Cần phải có những mục tiêu, một chiến lược, và những kế hoạch hỗ trợ mới có thể tiến hành một cuộc đấu tranh thành công được. Những mục tiêu và sự hướng dẫn cho một đại chiến lược của đấu tranh bất bạo động sẽ là kết quả của những quyết định về chính sách của lãnh đạo phong trào đối lập. Đến khi phải chuyển đổi những quyết định này thành những kế hoạch hỗ trợ có thể thực hiện được, hay là khi công tác là hoạch định những mục tiêu chiến lược và những kế hoạch hỗ trợ, thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Kinh nghiệm cho thấy là các kĩ năng giải quyết vấn đề thường là một tài nguyên hiếm hoi trong những phong trào đấu tranh cho dân chủ tại những quốc gia mà chính quyền độc đoán đã kiểm soát xã hội một cách chặt chẽ, và quyết định về những vấn đề trọng đại đã được giới hạn lại vào một số người rất nhỏ ủng hộ chính quyền. Ví dụ, trong những trường hợp cực đoan, những quyết định về những lựa chọn của một cá nhân như cư trú ở đâu, học ngành gì ở đại học, phải làm công việc gì, và ăn được những thực phẩm nào là những điều có thể do chính quyền quyết định. Trong một vài trường hợp, hoặc là do sợ hãi hay vì tập quán văn hoá, những người dưới quyền thường miễn cưỡng trong việc đưa ra những đề nghị mà chỉ thi hành những quyết định của người khác. Muốn thành thạo trong việc nhìn thấy vấn đề, thẩm định được các nguyên nhân, và đưa ra những khuyến cáo có giá trị, thì người ta phải được phép có cơ hội mài dũa kĩ năng của mình trong nhiều vấn đề lớn nhỏ.
Thực tế là người ta đã từng làm hằng ngàn những quyết định trong đời sống của họ để giải quyết vấn đề. Hầu hết những vấn đề này là những vấn đề nhỏ nhặt (mặc gì, mua gì, hay mời ai đến dự lễ sinh nhật cho một trẻ nhỏ). Một vài quyết định quan trọng hơn, như là theo ngành nghề nào. Nhiều trong số những quyết định này quá ít quan trọng nên sự lựa chọn cuối cùng thế nào cũng được vì ta có thể chịu đựng được hậu quả của việc chọn lựa một giải pháp không phải là tối ưu. Tuy nhiên, đối với một vài lựa chọn khác thì không thể bất cần được. Quyết định lập gia đình với người nào là một quyết định có thể ảnh hưởng đến chúng ta mỗi ngày đến suốt đời!
Cũng giống như những cá nhân, các tổ chức cũng phải giải quyết vấn đề. Bởi vì những quyết định của tổ chức có thể ảnh hưởng đến nhiều người bên trong cũng như bên ngoài tổ chức, và có những hậu quả về tài nguyên, nên điều quan trọng là người làm quyết định cần phải được phúc trình những khuyến cáo khách quan và dựa trên thông tin tốt nhất có thể có được. Bởi vì có nhiều sự tương đồng trong những bối cảnh đưa ra những quyết định giữa những cuộc đấu tranh quân sự và đấu tranh bất bạo động, nên phương pháp giải quyết vấn đề của ban tham mưu quân sự có thể là một thí dụ hữu ích cho những người làm quyết định và cho những người có bổn phận đưa ra những khuyến cáo cho người làm quyết định.
Phương pháp giải quyết vấn đề này có thể được sử dụng cho nhiều chủ đề khác nhau trong lãnh vực quản trị và hành chánh, có thể súc tích hay chi tiết, và có thể được sử dụng ở mọi cấp trong phong trào. Điều quan trọng là cần thực hiện mô hình theo trình tự phác hoạ dưới đây.
Mô Hình Nghiên Cứu Tham Mưu
Đoạn văn 1: Xác Định Vấn đề
Vì vấn đề là trung tâm của chú ý, nên nó được xác định ngay ở đoạn văn đầu tiên. Tìm được những từ ngữ để đưa vào đoạn văn này có thể không phải là một công việc dễ như mới nhìn qua. Có thể trong đoạn văn này người ta nhầm lẫn việc nói đến triệu chứng, thay vì nói đến chính vấn đề. Kinh nghiệm thông thường hằng ngày của một người uống hai viên át-pi-rin vì bị bệnh đau đầu kinh niên có thể minh hoạ một thí dụ lỗi lầm về luận lí này. Ông ta đã làm thuyên giảm những triệu chứng của bệnh đau đầu, còn vấn đề nằm bên dưới – cái nguyên do chính tại sao ông ta bị đau đầu – đã không được tìm thấy và không được giải quyết.
Đoạn văn 2: Các Giả định
Trong một nghiên cứu tham mưu, thì các giả định là những ức thuyết hợp lí dùng để thay thế cho sự kiện. Thường thường các ức thuyết này nói đến những diễn biến trong tương lai, những điều kiện, và chuẩn bị các nguồn tài nguyên. Thực ra thì các giả định chỉ là những phương thức giả tạo lấp những lỗ trống của sự hiểu biết thực sự mà thôi. Lí tưởng là tốt hơn chúng ta không nên có giả định nào cả, và giả định chỉ nên đưa vào khi cần để bàn đến vấn đề phải được giải quyết. Đây là lí do tại sao các giả định nên được soi xét cẩn thận về sự xác tín của chúng. Ngoài ra còn có cái nguy hiểm của những giả định không nói ra, nhưng được hiểu ngầm, về một số khả năng nào đó của những nhóm đang được xét định cho những công tác quan trọng.
Đoạn văn 3: Những Sự kiện Liên quan đến Vấn đề
Một trong những bước quan trọng để giải quyết vấn đề cho được thành công là việc thu thập thông tin về những sự kiện liên quan đến vấn đề. Trong thí dụ nguyên thuỷ về người bị bệnh đau đầu kinh niên, tất cả các sự kiện về lối sống của ông ta — những dữ kiện về cách ăn uống, về thị giác, về thói quen làm việc, về thể thao thể dục, về tâm trạng căng thẳng, và nhiều dữ kiện khác nữa — cần phải được diễn giải.
Đoạn văn 4: Thảo luận Về Các Sự kiện
Trong đoạn văn này, những giả định và các thông tin về sự kiện được thảo luận và phân tích trong khả năng những giả định và sự kiện này liên quan đến vấn đề. Qua tiến trình này, nhiều lựa chọn khác nhau được phác hoạ và xét định. Chuyện người bị đau đầu có thể là thí dụ minh hoạ sự quan trọng của thủ tục này. Một vị bác sĩ, tìm một giải pháp cho bệnh đau đầu kinh niên, có thể xét đến tất cả những nguyên nhân biết được của các chứng đau đầu của người bệnh. Bệnh nhân này không bị mất ngủ, có thể chịu đựng tâm trạng căng thẳng giỏi, không sống ở vùng bị bệnh sốt rét, và cũng không bị cảm cúm, nhưng ông đọc sách rất nhiều, 40 tuổi, và chưa từng đi khám mắt trong mười năm qua.
Đoạn văn 5: Những Kết luận
Sau khi thảo luận và phân tích các giả định và thông tin có được trực tiếp liên quan đến vấn đề, thì giải đáp tốt nhất được lựa chọn và khẳng định ở trong đoạn văn này. Ví dụ, mỏi mắt có thể là kết luận mà bác sĩ đưa ra về bệnh nhân bị bệnh đau đầu kinh niên.
Đoạn văn 6: Các Khuyến cáo
Ở đoạn văn này, những kết luận được chuyển thành những khuyến cáo cụ thể cho người làm quyết định đưa đến kết quả là những hành động nhằm giải quyết vấn đề. Trong thí dụ trước, bệnh nhân phải đi khám mắt để giải quyết vấn đề đau đầu.
Một “trắc nghiệm” đơn giản cho những khuyến cáo này có thể thực hiện bằng cách dùng ba tiêu chuẩn sau đây:
- Thích hợp. Những khuyến cáo này có thực sự giải quyết được vấn đề được xác định hay không?
- Khả thi. Những khuyến cáo này có thể thực thi được hay không?
- Chấp nhận. Người làm quyết định có sẵn lòng chấp nhận các tốn kém (trong ý nghĩa chính trị, tài chánh, và nhân lực) không? Quyết định sẽ đòi hỏi một sự chuyển đổi những tài nguyên hiện hữu hay là thủ đắc những tài nguyên mới.
Sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề này còn có thêm một cái lợi là những người làm các quyết định có thể duyệt lại việc các khuyến cáo đã được thực hiện như thế nào. Thêm nữa, những người làm quyết định có thể có thêm thông tin mà trước đó chưa được xét đến khi các khuyến cáo được thực hiện. Dựa trên thông tin mới này thì có thể cần phải duyệt lại tài liệu nghiên cứu. Khoảng giữa năm 1992, một liên minh các nhóm đối lập Miến Điện đã thiết lập Uỷ Ban Thách Thức Chính Trị (PDC). Một trong những công tác đầu tiên của Uỷ Ban là soạn thảo một nghiên cứu làm cách nào hay nhất để xúc tiến cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Miến Điện trong bối cảnh tình hình luôn luôn biến đổi. Uỷ ban đã soạn thảo một nghiên cứu tham mưu, mà nội dung đã được sử dụng trong các cuộc thảo luận ở cấp cao trong Hội Đồng Quốc Gia của Liên Hiệp Miến Điện để quyết định có nên tiếp tục đặt ưu tiên vào đấu tranh quân sự hay là nên theo con đường đấu tranh bất bạo động. Dĩ nhiên là PDC, được thành lập để hướng dẫn một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược song hành với những nỗ lực bất bạo động của Liên Minh Toàn Quốc vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, đã thiên về giải pháp bất bạo động, nhưng họ đã cẩn thận để được khách quan. Mô hình nghiên cứu tham mưu đã được sử dụng. Nghiên cứu tham mưu của PDC là một thí dụ về cách làm thế nào để sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề này để giải đáp những câu hỏi chính sách về chiến lược. Nghiên cứu này được cung cấp ở Bài007.
Tóm lược
Với kinh nghiệm, mô hình nghiên cứu tham mưu để giải quyết vấn đề sẽ trở thành phản ứng tự nhiên đối với người sử dụng nó. Cũng giống như sự tổng hợp của những con số dùng để mở tủ sắt, trình tự của những đoạn văn trong mô hình nghiên cứu tham mưu sẽ đưa đến giải pháp cho vấn đề.
0 Comments