ĐI TÌM NHỮNG PHƯƠNG CÁCH
KIỀM CHẾ CHÍNH QUYỀN (II)
(Bài 051)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Phá Huỷ Những “Tụ Điểm” Quyền Lực
Có Thể Hỗ Trợ Chuyên Chế

Không có những nhóm xã hội và những tổ chức quan trọng nắm quyền lực thì hết sức khó mà thực hiện việc kiềm chế hữu hiệu nhà cai trị bằng cách điều phối các nguồn quyền lực cần thiết của ông ta. Điều này áp dụng cho bất cứ hệ thống nào, bất kì bản chất và học thuyết chính thức được công nhận là gì. Nếu một nhà cai trị — dù là một vì vua, những đại diện của một tập đoàn đầu sỏ về kinh tế, hay là một nhóm những người tuyên xưng cách mạng — cố tình làm suy yếu hoặc phá vỡ những tụ điểm quyền lực mà không tạo nên những tụ điểm khác ít nhất cũng mạnh như những tụ điểm cũ thì kết quả sẽ là làm suy yếu đi những giới hạn đối với quyền lực của nhà cai trị. Điều này đúng dù cho triết lí chính trị hay là những dàn xếp hiến pháp được chấp nhận là gì đi nữa.

    Tocqueville lí luận đây là điều đã xảy ra trong thời gian đánh đổ chế độ cũ tại Pháp. Trước kia các tỉnh và thành phố có thể chống lại nhà cai trị. Tuy nhiên, cuộc cách mạng đã phá bỏ những miễn lệ, những tập tục, truyền thống, và ngay cả danh xưng, và ép những thứ này phải tuân thủ cùng một thứ luật lệ. Vì vậy, “đàn áp tập thể không còn khó khăn như khi đàn áp những đơn vị này như là những đơn vị cá biệt nữa.”34 Trong lúc tình cảm gia đình trước đây đã hỗ trợ cá nhân chống lại nhà cai trị, nay việc làm suy yếu hay phá vỡ tình cảm gia đình đã để lại cá nhân đơn độc trong một xã hội liên tục thay đổi35. Trước kia, giới quý tộc có thể thách thức và kiềm chế nhà vua. Khi giai cấp này bị đánh đổ thì quyền lực của họ trở nên tập trung vào những người mới chiếm vị thế của nhà cai trị36.

Tôi nhận thấy là chúng ta đã phá tan những thực thể độc lập có thể đơn phương chống lại chuyên chế; nhưng chính Chính quyền lại thụ hưởng những đặc quyền mà các gia đình, các công ti, và cá nhân đã bị tước bỏ; sự yếu kém của toàn thể cộng đồng do đó chịu sự chi phối của một nhóm nhỏ công dân. Nhóm này, dù đôi khi áp bức, nhưng thường thì bảo thủ37.

    Vì vậy, Tocqueville nói, cách mạng Pháp đã lật đổ cả “quyền lực độc tài lẫn những khả năng kiềm chế các lạm dụng của quyền lực này…khuynh hướng của [cuộc cách mạng] là lật đổ và trung ương tập quyền ngay tức khắc.”38 Sự đánh tan giới quý tộc và giai cấp thượng lưu đã làm cho việc trung ương tập quyền dưới thời Napoléon39 có thể thực hiện được. Cũng tương tự như thế, Jouvenel đã nêu lên việc tập trung quyền lực thời hậu cách mạng và sự đập tan những tụ điểm quyền lực như là những hành động đặt nền móng cho Nhà Nước độc tôn40. Đặc biệt, ông đã nêu lên việc phá huỷ giai cấp trung lưu như là “nguyên nhân gần nhất của những chế độ độc tài đương đại”,41 và lí luận có phần nào chi tiết là cuộc cách mạng trong quá khứ, một cách tổng quát, đã đóng góp vào sự gia tăng quyền lực cho chính quyền trung ương42.

    Cần phải nhấn mạnh là không phải chỉ xoá bỏ những giai cấp áp bức và thiết lập bình đẳng tương đối là sẽ dẫn đến trung ương tập quyền. Thực ra thì như Tocqueville viết, chính là “cách thức bình đẳng được thiết lập.”43 (“Bình đẳng” ở đây, dĩ nhiên, được dùng trong nghĩa hết sức là tương đối). Thông thường sự “bình đẳng” này được tranh thủ bằng cách phá bỏ những tụ điểm quyền lực hiện hữu (như giới quý tộc Pháp chẳng hạn) mà không tạo ra những nhóm xã hội và tổ chức có đủ độc lập và sức mạnh để chống lại nhà cai trị tại trung ương. Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy, những phương tiện đấu tranh bạo động và những chế tài bạo động mà Nhà Nước trông cậy vào để đem lại sự “bình đẳng” như thế, đã thường xuyên đóng góp vào việc gia tăng tập trung quyền lực vào Nhà Nước. Chính những loại thay đổi đặc biệt này nhân danh phong trào đem lại bình đẳng đã tạo nên một đóng góp đáng kể vào những hình thái hiện đại của chuyên chế.

    Khi những tụ điểm quyền lực phân tán bị tiêu huỷ mà những tụ điểm mới có cùng tầm quan trọng và sức mạnh không được tạo ra, thì kết quả có khuynh hướng sẽ là một xã hội bao gồm những cá nhân tương đối bình đẳng, nhưng phân hoá, và bất lực. Những cá nhân này lúc bấy giờ sẽ không có được những nhóm và những tổ chức với những thành viên mà họ có thể tham khảo ý kiến, nhận lãnh sự hỗ trợ, hoặc phối hợp để hành động. Những cá nhân phân hoá, không thể cùng hành động chung với nhau, không thể hợp nhất để thực hiện một sự phản đối có ý nghĩa, để, bằng cách bất hợp tác, rút lui những nguồn sức mạnh mà nhà cai trị cần, và, trong một vài trường hợp, can thiệp để phá vỡ hiện trạng. Những cá nhân này do đó sẽ không có khả năng giới hạn hay kiềm chế quyền lực chính trị đang được sử dụng bởi nhà cai trị hiện tại, hay bởi bất cứ một nhà cai trị mới nào có thể giành được quyền kiểm soát guồng máy Nhà Nước và tự đặt mình vào đỉnh cao lãnh đạo.

    Tiến trình làm suy yếu và phá vỡ các nhóm và các tổ chức có khả năng chống lại Nhà Nước, với kết quả là sự suy yếu của xã hội, và sự bất lực của những cá nhân công dân, đã được Tocqueville nhận ra rõ ràng trong những giai đoạn mới phát triển. Ông nêu rõ là trong lúc người dân của một nước dân chủ có thể cảm thấy kiêu hãnh là mình bình đẳng với bất cứ công dân nào khác, nhưng đó không phải là toàn bộ bức tranh. Khi một người so sánh mình như là một cá nhân với con số khổng lồ những công dân khác, thì “ông ta bỗng nhiên cảm thấy mình bị ngập lụt trong một sự cảm nhận về sự vô nghĩa và yếu đuối của mình.”44 Cá nhân có khuynh hướng “biến mất giữa đám đông và dễ dàng lạc lối giữa sự mờ mịt thường lệ….”45 Không còn là thành viên của một nhóm có khả năng hành động độc lập thực thụ và chống đối lại nhà cai trị, người dân cá biệt chỉ trở thành một người trong đám đông những công dân khác cùng yếu đuối và lệ thuộc như nhau. Mỗi người chỉ có “ sự bất lực bản thân để đối chọi lại với lực lượng có tổ chức của Chính Quyền.”46 Trong những hoàn cảnh như thế, “mọi người đều đơn độc … và sẽ bị dẫm đạp lên một cách vô tội vạ.”47 Tại những quốc gia dân chủ, do đó, Nhà Nước “tự nhiên mạnh hơn” ở những nơi khác48. Bất kì những sắp xếp hiến pháp là gì, khả năng của xã hội này trong việc duy trì tự do đích thực sẽ yếu đi một khi bộ máy Nhà Nước đã bị chiếm, dù là bằng bầu cử, bằng tiếm quyền, bằng đảo chánh, hay bằng xâm lược bởi một nhà chuyên chế có thể có. “Có cách gì mà chống lại được chuyên chế trong một quốc gia khi mà mọi người dân riêng tư đều bất lực và công dân không được kết hợp lại với nhau bằng một ràng buộc chung?”49 Điều này thực sự xảy ra đến tầm mức nào dĩ nhiên biến đổi tuỳ theo tiến trình này được nới rộng đến mức độ nào. Tình trạng sẽ không đến nỗi nào trầm trọng nếu các nhóm và các tổ chức được tự lập phần nào còn tồn tại, đã được hồi sinh, hay mới được tạo dựng nên. Và người dân trong một vài lãnh vực giới hạn của cuộc sống của mình có thể còn giữ được khả năng ảnh hưởng đến các biến cố, còn về những vấn đề rộng lớn hơn ảnh hưởng đến xã hội như một tổng thể và các chánh sách của chính quyền, thì họ có thể cảm thấy mình không có khả năng thực hiện bất cứ sự kiềm chế hữu hiệu nào cả. Ngay cả trong những nền dân chủ hiến định, cái cảm giác bất lực của người dân bình thường trong việc ảnh hưởng đến những diễn trình thực sự của những biến cố chính trị có lẽ được cảm nhận sâu sắc và rộng rãi ngày hôm nay nhiều hơn rất nhiều so với thời Tocqueville50.

    Tình trạng này đã được Karen Horney và Eric Fromm, ngoài những người khác, lưu ý chúng tôi. Có một sự xung khắc cơ bản, Horney viết, “ở giữa cái được cho là tự do cá nhân và tất cả những giới hạn thực sự của ông ta…. Kết quả đối với cá nhân đó là một sự lưỡng lự giữa cảm nhận về quyền lực vô giới hạn trong việc quyết định về thân phận của mình và cảm giác hoàn toàn bất lực của mình.”51 Tương tự như thế, Eric Fromm cảnh cáo: “…trong chính xã hội của chúng ta, chúng ta phải đối diện với cũng cùng cái hiện tượng vùng đất phì nhiêu cho sự nảy sinh của Phát xít ở bất cứ nơi nào: đó là sự vô nghĩa và bất lực của cá nhân.”52 “Dù với lớp sơn lạc quan và sáng kiến, con người hiện đại bị ngập lụt trong sự cảm nhận sâu xa về sự bất lực làm cho anh ta nhìn chòng chọc vào những thảm hoạ đang xảy ra như thể là anh ta đang bị tê liệt.”53

    Những lí do mà các nhà phân tích cung cấp để cắt nghĩa tình trạng này khác nhau. Tuy nhiên, trong ý nghĩa chính trị thì tất cả đều liên hệ đến vị thế quyền lực yếu kém của cá nhân biệt lập đối diện với nhà cai trị hùng mạnh, thuộc bất cứ loại nhà cai trị nào. Cá nhân không cảm thấy mình là thành phần của các nhóm xã hội và các tổ chức có đủ quyền lực và độc lập về hành động để đối kháng hữu hiệu và cùng nhau kiềm chế quyền lực của nhà cai trị, bởi vì các nhóm xã hội và tổ chức độc lập của xã hội yếu kém, bị đặt dưới vòng kiểm soát, hoặc không hiện hữu. Trong những xã hội hiện đại có một sự phân hoá tương đối nơi người dân đã xảy ra. Mức độ điều này xảy ra, và giai đoạn phát triển của điều này, biến đổi tuỳ theo quốc gia, tuỳ theo hệ thống chính trị, và tuỳ theo những lực vận hành để tạo nên hay ngăn chặn tiến trình đó. Những biến đổi này quan trọng, và thường thì hết sức quan trọng. Và, có những lúc tiến trình này có thể được đảo ngược, hoặc do những hệ quả không dự tính của những thay đổi trong cơ cấu của xã hội hay là do những thay đổi có chủ ý nhằm tạo ra hay tăng cường các tổ chức độc lập. Trong những nền dân chủ hiến định Tây phương, sự độc lập và quyền hạn tương đối của các nhóm xã hội và các tổ chức lớn hơn rất nhiều so với những chế độ toàn trị mà trong đó sự phân hoá đã đạt đỉnh điểm của thời điểm đó của lịch sử. Vào thời thanh trừng của Stalin, chẳng hạn, “không ai có thể tin ngưòi khác được hay là cảm thấy an toàn dưới sự bảo vệ của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào mà từ trước đến nay họ từng tin cậy.” Leonard Schapiro đã viết. “Sự ‘phân hoá’ của xã hội, mà vài người đã nhìn thấy như là một sắc thái đặc thù của toàn trị, đã được hoàn tất trong những năm khủng bố.”54

    Sự phân hoá có chủ ý như thế là kết quả từ những biện pháp của nhà cai trị nhằm làm suy yếu hoặc phá vỡ những tụ điểm quyền lực quan trọng, mà về phương diện cơ cấu, đã được đặt nằm giữa cá nhân và nhà cai trị. Một nhà cai trị mong muốn làm cho chế độ của mình hoàn toàn mạnh có thể chủ ý khởi sự những biện pháp nhằm đạt mục đích này. Điều này đã xảy ra cả trong thời Đức quốc xã55 lẫn trong thời Liên bang Sô viết56. “Độc tài… không bao giờ được an toàn trong việc tiếp tục tồn tại,” Tocqueville viết, “hơn là khi có thể giữ được con người tách rời nhau, và mọi ảnh hưởng của nền độc tài đều được sử dụng vào mục đích này.”57Hoặc là, nhà cai trị có thể tìm cách duy trì sự thống trị của mình, không phải bằng cách phá huỷ những tụ điểm quyền lực mà bằng cách sửa đổi những sức mạnh của những tụ điểm này để đặt mình vào vị trí chóp bu. Simmel đưa ra ý kiến là nhà cai trị có thể khuyến khích “những nỗ lực của các giai cấp hạ lưu được điều hướng đến sự bình đẳng trên pháp lí qua những quyền lực trung gian như thế.”58 Điều này sẽ gầy dựng một tụ điểm quyền lực mạnh đủ để cân bằng ảnh hưởng của “những quyền lực trung gian” đối với nhà cai trị, do đó tạo ra được một lực cân bằng tương đối, và do dó giúp nhà cai trị duy trì được sự thống trị trên toàn thể.59

    Sự phân hoá tương đối của người dân cũng có thể tiếp diễn như là một kết quả không dự tính của những chính sách khác hay là những thay đổi xã hội, được thiết kế không phải để phân hoá dân chúng cũng không phải để đóng góp vào quyền lực vô giới hạn cho nhà cai trị. Điều này đặc biệt có khuynh hướng xảy ra ở nơi nào mà những nhà cải cách hay những nhà cách mạng sử dụng guồng máy Nhà Nước để kiềm chế một số nhóm xã hội hay kinh tế nào đó, như là giới quý tộc, các địa chủ, hay các nhà tư bản chẳng hạn, và ở nơi nào mà Nhà Nước được sử dụng như là công cụ chính yếu để kiểm soát sự phát triển kinh tế và chính trị của xứ sở. Việc tập trung quyền lực vào Nhà Nước có thể thành công trong việc kiềm chế một nhóm nào đó mà các biện pháp đã được định chế hoá để chống lại. Tuy nhiên, những hậu quả dài hạn khác sẽ tiếp theo sau do sự tập trung quyền lực này vào việc kiềm chế hay phát triển đó. Trông cậy vào Nhà Nước để đạt những mục đích này không những sử dụng sự tập trung quyền lực hiện có vào Nhà Nước mà còn đóng góp vào sự phát triển quyền lực này một cách tuyệt đối cũng như đối chiếu với các tổ chức khác trong xã hội. Hơn nữa, sự trông cậy vào Nhà Nước này không những không tăng sức mạnh cho dân chúng và các tổ chức độc lập của họ mà còn có khuynh hướng làm suy yếu những tổ chức này một cách tuyệt đối và tương đối. Ví dụ, thiết lập sự kiểm soát của Nhà Nước đối với nền kinh tế có thể cung cấp cho nhà cai trị hiện tại hay tương lai những phương tiện để “giữ người dân mà ông ta cai trị phải lệ thuộc mật thiết hơn,” như Tocqueville đã từng nói60. Việc thiết lập quyền Nhà Nước sở hữu nền kinh tế, chẳng hạn, đã cung ứng cho những chế độ cộng sản khả năng áp dụng một sổ đen khổng lồ chống lại những người bất đồng ý kiến chính trị. Khả năng này vượt xa khả năng của các nhà tư bản trước đó cũng đã dùng những danh sách như thế một cách ít hiệu năng hơn rất nhiều để làm cho những người tổ chức các nghiệp đoàn thương mại không kiếm được việc làm.

    Việc tập trung quyền lực hữu hiệu vào Nhà Nước không những cung cấp cho nhà cai trị những phương tiện để trực tiếp kiểm soát dân chúng. Sự tập trung này sẽ còn có khuynh hướng đưa đến nhiều áp lực và ảnh hưởng tâm lí đối với người dân, điều không những chỉ làm giảm khả năng của họ kiềm chế nhà cai trị, mà ngay cả việc họ mong muốn làm như vậy. Cá nhân chịu ảnh hưởng quá khích của quần chúng và thường bị áp lực phải chấp nhận những ý kiến mà không có cơ hội để suy xét có luận lí61, nhất là áp lực dưới hình thức biện minh cho đạo đức, ý thức hệ, lòng yêu nước, và kiến thức chuyên môn. Những người có ý đồ cùng nhau hành động để thay đổi xã hội, hay là để thách thức sự toàn năng của nhà cai trị thường được xem là nguy hiểm và phản xã hội62. Dân chúng càng lúc càng chấp nhận là đúng, và ngay cả, là bổn phận của nhà cai trị phải “hướng dẫn cũng như cai quản mỗi một cá nhân riêng tư.”63 Chủ thuyết này nguy hiểm cho tự do, và cho sự duy trì và phát triển của những kiềm chế đối với quyền lực chính trị của nhà cai trị.

    Bất kể những cái lợi ngắn hạn được biểu thị, những kết quả dài hạn của việc trông cậy vào quyền lực tập trung của Nhà Nước để giải quyết những vấn đề của xã hội có thể là thảm hoạ cho tương lai chính trị của xã hội đó.

Sự Phân Phối Quyền Lực Thực Thụ
Có Thể Ảnh Hưởng Đến
Các Hình Thái Cơ Chế Của Chính Quyền

 

Cấu trúc quyền lực thực thụ của xã hội về dài hạn có khuynh hướng giúp quyết định hình thái cơ chế chính thức của chính quyền. Một cơ cấu quyền lực được phân tán trong xã hội như là một tổng thể có nhiều tụ điểmquyền lực hữu hiệu sẽ có khuynh hướng tạo nên một hình thái dân chủ hơn. Trái lại một xã hội với nhiều cá nhân bị phân hoá và quyền lực tập trung vào trong tay Nhà Nước sẽ dễ dàng tạo ra một hình thái chính quyền độc tài. “Cái mà chúng ta gọi là hiến pháp chỉ là câu chuyện đăng quang của cơ cấu xã hội mà thôi; và nơi nào mà những cơ chế hạ tằng hết sức khác nhau thì cơ cấu thượng tằng cũng phải khác biệt,” F.C. Montague viết64. Tương tự như thế, Mosca lí luận là những giới hạn thực thụ về quyền lực của nhà cai trị, hay sự thiếu vắng những giới hạn này, sẽ đưa đến việc chính thức thừa nhận những giới hạn đó trong hiến pháp và luật pháp65. Những tụ điểm quyền lực có thể mạnh đến nỗi nhà cai trị phải thừa nhận sự lệ thuộc của ông ta vào những tụ điểm này bằng cách thay đổi cơ chế. “Cho nên buổi họp của quốc hội, ngay từ ban đầu, đã mang đặc tính thiết yếu là”, Jouvenel viết, “đó là một hội nghị của nhiều giới chức, lớn và nhỏ, mà nhà vua không thể ra lệnh và cũng không hoà đàm được.”66 Ngược lại, nơi nào mà các nhóm xã hội và các tổ chức tương đối thiếu vắng hoặc yếu, không thể chống lại nhà cai trị tại trung ương và không thể kiểm soát các nguồn sức mạnh của ông ta, thì cơ cấu chính trị chính thức có thể thay đổi không còn dân chủ nữa trên danh nghĩa và công khai trở thành hết sức tập trung và độc tài.

    Những thay đổi về khuôn khổ chính thức của chính quyền để phản ánh sự phân phối quyền lực thực sự và tình trạng cơ cấu của xã hội như là một tổng thể thường chỉ được thực hiện sau một qung cách thời gian. Có thể là một thời gian dài trong những điều kiện thích hợp. Những hình thái bên ngoài của một hệ thống chính trị có thể tiếp diễn lâu dài sau khi sự phân phối quyền lực trong xã hội — điều mà nguyên thuỷ đã giúp tạo ra những hình thái đó của chính quyền — đã biến đổi đi rất nhiều rồi. Guồng máy chính thức của nền dân chủ hiến định có thể vẫn tiếp diễn một thời gian sau khi sự phân tán hữu hiệu về quyền lực giữa các nhóm và các tổ chức của xã hội đã được thay thế bằng sự tập trung hữu hiệu về quyền lực vào tay của nhà cai trị. Nếu như thế thì tiềm năng quyền lực của nhà cai trị có thể không bị kiềm chế trong cách hành sử như thể là hiến pháp thực sự độc đoán vậy. Mặc dù hiến pháp cũ có thể vẫn tiếp tục lâu dài sau khi những điều kiện tạo nên hiến pháp đã thay đổi, tình trạng này có thể sẽ hết sức bất ổn. Trong một xã hội mà các nhóm xã hội và các tổ chức phi Chính Phủ yếu, đã bị nhà cai trị kiềm chế, hay vì lí do nào khác không thể hành động độc lập và chống lại nhà cai trị, và dân chúng hoặc không muốn chống đối những việc tiếm quyền hoặc cảm thấy bất lực trong việc chống đối, thì một hình thái chính quyền thực sự độc đoán có thể được chấp nhận một cách dễ dàng. Hình thái này có thể được đưa vào như một dàn xếp “tạm thời” để đáp ứng một nhu cầu khẩn trương đặc biệt, hay như một sự thay đổi vĩnh viễn. Trong trường hợp sau này, sự thay đổi có thể xuất hiện từ những thay đổi dần dà về hiến pháp, những chuyển hướng về thực hành, về những quyết định tư pháp, về lập pháp, và những điều như thế. Thay vì như thế, sự thay đổi có thể đi theo sau một vụ tiếm quyền, những cuộc đảo chánh, hay ngoại xâm. Đôi khi sự thay đổi trực tiếp đến từ những “đòi hỏi” cần cho sự điều động một cuộc chiến hữu hiệu tại quốc nội hay chống ngoại xâm.

    Trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra. Một loại chính quyền chính thức là độc tài có nguồn gốc đã từ lâu có thể vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời gian sau khi các nhóm xã hội và các tổ chức phi Nhà Nước của xã hội từng hiện hữu trong hệ thống đó đã trưởng thành về sức mạnh và trong khả năng hành động độc lập; và có lẽ sau khi những nhóm và tổ chức mới có cùng những đặc tính như thế đã xuất hiện. Trong trường hợp như thế,  khi mà hiến pháp chính thức vẫn độc đoán, thì trên thực tế các tụ điểm quyền lực sẽ kiềm chế được nhà cai trị đến một mức khả quan. Nghĩa là, xã hội trên thực tế đã trở nên dân chủ hơn là hình thái chính thức của quyền còn tồn tại cho thấy. Cũng trong trường hợp này, những tương quan quyền lực đã được thay đổi này và điều kiện cơ cấu mới với thời gian sẽ có khuynh hướng được chính thức thừa nhận bởi một sự thay đổi về hiến pháp.

    Trong cả hai trường hợp, tình trạng cơ cấu của xã hội và sự phân phối quyền lực hữu hiệu thực sự trên phương diện thực hành có khuynh hướng sửa đổi sự vận hành về cách thức hành sử quyền lực của nhà cai trị khác với những điều khoản chính thức của hiến pháp và khác với cơ cấu chính quyền.

    Đôi khi có thể có một sự bất phù hợp giữa tình trạng cơ cấu của của xã hội và cơ cấu chính thức của chính quyền khi một nhà cai trị — nhất là dưới hình thức một đảng chính trị được ý thức hệ điều hướng – giành quyền kiểm soát Nhà Nước để áp đặt một nền độc tài nhằm uốn nắn trở lại cơ cấu nền tảng của xã hội. Sự thành công hay thất bại của nỗ lực này lúc đó sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng cơ cấu của xã hội: các nhóm xã hội và các tổ chức có mạnh đủ để chống lại những nỗ lực của nền độc tài không, quá yếu để có thể thành công hay ngay cả chỉ cố thử xem có thành công hay không, hay là các nhóm và tổ chức này có sẵn lòng hỗ trợ sự suy sụp của chính mình để phục vụ mục tiêu của nhà cai trị hay không.

Kiểm Soát Quyền Lực Chính Trị
Như Là Kết Quả Của Sức Mạnh Nội Tại

 

Do đó, mức độ mà quyền lực của nhà cai trị bị kiểm soát bởi người dân chủ yếu tuỳ thuộc vào sức mạnh nội tại của trật tự xã hội và của chính người dân. Quan điểm này trái ngược với những cắt nghĩa về những phương cách kiềm chế quyền lực đang được yêu chuộng hiện nay. Ngày nay thông thường người ta đặt hầu như hoàn toàn tin tưởng vào hiến pháp chính thức, vào lập pháp, và vào những quyết định tư pháp để thiết lập và bảo toàn tự do. Người ta cũng thường cho rằng chỉ những ý định, những hành động, và những chánh sách của một nhà độc tài hay một kẻ áp bức (dù đó là một cá nhân hay một nhóm người) mới đưa đến độc tài hay áp bức. Thêm nữa, thông thường người ta cũng cho rằng chỉ cần lật đổ nhà độc tài hay kẻ áp bức là đem lại tình trạng tự do. Tuy nhiên, theo sự phân tích này thì những quan điểm này sai lầm. Tệ hơn nữa là những quan điểm đó có khuynh hướng đưa đến những chánh sách không có khả năng đem lại những kết quả mong muốn.

    Quan điểm cho rằng quyền lực của nhà cai trị rút cuộc là hậu quả của tình trạng của chính xã hội không có gì độc đáo và cũng không có gì mới. Quan điểm này đã từng được bàn cãi bởi nhiều lí thuyết gia chính trị và những nhà quan sát suốt hằng bao nhiêu thế kỉ nay.

    William Godwin, một tư tuởng gia chính trị người Anh cuối thế kỉ 18, chẳng hạn, có ý nghĩ là đặc tính của những thể chế chính trị phần lớn được quyết định bởi tình trạng hiểu biết về xã hội và chính trị của người dân. Nếu sự hiểu biết này bị giới hạn thì các thể chế sẽ không được hoàn hảo theo mức độ đó. Nếu sự hiểu biết này rộng lớn, thì những thể chế được chấp nhận sẽ được cải tiến, và những thể chế bị khước từ sẽ mất hiệu lực vì thiếu hỗ trợ67. Những thay đổi về ý kiến của công chúng do đó khẩn thiết phải đi trước những thay đổi về xã hội và chính trị, nếu những thay đổi này muốn được lâu bền68. Trình độ ấu trĩ hay trưởng thành của quần chúng, sẽ được phản ánh qua hệ thống chính trị, Godwin viết, tạo nên một chế độ độc tài hay một hoàn cảnh tự do. Sự yếu kém nội tại sẽ làm cho một dân tộc dễ dàng biến thành con mồi ngon cho kẻ chinh phục, trong khi đó nỗ lực áp bức một dân tộc đã được chuẩn bị cho tự do sẽ có khuynh hướng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi69.

    Nicolo Machiavelli, một tư tưởng gia “hiện thực” người Ý của thế kỉ 16 và là cố vấn cho các quân vương, nêu lên sự thiếu khả năng duy trì tự do của những người không quen thuộc với việc tự quản có trách nhiệm70. Ông ấy viết đó là một tình trạng giống như tình trạng của một con vật được nuôi dưỡng trong sự giam cầm nên khi được trả tự do không thể tự chăm lo cho mình được. Nó trở thành con mồi cho người đầu tiên tìm cách phục hồi nó vào tình trạng trước kia71. “Bởi vì không phải là danh tánh cũng không phải là đẳng cấp của nhà độc tài đã làm La Mã trở thành nô lệ mà chính sự mất quyền hành mà người dân đã bị tước bỏ bởi sự lâu dài của nền cai trị của ông ta.”72 Mức độ tuân phục thụ động đã quen thuộc dưới một vị quân vương cũ, hay ngược lại sự sinh động và tham dự của người dân vào một nền cộng hoà, Machiavelli lí luận, sẽ quan trọng trong việc quyết định sự dễ dàng hay khó khăn tương đối mà một nhà cai trị mới sẽ gặp phải khi có ý muốn định vị cho mình73.

    Bá tước de Montesquieu, triết gia chính trị người Pháp của thế kỉ 18 được chú ý về những quan điểm của ông về tầm quan trọng của sự phân chia các quyền lực trong chính quyền, cũng đóng góp vào sự hiểu biết về mối quan hệ giữa sức mạnh nội tại của xã hội và loại chính quyền mà xã hội này có. Montesquieu nhấn mạnh tầm quan trọng của “đức hạnh” (được định nghĩa như là lòng yêu nước và yêu bình đẳng) trong việc duy trì tự do và chính quyền của dân74. Ông thêm rằng: “Tập tục của một dân tộc bị nô lệ là một phần của sự nô lệ của họ, những tập tục của một dân tộc tự do là một phần của sự tự do của họ.75 Mosca trích dẫn, trong số những nhân tố cần có để có thể chống lại, và kiềm chế được nhà cai trị, là sự hiện diện của “những lực lượng xã hội có tổ chứckhông bị nhà cai trị kiểm soát76. Tocqueville lí luận là “sự đam mê và thói quen tự do” đóng góp vào sự bảo toàn quyền tự do. Mặt khác, ông viết, “Tôi không thể quan niệm được là có điều gì được chuẩn bị cho sự nô thuộc tốt hơn là, trong trường hợp bại trận, một dân tộc dân chủ mà không có những cơ chế tự do.”77 Jouvenel liên kết tình trạng tự do với sự cảnh giác sinh động của dân chúng78, và khẳng quyết là khi mà các phẩm chất của quyền dân chủ hiện hữu ở một múc độ cao thì sự tự do này xuất phát từ “chính sự khẳng quyết của con người về những quyền của chính mình….”79

    Thực là ý nghĩa khi những quan điểm của Mohandas K. Gandhi, chiến lược gia bất bạo động và là nhà lãnh đạo phong trào quốc gia Ấn Độ, hoàn toàn phù hợp với những lí thuyết gia này trên quan điểm về sự liên hệ giữa sức mạnh xã hội và quyền lực chính trị. Gandhi liên tục lí luận là tự quản đích thực (swaraj) không phải chỉ là một vấn đề về những sắp xếp chính quyền và cá tính của nhà cai trị. Thay vì như vậy, dân chủ được đặt cơ sở trên sức mạnh nội tại của xã hội80. Ông cho là sự nô thuộc của người Ấn vào sự cai trị của người Anh là vì tình trạng yếu kém của chính Ấn Độ81. Bởi vì “xét cho cùng thì dân tộc nào, chính quyền đó,chính quyền tự quản có thể “chỉ đến từ những nỗ lực của chính mình.”82 Trước khi tự quản có thể được thiết lập thì người dân phải bỏ đi cái “cảm giác bất lực”; họ không thể hành động để thay đổi cơ cấu chính trị mà không tự tin được83. “Một hiến pháp toàn hảo áp đặt lên trên một tình trạng nội tại vữa nát thì sẽ giống như một ngôi mộ sơn phết màu trắng.”84 Do đó, một cuộc cách mạng bất bạo động không phải là một chương trình giành giật quyền lực, mà là một chương trình “biến đổi những tương quan đưa đến kết quả là một sự bàn giao quyền lực êm đẹp.”85 Gandhi lí luận là một Ấn Độ được tăng cường nội lực, tự túc, và tự tin sẽ được an toàn không bị ngoại xâm, ngay cả không cần vũ khí86.

    

Những Hàm Ý Của Sự Phân Tách Này
Đối Với Sự Kiểm Soát Quyền Lực Chính Trị

 

Có thể rút ra ít nhất là ba kết luận từ cuộc thảo luận này về các phương tiện có thể giúp kiềm chế quyền lực chính trị:

  1. Những xã hội mà không có những tụ điểm quyền lực và người dân tương đối bị phân hoá thì, dù cho có những hiến pháp chính thức, cũng dễ bị chế ngự bởi chuyên chế và những hình thái khác của quyền lực chính trị không bị kiểm soát.
  2. Trong những trường hợp như thế thì thay thế người, hay nhóm người đang giữ vị thế nhà cai trị sẽ không đủ để thiết lập sự kiềm chế hữu hiệu đối với quyền lực của bất cứ ai giữ vị thế đó.
  3. Để sự kiềm chế hữu hiệu đối với quyền lực của nhà cai trị có thể thực hiện được, quyền lực phải được chuyển giao và phân tán một cách hữu hiệu giữa những nhóm xã hội và các tổ chức trong khắp xã hội.

     Bây giờ chúng ta hãy xét từng điểm một một cách chi tiết.

Hiến Pháp Không Đủ
Để Kiềm Chế Quyền Lực Của Nhà Cai Trị
 

Chúng ta đã thấy là trong nỗ lực kiềm chế quyền lực của nhà cai trị, những hình thái thể chế về chính quyền là thứ yếu so với sự phân phối quyền lực thực sự trong toàn xã hội. Thêm nữa, việc làm suy yếu hay phá vỡ các tụ điểm quyền lực có khuynh hướng làm gia tăng một cách đáng kể những khó khăn của người dân trong việc kiềm chế nhà cai trị của họ. Ngay cả một hiến pháp dân chủ — từng đặt những giới hạn cho những quyền lực được hợp pháp hoá của chính quyền, thiết lập những thủ tục đều đặn cho việc hành sử của chính quyền và cho sự lựa chọn nhà cai trị, và bảo đảm một số tự do và quyền của người dân — cũng không đủ để đảo ngược khuynh hướng đó. Nơi nào mà xã hội yếu và nhà cai trị dân chủ mạnh thì những giới hạn hiến định truyền thống bất thành văn hay thành văn đối với những quyền lực của chính quyền hay những hàng rào ngăn chặn các đặc quyền của nhà cai trị sẽ không có khả năng cản trở một chế độ phản dân chủ giành lấy kỉ cương của chính quyền, như bằng một cuộc đảo chánh hay một cuộc xâm lăng chẳng hạn. Trong cùng hoàn cảnh xã hội có cơ cấu yếu thì dân chúng cũng không có khả năng ngăn chặn được những nhà cai trị đã từng được chọn lựa bằng những phương tiện hiến định cứ từ từ nới rộng quyền hạn của mình vượt quá những giới hạn hợp pháp, hoặc áp đặt tiếm quyền hành pháp. Khi một nhóm người có sức mạnh muốn vi phạm “luật lệ” của một nền dân chủ thì các điều khoản hiến định và luật pháp tự chúng không thể ngăn chặn sự tiếm quyền được.

    Tuy nhiên, một xã hội có cơ cấu mạnh với khả năng quyền lực hữu hiệu được phân tán giữa các nhóm và các tổ chức của xã hội sẽ có tiềm năng điều chỉnh những nguồn quyền lực của nhà cai trị và đấu tranh hữu hiệu để duy trì hay phục hồi một hệ thống chính quyền dân chủ. Nhận định này về những đòi hỏi về cơ cấu của những hệ thống dân chủ hiến định ngày nay không được công nhận một các thoả đáng, ngay cả bởi những người chống đối độc tài hăng say lẫn những người cổ võ tự do. Thay vì vậy, các nhà dân chủ đủ loại thấy là một hiến pháp phác hoạ cơ cấu và phạm vi thích hợp để cho chính quyền điều hành Nhà Nước là then chốt cho việc thiết lập và bảo toàn một xã hội chính trị dân chủ. Tuy nhiên, dù có những hiến pháp như thế, một số lớn nền dân chủ hiến định đã từng bị thay thế bởi những chế độ độ độc đoán hoặc độc tài có nguồn gốc quốc nội hay hải ngoại. Điều này hẳn đủ để chứng minh là khi một nhóm người có sức mạnh không sẵn lòng tuân thủ hiến pháp thì các điều khoản và hạn chế tự chúng không đủ để kiềm chế những quyền lực của nhà cai trị. Xã hội còn cần phải có khả năng kiềm chế những nhà cai trị không muốn tự nguyện tuân theo những giới hạn được thiết lập bởi hiến pháp.

    Một xã hội mà nội lực yếu và quyền lực được tập trung vào Nhà Nước, thì những ngăn chặn hiến định không thể cản trở một sự giành quyền lực phản dân chủ được. Trong những tình trạng như thế thì người dân cũng không có khả năng ngăn cản được một nhà cai trị đã được chọn lựa một cách hợp hiến cứ từ từ thực hiện những nới rộng bất hợp pháp về quyền lực của mình, hoặc đình chỉ ngay cả hiến pháp – có lẽ bằng cách lấy cớ khủng hoảng quốc gia. Người dân làm được gì, chẳng hạn, khi một tổng thống đã được bầu cử, được sự ủng hộ của các lực lượng quân đội, tuyên bố tình trạng Khẩn Trương để giải quyết một cơn khủng hoảng nào đó, giải tán quốc hội, huỷ bỏ các cuộc bầu cử, bắt bớ các nhà lãnh đạo đối lập, và áp dụng kiểm soát báo chí, truyền thanh, và truyền hình?

    Để đáp ứng lại những hoàn cảnh như thế, người dân phải có khả năng chống lại quyền lực của nhà cai trị bằng quyền lực của chính mình. Muốn làm được như vậy, họ phải có khả năng đấu tranh hữu hiệu. Điều này đòi hỏi phải có những tụ điểm quyền lực hữu hiệu trong khắp cơ cấu xã hội.

    Tuy nhiên, điều kiện cần thiết này có thể không có được. Các tổ chức phi Nhà Nước của xã hội có thể yếu kém và đã chịu những kiểm soát của chính quyền. Không còn nhóm nào có thể đánh bại được sự tiếm quyền mà còn giữ được hay phát huy được khả năng hành động độc lập hay đối kháng lại nhà cai trị. Những sinh hoạt bình thường của toàn thể xã hội có thể đã được quấn chặt vào với guồng máy Nhà Nước rồi. Đời sống kinh tế của những đại bộ phận dân chúng có thể đã trực tiếp hoặc gián tiếp lệ thuộc vào chính guồng máy này. Người ta có thể đã trở nên có thói quen phó thác những vấn đề của họ cho “chính quyền” thay vì chính mình tự giải quyết lấy. Nếu tình trạng này xảy ra thì xác suất đối kháng tiếm quyền rất là nhỏ — đối kháng thành công, lại càng nhỏ hơn rất nhiều. Cơ cấu của xã hội và sự phân phối khả năng quyền lực hữu hiệu trong những thời buổi bình thường, và cách thức khả năng này giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế, sẽ ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ và ngay cả quyết định khả năng chống lại các nỗ lực áp đặt độc tài.

    Trong hoàn cảnh này, những động lực – của những người mà chánh sách và hành động đã từng làm suy yếu các tụ điểm quyền lực của xã hội và tăng cường quyền lực của guồng máy Nhà Nước – không còn ý nghĩa nữa. Những người tiếm quyền sẽ không thấy là công việc của họ khó khăn hơn đơn thuần chỉ vì những thay đổi đó đã được thực hiện bởi một chính quyền thành tâm tìm cách sửa đổi những bất công, đẩy mạnh an sinh, hay nâng cao khả năng hữu hiệu về quân sự và quản trị để ngăn cản hay đánh bại những đe doạ quân sự của quốc tế, hoặc những cuộc tấn công của quân khủng bố trong nước hay của quân du kích.

    Trong những nền dân chủ hiến định, những nhóm khác nhau đã thường xuyên có khuynh hướng trao cho Nhà Nước những trách nhiệm lớn lao hơn đối với xã hội như là một tổng thể, và nhiều quyền lực hơn đối với xã hội. Hầu như tất cả mọi nhóm đều trông cậy vào khả năng quân sự của Nhà Nước để giải quyết những nguy cơ ngoại xâm. Những nhà cải cách xã hội và những nhà cách mạng đủ loại đã từng trông cậy vào Nhà Nước để thực hiện những thay đổi mà họ mong muốn và để xử trí với những nhóm mà họ thấy là có trách nhiệm về những tệ đoan xã hội hay chống lại những thay đổi mong muốn. Sự trông cậy vào Nhà Nước này đã được biện minh theo ý nghĩa dân chủ với lí do là lập pháp và những cơ quan quyết định chính sách khác đã thực thi kiểm soát dân chủ vì lợi ích của toàn thể xã hội. Trong những trường hợp này, các nhóm xã hội và các tổ chức như là gia đình, các nghiệp đoàn thương mại, các nhóm tôn giáo, và các công ti kĩ nghệ vẫn tiếp tục tồn tại bên ngoài Nhà Nước. Tuy nhiên, sự độc lập tương đối và sức mạnh thì đã hầu như luôn luôn bị làm suy yếu đi rất nhiều so với sức mạnh kiềm chế nhà cai trị của những tụ điểm này trong những thời kì trước đó. Đôi khi sự độc lập và sức mạnh của những nhóm và tổ chức này đã bị xói mòn vì những lí do ít cao quý hơn. Trong lúc những hậu quả của sự xói mòn như thế và của sự nô thuộc vì bất cứ động lực nào sẽ khác nhau tuỳ theo trường hợp, trong khía cạnh duy nhất này, những hậu quả này sẽ như nhau: tiềm năng quyền lực của nhà cai trị gia tăng trước sự tổn thất của xã hội.

    Khi mà các tụ điểm quyền lực bị làm suy yếu và tiềm năng quyền lực của nhà cai trị được bành trướng, thì cơ hội thay đổi hiến pháp và hình thái của chính quyền về hướng độc tài đã được thiết lập. Một sự thay đổi tức khắc không khẩn thiết phải xảy ra, và thường thường thì có lẽ không xảy ra. Ít ra thì cái vẻ bên ngoài – và thường thì có phần nào thực sự — dân chúng kiểm soát chính quyền thông thường vẫn được duy trì trong một thời gian. Khi điều này xảy ra thì sự kiểm soát thường tuỳ thuộc vào chính sự sẵn lòng của nhà cai trị muốn tuân theo một số tiêu chuẩn hay là giới hạn đòi hỏi bởi hiến pháp, các luật lệ, truyền thống, hay là phạm trù luân lí. Tuy nhiên, ngay cả một nhà cai trị được dân bầu vẫn có thể không muốn tuân thủ những giới hạn như thế. Hay là, quyền lực của nhà cai trị có thể được nới rộng từ từ theo một loạt những phương cách nhỏ giọt và có vẻ vô tội vạ để không ai màng lưu ý hay là thấy bị quấy rầy. Hoặc kỉ cương của chính quyền có thể đột ngột bị giằng khỏi tay của một nhà cai trị có chủ ý hành sử một cách tự chế, bởi một nhóm người hăng say muốn sử dụng toàn lực tiềm năng quyền lực của địa vị. Trong những trường hợp như thế thì nhà cai trị một khi đã kiểm soát guồng máy Nhà Nước sẽ có trong tay toàn bộ bộ máy chính quyền và hệ thống kiểm soát dân chúng và các tổ chức của họ đã từng được đào luyện trong những thời gian “bình thường,”87 dù với những động lực rất khác nhau. Quần chúng lúc bấy giờ sẽ yếu so với nhà cai trị và ít có khả năng đối kháng hữu hiệu hơn là khi mà các tổ chức xã hội chưa bị làm suy yếu và quyền lực của Nhà Nước chưa được gia tăng88.

    Trên cơ sở phân tích của ông về những hậu quả chính trị của việc làm suy yếu những tụ điểm quyền lực độc lập trong các xã hội dân chủ, Tocquelville tiên đoán là nếu quyền lực tuyệt đối được tái thiết lập trong những xã hội như thế thì quyền lực này sẽ “mang một hình thái mới và xuất hiện với những sắc thái mà ông cha chúng ta không biết được.”89 Ông tiên đoán điều này hơn một thế kỉ trước sự thịnh hành của những hệ thống toàn trị thời Liên Bang Sô Viết Stalin và Đức Quốc Xã.

    Kinh nghiệm của chúng ta đối với sự thiếu thoả đáng đã được chứng minh của những giới hạn hiến định đối với quyền lực của các nhà cai trị và sự khốc liệt của đe doạ chuyên chế hiện đại, cả hai đều trầm trọng đủ để thúc đẩy chúng ta nhìn vượt quá những điều khoản hiến pháp và luật lệ để tìm thêm những phương tiện kiềm chế các nhà cai trị không muốn chấp nhận những giới hạn đó.

    Theo lí thuyết dân chủ thì quyền của người dân dùng đến cách mạng bạo động chống lại những nhà chuyên chế đã từng được công nhận. Để chống lại những đe doạ ngoại xâm, các nền dân chủ hiến định đã trông cậy vào lực lượng quân sự. Bây giờ thì đã có cơ sở làm cho chúng ta không được thoả mãn về sự thoả đáng của những phương tiện giải quyết khủng hoảng đó. Cả cách mạng quần chúng bạo động lẫn chống cự những kẻ xâm lược bằng quân sự đều có thể gây trở ngại thực tiễn cho thành công. Khi người dân không được vũ trang cố làm một cuộc cách mạng bạo động chống lại một nhà cai trị được vũ trang đầy đủ thì hầu như là họ luôn luôn ở vào thế bất lợi trầm trọng rất dễ đưa đến thất bại có thể tiên đoán được. Chống lại một cuộc đảo chánh đã tấn công một chính quyền hiến định, họ cũng không thể thắng được, vì thường thì các lực lượng quân đội đã khởi xướng và ủng hộ đảo chánh. Trong trường hợp ngoại bang xâm lược thì nhà cai trị xâm lược của một Nhà Nước ngoại bang thường đã quyết định là chế độ của ông ta về quân sự rõ ràng là mạnh hơn nước bị tấn công, do đó tự vệ chống lại bằng quân sự hết sức khó có cơ hội thành công.

    Chiến tranh du kích thường được xem như là để thay thế cho những phương tiện này. Tuy nhiên, chiến tranh du kích có những giới hạn nghiêm trọng gây ra bởi khuynh hướng có nhiều tổn thất lớn lao, những viễn tượng mù mờ về sự thành công, thường xuyên đòi hỏi những cuộc đấu tranh hết sức lâu dài, và những hậu quả về cơ cấu. Chế độ bị tấn công tức khắc được làm cho trở thành độc tài hơn, và chế độ tiếp theo một cuộc đấu tranh dù thành công vẫn còn độc tài hơn nữa vì tác dụng tập trung quyền lực của những lực lược quân sự được bành trướng và vì sự làm suy yếu hay phá vỡ những tụ điểm quyền lực của xã hội trong thời gian đấu tranh. ٭

    Do đó, cần phải nhìn vượt quá cả những sắp xếp chính thức của hiến pháp lẫn những khuyến khích bạo động để tìm kiếm những phương tiện giúp dân chúng trong những cơn khủng hoảng thực thi được sự kiềm chế hữu hiệu đối với các nhà cai trị, ngoại bang hay quốc nội.

    Nếu vào thời gian khủng hoảng như thế mà xã hội không có được những nhóm xã hội và tổ chức mạnh có khả năng hành động độc lập, có thể sử dụng sức mạnh hữu hiệu, và có khả năng kiềm chế nhà cai trị tại trung ương, thì sự trông cậy vào những dàn xếp hiến định chính thức không mà thôi để đặt những giới hạn cho nhà cai trị có thể đưa đến tai hoạ. Tocqueville cảnh báo một cảnh ngộ khốn cùng trong một hoàn cảnh như thế:

…các quốc gia dân chủ…dễ dàng đem tất cả lực lượng sẵn có ra mặt trận, và khi một quốc gia giàu có và đông dân thì sẽ sớm chiến thắng; nhưng nếu lỡ bị chinh phục, và lãnh thổ bị xâm lăng, thì sẽ có ít tài nguyên để sử dụng; và nếu địch chiếm thủ đô thì sẽ mất nước. Điều này có thể cắt nghĩa rõ ràng được: vì mỗi thành viên của cộng đồng đều là từng người bị cô lập và hết sức bất lực, không có ai trong toàn thể cộng đồng có thể tự bảo vệ lấy mình được hay là đưa ra được cho người khác một ý kiến để kết hợp nhau lại. Không có gì mạnh trong quốc gia dân chủ ngoài Nhà Nước; khi sức mạnh của Nhà Nước bị đập vỡ bằng cách đánh gục quân đội, và sức mạnh nhân dân sự bị tê liệt vì thủ đô bị chiếm cứ, thì tất cả những gì còn lại chỉ là một đám đông không có sức mạnh và chính quyền, không có khả năng chống lại một sức mạnh có tổ chức đã tấn công quốc gia này…. [S]au một thảm hoạ như thế, không những dân chúng không có khả năng tiếp tục chiến đấu, mà người ta có thể ý hội được là dân chúng không còn có ý hướng chiến đấu nữa90.

 

 

______________________________________________

CƯỚC CHÚ

 ٭Để  thảo luận đầy đủ hơn những vấn đề về cách mạng bạo động, đảo chánh, và chiến tranh du kích, Y/C xem chương Mười Hai, “Tăng Cường Khả Năng Quần Chúng”, Tiểu Chương: Chế Tài và Xã Hội. 

34   Như trên, tập I, t.333.

35   Như trên, t.334.

36   Như trên, t.9.

37   Như trên.

38   Như trên,t.93.

39   Như trên, tập II, t.271.

40   Bertrand de Jouvenel, Quyền Lực: Bản Chất và Lịch Sử Phát Triển (Dịch bởi J.F. Huntington, Boston: Beacon. Paperback, 1962, và London: Batchworth Press, 1952 [1945], tt.244-246.

  • Như trên, t.295.
  • Xem như trên, tt.185-200.
  • Tocqueville, Dân Chủ Tại Mĩ, tập II, t.272.
  • Như trên, t.9; xem thêm t.47.
  • Như trên, tập I, tt.333-334.
  • Như trên, t.334.
  • Như trên, tập II, t.296.
  • Như trên, t.258.
  • Như trên, tập I, t.92.
  • Xem, ví dụ, Karen Horney, Cá Tính Loạn Thần Kinh Của Thời Đại Chúng Ta (New York: W.W. Norton, 1937), t. 289; và Eric Fromm, Thoát Khỏi Tự Do (New York: Rinehart and Co., 1941), tt.240 và 153-254. Ấn bản Anh: Sợ Tự Do (London: Rouledge and Kegan Paul, 1960), tt.207 và 220.
  • Horney, Cá Tính Loạn thần Kinh Của Thời Đại Chúng Ta, t. 289.
  • Fromm, Thoát Khòi Tự Do, t.240 và Sợ Tự Do, t.207.
  • Fromm, Thoát Khi Tự Do, tt.255-256 và Sợ Tự Do, t.220.
  • Leonard Schapiro, Đảng Cộng Sản Và Liên Bang Sô-Viết (London: Eyre and Spottiswoode, 1960), T.431.
  • Về Gleichschaltung [Cưỡng Bách Đoàn Ngũ Hoá] thờì Đức Quốc Xã, xem Franz Neumann, Con Quái Vật Khổng Lồ: Cơ Cấu và Thực Hành Của Chủ Nghĩa Quốc Xã 1933-1944 (New York: Octagon Books, Inc. 1963); và Arthur Schweitzer, Kinh Doanh Lớn Trong Thời Đệ Tam Quốc Xã (London: Eyre and Spottiswoode, 1964).
  • Xem Leonard Schapiro, Những Nguồn Gốc Của Chuyên Chế Cộng Sản: Đối Lập Chính Trị Trong Nhà Nước Sô-Viết: Giai Đoạn Một 1917-1922 (London: G. Bell and Sons. Ltd., 1956), và Schapiro, Đảng Cộng Sản Và Liên Bang Sô-Viết.
  • Tocqueville, Dân Chủ Tại Mĩ, tập II, t.93.
  • Simmel, Xã Hội Học Của Georg Simmel, t.199.
  • Xem như trên, t.198.
  • Tocqueville, Nền Dân Chủ Tại Mĩ, tập II, t.284.
  • Như trên, t.9.
  • Như trên, t.93.
  • Như trên, t. 265.
  • C. Montague, Dẫn Nhập vào Jeremy Bentham, Một Mảnh Của Chính Quyền (Biên Tập bởi F.C. Montague. London: Humphrey Milford, 1931 [1891]), t.48.
Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.