CHỮ HIẾU TRONG VĂN HOÁ DÂN GIAN CỦA DÂN TỘC, Phần IV
IV. TỔNG KẾT
Hiếu đạo qua lối sống của người Việt không phải là sự phản ánh của một công thức khô cằn của những giáo điều Khổng giáo, không phải chỉ là một bổn phận, mà chính yếu là một phản ứng tự nhiên của tình thương bắt gốc từ sự cảm nhận sâu sắc tình thương bao la của cha mẹ, sự khó nhọc và hy sinh của cha mẹ đã sinh thành, chăm lo, bảo vệ, nuôi dưỡng, và dạy dỗ con từ bé cho đến ngày khôn lớn.
Phản ứng đó được thể hiện qua sự biết ơn và đền ơn bằng tình thương dưới hình thức kính trọng, vâng lời cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già, yếu. Khi cha mẹ đã mất thì lo xây lăng, đắp mộ, và lo việc cúng giỗ để tỏ lòng nhớ thương cha mẹ.
Khi nói đến những hành vi hiếu đạo như thế, thoạt tiên người ta sẽ không nhìn thấy sự khác biệt giữa những giáo điều của Khổng giáo về đạo hiếu và những nét đặc thù của văn hoá dân tộc Việt. Nhưng nếu quan sát kỹ, người ta sẽ nhận thấy những khác biệt nền tảng rất rõ nét.
Điểm khác biệt nổi bật nhất là, theo Khổng giáo, hiếu đạo là bổn phận của người con trai. Nhưng qua hằng trăm ngàn câu ca dao, tục ngữ, những truyện cổ tích, người ta thấy rất ít khi người con trai nhắc đến hiếu đạo. Nếu người con trai có nhắc đến hiếu đạo thì hoặc là chỉ nói theo người đàn bà, hay là giới sĩ phu thường mơ tưởng đến ngày đỗ đạt, công thành, danh toại rồi mới thực hành hiếu đạo. Điều này chứng tỏ: một là giới sĩ phu có khuynh hướng trì hoãn hoặc ít thực hành hiếu đạo mà chỉ giao khoán công việc này cho người đàn bà, hai là họ quá chú trọng đến hình thức lễ nghi mà không chú trọng đến điểm cốt yếu của hiếu đạo là tình thương, điều mà người bình dân, nhất là giới phụ nữ hết sức chú trọng. Hình thức, mặc dù quan trọng, nhưng không quan trọng bằng tình thương. Do đó, đối với đại đa số người dân Việt thì chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còng sống mới là quan trọng và họ phản đối sự quá chú trọng vào lễ nghi khi cha mẹ đã qua đời.
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.
Chết thì cúng giỗ mâm cao, cỗ đầy.
Điểm khác biệt nổi bật thứ hai là Khổng giáo giáo điều không hề đề cập đến bổn phận hiếu đạo của người con gái đối với cha mẹ, nhất là khi người con gái đã đến tuổi lấy chồng thì phải theo chồng và phục vụ nhà chồng, chứ không bao giờ đòi hỏi người đàn bà phải từ chối hôn nhân để phụng dưỡng cha mẹ mình. Trong thực tế cuộc sống của người bình dân Việt Nam, người đàn bà tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm hiếu đạo đối với cha mẹ, ngay cả khi đến tuổi yêu đương hay lấy chồng mà cha mẹ già yếu, không người chăm nom thì vẫn cảm thấy ray rứt tình cảm, không đành lòng rời bỏ mẹ cha. Rất nhiều trường hợp, vì tình thương đối với cha mẹ, người đàn bà đã hy sinh tình yêu đôi lứa.
Nhảy thời đặng đó, còn thương mẹ già.
Vì mẹ già em dại, nên em đành ở ri.
Một đặc thù khác là người bình dân Việt, nhất là người đàn bà Việt, thực hành hiếu đạo như là một biểu hiện của sự biết ơn và của tình thương sâu sắc đối với cha mẹ, chứ không phải chỉ đơn thuần như là một bổn phận phải đền đáp lại công ơn.
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Người ta có thể phản biện là hai mươi bốn (24) tấm gương sáng trong Nhị Thập Tứ Hiếu không nói lên tình yêu đối với cha mẹ hay sao. Đúng là những nhân vật nêu lên trong Nhị Thập Tứ Hiếu đã làm những việc đòi hỏi nhiều hy sinh cho cha mẹ; những việc làm này có thể chứng tỏ đó là tình yêu thương đối với cha mẹ, nhưng cũng có thể chứng tỏ đó chỉ là hành động chu toàn bổn phận hiếu đạo một cách chu đáo, gương mẫu mà thôi. Hơn nữa 24 gương sáng này tiêu biểu cho Khổng giáo giáo điều vì trong 24 trường hợp thì có đến 22 trường hợp vinh danh người đàn ông; chỉ 2 trường hợp nói về người đàn bà và hai người đàn bà này cũng chỉ hiếu đạo đối với cha mẹ chồng, theo khuôn mẫu của Khổng giáo giáo điều. Người ta không thấy trường hợp nào vinh danh người phụ nữ hiếu đạo với cha mẹ mình như rất nhiều trường hợp đã được thể hiện qua văn chương bình dân Việt Nam. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, Trường hợp Đường thị nuôi mẹ chồng bằng sữa mình vì mẹ chồng già nua không còn răng để ăn uống bình thường được. Trường hợp Khương thị thì phải đi gánh nước đường xa cho mẹ chồng uống, bắt cá ở xa cho mẹ chồng ăn, và mời hàng xóm giúp vui cho bà. Trường hợp Đường phu nhân thật ra không hẳn là một vinh danh vì trong phong tục của người Tàu, những gia đình giàu có thường mướn những người đàn bà nghèo khổ vừa có con dùng sữa của họ để nuôi sống cha già của mình. Trường hợp Khương thị có thể chỉ là một huyền thoại hoặc cố ý thêm bớt, vì câu chuyện kết thúc là sau khi Khương thị khổ cực gánh nước đường xa nhiều lần thì tự nhiên xuất hiện một suối nước ngọt ngay cạnh nhà có đầy cá tươi. Điển Khương thị, do đó, mang sắc thái của một cấu trúc rất khiên cưỡng. Nhị Thập Tứ Hiếu được Quách Cư Nghiệp sưu tầm và viết ra vào khoảng đời nhà Nguyên (1260-1369) với mục đích nêu lên những tấm gương sáng hiếu đạo. Tuy nhiên, tài liệu này cũng chỉ khẳng định giáo điều về bổn phận hiếu đạo của người con trai và xem nhẹ vai trò của người phụ nữ.
Để đối kháng lại tính võ đoán và giáo điều này của Khổng giáo, người phụ nữ Việt Nam đã chứng minh là người con gái cũng hiếu đạo đối với cha mẹ của mình và bao giờ cha mẹ còn cần đến sự giúp đỡ, phụng dưỡng, nhất là khi cha mẹ đã già, yếu mà không có người chăm lo thì đã có nhiều trường hợp người con gái tình nguyện từ chối tình yêu đôi lứa và hôn nhân để phụng dưỡng cha mẹ. Trong trường hợp người con gái đi lấy chồng thì lúc nào cũng ao ước được lấy chồng gần nhà để có thể tiếp tục lui tới giúp đỡ, phụng dưỡng mẹ cha.
Không những người phụ nữ tình nguyện nhận lãnh trách nhiệm hiếu đạo đối với cha mẹ mình mà còn yêu cầu người mình yêu phải hiếu đạo với cha mẹ của mình như là một điều kiện của hôn nhân. Trong lúc Khổng giáo chỉ đòi hỏi người con trai phải hiếu đạo đối với cha mẹ mình mà không hề đề cập đến việc người đàn ông phải hiếu đạo đối với cha mẹ của vợ mình, thì việc người đàn bà đặt điều kiện như thế là một sự đối kháng mạnh mẽ tinh thần “trọng nam, khinh nữ” (đặt nặng vai trò con trai, và xem nhẹ vai trò con gái), đồng thời khẳng định một sự công bằng hợp lý.
Thời em mới dám kết duyên lành với anh.
Quan điểm về chữ “tòng” qua hình thức vâng lời cũng bị người Việt chất vấn. Đành là hầu như người Việt nào cũng đồng ý là con cái khi còn nhỏ phải vâng lời cha mẹ.
Nhưng đối với người phụ nữ đến tuổi lấy chồng mà cha mẹ toàn quyền quyết định hôn nhân là một điều không hợp lý. Qua văn chương bình dân, người ta thấy lý do cha mẹ phản đối thường là vì tham tiền, tham bạc, tham danh vọng, chứ không phải vì lý do hạnh kiểm hay tình yêu của người đàn ông đối với con gái mình. Do đó, như chúng ta đã thấy, người đàn bà đã đối kháng một cách quyết liệt phạm trù áp đặt này.
Một điểm hết sức trội bật và hoàn toàn khác biệt với yêu cầu của Khổng giáo chính thống là hiếu đạo, theo Khổng giáo, chú trọng nhiều đến người cha. Ngược lại, đa số người bình dân Việt, mặc dù vẫn ca ngợi công đức của cha, nhưng luôn luôn đề cao tình thương và sự hy sinh của người mẹ và thường xuyên nói đến tình thương nhớ của mình đối với người mẹ. Đây không phải chỉ là một phản kháng lại sự bất công của một cấu trúc xã hội “trọng nam, khinh nữ” mà còn là một khẳng định công khai về công lao và sự hy sinh của người mẹ đối với con cái. Do đó, đối tượng của hiếu đạo không phải chỉ đối với người cha và gia đình người cha mà còn phải đối với mẹ nữa.
Gối riêng ai sửa, chén trà ai nâng.
Một điểm cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là mặc dù Khổng giáo trao trách nhiệm hiếu đạo cho người con trai, nhưng trong thực tế, người con trai chỉ mang danh nghĩa hiếu đạo mà hiếm khi được thấy có những hành động thi hành hiếu đạo, ngoài hành động có tính cách nghi lễ. Người đàn bà, người dâu trong gia đình, mới chính là người thi hành tất cả những công việc hiếu đạo. Không biết trong xã hội xưa bên Tàu, đa số những người đàn ông có làm những công việc cực nhọc, hy sinh cho cha mẹ như trong các điển tích trong Nhị Thập Tứ Hiếu hay không. Chắc là không! Bởi vì thứ nhất, nếu đa số người Tàu thực hiện những điều này thì đã không cần phải có Nhị thập Tứ Hiếu; thứ hai là trong một xã hội chỉ “trọng nam” thì người đàn ông luôn luôn sử dụng uy thế của mình để trao công việc nặng nhọc cho người đàn bà. Không những thế, người đàn ông trong bối cảnh văn hoá Việt còn thường bê trễ trong công việc hiếu đạo đến nỗi người đàn bà phải thường xuyên nhắc nhở người đàn ông phải hiếu đạo.
Người phụ nữ Việt Nam đã đối kháng lối hành sử độc đoán của người đàn ông hoàn toàn giao khoán cho người đàn bà một thân một mình phải lo toan mọi công việc chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ chồng lúc già, yếu cũng như lo chuẩn bị mọi công việc cúng giỗ trong gia đình chồng. Sự phản đối này là một tiếng chuông cảnh tỉnh người đàn ông phải thay đổi thái độ để cùng san sẻ với người vợ của mình những hành vi hiếu đạo đối với cha mẹ của mình cũng đối với cha mẹ của người mình đã từng thệ nguyện suốt đời chia bùi sẻ ngọt cũng như chia đắng nuốt cay. Đồng thời hành vi san sẻ này còn chứng tỏ quyết định đánh đổ sự bất công của ý thức hệ Khổng giáo dựa trên hệ thống hệ đẳng chứa đựng nhiều bất công và kỳ thị giới tính chối bỏ bao công lao và hy sinh của người người mẹ Việt Nam và không ít trường hợp chà đạp nhân vị của người phụ nữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Anh, Vân. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2015
Biền, Bửu. Câu Hò Tiếng Hát Xứ Huế. San José, CA, USA: An Tiêm Xuất Bản, 2002.
“Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam” – (Toàn Bộ Từ Vần A đến Y). file:///Users/thainguyen/Documents/NHỮNG%20VẤN%20ĐỀ%20VN/CA%20DAO%20TỤC%20NGỮ/NHỮNG%20GIÁ%20TRỊ%20TRONG%20CA%20DAO%20VÀ%20TỤC%20NGỮ%20/Ca%20Dao%20&%20Tục%20Ngữ%20Việt%20Nam%20-%20(Toàn%20bộ%20từ%20vần%20A%20đến%20Y)%20*%20Sai%20Mon%20Thi%20Dan.webarchive
Chi, Nguyễn Đổng. Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, Tập I, II, III. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2000.
Hà, Ngọc. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2015.
Hải, Phúc. Ca Dao Việt Nam Đặc Sắc. Việt Nam: Nhà Xuất Bản Thời Đại, 2014.
Hằng, Nguyễn Bích. Ca Dao Việt Nam. Việt Nam: Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 26 tháng 1 năm 2015.
Hiếu, Vương Trung. Tục Ngữ Việt Nam Chọn Lọc, Tập I. Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Miền Nam, (không có năm xuất bản)
________________. Tục Ngữ Việt Nam Chọn Lọc, Tập II. Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Miền Nam, (không có năm xuất bản)
Kính, Nguyễn Xuân; Phan Đăng Nhật; Phan Đăng Tài; Nguyễn Thuý Loan và Đặng Diệu Trang. Kho Tàng Ca Dao Người Việt. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 2002.
Kính, Nguyễn Xuân; Nguyễn Thuý Loan; Phan Lang Hương và Nguyễn Luân. Kho Tàng Tục Ngữ Người Việt. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 2002.
______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam II: Xã Hội Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).
______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam III: Vũ Trụ Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).
_______________, _________. Thi Ca Bình Dân Việt Nam IV: Sinh Hoạt Thi Ca. Los
Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1970, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).
Lân, Mã giang. Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2014.
Loan, Ngô Thanh và Nguyễn Tam Phù Sa. Thành Ngữ Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam. Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.
Long, Nguyễn Tấn và Phan Canh. Thi Ca Bình Dân Việt Nam I: Nhân Sinh Quan. Los Alamitos, Ca: Xuân Thu tái bản, (1969, năm viết xong tại Saigon, tái bản không có năm).
Ngọc, Nguyễn Văn. Tục Ngữ Phong Dao(Tái bản). Fort Smith, Ark: Sống Mới, 1978.
Nhóm Trí Thức Việt. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bảm Văn Học, 2015.
Phan, Vũ Ngọc. Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam(in lần thứ 11, có sửa chữa và bổ sung). Hà Nội, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1998.
Phương, Thạch và Ngô Quang Hiền. Ca Dao Nam Trung Bộ(Tái bản lần thứ hai có sửa chữa). Việt Nam: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 12 tháng 4 năm 2002.
Sơn, Đặng Thiên. Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Dân Trí, 2016.
Thản, Đào. Ca Dao Hài Hước(Tái bản và có bổ sung). Việt Nam: Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin, 8/2001
Thục, Nguyễn Đăng. Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1-6(in lần thứ 2). Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.
Văn, Kiều. Tình Yêu Trong Ca Dao, Tục Ngữ, Dân Ca. Đồng Nai, Việt Nam: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Đồng Nai, 2009.
0 Comments