Một hoàn cảnh xung đột không cân xứng
Những khó khăn của đối phương khi đương đầu với đấu tranh bất bạo động chủ yếu liên hệ đến các động năng đặc thù của kĩ thuật này, như chúng ta nhận thấy trong các bài của Phần này. Tác dụng chính của việc sử dụng những phương pháp phản đối, bất hợp tác và can thiệp bất bạo động là do những lợi thế mà những phương pháp này đem lại như là một kết quả từ bản chất của chính những phương pháp đó, như chúng ta sẽ bàn đến sau đây.
Thêm nữa, trong một vài điều kiện, tác dụng của một cuộc đấu tranh bất bạo động có kỉ luật đã từng bị đàn áp gắt gao, trong một vài trường hợp, có thể được bổ túc bằng một tiến trình gọi là nhu thuật chính trị. Tiến trình này đòi hỏi một sự lưu tâm đặc biệt, và chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề này một cách chi tiết sau khi chúng ta xét nghiệm các tiến trình vận hành trong đa số các cuộc đấu tranh bất bạo động mà trong đó có thể nhu thuật chính trị đã không được sử dụng.
Các “Vũ khí” của đấu tranh bất bạo động1
Muốn được hữu hiệu, những người kháng chiến bất bạo động chỉ nên áp dụng hệ thống vũ khí của chính riêng mình mà thôi. Những “vũ khí” này, hay là những phương pháp đối lực và áp lực, có khả năng thay đổi các tương quan lực lượng xã hội, kinh tế và chính trị. Có vô số những phương pháp như thế. Bây giờ chúng ta hãy duyệt lại ba loại phương pháp mà chúng tôi đã liệt kê trước đây, bằng cách lưu ý đặc biệt đến tác dụng tiềm năng của bất hợp tác.
Phản đối và thuyết phục bất bạo động
Loại phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động chủ yếu bao gồm những hành động có tính biểu tượng cho sự chống đối hay cố gắng thuyết phục một cách ôn hoà, vượt quá lằn mức diễn đạt bằng lời nói nhưng chưa phải là bất hợp tác hay can thiệp bất bạo động. Trong số những phương pháp này là diễn hành, đêm không ngủ, hàng rào cản, hội luận, để tang, và các mít tinh phản đối. Ví dụ làm hàng rào cản có thể biểu lộ sự phản đối một đạo luật bó buộc sự phân phát một tài liệu nào đó. Những phương pháp thuộc loại này cũng có thể được áp dụng để biểu lộ hỗ trợ cho một điều gì. Ví dụ vận động hành lang từng nhóm có thể hỗ trợ một dự án luật đang bị ngâm ở quốc hội. Phản đối và thuyết phục bất bạo động cũng có thể biểu lộ những cảm xúc riêng tư sâu đậm hay sự kết án có tính đạo đức đối với một vấn đề xã hội hay chính trị. Ví dụ một đêm không ngủ vào Ngày Hiroshima có thể biểu lộ sự ăn năn hối lỗi đối với việc Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nhật bản vào ngày 6 tháng 8 năm 1945. Vấn đề quan tâm của những người phản đối bất bạo động có thể là một hành động, một đạo luật, một chính sách, một tình trạng tổng quát, hay là toàn bộ chế độ hay hệ thống nào đó.
Hành vi phản đối có thể chủ yếu nhằm tạo ảnh hưởng đối với đối phương — bằng cách gây sự chú ý và quảng bá cho một vấn đề, với hi vọng thuyết phục được đối phương chấp nhận sự thay đổi đề nghị. Hay là, sự phản đối có thể nhằm cảnh báo đối phương về chiều sâu hay mức độ cảm xúc đối với một vấn đề, điều có thể dẫn đến hành động trầm trọng hơn nếu sự thay đổi mà những người phản đối mong muốn không được thoả mãn. Hay là, hành động có thể chỉ chủ yếu nhằm tạo ảnh hưởng đối với nhóm khiếu nại— những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi vấn đề tranh cãi được nêu ra — để khuyến khích họ phải tự hành động, như là tham gia vào một cuộc đình công hay là một cuộc tẩy chay kinh tế. Đôi khi một phương pháp thuộc loại phản đối và thuyết phục, như là một cuộc hành hương, chẳng hạn, cũng có thể được liên kết với một sinh hoạt khác, như là xin tiền trợ giúp nạn nhân nạn đói chẳng hạn. Hay là, kết thân với địch trong bối cảnh đối kháng có thể nhằm khuyến dụ quân xâm lược nổi loạn sau này.
Ngoại trừ khi được hỗn hợp với những phương pháp khác, những phương pháp phản đối và thuyết phục thường là những hình thức biểu lộ một quan điểm, hay là một nỗ lực hành động nhằm gây ảnh hưởng đối với người khác, mong họ chấp nhận một quan điểm hay thực hiện một hành động cụ thể nào đó. Nỗ lực này khác biệt với những áp lực về xã hội, kinh tế, và chính trị được áp đặt bởi các phương pháp bất hợp tác và can thiệp bất bạo động.
Có những hoàn cảnh chính trị mà trong đó một vài hình thức phản đối bất bạo động, như tuần hành chẳng hạn, là bất hợp pháp. Trong những hoàn cảnh như thế thì những phương pháp này cần nên nhập với bất tuân dân sự và có thể với những hình thức bất hợp tác khác.
Tác dụng của những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động sẽ biến đổi rất nhiều. Hơn nữa, ở những nơi nào mà một phương pháp nào đó thông dụng thì tác dụng của nó có thể ít hơn là ở những nơi mà phương pháp đó từ trước đến nay hiếm hoi hay không được biết đến. Những điều kiện chính trị mà trong đó phương pháp được áp dụng sẽ có chiều hướng ảnh hưởng đến tác dụng của phương pháp đó. Những điều kiện độc tài làm cho hành vi phản đối và thuyết phục khó thực hiện hơn, nguy hiểm hơn, và hiếm hoi hơn. Do đó, một hành động bị cấm đoán và ít xảy ra hơn có thể tạo được ấn tượng mạnh hơn và gây được sự chú ý nhiều hơn là trong những điều kiện mà hành động đó thông thường và được chấp nhận. Những hình thức biểu lộ phản đối và thuyết phục có thể đi trước hay song hành với bất hợp tác hay can thiệp bất bạo động, hoặc có thể được áp dụng mà không có những phương pháp này.
Những phương pháp bất hợp tác
Bất hợp tác là loại thứ hai và là loại lớn nhất trong các phương pháp đấu tranh bất bạo động. Những phương pháp đấu tranh bất bạo động liên hệ hết sức nhiều đến bất hợp tác với đối phương. Những phương pháp bất hợp tác này là những hành động cố tình siết lại, ngưng tiếp tục, hoặc giữ lại sự hợp tác về xã hội, kinh tế, hoặc chính trị với một người, một sinh hoạt, một chính sách, một cơ chế hay một chế độ mà những người đối kháng đã dấn thân vào cuộc đấu tranh với những đối tượng này. Những người đối kháng có thể giảm bớt hoặc ngưng sự hợp tác hiện có, hay là họ có thể giữ lại những hình thức hỗ trợ mới, hay là cả hai. Bất hợp tác có thể do tự phát hay được chuẩn bị, và có thể hợp pháp hay bất hợp pháp.
Với một vài hình thức bất hợp tác, người ta có thể hoàn toàn lờ đi những thành viên của nhóm đối nghịch, không để ý đến họ, xem như họ không hiện hữu. Đối với những hình thức bất hợp tác khác thì người ta có thể từ chối mua một số sản phẩm nào đó chẳng hạn, hoặc có thể ngưng làm việc. Những người đối kháng có thể bất tuân thủ những luật pháp mà họ xem là vô đạo đức, từ chối giải tán một cuộc biểu tình trên đường phố, hay khước từ trả thuế.
Bằng cách áp dụng những phương pháp thuộc loại này, những người đối kháng thường có thể sử dụng những vai trò thông thường của họ trong xã hội như là những phương tiện đối kháng. Ví dụ, giới tiêu thụ từ chối mua sắm, giới lao động từ chối làm việc, công dân không tuân theo lệnh và thực thi bất tuân dân sự, công chức bê trễ và lơ là những chính sách và lệnh bất hợp lệ, cảnh sát và các quan toà từ chối thi hành những chỉ thị bất hợp pháp, và còn nhiều nữa đối với vô số vai trò và những sinh hoạt thường lệ.
Bất bạo động ở một tầm mức rộng lớn hay ở những điểm chủ chốt đưa đến một sự trì chậm hay ngưng hẳn những hoạt động bình thường của những đơn vị trọng yếu, của cơ chế, của chính quyền hay của xã hội. Với những áp dụng rất cực đoan của những phương pháp bất hợp tác kiên quyết và phổ quát, thì ngay cả một chế độ hết sức áp bức cũng chỉ có thể tan rả ra thành từng mảnh. Tác dụng này của bất bạo động có thể được tạo nên bằng cách siết lại thật gắt và thật kiên quyết hoặc giữ lại những nguồn sức mạnh chính trị như đã được trình bày trước đây.
Mức độ bất hợp tác được thực thi và những hình thức chính xác của bất hợp tác biến đổi rất nhiều. Bất hợp tác gồm có ba hạng nhỏ hơn: bất hợp tác xã hội, bất hợp tác kinh tế (những vụ tẩy chay và đình công kinh tế), và bất hợp tác chính trị.
Bất hợp tác xã hội
Những phương pháp này bao gồm một sự từ chối tiếp tục những liên hệ xã hội, hoặc đặc biệt hoặc tổng quát, với những người hay nhóm người được xem như là đã làm điều sai quấy hay bất công. Những phương pháp này cũng có thể bao gồm một sự từ chối tuân thủ một số mẫu mực về hành vi nào đó hay những thông lệ của xã hội. Những phương pháp này gồm có việc khai trừ, bất hợp tác trong những sinh hoạt xã hội, hay rút lui khỏi hệ thống xã hội như là một phương thức biểu lộ chống đối. Tác dụng của những phương pháp này tuỳ thuộc vào tầm quan trọng có trước của những mối liên hệ xã hội bị ảnh hưởng.
Bất hợp tác kinh tế
Những hình thức bất hợp tác kinh tế nhiều hơn rất nhiều so với những hình thức bất hợp tác xã hội. Bất hợp tác kinh tế bao gồm ngưng những liên hệ kinh tế. Loại bất hợp tác nhỏ hơn như là một tiểu mục đầu tiên là tẩy chay kinh tế — sự từ chối tiếp tục hay dấn thân vào những liên hệ kinh tế nào đó, đặc biệt như là mua, bán, hoặc chăm lo hàng hoá và dịch vụ.
Tẩy chay kinh tế có thể tự phát, hoặc có thể được cố tình khởi động bởi một nhóm nào đó. Trong cả hai trường hợp, tẩy chay kinh tế thường trở thành những nỗ lực có tổ chức nhằm rút lui, và khuyến dụ những người khác rút lui không hợp tác kinh tế bằng cách siết lại việc mua và bán với một cá nhân, một nhóm người hay một quốc gia.
Tẩy chay kinh tế đã từng được thực hiện bởi giới tiêu thụ, công nhân và các nhà sản xuất, giới trung gian, sở hữu chủ và giới quản trị, những người nắm các nguồn tài chánh, và các chính quyền. Những vấn đề tranh cãi trong những vụ tẩy chay kinh tế thông thường là về kinh tế, nhưng không khẩn thiết là như vậy. Chúng có thể là về chính trị, chẳng hạn. Những động lực và mục tiêu của những vụ tẩy chay kinh tế đã từng chuyển biến từ kinh tế và chính trị sang xã hội và văn hoá.
Loại tiểu mục thứ hai của bất hợp tác kinh tế bao gồm nhiều hình thức khác nhau về đình công, nghĩa là giới hạn hay ngưng công việc. Đình công bao hàm một sự chối từ hợp tác kinh tế qua việc làm. Đó là một sự ngưng công việc tập thể, cố tình – và thông thường là tạm thời — được thiết kế nhằm tạo áp lực đối với những người khác trong cùng một đơn vị kinh tế, chính trị, và, đôi khi, trong cùng một đơn vị xã hội và văn hoá. Khi đình công nhằm tạo một thay đổi nào đó trong những mối liên hệ giữa các nhóm xung đột, thì thường thường việc chấp thuận một số yêu sách nào đó do những người đối kháng đòi hỏi là tiền điều kiện cho việc họ trở lại làm việc.
Bản chất tập thể của đình công đem lại cho loại bất hợp tác này những điểm đặc thù và sức mạnh của nó. Những cuộc đình công thường được gắn liền với những tổ chức kĩ nghệ tân tiến. Tuy nhiên, đình công cũng xảy ra trong những xã hội nông nghiệp và trong nhiều hoàn cảnh khác biệt. Đình công có thể xảy ra bất cứ nơi nào có người làm việc cho người khác.
Đình công hầu như luôn luôn có mục đích rõ rệt, trong ý nghĩa ủng hộ hay chống đối một vấn đề tranh chấp quan trọng đối với những người đình công. Trên lí thuyết thì bất cứ số người làm việc là bao nhiêu cũng có thể cùng nhau hành động để đình công được, nhưng trên thực tế thì số người đình công cần phải nhiều đủ mới có thể gây rối ren một cách trầm trọng, hoặc gây ngưng đọng hoàn toàn cho sự vận hành liên tục của ít nhất là một đơn vị kinh tế đặc biệt nào đó. Cũng như với bạo động và những hình thức mạnh mẽ của hành động bất bạo động thay thế cho bạo động, một sự đe doạ đình công trọng yếu có thể đủ để đem lại những nhượng bộ từ phía đối phương. Những cuộc đình công có thể tự phát hoặc được chuẩn bị.
Đình công đã từng mang hình thức của những cuộc đình công có tính biểu tượng, đình công nông nghiệp, đình công bởi những nhóm đặc biệt, đình công kĩ nghệ thông thường, đình công có giới hạn, đình công liên kĩ nghệ, và hỗn hợp các loại đình công và ngưng các sinh hoạt kinh tế.
Bất hợp tác chính trị
Những phương pháp bất hợp tác chính trị có nghĩa là từ chối tiếp tục các hình thức tham gia chính trị thông thường với những điều kiện hiện hữu. Đôi khi những phương pháp này được gọi là tẩy chay chính trị. Những cá nhân hay những nhóm nhỏ có thể thực hành các phương pháp thuộc loại này. Tuy nhiên, thông thường thì bất hợp tác chính trị cần đông người để các công ti có thể đồng loạt, và thường là tạm thời, ngừng lại sự tuân phục, hợp tác, và các hành vi chính trị thường lệ. Bất hợp tác chính trị cũng còn có thể được thực hiện bởi nhân viên của chính quyền – hay bởi ngay cả chính chính quyền nữa.
Mục đích của bất hợp tác chính trị có thể chỉ là để phản đối, hoặc có thể là để tự tách mình ra khỏi một vấn đề bị xem như là đáng chê trách theo quan điểm đạo đức hoặc chính trị mà không đắn đo nhiều về hậu quả. Tuy nhiên, thường xuyên hơn thì một hành động bất hợp tác bất bạo động được thiết kế để tạo áp lực rõ rệt đối với chính quyền, hay đối với một nhóm người bất hợp pháp cố tìm cách giành quyền kiểm soát bộ máy chính quyền. Bất hợp tác chính trị có thể nhắm đến việc đạt cho được một mục tiêu giới hạn nào đó hay là một sự thay đổi trong những chính sách rộng lớn hơn của chính quyền. Hay là, mục đích có thể là để thay đổi bản chất hay là thành phần của chính quyền, hay ngay cả làm sụp đổ chính quyền đó. Nơi nào bất hợp tác chính trị được thực hiện chống lại những người tiếm vị nội bộ, như trong trường hợp một cuộc đảo chánh, thì mục đích sẽ là để phòng vệ và phục hồi chính quyền hợp pháp.
Ý nghĩa chính trị của những phương pháp này gia tăng theo tỉ lệ của cả số lượng người tham gia lẫn sự cộng tác cần có của những người này đối với sự điều hành của hệ thống chính trị. Trong những cuộc đấu tranh thực sự, loại phương pháp này thường xuyên được sử dụng hỗn hợp với những hình thức đấu tranh bất bạo động khác.
Bất hợp tác chính trị có thể mang vô số hình thái biểu lộ khác nhau, tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh. Căn bản là tất cả mọi biểu lộ đều bắt nguồn từ ước muốn không hỗ trợ đối phương bằng cách thực hiện hay ngưng lại một số loại hành vi chính trị nào đó.
Bất hợp tác chính trị gồm có những phương pháp phủ nhận uy quyền, công dân bất hợp tác với chính quyền, những giải pháp của công dân thay thế cho tuân phục, hành động bởi nhân viên chính quyền, hành động của chính quyền tại quốc nội, hành động của chính quyền ở cấp độ quốc tế.
Can thiệp bất bạo động
Những phương pháp can thiệp bất bạo động mang một sắc thái đặc biệt là những người đối kháng bất bạo động sử dụng những phương pháp này giành sáng kiến nhiều hơn là những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động và những phương pháp bất hợp tác. Những phương pháp can thiệp bất bạo động có thể được sử dụng vừa để phòng thủ — để đánh bại một cuộc tấn công của đối phương bằng cách duy trì sáng kiến độc lập, những mẫu mực hành tác, những cơ chế tổ chức, hay những điều tương tự — vừa để tấn công — để mang cuộc đấu tranh tranh thủ những mục tiêu của những người đối kháng vào tận sào huyệt của đối phương, ngay cả khi không có một thách thức trực tiếp nào cả. Một cách tổng quát thì những phương pháp can thiệp bất bạo động mạo hiểm cho những người tham dự hơn là những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động hay những phương pháp bất hợp tác. Hơn nữa, tự bản chất, hầu hết những phương pháp can thiệp bất bạo động chỉ có thể thực hiện được bởi một số người giới hạn trong một khoảng thời gian giới hạn mà thôi. Như vậy, một phần là vì hình thức của hành động được khởi động và phần khác là vì những người tham dự phải chứng tỏ can đảm và kỉ luật nhiều hơn là sự can đảm và kỉ luật thường được đòi hỏi ở những người tham dự đình công, chẳng hạn.
Can thiệp bất bạo động đã từng mang những hình thái can thiệp về tâm lí, về thể xác, về xã hội, về kinh tế, và về chính trị. Tác dụng của chúng có thể khác với hình thái được sử dụng. Can thiệp về tâm lí (tuyệt thực chẳng hạn) có thể có một tác dụng chính trị. Một sự can thiệp về thể xác (như ngồi xuống trên đường phố hay ở văn phòng) cũng có thể khẳng định một chính kiến. Can thiệp về xã hội (ví dụ, việc thiết lập những quan hệ mới đã vi phạm phân biệt chủng tộc và sắc tộc) có thể có những hậu quả tâm lí hoặc chính trị.
Những phương pháp này có thể làm gián đoạn, hay ngay cả phá vỡ, những mẫu mực về hành vi, những chính sách, các mối quan hệ, hay là những cơ chế bị xem là đáng chê trách. Hay là, chúng có thể tạo ra những mẫu mực về hành vi, những chính sách, các mối quan hệ, và những cơ chế mới được yêu chuộng hơn.
So với những phương pháp thuộc các loại phản đối và thuyết phục và bất hợp tác, thì một số các phương pháp can thiệp bất bạo động đưa ra một sự thách thức trực tiếp và tức tốc hơn đối với hiện trạng. Ví dụ, can thiệp bằng cách biểu-tình-ngồi tại một quầy hàng ăn trưa sẽ làm gián đoạn tức khắc và trọn vẹn mô hình dịch vụ hiện hành hơn là làm hàng rào cản hay là tẩy chay bởi giới tiêu thụ, chẳng hạn, mặc dù mục tiêu của cả hai loại hành động này đều là để chấm dứt phân biệt chủng tộc. Mặc dù sự thách thức của những phương pháp can thiệp trực tiếp hơn, nhưng thành công không khẩn thiết phải nhanh hơn, một phần là bởi vì đàn áp tàn bạo hơn có thể là kết quả đầu tiên — một điều mà dĩ nhiên không khẩn thiết có nghĩa là thất bại. Kiên trì trong những phương pháp can thiệp có thể vừa là một đòi hỏi vừa gây tổn thất nhiều hơn cho những người đối kháng. Nếu họ không sẵn lòng trả cái giá này thì cuộc đấu tranh có thể kết thúc một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự kiên quyết và có lẽ với số người tham gia được tăng lên, thì chiến thắng có thể đôi khi (chứ không phải luôn luôn) đến nhanh hơn bằng cách sử dụng những phương pháp thuộc loại này hơn là sử dụng những phương pháp phản đối và bất hợp tác, bởi vì những hiệu quả gây rối ren của những phương pháp can thiệp làm cho đối phương khó tha thứ hay chịu đựng hơn, trong một thời hạn lâu dài.
Trong hầu hết các trường hợp, sử dụng những phương pháp can thiệp bất bạo động có thể tạo được thay đổi bằng những phương thức thích nghi hoặc cưỡng ép bất bạo động, mà không cần đối phương phải được thuyết phục là họ có bổn phận phải thay đổi chính sách có vấn đề của họ. Tuy nhiên, một số trong số những phương pháp này (đặc biệt là những phương pháp được xếp loại như là những phương pháp can thiệp về tâm lí, như tuyệt thực chẳng hạn) có thể đóng góp vào việc cải hoá đối phương, hay ít nhất là vào việc đối phương trở nên ít chắc chắn hơn về giá trị của những quan điểm và chính sách của họ trước đây. Những phương thức cải hoá, thích nghi, cưỡng ép bất bạo động, và phân huỷ này sẽ được bàn đến trong bài tới.
Tác dụng chính yếu của bất hợp tác
Việc duyệt lại các loại phương pháp đấu tranh bất bạo động hẳn đã cho thấy rõ là những áp lực tạo nên bởi mỗi phương pháp đều có công hiệu dù cho nhu thuật chính trị có phải là một nhân tố quan trọng trong một cuộc đấu tranh nào đó hay không.
Thêm nữa, những đối thủ mạnh và quyết tâm có thể chịu đựng những áp lực có tính thuyết phục và đạo đức của những phương pháp phản đối và thuyết phục và những hành động khiêu khích hơn nữa của những phương pháp can thiệp bất bạo động một cách dễ dàng hơn là chịu đựng tác dụng đều đặn của những áp dụng mạnh mẽ về kinh tế và chính trị của những phương pháp bất hợp tác.
Những cách thức bất hợp tác tung sức mạnh của mình ra sẽ biến đổi tuỳ theo từng hoàn cảnh xung đột, tuỳ theo chiến lược được chọn của những người đối kháng, và tuỳ theo những hình thái áp lực mà họ đã chọn để áp dụng. Tuy nhiên, đối phương sẽ gặp một khó khăn hết sức trầm trọng nếu
- những mô thức và cơ chế xã hội, kinh tế, và chính trị trước đây nay không còn sinh hoạt như trước nữa;
- những người, những nhóm người và những tổ chức thường được đòi hỏi phải điều hành hệ thống, thực thi những chính sách và chương trình của đối phương, và bắt buộc người dân tuân phục, từ chối làm những việc này;
- những chương trình, chính sách, và cấu trúc mới của đối phương bị chết yểu từ trong trứng nước;
- sự cung cấp các nguồn sức mạnh cho đối phương bị suy yếu một cách trầm trọng hay là bị cắt đứt hẳn; và
- những điều kiện này vẫn cứ tiếp diễn mặc dù bị đàn áp trả thù.
Những người đối kháng lúc bấy giờ ở trong thế mạnh. Bao giờ bất hợp tác có thể còn tiếp diễn và những người đối kháng vẫn duy trì được sức mạnh của mình, thì sẽ có một cơ hội tuyệt diệu là họ sẽ tranh thủ được những mục tiêu của mình.
Nhu thuật chính trị
Đấu tranh bất bạo động vận hành như thể là đã được đặc biệt thiết kế để được tung ra chống lại những đối thủ có khả năng và sẵn lòng sử dụng đàn áp bằng bạo lực. Đấu tranh bất bạo động chống lại đàn áp bằng vũ lực tạo nên một hoàn cảnh xung đột đặc biệt, bất cân xứng. Trong hoàn cảnh này, đàn áp không khẩn thiết sẽ bóp nghẹt được đối kháng.
Trong một vài cuộc đấu tranh bất bạo động, không phải là tất cả, những người đối kháng bất bạo động có thể sử dụng sự bất cân xứng này trên một bình diện chính trị tương tự như môn võ thuật chiến đấu cá nhân của Nhật bản, môn nhu thuật. Trong môn nhu thuật cổ truyền, sự xô đẩy vũ lực của kẻ tấn công không được ngăn chặn hay xô đẩy ngược trở lại bằng vũ lực. Ngược lại, người bị tấn công kéo địch thủ về phía trước theo hướng người tấn công khởi sự đánh. Điều này sẽ làm đối phương mất thăng bằng và ngã về phía trước như là kết quả của lực gia tốc gây nên bởi sự xô đẩy về phía trước của chính người tấn công.
Trong một ý nghĩa tương tự, trong nhu thuật chính trị sự tấn công vũ lực của đối phương không được đối đầu bằng vũ lực phản công, mà ngược lại bằng thách đố bất bạo động. Điều này có thể làm cho sự đàn áp vũ lực của họ dội ngược trở lại đánh vào vị thế của chính họ, làm suy yếu sức mạnh của họ, và còn tăng cường sức mạnh của những người đối kháng. Điều này cũng còn có thể làm cho những thành phần thứ ba quay trở lại chống đối phương, tạo chống đối nội bộ trong hàng ngũ những người thường ủng hộ đối phương, và ngay cả kéo họ về ủng hộ những người đối kháng.
Không có gì bảo đảm ở đây cả. Kết quả của một cuộc đấu tranh tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố quan trọng khác nhau, cũng như những kết quả của một cuộc chiến quân sự vậy. Tuy nhiên, những hiệu quả tiềm năng của việc vận dụng nhu thuật chính trị quan trọng đến mức người ta thấy rất cần phải thông hiểu quán triệt tiến trình này. Trong một cuộc đấu tranh thực sự, nên thử điều hợp tiến trình này có thể là một điều khôn ngoan.
Để tất cả những thay đổi nói trên có thể xảy ra, những người đối kháng bất bạo động phải khước từ sử dụng vũ lực, vì đó là nơi mà đối phương mạnh hơn cả. Sử dụng vũ lực cho phép tiên đoán là sự chuyển đổi quyền lực trở nên khó khăn hơn nhiều. Thay vì sử dụng vũ lực, những người đối kháng phải tiếp tục chỉ sử dụng những vũ khí bất bạo động mà thôi, lãnh vực mà họ mạnh hơn. Sự kiên quyết này có khả năng gia tăng tiềm lực của họ.
Dùng sức mạnh của đối phương để làm suy yếu họ
Khi đàn áp tàn bạo giáng xuống những người đối kháng thuần nhất bất bạo động thì điều này có thể làm cho đối phương bị vạch trần ra trong một tình huống tệ hại hơn cả. Sự vạch trần này lại có thể đưa đến những chuyển đổi ý kiến, rồi hành động, và sau cùng là những chuyển đổi về tương quan lực lượng thuận lợi cho nhóm đấu tranh bất bạo động. Những chuyển đổi này xảy ra như là kết quả của việc rút lui các hỗ trợ cho đối phương, trong lúc các hỗ trợ cho nhóm bất bạo động trở nên mạnh hơn. Việc những người đối kháng duy trì được kỉ luật bất bạo động sẽ giúp làm cho sự đàn áp của đối phương dội ngược trở lại và quật đối phương mất thăng bằng theo ý nghĩa chính trị.
Nhu thuật chính trị có công hiệu chỉ trong một vài trường hợp, nơi mà những bạo tàn khốc liệt được giáng xuống những người đối kháng mà rõ ràng họ là những người bất bạo động và can đảm. Có lúc, nhu thuật chính trị không công hiệu chút nào cả, hay chỉ công hiệu trong một hay hai trong ba cách có thể có được. Và ngay cả khi như vậy, nhu thuật chính trị có thể chỉ công hiệu phần nào thôi, và không phải là nhân tố chính yếu quyết định kết quả của cuộc đấu tranh.
Nhu thuật chính trị vận hành trong ba nhóm tổng quát:
- Đại thể nhóm khiếu nại và nhóm những người đối kháng thường có ít người hơn.
- Những người thường hỗ trợ đối phương, ở nhiều cấp khác nhau, bao gồm trong số đại thể dân chúng, những công chức, những nhà quản trị, và những nhân viên công lực của đối phương, và nhiều lúc ngay cả những giới chức cao cấp nhất.
- Những thành phần thứ ba chưa cam kết, ở cấp quốc nội hay cấp quốc tế.
Gia tăng sự hỗ trợ và tham gia của nhóm khiếu nại
Đàn áp khốc liệt thường có hiệu quả hăm dọa đối với những người đối kháng bất bạo động. Ví dụ, mặc dù có nhiều hành động thách đố nổi tiếng rải rác khắp Bắc Kinh tiếp theo sau vụ tàn sát ở Quãng Trường Thiên An Môn đêm mồng 4 và mồng 5 tháng Sáu, 1989, như những cố gắng chặn các ngả tư đường, những nỗ lực này còn quá giới hạn để có thể phát động thành một cuộc đấu tranh rộng lớn sử dụng những hình thức bất hợp tác một cách phổ quát và kiên quyết. Tuy nhiên, những phản ứng giới hạn như thế đối với đàn áp khốc liệt không phải là phản ứng phổ quát trong tất cả mọi cuộc đấu tranh bất bạo động.
Trong một trường hợp khác, một cuộc tàn sát tương tự đã xảy ra vào ngày 9 tháng Giêng, 1905, tại St. Petersburg đưa đến một cuộc cách mạng tầm cỡ mà đáng lẽ ra trước đó không thể xảy ra được2.
Nghiên cứu kĩ lưỡng những điều kiện đưa đến những phản ứng khác biệt nhau này là một điều đáng làm.
Đôi khi đàn áp khốc liệt chống lại những người đối kháng bất bạo động can đảm sẽ thúc đẩy một số lớn người từ tổng thể nhóm khiếu nại tham gia phong trào hoạt động đối kháng. Đã từng có những thí dụ về sự gia tăng con số những người đối kháng từ những cuộc đấu tranh bất bạo động khác nhau, gồm có phong trào đối kháng Na-Uy chống lại sự chiếm đóng của Đức quốc xã, những cuộc đấu tranh về dân quyền của Mỹ, cuộc đấu tranh năm 1944 chống lại nền độc tài tại El Salvador, và những cuộc đấu tranh của người Ấn Độ giành lại độc lập từ đế quốc Anh.
Đàn áp có thể hợp pháp hoá phong trào đối kháng bởi vì đàn áp “đào sâu hố bất công” và “phát hiện bản chất thực sự của đối phương.” Những hậu quả của điều này có thể tăng cường đối kháng bằng hai cách. Sự quyết tâm của những người đối kháng bất bạo động hiện hữu có thể tăng cường độ, và họ có thể sẵn lòng thực thi những hành động quá khích và nguy hiểm hơn. Và, những cứ điểm từ đó phong trào đối kháng xuất phát có thể được nới rộng. Thêm vào đó, những thành viên của nhóm khiếu nại rộng lớn hơn có thể quyết định vào những lúc như thế là họ sẽ không còn đứng quan sát từ bên lề nữa, mà ngược lại sẽ trực tiếp tham gia vào phong trào đối kháng. Tiến trình này sẽ làm gia tăng con số những người đối kháng.
Việc đàn áp có đem lại những hậu quả như vậy hay không thay đổi từ trường hợp này đến trường hợp khác. Tuy nhiên, hành vi có chiều hướng đem lại những hiệu quả của nhu thuật chính trị thì cũng cùng loại hành vi có tính khôn ngoan, nếu những người đối kháng nhắm đến chiến thắng. Nghĩa là, những người đối kháng phải chịu đựng đàn áp, duy trì đối kháng và kỉ luật bất bạo động, và theo sát kế hoạch chiến lược của cuộc đấu tranh. Những người đối kháng có lúc có thể thay đổi một cách khôn ngoan những phương pháp đặc biệt mà họ đang sử dụng, nhưng phong trào đối kháng không thể sụp đổ nếu họ không dùng đến bạo lực.
Tạo bất đồng ý kiến và chống đối ngay trong nhóm đối phương
Đàn áp khốc liệt chống lại những người đối kháng bạo động sẽ không khơi động phản đối và chống đối từ những người hay nhóm người trong hàng ngũ đối phương. Những người hay nhóm người này có thể xem sự gia trọng của đàn áp là cần thiết hay chính đáng. Ngược lại, đàn áp quá khích chống lại những người đối kháng bất bạo động có chiều hướng tạo chống đối trong hàng ngũ đối phương hơn. Đàn áp tàn bạo chống lại những người đối kháng bất bạo động có thể được xem là không hợp lí, ghê tởm, và vô nhân đạo, hay là có hại cho chính xã hội của đối phương.
Khi những người đối kháng không bạo động thì dễ dàng hơn cho những thành viên của nhóm đối phương khuyến cáo cẩn trọng trong việc giải quyết tình thế, hay là đề nghị những phản ứng khác hơn là những biện pháp đàn áp hiện hành, hay ngay cả tỏ bất đồng ý kiến với chính sách đang có vấn đề. Đàn áp nặng nề có thể được xem như là cái giá quá cao phải trả cho sự tiếp tục từ chối những đòi hỏi của nhóm bất bạo động.
Có người đã từng lí luận là tác dụng của những cuộc đấu tranh bất bạo động ở Ấn Độ trong những thập niên 1920, 1930 và 1940 lớn hơn bởi vì người Anh là những “người lịch sự.” Do đó một vài người Anh đã phản đối việc đánh đập và giết chóc những người đối kháng bất bạo động Ấn Độ. Lí giải này không đúng. Quần chúng Anh đã không phản đối vụ đàn áp khốc liệt những người đối kháng bạo động Mau Mau ở Kenya dưới sự thống trị của người Anh trong những thập niên 1950 hay những vụ dội bom càn quét những quận cư dân người Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến. Sự chọn lựa của người Ấn sử dụng đấu tranh bất bạo động thay vì bạo lực đã thúc đẩy rất mạnh các phản đối chống lại đàn áp khốc liệt. Những đám đông công nhân xưởng dệt ở Lancashire còn mừng đón Gandhi khi ông viếng thăm họ trong lúc ông ở nước Anh năm 1931, dù rằng công ăn việc làm của họ bị ảnh hưởng nặng bởi vụ Ấn Độ tẩy chay hàng vải của Anh và của những quốc gia khác.
Tác dụng của đàn áp chống lại những người đối kháng bất bạo động đối với những thành viên của nhóm đối phương có thể mang nhiều hình thái tích cực.
A. Chất vấn về đàn áp lẫn lí do đàn áp
Trong một hoàn cảnh xung đột bất cân xứng – đàn áp bằng vũ lực chống lại đấu tranh bất bạo động – vài thành viên trong dân số của đối phương và những người thường ủng hộ họ có thể bắt đầu đặt câu hỏi về việc đàn áp bằng vũ lực chống lại những người đối kháng bất bạo động và cũng xét lại những vấn đề tranh chấp được nêu ra trong cuộc xung đột. Những thành viên của nhóm đối phương có thể có những phản ứng như sau:
- những cảm giác là đàn áp và những bạo tàn có thể có là quá đáng và nhượng bộ tốt hơn là tiếp tục đàn áp.
- một cách nhìn đã được thay đổi về bản chất của chế độ, có thể dẫn đến một niềm tin mới hoặc được tăng cường là cần phải có những thay đổi nội bộ quan trọng.
- cảm tình tích cực đối với nhóm bất bạo động và lí tưởng đấu tranh của họ.
- nhiều loại hỗ trợ tích cực cho lí tưởng đấu tranh của nhóm khiếu nại và phụ trợ những người đối kháng bất bạo động.
B. Đào ngũ trong nhóm đối phương
Sự ghê tởm đối với sự tàn ác của đàn áp chống lại những người đối kháng bất bạo động có lúc đã từng làm cho những người phục vụ trong chính quyền của đối phương, cảnh sát, hoặc lực lượng quân đội đặt vấn đề về lí do và các phương tiện đối phương sử dụng để kiềm chế những người đối kháng. Điều này có thể đưa đến kết quả là sự cảm thấy khó chịu, bất đồng ý kiến, và ngay cả rời bỏ hàng ngũ và bất tuân giữa những thành viên của nhóm đối phương3.
C. Nổi loạn
Rời bỏ hàng ngũ đôi khi lan đến cảnh sát và quân đội, những người có bổn phận thực thi đàn áp. Họ có thể cố tình trở nên vô hiệu năng khi thi hành lệnh, hoặc ngay cả có thể nổi loạn. Đôi lúc chỉ có những cá nhân bất tuân và đào nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp trong lịch sử về những đơn vị quân đội toàn bộ đào ngũ và theo lí tưởng đấu tranh của những người đối kháng bất bạo động.
D. Rạn nứt trong chế độ của đối phương
Những tàn ác chống lại những người đối kháng bất bạo động đôi khi cũng có thể đưa đến việc làm cho chế độ của đối phương rạn nứt thành những phe phái có những quan điểm khác nhau về chính sách, phương tiện kiểm soát, và các vấn đề về nhân viên. Những cá nhân hay nhóm có những cạnh tranh cá nhân ủ ấp lâu ngày lúc này có thể biểu lộ những cạnh tranh này qua những khác biệt chính đáng về chính sách.
Lấy lòng những thành phần thứ ba chưa cam kết
Đàn áp những người đối kháng bất bạo động đôi khi có thể lôi cuốn được sự lưu ý của quảng đại quần chúng và ngay cả của quốc tế đối với cuộc đấu tranh và có thể khơi động thiện cảm tốt đẹp đối với nhóm bất bạo động đang phải chịu khốn khổ. Sự lưu tâm phổ quát này bắt buộc các nhà lãnh đạo của đối phương phải cắt nghĩa hay biện minh cho những chính sách của họ.
Tuy nhiên, chỉ “ý kiến quần chúng” thuận lợi cho những người đối kháng không mà thôi sẽ không đưa đến chiến thắng. Nhóm bất bạo động đừng nên mong đợi sự chuyển đổi ý kiến và hỗ trợ như thế xảy ra, nói chi đến việc nhóm đối phương sẽ nhượng bộ chỉ vì những chuyển đổi như thế. Ví dụ, mặc dù cả thế giới bất bình sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, những giới chức Trung Hoa trong bao nhiêu năm nay vẫn từ chối thừa nhận lỗi lầm về những hành động của họ.
Thường thường thì những đối thủ quyết tâm có thể lờ đi ý kiến thù nghịch cho đến khi hay ngoại trừ ý kiến này đưa đến, hay đe doạ, những chuyển đổi về tương quan lực lượng. Tuy nhiên, khi sự bất mãn quốc tế đã chuyển thành hành động cụ thể, như là rút lui tín dụng, cắt tiếp viện, hoặc áp đặt những hình phạt kinh tế và ngoại giao, thì sự bất mãn chống lại đối phương này trở nên mạnh hơn và khó mà lờ đi được.
Ý kiến quần chúng thuận lợi cho những người đối kháng bất bạo động có thể là một lực hỗ trợ mạnh mẽ, nhưng nó không thay thế được cho khả năng đấu tranh bất bạo động do những người đối kháng bất bạo động và nhóm khiếu nại rộng lớn hơn động viên.
Những nhân tố quyết định tác dụng của ý kiến của những thành phần thứ ba
Bốn nhóm nhân tố sẽ quyết định là đối phương có bị ảnh hưởng bởi những thay đổi ý kiến của những thành phần thứ ba hay không:
(1) Những thành phần thứ ba thuộc quốc nội hay là quốc tế? Tác dụng của những thay đổi ý kiến và của những hành động do những thay đổi ý kiến này của những thành phần thứ ba tại quốc nội, chứ không phải quốc tế, sẽ khác nhau rất nhiều. Nói một cách tổng quát thì người ta có thể trông đợi sự bất đồng ý kiến và chống đối đàn áp tại quốc nội đem lại khó khăn tức thời và trầm trọng hơn là chống đối quốc tế. Chống đối quốc tế có thể cần nhiều thời giờ mới có tác dụng, điều mà đối phương có thể tiên đoán, và có đủ thời gian để đánh sập phong trào đối kháng, và để sự chống đối quốc tế phai nhạt dần đi. Tuy nhiên cần phải phân tích từng trường hợp một.
(2) Bản chất của đối phương và hoàn cảnh xung đột. Những đối thủ đối đầu với đấu tranh bất bạo động không giống nhau. Một số thì nhạy cảm về ý kiến của quần chúng hơn là một số khác rất nhiều. Những câu hỏi sau đây nên cần được xét định: Đây là chế độ dân chủ hay là độc đoán? Ý thức hệ của chế độ là gì và ai là những người đối kháng và ai là nhóm khiếu nại? Thái độ của chế độ đối với đối kháng là gì? Những vấn đề tranh chấp quan trọng đối với chế độ như thế nào? Đối phương nhận định về vai trò của đàn áp như thế nào? Những diễn biến xảy ra trong loại hệ thống xã hội nào? Đối phương có nhạy cảm về ý kiến của những thành phần thứ ba hay không, hay có lệ thuộc vào những ý kiến này trong một ý nghĩa nào đó hay không?
(3) Những hành động do những ý kiến đã được thay đổi đem lại. Một khi sự thay đổi ý kiến của những thành phần thứ ba đã đạt được, thì ai sẽ hành động chống lại chế độ của đối phương, và loại hành động nào cần phải được thực hiện?
Những hành động của thành phần thứ ba có thể bao gồm phản đối, những tuyên ngôn công khai, biểu tình, những biện pháp ngoại giao, những trừng phạt kinh tế, và vân vân. Những hành động này cần phải được xem như là phụ trợ và bổ túc cho đối kháng quốc nội, nhưng không bao giờ là hành động chính của cuộc đấu tranh. Tỉ lệ của những thành công trong những trường hợp hành động bất bạo động quốc tế trong quá khứ, nhất là bởi những thành phần thứ ba, thì hết sức là nhỏ bé. Những hành động của thành phần thứ ba thông thường có tính biểu tượng, do đó yếu. Các loại hành động hỗ trợ có phẩm chất hơn, nhất là do các thành phần thứ ba quốc tế, thường chỉ được giới hạn vào những chế tài kinh tế, trong lúc sự giúp đỡ về kĩ thuật nhằm phụ trợ đối kháng quốc nội chống lại một chế độ áp bức thì hầu như luôn luôn không có, mặc dù điều này có thể thay đổi.
Hành động quốc tế không thay thế cho cuộc đấu tranh quốc nội do chính nhóm khiếu nại xúc tiến được. Chính vì bản chất của kĩ thuật bất bạo động mà trách nhiệm chính của cuộc đấu tranh phải được gánh vác bởi chính nhóm khiếu nại, những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các chính sách của đối phương.
(4) Những chuyển đổi ý kiến của những thành phần thứ ba nhằm hỗ trợ lí tưởng đấu tranh của nhóm bất bạo động. Những chuyển đổi này có thể giúp những người đối kháng bằng cách nâng tinh thần của họ và khuyến khích họ kiên trì cho đến lúc chiến thắng. Những chuyển đổi này cũng có thể giúp làm sa sút tinh thần của nhóm đối phương.
Tương lai của sự hỗ trợ bởi những thành phần thứ ba
Sự hỗ trợ bởi những thành phần thứ ba và quốc tế thường được sử dụng và có hiệu quả giới hạn. Có lẽ, trong tương lai, những hình thái hỗ trợ mới có thể được tung ra, như việc cung cấp tài liệu và các tập sách nhỏ về đấu tranh bất bạo động, cống hiến những khuyến cáo tổng quát về cách làm thế nào để tiến hành thiết kế chiến lược cho đấu tranh bất bạo động, cung cấp các phương tiện ấn loát hay các dịch vụ, cung cấp phương tiện và máy móc đài phát thanh, và cung cấp những căn cứ và trung tâm học tập và huấn luyện loại đấu tranh này.
Đàn áp ít khốc liệt hơn và hành động phản công bất bạo động?
Bằng cách chọn chiến đấu bằng một kĩ thuật làm cho nhu thuật chính trị có thể thực hiện được, những người đối kháng bất bạo động tung ra những sức mạnh có thể gây khó khăn cho đối phương phản công hơn là bạo động.
Xét theo quan điểm những mạo hiểm mà đối phương đối diện khi sử dụng đàn áp khốc liệt, thì họ có thể thử nghiệm những biện pháp kiềm chế ít khắt khe hơn, hay ngay cả tìm cách giảm thiểu bạo lực của họ. Đôi khi họ có thể ngay cả sử dụng hành động phản công bất bạo động. Những trường hợp hành động phản công bất bạo động như thế đã từng xảy ra có thể là những nỗ lực thử nghiệm đầu tiên tiến đến một loại hoàn cảnh xung đột mới mà cả hai bên đều trông cậy vào hành động bất bạo động như là giải pháp tối hậu.
Tóm lược: Thay đổi tương quan lực lượng
Sức mạnh của mỗi đối thủ trong một cuộc xung đột mà trong đó hành động bất bạo động được sử dụng biến đổi liên tục. Đôi khi đây là kết quả của nhu thuật chính trị, cũng như của những lực khác do kĩ thuật này tung ra. Những chuyển đổi do nhu thuật chính trị đem lại trở thành đương nhiên chỉ sau khi những chuyển đổi này đã xảy ra.
Việc siết lại hay giữ lại sự hỗ trợ cho đối phương và cho những người đối kháng bất bạo động sẽ ảnh hưởng đến những nguồn sức mạnh mà mỗi bên có được. Những chuyển đổi về khả năng sức mạnh này có thể ở mức tột độ.
Tiềm năng này có thực hiện được hay không tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh và hành sử của những người tham dự. Các nhân tố liên hệ đến những người đối kháng bất bạo động bao gồm mức độ họ phụ giúp vận hành kĩ thuật nhu thuật chính trị bằng kỉ luật bất bạo động, bằng sự kiên trì, và bằng sự lựa chọn chiến lược và các chiến thuật.
Nhu thuật chính trị không công hiệu trong tất cả mọi cuộc đấu tranh chính trị, như đã có ghi nhận trước đây. Tuy nhiên, có những phương tiện khác để thay đổi tương quan lực lượng bằng đấu tranh bất bạo động. Ngay cả khi không có đàn áp khốc liệt hoặc không có nhu thuật chính trị, những phương pháp phản đối và thuyết phục bất bạo động, bất hợp tác, và can thiệp bất bạo động cũng có thể tung ra được sức mạnh rất đáng kể nếu được áp dụng khôn khéo.
___________________________________________________________
CƯỚC CHÚ
1Cuộc thảo luận sau đây về các phương pháp đấu tranh bất bạo động – và đặc biệt là bất hợp tác — được dựa theo cuốn Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action ] của Sharp rất nhiều, tt. 109-445.
2Xem các trích đoạn và trích chiếu của Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động (Boston, Massachusett: Porter Sargent, 1973), tt. 679-580.
3 Ý thức rằng đàn áp tàn bạo có thể đem lại những khó khăn trầm trọng cho nhóm đối phương, một vài người đối kháng bất bạo động có thể cố tình làm những hành động khiêu khích mong rằng sự đàn áp tàn bạo sẽ làm cho nhiều người rời bỏ hàng ngũ đối phương. Thêm nữa, nhóm bất bạo động có thể trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ của những thành viên của nhóm đối phương. Đôi khi, những rạn nứt mới được tạo ra, lúc khác thì những rạn nứt cũ trở nên trầm trọng hơn. Ngược lại, bạo động bởi những người đối kháng thường có khuynh hướng tạo đoàn kết trong nhóm đối phương. Một nguyên tắc chiến lược sâu sắc là không để đối phương đoàn kết chống lại mình. Khôn ngoan là làm trầm trọng những vấn đề nội bộ và chia rẽ trong hàng ngũ đối phương, và tạo tiềm năng tranh thủ chấp nhận – và ngay cả hỗ trợ cho lập trường của mình.
0 Comments