Khởi đầu cho một cuộc đấu tranh dài hạn chống lại một nền độc tài hay một áp bức nào khác, cần phải thực hiện những hành động tiên khởi nhỏ hẹp nhằm đạt những mục tiêu có giới hạn. Những hành động này nên là những hành động đòi hỏi ít mạo hiểm và có thể tiến hành trong những thời hạn ngắn. Những hành động này có thể lôi kéo được sự chú ý và phát động được cuộc đấu tranh, mà nhiều khi không đưa những người tham gia vào vòng nguy hiểm trầm trọng. Những hành động nhỏ hẹp này có thể không những gây thắng lợi về những vấn đề nêu lên mà còn đóng góp vào việc làm chuyển đổi có giới hạn về các tương quan lực lượng.
Sau này, khi cuộc xung đột mở rộng, thì cả kích thước của các hoạt động lẫn những mục tiêu rõ rệt của các chiến dịch có thể được bành trướng. Những phản công của chế độ, nhất là đàn áp, có thể trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này đặc biệt là trường hợp sẽ xảy ra khi mà sự đối kháng áp đặt lên chế độ áp bức những hao tổn càng lúc càng trầm trọng.
Chiến lược vạch ra cần phải đánh sập được, trực tiếp hoặc gián tiếp, những cột trụ chống đỡ của chế độ đàn áp, như đã thảo luận trước đây. Sự đánh sập này có thể là làm teo lại hay cắt đứt việc cung cấp những nguồn sức mạnh cần thiết. Điều này đã xảy ra tại Serbia trong cuộc đấu tranh chống lại độc tài Milosevic: trước tiên là làm mất đi tính hợp pháp, rồi dân chúng đi từ thụ động đến bất hợp tác và thách thức, và sau cùng là các lực lượng đàn áp của chế độ trở nên không còn đáng tin cậy được nữa. Khi mà các nguồn sức mạnh của các nền độc tài bị cắt đứt thì chế độ phải đối diện với sụp đổ.
Điều này có xảy ra hay không phần lớn tuỳ thuộc vào việc chiến lược vạch ra có được khôn ngoan hay không và vào việc chiến lược này có được áp dụng một cách tài tình hay không.
Những bước tiến đến việc có thể xảy ra được
Bất luận những khó khăn, những hành động này nằm trong khả năng của những người gọi được là bình thường. Họ có khả năng học hỏi, suy tư, làm việc cần mẫn, và xây dựng những căn cứ lực lượng của họ, và chuẩn bị giỏi giang. Các kế hoạch gia cần tính toán điều họ cần làm để đạt những mục đích của những người này. Tiếp đến là đòi hỏi cần phải có những hành động can đảm. Những người đối kháng sẽ cần phải tiến hành một cách có hệ thống, từng bước một, đến mục đích của mình. Nếu tất cả những điều này được thực hiện một cách khôn ngoan và khéo léo thì kinh nghiệm có thể khẳng định là người dân bị áp bức có thể trở nên tin tưởng hơn vào những khả năng tự giải phóng của họ.
Cứu cánh ở đây cho đến bây giờ là tìm hiểu làm sao người ta có thể vượt quá kinh nghiệm của quá khứ, mà không lệ thuộc vào những vị cứu tinh chính trị có thể không bao giờ đến, hoặc không phải bao giờ cũng khôn ngoan.
- Làm sao người ta vừa tăng được xác suất thành công lâu dài chống lại ngay cả những những chế độ tàn bạo nhất, vừa đồng thời giảm thiểu được tổn thất?
- Làm thế nào để người ta tự giải phóng và phát huy khả năng ngăn chặn sự trở lại của bất cứ hệ thống áp bức nào đồng thời tiến hành xây dựng được một xã hội tự do, dân chủ, và công bằng hơn?
Những khuyến cáo về việc lập kế hoạch chiến lược trong tài liệu này được trình bày là để làm cho cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm đánh sập một hệ thống áp bức có hiệu quả hơn là các nỗ lực ứng biến trong quá khứ.
Ngăn chặn một nền độc tài mới
Nếu mục đích của cuộc đấu tranh của những người đối kháng là thay thế một hệ thống áp bức bằng một hệ thống dân chủ, tự do, và công bằng hơn thì cũng cần phải tính toán làm thế nào để ngăn chặn sự thành công tiên khởi này khỏi bị một cuộc đảo chánh đánh cắp đi. Đảo chánh có thể xảy ra trong lúc cuộc đấu tranh đang diễn tiến hay ở đoạn cuối của cuộc xung đột.
Khi nền độc tài hay sự áp bức bị suy yếu trầm trọng, hay chế độ có những dấu hiệu do dự, hoặc làm những lỗi lầm trong những nỗ lực nhằm chấm dứt phong trào ủng hộ dân chủ thì đảo chánh lúc đó có thể được phát động. Đôi khi đảo chánh có thể được khởi sự bởi những phần tử ngay trong lòng chế độ, như đã xảy ra tại Ba Lan bởi Tướng Wojciech Jaruzelski vào tháng 12 năm 1981. Giữa lúc cuộc đấu tranh bất bạo động vĩ đại của công đoàn Đoàn Kết đang diễn tiến thì rõ ràng là ngay cả Đảng Cộng Sản cũng không còn đáng tin cậy được nữa và đang trên bờ sụp đổ.
Một cuộc đảo chánh cũng có thể được thực hiện với ý đồ nghiền nát phong trào đấu tranh bất bạo động một cách tàn nhẫn và bảo toàn nền độc tài hoặc áp bức. Điều này được thực hiện tại Miến Điện vào tháng Chín năm 1988, sau khi cuộc đấu tranh bất bạo động đã hạ bệ ba chính phủ do quân đội quản lí, và trong lúc những nhà lãnh đạo dân chủ không thể thoả thuận được ai là người trong số những nhà lãnh đạo này sẽ lãnh đạo chính quyền dân chủ mới.
Một chuyện có thể xảy ra khác là tiếp theo sự thành công lật đổ một nền độc tài, một nhóm biệt lập nào đó với những ý đồ và mục đích riêng tư có thể trong thời gian bất ổn chính trị cố giành lấy quyền quản lí bộ máy Nhà Nước cho những mục đích riêng tư của họ. Họ có thể nhắm làm những ông chủ mới. Đây là điều mà cánh Bolsheviks làm ở tại Nga năm 1917, tiếp theo sau sự thành công chủ yếu bất bạo động của Cách Mạng Tháng Hai chấm dứt hệ thống Nga hoàng.
Những người lập kế hoạch chiến lược cho một cuộc đấu tranh bất bạo động để có thay đổi dân chủ cần phải đưa vào những điều khoản nhằm làm thế nào để ngăn chặn và đánh bại một cuộc đảo chánh bất luận những mục tiêu do nhóm đảo chánh xác định là gì.
Phân tích và chương trình ngăn chặn và đánh bại đảo chánh có thể tìm thấy trong trong Gene Sharp và Bruce Jenkins, “The Anti-Coup,” [Chống Đảo Chánh]. Trong tài liệu này là Bài 063, 064, và 065.
Giải Phóng, chứ không phải là sự hoàn hảo
Thành công lật đổ một nền độc tài, hay áp bức, sẽ không tức khắc tạo ra một hệ thống gần như hoàn hảo được. Tuy nhiên, nó sẽ là một tiến bộ lớn đối với quá khứ, và trật tự cũ phần lớn sẽ không còn nữa. Trật tự chính trị mới sẽ là một trật tự có thể cho phép những tiến bộ cấp tiến phát triển và thành công, theo như những nhu cầu của xã hội và những quyết định phổ biến đòi hỏi. Con đường phải được rộng mở cho việc xây dựng một hệ thống bền vững, tự do, dân chủ và được nhiều người tham gia.
Đòi hỏi cần phải có thêm nhiều nỗ lực xây dựng dựa trên nền tảng của cơ hội này để tiếp tục thực hiện những tiến bộ trong xã hội*. Những nỗ lực này có thể bao gồm:
- Chuẩn bị ngăn cản và đánh bại những mưu toan mới nhằm phá hoại công trình tăng sức mạnh chính trị dân chủ, xã hội, và kinh tế, và nhằm áp đặt áp bức mới.
- Làm hồi sinh và tăng sức mạnh cho những tổ chức dân sự hiện hữu.
- Xây dựng những tổ chức mới, công minh hơn và tăng cường khả năng của các tổ chức dân sự một cách tổng quát để đáp ứng những nhu cầu của xã hội bên ngoài cơ cấu Nhà Nước.
Tất cả những nỗ lực phụ thêm này, tiếp theo sau một cuộc giải phóng tiên khởi quan trọng, sẽ rất ít khó khăn hơn là dưới chế độ cũ.
Dân chúng cũng sẽ có kinh nghiệm trong việc xúc tiến đấu tranh bất bạo động hơn trước. Hơn nữa, dân chúng cũng đã phải tăng sức mạnh cho những tổ chức dân chủ xã hội, kinh tế, và chính trị qua đó họ có thể hành động nhằm giải quyết những vấn đề còn lại, và còn phải thành công trong việc đối đầu với những thử thách mới nữa.
Những công việc, được trình bày trong tài liệu này, cho những người hay những nhóm người muốn lập một kế hoạch chiến lược giải phóng những người đang sống dưới một nền độc tài hay một áp bức nào khác, thật là lớn lao. Một vài người sẽ chán nản và nghi ngờ khả năng của họ trong việc thực hiện những công việc này và trong việc thực sự soạn thảo một đại chiến lược để tự giải phóng.
Tuy nhiên, với kiến thức và hiểu biết đã được khai mở, và với những cố gắng từng bước một, thì nỗ lực trước đây không thể thực hiện được bây giờ được nhận dạng là một chuỗi công việc có thể hoàn thành được.
Mục đích toàn bộ làm cho nỗ lực này xứng đáng công lao.
Qua những phân tích có cơ sở và lập kế hoạch thận trọng, hành động có kỉ luật và can đảm, thì những người đối kháng có thể tiến từ một hệ thống áp bức đến một xã hội tiến bộ được xây dựng trên nền tảng trách nhiệm và tự do.
__________________________________
CƯỚC CHÚ
*Để thảo luận về cách làm thế nào việc sử dụng hành động bất bạo động đóng góp được vào việc phân phối sức mạnh hữu hiệu trong xã hội, mời xem Gene Sharp, Social Power and Political Freedom, [Sức Mạnh Xã Hội và Tự Do Chính Trị] tt, 309-378.
THÀNH CÔNG
- Thành công là một ông giáo tồi. Nó khuyến dụ những người tài giỏi nghĩ là mình không thể thất bại được. Bill Gates: “Success is a lousy teacher. It seduces smart people into thinking they can’t lose.”
- Thành công bao gồm việc đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi sự hứng khởi. Winston Churchill: “Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.”
- Dù cho cuộc đời có thể tỏ ra là khó khăn như thế nào đi nữa, nhưng luôn luôn có một điều gì mà các bạn có thể làm được và thành công về điều này. Stephen Hawking: “However difficult life may seem, there is always something you can do and succeed at.”
- Thành công là một khoa học; nếu bạn hội đủ điều kiện thì bạn sẽ gặt hái được kết quả. Oscar Wilde: “Success is a science; if you have the conditions, you get the result.”
Tất cả những trích đoạn — mà GSTS Gene Sharp khuyến cáo cần nên đọc theo một trình tự nhất định để độc giả có thể thủ đắc được những kiến thức cũng như những kĩ năng cần thiết để thông hiểu, tham dự, và tổ chức Đấu Tranh bất Bạo Động cho có hiệu quả — đã được đưa vào trong 66 tài liệu này, theo đúng trình tự đề nghị.
0 Comments