Tác vụ tâm lí (PSYOPS) là phần quan trọng nhất của một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược được thiết kế đàng hoàng1. Mục đích của những tác vụ này là để ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của những thính giả đối tượng, chủ yếu là qua việc sử dụng tuyên truyền. PSYOPS đã từng bao nhiêu lần chứng tỏ hiệu lực của nó, trong các chiến dịch quân sự cũng như trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, như là một vũ khí mạnh mẽ làm suy yếu, chia rẽ, vô hiệu hoá và phân huỷ những cột trụ chống đỡ của đối phương. Những tác vụ này cũng còn được sử dụng để hỗ trợ những nỗ lực kết nạp cho các nhóm đối lập. Mục đích của chương này là để cung ứng một phương cách xét định các thành phần và các cách sử dụng tuyên truyền2.
Từ “tuyên truyền” đã trở nên đáng chê trách đối với nhiều người trong những năm gần đây, có thể vì lí do nhiều chế độ độc đoán đã sử dụng nó một cách thành công. Ở phương Tây, bây giờ nó được gọi bằng nhiều mĩ từ khác nhau như là “Thông Tin và Giáo Dục”, “liên lạc truyền thông đại chúng”, “giao tế nhân sự” và “công tác tiếp thị”. Dù cho nhãn hiệu được gắn cho từ này có tính “điều kiện hoá” đến mấy cũng không quan trọng, một khi đã có những nỗ lực nhằm tác động lên thái độ và hành vi thì đó là tuyên truyền3. Tự nó, tuyên truyền vì mục đích chính trị không có gì là vô luân hay là “tà” hơn là quảng cáo cho thuốc lá hay cho xà phòng. Tuyên truyền là công cụ của những nhà vận động hành lang chuyên nghiệp chào hàng những quyền lợi của khách hàng của họ với những người có quyền quyết định tại mỗi ngành lập pháp và tư pháp trên khắp thế giới.
Đáp ứng được định nghĩa rộng của tuyên truyền (ảnh hưởng đến thái độ và hành vi) là những sách về tôn giáo như là cuốn Thánh Kinh, cuốn Torah, và cuốn Koran; những bài khảo luận hay bài báo về việc chính quyền phải được cấu trúc như thế nào như trong the Federalist Papers [Những bài khảo luận bênh vực chính quyền liên bang]; hay là những tài liệu kinh hãi hơn như cuốn The Protocols of the Learned Elders of Zion [ Biên Bản Những Buổi Họp của những Người Anh Cả Uyên bác của Do Thái], và những quảng cáo thuốc lá với hình ảnh “Joe Camel” mà nhiều người tin là nhắm vào các trẻ em trước tuổi dậy thì. Tất cả những tài liệu này đều là những thí dụ của tuyên truyền đã trực tiếp ảnh hưởng, bằng những cách tích cực hay tiêu cực, đến đời sống của hằng trăm triệu người trên toàn thế giới. Vì vậy, sử dụng các kĩ thuật truyền thông với ý hướng thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và hành động đã từng có một lịch sử lâu dài và phong phú.
Ngược lại với câu nói phổ quát là “sự kiện sẽ tự nói lên ý nghĩa của nó”, thực ra sự kiện chỉ có ý nghĩa khi được đặt vào trong bối cảnh. Đối với một tù nhân đã bị kết án, thì đồng hồ chỉ một giờ nào đó có thể là anh ta chỉ còn năm giờ nữa để sống mà thôi. Đối với một người làm việc văn phòng thì cùng một giờ đó có thể là báo hiệu một ngày làm việc khác đã chấm dứt. Một phúc trình về sự kiện là quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp 40 phần trăm có thể làm cho những người đã thất nghiệp hoảng hốt và những người đang có việc lo âu. Đối với những người lãnh đạo một phong trào đối lập, thì điều này có thể được nhìn trong bối cảnh của những cơ hội mới để kết án chính quyền là bất lực, không lo cho người dân và thối nát, và để tăng cường cơ sở thành viên từ những đám quần chúng càng ngày càng bất mãn. Các nhà biên tập, dù viết cho báo chí tự do hay bị kiểm soát, thường xuyên đưa những “sự kiện” vào bối cảnh ưa thích của lập trường của họ cho độc giả. Trong một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược, cần phải có những nỗ lực để trách cứ đối phương về những “sự kiện” gây hại cho dân chúng và phải xác định được điều cần phải làm để giải quyết vấn đề (và không có gì ngạc nhiên khi sự giải quyết này sẽ là thay đổi chính trị).
Những Thành phần của Tuyên truyền
Đối tượng. Nói chung thì toàn thể dân chúng có thể trở thành đối tượng của tuyên truyền. Tuy nhiên, để hữu hiệu hơn cả thì khán thính giả đối tượng cần phải được phân chia thành nhiều nhóm để điều chỉnh thông điệp riêng cho mỗi nhóm. Kinh nghiệm và nghiên cứu cho thấy rõ ràng là tuyên truyền hữu hiệu là tuyên truyền được thích nghi với những thính giả đối tượng được giới hạn hơn. Vì vậy, một thông điệp hay gửi cho nông dân có thể được soạn thảo khác với cũng cùng một thông điệp gửi cho sinh viên. Những đối tượng tuyên truyền chính yếu của đối lập bất bạo động sẽ là những cột trụ chống đỡ của nhà cai trị, với từng nhóm và tiểu nhóm đối tượng được phân tích theo trình độ học vấn, tôn giáo, sắc tộc, và khả năng tiếp cận với các thông điệp tuyên truyền.
Thông điệp. Nếu mục tiêu là thay đổi một thái độ hay một hành vi của dân chúng hay một nhóm người trong dân chúng, thì điều quan trọng là mục tiêu cần rõ ràng về thái độ hay hành vi nào cần phải được thay đổi. Ví dụ, nếu dân chúng chấp nhận như là số mạng hay là cái kiếp của họ phải sống dưới một chính quyền đàn áp, thì điều cần thiết là phải nhồi vào trí óc họ cái ý là có lẽ không phải là “ý Trời” muốn họ làm tôi mọi. Hơn nữa, cần phải nuôi dưỡng cái ý là tự giải phóng khỏi độc tài chuyên chế nằm trong quyền lực của họ. Cũng cần phải làm cho người dân biết rằng đang có những nhóm đối lập có tổ chức sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ và tham gia của họ. Lí tưởng là thông điệp gửi đi nên có một “địa chỉ hồi âm”, nghĩa là, dân chúng cần phải biết nhóm nào đang gửi thông điệp. Tuy nhiên, phổ biến thông tin này có thể không phải lúc nào cũng thực hiện được.
Người Gửi Thông điệp. Thông điệp được truyền đạt như thế nào liên quan đến việc chọn lựa phương tiện chuyển đạt. Phương tiện có thể là một tờ truyền đơn, một buổi phát thanh, một điện thư, một phim truyện, một cuốn sách hay là một bài báo, hay những tấm biển và áp phích. Tin đồn cũng có thể là những phương tiện chuyển đạt thông điệp hữu hiệu. Không nên bỏ sót là việc sử dụng những “nhà truyền thông then chốt” như những nhà lãnh đạo tôn giáo, những nhà lãnh đạo chính trị đối lập, các giáo sư, thợ hớt tóc và thợ uốn tóc, các nhà lãnh đạo truyền thống và tinh thần, các nhà báo, các phát ngôn viên nghiệp đoàn, các nhóm kinh doanh, và những người khác được kính trọng trong cộng đồng của họ.
Thông tin Phản hồi. Quảng cáo thương mại có lẽ là đơn vị sử dụng tuyên truyền lớn nhất. Tuyên truyền được sử dụng để thuyết phục chúng ta mua những sản phẩm thuốc lá bảo đảm là sẽ đem lại đủ loại vấn đề về sức khoẻ mà chúng ta phải chịu, ăn hăm-bớc-gơ và khoai chiên làm nghẽn mạch máu vì mỡ, hay là mới đây, khuyến khích chúng ta nài xin bác sĩ gia đình kê đơn những loại thuốc đặc biệt nào đó cho chúng ta dùng. Những loại quảng cáo này có thành công hay không cũng dễ đo lường — số lượng hàng bán được. Đối với những nhà tuyên truyền chính trị, thì thông tin phản hồi về thông điệp thường khó đo lường hơn trong ngắn hạn. Thăm dò ý kiến có thể hữu ích, nếu được những nhóm đáng tin cậy thực hiện và hoàn thành ở những thời điểm và các diễn biến cách quảng nhau. Những lúc khác thì chúng ta phải đợi cho đến lúc đối tượng chứng tỏ một sự thay đổi thái độ qua sự phát biểu quan điểm về thông điệp hay là hành động theo một phương cách phù hợp với thông điệp. Ngay cả những đo lường này cũng có thể đánh lừa chúng ta vì có thể những nhân tố khác đã ảnh hưởng đến sự thay đổi thái độ và hành động.
Một cách thu thập dữ kiện về đo lường hiệu lực khác là khơi ý. Khơi ý hoàn toàn khác với yêu cầu trả lời. Khơi ý chủ ý thu nhận được một câu trả lời nhưng người trả lời không ý thức được là mình đang cung cấp thông tin để trả lời một câu hỏi. Yêu cầu trả lời là hỏi đối tượng một câu hỏi nào đó cần phải được đáp lại rõ ràng. Ví dụ, khi hỏi về thái độ đối với chính quyền, thì chúng ta có thể thực hiện những cuộc điều tra dựa trên những câu hỏi như là “Quý vị có hỗ trợ những lời kêu gọi thay đổi chế độ của đối lập chính trị không? Nếu có, thì tại sao?” Trong một vài xã hội, dân chúng sợ trả lời thành thật những câu hỏi trực tiếp như thế. Để khơi ra những thông tin này, chúng ta phải bắt đầu bằng những câu hỏi và những lời phê bình về hiện tình kinh tế và tình hình này ảnh hưởng đến đối tượng và gia đình của đối tượng như thế nào, rồi “đi vòng quanh” những câu hỏi chủ đích bằng cách liên hệ những câu hỏi này với chủ đề mà người được phỏng vấn đã thảo luận trước đó. Nói cách khác, khơi ý dùng “phương cách gián tiếp” và tránh những câu hỏi đòi trả lời có hoặc không mà thôi.
Xếp Loại Tuyên truyền
Tuỳ những đối tượng dự định, những thông điệp, và những bối cảnh hoạt động trong đó thông điệp được gửi đi và được tiếp nhận mà cần phải có những lựa chọn ai nên được xác nhận như là nguồn thông tin4.
Tuyên truyền Trắng xác định nguồn của nó một cách chính xác. Các thông cáo báo chí, các bài diễn văn, những phúc trình và tin tức thường trung thực trong việc xác định nguồn, cho phép đối tượng kiểm chứng. Ví dụ, “Ngài John Smith, Dân Biểu thuộc Southmore, trong một bài diễn văn trình bày trước Hiệp hội Giáo sư Đại học, hôm nay nói rằng…”. Bởi vì những lời phát biểu có thể được minh xác và phân tích, nên cần phải cẩn trọng tính trước những lời phát biểu này có thể được tiếp nhận và thẩm định như thế nào. Đôi khi một trích đoạn được chọn lựa có thể làm cho người phát biểu [nguồn] bị xấu hổ và cắt nghĩa là trích đoạn đã bị lấy ra ngoài văn cảnh. Tuy nhiên, nếu nguồn phải dùng lối cắt nghĩa “ngoài văn cảnh” này cho nhiều trích đoạn, thì sự tin tưởng trở thành một vấn đề còn tai hại hơn là chính trích đoạn nữa. Mặt khác, xác định được nguồn có thể tăng sức mạnh cho hình ảnh của một người hay một tổ chức bằng cách chứng minh cả tính nhất quán của các quan điểm lẫn sự thông cảm những ưu tư của quần chúng.
Tuyên truyền Xám không xác định nguồn một cách rõ ràng. Thay vì xác định nguồn, người ta có thể nói: “Ngày hôm qua có phúc trình là…” hay là “Nguồn tin đáng tin cậy cho biết là…” hay là “những người chứng kiến tận mắt nói rằng họ thấy…”. Tuyên truyền xám cố tỏ ra là có căn cứ và tránh tỏ ra là tuyên truyền thiên lệch.
Tuyên truyền Đen là thông tin của tuyên truyền cố ý xác định sai nguồn, thường là xác định đối phương — được tin một cách sai lầm — là nguồn đã cung cấp thông tin. “Vào chiều thứ Ba, Chỉ Huy Trưởng Quân Đội Wilford Ego, cố vấn tin cẩn nhất của Tổng Thống, khi được hỏi về hành vi có vẻ sai lạc của Tổng Thống tại một buổi họp báo mới đây, đã khẳng định là…”. Tuyên truyền đen có thể được sử dụng để tạo sự mất tin tưởng và rối loạn trong các lực lượng của đối phương, làm xuống tinh thần, và đánh lạc hướng sự chú trọng của địch vào những nhược điểm và dự tính của mình. Tuyên truyền đen đòi hỏi một kĩ năng sâu rộng và một sự tiếp cận với rất nhiều thông tin về đối phương. Nói một cách tổng quát thì tuyên truyền đen chỉ nên sử dụng ở cấp chiến lược để tránh lộ những chuyên viên tuyên truyền và để duy trì sự tách biệt giữa những chiến dịch tuyên truyền trắng và tuyên truyền đen.
Những Kĩ thuật Truyền thông
Kí hiệu. Kí hiệu có thể là một trong những phương tiện truyền đạt ý thức hệ hay là những mục tiêu của phong trào. Một kí hiệu hữu hiệu chỉ cần đơn giản, gợi ý, dễ nhận, và có thể hiểu được dễ dàng. Dấu hiệu chữ Vạn của Đức Quốc Xã, Thập Tự của Thiên Chúa Giáo, và hình nắm tay của Phong trào Đối kháng của người Serb là những thí dụ về kí hiệu. Kí hiệu cũng có thể là âm thanh như tiếng trống, và mới đây, tiếng khua nồi niêu, soong chảo. Những kí hiệu hỗn hợp khác có thể bao gồm một vài hành động như một cách bắt tay, hay một cử chỉ đặc biệt nào đó. Khi chọn kí hiệu cho một phong trào, nên cẩn trọng tránh xúc phạm đến những điểm tế nhị về văn hoá.
Khẩu hiệu. Khẩu hiệu nên là một câu ngắn gọn biểu hiện những cảm xúc tức giận, hận thù, thách thức hoặc dũng cảm. “Hãy nhớ Alamo” đã thúc đẩy người Mĩ đánh Mễ Tây Cơ; “Hãy nhớ Maine” đã cung ứng một sự biện minh đơn giản cho quần chúng Mĩ hỗ trợ sự khởi động cuộc chiến Tranh Mĩ-Tây Ban Nha; “Đời Hắn Hết Rồi” được dùng để chống lại chế độ Milosevic tại Serbia năm 2000. Tại Zimbabwe, Phong trào Thay Đổi Dân chủ đã lấy khẩu hiệu “ĐÃ ĐỦ RỒI” được sử dụng để động viên dân chúng chống đối chính quyền bạo tàn của Robert Mugabe.
Âm nhạc. Âm nhạc, như là tuyên truyền, cần phải được sử dụng để tô điểm những hình ảnh đầy cảm xúc về một tương lai xán lạn, để nhắc lại đau khổ và những kỉ niệm đau thương trong quá khứ, và để giúp củng cố sự thách thức toàn diện đối với nền chuyên chế hiện hành. Khi người dân kết hợp lại với nhau cùng ca lên những bài hát được sáng tác có màu sắc tuyên truyền, thì họ sẽ có khuynh hướng củng cố tinh thần cho nhau dẫn đưa đến việc chấp nhận thông điệp đã được dự tính của tuyên truyền.
Các Phương tiện Truyền thông In Ấn. Các phương tiện truyền thông in ấn bao gồm sách, nhật báo, các tập sách nhỏ, truyền đơn, các kí kiệu và áp phích, cung cấp cho chuyên viên tuyên truyền một danh sách nhiều phương tiện để chuyển đạt các thông điệp tuyển chọn đến những độc giả khác nhau. Các nhật báo được “kiểm soát” của cả chính quyền lẫn của phe đối lập tạo nên một diễn đàn sẵn có để tung ra những nỗ lực tuyên truyền công kích cũng như bào chữa. Tuy nhiên cần cẩn thận để tránh rơi vào cái bẫy là phải tốn quá nhiều công sức vào việc bào chữa5. Cái lợi đích thực của những hình thức tài liệu in ấn là người ta có thể đọc và nghiên cứu kĩ lưỡng, cũng như thảo luận về tài liệu gốc của phong trào. Các bảng hiệu và áp phích dùng các hình ảnh, kí hiệu, khẩu hiệu, và màu sắc được sử dụng để chuyển đi những thông điệp tóm lược. Độc giả có thể lưu trữ các tài liệu in ấn; điều này có nghĩa là các thông điệp cần phải nhất quán về những mục tiêu tuyên truyền vì chắc chắn sẽ có những sự so sánh. Do đó, chuyên viên tuyên truyền phải trông cậy vào những mục tiêu chánh sách có thẩm quyền đã được chọn lọc một cách cẩn trọng. Chuyên viên tuyên truyền không có trách nhiệm quyết định những vấn đề về chính sách.
Thính Thị. Chìa khoá cho việc sử dụng hữu hiệu đài phát thanh để tuyên truyền là tuyển chọn thính giả đối tượng và đẽo gọt thông điệp riêng cho thính giả đối tượng đó, đồng thời đưa ra những khuyến dụ lôi kéo đốitượng nghe thông điệp. Âm nhạc phổ biến, tin tức, tiên đoán thời tiết, thể thao, các vấn đề sức khỏe, và đặc biệt là thông tin về đấu tranh bất bạo động ở hải ngoại cũng như tại quốc gia đối tượng — tất cả những điều này đều có thể là những đề tài hấp dẫn đối với nhóm đối tượng. Truyền hình, băng vi-đê-ô, các CD thêm hình ảnh để củng cố lời nói. Nếu một nhà lãnh đạo thuyết trình thì cũng nên xét định cần phải có những vật thể hay kí hiệu nào dễ trông thấy nữa. Một lá cờ quốc gia có thể đem lại hào quang của uy quyền. Một bức hình của một nhân vật lịch sử được kính trọng có thể nối kết diễn giả vào trong một tương quan chính danh với lịch sử của đất nước. Cân nhắc chi tiết về áo quần và các trang phục phụ nào cần phải có là một việc làm rất thích hợp. Khi muốn phản ánh mình qua hình ảnh của một người cha đối với dân chúng Đức, Hitler đã trang phục bằng một bộ com-lê hay áo quần dân sự và thường có trẻ con trong bức hình. Khi ông phản ánh mình như là một nhà lãnh đạo quân sự của đất nước dẫn dắt nhân dân Đức đến chiến thắng, thì ông xuất hiện trong một bộ quân phục.
Tiếng Đồn. Nơi nào thiếu tin tức đáng tin cậy, như trường hợp dưới một chế độ độc đoán, thối nát áp đặt kiểm duyệt, thì nơi đó các tin đồn cung cấp một khối lượng thông tin quan trọng – dù nguồn thông tin không được biết đến và thông tin không kiểm chứng được. Nếu tin đồn là một phần của toàn bộ nỗ lực tuyên truyền, thì điều quan trọng là tuyên truyền cũng phải ít ra là được dựa phần nào trên cơ sở sự kiện, hay là ít nhất cũng được xem như là dựa trên những sự kiện người ta biết được hay nghi ngờ là có thực. Đề tài của tin đồn phải quan trọng đối với đối tượng, và phải hấp dẫn để người khác có thể lặp lại. Tin đồn có thể được sử dụng để làm tăng hay làm xuống tinh thần của thính giả đối tượng, hoặc tạo nên những cảm xúc như là hận thù, ghê tởm hay ngưỡng mộ.
Cảnh Báo!
Trong đấu tranh bất bạo động chiến lược, tuyên truyền được sử dụng để huy động dân chúng thách thức chính quyền áp bức họ. Bằng cách thay đổi thái độ của dân chúng đối với tuân phục, bất tuân dân sự có thể trở nên lan rộng. Chế độ sẽ mất đi uy quyền và chính danh. Dân chúng được khiêu khích phớt lờ những luật pháp bất công. Để lật ngược tình trạng phân hoá xã hội do sự áp bức của chính quyền đem lại, những tổ chức mới được thành lập để thay thế các tổ chức đã bị chính quyền phá huỷ, và những tổ chức này tìm cách phá vỡ hoặc vô hiệu hoá các cơ chế và các tổ chức mà chính quyền lệ thuộc (các cột trụ chống đỡ). Tóm lại, chính quyền mất khả năng cai trị.
Với một thứ vũ khí mạnh mẽ như tuyên truyền thì luôn luôn có sự nguy hiểm là nếu tuyên truyền không được sử dụng một cách khôn khéo, thì tai hại phụ thuộc có thể rất lớn lao. Nếu một phong trào thành công trong việc thay đổi lề thói tuân phục trở thành bất tuân, thách thức và phớt lờ luật lệ của chính quyền, thì phong trào có thể sẽ phải đối diện với hỗn loạn. Nếu những cơ chế của xã hội đã bị phá nát, thì việc duy trì các dịch vụ xã hội, luật pháp và trật tự, và sự lịch thiệp có thể không thực hiện được nếu không trở lại một nền cai trị độc đoán y như cũ, điều đã đem lại lí do cho cuộc đấu tranh vì dân chủ ngay từ lúc ban đầu.
Jacques Ellul, trong cuốn sách của ông Tuyên Truyền: Tạo Thái Độ [Propaganda: Formation of Men’s Attitudes], đã đặt vấn đề quan trọng này đối với nhà tuyên truyền. Ông chia tuyên truyền ra thành hai loại. Loại thứ nhất là loại “tuyên truyền kích động” dùng để thúc giục quần chúng hành động và bất tuân. Loại thứ hai là loại “tuyên truyền hội nhập”. Đây là loại tuyên truyền nhằm nhồi ý thức tuân thủ quy luật xã hội để tranh thủ sự chấp nhận uy quyền và những giá trị của những nhà cai trị mới. Loại tuyên truyền này nhằm chứng minh là dân chúng đang thụ hưởng lợi lộc do những thay đổi đang xảy ra6.
Những kết luận có thể rút ra từ những nhận định của Ellul là đòi hỏi cần phải có một quy luật hành sử hay những hướng dẫn cần được hoạch định và bắt buộc ứng dụng cho tất cả những người tham gia vào cuộc đấu tranh. Thay vì kêu gọi bất tuân một các tổng quát, bất tuân một số luật lệ bất công cụ thể có thể thích hợp hơn. Thêm vào đó, tuyên truyền phải thường xuyên nhắc nhở dân chúng một cách mạnh bạo là sự tuân phục đã được rút lui khỏi chính quyền và chuyển qua cho phong trào dân chủ rồi. Cần phải có sẵn một cơ chế thay thế hay song hành để nhận lãnh sự chuyển đổi lòng trung thành của quần chúng. Có thể chuyển đổi lòng trung thành của toàn thể các tổ chức như là một khối.
Hận thù và thành kiến là hai cảm xúc mạnh nhất và dễ nhen nhúm hơn cả. Trong một vài xã hội, những cảm xúc này luôn luôn chờ đợi để xuất đầu lộ diện. Bất cứ một thắng lợi ngắn hạn nào tranh thủ được — nhờ khơi động những đam mê này để chống lại các nhóm — cũng đều quá nhỏ nhoi so với cái hại dài hạn đối với việc phát triển và duy trì một xã hội dân sự ổn định mà trong đó các cơ chế dân chủ có thể hoạt động được. Tốt hơn cho những phong trào dân chủ là không bao giờ nên nhen nhóm những cảm xúc này cả. Nhưng nếu chúng có xuất đầu lộ diện thì nên được điều hướng chống lại cái “hệ thống” đã gây nên chuyên chế, chứ không nên chống lại những nhóm người thụ hưởng ân huệ của hệ thống đó. Và, bằng cách giới hạn từ “thù địch” vào một người hay nhóm người ở đỉnh cao của quyền lực, thì những cảm xúc đam mê huỷ hoại này có thể đi theo vị lãnh đạo đến tận cái chết, sự đày ải hay tù tội của ông ta.
Tóm Lược
Việc sử dụng tuyên truyền nhằm tác động lên các thái độ và hành vi của con người có thể, và đã từng, được sử dụng bởi những lực lượng độc đoán cũng như các lực lượng dân chủ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị. Tuyên truyền, tự bản chất, không tốt cũng không tà. Chính cách thức công cụ này được sử dụng như thế nào và cho những mục tiêu nào đã cho phép người ta có thể có những phán đoán về luân lí.
____________________________________
CƯỚC CHÚ
1 Tổ Chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định nghĩa Tác vụ Tâm lí là “những hoạt động tâm lí hoạch định trong thời bình và thời chiến nhắm đến những đối tượng thù nghịch, bạn, và trung lập để tác động lên thái độ và hành vi ảnh hưởng đến việc tranh thủ các mục tiêu chính trị và quân sự. Những tác vụ này bao gồm các hoạt động tâm lí chiến lược, những tác vụ củng cố tâm lí và những hoạt động tâm lí mặt trận.” Bộ Quốc phòng Hoa Kì giới hạn định nghĩa vào những “cử toạ quốc ngoại” mà thôi. (JCS. Pub 1. 1987).
2 Những nguồn hữu ích cho việc xét định chi tiết hơn về tuyên truyền gồm có: Jacques Ellul, Tuyên Truyền: Tạo Thái Độ [Propaganda: Formation Men’s Attitudes], (New York: Alfred A. Knopf, 1965); Nha Cẩm Nang Chiến Trường của Quân Đội 33-5, Tác vụ Tâm lí, 1962; Frederick Irion, Ý kiến Quần chúng và Tuyên truyền [Public Opinion and Propaganda], (New York: Thomas Crowell Company, 1950); Anthony Pratkanis and Elliot Aronson, Thời Đại của Tuyên truyền: Việc Sử dụng và Lạm dụng Thuyết phục Hằng Ngày [The Age of Propaganda: The Everyday Use and Abuse of Persuasion], (New York: W.H. Freeman and Company, 2001); Noam Chomsky and David Barsamian, Tuyên truyền và Trí óc Quần chúng[Propaganda and the Public Mind], (Cambridge, MA: South End Press, 2001).
3 Trong phần lời phi lộ của cuốn Tuyên Truyền: Tạo Thái Độ [Propaganda: Formation of Men’s Attitudes], Jacques Ellul duyệt lại nhiều định nghĩa về tuyên truyền và thấy là tất cả những định nghĩa đó đều không đầy đủ hoặc quá bao quát nên không phản ánh được điều mà ông gọi là một hiện tượng xã hội học. Tôi dùng định nghĩa rộng lớn được Ellul trích dẫn, như đã được Viện Phân tích Tuyên truyển chấp nhận là: “Tuyên Truyền là sự diễn đạt những ý kiến hoặc hành động được những cá nhân hay nhóm người thi hành nhằm mục đích ảnh hưởng đến các ý kiến hay hành động của những cá nhân hay nhóm người khác đối với những mục đích được quyết định trước và bằng những thao tác kĩ xảo tâm lí.”
4 Quân đội Hoa Kì sử dụng một định nghĩa hạn chế hơn về tuyên truyền trắng, tuyên truyền xám, và tuyên truyền đen trong tương quan với những áp dụng. Y/C Xem Cẩm Nang Chiến Trường của Quân Đội Hoa Kì [US Army Field Manual] 33-5 Tác vụ Tâm lí [Psychological Operations], 1962.31-33. Jacques Ellul trong cuốn Tuyên Truyền: Tạo Thái Độ [Propaganda: Formation of Men’s Attitudes] mô tả hai loại, trắng và đen, và ghi chú là chúng được dùng hỗn hợp hai loại với nhau. Ông mô tả tuyên truyền trắng, mà nguồn hoàn toàn công khai và ngay thẳng, được sử dụng để đánh lạc hướng sự chú trọng của quần chúng như thế nào trong khi tuyên truyền đen, “có khuynh hướng dấu những mục đích, căn cước, ý nghĩa, và nguồn của nó”, thì tìm cách ảnh hưởng dân chúng một cách kín đáo. 15.
5 Tuyên truyền được soạn thảo kĩ lưỡng sẽ giảm thiểu sức lực tiêu hao vào việc chống lại phản tuyên truyền. Mất sáng kiến tuyên truyền có thể là kết quả nếu phản ứng có thể có của đối phương không được xét định khi soạn thảo thông điệp tuyên truyền.
6 Ellul, Tuyên Truyền. 71-79
0 Comments