Quyền lực chính trị là tổng hợp những phương tiện, những ảnh hưởng, và những áp lực – bao gồm uy quyền, các tưởng thưởng, và các chế tài – sẵn có để đạt những mục tiêu của kẻ nắm quyền lực trong tay, đặc biệt là những mục tiêu của chính quyền, của nhà nước, và của những nhóm đối lập.
–TS. Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động
Đeo đuổi quyền lực hình như là một phần phụ thuộc tất yếu tự nhiên của nhân loại và của các cơ chế xã hội. Nó xảy ra giữa những quốc gia, trong các chính quyền, giữa và bên trong các công ti, và ngay cả giữa bạn bè1. Có lẽ quen thuộc nhất đối với những người dân trung bình là những tranh chấp quyền lực về vấn đề phân phối lợi tức thuế khoá. Hằng hà sa số luật sư, các nhà vận động, các chuyên viên giao tế nhân sự chăm lo quyền lợi khách hàng của họ bằng cách tranh thủ những ưu tiên thuế khoá hay những hợp đồng với chính phủ mang lại lợi nhuận. Đôi khi các lợi nhuận của những phân phối như thế đối với những người đóng thuế cũng nêu lên nhiều nghi vấn. Thường thường thì ảnh hưởng đối với những quyết định về các phân phối như thế bị khuất lấp khỏi cái nhìn của công chúng. Ví dụ, duyệt sơ qua thủ tục ngân sách của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì sẽ thấy đầy dẫy những trường hợp các nhà làm luật ép Bộ Quốc Phòng phải nhận các máy bay, tàu thuỷ, và các vũ khí mà quân đội không cần dùng, nhất là khi những thứ này đã quá hạn, được thiết kế kém hay là những trang bị thặng dư không cần thiết. Những gì mà chính quyền chọn tài trợ có thể không cắt nghĩa được, ít ra cũng đối với người dân trung bình biết ít về những đặc lợi và những người vận động cho những đặc lợi này. Ngay cả việc tiền thuế rốt cuộc được sử dụng như thế nào cũng có thể là một vấn đề nghịch lí. Những người quan tâm đến môi trường đã tỏ ra kinh ngạc khi các bộ của chính quyền tìm ra những phương cách mới để phá vỡ chính những luật lệ mà họ có trách nhiệm phải thi hành. Việc sử dụng các lợi tức thu được luôn luôn là một vấn đề chính trị và phản ánh một khía cạnh của những nỗ lực liên tục nhằm điều động và ảnh hưởng quyền lực.
Tuy nhiên, những tranh giành quyền lực điều động guồng máy chính quyền và những tương quan hệ quả giữa những người cai trị và những người bị trị có những hậu quả còn sâu xa hơn là sự cạnh tranh về phân phối lợi tức thuế khoá nữa. Khi cây kim trên diễn trình giữa “tự do và chuyên chế” (công nhận là những từ chủ quan) nghiêng hẳn về phía chuyên chế, thì những người bị áp bức thường mong ước có một sự thay đổi. Những thay đổi nào và thay đổi sẽ được thực hiện như thế nào tuỳ thuộc vào sự thông hiểu của những người bị áp bức về bản chất và cội nguồn của quyền lực. TS. Sharp vẽ ra hai mô thức để mô tả nền tảng của quyền lực trong xã hội—mô thức độc tôn, và mô thức đa nguyên.
Lí thuyết về quyền lực độc tôn
Một mô thức dùng để cắt nghĩa quyền lực chính trị, do TS. Gene Sharp mô tả, được nhắc đến như là lí thuyết “độc tôn.”2 Mô thức này mô tả quyền lực được tập trung vào trên chóp bu của một cấu trúc quyền lực vững chãi, không thay đổi. Những người chiếm giữ quyền lực, như được mô thức độc tôn này mô tả, có thể thay đổi vì bất cứ một số lí do nào đó; nhưng cấu trúc của chính quyền lực, nghĩa là, cái vỏ bọc bên ngoài quyền lực có hình kim tự tháp thì như thể là đã được đóng chặt vào đá hoa cương, bất kể sự xáo trộn quyền lực nào từ bên trong hay là ý chí muốn thay đổi nào từ bên ngoài. Lí thuyết này giả định là người dân lệ thuộc vào thiện chí, sự hỗ trợ và những quyết định của người nắm giữ quyền lực và người cai trị quyết định quyền lực này sẽ được hành sử như thế nào. Tốt hơn là quyền sở hữu của cấu trúc quyền lực này được thay đổi bằng những cuộc bầu cử có trật tự và hợp pháp. Tuy nhiên, dưới những chế độ chuyên chế, quyết định tổ chức các cuộc bầu cử thường do nhà cai trị quyết định, với những kết quả đại để đã được quyết định trước.
Tướng Ne Win ở Miến Điện và Robert Mugabe ở Zimbawe là những thí dụ của những nhà cai trị chuyên chế xem gian lận bầu cử như là một thành phần của diễn trình bầu cử. Thỉnh thoảng các nhà độc tài đã tính toán sai và không chuẩn bị những bước cần thiết để bảo đảm kết quả mong muốn của cuộc bầu cử. Ví dụ, chế độ quân phiệt Miến Điện đã kinh ngạc khi chấp thuận cuộc bầu cử năm 1990 và đã thất bại. Phản ứng của chính quyền đối với trở lực bất ngờ này là phủ nhận ý muốn của cử tri và bắt bớ các nhà lãnh đạo chính trị đối lập.
Những chế độ độc đoán cảm thấy thoải mái khi công chúng chấp nhận (hay phục tòng trước áp lực của) ý niệm độc tôn về quyền lực này. Chỉ đơn thuần sự kiện họ nắm quyền lực trong tay cho họ cái quyền cai trị và ra lệnh là người dân có bổn phận phải khuất phục, bất kể nguyện vọng của người dân là gì. Sức mạnh cưỡng bức của nhà nước theo mô thức này được xem như là phương tiện chủ chốt và hợp pháp để ép buộc tuân phục. Thế kỉ thứ hai mươi cung cấp hằng hà sa số thí dụ. Trong những thập niên 1930 và 1940, nhà lãnh đạo Liên Bang Xô Viết Joseph Stalin đã gây nên thảm sát gần 20 triệu người được xem là những mối đe doạ thực sự hay tiềm năng đối với sự bám víu quyền lực của ông — một con số tương đương với số người dân Xô Viết đã chết trong cuộc chiến chống lại nước Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Muốn đánh sập hay loại bỏ chuyên chế bằng đấu tranh bất bạo động, người ta phải vượt quá giới hạn quan niệm cấu trúc về quyền lực độc tôn và thẩm định sự phân phối quyền lực thực sự trong tất cả mọi hình thái. Trong lúc mô thức quyền lực độc tôn là một khí cụ phân tích hữu ích cho công cuộc nghiên cứu bằng cách nào những kẻ chuyên quyền chiếm, giữ, và chuyển giao những giây cương quyền lực, thì việc sử dụng mô thức này như là một kim chỉ nam cho sự suy tư về thay đổi chính trị lại tạo nên một giới hạn lớn lao cho những giải pháp có thể cần được cứu xét. Trong lúc hiểu biết về mô thức quyền lực độc tôn là một điều quan trọng đối với những “người mơ ước thay đổi,” nhưng muốn biến những giấc mơ thành hành động thì họ sẽ thành công hơn nếu thay thế mô thức quyền lực độc tôn bằng một mô thức nhìn quyền lực, việc tranh thủ quyền lực, và việc mất quyền lực theo một viễn tượng hoàn toàn khác — một mô thức mang tính “đa nguyên” như là yếu tố chỉ đạo.
Mô thức quyền lực đa nguyên
Một mô thức hữu ích khác để thông hiểu bản chất của quyền lực được TS. Sharp nhắc đến là mô thức đa nguyên. Không giống như mô thức độc tôn, một cấu trúc vững chãi, không thay đổi với quyền lực được tập trung ở trên chóp; mô thức này mô tả quyền lực chính trị như là đa nguyên và mong manh. Các cội nguồn của quyền lực được xác định là đang ở giữa quần chúng trong khắp toàn thể xã hội, và người nắm giữ quyền lực chỉ hành sử được cái quyền này khi dân chúng cho phép mà thôi. Nói cách khác, nhà cai trị chỉ có thể cai trị được với sự thoả thuận và hợp tác của người dân. Sự thoả thuận và hợp tác này có thể là tự nguyện hay là bị cưỡng ép. Thoả thuận có thể là kết quả của sự bất cần đối với một số người trong xã hội, hay là ngay cả của ảnh hưởng văn hoá đối với lề thói tuân phục. Dù sao thì điểm quan trọng của mô thức quyền lực đa nguyên là bởi vì dân chúng cung cấp cho nhà cai trị những nguồn quyền lực của ông ta, thì dân chúng cũng có thể rút lui sự thoả thuận bị cai trị bằng cách giữ lại những nguồn sức mạnh mà họ, như là một tập thể, đã cung cấp cho chế độ.
Theo TS. Sharp thì có sáu nguồn sức mạnh sẽ là then chốt cho việc thông hiểu bản chất của đa nguyên. Như sẽ được thảo luận dưới đây, chính những nguồn sức mạnh được liệt kê này mà người ta đã tìm cách kiểm soát, ảnh hưởng sâu đậm, hoặc vô hiệu hoá. Những nguồn sức mạnh này được thể hiện trong các tổ chức và các cơ chế, gọi là những “cột trụ chống đỡ”, được thảo luận ở Bài 025.
- Uy Quyền
Uy quyền là nền tảng của việc cho mình cái quyền cai trị và đòi hỏi sự tuân phục của người bị cai trị. Những kết quả bầu cử thường được trích dẫn như là sự hợp thức hoá quyền chỉ đạo. Đây là lí do tại sao những chế độ độc đoán cứ khăng khăng đòi tổ chức bầu cử và rồi nhồi nhét đầy thùng phiếu, hăm doạ cử tri, giới hạn các hoạt động vận động tranh cử của đối phương, và từ chối thừa nhận hoặc chấp thuận những kết quả bất lợi. Tính hợp pháp thiết yếu quan trọng đối với bất cứ chính quyền nào, và bị xem là vượt quá quyền hạn hiến định hay là một chế độ ngoài luật pháp thì sẽ có những hậu quả có thể trầm trọng tại quốc nội cũng như trong cộng đồng thế giới.
Tại quốc nội, mất đi bộ mặt hợp pháp có thể trở thành một nhân tố chính yếu cho việc hợp pháp hoá đối lập chính trị. Sử dụng quan niệm “khế ước xã hội”, đối lập chính trị có thể tuyên bố là một chính quyền một khi đã vi phạm thực chất của hiến pháp thì hợp đồng giữa nhân dân và chính quyền đã bị xâm phạm, cung ứng căn bản cho việc chối bỏ bổn phận phải tuân phục, hỗ trợ và hợp tác với chế độ.
Tại quốc ngoại, việc mất tính hợp pháp của một chế độ có thể làm cho cộng đồng quốc tế dễ đón nhận những lời kêu gọi trừng phạt về kinh tế và chính trị đối với chế độ. Những vụ tẩy chay kinh tế và chính trị có thể làm suy yếu những chế độ như thế, như đã từng xảy ra với chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi và với nền độc tài tại Miến Điện. Việc loại Zimbabwe ra khỏi khối Cộng Đồng Liên Hiệp Anh năm 2002 là một khẳng quyết sâu sắc rằng chế độ Mugabe không được đón mời cùng ngồi chung với những chính quyền dân chủ đã chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa thành những nền dân chủ độc lập. Hơn nữa, những nhóm đối lập dân chủ có chiều hướng tranh thủ được sự hỗ trợ tài chánh và tinh thần hơn, một khi uy quyền cai trị của chế độ độc đoán đã bị xói mòn một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, chỉ những cử chỉ hỗ trợ quốc tế này không mà thôi thì không bao giờ đủ để loại bỏ được nhà cai trị ra khỏi quyền lực. Vả lại, những hình phạt như thế cũng có thể phản tác dụng nếu hậu quả của những chế tài này có hại cho dân chúng hơn là cho chế độ.
- Nhân lực
Các con số về những người hỗ trợ, hợp tác, và nhượng bộ nhà cai trị là một yếu tố quyết định quan trọng về sức mạnh của chế độ. Điều này không có nghĩa gợi ý là nếu đa số dân chúng không yêu chuộng những nhà lãnh đạo tại chức thì một sự thay đổi chế độ là không thể tránh được. Nó chỉ có nghĩa là có tiềm năng cho sự thay đổi mà thôi. Lịch sử tràn đầy những thí dụ về sự áp bức đa số bởi thiểu số. Mặt khác, đấu tranh bất bạo động chiến lược không thể thành công mà không có sự hỗ trợ và hợp tác sinh động của đa số. Trong một cuộc đấu tranh cho dân chủ, số đông rất quan trọng!
- Các kĩ năng và kiến thức
Cai trị hiện nay phức tạp nhiều hơn bao giờ hết. Vào đầu thế kỉ thứ 21, Tổng thống Hoa Kì được chấp nhận một cách phổ quát là người quyền lực nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhà cai trị quyền lực nhất này lại biết rất ít hay không biết gì về việc bảo trì máy bay và thời biểu các phi vụ, về quản lí luật hàng hải, điều động điều tra tội ác, thu thuế, hoạch định kế hoạch chiến tranh, phân phối thực phẩm, phát triển và sửa chữa các hệ thống truyền tin, và rất nhiều chuyên môn khác nữa. Điểm muốn nói ở đây là những kĩ năng và kiến thức do dân chúng cung cấp làm cho chính quyền, ở mọi cấp, sinh hoạt được. Không có những đóng góp này, chính quyền phải sụp đổ.
- Các nhân tố không nắm bắt được
Trong lúc khó mà đo lường được tầm quan trọng của chúng, những nhân tố không nắm bắt được như là tôn giáo, các thái độ đối với sự tuân phục và khuất phục, một ý thức về sứ mạng, hay là những phạm trù văn hoá có thể tác dụng lên mối tương quan giữa nhà cai trị với công chúng. Ví dụ, đã có một giai đoạn mà nhiều người trong một số xã hội chấp nhận “thiên chức của vua chúa”, niềm tin rằng các nhà cai trị là những thừa tác nhân của Thượng Đế trên trái đất này. Bất tuân nhà cai trị bị cho là bất tuân Thượng Đế. Trong những xã hội khác, như Nhật Bản chẳng hạn, Nhật Hoàng trước kia được xem là Thiên-vương. Dân chủ sẽ không thể có được trong những trường hợp như thế. Bước vào thế kỉ thứ 21 thì đã có những trường hợp hội nhập Hồi giáo với quyền lực chính trị truyền thống làm một trong một vài chính quyền. Trong lúc “Trả lại cho Caesar những gì của Caesar” là hoàn toàn thích đáng, nhưng cuộc tranh luận trước tiên cần phải đặt câu hỏi thực sự cái gì thuộc về ông ta. Dù sao thì dân chủ cũng đặt cơ sở trên niềm tin là bất cứ quyền lực nào mà nhà cai trị có được cũng là do dân “cho mượn” mà thôi.
- Vật lực
“Ai trả tiền kèn thì có quyền yêu cầu bài nhạc” hẳn cũng áp dụng thích hợp nhất cho chính trị. Kiểm soát kinh tế, tài sản, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống truyền thông và vận tải là một lãnh vực quan trọng của những giới hạn về quyền lực đối với công chúng. Ví dụ, nơi nào nhà nước sở hữu tất cả đất đai canh tác, thì nơi đó nhà nước kiểm soát một phần quan trọng sinh kế của những gia đình nông dân. Tương tự như thế, nơi nào chế độ kiểm duyệt thịnh hành, thì nơi đó đời sống của những người liên hệ đến các lãnh vực báo chí sẽ bị kiềm chế hay ảnh hưởng bởi chính quyền. Tại những quốc gia nào mà kĩ nghệ dầu khí được quốc hữu hoá thì sẽ ít lệ thuộc vào dân chúng về lợi tức thuế khoá. Sự không cần phải lệ thuộc vào dân chúng về lợi tức thuế khoá có hiệu quả là sức mạnh tài chánh được tập trung vào trong tay chính quyền.
- Các chế tài
Khả năng cưỡng ép phục tòng và hỗ trợ luật pháp của chính quyền, bao gồm cả những nguyên tắc chỉ đạo và các sắc lệnh, bị giới hạn bởi sự hỗ trợ, hợp tác, và chấp thuận của công chúng. Các chế tài được dùng vừa để trừng trị vừa để ngăn cản hành vi không thể chấp nhận được. Chế tài không cần phải khắt khe hay là cực đoan một cách quá đáng, như là hành quyết hay tù tội, mới hữu hiệu. Từ chối hoặc chấm dứt công ăn việc làm, mất lợi tức hưu liễm, giới hạn cơ hội giáo dục và thăng chức, hạn chế du hành (khước từ cấp hộ chiếu), áp đặt “công hữu hoá” tài sản, cắt nước, và các thứ hình phạt khác có thể được sử dụng một cách hữu hiệu để ép buộc khuất phục. Trong một vài chế độ độc đoán, các phương tiện truyền thông đại chúng thi hành tự kiểm duyệt bởi vì chính quyền có khả năng đóng cửa các nhà phát hành và các tổ chức báo chí bằng cách kiểm soát sự phân phối các ấn phẩm tin tức hay là thu hồi các giấy phép phát thanh và truyền hình. Những chế tài như thế rất thông thường.
Chế tài là khí cụ của mọi chính quyền. Các hình phạt được dùng để kiềm chế hành vi phản xã hội nhiều hơn cả. Vào những lúc khác thì chúng được dùng để gieo sợ hãi hoặc để trừng trị dân chúng vì những mục đích chính trị. Ví dụ, Đức Quốc Xã đã sử dụng trừng phạt tập thể để ngăn ngừa các hoạt động tương lai của những phong trào bí mật chống lại sự chiếm đóng của Quân Đội Đức. Bước vào thế kỉ này, chính quyền Do Thái đã biện minh cho sự trừng phạt tập thể như là một phương tiện ngăn ngừa những hành động khủng bố. Ngoài sự kiện là trừng trị một nhóm người vì hành động của cá nhân có thể là một vi phạm những nhân quyền căn bản, việc sử dụng trừng trị tập thể như là một cách phòng ngừa hữu hiệu đưa ra nhiều chất vấn. Thực vậy, trừng trị tập thể và những vụ ám sát có thể đưa đến hậu quả ngược lại với hậu quả chờ đợi hay mong muốn. Trừng trị tập thể có thể đem lại kết quả là sự quyết chí trả thù thay vì ngăn ngừa những hành động bạo động trong tương lai.
Tóm lược
Bài 024 xét đến hai mô thức về quyền lực. Mô thức độc tôn mô tả quyền lực được hành sử theo một cấu trúc bất biến trong đó nhân dân lệ thuộc vào nhà cai trị. Mô thức đa nguyên xem quyền lực được hành sử một cách khác hẳn; nhà cai trị phải lệ thuộc vào nhân dân. Các nguồn sức mạnh mà nhân dân cung cấp cho nhà cai trị cũng được xác định, và nếu những nguồn sức mạnh này bị rút khỏi nhà cai trị thì khả năng cai trị của ông ta sẽ không thể thực hiện được.
Theo quan điểm được miêu tả, thì những cấu trúc khác nhau cho phép và nâng đỡ các sinh hoạt hằng ngày của chính quyền được nói đến như là “những cột trụ” chống đỡ của chính quyền. Vì vậy, những nguồn sức mạnh được thể hiện trong các tổ chức và các cơ chế bên trong và bên ngoài chính quyền. Các đối thủ của một chế độ độc đoán cũng phải cần những cột trụ chống đỡ. Khi những cột trụ chống đỡ bị xói mòn đủ, thì chínhh quyền, hay là đối lập, đều phải sụp đổ như một ngôi nhà sụp đổ khi nền móng đã mục nát và không còn chịu nổi sức nặng của ngôi nhà nữa.
__________________________________
CƯỚC CHÚ
1 TS. Sharp phân biệt giữa sức mạnh xã hội và quyền lực chính trị. “Sức mạnh xã hội có thể được định nghĩa ngắn gọn như là khả năng điều động hành vi của những người khác, một cách trực tiếp hay gián tiếp, bằng hành động bởi những nhóm người, hành động nào tác động lên những nhóm người khác. Quyền lực chính trị là loại sức mạnh xã hội dùng cho những mục tiêu chính trị.” Chính trị Của Hành động Bất Bạo động, (Boston: Porter Sargent Publishers, 1973), I:7.
2 Một cuộc thảo luận đầy đủ về quan niệm của Sharp về bản chất quyền lực chính trị có thể tìm thấy ở Tập I của cuốn Chính trị Của Hành động Bất Bạo động, tt. 7-10. Trong chương Nhập Đề của tác phẩm có thẩm quyền này, Sharp xác định quan niệm sai lầm thông thường về cấu trúc của quyền lực chính trị.
0 Comments