Tái Phân Phi Quyn Lc
(Bài 040)
Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.  

Những hiệu quả của thành công là gì?

Đôi khi người ta nghe những khẳng định cực kì khác nhau về những hiệu quả của đấu tranh bất bạo động thành công. Một vài nhà phê bình thù nghịch tuyên bố ngang nhiên là hỗn loạn sẽ là kết quả — chứ không phải một xã hội tự do và công chính hơn. Những nhà phê bình khác lại nói là kết quả sẽ là một nền độc tài mới kế tiếp sự sụp đổ của hệ thống có trật tự trước kia. Có thể là cả hai điều này đều không phải là kết quả một khi mà cuộc đấu tranh bất bạo đông có kỉ luật đã xảy ra, và đặc biệt càng không phải là kết quả khi cuộc đấu tranh ít ra cũng đã thành công một phần nào rồi.

    Đối kháng bất bạo động kỉ luật không hỗn loạn cũng không vô trật tự. Đấu tranh bất bạo động hữu hiệu bao gồm kỉ luật tự giác và kỉ luật tập thể, cũng như trật tự. Thực ra đấu tranh bất bạo động càng biểu tỏ kỉ luật thì càng có chiều hướng hữu hiệu, và cũng càng có ít cơ hội cho vô trật tự và hỗn loạn về sau này.

    Đúng là một vài cuộc đấu tranh bất bạo động đã được tiếp nối bằng sự thiết lập một nền độc tài mới. Đôi khi, vì bất cứ động lực nào trong số một vài động lực có thể có, một nhóm độc đoán hay độc tài có thể tìm cách khai thác giai đoạn chuyển tiếp bất ổn bằng cách giành quyền kiểm soát Nhà Nước, như chúng ta đã ghi nhận. Những chiến lược gia và những người lãnh đạo đấu tranh bất bạo động khôn ngoan nên dự tính trước sự nguy hiểm này để chuẩn bị và phổ biến các kế hoạch bất hợp tác ồ ạt để ngăn chặn và đánh bại những nỗ lực tiếm quyền như thế.

    Cả sự hỗn loạn lẫn độc tài đều đi ngược lại những khuynh hướng chính trong số các hiệu quả dài hạn của đấu tranh bất bạo động. Trong trường hợp đã có một sự áp dụng đấu tranh bất bạo động khá sành sỏi, thì kĩ thuật đấu tranh bất bạo động sẽ có những hiệu quả lâu dài quan trọng đối với cả chính nhóm đấu tranh bất bạo động lẫn đối với sự phân phối quyền lực giữa những đối thủ tương tranh trong cuộc xung đột và trong lòng hệ thống rộng lớn hơn.

Hiệu quả đối với nhóm đấu tranh bất bạo động

Kĩ thuật hành động bất bạo động tạo những thay đổi nơi những người tham dự. Sức mạnh của những người đối kháng có khuynh hướng phát triển khi cuộc đấu tranh tiến hành. Vì vậy, quyền lực trở nên được phân tán rộng  hơn trong xã hội, hơn là tập trung vào trong tay của bất cứ một nhóm đặc quyền áp bức nào.

    Tham dự vào đấu tranh bất bạo động vừa đòi hỏi vừa tạo ra một sự chấm dứt sự thụ động khuất phục ý muốn của đối phương. Sự tham dự này còn giúp sửa sai sự thiếu tự tin, những tự kỉ ám thị tiêu cực về bản thân, sự cảm nhận về bất lực và yếu kém về mình, sự ghét bỏ trách nhiệm, hay là ước vọng được thống trị, những điều thường hiện diện ở những người dân nô thuộc. Trong tiến trình của những cuộc đấu tranh bất bạo động thành công, những cảm giác này có khuynh hướng được thay thế bởi những cảm giác ngược lại.

    Còn quan trọng hơn cả những thay đổi do cuộc đấu tranh bất bạo động tạo ra nơi đối phương là sự tăng sức mạnh cho những người tòng phục trước đây nay đã biết sử dụng kĩ thuật này. Kinh nghiệm này dạy cho họ là họ có thể cùng nhau hành động với những người khác cùng có chung khiếu nại và có thể tạo được một tác dụng lớn đối với việc thăng tiến hoàn cảnh của mình. Tham dự vào đấu tranh dạy cho họ là những người yếu trước kia nay có thể trở nên mạnh.

    Kinh nghiệm sử dụng đấu tranh bất bạo động cũng đã từng cho thấy là tham gia còn có khuynh hướng gia tăng mức độ không sợ hãi giữa những người đối kháng. Khởi đầu, những người đối kháng bất bạo động có thể phải cần có ý thức kiềm chế sự sợ hãi và tức giận của mình. Sau đó, sợ hãi sẽ giảm dần. Bằng cách học được là họ có thể duy trì cứng rắn trước đàn áp, những người đối kháng thường tranh thủ được một cảm giác giải thoát khỏi sợ hãi. Với sự giảm bớt hay hết sợ hãi, những người đối kháng giảm thiểu, hay ngay cả loại bỏ được một trong những nguồn sức mạnh của đối phương: sự sợ hãi bị trừng phạt. Điều này sẽ không những làm suy yếu đối phương hiện tại mà còn gia tăng khả năng của nhóm khiếu nại trong dài hạn khỏi bị áp bức bởi bất cứ đối phương nào khác trong tương lai nữa.

    Jewaharlal Nerhu, người không bao giờ là tín đồ của bất bạo động đạo đức, đã phúc trình là tham gia bất hợp tác đã đem lại cho quần chúng Ấn Độ “một cảm giác giải thoát….một sự quẳng gánh hết sức nặng nề đi, một cảm giác tự do. Sự sợ hãi đã từng đè bẹp họ trước kia nay đã rút lui vào bóng tối, và họ đã đứng thẳng dậy, ngẩng cao đầu.”1 Đã từng có những phúc trình tương tự từ những cuộc đấu tranh khác ở những nơi khác trên thế giới.

    Những hệ thống hệ đẳng hiện hữu một phần vì những người phục tòng khuất phục như là kết quả của việc tự xem mình thua kém. Do đó, hai bước để thách thức và chấm dứt hệ thống hệ đẳng là trước hết, phải làm cho những thành viên của nhóm người phục tòng thấy họ là những con người trọn vẹn không thua kém bất cứ ai; và thứ đến, phải làm cho họ hành động theo những cách thức thích hợp với cái nhìn đã được thăng hoa về chính bản thân. Những thành viên của nhóm phục tòng trước kia nay học được là họ có khả năng đối kháng và tung ra sức mạnh đáng kể để sửa sai những vấn đề mà họ gặp phải.

    Mặc dù phải chịu những nhọc nhằn của đấu tranh, những người đối kháng bất bạo động vẫn thấy đó là một kinh nghiệm đem lại thoả mãn. Điều này đã từng được phúc trình lại từ nhiều cuộc đấu tranh khác nhau, gồm cả cuộc biểu tình ủng hộ người Do Thái ở tại Amsterdam dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã vào tháng Hai năm 1941:

Đối với những người đã tham dự trước đây, cuộc đình công đem lại một cảm giác nhẹ nhõm bởi vì nó tượng trưng cho một sự phủ nhận năng động chế độ của người Đức….Trong cuộc đình công, số dân làm việc đã nhận dạng ra được chính bản thân mình trong việc thách thức quyền lực chiếm đóng2.

     Tham gia có thể mang lại một tinh thần mới, một ý nghĩa về giá trị của bản thân, và hi vọng cho tương lai.

    Hiệu quả của hành động bất bạo động sẽ gia tăng khi những người đối kháng và nhóm khiếu nại nói chung có được một mức độ cao về thống nhất nội bộ. Bạo động thường loại một số người, không cho tham gia vì tuổi tác, giới tính, điều kiện sức khoẻ, niềm tin, hay sự không ưa thích của họ. Tuy nhiên, hình như hành động bất bạo động đóng góp vào sự thống nhất nội bộ, và lôi cuốn được sự tham gia rộng lớn hơn của nhiều nhóm khác biệt nhau hơn. Sự phát triển này đã từng được chứng kiến trong phong trào lao động, như E.T. Hiller đã phúc trình: Xung đột “củng cố nhóm”. “Khi bị tấn công, những người đình công nhận thức được tính đồng nhất về quyền lợi của họ.”3

    Rút lui hợp tác với đối phương và với hệ thống của họ không khẩn thiết phải đem lại sự hỗn loạn và vô tổ chức. Ngược lại, một sự rút lui như thế thường có khuynh hướng đem lại sự hợp tác chặt chẽ hơn trong hàng ngũ của nhóm khiếu nại nói chung và giữa những người đối kháng nói riêng. Phong trào chống lại đối phương đòi hỏi sự tổ chức, sự hợp tác, và hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm khiếu nại để đáp ứng những nhu cầu xã hội và duy trì trật tự xã hội. Việc tẩy chay một số cơ chế đòi hỏi phải tăng cường một số cơ chế khác hay là tạo ra những cơ chế mới. Ví dụ tẩy chay kinh tế đòi hỏi phải có những nguồn lực thay thế để đáp ứng những nhu cầu kinh tế. Bất hợp tác chính trị ồ ạt đòi hỏi phải phát triển những định chế xã hội và chính trị thay thế, trong những trường hợp cực đoan, có thể dẫn đến một chính quyền song hành. Đây là phần rõ nét của cuộc đối kháng Hung Gia Lợi vào thế kỉ thứ 19 chống lại nền cai trị của Áo.4

   Khi đấu tranh bất bạo động được sử dụng hữu hiệu vừa phải, thì kĩ thuật này có khuynh hướng lan rộng. Cũng cùng những người sử dụng kĩ thuật này trước đây có thể sau này lại sử dụng kĩ thuật đó trong những hoàn cảnh khác, và những người khác có thể noi gương này để giải quyết những vấn đề của mình. Mặc dù là bạo động cũng có thể mang tính truyền nhiễm, nhưng hậu quả thì rất khác. Có những thí dụ được lặp đi lặp lại trong cuộc Cách Mạng Nga 1905 là những cuộc đình công và những phương pháp đấu tranh khác đã lan rộng bằng cách bắt chước.

    Những thành công nhỏ từ những cuộc đình công khoảng đầu năm 1905 đã đưa đến sự phát triển các tổ chức công đoàn và những cuộc đình công khác. Cũng vậy, những thành công chính trị giới hạn đôi khi cũng đã thúc đẩy những người đối kháng bất bạo động cố tranh thủ cho kì được những mục tiêu rộng lớn hơn5.

     Mặc dù những hiệu quả của đấu tranh bất bạo động đối với đối phương rất quan trọng, nhưng trong dài hạn những hiệu quả đối với chính những người đối kháng bất bạo động vươn xa hơn và có tiềm năng quan trọng hơn. Nếu người ta mạnh và biết cách đối kháng hữu hiệu thì trước tiên khó có thể hoặc không có thể có ai áp bức họ được. Sự tăng cường sức mạnh cho nhóm khiếu nại như thế rốt cuộc sẽ thay đổi những tương quan lực lượng một cách lâu dài.

Quyền lực được phân tán và kĩ thuật bất bạo động

Một xã hội tự do cần những nhóm người hay những cơ chế xã hội mạnh có khả năng hành động độc lập và có thể tung ra sức mạnh của chính mình để kiềm chế một chính quyền hay một chế độ hiện hành của những người tiếm quyền ở trong nước hay ngoại bang. Nếu những nhóm người và những tổ chức này yếu, thì cần phải được tăng cường. Nếu không có, thì cần phải tạo ra để kiểm soát những người cai trị không muốn bị kiềm chế.

    Ở đây, các vấn đề về tổ chức và kĩ thuật chính trị đồng quy. Có thể có một sự liên hệ nhân quả giữa sự tập trung hay là phân tán tương đối về quyền lực trong xã hội và kĩ thuật đấu tranh — bạo lực chính trị hay đấu tranh bất bạo động – được tin cậy là sẽ duy trì hay thay đổi hệ thống xã hội. Do đó, sự chọn lựa giữa bạo lực chính trị hay là kĩ thuật đấu tranh bất bạo động, như một sự chấp thuận tối hậu của xã hội, sẽ giúp quyết định khả năng tương lai của xã hội này trong việc thực hiện sự kiểm soát của quần chúng đối với bất cứ một nhà lãnh đạo nào hay là một nhà lãnh đạo nào có thể có trong tương lai.

    Người ta đã từng thừa nhận một cách rất phổ quát là những cuộc cách mạng bạo lực và các cuộc chiến tranh thường được kèm theo và tiếp nối bởi một sự gia tăng về cả quyền lực tuyệt đối của Nhà Nước lẫn một sự tập trung tương đối về quyền lực vào trong tay Nhà Nước. Những thay đổi kĩ thuật về vũ khí quân sự và chuyên chở, và về sự không phân biệt được mục tiêu và các tổn thất giữa dân sự và các lực lượng quân đội đã đánh nổi khuynh hướng này. Như đã có bàn đến trước đây, kiểm soát được tập trung lại bởi một tập đoàn tự tuyển điều động các cơ chế chiến tranh có thể sau này quay lại chống chính quyền trước đó và chống lại dân chúng để giành lấy và duy trì quyền kiểm soát chính trị. Bởi vì bạo động chính trị thường đóng góp vào việc phá huỷ những cơ chế độc lập của xã hội, dân chúng của một xã hội từng sử dụng nhiều bạo lực có thể có ít khả năng chống lại những người áp bức tại quốc nội hoặc ngoại bang hơn là một xã hội đã từng sử dụng những phương pháp đấu tranh bất bạo động và vẫn còn có những  cơ chế độc lập, vững mạnh.

    Đấu tranh bất bạo động, do đó, tỏ ra là có những hiệu quả dài hạn khác đối với việc phân phối quyền lực trong xã hội hơn là đấu tranh bạo động. Kĩ thuật bất bạo động không có những hiệu quả tập trung của bạo lực chính trị. Ngược lại, hình như những áp dụng chính yếu của đấu tranh bất bạo động có tổ chức thường gia tăng tiềm năng kiểm soát của dân chúng nhiều hơn vì loại đấu tranh này đóng góp vào sự gia tăng phân tán quyền lực hữu hiệu trong toàn thể xã hội. Người ta học được cách làm thế nào để tự tổ chức và làm thế nào để tiến hành đối kháng chống lại những đối thủ đã được nhận diện. Do đó, người ta có chiều hướng phát huy được nhiều tự do hành động hơn, và, vì vậy, ít độc tài hơn và nhiều dân chủ hơn.

    Việc sử dụng đấu tranh bất bạo động phổ quát, thay vì bạo động chính trị, có khuynh hướng phân tán quyền lực giữa quần chúng. Những người sử dụng kĩ thuật này trở nên tự lập hơn bằng cách phát triển những khả năng lãnh đạo của họ và thăng tiến khả năng của họ trong việc áp dụng những phương tiện đấu tranh hữu hiệu. Và, quyền lực của những chính quyền hậu đấu tranh sẽ bị giới hạn hơn, và dân chúng thì đã có phát triển một khả năng dự trữ về đấu tranh bất bạo động sẵn sàng để được sử dụng chống lại những nguy hiểm trong tương lai.

    Lãnh đạo cần thiết cho đấu tranh bất bạo động có khuynh hướng dân chủ hơn, không trông cậy vào bạo lực để duy trì sự hợp nhất của nhóm, và lệ thuộc vào sự chấp nhận uy quyền có tính đạo đức của họ, vào sự phán đoán chiến lược và chính trị, và vào sự ủng hộ của quần chúng đối với mình. Hơn nữa, mặc dù rất quan trọng, lãnh đạo các cuộc đấu tranh bất bạo động có thể thay đổi được và có thể chỉ tạm thời. Trong số những lí do cho điều này thì có hai lí do: những người lãnh đạo thường hay bị bắt hoặc thủ tiêu và phong trào đối kháng vì vậy đòi hỏi nhiều tự lập hơn trong số những người tham gia. Trong những điều kiện ngặt nghèo, bị đàn áp khốc liệt thì hiệu năng đòi hỏi những người đối kháng phải có khả năng hành động mà không cần trông cậy vào nhóm lãnh đạo trung ương. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến loại lãnh đạo đang được phát triển và được chấp nhận trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, đối chiếu với những cuộc xung đột bạo động. Những người lãnh đạo những cuộc đấu tranh bất bạo động thành công, ít trở thành những bạo chúa hơn là những người lãnh đạo các cuộc đấu tranh bạo động thành công, bởi vì kĩ thuật bất bạo động có khuynh hướng đưa đến tự lập nhiều hơn trong dân chúng và tăng cường sức mạnh của xã hội dân sự.

     Những người lãnh đạo những cuộc đấu tranh bạo động có thể thiết lập kiểm soát trung ương vì hai lí do. Trước hết là họ có thể điều động và phân phối các vũ khí quân sự và đạn dược cho những người chiến đấu và cho dân chúng. Thứ đến, họ có thể chỉ huy sự áp dụng bạo lực, ngay cả chống lại dân chúng. Ngược lại, những người lãnh đạo đấu tranh bất bạo động không thể làm điều này, vì vũ khí của hành động bất bạo động không phải là những vũ khí vật chất.

     Tiếp theo sau một cuộc đấu tranh bạo động thành công, Nhà Nước với khả năng đàn áp của mình có lẽ sẽ trở nên lớn hơn là trước khi có đấu tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp của những cuộc đấu tranh bất bạo động thì điều này có lẽ không xảy ra, và khả năng đấu tranh quần chúng của dân có lẽ đã được gia tăng. Những cơ chế độc lập của xã hội có lẽ cũng đã được tăng sức mạnh nhờ những vai trò đã đóng góp trong phong trào đối kháng. Vì vậy, những cơ chế này sẽ có khả năng sinh hoạt hữu hiệu hơn, trong thời bình cũng như trong những cơn khủng hoảng.

     Đấu tranh bất bạo động có thể giúp người dân trở nên tự do, có tổ chức, có kỉ luật, can đảm, và có khả năng thiết lập một nền dân chủ, và bảo vệ nền dân chủ này khi cần. Những người này có chiều hướng tin vào khả năng hành động hữu hiệu của họ trong tương lai hơn.

     Những người biết mình có kinh nghiệm thành công trong việc áp dụng một khả năng đấu tranh độc lập sẽ có chiều hướng được những nhà cai trị đối xử với nhiều săn đón hơn, bởi vì quần chúng có thể đối kháng để tranh thủ và bảo vệ những quyền mà họ đòi hỏi. Tuy nhiên, mong một cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm tranh thủ những mục tiêu nào đó được thành công, không những trong việc đạt được những mục đích đó mà còn giải quyết được những vấn đề không phải là những vấn đề tranh chấp trong cuộc đấu tranh, là không thực tế. Một chiến dịch bất bạo động duy nhất hẳn sẽ không loại bỏ việc xã hội hay hệ thống chính trị sẽ sử dụng bạo lực trong tương lai. Ngược lại, thay thế bạo lực bằng đấu tranh bất bạo động sẽ trở nên có thể thực hiện được bằng một loạt những thay thế cụ thể cho những mục đích nào đó, nếu và khi nào những thay thế này được xem là đáng làm và hữu hiệu.

     Những khả năng đã được phát triển để thành công trong đấu tranh bất bạo động có thể được sử dụng để bảo vệ những mục tiêu đã đạt được khỏi bị những đe doạ trong tương lai, nếu dân chúng chọn sử dụng những khả năng này. Những thắng lợi do đấu tranh bất bạo động đem lại do đó tương đối có thể lâu bền và không đòi hỏi bạo lực để bảo toàn những thắng lợi này.

     Đây, dĩ nhiên, là một khuynh hướng, và không phải là một tiến trình được bảo đảm. Tiếp theo một cuộc đấu tranh bất bạo động thành công, quyền lực có thể trở nên phân tán trong dân chúng, đem lại cho người dân khả năng kiểm soát lớn hơn là họ có trước kia đối với tương lai chính trị của họ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, điều này có thể không xảy ra. Kinh nghiệm về sức mạnh quần chúng có thể bị thuyên giảm, ngay cả trong trí nhớ của người dân, và phần lớn bị mất hẳn khi người ta rơi ngược trở lại vào những quan điểm và thói quen khuất phục trước đây. Điều nào trong số những điều này xảy ra, và xảy ra ở mức độ nào, tuỳ thuộc vào tiến trình của cuộc đấu tranh, và vào những lựa chọn và những diễn biến về sau. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong việc sử dụng hữu hiệu đấu tranh bất bạo động đã vũ trang quần chúng với kiến thức làm thế nào để sử dụng những vũ khí bất bạo động nếu họ chọn giải pháp này.

     Tất cả những chỉ dấu này gợi ý là hành động bất bạo động và bạo lực chính trị có thể đóng góp vào những loại xã hội hoàn toàn khác nhau. Khả năng này đáng được duyệt xét cẩn thận.

     Tuy nhiên, chỉ những đặc tính này mà thôi thì không bảo đảm là sẽ không còn những hình thức khác được xem là bất công xã hội, kinh tế, và chính trị vẫn tồn tại hay là được thi hành sau một cuộc đấu tranh bất bạo động thành công. Chỉ những đặc tính này mà thôi, trong những trường hợp khác, cũng không bảo đảm được một nền dân chủ năng động, lâu bền sau khi đấu tranh bất bạo động đã đánh bại một chính quyền áp bức.

     Trong vài trường hợp nhắm đến những thay đổi chính trị lớn lao, một nhóm độc tài đã giành lấy quyền kiểm soát Nhà Nước khi nhóm đấu tranh bất bạo động sắp sửa thành công, như trường hợp Miến Điện năm 1988, hay là khi cuộc bàn giao quyền lực đang tiến hành, như trường hợp Đế Quốc Nga năm 1917.

     Do đó điều quan trọng là phải có kế hoạch làm sao để những quan hệ mới phải được thực thi sau khi đã thành công và, trong trường hợp nếu thay đổi chính trị lớn lao là mục tiêu, thì phải lập kế hoạch cẩn thận cho cơ cấu dân chủ mới. Cần phải tăng sức mạnh cho những cơ chế độc lập của xã hội. Và cũng khẩn thiết phải tăng cường khả năng của dân chúng đối kháng lại những kẻ áp bức và các nhà độc tài có thể có trong tương lai. Điều này có nghĩa là phải phổ biến trong dân chúng một sự thông hiểu tổng quát về đấu tranh bất bạo động lẫn những chiến lược cụ thể để bảo vệ những mối quan hệ và những tự do vừa mới tranh thủ được.

     Những việc sử dụng trong tương lai và hiệu quả của đấu tranh bất bạo động lệ thuộc vào việc tranh thủ được kiến thức gia tăng về bản chất của đấu tranh bất bạo động, vào việc đào sâu những kĩ năng của mình trong việc áp dụng kĩ thuật này trong những cơn khủng hoảng, vào nhận định sắc bén về chiến lược, và vào việc phổ biến kiến thức này trong toàn xã hội. Khi phát triển những khả năng này, thì có sự đóng góp của nhiều người trong những vai trò khác nhau.

___________________________________________________________

CƯỚC CHÚ

1Jewaharlal Nerhu, Một Hồi Ký [An Autobiography] (Ấn Bản mới: Luân Đôn: The Bodley Head, 1953) t. 69.

2 Werner Warmbrunn, Người Hoà Lan Dưới Sự Chiếm Đóng của Người Đức, 1940-1945 [The Dutch Under German Occupation, 1940-1945] (Palo Alto, California: Stanford University Press, 1963), t. 111.

3 E.T. Hiller, Đình Công [The Strike] (Chicago: University of Chicago Press, 1928), tt. 30 và 90.

4 Arthur Griffith, Sự Hồi Sinh của Hung Gia Lợi: Một Đối Chiếu Cho Ái Nhĩ Lan [The Resurrection of Hungary: A Parallel for Ireland] (Ấn bản thứ ba. Dublin: Whelan &Son, 1918), t. 170.

5 Xem Sidney Harcave, Giọt Máu Đầu Tiên: Cuộc Cách Mạng Nga Năm 1905 [First Blood: The Russian Revolution of 1905] (New York: Macmillan, 1964), tt. 77, 79-81, 134, 143-144, 154, 171, 176-177, và 215.

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.