Bài III
Những Niềm Tin Cốt lõi của Người Bình dân Việt Nam
Như Là Những Giá trị Nền tảng cho Cuộc Sống
(Tiếp theo Bài II)
Tronng bài I, chúng tôi trình bày niềm tin của người bình dân Việt Nam vào trí thông minh như là một công cụ để thực hiện những lựa chọn thích hợp cho cuộc sống. Chủ điểm của bài II là niềm tin vào giá trị của cần lao, một phương tiện tạo nên những sản phẩm vật chất cần thiết cho cuộc sinh tồn. Nhưng ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn có những nhu cầu tinh thần. Do đó, bài này (bài III) tập trung vào niềm tin của người bình dân Việt Nam vào những giá trị tinh thần tiêu biểu nhất. Khi nói đến những giá trị tinh thần, người ta không thể không nói đến ảnh hưởng của đạo Nho về quan điểm Nhân Nghĩa. Nhân Nghĩa là phạm trù chủ đạo của Nho giáo. Và Nhân Nghĩa của Nho giáo là một ý niệm trừu tượng. Khi Tử Trương hỏi Khổng Tử ý nghĩa của từ “Nhân” thì Khổng Tử định nghĩa bằng cách khai triển nội hàm ngữ nghĩa của từ “Nhân” với 5 từ trừu tượng khác, theo phương pháp quy nạp. Và khi được hỏi đến ý nghĩa của từ “Nghĩa” thì Khổng Tử trả lời là “đạo lí”, là “lẽ phải” trong lúc “đạo lí”, “lẽ phải” cũng chỉ là những từ ngữ mang tính trừu tượng, chưa được cụ thể hoá bằng những thí dụ về hành động trong cuộc sống. Khổng Tử còn dùng phương pháp diễn dịch bằng cách đối nghịch ngữ nghĩa, như “Nghĩa” đối nghịch với “Lợi”, để làm sáng tỏ ý nghĩa của từ “Nghĩa”. Đạo Nhân của Khổng Tử bao trùm Nghĩa trong lúc Mạnh Tử và nhất là Tuân Tử lại đặt Nghĩa ngang hàng với Nhân theo quan điểm là không những Nghĩa đối nghịch với Lợi mà còn có nghĩa là lẽ phải, điều nên làm theo bổn phận được đề xuất từ góc độ “lí” còn Nhân, theo Tuân Tử, nghiêng về “đức” hơn1 . Tuy nhiên, những lối giải thích này chỉ là một cuộc phiêu lưu không có điểm ngừng, đi từ từ ngữ trừu tượng này đến từ ngữ trừu tượng khác mà trong thực tế chỉ nên để dành cho những học giả chuyên cứu về lí thuyết hơn là cho những người bình dân.
Người bình dân Việt Nam tiếp nhận Nhân Nghĩa bằng trực giác và thường hiểu Nhân Nghĩa như là một phạm trù chung trong ý nghĩa Nhân Nghĩa là tình thương người cùng với trách nhiệm và bổn phận đối với người mình thương yêu.
Mặc dù Nhân Nghĩa là quan điểm chủ đạo của Nho giáo, chúng ta cũng không thể kết luận Nhân Nghĩa là nguyên nhân duy nhất của niềm tin của người bình dân vào tình người vì Phật giáo cũng vinh danh tình người qua quan điểm Từ bi, và Công giáo qua quan điểm Bác ái. Thực ra, ai cũng biết được cái thiện và cái ác luôn luôn hiện hữu song hành trong cuộc sống, và theo lẽ thường (common sense), sinh tồn đòi hỏi con người phải chọn “thiện” (bao gồm tình người): “cải ác vi thiện”; còn “ác”, theo kinh nghiệm thực tế, chỉ gây đau khổ và phiền não. Do đó, tình thương là một yếu tính đương nhiên của nhân sinh mang tính thuyết phục. Trong bối cảnh này, người bình dân Việt Nam đã cổ vũ và vinh danh tình yêu.
Thương người, người lại thương ta,
Ghét người, người lại hoá ra ghét mình.
Yêu con người, mát con ta.
Yêu người mới được người yêu ta.
Và họ chê bai những người giàu có, nhưng lại có tính bủn xỉn và ca tụng những người dù nghèo khó, nhưng vẫn có lòng thương người
Những người lúa đụn, tiền kho,
Ruột bằng chạc chỉn (sợi chỉ), miệng to bằng trời.
Những người đói rách tả tơi,
Rộng lòng đùm bọc những người sa cơ.
Và tiêu chuẩn cần và đủ của tình người là yêu người như yêu chính bản thân:
Thương người như thể thương thân
Một yếu tính khác của tình người là yêu cầu xã thân, nghĩa là hi sinh cho tha nhân. Yêu cầu này dựa trên quan niệm nhân quả: mình có hi sinh cho người khác thì người khác mới hi sinh cho mình:
Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Người bình dân Việt Nam cổ xuý tình người không khẩn thiết là vì đã thấm nhuần tinh thần Nho giáo mà rất có thể còn vì kinh nghiệm thực tế hằng ngày của họ cho họ thấy sức mạnh của tình yêu cũng như của hận thù. Một khi người ta đã yêu thì cái gì cũng tốt, cũng đẹp; khi đã ghét thì cái gì cũng xấu xa, không thể cứu vãn được.
Khi lành quạt giấy cũng cho,
Khi dữ quạt mo cũng đòi.
Yêu ai thì bốc lên trời, ghét ai thì dìm xuống đất.
Yêu, chia tiền chia thóc; không yêu, cắm cọc, rào sân.
Lúc thương nhau, cho đường thêm bánh,
Khi ghét nhau, tay đánh miệng la.
Thương thì củ ấu cũng tròn,
Không thương thì quả bồ hòn cũng méo.
Lúc ghét, bẻ ngay hoá vẹo,
Khi ưa, vẽ méo nên tròn.
Không ưa, đổ thừa cho xấu.
Không ưa thì dưa có giòi.
Yêu nhau xé lụa may quần,
Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra.
Yêu nhau, yêu cả đường đi,
Ghét nhau, ghét tới tông ti họ hàng.
Yêu nhau thì nói quá ưa,
Ghét nhau nói thiếu, nói thừa như không.
Và họ ý hội được là tình yêu có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện dù khó khăn đến mức nào:
Yêu, nói liều cũng đúng.
Để là hòn đất, cất nên ông Bụt.
Yêu nhau, yêu cả đường đi.
Yêu nhau mọi việc chẳng nề,
Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Yêu nhau, mấy núi cũng leo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Yêu nhau, tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát khe cũng lội, tứ cửu tam-thập-lục đèo cũng qua.
Lỗ mũi em thì tám gánh lông,
Chồng yêu, chồng bảo tơ hồng Trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ, thì hay ăn quà,
Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Trong Nho giáo, Nhân Nghĩa là một phạm trù đạo đức được áp dụng một cách tổng quát trong những quan hệ với tha nhân. Tuy nhiên, người ta không thấy thí dụ cho những trường hợp cụ thể. Nhân Nghĩa, trong cuộc sống thực tế của người bình dân Việt Nam, đặc biệt được thể hiện nhiều nhất và cụ thể hơn cả trong quan hệ lứa đôi và quan hệ vợ chồng. Trong bối cảnh của những mối quan hệ này, người ta có thể nhận thấy bàng bạc trong văn chương bình dân người đàn bà thường chú trọng đến phần “tình yêu” (Nhân/Nhơn) hơn và dành phần “nghĩa” (trách nhiệm và bổn phận) cho người đàn ông.
Ngồi mà dệt tấm tơ lòng,
Chàng mong chữ nghĩa, thiếp mong chữ tình.
Thiếp trao chàng câu ân, câu ái,
Chàng trao thiếp câu ngãi, câu nhân.
Cả bốn câu hợp lại Tấn với Tần nên duyên.
_Gặp lúc đêm khuya trăng tỏ,
Hát đôi câu đặng rõ nhân tình.
Phòng loan thục nữ một mình,
Hay là đã kết duyên tình cùng ai?
_Vẳng tai nghe ai hát,
Lòng đây bát ngát nỗi phiền.
Cô phòng giữ dạ thuyền quyên,
Chờ nơi nhân đạo, em nguyền trao thân.
Sầu ai mặt nọ không vui,
Hay sầu duyên nợ, nói tui sầu giùm.
Ruộng sâu cấy lúa đứng chùm,
Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn.
Cầu mô cao bằng cầu danh vọng,
Nghĩa mô nặng bằng nghĩa chồng con.
Ví dầu nước chảy đá mòn,
Xa nhau nghìn dặm, lòng còn nhớ thương.
Ruột tằm đày đoạn tơ vương,
Thấy anh có nghĩa, náu nương đợi chờ.
Đốm bò miệng chậu sáng trưng,
Thấy mình có nghĩa, lòng ưng dạ đành.
Cây đa cũ, bến đò xưa,
Người mà có nghĩa, nắng mưa cũng chờ.
Tuy nhiên, thông thường người ta thấy từ Nghĩa được dùng lẫn lộn với từ Nhân và cụm từ “Nhân Nghĩa” được dùng như một tập hợp ngữ nghĩa đặc biệt liên hệ đến tình yêu vợ chồng với hàm ý trách nhiệm và bổn phận của vợ chồng đối với nhau.
Không cắn câu con cá dại,
Cần câu anh cầm, câu ngãi câu nhân.
Người còn thì của cũng còn,
Miễn là nhân ngãi vuông tròn thì thôi.
Nước trong giếng đá, cá lội thấy hình,
Thấy em có nghĩa, động tình anh thương.
Áo rách có cách, anh thương,
Nón cời có nghĩa, anh thương nón cời.
_Ngó lên dừa ngã ba cây,
Thấy em khôn khéo, muốn gầy nghĩa nhơn.
_Nghĩa nhân ba gánh tràn trề,
Gánh từ Phù Mỹ, gánh về Bồng Sơn.
Em ngồi, em kể công ơn,
Bạc vàng nặng ít, nghĩa nhơn nặng nhiều.
Hết dầu đèn cháy tới tim,
Một ngày gá nghĩa cũng niềm phu
Mặc dù người bình dân Việt Nam ít khi trực tiếp đề cập đến yêu cầu trách nhiệm và bổn phận trong quan hệvợ chồng, nhưng khi họ nói về nhân nghĩa, người ta hiểu ngay là sự nối kết yêu đương hàm ý đòi hỏi vợchồng không nên phụ rẫy, lìa bỏ nhau cũng như sự kiện họ vinh danh chung thuỷ cho phép người ta hiểu rằng nhân nghĩa bao gồm trách nhiệm và bổn phận của vợ chồng là sung sướng cùng hưởng, cam khổ cùng chịu và phải giúp nhau đi trọn cuộc đời.
Sau đây là những câu ca dao cho thấy, trong quan điểm của người bình dân, đạo vợ chồng mà nền tảng là nhân nghĩa đòi hỏi vợ chồng không nên phụ rẫy, lìa bỏ nhau:
Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi,
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao.
Con chim kêu thương, con gà gáy nhớ,
Đạo vợ nghĩa chồng, ai nỡ đành xa.
Đứt tay một chút còn đau,
Huống chi nhân nghĩa, lìa sao cho đành.
Đã rằng là nghĩa vợ chồng,
Dẫu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời.
Tôi tớ xét công, vợ chồng xét nghĩa.
Trăm năm ai chớ bỏ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài thành kim.
Trăm năm lòng gắn, dạ ghi,
Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.
Sông cạn, biển cạn, lời nguyền không cạn,
Núi lở mòn, nghĩa bạn không quên.
Đường mòn sáng xuống chiều lên,
Dặn ai hãy nhớ đừng quên nghĩa tình.
Đêm hè gió mát trăng thanh,
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng.
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt,
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,
Trăm năm thề những bạc đầu,
Chớ ham phú quý, đi cầu trăng hoa.
Rủ nhau xuống bể mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi! Chua ngọt đã từng,
Non xanh, nước bạc, ta đừng quên nhau.
Trăng kia khi khuyết, khi tròn,
Lời thề biển cạn, non mòn, chớ sai.
Đã rằng là nghĩa vợ chồng,
Dẫu cho nghiêng núi, cạn sông, chẳng dời.
Ra về lòng lại dặn lòng,
Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.
Hai ta như trái đậu quyên,
Dù sinh, dù tử cũng nguyền có nhau.
Trăm năm tạc dạ ghi lời,
Dầu mà biển cạn, non dời đừng quên.
Dãy dọc toà ngang, giàu sang có số,
Kim Long, Nam Phổ, nước đổ về Sình.
Như đôi đứa mình, chút nghĩa ba sinh,
Có làm răng (sao) đi nữa, chúng mình không bỏ nhau!
Đôi ta như khoá với chìa,
Trọn niềm chung thuỷ, đừng lìa mới hay.
Mắm cua chấm với đọt vừng,
Họ xa mặc họ, ta đừng bỏ nhau.
Biết nhau từ thuở buôn thừng,
Trăm chắp, nghìn nối, xin đừng bỏ nhau.
Củi than lem luốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
Ở sao cho vẹn cho toàn,
Giao ngôn chớ phụ, nghĩa vàng chớ vong.
Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau.
Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi!
Sông Nhị nước chảy phân đôi một dòng.
Đôi ta chua ngọt đã từng,
Thành cao, sóng mạnh, cũng xin đừng quên ai.
Lìa cây, lìa cội, ai nỡ lìa hoa,
Lìa người bội bạc chớ đôi ta đừng lìa.
Thuỷ chung em giữ trọn lời,
Chết đi thì chịu, lìa đôi không lìa.
Một miếng trầu, năm ba lời dặn,
Một chén rượu năm bảy lời giao.
Anh chớ nghe ai sóng bể ba đào,
Em đây giữ niềm tiết hạnh, anh chớ lãng sao em buồn.
Trăng lên vừa tới mái hiên,
Thiếp thảm, chàng phiền, có nhớ hay quên ?
Làm người, phụ bạc sao nên,
Trông xuống thẹn đất, trông lên thẹn trời.
Nói ra, dạ giữ lấy lời,
Lênh đênh mặt biển chân trời quản bao.
Em ơi! Ta nguyện nhau cùng,
Răng long, tóc bạc, ta đừng quên nhau.
Thương nhau, cắt tóc mà thề,
Khó nghèo cũng chịu, chớ hề phụ nhau.
Đàn tranh sánh với đàn cầm,
Một đây, một đấy, đáng trăm lạng vàng.
Còn đang tạc đá ghi vàng,
Ngô đồng nở bỏ phượng hoàng ngẩn ngơ.
Ai mà ở lỗi lời nguyền,
Xuống ghe, ghe úp; xuống thuyền, thuyền trôi.
Còn bằng chứng về sự vinh danh chung thuỷ thì rất phong phú, nhất là trong ca dao. Thực ra, yêu cầu không nên phụ rẫy, lìa bỏ nhau và cổ xuý chung thuỷ chỉ là mặt trái và mặt phải của một đồng tiền, nhưng khi người bình dân nói về chung thuỷ, sự phát biểu mang nặng tính tích cực hơn.
Đốn cây, ai nỡ dứt chồi,
Đạo chồng, nghĩa vợ, giận rồi lại thương.
Dẫu rằng da trắng, tóc mây,
Đẹp thì đẹp vậy, dạ nầy không ưa.
Vợ ta dù có quê mùa,
Thì ta vẫn cứ sớm trưa vui cùng.
Dù cho cạn nước Thu Bồn,
Hải Vân hoá cát, biển Đông thành đèo.
Dù cho cay đắng trăm chiều,
Cũng không lay được tình keo nghĩa dày.
Dù cho…cho đến bao giờ,
Lòng đây, dạ đấy vẫn trơ như đồng.
Tháp kia còn đứng đủ đôi,
Cầu kia đủ cặp huống chi tôi với mình.
Tháp trải nắng sương, cầu nương sắt đá,
Dẫu người thiên hạ tiếng ngã lời nghiêng,
Cao thâm đã chứng lòng nguyền,
Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi đứa mình.
Non sông nặng gánh chung tình.
Biển sâu cá lội biệt tăm,
Dẫu chờ, dẫu đợi, trăm năm cũng chờ.
Sông sâu cá lượn lờ đờ,
Dầu trông, dầu đợi, quyết chờ trăm năm.
Gương không có thuỷ gương mờ,
Thuyền không có lái, lửng lơ giữa dòng.
Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
Cho thuyền cập bến, gương trong ngàn đời.
Trăm năm kẻ mất người còn,
Gió mưa giữ trọn lòng son ở đời.
Trăm năm ý quyết một lòng,
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.
Dầu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào.
Vợ chồng là nghĩa phu thê,
Tay ấp má kề, sinh tử có nhau.
Trăm năm ước hẹn chung tình,
Trên trời dưới đất chỉ mình với ta.
Vàng ròng vào lửa chẳng phai,
Búa rìu sấm sét, không phai ân tình.
Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Thương cho đến thuở bạc đầu vẫn thương.
Tay cầm đĩa muối sàng rau,
Thuỷ chung như nhất, sang giàu mặc ai.
Dù ai lấp biển, dời non,
Lòng ta vẫn giữ sắt son cùng người.
Dù cho núi lở non mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.
Đói no một vợ, một chồng.
Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng chờ.
Anh đi đằng ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?
Đêm khuya trăng tỏ gió thanh,
Tứ bề vắng lặng cùng anh dựa kề.
Cùng nhau cất một tiếng thề:
Sơn cùng thuỷ tận chớ hề sa tâm,
Nguyện cùng nhau hai chữ sắt cầm.
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng về.
Bao giờ cạn nước Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.
Muối mặn ba năm, muối hãy còn mặn,
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay.
Đạo nghĩa cang thường chớ đổi, đừng thay.
Dẫu có làm nên danh vọng, hay rủi có ăn mày, ta cũng theo nhau.
Theo nhau cho trọn đạo Trời,
Dẫu rằng không chiếu, trải tơi mà nằm.
Ở cho chung thuỷ vẹn toàn,
Lên non, lên dõi; xuống thuyền, xuống theo.
Thề nguyền sau trước nhất ngôn:
Sống nằm chung gối, chết chôn chung mồ.
Mong sao nghĩa thuỷ tình chung,
Cho thuyền cặp bến, gương trong nghìn đời.
Núi Mậu Sơn cao bao nhiêu trượng,
Sông Lệ Thuỷ sâu bấy nhiêu tầm.
Dừng thuyền đợi bạn tri âm,
Non mòn biển cạn, quyết không phai lòng.
Vợ chồng đồng tịch đồng sàng,
Đồng sinh đồng tử cưu mang đồng lần.
Vợ chồng gửi xương, gửi thịt.
Một dạ, một lòng.
Đôi ta như áo vải màu,
Trăm giặt, nghìn gội, dãi dầu không phai.
Trời cao bể rộng thinh thinh,
Ở sao cho trọn chút tình phu thê.
Yêu nhau ruột héo, xương mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.
Yêu nhau từ thuở má hồng,
Đến khi má tóp, lưng còng, vẫn yêu.
Lời thề chứng có nước non,
Vàng tan ngọc nát vẫn còn thương nhau.
Ai về ai ở mặc ai,
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.
Trăm năm ghi tạc chữ đồng,
Dù ai thêu phụng, vẽ rồng, mặc ai.
Trăm năm ai chớ bỏ ai!
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Tôi với mình thề trước miếu ông,
Sống nằm một chiếu, chết chung một mồ.
Trăng tròn chỉ có đêm rằm,
Tình ta tháng tháng, năm năm vẫn còn.
Mong sao anh biến ra tằm,
Em biến ra nống, ta nằm chung chơi.
Khi nào cho hợp hai hơi,
Nghiêng tai nói nhỏ đôi lời thuỷ chung.
Ngu si cũng thể chồng ta,
Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người.
Xấu xa cũng thể chồng ta,
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người.
Trăm năm giữ vẹn chữ tòng,
Sống sao thác vậy, một lòng mà thôi.
Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương, mặc người.
Không thiêng cũng thể bụt nhà,
Dầu khôn, dầu dại cũng là chồng em.
Giữ lòng bền chặt với chồng,
Dù ai thêu phượng, vẽ rồng, mặc ai.
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ,
Sa Huỳnh khô đất, em mới từ nghĩa anh.
Lời em nói ra bằng ba lời thề thốt,
Như đinh đóng cột,
Như rìu cốt vào cây.
Anh đừng ngại gió, e mây,
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân.
Mình về, tôi cũng về theo,
Sum vầy phu phụ, đói nghèo có nhau.
Dù khi đĩa muối, chén rau,
Thuỷ chung ta giữ, sang giàu mặc ai.
Trăm năm không bỏ nghĩa chàng,
Mặc ai chọn bạc, đổi vàng mặc ai.
Trăm năm tượng rách còn thờ,
Lỡ duyên, chịu lỡ, quyết chờ đợi anh.
Trượng phu anh xử nghĩa vuông tròn,
Ngàn năm lưu lạc, dạ còn thương anh.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên.
Chừng nào muối ngọt chanh thanh,
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng.
Dẫu mà đan giỏ thả sông,
Trôi lên trôi xuống, em cũng không bỏ chàng.
Dẫu mà tội bắt lên quan,
Tôi em, em chịu; tội chàng, em xin.
Mấy năm em cũng xin chờ,
Cầm bằng tóc bạc như tơ cũng đành.
Một lòng kết tóc, xe tơ,
Một niềm chỉ đợi, chỉ chờ một anh.
Ba bốn năm, tấm tượng rách tôi cũng còn thờ,
Lòng tôi thương ai biết, dạ tôi chờ ai hay.
Anh đứng ở Nha Trang trông sang xóm Bóng,
Ánh trăng lờ mờ lượn sóng lăn tăn.
Gần nhau chưa kịp nói năng,
Bây giờ sông cách, biển ngăn ngại ngùng!
Biển sâu con cá vẫy vùng,
Sông sâu không dễ mượn dòng đưa thư.
Anh nguyền cùng em bao giờ Hòn Chữ bể tư,
Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em.
Chừng nào biển nọ xa gành,
Cù lao xa sóng, anh mới đành xa em.
Chừng nào biển cạn thành ao,
Bắc cầu chiếc đũa mà trao ân tình.
Trên trăng dưới nước, anh ước một lời,
Dù trăng mờ, nước cạn, anh cũng không rời, phụ em.
Dĩ nhiên là Nhân Nghĩa, trong quan niệm của người bình dân, không chỉ được giới hạn trong quan hệ lứa đôi, vợ chồng mà còn được gắn kết chặt chẽ với tình thương và bổn phận đối với cha mẹ. Tình thương này được thể hiện qua sự săn sóc, chăm lo thể chất và tinh thần cho cha mẹ khi cha mẹ còn sống cũng như hương khói khi cha mẹ đã khuất. Sự kiện này thông thường được gọi là “hiếu”. Tuy nhiên, ý niệm hiếu trong Nho giáo mang ý nghĩa bổn phận hơn là tình thương.
_Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hoà,
Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào?
_Chữ Trung thì để thờ cha,
Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hoà thờ anh.
Theo quan điểm của Nho giáo, “hiếu” là trách nhiệm và bổn phận của người con trai đối với cha mẹ, nhất là đối với cha. Nhưng trong lối sống của người bình dân, hiếu mang nhiều ý nghĩa thương yêu hơn là bổn phận, và nhất là hiếu với mẹ chuyên chở một tâm tình hết sức thắm thiết. Mặc dù trên danh nghĩa, hiếu là bổn phận của người con trai trong gia đình, nhưng trong thực tế tất cả mọi công việc săn sóc, chăm lo cho cha mẹ, cũng như việc thờ tự đều do người đàn bà trong gia đình đảm trách2. Không những thực hiện bổn phận hiếu thảo, người bình dân Việt Nam thể hiện ý nghĩa của từ Nghĩa không chỉ như là bổn phận mà còn mang nặng ý nghĩa tình cảm của yêu thương và của sự biết ơn lớn lao đối với cha mẹ.
Công cha, nghĩa mẹ.
Mẹ cha trượng [trọng] quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết, muôn vàn công ơn.
Cha mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể,
Con nuôi cha mẹ, kể tháng, kể ngày.
Cha mẹ nuôi con, biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ, tính tháng tính ngày.
Nuôi con mới biết sự tình,
Thảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.
Ngó lên ngọn núi Ba Non,
Công cha, nghĩa mẹ, làm con phải đền.
Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nuôi con mới biết lòng mẹ cha.
Không những người đàn bà đã thay chồng hoàn thành bổn phận đạo làm con mà còn chu toàn bổn phận làm mẹ và làm vợ trong gia đình như săn sóc con từ khi mới sinh, lo nội trợ, chợ búa, ăn mặc cho chồng con và trong nhiều trường hợp, cùng chồng làm việc đồng áng. Do đó, mặc dù thường có nhắc nhở đến công lao của người cha, nhưng người bình dân Việt Nam nhắc đến công lao của mẹ với một tình yêu và sự biết ơn hết sức đặc biệt.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Gặp anh đây, em hỏi giao hoà,
Thương em, anh có tưởng đến mẹ già em không?
Chỗ ướt mẹ nằm, ráo xê con lại.
Lấy chi đền ngãi mẹ chừ,
Cưu mang chín tháng với dư mười ngày.
Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đền.
Lên cao mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Nước mắt chảy xuôi.
Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,
Nuôi con cho đến thành người mới nghe!
Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ, con kể tháng ngày.
Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng.
Một mẹ nuôi được mười con,
Mười con bỏ mẹ trong ngàn xót xa.
Miệng ru, mắt nhỏ hai hàng,
Nuôi con càng lớn, mẹ càng thêm lo.
Tới nơi đây lỡ chợ, lỡ đò,
Xẻo cẳng tay nuôi mẹ, giã thịt bò mẹ xơi.
Mẹ thương con sa rơi nước mắt,
Nghĩ tới dâu hiền ruột thắt tận da,
Thôi hỡi con ơi! Cháo rau cho qua bữa, thịt với thà mà làm chi.
Trong bối cảnh văn hoá của từ “Nghĩa”, ngoài sự biết ơn đối với cha mẹ, sự biết ơn còn được biểu hiện rõ nét trong quan hệ giữa thầy và trò:
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây,
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.
Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa.
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong.
Con ơi ghi nhớ điều này,
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
Mấy ai là kẻ không thầy,
Thế gian thường nói, đố mầy làm nên.
Không thầy, đố mầy làm nên.
Mẹ cha công đức sinh thành,
Ra trường thày dạy học hành cho hay.
Muốn khôn thì phải có thầy,
Không thầy dạy dỗ, đố mày làm nên.
Mười năm luyện tập sách đèn,
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy,
Yêu kính thầy, mới làm thầy,
Những phường bội bạc, sau này ra chi!
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ, phải yêu mến thầy.
Có trọng thầy mới được làm thầy.
Có thờ thầy mới làm được thầy.
Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy.
Nhân Nghĩa trong quan hệ anh em mang ý nghĩa tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, kính trên, nhường dưới.
Trên kính, dưới nhường.
Chị em trên kính dưới nhường,
Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.
Chữ đễ nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
Tuy nhiên, mặc dù “anh em như thể tay chân” nhưng nếu anh em không thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không kính trên, nhường dưới nghĩa là không có Nhân Nghĩa thì:
Người dưng có ngãi thì đãi người dưng,
Anh em vô ngãi thì đừng anh em.
Nhân Nghĩa còn được giăng trải ra khắp thiên hạ qua ý niệm phúc đức. Nhân Nghĩa hay tình người bao gồm ý niệm và hành động làm phước. Do đó, người bình dân đề cao và khuyến khích việc giúp đỡ người khác.
Thí một chén nước, phước chất bằng non.
Vay nên nợ, đợ [đỡ] nên ơn.
Cứu được một người, phúc đẳng hà sa.
Làm phúc cứu một người dương gian bằng cứu ngàn người âm phủ
Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Cứu một người dương gian bằng một vàn âm ti.
Dù tu đến cõi thiên thai,
Không bằng lượm một nhành gai giữa đường.
Làm phúc hay làm phước theo quan niệm của người bình dân có nghĩa là tích luỹ, dành dụm cái đức; đức là kết quả gặt hái được từ hành động làm phước.
Làm phúc cũng như làm giàu.
Làm phúc được phúc, làm ơn được ơn
Hễ muốn ra con người tử tế,
Phải dễ dàng, chớ để ai hờn.
Làm ơn ắt hẳn nên ơn,
Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ.
Mà muốn làm phước để tích luỹ, dành dụm được đức thì phải ăn ở hiền lành vì chỉ có người hiền lành mới có thực tâm làm phước giúp người.
Ai ơi! Đừng vội chớ lo,
Khăng khăng giữ lấy trượng phu cho bền,
Ai ơi! Giữ lấy đạo hiền,
Trồng cây lấy đức, xây nền lấy nhân.
Tu thân tích đức.
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
Tòng thiện như đăng, tòng ác như băng.
Ai ơi cứ ở cho lành,
Tu nhơn tích đức để dành về sau.
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Có tiền có hậu mới hay,
Có trồng cây đức mới dày nên nhân.
Phước đức quý hơn bạc vàng,
Mấy người gian ác, giàu sang ích gì!
Trăm năm tạc một chữ đồng,
Kẻ vun cây đức, người trồng cây nhân.
Cầu tài không bằng cầu phước
Người bình dân Việt Nam tin vào định luật nhân quả, nên tích luỹ phúc đức sẽ đem lại hoà bình, hạnh phúc cho bản thân và cho con cháu:
Khen ai kiếp trước khéo tu,
Đời nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Ông cha kiếp trước khéo tu,
Nên sanh con cháu võng dù nghênh ngang.
Đời cha đắp nấm, đời con ấm mồ.
Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ.
Đời cha trồng cây, đời con ăn quả
Nhưng có ba điều quan trọng trong việc làm phước hay giúp đỡ người khác. Đó là:
_ Chỉ nên giúp đỡ những người khốn khó, hoạn nạn cần giúp đỡ thì mới đúng nghĩa làm phước. Và nhất là giúp đỡ người khác trong lúc chính bản thân mình cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn thì mới thực là quý hoá.
Giúp người khi khó mới hay
Nói chi bồ bịch những ngày ấm no.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Lá lành đùm lá rách.
Khó, giúp nhau mới thảo,
Giàu, phù trợ không ơn.
Nghèo với nghèo, giúp nhau lấy thảo; giàu mặc giàu, xu nịnh ai đâu.
Nhiều ít cũng là ơn nghĩa, miếng khi đói bằng gói khi no.
_ Làm phước không nên mong được trả công hay mong được người ta biết đến sự rộng lượng của mình. “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”3
Thi ân bất cầu báo.
Làm phúc không cầu được phúc.
Làm ơn nên thoảng như không,
Chịu ơn nên tạc vào lòng, chớ quên.
Làm lành muốn chúng biết danh,
Ấy là làm tiếng, phải lành ở mô.
_ Phương cách giúp đỡ người tốt nhất là giúp phương tiện; giúp của chỉ có hiệu quả nhất thời, còn phương tiện có thể giúp người gặp khó khăn, hoạn nạn có cơ hội phát triển và trở nên độc lập trong tương lai.
Giúp lời, không ai giúp của; giúp đũa, không ai giúp cơm.
Cho vàng không bằng trỏ đàng đi buôn.
Mười hũ vàng chôn không bằng cái trôn con heo nái.
Tóm lại, quan điểm chủ đạo của bài này là niềm tin vào ý niệm Nhân Nghĩa của người bình dân Việt Nam. Ý niệm này hẳn nhiên là do ảnh hưởng của Nho giáo; có thể cũng còn có ảnh hưởng Từ bi của Phật giáo; và có thể cũng phần nào do ảnh hưởng Bác ái của Công giáo. Tuy nhiên, tất cả những ảnh hưởng này đều phát xuất từ những phạm trù lí thuyết trừu tượng.
Người bình dân không phải là những học giả để có thể phân tách ngữ nghĩa của những ý niệm trừu tượng; những phân tách và định nghĩa của các học giả thường khác nhau cũng như khác với quan điểm thực dụng của người bình dân Việt Nam. Người bình dân lãnh hội ý niệm Nhân Nghĩa bằng trực giác và định nghĩa của họ là những thể hiện trong thực tế (operationalizations) bằng những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống hằng ngày. Nếu chúng ta dùng phương pháp loại suy từ văn chương bình dân để kết luận về định nghĩa thì, đối với người bình dân Việt Nam, Nhân Nghĩa đơn giản có nghĩa là tình người cùng với nội hàm ngữ nghĩa tất yếu của nó gồm có trách nhiệm, bổn phận, và sự biết ơn đối với tha nhân.
Định nghĩa này được áp dụng ở mức độ quan trọng nhất trong quan hệ vợ chồng. Đã là vợ chồng thì phải thương yêu nhau, không nên phụ rẫy, lìa bỏ nhau, và có bổn phận đồng lao, cộng khổ, và nhất quyết cùng nhau đi trọn cuộc đời. Nhân Nghĩa đối với cha mẹ có nghĩa, thiết yếu hơn cả, là thương yêu, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ về thể chất cũng như tinh thần và biểu hiện sự biết ơn đối với công lao của cha mẹ. Đối với anh em thì Nhân Nghĩa đòi hỏi phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, kính trên, nhường dưới, và hoà thuận. Đối với tha nhân thì Nhân Nghĩa đòi hỏi người ta phải biết ơn và đền ơn và nên giúp đỡnhững người trong hoàn cảnh khốn khó, hoạn nạn, nhưng khi giúp đỡ thì không nên mong được trả ơn hay mong được người ta biết đến mình, và hành động giúp đỡ tốt đẹp nhất là giúp đỡ phương tiện vì giúp của chỉcó hiệu quả nhất thời, tạm bợ, còn giúp phương tiện sẽ hỗ trợ người gặp khó khăn, hoạn nạn có cơ hội phát triển và tự lập lâu dài trong tương lai. Chính việc cụ thể hoá tình người bằng những hoàn cảnh sống thực tếnày của người bình dân đã mang lại tính đặc thù cho văn hoá Việt tộc.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Ngày 22 tháng 1 Năm 2024
North Wales, Pennsylvania 1945
___________________________________
THAM KHẢO:
3 Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18
Post Views:
115
0 Comments