L Ị C H    S Ử    T R U Y Ề N    KỲ

Trần Trung Chính

Ngày 02 tháng 3 năm 2019, bộ film tài liệu lịch sử có tên : “ SỰ CAN THIỆP CỦA HOA KỲ  VÀO CHIẾN TRANH VIỆT NAM ” được trình chiếu ra mắt tại vùng Washington D.C. trong hội trường George Mason của University Law School.

Theo như sự trình bày của nhà văn SƠN TÙNG, bộ film này do anh sinh viên Thái Võ ( năm sinh 1981) và cựu đại sứ Bùi Diễm (năm sinh 1926) thực hiện. Bộ film này dài tới 17  giờ chiếu và gồm 15 tập (hay 15 phần) , đó là :

Phần  1 : Nguồn Gốc Sự Can Thiệp Của Hoa Kỳ Tại Việt Nam, 1945 – 1965.

Phần   2 : Hoa Kỳ Đưa Quân Vào Việt Nam.

Phần   3 : Sư Hiện Diện Của Người Mỹ và Các Ảnh Hưởng về Kinh Tế, Xã Hội, Chính Trị và Quân Sự.

Phần   4 : Tết Mậu Thân 1968 , Bầu Cử Tại Mỹ và Những Ảnh Hưởng Đưa Đến Hòa Đàm Paris.

Phần   5 : Hiệp Định Paris và Những Hậu Quả.

Phần   6 : Phong Trào Phản Chiến và Ảnh Hưởng Đối Với Chính Sách Việt Nam của Hoa Kỳ

Phần   7 : Những Diễn Biến Đưa Đến Paris.

Phần   8 : Hội Đàm Sơ Bộ tại Paris.

Phần    9 : Richard Nixon, Anna Chennault và Cuộc Bầu Cử 1968.

Phần  10 : Mật Đàm Paris.

Phần  11 : Sự Vận Hành của Nền Chính Trị Hoa Kỳ và Việt Nam Hóa Chiến Tranh.

Phần  12 : Phản Chiến Bùng Nổ, Hồ Sơ Pentagon. Lo Ngại Của Hoa Kỳ và Cuộc Bầu Cử Tổng Thống Năm              

                  1971 Tại Nam Việt Nam.

Phần  13 : “Vừa Đánh Vừa Đàm” , “Xích Lại Gần Nhau “ và “Hòa Bình Trong Danh Dự”.

Phần  14 : Bài Học Lịch Sử và Những Vấn Đề Đại Cương.

Phần  15 : Để Hiểu Thêm Về Con Người và Nền Chính Trị Hoa Kỳ.

Theo nhận xét của nhà văn SƠN TÙNG , trích dẫn –  …”Sự Can Thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến Tranh Việt Nam “, hay Dự án “ Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam “, là tiếng nói trung thực của dân tộc Việt Nam, nạn nhân đã thua trắng tay trong canh bạc máu của thời đại đen tối nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. – Hết trích.

Chiến tranh Việt Nam là đấu trường của 3 đại cường : HOA KỲ – LIÊN SÔ và TRUNG CỘNG, TiẾn Sĩ Thái Võ và cựu đại sứ Bùi Diễm trong LỊCH SỬ TRUYỀN KHẨU về CHIẾN TRANH VIỆT NAM chỉ dẫn chứng và đưa ra những dữ kiện và chứng cớ từ một phía là Hoa kỳ thì chắc chắn là một thiếu sót quá lớn. Sự thiếu sót lớn lao như vậy khiến những thế hệ kế thế của quốc gia Việt Nam không có được một CÁI NHÌN TRUNG THỰC về hoàn cảnh và vị thế chính trị quan trọng của đất nước mình, do đó có muốn lãnh đạo lèo lái để Việt Nam vươn lên tồn tại cùng các quốc gia Đông Nam Á khác cũng là điều khó khăn. Dẫn chứng : quốc gia Singapore khi mới thành lập vào năm 1965, với diện tích nhỏ hơn thành phố Sài Gòn, dân số khoảng 3.5 triệu người, quốc gia nhỏ bé này không có tài nguyên thiên nhiên nào cả (ngay cả nước uống cũng phải mua từ Malaysia). Vậy mà dưới sự lèo lái tài tình của Thủ Tướng Lý Quang Diệu (sau này con trai của ông là Lý Hiển Long thay thế) đã đưa Singapore lên hàng cường quốc (với lợi tức đầu người gấp 167 lần của Việt Nam – Thống kê năm 2017).

Bài viết này không thể thay thế 15 phần của “Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam” nhưng góp thêm vào những dữ kiện đã xảy mà các tác giả không đề cập dến . Do vậy người viết đặt tiêu đề cho bài viết này là LỊCH SỬ TRUYỀN KỲ về CHIẾN TRANH VIỆT NAM.

Từ điển Việt Nam định nghĩa “Truyền Kỳ” = có tính chất những truyện kỳ lạ được lưu truyền lại từ đời này sang đời khác. Thí dụ : truyện truyền kỳ về thành Cổ Loa thời An Dương Vương.

Một triết gia (người viết không nhớ tên) định nghĩa “phép lạ” = sự biến đổi mà người ta cất đi yếu tố thời gian, thí dụ : Từ Thức lên ”cõi tiên” có 01 năm, khi trở lại cõi trần thì mới biết mình đã mất tích cả trăm năm trước.

Như vậy LỊCH SỬ TRUYỀN KỲ trong bài viết này không phải là “phép lạ” lại càng không phải là “dã sử” cũng như không hề có tính “ fiction (tưởng tượng)” chút nào hết.

Sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt (1918) , Tổng Thống Wilson chán ngán Âu Châu nên áp dụng học thuyết Monroe : Hoa Kỳ không can dự vào tình hình chính trị trên các lục địa khác. Năm 1932, Tổng Thống Harding (đảng Cộng Hòa) thua UCV Roosevelt (đảng Dân Chủ) vì Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ 1930. 2 nhiệm kỳ đầu (1932 – 1940), Tổng Thống Roosevelt lo phục hồi kinh tế nội địa, ngó qua Âu Châu và một chút Á Châu thì ông giật mình vì Hitler đã xé bỏ hòa ước Versailles, tái võ trang nước Đức, xâm chiếm Tiệp Khắc trong khi Anh – Pháp không có biện pháp ngăn chặn, Á châu thì Nhật Bản đã xâm chiếm Mãn Châu vào năm 1931 rồi dàn 1 triệu quân trên đất Mãn Châu lăm le tấn công Liên Sô (đạo quân 01 triệu người thường được biết dưới tên Đạo Quân QUAN ĐÔNG). Nhật Bản lại tấn công Nam Kinh vào năm 1937 (tổn thất của quân đội THDQ riêng trong trận Nam Kinh đã lên tới 250,000 người) khiến Tổng Thống Tưởng Giới Thạch phải lui quân và đem chính phủ  THDQ về Trùng Khánh – thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên sâu  trong lục địa Trung Hoa giáp ranh với Tây Tạng.

Nhờ đọc tài liệu khảo cứu của học giả Phạm Văn Tuấn viết về Tổng Thống Roosevelt , Tổng Thống Eisenhower và Đại Tướng Mac Arthur trên báo điện tử Đặc San Lâm Viên, chúng tôi mới biết rằng quốc gia Hoa Kỳ chuẩn bị tham chiến. Dẫn chứng, ngay từ khi giữ cấp bậc Đại Tá, Tướng George Marshall (chức vụ tương đương như Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ) đã chỉ định Đại Tá Eisenhower đi học Trường Chỉ Huy Tham Mưu  Cao Cấp tại Fort Lavenworth cùng với Tướng George Patton (học xong, Đại Tá Eisenhower được vinh thăng lên Tướng 1 sao) để chuẩn bị chỉ huy cả trăm ngàn quân lính Hoa Kỳ đổ bộ lên 2 mặt trận Âu Châu và  Á Châu sau này.

Chú thích : ngay từ đầu thập niên 1940, các kỹ sư của Anh – Mỹ đã phát minh ra môn học có tên là OPERATIONS RESEARCHES ( tiếng Việt : NGHIÊN CỨU TÁC VỤ ) , cho nên trong Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Fort Lavenworth, các sĩ quan cao cấp điều động và hành quân bằng các MODULES chứ không cần phải đem 2-3 trăm ngàn binh sĩ vào trường để thực tập. Người viết được học bộ môn này tại Ban Cao Học Trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh – Viện Đại Học Dalat do Kỹ Sư Nguyễn Trọng Hiền phụ trách, tài liệu và sách vở bằng tiếng Anh nhưng Giáo Sư Nguyễn Trọng Hiền giảng bằng tiếng Việt. Kỹ Sư Nguyễn Trọng Hiền là Giáo Sư Thỉnh Giảng vì thời điểm 1972 -1973, ông đang là Phu Tá Tổng Trưởng của Bộ Tài Chánh của chính phủ VNCH. Giáo sư Nguyễn Trọng Hiền cho biết nhờ áp dụng môn OPERATIONS RESEARCHES này mà Hoa Kỳ đã lên Mặt Trăng trước Liên Sô (vào tháng 7 năm 1969), mặc dù Liên Sô đã phóng thành công phi thuyền Spoutnik vào năm 1957. Xin trân trọng cảm ơn công đức giảng dạy của  Giáo Sư – Kỹ Sư Nguyễn Trọng Hiền.

Quân đội Đức hùng mạnh vì có tướng Rommel và Guderian đưa ra đấu pháp và vũ khí mới, đó là thiết giáp tiến quân có bộ binh tùng thiết đi kèm dưới sự yểm trợ của máy bay khu trục trên không. Trong khi đó Anh – Pháp với các ông Thống Chế Pétain và Thống Chế Juin lãnh đạo vẫn khư khư đấu pháp lập chiến lũy và đào hào hầm hố như thời chiến tranh 1914 – 1918. Khi còn là Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Thiết Giáp, ông De Gaulle đã đệ nạp kế hoạch canh tân và cải tổ quân đội Pháp như quân đội Đức, khổ nỗi các Thống Chế 7 sao và các Thống Tướng 5 sao trong Bộ Tổng Tham Mưu của Pháp đâu có thèm ngó ngàng đến kế hoạch này vì nghĩ rằng làm sao quân đội Đức có thể vượt qua nổi chiến lũy Maginot (dài 300 dặm) tiêu tốn hàng chục tỷ đồng francs với hàng chục trọng pháo 400 mm đặt trên xe lửa di động.

Đúng vậy, quân Đức không ngu dại tấn công chiến lũy Maginot mà họ tấn công nước Bỉ và Hà Lan (vào ngày 10 tháng 5 năm 1940) rồi dùng 2 nước này làm đường tiến quân vào Paris : 2 nước nhỏ này chỉ cầm cự được 4 tuần lễ vì xe tank của Đức dễ dàng đè bẹp mọi kháng cự, Anh – Pháp động binh được hơn 300,000 quân, chưa đến được  biên giới Pháp- Bỉ thì vào ngày 2 tháng 6 năm 1940 liên quân Anh – Pháp – Bỉ – Hà Lan được lệnh phải rút lui hướng về hải cảng Dunkerque để vượt biển Manche qua Anh vì quân đội Đức sắp sửa tiến vào Paris (nguyên do chính phủ Pháp đã tuyên bố Paris bị bỏ ngỏ, một hình thức chịu thua quân Đức rồi , và rồi quân đội Đức tiến vào Paris ngày 14-6-1940) . Tướng Charles de Gaulle phải đào thoát bay sang Anh bằng một chiếc phi cơ nhỏ và thành lập Phong Trào Pháp Tự Do để kháng cự quân Đức.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

Trận rút lui của liên quân Anh – Pháp – Bỉ – Hà Lan tại vùng biển Dunkerque đã lộ ra sự “lỗi thời” và “chậm chạp” của 300.000 binh sĩ  Đồng Minh (vì không có chiến xa và phi cơ yểm trợ, Thủ Tướng Churchill đã phải tận dụng toàn thể không lực Anh Quốc gồm 25 không đoàn Không Quân để nghênh chiến và ngăn chận Không Quân Đức, cũng như ông đã hiệu triệu trên Đài Phát Thanh Quốc Gia của thủ đô London để tất cả thuyền bè của Anh sang bên bờ biển nước Pháp chuyên chở 300,000 binh sĩ Đồng Minh rời khỏi bờ biển nước Pháp. Số 25 không đoàn nghe có vẻ lớn, thực ra chỉ bằng 1/5 lực lượng Không Quân của Đức)

Mặt trận phía Đông, quân đội Đức tấn công Ba Lan,vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Ba Lan  đang chống cự với Đức thì Stalin tấn công phía sau ,bắt và giết hơn 40,000 sĩ quan và binh lính Ba Lan rồi vu cho Đức giết (Mãi tới thập niên 80,dưới thời Gorbachev, Liên Sô mới chịu công nhận lỗi lầm này do chính Stalin ra lệnh). Tưởng được yên vì Stalin vừa mới ký  Hiệp Ước Bất Tương Xâm với Hitler(vào tháng7 năm 1939), nhưng sau khi thanh toán xong Bỉ – Hà Lan – Pháp, Hitler đem 50 sư đoàn quay sang đánh Liên Sô. Stalin ngạc nhiên vì không hiểu bằng cách nào mà Hitler lại di chuyển 500,000 quân nhanh như vậy (đạo quân này do Thống Chế Von Paulus chỉ huy), thực tế là Hitler đã cho xây hệ thống siêu xa lộ (xa lộ có 2-3 tầng để nhiều xe cộ  có thể di chuyển cùng một lúc).

Cũng như quân đội Anh – Pháp, Hồng quân Liên Sô cũng không có chiến xa và phi cơ khu trục nghênh chiến nên chẳng mấy chốc quân đội Đức đã bao vây Leningrad và Stalingrad rồi tiến sát tới Moscow. Một nhà báo người Đức làm việc tại Tokyo (đảng viên của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản) loan báo rằng 01 triệu quân Quan Đông đóng tại Mãn Châu sẽ không tấn công Liên Sô ở mật trận Viễn Đông mà trái lại quân đội Nhật Bản sẽ tấn công Hoa Kỳ bằng Hải Quân tại Honolulu (Hawaii). Staline liền cho rút 80 sư đoàn bộ binh từ Viễn Đông về thủ tại Moscow, Leningrad và Starlingrad. Quân Đức bị khựng tại đây, không tiến xa thêm được nữa.

Tại Á Châu, hải quân Nhật Bản dưới quyền của Đô Đốc Yamamoto đã tấn công Hoa Kỳ tại quần đảo Hawaii (Honolulu) vào ngày 7 tháng 12 – năm 1941 : 80% hạm đội Thái Bình Dương  của Hoa Kỳ bị thiệt hại . Cuối năm 1942 sau khi thua tại các trận hải chiến tại quần đảo Coral Sea và quần đảo Midway, hải quân và bộ binh Nhật bắt đầu rút lui. Ban Tham Mưu của Tổng Thống Roosevelt  đề nghi Hoa Kỳ nên giúp đỡ quân đội Trung Hoa của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch với mục đích tạo sự quấy rối tại vùng biên giới phía nam Trung Hoa để cầm chân 1,5 triệu bộ binh Nhật Bản (nếu quân đội Nhật bỏ Trung Hoa, rồi đem 1,5 triệu quân nhân ra rải đều trên các đảo ở Thái Bình Dương thì còn rất  lâu bộ binh Hoa Kỳ mới có thể tiến vào đất Nhật được !!)

Các cuộc họp của tứ cường tại Yalta, Teheran và Cairo với 4 lãnh tụ : Tổng Thống Roosevelt, Thủ Tướng Churchill, Chủ Tịch Stalin và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, trong thực tế chỉ có 3 lãnh tụ quyết định vận mạng của thế giới vì Tổng Thống Hoa Kỳ rủ Tổng Thống Tưởng Giới Thạch để tạo uy tín quốc tế cho Trung Hoa Dân Quốc mặt khác hoạt động của quân đội THDQ chỉ giới hạn tại lục địa Trung Hoa chứ không vươn ra ngoài lãnh thổ quốc tế như quân đội Hoa Kỳ, Anh và Liên Sô.

Đại tướng Eisenhower mở cuộc tấn công quân Đức tại bãi biển Normandie của nước Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, nhưng 11 tháng sau ngày đổ bộ, quân Đức mới đầu hàng vô điều kiện vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 (Hitler đã tự sát vào ngày 30 tháng 4 năm 1945 tại nơi làm việc của ông trong thành phố Berlin).

Trong khi đó tại mặt trận Á châu, tổn thất nhân mạng và thương vong của quân đội Mỹ khá cao, nhất là tại các hòn đảo đi vào cửa ngõ của Nhật Bản như Iwo Jima, như Okinawa…nên Tổng Thống Harry Truman sử dụng đến bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki bắt buộc Nhật Hoàng Hirohito phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiên vào tháng 8 năm 1945. Lễ đầu hàng chính thức của Nhật Bản được các bên ký kết trên chiến hạm U.S.S. Missouri vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

3 ngày trước khi Nhật Bản ký kết văn kiện đầu hàng. Liên Sô tuyên chiến với Nhật Bản và tiến chiếm quần đảo Kurils phía bắc của đảo Hokkaido (cho tới bây giờ – 2019, Nhật Bản đòi lại rất nhiều lần mà Liên Sô rồi sau này là nước Nga của ông Putin vẫn không chịu trả. Có lẽ khi nào nước Nhật đánh bại nước Nga như hồi 1905, thì nước Nga sẽ hoan hỉ hoàn trả.

Việc chiếm quần đảo Kurils là chuyện nhỏ, việc khai chiến với nước Nhật để “tước khi giới” của 01 triệu quân Quan Đông mới quan trọng. Tuy tuyên chiến, nhưng hồng quân Liên Sô không có giao tranh với quân Nhật. Thống Tướng Mac Arthur đánh điện mời các đại diện của các quốc gia đồng minh lên chiến hạm USS Missouri chứng kiến Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng nên Stalin biết chắc chắn giới quân nhân của Nhật sẽ không có phản ứng. Tuyên chiến mà không có giao tranh vì quân số của Liên Sô tại vùng Viễn Đông qua ít ỏi so với 01 triệu quân Quan Đông, nổ súng giao tranh là “chọc giận” Đại Tướng Tư Lệnh và Ban Tham Mưu của quân đội Nhật, lúc đó trước giờ ký văn kiện chính thức đầu hàng , 01 triệu quân Nhật sẽ tiêu diệt “trọn gói”” quân Liên Sô và có thể toàn thể hồng quân Liên Sô trú đóng tại Mãn Châu sẽ bị tàn sát không còn một mống . Đó cũng là tâm lý chung của đạo quân viễn chinh trú đóng 14 năm ( từ 1931 đến 1945 ) bên ngoài lãnh thổ nước Nhật mà chưa hề giao tranh với kẻ địch lần nào cả.

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ NHẤT : Các sử gia và các chính trị gia trên toàn thế giới vẫn chưa thể đồng ý với nhau về NGUYÊN NHÂN CHÍNH YẾU của cuộc chiến tại Việt Nam (tại sao cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ Quốc Cộng lại xảy ra ở Việt Nam mà không xảy ra tại Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Miến Điện…).

Ghi chú : các quốc gia vừa nêu trên đều là các thuộc địa của đế quốc Anh, đế quốc Pháp, đế quốc Hà Lan.

Chính trị gia Winston Churchill khi chưa làm Thủ Tướng Chính Phủ đã quan sát và nghiên cứu rất kỹ lưỡng tình hình chính trị đã xảy ra tại Tây Ban Nha vào năm 1936. Khi đó Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha vừa chiếm được đa số trong quốc hội (sau cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc), ngay lập tức Tướng Franco và các lực lượng hữu phái tấn công bằng vũ lực gây nên cái mà người ta gọi là “cuộc nội chiến Tây Ban Nha”. Kết quả phần thắng nghiêng về tướng Franco và phe hữu vì Tướng Franco được Hitler của nước Đức  giúp đỡ cả về tài chánh cũng như vũ khí đạn dược trong khi phe Cộng Sản Tây Ban Nha chỉ được Liên Sô trợ giúp bằng phèng la và nước bọt ( nói nào ngay, hiện vật, quân trang quân dụng và vũ khí đạn dược của Liên Sô không thể vượt  qua địa giới của Đức và Pháp để vào Tây Ban Nha được).

Lý do Tướng Franco và phe hữu tấn công phe Cộng Sản Tây Ban Nha vì phe này chủ trương “ cách mạng chuyên chính vô sản ” (nghĩa là được phép dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt các đảng phái khác và sử dụng bạo lực cách mạng để khống chế nhân dân…như Liên Sô đã làm từ 1917). Năm 1975, Tướng Franco qua đời vì tuổi cao, người kế vị ông lên ngôi vua tức là vua Juan Carlos. Trong dịp đăng quang, Vua Juan Carlos ký lệnh ân xá các đảng viên Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha bị nhốt giam tù từ năm 1936 (Tướng Franco không đổi tên Nhà Tù – Trại Giam thành Trại Cải Tạo như bọn Việt Cộng). Tuy được thà tự do mà vẫn không được tham gia sinh hoạt chính trị. Năm 1977, trong kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha, tân Tổng Bí Thư tuyên bố Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha từ bỏ chủ trương “ Cách Mạng Chuyên Chính Vô Sản”. Ông này liền bị Breznev mắng là “Đồ Xét Lại”, nhưng từ đó về sau Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha mới được tham chính như các đảng phái chính trị khác.

Ngày 7 tháng 5 năm 1945, nước Đức đầu hàng. Vì vậy 3 lãnh tụ của Hoa Kỳ là Tổng Thống Harry Truman (vừa mới lên thay Tổng Thống Roosevelt từ trần đột ngột vào ngày 12 tháng 4 năm 1945 vì bị xuất huyết não), lãnh tụ của Anh Quốc là Thủ Tướng Churchill và lãnh tụ của Liên Sô là Chủ Tịch Stalin tổ chức một hội nghị tại thành phố Postdam – Đức vào tháng 7 năm 1945 để phân định địa giới chính trị mới cũng như phác họa kế hoạch hòa bình và xây dựng Âu Châu đổ nát sau chiến tranh. Hội nghị Postdam  cũng quy định việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương : quân đội Anh phụ trách giải giới quân đội Nhật tứ phía Nam của vĩ tuyến 16, còn quân đội của THDQ phụ trách giải giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc.

Ngay tại thành phố Postdam, ông Churchill hay tin Đảng Bảo Thủ thua phiếu Đảng Lao Động. Dĩ nhiên tân Thủ Tướng là ông Clement R. Atlee. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản chính thức ký vào văn kiện đầu hàng, nên Thủ Tướng Atlee cử Tướng Gracey đem 5,000 quân Anh- Ấn vào Sài Gòn thi hành nhiệm vụ giải giới (binh sĩ người Ấn trong quân đội Anh được dân chúng miền Nam gọi là Lính Chà Chóp). Tướng Charles De Gaulle yêu cầu cho quân đội Pháp tháp tùng quân đội Anh và được chính phủ Anh chấp thuận. Người ta quá chú trọng vào tham vọng của Tướng De Gaulle và ước muốn tái chiếm thuộc địa Đông Dương của chính phủ Pháp mà quên đi lý do tại sao Thủ Tướng Atlee lại thỏa mãn lời yêu cầu của Tướng De Gaulle trong khi thỏa ước ở Postdam không có điều khoản quân đội Pháp theo chân quân đội Anh vào Sài Gòn.

Lý do : vì cả chính phủ Anh và Pháp đều biết rõ Hồ chí Minh là tên Cộng Sản của đệ tam quốc tế (qua hồ sơ lưu trữ của Mật Thám Pháp và Anh bên Trung Hoa), đây là nhóm luôn luôn chủ trương Cách Mạng Chuyên Chính Vô Sản. Quân đội Anh – Ấn chỉ ở miền Nam vĩ truyến 16 thời gian ngắn, giải giới xong thì rút về nước , như vậy nhiệm vụ chính của quân đội Pháp ở lại Đông Dương là ngăn trở không cho Hồ chí Minh thành lập nhà nước Cộng Sản và xuất cảng chủ nghĩa Cộng Sản qua các xứ thuộc địa của đế quốc Anh.

Suy ra chiến tranh ý thức hệ Quốc – Cộng xảy ra tại Việt Nam vì Hồ Chí Minh là đảng viên của Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế. Dẫn chứng đế quốc Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ từ 1947, đế quốc Hà Lan trao trả độc lập cho Indonesia từ 1948, vì Thánh Gandhi và Sokarno không phải là Cộng Sản.

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ HAI : Hồ chí Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim và ép buộc Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị ,rồi tuyên xưng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thẩm quyền hành chánh cả 3 miền Nam Trung Bắc. Điều tự xưng và tuyên xưng như vậy không có quốc gia nào công nhận và cũng thiếu tính “hợp lý” về mặt công pháp. Nước Việt Nam dưới thời Vua Tự Đức bị người Pháp xâm lăng, Vua Tự Đức phải ký 2 hòa ước, đó là hòa ước Patenote (năm 1874) cắt 6 tỉnh miền Nam nhượng cho Pháp , hòa ước thứ hai là hòa ước Harmand công nhận sự “bảo hộ” của Pháp (ký vào năm 1883) trên Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

Sự tổ chức hành chánh của 2 vùng đất khác nhau, miền Nam có tỉnh – tỉnh trưởng, có quận – quận trưởng, có xã – xã trưởng. Trong khi Trung Kỳ và Bắc Kỳ có Tổng Đốc (cầm đầu của một tỉnh), tri phủ (cầm đầu của một huyện), lý trưởng (cầm đầu của một làng), bên cạnh mỗi Tổng Đốc có Công Sứ người Pháp.  Nam Kỳ là Xứ THUỘC PHÁP có đại biểu trong Quốc Hội Pháp.

Cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim và bắt vua Bảo Đại thoái vị thì lẽ ra chỉ có thẩm quyền hành chánh tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ mà thôi chứ thành lập cái gọi là ỦY BAN HÀNH CHÍNH NAM BỘ thì rõ ràng là sự ăn cướp ”trắng trợn”. Và quân đội Pháp của Tướng Leclerc trở lại Sài Gòn là trở lại “ LÃNH THỔ PHÁP QUỐC HẢI NGOẠI” chứ không phải là trở lại 2 xứ “bảo hộ”. Đó cũng là lý do trong khi quân đội Anh – Ấn còn ở miền Nam vĩ tuyến 16, không có biến động nào được phép xảy ra (nếu không Tướng Gracey có thể viện dẫn lý do “bảo vệ an toàn cho các binh sĩ thi hành nhiệm vụ giải giới” mà thi hành những biện pháp mạnh để giải thể chính quyền hay giải tán lực lượng võ trang của địa phương ).

Sau này , vào năm 1955, ông Ngô Đình Diệm bắt buộc phải truất phế vua Bảo Đại và thành lập quốc gia VNCH mới vì vua Bảo Đại còn tại vị thì VN còn bị kẹt với Pháp qua hệ quả của hòa ước Patenote và hòa ước Harmand vừa nói ở đoạn trên.

 TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ BA : BỌN VC và một số khoa bảng dấm dớ thường khoác lác  là “chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu và thế giới 5 châu phải nghiêng đầu thán phục tài lãnh đạo của Bác Hồ và của Đảng VN ta !!!

Bọn chúng không hề biết rằng nếu Mao Trạch Đông không đuổi được Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan (nhờ Stalin lấy vũ khí của 01 triệu quân Quan Đông trao cho Mao) thì làm gì Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp có thể tổ chức được trận Điện Biên Phủ.

Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Trung Hoa là một biến số ”mới và lạ”trên bàn cờ thế giới (chỉ có Stalin biết vì Ông Trùm Đỏ mưu tính khác với 2 lãnh tụ Anh – Mỹ). Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cũng biết âm mưu này, nên ông ra lệnh cho đạo quân bao vây Mao bỏ dở cuộc bao vây để tiến về Mãn Châu. Mao dùng 80% lực lượng của mình để truy cản, các trận đánh tại Thiểm Tây và Cam Túc làm binh lính của Mao bị giết tới 60,000 người nhưng 20% số còn lại (vì không có giao chiến) đã lên Mãn Châu trước và được hồng quân Liên Sô (thừa lệnh của Stalin) trao hết toàn bộ vũ khi, quân trang, quân dụng và lương thực cho quân của Mao.

Từ khi nhận được “của lạ” nói trên quân của Mao đánh thắng quân của Tưởng liên tiếp vì quân của Tưởng không có xe cộ để di chuyển (cứ xem quân của Tướng Lư Hán vào miền Bắc VN giải giới thì rõ, ngoài trừ sĩ quan là có xe, còn binh lính thì đi bộ) , quân của Tưởng không có trọng pháo : vì đánh nhau với quân của Mao trong cái gọi là Vạn Lý Trường Chinh nên các sư đoàn của Tưởng là các sư đoàn khinh chiến chỉ trang bị súng cối và đại bác 57 ly bắn thẳng chứ không có trọng pháo bắn cầu vồng. Tệ hại hơn nữa là lính của Tưởng thiếu quần áo (quân nhu) , thiếu lương thực trầm trọng và thiếu cả đạn dược.

Năm 1946, đích thân Đại Tướng Marshall bay qua Trùng Khánh hội kiến với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Phía THDQ yêu cầu Mỹ trang bị quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn được…cho 100 sư đoàn bộ binh. Tướng Marshall hứa là sẽ trình lại với Tổng Thống Truman nhưng ai cũng biết là ông đi luôn never come back (hồi chúng tôi ở trại tỵ nạn Bataan – Philippines thường hay dùng đặc ngữ SEE YOU MẤT TIÊU, nay đem dùng trong trường hợp này là quá đúng). Bởi vì toàn thể quân lực Hoa Kỳ trong thời chiến bao gồm Hải – Lục – Không Quân  và Thủy Quân Lục Chiến cũng mới chỉ lên tới 01 triệu quân thì làm gì có khả năng viện trợ cho Tổng Thống Tưởng Giới Thạch với nhu cầu của 100 sư đoàn bộ binh !

Báo chí Hoa Kỳ được dùng để chỉ trích Tổng Thống Tưởng Giới Thạch như binh lính của các tướng lãnh vô kỷ luật, không đánh trận mà đi cướp lương thực của dân hay các tướng tham nhũng….nói chung những bài viết bôi bác này xuất hiện trên báo Mỹ để “rửa mặt” cho việc không đủ khả năng viện trợ của chính phủ Mỹ (chớ giới quân nhân của THDQ đâu có đọc Time, Newsweek, Washington Post… bao giờ) . Tương tự khi Quốc Hội Hoa Kỳ cắt quân viện cho VNCH thì ngay lập tức Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh ra đời. Điều lạ là tới năm 2016, chính miệng của ông Thẩm Phán Phan Quang Tuệ cũng còn phán rằng VNCH thua VC vì …tham nhũng. Cá nhân người viết nghĩ rằng Linh Mục Trần Hữu Thanh học Thần Học và ông Phan Quang Tuệ học Luật Tư Pháp nên mù tịt về Toán học : giả sử VNCH không có tham nhũng thì liệu số tiền dành dụm có đủ để mua vũ khí chống VC hay không ? Một thí dụ khác, quốc gia Nam Hàn dưới sự lãnh đạo của Tướng Park Chung Hee không có tham nhũng, đất nước phát triển, dân chúng có công ăn việc làm, đời sống được nâng cao, không có chiến tranh, vậy mà vẩn phải nhận viện trợ của Mỹ để chi tiêu về vũ khí. Riêng Tổng Thống Thiệu trả lời về việc Linh Mục Trần Hữu Thanh tố cáo chính phủ VNCH tham nhũng, ông nói : “có ít mà xít ra nhiều”.

Những chính khách salon la ó lên rằng Hoa Kỳ “ bỏ rơi ”THDQ là nói bậy vì Hoa Kỳ không có khả năng để can dự thì làm sao lại gọi là “bỏ rơi” !

Sau khi Tổng Thống Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, Mao liền sai Kim Nhật Thành xua 300,000 quân tiến đánh Nam Hàn, đuổi chính phủ của Tổng Thống Lý Thừa Vãn chạy xuống cực nam chỉ còn 10 cây số nữa là leo lên tàu bơi qua Nhật xin tỵ nạn. Điều mà Mao và Kim Nhật Thành không ngờ là Đại Tướng Mac Arthur đóng bản doanh bên Nhật với quân số ít hơn lại dám mở cuộc đổ bộ ở hải cảng Inchon rồi đảo ngược tình thế : tù binh của Bắc Hàn tại Inchon là 177,000 người và Đại Tướng Mac Arthur đuổi quân Cộng Sản tới tận sông Áp Lục . Mao liền ra lệnh cho nguyên soái Bành Đức Hoài dẫn 01 triệu chí nguyện quân Trung Hoa kéo qua Bắc Hàn cứu viện rồi đẩy lui quân Hoa Kỳ từ sông Áp Lục xuống tận vĩ tuyến 38.

Người viết đoan chắc là Đại Tướng Mac Arthur mở cuộc phản công và đổ bộ vào thành phố Inchon trước khi chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi họp Hội Đồng Bảo An LHQ bàn về Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn : ông dám làm chuyện đó vì ông vẫn còn trách nhiệm giải giới quân đội Nhật và cai trị nước Nhật + Nam Hàn (thực tế là nếu chờ họp HĐBA thì may mắn lắm nội các của Tổng Thống Lý Thừa Vãn kịp đào thoát bằng đường  biển sang Nhật tỵ nạn). Trong phiên họp của HĐBA, ngoại trưởng Molotov ra lệnh cho đại sứ Liên Sô vắng mặt vì Liên Sô không thể binh vực cho Trung Cộng và Bắc Hàn được : 2  đám giặc Trung Cộng và Bắc Hàn chưa được công nhận là quốc gia và cũng không phải là hội viên của Liên Hiệp Quốc.

Hoa Kỳ góp 250,000 quân và các quốc gia khác như Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, New Zealand…góp tổng cộng 30,000 quân, như vậy Đại Tướng Mac Arthur vừa là Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại chiến trường Triều Tiên vừa là Tư Lệnh đạo quân 280,000 người của Liên Hiệp Quốc ( Hoa Kỳ cung cấp luôn quân trang quân dụng, quân nhu, truyền tin,, lương thực cho 30,000 binh sĩ của các nước khác).

Chú thích : người viết muốn lưu ý độc giả trường hợp của nước Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đóng góp này ; mặc dù quân đội Pháp đang vất vả tại chiến trường Việt Nam (đúng lúc Võ Nguyên Giáp nhận quân viện của Trung Cộng mở các trận đánh tại vùng biên giới Hoa Việt) , nước Pháp cũng gửi 2 tiểu đoàn Lê Dương tham chiến và Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi 01 tiểu đoàn bộ binh tham chiến. Lý do như sau : năm 1948, Hoa Kỳ giúp Hy Lạp dẹp tan bọn Cộng Sản, lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ biết chắc Liên Sô mưu toan xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ vì thành phố hải cảng Istanbul (tên cũ là Constantinop) án ngữ con dường từ Hắc Hải ra Địa Trung Hải,Thổ Nhĩ Kỳ  góp 01 tiểu đoàn bộ binh thì sau này HK sẽ trợ giúp chống lại Liên Sô). Chính phủ Pháp cũng biết là nước Pháp không đủ tài chánh, nhân lực và uy thế chống với Trung Cộng, cho nên góp 2 tiểu đoàn Lê Dương tham chiến tại Triều Tiên, sau này sẽ được chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp quân viện. 

 Quân đội của Tướng Mac Arthur phải lui từ sông Áp Lục về tới vĩ tuyến 38 vì quân Trung Cộng đông quá, hỏa lực quy ước như súng máy và bom thả xuống đất không ăn thua gì ( người viết đã được xem những đoạn film đen trắng quay từ các phóng viên chiến trường). Với tư cách là Tư Lệnh Chiến Trường, Tướng Mac Arthur xin phép tấn công sâu vào nội địa Trung Hoa và sử dụng bom nguyên tử. Tổng Thống Truman bác bỏ đề nghị của ông. Lúc đó Đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số tại hạ nghị viện, nên TướngMac Arthur bay về Washington D.C. dự định vận động quốc hội cấp ngân khoản tiếp tục cuộc chiến.

Tổng Thống Truman liền cất chức của ông vì tội “vượt hệ thống quân giai, tự ý rời chiến trường đi vận động quốc hội, it’s not your job !  Dư luận cảm mến Đại Tướng Mac Arthur vì tài năng và đức độ của ông, nhưng Tổng Thống Truman hành động đúng vì những lý do sau đây :

  1. Hoa Kỳ không có đủ binh sĩ để tiến vào nội địa Trung Hoa (thí dụ điển hình : Nhật Bản dàn 01 triệu quân ở Mãn Châu và thêm 500,000 quân trải dọc theo bờ biển Trung Hoa từ bán đảo Liêu Đông xuống tận Quảng Tây mà chưa thấm thía vào đâu cả).
  2. Nếu Hoa Kỳ sa lầy ở Triều Tiên thì Stalin sẽ thôn tính cả Ậu Châu.

Tướng Ridway được Tổng Thống Truman bổ nhiệm thay thế Tướng Mac Arthur với lời dặn cứ giữ nguyên trạng không cho TC và BH  lấn thêm bất cứ tấc đất nào khác.

Tổng Thống Truman cũng là người đề xướng học thuyết BE BỜ VÀ NGĂN CHẬN vì Trung Cộng là quốc gia quá to lớn ,quá đông dân và nhất là có lãnh tụ MAO TRẠCH ĐÔNG dám hy sinh 50 triệu người dân để thỏa mãn ý thích của mình ( Xin xem Hồi Ký của Cựu Ngoại Trưởng của Liên Sô là ông ANDREII GROMYKO mà giáo sư Nguyễn Văn Lục mới dịch từ bản Pháp Văn – bản dịch này cũng được đăng trên Việt Nam Nhật Báo San José mới cách nay khoảng 2 tháng)

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ TƯ :  Hoa Kỳ can dự vào chiến tranh Việt Nam như thế nào và can dự vào thời điểm nào ?

Sau Thế Chiến 2, các mẫu quốc của các đế quốc thực dân quá suy yếu vì các đổ vỡ chiến tranh chưa thể  hàn gắn kịp, nên chỉ có Hoa Kỳ là có đủ khả năng đối đầu với 2 tên đầu sỏ của thế giới Cộng Sản. Cuối năm 1952, chính phủ Pháp đề cử Tư Lệnh Chiến Trường Đông Dương là Thống Tướng De Lattre De Tassigni  sang Hoa Kỳ cầu viện với Tổng Thống vừa mới đắc cử là Tổng Thống Eisenhower, lúc đó chưa có thỏa thuận ngưng bắn tại Bàn Môn Điếm, nên HK chỉ có thể giúp nước Pháp tài chánh,khí cụ đạn dược, quân trang quân dụng mà thôi (không thể rút quân từ Triều Tiên được). Tuy nhiên Thống Tướng De Lattre  De Tassigni cũng được Tổng Thống Eisenhower cho biết là HK có giải pháp chính trị cho bài toán VN, đó là HK sẽ ủng hộ một chính phủ quốc gia hiện diện tại miền Nam (còn miền Bắc cứ để cho VC). Quân đội Pháp sẽ có nhiệm vụ đánh cho quân Việt Minh tơi tả, để miền Nam có thể yên ổn trong vòng 5-10 năm, bù lại nước Pháp sẽ được HK viện trợ kinh tế qua kế hoạch Marsall tái thiết Âu Châu.

Sau khi Thống Tướng De Lattre trở lại Đông Dương, quân trang, vũ khí đạn dược được chính phủ Hoa Kỳ chở tới VN giao cho quân đội Pháp, phía Hoa Kỳ cắt cử Đại Tá Lansdale ( sĩ quan cao cấp của ngành Tình Báo) sang VN làm công tác chuẩn bị cho giải pháp chính trị  (ông này chỉ tiếp xúc với chính giới tại miền Nam và giúp tiền bạc cho các lực lượng võ trang của các giáo phái để làm hậu thuẫn cho ông Ngô Đình Diệm về sau ). Thí dụ minh họa : trận Điện Biên Phủ làm binh đội Việt Minh tổn thất nặng nên chính phủ VNCH của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được yên ổn từ 1955 đến 1960 để xây dựng đất nước.

Nói một cách sống sượng và thực tế, đạo quân viễn chinh 220,000 người của nước Pháp là “lính đánh thuê” cho Hoa Kỳ trong mục tiêu ngăn chận sự bành trướng của đế quốc Cộng Sản tại Đông Nam Á.

Sau 2 trận chiến tranh tại Triều Tiên và Bắc Việt, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng  Sản Trung Hoa thấy rằng khó có thể thắng được quân đội Hoa Kỳ bằng  phương thức “vận động chiến” vì quân đội Hoa Kỳ tuy ít hơn nhưng khả năng di động rất cao đồng thời hải lực và không lực của Hoa Kỳ có khả năng “tập trung hỏa lực” rất khủng khiếp. Mao bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản dưới dạng “vết dầu loang” khiến Tổng Thống Eisenhower và Ban Tham Mưu phải xây dựng  “ học thuyết Domino” và thành lập 2 tổ Chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Minh Phòng Vệ Đông Nam Á (SEATO)

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ NĂM :

Hoa Kỳ dưới thời của Tổng Thống Johnson đã đem 550,000 quân nhân sang Việt Nam với mục đích ngăn chận quân Trung Cộng đang tiến hành chiến tranh “cướp đoạt” trên toàn thế giới, chứ không phải chỉ ngăn chận quân VC (thực ra chiến trận tại miền Nam VN không đủ lớn để Tổng Thống Johnson phải sử dụng đến ½ quân số của Hoa Kỳ). Công thức “lấy nông thôn bao vây thành thị “ của Mao có nghĩa là Trung Cộng sẽ tiến chiếm các quốc gia nhỏ nhưng có tài nguyên thiên nhiên cung ứng cho các quốc gia phát triển cần các nguyên liệu đó. Đây không phải là sự phỏng đoán của người viết mà là những lời đối thoại giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai vào tháng 9/1972 khi Hoa Kỳ cần sự trợ giúp của Trung Cộng để BV ký vào tài liệu mà sau này gọi là Hiệp Định Paris !

Chú thích của người viết : thói đời không có chuyện dân nhà nghèo “giải phóng” dân nhà giàu, mà chỉ có dân nhà nghèo “cướp của + trấn lột” dân nhà giàu. Còn dân nhà giàu không đi cướp của + trấn lột dân nhà nghèo, vì nhà nghèo không có gì để trấn lột ! CHÂN LÝ NÀY ĐÚNG VĨNH VIỄN, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI.

Thời đỉểm 1965 là lúc Cộng Sản Indonesia sắp cướp được chính quyền nên Tổng Thống Johnson đem quân 550,000 người sang VN để dự phòng, nhưng tình báo HK sử dụng Tướng Suharto lật ngược thế cờ và tàn sát hơn nửa triệu đảng viên  Cộng Sản Indonesia trong vòng 01 tuần lễ. Tình báo Hoa Kỳ còn tung tài liệu giả để Mao Trạch Đông mở “CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HÓA NĂM 1966” khiến biết bao đảng viên trung kiên bị đấu tố rồi bị xử giảo, con số thống kê không chính thức cho biết riêng trong sự việc CÁCH MẠNG VĂN HÓA, con số tử vong lên tới 10 triệu người. Các tay chân thân tín như Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu…bị giết. Với Hoa Kỳ, CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG bị đại bại trong im lặng vì Mao ngưng xuất cảng “ CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG” để quay về củng cố địa vị tại nội địaTrung Hoa  ( Trong hồi ký của Andreii Gromyko – do giáo sư Nguyễn Văn Lục dịch, chính Gromyko thú nhận là không biết nhiều về sự thực đưa đến CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HÓA 1966 tại Trung Cộng , quả thật là 01 CUỘC CÁCH MẠNG LONG TRỜI LỞ ĐẤT chỉ có Đảng Cộng Sản Trung Hoa mới dám làm và làm được).

Tổng Thống Johnson và ông Mac Namara thành công trong việc tiêu diệt Cộng Sản tại Indonesia cũng như tung tin giả khiến Mao và Bè Lũ 4 Tên ( Giang Thanh , Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên) thành lập Đoàn Hồng Vệ Binh phá nát đất nước Trung Hoa, tiêu diệt được hơn 10 triệu những tên “phản động” (phản động vì đa số bị chụp mũ có tư tưởng chống Hoàng Đế Mao Trạch Đông) , tuy nhiên cả 2 ông không có giải pháp tốt đẹp cho việc đem ½ triệu quân nhân trở vể Hoa Kỳ . Ông Mac Namara bỏ chạy trước, ông rời Bộ Quốc Phòng giao lại cho luật sư Clark Clifford để sang World Bank làm CEO từ cuối năm 1967. Còn Tổng Thống Johnson thì tuyên bố không ra ứng cử . Và gánh nặng “chiến tranh VN” được đẩy cho Phó Tổng Thống Hubert Humphrey (ứng cử viên của Đảng Dân Chủ) và Richard Nixon (ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa) giải quyết, cũng có nghĩa là ai thắng cử thì sẽ giải quyết “chiến tranh VN” theo kế sách của mình. Ứng cử viên của Đảng Dân Chủ không có sách lược rút quân, nghĩa là nếu đắc cử, Đảng Dân Chủ sẽ ép Tổng Thống Thiệu lập chính phủ “hòa hợp hòa giải” với Việt Cộng rồi HK sẽ rút quân toàn diện, bất cần VNCH có thể tồn tại được hay không. Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa cũng rút quân “đem con em Hoa Kỳ trở về nước”, nhưng rút từ từ để giúp VNCH có thể tồn tại, đó là “kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh ” của chính phủ Nixon sau này.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ VNCH không có nhiều lựa chọn và Tổng Thống Thiệu đã công khai ủng hộ UCV Richard Nixon bằng cách không tham dự hòa đàm Paris vào năm 1968. ( trước đó, UCV  Richard Nixon có nhờ bà Anna Chennault – Chủ tịch công ty Pacific Airlines qua Sài Gòn vận động với Tổng Thống Thiệu).

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ SÁU :

Các phái đoàn đến Paris từ năm 1968, vậy mà tới tháng 9 năm 1972 vẫn chưa ký kết được thỏa hiệp nào cả. Phía Hoa Kỳ rất sốt ruột vì dân chúng Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu vào tháng 11/1972. Mặc dù quân Bắc Việt mở 3 trận đánh vào MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972 tại Quảng Trị, Kontum và An Lộc, nhưng bị thua cả 3 mà số tử trận và thương vong rất cao.

Người viết có trong tay  bản dịch ra Việt ngữ của tài liệu ghi lại cuộc nói chuyện của Henry Kissinger và Thủ Tướng Chu Ân Lai vào tháng 9 /1972 tại Bắc Kinh (tài liệu này đã được giải mật vào năm 2002 – sau 30 năm theo như luật pháp quy định), chúng tôi không trích dẫn vì quá dài mà lại không cần thiết cho bài viết này, chỉ nêu ra một số chi tiết mà quá khứ  (1972 – 1975) không rõ và khó hiểu :

6.1 Kissinger bác bỏ điều đòi hỏi  của Lê Đức Thọ là HK phải lật đổ Tổng Thống Thiệu, Kissinger nói với Chu Ân Lai : “ là một nước lớn chúng tôi không thể lật đổ một chính quyền mà chúng tôi đã giúp đỡ, cùng nhau làm việc (…mà họ không có lỗi gì cả). Cá nhân người đọc hiểu là BV đã mất 18% nhân lực suốt từ 1960 đến 1972 mà không làm được, thì tại sao HK phải làm hộ cho BV,  đó là yêu sách không hợp lý.

6.2 Hoa Kỳ nhượng bộ bằng cách không đòi hỏi BV phải rút quân, nhưng Lê Đức Thọ cho rằng BV bị lừa trên bàn hội nghị và mất hết những gì đạt được trên chiến trường (Kissinger quá khôn, vì kế hoạch ngưng bắn kiểu da beo thì VNCH bị mất một số  đất, nhưng BV cũng không thể sử dụng được đất chiếm đóng vì không có hạ tầng cơ sở, không có dân chúng…muốn sống còn thì phải chở tiếp liệu từ ngoài Bắc vào)

6.3 Kissinger nói với Chu Ân Lai : việc rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Đông Dương là một chính sách được bàn thảo kỹ lưỡng, do đó không có chuyện sẽ quay trở lại nếu Nam VN lâm nguy (BV hiểu chuyện như thế nên mới tiếp tục cuộc chiến vào năm 1975 dù đã ký Hiệp Định Paris 1973)

6.4 BV dù đã thua trận trong “ mùa hè đỏ lửa 1972” (mất 100,000 bộ đội và hơn 700 chiến xa bị hủy diệt) nhưng không chịu ký vì BV muốn đánh phé với Nixon, muốn làm Nixon thất cử vì Nixon hứa giải quyết chiến tranh VN trong nhiệm kỳ đầu…Canh bạc xì phé này BV thua đậm vì Nixon thắng phiếu cử tri phổ thông của 49 tiểu bang, trong khi Thượng Nghị Sĩ Mac Govern chỉ thắng phiếu tại tiểu bang nhà của ông.

6.5 Tới tháng 12/1972 sau kết quả thắng cử, chính phủ HK kêu phái đoàn VC trở lại bàn hội nghị để ký kết, nhưng BV không chịu trở lại Paris, chính Tổng Thống Nixon và Kissinger hiểu rằng BV phá đám để Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh (Đảng Dân Chủ chiếm đa số và sẽ nhóm họp vào tháng 01/1973 và sẽ cắt các ngân khoản chiến tranh, do đó Hành Pháp HK bị bắt buộc phải rút quân khỏi VN !). Tổng Thống Nixon gọi Kissinger về Mỹ ngày 13 tháng 12 năm 1972 và quyết định giải quyết bế tắc Hòa Đàm Paris bằng vũ lực.

6.6 Theo tác giả Walter Isaacson, ngày  5 và 6 tháng 12 năm 1972, Kissinger đánh nhiều điện tín bi quan về cho Nixon, Kissinger đề nghị đưa yêu cầu của Tổng Thống Thiệu đòi BV phải rút quân để họ (BV) bác bỏ , rồi HK sẽ bỏ bom BV, trong một điện tín khác, Kissinger đề nghị bỏ bom trong 6 tháng. Ngày 11 tháng 12 năm 1972, Lê Đức Thọ bác bỏ lời đề nghị của Kissinger và đòi Mỹ rút hết cố vấn kỹ thuật ra khỏi miền Nam. Ngày 12 tháng 12 năm 1972, Lê Đức Thọ nói sẽ về Hà Nội, Kissinger điện cho Nixon  thông báo là hòa đàm vô vọng nên Tổng Thống Nixon gọi Kissinger về nước.

6.7 Tổng Thống Nixon quyết định oanh tạc BV dưới cái tên Linebacker II, Nixon chủ trương oanh tạc mạnh để BV chấm dứt cái trò “kéo dài đàm phán”. Để bảo đảm hiệu quả, Tổng Thống Nixon không lên đài truyền hình và cũng chẳng gửi Tối Hậu Thư với phương châm “dùng sức mạnh tối đa trong khoảng thời gian ngắn nhất trên những mục tiêu đáng giá của BV.” Ngoài ra, Tổng Thống Nixon còn muốn dân Hà Nội phải nghe tiếng bom, nhưng cũng tránh thiệt hại cho người dân, nên phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc suốt đêm cho quân địch khiếp hãi.

6.8 Ngày 18 tháng 12 năm 1972 bắt đầu ném bom, có nghỉ ném bom để kỷ niệm Giáng Sinh 25 tháng 12.. Tổng Thống Nixon gửi điện hỏi BV có chịu họp vào ngày 3 tháng 01 năm 1973 hay không ? Nếu chịu, HK sẽ ngưng oanh tạc từ ngày 31 tháng 12. Hà Nội không trả lời. Ngày 26, Nixon cho oanh tạc dữ dội hơn trước với 120 máy bay oanh tạc 10 mục tiêu trong 15 phút.

Ngày 27 tháng 12 năm 1972, Hà Nội loan báo là họ đồng ý trở lại bàn hội nghị vào ngày 8 tháng 01 năm 1973, nhưng Tổng Thống Nixon vẫn cho tiếp tục oanh tạc cho đến ngày 29 tháng 12 năm 1972 mới ngưng ( ngưng trước ngày 31 tháng 12 vì không còn mục tiêu nào nữa)

Như đã nói ở đoạn trước, BV muốn đánh phé với Tổng Thống Nixon vì suy đoán rằng HK chỉ oanh tạc sơ sơ như chiến dịch Linebacker I hồi tháng 9/1972 là cùng, không dè Tổng Thống Nixon chơi bạo quá, chiến dịch Linebacker II là một trận oanh tạc LONG TRỜI LỞ ĐẤT khiến các phương tiện chiến tranh do Liên Sô và Trung Cộng cung cấp (chứa trong các nhà kho),bị tiêu hủy. Bị ăn đòn nặng vì đánh giá sai, cho nên nhóm lãnh đạo của BV còn e sợ cái mà người VN chúng ta thường nói là GIÀ NÉO ĐỨT DÂY , biết đâu sau khi hết mục tiêu kho vựa để oanh tạc, ông Nixon lại cho oanh tạc hệ thống đê điều của BV thì sao ? Thôi thì ký vào Hiệp Định Paris, BV chịu thua thiệt một ít còn hơn là để đại họa xảy ra.

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ BẢY : Hoa Kỳ và Trung Cộng đồng ý để chiến tranh tàn lụi, Kissinger đưa con số thống kê : BV đã tổn thất nhân mạng khoảng 18.5%, VNCH tổn thất khoảng 5.5%, do đó chiến tranh cần phải STOP. Hoa Kỳ đi bước trước , giảm thiểu quân viện cho đến khi cắt hẳn 100% về phía VNCH. Phía Trung Cộng sẽ không viện trợ thêm sau khi kho vựa tồn trữ vũ khí đạn dược bị phá tan  trong chiến dịch Linebacker II. Cả 2 bên ( VNDCCH và VNCH) đều không còn phương tiện để theo đuổi cuộc chiến thì chiến tranh đương nhiên bị tàn lụi mà không cần phải ký thêm Hiệp Định nào cả !!!

Nhưng Liên Sô phá đám vì Liên Sô không có địa bàn nào tại vùng Đông Nam Á, thời kỳ hải cảng Hải Phòng bị phong tỏa , vũ khí đạn được do Liên Sô cung cấp đều phải đi nhờ xe lửa của  Trung Cộng. Theo quy định của Hiệp Định Paris 1973, Hoa Kỳ  phải có trách nhiệm tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi…tại Hải Phòng và Bến Thủy (Vinh) trong vòng 3 tháng tính từ ngày 2 tháng giêng 1973. Lê Duẩn quá muốn chiếm Miền Nam nên ngả hẳn theo Liên Sô. Tháng 11 / 1974, một Trung Tướng của Liên Sô qua Hà Nội thúc đẩy tiến hành đánh chiếm miền Nam vì Liên Sô đã cung ứng 100% theo yêu cầu.              

Đọc hồi ký của Đai Sứ Pháp tại  Sài Gòn, ông Francois Marie Mérillon cho biết một đặc sứ của Trung Cộng đến từ Hồng Kông vào Sàigon nhờ đại sứ Pháp làm trung gian để tiếp xúc với Tổng Thống Thiệu nhằm giúp miền Nam lập chính phủ 3 thành phần ngăn không cho BV chiếm gọn miền Nam ( ông đại sứ Pháp cũng cho biết BV đem cả 14 sư đoàn vào Nam nên Trung Cộng đem 100,000 quân tiến vào Hà Nội thì bắt buộc BV phải kéo quân trở ra Bắc). Ông Đại Sứ Mérillon đã đánh điện yêu cầu Tổng Thống Valéry Giscard d’ Estaing gửi một số tướng lãnh Pháp như Tướng Vanuxem, Tướng Bigard…qua Saigon giúp quân đội VNCH ngăn chặn bớt đà tiến quân của quân BV (do Lê Đức Thọ chỉ huy, cánh quân này đi hướng Long Khánh xuống Sài Gòn) trong khi để mở cho cánh quân MTGPMN (do Tướng Trần Văn Trà chỉ huy) vào Sài Gòn trước để thành lập “Chính phủ 3 thành phần”. Tổng Thống Thiệu và sau này Đại Tướng Dương Văn Minh cũng không tiếp xúc với đặc sứ của Trung Cộng, vì cả 2 Tổng Thống của VNCH đều không tin tưởng vào khả năng chính tri và ngoại giao của chính phủ Trung Cộng.

Trung Cộng tức giận vì Lê Duẩn nghe theo Liên Sô nên ngay từ 1976 đã hục hặc với đàn em BV, TC xúi Pôn Pốt gây chiến. Năm 1977, Lê Duẩn xua đuổi Hoa Kiều về Tàu cho đến tháng 01 /1979 thì xảy ra chiến tranh biên giới Hoa- Việt (Đặng Tiểu Bình gọi là “dạy cho VN một bài học”)

TRUYỆN TRUYỀN KỲ THỨ TÁM :

VNDCCH ký 2 Hiệp Định Geneve 1954 và Hiệp Định Paris 1973, trên danh nghĩa là chiến thấng 2 đế quốc đầu sỏ Pháp và Mỹ, nhưng thực chất VNDCCH không có nhận được một đồng xu teng nào cả. Hiệp định Genève 1954 thuần túy về ngưng bắn giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Minh, nên nước Pháp không có hứa “bồi thường chiến tranh” hay viện trợ nhân đạo gì hết. Còn Hiệp Định Paris 1973, điều 21B qui định chính phủ Hoa Kỳ sẽ viện trợ 3 tỉ dollars để tái thiết VN sau cuộc bầu cử và chính phủ mới (thành lập sau bầu cử) bao gồm 3 thành phần. Chính điều khoản 21B này là quả bom nổ chậm đối với VNDCCH vì Lê Duẩn tiến chiếm miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 : quân đội BV vào SG bắt Tổng Thống Dương Văn Minh “đầu hàng vô điều kiện“ mà không thông qua bầu cử ,nên Hoa Kỳ không bỏ ra một xu nào cả.

Mùa hè năm 1977, sau 2 giờ thương thảo tại New York giữa vị đại diện của Ngoại Trưởng Cyrus Vance và trưởng phái đoàn của CHXHCNVN mà phái đoàn của VC cứ nằng nặc đòi Hoa Kỳ phải thi hành điều khoản 21B rồi mới bàn về bang giao giữa 2 nước : vị đại diện của Ngoại trưởng Cyrus Vance tuyên bố : “Các ông vô lý lắm, Hiệp Định Paris có nhiều điều khoản mà các ông không có thi hành điều khoản nào cả, trái lại còn bắt HK thi hành 01 khoản duy nhất , đó là điều khoản 21B. Chapter Vietnam đã sang trang, các ông có 20 năm để hối tiếc về những gì đã xảy ra trong ngày hôm nay “

Ghi chú :  tới năm 1994, Tổng Thống Bill Clinton mới bình thường hóa bang giao  với VN , gần đúng 20 năm (1975 – 1994)

Người viết đưa ra những con số cụ thể để minh họa trí thông minh của 2 lãnh  tụ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ như sau : năm 1976, chính phủ VC công bố toàn thể VN có 46 triệu dân và tổng sản lượng quốc gia là 4 tỷ dollars cho nên con số 3 tỷ dollars trong điều khoản 21B rất quan trọng. Vì lớn lối và kiêu ngạo quá mức mà cho tới nay (2019) bọn VC không nhận được một xu nào cả .

Nhận thấy, cứ mỗi lần kỷ niệm Quốc Hận, người Việt tỵ nạn lại lôi Hoa Kỳ ra trách móc là “ Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH ”trong khi không đả động gì đến Liên Sô và Trung Cộng. Cá nhân người viết cho rằng đó là lời trách móc thiếu công minh và cũng thiếu cả công bằng.

Nói về 2 chữ TÍN  NGHĨA , chúng ta phải xét đến 2 sự việc liên quan :

Sự việc thứ nhất : khi chúng ta yêu cầu người khác về một vấn đề nào đó, chúng ta phải xét xem người ta có khả năng thực hiện lời yêu cầu đó hay không. Trung Hoa Dân Quốc và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch vào năm 1945 cũng như VNCH và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào năm 1975 đều có nhu cầu cần Hoa Kỳ giúp đỡ, nhưng như đã trình bày ở các đoạn trên, Hoa Kỳ không có khả năng đáp ứng.

Sự việc thứ hai : khi chúng ta yêu cầu người khác về một vấn đề nào đó, chúng ta có tự lượng giá là chúng ta chiếm bao nhiêu phần trăm trong tâm tư và đầu óc của người ta. Thí dụ : không phải đợi tới thời Tổng Thống Donald Trump, ngay từ trước đó bao đời Tổng Thống của Hoa Kỳ 2 quốc gia Do Thái và Đài Loan luôn được Hoa Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ, lý do 2 quốc gia này luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi vấn đề (2 dân biểu gốc Hồi Giáo của đảng Dân Chủ kết án Tổng Thống Trump kỳ thị Hồi Giáo và thiên vị Do Thái. Nhưng họ không bao giờ tự hỏi là  các nước Hồi Giáo có bao giờ sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi vấn đề như Do Thái và Đài Loan chưa )

Trong chiến tranh Quốc – Cộng tại Việt Nam từ 1954 đến 1975, chỉ có 20% dân chúng VN sát cánh với Hoa Kỳ để chống Cộng Sản, còn lại 80% thì ngay cả danh xưng cũng tự gọi là “người không Cộng Sản” chứ nhất định không nhận họ là người Quốc Gia”. Nhờ chính phủ VNCH cho tự do phát biểu, người đọc nhận ra khuynh hướng và tư tưởng của họ, đó là  TƯ TƯỞNG CHỐNG MỸ .Những người không Cộng Sản cứ cho rằng nước Mỹ đã chủ trương chia cắt 2 miền Nam – Bắc (không có Mỹ, VC chiếm cả nước nên khộng cần chia cắt) và tệ hại hơn nữa họ cho rằng Mỹ là tên lính xung kích cho Vatican để bành trướng Công Giáo lan tỏa trên toàn thế giới !

Ý nghiệp rất quan trọng vì “ý nghiệp” chỉ huy “khẩu mghiệp” và “thân nghiệp”. Cá nhân người viết nhận ra rằng, trong nhóm 80% của “những người không Cộng Sản” vẫn chưa có dấu hiệu tập thể này thay đổi não trạng của họ. Vậy thì người Việt chúng ta ký thỉnh nguyện thư, gửi email cùng thực hiện những phương thức thông tin hiện đại khác..v..v.. thì chúng ta chiếm được bao nhiêu phần trăm trong tâm tư của dân chúng Mỹ ???

Thỉnh thoảng, khi tập họp một số anh em đồng quan điểm và cùng ưu tư về tương lai của VN, một số thân hữu hỏi rằng với những điều bi quan vừa mới trình bày, bao giờ thì nước VN mới có thể “phục quốc” được, người viết xin mượn một câu danh ngôn của ông Nguyễn Hùng Trương (chủ nhân nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn) để trả lời chung, đó là :

“CÓ LẼ TỚI NĂM 3,000”

San José ngày 27 tháng 4 năm 2019

Kỷ niệm lần thứ 44th QUỐC HẬN 30 -4

Trần Trung Chính

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.