Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.
Một cách hữu hiệu để học làm thế nào suy nghĩ một cách có chiến lược là làm theo những thí dụ của các định chế quân sự, theo đó học tập dưới sự bảo trợ của một cố vấn đi theo một chương trình chuyên nghiệp thật công kĩ. Không có chương trình quân sự nào dành riêng cho dân sự, và những người dấn thân vào đấu tranh bất bạo động hiếm khi có đủ thời giờ và tài nguyên để theo học suốt hằng bao nhiêu năm trời nhằm làm sắc bén những kĩ năng suy tư chiến lược. Mục đích của bài này là để giới thiệu với độc giả một vài thí dụ về những nhận xét sáng suốt của những nhà tư tưởng chiến lược được tuyển chọn hầu mong hữu ích cho việc làm quen với lối suy tư “tổng thể”. Machiavelli, Clausewitz, Gandhi, và Liddell Hart đã được chọn vì những nhận xét sắc bén của họ, nhưng còn có những người khác nữa mà khả năng suy tư một cách có chiến lược cũng hữu ích không kém.
Machiavelli
Nếu các chiến dịch và những cuộc nổi dậy xảy ra tại Ý đã cho ta hình dung là khả năng quân sự đã tiêu tan hết rồi, thì lí do đích thực là vì những phương pháp chiến tranh cũ không hay và chưa ai có khả năng tìm ra được những phương pháp mới. Một người mới vươn lên tới quyền lực không thể tạo được danh tiếng lớn hơn là bằng cách tìm ra được những luật lệ và phương pháp mới.
–Machiavelli, Ông Hoàng [The Prince]
Nicolo Machiavelli (1469-1527) lớn lên khi những thay đổi lớn về kinh tế và chính trị đang xảy ra ở Âu châu1. Sự chuyển tiếp từ những nền kinh tế đổi chác hàng hoá đến những nền kinh tế dùng tiền đã cổ vũ trung ương tập quyền. Những vị đế vương, liên kết với thương gia, đã tích tụ được của cải nhiều hơn, và sự giàu sang này đã giúp họ tạo nên và sử dụng những người lính đánh thuê. Vì vậy, các nhà cai trị trở nên ít lệ thuộc hơn vào những quý tộc điền chủ về những dịch vụ của lính mộ chỉ có được khi họ không được cần dùng vào việc trồng trọt hay gặt hái mùa màng. Sự giàu có này cũng còn cho phép họ mua những vũ khí tương đối tối tân, súng đại bác, phá huỷ được thành luỹ của những nhà cai trị ít giàu có hơn.
Trong số những thay đổi đã xảy ra trong các cuộc tranh giành quyền hành, Machiavelli lưu ý đến những vấn đề trọng yếu trong việc sử dụng lính đánh thuê. Đúng là những nhà cai trị không còn phải lệ thuộc vào các kị sĩ và chư hầu nữa. Lính đánh thuê còn có thêm một cái lợi nữa là họ có thể dẹp tan đối lập ngay trong quốc gia của chính nhà cai trị, và họ có thể đảm trách những chiến dịch lâu dài mà không tạo nguy hại cho lợi tức sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, Machiavelli nhận định là, mặc dù có những cái lợi hiển nhiên trong việc sử dụng lính đánh thuê, họ cũng đem lại những nguy hiểm và bất lợi hiển nhiên. Những người lính được mua để đánh giặc vì vàng, chứ không phải vì thượng đế, vì vua hay vì đất nước của họ; sự trung thành nói chung và sự can đảm trong chiến trường không bao giờ chắc chắn cả — và cũng không ép buộc được.
Machiavelli lưu ý rằng cần phải có những tổ chức và những chiến thuật mới để phản công lại việc sử dụng đại bác và rằng lính nhân dân, mộ từ các vùng thôn quê, sẽ phục vụ nhà cai trị giỏi hơn và đánh giặc hăng say hơn là lính đánh thuê. Ông còn nhận định là những phí tổn nặng nề để xúc tiến chiến tranh có nghĩa là chiến tranh cần phải đánh “nhanh và sắc bén” để tránh làm cho nhà cai trị nghèo đi và tránh tạo quá nhiều bất mãn trong dân chúng2.
Việc Machiavelli cố vấn trong cuốn Ông Hoàng [The Prince] là cần phải có những chính quyền chuyên chế để giết địch hầu tránh những hành động trả thù thường được nhắc đến. Tuy nhiên, nhà tư tưởng chiến lược này đã đi đến những kết luận khác có ý nghĩa cho những người ngày nay cổ vũ cho những xã hội cởi mở hơn. Ví dụ, ông tin rằng một khi một nhà cai trị đã vững chắc trong quyền lực của mình rồi thì một mô thức chính thể cộng hoà là tốt đẹp hơn cả. Ông còn lí luận là một chính quyền chỉ vững chắc và lâu bền được nếu chính quyền đó, ngoài một quân đội nhân dân, có được những kiểm soát và cân bằng về quyền lực chính trị.
Machiavelli đã khám phá ra được mối quan hệ giữa chính trị và những hoàn cảnh xã hội và kinh tế của thời đại của ông và ông đã khuyến cáo những thay đổi hầu thích nghi với những lực lượng đã tiêu huỷ những cơ chế của thời đại phong kiến. Ông đã có khả năng có cái nhìn “tổng quan” và mô tả nó rất chính xác. Ông là một người theo chủ nghĩa thực dụng. Nhận định sáng suốt của ông, được trích dẫn ở phần đầu của bài này, mang một ý nghĩa thường bị bỏ lơ. Trong Đại Chiến Thứ I, hình như những vị chỉ huy theo những chiến lược và chiến thuật được hoạch định trước khi súng máy và các trọng pháo chính xác được phát minh. Làm sao người ta có thể cắt nghĩa cách khác về những tổn thất nặng nề như thế chỉ để giành được những thắng lợi nhỏ nhoi ở Mặt Trận Phía Tây? Câu trích dẫn còn gợi ý là nếu những gì đang làm không mang lại kết quả, thì lặp lại điều này nhiều lần sẽ không đem lại thành công.
Cũng giống như pháo binh đã thay đổi bản chất của chiến tranh trong thời Machiavelli, kĩ thuật cho chúng ta những khả năng thay đổi phương cách xúc tiến những cuộc đấu tranh bất bạo động. Máy vi tính, tiếp cận mạng lưới điện tử, điện thoại di động và vệ tinh, những lập trình viết bằng mật mã, truyền hình và truyền thanh là những vũ khí của đấu tranh bất bạo động.
Để chuẩn bị xúc tiến một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược, thì thông hiểu được những tương quan giữa chính trị và các lực lượng xã hội và kinh tế là một điều tối quan trọng. Ngày nay, chúng ta phải nhìn thấy những lực lượng này, không những chỉ trong giới hạn của một quốc gia, mà còn phải nhìn thấy những lực lượng này ở quốc ngoại nữa, vì hiện tượng toàn cầu hoá đã cung cấp những cơ hội cho việc bành trướng mặt trận ra xa hơn những gì mà Machiavelli có thể tưởng tượng được.
Một cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược là một cuộc xung đột được xúc tiến theo một phương cách giúp người dân tự giải phóng. Họ tạo thành “quân đội nhân dân” theo quan niệm được Machiavelli khuyến cáo cho việc xúc tiến chiến tranh. Nếu nhân dân không tham gia vào công cuộc đấu tranh giành dân chủ cho chính họ thì chắc họ sẽ không thể chịu đựng được những thách thức trong công việc bảo tồn tự do của họ. Tiến trình tiến hành đấu tranh bất bạo động là một tiến trình tự dân chủ hoá cho người dân. Họ trải qua kinh nghiệm về sự quan trọng của lãnh đạo ở cấp quần chúng, của hợp tác giữa các nhóm, và của sự xác định các mục đích và mục tiêu.
Nhận định sáng suốt của Machiavelli rằng chiến tranh phải “nhanh chóng và sắc bén” có thể không luôn luôn thực hiện được, nhưng cái ý hướng nằm bên dưới hẳn là thích hợp. Đà tiến là tối quan trọng đối với sự nhanh chóng và tính dứt khoát. Chiến lược gia bất bạo động dĩ nhiên phải lưu ý là các tài nguyên và sức chịu đựng của một dân tộc hữu hạn và một chiến dịch cần phải huy động dân chúng tấn công những nguồn sức mạnh của đối phương và đạt được chiến thắng trong một khoảng thời gian hợp lí. Lí tưởng là một cuộc tấn công bất bạo động chớp nhoáng vào những nơi mà các cột trụ chống đỡ của đối phương sẽ sụp đổ nhanh chóng để cho chế độ không còn phương tiện để cai trị nữa. Tuy nhiên hiếm khi một phong trào bất bạo động khi mới khởi đầu mà có được sự phối hợp, những kĩ năng thiết kế, kỉ luật và tài nguyên để tiến hành những chiến dịch như thế.
Clausewitz
Carl von Clausewitz, con của một Sĩ Quan Quân đội Phổ [Prussia], sinh năm 1780. Khi mới bắt đầu cuộc đời binh nghiệp, Clausewitz có được một người bạn đồng thời là người bảo trợ ông, Tướng Gerhard von Scharnhost, người đã nhận ra được khả năng của ông và đã kiếm cho ông những công tác giúp ông phát triển thành một ông thầy của lí thuyết và thực hành về chiến tranh. Năm 1818, ông được thăng cấp bậc Thiếu Tướng và trở thành hiệu trưởng Trường Chiến Tranh của nước Phổ trước khi ông mất một thời gian ngắn trước năm 1831 vì bệnh dịch tả. Trong thời gian này, ông viết cuốn, Về Chiến Tranh (Vom Kriege)3.
Cuốn Về Chiến Tranh không được dự định để sử dụng như là một bảng liệt kê dùng để kiểm điểm công việc điều hành chiến tranh. Cuốn sách này là một sự đánh giá có tính triết lí về chiến tranh. Clausewitz hiểu rằng cuộc Cách Mạng Pháp, và người thừa hưởng cuộc cách mạng này, Napoléon, đã thay đổi sâu đậm cách điều hành chiến tranh. Từ việc điều động những quân đội nhỏ bé, chiến tranh đã trở thành sự tranh chấp của những quân đội to lớn tìm cách giành cho kì được những chiến thắng dứt khoát và chịu chấp nhận những tổn thất vĩ đại cho cả hai bên (Chiến tranh là một hành động vũ lực, được thúc đẩy đến mức cùng tận). Thay vì cung cấp hướng dẫn làm sao để điều hành chiến tranh, Clausewitz cung ứng những nhận định sáng suốt làm sao để suy nghĩ về chiến tranh. Ông lưu ý là đại chiến lược (bao gồm hướng dẫn về ngoại giao, kinh tế và chính trị) phải là trách nhiệm tối hậu của lãnh đạo chính trị4. Ngày nay khi hoạch định chiến lược quân sự, các vị chỉ huy thường yêu cầu đặt những giới hạn cho chiến lược ngõ hầu bảo đảm là các mục tiêu và ưu tiên chánh sách được an toàn. Những câu thúc này thường được áp đặt qua những biện pháp như là cấp phát tài nguyên, định nghĩa vùng chiến thuật, đưa ra những quy tắc giao tranh, và ấn định các mục tiêu.
Cũng như Clausewitz và Machiavelli tôn trọng những thay đổi về bản chất của chiến tranh và cách điều hành chiến tranh, những chiến lược gia của những phong trào bất bạo động cũng phải hiểu và tôn trọng những thay đổi quan yếu ảnh hưởng đến cách điều hành xung đột bất bạo động. Có lẽ những nhân tố quan trọng hơn cả tác động lên đấu tranh bất bạo động là những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật. Ví dụ, tốc độ di chuyển người, đồ vật, thông tin, và quan trọng nhất, ý kiến là kết quả trực tiếp của những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật.
Vì có khuynh hướng càng trở nên trung ương tập quyền hơn, các chính quyền có thể áp đặt sự kiểm soát lên dân chúng nhiều hơn bằng những luật pháp có tính hạn chế, bằng cách tăng cường theo dõi, và bằng những lực lượng cảnh sát có hiệu năng hơn. Và, ở một mức độ hạn hẹp hơn, chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự phát triển và hiệu lực của những áp lực do các tổ chức và cơ chế phi chính phủ, cũng như do các chính quyền quốc ngoại và các công ti liên quốc gia trả đũa chính quyền. Một vài trong số những tổ chức này hiện hữu chủ yếu là để ảnh hưởng các chính quyền vì mục đích đeo đuổi những quyền lợi riêng tư, đôi khi rất là hạn hẹp, của chính họ.
Trong những cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược, cũng như trong xung đột vũ trang, “chiến trường” đã được nới rộng bao gồm những quốc gia khác. Một nguồn sức mạnh cho một chế độ độc đoán tại một quốc gia có thể là một công ti liên quốc gia có những trụ sở chính và những cổ đông quan trọng ở một quốc gia khác. Tấn công nguồn sức mạnh này có thể bao gồm những hành động tại những buổi họp của các cổ đông, tại toà án, trên các trang lập trường của báo chí, tại các khuôn viên đại học, hay bằng những cuộc tẩy chay hay phản đối ngoài đường. Có thể tìm được đồng minh bên ngoài biên giới quốc gia. Những tổ chức của Liên Hiệp Quốc [United Nations organizations], Ân Xá Quốc Tế [Amnesty International] , Y Sĩ Không Biên Giới [Doctors without Borders], Nhà Báo Không Biên Giới [Journlalists without Borders] , và Quỹ Quốc Gia vì Dân Chủ [National Endowment for Democracy], chẳng hạn, chỉ là một vài trong số những đồng minh và bạn hữu tiềm năng của những phong trào dân chủ.
Trong lúc cuốn Về Chiến Tranh cung cấp cho độc giả một sự đánh giá có tính triết lí về chiến tranh, thì chính những nhận định sáng suốt về chiến tranh của Clausewitz mới gây chú ý và đem lại giá trị cho những người xúc tiến đấu tranh bất bạo động.
Đối tượng chính trị là mục đích, chiến tranh là phương tiện để đạt mục đích đó, và phương tiện không bao giờ có thể được xét định biệt lập với mục đích5.
Những mục tiêu của những cuộc xung đột bất bạo động thường bao gồm tự do và dân chủ, tôn trọng nhân quyền, và pháp trị như là những mục tiêu của cuộc đấu tranh; vì vậy, “phương tiện và cứu cánh” không những chỉ phù hợp với nhau mà còn củng cố lẫn nhau. Khủng bố, với mục đích là gieo sợ hãi trong dân chúng, không thích hợp như là một phương tiện để đạt đến dân chủ, vì khủng bố không cổ vũ dân chủ hay bất cứ những giá trị nào đem lại xã hội dân sự. Hành động quân sự quy ước chống lại một chế độ bằng những lực lượng đối lập, một hình thức mà kẻ đàn áp luôn luôn có lợi thế quá nhiều đối với những người đối kháng dân sự, thì giỏi lắm cũng chỉ đưa đến tình trạng bế tắc với những tổn thất khổng lồ, cả quân sự lẫn dân sự, cùng với những hao phí đáng kể về kinh tế. Chiến tranh du kích hầu như luôn luôn đem lại khổ đau lớn lao cho dân chúng dưới bàn tay của tất cả các phe tranh chấp. Có thể hiểu được tại sao kẻ áp bức xem dân chúng như là những người chiến đấu thù nghịch, thu nạp lương thực và các tiếp liệu khác, phá hoại mùa màng, tái định cư dân chúng vào những khu vực được canh gác cẩn thận, hỏi cung rất kĩ nhiều người trong dân chúng, và tuyên bố tình trạng quốc gia khẩn trương, rút lui các quyền hay những bảo đảm có thể có trước cuộc xung đột. Mặt khác, du kích quân xem dân chúng như là nguồn thu thuế, lương thực, thu nạp tân binh, và tình báo cho họ. Những người bị nghi ngờ là điểm chỉ viên cho chính quyền thường bị đối xử khắc nghiệt để làm gương cho những gì sẽ xảy ra cho những người khác không hỗ trợ những nỗ lực của du kích. Đối với dân chúng đau khổ thì có rất ít khác biệt giữa các phe tranh chấp — cả hai bên đều bị xem là những kẻ áp bức cướp bóc tàn bạo.
Các chiến thuật tạo thành lí thuyết sử dụng quân đội tại mặt trận; chiến lược làm nên lí thuyết sử dụng chiến trận cho những mục đích chiến tranh6.
Nhận định này có thể bị sao nhãng khi nhịp độ của cuộc đấu tranh gia tăng, và những quyết định chiến thuật đã được thực hiện mà không quy chiếu chiến lược đã được chọn lựa. Chiến lược quyết định những cuộc giao tranh nào cần phải xúc tiến. Cái ý nghĩ cho rằng chiến lược bất bạo động là kết quả của những hành động bất bạo động đã xảy ra phản ánh một sự thiếu hiểu biết về suy tư chiến lược. Tài nguyên cho một cuộc đấu tranh bất bạo động luôn luôn thiếu. Sử dụng những tài nguyên này mà không có mục đích chiến lược là chấp nhận rủi ro mà không thể có được một thắng lợi nào cả.
Tuy nhiên, chiến lược không là gì cả nếu không có chiến trận, bởi vì chiến trận là nguyên liệu cho chiến lược, là phương tiện được chiến lược sử dụng7.
Chiến lược bất bạo động hay nhất, cũng vậy, “không là gì cả” nếu không có những hành động hay chiến dịch được xúc tiến để thực hiện chiến lược đó. Nếu nguyên liệu cho chiến lược là chiến trận, thì “nguyên liệu” cho chiến trận bất bạo động là dân chúng, được tổ chức, được huấn luyện, và được lãnh đạo một cách khéo léo. Tuỳ thuộc vào những mục tiêu và những khả năng hiện có mà các tổ chức phải có khả năng giao tranh với đối phương bằng những vụ phản đối, những hành động bất hợp tác, và can thiệp. Nơi nào thiếu vắng những khả năng cần có để tranh thủ các mục tiêu đã được xác định, thì huấn luyện có thể cần thiết để gầy dựng khả năng để cho những cuộc đụng độ có thể thành công. Áp bức, muốn bị đánh bại, cần phải được đối đầu bằng đấu tranh.
Chiến tranh là một hành động của sức mạnh ép buộc địch phải thực hiện ý muốn của mình8.
Cũng giống như bom, pháo binh, thiết giáp và bộ binh, nếu được giàn trận đúng đắn, thì sẽ thành công; những phương pháp đấu tranh bất bạo động cũng vậy, cũng có thể ép buộc đối phương “thực hiện ý muốn của mình”. Một chiến lược được thiết kế giỏi với những kế hoạch hỗ trợ và những người lãnh đạo thuộc tầng lớp dân dã được huấn luyện sẽ tạo nên một lực lượng hùng mạnh dẹp tan được chính những nguồn sức mạnh cần thiết cho sự sinh tồn của chế độ. Đôi khi những phong trào đấu tranh bất bạo động tìm cách thương thảo với đối phương như là mục tiêu của cuộc đấu tranh. Điều này có thể là một sai lầm chiến lược vì nhiều lí do, bao gồm sự kiện là thương thảo có thể không đưa đến chiến thắng dứt khoát. Những cuộc thương thảo cần phải được xem như là những “phương tiện”, chứ không phải là “cứu cánh”.
Phong trào bất bạo động sẽ mất đà nếu dân chúng được yêu cầu ngưng những hoạt động tấn công để hỗ trợ những cuộc thương thảo. Phe muốn thương thảo thường được xem như là không có khả năng hoặc không sẵn lòng tiếp tục cuộc đấu tranh, vì vậy, không thể “ép buộc” địch thực hiện ý muốn của mình được. Do đó, nếu thương thảo được cân nhắc như là một mục tiêu trung hạn của chiến lược, thì yêu cầu một thành phần thứ ba kêu gọi thương thảo có thể là một điều thích hợp. Trước khi đi đến một thoả thuận về thương thảo, các nhà lãnh đạo phong trào bất bạo động phải có khả năng ép buộc tuân thủ những điều kiện đã được đồng ý ở bàn hội nghị. Nếu không thì họ sẽ mất ở bàn hội nghị những gì họ có thể đã tranh thủ được nếu tiếp tục đấu tranh. Khi lực lượng bất bạo động đã tranh thủ được đủ sức mạnh để ép buộc chế độ đến bàn hội nghị thương thảo và thi hành các điều kiện của thoả hiệp, thì lúc bấy giờ chế độ đã bị suy yếu rồi.
Hình phạt mà quý vị đòi đối thủ phải chịu càng nhỏ, thì quý vị có thể nghĩ là đối thủ sẽ cố gắng ít hơn và từ chối hình phạt đó; đối thủ càng ít cố gắng, thì chính quý vị cũng sẽ càng ít cần cố gắng. Hơn nữa, mục đích chính trị của chính quý vị càng khiêm nhường, thì quý vị sẽ càng thấy mục đích này ít quan trọng và quý vị càng ít miễn cưỡng khi bỏ rơi mục đích này, nếu cần phải bỏ9.
Như đã nói trong những bài trước, ở những giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh bất bạo động vì muốn cải tổ chính trị, mà nhóm đấu tranh bất bạo động đã đưa ra cho chính quyền những yêu sách bất khả nhượng không thể thực thi được là một điều bất cẩn. Những yêu sách đối với bất cứ một đối thủ nào cũng phải phù hợp với khả năng áp đặt sự thay đổi đó. Thay vì mạo hiểm thất bại trong việc tranh thủ những đòi hỏi lớn lao, thì chiến lược tốt hơn là chọn những vấn đề nhỏ hơn nhưng có xác suất thành công cao. Hơn nữa, những vấn đề ít mạo hiểm, có vẻ phi chính trị thường được xem như là không đe doạ, không quan trọng, và có lẽ không đưa đến kết quả đàn áp. Phương thức thích nghi được mô tả trước đây rất thích hợp để sử dụng trong những trường hợp này. Các loại vấn đề như thế này cũng có thể được sử dụng như những “con cờ mặc cả” trong những cuộc thương thảo có thể xảy ra vì thoả hiệp về những vấn đề này có thể không gây những tác hại trầm trọng cho phong trào.
Một cân nhắc then chốt trong việc thiết kế các giao tranh áp đảo là phải biết khi nào cần phải tuyên bố chiến thắng để tránh những va chạm không cần thiết với đối phương trong những điều kiện của họ. Nếu những mục tiêu của một cuộc đấu tranh nào đó đã đạt được, thì cần phải cân nhắc cẩn thận những nguy cơ tiềm năng trước khi thúc đẩy những mục tiêu mới. Về nguyên lí cơ bản biết khi nào cần phải tuyên bố chiến thắng, người ta có thể lập luận rằng vào năm 1989 sinh viên ở Thiên An Môn lẽ ra đã phải tuyên bố chiến thắng và phân tán ngay trước khi Quân Đội tấn công bằng thiết giáp và bộ binh. Thay vì củng cố một chiến thắng dù không trọn vẹn nhưng có ý nghĩa, phong trào đã phải chịu thất bại, mất đi hầu hết tất cả những gì đã tranh thủ được trong mấy tuần trước đó.
Gandhi
Không có một cuộc thảo luận nào về đấu tranh bất bạo động chiến lược mà bỏ lơ được hiệu lực của lãnh đạo phong trào độc lập Ấn Độ vào đầu thế kỉ thứ 20 được. Mohandas K. Gandhi (1869-1948) sinh tại Ấn Độ và được đào tạo làm luật sư. Ông đi Nam Phi năm 1893, và trong lúc ở đó, ông đã tham gia những cuộc phản đối chống kì thị. Ông trở về Ấn Độ năm 1915 và tham gia phong trào quốc gia đấu tranh cho nền độc lập.
Gandhi đã chứng tỏ một trong những đặc tính nền tảng nhất của một nhà lãnh đạo – liên tục tận tâm với một chiến lược sâu sắc dù bị trở ngại. Nếu một chiến lược đã được dựa trên những phân tích cẩn thận về tình hình và đối chiếu các lực lượng, thì người lãnh đạo có thể thay đổi chiến thuật của mình, chứ không nên bị lay chuyển về sự quyết tâm của mình đối với chiến lược đó trong cơn rối ren của trận chiến. Gandhi đã thoả mãn được yêu cầu đặc biệt này của một vị tướng lãnh. Ông đã khám phá ra được cái nhìn sáng suốt về quyền lực chính trị. Ông biết rằng nhận định đó là chân lí, và suốt hơn nửa thế kỉ ông không hề suy suyển về nhận định này. Chân lí đó là “một nhà cai trị không thể cai trị được nếu dân chúng không tuân phục”. Từ chân lí này, ông đã khai triển thành một mô hình quan niệm và phác hoạ ra một chương trình toàn bộ xói mòn khả năng và ý muốn của nước Anh tiếp tục đặt nền cai trị lên xứ Ấn Độ.
Gandhi không phải là người đầu tiên cũng không phải là người duy nhất kết luận là các nhà cai trị sẽ bất lực nếu không có sự hỗ trợ và hợp tác của dân chúng. Gene Sharp trong cuốn Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action] nhắc đến một triết gia Pháp vào những năm 1500, Étienne de la Boӫtie.
Lúc 18 tuổi, Boëtie đã viết:
…Nếu họ [những nhà chuyên chế] không được cung ứng gì cả, nếu họ không được tuân phục, thì không cần đánh nhau, không cần phải đánh một đòn nào cả, họ sẽ bị trần truồng và thua cuộc, và không làm gì thêm được nữa, cũng giống như một rễ cây, không có đất, thì cành cây sẽ héo đi và chết10.
Năm 1908 Leo Tolstoy mô tả cái nghịch lí thiết yếu của đế quốc Anh và sự nô lệ tình nguyện. Nói về vấn đề cụ thể của Ấn Độ, Leo Tolstoi viết trong “Bức Thư Gửi cho một Người Ấn Giáo” của ông:
Một công ti Thương Mại nô lệ hoá một quốc gia gồm có hai trăm triệu người. Nói điều này với một người không tin dị đoan thì ông ta sẽ không nắm bắt được ý nghĩa của những lời nói này là gì. Ba chục ngàn người…đã bắt hai trăm triệu người phải khuất phục nghĩa là gì…? Những con số này phải chăng đã không nói rõ là không phải người Anh nô lệ hoá người Ấn Độ, mà chính người Ấn Độ đã tự nô lệ hoá mình hay sao?11
Gandhi, năm 1920, cũng đã phát biểu cùng một quan điểm như thế: “Không có một chính quyền nào — đừng nói gì chính quyền Ấn Độ, có thể tồn tại nếu người dân ngưng phục vụ chính quyền đó.”12
Gandhi tin tưởng là những nguyên nhân gốc rễ của việc người Ấn Độ khuất phục nền cai trị của người Anh là do những ảnh hưởng của lịch sử và văn hoá. Để vượt qua những hậu quả thối nát của sự khuất phục nền cai trị của người Anh, Gandhi đã thiết kế một “Chương Trình Xây Dựng” mà nếu đeo đuổi được thành công thì sẽ thay thế cái nhân cách khuất phục bằng sự tự trọng cá nhân và tập thể, và tìm cách biểu lộ trong khả năng và ý muốn của nhân dân Ấn Độ minh chứng sự bất tuân và bất hợp tác với những nhà cai trị xâm chiếm quốc gia Ấn. Năm mục đích của chương trình này là:
- Cổ vũ sự biến đổi người dân Ấn Độ thành những người có tự trọng và nhân phẩm;
- Khuyến khích giảm lệ thuộc vào những cơ chế của người Anh;
- Đeo đuổi một cuộc đấu tranh sinh động giành độc lập;
- Phân biệt giữa “người” (người Anh và những người Ần Độ hỗ trợ họ) và “chánh sách”;
- Giành và duy trì thế thượng phong về đạo đức bằng cách cải thiện tầm mức đạo đức cá nhân và tập thể của người Ấn Độ.
Mỗi thành phần hay mục đích có thể được đeo đuổi riêng biệt và cộng chung lại với nhau sẽ có tác dụng cộng hưởng lên toàn bộ nỗ lực bất hợp tác. Sự tham dự của tất cả mọi thành phần trong xã hội Ấn Độ được xem là thiết yếu. Một khi người dân thực hiện được tiến bộ trong mỗi một mục đích, tự tin sẽ gia tăng, và họ thông hiểu được ý nghĩa của mục đích và vai trò của họ trong phong trào.
Phương tiện để xúc tiến đấu tranh bất bạo động như Gandhi hình dung là Satyagraha (thường được dịch là “Sức Mạnh của Sự Thật”), một loại bất tuân dân sự có nguyên tắc chống lại những luật pháp bất công và bao gồm quan niệm ahimsa là ý niệm không nên hại bất cứ một sinh vật nào.
Satyagraha của Gandhi là quyết tâm trung thành với Sự Thật. Nó là sự kiên trì đối với một lí tưởng công chính được đeo đuổi bằng hành động bất bạo động. Nó không phải là đối kháng thụ động. Ngược lại, nó được đặt trên căn bản hành động. Nó tấn công kẻ áp bức bằng cách cắt đi những nguồn sức mạnh qua những hành động bất hợp tác và bất tuân tập thể. Đồng thời Satyagraha còn có những nỗ lực cải hoá nhằm “thay đổi tâm hồn” của kẻ áp bức muốn thấy dân chúng phải chịu đựng bất công. Lí tưởng thì chỉ có những người chấp nhận bất bạo động như là tín ngưỡng của riêng mình mới thực hành Satyagraha, nhưng Gandhi, đối diện với những thực tại của một thế giới không toàn hảo, đã không loại bỏ những người không phải là tín đồ tham gia vào đấu tranh bất bạo động. Gandhi còn khám phá ra được ngay cả những người đã từng thực hành bạo động có thể thích nghi nhanh chóng với những yêu cầu của đấu tranh bất bạo động. Do đó, Satyagraha có thể vừa là chánh sách của Quốc Hội, đồng thời, vừa là tín ngưỡng cho nhiều cá nhân trong phong trào.
Ngài Basil Liddell Hart
Ngài Basil Liddell Hart (1895-1979) mục kích trận chiến với tư cách một Sĩ Quan Quân Đội Anh trong Thế Chiến Thứ I. Sau khi về hưu vì lí do sức khoẻ, ông đã trở thành phóng viên quân sự cho nhiều nhật báo Anh nổi tiếng và viết rất nhiều về những đề tài quân sự. Được đặc biệt chú ý ở đây là nhận định chiến lược của ông về nguyên tắc của những mục đích giới hạn hay là “phương cách gián tiếp” của ông. Thay vì tấn công đối phương ở chỗ mạnh nhất, Hart cố thuyết phục là nên nhắm vào những mục tiêu trung gian để kéo địch ra khỏi những chỗ mạnh và đánh lạc hướng địch để chúng không còn đeo đuổi những mục tiêu của chúng được nữa13.
Ông nói rõ hơn:
Những nhận xét của Liddell Hart có thể áp dụng ngay được cho những phong trào bất bạo động chiến lược chống lại những chế độ độc đoán đã từng ăn sâu bén rễ. Điều này đặc biệt đúng cho những giai đoạn đầu của các phong trào đối kháng khi mà các lực lượng của họ chưa có được những tài nguyên và những kĩ năng tập thể cần thiết để có thể tạo được một sự đe doạ tức khắc và khả tín đối với nền cai trị độc đoán. Khi Liddell Hart dùng những từ “chờ đợi một sự thay đổi về cân bằng lực lượng”, ông tiếp theo bằng những gợi ý cụ thể làm sao để ép buộc sự thay đổi này. Cũng như thế, đối với các phong trào bất bạo động, “chờ đợi” không có nghĩa là bất động; trái lại, cần phải thực hiện những hành động tiến công làm suy yếu đối phương và ép buộc những thay đổi về cân bằng lực lượng thuận lợi cho phong trào bất bạo động. Bằng cách chọn những mục tiêu trung gian tránh những đụng độ trực tiếp với đối phương ở những điểm mà đối phương mạnh nhất, những cuộc tấn công gián tiếp kéo đối phương ra xa khỏi những chỗ mạnh và đánh lạc hướng đối phương để đối phương không còn đeo đuổi những mục tiêu của họ nữa.
Tóm Lược
Trong bài này, những nhận định được tuyển chọn của bốn chiến lược gia đã được cân nhắc để chứng minh những nhân tố nào đã ảnh hưởng đến suy tư của họ và để nhấn mạnh sự chú trọng liên tục của họ vào các mục tiêu. Việc những nhận định này có thể được áp dụng vào đấu tranh bất bạo động ngày nay cũng đã được thảo luận. Trong mọi trường hợp, chiến lược gia cần phải có khả năng nhìn thấy nguyên cả khu rừng, chứ không chỉ những cây riêng rẽ mà thôi.
______________________________
CƯỚC CHÚ
1 Robert Maynard Hutchins, ed. , Những Cuốn Sách Lớn của Thế Giới Tây Phương [The Great Books of the Western World], (Chicago: University of Chicago Press, 1952), 23: IX-X.
2 Felix Gilbert, “Sự Phục Hưng của Nghệ Thuật Chiến Tranh”, trong cuốn Những Nhà Thiết Kế Chiến Lược Tân Tiến từ Machiavelli đến Thời Đại Hạt Nhân [“The Renaissance of the Art of War,” in Makers of Modern Strategy from Machiavelli to the Nuclear Age], Peter Paret, ed.,(Princeton University Press, 1968). 11-31.
3 Peter Paret, “Clausewitz” trong cuốn Những Nhà Thiết Kế Chiến Lược Tân Tiến từ Machiavelli đến Thời Đại Hạt Nhân [“The Renaissance of the Art of War,” in Makers of Modern Strategy from Machiavelli to the Nuclear Age], Peter Paret, ed.,(Princeton University Press, 1968),186-211.
4 Hans W. Gaske, trong phần Dẫn Nhập cho cuốn Những Nguyên Tắc Chiến Tranh [Principles of War] của Carl Von Clausewitz, Hans W. Gasket, chuyển ngữ và biên tập (Harrisburg: Nhà Xuất Bản Dịch Vụ Quân Đội, 1952), 1-10.
5 Carl von Clausewitz, Về Chiến Tranh [On War] do Michael Howard và Peter Paret biên tập và chuyển ngữ, (Princeton: Princeton Unviersity Press, 1976), 73.
6 Trích của Peter Paret, “Clausewitz”, Những Nhà Thiết Kế Chiến Lược Tân Tiến, Paret biên tập., 190.
7 Như trên
8 Carl von Clausewitz, Về Chiến Tranh [On War], Biên tập và chuyển ngữ bởi Michael Howard và Peter Paret, (Princeton: Princeton University Press, 1976), 73.
9 Như trên
10 Trích trong Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động, I:34.
11 Như trên., I:13.
12 Trích trong Sharp, Phần Chú Thích, Gandhi Như Là một Chiến Luợc Gia Chính Trị [Gandhi as a Political Strategist], (Boston: Porter Sargent Publishers, 1979), 44
13 “Sir Basil Liddell Hart” Infoplease Online Encyclopedia 30 tháng 11 2003 (http://www.infolease.com/ce6/people/A0829707.html).
14 Basil Liddell Hart, Chiến Lược [Strategy], (New York: Frederick A. Praeger, 1956), 335.
0 Comments