Chữ Tín trong Tương Tác Xã hội
Đa số người Việt hẳn đã biết rõ hoặc ít nhất đã có nghe qua “ngũ thường ”. “Ngũ” là 5, “thường” là hằng có, năm điều hằng có trong cuộc đời. Đó là : “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Nho giáo đã sắp xếp năm điều này thành những phạm trù luân lí cần phải có cho đạo làm người “quân tử”. Đạo Nho đặt trọng tâm vào “Nhân”, còn “Tín” tuy được liệt kê ở hạng thứ năm, nhưng là một điều kiện “ắt có” trong hệ thống luân lí của Nho giáo. Để minh chứng tính thiết yếu của “Tín”, Không Tử nói: “Người mà không giữ chữ Tín, không biết người ấy ra thế nào. Xe lớn mà không có đòn ngang thẳng; xe nhỏ mà không có đòn ngang cong, xe làm sao mà đi được (Luận Ngữ: Vi Chính, XXII)”, và “thành tựu công việc nhờ lòng trung tín”1. Mặc dù khi trả lời câu hỏi của học trò, Không Tử nói lên tầm mức quan trọng của chữ “Tín” như thể “Tín” được áp dụng chung cho mọi người, mọi hoàn cảnh; nhưng khi Tử Lộ hỏi về ước vọng của Thầy thì Khổng Tử trả lời là “Đem an vui cho người già, đem niềm tin cho bạn bè, đem an ủi cho người trẻ” (Luận Ngữ: Công Dã Tràng, XXV)”. Chữ “Tín” ở đây mật thiết được gắn liền với mối tương giao giữa bạn bè giữa những người “quân tử”. Điểm này được nhận thấy càng rõ ràng hơn vì ngoài ngũ thường, Nho giáo còn đưa ra quan niệm ngũ luân2:
- Phụ tử hữu thân (Cha con có tình thân)
- Quân thần hữu nghĩa (Vua tôi có nghĩa)
- Phu phụ hữu biệt (Vợ chồng có [những phần hành] riêng biệt)
- Trưởng ấu hữu tự (Lớn nhỏ có trật tự)
- Bằng hữu hữu tín (Bạn bè có lòng tin)
Mạnh tử cũng lấy chữ Tín làm cơ sở cho tương giao bạn bè: “Giữa cha con có tình thân, giữa vua tôi sống có nghĩa, giữa vợ chồng có sự phân biệt, giữa anh em có thứ tự, giữa bạn bè có lòng tin. (Mạnh Tử: Đằng Văn Công chương cú thượng, IV).”1
Tăng Tử thì mỗi ngày đều xét mình về ba việc: “Mưu việc cho người, có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp, có giữ niềm tin chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng? (Luận Ngữ: Học Nhi, IV).”1
Tử Hạ cũng đặt nặng chữ Tín trong tương giao bạn bè: “Bắt chước người hiền đổi lòng hiếu sắc, hết sức thờ cha mẹ, liều thân thờ vua, cùng bạn bè giao thiệp thì nói có niềm tin; tuy nói là chưa học, tôi ắt cho rằng đã học rồi. (Luận Ngữ: Học Nhi, VII).”1
Trong lãnh vực chính trị, trong ý nghĩa là lãnh vực cai trị, Khổng Tử nói: “Cai trị một nước có một ngàn cỗ xe thì phải thận trọng trong mọi việc, phải giữ chữ Tín, phải tiết kiệm và yêu người, khiến dân làm việc phải cho hợp thời hợp lúc. (Luận Ngữ: Học Nhi, V).”1
Nho giáo là một tôn giáo có mục đích huấn luyện “kẻ sĩ” thành người “quân tử”, thành phần xã hội đặc biệt dành cho công việc cai trị. Do đó khi nói đến Tín là nói đến một yếu tố luân lí mà người “quân tử” cần phải có để, trong tương lai hoạn lộ, có thể cai trị người dân được hiệu quả. Và vì trọng tâm của Nho giáo là “Nhân”, “Nghĩa” nên, như một hệ luận, người “quân tử” cần phải có chữ “Tín” giữa bạn bè “kẻ sĩ” với nhau; không có “Tín” thì không thể có “Nhân”, “Nghĩa”. Nếu chúng ta cẩn trọng trong phân tích và nhận xét thì hình như trong mô hình luân lí Nho giáo không có bóng dáng của người dân dã của thôn quê, của đồng ruộng.
Mặt khác, ca dao và tục ngữ cho thấy rõ tiếng nói của lớp người dân dã tự chấp nhận mình được tham dự vào cuộc sống chung của cộng đồng dân tộc. Và lí thú là đa số kẻ sĩ cũng thường xuất xứ từ nông thôn, từ mươi, mười lăm chú bé chăn trâu có tham vọng làm “kẻ sĩ”, đến hầu hạ thầy đồ để học đạo, học chữ. Từ những chú bé này, những quan niệm luân lí của Nho giáo được lan truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian. Do đó, quan niệm về “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” cũng được hấp thụ tại những vùng thôn quê. Nhưng những quan niệm này lại được hiểu và ứng dụng tuỳ theo thực trạng của đời sống nơi thôn quê.
Bài này tập trung vào việc cắt nghĩa và cách ứng dụng quan niệm “Tín” của người bình dân qua những dẫn chứng từ ca dao và tục ngữ.
Nguyên nghĩa của chữ “Tín”, phiên âm Hán Việt của chữ Hán信: Một từ được kết hợp bởi bộ イ(Nhân: Người) và chữ 言 (Ngôn: Lời nói). Trong bối cảnh của Nho giáo, đây là lời nói, lời hứa hẹn của người “quân tử” thiết yếu phải đi đôi với việc làm và đặc biệt phải hợp với phạm trù “Nghĩa”. Ý nghĩa của chữ “Tín” trong văn hoá của người bình dân Việt Nam, như được phản ánh qua ca dao và tục ngữ, cũng không khác gì quan niệm cổ điển của Nho giáo, tuy nhiên, người ta không thấy người bình dân nhấn mạnh, như trong Nho giáo, là những lời nói, những hứa hẹn cần phải phù hợp với phạm trù “Nghĩa”, cũng như không thấy “Tín” chỉ dành cho người “quân tử” mà chỉ thấy, trên thực tế, “Tín” đã thuộc về đại chúng.
Quân tử nhất ngôn.
Quân tử bất thực ngôn.
Ngoài hai câu trên đây – sưu tập được trong rất nhiều tài liệu về ca dao và tục ngữ – được dành riêng cho người quân tử, tất cả những câu còn lại đều áp dụng cho đại chúng. Vì chữ “Tín” đòi hỏi những lời nói, những hứa hẹn cần gây được niềm tin nơi đối tác nên người bình dân đặc biệt nhấn mạnh tính chắc chắn cần phải có của lời nói, của những hứa hẹn.
Lời nói như đinh đóng cột.
Nói như đóng đanh vào cột.
Nói như rựa chém xuống đất.
Ăn một bát, nói một lời.
Ăn một đọi, nói một lời.
Ăn bằng, nói chắc.
Nói lời thì nhớ lấy lời.
Nói lời, phải giữ lấy lời,
Tạc vàng, bia đá, để đời cho nhau.
Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm, đậu rồi lại bay.
Con người sống ở đời, theo quan niệm của người bình dân, cần phải chắc chắn về lời nói, nghĩa là không thay đổi những lời nói, những hứa hẹn của mình. Để bảo đảm sự chắc chắn đó, người ta được khuyến cáo là phải cẩn trọng, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, bởi vì:
Sa chân đỡ lại, sa miệng đỡ không lại.
Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo.
Một lời nói ra, dù là bốn ngựa khó mà đuổi theo.
Một lời trót đã nói ra, dù rằng bốn ngựa khó mà đuổi theo.
Không những con người cần cẩn trọng về lời nói để bảo đảm giá trị của lời nói mà còn phải trân quý những lời nói, những hứa hẹn của mình nữa bởi vì tự bản chất lời nói rất quý giá. Lời nói có thể đem lại giàu sang, phú quý và cũng có thể đưa đến chiến tranh, chia rẽ, hận thù:
Lời nói, gói vàng.
Lời nói, quan tiền tấm lụa.
Một lời nói, quan tiền thúng thóc; một lời nói, dùi đục cẳng tay.
Quan trọng nhất là lời nói hoặc hứa hẹn phải đi đôi với việc làm mới bảo đảm được lòng tin. Chỉ có thực tếdo hành động đem lại mới chứng tỏ được lòng thành, gây được niềm tin.
Lời nói đi đôi với việc làm.
Nói thì phải làm, không làm thì đừng nói.
Trăm câu nói, không bằng hòn dọi chứng cho.
Để khẳng định thêm sự cương quyết không thay đổi những lời nói, những hứa hẹn, người bình dân chứng tỏ lòng thành của mình qua những câu như:
Dù ai nói đông, nói tây,
Thì ta cũng vững như cây giữa rừng.
Dù ai nói ngả, nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba chân.
Đây ta như cây giữa rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
Trơ như đá, vững như đồng.
Lòng ta, ta đã chắc rồi,
Dù ai giục đứng, giục ngồi, chẳng sao.
Tuy nhiên, người bình dân thôn dã ý thức là giữ được lời hứa không phải là một chuyện dễ dàng:
Nói thì dễ, làm thì khó.
Nói thì hay, cày thì lỗi.
Nói thì như mây, như gió; cho thì thằng mõ không xong.
Nói thì như mây, như gió; làm thì khi có, khi không.
Nói thì có, làm thì không.
Cho nên đã khuyến cáo là:
Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười người chê.
Và tối kị là cái bệnh huênh hoang, khoác lác, không có cơ sở luận lí, không những đánh mất lòng tin mà còn làm trò cười cho thiên hạ:
Nói thì đâm năm, chém mười; đến bữa tối trời, không dám ra sân.
Nói tràng [chiều dài] ba, khoát [chiều ngang] bảy.
Nói tràng ba mươi, khoát không được một tấc.
Nói trường mười tám, rút lại không được một tấc.
Nói trăm thước không bằng bước một gang.
Nói trên không có chằng, dưới không có rễ.
Nói trên trời xuống bể.
Những câu ca dao, tục ngữ trên cho thấy cách thu nhận và cắt nghĩa chữ “Tín” của người bình dân thôn dã, còn việc áp dụng – đối với tầng lớp kẻ sĩ – thì hầu như chỉ được thể hiện trong tương giao bạn bè và trong vai trò cai trị. Đối với tầng lớp bình dân, người ta thấy “Tín được áp dụng chung cho tất cả mọi ngưới, đặc biệt là trong công việc buôn bán và nổi bật nhất là trong liên hệ lứa đôi và vợ chồng.
Một khi đã tạo được niềm tin nơi đối tác nhờ chữ “Tín”, thì trao đổi trong việc buôn bán – một ngành nghề bị giới sĩ phu khinh bỉ và sắp vào hạng chót trong các ngành nghề (sĩ, nông, công, thương) – không còn là vấn đề nan giải nữa, miễn sao ai cũng giữ đúng lời hứa của mình. Việc người bình dân Việt Nam đưa quan niệm luân lí về chữ “Tín” ứng dụng vào thị trường kinh tế là một hành động cách mạng và thực dụng hoàn toàn mới mẻ, cấp tiến so với xã hội Nho giáo truyền thống, có thể mang lại lợi nhuận to lớn và lâu dài trong hoạt động thương mãi cho cá nhân và cho đất nước nếu được áp dụng đúng đắn và phổ quát, như những lí thuyết kinh doanh của thế giới kĩ nghệ và tin học hiện đại đã minh chứng3.
Tin nhau, buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn, hơn thiệt, trước sau như lời.
Số lượng ca dao, tục ngữ sưu tập được nói về chữ “Tín” trong việc buôn bán tuy chỉ có bấy nhiêu nhưng quan trọng cho sự phát triển của đất nước, còn số lượng nói về tương giao giữa đôi lứa, giữa vợ chồng thì hằng hà sa số.
Phản nghĩa của “Tín” là sự phản bội. Ở tầng lớp trí thức, trung lưu, trong xã hội truyền thống (nghĩa là tính đến những thập kỉ đầu của thế kỉ 20), hôn nhân thường được sắp xếp chứ không phải do tình yêu đưa đến. Người đàn ông hầu như đương nhiên được chấp nhận có quyền “năm thê, bảy thiếp”, nên vấn đề phụ bạc tình nghĩa hiếm khi được đặt ra. Hôn nhân giữa những người bình dân, trái lại, thường là do tình yêu đem lại và tính đặc thù của tình yêu bao gồm sự thề thốt, hứa hẹn chung thuỷ cho nhau. Một khi đã thề thốt mà lỗi hẹn, phản bội, là đánh mất chữ “Tín”. Và do đó người bình dân thôn dã đã trách móc và kết án nặng nề sự phản bội trong tình yêu vì như đã được trình bày trước đây, người bình dân có lòng tin sắt đá vào chữ “Tín”, nghĩa là – trong trường hợp quan hệ lứa đôi – vào sự trung thực trong lời thề nguyền của người yêu. Sự phản bội trong tình yêu là sự phản bội đau đớn nhất, nhất là trong cuộc đời của người đàn bà.
Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
Như rựa chém xuống đất,
Như mật rót vào tai.
Bây chừ anh đã nghe ai,
Bỏ em giữa chốn non đoài, khổ chưa!
Cất tiếng than, hai hàng luỵ nhỏ,
Anh nói thương em, rồi lại bỏ em đây.
Đôi ta đã trót lời thề,
Con dao lá trúc đã kề tóc mai.
Dặn rằng: “Ai chớ quên ai!”
Em nhớ ngày nào bên ao cá lội,
Anh chỉ, anh thề không lỗi nghĩa keo sơn.
Mà giờ đây anh đã sang giàu,
Anh quên đi lời hứa buổi ban đầu cùng em.
Những lời mình nói với ta
Sông sâu hoá cạn, đường xa lại gần.
Ai ngờ ra dạ lần khân,
Sông cạn lại thẳm, đường gần lại xa.
Yêu nhau chưa ráo mồ hôi,
Chưa tan buổi chợ đã rời nhau ra.
Cởi cái thương, cắt cái nhớ, trả phắt cho rồi.
Bao nhiêu lời nói những hồi,
Bỏ vô nồi nấu sôi rồi đổ đi.
Chăn kia nửa đắp, nửa phong,
Gối kia nửa tựa, nửa mong duyên chàng.
Chẳng ai phụ bạc như chàng,
Bẻ cành gai bạc, lấp đàng lối đi.
Thiếp nguyện với chàng đầu xanh tóc bạc,
Chàng nguyện với thiếp đá tạc thành bia.
Chàng nghe ai, sớm cách vội lìa,
Bỏ sầu cho thiếp sớm khuya một mình.
Hồi nào lấy em, anh nói với em
Một rằng thương, hai rằng thương.
Đến nay, anh ở ra dạ điếm đàng,
Trời cao có mắt, anh có trốn lên ngàn cũng chẳng yên.
Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Khi tươi thì hái, khi tàn thì quăng.
Bạc tình chi lắm ngãi nhơn,
Chưa bao lăm ngày tháng, lo thay đờn đổi dây.
Bao đành dứt nghĩa, dứt tình,
Sao không nhớ khi lao khổ, vợ chồng mình đói no.
Sông sâu, vực thẳm, hỡi chàng,
Đâu đâu cũng vậy, anh phũ phàng làm chi!
Nhổ bìm, nhổ lộn dây tiêu,
Trách ai ở bạc, bỏ liều vợ con.
Đi đâu bỏ nhện giăng mùng,
Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu.
Trách ai biên giấy bỏ bìa,
Khi thương, thương vội; khi lìa, lìa xa.
Thức đêm mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết rằng ai bạc tình.
Sông Chu nước gợn bốn mùa,
Ai cho anh uống thuốc bùa, anh mê!
Nước rào chảy mãi xuống lên,
Anh vong tình rứa mãi, khi mô nên cửa nhà.
Nào khi gánh nặng em chờ
Qua truông em đợi, bây giờ phụ em.
Đêm năm canh nghe con dế thốt,
Ngày sáu khắc, lần đốt ngón tay,
Hỡi ai! Duyên cớ ai bày!
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo!
Mủng sứt vành không bưng khó bợ,
Đồng tiền điếu vỡ, ai nỡ bán buôn.
Anh đi làm thợ trên nguồn,
No cơm, ấm áo, luông tuồng bỏ em.
Em quyết theo anh đầu xanh tóc bạc,
Sống thời gởi nạc, thác thời gởi xương.
Không hay đáp lấy bợm lường,
Ở trung, mắc cạn, thế thường cười chê.
Đem em mà bỏ xuống gành,
Kéo neo mà chạy sao đành, anh ơi!
Đêm đêm góc biển chân trời,
Một mình em đứng, em ngồi, em nghe.
Em nghe hết giọng con ve,
Đến lời con cuốc gọi hè tiếc xuân!
Đấy lạ thì đây cũng lạ,
Anh kêu em dạ, thiên hạ đều khen.
Tưởng là đó nhóm đây nhen,
Hai bên hiệp lại như đèn, mới xinh.
Ai ngờ anh lại phỉnh mình,
Qua cầu, rút ván để mình bơ vơ.
Đã từng lên dốc, xuống nương,
Anh sao ăn ở gạt lường rứa anh?
Từ ngày rẻ thuý, chia oanh,
Nước Trời còn đó, sao đành phụ nhau.
Chàng ơi! Chẳng thấy chàng sang,
Bây giờ chữ “liễu” nét ngang mất rồi!
Vợ chồng như bát nước đầy,
Trách ai nghiêng đổ để sầu tây cho mình.
Chim kêu ríu rít vườn dâu,
Bạc tình chi hỡi bạn, để chữ sầu cho em.
Giơ tay ngắt ngọn cải xanh,
Hồi ni mới biết rằng anh bạc tình.
Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Mồ cha con bướm khôn ngoan,
Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Đêm qua: đêm lạnh, đêm lùng,
Đêm đắp áo ngắn, đêm chung áo dài.
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung.
Bây giờ sự đã nhạt nhùng,
Giấm thanh đổ biển, mấy thùng cho chua.
Xưa kia anh bủng, anh beo,
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh mạnh, anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Có trăng thì phụ lồng đèn,
Ba mươi, mồng một khôn tìm lấy trăng !
Có bát sứ, tình phụ bát đàn,
Nâng niu bát sứ có ngày vỡ tan.
Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Thiếp toan bồng bế con sang,
Thấy chàng bạc bẽo, thiếp mang con về.
Trách mình, chẳng trách ai đâu,
Trách con tằm bạc nghĩa bỏ nương dâu không nhìn.
Trách anh sao bạc nghĩa, vô nghì,
Bây giờ có đôi, có bạn, không nói gì với em.
Trách người mau lạt, mau phai,
Chẳng thương vợ yếu, chẳng hoài con thơ.
Bạc tình chi lắm hỡi chim,
Bỏ cây khô héo, đi tìm cành xanh.
Nghe lời ai sớm dỗ, chiều dành,
Ngãi nhơn sao nỡ bạn tình bỏ ta.
Thôi thôi! đừng ơn, đừng ngãi,
Thôi thôi! đừng phải, đừng không,
Đừng vợ, đừng chồng, đừng gì hết thảy.
Anh có nơi rồi, rúng rẫy duyên em.
Tham thanh chuộng lạ tham thanh,
Chê đây quán nát lều tranh không ngồi.
Thiếp xa chàng bơ ngơ, báo ngáo,
Chàng xa thiếp như bộ nút vàng tra áo mình sô.
Chàng tham giàu, tham có nơi mô,
Phụ phàng duyên thiếp, đổ hô cho Trời.
Buồn từ trong dạ buồn ra,
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo.
Tham vàng bỏ đống gạch đầy,
Vàng thì ăn hết, gạch xây nên thành.
Tay bưng dĩa muối, chén tương,
Tương chua, muối chát, nhớ thương nghĩa chàng.
Bạn có gặp nơi nhà ngói, nhà sàn,
Nhớ khi áo rách lang thang chưa tề?
Bạn có gặp hàng lụa phủ phê,
Nhớ hồi áo rách xưa tê không chàng?
Ăn tiêu nhớ tới múi hành,
Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào.
Anh chê em khó, lui về lấy đó giàu sang,
Mấy lâu ni đã làm nên đụn bạc, non vàng nào chưa?
Gái thương chồng đương đông buổi chợ,
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Khi xưa cầu luỵ trăm đàng,
Được rồi thì lại phũ phàng làm ngơ.
Chửa được thì hứng bằng rá,
Đã được thì đá bằng chân.
Phải chi lên được ông Trời,
Mượn gươm ông Sấm, giết người bạc ân.
Dĩ nhiên là không phải chỉ đàn ông mới phản bội trong tình yêu. Nhưng nếu chỉ tính theo số lượng áp đảo4của những câu ca dao, tục ngữ thì người đàn ông phản bội nhiều hơn người đàn bà. Tuy nhiên, người đàn bà cũng phản bội và chịu sự oán trách của người đàn ông5:
Em nói với anh
Như rựa chém xuống đất,
Như Phật chất vào lòng,
Hoạn nạn tương cứu,
Sanh tử bất ly.
Bây giờ đặng chữ vu quy,
Em đặng nơi quyền quý,
Em nghĩ gì tới anh!
Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Công anh dan díu với nàng bấy lâu.
Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng.
Năm trăm anh đốt cho nàng,
Còn năm trăm nửa giải oan lời thề.
Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai, không chào!
Chim chuyền bụi ớt,
Rớt xuống bụi cà,
Hồi nào gắn bó với ta,
Bây giờ bội nghĩa ra đi lấy chồng.
Nào khi gánh nặng anh chờ,
Mỏi vai anh đỡ, bây giờ nghe ai!
Bậu đừng tham đó, bỏ đăng,
Chơi lê, quên lựu; chơi trăng, quên đèn.
Ngọn lan trắng: ngọn vắn, ngọn dài,
Rau tần ô : ngã dọc, ngã ngang.
Trái dưa gang: sọc đen, sọc trắng,
Ngọn rau đắng: trong trắng, ngoài xanh.
Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
Bởi em ở bạc, ông Trời nào để em.
Có chả, em tình phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán tình, phụ cây đa.
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Có mực, em tình phụ son,
Có kẻ đẹp giòn, em phụ nhân duyên.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, quên người tình xưa!
Dứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi em ở bạc trước, xin đừng trách nhau.
Em đừng nói tốt như bột huỳnh tinh,
Hay đâu em bậu bạc tình lắm thay!
Trồng tre cho biết thứ tre,
Thứ tre lộc ngộc, thứ tre là ngà.
Trồng cà cho biết thứ cà,
Thứ cà tim tím, thứ cà xanh xanh.
Trồng chanh cho biết thứ chanh,
Thứ chanh ăn quả, thứ chanh gội đầu.
Trồng dâu cho biết thứ dâu,
Thứ dâu ăn quả, thứ dâu chăn tằm.
Một nong tằm là năm nong kén,
Một nong kén là chín nén tơ.
Công anh năm đợi tháng chờ,
Sao em dứt chỉ lìa tơ cho đành.
Dù chê bai, oán trách, bài bác, kết án thực trạng phản trắc, phụ bạc trong tình yêu, nhưng người bình dân thôn dã vẫn hi vọng và tin tưởng ở sự trung thực của những người yêu nhau, tin tưởng ở tính chuyên nhất của chung thuỷ5, mặt tích cực của chữ “Tín” trong lãnh vực yêu đương. Họ tin tưởng là nếu cần lìa bỏ thì chỉlìa bỏ những kẻ bội bạc, còn họ không thuộc vào những thành phần này và khuyên nhủ nhau không nên rơi vào lỗi lầm của phản bội:
Lìa cây, lìa cội, ai nỡ lìa hoa,
Lìa người bội bạc chớ đôi ta đừng lìa.
Lời em nói ra bằng ba lời thề thốt,
Như đinh đóng cột,
Như rìu cốt vào cây.
Anh đừng ngại gió, e mây,
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.
Mình có thương, mình chặt tóc mình thề,
Chỉ trời, vạch đất, chớ hề bỏ nhau.
Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ ham phú quý, đi cầu trăng hoa.
Trăng kia khi khuyết, khi tròn,
Lời thề biển cạn, non mòn, chớ sai.
Biển cạn, lời nguyền không cạn,
Núi lở mòn, nghĩa bạn không quên.
Đường mòn sáng xuống chiều lên,
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
Lời thề chứng có nước non,
Vàng tan ngọc nát vẫn còn thương nhau.
Nguyện cùng nhau, đất chín, trời mười,
Trăm năm không bỏ nghĩa người cố tri.
Trời cao bể rộng mênh mông,
Ở sao cho trọn tấm tình phu thê,
Trót đà ngọc ước vàng thề,
Dẫu rằng cách trở sơn khê cũng liều.
Vợ chồng đầu gối má kề,
Làm sao mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chận lại đá ngang,
Về sao cho đứt cho đang mà về.
Củi than lem luốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
Tháp trải nắng sương, cau nương sắt đá,
Dẫu người thiên hạ, tiếng ngả, lời nghiêng.
Cao thâm đã chứng lòng nguyền,
Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi đứa mình.
Non sông nặng gánh chung tình.
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Tôi với mình thề trước miếu ông,
Sống nằm một chiếu, chết chung một mồ.
Chừng nào cho sóng bỏ gành,
Cù lao bỏ biển, em mới đành bỏ anh.
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau.
Biển sâu cá lội biệt tăm,
Dẫu chờ, dẫu đợi, trăm năm cũng chờ.
Sông sâu cá lượn lờ đờ,
Dầu trông, dầu đợi, quyết chờ trăm năm.
Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Thương cho đến thuở bạc đầu vẫn thương.
Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau.
Muối mặn ba năm, muối hãy còn mặn,
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi, đừng thay.
Dẫu có làm nên danh vọng, hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau.
Theo nhau cho trọn đạo Trời,
Dẫu rằng không chiếu, trải tơi mà nằm.
Ai về ai ở mặc ai,
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.
Yêu nhau từ thuở má hồng,
Đến khi má tóp, lưng còng, vẫn yêu.
Mong sao anh biến ra tằm,
Em biến ra nống, ta nằm chung chơi.
Khi nào cho hợp hai hơi,
Nghiêng tai nói nhỏ đôi lời thuỷ chung.
Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương, mặc người.
Không thiêng cũng thể bụt nhà,
Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em.
Mình về, tôi cũng về theo,
Sum vầy phu phụ, đói nghèo có nhau.
Dù khi đĩa muối, chén rau,
Thuỷ chung ta giữ, sang giàu mặc ai.
Tóm lại, quan niệm về chữ “Tín” trong Nho giáo được hiểu là lời nói phải trung thực, lời hứa phải được tôn trọng, và phải đi đôi với việc làm. Một điều kiện để có thể thực hiện điều này trong bối cảnh của Nho giáo là những lời nói và những hứa hẹn phải hợp với “Nghĩa”. Điều kiện này có thể hiểu được là lời nói hoặc lời hứa mà không hợp với nghĩa thì không nên nói hoặc hứa hay là lời nói, lời hứa đó không có giá trị và người nói hay hứa cũng không có giá trị, nghĩa là không phải là người “quân tử”. Hơn nữa, cũng trong bối cảnh của Nho giáo, chữ “Tín” hầu như chỉ được áp dụng hoặc chú trọng cho “kẻ sĩ”, những người được huấn luyện để thành người “quân tử”, trong tương giao bạn bè và trong hoàn cảnh cai trị dân.
Trong bối cảnh văn hoá của người bình dân thôn dã Việt Nam, chữ “Tín” đã trở thành sở hữu của tất cả mọi người. Và trong thực tế sinh sống của người bình dân, việc thực hiện chữ “Tín” – trong ý nghĩa là lời nói phải chắc chắn, hứa hẹn phải được tôn trọng, và phải đi đôi với việc làm – không mang theo một điều kiện nào cảvà được áp dụng cho hành vi của tất cả mọi người trong tất cả mọi tương tác xã hội, nhưng được chú trọng hơn trong lãnh vực kinh doanh – một lãnh có tiềm năng đem lại thịnh vượng và tiến bộ cho đất nước, nhưng lại là một lãnh vực bị giới sĩ phu chịu ảnh hưởng của Nho giáo khinh miệt – và đặc biệt nhất là trong mối liên hệ vợ chồng, mối liên hệ mà trong đó xã hội Nho giáo truyền thống chỉ nhấn mạnh đến những bổn phận và trách nhiệm riêng biệt cho chồng và vợ (Phu phụ hữu biệt 夫 婦 有 別 )2 chứ không đặt vấn đề chữ “Tín” trong ý nghĩa tôn trọng những lời hứa, những thề thốt phát xuất từ tình yêu, điều mà trong liên hệ vợ chồng của giới trung lưu “kẻ sĩ” không hề có, do đó không được xét định là vấn nạn cho nên hình như “kẻ sĩ” cũng không cảm thấy có trách nhiệm phải giải quyết.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Pennsylvania, ngày 31 Tháng 7 Năm 2022
—————————————
Trích dẫn:
1 Trần Ngọc Thiện, O.P. “TÍN 信” TRONG TƯ TƯỞNG NHO GIÁO”. Thời sự Thần học – Số 62, tháng 11/2013, tr. 65-88. https://tsthdm.blogspot.com/2019/07/tin-trong-tu-tuong-nho-giao.html.
2 Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, “THIÊN ĐẠO, NHÂN ĐẠO, ĐỊA ĐẠO TRONG KHỔNG GIÁO”. https://nhantu.net/TonGiao/ThiendaoNhandaoDiadao.htm
3 Scholarly Articles on Trustworthiness in Business Theory: https://scholar.google.com/scholar?q=trustworthiness+in+business+theory&hl=en&as_sdt=0,5&as_vis=1
3 Những câu ca dao và tục ngữ nói về sự phản bội của người đàn ông trong tình yêu:
Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
Như rựa chém xuống đất,
Như mật rót vào tai.
Bây chừ anh đã nghe ai,
Bỏ em giữa chốn non đoài, khổ chưa!
Anh nói với em,
Như rựa chém xuống đá,
Như rạ cắt xuống đất,
Như mật rót vào tai…
Bây chừ anh đã nghe ai,
Bỏ em giữa chốn thuyền chài rứa ri?
Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Khi tươi thì hái, khi tàn thì quăng.
Trách người phơi lúa nống thưa,
Chèo thuyền trên động, khéo lừa duyên em.
Trách người quân tử vô danh,
Chơi hoa, xong lại bẻ cành bán rao.
Huệ tàn, con bướm chẳng vãng lai,
Tình xưa anh đã phụ, trúc mai anh kể gì!
Trách người quân tử bạc tình,
Có gương mà để cạnh mình chẳng soi.
Khi nóng bắt lấy tai,
Khi nguội không biết tai là gì.
Khi chưa cầu luỵ trăm đàng,
Được rồi thì lại phũ phàng làm ngơ.
Mặc ai tham quế phụ hương,
Quế già, quế rụi, hương còn thơm lâu.
Xin đừng thấy quế phụ hương,
Quế già, quế rụi, hương trầm thơm xa.
Ở chi hai dạ, ba lòng,
Dạ cam thì ngọt, dạ bồng thì chua.
Bạc tình chi lắm ngãi nhơn,
Chưa bao lăm ngày tháng, lo thay đờn đổi dây.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong.
Vì ai ăn ở một dạ hai lòng,
Cho nên ngày nay chàng xa thiếp cách, bơ vơ chốn này.
Nước trên nguồn chảy xuống lò vôi,
Anh thay lòng đổi dạ cũng bởi vì đôi má đào.
Đêm khuya chẳng ngủ, dậy ngồi,
Giận người ở bạc như vôi thế này.
Đêm khuya hoài vọng, đợi chờ,
Bạn loan dứt nghĩa bao giờ không hay.
Chẳng ai phụ bạc như chàng,
Bẻ cành gai bạc, lấp đàng lối đi.
Bao đành dứt nghĩa, dứt tình,
Sao không nhớ khi lao khổ, vợ chồng mình đói no.
Chàng bạc, chớ thiếp không bạc,
Bởi con dao vàng sút ngạc.
Nên đèn hạnh lưu ly…
Thiếp chờ chàng ba bốn năm ni,
Chờ không thấy bạn, thiếp phải ra đi lấy chồng.
Chữ rằng khúc thuỷ non sâu,
Liễu thương phận liễu, ngư sầu phận ngư.
Chẳng biết lấy ai bàn luận tương tư,
Thiếp phiền phận thiếp, chàng hư phận chàng.
Tay vin nhành quế khóc than,
Nước lớn ròng có thuở, bông hoa tàn có khi.
Khác nào như người tình tự cố tri,
Tưởng là cây chết thì còn cội; con rắn đi, còn lằn.
Ớ bạn ơi! Bạn có nhớ hồi khi mô ta dang cái tay ta gối cho bạn nằm,
Nay chừ hai hàng châu lệ dầm dầm như mưa.
Đã lâu không gặp bạn vàng,
Nay gặp bạn vàng, lòng càng thêm tủi.
Nghĩ đến ân tình, gió thoảng mây bay,
Kể từ ngày xa cách đến nay,
Lòng ta ngơ ngẩn, đắng cay muôn phần.
Còn gì mà thở mà than,
Còn anh qua lại ân cần, anh ơi!
Anh đã có vợ rồi!
Như đũa có đôi.
Bỏ em lơ lửng, mồ côi một mình.
Còn gì mà đợi mà trông,
Còn gì qua lại, ân cần, anh ơi!
Anh có vợ rồi như đũa có đôi,
Bỏ em lơ lửng, mồ côi một mình.
Anh về tìm vợ con anh,
Lá rụng về cội, bỏ nhành bơ vơ.
Tiếc công vót nứa đan lờ,
Để cho con cá vượt bờ, nó đi!
Bước xuống ghe nan, chèo sang Bến Thóc,
Vừa chèo vừa khóc, kêu bớ anh ơi!
Bây giờ duyên mãn, tình ôi,
Để cho kẻ khác đứng ngồi với anh.
Chàng mà phụ thiếp thì thôi,
Dẫu chàng lên ngựa, xuống voi, mặc chàng.
Đấy dứt tình thương, đoạn trường thân thiếp,
Nhớ trông tha thiết, tội nghiệp cho em.
Ôm sầu, chất thảm ngày đêm,
Năm canh lăn lộn, gối nghiêng một mình.
Một mình, mình một bơ thờ,
Dựa cây, cây ngã, dựa bờ, bờ xiêu.
Thương chi cho uổng công tình,
Nẩu về xứ nẩu, bỏ mình bơ vơ.
Nực cười nước lạnh lên hơi,
Cá kho trong trách, con bơi con trừng.
Đò đưa nửa bến, đò ngừng,
Giận người phụ bạc nửa chừng rẽ duyên.
Bạc sao bạc chẳng vừa thôi,
Để cho nước chảy, hoa trôi lỡ làng.
Tin sang, chẳng thấy người sang,
Hẹn ba bốn hẹn, lòng càng xót xa.
Đoạn trường phải bước chân ra,
Gió xuân hiu hắt, sương sa lạnh lùng.
Chăn đơn gối chếch lạ lùng,
Đôi hàng châu lệ, đôi hàng chứa chan.
Gặp chàng, thiếp phải thở than,
Dưới khe nước chảy, trên ngàn thông reo.
Cơm ăn thắt thể ít nhiều.
Vàng mười vô lửa nào phai,
Bớ anh ơi!
Anh nằm đêm nghĩ lại, coi ai bạc tình.
Phải chi lên được ông Trời,
Mượn gươm ông Sấm, giết người bạc ân.
Ôi! Tan hợp xiết bao, tháng ngày đợi chờ non nước.
Ngàn dặm chơi vơi!
Mấy lời nào dễ sai lời:
Ai ơi! Chớ đem dạ đổi dời!
Ý ưng, tình càng thêm ưa ý,
Thiệt là đặng mấy người.
Lại sai lời!
Đũa mun bịt bạc anh chê,
Đũa tre lâu cạnh anh mê nỗi gì.
Nắng lên cho héo lá gan,
Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy tình xưa.
Nắng lên cho héo ngọn dừa,
Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay.
Nắng lên cho héo nhành mai,
Tui rủa tối ngày kẻ chẳng thuỷ chung.
Những lời mình nói với ta,
Sông sâu hoá cạn, đường xa lại gần.
Ai ngờ ra dạ lần khân,
Sông cạn lại thẳm, đường gần lại xa.
Yêu nhau chưa ráo mồ hôi,
Chưa tan buổi chợ đã rời nhau ra.
Cởi cái thương, cắt cái nhớ, trả phắt cho rồi.
Bao nhiêu lời nói những hồi,
Bỏ vô nồi nấu sôi rồi đổ đi.
Cất tiếng than, hai hàng luỵ nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em đây.
Đôi ta đã trót lời thề,
Con dao lá trúc đã kề tóc mai.
Dặn rằng: “Ai chớ quên ai!”
Mấy lâu mưa lụt lút biền,
Anh ơi có nhớ lời nguyền hay không?
Em nhớ ngày nào bên ao cá lội,
Anh chỉ, anh thề không lỗi nghĩa keo sơn.
Mà giờ đây anh đã sang giàu,
Anh quên đi lời hứa buổi ban đầu cùng em.
Một trăm con bướm trắng nó cắn sợi dây đờn,
Bởi anh thất ngôn lời nói, con bạn hờn trăm năm.
Dẫu rằng đá nát vàng phai,
Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh.
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan xẻ gánh chung tình làm hai?
Bây giờ người đã nghe ai,
Thả chông đường nghĩa, rắc gai lối tình.
Nhớ lời hẹn ước đinh ninh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Thiếp nguyện với chàng đầu xanh tóc bạc,
Chàng nguyện với thiếp đá tạc thành bia.
Chàng nghe ai, sớm cách vội lìa,
Bỏ sầu cho thiếp sớm khuya một mình.
Thương nhau, đứng đợi, ngồi trông,
Đêm khuya hiu quạnh loan phòng thì thôi.
Mình nay đã có vợ rồi,
Còn theo đón hỏi chi tôi thế này.
Lòng ai sao khép tà tây,
Chớ sao chẳng nhớ những ngày thệ đoan.
Thò tay bẻ nhánh hoa tàn,
Trực nhìn thấy bạn, lòng vàng héo hon.
Hồi nào thề thốt keo sơn,
Nay sao đành phụ nghĩa ơn chung tình.
Thiếp thương chàng, thương mưu thương kế,
Chàng thương thiếp, thương thế thương thần.
Miệng thế gian bén tựa gươm trần,
Khi mô thanh vắng, thiếp ngồi gần, chàng phân.
Chàng phân lời ái, lời ân,
Tay chân rũ liệt, bỏ mần, bỏ ăn.
Lời nguyền dưới gió trên trăng,
Một trăm chốn mới không bằng cũ xưa.
Gan khô, ruột héo như dưa,
Đó bạn đà dứt nghĩa, đây ta chưa dứt tình.
Con dao, cái kéo em cầm,
Em xin cắt nốt một còng chàng ra.
Những lời chàng nói với ta,
Ngọt ngào đầu lưỡi, cùng ta thề bồi.
Cho nên thiếp chẳng nghe ai,
Để không mang tiếng mang tai với chàng.
Bây giờ nhìn mặt sao đang,
Thiếp nhìn mặt chàng, hổ lắm chàng ơi!
Dang tay mà hứng nước trời,
Rửa sao cho sạch những lời khi xưa.
Anh ơi có nhớ thuở cùng thề,
Cầm dao lá liễu dựa kề tóc mai.
Chữ đề vô đá lâu phai,
Nằm đêm nghĩ lại thử ai bạc tình.
Chén ngà sánh giọng quỳnh tương,
Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào,
Chén son để cạnh mạn thuyền,
Chén son chưa cạn, lời nguyền đã phai.
Nhớ khi anh nói anh thề,
Con dao lá trúc đặt kề tóc mai.
Bây giờ anh đã nghe ai,
Con dao, lá trúc, tóc mai thẹn thùng.
Bây giờ không vẫn hoàn không,
Giấm thanh đổ biển mấy thùng cho chua!
Nói ra thiên hạ hồ đồ,
Tiếng tăm em chịu bao giờ cho vơi,
Nói ra em chỉ thẹn lời,
Kìa ông trăng sáng soi đôi cau vàng.
Ra vườn ngắt một cành chanh,
Con dao, lá trúc, gọt quanh tứ bề.
Đôi ta đã trót lời thề,
Con dao lá trúc để kề tóc mai.
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Nghe trăng nghe gió, nghe ai mặc lòng.
Tưởng rằng chàng ờ một lòng,
Ngờ đâu chàng lại đèo bòng đôi nơi.
Ở đây gần đất xa trời,
Chăn bông chàng kết với người tri âm.
Chàng xuôi em vẫn âm thầm,
Hai hàng giọt lệ đầm đầm như mưa.
Ruột gan chín khúc héo khô,
Thương chàng vì nỗi tương tư đêm ngày.
Nhớ chàng như bát nước đầy,
Để em chuốc lấy kẻo rầy mình nao.
Đôi tay cầm lấy con dao,
Tưởng như cắt ruột mà trao cho chàng.
Nào khi không hẹn mà nên,
Nay chừ chín hẹn sao quên cả mười.
Gió mùa thu mây mù trăng tối,
Anh không nhớ lời thệ hải, minh sơn.
Nay đà có vợ, có con,
Phỉnh duyên em từng chặng, lỡ mối tô son, ai đền.
Hồi nào lấy em, anh nói với em
Một rằng thương, hai rằng thương.
Đến nay, anh ở ra dạ điếm đàng,
Trời cao có mắt, anh có trốn lên ngàn cũng chẳng yên.
Ba với ba là sáu,
Sáu với bảy, mười ba.
Bạn nói với ta, không thiệt không thà,
Như cây đủng đỉnh trên già, dưới non.
Khi xưa bạn nói với ta chưa vợ chưa con,
Bây giờ ai đứng đầu non, bạn kìa !
Bạn nói với ta chưa có hiền thê,
Bây giờ hiền thê đứng đó, bạn trả lời thề cho ta.
Hồi nào anh đứng ngoài rào anh nói
Rằng anh không ham nhà ngói, dầu nghèo đói cũng đành.
Ngày nay duyên nợ chẳng thành,
Nghe chi những kẻ dỗ dành, bỏ em.
Lời người nói chẳng sai,
Em chẳng giống như ai,
Phải lầm tay bợm bãi.
Rằng nhân, rằng ngãi,
Rằng trái, rằng phải,
Phờ phỉnh, gạt gải đủ lời.
Đoá hoa hoạ đặng cầm rồi,
Lại còn chế nhạo để cười nữ nhi.
Bạc tình thế, cũng người quân tử!
Không giận mần răng cho đặng.
Bỏ vợ chẳng hề ừ hữ, giận lắm hết khôn.
Mất chồng khó nỗi bôn chôn, thương đà hoá dại.
Đó đã đành phụ nghĩa, đây há dám vong tình.
Sen xa hồ, sen khô, hồ cạn,
Lựu xa đào, lựu ngã, đào nghiêng.
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền người bội nghĩa, biết mấy niên cho hết sầu.
Có chả, anh tính phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán đình, phụ cây đa,
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Có mực thì anh phụ son,
Có kẻ đẹp giòn tình phụ nhân duyên.
Có bạc anh tính phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, quên tình người xưa.
Công thiếp vò võ đêm ngày,
Mà chàng ăn ở thế này, chàng ôi!
Thiếp như hoa nở đã rồi,
Xin chàng che lấy mặt trời cho tươi.
Vì tằm, em phải chạy dâu,
Vì chồng, em phải qua cầu đắng cay.
Qua cầu một trăm cái nhịp,
Em không theo kịp, kêu: “bớ hỡi chàng!”
Cái điệu tào khang sao chàng nỡ dứt,
Đêm nằm nghĩ tức, giọt lệ tuôn rơi.
Nhón chân lên, kêu: “Bớ hỡi Trời!”
Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình.
Sông sâu, vực thẳm, hỡi chàng,
Đâu đâu cũng vậy, anh phũ phàng làm chi!
Thế gian lắm chuyện khôi hài,
Hễ ăn được cá tính bài bỏ nơm.
Vì ai kim cúc phân ly,
Nghĩa nhân gián đoạn chỉ vì tại anh.
Nhổ bìm, nhổ lộn dây tiêu,
Trách ai ở bạc, bỏ liều vợ con.
Có bí, chê bầu là hôi.
Qua cầu, lột ván, tháo đinh,
Người thương ở bạc với mình không hay.
Cam sành chê đắng, chê hôi,
Hồng rim chê lạt, cháo bồi khen ngon.
Xưa kia, ăn đâu, ở đâu?
Bây giờ có bí, chê bầu rằng hôi!
Oan ức tấm tức đánh ngực kêu thùng,
Người thương tôi trở dạ, khổ vô cùng, bạn ơi!
Khoác mùng ra thấy mùng không,
Gối loan để đó, lệ hồng tuôn rơi.
Đi đâu bỏ nhện giăng mùng,
Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu.
Huê tàn, bướm chẳng vãng lai,
Tình thương đã phụ, trúc mai kể gì!
Chửa được thì hứng bằng rá,
Đã được thì đá bằng chân.
Trời cao lồng lộng, đất rộng thinh thinh,
Tôi không có dạ phụ mình,
Bởi anh trước bạc, phụ tình ngãi xưa.
Trách ai biên giấy bỏ bìa,
Khi thương, thương vội; khi lìa, lìa xa.
Đêm khuya hoài vọng chờ ai,
Bạn lang dứt mối bao giờ không hay.
Bây giờ giáp mặt đinh ninh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.
Hay là người đã nghe ai?
Thả chông đường nghĩa, rải gai lối tình.
_Khi kia ai ở cùng ai?
Bây giờ đặng chiếc thuyền hai, phụ đò.
_Khi kia anh ở cùng đò,
Bây giờ thuyền lủng, anh mò thuyền nguyên.
Thương mình lắm lắm mình ơi!
Sao mình ở bạc như vôi ăn trầu.
Thương mình dạ cắt lòng đau,
Những thương mà chết, những sầu mà hư.
Thiếp xa chàng như gương xa thuỷ,
Chàng xa thiếp như chỉ nọ xa canh [chỉ dọc trong khung cửi].
Chẳng qua duyên nợ không thành,
Anh người xảo ngôn lệnh sắc [giả dối, chỉ bề ngoài] không đành thì thôi.
Thức đêm mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết rằng ai bạc tình.
Trách ai làm cho rã keo sơn,
Nửa đường gãy gánh như đờn đứt dây.
Tấc dạ thục nữ chẳng khuây,
Vái sao cho sớm sum vầy trúc mai.
Phân tay dạ thiếp chẳng hoài,
Chàng ơi! Xin nhớ những ngày lao đao.
Nói ra tủi hổ làm sao,
Anh đành đoạn nghĩa để phòng em trông.
Công tôi gánh gánh gồng gồng,
Giở ra theo chồng, bảy bị còn ba.
Xưa tôi ở cùng mẹ cha,
Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành.
Bây giờ tôi về cùng anh,
Anh tham nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Đất rắn nặn chẳng nên nồi,
Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chồng,
Anh đi lấy vợ cách sông,
Để tôi lấy chồng trước ngõ anh ra.
Đứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi anh ở bạc, em tìm nơi xa.
Vì đứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi anh ở bạc nên em phải tìm nơi xa.
Việc trong nhà chàng chẳng lo âu,
Chàng cứ theo đàng duyên nợ, chỉ sợ lỡ câu ân tình.
Thấy dạng anh đi rưng rưng nước mắt,
Thấy chân anh đi bước trăm đoạn li sầu.
Trách lòng quân tử nông sâu,
Đêm năm canh, chung tình với người ngoại,
Ngày sáu khắc, thả lưới buông câu cho em lầm.
Vợ anh như ngọc như ngà,
Anh còn tình phụ, nữa là thân tôi.
Vợ anh như thể đĩa xôi,
Anh còn phụ bạc nữa tôi cơm đùm.
Vợ anh như bát cơm xôi,
Anh còn chẳng chuộng nữa tôi cơm hàng.
Vợ anh tay bạc, tay vàng,
Anh còn chẳng chuộng nữa nàng tay không.
Từ ngày chưa bén duyên chàng,
Như chuông khác tiếng, như vàng pha thau.
Từ ngày ta bén duyên nhau,
Như áo phải dầu, gột cũng chẳng phai,
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo hoen mặc áo, dầu phai mặc dầu.
Bạc nên quá bạc,
Chồng hỡi là chồng.
Têm năm miếng trầu là sâu thiên hạ,
Bởi vì anh ở chạ nên em phải trả lại năm miếng trầu.
Anh đừng lên lên, xuống xuống chực chầu uổng công.
Trong cửa nọ mấy người tri kỷ,
Chàng nghĩ lại hữu thuỷ vô chung.
Tưởng rằng nên vợ nên chồng,
Chẳng hay chàng lại khéo khôn lọc lừa.
Bây giờ chàng đã ra người khác,
Tôi nghĩ như chàng có bạc hay không?
Nhớ chàng lắm lắm, chàng ơi!
Nhớ chỗ chàng đứng, nhớ nơi chàng nằm.
Vắng chàng, em vẫn hỏi thăm,
Nào em đã bỏ mấy năm mà hờn!
Chàng nghe kẻ đặt, người đơm,
Chàng nghe thấy tiếng, chàng hờn cho cam!
Chàng ơi! Em nhớ chàng thay,
Nỡ nào chàng dứt mối dây cho đành.
Sông Chu nước gợn bốn mùa,
Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê!
Nước rào chảy mãi xuống lên,
Anh vong tình rứa mãi, khi mô nên cửa nhà.
Phu phụ sao bạc như vôi,
Đôi ta chồng vợ như thoàn trôi giữa vời.
Nào khi gánh nặng em chờ
Qua truông em đợi, bây giờ phụ em.
Nào khi tôm luộc mướp bào,
Anh ăn, anh phụ, Trời nào để anh!
Nào khi hai đứa mình kê chung cùng gối
Bởi vì ai lỡ hội ra ri?
Trách ai quên ngãi bỏ nghì,
Đồng đen chê nhẹ, than chì khen nặng cân.
Đất trả cho vua, chùa trả cho sãi,
Bao nhiêu nhân ngãi, thiếp trả cho chàng.
Thiếp lui về chốn cũ để mở hàng bán buôn.
Đêm năm canh nghe con dế thốt,
Ngày sáu khắc, lần đốt ngón tay,
Hỡi ai! Duyên cớ ai bày!
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo!
Mủng sứt vành không bưng khó bợ,
Đồng tiền điếu vỡ, ai nỡ bán buôn.
Anh đi làm thợ trên nguồn,
No cơm, ấm áo, luông tuồng bỏ em.
Em trở về thì nằm sấp một bề, không trăn không trở,
Chết đi thì lỡ, sống lại thì phiền.
Em như con diều bay giữa chốn thanh thiên,
Để coi người bạn cũ đảo điên thế nào!
Không ai ở bạc như chàng,
Đương cơn sóng gió, chia vàng giữa sông.
Ví dù chàng ở có công,
Thời em lập miếu giữa sông mà thờ.
Gió thổi hiu hiu, chín chiều ruột thắt,
Làm chi chộ chắc thêm thương.
Tưởng là tóc vướng, tơ vương,
Không hay bên bạn sớm đường vợ con.
Đấy dứt tình thương, đoạn trường thân thiếp,
Nhớ trông tha thiết, tội nghiệp cho em!
Ôm sầu, chất thảm ngày đêm,
Năm canh lăn lộn, ngửa nghiêng một mình.
Em quyết theo anh, đầu xanh cho chí tóc bạc, đá tạc thành bia.
Không hay nghĩa nhơn sớm kết, vội lìa,
Bỏ mình em chịu sớm khuya một mình.
Em quyết theo anh đầu xanh tóc bạc,
Sống thời gởi nạc, thác thời gởi xương.
Không hay đáp lấy bợm lường,
Ở trung, mắc cạn, thế thường cười chê.
Đem em anh bỏ dưới gành,
Kéo neo mà chạy, sao đành chú lái ơi!
Dao vàng cắt ruột, máu rơi,
Ruột em chưa mấy bằng lời em than.
Đem em mà bỏ xuống gành,
Kéo neo mà chạy sao đành, anh ơi!
Đêm đêm góc biển chân trời,
Một mình em đứng, em ngồi, em nghe.
Em nghe hết giọng con ve,
Đến lời con cuốc gọi hè tiếc xuân!
Đấy lạ thì đây cũng lạ,
Em kêu anh dạ, thiên hạ đều khen.
Tưởng là đó nhúm, đây nhen,
Hai tim hiệp lại như đèn mới xinh.
Ai ngờ anh bạn phỉnh mình,
Qua cầu, rút nhịp để mình bơ vơ.
Đấy lạ thì đây cũng lạ,
Anh kêu em dạ, thiên hạ đều khen.
Tưởng là đó nhóm đây nhen,
Hai bên hiệp lại như đèn, mới xinh.
Ai ngờ anh lại phỉnh mình,
Qua cầu, rút ván để mình bơ vơ.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang.
Một tiếng anh than, ba bốn đôi vàng em không tiếc,
Anh lấy đặng của rồi, trốn biệt lánh thân.
Cửa Nhật Lệ, sông Gianh còn đó,
Chùa Non Nước sát núi Mẫu Sơn.
Dạ em đây ở thẳng như đờn,
Lòng anh cong queo, ăn ở thất nhơn, có Trời.
Đã từng lên dốc, xuống nương,
Anh sao ăn ở gạt lường rứa anh?
Chăn kia nửa đắp, nửa phong,
Gối kia nửa tựa, nửa mong duyên chàng.
Chẳng ai phụ bạc như chàng,
Bẻ cành gai bạc, lấp đàng lối đi.
Công em vun đất trồng đào,
Đến ngày ăn quả thời rào mất cây.
Biết rằng nông nổi thế này,
Thời em bẻ sạch những ngày đào non.
Cái cầu ba mươi sáu nhịp,
Em chẳng kịp nhắn vội với chàng.
Nghĩa tao khang sao chàng vội dứt,
Đêm nằm thao thức tưởng bức thư anh.
Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời,
Bây giờ anh ở bạc, ông Trời nào để anh.
Chàng đà bạc nghĩa thì thôi,
Dù chàng lên ngược, xuống xuôi mặc lòng.
Chàng đành, phụ mẫu không đành,
Lá cây che khuất ngọn ngành, trời ơi!
Còn gì nay đợi mai trông,
Nhạn kia chắp cánh theo rồng lên mây.
Trách ai làm đó lại xa đây,
Như con chim phượng xa cây ngô đồng.
Huệ tàn, bướm chẳng vãng lai,
Tình thương đã phụ, trúc mai kể gì !
Sợi chỉ ngũ sắc tím vàng…
Bùa yêu ăn phải, dạ càng ngẩn ngơ.
Biết đâu trong đục mà nhờ,
Hoa xuân mất tuyết, dễ nhờ cậy ai !
Nghi vệ đóng hai bên đường,
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.
Kẻ chiêng người trống đua nhau,
Tiếng khoan tiếng nhịp, tiếng mau dập dàng.
Vinh quy được rước về làng,
Trâu bò ta ngả để mang tế thần.
Để cho bảy huyện nhân dân,
No say được hội hoàng ân từ rày.
Căn duyên sáng tỏ trăm năm,
Bây giờ mình để tôi nằm phòng không.
Từ ngày rẻ thuý, chia oanh,
Nước Trời còn đó, sao đành phụ nhau.
Chàng ơi! Chẳng thấy chàng sang,
Bây giờ chữ “liễu” nét ngang mất rồi!
Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông,
No cơm, ấm chiếu, luông tuồng bỏ em.
Vợ chồng như bát nước đầy,
Trách ai nghiêng đổ để sầu tây cho mình.
Chữ đề lên đá lâu phai,
Đêm nằm nghĩ lại coi ai bạc tình.
Bởi anh ở bạc nhiều bề,
Cho nên cá mới bỏ về vực sâu.
Chim kêu ríu rít vườn dâu,
Bạc tình chi hỡi bạn, để chữ sầu cho em.
Chim kêu vườn thuỵ lâm luỵ thêm buồn,
Anh đi làm thợ, luông tuồng bỏ em.
Giơ tay ngắt ngọn cải xanh,
Hồi ni mới biết rằng anh bạc tình.
Duyên kia chưa thắm đã phai,
Chưa khâu đã rách, trách ai bạc tình.
Chẳng ưa dưa khú, bầu già,
Trước còn đằm thắm, sau ra nhạt nhùng.
Ngó lên nguyệt lặn sao dày,
Mấy lời phụ bạc ai bày cho anh?
Ngó lên nguyệt lặn sao thưa,
Dứt tình tại bạn, em chưa tiếng gì.
Nước trong thì bún mới trong,
Tình anh ở bạc vì lòng anh đen.
Qua cầu một trăm cái nhịp,
Em không theo kịp, kêu bớ hỡi chàng!
Cái điệu [đạo] tào khang sao chàng vội dứt?
Đêm nằm nghĩ tức, giọt luỵ tuôn rơi.
Nhón chân lên, kêu bớ trời ơi!
Ai bày mưu cho bạn, bạn dứt nơi ân tình.
Trách ai hết giấy bỏ bìa,
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa.
Hồi nào nhắn xuống, nhắn lên,
Bây giờ em đứng một bên, anh không nhìn.
Trách ai trồng chuối dưới bàu,
Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu xác xơ.
Coi vợ già như chó nằm nhà gác.
Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Trách con bươm bướm khôn ngoan,
Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Khá khen con bướm khôn ngoan,
Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Mồ cha con bướm khôn ngoan,
Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Tưởng rằng trọn thuỷ, trọn chung,
Không hay như pháo nổ đùng ngang lưng.
Khi xưa cầu luỵ trăm đàng,
Được rồi thì lại phũ phàng làm ngơ.
Gái thương chồng đương đông buổi chợ,
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Đêm qua: đêm lạnh, đêm lùng,
Đêm đắp áo ngắn, đêm chung áo dài.
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung.
Bây giờ sự đã nhạt nhùng,
Giấm thanh đổ biển, mấy thùng cho chua.
Xưa kia anh bủng, anh beo,
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh mạnh, anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Nào khi anh bủng, anh beo,
Tay cất chén thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh khỏi, anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Nào khi anh ốm anh đau,
Tay bưng chén thuốc vã đầu cho anh.
Bây giờ anh mạnh, anh lành,
Anh tham chốn khác, anh đành bỏ em.
Hoạ hổ, hoạ bì, nan tri hoạ cốt,
Tri nhơn, tri diện, bất tri tâm.
Ôi thôi rồi, thiếp đã lỡ lầm,
Chàng đà bạc nghĩa, thiếp ôm cầm mần chi!
Lý vọng Phu
Mẹ thương con mòn mỏi đôi mắt,
Thiếp nhớ chàng ruột thắt héo hon.
Ơi chàng ơi !
Chi mà tệ tệ rứa chàng!
Chi mà bạc bạc lắm chàng!
Phụ tình phàng duyên chi mấy.
Thiếp trông chàng mà chẳng thấy chàng đâu !
Ơi người tình nhơn ơi !
Ca
Phụ tình ơ phàng ơ duyên chi hơ mấy hơ,
Thiếp hơ trông hơ chàng, nay thiếp ơ trông ơ chàng mà chẳng thấy ơ chàng ơ đâu !
Ơi người ơ tình nhơn ơi, a chi mà tệ, tệ lắm ơ chàng ơ.
Chi mà bạc, bạc lắm nờ.
Ví dầu tình đã phụ phàng,
Xin đưa thiếp xuống đò ngang thiếp về.
Thiếp toan bồng bế con sang,
Thấy chàng bạc bẽo, thiếp mang con về.
Phải chi lên được trên trời,
Mượn gươm Hoàng Đế giết người bạc ân.
Vợ chồng như bát nước đầy,
Trách ai nghiêng đổ để sầu tây cho mình.
Ngày hôm phải chịu thất tình,
Bấy lâu nay rất uổng công trình xuống lên.
Phiền anh không vẹn chữ hai bên,
Yêu mới bỏ cũ mới khiến nên phân lìa.
Được bạn bỏ bè,
Được trâu vội vã chê bê khó cày.
Có mới nới cũ.
Có mới thì nới cũ ra,
Mới ở trong nhà, cũ ở ngoài sân.
Mới chuộng, cũ vong.
Có cam, phụ quýt.
Có khế, ế chanh.
Có lê, quên lựu; có trăng, quên đèn.
Có trăng, phụ đèn.
Có trăng, tình phụ lồng đèn.
Có trăng thì phụ lồng đèn,
Ba mươi, mồng một khôn tìm lấy trăng !
Có hoa sói, tình phụ hoa ngâu.
Có bát sứ, tình phụ bát đàn,
Nâng niu bát sứ có ngày vỡ tan.
Chơi trăng, quên đèn.
Trách ai được miếu, phụ nghè [loại miếu nhỏ hơn].
Được chiêng, phụ trống; được bè, phụ nan.
Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Trách ai lòng dạ đổi thay,
Hồng này để thối, cốm này để thiu.
Trách mình, chẳng trách ai đâu,
Trách con tằm bạc nghĩa bỏ nương dâu không nhìn.
Trách anh sao bạc nghĩa, vô nghì,
Bây giờ có đôi, có bạn, không nói gì với em.
Trách người mau lạt, mau phai,
Chẳng thương vợ yếu, chẳng hoài con thơ.
Bên đây sông, em bắc cái cầu năm mươi tấm ván,
Bên kia sông, em lập cái quán năm bảy từng thương.
Cái quán năm bảy từng thương
Là để người thương em đi buôn bán.
Cái cầu năm mươi tấm ván
Là để người thương em đi.
Trách anh sao bạc nghĩa vô nghì
Bây giờ có đôi bạn không tiếng gì với em.
Anh đừng thấy cá phụ canh,
Thấy toà nhà ngói, phụ tranh rừng già.
Thân thiếp như cánh hoa đào,
Đang tươi, đang tốt, thiếp trao cho chàng.
Bây giờ nhuỵ rữa, hoa tàn,
Vườn xuân nó kém, sao chàng lại chê?
Chàng cho đôi chữ thiếp về,
Dầu chàng năm thiếp, mười thê, mặc chàng.
Lắm quân quan, nhộn nhà hàng,
Lắn nơi lịch sự, hỡi chàng, chàng ơi!
Chàng ngồi, chàng nghĩ mà coi,
Sao chàng chẳng nghĩ những hồi ngày xưa.
Nào khi cờ bạc chàng thua,
Nào quần, nào áo, thiếp mua cho chàng.
Nào khi công nợ nhà hàng,
Thiếp tháo nhẫn bạc nhẫn vàng trao cho.
Nào khi trai gái nhà trò,
Một mình thân thiếp, chàng vò mấy phen.
Bây giờ chàng ăn ở ra dạ bạc đen,
Có bóng trăng, tình phụ bóng đèn thoảng qua.
Chàng từ, thiếp cũng xin thôi,
Bể hồ tát cạn, ai hôi mặc lòng.
Có trăng tình phụ bóng đèn,
Ba mươi mồng một, khôn tìm thấy trăng.
Có lá lốt, phụ xương sông,
Có chùa bên Bắc, miếu Đông để tàn.
Bạc tình chi lắm hỡi chim,
Bỏ cây khô héo, đi tìm cành xanh.
Nghe lời ai sớm dỗ, chiều dành,
Ngãi nhơn sao nỡ bạn tình bỏ ta.
Bạc tình chi lắm hỡi chim,
Bỏ nhành lê khô héo đi tìm nhành xanh.
Bạn ham nơi kẻ dỗ người dành,
Cho nên bạn lại bỏ đành duyên ta.
Có lá lốt, tình phụ xương xông,
Có chùa lên Bắc, miếu bên Đông để tàn.
Trách duyên, trách số lỡ làng,
Cầm gương, gương tối; cầm vàng, vàng phai.
Trách ai tham phú, phụ bần,
Tham xa mà bỏ nghĩa gần thuở xưa.
Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
Đặng lòng này, anh say lòng khác,
Đặng ngãi đó, anh bỏ ngãi đây.
Nên hay không nên, em cũng ở chốn này,
Để xem con hạc múa, con rồng xoay thế nào.
Thôi thôi đừng ơn, đừng ngãi,
Thôi thôi đừng phải đừng không,
Đừng vợ, đừng chồng, đừng gì hết thảy.
Anh có nơi rồi, rúng rẫy duyên em.
Trách ai tham đó bỏ đăng,
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.
Xin đừng tham đó, bỏ đăng,
Quên đèn vì bởi ánh trăng.
Sao anh lơi mối xích thằng, bớ anh.
Có bạc anh tình phụ tiền,
Có nhân có ngãi anh quên em rồi.
Có bạc thời tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, anh quên tôi rồi.
Có vả mà phụ lòng sung,
Có chùa bên bắc, bỏ miếu bên đông tồi tàn.
Có vả mà phụ lòng sung,
Mình về chốn cũ vấn vương nơi nào?
Xin đừng thấy quế, phụ hương,
Quế già quế rụi, hương trường thơm xa.
Tham đó, bỏ đăng.
Tham ván, bán thuyền.
Tham vàng, bỏ ngãi, anh ơi!
Vàng thì ăn hết, ngãi tôi hãy còn.
Có oản anh tình phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán tình, phụ cây đa,
Ba năm quán đổ, cây đa hãy còn.
Có mực anh tình phụ son,
Có kẻ đẹp dòn, anh phụ nhân duyên.
Có bạc, anh tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, anh quên em rồi.
Trăng lên vừa tới mái hiên,
Thiếp thảm, chàng phiền, có nhớ hay quên ?
Làm người, phụ bạc sao nên,
Trông xuống thẹn đất, trông lên thẹn trời.
Ngó lên cầu Trường Tiền, cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp.
Ngó lên tháp Thiên Mụ, tháp Thiên Mụ bảy tầng.
Anh xa em hay trọng phú khinh bần,
Mấy câu lương duyên em còn ghi tạc, chín mười phần dọi anh.
Có trăng, anh phụ bóng đèn,
Được nơi sang trọng, lời nguyền quên ngay.
Thị phú khinh bần
Có vàng, quên thau.
Được voi to, trâu bò chẳng kể.
Cây cao bị gió khó trèo,
Mình thấy đây vận bĩ, lâm nghèo, mình xa.
Đứng gần bên anh đôi chuỗi lên màu,
Trách lòng người nghĩa ham giàu bỏ em.
Tham giàu phụ khó ai khen,
Giả như con châu chấu rạng mặt bóng đèn bay vô.
Trách ai tham quý phụ bần,
Tham xa mà bỏ nghĩa gần thuở xưa.
Tham giàu, phụ khó,
Tham sang, phụ bần.
Tiếc công đóng giá chờ gàu,
Đó đà phụ khó tham giàu thì thôi.
Giàu sang nhiều kẻ đến nhà,
Khó khăn đến phải ruột rà xa nhau.
Anh em thậm thật là hiền,
Bởi một đồng tiền làm mất lòng nhau.
Tham thanh chuộng lạ tham thanh,
Chê đây quán nát lều tranh không ngồi.
Có bát sứ tình phụ bát đàn,
Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày.
Gớm thay thời buổi Tây, Tàu,
Bỏ đường trung nghĩa, ham cầu lợi danh.
Áo nâu, kiềng bạc sáng loà,
Làm cho anh bỏ vợ nhà anh theo.
Thiếp xa chàng bơ ngơ, báo ngáo,
Chàng xa thiếp như bộ nút vàng tra áo mình sô.
Chàng tham giàu, tham có nơi mô,
Phụ phàng duyên thiếp, đổ hô cho Trời.
Thiếp xa chàng võ vàng da tóc,
Trách người quân tử ngậm ngọc vô tâm.
Bởi vì ai tham nơi tiền bạc, nhẹ gánh tình thâm.
Bỏ duyên em lơ lửng, khó cầm, lỡ buông.
Hoạn nạn tương cứu,
Sinh tử bất li.
Bây giờ đặng chữ vinh quy,
Ham nơi quyền quý, nghĩ gì tới em.
Buồn từ trong dạ buồn ra,
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo.
Xuống đầm ngắt lá sen xanh,
Thấy chim loan phượng đỗ cành xoan dâu.
Người ơi, trở lại xơi trầu,
Ham nơi phú quý, bỏ nhau sao đành!
Đêm qua dồn dập mưa mau,
Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng.
Trách chàng phụ ngãi tham vàng,
Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ.
Biết nhau từ bấy đến giờ,
Đã cho bướm đậu thì chừa sâu ra.
Tham vàng, bỏ ngãi, chàng ơi!
Vàng ăn cũng hết, ngãi tôi vẫn còn.
Tham vàng bỏ đống gạch đầy,
Vàng thì ăn hết, gạch xây nên thành.
Bần cư náo thị vô nhân đáo,
Phú tại lâm sơn hữu viễn thân.
Bấy lâu nay em không biểu, anh cũng lại gần,
Bây giờ em sa cơ thất vận, em biểu mấy lần, anh cũng không vô.
Anh đừng thấy cá phụ canh,
Thấy toà nhà ngói, phụ tranh rừng già.
Tay bưng dĩa muối, chén tương,
Tương chua, muối chát, nhớ thương nghĩa chàng.
Bạn có gặp nơi nhà ngói, nhà sàn,
Nhớ hi áo rách lang thang chưa tề?
Bạn có gặp hàng lụa phủ phê,
Nhớ hồi áo rách xưa tê không chàng?
Ăn tiêu nhớ tới múi hành,
Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào.
Tham giàu, phụ nghĩa, ai khen,
Như con châu chấu thấy đèn nhảy vô.
Tham vàng phụ nghĩa, ai ơi!
Vàng rồi tiêu hết, nghĩa đời còn nguyên.
Anh chê em khó, lui về lấy đó giàu sang,
Mấy lâu ni đã làm nên đụn bạc non vàng nào chưa?
5 Số lượng những câu ca dao, tục ngữ nói về sự phụ bạc của người đàn bà trong tình yêu:
Em nói với anh
Như rựa chém xuống đất,
Như Phật chất vào lòng,
Hoạn nạn tương cứu,
Sanh tử bất ly.
Bây giờ đặng chữ vu quy,
Em đặng nơi quyền quý,
Em nghĩ gì tới anh!
Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khoá, trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai, chẳng chào!
Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Công anh dan díu với nàng bấy lâu.
Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng.
Năm trăm anh đốt cho nàng,
Còn năm trăm nửa giải oan lời thề.
Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai không chào!
Chim chuyền bụi ớt,
Rớt xuống bụi cà,
Hồi nào gắn bó với ta,
Bây giờ bội nghĩa ra đi lấy chồng.
Nào khi gánh nặng anh chờ,
Mỏi vai anh đỡ, bây giờ nghe ai!
Cầu Ô Thước trăm năm giữ vẹn,
Sông Ngân Hà giữ trọn đừng phai.
Sợ em ham chốn tiền tài,
Dứt đường nhân ngãi lâu dài bỏ anh.
Trồng chanh đắp nấm cho chanh.
Ngọn gió phất phơ, ngọn cỏ phơ phất,
Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.
Anh tới đâu, khôn đứng, lỡ ngồi,
Băn khoăn trong dạ, bồi hồi từng cơn.
Trách ai giọng quyển, giọng đờn,
Làm cho xa cách đã hơn mấy chiều.
Tội tâm tình lắm đó, người yêu!
Người yêu nên nghĩ lại, đã mấy chiều anh không ăn.
Hồi nào em nỉ nỉ, năn năn,
Anh bỏ công, bỏ việc, quên khăn vì nàng.
Sao giờ em cắt gánh giữa đàng,
Làm cho hai ngã ngỡ ngàng lương duyên.
Khuyên em giữ trọn lời nguyền,
Trước sao sau vậy, đừng để phiền cho anh.
Ngọn gió phất phơ, ngọn cỏ phơ phất,
Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.
Phận anh, mẹ goá con côi,
Chỗ ăn không có, chỗ ngồi cũng không.
Nhà thì đi đụng đòn dông,
Đêm nằm dưới đất, trơ không chiếu giường.
Liệu bề thương đặng thì thương,
Đừng trao gánh nặng giữa đường tội anh.
Bậu đừng tham đó, bỏ đăng,
Chơi lê, quên lựu; chơi trăng, quên đèn.
Mình đừng đặng cá quên nơm,
Đôi ta gá nghĩa danh thơm ở đời.
Cóc nghiến răng còn động lòng Trời,
Sao mình chẳng tưởng mấy lời tôi than.
Đờn tranh dây xế, dây xang,
Anh còn thương bạn, bạn khoan lấy chồng.
Ngọn lan trắng: ngọn vắn, ngọn dài,
Rau tần ô : ngã dọc, ngã ngang.
Trái dưa gang: sọc đen, sọc trắng,
Ngọn rau đắng: trong trắng, ngoài xanh.
Chim quyên uốn lưỡi trên cành,
Bởi em ở bạc, ông Trời nào để em.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, em quên anh rồi.
Có oản, em tình phụ xôi,
Có cam, phụ quýt, có người phụ ta.
Có chả, em tình phụ xôi,
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Có quán tình, phụ cây đa.
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Có mực, em tình phụ son,
Có kẻ đẹp giòn, em phu nhân duyên.
Có bạc, em tình phụ tiền,
Có nhân ngãi mới, quên người tình xưa!
Dứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi em ở bạc trước, xin đừng trách nhau.
Tiền tài như phấn thổ,
Nhân nghĩa tựa thiên kim.
Đứt dây nên gỗ mới chìm,
Bởi em ở bạc nên anh phải tìm nơi xa.
Tiền là gạch, ngãi là vàng.
Em đừng nói tốt như bột huỳnh tinh,
Hay đâu em bậu bạc tình lắm thay!
Trồng tre cho biết thứ tre,
Thứ tre lộc ngộc, thứ tre là ngà.
Trồng cà cho biết thứ cà,
Thứ cà tim tím, thứ cà xanh xanh.
Trồng chanh cho biết thứ chanh,
Thứ chanh ăn quả, thứ chanh gội đầu.
Trồng dâu cho biết thứ dâu,
Thứ dâu ăn quả, thứ dâu chăn tằm.
Một nong tằm là năm nong kén,
Một nong kén là chín nén tơ.
Công anh năm đợi tháng chờ,
Sao em dứt chỉ lìa tơ cho đành.
Đẹp chi cái áo vải sồng,
Đẹp chi con gái lộn chồng mà thương.
Kẻ chồng còn đó trơ trơ,
Cùng người khác đã đợi chờ tình chung.
Kẻ thời mới khuất mặt chồng,
Chưa xanh ngọn cỏ, cải dong, biến nghì.
6 Số lượng những câu ca dao, tục ngữ nói về sự chung thuỷ và ước muốn chung thuỷ:
Lìa cây, lìa cội, ai nỡ lìa hoa,
Lìa người bội bạc chớ đôi ta đừng lìa.
Thương nhau, cắt tóc mà thề,
Khó nghèo cũng chịu, chớ hề phụ nhau.
Mình có thương, mình chặt tóc mình thề,
Chỉ trời, vạch đất, chớ hề bỏ nhau.
Lời giao ngôn đá nát vàng phai,
Dặn em đừng nhẹ dạ thương ai bao giờ.
Tôi với mình nguyền thệ giữa trời,
Giữ đồng sanh tử ghi lời chớ quên.
Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ ham phú quý, đi cầu trăng hoa.
Trăng kia khi khuyết, khi tròn,
Lời thề biển cạn, non mòn, chớ sai.
Nhằm cơn gió mát trăng thanh,
Hai đứa ta van vái cao xanh chứng cùng:
Trước sau hai chữ thỉ chung,
Giải đồng nắm chặt chớ vội đừng lạt phai.
Biển cạn, lời nguyền không cạn,
Núi lở mòn, nghĩa bạn không quên.
Đường mòn sáng xuống chiều lên,
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
Sông cạn, biển cạn, lời nguyền không cạn,
Núi lở mòn, nghĩa bạn không quên.
Đường mòn sáng xuống chiều lên,
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
Đêm khuya trăng tỏ gió thanh,
Tứ bề vắng lặng cùng anh dựa kề.
Cùng nhau cất một tiếng thề:
Sơn cùng thuỷ tận chớ hề sa tâm,
Nguyện cùng nhau hai chữ sắt cầm.
Hai ta như trái đậu quyên,
Dù sinh dù tử cũng nguyền có nhau.
Trăm năm tạc dạ ghi lời,
Dầu mà biển cạn, non dời đừng quên.
Căn duyên này cũng bởi hoá công,
Ông tơ đã buộc chỉ hồng hôm nay.
Dầu mà chẳng được sum vầy,
Gặp mình than vãn cũng đỡ khuây chút tình.
Ôm nhau thề nguyện ba sinh,
Ai mà bội nghĩa thần linh chứng nguyền.
Lời thề chứng có nước non,
Vàng tan ngọc nát vẫn còn thương nhau.
Nguyện cùng nhau, đất chín, trời mười,
Trăm năm không bỏ nghĩa người cố tri.
Trời cao bể rộng mênh mông,
Ở sao cho trọn tấm tình phu thê,
Trót đà ngọc ước vàng thề,
Dẫu rằng cách trở sơn khê cũng liều.
Vợ chồng đầu gối má kề,
Làm sao mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chận lại đá ngang,
Về sao cho đứt cho đang mà về.
Củi than lem luốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh đi Tam hiệp, em mang nón trình.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá, đôi đứa mình chớ quên.
Tháp trải nắng sương, cau nương sắt đá,
Dẫu người thiên hạ, tiếng ngả, lời nghiêng.
Cao thâm đã chứng lòng nguyền,
Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi đứa mình.
Non sông nặng gánh chung tình.
Ai mà ở lỗi lời nguyền,
Xuống ghe, ghe úp; xuống thuyền, thuyền trôi.
Tháp kia còn đứng đủ đôi,
Cầu kia đủ cặp huống chi tôi với mình.
Tháp trải nắng sương, cầu nương sắt đá,
Dẫu người thiên hạ tiếng ngã lời nghiêng.
Cao thâm đã chứng lòng nguyền,
Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi đứa mình.
Non sông nặng gánh chung tình.
Ở sao cho vẹn cho toàn,
Giao ngôn chớ phụ, nghĩa vàng chớ vong.
Thề nguyền sau trước nhất ngôn:
Sống nằm chung gối, chết chôn chung mồ.
Trăm năm ghi tạc chữ đồng,
Dù ai thêu phụng, vẽ rồng, mặc ai.
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Bao giờ cạn nước Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.
Tôi về thề trước miếu ông,
Sống nằm một chiếu, chết chung một mồ.
Tôi với mình thề trước miếu ông,
Sống nằm một chiếu, chết chung một mồ.
Thương nhau tạc một chữ tình,
Trăm năm thề quyết bạn, mình có nhau.
Nguyện cùng nhau đất chín, trời mười,
Trăm năm không bỏ nghĩa người cố tri.
Chừng nào cho sóng bỏ gành,
Cù lao bỏ biển, em mới đành bỏ anh.
Sóng xao, mình vịt ướt lông,
Rùa kêu, đá nổi, thiếp không bỏ chàng.
Thuỷ chung em giữ trọn lời,
Chết đi thì chịu, lìa đôi không lìa.
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Bóng trăng ngã lộn bóng tre,
Chàng ơi! Đứng lại mà nghe em thề.
Vườn đào, vườn lựu, vườn lê,
Con ong kia bắt nhuỵ, con bướm kia ra ngoài.
Chàng về nghĩ lại mà coi,
Tâm tình em ở, gương soi nào bằng!
Trời cao, đất rộng, em vọng lời nguyền,
Bớ anh ơi!
Đất trời còn đó, em giữ tuyền thỉ chung.
Một lời thề, không duyên thời nợ,
Hai lời thề, không vợ thời chồng.
Ba lời thề, khai núi lấp sông,
Em quyết theo anh cho trọn, kèo uổng công anh chờ.
Một miếng trầu, năm ba lời dặn,
Một chén rượu năm bảy lời giao.
Anh chớ nghe ai sóng bể ba đào,
Em đây giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng sao em buồn.
Lời em nói ra bằng ba lời thề thốt,
Như đinh đóng cột,
Như rìu cốt vào cây.
Anh đừng ngại gió, e mây,
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.
Nói ra, dạ giữ lấy lời,
Lênh đênh mặt biển chân trời quản bao.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
Chừng nào muối ngọt chanh thanh,
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng.
Đàn tranh sánh với đàn cầm,
Một đây, một đấy, đáng trăm lạng vàng.
Còn đang tạc đá ghi vàng,
Ngô đồng nở bỏ phượng hoàng ngẩn ngơ.
Mấy năm em cũng xin chờ,
Cầm bằng tóc bạc như tơ cũng đành.
Một dạ, một lòng.
Thuỷ chung như nhất.
Thuyền dời nhưng bến chẳng dời.
Dù cho cạn nước Thu Bồn,
Hải Vân hoá cát, biển đông thành đèo.
Dù cho cay đắng trăm chiều,
Cũng không lay được tình keo nghĩa dày.
Dù cho…cho đến bao giờ,
Lòng đây, dạ đấy vẫn trơ như đồng.
Đêm đêm tưởng dạng ngân hà,
Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy, lòng còn trơ trơ.
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau.
Thuyền ai lơ lửng bên sông,
Hay thuyền chú lái chờ chồng tôi chăng.
Ngày ngày ra đứng bờ sông,
Hỏi thăm chú lái nào chồng tôi đâu?
Chồng em còn ở sông ngâu,
Buôn chè Mạnh Hảo năm sau mới về.
Biển sâu cá lội biệt tăm,
Dẫu chờ, dẫu đợi, trăm năm cũng chờ.
Sông sâu cá lượn lờ đờ,
Dầu trông, dầu đợi, quyết chờ trăm năm.
Chừng nào núi Bụt hết cây,
Lại Giang hết nước, dạ này hết thương.
Sông cách, biển cách, lòng ta khôn cách,
Đá lở non mòn, nghĩa bạn không quên.
Trăm năm ai chớ bỏ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài thành kim.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dầu ai đem bạc đổi chì vẫn không.
Muối mặn ba năm, muối hãy còn mặn,
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đạo vợ chồng, đừng có đổi thay,
Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày vẫn theo.
Đạo cang thường khó lắm bạn ơi!
Chẳng dễ như ong bướm, đậu rồi lại bay.
Đạo cang thường khá dễ đổi thay,
Dầu làm nên võng giá, rủi ăn mày cũng cứ theo nhau.
Gương không có thuỷ gương mờ,
Thuyền không có lái, lửng lơ giữa dòng.
Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
Cho thuyền cập bến, gương trong ngàn đời.
Trăm năm kẻ mất người còn,
Gió mưa giữ trọn lòng son ở đời.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dầu ai thay cúc, đổi khuy cũng đừng.
Trăm năm tạc một chữ đồng,
Dầu ai thêu phụng, vẽ rồng mặc ai.
Trăm năm ý quyết một lòng,
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.
Dầu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào.
Trăm năm ước hẹn chung tình,
Trên trời dưới đất chỉ mình với ta.
Vàng ròng vào lửa chẳng phai,
Búa rìu sấm sét, không phai ân tình.
Ai làm cho đó xa đây,
Cho chim chèo bẻo xa cây măng vòi.
Anh ơi nghĩ lại mà coi,
Tấm lòng em ở gương soi nào bằng.
-Em đừng than ngắn thở dài,
Nghĩa em anh giữ nào phai tấc lòng.
Đôi ta đã tạc chữ đồng,
Tử sinh, sinh tử, một lòng có nhau.
Đã rằng là nghĩa vợ chồng,
Dẫu cho nghiêng núi, cạn sông, chẳng dời.
Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Thương cho đến thuở bạc đầu vẫn thương.
Vợ chồng là nghĩa phu thê,
Tay ấp má kề, sinh tử có nhau.
Nơi nào chí quyết một nơi,
Làm người nay đổi mai dời sao nên.
Tay cầm đĩa muối sáng rau,
Thuỷ chung như nhất, sang giàu mặc ai.
Dù ai lấp biển, dời non,
Lòng ta vẫn giữ sắt son cùng người.
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ.
Dù cho núi lở non mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.
Đói no một vợ, một chồng.
Đói no có vợ có chồng,
Chia niêu sẻ đấu, đau lòng nát gan.
Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng chờ.
Đường lên xứ Lạng bao xa,
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi, đứng lại mà trông,
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam cờ.
Anh chớ thấy em lắm bạn mà ngờ,
Bụng em vẫn trắng như tờ giấy phong.
Anh đi đằng ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?
Vọng Phu thuộc dãy Núi Bà,
Tượng sơn chất ngất gọi là Hòn Ông.
Phải chi đây vợ, đó chồng,
Gánh tương tư đỡ nặng lòng nước non.
Ra về lòng lại dặn lòng,
Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.
Yêu nhau Tâm trí hao mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.
Đôi ta như lúa phai màu,
Đẹp duyên thì lấy, tham giàu làm chi!
Đôi ta ở đất làm thừng,
Trăm chắp ngàn nối, xin đừng quên nhau.
Dầu mà trời đất phân chia,
Đôi ta như khoá với chìa đừng rơi.
Xa mình, thở chẳng ra hơi,
Chồng Nam, vợ Bắc, trời ơi là trời.
Đưa tay phân chứng vời trời,
Đôi ta như khoá với chìa,
Trọn niềm chung thuỷ, đừng lìa mới hay.
Dãy dọc toà ngang, giàu sang có số,
Kim Long, Nam Phổ, nước đổ về Sình.
Như đôi đứa mình, chút nghĩa ba sinh,
Có làm răng đi nữa, chúng mình không bỏ nhau!
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng về.
Hai tay bưng bát nước đầy,
Nâng lên đừng trắc, để xuống đừng triền.
Hai ta như trái đậu quyên,
Nhất sanh, nhì tử cũng nguyền có nhau.
Mắm cua chấm với đọt vừng,
Họ xa mặc họ, ta đừng bỏ nhau.
Biết nhau từ thuở buôn thừng,
Trăm chắp, nghìn nối, xin đừng bỏ nhau.
Muối ba năm còn mặn,
Gừng chín tháng còn cay.
Đạo can thường chớ đổi, đừng thay,
Dẫu làm nên danh vọng hay rủi ăn mày, ta vẫn thương nhau.
Muối mặn ba năm, muối hãy còn mặn,
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi, đừng thay.
Dẫu có làm nên danh vọng, hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau.
Theo nhau cho trọn đạo Trời,
Dẫu rằng không chiếu, trải tơi mà nằm.
Ở cho chung thuỷ vẹn toàn,
Lên non, lên dõi; xuống thuyền, xuống theo.
Ai về ai ở mặc ai,
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.
Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
Cho thuyền cập bến, gương trong nghìn đời.
Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau.
Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Núi Mẫu Sơn cao bao nhiêu trượng,
Sông Lệ Thuỷ sâu bấy nhiêu tầm.
Dừng thuyền đợi bạn tri âm,
Non mòn biển cạn, quyết không phai lòng.
Vợ chồng chăn chiếu chẳng rời,
Bán buôn là nghĩa ở đời với nhau.
Vợ chồng đồng tịch đồng sàng,
Đồng sinh đồng tử cưu mang đồng lần.
Vợ chồng gửi xương, gửi thịt.
Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi! Chớ nghĩ những lời thiệt hơn.
Đổi quần đổi áo thời nay,
Đổi chồng, đổi vợ xưa nay chẳng lành.
Đôi ta như áo vải màu,
Trăm giặt, nghìn gội, dãi dầu không phai.
Dầu chàng năm bảy mặt con,
Thiếp đôi ba lứa vẫn còn nhớ nhau.
Trời cao bể rộng thinh thinh,
Ở sao cho trọn chút tình phu thê.
Yêu nhau ruột héo, xương mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.
Yêu nhau từ thuở má hồng,
Đến khi má tóp, lưng còng, vẫn yêu.
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ, ngàn năm cũng chờ.
Sông sâu cá lội vào bờ,
Phải duyên thì lấy, đợi chờ nhau chi.
Sông sâu cá lội mất tăm,
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ.
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.
Ai về ai ở mặc ai,
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.
Trăm năm ai chớ bỏ ai!
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Trăng tròn chỉ có đêm rằm,
Tình ta tháng tháng, năm năm vẫn còn.
Gái trai cất giọng đêm hè,
Tình ta trăng gió nghiêng về nước non.
Sông sâu nước chảy đá mòn,
Lòng ta sau trước sắt son không rời.
Mong sao anh biến ra tằm,
Em biến ra nống, ta nằm chung chơi.
Khi nào cho hợp hai hơi,
Nghiêng tai nói nhỏ đôi lời thuỷ chung.
Gái goá chồng, phòng không trực tiết,
Trai goá vợ, mãi miết ngoài đường.
Chồng ta áo rách ta thương.
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương, mặc người.
Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương, mặc người.
Thương ai bằng nỗi thương con,
Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng.
Không thiêng cũng thể bụt nhà,
Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em.
Không thiêng cũng thể bụt nhà,
Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em.
Ngu si cũng thể chồng ta,
Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người.
Xấu xa cũng thể chồng ta,
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người.
Giữ lòng bền chặt với chồng,
Dù ai thêu phượng, vẽ rồng, mặc ai.
Trăm năm giữ vẹn chữ tòng,
Sống sao thác vậy, một lòng mà thôi.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dẫu ai đem bạc đổi chì mặc ai.
Ví dầu cha đánh, mẹ treo,
Đứt dây, té xuống, em theo đến cùng.
Xa cây, xa cội, chẳng vội xa cành,
Thác vong cam chịu, sống không đành xa anh.
Dầu ai gieo tiếng ngọc, dẫu ai đọc lời vàng,
Trớ trêu khúc phụng, khúc hoàng.
Lòng em không giống như nàng Văn Quân.
Tàu xúp lê một, em còn trông đợi,
Tàu xúp lê hai, em còn đợi, còn chờ.
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển,
Hai tay em vịn song sắt, nước mắt nhỏ dòng,
Em kêu hỏi chú tài công lấy khăn lông em chặm,
Đạo vợ chồng ngàn dặm, em không quên.
Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi!
Sông Nhị nước chảy phân đôi một dòng.
Đôi ta chua ngọt đã từng,
Thành cao, sóng mạnh, cũng xin đừng quên ai.
Võng này đan sợi đay già,
Em đi kén võng đã ba năm chầy.
Đôi ta chung mẹ, chung thầy,
Đêm trăng chung võng, vơi đầy thuỷ chung.
Một mình vừa chẻ vừa đan,
Lỗi lầm thì chịu, phàn nàn cùng ai.
Võng này đan sợi đay già,
Em đi kén võng đã ba năm chầy.
Đôi ta chung mẹ chung thầy,
Đêm trăng chung võng, vơi đầy thuỷ chung.
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ,
Sa Huỳnh khô đất, em mới từ nghĩa anh.
Quế già, quế lại càng tốt,
Mía già, mía lại càng ngon.
Anh ơi! Anh có thương em mà đạo nghĩa vuông tròn,
Cách mấy sông em cũng lội, mà mấy đò em cũng đưa.
Tam tùng tứ đức, nhứt nhị chung,
Dẫu cho mạng chịu bần cùng,
Bớ anh ơi!
Em tỷ như Tào thị thờ chồng chung thân.
Mình về, tôi cũng về theo,
Sum vầy phu phụ, đói nghèo có nhau.
Dù khi đĩa muối, chén rau,
Thuỷ chung ta giữ, sang giàu mặc ai.
Trăm năm không bỏ nghĩa chàng,
Mặc ai chọn bạc, đổi vàng mặc ai.
Nữ với tử, nó là chữ hảo,
Hoá với thảo, nó là chữ hoa.
Hảo hoa em gìn giữ trong nhà,
Anh ơi!
Đón ngăn ong bướm để mà đợi anh.
Trăm năm tượng rách còn thờ,
Lỡ duyên, chịu lỡ, quyết chờ đợi anh.
Trượng phu anh xử nghĩa vuông tròn,
Ngàn năm lưu lạc, dạ còn thương anh.
Người ta thích lấy nhiều chồng,
Tôi đây chỉ thích một ông thật bền.
Thật bền như tượng đồng đen,
Trăm năm quyết với cùng em một lòng.
Chừng nào muối ngọt, chanh thanh,
Em đây mới lãng quên anh, đi lấy chồng.
Dẫu mà đan giỏ thả sông,
Trôi lên trôi xuống, em cũng không bỏ chàng.
Dẫu mà tội bắt lên quan,
Tôi em, em chịu; tội chàng, em xin.
Dù ai gieo tiếng ngọc,
Dù ai đọc lời vàng,
Bông sen hết nhuỵ, bông tàn.
Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga.
Một lòng kết tóc, xe tơ,
Một niềm chỉ đợi, chỉ chờ một anh.
Yêu anh, cốt rũ, xương mòn,
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.
Ba bốn năm, tấm tượng rách tôi cũng còn thờ,
Lòng tôi thương ai biết, dạ tôi chờ ai hay.
Anh đứng ở Nha Trang trông sang xóm Bóng,
Ánh trăng lờ mờ lượn sóng lăn tăn.
Gần nhau chưa kịp nói năng,
Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng!
Biển sâu con cá vẫy vùng,
Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư.
Anh nguyền cùng em bao giờ Hòn Chữ ể tư,
Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em.
Chừng nào biển nọ xa gành,
Cù lao xa sóng, anh mới đành xa em.
Chừng nào biển cạn thành ao,
Bắc cầu chiếc đũa mà trao ân tình.
Em ơi! Ta nguyện nhau cùng,
Răng long, tóc bạc, ta đừng quên nhau.
Trời mưa lác đác ruộng dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.
Bước chân xuống hái dâu này,
Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng.
Xa xôi ai có tỏ chừng?
Gian nan tân khổ, ta đừng quên nhau.
Tam cang ngũ thường giữ đủ vẹn toàn,
Dẫu cho sang cả anh không màng,
Em ơi!
Anh tỷ như Bình-Trọng bạn vàng chẳng quên.
Tôi còn thương bạn, bạn ôi!
Nỡ nào người nghĩa dứt đôi cho đành.
Chừng nào cho sóng bỏ gành,
Cù lao bỏ biển, anh đành bỏ em.
Chừng nào Hòn Chữ bể tư,
Cửa Nha Trang cạn nước, anh mới từ nghĩa em.
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau.
Năm ngoái anh lên ngọn sông Ngâu,
Dầm sương dãi nắng chẳng tìm đâu bằng nàng.
Năm nay anh về, lắm bạc, nhiều vàng,
Để anh sắm sửa thời nàng lấy anh.
Lấy anh, anh sắm sửa cho,
Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời.
Khuyên em có bấy nhiêu lời,
Thuỷ chung như nhất là người phải nghe.
Mùa đông lụa lụa, the the,
Mùa hè bán bạc hoa xoè, sắm khăn.
Sắm gối thì phải sắm chăn,
Sắm gương, sắm lược, sắm ngăn đựng trầu.
Sắm cho em đôi lược chải đầu,
Cái ống đựng sáp chải đầu cho xinh.
Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Hà Nội, Nam Định dọn đàng đưa dâu.
Tĩnh, Thanh cũng đốn trầu cau,
Nghệ An thời phải thui trâu, mổ bò.
Hưng Yên quạt nươc hoả lò,
Thái Bình thời phải giã giò, gói nem.
Ninh Bình rải chiếu, bưng mâm,
Hải Dương vót đũa, Hà Đông đúc nồi.
Sơn Tây gánh đá nung vôi,
Bắc Kạn thời phải thổi xôi, nấu chè.
Gia Định hầu điếu, hầu xe,
Phủ Đình thời phải chém tre, bắc cầu.
Anh mời mười tám nước chư hầu,
Nước Tây, nước Tàu, anh gửi thư sang.
Anh mời hai họ nhà Trời,
Ông Sấm, ông Sét, đứng đầu Thiên Lôi.
Trên trăng dưới nước, anh ước một lời,
Dù trăng mờ, nước cạn, anh cũng không rời, phụ em.
Tào khang chi thê, bất khả hạ đường; bần tiện chi giao, mạc khả vong.
0 Comments