoàn toàn biện minh được trên căn bản đạo đức hay tôn giáo. Tuy nhiên, đối với cuộc xung đột cụ thể mà họ đang đối diện thì họ lại chọn, vì những lí do thực tiễn, sử dụng những phương pháp không bao gồm bạo lực.
Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi lắm của lịch sử mới có một nhóm người hay một nhà lãnh đạo có một niềm tin riêng tư bác bỏ bạo lực trên nguyên tắc. Nhưng dù sao thì, ngay cả trong những trường hợp này, một cuộc đấu tranh bất bạo động, đặt cơ sở trên những ưu tư thực tiễn, thường vẫn được xem là có giá trị đạo đức cao hơn.
Tuy nhiên, niềm tin là bạo lực vi phạm nguyên tắc đạo đức và tôn giáo không đưa đến hành động bất bạo động2. Và cũng như chỉ sự thiếu vắng đơn thuần của bạo lực không có nghĩa là đấu tranh bất bạo động đang xảy ra. Chỉ có loại hành động mới là chỉ dấu của kĩ thuật đấu tranh bất bạo động, chứ không phải niềm tin đằng sau hành động.
Mức độ đấu tranh bất bạo động, được chọn lựa một cách có ý thức thay cho bạo lực, khác nhau rất nhiều qua những thí dụ trong lịch sử. Trong nhiều trường hợp trong quá khứ, đấu tranh bất bạo động tỏ ra ít nhiều đã được khởi động một cách đột nhiên, rất ít được thảo luận. Trong những trường hợp khác, việc chọn lựa một phương pháp bất bạo động nào đó – như một cuộc đình công lao động, chẳng hạn – đã được thực hiện trên cơ sở đặc thù của hoàn cảnh đó mà thôi, chứ không có một lượng giá đối chiếu hơn thiệt giữa đấu tranh bất bạo động và đấu tranh bạo động. Nhiều ứng dụng về đấu tranh bất bạo động hình như chỉ là bắt chước những hành động của những nơi khác.
Mức độ hiểu biết về sự hiện hữu của một kĩ thuật đấu tranh bất bạo động tổng quát và mức độ kiến thức có trước đó về cách điều hành kĩ thuật này của những người trong những cuộc xung đột như thế khác biệt nhau rất nhiều.
Trong hầu hết những trường hợp này, những phương tiện bất bạo động được chọn tỏ ra là vì những xét định về hiệu quả dự tính sẽ đạt được. Trong một vài trường hợp thì hình như những động lực lẫn lộn với nhau, với những động lực thực tiễn chiếm ưu thế, nhưng tương đối cũng có khuynh hướng đạo đức thiên về những phương tiện bất bạo động.
Nên dùng những từ ngữ nào?
Loại đấu tranh trong những trường hợp này và những trường hợp khác đã được mang nhiều danh xưng khác nhau, một số thì hữu ích nhưng một số khác thì lại không thích hợp. Những danh xưng này gồm có “đối kháng bất bạo động”, “đối kháng dân sự”, “đối kháng thụ động”, “bất bạo động”, “sức mạnh nhân dân”, “thách thức chính trị”, hay là “hành động tích cực”. Việc sử dụng cụm từ “bất bạo động” thật ra không may, vì đã làm lẫn lộn những hình thái hoạt động của quần chúng với những niềm tin về bất bạo động có tính đạo đức và tôn giáo (“bất bạo động có nguyên tắc”). Những niềm tin này có những giá trị của chúng, nhưng là những hiện tượng khác và thường không liên quan đến những cuộc đấu tranh của quần chúng được tiến hành bởi những người không cùng chia sẻ những niềm tin đó. Để nhận dạng được phương pháp này, chúng tôi dùng ở đây và đề nghị cụm từ hành động bất bạo động hay là đấu tranh bất bạo động.
Bởi vì sự thiếu chính xác và lúng túng cứ tiếp tục trong vấn đề nên dùng từ nào, cho nên trong vài thập niên vừa qua người ta thấy cần phải thanh lọc lại từ ngữ hiện hữu để mô tả và thảo luận về hành động như thế, và ngay cả để đặt thêm từ và cụm từ mới. Do đó, một bảng liệt kê thuật ngữ đã được thêm vào ở cuối sách để tiện việc tra cứu.
Phơi bày các quan điểm sai lầm
Ngoài những quan điểm sai lầm do từ ngữ không thích hợp gây nên, cũng còn có những lãnh vực rối trí khác trong lãnh vực đấu tranh bất bạo động nữa. Dù có những nghiên cứu mới trong những thập niên vừa qua, thiếu chính xác và hiểu lầm vẫn còn phổ biến. Sau đây là những sửa đổi cho một số sai lầm này:
- Đấu tranh bất bạo động không liên quan gì đến thụ động, khuất phục, và hèn nhát. Cũng như trong hành động bạo lực, những điều này trước tiên phải được phủ nhận và thắng lướt trước khi có thể tiến hành cuộc đấu tranh.
- Đấu tranh bất bạo động là một phương tiện để tiến hành những cuộc xung đột và có thể có sức mạnh vũ bão, nhưng là một hiện tượng hết sức khác với bạo động dưới mọi hình thức.
- Đấu tranh bất bạo động không nên được xem như là sự thuyết phục bằng lời nói hay là những ảnh hưởng tâm lí thuần tuý, mặc dù kĩ thuật này đôi khi bao gồm hành động ứng dụng những áp lực tâm lí nhằm thay đổi thái độ. Hành động bất bạo động là một kĩ thuật đấu tranh đòi hỏi sử dụng sức mạnh tâm lí, xã hội, kinh tế, và chính trị trong việc tranh đua của các lực lượng trong cuộc xung đột.
- Đấu tranh bất bạo động không dựa vào giả thuyết là con người vốn dĩ “tốt lành”. Những tiềm năng “thiện” và “ác” của con người đều được nhận chân, bao gồm cả những quá khích về tàn ác và vô nhân đạo.
- Để thực thi đấu tranh bất bạo động, người ta không cần phải là những người theo chủ nghĩa hoà bình hay là những vị thánh. Đấu tranh bất bạo động đã từng được thực hành thành công phần lớn do những người “bình thường.”
- Thành công trong đấu tranh bất bạo động không đòi hỏi những phe tranh chấp cùng chia sẻ những tiêu chuẩn hay nguyên tắc như nhau (mặc dù cũng có thể hữu ích), hay đòi hỏi một mức độ cao về những quyền lợi chung hay về những cảm xúc về sự gần gũi tâm lí. Nếu đối phương không xúc động bởi đối kháng bất bạo động đang phải chịu đựng đàn áp tàn bạo, và do đó không sẵn lòng đồng ý với những mục tiêu của nhóm đấu tranh bất bạo động, thì những người đối kháng có thể áp dụng những biện pháp cưỡng ép bất bạo động. Những khó khăn về việc thi hành luật pháp, những mất mát về kinh tế, và sự tê liệt về chính trị không đòi hỏi người ta phải cảm nhận sự đồng ý của đối phương.
- Đấu tranh bất bạo động ít ra cũng là một hiện tượng của Tây phương cũng như của Đông phương. Đúng ra thì có lẽ nó có tính Tây phương hơn, nếu tính đến việc sử dụng phổ quát những cuộc đình công, những vụ tẩy chay kinh tế trong những phong trào lao động, những cuộc đấu tranh bất hợp tác của các quốc gia nô thuộc Âu châu, và những cuộc đấu tranh chống lại những nền độc tài.
- Trong đấu tranh bất bạo động, không có giả định là đối phương sẽ ngừng sử dụng bạo lực chống lại những người đối kháng bất bạo động. Thật ra thì kĩ thuật này có khả năng chống lại bạo lực.
- Không có gì trong đấu tranh bất bạo động ngăn cản việc sử dụng kĩ thuật này cho cả những mục tiêu “tốt” lẫn những mục tiêu “xấu”. Tuy nhiên, những hậu quả về xã hội của việc dùng kĩ thuật này cho một mục tiêu “xấu” khác hẳn những hậu quả của bạo lực được sử dụng cho cùng một mục đích “xấu”.
(10) Đấu tranh bất bạo động không chỉ được giới hạn cho những xung đột quốc nội trong khuôn khổ của một hệ thống dân chủ. Để có được cơ hội thành công, cuộc đấu tranh không khẩn thiết phải được tiến hành chống lại những đối phương tương đối hoà nhã và tự chế. Đấu tranh bất bạo động đã từng được sử dụng một cách phổ quát chống lại những chính quyền hùng mạnh, chống ngoại xâm, những chế độ chuyên chế, những chính quyền bạo ngược, những đế quốc, những nền độc tài tàn bạo, và những hệ thống toàn trị. Những cuộc đấu tranh bất bạo động khó khăn này chống lại những đối thủ hung dữ đôi khi cũng đã thành công.
(11) Một trong nhiều huyền thoại được người ta tin tưởng nhiều về xung đột là bạo lực sẽ giải quyết nhanh chóng, và đấu tranh bất bạo động phải cần một thời gian lâu dài mới đem lại kết quả. Điều này không đúng. Một vài cuộc chiến tranh và những đấu tranh bằng bạo lực khác đã phải tốn nhiều năm, ngay cả nhiều thập kỉ. Một vài cuộc đấu tranh bất bạo động đã mang lại chiến thắng rất nhanh, ngay cả chỉ trong vài ngày hay vài tuần. Lượng thời gian cần có để chiến thắng bằng kĩ thuật này tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau – bao gồm cả sức mạnh của những người đối kháng bất bạo động và sự khôn ngoan trong những hành động của họ.
Còn bản tính con người thì sao?
Mặc dù loại xung khắc này xảy ra rất phổ quát, nhưng người ta vẫn nghĩ là đấu tranh bất bạo động đi ngược lại “bản tính con người”. Thường thường người ta cho rằng việc thi hành phổ quát kĩ thuật này sẽ đòi hỏi hoặc là một sự thay đổi cơ bản nơi con người hay là một sự chấp nhận một hệ thống niềm tin sắt đá mới về tôn giáo hay về ý thức hệ. Các quan điểm này không được chứng minh bởi thực tế của những cuộc xung đột trong quá khứ được tiến hành bằng cách sử dụng kĩ thuật này.
Thực ra thì việc thực hành loại đấu tranh này không đặt trên cơ sở niềm tin là “đưa má bên kia” hay là yêu kẻ thù. Thay vì như thế, việc thực hành phổ quát kĩ thuật này thường được đặt trên cơ sở về khả năng kiên trì không thể phủ nhận được của con người, về khả năng làm điều gì mình muốn hay là khả năng khước từ làm những gì bị ra lệnh phải làm, bất kể niềm tin của họ là gì đối với việc sử dụng hay không sử dụng bạo lực. Sự kiên trì tập thể đem lại những thành quả chính trị lớn lao.
Dù sao thì quan điểm cho rằng đấu tranh bất bạo động không thể thực hiện được ngoại trừ trong những điều kiện thực hiếm hoi là trái với thực tế. Điều gì đã từng xảy ra trong quá khứ thì có thể xảy ra trong tương lai.
Xúc tiến đấu tranh bất bạo động ở một bình diện hết sức rộng lớn có thể thực hiện được bởi vì kĩ thuật này thích hợp với bản chất sức mạnh chính trị và với những chỗ dễ tấn công của các hệ thống hệ đẳng. Những hệ thống này và tất cả mọi chính quyền đều phải lệ thuộc vào dân chúng, vào các nhóm, và vào các cơ chế thống thuộc để được cung cấp các nguồn sức mạnh cần có của mình. Do đó trước khi tiếp tục xét định kĩ thuật đấu tranh bất bạo động, thiết yếu cần phải tìm hiểu có chiều sâu bản chất của sức mạnh của những cơ chế nổi bật cũng như của tất cả các loại chính quyền. Sự phân tích này sẽ chiếu rọi ánh sáng vào hiện tượng là bằng cách nào mà đấu tranh bất bạo động có thể hữu hiệu trong việc chống lại những chế độ đàn áp và tàn ác.
Những chế độ này có những chỗ dễ bị tấn công (còn tiếp).
___________________________________
CƯỚC CHÚ
1Phần thư tịch bằng Anh ngữ về những trường hợp như thế này, yêu cầu xem Ronald M. McCarthy và Gene Sharp, với sự phụ trợ của Brad Bennett, Hành Động Bất Bạo Động, Cẩm Nang Nghiên Cứu [Nonviolent Action, A Research Guide], (New York and London, nhà Xuất Bản Garland, 1997).
2 Nên lưu ý là một vài người tin “bất bạo động dựa trên căn bản đạo đức” đã từng bác bỏ đấu tranh bất bạo động vì đó là một cách tiến hành xung đột (mà họ không đồng ý).
0 Comments