Nhu cầu cần có hành vi bất bạo động
Yêu cầu đòi hỏi những người tình nguyện phải duy trì kỉ luật bất bạo động được bắt rễ từ động năng của kĩ thuật đấu tranh bất bạo động. Kỉ luật bất bạo động không phải là một trọng điểm xa lạ do những nhà luân lí hay những người theo chủ nghĩa hoà bình đề bạt. Hành vi bất bạo động là một yêu cầu đòi hỏi cần phải có để công việc điều hành kĩ thuật này được thành công.
Hành vi bất bạo động có khuynh hướng đóng góp vào việc tranh thủ được nhiều thành tích tích cực khác nhau, bao gồm (1) giành được thiện cảm và hỗ trợ, (2) giảm bớt tổn thất, (3) tạo bất mãn và ngay cả nổi loạn trong quân lính của đối phương, và (4) lôi cuốn tham gia tối đa vào công cuộc đấu tranh bất bạo động.
Bạo động làm suy yếu phong trào bằng cách nào
Bạo lực do một số người đối kháng đưa vào sẽ làm suy yếu phong trào đấu tranh bất bạo động bằng cách làm mất sự liên tục của kỉ luật bất bạo động, có thể gây nên một sự chuyển hướng là những người đối kháng sẽ dùng bạo lực. Việc này có thể dẫn đến sự sụp đổ của phong trào. Đối kháng bạo động sẽ chuyển hướng sự chú ý ngay vào chính sự bạo động, xa ra khỏi những vấn đề tranh chấp được nêu ra, xa khỏi sự can đảm của những người đối kháng và xa khỏi bạo lực thường mạnh hơn rất nhiều của đối phương. Việc sử dụng bạo lực bởi những người đối kháng hay bởi các thành viên của nhóm khiếu nại rộng lớn hơn sẽ có khuynh hướng làm sổ lồng một cuộc đàn áp gắt gao không cân xứng và lật ngược bất cứ thiện cảm nào đã được nẩy nở trong hàng ngũ của đối phương đối với những người đối kháng. Thành công trong đấu tranh bất bạo động đòi hỏi chỉ sử dụng “vũ khí” bất bạo động mà thôi.
Phá hoại và đấu tranh bất bạo động
Phá hoại — được định nghĩa cho cuộc thảo luận này là “những hành động phá huỷ hay đập phá tài sản” –Không phù hợp với đấu tranh bất bạo động. Phá hoại
- Đem lại rủi ro về thương tích hay chết chóc ngoài ý muốn cho những người phục vụ đối phương hay người bàng quang vô tội;
- Đòi hỏi sự sẵn lòng dùng vũ lực đối với những người khám phá ra những kế hoạch và sẵn sàng hay có thể tiết lộ hoặc ngăn chặn những kế hoạch đó;
- Đòi hỏi bí mật trong việc lập kế hoạch và thực hiện công tác;
- Đòi hỏi chỉ một số ít người để thực hiện kế hoạch và do đó giảm thiểu số người đối kháng hữu hiệu;
- Chứng tỏ thiếu lòng tin vào tiềm năng của đấu tranh bất bạo động, do đó có khả năng làm suy yếu sự kiên định của những người đối kháng trong việc sử dụng kĩ thuật này;
- Là một hành động về thân xác và vật thể, chứ không phải là một hành động về con người và xã hội, chỉ dấu một chuyển đổi quan điểm cơ bản về phương cách làm thế nào để tiến hành cuộc đấu tranh;
- Cố đánh ngã đối phương bằng cách phá huỷ tài sản của họ, chứ không phải bằng cách dân chúng rút lui sự thoả thuận, do đó có khả năng làm suy yếu một phương thức căn bản của đấu tranh bất bạo động;
- Tạo ra một khung cảnh mà hậu quả về thương tích thể xác hoặc chết chóc thường đưa đến sự mất thiện cảm và hỗ trợ tương đối cho nhóm đấu tranh bất bạo động và phong trào của những người đối kháng nói chung; và
- Thường đem lại kết quả đàn áp hết sức bất cân xứng. Sự đàn áp này, được khích động bởi phá hoại, thường sẽ không làm suy yếu vị thế quyền lực tương đối của đối phương và cũng không đem lại sự hỗ trợ cho những người đối kháng.
Những cách rơi vào bạo động khác
Một trong những cách mà cuộc đấu tranh bất bạo động có thể bị rơi vào bạo động là khi những người đối kháng chuẩn bị sử dụng bạo lực cho một hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai. Những chuẩn bị như thế tạo nên một cám dỗ mãnh liệt cho những người đối kháng hoặc cho những thành viên của nhóm khiếu nại sử dụng bạo lực, nhất là trong một cơn khủng hoảng khi mà bạo lực có giới hạn đối với đối phương đã có xảy ra rồi.
Sự cần thiết của kỉ luật
Kỉ luật là thiết yếu, nhất là khi có nguy cơ bạo động bùng nổ và khi những người tham gia thiếu kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về kĩ thuật bất bạo động.
Trong kỉ luật này, những người đối kháng phải tuân theo một số tiêu chuẩn tối thiểu cho hành động, tuỳ theo từng hoàn cảnh. Không có kỉ luật sẽ cản trở hoặc chặn đứng việc sử dụng hữu hiệu kĩ thuật này.
Tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh và từ chối khuất phục vì sợ hãi là những mục đích hết sức thiết yếu của kỉ luật, tiếp theo ngay đó là phải nhất quán trong hành vi bất bạo động. Kỉ luật còn bao gồm tuân theo các kế hoạch và chỉ thị. Kỉ luật sẽ giúp người ta trong việc đối diện với đàn áp gắt gao và sẽ giảm thiểu tối đa tác dụng của đàn áp. Kỉ luật cũng phát huy sự kính trọng của những thành phần thứ ba, của dân chúng nói chung, và ngay cả của đối phương đối với phong trào.
Cổ vũ kỉ luật bất bạo động
Đấu tranh bất bạo động hầu như luôn luôn xảy ra trong một hoàn cảnh xung khắc và căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn có thể ngăn chặn bạo động và duy trì kỉ luật. Sự căng thẳng và gây gổ có thể được giải toả bằng những phương cách có kỉ luật và bất bạo động.
Trong một vài trường hợp, những người tham gia đấu tranh bất bạo động, vì trực giác, hay vì cùng nhau đồng ý, có thể tuân theo kỉ luật bất bạo động mà không cần những nỗ lực chính thức cổ vũ kỉ luật này. Tuy nhiên trong những hoàn cảnh nguy hiểm hoặc mạo hiểm, thì cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để xúc tiến kỉ luật bất bạo động. Nếu phải đối đầu trực tiếp với một cuộc tấn công vũ lực, thì đòi hỏi phải vừa có kỉ luật vừa có hành vi bất bạo động. Các phương tiện khuyến khích kỉ luật sẽ chỉ hữu hiệu nếu các phương tiện này tăng cường được ý chí hay lương tâm của những cá nhân đối kháng. Những hướng dẫn, những lời kêu gọi, và thệ nguyện, cũng như các truyền đơn về kỉ luật, các trật tự viên, và các phương tiện khác, có thể được sử dụng để khuyến khích kỉ luật.
Trong những hoàn cảnh bạo động, những người lãnh đạo phong trào đối kháng đôi khi đã phải hoãn lại hoặc bãi bỏ chiến dịch bất bạo động; lúc khác thì lại phải tung ra đấu tranh bất bạo động mãnh liệt hơn để cung cấp những phương thức bất bạo động biểu lộ sự thù nghịch và bực bội. Đối diện với một cuộc tấn công thù nghịch, thì đòi hỏi cần phải có kỉ luật mạnh để ngăn ngừa một phản ứng bạo động hay một sự thất bại trong hỗn loạn. Nếu những người lãnh đạo không muốn có xung đột thể xác, thì tốt hơn là nên dời nhóm bất bạo động đi nơi khác, giải tán, hay là chuyển qua những phương pháp hành động đơn giản hơn, ít khiêu khích hơn. Đôi khi, một vài hình thái của hành động bất bạo động, như là một cuộc biểu tình hoàn toàn công khai chẳng hạn có thể là một cơ hội để trút bỏ bực bội nhưng lại tránh được bạo động.
Tinh thần cao quan trọng cho việc đạt được và bảo toàn kỉ luật bất bạo động. Tinh thần của những người đối kháng thường sẽ lên cao nếu họ cảm thấy là một nguồn sức mạnh nào đó, mà đối phương không có, đang hỗ trợ họ. Những nguồn sức mạnh có thể có này bao gồm kĩ thuật hành động đã lựa chọn, lẽ công chính của lí tưởng đấu tranh, lí tất thắng, hay là sự hỗ trợ của những bạn bè có quyền lực. Nhưng thường vẫn cần có thêm những phương tiện khác để bảo đảm có được kỉ luật bất bạo động. Những người đối kháng và đại thể nhóm khiếu nại cần phải hiểu tại sao chiến dịch cần phải được giữ tuyệt đối bất bạo động.
Lãnh đạo khôn ngoan và những chiến lược, chiến thuật, và những phương pháp cụ thể được chọn lựa kĩ lưỡng, được ứng dụng qua những kế hoạch được thiết lập một cách thông minh, sẽ đóng góp rất nhiều vào công việc đạt được và duy trì kỉ luật bất bạo động. Một yếu tố đóng góp khác là việc huấn luyện cả những người tham gia nói chung lẫn các nhân viên đặc biệt. Điều này đôi khi đã được thực hiện qua các nhóm học tập, học hội, hội thảo, đóng các vai trong một kịch bản xã hội (sociodramas) để tìm hiểu các vấn đề và những phương tiện khác. Các bài thuyết trình, những thông điệp, và những lời kêu gọi tại chỗ thường cũng được sử dụng để ngăn cản bạo động và cổ vũ kỉ luật.
Tổ chức và thông tin hữu hiệu trong nhóm bất bạo động cũng sẽ đóng góp vào kỉ luật bất bạo động. Các đường giây chỉ huy và thông tin rõ ràng có thể đưa ra những huấn thị chung lẫn những huấn thị đặc biệt về hành vi. Ví dụ, “các Trật Tự Viên” có thể được sử dụng để giúp giữ cho cuộc biểu tình khỏi bạo động và có kỉ luật. Những lời thề giữ kỉ luật bất bạo động cũng đã từng được sử dụng.
Dù những người lãnh đạo có sẽ bị bắt hay không, thì những người khác có khả năng nhận lãnh vai trò lãnh đạo và duy trì kỉ luật cần phải được tuyển chọn trước. Nếu những người lãnh đạo nổi tiếng bị bắt, thì lối dàn xếp này có thể đưa đến sự phân phối rộng rãi về lãnh đạo. Trong những trường hợp những lực lượng của cuộc đấu tranh bất bạo động cực kì lớn nhằm giành độc lập hay triệt hạ một nền độc tài, thì các hoạt động và các tổ chức đối kháng có thể phát triển lớn mạnh đến độ mang những dấu ấn của một chính quyền song hành. Điều này sẽ giúp duy trì kỉ luật bất bạo động. Nếu bạo động có chiều hướng có thể xảy ra, thì có thể cần phải có can thiệp bất bạo động năng động để ngăn chặn bạo động.
Tính vô hiệu năng của đàn áp
Nếu những người đối kháng không sợ hãi, có kỉ luật, và kiên quyết, thì nỗ lực của đối phương nhằm ép họ phải chịu khuất phục sẽ có chiều hướng bị đánh bại.
Việc bắt bớ những nhà lãnh đạo và cấm các tổ chức của họ không đủ để dứt điểm phong trào đối kháng và chỉ có thể bóp nghẹt được phong trào khi phong trào yếu và khi người ta sợ hãi mà thôi. Đàn áp như thế sẽ có khuynh hướng thất bại trong việc đập nát một phong trào có những điều kiện như sau:
- Đã từng thực hiện một chương trình giáo dục cấp tốc, đầy đủ và phổ quát về đấu tranh bất bạo động.
- Có nhiều kinh nghiệm sử dụng kĩ thuật này.
- Đã có lớp huấn luyện cao cấp và đã phân phát rộng rãi một tập sách chỉ dẫn làm thế nào để đối kháng bất bạo động.
- Nhiều lớp lãnh đạo kế tiếp nhau đã được chọn sẵn trước
- Những người lãnh đạo đầu tiên làm gương về hành động không sợ hãi, thách thức bắt bớ và những hình thức đàn áp khác.
Kết quả của những chuẩn bị cao cấp như thế có thể là sự phân tán lãnh đạo, gia tăng tự tin ở những người kháng chiến, và tuân phục kỉ luật bất bạo động.
Ngay cả những biện pháp đàn áp cũng có thể trở thành những điểm đối kháng, không cần phải tăng thêm những yêu sách nguyên thuỷ của nhóm đối kháng. Có nhiều biện pháp đàn áp có thể được sử dụng như là những điểm mới cho việc thực tập bất tuân dân sự hay bất hợp tác chính trị để tiếp tục công cuộc đấu tranh tranh thủ các mục đích nguyên thuỷ của nhóm.
Trong hoàn cảnh này, ngay cả việc gia tăng đàn áp cũng có thể thất bại, và ngược lại có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn của đối phương và xói mòn thêm quyền lực của chính họ. Nếu những phương pháp bất hợp tác được sử dụng thích hợp cho cuộc đấu tranh, và được áp dụng một cách phổ quát, mạnh mẽ, và kiên quyết, thì sự kiểm soát của đối phương đối với hoàn cảnh – và ngay cả khả năng duy trì vị thế của họ — có thể bị làm suy yếu đi một cách trầm trọng. Thay vì đàn áp giúp đối phương phục hồi kiểm soát thì ngược lại đàn áp có thể ngay cả khích động thêm lực của nhu thuật chính trị chống lại chính đối phương.
Những đối phương thích chọn bạo lực hơn
Đối phương có thể tìm cách giảm bớt những khó khăn đặc biệt trong việc đàn áp một phong trào đối kháng bất bạo động bằng cách vu khống những người đối kháng bất bạo động sử dụng bạo lực hay là quảng bá hoặc thổi phồng bất cứ một vụ bạo động nào xảy ra. Đối phương cũng có thể ngay cả cố khích động bạo lực và bẻ gãy kỉ luật bất bạo động của những người đối kháng. Đối kháng bạo động thường được xem như là “hợp pháp hoá” đàn áp bằng bạo lực. Đối phương có thể khích động bạo lực bằng cách đàn áp gắt gao, hay họ có thể dùng gián điệp hay chuyên viên khích động. Nếu bị phát lộ công khai, những thông tin về các hành động như thế có thể làm sụp đổ sự hỗ trợ thường có và vị thế quyền lực của đối phương một cách thảm hại. Đối kháng bất bạo động có kỉ luật sẽ giúp phát hiện những điệp viên như thế.
Những chất ô nhiễm đối với Đấu Tranh Bất Bạo động
Cũng giống như nước có thể làm ô nhiễm xăng trong xe hơi — những lượng nước nhỏ bé cũng có thể làm cho máy xe phát lửa sai và kêu khục khặc, nhiều nước hơn có thể làm máy ngưng chạy hoàn toàn – các phong trào bất bạo động cũng có thể có những chất gây ô nhiễm làm cho phong trào vô hiệu lực hay ngay cả phá tan phong trào. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét những chất gây ô nhiễm gây tệ hại nhất cho các tổ chức đeo đuổi đấu tranh bất bạo động.
Bạo Động Như Là Một Chất Ô Nhiễm
Bạo động của đối lập đối với chính quyền hay đối với những người hỗ trợ chính quyền, dù được phép hay không, là một chất ô nhiễm tệ hại cho sự thành công của cuộc đấu tranh bất bạo động. Chỉ một hành động bạo động duy nhất cũng có thể đem lại cho chính quyền lí do thuận tiện để trả thù tàn bạo bất cứ đối tượng hay những đối tượng nào trong phong trào đối lập mà chính quyền cố tình cho là đã trực tiếp hay gián tiếp có trách nhiệm. Bạo động từ phe đối lập còn có thể đưa đến hậu quả không dự tính là làm tiêu huỷ sự tin tưởng và tham gia của công chúng vào phong trào mà sự sống còn đã được đặt trên căn bản tranh thủ các mục tiêu bằng chiến lược và những chiến thuật bất bạo động.
Những thí dụ cực đoan về bạo động khiêu khích trả thù bằng vũ lực là những nhóm khủng bố Hamas của Palestine và Hồi giáo Jihad và những vụ liều chết cho bom nổ chống lại người dân Do Thái trong vụ người dân Palestine nổi dậy [Intifada] lần thứ hai chống việc người Do Thái chiếm đất. Bởi vì giới thẩm quyền Palestine không tích cực tách mình ra khỏi những hành động khủng bố này cho nên sự ủng hộ của người dân Do Thái cho một quốc gia Palestine qua thương thảo trở thành mây khói, và cộng đồng thế giới rút lui không tạo ảnh hưởng kiềm chế chính sách định cư của Do Thái và việc Do Thái chiếm West Bank bằng võ lực. Hơn nữa, bao giờ những thay đổi quan trọng về lãnh đạo của giới thẩm quyền Palestine chưa được thực thi, thì lãnh đạo hiện hành vẫn bị chối bỏ như là một thực tại cho những thương thảo trong tương lai nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Nếu mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố này là chấm dứt sự xâm chiếm của Do Thái, thì người ta phải đặt câu hỏi về sự khôn ngoan về việc đối đầu với người Do Thái ở điểm mà họ mạnh hơn cả — lực lượng quân sự.
Cũng như trong bất cứ cuộc đấu tranh chính trị nào, bao gồm cả những cuộc đấu tranh bạo động nhất, tầm quan trọng của sinh lực, sự hăng say, và lí tưởng của giới trẻ đóng góp vào sự thành công khó mà cho là được đánh giá quá cao được. Nhưng một trong những cái lợi nổi bật của chiến lược bất bạo động — một cái lợi luôn luôn không hưởng được khi sử dụng bạo động – là hàng ngũ dân chúng và lãnh đạo được lợi hết sức nhiều vì không có hạn chế về tuổi cũng như phái tính. Bạo động, trái lại, sẽ loại bỏ với lí do chính đáng những người không được khỏe mạnh dù họ là những người hỗ trợ có giá trị cho phong trào. Gia nhập phong trào bất bạo động cũng còn phù hợp với chủ thuyết hoà bình và niềm tin tôn giáo nữa. Những hành động bạo động có thể đưa đến kết quả làm mất sự hỗ trợ của những cá nhân hay những nhóm người có thể tăng cường uy thế đạo đức của phong trào dân chủ. Cộng đồng quốc tế khó mà biện minh sự hỗ trợ cho một lí tưởng đấu tranh của một phong trào, dù cho lí tưởng này có giá trị và chính đáng như thế nào đi nữa, mà qua chính hành động của phong trào, hay qua sự tuyên truyền khôn khéo hay những chuyên viên khiêu khích của đối phương, sự hỗ trợ đó có vẻ như là hỗ trợ những hành động bạo động chống lại chính quyền.
Biểu Hiện Không Thống Nhất Như là Chất Ô Nhiễm
Sức mạnh của “phong trào nhân dân” đòi hỏi sự tham gia sinh động của “người dân”. Và những người bị áp bức được lôi cuốn đến với những phong trào đòi thay đổi khi họ nhận thấy những phong trào này phản ánh những nguyện vọng của người dân và khi họ thấy lãnh đạo có khả năng hướng dẫn phong trào đến thành công. Không giống như những người cuồng tín cực đoan về tôn giáo sẵn lòng hy sinh tính mạng mà không cần có một hy vọng chiến thắng nào trên trần gian này, hầu hết mọi người đều có lí trí. Nếu biết một chiếc máy bay không có những trang cụ định hướng thì chúng ta sẽ không đi máy bay này. Những người có lí trí cũng sẽ không mạo hiểm mạng sống và sinh kế của họ tham gia một phong trào chính trị chống lại một bạo chúa nếu phong trào này thiếu một mục đích và một chiến lược rõ ràng để đạt được chiến thắng.
Không thống nhất giữa những thành viên của liên hiệp trong một phong trào dân chủ có thể đưa đến kết quả là mất tin cậy và tin tưởng vào khả năng phong trào đạt được những cải cách chính trị. Sự mất tin cậy này lại đóng góp vào việc phân hoá xã hội; và sự phân hoá này lại tạo ra một cảm giác bất lực và chủ bại. Những chế độ độc đoán gây phân hoá xã hội bằng cách thay thế hay xâm nhập các tổ chức hiện hữu bên ngoài vòng kiểm soát của chính quyền. Các tổ chức này thông thường thu hút nhiều thời gian và lòng trung thành của nhiều cá nhân, nhưng sự xâm nhập bởi nhân viên chính quyền vào những tổ chức này đã cản trở họ phát biểu ý kiến về điều kiện sinh sống của họ và về chính trị. Sự không thống nhất giữa những người lãnh đạo cản trở khả năng người dân thắng lướt những hậu quả của sợ hãi. Cuối cùng, có rất ít sự khác biệt giữa những người lãnh đạo của các nhóm đấu tranh cho dân chủ và những điệp viên khiêu khích của chính quyền gây nên tình trạng không thống nhất.
Một vài phong trào không bao giờ tồn tại lâu bền được, một phần là vì sự bất hoà giữa lãnh đạo làm cho hợp tác khó, nếu không phải là không thể, thực hiện được đối với những vấn đề thiết yếu. Một số phong trào khác, một khi đã mạnh, lại mất đi hiệu lực và sức quyến rũ vì dân chúng chứng kiến được hậu quả của những tranh giành nhau trong tổ chức. Những chỉ dấu thấy được của sự thiếu thống nhất là khi đòi hỏi cần phải có một hành động của tập thể quần chúng thì một vài nhóm từ chối hợp tác, hay là có những nhóm tỏ ra là không có khả năng đưa ra một chiến lược có phối hợp để hỗ trợ những yêu cầu thay đổi chính trị của công chúng.
Một trong những phương cách hữu hiệu để cổ vũ và duy trì thống nhất trong phong trào là giữ các mục tiêu của cuộc đấu tranh ở mức thực tối thiểu. Và cũng cần phải thật rõ ràng đối với mọi người là tranh thủ được những mục tiêu này sẽ có lợi cho tất cả mọi thành viên trong xã hội, gồm cả nhiều người hiện đang hỗ trợ đối phương.
Nhận Thức Về Việc Loại Trừ
Những chính sách và/hay những lời khẳng định mà có thể bị nhận thấy là giới hạn sự tham gia vào một cuộc đấu tranh chính trị có thể đưa đến thù nghịch hay vô cảm bởi những nhóm bị loại trừ. Có thể có những nỗ lực, chẳng hạn, của những người theo chủ thuyết hoà bình muốn giữ phong trào bất bạo động “thuần tuý và đạo đức” (không màng đến thực tế là đa số người ta không chia sẻ cùng một chủ nghĩa lí tưởng đó). Ở Venezuela phong trào bất bạo động chống lại chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez đã được chế độ và những người hỗ trợ chế độ khéo léo mô tả đặc tính của phong trào là đang được tiến hành theo đường hướng chủng tộc và kinh tế với người nghèo và người da màu ủng hộ Tổng thống, và những người giàu, giới trung lưu, và người da trắng ủng hộ phe đối lập. Những vấn đề tranh chấp thực sự như là thối nát, bất tài, và diễn biến từ từ đi đến độc tài đều được khuất lấp dưới chiêu bài chia rẽ chủng tộc và giai cấp.
Khuyến khích chính trị hoá cơ chế quân đội quốc gia là một điều sai lầm. Việc quân đội tránh liên hệ vào một cuộc đấu tranh chính trị quốc nội là đã khó rồi, nhất là khi lãnh đạo chính quyền được xem như là hợp pháp qua bầu cử, và lãnh đạo, nhân danh uy quyền hiến định, đưa lực lượng quân đội ra chống lại đối lập chính trị. Cần phải tiên liệu là khi mà phong trào trở nên mạnh hơn, thì ít nhất cũng cần phải cân nhắc việc chính quyền có thể đưa lực lượng quân đội ra chống lại phong trào đấu tranh bất bạo động. Do đó, phong trào đối kháng cần phải sớm khởi công những nỗ lực làm nản chí các lực lượng quân đội không để họ tham dự vào một cuộc chiến chống lại chính người dân của mình.
Một khi quân đội đã đứng về phe này hay phe kia, thì ngay cả dù có những lí tưởng đấu tranh dân chủ nhất, xác suất quân đội dấn thân vào một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại một đại bộ phận quần chúng sẽ gia tăng, và với sự gia tăng này, xác suất một cuộc nội chiến hay một vụ đảo chánh xảy ra cũng sẽ gia tăng. Cả hai diễn biến có thể xảy ra này đều bất lợi cho người dân và cũng không làm tăng sức mạnh cho phong trào bất bạo động. Nếu quân đội giành quyền kiểm soát chính quyền với lí do chuyển tiếp, trừ phi bị tấn công ngay tức khắc, sự chuyển tiếp này sẽ kéo dài hằng năm, và ngay cả hằng thập kỉ. Nếu có một vài sĩ quan cao cấp nào cảm thấy một cách rất mãnh liệt là họ phải đứng về phe đấu tranh thì họ phải từ nhiệm và đeo đuổi ý thức hệ chính trị của họ như là những cá nhân trong phe phái chính trị phù hợp với họ.
Cơ Cấu Tổ Chức Không Thích Hợp Cho Đấu Tranh Bất Bạo Động
Một cơ cấu tổ chức mà không dẫn đưa đến việc duy trì sự tập trung vào những mục tiêu cốt lõi của cuộc đấu tranh bất bạo động chiến lược thì sẽ mời gọi những chất ô nhiễm vào. Cũng như trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, quyết định bằng uỷ ban sẽ không thích hợp. Lí tưởng là, ở cấp độ chiến lược, cần phải có một người nào đó chịu trách nhiệm quyết định là các chiến dịch sẽ được xảy ra khi nào và ở đâu, trong lúc những cá nhân khác phải chịu trách nhiệm xúc tiến các mặt trận và chiến dịch. Ở mọi cấp trong phong trào, công tác không nên được giao phó mà không biết cá nhân nào chịu trách nhiệm thi hành công tác đó. Trách nhiệm không bao giờ nằm ở số nhiều “chúng ta” mà chỉ ở số ít “Tôi” mà thôi. Điều này không muốn nói là không có nhiều người tham dự vào việc soạn thảo và trình bày các đề nghị lên người làm quyết định và là những đề nghị này sẽ không được cứu xét cẩn thận, nhưng chỉ muốn nói là chỉ cá nhân mới cần phải chịu trách nhiệm đối với những quyết định này và đối với việc thực thi chúng.
Các đảng phái chính trị luôn luôn có cái cám dỗ gây ảnh hưởng đối với những quyết định để đặt mình vào tư thế thuận lợi trong thời kì hậu xung đột. Đôi khi, các hoạt động này lại chiếm ưu tiên hơn là chính việc đi đến thời kì “hậu xung đột”. Cần phải có một phương sách nào đó trong phong trào để bảo đảm là tất cả các kế hoạch đều phải dựa trên cơ sở của những phân tích khách quan, trực tiếp hỗ trợ các mục tiêu, và được giao phó cho những tổ chức nào trong phong trào có khả năng thành công hơn cả. Lí tưởng là phương sách này là một ban kế hoạch có thể tin cậy chống lại được áp lực thiết kế những kế hoạch thiên vị nhóm này hay nhóm kia dựa trên những nền tảng khác với những mục tiêu và khả năng. Một tổ chức muốn có một tư thế thuận lợi trong phong trào chỉ cần có những lực lượng được huấn luyện và lãnh đạo tốt nhất.
Phong trào nên có những phương thức tiếp tục theo dõi để bảo đảm là những cam kết của tổ chức đều đã được thoả mãn. Một khi đã có sự thoả thuận về các mục tiêu và về chiến lược rồi, thì tất cả các tổ chức đều được trông đợi là phải xung phong hỗ trợ hết lòng. Các kế hoạch hỗ trợ chiến lược, một khi đã được các tổ chức thành viên chấp thuận, thì không còn có thể được xem là có thể chọn hay không “tuỳ ý” nữa. Nếu một nhóm nào đó được giao một công tác rõ ràng là quá khả năng của nhóm như đã được xác nhận trong phỏng định chiến lược, thì lỗi lầm này phải được trình bày cho những người lập kế hoạch biết ngay tức khắc để được điều chỉnh. Có thể cần phải tăng cường tổ chức với những khả năng phụ trội hay là, như là một biện pháp cuối cùng, trao công tác lại cho một thành phần khác. Soạn thảo những “Bài Học Học Được” cũng rất hữu ích cho việc lượng giá mức độ dấn thân của các tổ chức, cũng như mức độ các mục tiêu, đã đạt được.
Các Chuyên Viên Khiêu Khích
Giả thuyết là các điểm chỉ viên của chính quyền thẩm nhập vào phong trào bất bạo động để báo cáo những khả năng và dự tính của phong trào không phải là sự can dự duy nhất của chính quyền mà phong trào chờ đợi. Ngấm ngầm hơn là các điểm chỉ viên là các chuyên viên khiêu khích, những người sẽ cố khiêu khích bạo động, gây bất hoà trong phong trào, và đẩy phong trào ra xa khỏi những nhược điểm của chính quyền. Phản ứng đối với những đe doạ này là không nên quá nghi kị mà nên thức tỉnh về những chỉ dấu về thói chuyển hướng thảo luận về những lựa chọn tương lai có thể cần phải được cứu xét kĩ lưỡng.
Tóm Lược
Trong lúc loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm phong trào bất bạo động là một việc làm có thể không thực hiện được; tuy nhiên, bằng cách thức tỉnh, có những hành động phòng ngừa, và hành động nhanh chóng khi khó khăn đột khởi, thì phong trào có thể giới hạn được tác dụng tai hại của các chất ô nhiễm này đối với phong trào và đối với các thành viên của liên hiệp. Sự ngăn cản ô nhiễm phong trào quan trọng hơn cả là lãnh đạo mạnh và hữu hiệu.
0 Comments