ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG

Tiếp thu kiến thức mới
Bài số 004

 

 

Gene Sharp

Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

     Đã bao năm rồi, vài người trong chúng tôi hằng lưu tâm đến việc áp dụng đấu tranh bất bạo động1 — nhằm giải phóng khỏi áp bức — đã tập trung vào việc cung ứng sự hiểu biết căn bản cần thiết về hành động bất bạo động và về sự quan trọng của việc lập kế hoạch chiến lược qua các bài thuyết trình, khoá học, và hội thảo. Những học hội này được cung ứng bởi một người hoặc một nhóm người, trong hơn một thập kỉ nay ở nhiều quốc gia khác nhau tại Âu châu và Á châu.

     Nội dung của một vài bài thuyết trình này chỉ có tính cách dẫn nhập, còn một số khác thì cao cấp. Đôi khi những bài thuyết trình này được trình bày như một khoá học kéo dài đến hai tuần với lớp học cả sáng lẫn chiều. Một khoá hội thảo hai tuần lễ cùng với những bài giảng thường tập trung vào việc làm thế nào để hội thảo viên có thể sau này soạn được kế hoạch của một đại chiến lược cho những cuộc đấu tranh của họ.

    Các bài giảng, khoá học, và khoá hội thảo lúc bấy giờ tỏ ra là đầy đủ. Còn bây giờ thì chúng được đánh giá như thế nào?

    Rõ ràng là thuyết trình có thể hữu ích và có hiệu quả trong việc dẫn nhập bộ môn cho những người mới và kích thích sự tò mò ở những lãnh vực mà trước đó chưa ai để ý hoặc không hề để ý. Thuyết trình dưới dạng “huấn luyện” trước một cuộc biểu tình nào đó cho một chiến dịch có giới hạn có thể rất hữu ích cho việc chuẩn bị những người tham gia có được những hành vi mang lại hiệu quả trong thời gian biểu tình có kế hoạch.

    Những kết quả tích cực này của một số thuyết trình quan trọng, nhưng không đủ để giúp người ta soạn kế hoạch chiến lược. Hình như đã rõ ràng là kiến thức và sự hiểu biết về việc lập kế hoạch chiến lược và các áp dụng ở mức cao không thể truyền đạt được một cách thoả đáng chỉ bằng cách nói chuyện hay hội thảo. Kết luận này cũng đúng đối với các buổi thảo luận, mặc dù một vài tham dự viên đã có biết nhiều rồi. Cũng đúng đối với các bài giảng, dù cho các giảng sư rất có kiến thức và kinh nghiệm.

    Thuyết trình không mà thôi thì thực sự không đủ để:

  • Chuyển đạt kiến thức cao; và
  • Đào tạo người nghe thực hiện được các phân tách chiến lược.

    Sau một thời gian đã qua đi, các nhóm đã từng hấp thụ các bài giảng, khoá học, và hội thảo vẫn tỏ ra là tự mình chưa có khả năng lập kế hoạch đại chiến lược cho những cuộc đấu tranh của họ. Các nhóm này thường cũng không có khả năng ngay cả trong việc soạn chiến lược cho những chiến dịch có giới hạn, hạn hẹp hơn, nhắm đến những mục đích khiêm nhường hơn.

    Sau một thời gian lâu dài thì thường còn lại ít bằng chứng là kiến thức và sự hiểu biết căn bản được trình bày trước đó đã được các tham dự viên hấp thụ đủ để tác động lên những quyết định và hoạt động của họ sau này, càng ít hơn nữa là làm cho họ có khả năng lập kế hoạch các chiến lược.

    Nhiều người bị giới hạn về khả năng hiểu những điều mà họ chỉ được nghe bằng tai. Hình như là lượng và loại kiến thức và sự hiểu biết cần có về đấu tranh bất bạo động vừa quá bao la vừa quá phức tạp nên khó có thể hấp thụ được dễ dàng bằng cách chỉ nghe thuyết trình không mà thôi. 

    Phương thức “đào tạo huấn luyện viên” cũng gây được sự chú ý đáng kể. Nhìn qua thì phương thức này tỏ ra rất hữu ích như là một cách giúp số đông người trở thành những người hành động bất bạo động có khả năng tổ chức những cuộc biểu tình trong tương lai. Huấn luyện dựa trên mô thức này có thể đóng góp một cách hữu ích cho mục đích rõ rệt như thế. Tuy nhiên, phương thức này thực không chắc thành công đối với những mục đích cao.

    Phương thức này theo định nghĩa thì hầu như không thể đào tạo được bất cứ ai lập được kế hoạch chiến lược ở bất cứ cấp độ nào. Lý do là vì phương thức này đã tầm thường hoá lượng kiến thức cần có cho một người muốn lập kế hoạch chiến lược. Phương pháp này còn cho rằng kiến thức và sự hiểu biết cần thiết có thể chuyển đạt được một cách thành công bằng cách nói chuyện hai lần rồi đem ra áp dụng vào việc lập kế hoạch chiến lược. Điều đó hết sức đáng quan ngại. Sự hướng dẫn lập kế hoạch chiến lược cung ứng trong tập tài liệu này vẫn có ý nghĩa.

    Có nhiều lý do chính đáng để tìm hiểu thêm những phương cách theo đó các nhóm bị áp bức có thể học hỏi làm thế nào để lập kế hoạch chiến lược cho những cuộc đấu tranh giải phóng của họ. Có thể là kiến thức và sự hiểu biết cần có có thể được hấp thụ tốt hơn nếu được chuyển đạt bằng một vài phương tiện khác.

Những kinh nghiệm Baltic và Balkan

    Có ít nhất là hai trường hợp chính yếu có kết quả tốt đẹp một cách bất thường nhờ tiếp cận thông tin về đấu tranh bất bạo động.  Đây là những trường hợp tham vấn với các nhà lãnh đạo đòi độc lập ở Lithuania, Latvia, và Estonia năm 1991 và khoá hội thảo năm 2000 cho những người Serbs muốn chấm dứt nền độc tài Milosovic. Hai trường hợp này đủ khác với những trường hợp khác để đáng được ta lưu ý.

    Ba quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này, trước kia độc lập, bị sát nhập vào Liên Bang Sô Viết, bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, rồi bị sát nhập trở lại vào Liên Bang Sô Viết. Những biến cố này đem lại những thay đổi bi thảm, tàn phá trầm trọng, những vụ giết người tập thể, những vụ trục xuất vĩ đại, những biến đổi lớn lao về dân số, và sự áp đặt các chế độ bạo tàn. Đối kháng đủ loại đã được thực hiện chống lại những biện pháp này. Kháng chiến du kích tầm cỡ đã được xúc tiến chống lại nền cai trị của Sô Viết, tại Lithuania (1944 đến 1952), Latvia (1941 đến 1944-1945), và Esotnia (từ 1944 đến khoảng 1949).

    Tiếp theo sau khi các cuộc đấu tranh du kích chấm dứt, và ở một mức độ nào đó trong thời gian này, dân chúng đã tiến hành những vụ phản đối và đối kháng bất bạo động hết sức quan trọng. Những hoạt động này được thi hành vào những năm về sau với sự khuyến khích hoặc hỗ trợ của các chính đảng ủng hộ độc lập, sau này được bầu làm chính phủ ủng hộ độc lập.

    Những phong trào đầu mùa này hoàn toàn do địa phương, và, theo như được biết, thì không bị ảnh hưởng, hoặc rất ít bị ảnh hưởng, bởi những nguồn thông tin từ bên ngoài về đấu tranh bất bạo động.  

    Sau khi những phản đối và đối kháng bất bạo động rất đáng kể đã xảy ra rồi thì những tham vấn về đấu tranh bất bạo động và về phòng vệ2 dựa trên nền tảng dân sự mới được cung cấp cho Estonia, Latvia, và Lithuania năm 1991 bởi những đại diện của Viện Albert Einstein. Tham vấn đầu tiên do Gene Sharp, Bruce Jenkins, và Peter Ackerman cung cấp, và lần thứ hai do Gene Sharp và Bruce Jenkins3. Họ đã họp với các đảng viên và các nhà lãnh đạo đảng ủng hộ dân chủ và các giới chức chính quyền dân cử. Các tham vấn viên cũng cung cấp những bài thuyết giảng, những buổi nói chuyện và tổ chức những buổi thảo luận thân mật với những giới chức cao cấp của chính quyền, với các uỷ ban, và những thành viên quốc hội lưỡng viện. Chủ điểm của tất cả những tìm hiểu này là bản chất và tiềm năng của đấu tranh bất bạo động. Các tham vấn viên không hề khuyến cáo ai phải làm gì trong các cuộc đấu tranh của họ.

     Audrius Butkevicius, lúc bấy giờ là Tổng Giám Đốc đặc trách Quốc Phòng của Lithuania, đã nhận được các trang bản thảo đầu tiên của cuốn sách mới ra Civil-Based Defense4 [Phòng Vệ Dựa Trên Nền Tảng Dân Sự] từ TS. Grazina Miniotaite thuộc Học Viện Khoa Học của Lithuania. Bà nhận được các trang bản thảo từ Sharp và Jenkins tại một hội nghị ở Moskow. Butkevicius sao lại năm mươi bản phóng ảnh các trang bản thảo này và gửi đi khắp Liên Bang Sô Viết gồm cả các nước láng giềng Latvia và Estonia. Sau khi duyệt sách,Butkevicius thốt lên: “À, hoá ra có cả một hệ thống cho việc này!”5

     Những vụ phản đối bất bạo động ứng biến mang tính biểu tượng trước đó (như vụ giây chuyền hơn hai triệu người nối liền các thủ đô vùng Baltic) sau này đã trở thành những hình thái có chủ tâm và có hệ thống của hành động bất hợp tác và thách thức bất bạo động chính thức.6

  Việc thiết lập các tổ chức mới, thiên độc lập, cũng như sự chuyển hướng các tổ chức hiện hữu nhằm thiên về độc lập, là những đặc tính chính yếu của các phong trào này. Tổng Thống Sô Viết Gorbachev tuyên bố là các tuyên ngôn độc lập của các nước vùng Batic vô hiệu lực.

     Audrius Butkevicius, sau này là Tổng Trưởng Quốc Phòng, ghi công cuốn sách Phòng Vệ Dựa Trên Nền Tảng Dân Sự là nền tảng của các chiến lược của Lithuania. Tổng Trưởng Quốc Phòng Talavs Jundzis của Latvia và Tổng Trưởng Ngoại Giao Raivo Vare của Estonia cũng có những khẳng định tương tự.

     Vào ngày 13 tháng Giêng, 1991, Chủ Tịch của Chủ Tịch Đoàn Sô Viết Tối Cao, Boris Yelsin, ký một bản tuyên ngôn chung ở Tallin, Estonia, cùng với các nhà lãnh đạo của ba quốc gia vùng Baltic. Tuyên ngôn chung này nguyện sẽ giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, chống lại bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào công việc của họ. Các đàm phàn về sau đã đưa đến việc quân đội Sô Viết rút lui hoàn toàn.

    Các tổn thất về nhân mạng ở Lithuania là mười bốn người trong một cuộc biểu tình lớn tại tháp truyền hình và sau độc lập, sáu người tại các doanh trại quan thuế biên giới; sáu người ở Latvia; và không có ai chết ở Estonia. Thế mà cả ba quốc gia Baltic đã thành công tách khỏi Liên Bang Sô Viết, vẫn nguyên vẹn, mặc dù địa thế của họ hiểm nghèo, mặc dù họ đã bị quân đội Sô Viết chiếm đóng, và sức mạnh ồ ạt của quân đội Sô Viết.

    Ở tại Serbia, những vụ phản đối bất bạo động ứng biến mang tính biểu tượng, thường là trong lúc thời tiết đang ở nhiệt độ đông đá, đã được dân Serb xúc tiến vào những năm cuối của thập niên 90 chống lại nền độc tài của Tổng Thống Milosovic.

     Thông tin về đấu tranh bất bạo động đã được Robert L. Helvey cung cấp qua một khoá hội thảo tại Budapest, Hung Gia Lợi năm 2000. Tham dự viên là những người Serb trẻ từ tổ chức đối kháng chính trị Optor. Helvey kết hợp các bài thuyết trình có hệ thống của ông với những đề nghị các sách đọc chính, cả hai loại đều lấy từ cuốn Từ Độc Tài Đến Dân ChủChính Trị của Hành Động Bất Bạo Động của Gene Sharp. Khoá hội thảo này hình như đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Helvey đã để lại nhiều bản của những cuốn sách đó cho các tham dự viên để họ mang về Serbia. Từ Độc Tài Đến Dân Chủ, do tổ chức Sáng Kiến Dân Sự ấn hành bằng tiếng Serbian, cũng đã gây ảnh hưởng rộng lớn.7

     Srdja Popovic, một chiến lược gia trội bật của nhóm người Serb đã từng gặp Helvey tại Budapest, trước đó đã có tìm hiểu các cách thực hành của các tổ chức và cơ chế khác nhau. Ông đã tìm kiếm những bài học có thể ứng dụng được vào hành động chấm dứt độc tài Milosovic.    

     Sau khi nghiên cứu cuốn Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động, Srdja Popovic đã viết là, “…Cuốn sách của Ô. Sharp đã cung cấp một mô hình đem lại hiệu quả một cách đáng kinh ngạc trong việc đương đầu với một chế độ bạo tàn đồng thời lôi kéo được dân chúng vào một cuộc đấu tranh bất bạo động, đa nguyên nhằm tự giải phóng.”8

    Srdja Popovic và các đồng nghiệp của ông đã tập trung vào sáu nguồn sức mạnh9 chính cần thiết ngõ hầu đưa ra chìa khóa lật đổ những chế độ đàn áp: Làm cho teo lại hay cắt đứt các nguồn đó đi thì chính thể sẽ suy yếu hoặc tan rã.

     Trong cả ba quốc gia vùng Baltic, và ở Serbia có năm nhân tố chung:

  1. Cả bốn quốc gia đã đều chịu đau khổ dưới những chế độ cực kì tàn bạo.
  2. Mỗi quốc gia, trong những năm trước đó, đã kinh qua những cuộc đấu tranh bạo động đáng kể, nhưng không thành công.
  3. Vào khoảng năm 1990 trong trường hợp những quốc gia vùng Baltic, và vào khoảng năm 2000 trong trường hợp Serbia, đã có những vụ phản đối, đối kháng bất bạo động lớn, phổ biến do địa phương tổ chức.
  4. Lúc bấy giờ có những chuyên gia từ bên ngoài vào có quá trình nhiều năm nghiên cứu và phân tách đấu tranh bất bạo động chống độc tài, chống ngoại bang chiếm đóng, và chống đảo chánh, đích thân thuyết trình và thảo luận.
  5. Các bài thuyết trình này được kết hợp với những ấn phẩm quan trọng để đọc về sức mạnh chính trị và đấu tranh bất bạo động chống lại các nền độc tài và xâm lược, đã được chuẩn bị sẵn cho các nhà lãnh đạo chính trị trong chính quyền cũng như ngoài chính quyền trong trường hợp các quốc gia vùng Baltic và cho các nhà lãnh đạo chính trị ngoài chính quyền trong trường hợp Serbia. 

Kế hoạch từng có trước đây

     Suy nghĩ và lập kế hoạch làm thế nào để một vụ phản đối hay một cuộc đấu tranh bất bạo động nào đó đạt được hiệu quả hơn vừa là điều mong muốn và cũng là điều có thể thực hiện được. Việc lập kế hoạch nhưthế không phải là điều hoàn toàn mới mẻ.  Đã có một số thí dụ về việc lập kế hoạch trong quá khứ.

      Trong những chiến dịch có tầm mức nhỏ trước đây, như là một vụ tẩy chay xe buýt, hay một vụ biểu tình ngồi ở quầy ăn trưa chống kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kì cũng đã có kế hoạch. Cũng vậy, suốt nhiều thập kỉ nay đã từng có những chuẩn bị chiến thuật cho những cuộc diễn hành phản đối kéo dài hằng ngày hoặc hàng tuần đòi hoà bình, công lý, quyền đi bầu của phụ nữ, dân quyền, nhân quyền, và bảo vệ môi trường.

     Trong các vụ tổng đình công tại nhiều quốc gia tranh đấu cho những mục đích kinh tế và chính trị, cũng đã có kế hoạch và chuẩn bị. Đã từ lâu kể từ những cuộc đấu tranh bất bạo động của Hoa Kì thời thuộc địa từ 1765 đến 1775 chống lại luật lệ của người Anh thì không những đã có việc lập kế hoạch chiến thuật, mà ngay cả kế hoạch chiến lược dài hạn nữa.10

     Hiếm khi có được một chiến lược gia xuất sắc có trực giác như Mohandas K. Gandhi, người đã phác họa ra những chiến lược để thực hiện theo từng bước chiến thuật một.

     Tại Ba lan trong những thập niên 80 các khối quần chúng trong những cuộc đấu tranh của công đoàn Đoàn Kết độc lập và các nhóm liên hệ, với sự hướng dẫn từ kinh nghiệm lịch sử của họ, và qua nhiều khó khăn, đã đạt được stự giải phóng. Tại Serbia vào năm 2000 thì từ trước đã có những tính toán, những hoạt động, chuẩn bị, và lập kế hoạch chiến lược cho cuộc đấu tranh lật đổ nền độc tài Milosovic.

     Tuy nhiên, trong nhiều cuộc xung đột được xúc tiến bằng đấu tranh bất bạo động thì điều này không phải là trường hợp điển hình. Thường thường thì hoàn toàn không có những tính toán chiến lược, và có lúc thì kế hoạch lại thiếu sót. Tuy vậy vẫn có một vài thành công đáng kể.

    Cũng nên lưu ý nữa là có nhiều trường hợp thắng lợi rất giới hạn. Cũng có những thất bại thê thảm và tổn thất khủng khiếp, như trường hợp Quãng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc. Những thất bại và tổn thất như thế cần phải được giảm thiểu trong tương lai, đồng thời phải đạt được thắng lợi lớn lao hơn.

     Thiết lập kế hoạch chiến lược trọn vẹn và có cơ sở hơn có thể giúp tăng hiệu quả của những cuộc đấu tranh bất bạo động trong tương lai chống lại áp bức cực đoan và còn giảm thiểu được tổn thất nữa. Tuy nhiên, lệ thuộc vào những cố vấn từ bên ngoài cung ứng việc lập kế hoạch loại này có thể là mạo hiểm và thiếu khôn ngoan. Tốt nhất là làm thế nào để kiến thức về cách thiết lập các chiến lược được có sẵn để cho những người đối diện với các nền độc tài hay áp bức có thể lập kế hoạch như thế nào để họ có thể tự lực dẹp bỏ đi sự áp bức.

Một mô thức mới cho việc tự lực thiết lập kế hoạch?

    Như đã có thảo luận trước đây, hình như là đối với bộ môn này thì thuyết trình chỉ đem lại hiểu biết giới hạn hơn là nghiên cứu kĩ lưỡng các bài trình bày và phân tích đã được in ra. Ấn phẩm thì có thể đọc vào lúc nào và ở nơi nào tuỳ mình lựa chọn, và có thể nghiên cứu chậm rãi khi cần, lặp lại, và ôn lại được.

    Tài liệu này tìm cách đưa ra một mô thức mới để hỗ trợ những người và nhóm người muốn xét định tiềm năng có thể có của đấu tranh bất bạo động nhằm giải phóng khỏi áp bức. Mô thức này cũng còn có thể giúp phát huy kiến thức, hiểu biết, và suy tư để người ta có thể học hỏi làm cách nào để hành động cho có hiệu quả hơn trong các cuộc xung đột với những đối thủ cực đoan.  Để đạt được điều này, đòi hỏi cần phải học hỏi thấu đáo những ấn phẩm nghiên cứu đã được chọn lọc về cách điều hành đấu tranh bất bạo động và các phân tách về tiềm năng của nó trong những cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng thường đưa đến đàn áp khắc nghiệt.

    Nếu sự phân tích trong tập tài liệu này được xét là có tiềm năng hữu ích thì chúng tôi khuyến khích phổ biến rộng rãi và nghiên cứu những sách đã xuất bản được đề nghị về hoạt động bất bạo động. Sự phổ biến rộng rãi kiến thức và sự hiểu biết như thế còn có thể phản công lại bất cứ khuynh hướng nào đó có thể xảy ra cho là là kiến thức và sự hiểu biết này chỉ dành cho thành phần ưu tú mà thôi. Kiến thức sâu sắc có thể được phân phối ra cho nhiều người thay vì vẫn chỉ là sở hữu của một nhóm thiểu số nhỏ bé. Khả năng thiết lập kế hoạch cho những cuộc đấu tranh tương lai nhằm đạt được và bảo vệ giải phóng có thể được trải rộng ra cho nhiều người. Điều này có thể đem lại những kết quả lớn lao.

    Thay vì con đường cũ, con đường mới đi tìm kiến thức này, nếu cẩn thận đi theo, thì hẳn rồi sẽ làm cho những người hay những nhóm người trở nên có khả năng tự lực soạn được một đại chiến lược cho một cuộc xung đột lớn. Nó cũng phải giúp soạn được những chiến lược cá biệt cho những chiến dịch cục bộ có giới hạn.

    Một đại chiến lược được thiết kế khôn ngoan sẽ làm cho những người tham gia trong một cuộc đấu tranh có khả năng hành động theo những phương cách cứ dồn dập làm cho việc đạt các mục tiêu của cuộc xung đột xích lại gần hơn. Điều này có thể thực hiện được trong lúc đồng thời đương đầu với các chính sách, hành động, và sự đàn áp của kẻ áp bức.

     Những thành quả này sẽ không tự nhiên được người ta đem đến đặt sẵn trên một đĩa bạc. Những nghiên cứu và việc lập kế hoạch đề nghị ở đây chỉ có thể đem lại kết quả tích cực khi những người mới làm quen với phương thức tăng cường sức mạnh biến kiến thức đã được phát huy thành kiến thức của chính mình. Lúc bấy giờ, cùng với những phân tích có cơ sở và lập kế hoạch cẩn thận, với hành động có kỉ luật và can đảm thì mới có thể chuyển từ hệ thống áp bức hiện hành đến một xã hội khá hơn dựa trên những nền tảng trách nhiệm và tự do.

Ba loại kiến thức 

Nhờ nghiên cứu, quan sát, và phân tích mà chúng tôi biết là đòi hỏi cần phải có ba loại kiến thức mới có thể giúp người ta phát huy khả năng soạn thảo được một đại chiến lược thành thạo để đạt được thành công trong một cuộc đấu tranh giải phóng:

  1. Kiến thức về hoàn cảnh của cuộc xung đột, về đối thủ, và về xã hội cùng các nhu cầu của xã hội.
  2. Kiến thức sâu sắc về bản chất và cách vận hành của kĩ thuật hành động bất bạo động.
  3. Kiến thức và khả năng đòi hỏi để phân tách, suy tư, và lập kế hoạch một cách có chiến lược.

    Bất cứ nhóm người nào khởi công một cuộc đấu tranh chống độc tài hay áp bức, hay ngay cả chỉ thử soạn thảo chiến lược cho một cuộc đấu tranh như thế mà không có ba loại kiến thức này thì thật là điên rồ, và có th dẫn đến tai hoạ.

    Nhìn nhận được điểm này, có người đề nghị tập họp ba nhóm người lại với nhau, mỗi nhóm có một trong ba loại kiến thức chuyên biệt này, để chia sẻ với những nhóm kia, và nghĩ rằng ba nhóm người tập họp lại trong một căn phòng có thể sản xuất ra được một đại chiến lược hay. Rất tiếc là tập họp ba nhóm người lại với nhau, mỗi nhóm có một trong ba loại kiến thức cần có, không thể đem lại kết quả mong muốn được.

    Như thế là vì chuyên môn đặc biệt của mỗi nhóm sẽ ở trong trí óc của từng nhóm riêng biệt. Khả năng phân tách có thể đưa đến việc sản xuất ra một đại chiến lược khôn ngoan đòi hỏi sự tổng hợp của cả ba loại kiến thức và suy tư này. Cả ba loại kiến thức này đều cần cùng phải có trong đầu óc của tất cả mọi người soạn bản thảo chiến lược, chứ không phải chỉ ở trong ba nhóm người tập họp lại với nhau.

    Cần thiết phải tìm hiểu làm thế nào để ba loại kiến thức và kĩ năng này có thể được tổng hợp lại với nhau để thiết lập một đại kế hoạch, hay có khả năng tăng cường sức mạnh đấu tranh và dân chủ hoá. Kiến thức tổng hợp này cũng còn cần cho việc lập kế hoạch cho những chiến dịch cục bộ có giới hạn nhằm đạt những mục tiêu hạn hẹp hơn.

(Còn tiếp)

______________________________________________________________________

 

CƯỚC CHÚ:

Về những mô tả các loại đấu tranh bất bạo động có nguyên tắc, xem Gene Sharp, Gandhi as a Political Strategist with Essays on Ethics and Politics [Gandhi như là một Chiến Lược Gia Chính Trị với những Tiểu Luận về Đạo Đức Học và Chính Trị Học], Chương 10, “Types of Principled Nonviolence,” [Những Loại Bất Bạo Động có Nguyên Tắc], tt. 201-234. Về phân tích làm thế nào để các phương pháp có nguyên tắc và thực tiễn liên hệ với nhau, xem Chương 13, “Nonviolence: Moral Principle or Political Technique? Clues From Gandhi’s Thought and Experience,” [Bất Bạo Động: Nguyên Tắc Luân Lí hay Kĩ Thuật Chính Trị? Chứng cớ Từ Tư Tưởng và Kinh Nghiệm của Gandhi], tt.273-309. Xem thêm bài thuyết trình của Sharp “What Are the Options in Acute Conflicts for Believers in Principled Nonviolence?” [Những Giải Pháp Nào đối với Các Xung Đột Nghiêm Trọng Dành cho những Người Tin Tưởng vào Bất Bạo Động Có Nguyên Tắc?] trình bày ngày 22-9-2006 tại the Joan B. Kroc Institute for International Peace, Notre Dame University [Học Viện Hoà Bình Quốc Tế Joan B.  Kroc, Đại Học Notre Dame]. Có ở mạng www.aeinstein.org.

Bất hợp tác và thách thức chính trị được tổ chức có kế hoạch chống xâm lược ngoại bang và các cuộc đảo chánh.

Các tham vấn này xảy ra trong thời gian từ 24 tháng Tư đến 1 tháng Năm, 1991 theo lời mời của Bộ Ngoại Giao Lithuania. Chuyến đi thứ hai đến các thủ đô Nga, Lithuania, Latvia, và Estonia xảy ra từ ngày 14 tháng Mười Một đến 7 tháng Mười Hai, 1991.  Họ có những buổi thảo luận về tiềm năng đối kháng dân sự nhằm chặn đứng đảo chánh và ngoại xâm. Xem Biennial Report 1990-1992 [Phúc Trình Hai Năm 1990-1992], tt. 5-9 của Viện Albert Einstein (Cambridge, Massachusetts, 1993).  Tiếp theo chuyến đi thứ nhất, theo lời yêu cầu của Audrius Butkevicius, Bruce Jenkins đã thu thập một tập hướng dẫn học tập quan trọng về phòng vệ dựa trên nền tảng dân sự để cho một toán các nhà nghiên cứu tại Bộ Quốc Phòng Lithuania sử dụng.

Của Gene Sharp, với sự hỗ trợ của Bruce Jenkins, Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1990.

Butkevicius đã cho dịch vội cuốn Civilian-Based Defense [Phòng Vệ Dựa Trên Nền Tảng Dân Sự] ra tiếng Lithuanian để chính quyền sử dụng. Tổng Trưởng Quốc Phòng Latvia Talavs Jundzis cũng cho dịch vội để chính phủ sử dụng. Bản chính tiếng Anh do Tổng Trưởng Ngoại Giao Raivo Vare dùng tại Estonia.

     Sách này sau này được ấn hành thành ba ngôn ngữ, tiếng Estonian do Informare tại Tallin ấn hành, tiếng Latvian do nhà in Junda Publishers tại Riga, và tiếng Lithuanian do Mintis Publishers tại Vilnius, tất cả đều được các tổng trưởng đặc trách quốc phòng các nước liên hệ ủng hộ.

     Trong chuyến đi thứ hai, Sharp và Jenkins gặp không những chỉ các giới chức quốc phòng Lithuanian mà, tại Latvia, ngay cả Tổng Trưởng Quốc Phòng Talavs Jundzis và các thành viên của Hội Đồng Tối Cao của Latvia cùng với những giới chức quốc phòng. Tại Estonia, Sharp và Jenkins gặp Tổng Trưởng Ngoại Giao Raivo Vare, cùng với các thành viên của Hội Đồng Quốc Phòng, và các giới chức quốc phòng và chính phủ. Tổng Trưởng Vare ban huấn thị về đối kháng bất bạo động đến các trung tâm chính trị khắp nơi tại Estonia, nhưng ông đã cố ý không lưu giữ các ấn bản tại văn phòng của ông.

     Vào tháng Mười Hai 1991, Butkevicius đã ghi công cuốn sách Civil-Based Defense [Phòng Vệ Dựa Trên Nền Tảng Dân Sự] là đã cung cấp một nền tảng cho hầu hết kế hoạch đối kháng bất bạo động của ông chống lại xâm lược Nga, trước tiên là vào tháng Giêng 1991 và sau đó là tháng Tám 1991.

Xem Olgerts Eglitis, Nonviolent Action in the Liberation of Latvia [Hành Động Bất Bạo Động trong Cuộc Giải Phóng Latvia] (Cambridge, Massachusetts: Albert Einstein Institution, 1993) và Grazina Miniotaite, Nonviolent Resistance in Lithuania [Đối Kháng Bất Bạo Động tại Lithuania] (Boston: Albert Einstein Institution, 2002).

     Muốn nghiên cứu toàn vẹn và chi tiết hơn về đấu tranh giải phóng bất bạo động tại Latvia, mời xem Valdis Blüzma, Talavs Jundzis, Janis Riekstins, Gene Sharp, và Heinrihs Strods, Non-violent Resistance: The Struggle for Renewal of Latvian Independence [Đối Kháng Bất Bạo Động: Đấu Tranh Đổi Mới Nền Độc Lập Latvian] (1945-1991). Riga: Học Viện Các Khoa Học Latvian, UlzeUpmale, Akademijas laukums 1, Riga LV-1050, 2009.

Phiên bản Anh ngữ được Ô. Marek Zelaskiewz trước đó đã trao cho họ từ California.

“CANVAS TOTAL INDEX: Serbian Arena for NonViolent Conflict: An Analytical Overview of the Application of Gene Sharp’s Theory of Nonviolent Action in Milosovic’s Serbia.” [TOÀN BỘ DANH MỤC CANVAS: Đấu Trường Của Xung Đột Bất Bạo Động tại Serbia: Một Phân Tách Tổng Quan về việc Áp Dụng Lý Thuyết Hành Động Bất Bạo Động của Gene Sharp vào Serbia của Milosovic] Tài liệu phóng ảnh, 8 trang., Belgrade, 2001. CANVAS là viết tắt của the Centre for Applied NonViolent Action and Strategies [Trung Tâm Các Chiến Lược và Hành Động Bất Bạo Động Ứng Dụng] ở tại Belgrade, Serbia.

Liệt kê trong cuốn The Politics of Nonviolent Action [Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động]. 

10 Xem Walter H. Conser, Jr., Ronald M. McCarthy, David J. Toscano, and Gene Sharp, biên tập viên, Resistance, Politics, and the American Struggle for Independence,[ Đối Kháng, Chính Trị, và Cuộc Đấu Tranh Giành Độc Lập của Hoa Kì] 1765-1775. Boulder, Colorado: Lynne Rienner Publishers, 1986. Chú Ý đặc biệt “Phụ bản F, Continental Association, Tháng Mười, 1774.”

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.