Mt Vài Chỉ Dn Chiến Lưc
(Bài 047)

Gene Sharp

Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Đòi hỏi cần phải lưu ý cẩn thận

Việc áp dụng hữu hiệu một kĩ thuật đấu tranh bất bạo động đòi hỏi nhiều cẩn trọng, nhiều suy tư, hành động sành sỏi, và sức mạnh. Đòi hỏi cần phải lưu ý cẩn thận đến những yếu tố được thảo luận trong bài này về việc thiết lập những chiến lược khôn ngoan cho những cuộc đấu tranh bất bạo động hữu hiệu trong tương lai.

     Những chỉ dẫn và gợi ý sau đây được đặt trên cơ sở của sự thông hiểu đấu tranh bất bạo động vận hành như thế nào, của những bài học về những áp dụng kĩ thuật này trong quá khứ, và của những nguyên tắc căn bản về chiến lược.

Kiến thức về đấu tranh bất bạo động

Có lẽ phần quan trọng hơn cả trong việc thông hiểu đấu tranh bất bạo động là sự phân tách về các nguồn sức mạnh chính trị, như chúng ta đã thảo luận trước đây. Trong những cuộc đấu tranh gắt gao với những chế độ đàn áp, những chiến lược đặc biệt có thể được thiết lập để làm suy yếu và cắt đi những nguồn sức mạnh của đối phương. Việc nhắm vào đích này có thể là nhân tố chính yếu làm cho cuộc đấu tranh bất bạo động hữu hiệu chống lại những chế độ hết sức đàn áp. Điểm này sẽ được thảo luận đầy đủ hơn nhiều ở phần dưới đây.

    Hoạch định những chiến lược và chiến thuật khôn ngoan cho những cuộc đấu tranh bất bạo động cũng đòi hỏi một sự thông hiểu rốt ráo về những động năng và phương thức đấu tranh bất bạo động, như đã được trình bày dưới hình thức tóm lược trước đây, và đầy đủ hơn trong cuốn Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động1. Kiến thức này giúp người ta hiểu được vài yếu tố trong số những yếu tố về vấn đề thực hành hữu hiệu kĩ thuật này, bao gồm cả sự duy trì kỉ luật bất bạo động.

    Đấu tranh bất bạo động vừa đòi hỏi, và vừa có khuynh hướng làm giảm bớt sợ hãi đối phương và sự đàn áp vũ lực của họ. Kiểm soát sợ hãi, hay là bước qua sự sợ hãi, là yếu tố then chốt để phá vỡ sự kiềm chế của đối phương đối với tổng thể dân chúng và đối với những người đối kháng tương lai.

    Một đặc tính chính yếu của việc điều hành đấu tranh bất bạo động trong nhiều cuộc xung đột là những khả năng sức mạnh của hai bên không phải là những hằng số. Sức mạnh truyệt đối và tương đối của dân chúng đối kháng và cả của đối phương đều biến đổi rất nhiều trong những cuộc đấu tranh bất bạo động. Đối chiếu với những biến đổi về sức mạnh của các đối thủ trong những cuộc xung đột bạo động, thì những thay đổi về sức mạnh của mỗi bên, của đối phương và của những người đối kháng, trong những cuộc đấu tranh bất bạo động, khi xảy ra, có khuynh hướng cực đoan hơn, xảy ra nhanh chóng hơn, và có những hậu quả đáng kể hơn.

    Như vậy là vì những chiến lược rộng lớn hơn, các chiến thuật, những phương pháp cụ thể, và hành độngcủa hai nhóm đều có khuynh hướng đem lại những hiệu quả vượt thời gian và không gian mà trong đó chúng xảy ra. Một số hành sử – như là vũ lực, phá hoại tài sản, hay những hành động khiêu khích bất bạo động không khôn ngoan – có thể đưa đến những hậu quả bất ngờ hoặc không mong muốn. Con số những người đối kháng và những hình thái đối kháng của họ có thể tăng hay giảm. Có lúc, điều này xảy ra một cách chậm rãi, nhưng lúc khác thì xảy ra rất nhanh chóng và tột độ. Sức mạnh của đối phương cũng có thể tăng hay giảm, chậm rãi hay nhanh chóng. Nhóm bất bạo động, bằng những hànhh động của chính mình, có thể giúp kiểm soát việc tăng hay giảm sức mạnh của nhóm đối phương, và làm được điều này ở một mức độ lớn hơn rất nhiều như là đã từng xảy ra trong những cuộc xung đột quân sự.    

    Khi soạn thảo các chiến lược, ta cần phải lưu ý đến việc lựa chọn những kế hoạch và những hành động có thể giúp cho việc vận hành của các động năng và các phương thức tạo thay đổi của kĩ thuật này được dễ dàng. Chúng ta cũng nên cần phải lưu ý đến nhu cầu phải từ bỏ những hành động đã được đề nghị mà, nếu thực thi, sẽ làm rối loạn chính các nhân tố làm cho kĩ thuật đấu tranh này được hữu hiệu.

Tự lập và sự hỗ trợ của những thành phần thứ ba2

Có một nguyên tắc căn bản thiết yếu cho việc chuẩn bị những chiến dịch đấu tranh bất bạo động, đó là: Thiết kế cuộc đấu tranh của mình như thế nào để cuộc đấu tranh có thể thành công bằng cách trông nhờ vào chính bản thân của mình mà thôi. Đây là thông điệp của Charles Stewart Parnell gửi cho nông dân Ái Nhĩ Lan trong cuộc đình công về thuê mướn đất đai năm 1979-1980: “Hãy trông cậy vào chính các bạn,” và không vào ai khác3.

    Giả dụ một cuộc đấu tranh bất bạo động mạnh mẽ đang được chuẩn bị hay đã được tiến hành rồi, thì kêu gọi sự hỗ trợ bất bạo động và có giới hạn của người khác cũng tốt. Tuy nhiên, những tính toán làm thế nào để thắng cuộc đấu tranh phải được đặt trên cơ sở những khả năng và hành động của chính nhóm của mình mà thôi. Rồi sau đó, nếu không có ai giúp thì mình vẫn có cơ hội thành công, với điều kiện là thiết kế chiến lược vững và những người đối kháng mạnh. Nhưng, nếu trách nhiệm về thành công hay thất bại được giao phó cho người khác, thì khi họ không ra mặt, cuộc đấu tranh sẽ thất bại. Dù sao thì sự hỗ trợ có trách nhiệm từ bên ngoài cũng có thể trông đợi được khi cuộc đấu tranh bất bạo động mạnh mẽ được xúc tiến bởi dân chúng khốn khổ hành động như thể là thành công hay thất bại sẽ được quyết định bởi những nỗ lực của chính họ mà thôi.

   Mặc dù trông cậy vào sự hỗ trợ của những thành phần thứ ba là nguy hiểm – vì họ có những quyền lợi và mục tiêu riêng của họ — nhưng sự hỗ trợ của họ tuy vậy có lúc cũng rất hữu ích. Những động lực để các nhóm bên ngoài như thế hỗ trợ có thể biến đổi, đôi khi liên hệ đến những mục tiêu và sự lựa chọn đấu tranh bất bạo động của những người đối kháng. Lúc khác, những thành phần thứ ba có thể tính trước những mối lợi kinh tế và chính trị có thể có sau khi những người đối kháng đã thành công trong việc đánh đuổi chế độ đàn áp. (Dĩ nhiên là những quyền lợi kinh tế ngắn hạn cũng có thể là động lực mạnh để những thành phần thứ ba đứng về phía đối phương và khước từ hỗ trợ những người đối kháng).

    Những người đối kháng bất bạo động nên gầy dựng sự hỗ trợ của những thành phần thứ ba trước khi cuộc đấu tranh xảy ra cũng như khi cuộc đấu tranh đang tiến hành. Những loại hỗ trợ cần có có thể bao gồm những vật lực, các căn cứ điều hành an toàn, không can dự, và ủng hộ tính hợp pháp của mục tiêu và những phương tiện do những người đối kháng sử dụng. Những thành phần thứ ba hỗ trợ mạnh mẽ có thể kêu gọi những chế tài về kinh tế và những áp lực ngoại giao chống lại đối phương, và ngay cả nỗ lực cô lập đối phương với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, khuyến cáo cẩn trọng trong việc lệ thuộc vào sự hỗ trợ của những thành phần thứ ba vẫn có giá trị. Dù sự hỗ trợ từ bên ngoài này không bao giờ xuất hiện hoặc biến mất đi, thì phong trào đối kháng vẫn cần phải có khả năng đeo đuổi cuộc đấu tranh một cách hữu hiệu.

Một cuộc đấu tranh duy nhất hay là nhiều chiến dịch? 

Trên cơ sở của những kết quả từ sự phỏng định chiến lược, quyết định là (các) mục tiêu của cuộc xung đột có thể đạt được trong một cuộc đấu tranh toàn lực duy nhất hay không là một điều thiết yếu. Nếu một cuộc đấu tranh duy nhất có xác suất thành công cao, thì cần phải thiết lập một chiến lược vững chãi có thể thực sự tranh thủ được mục tiêu này.

    Việc thẩm định tiềm năng của một chiến dịch duy nhất để thành công trong việc tranh thủ các mục tiêu cần phải được thực hiện một cách thận trọng. Sự thẩm định này cần phải chú ý đến cả những đặc tính và những đòi hỏi của đấu tranh bất bạo động lẫn sự phỏng định chiến lược chính xác về những khả năng của đối phương và của những người đối kháng, như chúng tôi đã bàn đến ở Bài 046.

    Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận là hoạ hoằn lắm mới có thể đạt được toàn bộ (các) mục tiêu của một cuộc xung đột quan trọng do đấu tranh bất bạo động xúc tiến chống lại những đối thủ hùng mạnh mà chỉ bằng một nỗ lực duy nhất mà thôi.

     Sau đây là một bảng liệt kê còn thiếu sót của những điều kiện được xem là những tiền điều kiện cho một cuộc đấu tranh duy nhất thành công:

  • Đối phương đã mất chính danh trên một bình diện rộng lớn – dù sự mất mát này đã được phát biểu công khai hay chưa.
  • Đối phương lệ thuộc nặng nề về chính trị, kinh tế, hay về những điều khác vào một dân chúng có thể sử dụng bất hợp tác.
  • Dân chúng đã, hay đang, thiết lập những nhóm và những cơ chế ngoài vòng kiềm soát của nhóm đối phương.
  • Các nhóm và các cơ chế thường phục vụ như là “những cột trụ chống đỡ” cho đối phương, cung cấp cho đối phương những nguồn sức mạnh cần thiết, không được vững vàng và thiếu tận tuỵ với lãnh đạo của đối phương.
  • Việc đối phương kiểm soát tập thể dân chúng hiện nay không được hoàn toàn hữu hiệu.
  • Tập thể dân chúng — nhất là những nhóm có tiềm năng đối kháng hơn cả — trước đây hoặc đã có kinh nghiệm thoả đáng về việc sử dụng đấu tranh bất bạo động hoặc đã nhận được những khuyến cáo có thẩm quyền về việc thiết kế những hành động đối kháng và một sự thông hiểu về vai trò của mình.
  • Những vấn đề tranh chấp được chú trọng trong cuộc đấu tranh được sự ủng hộ sâu rộng.
  • Một đại chiến lược khôn ngoan đã được thiết lập cho cuộc đấu tranh có được sự hỗ trợ của những nhóm dân chúng và những cơ chế bằng những hành động đối kháng đề nghị cụ thể. Những nhóm người và những cơ chế này bao gồm những nhóm người và những cơ chế đã từng phục vụ như là những cột trụ chống đỡ cho đối phương.
  • Hệ thống hành chánh và cảnh sát và các lực lượng quân sự của đối phương tạo nên những thành phần cốt cán mà sự trung thành cũng như hỗ trợ đối với lãnh đạo đối phương tốt lắm thì cũng không lấy gì làm chắc chắn.

Trong một cuộc đấu tranh có tầm cỡ chống lại một chính quyền hay một chế độ, thì những nỗ lực nhằm cắt đi những nguồn sức mạnh của đối phương để cho chế độ sụp đổ có thể nằm trong phạm vi khả năng của nhóm đấu tranh lúc cuộc xung đột mới bắt đầu. Tuy nhiên, nếu thực sự người ta muốn sử dụng một chiến dịch duy nhất để đạt các mục tiêu của cuộc đấu tranh, thì một kế hoạch phòng hờ phải được thiết lập dự phòng trường hợp chiến dịch này không thành công. Nếu chỉ một cuộc đấu tranh duy nhất được áp dụng và không thành công, thì đối phương không những tồn tại trên quan điểm cơ chế mà còn có thể tương đối được tăng thêm sức mạnh. Vì vậy, những người đối kháng sẽ phải chịu một tổn thất nặng nề, theo ý nghĩa tinh thần và khả năng đối kháng của họ.

    Do đó khôn ngoan hơn là nên chuẩn bị từ lúc ban đầu cho một vài chiến dịch có những mục đích giới hạn. Những mục tiêu này sẽ cần phải là những mục tiêu phù hợp với mục tiêu chính yếu lớn hơn và phải giúp làm cho việc đạt mục đích chính này được thành tựu. Đây không phải là một trường hợp để khiêm tốn về những mục tiêu của mình, trái lại là một trường hợp để tập trung sức mạnh của mình vào các nhược điểm của đối phương nhằm tranh thủ những mục tiêu nằm trong khả năng thành tựu của những người đối kháng. Một khi các mục tiêu đã đạt được và đã có những nỗ lực làm tăng sức mạnh của nhóm khiếu nại và dân chúng đối kháng, thì khả năng tiến hành cuộc đấu tranh sẽ được nâng cao.

Quyết định mục tiêu

Những mục tiêu của những chiến dịch cá biệt sẽ cần phải được thiết lập một cách cẩn thận và phải phù hợp với (những) mục tiêu chính yếu của những người đối kháng trong cuộc đấu tranh toàn bộ. Mỗi chiến dịch cho những mục tiêu giới hạn sẽ đòi hỏi những chiến lược rõ rệt, khôn ngoan, và những hành động đòi hỏi kĩ năng để bảo đảm là chiến dịch này đóng góp vào việc tranh thủ những mục tiêu chính yếu rộng lớn hơn, như chúng tôi sẽ thảo luận sau này.

    Những mục tiêu của cuộc đấu tranh toàn bộ lẫn của những chiến dịch bộ phận đều cần phải được xác lập bằng những từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu, và được chấp nhận một cách phổ quát. Các mục tiêu không nên được diễn đạt bằng những từ tẻ nhạt mơ hồ, như là “hoà bình”, “tự do”, hay là “công lí.” Ngược lại, mục tiêu phải cụ thể và tương đối rõ rệt, nhưng luôn luôn liên hệ đến sự khiếu nại tổng quát. Ví dụ, mặc dù trong chu kì 25 năm thứ hai của thế kỉ thứ 20, mục đích chính trong cuộc đấu tranh của những người theo chủ nghĩa quốc gia Ấn Độ chống lại đế quốc Anh là độc lập cho Ấn Độ, nhưng những mục tiêu rõ rệt của chiến dịch 1930-1931 như Gandhi hoạch định là 11 yêu sách giới hạn và cụ thể mà ông nghĩ là, nếu tranh thủ được, sẽ đưa Ấn Độ đến gần với tự trị.

    Từ ngữ sử dụng khi xác lập các mục tiêu không nên để cho có thể được cắt nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Từ ngữ thích ứng sẽ làm cho việc đo lường xem (các) mục tiêu của một chiến dịch hay của một cuộc đấu tranh rộng lớn hơn có thực sự đã đạt được chưa. Những mục tiêu cũng không nên quá chi tiết: trong một vài cuộc đấu tranh, một “nghị viện được bầu cử một cách tự do” có thể là một mục tiêu hợp lí, nhưng xác định là nghị viện phải có 537 thành viên thì quá chi tiết.

    Trong một chiến dịch giới hạn, thì khôn ngoan là chọn một vấn đề tranh chấp làm điểm tấn công thích hợp. Chìa khoá là chọn một vấn đề tranh chấp biểu tượng cho sự khiếu nại tổng quát, hay là một khía cạnh rõ rệt của một vấn đề tổng quát, một khía cạnh mà đối phương khó bào chữa nhất và hầu như là không thể biện minh được. Do đó, mục tiêu tiên khởi sẽ là một mục tiêu mà nhóm đấu tranh bất bạo động có thể nhận được ủng hộ tối đa. Mục tiêu này cũng phải là một mục tiêu hoặc nằm trong phạm vi khả năng nhượng bộ của đối phương, hoặc trong phạm vi sức mạnh chiếm đoạt của những người đối kháng.

    Một sự chọn lựa mục tiêu sai lầm trong một chiến dịch giới hạn sẽ chuyển đổi sự chú ý xa ra khỏi (những) mục tiêu chính yếu của đại chiến lược. Một sự chọn lựa khôn ngoan sẽ lôi cuốn được hỗ trợ từ tập thể dân chúng, những thành phần thứ ba, và có thể ngay cả một vài cá nhân và nhóm người thuộc phía đối phương.

    Thường thì cũng hữu ích nếu những mục tiêu của những chiến dịch giới hạn như thế là những mục tiêu thách thức những biểu hiện cụ thể đáng trách đối với một khiếu nại tổng quát, những biểu hiện mà những người đối kháng đang đấu tranh để chống lại. Ví dụ, nếu kì thị chủng tộc không thể dẹp bỏ được trong một cuộc đấu tranh duy nhất, thì có thể tung ra những chiến dịch cá biệt – như đã từng thực hiện tại miền nam Hoa Kì trong những thập niên 1950 và 1960 — chống lại những hành sử phân biệt cụ thể, như là các xe buýt và các dịch vụ quầy ăn trưa phân biệt chỗ ngồi, phân biệt trong việc mướn người làm việc, và các giới hạn về bầu cử.

    Một thí dụ nữa: một chiến dịch giới hạn duy nhất trong một cuộc đấu tranh chống độc tài có thể tập trung vào việc bênh vực báo chí đối lập mà chế độ muốn cấm đoán, vào việc thách đố kiểm duyệt hay là những vi phạm tự do tôn giáo, vào việc bênh vực sự độc lập của những cơ chế xã hội hoặc tôn giáo, vào việc tạo nên những tổ chức độc lập mới (như một nghiệp đoàn thương mãi, chẳng hạn), hay là vào việc vận động chống gian lận bầu cử. Những mục tiêu tuyển chọn cũng có thể tập trung vào những vấn đề xã hội, kinh tế, hoặc chính trị quan yếu; những vấn đề này được chọn vì vai trò then chốt của chúng trong việc giữ hệ thống xã hội và chính trị ngoài tầm kiểm soát của đối phương, bằng cách chặn không cho đối phương đạt những mục tiêu của họ, hay bằng cách đánh đổ những cột trụ chống đỡ của họ.

    Nếu là một cuộc đấu tranh chống lại sự chiếm đóng quân sự của ngoại bang, thì có thể tung ra những chiến dịch đối kháng có chọn lọc tương tự, với những mục tiêu rõ rệt. Các chiến dịch có thể được tập trung vào việc chối bỏ tính hợp pháp của chế độ chiếm đóng, hay vào việc bất hợp tác với một phần rõ rệt nào đó của hệ thống này. Ngăn chặn việc thiết lập sự chiếm đóng và kiểm soát xã hội hữu hiệu sẽ là một phần thiết yếu trong một cuộc đấu tranh như thế. Các chiến lược cho đối kháng có chọn lọc cũng có thể được tập trung vào việc từ chối chịu để cho những kẻ tấn công đạt được một hay nhiều mục tiêu của họ. Ví dụ, đối kháng có thể được tập trung vào việc ngăn chặn những kẻ xâm lăng giành được một loại thắng lợi kinh tế rõ rệt nào đó, hay ngăn cản không cho họ sử dụng hệ thống giáo dục, báo chí, truyền thanh, truyền hình để nhồi sọ dân chúng về ý thức hệ của họ.

    Khi đã chọn (những) điểm để tập trung tấn công, những người đối kháng không được để mình bị lệch hướng đi vào một đường lối hành động hạn hẹp hơn hay là vào một ngõ cụt. Sự thành công tiên khởi về những điểm giới hạn này sẽ vừa làm tăng tự tin nơi những người đối kháng vừa tăng khả năng tiến tới một cách hữu hiệu đến việc đạt những mục tiêu của họ một cách toàn vẹn hơn.

    Lí lẽ chín chắn cảm nhận được của những vấn đề tranh cãi được nêu ra và của những mục đích được nhóm đấu tranh bất bạo động ủng hộ, so với những vấn đề và những mục đích của nhóm đối phương, sẽ có thể đóng góp vào hiệu lực của cuộc đấu tranh bất bạo động sắp tới. Những vấn đề tranh cãi và những mục đích nêu ra sẽ ảnh hưởng đến sự hỗ trợ cho phong trào đối kháng từ phía dân chúng bị tác động, cũng như, có thể, từ một vài người trong nhóm đối phương, và có lẽ, từ những thành phần thứ ba nữa. Bao giờ những khiếu nại vẫn còn chưa bị suy suyển và những mục đích vẫn còn giá trị, còn có thể biện minh được, và còn có thể đạt được, thì những mục đích được tuyên bố rõ ràng và việc xác định các khiếu nại, bất bình, phải luôn luôn được duy trì suốt qua những thăng trầm của cuộc đấu tranh trong một thời gian lâu dài.

Tăng sức mạnh cho dân chúng và những người đối kháng 

Song song với việc làm suy yếu sức mạnh của đối phương bằng bất hợp tác và bất tuân là việc huy động khả năng sức mạnh của tập thể dân chúng. Những người và những cơ chế này trước kia có thể bị nghĩ là yếu hèn và bất lực trước khả năng đàn áp và tổ chức của đối phương. Việc động viên tiềm năng sức mạnh của dân chúng, được những khiếu nại bất bình tác động thành sức mạnh hữu hiệu có thể được sử dụng trong đấu tranh, hết sức quan trọng đối với thành quả của cuộc đấu tranh.

    Theo quan điểm của những người đối kháng, thì cả đại chiến lược lẫn những chiến lược cá biệt cho các chiến dịch đều phải được thiết kế như thế nào để những người đối kháng cũng như tập thể dân chúng nói chung phải trở nên mạnh hơn trước trong thời gian của cuộc đấu tranh. Chúng ta có thể đo lường sức mạnh của họ được bằng cách xét định xem họ có những nhóm và tổ chức độc lập không, họ có khả năng áp dụng đấu tranh bất bạo động dù bị đàn áp hay không, và họ có chứng tỏ được kĩ năng sử dụng kĩ thuật điều động một cuộc đấu tranh hay không.

    Không có gì thay thế được cho sức mạnh đích thực của dân chúng đối kháng. Nếu những người tham gia hèn yếu khi họ bắt đầu cuộc đấu tranh và vẫn tiếp tục hèn yếu trong thời gian đấu tranh, thì hầu như chắc chắn là họ sẽ thất bại. Trong một cuộc xung đột có tầm cỡ thì cần phải động viên khả năng đấu tranh đủ để đè bẹp đối phương bằng đối kháng ồ ạt và bằng cách cắt những nguồn sức mạnh của đối phương.

    Tối thiểu, những người đối kháng phải có khả năng ép đối phương chấp nhận một giải pháp thoả hiệp về những vấn đề không thiết yếu. Điều này có nghĩa là những người đối kháng đòi hỏi phải có khả năng chỉ huy và điều hợp các lực lượng để làm cho họ có khả năng thúc đẩy cuộc đấu tranh tiến tới dù gặp khó khăn. Đòi hỏi cần phải có những nỗ lực lớn lao nhằm tăng sức mạnh cho những người đối kháng và cho tập thể dân chúng nói chung để đối phương không còn có thể khống chế họ được nữa.

    Một loạt chiến dịch được phân chia thành giai đoạn có thể được thiết kế để tăng sức mạnh cho dân chúng phẫn uất, cũng như để làm suy yếu chế độ của đối phương. Những chiến dịch được phân chia thành giai đoạn này có thể đem lại cho dân chúng kinh nghiệm áp dụng đấu tranh bất bạo động. Nếu được thiết kế và điều hành khôn khéo, thì giải pháp này có thể đem lại cho dân chúng đối kháng một loạt thành công. Những thành công này có thể làm tăng kĩ năng của họ trong việc điều hành loại đấu tranh này, đem lại kinh nghiệm trong việc thiết kế chiến lược, và tăng tự tin nơi dân chúng và những người đối kháng.

Tăng sức mạnh cho các cơ chế

Thông thường, áp bức chính trị xảy ra ở nơi nào xã hội dân sự — nghĩa là một xã hội có những cơ chế độc lập và mạnh — yếu. Các chế độ áp bức thường tìm cách dẹp tan những cơ chế xã hội, kinh tế, và chính trị ngoài tầm kiểm soát của Nhà Nước hay đảng. Những cơ chế độc lập đã bị suy yếu hay bị dẹp tan làm cho đối kháng xã hội hết sức khó xúc tiến. Sức mạnh hay là sự yếu kém của những cơ chế như thế rất quan trọng trong việc thiết kế chiến lược cho đấu tranh bất bạo động. Các nhóm và cơ chế xã hội là những căn cứ tổ chức để xúc tiến đấu tranh bất bạo động. Cá nhân có thể chứng kiến hoặc tham gia, nhưng chỉ có nhóm mới đối kháng hữu hiệu.

    Những cơ chế của xã hội dân sự thường gồm có những nhóm có tổ chức không bị Nhà Nước kiểm soát theo hệ thống dọc, cũng không hội nhập vào bộ phận xã hội chính trị bị chi phối bởi luật lệ của Nhà Nước. Các thí dụ về những nhóm xã hội dân sự bao gồm các câu lạc bộ thể thao, các hiệp hội làm vườn, một số các nghiệp đoàn lao động và hiệp hội thương mãi, các tổ chức tôn giáo, và tất cả các loại tổ chức phi chính phủ. Những cơ chế này có thể có ở cấp địa phương, cấp vùng, hay cấp quốc gia.

    Những cơ chế độc lập quan trọng khác có lúc có thể bao gồm các cơ quan chính quyền nhỏ, gồm có các chính quyền cấp thành phố địa phương, các trường học, và các đơn vị lập pháp, hành pháp, thuế vụ, và tư pháp. Điều này xảy ra hoặc khi những cơ chế này đã có sẵn và được kiểm soát bởi những lực lượng độc lập, hoặc khi những cơ chế đó được tạo ra để thay thế cho những cơ chế do nhóm đối phương kiểm soát.

    Vì vậy, bảo tồn và tăng cường sức mạnh cho các nhóm và các cơ chế độc lập và tạo ra những nhóm và những cơ chế mới sẽ là những đóng góp quan trọng vào khả năng xúc tiến đối kháng hữu hiệu trong tương lai. Tình trạng của các cơ quan này cần phải được những người lập kế hoạch chiến lược xét định cẩn thận, vì những cơ quan này quan trọng trong việc quyết định khả năng thành công của quần chúng trong việc xúc tiến công cuộc đấu tranh bất bạo động.   

    Nếu những nhóm và cơ chế xã hội độc lập như thế yếu kém hoặc phần lớn không có, thì có thể cần phải tạo ra những nhóm hoặc tổ chức mới để chuẩn bị cho công cuộc đối kháng mạnh mẽ trong tương lai. Hay là, có thể biến một số nhóm hay cơ chế hiện hữu chưa được độc lập hoàn toàn thành những nhóm hay cơ chế có độc lập trong hành động hơn, những nhóm có khả năng đóng những vai trò chính yếu trong những cuộc đấu tranh trong tương lai. Việc tạo ra và tăng cường sức mạnh cho những cơ chế như thế có thể tăng khả năng đấu tranh bất bạo động trong tương lai một cách đáng kể và có thể bành trướng hiệu lực của đấu tranh. 

Vai trò của lãnh đạo

Những người lãnh đạo đã từng được định nghĩa như là những người làm những quyết định quan trọng nhất trong việc xúc tiến cuộc xung đột và cũng là những người phục vụ như là những điểm kết hợp cho những người ủng hộ trong cuộc đấu tranh.

    Điều quan trọng là những người lập kế hoạch cho công cuộc đối kháng trong tương lai cần phải duyệt lại các mô thức lãnh đạo khác nhau, từ những mô thức hết sức tập trung và dựa trên lực lôi cuốn quần chúng đến những cơ cấu ủy ban có sự tham gia đầy đủ của nhóm. Những cái lợi và bất lợi của những mô thức khác nhau trong những tình huống khác nhau cần phải được xét định. Những người lãnh đạo thường dễ bị tấn công, bị làm mất uy tín, bị bắt bớ, hay bị ám sát. Do đó, cần phải chuẩn bị sẵn những người thay thế, và sau đó tuần tự ai là những người thay thế kế tiếp.

    Cũng cần phải lưu ý là trong một vài cuộc đấu tranh chủ yếu là bất bạo động, như cuộc Cách Mạng Nga năm 1905, thường khó hoặc, ở nhiều giai đoạn khác nhau, không thể xác định được ai là những người lãnh đạo, nếu thực sự có lãnh đạo, ngoại trừ tại địa phương và chỉ có tính cách tạm bợ. Đòi hỏi cần phải có một sự phân tích khả năng phổ biến rộng rãi kiến thức về đấu tranh bất bạo động để giảm thiểu nhu cầu về lãnh đạo, mà người ta có thể nhận diện ra được, trong những cuộc đấu tranh thực sự.

    Cần phải có những bước chuẩn bị nhằm giảm thiểu tổn hại cho phong trào do lãnh đạo đối phương tạo ra bằng cách loại bỏ những người lãnh đạo đối kháng. Những biện pháp như thế phải bao gồm việc phổ biến rộng rãi kế hoạch điều hành của cuộc đấu tranh trong khắp toàn thể dân chúng đối kháng khá lâu trước khi cuộc đấu tranh bắt đầu. Có lúc, thiết lập một cơ cấu tản quyền cho cuộc đấu tranh bất bạo động (như đã được thực hiện tại Serbia năm 2000) cũng có thể hữu ích.

    Có một số phẩm cách cần phải được xét đến khi lựa chọn những người lãnh đạo. Những người lãnh đạo phải làm gương, biết người của mình và chăm lo an sinh cho họ, sành sỏi về kĩ thuật và chiến thuật, tìm kiếm và nhận lãnh trách nhiệm, nhường cho người khác nhận lãnh công ơn thành quả, trung tín với bề trên và người thừa hành, hiểu biết đối phương, học từ kinh nghiệm của nhóm mình và các nhóm khác, gia tăng tối đa và thách thức các khả năng của những người thừa hành, và chọn đúng người vào đúng vị trí.

    Rất quan trọng nữa là những người lãnh đạo phải có đầy đủ kiến thức về đấu tranh bất bạo động và có khả năng thiết lập chiến lược khôn ngoan hay là có đủ phán đoán và khiêm nhường để nhờ người khác có khả năng điều hướng chiến lược.

Bảo đảm tiếp cận tài nguyên vật chất thiết yếu

Những người đối kháng và dân chúng trong thời gian đấu tranh sẽ cần đến nhiều tài nguyên vật chất. Do đó xác định và bảo đảm tiếp cận những tài nguyên này trước khi đấu tranh công khai là một điều quan trọng. Không có những điều cần thiết vật chất, thì cuộc đấu tranh không thể xúc tiến được hữu hiệu và dân chúng có thể không sẵn lòng ủng hộ cuộc đấu tranh.

     Cần phải kiểm điểm, chẳng hạn, xem có sẵn có những tiếp liệu về lương thực, y trang, nhiên liệu, cứu thương, thông tin, và chuyên chở, và cần phải chuẩn bị cho việc bảo đảm sự tiếp cận các thứ này trong tương lai.

    Các chiến lược gia đối kháng sẽ phải trả lời những câu hỏi như sau đây: Sẽ cần đến những tiếp liệu nào? Những tiếp liệu này và việc tiếp cận những tiếp liệu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian đấu tranh? Những người đối kháng và những thành phần thứ ba có thể làm gì để bảo đảm là sẽ có những tiếp liệu này? Làm sao để những người đối kháng có thể vô hiệu hoá, hay bù trừ lại, những nỗ lực của đối phương nhằm siết chặt hoặc cắt đứt tiếp liệu các tài nguyên vật chất mà những người đối kháng cần? Có thể nào phân tán tiếp liệu trước hay trong thời gian đấu tranh, do đó làm cho những người đối kháng ít gặp phải nguy cơ tiếp liệu bị cắt đứt hoặc tịch thu hay không? Có cách gì mới để tạo ra những tiếp liệu này và các tài nguyên để đối phương không thể đánh bại phong trào đối kháng một cách dễ dàng bằng cách kiểm soát những nguồn tiếp liệu này không? Có sự chọn lựa hay biện pháp phản công nào khác cho phong trào đối kháng để phong trào có thể bảo đảm tiếp cận được những nhu yếu phẩm này không?

Xói mòn những nguồn sức mạnh của đối phương 

Trong một cuộc xung đột gay cấn về những vấn đề tranh chấp quan trọng mà trông đợi tâm và trí của đối phương sẽ được thay đổi vì dân chúng phản đối và kháng cự một cách bất bạo động, ngay cả phải đối diện với sự đàn áp tàn bạo của đối phương, là một điều không thực tế. Một vài yếu tố của cải hoá đôi khi có thể xảy ra đối với một vài người vì sự đau khổ do bất bạo động gây ra, như đã được bàn đến trước đây. Tuy nhiên, trong một cuộc đấu tranh có tầm cỡ về những vấn đề không thể thoả hiệp được và về những tương quan lực lượng quan trọng, thì thật là ngây thơ nếu trông đợi là phương thức cải hoá sẽ giải quyết được xung đột. Tình thế đòi hỏi cần phải có những hành động mạnh hơn.

    Đấu tranh bất bạo động hữu hiệu nhất là khi lật đổ được hay loại bỏ được đối phương. Điều này cần phải được ghi nhớ khi thiết kế mỗi bước chiến lược. Chiến lược cần phải được thiết kế thế nào để tập trung các sức mạnh của những người đối kháng đánh vào những mắc xích yếu trong các chính sách hay trong hệ thống kiểm soát của đối phương. Phương cách có hiệu năng nhất để đánh đổ chính sách hay hệ thống của đối phương là làm suy yếu hay cắt những nguồn sức mạnh của họ. Trong những chiến dịch tương đối nhỏ về những vấn đề tranh chấp có giới hạn, thì đòi hỏi sử dụng chỉ phần nào phương pháp này mà thôi. Ví dụ, trong một cuộc đình công lao động hay một vụ tẩy chay kinh tế lớn, việc rút lui nhân công hay ngưng tậu mãi được thiết kế nhằm siết lại những tài nguyên kinh tế của đối phương. Trong những cuộc đấu tranh này, những người đối kháng không cần phải đánh đổ những nguồn sức mạnh khác của đối phương.

    Tuy nhiên, trong một cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn hơn – như những nỗ lực đánh đuổi sự chiếm đóng của ngoại bang hay làm tan rã một nền độc tài – thì khôn ngoan là những chiến lược gia bất bạo động phải cố làm suy yếu và loại bỏ càng nhiều nguồn sức mạnh của đối phương càng tốt. Điều này đòi hỏi những vũ khí bất bạo động phải được áp dụng vào những mục tiêu quan yếu, nhất là những “cột trụ chống đỡ” nào của đối phương đã được xác nhận là nhược điểm.

    Những người đối kháng đối diện với những cuộc xung đột gắt gao về những vấn đề tranh chấp không thoả hiệp được và về những tương quan lực lượng quan trọng sẽ có một giải pháp chiến lược là nỗ lực siết chặt hoặc cắt đứt sự tiếp viện những nguồn sức mạnh của đối phương bằng những vụ phản đối có tính biểu tượng, các hình thái bất hợp tác, hoặc can thiệp gây rối loạn. Những hành động như thế trở nên có sức mạnh đặc biệt khi đó là sự thách thức và bất hợp tác do các tổ chức và các cơ chế thực hiện. Tác dụng của sự đối kháng của họ sẽ biến đổi tuỳ theo mức độ đối phương lệ thuộc vào họ.

    Thường thì khôn ngoan là nhắm vào các nguồn sức mạnh cụ thể của đối phương theo thứ tự ưu tiên. Trình tự này có thể được chọn dựa trên cơ sở của một số tiêu chuẩn, có lúc bao gồm cả lí do dễ bị tấn công của những nguồn này lẫn tầm quan trọng của chúng đối với đối phương.

    Một trong những nguồn sức mạnh quan trọng hơn cả, như chúng ta đã có thảo luận  là uy quyền, hay là chính danh. Việc đánh sụp nguồn sức mạnh này đặc biệt quan trọng ở tại Serbia vào tháng Mười năm 2000. Không có uy quyền, sự cung cấp những nguồn sức mạnh khác trở nên bất ổn. Mất uy quyền có thể khởi động sự phân huỷ quyền lực của chế độ4. Như chúng tôi có lưu ý trước đây, tất cả mọi chính quyền đều lệ thuộc vào sự hợp tác và hỗ trợ của công dân của mình, của các nhóm và các tổ chức trong xã hội, và của các ngành trong chính quyền. Khi những bộ phận này không cung cấp đầy đủ những nguồn sức mạnh cần có, hoặc khi họ thi hành những nguyện vọng và chỉ thị của chế độ một cách chậm trễ hay một cách vô hiệu năng – hay ngay cả thẳng thừng từ chối hỗ trợ và tuân phục – thì sức mạnh của chế độ sẽ bị suy yếu.   

    Các chính quyền có thể cố gắng phục hồi tuân phục và hợp tác bằng cách áp đặt những cấm đoán, hay trừng phạt. Tuy nhiên, trừng phạt cũng sẽ không đủ để ép buộc tuân phục và hợp tác một khi sự chấp nhận uy quyền của chế độ đã bị giới hạn. Nếu sự bất tuân và bất hợp tác của dân chúng vẫn tiếp tục – hay ngay cả tăng trưởng – thì dù sử dụng trừng phạt — quyền lực của đối phương cũng sẽ mất dần hoặc tan rã. Hiệu quả sẽ tăng khi cảnh sát và quân đội từ chối tuân lệnh. Một nguồn sức mạnh then chốt khác – các hình phạt – lúc bấy giờ cũng đã bị loại bỏ.

    Trong một vài cuộc xung đột, có một số hành động cụ thể có thể được thực hiện nhằm mục đích làm suy sụp tinh thần và sự tin cậy vào các lực lượng quân đội và công chức của đối phương.  Đôi khi, những nỗ lực này có ít hoặc là không có tác dụng. Quân lính khi đối diện với những người đối kháng bất bạo động có khi đã thi hành những điều tàn ác, như ở Trung Quốc năm 1989 và ở Miến Điện năm 1988. Những lúc khác, các nỗ lực nhằm quật ngã quân lính đã tạo ảnh hưởng rất lớn, như ở Nga năm 1991 và ở Phi Luật Tân năm 1986. Hoàn cảnh tổng quát của một dân chúng đối kháng bất bạo động, để không đe dọa mạng sống của những người trong các lực lượng vũ trang, đôi khi cũng đủ để tạo nên những vấn đề tinh thần nghiêm trọng trong giới quân nhân và cảnh sát. Điều này có thể đưa đến lỏng lẻo trong việc đàn áp, và thỉnh thoảng, mặc dù hiếm hoi, đưa đến bất tuân lệnh và nổi loạn. Dù rằng khôn ngoan là không nên trông cậy vào sự bất tuân của quân đội như thế, nhưng những nỗ lực đặc biệt nhằm ảnh hưởng quân lính, cảnh sát, và công chức chứng tỏ là quan trọng.

     Nếu sự chấp nhận chế độ, sự hợp tác và tuân phục chế độ chấm dứt, thì chế độ đó phải suy yếu và sụp đổ. Điều này cắt nghĩa hiện tượng “sức mạnh nhân dân,” và sự sụp đổ của những chế độ độc tài khi phải đối diện với việc sử dụng mạnh mẽ của kĩ thuật này.

Tập trung sức mạnh vào các nhược điểm

Để được hữu hiệu nhất, hành động bất bạo động cần phải được tập trung vào những tiêu đích quan yếu. Những tiêu đích này cần phải được lựa chọn sau khi xét định kĩ lưỡng sức mạnh của chính mình, những mục tiêu tổng quát, và những mục tiêu của chiến dịch; những mục tiêu và vị trí của đối phương, gồm cả những nhược điểm của họ; và sự quan trọng của chính những vấn đề tranh chấp được nêu lên. Châm ngôn của Napoléon rằng không thể có gì là quá mạnh ở điểm quyết định cũng có thể áp dụng được ở đây.

    Những chiến lược cho các chiến dịch cần phải được thiết kế để sử dụng những sức mạnh của những người đối kháng nhằm phát hiện và tấn công vào những điểm dễ bị tấn công nhất và các nhược điểm của đối phương, đồng thời tránh đụng độ với đối phương tại những điểm mạnh nhất và dễ phòng thủ hơn cả của họ. Điều này áp dụng cho cả việc lựa chọn những mục tiêu cho các chiến dịch lẫn việc lựa chọn các tiêu đích chiến thuật để tấn công trong phạm vi các chiến dịch này.

    Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là một vài cuộc đấu tranh đã được tung ra chống lại những chính sách hay những chính quyền được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng. Trong những trường hợp như thế, những cuộc đấu tranh thường là về những vấn đề tranh chấp không thể thoả hiệp, và cả cuộc đấu tranh lẫn những mục tiêu của các chiến lược lúc ban đầu có thể không được sự chấp nhận rộng rãi trong dân chúng như là một tập thể. Nếu như vậy, thì các chiến dịch và hành động phải được thiết kế nhằm làm tăng sức mạnh của những người đối kháng và bào mòn sự hỗ trợ đối với đối phương hay những chính sách của họ. Những cuộc đấu tranh này thường phải mất rất nhiều thời gian hơn nhiều mới thắng được, và những điều kiện ngoại tại thường không thuận lợi cho những người đối kháng.

    Tuy nhiên, nói một cách tổng quát thì khi chọn những điểm tấn công cho các hành động trong phạm vi chiến lược của chiến dịch, khôn ngoan là các chiến lược gia đấu tranh bất bạo động nên nhắm vào những hỗ trợ nào, những chánh sách nào dễ bị tấn công nhất của đối phương, hay là cả hai. Chúng ta trước đây đã có lưu ý đến nhu cầu cần phải tập trung những khả năng của những người đối kháng đánh vào những “cột trụ chống đỡ” thiết yếu, được định nghĩa như là những nhóm hoặc những cơ chế hỗ trợ và cung cấp các nguồn sức mạnh cho đối phương. Tuy nhiên, khởi đầu bằng cách nhắm vào những cột trụ chống đỡ mạnh nhất và dễ phòng thủ nhất của đối phương là một điều không khôn ngoan. Ví dụ, nếu đoàn kết nội bộ, tinh thần cao, và sự chặt chẽ của lực lượng quân đội là những sức mạnh lớn nhất của đối phương, thì khi bắt đầu cuộc đấu tranh mà cố khuyến dụ bất mãn trong hàng ngũ các quân nhân như là chiến thuật chính yếu của chiến dịch có lẽ là một việc làm không được khôn ngoan.

    Ngược lại, nếu đối phương lệ thuộc nặng nề vào việc bán những tài nguyên khoáng sản được sản xuất từ các hầm mỏ đã có nghiệp đoàn được thiết lập bởi những người ủng hộ hoặc những thành viên của nhóm đấu tranh bất bạo động, thì một nhược điểm then chốt của đối phương – và là một sức mạnh quan trọng của những người đối kháng – đã được phát hiện. Một chiến dịch khôn ngoan lúc bấy giờ có thể bao gồm việc áp dụng những áp lực kinh tế chống lại đối phương bằng những cuộc đình công, trì hoãn công việc, hoặc những biện pháp khác tại những địa điểm này. Điểm then chốt, một lần nữa, là nhắm vào những nguồn sức mạnh nào dễ bị tấn công nhất của đối phương bằng cách tập trung sức mạnh đánh vào những cột trụ yếu nhất của họ.

    Tập trung sức mạnh là thiết yếu. Các hoạt động và áp lực phải được chọn lựa thế nào để nhóm đấu tranh bất bạo động có thể áp dụng được những ưu điểm, chứ không phải để lộ những nhược điểm của mình. Không có sự hỗ trợ của các nghiệp đoàn lao động (cũng như kỉ luật nội bộ bên trong những nghiệp đoàn này), thì nhiều hình thức áp lực kinh tế, bao gồm cả những áp lực ở thí dụ vừa nêu trên, có lẽ cũng sẽ chẳng có được hiệu quả bao nhiêu. Mặt khác, nếu sự hỗ trợ của nghiệp đoàn lao động và sự đoàn kết của nghiệp đoàn với nhóm đấu tranh bất bạo động là một trong những sức mạnh lớn nhất của những người đối kháng, thì những cuộc đình công như thế có thể hữu hiệu nếu được nhắm đánh vào cột trụ chống đỡ then chốt của nhóm đối phương. Một thí dụ khác là nếu những người đối kháng có được hậu thuẫn trọn vẹn của các tổ chức tôn giáo quần chúng, thì sử dụng những tổ chức này là một điều khôn ngoan. Tuy nhiên, nếu các cơ chế tôn giáo hậu thuẫn đối phương, thì thiết kế các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của các cơ chế này để đối kháng chống lại đối phương là một việc không nên làm.

    Nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc chọn lựa các phương pháp. Những phương pháp đấu tranh bất bạo động đòi hỏi cần có sự chuẩn bị hoặc những khả năng về phần những người đối kháng thì chỉ nên chọn khi có những khả năng này. Không nên kêu gọi biểu tình trừ phi những người tổ chức tin chắc là sẽ có đủ người tham dự để đạt được những mục đích đã xác định của những hành động trong phạm vi chiến dịch. Không nên tung ra một cuộc đình công tuyệt thực nếu những người đối kháng tự nguyện áp dụng phương pháp này không sẵn lòng tiếp tục tuyệt thực suốt hết toàn thời hạn tuyên bố. Không nên tung ra những vụ tẩy chay của giới tiêu thụ nếu không có khả năng thực hiện những vụ tẩy chay này.

    Tuy nhiên, những phương pháp nói trên trở nên có thể thực hiện được nếu (a) những người đối kháng có sức mạnh thi hành những phương pháp này và duy trì những phương pháp đó dù bị đối phương phản công; và (b) những phương pháp này phải ăn khớp với chiến lược của chiến dịch đã được lựa chọn nhắm vào những cột trụ chống đỡ dễ bị tấn công của đối phương. Trong mọi trường hợp, những phương pháp được lựa chọn phải là bộ phận của một kế hoạch chiến lược sẽ áp dụng những sức mạnh của những người đối kháng đánh vào những nhược điểm của đối phương, tập trung ráo riết vào những cột trụ chống đỡ dễ bị tấn công nhất. Làm khác đi là bỏ lỡ những cơ hội tiến tới trong cuộc đấu tranh, đồng thời phơi bày những nhược điểm thiết yếu có thể có của phe mình mà đối phương sẽ hăng say khai thác.

Giữ cho đối phương mất thăng bằng 

Phong trào đối kháng cần phải giữ cho đối phương mất thăng bằng, và phải đánh vào nơi mà đối phương không chuẩn bị đối đầu với cuộc tấn công. Thời gian tính và tốc độ có thể quan trọng ở đây. Tuy nhiên, không giống với điều đôi khi đúng trong những cuộc đấu tranh quân sự, những người đấu tranh bất bạo động không cần phải nhờ vào những cuộc tấn công bất ngờ để có thể hữu hiệu.

    Tính toán thời gian thực thi các chiến thuật của những người đối kháng có thể rất quan trọng. Các chiến lược gia và những người lãnh đạo đối kháng thiết yếu phải có khả năng phán đoán khi nào dân chúng sẵn lòng kháng cự. Đôi khi thời gian hành động có thể được tính toán để trùng hợp với một ngày nào đó có ý nghĩa hay là một dịp đặc biệt nào đó. Nơi nào chuẩn bị một sự hỗn hợp các hành động liên quan đến nhiều nhóm, thì thời điểm chính xác cho mỗi nhóm hành động sẽ quan trọng. Tính toàn thời điểm cho những hành động đối kháng cũng quan trọng ở nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh. Quyết định đúng thời điểm để chuyển từ những hành động chỉ có tính biểu tượng sang bất hợp tác toàn bộ, chẳng hạn, hay để bắt đầu một chiến dịch mới trong phạm vi toàn bộ đại chiến lược là một việc làm quan trọng.

    Có thể đòi hỏi cần phải có những hành động tự vệ nhặm lẹ để đối đầu với sự tấn công áp đảo của đối phương. Ví dụ, nếu đối phương cố giành lấy quyền kiểm soát trên toàn quốc, như bằng cách xâm lăng hay một cuộc đảo chánh, thì phong trào đối kháng phải được khởi động trước khi những kẻ xâm lược thiết lập xong sự kiểm soát hữu hiệu của Nhà Nước. Cũng như thế, đối kháng quan trọng vào thời điểm khi mà chế độ áp bức nỗ lực kiểm soát hay loại bỏ các nhóm và các cơ chế độc lập của xã hội để bành trướng sự kiểm soát của chế độ đối với guồng máy chính quyền và đối với xã hội. Cần phải bảo vệ những nhóm và những cơ chế này để có thể duy trì cả khả năng tự do hành động lẫn khả năng đối kháng trong tương lai của những nhóm và những cơ chế này.

Ngăn chặn sự kiểm soát của đối phương

Trong mọi cuộc xung đột tầm cỡ, những người đối kháng cần phải có những nỗ lực ngăn chặn sự thiết lập hay duy trì sự kiểm soát của đối phương. Đối kháng phải tiếp tục đến bao giờ còn được đòi hỏi để tranh thủ mục đích, hoặc là đến bao giờ nhóm đấu tranh bất bạo động còn sẵn lòng chịu đựng sự đàn áp đã được tiên đoán và tiếp tục những lãnh vực khác của cuộc đấu tranh. Điều này có thể thực hiện được chủ yếu bằng ba cách:

     (1) Những người đối kháng và tập thể dân chúng mà những người đối kháng đại diện phải (a) bất tuân một cách thách thức và thu lại sự hợp tác của mình với đối phương, do đó chối bỏ việc đối phương kiểm soát họ và đồng thời cũng làm suy yếu sức mạnh của đối phương, và (b) phân tán phong trào đối kháng rộng rãi khắp trong dân chúng và xã hội. Có lúc, việc phân tán đối kháng này có thể bao gồm việc áp dụng những chiến thuật trì hoãn tương đối nhẹ nhàng và giả vờ thiếu khả năng trong một vài khu vực quần chúng. Những lúc khác, sự phân tán này có thể đòi hỏi áp dụng những phương pháp thách thức mạnh hơn và bất hợp tác. Phân tán đối kháng theo địa lí thường cũng quan trọng, mặc dù có thể có những tụ điểm vật lí (như là những đô thị hay các khu kĩ nghệ quan trọng), nơi mà đối kháng tập trung có thể tạo được tác dụng mạnh hơn.

     (2) Nhất là, trong những trường hợp chống xâm lược hay đảo chánh, thì những người đối kháng cần phải ngăn chặn, phá vỡ, hay vô hiệu hoá bất cứ sự hợp tác nào với đối phương. Từ chối không cho những kẻ tấn công có được một nhóm cộng tác viên là một áp dụng cụ thể quan trọng của chính sách tổng quát về bất tuân và bất hợp tác với đối phương.

     (3) Những người đối kháng phải có những nỗ lực phá giải hiệu lực của quân đội, cảnh sát, và công chức của đối phương. Điều này được thực hiện bằng cách cách li sự trung thành của họ đối với những người lãnh đạo họ, và, khi nào được, thì cố khuyến dụ họ bất mãn, nổi loạn, hay đào ngũ.

Thách đố sự đàn áp bằng vũ lực của đối phương

Đấu tranh bất bạo động có thể gây ra những khó khăn trầm trọng cho nhiều đối thủ. Dĩ nhiên là những đối thủ mà quyền lực, quyền lợi, và quyền kiểm soát bị đe doạ sẽ bị phiền hà. Khi điều này xảy ra, thì những đối thủ mạnh có chiều hướng sẽ dùng đến các phương tiện đàn áp bằng vũ lực. Những người đối kháng có thể bị đánh đập, bị bỏ tù, bị tấn công, bị bắt cóc, bị chấn thương, bị tra tấn, hay bị giết.

    Bị đàn áp như thế không phải là dấu hiệu đấu tranh bất bạo động đã thất bại. Đúng ra, sự đàn áp này là một chỉ dấu của sự hữu hiệu là đấu tranh bất bạo động đã gây phiền toái cho những kẻ áp bức đến mức độ nào rồi. Các tổn thất không phải là chỉ dấu của thất bại, không khác gì hơn những cuộc xung đột quân sự. Các tổn thất là cái giá sinh mạng phải chờ đợi khi xúc tiến một cuộc xung đột ráo riết với những đối thủ sẵn lòng và có khả năng gây thương tích hoặc giết người để thiết lập và duy trì sự kiểm soát của họ.

    Mức độ phản ứng của đối phương thô kệch và tàn bạo, hay tế nhị và tinh xảo với rất ít vũ lực, sẽ biến đổi. Tuy nhiên, phản ứng mạnh của đối phương cần phải được dự tính trước. Những phản ứng của đối phương không nên để tạo bất ngờ và những người đối kháng phải được chuẩn bị cho những phản ứng này.

    Vài người đối kháng trong những phong trào trong quá khứ cho rằng họ đã bị đánh bại khi đối phương áp dụng đàn áp mạnh chống lại họ. Nếu những người đối kháng tin là họ đã bị đánh bại, thì họ đã bị đánh bại. Tuy nhiên, thất bại không khẩn thiết là hậu quả của đàn áp. Đàn áp nghiêm trọng, ngược lại, có thể đưa đến đối kháng mạnh hơn, gia tăng hỗ trợ từ các thành phần thứ ba, và đôi khi ngay cả thiện cảm và hỗ trợ từ các thành viên trong nhóm đối phương.

    Nếu sự đàn áp không được thông hiểu, và nếu những phản ứng khôn ngoan đối với đàn áp không được áp dụng, thì bạo lực của đối phương có thể tạo nên đổ vỡ, gieo rắc kinh hoàng, và làm mất tinh thần dân chúng. Dân sẽ ít sẵn lòng mạo hiểm những hậu quả như thế như là cái giá phải trả để đối kháng. Một vài người, tức giận trước sự bạo tàn của đàn áp và trước những đau khổ và chết chóc của bạn bè và gia đình, có thể muốn đánh trả thù bằng những hành động bạo lực của chính mình. Tuy nhiên, sự phản công bằng bạo lực này sẽ không tăng sức mạnh cho đối kháng. Nó không phục vụ một mục đích chiến lược, và hầu như chắc chắn là sẽ có hậu quả phản tác dụng, đóng góp vào việc hoá giải hiệu lực của đấu tranh bất bạo động, như chúng ta đã thảo luận trước đây.

   Trong dài hạn, phản ứng hữu hiệu nhất đối với đàn áp vũ lực là chứng minh đàn áp vũ lực không đưa đến khuất phục, ngược lại gia tăng đối kháng. Tiếp tục đối kháng bất bạo động mặc dù bị đàn áp nghiêm trọng có lúc cũng có thể tạo cả bất ổn trong chính người của đối phương lẫn đối lập với đối phương trong những thành phần thứ ba. Tuy nhiên, để điều này có thể xảy ra, có thể cần phải có một thời gian chịu đựng đau khổ cho đến khi lãnh đạo của đối phương thừa nhận là những bạo tàn đem lại hậu quả phản tác dụng, hoặc cho đến khi chế độ của đối phương suy yếu và tan rã vì sự đói khát chính trị do sự cắt đứt những nguồn sức mạnh gây nên.

    Những người đối kháng có thể thực hiện những bước làm suy giảm tác dụng của đàn áp đối với họ và đối với dân chúng. Đôi khi có thể chọn những phương pháp đối kháng ít khiêu khích hơn. Ví dụ, dân có thể được khuyến khích đừng xuống đường ở nơi mà họ có thể bị bắn dễ dàng, và nên biểu tình tại gia, nơi họ hiển nhiên không còn là tiêu đích nữa. Đôi khi, có thể cần phải có những hành động “chớp nhoáng,” kêu gọi những người tham gia tụ tập nhanh chóng cho một diễn biến, rồi giải tán hết sức nhanh trước khi cảnh sát và quân đội có thì giờ phản ứng.

    Thay đổi chiến lược và chiến thuật, như là sử dụng những phương pháp ít mạo hiểm hơn nhưng vẫn thách thức, có thể thích hợp hơn cho việc làm thuyên giảm tác dụng của đàn áp. Đôi khi, tạm thời rút lui có thể là khôn ngoan, bẻ quặt đối kháng theo một hướng khác. Những nỗ lực dồn dập có thể được tung ra nhằm cải hoá cảnh sát và quân đội, và dân chúng của đối phương. Giúp đỡ những nạn nhân đàn áp và gia đình của họ, ở những nơi nào có thể thực hiện được, bằng những phương tiện như là hỗ trợ về y tế, tâm lí, tài chánh, và những phương tiện khác tương tự như thế là một điều quan trọng. Cốt yếu, những người đối kháng phải duy trì sự đoàn kết và quyết tâm đối kháng của họ suốt cả thời gian đấu tranh bất bạo động.

    Đàn áp khắc nghiệt cũng có thể được phản công bằng cách tăng cái giá mà đối phương phải trả vì đã sử dụng lối đàn áp này. Nếu đàn áp vũ lực cực kì ác liệt sẽ không thể tránh được, thì một số chiến lược gia khuyến cáo là phải làm thế nào để chắc chắn là những bạo tàn đó phải được thực hiện giữa thiên thanh bạch nhựt để công chúng, những quan sát viên, và các nhà báo có thể thấy được. Tin tức về những bạo tàn cần phải được quảng bá để li gián những thành viên và đồng minh của nhóm đối phương, bao gồm những người làm những quyết định, các nhân viên thừa hành, dân chúng nói chung, và, cả những thành viên của thành phần thứ ba nữa. Những cộng tác viên của đối phương đã bị li gián vì bạo lực của đàn áp do đó có thể theo phe đối nghịch. Trong một vài trường hợp, đàn áp cực đoan có thể đưa đến hậu quả trừng phạt kinh tế bởi quốc tế và những áp lực ngoại giao chống lại chế độ đã sử dụng những thứ bạo tàn này.

Kiên quyết duy trì kỉ luật bất bạo động

Đấu tranh bất bạo động có thể được xúc tiến hữu hiệu chống lại đối phương có khả năng quân sự và cảnh sát rất lớn, bởi vì đấu tranh bất bạo động không có ý đối đầu trực tiếp với loại sức mạnh này. Ngược lại, cuộc đấu tranh được đeo đuổi bằng những phương tiện bất bạo động, điều làm cho đối phương khó kiềm chế hơn. Ngay cả bạo lực giới hạn do những người đối kháng gây nên, hoặc nhân danh những người đối kháng, bao gồm cả bạo lực để phản ứng lại những bạo tàn, cũng có thể có hậu quả phản tác dụng. Đối kháng bạo động giữa lúc đang đấu tranh bất bạo động sẽ tăng viện khả năng của đối phương sử dụng đàn áp chống lại những người đối kháng một cách hữu hiệu.

    Trái lại, duy trì được kỉ luật bất bạo động chống lại những đối thủ bạo động sẽ làm cho những phương thức tạo thay đổi của đấu tranh bất bạo động vận hành được dễ dàng hơn, bao gồm cả tiến trình nhu thuật chính trị thỉnh thoảng có thể áp dụng được, như đã được thảo luận ở những bài trước. Đây là một tiến trình trong một vài cuộc đấu tranh bất bạo động mà trong đó sự đối nghịch giữa bạo lực của đối phương và sự đối kháng bất bạo động kiên quyết của những người đối kháng bất bạo động có khuynh hướng làm gia tăng sự hỗ trợ cho, và sự tham gia vào, cuộc đấu tranh bất bạo động, và làm suy giảm sự hỗ trợ cho đối phương.

    Điều quan trọng là cần phải lưu ý những phản ứng hỗ trợ phong trào đối kháng như thế không có gì là bảo đảm cả và thường không xảy ra. Tuy nhiên, nếu những người đối kháng duy trì được kỉ luật bất bạo động thì tiến trình này sẽ được dễ dàng hơn rất nhiều.

    Kỉ luật bất bạo động gồm có hai phần: (1) theo sát những kế hoạch chiến lược cho cuộc đấu tranh và (2) giữ mình không được bạo động. Việc những người đấu tranh bất bạo động không theo sát kế hoạch chiến lược có thể gây rối loạn và có thể đẩy lệch sức mạnh ra khỏi những điểm cần sự tập trung của sức mạnh. Sự suy sụp về kỉ luật bất bạo động và sự bộc phát của bạo động có thể có những hậu quả tai hại đối với cuộc đấu tranh bất bạo động và có thể giúp đối phương.

    Nếu những người đối kháng trở nên quá hăng say tham gia và có hành động không theo phần nào trong kế hoạch chiến lược nguyên thuỷ cả, hoặc là quyết định không thi hành những hành động đã được ấn định trong kế hoạch đó, thì điều này thường có thể rất có hại cho hiệu lực của cuộc đấu tranh. Dù rằng có thể có những lúc sáng kiến mới có thể hữu ích, nhưng cũng có thể nguy hiểm. Những người đối kháng phải có kỉ luật tự giác để thực thi những kế hoạch đã vạch ra một cách cẩn thận; những kế hoạch này đã được thiết kế với mục đích đem lại thành công cho họ.

    Dân chúng nói chung và tất cả những người đối kháng phải thông hiểu nhu cầu dấn thân tham gia vào chiến dịch hiện hành. Các phương pháp để giải quyết vấn đề sợ hãi cũng cần phải được hoạch định. Kiến thức về những phản ứng có kỉ luật đối với đàn áp nghiêm trọng, và lí do cơ bản để duy trì đối kháng bất bạo động dù bị khiêu khích và đàn áp, cần phải được thông hiểu và chấp nhận.

    Đại chiến lược cho toàn bộ cuộc đấu tranh cần phải cung cấp phương tiện để đưa cuộc đấu tranh đến hồi kết cuộc thành công bằng những hình thức đấu tranh bất bạo động. Đại chiến lược phải loại bỏ khả năng đưa bạo động vào giai đoạn sau của cuộc đấu tranh, lúc mà đối kháng bạo động sẽ hỗ trợ đối phương rất nhiều. Đối kháng bạo động sẽ cho phép đối phương biện minh cho sự đàn áp còn khắc nghiệt hơn nữa và hỗ trợ những nỗ lực làm mất uy tín những người đối kháng như là những tên khủng bố trá hình. Để bạo động có khả năng có thể được sử dụng về sau này có thể là nguyên nhân của sự bỏ rơi việc hoạch định những hình thức đấu tranh cần có cho những giai đoạn khẩn yếu của cuộc đấu tranh nhằm đạt đến thành công. Đối kháng bạo động cũng có thể tăng cường sự ủng hộ nội bộ của đối phương từ dân chúng, cảnh sát, và quân đội của đối phương. Một cuộc đấu tranh gần như đã thành công thì cần phải tiếp tục trông cậy vào những sức mạnh đã đưa cuộc đấu tranh đến lằn mức này. Nếu không thì tiến trình của cuộc đấu tranh có thể bị xoay ngược trở lại, và đối phương rốt cuộc rồi cũng sẽ thắng mà thôi.

    Những hậu quả tiêu cực của sự việc những người đối kháng quay về với vũ lực có thể bao gồm hiện tượng số người tham gia đối kháng bị giảm xuống, đàn áp gia tăng, tổn thất cao, đoàn kết trong nhóm đối phương gia tăng, quân đội và cảnh sát của đối phương lên tinh thần trong lúc thi hành đàn áp, những người đối kháng mất “thế thượng phong đạo đức”, và thiện cảm và hỗ trợ của quốc tế bị giảm xuống hay mất hẳn.

    Những phương tiện cổ vũ kỉ luật bất bạo động có thể gồm có những chỉ dẫn và kêu gọi bằng lời nói hay bằng cách viết ra; những lời hứa và tuyên thệ; dùng các “trưởng toán” để phụ giúp trật tự trong các cuộc biểu tình; thiết kế những sinh hoạt bất bạo động nhưng thách thức để giữ sáng kiến; tránh những sinh hoạt đặc biệt có chiều hướng trở thành bạo động; tạo những áp lực đối với những người tham gia trước đây đã có hứa là sẽ giữ bất bạo động; tổ chức những lớp “kịch bản xã hội” để diễn xuất trước những hành động dự tính và sự đàn áp trong những hoàn cảnh xung đột trầm trọng; và các nỗ lực nhằm nâng cao tinh thần tham gia vào những sinh hoạt bất bạo động. Những người tham gia biểu tình có thể nên bị cấm mang theo các thứ như là vũ khí, rượu, và ma tuý đến nơi biểu tình.

Từ chỉ dẫn đến hành động

Những chỉ dẫn trên hết sức quan trọng trong việc làm cho đấu tranh bất bạo động được hữu hiệu. Tuy nhiên, muốn có được tác dụng đến kết quả, thì những kế hoạch đặt trên cơ sở của những chỉ dẫn này, nếu có thể được, phải được chuẩn bị trước khi cuộc đấu tranh xảy ra và sau đó mới đem áp dụng trong thời gian xung đột.

    Đường lối của một cuộc đấu tranh bất bạo động có thiết kế chiến lược và được chuẩn bị kĩ lưỡng sẽ là một đường lối năng động. Đường lối này sẽ đòi hỏi phải có những phản ứng khôn ngoan và hành động khéo léo trước những đổi thay và khó khăn gặp phải, để đưa cuộc đấu tranh đến hồi kết cuộc mĩ mãn.

___________________________________________________________   

CƯỚC CHÚ

1 Gene Sharp, Chính Trị của Hành Động Bất Bạo Động [The Politics of Nonviolent Action], Boston, Massachusetts: Porter Sargent, 1973. Còn được phát hành trong ba tập (bìa mềm), Sức Mạnh và Đấu Tranh [Power and Struggle], Những Phương Pháp Hành Động Bất Bạo Động [The Methods of Nonviolent Action], Những Động Năng của Hành Động Bất Bạo Động [The Dynamics of Nonviolent  Action]

2 Thành phần thứ ba là những nhóm không thuộc nhóm đấu tranh bất bạo động cũng không thuộc  nhóm đối phương. Họ có thể là những thành phần của tập thể xã hội mà trong đó cuộc xung đột đang xảy ra hay có thể là những nhóm bên ngoài xã hội ấy.

3 Patrick Sarsfield O’Hegarty, Lịch Sử Ái Nhĩ Lan Trong Liên Hiệp 1880-1922  [A History of Ireland Under the Union 1880-1922], (London: Methuen Press, 1952), tt. 490-491.

4 Về sự phân tích này, chúng tôi giả định đối phương là chế độ hiện hành hay là có sự hậu thuẫn của chế độ hiện hành.

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.