Phòng vệ chống đảo chánh
Chú ý đến cách đảo chánh vận hành như thế nào và làm sao để đánh bại đảo chánh sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều. Cùng chung với nhau chúng sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không cần phải thụ động và cảm thấy bất lực trước những tấn công chống lại tự do và công lí. Phòng vệ cần phải được xúc tiến bởi chính xã hội bị tấn công.
Điểm chính yếu của tiểu luận này là một chính sách phòng vệ chống lại đảo chánh là điều có thể thực hiện được. Thực chất của một chính sách phòng vệ như thế gồm có hai mặt: (1) mặt thứ nhất là những người tấn công hệ thống hiến pháp và có dự định thay thế chính quyền dân cử bằng một chế độ do họ tự lựa chọn cần phải bị phủ nhận tất cả mọi tính hợp pháp — họ không có cái quyền đạo đức hoặc chính trị nào để trở thành chính quyền, và (2) mặt thứ hai là họ phải bị từ chối mọi hợp tác – không nên có ai trong chính quyền cũng như trong dân chúng hỗ trợ hay là tuân phục họ một chút nào cả.
Trong một cuộc đảo chánh, việc chiếm đóng các công thự của chính quyền, các trung tâm vận chuyển và truyền tin, những địa điểm then chốt không phải được thực hiện chỉ vì những thứ ấy. Thực ra, mục đích của những vụ chiếm đóng đó là để kiểm soát bộ máy chính quyền, và do đó kiểm soát toàn bộ đất nước. Những người làm đảo chánh cần phải bảo đảm sự kiểm soát rộng lớn nếu muốn đảo chánh thành công.
Tuy nhiên, sự chiếm đóng những cứ điểm này tự nó không đem lại cho những người làm đảo chánh sự kiểm soát đối với chính quyền và xã hội mà họ muốn. Tiên khởi họ sẽ không kiểm soát được dân chúng; các tổ chức chính trị, kinh tế, và xã hội; các cơ cấu chính quyền; và ngay cả tất cả những lực lượng quân đội và cảnh sát. Những người làm đảo chánh cũng sẽ không ở trong tư thế có thể tức khắc đạt được bất cứ mục tiêu ý thức hệ nào. Sau khi các lực lượng quân sự, bán quân sự đã chiếm đóng các công thự của chính quyền rồi, thì hiển nhiên là một giai đoạn chủ yếu tiếp theo sau, một giai đoạn mà những người làm đảo chánh phải thiết lập và củng cố sự kiểm soát của họ. Ngay cả khi không có đối kháng, thì vẫn đòi hỏi phải có thời gian và cố gắng mới đạt được sự kiểm soát này. Nhu cầu cần phải củng cố sự kiểm soát – và thời gian cần phải có để ứng dụng điều này – làm cho việc xã hội phòng vệ hữu hiệu có thể thực hiện được.
Những người làm đảo chánh đòi hỏi…
Sau khi cuộc đảo chánh bắt đầu, thì những người làm đảo chánh đòi hỏi tính hợp pháp, nghĩa là, sự chấp nhận cái quyền về phương diện tinh thần và về phương diện chính trị của họ, hay là cái quyền hành được cai trị. Những sự ủng hộ bởi những nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo, những nhân vật chính trị được kính nể, và trong một vài trường hợp bởi vương quyền và những giới chức trong quá khứ, sẽ giúp cho họ tranh thủ được sự chấp nhận này.
Những người làm đảo chánh đòi hỏi là sự kiểm soát guồng máy nhà nước của họ phải được chấp nhận bởi những người và những cơ chế có quyền hành về tinh thần và về chính trị hợp pháp, dù họ có là những giới chức dân cử, những nhà lãnh đạo tinh thần không chính thức, hay là vương quyền hay không.
Nguyên tắc căn bản đầu tiên của việc phòng vệ chống đảo chánh do đó là khước từ tính hợp pháp của những người làm đảo chánh.
Những người làm đảo chánh còn đòi hỏi các nhà lãnh đạo dân sự và dân chúng đang hoang mang, hay chỉ thụ động mà thôi, phải ủng hộ họ. Những người làm đảo chánh còn đòi hỏi thêm sự hợp tác của các chuyên gia và các cố vấn, các chuyên viên bàn giấy và công chức, các nhà quản trị, và các quan toà để củng cố sự kiểm soát của họ đối với xã hội. Các nhà báo và những chuyên gia phát sóng, các nhà in và các chuyên viên kĩ thuật bị đòi hỏi phải làm theo mệnh lệnh. Cảnh sát, các viên chức nhà tù, và quân lính cần phải tuân theo mệnh lệnh bắt bớ, bỏ tù những người phản đối, và hành quyết người ta như đã được chỉ thị. Những người làm đảo chánh còn đòi hỏi một số lớn những người thường điều hành hệ thống chính trị, những tổ chức của xã hội, và nền kinh tế, phải thụ động chịu khuất phục và phải thi hành những phần vụ thường xuyên của họ như đã được thay đổi theo các mệnh lệnh và chánh sách của những người làm đảo chánh.
Tóm lại, để củng cố sự kiểm soát của mình, những người làm đảo chánh đòi hỏi rất nhiều, không những về tính hợp pháp mà còn về sự hợp tác của xã hội mà họ dự tính sẽ cai trị.
Tuy nhiên, nếu thoả mãn được ít hay là không thoả mãn được những hành động khuất phục, hợp tác, và hỗ trợ đòi hỏi này thì những người làm đảo chánh có thể bị nguy cơ vì bị khước từ, vì bất hợp tác, và thách thức. Cả hai thứ cần đến: tính hợp pháp và sự hợp tác khẩn yếu đều dễ bị tổn thương. Tất cả những nhóm này và đại bộ phận dân chúng có thể từ chối tuân lệnh. Các tuyên xưng về tính hợp pháp có thể bị khước từ. Sự hợp tác cần thiết, sự tuân phục, và hỗ trợ có thể bị từ chối. Sự củng cố nền cai trị của những người làm đảo chánh do đó có thể bị chặn đứng lại.
Ngay cả một sự chống đối vừa phải cũng có thể ép buộc những kẻ tấn công phải nỗ lực nhiều mới tranh thủ được sự chấp nhận, sự hợp tác, và hỗ trợ mà họ cần. Trong một cuộc phòng vệ mãnh liệt chống lại đảo chánh, dân chúng thường sẽ ngăn chặn sự kiểm soát guồng máy nhà nước và xứ sở bằng một sự bất hợp tác rộng lớn và có chọn lựa, trong lúc vẫn duy trì sự ủng hộ đối với chính quyền hợp pháp và lời kêu gọi của chính quyền chống lại đảo chánh. Sự phủ nhận, bất hợp tác, và thách thức đảo chánh một cách mạnh mẽ, quyết liệt, và phổ biến bởi xã hội có thể chặn đứng các mục tiêu của những người làm đảo chánh và đánh bại cuộc đảo chánh.
Nguyên tắc căn bản thứ hai trong cuộc phòng vệ chống đảo chánh là kháng cự lại những người làm đảo chánh bằng cách bất hợp tác và thách thức.
Nếu cả tính hợp pháp lẫn sự hợp tác đều bị từ chối, thì cuộc đảo chánh sẽ chết vì đói khát chính trị.
Trực tiếp phòng vệ xã hội
Do đó một chánh sách chống đảo chánh phải tập trung vào việc bảo vệ xã hội bởi chính xã hội, chứ không phải vào việc bảo vệ các địa điểm, ngay cả các công thự của chính quyền. Địa lí và công thự quan trọng tối hậu đối với những người lãnh đạo đảo chánh chỉ khi nào sự chiếm cứ được đi kèm theo bởi sự hỗ trợ của con người mà thôi. Chiếm cứ một trường sở, chẳng hạn, sẽ không có ích lợi gì cho người đang muốn kiểm soát giáo dục mà không có một trường học đang hoạt động gồm có học sinh, giáo sư, và ban quản trị hợp tác. Chiếm cứ một sân hoả xa sẽ không đem lại sự kiểm soát đối với sự vận tải nếu các công nhân hoả xa và những người quản lí không chịu điều hành xe lửa theo mệnh lệnh. Kiểm soát toà nhà quốc hội không mà thôi không đem lại sự kiểm soát đối với chính các thành viên của quốc hội và đối với dân chúng như là một tổng thể đang tin tưởng vào chức quyền đại nghị.
Thay vì cố gắng bảo vệ hiến pháp bằng cách tranh chấp chiếm các công thự và các địa điểm, người dân nên năng động trực tiếp bảo vệ các tổ chức, bảo vệ xã hội, và bảo vệ các tự do của mình. Những ưu tiên cho đấu tranh ở đây rất là thiết yếu. Đặt nặng việc tuân thủ những thủ tục hiến định, hay là việc duy trì tự do báo chí, chẳng hạn, trực tiếp quan trọng đối với dân chủ hơn là sở hữu một ngã tư đường hay một toà nhà nào đó.
Dĩ nhiên đúng là đôi khi một vài địa điểm và công thự có một tầm quan trọng có tính biểu tượng đặc biệt. Những người phòng vệ dân sự lúc bấy giờ có thể cố chặn đứng sự chiếm cứ những địa điểm này bằng cách đặt thân mình vào giữa những kẻ tấn công và những công thự đó. Năm 1991, chẳng hạn, cả toà nhà quốc hội Lithuanian lẫn toà “nhà Trắng” của Nga đều được bảo vệ bởi sức mạnh nhân dân. Tuy vậy, ta không nên tổng quát hoá một cách quá rộng rãi từ hai trường hợp này. Trước tiên người ta phải lưu ý rằng một hàng rào cản bằng người không luôn luôn thực tiễn. Trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là lạnh, thì một hàng rào cản bằng người, trước sau cũng cùng những cá nhân như cũ, thì hầu như không thể nào đứng ở một vị trí trong một thời gian quá lâu được. Do đó, điều quan trọng là phải nhớ rằng phòng vệ chống đảo chánh là bảo vệ xã hội, chứ không phải bảo vệ các địa điểm hay các công thự, mà những người làm đảo chánh có thể chiếm cứ nếu họ muốn giết đủ số người.
Nếu những người làm đảo chánh chần chừ về các dự định hay phương pháp của họ, hay là binh sĩ của họ không sẵn lòng giết nhiều người phòng vệ, thì lúc bấy giờ một sự phòng vệ với những hàng rào cản bằng người có thể thành công. Tuy nhiên, có một nguy hiểm nghiêm trọng trong các nỗ lực bảo vệ các công thự và các địa điểm then chốt khác bằng những hàng rào cản bằng người. Nếu, mặc dù có những nỗ lực của những người phòng vệ cố thủ, những người làm đảo chánh vẫn chiếm được công thự, thì những người phòng vệ cũng như dân chúng có thể trở nên nản lòng một cách phi lí. Những người phòng vệ lúc bấy giờ có thể tin là không những chỉ toà nhà quốc hội bị chiếm cứ mà thôi mà ngay cả chính quốc hội cũng đã bị phá vỡ. Những người phòng vệ và dân chúng có thể tin là chỉ thuần nhất sự chiếm đóng vật chất của các tổng hành dinh của chính quyền trước đây đã đặt những người làm đảo chánh vào vị thế kiểm soát.
Do đó cần phải hết sức cẩn trọng trong việc vạch ra các chiến lược và chiến thuật cho việc bảo vệ các công thự, làm sao để những người phòng vệ và dân chúng đặt nặng công việc bảo vệ hệ thống hiến pháp và ngay cả các cơ chế của xã hội để cho những cơ chế này vẫn tiếp tục sinh hoạt dù cho số phận của các công thự này có như thế nào đi chăng nữa. Những người lãnh đạo đảo chánh không thể nào kiểm soát được dân chúng, các cơ chế, tổ chức, và chính quyền của xã hội mà không có sự khuất phục và hợp tác của dân chúng.
Nhu cầu về chuẩn bị
Trong ba trường hợp duyệt lại trước đây, việc phòng vệ ứng biến, không có được cái thuận lợi của thiết kế và chuẩn bị trước. Thật là ngạc nhiên là ngay cả đấu tranh xã hội đột ngột ứng biến mà vẫn mạnh như thế. Tuy nhiên, một sự kháng cự không được chuẩn bị như vậy hẳn sẽ phải yếu hơn là nếu có những kế hoạch cẩn trọng được vạch ra cho việc phòng vệ chống lại những cuộc tấn công như thế. Sự rối loạn, sự chần chừ về việc cần phải làm gì, những phản kháng vô hiệu lực hay phản tác dụng, những trì hoãn tổn hại về việc cần có hành động dứt khoát, đều có thể tránh được hay giảm thiểu rất nhiều nhờ có chuẩn bị. Ngược lại, phòng vệ chống đảo chánh bởi những công dân khẳng quyết có thể được tăng cường rất nhiều bởi những chuẩn bị và những hướng dẫn rõ rệt. Những hướng dẫn này thường có mục đích chuẩn bị nhân dân và các cơ chế xã hội tung ra được một cuộc đối kháng tập thể chống lại bất cứ cuộc đảo chánh nào. Những chuẩn bị như thế thường cần bao gồm cả những hướng dẫn tổng quát lẫn những trách nhiệm được chỉ định cho các thành viên của những nhóm hay cơ chế trong dân chúng, như là công chức, các vị lãnh đạo tôn giáo, cảnh sát, các nhà báo, các nhân viên vận tải, và nhiều nhóm khác nữa.
Việc thiết kế và các chuẩn bị cho công việc phòng vệ chống đảo chánh như thế có thể thực hiện được. Còn việc các tổ chức độc lập của xã hội hay chính quyền (với sự hợp tác của những cơ chế và tổ chức phi chính phủ) khởi động và thi hành việc phòng vệ chống đảo chánh thì phần lớn sẽ được quyết định bởi hoàn cảnh chính trị của đất nước và bởi mức độ của sức mạnh và sinh lực của xã hội.
Các mục đích của những người phòng vệ dân sự
Trong một chính sách chống đảo chánh, những người phòng vệ sẽ nhắm:
- Bác bỏ những người làm đảo chánh là không có tính hợp pháp, không có quyền đòi trở thành chính quyền;
- Biến xã hội bị tấn công trở thành không thể cai trị được bởi những người làm đảo chánh;
- Chặn đứng việc những người làm đảo chánh áp đặt một chính quyền năng động;
- Duy trì sự kiểm soát và tự quản của xã hội của chính mình;
- Biến các cơ chế của xã hội thành những tổ chức đối kháng khắp mọi nơi chống lại đảo chánh;
- Không để cho những người làm đảo chánh tranh thủ thêm bất cứ mục tiêu nào nữa;
- Làm cho những tổn thất do cuộc tấn công và nỗ lực thống trị gây ra trở nên không thể chấp nhận được;
- Phá vỡ sự đáng tin cậy và sự trung thành của binh sĩ và công chức của những người làm đảo chánh và khuyến dụ họ rời bỏ hàng ngũ của các sĩ quan phiến loạn của họ;
- Khuyến khích li khai và đối lập giữa những người ủng hộ phe đảo chánh;
- Kích động quốc tế chống lại đảo chánh bằng những áp lực ngoại giao, kinh tế, và công luận chống lại những kẻ tấn công; và
- Tranh thủ quốc tế hỗ trợ về truyền thông, tài chánh, thực phẩm, ngoại giao, và những tài nguyên khác.
Đối kháng: tổng quát và có tổ chức
Các chiến lược về phòng vệ chống đảo chánh tiên khởi có thể được gom lại thành hai loại: “tổng quát” và “có tổ chức.”1 Khá lâu trước khi cuộc tấn công xảy ra, người ta thường chọn những điểm then chốt và minh xác cho quần chúng biết đó là những điểm mà dân chúng cần đối kháng, ngay cả khi lúc đó không có những chỉ thị rõ rệt của một nhóm lãnh đạo nào cả. Loại đối kháng này gọi là “đối kháng tổng quát.” Những điểm này có thể bao gồm, chẳng hạn như, những nỗ lực đề cao chế độ của những kẻ tấn công là có tính hợp pháp, những cố gắng tái lập hay huỷ bỏ ngành lập pháp dân cử, những biện pháp tái lập các toà án hoặc áp đặt một hiến pháp mới, những thu hẹp tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, và những nỗ lực kiểm soát các cơ chế độc lập của xã hội.
Sự vi phạm vào bất cứ điểm nào trong số những điểm này bởi những kẻ tấn công sẽ là một dấu hiệu để dân chúng đối kháng. Việc cung cấp trước những hướng dẫn về đối kháng tổng quát sẽ làm cho người ta có thể thực hiện được một công cuộc đối kháng khôn ngoan ngay cả nếu những giới chức có tính hợp pháp hay là những người lãnh đạo phòng vệ từ lúc ban đầu đã bị bắt hay bị hành quyết. Đối kháng tổng quát vẫn có thể thực hiện được nếu các liên lạc của những người lãnh đạo phòng vệ với dân chúng bị chặn lại.
“Đối kháng có tổ chức” khác với đối kháng tổng quát ở chỗ những người phòng vệ hành động theo lời kêu gọi hay chỉ thị của một nhóm lãnh đạo phòng vệ chống đảo chánh. Nhóm này có thể gồm có những thành viên của chính quyền hợp pháp, những giới chức của một cơ quan thiết kế phòng vệ chống đảo chánh, hay là những người được tuyển chọn theo một phương cách nào khác. Nhóm lãnh đạo này có thể gồm có, chẳng hạn như, những đại biểu của các tổ chức thiện nguyện (giáo dục, công dân, lao động, tôn giáo, chính trị, và các tổ chức khác nữa). Những đại biểu này đã từng được xã hội chấp nhận một cách không chánh thức (dù cho bản thân cá nhân họ có được người ta biết đến một cách công khai hay không).
Đối kháng có tổ chức thường bổ túc, chứ không thay thế, đối kháng tổng quát. Đối kháng có tổ chức thường gồm có những hành động tập trung vào một diễn biến cụ thể, hay là xảy ra tại một địa điểm rõ ràng hay là vào một thời điểm được chỉ định. Đối kháng như thế thường xảy ra dưới hình thức của những hành động phản đối hay đối kháng rõ rệt có tính biểu tượng; có thể có cả hằng tá những loại hành động như thế. Các thí dụ thường bao gồm những cuộc biểu tình, những cuộc đình công ngắn hạn, những buổi tuần hành phản đối, ngưng mọi phát sóng tin tức để phản đối, gióng chuông nhà thờ, treo cờ quốc gia để thách thức (có lẽ treo giữa chừng), những chiến dịch viết thư có tổ chức, đọc cùng một lúc trong những nghi lễ tôn giáo những lời tuyên bố chính thức của các vị lãnh đạo tôn giáo, những vụ tuyệt thực có tổ chức, những buổi phát thanh từ những đài phát sóng bí mật, và các hình thái biểu lộ tang chế (vì những tàn bạo từ những kẻ tấn công gây nên hay do những hành động khủng bố của chính người của mình).
Cả đối kháng tổng quát lẫn đối kháng có tổ chức đều rất quan trọng đối với những cuộc đấu tranh phòng vệ chống lại những cuộc đảo chánh. Tỉ lệ của những vai trò dành cho mỗi loại sẽ biến đổi tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể.
Sự quan trọng của chiến lược
Kĩ thuật tổng quát đã từng hữu hiệu nhất trong việc phòng vệ chống đảo chánh là đấu tranh bất bạo động. Kĩ thuật này tránh đánh lại những người làm đảo chánh bằng vũ khí quân sự, vũ khí mà những người tiếm quyền thường có ưu thế. Kĩ thuật bất bạo động còn gia tăng tối đa sức mạnh của những người phòng vệ, gia tăng con số những người đối kháng có thể có rất nhiều so với những người có khả năng và sẵn lòng sử dụng bạo lực, và điều hết sức quan trọng là kĩ thuật này giúp làm mất tinh thần và sự đáng tin cậy của binh lính của những người làm đảo chánh.
Các vũ khí, hay là những phương pháp, của đấu tranh bất bạo động – như là đình công, tẩy chay, các loại bất bạo động chính trị, và nổi loạn – không nên được sử dụng một cách ngẫu nhiên. Những phương pháp này không nên được lựa chọn tuỳ theo ý kiến thất thường của cá nhân hay là để phản ứng lại những diễn biến nhỏ nhặt; chúng cũng không nên được áp dụng một cách lộn xộn, không tính trước, hoặc theo trực giác. Thay vì như thế, những phương pháp này sẽ hữu hiệu hơn cả nếu được áp dụng như là những thành phần của một chiến lược toàn bộ về phòng vệ chống đảo chánh được chọn lựa một cách cẩn trọng.
Cố gắng phòng vệ mà không vạch ra một chiến lược cho cuộc đấu tranh là điên rồ. Điều này còn có tiềm năng đem lại thảm hại. Một trong những lí do chính yếu của sự thất bại của một vài cuộc đấu tranh bất bạo động trong quá khứ là do sự chọn lựa một chiến lược kém cỏi hoặc rất thường là do sự lơ là không thiết lập một chiến lược nào cả. Chiến lược cũng quan trọng cho những cuộc đấu tranh bất bạo động cũng như trong chiến tranh quân sự.
Cần phải có một kế hoạch tổng quát cho công việc điều hành toàn bộ cuộc đấu tranh. Kế hoạch này được gọi là đại chiến lược. Trong đó, những chiến lược cá biệt cần phải được vạch ra nhằm tranh thủ những mục tiêu quan trọng của cuộc đấu tranh hoặc để sử dụng trong những giai đoạn rộng lớn của cuộc đấu tranh. Một chiến lược là một quan niệm, một kế hoạch tổng quát về cách làm thế nào để hành động tốt nhất để đạt được những mục tiêu của mình trong một giai đoạn chính yếu của cuộc đấu tranh, trong khuôn khổ của một đại chiến lược đã được chọn lựa. Mục đích là tận dụng tài nguyên của mình để tranh thủ mục tiêu nhắm đến với sự tổn thất tối thiểu. Chiến lược được chọn lựa sẽ quyết định là có nên đánh hay không, đánh khi nào, và đánh như thế nào.
Bên trong chiến lược là những chiến thuật riêng biệt — là những kế hoạch cho những hành động có giới hạn – và những phương pháp cá biệt — những hình thái hành động cụ thể — được sử dụng để thực thi chiến lược. Những hành động này giới hạn hơn về thời lượng, về tầm cỡ, hay về những vấn đề tranh chấp cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu có giới hạn đã được dự tính trước.
Các chiến lược cho công việc phòng vệ chống đảo chánh cần phải được thiết kế với nhiều suy tư và hết sức cẩn trọng. Chiến lược cần phải rút tỉa từ những nguồn tài nguyên tốt nhất có thể có được về những nguyên tắc chiến lược. Chúng cũng cần phải được đặt nền tảng trên kiến thức về đấu tranh bất bạo động, những động năng của đảo chánh, hoàn cảnh đặc biệt của sự xung đột, và những ưu điểm và những khuyết điểm của cả phe dân chúng phòng vệ lẫn phe những người làm đảo chánh.
Những vấn đề về chiến lược biến đổi và phức tạp hơn là như được nêu lên ở đây và những độc giả tiếp cận với những quyết định về chiến lược được khuyến cáo là nên tham khảo những thảo luận sâu hơn ở những nơi khác2.
Những vũ khí chống đảo chánh
Việc chọn lựa những phương pháp hành động thích hợp nhất là điều tối quan trọng. Chiến dịch chống đảo chánh tiên khởi có thể sử dụng một số trong số những vũ khí bất bạo động sau đây: biểu tình tại gia bằng cách tất cả mọi người đều ở nhà; làm tê liệt mỗi bộ phận của hệ thống chính trị mà những người làm đảo chánh cố chiếm giữ; cứ kiên quyết điều hành những bộ phận không bị kiểm soát của hệ thống chính trị theo đúng những chính sách và luật lệ trước khi bị tấn công (làm lơ không để ý đến các sắc lệnh và các chánh sách của những người làm đảo chánh); làm tràn ngập đường sá bằng những người biểu tình; hay ngược lại, để cho đường sá hoàn toàn trống vắng; chiến dịch rộng lớn làm mất tinh thần và sự trung thành của binh lính và công chức của những kẻ tấn công; thách thức bằng cách cứ ấn hành báo chí và phát thanh và phát hình tin tức về các vụ tấn công và đối kháng; tổng đình công; và ngưng hẳn mọi hoạt động kinh tế (bởi công nhân và các nhà quản trị).
Điều quan trọng là giao trách nhiệm chính yếu về cuộc đấu tranh phòng vệ cho những phương pháp trực tiếp phản công lại những mục tiêu tiên khởi của những người làm đảo chánh. Những mục tiêu này sẽ chủ yếu liên hệ đến việc tranh thủ và củng cố sự kiểm soát đối với hệ thống chính trị và phá vỡ sự chống đối đảo chánh. Những mục đích kinh tế thường không phải là những mục tiêu tiên khởi của những người làm đảo chánh. (Những mục tiêu kinh tế có thể trong một vài trường hợp là những mục đích dài hạn hơn, chẳng hạn như là đặt sự kiểm soát hệ thống chính trị trong tay lớp lãnh đạo hiện hành hay là dùng nhà nước để kiểm soát hay sở hữu hệ thống kinh tế).
Kiểm soát hệ thống kinh tế, nếu có xảy ra, hiếm khi là một mục tiêu tiên khởi của một cuộc đảo chánh. Do đó, tổng đình công hay là ngưng các hoạt động kinh tế hiếm khi là những phương pháp đối kháng chống đảo chánh có thực chất thích hợp và hữu hiệu hơn cả. Tuy nhiên, áp dụng qua những bộc phát ngắn hạn, những phương pháp này có thể chứng tỏ sự vững chắc của ý chí đối kháng. Nhưng khi áp dụng cho một giai đoạn kéo dài thì những vũ khí kinh tế này có thể tác hại đến khả năng của Xã hội đang bị tấn công chịu đựng được chính sự phòng vệ của mình. Ví dụ, một cuộc tổng đình công thường chỉ được sử dụng ngay khi bắt đầu cuộc phòng vệ chống đảo chánh, hoặc là về sau này trong cuộc đấu tranh cho một mục đích rõ rệt nhưng giới hạn, như là để phản đối những tàn bạo quá mức, chẳng hạn. Tổng đình công hoặc ngưng các hoạt động kinh tế cũng có thể được sử dụng khi người ta nghĩ rằng một sự biểu lộ sự kháng cự ồ ạt và đầy ấn tượng sẽ đánh một phát ân huệ vào cuộc tấn công.
Quan trọng hơn nhiều vào lúc đầu là những phương pháp nhắm thẳng vào những mục tiêu tiên khởi của những người làm đảo chánh. Những phương pháp này thường là những phương pháp: (1) chứng tỏ sự phủ nhận những tuyên xưng của những người làm đảo chánh về tính hợp pháp; (2) chặn đứng việc họ nắm quyền kiểm soát guồng máy chính trị của nhà nước (như là bằng sự bất hợp tác của công chức, cảnh sát, các lực lượng quân đội, những cấp thấp trong chính quyền, v.v…); (3) chứng minh là nhân dân phủ nhận cuộc đảo chánh và bất hợp tác và bất tuân chống lại đảo chánh; (4) chặn đứng việc những người làm đảo chánh nỗ lực kiểm soát các phương tiện truyền thông và thay vào đó duy trì truyền thông bằng nhiều phương tiện khác nhau bao gồm cả những phương tiện ấn loát và đài phát thanh; và (5) thách thức những nỗ lực của những người làm đảo chánh đang cố vô hiệu hoá hoặc kiểm soát các cơ chế độc lập của xã hội. Nếu những phương tiện phòng vệ liệt kê ở đây có thể áp dụng được với số đông người và hữu hiệu để đạt những mục đích này, thì cuộc đảo chánh chỉ có thể tan rã mà thôi.
Kim chỉ nam cho đối kháng tổng quát
Những hướng dẫn cho công cuộc đối kháng tổng quát chống lại những cuộc đảo chánh có thể được sắp xếp trước khi bất kì một cuộc đảo chánh nào có thể xảy ra. Những hướng dẫn như thế thường gồm có những yếu tố căn bản cho một chiến lược chống đảo chánh hữu hiệu, giúp cho dân chúng biết làm cách nào để kháng cự. Những hướng dẫn này bao gồm những điều sau đây:
- Phủ nhận cuộc đảo chánh và tố cáo những người lãnh đạo đảo chánh là bất hợp pháp, chỉ đáng bị khước từ cương vị của một chính quyền. Sự tố cáo những người làm đảo chánh là bất hợp pháp nên được sự ủng hộ của những vị lãnh đạo tinh thần, chính trị, và tôn giáo, các giới chức và các thành viên của tất cả các tổ chức của xã hội (bao gồm giáo dục, các phương tiện truyền thông đại chúng, và truyền thông), và chính quyền các cấp, quốc gia, địa phương, vùng, và tỉnh và các giới chức (bao gồm các nguyên thủ quốc gia và hoàng gia nếu có). Với bất cứ giá nào cũng phải khước từ tính hợp pháp của những người làm đảo chánh, bao gồm cả những nỗ lực thương thảo một thoả hiệp giữa họ và những nhà lãnh đạo chính trị hợp pháp.
- Xem tất cả những sắc lệnh và chỉ thị của những người làm đảo chánh trái ngược với luật lệ đã được thiết lập là bất hợp pháp, và từ chối tuân theo.
- Giữ tất cả mọi đối kháng hoàn toàn bất bạo động để làm cho cuộc phòng vệ chống đảo chánh được càng hữu hiệu càng tốt. Từ chối bị khiêu khích bạo động và hành động không cẩn trọng.
- Từ chối và không tuân theo những nỗ lực của những người làm đảo chánh nhằm thiết lập và nới rộng sự kiểm soát đối với guồng máy chính quyền và xã hội.
- Bất hợp tác toàn diện với những người làm đảo chánh. Điều này áp dụng cho đại chúng; tất cả mọi chuyên gia và kĩ thuật gia; tất cả những nhà lãnh đạo của những chính quyền trước đây và của các đảng phái chính trị; tất cả các ngành của chính quyền trung ương hay liên bang, chính quyền quốc gia, vùng, và địa phương, bao gồm công chức và chuyên viên bàn giấy; các nhóm ngành nghề và chuyên môn; tất cả các nhân viên của các phương tiện truyền thông, và ngành truyền thông; tất cả các nhân viên; tất cả các nhân viên của các hệ thống vận tải; cảnh sát; các thành viên và các đơn vị của các lực lượng quân đội; tất cả các chánh án và nhân viên của hệ thống tư pháp; mọi nhân viên của các cơ sở tài chánh, cả của chính quyền lẫn của tư nhân; và các quan chức và thành viên của mọi cơ chế khác của xã hội.
- Kiên quyết duy trì những điều hành thông thường của xã hội theo đúng hiến pháp, luật lệ, và các chánh sách của chính quyền hợp pháp và của các cơ chế độc lập của xã hội như trước khi bị tấn công. Điều này cần phải được tiếp tục cho đến khi hoặc trừ phi nhân sự đã bị hất đi khỏi chỗ làm, văn phòng, hay các trung tâm sinh hoạt. Ngay cả lúc như thế thì vẫn cứ được chừng nào hay chừng ấy, cứ tiếp tục những điều hành thông thường ở những địa điểm khác. Điều này đặc biệt áp dụng cho các giới chức và các nhân viên thuộc tất cả các ngành, các bộ và mọi cấp trong chính quyền.
- Bảo toàn sự sinh hoạt của các tổ chức chính trị và xã hội hợp pháp. Thiết lập những tổ chức trừ bị có thể cần phải đảm trách các phần vụ của những tổ chức bị tấn công hay bị những người làm đảo chánh đóng cửa.
- Từ chối cung cấp thông tin thiết yếu cho những người làm đảo chánh và những người trợ lực cho họ. Ví dụ ở nơi nào tỏ ra là có lợi thì nên cất các bảng chỉ đường, tên đường, tín hiệu giao thông, số nhà, v.v…để cản trở các hoạt động của phe đảo chánh và bảo vệ người ta khỏi bị bắt.
- Từ chối cung cấp cho những người làm đảo chánh những tiếp liệu và các trang bị cần thiết, khi nào thích hợp thì dấu những thứ này đi.
- Thân mật “tiếp cận sáng tạo” với công chức và binh sĩ phục vụ những người làm đảo chánh trong lúc vẫn tiếp tục đối kháng. Cắt nghĩa cho họ nghe những lí do của cuộc đấu tranh phòng vệ, khẳng định là sẽ không có bạo động chủ ý nhắm vào họ, tìm cách xói mòn sự trung thành của họ, và cố gắng khuyến dụ họ giúp những người phòng vệ. Sự giúp đỡ này có thể qua hình thức cố tình vô hiệu năng trong việc đàn áp, chuyển thông tin cho những người phòng vệ, và trong những trường hợp cực đoan, đào ngũ, với binh lính theo những người phòng vệ đấu tranh bất bạo động cho tự do. Hãy cố gắng thuyết phục binh lính và công chức về nhu cầu phải tuân theo đúng những thủ tục hiến định và pháp định.
- Khước từ giúp những người làm đảo chánh phổ biến tuyên truyền của họ.
- Thu thập tài liệu viết lách, âm thanh, và phim ảnh về những hoạt động và đàn áp của những người làm đảo chánh. Bảo toàn tài liệu và phân phối thông tin này một cách rộng rãi cho những người phòng vệ, cho quốc tế và cho những người ủng hộ những người làm đảo chánh.
Đối xử với quân nhân và công chức của những người tiếm quyền
Rất sớm trong thời gian cuộc đảo chánh, những người phòng vệ thường cố gắng liên lạc với những người làm đảo chánh, các công chức, và binh lính của họ và cảnh báo những người này về sự thù nghịch của nhân dân đối với cuộc tấn công. Những lời nói và những hành động có tính biểu tượng thường được sử dụng để chuyển đạt ý chí đối kháng, để cho thấy loại phòng vệ sẽ được xúc tiến, và để khuyến dụ những người làm đảo chánh rút lui.
Cần phải thực hiện những nỗ lực ở tất cả mọi giai đoạn của cuộc đảo chánh để xói mòn sự trung thành của mỗi quân nhân và công chức của những người làm đảo chánh. Điều này tương đối dễ dàng trong một cuộc đối kháng chống đảo chánh hơn là trong những trường hợp ngoại xâm vì binh lính và công chức thường nói cùng một ngôn ngữ như là những người đối kháng hay ít nhất là có một ngôn ngữ chung mà cả hai phe đều hiểu. Nếu đây không phải là trường hợp thì truyền thông vẫn có thể thực hiện được bằng những phương thức khác như là sử dụng những truyền đơn và các khẩu hiệu đã được chuyển ngữ, hay những người đối kháng có kĩ năng về ngôn ngữ, hay là qua hành vi và các kí hiệu của những người phòng vệ.
Binh lính của những người làm đảo chánh thường đầu tiên được thông báo là sẽ có đối kháng, nhưng rằng cuộc đối kháng sẽ thuộc loại đặc biệt. Trong cuộc đối kháng này, việc phòng vệ thực ra sẽ nhắm đến chống lại nỗ lực của cuộc đảo chánh giành quyền kiểm soát nhưng sẽ được tiến hành mà không phương hại đến cá nhân các binh sĩ. Nếu điều này được truyền đạt, thì binh lính có thể có khuynh hướng giúp đỡ dân chúng phòng vệ bằng những phương cách nhỏ bé, tránh bạo tàn, và nổi loạn vào thời điểm khủng hoảng, hơn là nếu binh lính chờ đợi bị giết bất kì lúc nào vì bị bắn sẻ hoặc bị đánh bom.
Những minh chứng được lặp đi lặp lại là không hề có ý định bạo động hoặc đe doạ đối với cá nhân các binh sĩ, được đi kèm theo bằng đối kháng minh bạch, rất là quan trọng. Sự hỗn hợp này có cơ may gia tăng hiệu lực của cuộc phòng vệ chống đảo chánh nhiều hơn cả. Đối kháng mạnh mẽ mà không có đe doạ cá nhân hoặc bạo lực có thể, ít nhất là trong hàng ngũ một số quân nhân, tạo nên hoặc làm trầm trọng thêm những vấn đề về tinh thần của họ. Những vấn đề này có thể được biểu lộ qua sự trung thành không vững chắc đối với những người làm đảo chánh, những vấn đề về duy trì tự trọng khi thi hành đàn áp đối với những người bất bạo động, và trong những trường hợp cực đoan, sự bất mãn và nổi loạn.
Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là quân lính của những người làm đảo chánh sẽ chịu ảnh hưởng thuận lợi bởi kỉ luật bất bạo động, nhất là trong ngắn hạn. Họ vẫn có thể hành động tàn bạo và giết những người đối kháng bất bạo động. Tuy nhiên, những thảm cảnh như thế không có nghĩa là đối kháng thất bại. Ngược lại, nếu đối kháng có kỉ luật, vẫn tiếp tục, thì những bạo tàn sẽ làm cho những người làm đảo chánh yếu đi và sẽ tăng sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng vệ, như sẽ được thảo luận trong những đoạn sau đây.
Đối diện với tấn công: gây chướng ngại và truyền thông
Mặc dù cuộc phòng vệ chống đảo chánh này sẽ không có kết quả bằng cách tấn công binh lính của những người làm đảo chánh bằng quân sự, nhưng có một vài hành động giới hạn ảnh hưởng đến binh lính ngay cả ở giai đoạn đầu của cuộc tấn công có thể thực hiện được. Nếu khám phá ra kịp thời, thì việc dàn quân của phe đảo chánh có thể tạm thời chặn đứng được bằng những hoạt động gây chướng ngại trên các xa lộ, các đường phố, và các phi trường, v.v…. Việc tiến quân hoặc di động của binh lính có thể bị trì hoãn bởi những phương tiện như là từ chối điều hành các đường xe lửa, chặn các xa lộ và phi trường bằng cách bỏ lại nhiều xe cộ và đôi khi dùng những rào cản bằng người trên các đường phố và lối đi.
Mặc dù những hoạt động gây chướng ngại như thế chống lại việc dàn quân chỉ hữu hiệu trong một thời gian ngắn, những hành động này chứng tỏ rõ ràng cho cá nhân các binh lính là, dù họ đã được dặn dò như thế nào đi nữa, họ vẫn không được tiếp đón như là binh lính của đảo chánh. Nhân dân cũng sẽ khuyến dụ binh lính đừng tin vào tuyên truyền của lãnh đạo đảo chánh.
Về những hành động có tính biểu tượng khác, dân chúng có thể mang khăn tang, sắp đặt một cuộc biểu tình tại gia, xúc tiến một cuộc tổng đình công có giới hạn, hoặc thách thức lệnh giới nghiêm. Những hành động như thế thường có hai mục đích. Thông tin cho bạn cũng như thù biết là cuộc đảo chánh sẽ bị kháng cự một cách quyết liệt. Đồng thời những hành động này còn giúp làm lên tinh thần dân chúng nhằm ngăn chặn họ chịu khuất phục và hợp tác với những người làm đảo chánh. Tuy nhiên, những hành động này chỉ là một sự giáo đầu có tính biểu tượng cho công việc đối kháng có phẩm chất về sau.
Những phương pháp có tính biểu tượng sau đây có thể được sử dụng để chuyển đạt ý chí đối kháng của dân chúng đến những người làm đảo chánh và các lực lượng của họ: truyền đơn, thư từ, những buổi phát thanh và phát hình, chuyện vãn riêng tư, báo chí, bích chương, biểu ngữ, công hàm ngoại giao, những phát biểu tại các buổi họp vùng và Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ của những thành phần thứ ba, ấn loát những thông điệp và khẩu hiệu, và các loại biểu tình đặc biệt. Những loại truyền thông và cảnh báo này có thể nhắm vào binh lính, những người lãnh đạo, và những người ủng hộ hiện tại và tương lai của phe đảo chánh.
Đối diện với tấn công: phủ nhận và chối từ
Trong những giờ, những ngày, những tuần đầu tiên sau khi cuộc đảo chánh vừa mới bắt đầu, thì điều tối quan trọng là phải có hành động nhanh chóng và quyết liệt ngăn chặn ngay những người làm đảo chánh không cho họ trở nên được chấp nhận và thiết lập được sự kiểm soát đối với guồng máy nhà nước và xã hội. Cần phải có một chiến lược tức khắc phủ nhận và loại bỏ những người làm đảo chánh và sự tấn công của họ để có thể nhanh chóng đánh bại cuộc đảo chánh. Chiến lược thường là sự hỗn hợp của việc phủ nhận những lời tuyên bố về tính hợp pháp với việc khước từ hợp tác. Chiến lược này bao gồm hoàn toàn hay là gần như hoàn toàn bất hợp tác với những người làm đảo chánh. Đánh bại đảo chánh sớm sẽ làm cho một cuộc đấu tranh dài hạn sau này với một chế độ áp bức đã ăn sâu bén rễ và do đó hùng mạnh hơn nhiều, không còn cần thiết nữa.
Bởi vì những nỗ lực đảo chánh thường yếu nhất vào những giờ và những ngày đầu tiên, cho nên khẩn thiết là những người phòng vệ chống đảo chánh phải có hành động tức tốc và quyết liệt chống lại những người tấn công. Công việc phòng vệ phải sâu và rộng đủ trong xã hội mới tạo nên được sự phủ nhận quyết liệt đối với những người làm đảo chánh. Những lời kêu gọi “đoàn kết quốc gia” của những kẻ tấn công – có nghĩa là ủng hộ họ — và để cho họ có đủ thì giờ để chứng minh thiện chí của họ, cần phải được bác bỏ.
Chặn đứng sự kiểm soát của những kẻ làm đảo chánh
Các chính trị gia, công chức, và các chánh án, bằng cách tảng lờ hoặc thách thức những mệnh lệnh bất hợp pháp của những kẻ tấn công, thường giữ được bộ máy sinh hoạt bình thường của nhà nước và các toà án khỏi sự kiểm soát của những người làm đảo chánh – như đã xảy ra trong cuộc đối kháng của người Đức chống lại vụ đảo chánh Kapp năm 1920.
Cơ quan lập pháp cũng không tiếp đón những người làm đảo chánh cũng như không tuân thủ bất cứ luật lệ hay yêu cầu nào của họ. Ngược lại, lập pháp vẫn nhóm họp và sinh hoạt đúng theo hiến pháp đã được thiết lập, trừ phi hoặc cho đến khi các thành viên thực sự bị các lực lượng của phe đảo chánh lôi kéo đi. Hoặc là, cơ quan lập pháp có thể phân tán sau khi tung ra lời kêu gọi dân chúng và chính quyền đối kháng chống lại cuộc đảo chánh. Các thành viên của cơ quan lập pháp lúc bấy giờ có thể gia nhập cùng với dân chúng trong những lãnh vực khác của cuộc đấu tranh phòng vệ.
Ngân khố của chính phủ cũng như các ngân hàng tư nhân sẽ không cung cấp tiền bạc hoặc tín dụng cho những người làm đảo chánh. Năm 1920, chẳng hạn, Ngân Hàng Trung Ương [Reichsbank] của Đức đã từ chối giao tiền cho những người làm đảo chánh, tuyên bố rằng, tên của TS. Kapp, một người lãnh đạo chính yếu của cuộc đảo chánh, không có trong danh sách những người có chữ kí được chấp thuận rút quỹ của nhà nước.
Tư pháp tuyên bố là những người làm đảo chánh và những người ủng hộ họ là một bộ phận bất hợp pháp và vi hiến. Toà án vẫn tiếp tục sinh hoạt trên căn bản các luật lệ và hiến pháp như trước khi bị xâm chiếm. Toà án sẽ không hỗ trợ những người làm đảo chánh về tinh thần, về pháp lí, và về đàn áp, ngay cả nếu họ cần phải đóng cửa toà án. Trật tự lúc bấy giờ sẽ được duy trì bằng những áp lực xã hội, bằng sự đoàn kết, và bằng các chế tài bất bạo động; người ta có thể sử dụng những toà án chui hay những người phân xử độc lập. Giới quan chức và công chức chính quyền cần phải đối đầu với những người làm đảo chánh bằng một sự khước từ toàn diện trong việc thi hành các chỉ thị của họ, như đã từng xảy ra trong cuộc đối kháng chống lại đảo chánh Kapp. Hay là, các quan chức và công chức chỉ cần tiếp tục những chính sách cũ, tảng lờ các mệnh lệnh của những người làm đảo chánh, và phá hoại việc thực thi các chánh sách mới.
Cảnh sát có thể hữu hiệu nhất khi họ thẳng thừng thách thức những người làm đảo chánh, khước từ những chỉ thị bất hợp pháp trong lúc vẫn cứ tiếp tục những phần vụ thông thường của họ. Khi bị ép buộc thái quá, thì họ có thể giả vờ theo lệnh của những người làm đảo chánh nhưng không bao giờ thi hành lệnh bằng cách tránh né hoặc cố ý vô hiệu năng.
Các nhà báo, nhà in, vừa từ chối nộp bản kiểm duyệt cho những người làm đảo chánh vừa phát hành những báo chí, các tờ thông tin, và những tài liệu in ấn khác đã bị cấm bằng những ấn bản lớn hoặc nhiều ấn bản nhỏ. Những chuyên viên phát sóng và các chuyên viên kĩ thuật phát thanh những chương trình đối kháng từ những máy phát sóng được giấu kín hoặc từ những lãnh địa không kiểm soát được hay ngay cả tại hải ngoại. Ví dụ, Tổng Thống de Gaulle và Thủ Tướng Debré đã phát thanh những lời kêu gọi từ Paris nhắm vào những người lính quân dịch và các sĩ quan trong quân đội Pháp liên hệ đến cuộc đảo chánh tại Algérie, kêu gọi họ bất tuân lệnh của những sĩ quan phản loạn.
Đồng thời, cần phải có những nỗ lực thuyết phục những người hiện đang tham gia vào cuộc đảo chánh, và nhất là những người ở cấp bậc thấp trong quân đội hay những tổ chức khác bị chỉ thị phải tuân theo mệnh lệnh phải ủng hộ đảo chánh, là thay vì tuân phục, họ nên từ chối tuân theo lệnh thực thi những hành động bất hợp pháp. Ở nơi nào mà có nhiều nguy hiểm cho những người như thế thì họ có thể thực thi đủ loại hành động tránh né hay là biến mất vào trong đại thể quần chúng thay vì ủng hộ sự tiếm quyền phản lại hiến pháp.
Trong một vài trường hợp trong quá khứ, những người đối kháng lại sự áp bức của chính quyền đã từng năng động cố gắng làm thân với binh lính dưới sự chỉ huy thù nghịch để khuyến dụ họ mềm mỏng trong lúc đàn áp hay ngay cả tham gia vào cuộc đối kháng dân chủ. Đôi khi những nỗ lực như thế đã thành công. Những người đối kháng cần biết đến những giải pháp như thế và sẵn sàng để áp dụng những giải pháp đó.
Tác dụng dồn dập của bất hợp tác có tính cơ chế như thế là để ngăn chặn những người lãnh đạo đảo chánh khỏi kiểm soát cả chính quyền lẫn xã hội. Bằng cách chặn đứng sự kiểm soát như thế, những người phòng vệ duy trì được và ngay cả gia tăng khả năng tiếp tục cuộc đối kháng dài hạn, nếu cần phải có khả năng nầy trong trường hợp cuộc đảo chánh không tan rã nhanh chóng.
Thách thức đàn áp và hăm doạ
Những người làm đảo chánh gặp phải sự phòng vệ chống đảo chánh mạnh mẽ và được chuẩn bị cẩn thận sẽ có khuynh hướng thấy bị đe doạ nặng nề, và do đó có thể phản ứng bằng đàn áp. Điều này hẳn sẽ gây khó khăn cho những người phòng vệ và toàn thể dân chúng. Bắt bớ, tù đày, đánh đập, trại tập trung, bắn, giết, chẳng hạn, có thể gây tổn thất nặng nề cho những người phòng vệ. Tuy nhiên, tự chúng, những biện pháp đàn áp không có tính quyết định trừ phi chúng tạo nên sự sợ hãi và khuất phục nơi những người phòng vệ. Thực ra thì sự đàn áp của đối phương là bằng chứng của sức mạnh đấu tranh bất bạo động, và không có lí do gì để thất vọng hơn là trường hợp, như trong một cuộc chiến bình thường, địch bắn lại, gây thương tích và giết binh sĩ của mình.
Để chống lại sự phòng vệ chống đảo chánh, đàn áp có thể được sử dụng để nghiền nát đối kháng và cũng để gieo sợ hãi. Người Trung Hoa có câu nói là: “Giết gà để nhát khỉ.” Tuy nhiên, như đã từng xảy ra trong nhiều cuộc đấu tranh, nếu những người đối kháng và dân chúng khước từ bị hăm doạ đến mức phải chịu khuất phục và thụ động, thì đàn áp có thể thất bại.
Thường thì thách thức bất bạo động đem lại tổn thất nghiêm trọng, nhưng có vẻ gây nên tổn thất ít hơn rất nhiều so với khi cả hai bên đều sử dụng bạo lực. Đồng thời, kiên quyết trong đấu tranh bất bạo động đóng góp vào việc gia tăng cơ hội thành công rất nhiều hơn là nếu những người phòng vệ chọn dùng bạo lực để đánh lại một đối thủ đã được chuẩn bị về quân sự.
Những người làm đảo chánh có thể tỏ ra hết sức tàn ác, như là giết vị nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính trị cao cấp khác. Sự bạo tàn này không những chỉ được thực hiện để làm cho dân chúng sợ hãi đến phải chấp nhận cuộc đảo chánh. Những sự giết chóc này còn tạo ra những lỗ hổng rõ ràng trong cấp lãnh đạo của chính quyền mà chính những người làm đảo chánh nhắm sẽ điền thế. Do đó, một phần quan trọng trong những chuẩn bị chống đảo chánh là quyết định rõ ràng ai sẽ là những người kế tiếp trong những vị thế chính trị, tối thiểu là cho một vài người điền thế.
__________________________________________________
CƯỚC CHÚ
1Tác giả đã quá cố Lars Porsholt đã làm sáng tỏ điểm này. Xem Lars Porsholt, “On the Conduct of Civilian Defence” [“Về Cách Điều Hành Phòng Vệ Dân Sự”] trong T.K. Madhavan, Adams Roberts, và Gene Sharp, Civilian Defence: An Introduction [Phòng Vệ Dân Sự: Dẫn Nhập] (new Delhi: Gandhi Peace Foundation, and Bombay: Bharatiya Vidya Bhavan, 1967), tt.145-149.
2Để có một cuộc thảo luận có giá trị về những nguyên tắc chiến lược trong đấu tranh bất bạo động một cách tổng quát, y/c xem Peter Ackerman và Christopher Kruegler, Đấu Tranh Bất Bạo Động Chiến Lược: Những Động Năng Của Sức Mạnh Nhân Dân trong Thế Kỉ Thứ Hai Mươi(Westport, Connecticut and London: Praeger,1994). Xem thêm Gene Sharp, Tiến Hành Đấu Tranh Bất Bạo Động: Thực Hành của Thế Kỉ thứ Hai Mươi và Tiềm Năng của Thế Kỉ thứ Hai Mươi Mốt. Sắp xuất bản.
Để có thảo luận chi tiết về chiến lược phòng vệ dựa trên căn bản dân sự, Xem Gene Sharp, Phòng Vệ Dựa Trên Căn Bản Dân Sự: Hệ Thống Vũ Khí Hậu Quân Sự (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1990), tt.89-111; Gene Sharp, Làm Cho Âu châu Không Thể Bị Chinh Phục Được: Tiềm Năng Cản Trở và Phòng Vệ Dựa trên Căn Bản Dân Sự (Cambridge, Mass.: Ballinger Books, 1986, tt.88-118, (London: Taylor & Francis, 1985), tt.113-151; và Adam Roberts, btv, Đối Kháng Dân Sự Như là Quốc Phòng (London: Faber & Faber, 1987); Ấn bản Hoa Kì, Đối Kháng Dân Sự như là Quốc Phòng (Harrisburg, Pa.: Stackpole Books, 1968), tt. 215-251. Các nguồn khác được trích dẫn trong Sharp, Làm Cho Âu châu Không Thể Bị Chinh Phục Được (Ballinger edition), tt. 160-161.
0 Comments