Việc cân nhắc các vấn đề tranh chấp và những lợi thế sẵn có của những người có thể sẽ đối kháng cần phải hướng dẫn sự khai triển những đặc tính chính yếu của đại chiến lược.
- Những ưu điểm và nhược điểm của hai phe đối nghịch so sánh với nhau như thế nào?
- Những vấn đề nào khẩn thiết đòi hỏi phải có hành động?
- Những lợi thế chính yếu nào phải được những người đối kháng sử dụng?
- Những vấn đề tranh chấp và các lợi thế sẵn có có tương ứng với nhau không?
- Những lợi thế sẵn có của những người đối kháng liên hệ với sự hình thành đại chiến lược cho những người đối kháng như thế nào?
- Những lợi thế sẵn có của những người đối kháng liên hệ với những nhược điểm tìm thấy ở đối phương như thế nào?
- Những cột trụ chống đỡ nào của độc tài có thể bị làm suy yếu khi áp dụng những lợi thế sẵn có của những người đối kháng?
Tất cả kiến thức và sự thông hiểu đã được phát huy này sẽ giúp những người lập kế hoạch chiến lược đưa ra được một đại chiến lược khôn ngoan.
Đại chiến lược được soạn thảo cho cuộc đấu tranh sẽ làm nền tảng cho việc xúc tiến cuộc đụng độ trong tương lai. Chiến thuật và phương pháp quan trọng nhưng thứ yếu.
Để thảo luận những yếu tố căn bản trong việc thiết kế chiến lược, ôn lại: Bài 045
Về trình bày những vấn đề và nguyên tắc chiến lược xuyên qua tiến trình đấu tranh, mời ôn lại Bài 046, 047, và 048.
Bản thảo đại chiến lược đầu tiên của những người lập kế hoạch, tiên khởi có thể được hướng dẫn bởi suy tư của nhiều người, nhưng bản thảo cuối cùng có thể chỉ do một người hay một toán soạn ra. Một khi được thảo xong, bản thảo cần phải được cân nhắc cẩn trọng bởi một nhóm đông hơn. Mọi thành viên của nhóm này cần đã có nghiên cứu tất cả những tài liệu đọc được chỉ định. Nếu bản thảo đại chiến lược đầu tiên xét ra là không thích hợp thì đòi hỏi cần phải hoàn toàn bắt đầu lại ngay từ đầu, hoặc ít nhất là phải sửa lại rất nhiều. Nhưng nếu bản thảo đầu tiên được xét là gần như đi đúng đường thì có lẽ, ở giai đoạn này, chỉ cần những điều chỉnh tương đối giới hạn mà thôi.
Tự cường
Trong nhiều trường hợp dân chúng sống dưới sự áp bức cùng cực có thể cảm thấy yếu kém và bất lực so với sức mạnh của áp bức, không thể đối đầu nổi với hệ thống thống trị. Công việc này thì thường được xem như là quá to tát, và quá nguy hiểm. Dân chúng cảm thấy không thể thắng được một lực lượng chênh lệch quá lớn như vậy. Ngược lại, người dân chú trọng hơn hết vào những nỗ lực đơn giản đòi hỏi cần có để sống cho được thật thoải mái. Do đó người dân bị áp bức phần lớn thụ động. Tình trạng này thường được gọi một cách sai lầm là “thờ ơ”. Thực ra đó chỉ là tình trạng bất lực.
Cần thận trọng khi khuyến cáo hành động trong khi người dân cảm thấy bất lực. Nếu ở giai đoạn này mà người dân vẫn bị xúi dục chống đối công khai vượt khả năng của họ, thì sự thất bại có thể đoán trước được của họ sẽ chứng minh cho họ thấy là sự yếu kém của họ còn tệ hơn là họ từng nghĩ trước đây. Sẽ mất một thời gian lâu người dân mới có thể hành động trở lại được.
Tuy nhiên, hành động có giới hạn trong khả năng của họ lại là một chuyện khác. Điều này có thể thực hiện được. Trong một giai đoạn quan trọng của cuộc đấu tranh chống lại nền cai trị phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, người ta không thể động viên được dân Nam Phi hành động chống lại nền thống trị quá mạnh, Mosiuoa Patrick Lekota đã phúc trình như thế năm 19901.
Trong hoàn cảnh này, người châu Phi đã tạo lập những tổ chức dân sự như là the Soweto Civic Association [Hiệp Hội Công Dân Soweto], để đấu tranh cho những mục tiêu giới hạn, Lekota phúc trình tiếp. Những “hiệp hội công dân” này chọn những vấn đề rõ rệt, như là “không có nước, hoặc… không đủ điện. Từ ‘chính trị’ phải được bỏ ra một bên… Người ta có thể nói được, ‘chính phủ phải cho chúng tôi có nước…’”
Cũng như thế, người dân châu Phi ở tại một địa điểm đã được khuyến khích nên tổ chức để có được một cái giếng cung cấp nước sạch. Cả người lớn lẫn trẻ con trước đó đã bị bệnh vì uống phải nước ô nhiễm. Chỉ nhờ một vấn đề duy nhất này mà người châu Phi đã hành động và thắng cuộc. Qua hành động của chính mình, họ đã tăng cường tự lực, gây được niềm tin là họ có thể đạt được những mục đích to lớn hơn.
Bài học ở đây là khi đấu tranh chống lại áp bức có tầm cỡ thì sự khôn ngoan là nhằm đánh vào một biểu tượng rõ rệt có giới hạn của vấn đề lớn. Tiêu điểm giới hạn của cuộc tấn công do đó cần phải được cân nhắc thận trọng. Những tiêu điểm khả hữu nhưng có thể được dễ dàng xét thấy là không nên thì cần phải được loại bỏ. Vấn đề cụ thể được lựa chọn cần phải được xem như là có thể biện minh được một cách hiển nhiên2.
Sức mạnh của mình phải được tập trung đánh vào các điểm yếu nhất của đối phương theo những phương cách có thể đem lại thắng lợi hơn cả.
Làm Sắc Bén Tụ Điểm Tấn công
Hành động bất bạo động là một kĩ thuật đấu tranh mà trong đó những người tham dự có thể xúc tiến mục tiêu của mình theo tỉ lệ mức độ suy yếu của ước muốn và khả năng duy trì chính sách bị phản đối của đối phương, và mức độ mà nhóm bất bạo động có thể huy động ý chí và lực lượng để đem lại cho mình sức mạnh nội tại nhằm tạo thay đổi. Trong liên hệ với điểm này, việc lựa chọn khéo léo điểm tấn công là một điều quan trọng. Trong những tranh luận trí thức người ta thường tập trung vào những khâu yếu nhất trong hoàn cảnh của đối phương. Trong chiến tranh, thay vì dùng lực lượng tương đương để tấn công vào toàn bộ mặt trận cùng một lúc, người ta chỉ tập trung các lực lượng vào nơi mà họ tin là những điểm yếu nhất của kẻ thù, tin tưởng là chọc thủng được những nơi này sẽ đưa đến sự suy yếu hay là sự sụp đổ của những khu vực khác của mặt trận. Vì vậy trong một cuộc đấu tranh bất bạo động, lãnh đạo bất bạo động sẽ chứng tỏ sự khôn ngoan bằng cách tập trung hành động vào những điểm yếu nhất của hoàn cảnh, chính sách, hay hệ thống của đối phương. Điều này sẽ đóng góp vào việc làm suy yếu tối đa vị thế tương đối của đối phương và tăng cường tối đa vị thế của nhóm bất bạo động.
Trong hành động bất bạo động cần phải chọn một điểm trục để đặt đòn bẩy nhằm đánh bật đi cái ác. Việc chọn điểm trục hay là chủ điểm tấn công rất quan trọng đối với kết quả của toàn bộ chiến dịch sau này. Theo quan điểm của Gandhi thì người ta không tung ra một chiến dịch bất bạo động với những mục tiêu tổng quát như là “hoà bình,” “độc lập,” “tự do,” hay là “huynh đệ.” “Vấn đề nêu lên phải dứt khoát và có thể hiểu được rõ ràng và nằm trong vòng khả năng nhượng bộ của đối phương.” Miller viết là khi áp dụng kĩ thuật đấu tranh này trong những điều kiện chưa được hoàn hảo thì thành công có thể tuỳ thuộc vào việc “phân chia chiến lược thành giai đoạn như thế nào để đem lại một số thắng lợi nhỏ hoặc bảo đảm một thắng lợi lớn duy nhất, thay vì cố tranh thủ cho kì được một chuỗi mục tiêu lớn cùng một lúc.” Dù mục tiêu hay những mục tiêu được lựa chọn thật giới hạn hoặc đầy tham vọng đi nữa thì cũng phần nào hé lộ cho thấy được sự thẩm định của nhóm bất bạo động về sức mạnh và khả năng hành động tương đối của mình.
Trong một nghiên cứu về chiến dịch bị thất bại ở Albany, Georgia, năm 1962, Giáo Sư Howard Zinn viết:
Người ta đã thất bại trong việc tạo ra và khéo léo xúc tiến một số chiến thuật riêng biệt cho những tình huống khác nhau. Vấn đề xoá bỏ phân biệt chủng tộc tại các cơ sở ở Albany liên hệ đến nhiều thành phần: một vài tình huống đòi hỏi ủy ban thành phố phải hành động; vài trường hợp lại đòi hỏi sự quyết định của những Toà Án Liên Bang; một vài trường hợp khác lại cần sự thoả thuận của các thương gia tư nhân. Vã lại, có những lợi điểm khi tách riêng một mục đích nào đó ra và tập trung vào mục đích này. Đây là một phương thức không những có cơ sở chiến thuật cho sự đối kháng của người da đen mà còn tạo được một bầu không khí thuận lợi cho giải pháp thoả hiệp. Cộng đồng được trình bày một đòi hỏi cụ thể rõ ràng thay vì một mớ bòng bong những khiếu nại và đòi hỏi luôn luôn bóp nghẹt khả năng suy tư lí luận có giới hạn của xã hội về những lỗi lầm của chính mình.
Martin Luther King, Jr. cũng cùng đi đến một kết luận tương tự trong cùng hoàn cảnh:
Chúng tôi khẳng quyết là một trong những lỗi lầm chính yếu vấp phải là đã phân tán những nỗ lực của chúng tôi ra quá rộng. Chúng tôi đã quá chăm chú vào việc tấn công xoá bỏ phân biệt chủng tộc một cách tổng quát nên đã không điều hướng sự chống đối của chúng tôi một cách có hiệu quả vào bất cứ một khía cạnh quan trọng nào cả. Chúng tôi kết luận là ở những cộng đồng nòng cốt thì có thể xúc tiến một trận chiến hữu hiệu nếu tập trung vào một khía cạnh của cái hệ thống ác ôn và phức tạp của sự phân biệt chủng tộc.
Dĩ nhiên là có những nguyên nhân thất bại nghiêm trọng khác trong vụ Albany, nhưng những nguyên nhân này không phủ định những nhận định này.
Vì thế, thay vì một chiến dịch nhằm đến một mục tiêu rất tổng quát, Ebert viết: “Khi hoạch định kế hoạch dự tính; để thành công, chiến dịch khẩn thiết phải tìm cho đúng điểm tấn công hay là một điểm sẵn sàng gây bùng nổ, trong số nhiều điểm bùng nổ trong các liên hệ xã hội, điểm biểu tượng cho tất cả những xung khắc khác.”
Trong chiến dịch Vykom, được phác họa trước đây, vấn đề nêu lên là quyền của người dân sử dụng con đường dẫn đến nhà của họ. Trong phong trào độc lập 1930-1931 vấn đề cụ thể đã phát động chiến dịch là các Thuế Muối, một vấn đề động chạm đến đời sống của hầu hết người dân tại Ấn Độ; những mục đích chính trị rộng lớn hơn đã được chắt đọng lại thành mười một yêu sách.
Đây không phải là vấn đề khiêm nhường trong các mục đích của mình mà là vấn đề tập trung sức mạnh của mình theo những phương cách có thể đem lại thắng lợi. Những người vạch kế hoạch chọn điểm tấn công, một khía cạnh cụ thể của vấn đề tổng quát biểu tượng cho “cái ác,” một khía cạnh mà đối phương khó bào chữa và có thể kích động được sức mạnh lớn lao nhất để chống lại cái ác đó. Thành công trong những chiến dịch giới hạn như thế sẽ làm gia tăng tự tin cho những người hoạt động và khả năng hữu hiệu tiến đến việc đạt được những mục tiêu rộng lớn một cách toàn vẹn hơn một khi họ đã có kinh nghiệm về việc sử dụng những phương tiện hoạt động hữu hiệu để đạt được những mục đích của mình.
Việc lựa chọn điểm tấn công đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo và một nhận thức sắc bén về toàn cảnh. Amiya Chakravarty đã mô tả rất tài tình khả năng của Gandhi phối hợp các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn lại với nhau trong việc chọn lựa một tụ điểm cho hành động. Đôi khi sự việc xảy ra là, Chakravarty viết, “Trong khi đang theo dõi một đường lối sửa đổi hiển nhiên thì chúng tôi lại tìm ra được một triệu chứng biểu tượng, minh chứng và thách thức tình trạng căn nguyên.” Một loạt tấn công vào những điểm này có thể giúp tiến công “từ toàn cảnh này đến toàn cảnh khác.” Ông viết tiếp là vấn đề nêu ra cần phải giữ cho được rõ ràng và trong sáng, ví dụ, ông chỉ rõ là lấy đối xử phân biệt trong những phòng hút nha phiến làm điểm tấn công về phân biệt chủng tộc là một lựa chọn sai lầm, còn quyền được cầu nguyện trong những thánh đường không phân biệt đối xử sẽ là “một vấn đề hoàn toàn hết sức nhất trí.” Đàn áp những người hoạt động bất bạo động đang dồn sức lực vào một điểm tấn công như thế chỉ có thể làm tăng sức mạnh lí tưởng đấu tranh của họ mà thôi. “Lần này đến lần khác, Gandhi đã chứng tỏ một bản năng, một bản năng tinh thần về vấn đề đúng, về những vấn đề đồng quy hỗ trợ lẫn nhau ở tại một điểm.”
Phương thức hành động chính trị này đã được chứng minh một cách hùng hồn bởi một nguồn hoàn toàn khác, đó là Lenin, người đã viết: “toàn bộ nghệ thuật chính trị nằm ở chỗ tìm ra được và nắm chặt, càng chặt càng tốt, cái mắt xích khó bị giằng ra khỏi bàn tay của ta nhất, cái mắt xích quan trọng nhất ở vào một thời điểm nhất định, cái mắt xích nó bảo đảm cho người có mắt xích này là sẽ có toàn bộ sợi dây xích.”
Vào lúc khởi đầu của cuộc đấu tranh dài hạn, quần chúng có thể vẫn còn tranh thủ được cả tự tin lẫn kinh nghiệm trong việc động viên tiềm năng sức mạnh của họ thành sức mạnh gây được hiệu quả. Những thành công giới hạn có tiếng vang ở giai đoạn này có thể vừa có tiềm năng giải quyết được những vấn đề cụ thểvừa tăng cường được sức mạnh cho dân chúng. Những điều này sẽ gia tăng cơ hội đạt được giải phóng rất nhiều.
Trong thời gian của những cuộc đấu tranh giới hạn này, nền độc tài hay hệ thống áp bức càng lúc càng trở nên yếu thế. Thành công trong những chiến dịch có giới hạn ở giai đoạn này có thể hỗ trợ rất nhiều cho sự tăng trưởng của một phong trào dân chủ không còn cưỡng lại được nữa.
Trong một vài hoàn cảnh khi mà ý thức về sự bất lực không thái quá thì đưa ra những đòi hỏi rõ rệt cũng vẫn có thể hữu ích. Trong chiều hướng này, vào năm 1930 khi lập kế hoạch cho chiến dịch thực sự giành độc lập cho Ấn Độ, Gandhi đã đưa ra mười một đòi hỏi rõ rệt. Trong số này có đòi hỏi huỷ bỏ thuế muối. Các nhà lãnh đạo Quốc Hội Quốc Gia Ấn tỏ vẻ nghi ngờ. Gandhi xác định là những đòi hỏi này, một khi đạt được, sẽ mang lại chất liệu cho nền độc lập3. Thực tế là cuộc đấu tranh cho những mục tiêu rõ rệt thường giúp động viên dân chúng Ấn Độ đồng thời làm suy yếu nền cai trị thực dân của người Anh.
Hầu như luôn luôn là trong một cuộc đấu tranh giải phóng, sự xung đột dài hạn cần phải được xúc tiến theo từng giai đoạn một, mỗi giai đoạn được xây dựng trên những nỗ lực đi trước, tuỳ vào khả năng hành động của dân chúng và tuỳ hoàn cảnh đòi hỏi. Mỗi giai đoạn có thể được hoàn tất bởi một chiến dịch tập trung vào việc đạt cho được một mục tiêu duy nhất hay là rất ít mục tiêu.
Trong mỗi chiến dịch, những người vạch kế hoạch chiến lược sẽ cần phải chọn một điểm, hay rất ít điểm tấn công. Những điểm này cần phải là những khía cạnh rõ rệt của vấn đề rộng lớn hơn biểu tượng cho cái “ác”, một lãnh vực khó biện minh hơn cả, và có thể cần phải huy động dốc toàn lực để chống lại cái ác này.
Trong hầu hết mọi trường hợp, những nỗ lực nhằm dẹp bỏ độc tài hay sự áp bức đòi hỏi phải có vài ba chiến dịch có giới hạn nhắm đến một số vấn đề có giới hạn. Những thành công trong những chiến dịch này không những chỉ sửa sai những sai quấy rõ rệt được nêu ra. Những chiến dịch này còn đóng góp vào việc tăng khả năng sức mạnh của những người đối kháng đồng thời giảm thiểu sức mạnh hữu hiệu của đối thủ.
Trong một vài trường hợp hãn hữu, một chiến dịch cho một vấn đề có giới hạn lại được tiếp đón một cách bất ngờ bằng sự bất hợp tác và thách đố mạnh mẽ đến độ kết quả là sức mạnh càn quét toàn bộ hệ thống áp bức. Tuy nhiên, những người lập kế hoạch chiến lược tương lai không nên trông cậy vào một diễn biến như thế.
Trong những hoàn cảnh hãn hữu dân chúng có thể đã tin vào tiềm năng sức mạnh của mình. Họ có thể đã có được tự tin và khả năng để bỏ băng những chiến dịch cho những khiếu nại có giới hạn và sẵn sàng hành động chấm dứt toàn bộ hệ thống áp bức. Những cuộc đấu tranh giành độc lập của ba quốc gia vùng Baltic đạt đỉnh thành công năm 1991 là những thí dụ điển hình. Tuy nhiên, những chuyện có thể xảy ra này là những trường hợp ngoại lệ. Hầu như luôn luôn đòi hỏi phải có những chiến dịch cho những vấn đề có giới hạn.
Nếu đại chiến lược được thiết lập một cách khôn ngoan và áp dụng một cách tài tình thì rất có cơ may là những người đối kháng sẽ tăng rất nhiều cơ hội có thể phát động được một phong trào giải phóng hữu hiệu.
__________________________________________________________
CƯỚC CHÚ
1Mosiuoa Patrick Lekota, lúc bấy giờ thuộc the United Democratic Front [Mặt Trận Dân Chủ Thống Nhất], nói chuyện tại the National Conference on Nonviolent Sanctions in Conflict and Defense [Hội Nghị Quốc Gia về Trừng Phạt Bất Bạo Động trong Xung Đột và Phòng Vệ], Ngày 8-11 tháng Hai, 1990. Cambridge, Massachusetts, do Viện Albert Einstein bảo trợ.
2Xem Gene Sharp, The Politics of Nonviolent Action [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động], tt. 471-473.
3Xem Sharp, Gandhi Wields the Weapon of Moral Power, [Gandhi Dương Vũ Khí Sức Mạnh Đạo Đức] tt. 59-60 v à 71-72. Ahmedabad: Navavian, 1960.
0 Comments