Tính Hệ Đẳng trong Những Mối Tương Giao Xã Hội
Hình thái của những mối tương giao trong một xã hội được định hình bởi hệ thống giá trị mà xã hội đó chấp nhận và tôn trọng. Hệ thống giá trị của xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của Khổng giáo nhiều nhất suốt dọc dài hơn hai nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, bài này không có mục đích phân tích và phê bình những phạm trù lý thuyết của Khổng giáo mà chỉ khai thác những ảnh hưởng của Khổng giáo — do các quan lại hoặc các thầy đồ truyền bá – lên những mối tương giao trong xã hội và đặc biệt là trong gia đình qua những nhận định về đời sống thực tế của đại đa số quần chúng Việt Nam được phản ánh trong văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, v.v…Những ảnh hưởng của những giá trị này có thể có nguồn gốc không chính thống của Khổng giáo hay đã được cắt nghĩa khác với quan điểm nguyên thuỷ, nhưng trên thực tế đã biến thành niềm tin của người dân và đã được thể hiện qua lối hành sử của đại đa số quần chúng Việt Nam.
Những mối tương giao trong xã hội truyền thống Việt Nam có thể nhìn thấy được qua sự sắp xếp của năm (5) giềng mối:
Quân-thần, phụ-tử, phu-phụ, huynh-đệ, bằng-hữu.
Phân tách tu từ pháp (stylistics) theo thống kê cho biết là trong một câu nói, nhất là khi liệt kê, điều gì quan trọng nhất thường được nói đến trước. Do đó ta có thể nói mối tương giao giữa vua và tôi là quan trọng hơn cả, tiếp đến là giữa cha và con, sau đó là giữa vợ và chồng, giữa anh và em, và sau cùng là giữa bạn bè.
Tầm mức quan trọng về đẳng cấp của mỗi giềng mối, nói chung, cũng đã được xác minh bằng sự tôn trọng tôn ti trật tự qua những câu ca dao, tục ngữ sau đây:
Có kẻ dưới, người trên.
Ong kiến còn có vua tôi.
Kim chỉ có đầu, ăn ở có ngọn.
Kim chỉ có đầu, tằm tơ có mối.
Lèo lái phân minh,
Giỏ có quai, chài có chóp.
Không những năm (5) giềng mối nói trên được sắp xếp theo hệ thống đẳng cấp mà trong mỗi giềng mối bản chất hệ đẳng cũng được biểu lộ rất rõ ràng. Khổng tử nói, “Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử – Luận ngữ, XII, 11). Với thuyết chính danh, Khổng tử đã phân định vai trò của mỗi thành phần trong xã hội. Bề tôi phải trung với vua, vua phải yêu dân; cha phải nhân từ và con phải hiếu thảo và vâng lời cha. Giáo dục gia đình đối với người con trai được gói trọn trong bổn phận đối với vua và đối với cha mẹ.
Phạm trù này vẫn là kim chỉ nam cho xã hội Việt Nam mãi đến 1955 khi chế độ quân chủ kết thúc và chế độ dân chủ với nền Đệ Nhất Cộng Hoà vừa chớm nở. Vai trò của nhà vua không còn nữa mà chỉ còn bổn phận của người con trai đối với cha mẹ. Bổn phận này bao gồm vâng lời và thi hành hiếu đạo đối với cha mẹ.
Muốn con cái vâng lời và hiếu đạo thì cha mẹ phải dạy dỗ và phải dạy dỗ từ khi con cái còn nhỏ:
Có con, bỏ ngõ như liều con hư.
Dạy con từ thuở còn thơ.
Uốn cây từ thuở còn non,
Dạy con từ thuở đang còn ngây thơ.
Non chẳng uốn, già nổ đốt.
Măng không uốn, uốn tre sao được.
Khi măng không uốn thì tre trổ vồng.
Tre non dễ uốn.
Sắt phải đập khi còn nóng.
Và mục tiêu của giáo dục trước tiên là vâng lời:
Con chẳng ăn nhời mẹ cha,
Cá chẳng ăn muối chắc là cá ươn.
Cá không ăn muốn cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.
Cá không ăn muối, cá thối;
Người không ăn lời, người hư.
Người ta thấy ngay kết quả tích cực của công cuộc giáo huấn này qua việc con cái thuận thảo vâng lời cha mẹ một cách vô điều kiện:
Mục tiêu thứ hai của công việc dạy dỗ con cái, nhất là con trai, là hiếu đạo:
Những lời giáo huấn này bắt đầu khi đứa con còn nhỏ bé như đọt tre non được uốn nắn từ khi mới chớm chồi nên đã ăn sâu vào tiềm thức và được thể hiện qua hành vi của người con lúc trưởng thành:
Qua những câu ca dao vừa trích dẫn ở trên, người ta thấy không những con cái khi đã trưởng thành vẫn phải vâng lời cha mẹ mà còn có bổn phận phải lo săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu. Bổn phận này có lý luận bắt nguồn từ công lao của cha mẹ sinh thành, dạy dỗ, và nuôi nấng con cái qua một quá trình đầy gian lao, khổ ải. Do đó, con cái phải biết ơn và phải tìm cách đền ơn cha mẹ.
Trong môi trường văn hoá Tây phương, con cái khi trưởng thành hưởng một vị trí tương đối bình đẳng đối với cha mẹ. Khác với môi trường văn hoá Tây phương, vị trí của cha mẹ trong môi trường văn hoá truyền thống của Việt Nam, trên nấc thang hệ đẳng, ở trên cao và vị trí của con cái ở dưới thấp. Tình yêu và sự thương nhớ lứa đôi cũng phải nhường bước trước sự thương nhớ, kính yêu cha mẹ.
Anh em trong gia đình cũng được sắp xếp theo hệ thống đẳng cấp. Liên hệ gia đình ngoài cha mẹ với con cái, vợ với chồng, còn có anh với em (huynh đệ). Hình như trong văn hoá Trung hoa người ta không đề cập đến sự quan trọng của mối liên hệ hệ đẳng giữa chị và em, nhưng trong văn hoá bình dân Việt Nam thì có. Mối tương giao anh chị em cũng là một tương giao mang nặng tính hệ đẳng:
Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em.
Anh trước, em sau.
Quyền huynh thế phụ. [Quyền anh thay cha]
Trưởng nhất tuế vi huynh. [Hơn một tuổi làm anh]
Làm anh, ăn trước, bước đầu,
Vẽ vời em út ngõ hầu thay cha.
Bé, con nhà bác; lớn xác, con nhà chú.
Tính hệ đẳng này không những chỉ thể hiện trong mối tương giao giữa cha mẹ với con cái, giữa anh em với nhau mà ngay cả giữa chồng và vợ. Truyền thống văn hoá Việt Nam xác định trong mối tương giao giữa vợ và chồng, người chồng có uy quyền hơn; người vợ có bổn phận phải nghe theo lời chồng: “phu xướng, phụ tuỳ.”
Hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của người vợ cũng được đòi hỏi phải chứng tỏ sự lệ thuộc, vâng phục, và chìu luỵ chồng:
Ngay cả về ngoại hình và tuổi tác, người đàn bà cũng cần phải nhỏ bé, thấp kém hơn người đàn ông thì vị trí người đàn ông mới trội bật được:
Vị trí cao và ưu tiên của người đàn ông còn được xã hội cổ truyền áp đặt và hỗ trợ bằng cách ca tụng sự chính chuyên của người đàn bà, trói buộc người đàn bà vào vai trò nô thuộc của mình trong lúc người đàn ông thì có thể phóng túng:
Cho nên người đàn bà đã phải chấp nhận sự bất công này trong ngao ngán và bất mãn:
Sự ngao ngán và bất mãn này thường được thể hiện qua những hình thức đối kháng mặc dù nhẹ nhàng, nhưng mang tính biện minh chua chát, có lý luận chuẩn xác và sắc bén.
Người đàn bà đối kháng những hành vi vũ phu, bạo lực của người đàn ông:
Người đàn bà — qua văn chương bình dân — cũng phản kháng sự áp đặt tính hệ đẳng một cách đơn phương lên mối tương giao giữa vợ và chồng bằng những ý niệm độc đoán về tuổi tác, trí thông minh, dung mạo, hay chỉ vì là đàn ông:
Sự phản kháng của người đàn bà trong một lãnh vực khác trong xã hội đương đại còn đang âm ỷ và có tiềm năng bộc phát thành một hoả diệm sơn đốt cháy mối tương giao tốt đẹp giữa vợ và chồng. Đó là vấn đề vợ phải tuân phục và nghe lời chồng. Thực ra, chấp nhận và tôn trọng vai vế cao thấp giữa chồng và vợ là bảo tồn một nét đẹp của văn hoá Việt và thiết nghĩ người Việt có thể sẽ không bao giờ chối bỏ được hiện thực này trừ phi người vợ không còn dùng từ “anh” để gọi chồng và xưng mình là “em” nữa. Tuy nhiên, vấn đề gay cấn trong mối tương giao giữa chồng và vợ trong thực tế không phải là vai vế cao thấp mà là yêu cầu người vợ phải tuân phục và nghe lời chồng một cách võ đoán. Lý do của yêu cầu này có lẽ bắt nguồn từ (1) sức mạnh thể xác hoặc từ (2) xã hội phong kiến khi mà người đàn ông còn có mọi quyền lực, hoặc (3) khi người đàn ông còn là người duy nhất đem lại lợi tức kinh tế cho gia đình và người vợ phải lệ thuộc vào người đàn ông, hay (4) khi người đàn ông là người được học hành cao và có địa vị trong xã hội còn người đàn bà thì không có những cơ hội này. Trong xã hội hiện đại người đàn ông cũng như đàn bà đều có thể có sức mạnh thể xác tương đương, đều có học lực cao và địa vị quyền lực trong xã hội như nhau, đều có thể đem lại lợi tức kinh tế cho gia đình. Do đó yêu cầu người vợ phải tuân phục chồng không còn lý do để tồn tại. Có lẽ khả năng hoà thuận và nhường nhịn song phương dựa trên luận lý và lý lẽ của tình yêu là tiêu chuẩn hợp lý để duy trì sự tốt đẹp của mối tương giao giữa vợ và chồng.
Phản kháng sự áp đặt võ đoán tính hệ đẳng không chỉ được giới hạn trong mối tương giao giữa vợ và chồng mà còn được nới rộng đến xã hội, nói chung, từ vua quan đến cha mẹ, đến vợ chồng:
Muốn nói oan, làm quan mà nói.
Cha mẹ nói oan, quan sang nói hiếp.
Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa.
Cả hèm [bã rượu] lấp miệng hũ.
Cả vú lấp miệng em.
Cả vú lấp miệng em, cả hèm lấp miệng hũ.
Thị cường lăng nhược. [Ỷ mạnh hiếp yếu]
Thượng ép hạ, mạ ép con.
Chồng nợ, vợ phải trả.
Muốn nói không, làm chồng mà nói.
Muốn nói không, làm mẹ chồng mà nói.
Muốn nói ngoa, làm mẹ cha mà nói.
Phận đàn em ăn thèm vác nặng.
Con dâu thì dại, con gái thì khôn.
Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu.
Những đối kháng này của người bình dân phát sinh từ sự hữu lý của lẽ công bằng và, dù vô tình hay hữu ý, cũng rất phù hợp với đường lối của Nho giáo chính thống. Không phải người ở vị thế cao là làm gì cũng được. Người dân có thể phế bỏ vua nếu vua bạo ngược. “Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử: “Thần kỳ thí quân khả hồ? [Bề tôi mà giết vua, có được không?]. Mạnh tử trả lời: “Tặc nhân giả, vị chi tặc; tặc nghĩa, vị chi tàn; tàn tặc chi nhơn, vị chi nhứt phu… [Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc (làm loạn), kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn (hung ác); kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi…](Mạnh tử, Lương Huệ vương, Chương Cú Hạ, 8).Tuân tử cũng có nói: “Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu. [Giết một ông vua tàn bạo của một nước cũng như giết một kẻ độc (ác hiểm) phu (người bình thường).] …Mạnh Tử cũng khẳng định: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” [Dân là quý, thứ đến là xã tắc (quốc gia), vua là khinh (nhẹ)] (Mạnh Tử, Tận Tâm, Chương Cú Hạ, 14).” (Nguyễn Văn Nghệ, Nghiên Cứu Lịch sử).
Mối tương giao giữa cha và con cũng thế: cha phải nhân từ, thương yêu con cái (phụ từ) thì con cái mới vâng lời, quý trọng, và hiếu đạo (tử hiếu).
Mối tương giao sau cùng là giữa bạn bè với nhau. Đây là mối tương giao duy nhất trong xã hội mà người ta không thấy có sự sắp xếp mang tính hệ đẳng vì bạn bè được xem như cùng vai vế nên trọng tâm của mối tương giao này không phải là thứ bậc mà là chữ tín.
Bằng hữu chỉ ư tín.
Tuy nhiên, những giao tế trong xã hội — bao gồm cả liên hệ bạn bè — cũng đặt căn bản trên một hệ thống giá trị chung mang tính hệ đẳng. Những người có chức quyền hay những người lớn tuổi được đặt ở vị thế cao và được tôn trọng:
Cha mẹ nói oan, quan sang nói hiếp.
Cụ già như cha như mẹ, không nên coi rẻ coi thường.
Không kính lão thì chó nhai xương.
Kính già, già để tuổi cho.
Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho.
Kính lão đắc thọ.
Nếu những người đứng ở vị thế cao trong nấc thang hệ đẳng có hành vi gương mẫu, khoan hồng độ lượng thì vị thế sắp xếp mang tính hệ đẳng mới được chấp nhận. Trước tiên người ở cấp cao trong xã hội có bổn phận phải làm gương cho những người ở nấc thang thấp hơn. Bề trên phải có những hành vi đạo đức mẫu mực, nếu không thì hỗn loạn xã hội sẽ là một điều tất yếu:
Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Làm anh, làm ả phải ngả mặt lên.
Làm kẻ cả phải ngả mặt lên.
Làm chị phải lành, làm anh phải khó.
Sóng trước bổ sao, sóng sau bổ vậy.
Người trên đứng đắn, kẻ dưới dám nhờn!
Một trong những hành vi đạo đức mẫu mực quan trọng là tình thương được biểu hiện qua sự khoan hồng, độ lượng:
Có dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Tiếp đến là sự hoà thuận và nhường nhịn:
Trên kính, dưới nhường.
Trên thuận, dưới hoà.
Một câu nhịn là chín câu lành.
Một điều nhịn, chín điều lành.
Thực ra, hoà thuận và nhường nhịn đi đôi với nhau và là một con đường hai chiều bắt nguồn từ trong gia đình giữa anh chị em, và giữa vợ chồng với nhau, sau đó mới tạo được ổn định và trật tự xã hội:
Yêu nhau, chín bỏ làm mười.
Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.
Ổn định và trật tự xã hội còn đòi hỏi sự công bằng, cũng bắt đầu từ trong gia đình. Xã hội truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hoá Trung hoa “trọng nam, khinh nữ”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Nhưng người bình dân Việt Nam chống đối quan niệm này:
Người bình dân cũng không chấp nhận thiên vị trong việc cha mẹ đối xử với con cái, thương đứa này, lơ là đứa khác:
Ý thức đòi hỏi công bằng còn được thể hiện qua những đối kháng bất công trong xã hội, nói chung:
Con ông cháu cha.
Người ăn bát mẻ, người nằm chiếu manh.
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Người dân dã đối kháng sự bất công xã hội không chỉ bằng cách than vãn mà còn bằng cách phát biểu quan điểm chống bất công qua yêu cầu con người phải thực hiện công bằng bằng cách có hành động phân minh, sòng phẳng:
Ăn cho đều, kêu cho khắp.
Ăn cho đều, kêu cho sòng.
Ăn bánh trả tiền.
Ăn cái rau, trả cái dưa.
Ăn cơm trả gạo, ăn cháo trả tiền.
Ăn miếng chả, trả miếng nem.
Ăn quả vả, trả quả sung
Ăn cho no, đo cho thẳng.
Ăn đều, tiêu sòng.
Ân đền, oán trả.
Ân tương, cừu báo.
Hắc bạch phân minh.
Ăn cho, buôn so. [ăn thì cho nhau được, nhưng buôn bán thì phải sòng phẳng].
Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.
Ăn tám lạng, trả nửa cân. [1 cân: 16 lạng]
Ăn miếng chả, trả miếng bùi.
Ăn ngọt, trả bùi.
Ăn miếng cho ngon, phải đờn [đền] cho đáng.
Ăn thì đùa [lùa], thua thì chịu.
Oán thì trả oán, ân thì trả ân.
Ơn đền ơn, oán trả oán.
Có vay, có trả mới thoả lòng nhau.
Có đi có lại mới toại lòng nhau.
Công bằng với ý nghĩa phân minh, sòng phẳng trong quan niệm của người bình dân Việt Nam không mang tính bình đẳng (trong ý nghĩa bằng nhau). Họ chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, bao gồm cả sự khác biệt về khả năng và đẳng cấp, như là lý đương nhiên của vũ trụ, và không ganh tị sự khác biệt mà thiên nhiên đã ban phát cho con người. Do đó, mặc dù văn hoá Việt Nam đòi hỏi phải kính trọng người có tuổi, nhưng điều này không ngăn cản sự vinh danh những người trẻ tuổi có tài năng:
Người ta không thể so sánh ánh sáng của một vì sao với ánh sáng của trăng, cũng như không thể so sánh chiều cao của một cái đồi với chiều cao của một trái núi. Đây là những khác biệt do thiên nhiên tạo thành. Do đó, không ai có thể làm cho sao sáng bằng trăng hay làm cho đồi cao bằng núi được.
Con người được sinh ra với những thể lý khác biệt nhau: Người thì thông minh, người thì trí óc u tối; người thì to lớn, khoẻ mạnh; người thì thấp bé, yếu đau; người thì xinh đẹp, người thì xấu xí. Khoa học hiện đại có thể thay đổi phần nào thể lý của con người, nhưng không thể biến một người có trí óc trì độn thành một nhà khoa học lừng danh được*.
Quan niệm của người bình dân Việt Nam về sự phân minh, sòng phẳng – chứ không phải bình đẳng – bắt nguồn từ niềm tin vào công lý và lẽ phải.
Tóm lại, Những mối tương giao trong xã hội cũng như trong gia đình được sắp xếp theo một hệ thống giá trị đẳng cấp. Vị thế đẳng cấp này được thể hiện ở chiều dọc cũng như chiều ngang. Ở chiều dọc của cấu trúc xã hội là mối tương giao giữa vua và tôi, thứ đến là mối tương giao giữa cha và con, tiếp đến là mối tương giao giữa vợ và chồng, sau đó là giữa anh và em, và sau cùng là giữa bạn bè với nhau. Nếu quan sát kỹ thì, ngoại trừ vị thế cao trên cùng của vua, chúng ta thấy sự sắp xếp vị thế trên dưới theo chiều dọc nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối tương giao hơn là tính hệ đẳng vì sự tương quan của những mối tương giao giữa cha và con, giữa vợ và chồng, giữa anh và em thuộc những thể loại khác nhau, không thể sắp xếp theo cùng một hệ thống có tính đẳng cấp. Nhưng theo chiều ngang của từng mối tương giao thì tính hệ đẳng rất rõ ràng. Giữa vua và tôi thì bề tôi phải vâng phục và trung, tín với vua. Giữa vợ và chồng thì chồng là người chủ có mọi uy quyền; người vợ phải tuân phục mọi quyết định của chồng. Em phải vâng lời anh; anh có quyền thay cha trong việc hướng dẫn, dạy dỗ em. Ý niệm hệ đẳng không được áp dụng trong mối tương giao giữa bạn bè với nhau. Thay vì đẳng cấp, chữ tín là trọng tâm trong liên hệ bạn bè. Tuy nhiên, nếu người bạn trọng tuổi thì ý niệm hệ đẳng cũng được hiểu ngầm.
Từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập năm 1955 chấm dứt chế độ quân chủ, vị thế độc tôn của nhà vua không còn nữa. Tuy nhiên ý niệm “trung quân” đã thấm nhuần trong đại đa số quần chúng. Và quan chức là những người thay thế nhà vua cai trị dân tại các địa phương nên dân chúng vẫn nhìn quan chức như là “dân chi phụ mẫu” [cha mẹ của dân]. Do đó, trong giao tế xã hội hiện nay, cùng với những người trọng tuổi, những người có chức vị trong chính quyền thường được kính trọng và đặt ở vị thế cao trên nấc thang giá trị hệ đẳng.
Hệ thống hệ đẳng được người dân chấp nhận và tôn trọng như là vẻ đẹp của văn hoá truyền thống Việt Nam. Đây là một hệ thống giá trị đặc thù của người Việt và có lẽ sẽ không bao giờ tách rời ra khỏi con người Việt Nam vì ngay chính ngôn ngữ Việt Nam cũng đã chứa đựng ý hệ hệ đẳng. Khác với nhiều ngôn ngữ khác, nhất là các ngôn ngữ Tây phương, tiếng Việt không có nhân vật đại danh từ thuần tuý, chỉ thay thế cho các ngôi vị thứ nhất, thứ hai, thứ ba (số ít hay số nhiều), mà chỉ có những từ có ngữ nghĩa riêng biệt, tuỳ theo hoàn cảnh, được dùng thay thế cho các ngôi vị của các nhân vật đại danh từ mà thôi. Từ “tôi” chẳng hạn nguyên thuỷ có nghĩa của ngôi thứ nhất với hàm ý (connotation) “tôi” như là “tôi tớ” của “ngài” và hiện nay chỉ còn được hiểu như là ngôi thứ nhất và hàm ý “tôi tớ” đã mất hẳn; tuy nhiên, từ “tôi” trong ngữ nghĩa hiện đại không phải chỉ biểu hiện cho ngôi thứ nhất mà còn có những hàm ý khác nữa. Chúng ta không dùng “tôi” hay “tau” với cha mẹ, ông bà mà dùng những từ như “con”, “cháu”, v.v…Ngôi thứ hai số ít có thể là “mày”, “mi”, “anh”, “ông”, “chú”, “bác”; ngôi thứ hai số nhiều có thể là “bây”, “tụi bây”, “chúng mày”, “các anh”, “các chị”, “các em”, “các ông”, “các bà”, “các bác”, “các chú”, “quý ông”, “quý bà”, “quý cụ”, v.v… tuỳ theo hoàn cảnh. Chúng ta không dùng “chúng tôi”, “các anh”, “chúng nó” khi nói chuyện với hoặc về ông bà, cha mẹ của mình. Mỗi một từ trong những trường hợp này — ngoài việc được dùng như nhân vật đại danh từ — còn mang theo ý nghĩa của sự xa gần, thân thuộc, tầm mức kính trọng, sự khinh bỉ hay vị thế cao thấp của mối liên hệ trong hệ thống hệ đẳng.
Mới đây, Jesse Peterson, một cư dân Canada, học tiếng Việt ở Việt Nam, gửi cho BBC Tiếng Việt vào ngày 9 tháng 11 năm 2019 một bài viết phê bình là những “đại từ” [ông ta muốn nói đến những “nhân vật đại danh từ” (personal pronouns) mà chúng tôi thấy trong thực tế không có trong tiếng Việt như đã nói trên] hàm ý thứ bậc làm mất đi tính bình đẳng trong xã hội và bắt ông phải tỏ ra kính trọng những người mà đúng lý không đáng được kính trọng. Những trường hợp ông nêu ra chỉ cho thấy là những người ông tiếp xúc thiếu lịch sự trong phép xã giao chứ không phải là lỗi của ngôn ngữ. Sự kém hiểu biết về phép xã giao của những người được ông Peterson nói đến hẳn có nguồn gốc từ sự thiếu sót trong giáo dục gia đình và, hoặc từ ảnh hưởng của một xã hội chối bỏ giá trị gia đình, tôn giáo, và tổ quốc. Trong tiếng Việt không thiếu gì những từ được sử dụng như nhân vật đại danh từ với hàm ý khước từ sự kính trọng trong đối thoại với những người mà mình không quý mến mà vẫn giữ được phép lịch sự của xã giao. Ông Jesse còn đem ý niệm dân chủ để gợi ý nên thay đổi cách xưng hô trong tiếng Việt và khẳng định là ngôn ngữ luôn luôn thay đổi. Thực ra, ông đã lẫn lộn ý niệm dân chủ với ý nghĩa của bình đẳng. Không có một xã hội nào mà mọi người đều bình đẳng. Chỉ có những xã hội dân chủ trong ý nghĩa mọi người đều phải hưởng được sự công bằng (equity) mà thôi.
Hệ đẳng là một ý hệ đã từng hằn sâu vào dòng máu của người Việt. Người dân chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt về đẳng cấp cũng như họ chấp nhận và tôn trọng những khác biệt khác do thiên nhiên đem lại. Tuy nhiên, những người được giữ vị thế cao như các quan chức, chẳng hạn, không được lạm dụng quyền hành và ưu thế của mình để áp chế cũng như phân biệt đối xử — dựa trên phái tính, tuổi tác, chức quyền, vai vế — đối với những người ở vị thế thấp hơn. Đại đa số người dân phản kháng và chống đối việc cha mẹ phân biệt đối xử với con cái; chồng vũ phu ức hiếp, đánh đập vợ; anh chị áp chế em; quan chức đàn áp dân và độc quyền chiếm giữ vị thế uy quyền, không tuân phục định luật luân chuyển của vũ trụ. Nói cách khác, người dân đối kháng sự bất công và tin tưởng công bằng là chân lý của cuộc sống.
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Và muốn có sự công bằng, người dân đòi hỏi những người ở vị thế cao phải có những hành vi đạo đức gương mẫu, nghĩa là phải có tình thương: nhân từ, độ lượng; phải tạo môi trường cho sự hoà thuận và nhường nhịn; phải xử trí phân minh, sòng phẳng để tránh mọi bất công. Nhất là cách hành sử phải thuận lý, phân biệt phải trái đúng theo lẽ phải. Và lẽ phải chính là sự công bằng. Sự công bằng này không những được cổ võ và vinh danh bởi đại đa số người dân như đã được phản ánh qua văn chương bình dân mà, trong xã hội nặng về pháp trị hiện nay, còn cần phải được xác quyết bằng hệ thống pháp luật đúng đắn của quốc gia, trừng trị những người cậy quyền thế tham nhũng, bóc lột, và đàn áp dân lành; những bậc cha mẹ độc đoán đánh đập con cái một cách tàn nhẫn chỉ vì tức giận; những người chồng thô bạo, sử dụng bạo lực đối với vợ mình. Một hệ thống pháp luật với những bảo đảm như thế như thế chẳng qua cũng chỉ là một xác tín về niềm tin vào sự công bằng sẵn có của người dân, không tác động tiêu cực đến ý nghĩa và giá trị của tổ chức mang tính hệ đẳng vẫn được bảo tồn như một vẻ đẹp văn hoá của dân tộc mà người Việt chúng ta có thể hãnh diện khi đối chiếu với những hình thái lịch sự trong phép xã giao của người Tây phương.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Pennsylvania, Ngày 16 Tháng 11 Năm 2019
Chú thích
* Theo nghiên cứu tâm lý học, tỉ lệ di truyền chi phối khả năng trí tuệ chiếm khoảng từ 65% đến 90%. Vận dụng môi trường ngoại giới để tăng khả năng trí tuệ có thể ảnh hưởng từ 10% đến 35% còn lại. Thí nghiệm của GS. Robert Rosenthal và Leonore Jacobson năm 1965 trong cuốn Pygmalion in the Classroom cho thấy là sự mong đợi tích cực của thầy giáo đối với học trò sẽ làm cho khả năng trí tuệ của học sinh tăng trưởng, và đây là một thí dụ về trường hợp vận dụng ngoại giới (nurture). Tuy nhiên, khả năng trí tuệ bẩm sinh (nature) của mỗi cá nhân có thể so sánh với những vòng giây thun: Có vòng giây thun nhỏ và có vòng lớn. Người ta có thể kéo căng sợi giây thun nhỏ (vận dụng ngoại giới) cho lớn hơn, nhưng mỗi sợi giây thun đều có giới hạn của nó (y/c xem Theodosius Dobzhansky). Nếu kéo căng cả hai sợi giây thun, lớn và nhỏ, đến mức tối đa thì sợi giây thun nhỏ sẽ không bao giờ có kích cỡ bằng sợi giây thun lớn được.
0 Comments