Các Phương Pháp
Đấu Tranh  Bt Bạo Đng
(Bài 034)
Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

 

Những vũ khí của đấu tranh bất bạo động

Kĩ thuật đấu tranh bất bạo động gồm có nhiều “phương pháp” cụ thể, hay là, những hình thái của đấu tranh. Những phương pháp như thế được xem như là những vũ khí của đấu tranh bất bạo động. Chúng được sử dụng để tiến hành cuộc đấu tranh bằng những áp lực tâm lí, xã hội, kinh tế, hoặc chính trị, hay là bằng một sự hỗn hợp của những áp lực này.

    Các phương pháp đấu tranh bất bạo động đã được giới thiệu ở Bài 018 và một vài thí dụ đã được trích dẫn. Những thí dụ này bao gồm những cuộc đi bộ chống đối, phất cờ bị cấm đoán, những cuộc tập họp vĩ đại, đêm không ngủ, những cuộc tẩy chay xã hội, tẩy chay kinh tế, đình công lao động, bất tuân dân sự, tẩy chay những cuộc bầu cử gian lận, công chức đình công, biểu-tình-ngồi, tuyệt thực, chiếm dụng các văn phòng, và tạo ra một chính quyền song hành. Những phương pháp này có thể được sử dụng để chống đối có tính cách biểu tượng, để chấm dứt hợp tác, hay là để gây rối ren cho sự điều hành của hệ thống hiện hành.

     Những phương pháp này và những phương pháp tương tự như là một tập hợp tạo nên kĩ thuật tổng quan của đấu tranh bất bạo động. Làm quen với sự đa dạng và những đặc tính của những phương pháp này là then chốt cho việc thông hiểu đấu tranh bất bạo động như là một toàn bộ cùng với những biến đổi của nó trong cuộc đấu tranh.

Thông hiểu những phương pháp đấu tranh bất bạo động           

Những phương pháp cụ thể, hay là những vũ khí, của đấu tranh bất bạo động được xếp loại thành ba nhóm:

  1. Phản đối và thuyết phục
  2. Bất hợp tác, và
  3. Can thiệp bất bạo động

     Bảng liệt kê 198 phương pháp sau đây chỉ nhằm mục đích trình bày những khả năng lựa chọn có sẵn cho những nhóm người đang sử dụng hoặc có ý định sẽ sử dụng đấu tranh bất bạo động. Bảng liệt kê khó mà toàn vẹn. Những định nghĩa đầy đủ cho từng phương pháp cùng với những thí dụ rút từ lịch sử về việc sử dụng của mỗi phương pháp được cung cấp trong cuốn Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động1. Chắc chắn là còn có nhiều phương pháp nữa, và hẳn là sẽ có nhiều phương pháp mới sẽ được phát minh và học hỏi từ những nhóm khác. Chúng tôi hết sức khuyến khích các học giả nghiên cứu kĩ thuật này, cũng như những người đối kháng đang suy tính làm thế nào để tiến hành cuộc đấu tranh trong tương lai cho được hữu hiệu, là nên nghiên cứu Phần Hai của tập sách nói trên, đã được xuất bản riêng biệt thành cuốn sách tựa đề là Các Phương Pháp của Hành Động Bất Bạo Động.

    Bài này không nhằm mục đích hướng dẫn việc chọn lựa và áp dụng những phương pháp này mà chỉ nhằm trình bày một cách tổng quát nhiều loại phương pháp sẵn có. Những nhân tố cần được xét đến trong việc chọn lựa những phương pháp cho một cuộc xung đột nào đó sẽ được thảo luận ở Bài 037.

    Việc lựa chọn khôn ngoan những phương pháp cụ thể để sử dụng đòi hỏi một kiến thức không những chỉ về toàn bộ những phương pháp hành động có thể có mà còn về chiến lược đã từng được thiết lập để tiến hành cuộc đấu tranh.

    Như chúng tôi sẽ thảo luận ở Phần Bốn, việc thiết lập cẩn thận kế hoạch chiến lược rất quan trọng trước khi chọn những phương pháp cụ thể cho một cuộc đấu tranh. Những tính toán và thiết kế chiến lược rất cần cho việc nhận dạng những loại áp lực mà những người đối kháng cần áp dụng để chống lại đối phương, và do đó những phương pháp cụ thể nào họ cần phải sử dụng.

I. Những Hành Động Nhắn Gửi Thông Điệp

Phản đối và thuyết phục bất bạo động

Phản đối và thuyết phục bất bạo động bao gồm nhiều phương pháp mà chủ yếu là những hành vi đối lập ôn hoà có tính biểu tượng hay là nỗ lực thuyết phục. Những phương pháp này vượt quá những phát biểu ý kiến bằng lời nói, nhưng chưa đi đến bất hợp tác và can thiệp bất bạo động. Việc sử dụng những phương pháp này cho thấy là những người đối kháng chống đối hay bênh vực một điều gì, cho thấy mức độ chống đối hay hỗ trợ, và, đôi khi, cho thấy số người tham dự.

    Tác dụng của những phương pháp này đối với những thái độ của người khác sẽ biến đổi rất nhiều. Có thể là nơi nào mà một phương pháp đã được thông dụng rồi thì ảnh hưởng của phương pháp đó trong một trường hợp duy nhất có thể ít hơn là ở những địa điểm mà phương pháp này từ trước đến nay hiếm khi thấy hay là không được biết đến. Các tình huống chính trị mà trong đó phương pháp này được áp dụng cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến tác dụng của nó. Những hoàn cảnh độc tài thường làm cho hành động chống đối bất bạo động ít thông dụng và nguy hiểm hơn. Do đó, nếu phương pháp này được sử dụng thì hành động có thể khích động nhiều hơn và có thể gây được nhiều chú ý hơn là ở những nơi mà phương pháp này thông dụng và thường được áp dụng mà không bị trừng phạt.

    Thông điệp có thể có mục đích gây ảnh hưởng với đối phương, với quần chúng, hay là với nhóm khiếu nại,2 hay là với cả ba nhóm. Những nỗ lực gây ảnh hưởng với đối phương thường được tập trung vào việc thuyết phục đối phương sửa đổi hay ngưng một số hành động nào đó, hay là thực hiện điều mà nhóm khiếu nại mong muốn. Những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động cũng còn được chọn để thúc đẩy việc áp dụng những phương pháp khác cùng lúc hay về sau này, nhất là là những hình thức bất hợp tác. Năm mươi bốn (54) phương pháp chống đối và thuyết phục được liệt kê sau đây, gom lại thành mười tiểu mục.

           Những tuyên cáo chính thức 

  1. Các diễn văn công cộng
  2. Thư chống đối hay ủng hộ
  3. Tuyên ngôn của các tổ chức hay các cơ chế
  4. Tuyên cáo công cộng có chữ kí
  5. Tuyên ngôn buộc tội và bày tỏ dự tính
  6. Kiến nghị của nhóm hay của tập thể quần chúng

            Quảng bá truyền thông đại chúng

  1. Khẩu hiệu, biếm hoạ, và các kí hiệu biểu tượng (bằng cách viết ra, sơn màu, vẽ, in ấn, cử chỉ, nói, hoặc nhại)
  2. Biểu ngữ, áp phích, và các hình thức thông tin được trưng bày
  3. Truyền đơn, sách mỏng, và sách
  4. Báo hằng ngày và báo định kì
  5. Ghi âm, đài phát thanh, truyền hình, và vi-đê-ô
  6. Viết chữ kéo theo máy bay và viết chữ lên mặt đất

           Trình diễn nhóm

  1. Các nhóm uỷ nhiệm
  2. Trao giải thưởng giễu
  3. Nhóm vận động hành lang
  4. Làm hàng rào cản
  5. Bầu cử giễu

           Những hành vi công cộng biểu tượng

  1. Trưng bày những lá cờ và những màu sắc biểu tượng
  2. Đeo kí hiệu biểu tượng (nút, huy hiệu ủng hộ)
  3. Cầu nguyện và thờ phượng
  4. Phân phát những vật biểu tượng
  5. Cởi bỏ áo quần để chống đối
  6. Phá huỷ tài sản của chính mình (nhà, tài liệu, chứng liệu khả năng và thành tích, vân vân…)
  7. Ánh sáng biểu tượng (đuốc, đèn lồng, nến)
  8. Trưng bày ảnh chân dung
  9. Sơn vẽ để phản đối
  10. Bảng hiệu hay tên mới và/hay là tên mang tính biểu tượng
  11. Các âm thanh biểu tượng (“những ca khúc biểu tượng” cùng với huýt sáo, chuông, còi, vân vân)
  12. Đòi lại tài sản một cách biểu tượng (chiếm lại đất hay nhà)
  13. Những cử chỉ thô bỉ

           Áp lực đối với cá nhân

  1. “Bám sát” các giới chức (có thể cần liên tục theo dõi họ, hay là nhắc nhở họ, hoặc có thể giữ im lặng và tỏ sự kính trọng)
  2. Khiêu khích các giới chức (giễu hay là mạt sát)
  3. Kết thân (bắt người ta phải chịu ảnh hưởng mạnh trực tiếp để thuyết phục họ là chế độ mà họ phục vụ không công chính)
  4. Những đêm không ngủ

           Kịch nghệ và âm nhạc

  1. Những hài kịch ngắn và các trò đùa tinh nghịch
  2. Trình diễn kịch và âm nhạc
  3. Ca hát

           Diễn hành

  1. Tuần hành [bước đều theo hàng ngũ để biểu dương lực lượng và biểu thị thái độ chính trị]
  2. Diễn hành [thường đi ngang trước các lễ đài hay đường phố để biểu dương sức mạnh]
  3. Đám rước tôn giáo [đi kiệu]
  4. Hành hương
  5. Đoàn xe mô tô

           Vinh danh những người quá cố

  1. Để tang chính trị
  2. Đám tang giả vờ
  3. Biến lễ an táng thành biểu tình
  4. Công khai biểu lộ sự tôn kính tại những nơi chôn cất     

           Tụ họp công khai

  1. Tụ họp để chống đối hay để ủng hộ
  2. Mít tinh phản đối
  3. Mít tinh phản đối nguỵ trang
  4. Hội luận với vài ba thuyết trình viên thông suốt vấn đề

            Rút lui và công khai từ bỏ

  1. Bãi công đột nhiên
  2. Thinh lặng
  3. Khước từ các vinh danh
  4. Từ bỏ

    Tất cả những hành động này đều chỉ mang tính biểu tượng. Những phương pháp bất hợp tác và can thiệp bất bạo động tạo nên được sức mạnh lớn hơn.

II. Những Hành Động Đình Chỉ Hợp Tác và Hỗ Trợ 

Những Phương Pháp Bất Hợp Tác 

Rất nhiều trường hợp, những phương pháp đấu tranh bất bạo động thường đòi hỏi bất hợp tác với đối phương. “Bất hợp tác” có nghĩa là những người đối kháng trong một cuộc xung đột hoặc cố tình rút lui một hình thức hay là một mức độ hợp tác hiện hữu với đối phương hoặc khước từ khởi xướng những hình thức hợp tác mới. Bất hợp tác đòi hỏi cố tình ngưng tiếp tục, giữ lại, hay thách thức một số những mối liên hệ — xã hội, kinh tế, hay chính trị. Hành động có thể là tự phát hay được chuẩn bị theo kế hoạch, có thể hợp pháp hay bất hợp pháp.

    Tác dụng của những hình thức khác nhau của bất hợp tác tuỳ thuộc nặng nề vào số người tham gia vào việc sử dụng những phương pháp này và vào mức độ đối phương lệ thuộc vào những người và nhóm người đang từ chối hợp tác. Các loại bất hợp tác khác nhau là bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế, và bất hợp tác chính trị.

A. Những hành động nhằm ngưng các liên hệ xã hội 

Những phương pháp bất hợp tác xã hội

     Bất hợp tác xã hội có nghĩa là từ chối tiếp tục những liên hệ xã hội bình thường, riêng biệt hay tổng quát, với những người hay những nhóm người được xem là đã phạm một số sai quấy hay gây bất công, hay là từ chối tuân thủ một số lề lối hay thông lệ về cách hành sử. Mười lăm phương pháp bất hợp tác xã hội được liệt kê dưới đây thành ba nhóm nhỏ:

           Khai trừ 

  1. Từ chối giao tiếp
  2. Từ chối giao tiếp có chọn lọc
  3. Khước từ giao hợp (tẩy chay sinh lí)
  4. Dứt phép thông công (tẩy chay tôn giáo)
  5. Cấm tham dự thánh lễ và rước lễ (ngưng các dịch vụ tôn giáo)

          Bất hợp tác với những sinh hoạt xã hội, phong tục, và các định chế

  1. Ngưng các hoạt động thể thao và xã hội
  2. Tẩy chay những buổi giao tế xã hội
  3. Bãi khoá của học sinh/sinh viên
  4. Bất tuân xã hội (tập quán hay là quy tắc xã hội)
  5. Rút lui khỏi những định chế xã hội

           Rút lui khỏi hệ thống xã hội

  1. Biểu tình tại gia
  2. Cá nhân hoàn toàn bất hợp tác
  3. Công nhân bỏ việc (bỏ đi nơi khác)
  4. Nơi an toàn (rút về nơi mà người ta không thể động đến bạn được nếu họ không muốn vi phạm những cấm kị về tôn giáo, xã hội, hay luật pháp)
  5. Lẩn tránh tập thể (cư dân của một khu vực nhỏ lìa bỏ nhà cửa và làng mạc của họ)
  6. Di cư để phản đối (hijrat: một cuộc di cư vĩnh viễn có chủ ý)

B. Những hành động nhằm ngưng những liên hệ kinh tế

Những phương pháp bất hợp tác kinh tế

     Những phương pháp này bàn đến việc ngưng hay khước từ khởi xướng các loại liên hệ kinh tế cụ thể. Bất hợp tác như thế mang nhiều hình thái có thể được gom lại thành ba hạng nhỏ hơn về các vụ tẩy chay kinh tế và đình công lao động.

(1) Những cuộc tẩy chay kinh tế

     Tẩy chay kinh tế là từ chối mua, bán, quản lí, hay phân phối những hàng hoá và dịch vụ nào đó, và thường cũng bao gồm các nỗ lực khuyến dụ người khác rút lui sự hợp tác như thế. Trong bảng liệt kê sau đây có hai mươi lăm phương pháp được chia thành sáu nhóm nhỏ về những tẩy chay kinh tế.

          Hành động bởi giới tiêu thụ

  1. Người tiêu thụ tẩy chay các hàng hoá hay các hãng
  2. Không xài những hàng hoá đã bị tẩy chay (những hàng hoá mà mình đã sở hữu)
  3. Chính sách khắc khổ (giảm tiêu thụ đến mức tối thiểu)
  4. Giữ lại, không trả tiền mướn đất/nhà (đình công tiền mướn)
  5. Khước từ mướn đất/nhà
  6. Tẩy chay toàn quốc bởi giới tiêu thụ (từ chối mua các sản phẩm hay sử dụng các dịch vụ từ một quốc gia khác)
  7. Tẩy chay quốc tế bởi giới tiêu thụ (một số quốc gia chống những sản phẩm của một quốc gia nào đó)

           Hành động bởi công nhân và các nhà sản xuất

  1. Công nhân tẩy chay (từ chối làm việc với những sản phẩm hay dụng cụ do đối phương cung cấp)
  2. Tẩy chay bởi các nhà sản xuất (các nhà sản xuất từ chối bán hay là giao hàng)

           Hành động bởi giới trung gian

  1. Tẩy chay bởi các nhà cung cấp hay các nhà quản lí (công nhân hay người trung gian từ chối quản lí hay cung cấp một số hàng hoá nào đó)

           Hành động bởi sở hữu chủ và cấp quản trị

  1. Tẩy chay bởi các nhà buôn (các nhà buôn lẻ từ chối mua hoặc bán một số hàng nào đó)
  2. Từ chối cho mướn hoặc bán tài sản
  3. Đóng cửa (chủ phát động ngưng công, bằng cách tạm thời đóng cửa tiệm/hãng/xưởng)
  4. Khước từ sự hỗ trợ về kĩ nghệ
  5. Thương gia “tổng đình công”

Hành động bởi giới nắm giữ các nguồn tài chánh

  1. Rút tiền ra khỏi ngân hàng
  2. Từ chối trả lệ phí dịch vụ, lệ phí thành viên, và lệ phí ấn định
  3. Từ chối trả nợ hay tiền lãi
  4. Cắt ngân khoản hay tín dụng
  5. Khước từ mang lại lợi tức (từ chối tự nguyện gây lợi tức cho chính quyền)
  6. Khước từ tiền của chính quyền (đòi hỏi trả công bằng cách khác)

           Hành động bởi chính phủ

  1. Cấm vận nội địa
  2. Vào sổ đen các nhà buôn đối tượng
  3. Cấm vận bán, cấp quốc tế
  4. Cấm vận mua, cấp quốc tế
  5. Cấm vận mậu dịch quốc tế

(2) Đình công lao động

     Những phương pháp đình công đòi hỏi từ chối tiếp tục hợp tác kinh tế qua việc làm. Những cuộc đình công phải là tập thể, có chủ ý, và thường là những cuộc ngưng công tạm thời nhằm tạo áp lực lên người khác. Đơn vị bị đình công thường là một đơn vị kĩ nghệ, nhưng cũng có thể là một đơn vị chính trị, xã hội, canh nông, hay là văn hoá, tuỳ bản chất của sự khiếu nại. Có hai mươi ba loại đình công được liệt kê sau đây chia thành bảy nhóm nhỏ.

           Những cuộc đình công có tính biểu tượng

  1. Đình công phản đối (cho một giai đoạn ngắn được báo trước)
  2. Bãi công đột biến nhặm lẹ (đình công chớp nhoáng: đình công phản đối ngắn, tự phát)

          Những cuộc đình công nông nghiệp

  1.  Nông dân đình công
  2.  Nhân công nông trại đình công

           Đình công bởi các nhóm đặc biệt

  1. Khước từ lao động cưỡng bức
  2. Tù nhân đình công
  3. Thợ thủ công đình công
  4. Đình công của giới chuyên nghiệp

           Những cuộc đình công kĩ nghệ thông thường

  1. Đình công cơ sở (tại một hay nhiều chi nhánh dưới quyền một ban quản trị)
  1. Đình công kĩ nghệ (ngưng công ở tất cả các cơ sở của một ngành kĩ nghệ)                            
  1. Đình công ủng hộ (đình công liên đới nhằm ủng hộ các yêu cầu của công nhân bạn) 

           Những cuộc đình công có giới hạn

  1. Đình công riêng rẽ (từng công nhân một, hay từng vùng một ngưng công từng phần một)     
  1. Đình công tiếp nối (Nghiệp đoàn lần lượt đình công tại từng hãng/xưởng một của một ngành kĩ nghệ)      
  1. Lãn công
  2. Đình công bằng cách làm đúng theo luật (làm việc hoàn toàn theo đúng luật lệ để làm trì chậm sản xuất)
  1.   nhà vì bệnh (khai “bệnh”)
  2. Đình công bằng cách từ nhiệm (Một số lớn công nhân cứ lần lượt từng người một xin nghỉ việc)
  1. Đình công có giới hạn (từ chối làm những việc không đáng kể hay từ chối làm việc trong một số ngày nào đó)
  1. Đình công chọn lọc (công nhân từ chối làm một số loại công việc nào đó)

          Những cuộc đình công liên kĩ nghệ

  1. Đình công trải rộng (một số kĩ nghệ đình công cùng một lúc)
  2. Tổng đình công (tất cả các ngành kĩ nghệ đều đình công cùng một lúc)

           Hỗn hợp các loại đình công và ngưng sinh hoạt kinh tế

  1. Hoàn toàn đóng cửa tiệm, văn phòng để phản kháng (mọi sinh hoạt kinh tế đều tạm ngưng trên căn bản tự nguyện)
  2. Ngưng hẳn mọi hoạt động kinh tế (công nhân đình công và chủ nhân các hãng/tiệm đồng loạt ngưng mọi sinh hoạt kinh tế)

C. Những hành động nhằm ngưng sự khuất phục và hỗ trợ chính trị

Những phương pháp bất hợp tác chính trị

Loại này bao gồm những phương pháp giữ lại hay rút lui hợp tác trong các vấn đề chính trị. Mục đích có thể là để tranh thủ một mục tiêu có giới hạn nào đó hoặc là để thay đổi bản chất hay là thành phần của một chính phủ, hay là ngay cả để tạo nên sự tan rã của chính quyền. Bảng liệt kê này gồm tất cả ba mươi bảy phương pháp chia thành sáu nhóm nhỏ.

          Phủ nhận uy quyền             

  1. Giữ lại hay rút lui sự trung thành
  2. Khước từ ủng hộ công khai (đối với chế độ hiện hành và các chính sách của chế độ)
  1. Tài liệu và diễn văn kêu gọi đối kháng

 Công dân bất hợp tác với chính quyền

  1. Tẩy chay các cơ quan lập pháp
  2. Tẩy chay các cuộc bầu cử
  3. Tẩy chay làm việc cho chính phủ và các chức vụ chính phủ
  4. Tẩy chay các bộ, các nha sở, và các cơ quan khác của chính phủ
  5. Rút ra khỏi các cơ sở giáo dục của chính quyền
  6. Tẩy chay các tổ chức được chính quyền hỗ trợ
  7. Khước từ hỗ trợ nhân viên công lực
  8. Tháo gỡ bảng hiệu, các dấu chỉ địa điểm
  9. Từ chối chấp nhận các giới chức được bổ nhiệm
  10. Từ chối giải thể các cơ chế hiện hành

Những giải pháp của công dân thay thế cho sự tuân phục

  1. Tuân hành một cách miễn cưỡng và chậm chạp
  2. Bất tuân khi không bị giám sát trực tiếp
  3. Quần chúng bất tuân (không quảng cáo, kín đáo)
  4. Bất tuân nguỵ trang (trông giống như là tuân thủ)
  5. Từ chốì tụ tập hay hội họp nhằm mục đích phân tán
  6. Biểu-tình-ngồi
  7. Bất hợp tác trong việc tòng quân và trục xuất khỏi nước
  8. Lẩn trốn, đào tẩu, làm giấy tờ giả
  9. Bất tuân dân sự đối với những luật “không hợp pháp”

           Hành động bởi nhân viên chính quyền

  1. Từ chối có chọn lọc sự hỗ trợ đối với chính quyền (từ chối thi hành các chỉ thị; thông báo cho cấp trên biết sự từ chối)
  1. Chặn đường giây hệ thống chỉ huy và thông tin
  2. Trì hoãn và cản trở
  3. Toàn bộ hệ thống hành chánh bất hợp tác
  4. Ngành tư pháp bất hợp tác (bởi các chánh án)
  5. Cố ý vô hiệu năng và bất hợp tác có chọn lọc bởi nhân viên công lực
  6. Nổi loạn

          Hành động của chính quyền tại quốc nội

  1. Tránh né và trì hoãn bán hợp pháp
  2. Bất hợp tác bởi những đơn vị thành phần của chính phủ

           Hành động của chính quyền ở cấp độ quốc tế

  1. Những thay đổi đại diện ngoại giao và các ngành khác
  2. Trì hoãn và huỷ bỏ các cơ hội sinh hoạt ngoại giao
  3. Hoãn lại việc thừa nhận ngoại giao
  4. Cắt đứt liên hệ ngoại giao
  5. Rút khỏi các tổ chức quốc tế
  6. Khước từ gia nhập vào các cơ quan quốc tế
  7. Loại ra khỏi các tổ chức quốc tế

III. Những Hành Động Gây Rối Ren

Những phương pháp can thiệp bất bạo động

Ngược lại với những phương pháp phản đối và thuyết phục và bất hợp tác, những phương pháp này can thiệp trực tiếp nhằm thay đổi một tình huống. Những can thiệp tiêu cực có thể làm mất sự liên tục, hay ngay cả phá vỡ những mẫu mực về hành vi, các chính sách, các mối tương quan, hay các định chế đã được thiết lập. Những can thiệp tích cực có thể tạo nên những mẫu mực về hành vi, các chính sách, các mối tương quan, hay các định chế mới.

    Một số phương pháp can thiệp bất bạo động có thể gây nên một sự thách thức trực tiếp và tức khắc cho đối phương hơn là những phương pháp phản đối hay bất hợp tác, và do đó có thể tạo được những thay đổi nhanh chóng hơn. Những phương pháp này có thể bao gồm ngồi bám trụ, xâm nhập bất bạo động, xen kẽ bất bạo động, gây cản trở bất bạo động, chiếm cứ bất bạo động, chiếm đất bất bạo động, đi tù, và hai chủ quyền và chính phủ song hành.

    Tuy nhiên, những phương pháp can thiệp bất bạo động lại thường khó hơn đối với những người đối kháng trong việc giữ được cuộc đấu tranh cho lâu bền và cũng khó hơn cho đối phương trong việc chịu đựng nổi áp lực. Sử dụng những phương pháp này có thể đưa đến đàn áp nhanh chóng hơn và nặng nề hơn là những phương pháp phản đối và thuyết phục và các hình thức bất hợp tác.

    Những phương pháp can thiệp có thể dùng để tự vệ: để duy trì những mẫu mực về hành vi, những định chế, những sáng kiến độc lập, v.v., hoặc có thể dùng để tấn công nhằm dẫn đưa cuộc đấu tranh tranh thủ các mục tiêu của những người đối kháng vào tận dinh trại của đối phương, ngay cả khi không có một sự khiêu khích trực tiếp nào cả.

    Bảng liệt kê dưới đây gồm có bốn mươi phương pháp được chia thành năm nhóm nhỏ tuỳ theo các phương tiện thực thi nổi bật của sự can thiệp.

          Can thiệp về tâm lí

  1. Dang mình dưới nắng mưa
  2. Tuyệt thực
  3. Xử án ngược (bị cáo trở thành “công tố viện” không chính thức)
  4. Quấy nhiễu bất bạo động 

Can thiệp bằng thân xác

  1. Ngồi bám trụ
  2. Đứng bám trụ
  3. Diễn hành bằng xe
  4. Lội nước/bùn để phản đối
  5. Đi vòng vòng (tụ tập tại một địa điểm có ý nghĩa biểu  tượng và luôn luôn di động)
  1. Tập trung cầu nguyện
  2. Đột kích bất bạo dộng (bước đều đến một địa điểm then chốt đã được chỉ định và đòi quyền sở hữu địa điểm này)
  1. Đột kích bất bạo động bằng máy bay (có thể để thả truyền đơn hay tiếp tế lương thực)
  1. Xâm lấn bất bạo động
  2. Xen kẽ vào giữa một cách bất bạo động (chen mình vào giữa một người và đối tượng của công việc hay sinh hoạt của người đó)
  3. Gây cản trở bất bạo động
  4. Chiếm cứ bất bạo động

Can thiệp về xã hội

  1. Thiết lập những mẫu mực xã hội mới
  2. Gây tràn ngập các cơ sở
  3. Gây trì hoãn
  4. Chiếm diễn đàn
  5. Du kích kịch trường (gây gián đoạn kịch trường một cách bất ngờ)
  6. Tạo ra những cơ chế xã hội khác thay thế định chế cũ
  7. Tạo ra những hệ thống truyền thông thay thế khác

Can thiệp về kinh tế

  1. Làm trái ngược với đình công (làm việc quá mức)
  2. Đình công tại chỗ (chiếm cứ nơi làm việc)
  3. Chiếm đất bất bạo động
  4. Thách thức cấm vận
  5. Làm bạc giả vì động cơ chính trị
  6. Mua chặn hết hàng hoá
  7. Tịch thu tài sản
  8. Thải đổ hàng hoá
  9. Bảo trợ có chọn lọc
  10. Tạo những thị trường thay thế khác
  11. Tạo những hệ thống vận tải thay thế khác
  12. Tạo những cơ chế kinh tế thay thế khác 

Can thiệp về chính trị 

  1. Tạo tràn ngập các hệ thống hành chánh
  2. Tiết lộ danh tánh các nhân viên mật vụ
  3. Tìm cách đi tù
  4. Bất tuân dân sự đối với những luật “vô thưởng vô phạt”
  5. Tiếp tục làm việc mà không cộng tác
  6. Hai chủ quyền và chính phủ song hành

Tác dụng của việc sử dụng của bất cứ phương pháp nào trong số những phương pháp này tuỳ thuộc vào việc áp dụng phương pháp đó có toàn vẹn và thành thạo hay không, cũng như tuỳ thuộc vào những nhân tố quan trọng khác trong cuộc đấu tranh.

Học hỏi từ việc áp dụng các phương pháp này trong quá khứ

Những cuộc đấu tranh bất bạo động sử dụng các phương pháp này đã từng xảy ra suốt dọc dài lịch sử loài người. Trong lúc thế kỉ thứ XX là một thế kỉ của nhiều bạo lực và của những nền độc tài quá khích, của diệt chủng, của vũ khí nguyên tử, của những vụ tàn sát tập thể, của khủng bố, và của những cuộc chiến tranh thế giới, thì đồng thời cũng là một thế kỉ của vô số những cuộc đấu tranh bất bạo động.

    Những bài tiếp theo sẽ cung cấp một vài mẫu chuyện ngắn về một vài cuộc đấu tranh quan trọng nhưng rất thiếu sót này. Những mẫu chuyện này có mục đích minh hoạ giới hạn lịch sử của việc áp dụng kĩ thuật này trong thế kỉ thứ XX, sự khác biệt nhau của các đối thủ đụng độ với kĩ thuật này, và những kết quả khác nhau của những cuộc đấu tranh nói trên. Những mẫu chuyện này còn đưa ra những thí dụ về sự áp dụng của nhiều phương pháp trong số những phương pháp cụ thể vừa nói.

    Chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ những trường hợp này về đấu tranh bất bạo động, cả trên phương diện tích cực lẫn tiêu cực. Những trường hợp này còn có thể đem lại cho chúng ta những nhận định quan trọng về cả tiềm năng của kĩ thuật này lẫn những khó khăn khi tiến hành đấu tranh bất bạo động.

 

______________________________

CƯỚC CHÚ

1Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action], Phần Hai, Những Phương Pháp của Hành Động Bất Bạo Động [The Methods of Nonviolent Action], Boston: Porter Sargent Publisher, 1873.

2 Nhóm khiếu nại là nhóm tập thể dân chúng mà những khiếu nại của họ là những vấn đề tranh chấp được nêu lên trong cuộc xung đột và đang được những người đối kháng bất bạo động tranh đấu để tranh thủ.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.