Trước tiên bài này trình bày sơ lược quá trình lịch sử của tinh thần trọng thầy trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, phân tích môi trường học đường hiện nay, và sau đó sẽ tìm hiểu tầm mức ảnh hưởng của tinh thần này lên đời sống của những người dân thôn quê qua văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, v.v…để đưa ra một vài đề nghị với hy vọng có thể đóng góp phần nào vào việc cải tổ môi trường giáo dục.
Những cụm từ như “quân, sư, phụ”, “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là những câu nói rất quen thuộc với hầu hết mọi người trong xã hội Việt Nam. Nhiều học giả cho là những câu này đã có từ lâu đời, phát xuất từ Nho giáo. Trong các tài liệu do các nhà Nho trước tác, khi đề cập đến vai trò và vị thế thiết yếu của người thầy, người ta thường thấy có trích dẫn những cụm từ nói trên. Tuy nhiên, không thấy có vị nào truy nguyên nguồn gốc của những câu nói này, ngoại trừ câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
“Quân, sư, phụ” (君師父) là vua, thầy, cha: ba thứ bậc quan trọng mà người Việt tôn kính. Thứ bậc của người thầy được tôn vinh còn trên cả vị thế của người cha. Điều này chứng tỏ là người thầy rất được quý trọng trong xã hội Việt Nam.
Sự quý trọng này còn được phản ánh qua câu “tôn sư trọng đạo” (尊師重道) nghĩa là kính thầy, yêu chuộng đạo đức. Nền văn học cổ điển đầy dẫy những điển cố về sự kính trọng các bậc thầy.
Trong tài liệu văn học, người ta có thể tìm thấy những câu như:
(Nguyễn Trãi, 1380-1442, Quốc Âm Thi Tập)
Câu chuyện tể tướng Phạm Sư Mạnh thời vua Trần Nghệ Tông (1321-1394) quỳ gối xin lỗi thầy Chu Văn An tha tội cho mình đã làm rầy thứ dân khi đến thăm thầy là một bằng chứng “tôn sư trọng đạo” khác.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Lê Quý Đôn (1726-1784), Võ Trường Toản (? – 1792) — người được vinh danh là “bách niên sư biểu” — Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Phan Bội Châu (1867-1940) đều là những bậc thầy trong lịch sử được học trò cũng như toàn dân kính trọng.
Đạo Cao Đài có một bài thơ cúng tế tạ ơn Thầy khi Thầy đã khuất và tin rằng bà Đoàn thị Điểm (1705-1748) là một vị Tiên Nương nơi Diêu Trì Cung, giáng cơ, ban cho chúng sanh Đạo Cao Đài bài kinh tụng dưới đây. Sự kiện này minh chứng sự tôn quý và sùng bái bậc thầy như thế nào. (https://www.daotam.info/booksv/QuachVanHoa/ChuGiaiKinhTheDao/ChuGiaiKinhTheDao-13.htm)
KINH TỤNG CHO THẦY QUI VỊ
Rót chung ly hận gật mình đưa thương.
Thầy được quý trọng như thế, nhưng ai mới là thầy. Trong truyền thống văn hoá Việt tộc, có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (一字师, 半字师): một chữ làm thầy, nửa chữ [cũng] làm thầy. Câu nói này có nguồn gốc từ điển tích Tiến sĩ Trịnh Cốc (849-911), một nhà thơ nổi tiếng đương thời, sửa một chữ trong bài thơ “Tảo Mai” của nhà sư Tề Kỉ, một nhà sư thích làm thơ, đem bài lại thỉnh ý Trịnh Cốc. Trịnh Cốc được Tề Kỉ tôn vinh làm thầy. Bài thơ nguyên văn như sau:
早梅
萬木凍欲折,
孤根暖獨迴。
前村深雪裏,
昨夜一枝開。
風遞幽香出,
禽窺素艷來。
明年如應律,
先發望春臺。
Đọc theo Hán Việt là:
Tảo mai
Vạn mộc đống dục chiết,
Cô căn noãn độc hồi.
Tiền thôn thâm tuyết lý,
Tạc dạ nhất chi khai.
Phong đệ u hương xuất,
Cầm khuy tố diễm lai.
Minh niên như ưng luật,
Tiên phát vọng xuân đài.
Dịch ra quốc ngữ là:
Mai nở sớm
Vạn cây băng giá chết
Một cội ấm mọc ra
Đầu xóm trong tuyết đặc
Một cành đêm nở hoa.
Gió xa đem hương ẩn
Chim ngắm hoa trắng ngà
Năm tới như đúng tiết
Vườn xuân sáng ánh tà.
Chữ thứ ba, câu thứ tư trong bài thơ nguyên thuỷ chữ Hán của Tề Kỉ là chữ 數 (sổ) có nghĩa là vài, mấy. Trịnh Cốc đã sửa lại thành chữ 一 (nhất). “Vài” hay “mấy” cành mai nở sớm, theo Trịnh Cốc, thì không hợp bằng “một” cành mai nở sớm. (tiengtrung.vn, ngày 27 Tháng 11 Năm 2019).
Trong thực tế thường tình, có lẽ không có ai chỉ dẫn cho người khác một chữ mà được tôn vinh làm thầy, và có lẽ cũng không có ai lại tự nhận mình là thầy vì đã điểm chỉ cho người khác biết một chữ hay. Tuy nhiên, ngày nay trong bối cảnh văn hoá Việt Nam, người ta hay nhắc tới câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” chỉ để chứng tỏ lòng quý trọng người thầy mà thôi.
Nhưng không phải ông thầy nào cũng được kính trọng. Nói “ông” thầy, bởi vì trong xã hội cổ học xưa, không có “cô giáo” mà chỉ có những thầy đồ dạy chữ Nho và các kinh điển triết lý và đạo đức cho các môn sinh phần đông là từ lúc còn bé. Học trò kính trọng thầy là vì những lý do sau đây: Quan trọng nhất trong chương trình giáo huấn, trước tiên, là dạy lễ nghĩa (“tiên học lễ, hậu học văn”), là dạy làm người; tức là dạy môn sinh “trọng đạo”. Thứ đến, thầy mới dạy chữ nghĩa, kinh điển, văn chương, thi phú1. “Đạo” (道) là cái lẽ nhất định ai cũng phải nghe theo, là phương hướng (Hán Việt Tự Điển Trích Dẫn).
Đức Khổng nói: “Đạo của cái học lớn (đại học) là: làm sáng đức sáng, đổi mới mọi người, ở yên nơi chỗ toàn thiện…Vật có gốc, ngọn; việc có đuôi, đầu. Biết trước sau, tức gần với Đạo vậy… Biết chu đáo ở tại tìm đến cùng sự vật” (Khắc Bá, SJ- CTV Vatican News, 27.11. 2019).
Và muốn học trò “trọng đạo” thì ông thầy khẩn thiết phải có tư cách:
Sách Lễ Ký – Học Ký viết, “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; Đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học.” Tạm dịch: thầy nghiêm, thì Đạo được tôn kính; Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học. Theo nghĩa đó, người thầy phải ý thức rằng ông không phải đang làm một ‘công việc’ của một ‘nghề nghiệp’, mà đang mang lấy một sứ mạng: trở thành trung gian chuyển tải Đạo Trời-Đạo Nhân cho người khác. Vì thế, bản thân ông tiên vàn phải yêu mến và sống theo đúng Đạo đã. (Khắc Bá, SJ- CTV Vatican News, 27.11. 2019).
Do đó, vai trò của ông thầy trong xã hội hết sức quan trọng:
Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng đã học hết đạo của thầy. Học trò Tử Cống thấy vậy liền dò ý Khổng Tử trong trường hợp nếu Mỗ có các dự định về làm quan, làm tướng, hoặc thậm chí làm giặc. Nhưng Khổng Tử chẳng lấy gì làm lo lắng về những chuyện đó. Tuy nhiên, khi nghe Tử Cống cho biết rằng Mỗ xin về nước chỉ để làm thầy dạy học, Khổng Tử liền vội chạy đi mà không kịp xỏ giày hay buộc giải. Tử Cống chạy theo hỏi nguyên do, thì Khổng Tử vừa thở vừa đáp: “thầy sang ngay nước Đằng để ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!” (Khắc Bá, SJ- CTV Vatican News, 27.11. 2019).
Tóm lại, ông thầy trong xã hội cổ học được quý mến, tôn trọng vì ông là gương mẫu của đạo đức, đã có công hướng dẫn môn sinh đi vào con đường của lẽ phải, của chân, thiện, mỹ; cũng như đã có công đào luyện chữ nghĩa, kinh sách cho môn sinh đi đến thành công trên con đường hoạn lộ và thành người “quân tử”.
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” này đã kéo dài suốt thời kỳ lịch sử của nền cổ học Việt Nam cho đến ngày nay. Khi nền cổ học chính thức chấm dứt vào đầu thế kỷ XX (1919), dưới thời vua Khải Định và nền tân học có thể nói là bắt đầu từ 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, thì giáo trình của nền tân học không đặt nặng lễ nghĩa, đạo đức như cổ học. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học và Trung học Đệ I Cấp [tức lớp Một đến lớp Chín], chương trình có bộ môn “Công dân Giáo dục” với nội dung bao gồm lễ nghĩa, phép lịch sự xã giao, và bổn phận công dân. Cọng thêm với giáo dục gia đình, nơi mà phụ huynh vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng của cổ học và ảnh hưởng của tôn giáo, nên học trò vẫn duy trì tinh thần và thái độ “tôn sư trọng đạo.” Thầy, cô giáo cũng luôn luôn ý thức và giữ trọn được vai trò gương mẫu về tác phong và đạo đức của mình.
Sau biến cố 1975, đảng CSVN đã cưỡng chiếm miền Nam, du nhập chủ nghĩa duy vật biện chứng vô thần, dựa vào đấu tranh giai cấp xoá bỏ mọi giá trị cổ truyền, tôn ti trật tự. Sau đó, vào đầu thập niên 80, còn thất bại nặng nề vì áp dụng mô thức kinh tế chỉ huy, đảng CSVN đã thay đổi chính sách kinh tế và áp dụng một hình thái kinh tế tư bản man rợ không có luật lệ, trong đó cạnh tranh bất chính (dựa trên quen biết, bè phái) và đồng tiền là đối tượng tối cao của cuộc sống. Con người làm bất cứ điều gì — dù phương hại đến quyền lợi, đến sự an nguy hay ngay cả sinh mạng của người khác — để có tiền, để thoả mãn những thú tính thấp hèn như: ăn, uống, tình dục bất chánh quá độ, không tôn trọng khuôn phép và phi luân vì xã hội không còn giá trị tinh thần nào tốt đẹp hơn như vị tha, độ lượng, tình yêu, và sự công bằng làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Xã hội băng hoại vì cơ chế chính trị và kinh tế tạo môi trường chỉ khuyến khích bản năng sinh vật nơi con người và trừng phạt những hành vi nêu cao những giá trị tinh thần. Kết quả trong gia đình là cha không ra cha, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ, con không ra con. Học đường nằm trong xã hội nên cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do cơ chế gây ra: môi trường trang nghiêm, kỷ luật của nền giáo dục quốc gia bị phá huỷ với bao nhiêu là tệ nạn xấu xa trong mối liên hệ giữa thầy và trò. Trong xã hội thì các quan lớn dốt nát mua bằng cấp, đi lạy lục, cúc bái giặc Tàu, mang lại sỉ nhục cho quốc gia. Ở học đường thì học sinh đánh đập giáo sư. Sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm vì nền kinh tế và thương mại, hoặc không trọng dụng kiến thức chuyên môn — vì sinh hoạt thương mại và chính quyền chỉ dựa trên bè phái và quen biết — hoặc nền giáo dục quá từ chương, không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường nhân lực. Mục đích của học là để biết, nhưng cũng để có khả năng hành nghề chuyên môn của mình trong xã hội. Nếu học để thất nghiệp thì còn ai trọng cái học nữa. Học đường hỗn loạn, không còn nghiêm trang, vô kỷ luật thì không thể đào tạo được những công dân tốt để xây dựng quốc gia. Muốn có được sự nghiêm trang, kỷ luật học đường thì tinh thần “tôn sư trọng đạo” cần phải được phục hồi.
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” củng cố sự nghiêm trang và kỷ luật ở học đường, tạo điều kiện đưa đến sự thăng hoa của nền quốc học. Nhưng truyền thống này gần như đã hoàn toàn suy tàn trong xã hội Việt Nam hiện đại. Hiện có nhiều học giả trong nước tốn rất nhiều giấy mực và công sức kêu gào phục hồi tinh thần “tôn sư trọng đạo”, nhưng hình như tình trạng băng hoại giáo dục càng ngày càng tồi tệ hơn. Lý do dễ hiểu của tình trạng thiếu hiệu quả này là do lời nói không đi đôi với việc làm. Cấu trúc chính trị và kinh tế chỉ tạo môi trường thúc đẩy những hành vi hạ tiện, vô nhân đạo thì làm sao quốc học có thể tốt đẹp được. Học đường nằm trong cấu trúc xã hội, phải chịu ảnh hưởng của xã hội. Phải thay đổi cấu trúc các cơ chế chính trị và kinh tế của xã hội thì môi trường giáo dục mới có thể thay đổi được.
Muốn thay đổi thì cần phải có những tác nhân bắt đầu sự đổi thay. Và tác nhân trong trường hợp này chỉ có thể là toàn dân nhất quyết thay đổi cấu trúc xã hội bao gồm các cơ chế chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, phải có người bắt đầu. Vai trò tiên phong trong công việc thay đổi này phải bắt đầu từ giáo chức. Vai trò của giáo chức trong nỗ lực thay đổi xã hội hết sức quan trọng như Khổng Tử đã xác định (xem Khắc Bá ở trên).
Dù tinh thần và thái độ “tôn sư trọng đạo” hiện nay gần như đã mất hẳn trong thực tế, nhưng niềm tin vào sự tôn kính ngôi vị giáo sư trong tâm tư của đại đa số quần chúng vẫn tồn tại qua ca dao, tục ngữ như là một dấu ấn đậm nét xác định sự quan trọng của vai trò thầy, cô.
Ngày xưa người dân quý trọng ông thầy vì ông thầy là gương mẫu của đạo đức, là người giáo huấn môn sinh nên người biết hướng đến chân, thiện, mỹ và uyên thâm chữ nghĩa để có thể ra giúp đời. Từ 1945 — với chương trình tân học — cho đến 1975, mặc dù vai trò của thầy cô nặng về dạy những kiến thức chuyên môn như chữ nghĩa, khoa học, kỹ thuật hơn là về luân lý, đạo đức; nhưng quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn” đã in sâu vào tiềm thức quần chúng. Hơn nữa chương trình bậc tiểu học và trung học Đệ I cấp, trước 1975, vẫn có bộ môn Công Dân Giáo Dục với nội dung giáo trình như đã nói trên, tăng cường ý thức lễ nghĩa, đạo đức nơi học sinh. Hơn nữa, cơ chế chính trị ở miền Nam Việt Nam trước 1975 tôn trọng tự do cá nhân, bao gồm tự do tôn giáo, một yếu tố đưa đến sự tôn trọng và vinh danh những giá trị tinh thần cao đẹp.
Do đó người dân vẫn chờ đợi tinh thần đạo đức ở bậc thầy, cô luôn luôn làm gương cho học trò. Người dân luôn luôn khẳng định công lao của nhà giáo.
Dốt kia thì phải cậy thầy,
Vụng kia cậy thợ thì mầy làm nên.
Không thầy, đố mầy làm nên.
Một chữ nên thầy.
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa
Không thầy, không sách, quỷ thần không trách được.
“Không thầy, không sách” nghĩa là không “tìm thầy học đạo” thì xã hội sẽ loạn (“quỹ thần không trách được” ). Nhận thức được công lao của các bậc thầy cô, người dân — trong vai trò quan trọng của phụ huynh — luôn khuyên lơn, nhắc nhở, và dạy dỗ con em phải biết ơn thầy, cô.
Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy.
Công nhận công lao của thầy cô đưa đến sự biết ơn và sự biết ơn đưa đến sự quý trọng:
Nhưng có một điều tối quan trọng trong văn hoá Việt, không thể bỏ qua được, là học trò chỉ có thể ghi nhận công khó của thầy cô, biết ơn thầy cô, và quý trọng thầy cô với điều kiện “ắt có” (necessary) là thầy cô phải là gương mẫu về hành vi và tác phong đạo đức. Sau đó, điều kiện “đủ” (sufficient) mới là kiến thức chuyên môn và khả năng dạy học.
Có trọng thầy mới được làm thầy.
Có thờ thầy mới làm được thầy.
Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Sóng trước bổ sao, sóng sau bổ vậy.
Thượng lương2 bất chính, hạ lương3 sai.
Tóm lại, bao nhiêu giấy mực đã được bỏ ra than phiền, nuối tiếc tình trạng tha hoá của môi trường giáo dục quốc gia và kêu gào phục hồi tinh thần “tôn sư trọng đạo”, nhưng hình như không có sự thay đổi tích cực nào. Trái lại, tình trạng càng ngày càng tồi tệ hơn. Lý do đơn giản là vì muốn thay đổi nhưng người ta lại không đểý đến nguyên lý nguyên nhân và hậu quả trong tiến trình kiến tạo đổi thay.
Ở tầm mức căn bản nhất, hành vi của con người trong đời sống của đại đa số quần chúng lệ thuộc vào hai nguyên nhân chính: (1) thưởng và (2) phạt. Con người sẽ làm những gì khi họ được tưởng thưởng và tránh làm những gì khi bị trừng phạt. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, phạm pháp không bị trừng phạt, mà trái lại trong nhiều trường hợp lại được tưởng thưởng. Trộm, cướp, gian manh, hối lộ, dâm đãng, loạn luân4, đàn áp, bóc lột, giết người vô tội, quyền lực bất chính, bè cánh được tưởng thưởng bằng sự giàu có, vinh thân phì da, tự do phóng túng thoả mãn bản năng sinh vật. Sự trừng phạt thì dựa trên tiêu chuẩn thiên vị, bè phái, chứkhông dựa trên nguyên tắc công minh, chính trực. Những lời kêu gọi “tôn sư trọng đạo” suông không đủ mà phải đi đôi với hành động, nghĩa là phần thưởng còn cần phải có mục đích khuyến khích những hành động thúc đẩy những giá trị tinh thần cao đẹp đặt trên cơ sở tình thương và sự công bằng. Trừng phạt phải dựa trên căn bản công minh, chính trực, có mục đích làm cho người ta sợ và tránh những hành động đi ngược với nhân phẩm, đạo đức. Muốn thực hiện điều này thì môi trường xã hội phải được hỗ trợ bằng một hệ thống pháp luật thượng tôn sự công bằng và một mô hình kinh tế thị trường tôn trọng tự do cạnh tranh được bảo vệbởi luật pháp công bằng. Hai tiền đề này, theo luận lý, đòi hỏi sự bảo vệ tự do cá nhân bao gồm những tự do nhân quyền như đã được liệt kê trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền5 (Universal Declaration of Human Rights, 1948). Đây là những điều kiện tiên thiên và tất yếu — ngoài vai trò gương mẫu về tác phong và hành vi đạo đức của thầy cô — về cấu trúc cơ chế chính trị và kinh tế của xã hội để tạo thay đổi trong hệ thống các tiêu đích điều hướng những hành vi đưa đến tưởng thưởng cho những hành động nhắm đến chân, thiện, mỹ cũng như sự phồn thịnh của nhân dân và đất nước.
Và vai trò của người cần có hành động tiên phong cho sự đổi thay khẩn yếu này phải bắt đầu từ nhà giáo, “kỹsư của tâm hồn” và là mô hình mẫu mực của xã hội suốt dọc dài lịch sử văn hoá của dân tộc Việt.
CHÚ THÍCH
1 “子曰:弟子入则孝,出则弟,谨而信,泛爱众,而亲仁,行有余力,则以学文” Trích từ Luận Ngữ, Thiên 1: Học nhi. Chương 1.6 .- Tử viết: Đệ tử (1) nhập tắc hiếu, (2) xuất tắc đễ, (3) cẩn nhi tín, (4) phiếm ái chúng, ((5)) nhi thân nhân, (6) hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.
[Dịch ]
Khổng tử nói: (1) Con em ở trong nhà thì phải hiếu thảo, (2) ra ngoài thì phải kính nhường, (3) thận trọng trong lời nói, khi nói cần thành thực, đáng tin, (4) cần yêu tất cả mọi người, (5) làm thân với những người đạo đức, (6) Sau khi thực hành những điều này, nếu còn dư sức, thì học văn chương chữ nghĩa.
2 Cái xà nhà ở phía trên
3 Cái xà nhà ở phía dưới
4 “272 trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội trong nửa năm 2019” (Người Việt Online, Ngày 6 tháng 12, 2019.)
5 Ngày 8 tháng 12, 2019 là ngày kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc Tế Nhân quyền.
0 Comments