Tăng Cường Khả Năng Của Quần Chúng
(II)
(Bài 054)

Gene Sharp
Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Những Đòi Hỏi Của Giải Phóng Lâu Bền

     “[B]ạo lực có thể đánh đổ một hay nhiều nhà cai trị xấu,” Gandhi viết, “nhưng…nhiều nhà cai trị khác sẽ nổi lên thay thế, bởi vì gốc rễ nằm ở nơi khác.”14 Giải phóng thực sự và lâu bền đòi hỏi những thay đổi từ bên trong những tương quan nội tại của quyền lực trong xã hội. Những thay đổi này không thể đem lại được bằng bạo lực; bạo lực chỉ cản trở những thay đổi này mà thôi. Những người cổ vũ giải phóng mà không để ý đến những hệ quả dài hạn có thể có, do kĩ thuật đấu tranh của mình gây ra cho xã hội mà họ đang tìm cách giải thoát, chỉ có thể được xem như là thiển cận và vô trách nhiệm.

    Phải rõ ràng ai là người có trách nhiệm giải phóng người dân khỏi áp bức, và loại áp bức nào, cũng là một điều đặc biệt hết sức quan trọng. Miễn sao chế độ hay hệ thống cũ được thay đổi hay bị xoá bỏ, ngoài ra chúng ta thường cho là phương tiện tương đối ít quan trọng. Tuy nhiên, những khác biệt quan trọng về kết quả thường tiếp nối các câu trả lời khác nhau cho câu hỏi đó. Không có sự tham dự trực tiếp của chính dân chúng trong nỗ lực thay đổi, thì chắc sẽ không có những thay đổi thực sự về những vị thế quyền lực tương đối giữa dân chúng và bất cứ người nào đang chiếm giữ vị thế nhà cai trị. Tốt lắm thì một nhóm mới sẽ thay thế nhóm cũ trong vai trò cai trị. Nhà cai trị mới có thể có hoặc có thể không xử lí với nhiều tự chế và quan tâm hơn về lợi ích và về các tự do của người dân tuỳ theo thiện ý của ông. Do đó, giải phóng người dân bị áp bức, nếu điều này sẽ phải xảy ra, khẩn thiết phải là tự giải phóng bằng những phương tiện phù hợp với khả năng lâu bền của người dân trong việc tự quản lí và kiến tạo xã hội của chính mình. Nếu không thì e rằng họ sẽ gặp phải một nhà cai trị mới, trương lên một lá cờ khác, còn áp bức hơn nữa.

    Ram Manohar Lohia, người Ấn trứ danh theo chủ thuyết xã hội khuynh hướng Gandhi, đã viết là ông ta đã chán vì chỉ nghe nói đến nhu cầu cần thay đổi tâm hồn của những kẻ áp bức. Điều này tốt, nhưng quan trọng hơn rất nhiều là nhu cầu cần thay đổi tâm hồn của những người bị áp bức, để họ không còn muốn chấp nhận áp bức nữa, và trở nên quyết định kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Chính sự yếu đuối trong quyết định và khả năng hành động của người dân làm cho sự áp bức và khuất phục có thể tiếp tục được. Thay đổi được điều này, họ có thể không bao giờ còn bị áp bức nữa. Việc tự giải phóng như thế chỉ có thể thực hiện được bằng cách tăng sức mạnh cho thuộc cấp qua nỗ lực của chính họ mà thôia .

     Theo sự hiểu biết của chúng tôi về bản chất của mọi quyền lực chính trị, thì người dân có tiềm năng quyền lực vĩ đại bởi vì rốt cuộc thái độ, hành vi, và sự hợp tác của họ cung cấp những nguồn sức mạnh cho tất cả mọi nhà cai trị và hệ thống hệ đẳng. Tuy nhiên, tiềm năng sức mạnh không luôn luôn được chuyển thành sức mạnh hữu hiệu. Đòi hỏi cần phải có điều gì đó thì chuyện này mới có thể xảy ra. Một khi những người bị trị muốn thay đổi, và một khi họ sẵn sàng hành động để thay đổi, thì họ cần phải có một loại nào đó của các biện pháp chế tài. Rồi họ phải có một kĩ thuật đấu tranh để duy trì và tăng sức mạnh cho các tổ chức độc lập hiện hành của họ, tạo ra và bảo vệ những tổ chức mới, và, rất quan trọng, kháng cự, đối đầu, và xói mòn quyền lực của nhà cai trị. Một kĩ thuật như thế tốt hơn cũng nên là một kĩ thuật mà, trong dài hạn, khi được lặp đi lặp lại, sẽ đem lại cho người dân một khả năng lâu bền trong việc kiềm chế bất cứ nhà cai trị hay kẻ tiếm quyền nào, và bảo vệ khả năng tự quản của mình. Chọn lựa biện pháp chế tài tối hậu để duy trì và thay đổi xã hội hết sức quan trọng trong kết quả định hướng xã hội. Ngược lại với những hậu quả trung ương tập quyền của những chế tài bạo động, mà trong dài hạn sẽ làm suy yếu quần chúng, các chế tài bất bạo động có khuynh hướng phân tán và chuyển giao quyền lực vào trong toàn xã hội, và nhất là giúp tăng sức mạnh cho những kẻ bị áp bức và bất lực. Do đó, chúng ta hãy duyệt xét những hậu quả có tính cơ cấu của các chế tài bất bạo động.

Những Nguồn Quyền Lực Không Chắc Chắn

    Đến đây thì đòi hỏi chúng ta cần phải có một sự hiểu biết về bản chất của những chế tài bất bạo động, dù là chúng ta không thể lặp lại ở đâyb. Những biện pháp chế tài này có những tác dụng lớn lao đối với việc phân phối quyền lực hữu hiệu trong các xã hội chính trị vì hai nhân tố chính yếu: (1) bản chất quyền lực của những hệ thống hệ đẳng và của những nhà cai trị làm cho các xã hội này dễ bị các chế tài bất bạo động tấn công, (2) tác dụng của đấu tranh bất bạo động, nhất là khi thành công, đối với những người và nhóm sử dụng kĩ thuật đấu tranh này. Tác dụng tổng hợp của hai nhân tố này đối với sự phân phối quyền lực hữu hiệu không còn nghi ngờ gì nữa đã thiết lập những tương quan giữa quyền lực chính trị và các hình thức chế tài bất bạo động.    

     Quyền lực mà những nhà cai trị sử dụng, khả năng hành động, làm việc tốt hay việc xấu, thực thi chánh sách và trừng phạt, chinh phục và cướp bóc, phục vụ, thống trị, và áp bức, không phải là quyền lực của họ. Quyền lực này không đến từ bản thân họ. Quyền lực của nhà cai trị cũng không đến từ nòng súng. Đúng ra, nó đến từ các nguồn cội trong xã hội có thể nhận diện được. Những nguồn này gồm có: quyền hành, nhân lực, các kĩ năng và kiến thức, các nhân tố không nắm bắt được, vật lực và các chế tài. Tất cả những nguồn ngày đều bắt rễ từ chính xã hội, từ trong các tổ chức của xã hội, và rút cuộc là từ người dân. Người dân phải chấp nhận tính hợp pháp của người sử dụng quyền lực, và hợp tác trong việc cung cấp những nguồn sức mạnh cần có. Họ phải chịu khuất phục trước mệnh lệnh và ngay cả trước sự đàn áp nhằm đe doạ quần chúng phải tuân phục nếu nhà cai trị muốn duy trì sự kiểm soát của mình.

    Những nguồn sức mạnh của nhà cai trị phát xuất từ những người tin rằng họ nên chịu khuất phục vì đạo đức bắt họ làm như vậy, hay là họ tin là mình quá yếu nên không thể kháng cự; từ những người thường cung cấp những tài nguyên kinh tế, trả thuế, và trở nên những chuyên gia, những nhà quản trị, và những trợ tá viên; cũng như từ những nhân sự trong quân đội, trong toà án, và trong các nhà tù. Tất cả những người này, và còn nhiều người khác nữa, đã cung cấp các nguồn quyền lực cho mọi nhà cai trị, cả thiện lẫn ác.

    Vì vậy, một vấn đề có tính quyết định đối với tất cả mọi nhà cai trị là: người dân không luôn luôn làm những gì được sai bảo hay được chờ đợi phải làm. Nếu người dân chối bỏ tính hợp pháp của nhà cai trị, thì quyền hành của nhà cai trị sẽ không còn nữa. Nếu người dân rút lui sự hợp tác của họ bằng cách bất tuân, bất hợp tác kinh tế, không cung cấp kiến thức và chuyên môn cần phải có, khước từ sinh hoạt bàn giấy và hợp tác với hành chánh, thì tất cả những nguồn sức mạnh đó sẽ bị làm suy yếu hoặc bị cắt đi.

    Nếu người dân sẵn sàng thách thức cả những đe doạ lẫn đàn áp để đổi lấy sự thay đổi, nếu cảnh sát và quân đội trở nên ái ngại về chính những hành động đàn áp của mình và nghi ngờ tính hợp pháp của chế độ đã sẵn bị làm suy yếu bởi sự thách thức ồ ạt, và, sau cùng, nếu lúc bấy giờ họ lại từ chối vâng theo mệnh lệnh trừng phạt hay giết những người trong quần chúng thách thức, thì chế độ đang chứng kiến ngày tàn của nó. Người dân phải tiếp tục kiên quyết và thách thức, ngay cả khi bị đàn áp, mãi cho đến khi các nguồn sức mạnh đều khô cạn, và do đó chế độ sẽ bị làm suy yếu đến giãy chết và tan rã.

     Không có quyền hành được ban cho, không có sự chính danh ý thức hệ, không có những trợ tá viên và các tay chân, không có những nhà quản trị, các công chức và vô số những người trợ lực, không có tài sản và những tài nguyên kinh tế, không có sự ủng hộ của các cơ chế và hành chánh, không có cảnh sát, nhà tù, và quân đội, không có dân  chúng tuân phục, thì ngay cả một nhà cai trị độc đoán nhất hay một nhà chuyên chế tàn nhẫn nhất cũng trở nên bất lực về chính trị.

    Một sự giải thể quyền lực của nhà cai trị bằng cách rút lui những nguồn sức mạnh như thế minh chứng là quyền lực của những nhà cai trị, của nhóm lãnh đạo thống trị, và của những giai cấp áp bức không phải là của họ, mà đến từ chính những con người mà họ chế ngự. Quyền lực của những nhà cai trị do đó, nội tại, rất mong manh. Chỉ nhận định này không mà thôi cũng đã mở đường cho một sự lựa chọn có ý thức của người dân là có nên vâng phục và hợp tác hay không, và ý thức được sự lựa chọn này sẽ chuẩn bị con đường cho một sự thay đổi triệt để về những tương quan sức mạnh. Tất cả những nguồn của quyền lực chính trị do đó sẽ dễ trực tiếp bị tấn công bởi các biện pháp chế tài bất bạo động.

Tác Dụng Tản Quyền Của Chế Tài Bất Bạo Động

 

    Chế tài bất bạo động thường sử dụng sự từ chối của người dân làm những công việc mà họ thường làm và từ chối hành động như người ta nghĩ họ sẽ hành động, và sự quyết tâm của họ hành sử theo những cách thức thường bị cấm đoán và khác với sự trông đợi của mọi người, như là những vũ khí. Những phương tiện hành động này thường xuyên sử dụng những vai trò thông thường của người dân và những chức vị của họ trong xã hội như là những căn cứ của sức mạnh, và các chức năng của họ như là những đòn bẫy của sức mạnh. Loại vũ khí này, trong những điều kiện thích hợp, có thể hữu hiệu hơn súng ống rất nhiều vì nó đánh trực tiếp vào các nguồn sức mạnh của các cơ chế và của các nhà cai trị. Đấu tranh bất bạo động do đó chủ yếu là một kĩ thuật sử dụng sức mạnh và là một tập hợp những biện pháp chế tài có khả năng vừa kiềm chế được sức mạnh chính trị của người khác vừa biểu dương được sức mạnh của chính mình. Những kẻ áp bức và những nhà chuyên chế lo sợ nhận định soi sáng vào bản chất của mọi quyền lực chính trị này trở nên phổ cập.

    Các chế tài bất bạo động có nhiều đặc tính đóng góp vào việc tản quyền và phân tán khả năng quyền lực hữu hiệu trong xã hội. Những đặc tính này liên hệ đến năm nhân tố chính yếu:

  • bản chất của lãnh đạo trong những áp dụng các chế tài bất bạo động;
  • các phẩm chất của những phương pháp hay là “vũ khí” bất bạo động;
  • các thay đổi về tự giác và về những thái độ của các thành viên thuộc nhóm đấu tranh bất bạo động;
  • gia tăng tự lực nơi những người sử dụng các chế tài bất bạo động; và
  • sự tăng trưởng của những tổ chức phi chính phủ của xã hội.

    Khi so sánh với lãnh đạo của những cuộc đấu tranh bạo động, thì các lãnh đạo trong các phong trào áp dụng các chế tài bất bạo động thường ít có khuynh hướng sử dụng bạo lực để kiềm chế nhóm của mình, nếu có sẵn những phương tiện như thế hay là những phương tiện này, vì lí do nào đó, được chấp nhận. Nhân tố này không những chỉ ảnh hưởng đến cuộc tranh đấu hiện tại mà còn có ảnh hưởng tiếp tục trong xã hội thời hậu đấu tranh bởi vì sự liên kết của nhân tố này với sự cam kết chân chính lớn lao hơn đối với những mục đích và nguyên tắc nhân đạo. Những nhà lãnh đạo này, sau này, cũng ít có khuynh hướng sử dụng các chế tài bạo động một cách độc đoán để duy trì và nới rộng vị thế quyền lực của họ, ngay cả nếu họ nắm giữ những chức vụ trong guồng máy Nhà Nước. Một vài nhà lãnh đạo bất bạo động trước kia – như Jawaharlal Nehru, Kwame Nkrumah, và Kenneth Kaunda – đã nhận lãnh các chức vụ thủ tướng và tổng thống và đã có dùng những biện pháp chế tài bạo động trong lúc những người khác như Mohandas K. Gandhi và Jayaprakash Narayan – đã từ chối hoặc không nhận lãnh những chức vụ như thế.

    Trong những phong trào đấu tranh bất bạo động, lãnh đạo tự bản chất không vững bền, và thường có khuynh hướng phân tán đi xuống theo hệ cấp, di chuyển đến càng lúc càng nhiều người. Điều này xảy ra bởi vì trong hầu hết mọi hoàn cảnh, lãnh đạo đều được cố tình đặt để ngay ở “tiền tuyến” của cuộc đấu tranh và thường bị bắt bớ và bỏ tù, hay chịu đựng những đàn áp khác. Vì điều này xảy ra, và vì truyền thông và vận chuyển có thể bị giới hạn, nên đòi hỏi phải cần có những lớp lãnh đạo mới, và cần phải có nhiều người lãnh đạo hơn vì họ sinh hoạt tại địa phương nhiều hơn. Điều này vừa sản xuất ra nhiều nhân viên ở cấp lãnh đạo vừa tăng số người lãnh đạo theo cấp số nhân. Ở nơi nào mà phong trào đấu tranh mạnh và đàn áp khắc nghiệt, và khi mà con số những nhà lãnh đạo bị bắt càng lớn, thì sự phân tán lãnh đạo có thể bành trướng tới mức độ là phong trào trở nên thực sự “không có lãnh đạo.” Kinh nghiệm này có thể có những hiệu quả dài hạn quan trọng đối với xã hội, gia tăng tự lực phi tập trung, và giảm thiểu quan niệm cho rằng lãnh đạo tập trung là cần thiết. (Dĩ nhiên nhân tố này sẽ không có, trong những trường hợp chế tài bất bạo động được khởi động và áp dụng bởi quyết định và các mệnh lệnh của Nhà Nước trung ương, như trong các vụ cấm vận kinh tế quốc tế.)

     Ngược lại với điều thường xảy ra trong việc áp dụng các chế tài bạo động trong các cuộc nội chiến lẫn chiến tranh quốc tế, các hình thức chế tài mà lãnh đạo bất bạo động có thể áp dụng đối với những thành viên của nhóm mình để duy trì đoàn kết và để ngăn chặn đào ngũ về phe địch phải, và rất có thể, là những hình thức bất bạo động. Hơn nữa, vì chế tài bạo động không được sử dụng trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ địch, cho nên khả năng tăng thêm để áp dụng loại chế tài này sẽ không được phát triển để tiếp tục có ảnh hưởng đối với giai đoạn hậu đấu tranh ngõ hầu được sử dụng vào những mục tiêu khác. Vì cả hai lí do này, ngay cả những nhà lãnh đạo bất bạo động cũng sẽ không có sẵn trong tay cái khả năng đã được gia tăng nhờ thu thập được trong thời gian đấu tranh để áp dụng những biện pháp chế tài bạo động. Họ vẫn có thể sử dụng khả năng thường có sẵn về các chế tài bạo động của Nhà Nước; tuy nhiên, khả năng này sẽ bị giới hạn hơn là trường hợp sau một cuộc đấu tranh bạo động. Sự giới hạn này sẽ đưa ra một số gò bó đối với việc đàn áp quốc nội.

    Sau những cuộc đấu tranh bạo động, chế độ mới có thể nhằm ngăn chặn những thách thức mà họ không muốn bằng cách chiếm giữ khí giới và kiểm soát việc cung cấp khí  giới và đạn dược. Trong những trường hợp này, với niềm tin của dân chúng đặt để vào hiệu năng của những chế tài bạo động, thì ngay cả những cực đoan nghiêm trọng nhất của chế độ cũng có thể không bị thách thức bởi hành động thuộc loại không thể làm ngơ được. Tuy nhiên, trong trường hợp những chế tài bất bạo động, vũ khí không phải là những vũ khí vật chất nên không thể bị lấy đi được, bị kiểm soát bởi điều lệ cung cấp, hoặc làm cho không sử dụng được bằng cách hạn chế đạn được. Kiến thức về các vũ khí bất bạo động – ít nhất cũng có gần hai trăm vũ khí — một khi thủ đắc được thì không dễ gì bị kiểm soát như là vũ khí và đạn dược vật chất. Kinh nghiệm trước đó về việc sử dụng những vũ khí này cũng vận hành như là “huấn luyện tại mặt trận.” Kinh nghiệm này sẽ đóng góp đáng kể vào cả khả năng thực sự của họ trong việc tiến hành những cuộc đấu tranh như thế trong tương lai lẫn vào sự tin tưởng của họ ở khả năng này. Cả hai điều này đều có thể rất quan trọng trong việc quyết định sự phân phối sức mạnh hữu hiệu tiếp theo sau một cuộc đấu tranh nào đó. Những người có, và biết là mình có, khả năng đấu tranh độc lập hữu hiệu, có khuynh hướng được lãnh đạo cai trị coi trọng hơn là những người bất lực về chính trị trong những cơn khủng hoảng. Kinh nghiệm trong việc áp dụng những biện pháp chế tài bất bạo động, nhất là khi thành công, sẽ võ trang quần chúng với khả năng tiếp tục làm như vậy nữa nếu nhu cầu đòi hỏi, ví dụ như khi nhà cai trị mới làm mất đi sự ủng hộ của đại đa số quần chúng về những vấn đề tối quan trọng .

     Khi các chế tài bất bạo động được áp dụng thành công, thì những người sử dụng chúng có khuynh hướng kinh qua một cảm nhận thăng hoa về những phẩm chất và khả năng của chính mình phản ánh những thay đổi thực sự ở trong họ. Trước khi những người thuộc cấp trong mối quan hệ có thể bắt đầu sử dụng các chế tài bất bạo động, họ phải thay đổi những thái độ khuất phục và chấp nhận yếu hèn của họ trước đó. Rất có thể là trước đó nhóm người này đã từng thụ động và tin là mình bất lực trước những sai quấy mà họ nhận thấy. Khi họ bắt đầu hành động để sửa sai những bất công thì họ có khuynh hướng trải nghiệm một sự giải thoát khỏi ý tưởng bất lực này. Sự thay đổi này có khuynh hướng tăng trưởng khi phong trào tiếp diễn và gom góp sức mạnh. Lúc ban đầu của cuộc đấu tranh, những người hoạt động có thể cần phải chú tâm kiềm chế sự sợ hãi của mình đối với những trừng phạt của đối phương, nhưng càng về sau họ càng khám phá ra rằng họ không còn sợ hãi nữa. Sự thay đổi này không những quan trọng đối với những cá nhân, mà còn quan trọng về chính trị nữa, bởi vì nó xói mòn những hệ thống hệ đẳng từng lệ thuộc vào sự sợ hãi những hình phạt bạo động để đưa những người bị trị vào “nếp.” Việc họ sẵn sàng hành động và kiên quyết dù bị nguy hiểm, việc đối phương và những người khác công nhận sức mạnh mới của họ đều có khuynh hướng đóng góp vào sự gia tăng lòng tự trọng của nhóm. Nhóm sẽ nhìn thấy những phẩm chất và khả năng của chính mình có nhiều ý nghĩa hơn là họ từng nhận thấy trước kia. Biết được rằng mình có sức mạnh đích thực, ngay cả đối chọi với sức mạnh của Nhà Nước, có lẽ sẽ nuôi dưỡng được một tinh thần mới và khiêu động niềm hi vọng là họ có thể giúp kiến tạo nên tương lai của chính mình.

    Có phần nào ít chắc chắn hơn là những người hoạt động bất bạo động có thể trở nên tôn trọng đời sống và bản thân những người khác hơn, ngay cả kẻ địch của họ trong những cuộc đấu tranh cực đoan. Những người hoạt động cũng có thể trở nên có khả năng tự suy nghĩ thông suốt các vấn đề, đạt được việc tự làm lấy những quyết định, và theo sát những quyết định này ngay cả trong những trường hợp khó khăn. Dù rằng đây là những phẩm chất rất là riêng tư cho từng cá nhân, nhưng với mức độ phát triển của chúng, về dài hạn chúng sẽ gián tiếp tác động lên sự phân phối sức mạnh hữu hiệu trong khắp xã hội.

    Các chế tài bất bạo động thường có khuynh hướng tăng khả năng cho nhóm người sử dụng chúng, một cách tuyệt đối lẫn đối chiếu với nhóm đối phương. Sự đoàn kết nội bộ của nhóm và khả năng làm việc với nhau đều có khuynh hướng tăng trưởng. Hợp tác nội bộ gia tăng trong nhiều trường hợp vừa là đòi hỏi để áp dụng hữu hiệu các chế tài bất bạo động, và vừa là kết quả của hành động này. Cần có hợp tác nội bộ mới áp dụng chế tài bất bạo động hữu hiệu được, và cũng để cung ứng các nhu cầu mà trước kia được đáp ứng bởi đối phương, nay đã bị người ta rút lui hợp tác. Những nhu cầu này có thể bao gồm những phương cách thay thế để duy trì trật tự xã hội, ngay cả giữa lúc đang đấu tranh, cũng như các nhu cầu kinh tế và chính trị khác. Để cung ứng các nhu cầu này, những thành viên của nhóm sẽ cần phải gia tăng sự độc lập và tự lực, điều sẽ càng đóng góp thêm vào việc gia tăng khả năng của bản thân. Những tổ chức hiện hành có thể được tăng cường, chúng có thể được sửa đổi để đáp ứng các nhu cầu một cách đầy đủ hơn, hay là thay đổi trong cách điều hành nội bộ. Những tổ chức mới cũng có thể được tạo dựng nên. Các tổ chức này là những đối tác xây dựng của bất hợp tác với đối phương. Chúng có thể giúp thay đổi những tương quan lực lượng hiện hành rất nhanh chóng trong thời gian xung đột đang diễn tiến. Kết quả có thể là những thay đổi có tính cơ cấu lâu bền.

   Đôi khi sự cân bằng giữa bất hợp tác và hợp tác được thiết kế và tổ chức một cách có chủ ý, trong khi những lúc khác thì sự cân bằng này xảy ra một cách bột phát và nhanh chóng mà không có kế hoạch hay chuẩn bị gì cả. Khi những thay đổi về cơ chế chỉ có tính cách tạm thời thì chúng sẽ đóng góp vào những thay đổi trong những tương quan lực lượng giữa các nhóm tranh chấp khi cuộc xung đột đang tiếp diễn. Khi những thay đổi về cơ chế tồn tại sau cuộc xung đột vừa qua, thì chúng có thể có những hiệu quả sâu xa về cơ cấu đóng góp vào việc phân tán quyền lực hữu hiệu trong các hình thái tổ chức và chế tài của quyền lực này.

    Một nhân tố nữa có thể, một cách gián tiếp, có những hiệu quả dài hạn về việc phân phối quyền lực trong xã hội. Việc sử dụng các chế tài bất bạo động sẽ giảm thiểu khuynh hướng của nhóm đấu tranh trở nên hung bạo vì hậu quả của chính cuộc đấu tranh. Những chế tài bạo động trong một cuộc đấu tranh giải phóng, một cuộc cách mạng, hay là một nỗ lực tự vệ tiếp diễn có nghĩa là một chuỗi những bạo tàn, trả thù, và chống trả thù liên tục gia tăng. Nhân cách trở thành cằn cỗi và xơ cứng, cho đến khi rốt cuộc cảm xúc của con người và khả năng phản ứng đối với sự đau khổ của nhân loại khô héo, và tất cả chỉ còn là chết chóc. Người đã một lần từng tranh đấu chống lại những điều vô nhân đạo, thì nay lại đeo đuổi một cách hăng say nồng nhiệt những phương pháp mà khi được đối phương sử dụng thì bị chê trách, để đi đến một mục đích mà chất liệu đã bị quên lãng. Hiện tượng này chắc sẽ không xảy ra với những cuộc đấu tranh bất bạo động. Những cuộc đấu tranh này cung cấp những biện pháp chế tài khác đòi hỏi không được có những hành động bạo động và tàn nhẫn. Sự khác biệt này có thể có những hiệu quả quan trọng về bản chất của xã hội hậu đấu tranh và trật tự chính trị.

    Liên hệ với sự biến thành hung bạo này, còn có một nhân tố khác, quan trọng cho xã hội tương lai nhưng có lẽ không có nhiều hiệu quả trong việc phân phối quyền lực quan trọng về chính trị. Sử dụng một loại bạo lực chính trị nào đó như là biện pháp chế tài tối hậu của xã hội, và các biểu lộ của sự thực hành loại chế tài này qua những hình thức bắn giết được hợp thức hoá của cảnh sát, qua những vụ hành quyết, và chiến tranh, hẳn sẽ dạy cho các thành viên riêng biệt của xã hội – bao gồm cả những người phản xã hội lẫn những người bị tâm thần bất ổn – rằng bạo lực đích thực là biện pháp chế tài tối hậu. Thật hết sức khó mà tin được là những nỗ lực của chúng ta nhằm hạn chế việc sử dụng loại chế tài này chỉ cho một số cơ chế của Nhà Nước, và rồi chỉ cho một số mục đích được chỉ định mà thôi, và khi được chấp thuận bởi những thủ tục đã được thiết lập – lại có thể hữu hiệu khi mà một số người nào đó, dù đúng dù sai, cảm thấy là mục tiêu riêng của họ là hợp lí và cũng chỉ có thể tranh thủ được bằng bạo lực mà thôi. Những hành động bạo động được hợp thức hoá nhân danh hệ thống, do đó, có thể vô tình đóng góp cho những hành động bạo động không được hợp thức hoá bởi những cá nhân hay nhóm người có những vấn đề và mục tiêu riêng của họ. Việc sử dụng các chế tài bất bạo động nhân danh hệ thống không gây nên hiệu quả đó; thay vì như vậy, việc sử dụng này có lẽ có thể đóng góp vào việc sử dụng các chế tài bất bạo động bởi những cá nhân hay nhóm người tự động hành động, ngay cả để chống lại những tiêu chuẩn và nguyên tắc của tất cả những người khác trong xã hội. Điều này có thể không phải là lí tưởng, nhưng hẳn là một sự tiến bộ so với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của bạo động bởi những cá nhân và nhóm.

    Như là hệ quả của những tác dụng của đấu tranh bất bạo động đối với chính khả năng quyền lực của đối phương cũng như đối với khả năng quyền lực của nhóm áp dụng các chế tài bất bạo động, một sự thay đổi căn bản trong các tương quan quyền lực sẽ xảy ra trong những điều kiện thích hợp. Điều này, tự căn bản, khác với việc thiết lập những thay đổi bằng những phương tiện hoà bình khác, bao gồm hoà giải, pháp chế, phán quyết của toà án, hoặc sắc lệnh hành chánh. Trong những trường hợp này, ngoại trừ những thay đổi về quyền lực đã được thực hiện trước, một cách độc lập, bởi những lực lượng khác, sự phân phối tương đối về quyền lực sau mỗi lần thay đổi như thế sẽ gần như cũ. Không có gì sẽ xảy ra để thay đổi sự phân phối này, và người dân sẽ không thu thập được các khả năng được gia tăng để hạn chế quyền lực của đối phương và ngay cả để sử dụng chính các chế tài. Ngay cả khi một đòi hỏi hay một mục tiêu quan trọng có giới hạn được chấp thuận theo lối đó, người dân vẫn không có đủ khả năng để đạt được ý muốn của mình chống lại một đối thủ hay một nhà cai trị không sẵn lòng chấp thuận những nguyện vọng của họ. Tương tự như vậy, điều vừa được chấp thuận, khi cơ hội thích hợp, thì cũng có thể bị rút lui một cách dễ dàng như thế. Cái gì được cho mà có, chứ không phải do tranh thủ mà được, thì có thể được nhận lãnh cũng như bị lấy đi một cách dễ dàng. Điều tranh thủ được nhờ việc làm và đấu tranh sẽ bền bỉ, và có khả năng được bảo vệ và phát triển thêm bởi những người đã được gia tăng khả năng trong thời gian tranh thủ điều đó.

Tạo “Hoàn Cảnh Chính Trị” Của Một Xã Hội

 

    Những tác dụng có tính cơ cấu của những chế tài bạo động và bất bạo động đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định hoàn cảnh chính trị của xã hội đó như là một tổng thể. “Hoàn cảnh chính trị” của một xã hội có thể được định nghĩa bằng sự sắp xếp của ba nhân tố chính yếu: (1) cách thức vận hành của hệ thống chính trị; (2) hệ thống này làm những gì; và (3) hệ thống này không thể làm được những gì. Hoàn cảnh chính trị bao gồm những yếu tố cụ thể như là: mức độ tập trung và phân tán của quyền lực hữu hiệu; những lí tưởng và mục đích của xã hội; những đặc tính và thành quả nhân bản của hệ thống; khả năng của hệ thống áp đặt độc tài, thực thi diệt chủng, gây chiến tranh, và áp đặt hoặc hỗ trợ áp bức xã hội, và xác suất của hệ thống này thực hiện bất cứ điều nào trong số những điều vừa kể; ngược lại là khả năng của hệ thống này nuôi dưỡng và hỗ trợ tự do, dân chủ, công lí xã hội, và những quan hệ hoà bình trong và ngoài nước; mức độ xã hội phục vụ con người hay là vô hiệu hoá và hãm hại con người; và mức độ hệ thống này đáp ứng những nhu cầu khác nhau của con người (hoặc để cho những nhu cầu này được đáp ứng) như đã được phác hoạ trước đây trong chương này. Rõ ràng là những hoàn cảnh chính trị khác nhau rất nhiều, cả trong một xã hội duy nhất từ thời điểm này đến thời điểm khác, lẫn giữa những xã hội khác nhau.

    Những nhân tố này không phải là những đặc tính cụ thể tách rời và không dính líu gì với nhau, chúng liên hệ với nhau theo nhiều phương cách khác nhau. Dựa trên cơ sở những phân tích trong chương này và các chương trước, thì hình như hoàn cảnh chính trị của một xã hội liên hệ mật thiết với: (1) sự phân phối thực sự về quyền lực hữu hiệu trong xã hội (khác với sự phân chia quyền hành làm quyết định có tính cách pháp chế và hiến định); và (2) loại chế tài tối hậu mà xã hội trông cậy vào và mức độ loại chế tài này được phát triển thành những khả năng được định chế hoá. Cần phải lưu ý thêm về những tương quan giữa hai nhân tố này.

     Trong Chương, “Sức Mạnh Xã Hội Và Tự Do Chính Trị,” có lí luận là những loại phân phối quyền lực hữu hiệu khác nhau của các tổ chức trong việc làm các quyết định, liên kết với con số và sức mạnh của những tụ điểm quyền lực, vượt trội sự phân chia quyền hành hiến định chính thức về tầm quan trọng. Sự phân phối thực sự về quyền lực trong xã hội chính trị và những thực thi của của xã hội đó có thể khác với, hay ngay cả không phù hợp với, hiến pháp chính thức hay là những lí tưởng và chủ thuyết mà xã hội đó đeo đuổi. Cả hai điều này đều quan trọng, nhưng rõ ràng là thứ yếu đối với những phương cách vận hành của xã hội. Những tụ điểm quyền lực mạnh có thể áp đặt những giới hạn thực sự cho ngay cả một nhà độc tài mà trên lí thuyết là toàn năng. Ngược lại, những tụ điểm quyền lực yếu hoặc không đáng kể sẽ cho phép một nhà cai trị của một Nhà Nước có hiến pháp chính thức cai trị một cách độc đoán, và ngay cả xé bỏ hiến pháp, đúng ra là tuỳ thích.

    Trong Chương, “Phạm Trù Xã Hội,” chúng tôi cũng đã lí luận rằng khả năng bạo động chính trị được định chế hoá, một khi đã được thiết định cho một mục đích nào đó, có thể được chuyển đổi qua những mục đích khác không hề được dự tính từ lúc đầu, và rằng sự chuyển đổi này có thể được thực hiện chủ yếu là tuỳ ý của những người chỉ huy những tổ chức đó (trừ phi có sự can dự của những lực lượng khác). Vì vậy, độc tài, diệt chủng, chiến tranh, và những hệ thống áp bức xã hội đã từng được xem như là liên hệ mật thiết với nhau, vì chúng là 4 áp dụng của bạo động chính trị được định chế hoá; không có khả năng này, chúng không thể xảy ra. Bạo động chính trị được định chế hoá được xem như là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ, cho sự phát triển của 4 hiện tượng đó. Mặt khác, không có khả năng được định chế hoá như thế hẳn phải cho phép những hoàn cảnh tích cực hơn phát triển. Thêm nữa, những hiệu quả của những chế tài bất bạo động về tản quyền và về việc tăng cường khả năng cho người dân, như đã được thảo luận ở chương này, sẽ có khuynh hướng tạo ra những hoàn cảnh và những đặc tính mới cho xã hội chính trị; những hoàn cảnh và đặc tính này sẽ vượt trội trong những hoàn cảnh và đặc tính mà chúng ta gọi là tự do, tôn trọng sự sống, hoà bình, và công lí xã hội.

    Cả những tổ chức lẫn các chế tài, do đó, đều được xem là hết sức quan trọng cho việc tạo nên hoàn cảnh chính trị cho một xã hội nào đó trong mọi thời điểm, và chúng liên hệ với nhau. Ví dụ, trong một xã hội có những tụ điểm quyền lực mạnh thì người dân sẽ có nhiều khả năng sử dụng những chế tài bất bạo động hữu hiệu hơn bởi vì họ có những căn cứ tổ chức dành cho việc đấu tranh tập thể. Những tụ điểm này có lẽ sẽ đặc biệt quan trọng khi chúng kiểm soát được các nguồn sức mạnh chính trị. Mặt khác, những tụ điểm quyền lực này có khuynh hướng được tăng cường và khả năng tổ chức của người dân gia tăng trong thời gian của những cuộc đấu tranh bất bạo động quan trọng, nhất là khi những cuộc đấu tranh này mạnh đủ để thành công.

     Trong phần thảo luận kế tiếp chúng ta sẽ đặc biệt lưu tâm đến những ảnh hưởng của sự phân phối quyền lực hữu hiệu và của các chế tài đối với hoàn cảnh chính trị của xã hội. Như là một yếu tố then chốt trong bất cứ khả năng quyền lực nào, các chế tài sẽ được thảo luận như là một hiện tượng riêng biệt, và chúng ta sẽ thu hẹp phần còn lại của những yếu tố của quyền lực hữu hiệu thành “sự phân phối của các tổ chức về khả năng hữu hiệu của việc làm quyết định.”

Một Công Thức Xã Hội

 

    Giả thuyết căn bản cần được tìm hiểu ở đây là sự tương tác giữa sự phân phối của các tổ chức về khả năng hữu hiệu trong việc làm những quyết định và các chế tài của xã hội – bao gồm các thể loại, khả năng, và thực hành – là những nhân tố chính yếu mà với thời gian sẽ có khuynh hướng tạo nên “hoàn cảnh chính trị” của xã hội.” Vì thỉnh thoảng hai nhân tố này sẽ biến đổi, và có lúc lại thay đổi rất nhiều; vì vậy, như là một kết quả, hoàn cảnh chính trị cũng sẽ thay đổi. Chúng tôi nói đến hoàn cảnh của cả hai nhân tố trong xã hội chính trị như là một tổng thể — bao gồm quảng đại quần chúng, các tổ chức và cơ chế độc lập (những tụ điểmquyền lực), và các cơ quan chính quyền (bao gồm Nhà Nước). Trong lúc điều khó nhất hay là không thể thực hiện được là đo lường từng nhân tố một cách chính xác, nhưng điều này không cần thiết cho những mục đích của chúng ta; chúng ta đang nói đến những đặc tính chính yếu của việc phân phối việc làm các quyết định và các chế tài được sử dụng. Phát biểu sự tương tác này bằng một công thức có thể giúp ích được phần nào:

Phân phối của các tổ chức về khả năng hữu hiệu trong việc làm các quyết định Tương tác với

các chế tài: thể loại, khả năng, và thực hành

Tạo nên

hoàn cảnh chính trị

    Về dài hạn, hoàn cảnh chính trị sẽ được tạo nên và sửa đổi bởi sự tương tác của sự phân phối tương đối của các tổ chức về khả năng hữu hiệu trong việc làm những quyết định với thể loại của các chế tài được trông cậy vào, bao gồm khả năng và sự thực hành của những chế tài này. Những nhân tố khác cũng có thể tác động lên hoàn cảnh chính trị, nhưng hai nhân tố này được xem là chính  yếu.

     Sự vận hành của công thức này có thể được minh hoạ bằng cách cho thấy ảnh hưởng của những hỗn hợp của những phân phối bởi các tổ chức về việc làm những quyết định và các chế tài, trong những trường hợp mà những hỗn hợp này tương đối rõ ràng. Chúng tôi sẽ trình bày điểm này cho năm hoàn cảnh khác nhau; năm hoàn cảnh này, dù là những mô thức phân tích, nhưng lại rất gần với những hoàn cảnh chính trị thực sự.

    Hoàn Cảnh Một: Trong loại hoàn cảnh này, các tụ điểm quyền lực cực kì yếu, hoặc đã bị xói mòn một cách có hệ thống và bị phá huỷ. Quyền làm những quyết định hữu hiệu đã được tập trung rất nhiều vào trong tay của một nhóm lãnh đạo nhỏ chỉ huy guồng máy Nhà Nước, và cũng kiểm soát mọi tổ chức hiện hành khác. Các chế tài của xã hội toàn là những chế tài hết sức bạo động. Một khả năng hết sức phát triển được định chế hoá đã được tạo nên dưới hình thức cảnh sát và quân đội. Những chế tài bạo động được áp dụng phổ cập bằng đe doạ hoặc bằng thực hành để kiểm soát trong nước và các quan hệ quốc tế.

    Khi có một sự hỗn hợp của những loại làm quyết định với các chế tài xảy ra trong xã hội chính trị thì hệ quả của hoàn cảnh chính trị sẽ là một loại độc tài có khả năng áp bức xã hội, gây nên chiến tranh, và thực hiện diệt chủng nếu nhà cai trị của hệ thống muốn như vậy. Điều này đúng dù những lí tưởng được đeo đuổi và những mục đích tối hậu của hệ thống là nhân bản, và ngay cả dù có một hiến pháp thành văn mệnh danh là đang được áp dụng thiết lập những thủ tục và thực hành hoàn toàn khác. Trong trường hợp sau này, nhà cai trị có thể dễ dàng xoá bỏ hiến pháp chính thức và đưa cơ cấu chính thức vào cho phù hợp với hệ thống chính trị thực sự. Hoàn Cảnh Một có thể được minh hoạ qua biểu đồ sau đây:

Khả năng làm quyết định hết sức tập trung

Tương tác với

các biện pháp chế tài bạo động mạnh

Với thời gian tạo nên

độc tài có khả năng hành động cực đoan

    Hoàn Cảnh Hai: Trong loại hoàn cảnh này các tụ điểm quyền lực rất mạnh so với cơ cấu của Nhà Nước và có khả năng làm những quyết định độc lập, ngay cả đối lập với nhà cai trị đang chỉ huy guồng máy Nhà Nước. Những chế tài của Nhà Nước là những chế tài bạo động, còn những chế tài của các tụ điểm quyền lực bao gồm các chế tài bất bạo động trong những hoạt động nội bộ và trong các tương giao với nhau. Tuy nhiên, những tụ điểm quyền lực trong những cơn khủng hoảng cùng tột cũng trông cậy vào các chế tài bạo động. Hoàn cảnh chính trị hệ quả sẽ có khuynh hướng bất ổn.

    Hoàn cảnh chính trị bất ổn sẽ bao gồm một mức độ cao về tự do và dân chủ, một sự vắng bóng của tình trạng áp bức xã hội có hệ thống, v.v. Tuy nhiên, nếu xảy ra một cơn khủng hoảng có tầm mức hệ trọng thì kết quả sẽ là một sự bành trướng tầm cỡ về khả năng và về thực hành của những biện pháp chế tài bạo động. Những hiệu quả tập trung của những chế tài bạo động như thế sẽ có khuynh hướng đem lại những tác dụng về cơ chế. Vì những yêu cầu quân sự về hiệu năng đòi hỏi, và vì khả năng được định chế hoá về bạo lực chính trị trong tay Nhà Nước được bành trướng và áp dụng, sức mạnh tương đối của những tụ điểm quyền lực so với Nhà Nước thì có khuynh hướng sa sút. Điều này có lẽ cũng xảy ra dù cho cuộc đấu tranh bạo động, như là để chống ngoại xâm chẳng hạn, được khởi động bằng chiến tranh du kích; trong những cuộc đấu tranh quan trọng, những giai đoạn tản quyền lúc ban đầu của chiến tranh du kích sẽ được thay thế ở những giai đoạn sau bằng trung ương tập quyền càng lúc càng gia tăng và bằng sự chuyển qua những lực lượng và chiến đấu quân sự quy ước.

    Mặt khác, dù hoàn cảnh ban đầu bất ổn, nhưng nếu trong một cơn khủng hoảng lớn mà người ta trông cậy vào các chế tài bất bạo động thay vì bạo động để chống nguy hiểm, với hiệu quả bành trướng khả năng và thực hành của họ, thì những tác dụng đối với hoàn cảnh chính trị chắc hẳn sẽ khác xa với những tác dụng tiếp theo sau các chế tài bạo động. Thay vì những tác dụng này, những đặc tính tản quyền của các tổ chức của xã hội, giả sử thành công, không những chắc sẽ được bảo toàn mà còn được bành trướng nữa, do đó tránh được nhiều hậu quả của các chế tài bạo động, và đưa vào những hiệu quả của các chế tài bất bạo động như chúng ta đã thảo luận. Những tình trạng của Hoàn Cảnh Hai có thể được minh hoạ theo biểu đồ sau đây:

Tình Trạng Cơ Bản

Khả năng làm quyết định được phân tán trong các tụ điềm

Tương tác với

chế tài bạo động của Nhà Nước, chế tài bất bạo động giới hạn nhưng chủ yếu là bạo động của các tụ điểm

Với thời gian tạo nên

Hoàn cảnh bất ổn

Giải Pháp A

Hoàn cảnh
bất ổn
Được tác động
bởi

sự suy yếu của các tụ điểm và sự bành trướng của Nhà Nước

Với thời gian
tạo 

sự bành trướng nhiều về các chế tài bạo động

 

Giải Pháp B

Hoàn cảnh
bất ổn
Được tác động
bởi

sự bành trướng nhiều về các chế tài bất bạo động

Với thời gian
làm cho

các tụ điểm được tăng cường và nhiều hiệu quả khác nhau của các chế tài bất bạo động

    Hoàn Cảnh Ba: Trong loại hoàn cảnh này cơ cấu của các tổ chức xã hội hết sức trung ương tập quyền; những tụ điểm quyền lực thì ít hoặc yếu kém, và khả năng làm quyết định lại tập trung vào một nhóm lãnh đạo nhỏ chỉ huy bộ máy Nhà Nước. Nhà Nước trong quá khứ đã từng trông cậy vào những biện pháp chế tài bạo động được định chế hoá, nhưng nay không còn được như thế nữa, gây nên bởi những hoàn cảnh và những phản ứng đặc biệt. Tình trạng này không được ổn định.

    Kết quả có thể có của hoàn cảnh bất ổn này sẽ biến đổi tuỳ theo một số nhân tố, bao gồm những lí do của sự chuyển hướng qua các biện pháp chế tài bất bạo động và sự rốt ráo và lâu bền của sự thay đổi. Sự chuyển hướng này có thể là kết quả của một sự thay đổi quan trọng về chánh sách bởi những người đang chỉ huy bộ máy Nhà Nước do nhận định là chống lại một cuộc tấn công sắp xảy ra bởi một kẻ địch quá mạnh hơn mình về quân sự, thì kháng cự lại bằng quân sự chỉ là tự vẫn. Hay là, sự chuyển hướng có thể xảy ra bởi vì một cuộc cách mạng bất bạo động, chống lại hệ thống, trước đó đã thành công. Trong trường hợp đầu, một sự chuyển giao quyền làm các quyết định, được chuẩn bị hay không được chuẩn bị, từ Nhà Nước tập trung về địa phương, sẽ là một điều cần thiết cho cuộc đấu tranh bất bạo động hữu hiệu, kiên cường chống lại kẻ tấn công. Trong trường hợp sau, sự chuyển giao quyền làm quyết định có lẽ đã xảy ra rồi: hoặc các tổ chức độc lập hiện hành đã được dân chủ hoá và đã tự đảm nhiệm nhiều quyền hành làm các quyết định, hay là các tụ điểm mạnh với khả năng làm các quyết định đã được tạo nên trước hoặc trong thời gian của cuộc cách mạng.

    Những hiệu quả dài hạn của sự chuyển hướng qua các chế tài bất bạo động đối với hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ có lẽ sẽ được quyết định bởi mức độ những thay đổi kéo dài được bao lâu. Nếu những thay đổi chỉ tạm thời, và các chế tài bạo động lại bắt đầu trở lại và lại trở thành những chế tài tối hậu hết sức trội bật của xã hội, thì một cơ cấu trung ương tập quyền do một nhóm lãnh đạo nhỏ thống trị sẽ có cơ tái xuất hiện. Mặt khác, nếu sự chuyển hướng qua các biện pháp chế tài bất bạo động lâu bền, và trở nên những chế tài chính yếu của xã hội thay vì những chế tài bạo động, thì hệ quả hoàn cảnh chính trị có lẽ sẽ là một hoàn cảnh của khả năng quần chúng được phát triển, đáp ứng nhu cầu quần chúng một cách đầy đủ hơn, và tránh được những hậu quả của bạo lực chính trị được định chế hoá. Những tình trạng của Hoàn Cảnh Ba có thể được minh hoạ qua biểu đồ sau đây:

Tình Trạng Cơ Bản

Quyền quyết định hết sức tập trung vào cơ cấu Nhà Nước

Tương tác với

chuyển hướng lớn từ chế tài bạo động đến bất bạo động

Với thời gian
tạo nên

tình trạng bất ổn

 

Giải Pháp A

Hoàn cảnh
bất ổn
Tạo nên bởi

việc tái lập chế tài bạo động

Với thời gian
đưa đến việc

tạo cơ cấu tập trung do lãnh đạo thống trị và bạo lực chính trị định chế hoá

 

Giải Pháp B

Hoàn cảnh bất ổn

Tác động bởi

sự bành truớng và định chế hoá các chế tài bất bạo động

Với thời gian 
đưa dến

sự tăng cường khả năng dân chúng và xã hội tản quyền

 

                      Hoàn Cảnh Bốn: Trong loại tình trạng này khả năng quyết định được phân tán rất nhiều trong các tụ điểm quyền lực còn bộ máy Nhà Nước trung ương thì yếu. Các chế tài bất bạo động đã được chấp nhận một cách có hệ thống và đã được định chế hoá thay cho các chế tài bạo động, và đã được phát triển rất nhiều với khả năng hùng mạnh để sử dụng khi cần đến như là những chế tài tồn trữ hoặc ứng dụng. Hệ quả của hoàn cảnh chính trị có khuynh hướng tương đối ổn định; khả năng của dân chúng được tăng cường rất nhiều, mà không có những nguy hiểm của bạo lực chính trị được định chế hoá, và có nhiều đóng góp mạnh mẽ cho tự do, dân chủ, sự tôn trọng đời sống, hoà bình quốc nội và quốc tế, và công lí xã hội. Tình trạng của Hoàn Cảnh Bốn có thể được minh hoạ qua biểu đồ sau đây:

Cơ cấu làm những quyết định được phân tán

Tương tác với

những chế tài bất bạo động mạnh

Với thời gian
đem lại

sự tăng cường khả năng của dân chúng và những hoàn cảnh xã hội tích cực

    Trừ phi có những nhân tố hoàn toàn mới được đưa vào, Hoàn Cảnh Một và Bốn nói trên tương đối ổn định, cho nên khi người ta biết được sự phân phối quyền làm những quyết định và loại chế tài thì người ta có thể tiên đoán khá chính xác hậu quả của những hoàn cảnh chính trị. Mặt khác, Hoàn Cảnh Hai và Ba thì hết sức bất ổn. Trong những trường hợp này khi nào sự phân phối quyền làm quyết định hữu hiệu và sự lựa chọn và thiết lập các chế tài tối hậu còn chưa được giải quyết thì người ta sẽ không thể tiên đoán được với độ chính xác những hoàn cảnh chính trị sau đó như thế nào.

    Hoàn Cảnh Năm: Bốn hoàn cảnh trên liên hệ đến sự trông cậy nhiều vào một trong các loại chế tài hay một thời gian chần chừ trong lúc xã hội do dự giữa loại chế tài này hay loại chế tài khác. Trong hoàn cảnh thứ năm, quyền làm các quyết định cơ chế được chia sẻ, theo những tỉ lệ khác nhau, giữa Nhà Nước và các tụ điểm quyền lực. Sự phát triển và sử dụng các chế tài bất bạo động hết sức giới hạn và không đáng kể; tuy nhiên, trong lúc đó, các chế tài bạo động, mặc dù được chấp nhận như là loại chế tài tối hậu của xã hội, lại yếu kém và tương đối ít được phát triển. Điều này có thể xảy ra khi không có hay có ít những nguy hiểm và đe doạ, mà người ta cảm nhận được, đòi hỏi cần có những chế tài mạnh thuộc bất cứ loại nào. Hệ quả  của hoàn cảnh chính trị có khuynh hướng có một mức độ tự do vừa phải nhưng quan trọng, có sự tôn trọng đời sống, không có áp bức xã hội quá mức, và có ít xung đột bạo động lớn và ít chiến tranh, nếu có. Sẽ không có những áp lực từ những chế tài bất bạo động về tản quyền và chuyển giao quyền lực, dù những áp lực này có thể đến từ những nguồn khác như là niềm tin, triết lí, và nhu cầu của các tổ chức.

    Hoàn cảnh chính trị này có khuynh hướng ổn định chỉ khi nào không xảy ra những cơn khủng hoảng gây nên một nhu cầu lớn đòi hỏi cần phải có chế tài. Nếu khủng hoảng xảy ra thì khả năng chế tài bạo động có thể bành trướng rất nhanh chóng. Sự phát triển và sử dụng các chế tài này ở tầm mức lớn sẽ gây áp lực tập trung quyền làm quyết định và kiểm soát các tổ chức, và đem lại những hậu quả của bạo lực chính trị được định chế hoá ở tầm mức lớn. Hoàn cảnh này có thể được phác hoạ như sau:

Quyền quyết định chia sẻ giữa Nhà Nước và các tụ điểm quyền lực

tương tác với

các chế tài bạo động ít phát triển

Với thời gian
đem lại

tự do vừa phải, không có áp bức lớn hay chiến tranh: không ổn định khi có khủng hoảng

Khủng hoảng, như ngoại xâm chẳng hạn

Giải quyết bằng

sự bành trướng mạnh mẽ của các chế tài bạo động

Với thời gian
đưa đến

Gia tăng trung ương tập quyền và bạo lực chính trị được định chế hoá

  

    Cần phải nghiêm túc duyệt xét lí thuyết này về những vai trò của các loại phân phối quyền làm các quyết định và các chế tài trong việc kiến tạo nên hoàn cảnh chính trị của một xã hội. Tuy nhiên, nếu lí thuyết này vững thì sẽ có nhiều ý nghĩa cơ bản cho việc thiết kế những đại chiến lược mới thay đổi xã hội được thoả đáng hơn là những chiến lược trong quá khứ.

Thiết Kế Những Chiến Lược Tăng Cường Khả Năng

    Nhiều người sẵn sàng chấp nhận rằng thay đổi nhiều các cơ chế chính trị của chúng ta bằng sự lựa chọn có chủ ý là một việc làm có thể thực hiện được. Khả năng có những lựa chọn để tái thiết xã hội chính trị cũng áp dụng cho việc lựa chọn loại chế tài mà xã hội trông cậy vào và cho quyết định là các hệ thống chính trị của chúng ta sẽ hết sức trung ương tập quyền hay là nên có một hệ thống mà quyền quyết định được phân tán.           Những phân tách trong các chương trước gợi ý là những phương cách hiện hữu dùng để đáp ứng các chức năng của xã hội không phải là những phương cách duy nhất có thể có được. Nếu người ta có thể tìm ra và phát triển được những phương cách khác hữu hiệu thì chúng có thể thay thế cho những phương cách hiện tại như là những thay thế thực dụngc. Nhận định này, Robert K. Merton viết, “làm sáng tỏ bản chất của những gì đang hiện hữu và những gì không thể tránh được.”15 Khi nhấn mạnh về việc có thể có những thay thế thực dụng, loại phân tách này trở thành chìa khoá cho sự thay đổi cơ bản, hơn là một phương thức giữ y nguyên trạng như một vài người đã từng kết án. Cho nên phương thức này trở nên một công cụ trí tuệ giúp phát triển những cách nhằm đạt đến một sự thay đổi nền tảng, bao gồm cả việc giải quyết vấn đề phức tạp về bạo lực chính trị không những chưa bao giờ được giải quyết mà còn hiếm khi được đặt vấn đề một cách toàn vẹn.

Công Nhận Những Giải Pháp Thay Thế
Như Là Chìa Khoá Cho Sự Thay Đổi Cơ Bản

 

    Sự thất bại của chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề của bạo lực chính trị được định chế hoá, và những vấn đề phụ thuộc như chiến tranh, phần lớn bắt gốc từ sự thất bại của chúng ta về việc nhìn nhận rằng các chế tài bạo động không phải là những chế tài duy nhất có thể có được, và rằng chúng ta có thể khai phá tiềm năng của các chế tài bất bạo động để thay thế. Sự thất bại này là một thất bại về nhận thức của những người từng ủng hộ mạnh mẽ nền dân chủ phóng khoáng và tư bản của Tây phương lẫn của những người chống đối lại và chỉ ủng hộ một trong những hệ thống xã hội chủ nghĩa.

    Tuy nhiên, loại phân tách này cho thấy cách thức duyệt xét các giải pháp khác, hay là những thay thế thực dụng, mà nếu hữu hiệu như là một phương tiện, thì có thể làm được những công việc thay thế cho những cách thức đang được thực hiện. Điều này có thể là chìa khoá cho sự thay đổi cơ bản về các chế tài chính trị. Như chúng ta đã từng thấy trong các chương trước, các chế tài bất bạo động đã được dùng thay cho các chế tài bạo động trong nhiều hoàn cảnh trong quá khứ trong những xã hội hết sức khác biệt. Do đó thực sự có những chế tài bất bạo động để thay thế. Điều này mở đường cho sự thay đổi cơ bản đến mức độ chế tài bất bạo động có thể thay thế được cho chế tài bạo động. Nếu chế tài bất bạo động có thể được làm cho hữu hiệu, và nếu được chấp nhận như là một loạt những thay thế cụ thể như đã được thảo luận trong chương trước, thì những chế tài bạo động có thể được loại bỏ như không còn cần đến nữa. Một loạt những thay thế như thế sẽ đóng góp vào sự thay đổi có tính hệ thống liên hệ đến việc tăng cường khả năng cho quần chúng và dân chủ hoá các tổ chức.

    Tuy nhiên, sự phân tích những cách thức thay thế nhằm đáp ứng những nhu cầu của xã hội không bị giới hạn trong việc áp dụng cho các chế tài mà thôi, mà còn có thể được áp dụng cho những cơ chế tập trung tầm cỡ có những thủ tục làm các quyết định bởi một nhóm lãnh đạo nhỏ cùng với khả năng làm suy nhược người dân đang bị các cơ chế này ảnh hưởng hoặc kiểm soát. Những cơ chế này bao gồm cả những tổ chức kinh tế tầm cỡ lẫn bộ máy Nhà Nước. Cho đến mức độ nào có thể thực hiện được, nếu chúng ta có thể, cứ từng bước một, thổi luồng sinh khí vào, bành trướng, và ngay cả tạo nên những tổ chức phi chính phủ khác và các cấp thấp của chính quyền tham dự để đáp ứng các nhu cầu xã hội, kinh tế, và chính trị của xã hội, thì chúng ta có thể đảo ngược lại được sự tập trung phi thường về quyền lực hữu hiệu vào tay những công ti lớn và bộ máy Nhà Nước trung ương.

    Trong lúc chiêm nghiệm những vấn đề của xã hội của chúng ta và sự tăng trưởng quyền lực tập trung của Nhà Nước, chúng ta cần phải làm nhiều hơn là chỉ bảo tồn những khía cạnh tốt của xã hội có nguồn gốc trong quá khứ mà nay vẫn còn có giá trị, và nhiều hơn là tạo những thay đổi chỉ để sửa sai những sai lầm nào đó mà thôi. Chúng ta phải chủ ý hành động theo những phương cách tăng cường các tổ chức phi chính phủ của xã hội, và chủ tâm tránh gia tăng sự tập trung quyền lực hữu hiệu vào tay Nhà Nước.

    Chỉ vạch trần những nguy hiểm của chính quyền trung ương mạnh, sự vô cảm của chế độ quan liêu, hay là thuế má cao không đem lại giải pháp lâu bền cho vấn đề kiểm soát bởi một nhóm lãnh đạo nhỏ, trung ương tập quyền, và sự bành trướng liên tục của những công ti kếch xù và của bộ máy Nhà Nước. Cần phải có thay đổi về cơ chế. Một cách để thực hiện điều này là tạo nên những tổ chức khác thay thế để đáp ứng các chức năng mong muốn và cần thiết hiện đang được cung ứng bởi những tổ chức tập trung lớn.

    Một vài công tác hiện đang được thi hành bởi guồng máy Nhà Nước thực ra không cần có, hay ngay cả không thích hợp cho một xã hội thường hay đề cập đến tự do và dân chủ. Các chức năng này, và những bộ phận của Nhà Nước chăm lo những chức năng đó có thể đơn giản được huỷ bỏ đi vì phúc lợi và an sinh của xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các chức năng tổng quát được Nhà Nước thi hành (hay lẽ ra phải thi hành), và nhiều chức năng đề nghị khác nữa, đều được hầu hết mọi người xem như là được mong muốn hay là cần thiết. Sự can dự của Nhà Nước trong việc đáp ứng các nhu cầu này sẽ không bị giảm thiểu cực độ hoặc chấm dứt cho đến khi hay trừ phi các chức năng này được thực hiện khác đi một cách thành công bởi những cơ chế khác. Do đó, nếu muốn chặn đứng sự bành trướng thêm của bộ máy Nhà Nước trung ương, thì người ta cần phải tạo ra những phương cách khác để đáp ứng những nhu cầu đích thực về xã hội, kinh tế, và chính trị đã từng bị xao lãng mà các nhà cải cách đề nghị Nhà Nước có thể chăm lo. Sự bành trướng của Nhà Nước vào trong xã hội và kinh tế không thể ngăn chặn lại được bằng cách tránh trách nhiệm xã hội hay bằng sự lơ là. Điều này cũng không thể thực hiện được bằng cách giao phó tất cả cho những công ti tập trung, kếch xù của quốc gia và liên quốc gia được. Trừ phi có những tổ chức và những giải pháp thay thế khác được thiết lập, sự bành trướng tiệm tiến của bộ máy Nhà Nước cứ tăng dần vào trong xã hội là một điều không thể tránh được.

    Để giảm bớt một cách tiệm tiến kích cỡ của Nhà Nước trung ương hiện hành, và do đó những nguy hiểm của nó, thì cần phải tạo ra hoặc tăng cường các tổ chức (những tụ điểm quyền lực) tầm cỡ nhỏ với khả năng làm quyết định được phân tán để cung ứng cho những nhu cầu đích thực, và rồi dần dà chuyển những tổ chức này qua đảm trách những công tác hiện đang được Nhà Nước thi hành. Chúng ta phải nhắm đến một con số rất lớn những tổ chức, mỗi tổ chức sinh hoạt riêng rẽ ở tầm mức nhỏ với sự tham gia dân chủ cao, hợp tác với những tổ chức khác khi cần thiết về những dự án ở tầm mức vùng hay quốc gia.

    Không có gì ở đây ngụ ý là các tổ chức, các cơ chế tầm cỡ nhỏ, và các cấp thấp của chính quyền luôn luôn là những trường hợp an lành của nhân bản và của dân chủ đại chúng. Nhưng, trong những trường hợp tệ hại nhất, những cơ chế nhỏ vẫn gây tai hại ít hơn là những tổ chức lớn. Với những cơ quan nhỏ thì những người tham dự và các thành viên dễ dàng hành động trực tiếp để sửa sai các vấn đề. Những cơ chế nhỏ tạo được sự tham dự và kiểm soát bởi những người trực tiếp quan tâm nhiều hơn là những cơ chế lớn.

    Ở cấp độ chính quyền, mặc dù hay ngay cả bởi vì những phát triển về chính trị trong thế kỉ vừa qua, chúng ta cần phải duyệt xét cẩn thận những phương cách khác nhau để gia tăng sự tham dự và kiểm soát dân chủ. Những ý kiến của Hannah Arendt, đã được thảo luận ở Chương, “Tự Do Và Cách Mạng,” đáng được duyệt xét một cách đặc biệt. Ở nơi nào mà những cơ sở của dân chủ trực tiếp còn tồn tại ngay cả dưới những hình thái rách nát như là những buổi họp dân phố ở New England hay như các tổ chức nông dân vùng Trung Tây [Hoa Kì], thì chúng ta cần phải tìm cách nào để bảo tồn và đem lại cho những cơ sở này nguồn sinh khí và những trách nhiệm mới. Ở nơi nào không có những cơ sở này, thì chúng ta phải tìm cách khởi động những thí nghiệm có trách nhiệm trong việc đưa những cơ sở này vào để, lúc ban đầu, giải quyết những vấn đề giới hạn nhưng quan trọng.

     Sự hỗn hợp của việc từ từ phát triển và chấp thuận cả các chế tài bất bạo động để thay thế lẫn những tổ chức độc lập nhỏ trong một chương trình thay đổi có trách nhiệm theo từng giai đoạn một, sẽ giúp kiến tạo một hoàn cảnh chính trị thực thi được những lí tưởng mà xã hội chúng ta đeo đuổi ở một mức độ cao hơn rất nhiều so với hiện tại.

Những Cuộc Đấu Tranh Giải Phóng Bất Bạo Động

    Những hệ quả cơ cấu dài hạn của cả những chế tài bạo động lẫn bất bạo động đều mang những ý nghĩa sâu xa đối với những cuộc đấu tranh giải phóng chống lại áp bức đủ loại. Có hai điểm rõ ràng:

  1. Giải phóng chủ yếu phải là tự giải phóng; và
  1. Chỉ có giải phóng bằng những phương tiện tăng cường khả năng của nhóm thuộc cấp mới có thể đóng góp vào những thay đổi dài hạn trong những tương quan lực lượng, do đó ngăn cản áp bức trong tương lai.

    Đây không phải là một viễn tượng đem lại thoải mái. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu người ta tìm được một “vị cứu tinh” đơn thân độc mã đánh đổ áp bức, mà không cần đòi hỏi những người bị áp bức phải nỗ lực hay chịu đựng tổn thất gì cả. Mặc dù niềm tin vào viễn tượng này phổ biến, nhưng nguy hiểm. Niềm tin này được đặt nền tảng trên sự thất bại trong việc phân biệt giữa một kẻ áp bức với tình trạng tổng quát của sự áp bức. Trong tình trạng này quần chúng liên tục dễ bị tổn thất, do sự yếu kém của mình, bởi vì bất cứ người nào cũng có thể tranh thủ được vị thế của nhà cai trị và sử dụng vị thế này để áp bức họ. Trong hoàn cảnh này thì một kẻ áp bức chỉ đơn giản được thay thế bằng một kẻ áp bức khác mà thôi. “Giải phóng” mà được kẻ áp bức ban cho trong một phút rộng lượng hay vì những động lực thầm kín khác, hoặc “giải phóng” mà được một thành phần thứ ba đã can dự và đánh bại kẻ áp bức cũ trao cho những người bị áp bức mà không đòi hỏi họ phải có nhiều nỗ lực, thì sẽ không tăng cường khả năng của thuộc cấp và các tổ chức của họ, và có thể bị cất đi một cách dễ dàng như khi được ban cho vậy. Mặt khác, giải phóng mà do chính những người bị áp bức tranh thủ được, như là kết quả của những nỗ lực tự tăng cường sức mạnh của mình và của việc sử dụng bất hợp tác và thách thức, thì sẽ thay thế tình trạng áp bức bằng một hoàn cảnh sức mạnh xã hội tự lực cánh sinh và do đó không bị lấy đi một cách dễ dàng được. Tình trạng sau này sẽ đem lại những hiệu quả dài hạn hữu ích và lâu bền hơn rất nhiều.

    Bao giờ mà người ta còn có thể tự suy nghĩ lấy cho mình và duy trì tự trọng, thì người ta sẽ tranh đấu để đạt cho kì được, để bảo tồn, và nới rộng tự do của họ. Tuy nhiên đáng tiếc là tại nhiều quốc gia và trong nhiều hệ thống, quyền lực của nhà cai trị và của nhóm lãnh đạo kinh tế quá rộng lớn và không được kiềm chế đến độ tình trạng chịu đựng bởi quảng đại quần chúng chỉ có thể được mô tả như là áp bức. Loại hệ thống có thể có nhiều hình thái khác nhau. Nó có thể là những gì còn sót lại của nền cai trị thực dân, của đô hộ ngoại bang, của bóc lột kinh tế, của thống trị xã hội (như đối với phụ nữ và tiện dân), của những hệ thống kì thị chủng tộc, của độc tài quốc nội, hay của một danh xưng nào khác. Khi người ta tìm cách lật đổ áp bức, thiết lập sự kiềm chế của dân chúng đối với quyền lực chính trị, đối với thống trị xã hội, và đối với lãnh đạo đủ loại, tức là người ta đấu tranh để giải phóng.

    Do đó, vấn đề giải phóng không biến mất chỉ vì các chế độ thuộc địa Âu châu cũ đã được thay thế bởi các chế độ bản địa. Tự do – trong ý nghĩa rộng lớn về xã hội, kinh tế, và chính trị — vẫn còn là một mục đích, tốt lắm thì, cũng chưa đạt được toàn vẹn, và trong nhiều trường hợp lại còn bị vi phạm trắng trợn bằng những phương cách cực đoan dưới nhiều chiêu bài và hệ thống khác nhau.

    Những câu hỏi quan trọng do đó trở nên là làm thế nào để những người bị áp bức tiến hành được cuộc đấu tranh để đạt được thay đổi, không biết họ có thành công hay không, sẽ có những tổn thất nào, không biết về lâu về dài có có được một xã hội tốt đẹp hơn nhiều hay không, một xã hội gần như là tự do.

    Câu hỏi phải đấu tranh như thế nào thường được trả lời bằng những cảm xúc phát sinh từ niềm đau bị áp bức trong quá khứ. Những cuộc đấu tranh giải phóng thuộc bất cứ loại nào cũng luôn luôn chứa đựng những yếu tố cảm xúc và hết sức chủ quan. Bất cứ hoàn cảnh cách mạng nào cũng đều có một cái gì không nắm bắt được khó mà phân tích một cách khách quan. Đưa ra được yếu tố không nắm bắt được này bằng cách phân tích kĩ lưỡng và bằng quyết định lí trí lại còn khó hơn.

    Đó là cái tinh thần của một dân tộc đứng lên chống lại những hoàn cảnh mà họ không còn chịu đựng được nữa và đồng thời vẫn trung thực với chính mình, với những niềm tin của mình, và với những ước mơ của mình cho ngày mai. Đó là sự sẵn lòng đánh liều mặc những thua lỗ không thể tính toán được, vì sợ rằng trí óc sẽ ngăn cản con tim mà thực ra chính con tim là nguồn sáng tạo của những cuộc cách mạng. Đó là sự can đảm giáng xuống nhát búa đầu tiên để giành tự do trong lúc những người khác đứng chờ dấu hiệu. Đó là sự sẵn lòng cứ tiếp tục, mặc dù biết rằng nếu tính toán xác suất hơn thua, thì mình không thể thắng được. Đó là một người sẵn lòng chết cho một tương lai mà chỉ có người khác mới thấy được.

    Dù rằng yếu tố xúc cảm do đó mạnh trong tất cả mọi loại phong trào thay đổi xã hội, nhưng mục đích tuyên bố công khai không đơn giản chỉ là thoả mãn nhu cầu tâm lí riêng tư của mình, mà là tạo thay đổi. Nhất là trong những phong trào giải phóng và cách mạng chính yếu, nếu chỉ để bị hướng dẫn bởi cảm xúc không mà thôi, thì người ta có thể vấp phải những lỗi lầm nghiêm trọng trong việc chọn lựa các công cụ — cả những chế tài lẫn các tổ chức – cho việc tranh thủ các mục tiêu của mình. Nếu có được ý thức trách nhiệm về kết quả thực sự đã đạt được, điều sẽ ảnh hưởng nhiều người hiện đang sống cũng như những thế hệ tương lai, thì người ta cần phải duyệt xét kĩ lưỡng việc làm thế nào để đạt được những mục đích của mình như là phương tiện để tranh thủ những mục tiêu khác, đồng thời đáp ứng được những nhu cầu cảm xúc riêng tư của mình.

    Sự chọn lựa này không đơn giản chỉ là ở giữa những cách thức dễ và khó. Thường thường thì dễ và khó về phương tiện thì khó mà tiên đoán được, và nếu người ta muốn có sự thay đổi cơ bản, thì thường không có phương cách dễ dãi. Người ta cũng không thể tính toán chỉ dựa trên căn bản của những khác biệt tiên đoán về sự đau khổ giữa việc sử dụng những chế tài bạo động và những chế tài bất bạo động được. Những khác biệt này cần phải được duyệt xét, và các chế tài bất bạo động tỏ ra là tạo ít đau khổ hơn nhiều và ít tổn thất hơn nhiều so với các chế tài bạo động. Điều này quan trọng, nhưng không phải là nhân tố duy nhất được xét định. Dù ta chọn đấu tranh hay không làm gì cả, thì những nạn nhân của áp bức cũng sẽ phải chịu đau khổ.

    Trong tất cả mọi trường hợp áp bức, vấn đề duy nhất quan trọng hơn cả của những phong trào giải phóng là làm thế nào để hành động bằng những phương tiện thay đổi được tình hình, chấm dứt những hoàn cảnh bất công, và thiết lập được sự kiểm soát bởi dân chúng về đời sống của chính họ và về xã hội. Mức độ của sự thay đổi được đòi hỏi, dù nhỏ bé hay căn bản, sẽ ảnh hưởng mạnh đến loại và tính cực đoan của hành động này. Trong những hoàn cảnh cách mạng, vấn đề chỉ là nghiêm trọng hơn, nhưng chủ yếu vẫn là cùng một vấn đềd. Đó là vấn đề chiến lược: làm thế nào hành động ngõ hầu đạt được hiệu lực tối đa để chấm dứt áp bức tức khắc và để thiết lập một hệ thống thay thế có nhiều công lí, nhiều kiểm soát bởi dân chúng, và nhiều tự do hơn. Vấn đề này đòi hỏi sự lưu tâm của tất cả những ai muốn chống lại áp bức và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Những Nhân Tố Then Chốt
Cho Giải Phóng Bất Bạo Động

    Có một vài trong số những nhân tố chính yếu cần phải được duyệt xét bởi những người hay nhóm người muốn thực hiện giải phóng bằng đấu tranh bất bạo động:

  1. Họ sẽ cần phải hiểu càng đầy đủ càng tốt bản chất của địch và của hệ thống, và của hoàn cảnh rộng lớn trong đó cả địch lẫn nhóm đấu tranh sẽ hành động. Thiếu hiểu biết, hay là những sai lầm về nhận định, có thể đưa đến những lỗi lầm chiến lược hoặc chiến thuật nghiêm trọng. Hiểu được đối thủ và xã hội chính xác và đầy đủ hơn sẽ làm cho việc chọn lựa đường hướng hoạt động hữu hiệu nhất có thể thực hiện được.
  2. Loại chế tài — tức là kĩ thuật đấu tranh — được sử dụng trong cuộc đấu tranh cần phải được lựa chọn một cách có ý thức với sự duyệt xét những hệ quả của cả ngắn hạn lẫn dài hạn, những ưu điểm và nhược điểm của nhóm đấu tranh và của địch, và bối cảnh rộng lớn trong đó cuộc xung đột đang xảy ra. Sự lựa chọn này không nên để mặc cho rủi may, cho sự quyết định của những nhóm nhỏ, cho những kết quả của đắng cay, hoặc cho những giả định không được thẩm định về quyền lực.

Trong quá khứ, việc thể loại các chế tài không được chọn lựa một cách có ý thức xảy ra rất thường xuyên, và những người nổi loạn trông cậy quá thường xuyên vào bạo lực chính trị, điều mà đối phương được trang bị tốt hơn để sử dụng. Sự chọn lựa này thường bất lợi ngay, và đã đóng góp về dài hạn cho một xã hội khác hơn là mong ước, như đã thảo luận ở trên.

  1. Các chế tài bất bạo động — tức những phương pháp của kĩ thuật đấu tranh bất bạo động — cần phải được hiểu một cách thấu triệt. Điều này bao gồm lí thuyết về quyền lực của kĩ thuật, các phương pháp, các động năng, và những phương thức tạo thay đổi, các yêu cầu, các điều kiện để có hiệu lực, các nguyên tắc về chiến lược, những phản ứng đối với đàn áp, và những phương tiện khác kết thúc những cuộc đấu tranh riêng rẽ.
  2. Kiến thức rộng về đại chiến lược đấu tranh và về bản chất và về các đòi hỏi về những nhu cầu của các chế tài bất bạo động cần phải được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Điều này sẽ giúp quảng đại quần chúng có khả năng hành động ăn nhịp với những nhu cầu đó, bất kì những điểm đấu tranh và mức độ tham dự của họ là gì.
  3. Những chiến lược cá biệt, cùng với những chiến thuật hỗ trợ, cần phải có cho mỗi hoàn cảnh riêng, phải được thiết kế với quá trình kiến thức về những nhân tố nói trên và những nhân tố khác thêm nữa.
  4. Cần phải thành lập một nhóm người càng lớn càng tốt, tận tâm với lí tưởng giải phóng, có một sự hiểu biết thấu đáo về các chế tài bất bạo động, và sự sẵn lòng sử dụng những chế tài này một cách có kỉ luật.
  5. Đòi hỏi cần phải liên tục chú trọng đến tình trạng của phong trào đấu tranh trong một hoàn cảnh xung đột liên tục biến đổi. Sẽ cần phải có những nỗ lực sửa đổi các khuyết điểm. Các chiến dịch cần phải được đánh giá để làm thành những bài học.
  6. Ở nơi nào mà cuộc đấu tranh bùng nổ một cách tự phát thì có thể được tăng cường bằng sự hiểu biết vừa có tính trực giác vừa trí tuệ về kĩ thuật đã đang được sử dụng, và cũng bằng những sáng kiến đã được phát triển trong thời gian đấu tranh bởi những người có sự hiểu biết rộng lớn hơn về loại các chế tài này.
  7. Trong một cuộc đấu tranh quan trọng, đòi hỏi cần phải có những sáng kiến chiến đấu và những chiến lược đấu tranh đến mức độ cuộc đấu tranh này còn phù hợp với kĩ luật bất bạo động, cùng với những nhận định chính xác là các chế tài bất bạo động hữu hiệu như là một phương tiện để đạt đến những mục tiêu khác. Nếu những điều này không xảy ra, thì mất tinh thần hay là một sự chuyển đổi qua bạo động sẽ xuất hiện, cùng với những hậu quả tai hại của chúng.
  8. Giả sử có đủ sức mạnh, thì phong trào đấu tranh bất bạo động phải kiên quyết trước đàn áp và hăm doạ, và khước từ chịu khuất phục. Những người lãnh đạo phải nêu gương này cho tất cả mọi người tham dự: lãnh đạo không nên để cho đối phương làm cho người ta hiểu như là mình đã chấp nhận một hình phạt giảm khinh để đánh đổi một sự đối kháng nhẹ nhàng hơn. Hành sử như thế sẽ làm mất tinh thần dân chúng hay chuyển đổi qua bạo lực chính trị; hành vi này chỉ có thể được sửa sai bằng cách loại bỏ những người lãnh đạo này và bằng cách tung ra những sáng kiến bất bạo động có tính chiến đấu hơn.
  9. Trừ phi quần chúng và các tụ điểm quyền lực quá sức mạnh so với bộ máy Nhà Nước, giải phóng thường không thể đạt được trong một cuộc đấu tranh ngắn ngủi duy nhất. Thay vì như vậy, giải phỏng thường xảy ra theo từng giai đoạn. Trong những giai đoạn này, sức mạnh của người dân gia tăng, khả năng áp dụng các chế tài bất bạo động của họ tăng trưởng, trong lúc các nguồn sức mạnh của đối phương bị hạn chế hay bị cắt đứt, và trong lúc các thành phần thứ ba có thời giờ để chuyển đổi lòng trung thành và sự hỗ trợ của họ. Vào một số thời điểm, chia rẽ và những khuyết điểm có thể xuất hiện trong hàng ngũ đối phương. Mặt khác, nhóm đấu tranh bất bạo động có thể gia tăng khả năng sức mạnh hữu hiệu để tranh thủ các mục tiêu của mình.
  10. Khẩn thiết phải nhớ là loại đấu tranh giải phóng này là một cuộc đấu tranh của phát triển và thay đổi liên tục, không có gì ở thế tĩnh vĩnh viễn. Có lúc, có những thay đổi rất nhanh chóng xảy ra.
  11. Những hình thái của chiến thắng cuối cùng cũng khác nhau, từ một thoả hiệp trang nhã đến sự sụp đổ toàn diện của vị thế và quyền lực của đối phương trong trường hợp cực đoan.

Cần phải chú trọng đến những nhân tố như thế vì những nhân tố này sẽ làm cho người ta lưu tâm đến cả những tổ chức lẫn các chế tài trong thời gian của tiến trình đấu tranh ngõ hầu xã hội mà họ muốn kiến tạo phù hợp với những lí tưởng mà những người tìm kiếm sự thay đổi đã đeo đuổi từ lúc ban đầu.

 

Chế Tài Bất Bạo Động
Cho Những Mục Đích “Không Công Chính”

 

    Chế tài bất bạo động đã từng được sử dụng cho những mục đích mà nhiều người gọi là không công chính, và có khi những thách thức bất bạo động chống lại cấp lãnh đạo đã được ổn định lại bị phản lại bởi những chế tài bất bạo động, hay bởi những phản ứng không đòi hỏi đàn áp bạo động phản công. Những phát triển này làm cho một vài người khó chịu, nhất là những người cho rằng chỉ những người tin vào một hệ thống đạo đức và tôn giáo rao giảng luân lí bất bạo động mới nên, hay có khả năng sử dụng hành động bất bạo động mà thôi. Như đã thấy rõ là những người khác cũng có khả năng sử dụng chế tài bất bạo động, thường có hiệu lực lúc ban đầu. Có phải là những người đeo đuổi những ý đồ “không công chính” hay là những người và nhóm người tìm cách đánh bại một thách thức bằng hành động bất bạo động, mới nên sử dụng các chế tài bất bạo động cho mục đích đó hay không là một câu hỏi phức tạp hơn là mới được nhìn thấy lần đầu. Những câu trả lời của chúng tôi cho những câu hỏi này sẽ ảnh hưởng đến đề cương đưa ra trong cuốn sách này về những thay thế có hệ thống của chế tài bất bạo động cho các chế tài bạo động.

    Điều ưa thích nhất của nhóm dấn thân vào đấu tranh bất bạo động dĩ nhiên là những nhóm theo đuổi những ý đồ “không công chính”, hay tìm cách đánh bại một phong trào đấu tranh bất bạo động, nên chấp thuận những mục đích mà nhóm bất bạo động đeo đuổi. Những loại đấu tranh bất bạo động tìm cách cải hoá những thành viên riêng rẽ của nhóm đối phương, khác với những người tìm cách giàn xếp bằng phương thức thích nghi hay cưỡng ép bất bạo động, thì có dự định đạt mục đích này. Tuy nhiên, không phải mọi người sử dụng đấu tranh bất bạo động đều có thể, hoặc nên, đeo đuổi thay đổi duy nhất chỉ bằng phương thức cải hoá mà thôi. Dù sao thì cũng thật là ngây thơ nếu trông chờ tất cả mọi nhóm bị thách thức bằng những phương tiện bất bạo động từ bỏ những niềm tin bền vững, những thực hành, và những mục đích của họ một cách dễ dàng. Đôi khi, nhỡ họ làm như vậy thật thì vẫn không hay. Ví dụ, trước con mắt của nhiều người, nhóm bất bạo động có thể đứng về “phía sai lầm” của vấn đề; dù sao, vào một thời điểm nào đó, những người thuộc Đức Quốc Xã tổ chức những vụ tẩy chay người Do Thái về kinh tế, và những người ủng hộ hội nhập tại vùng Cực Nam đôi khi phải chịu những vụ tẩy chay về xã hội và kinh tế bởi những người chủ trương đối xử phân biệt. Ngay cả khi nhóm bất bạo động đứng về phía “đúng”, thì vẫn đòi hỏi cần phải có một cái gì hơn là chỉ một sự thay đổi nhanh chóng về những niềm tin của đối phương. Có thể đòi hỏi cần phải có những thay đổi về những tương quan lực lượng, chẳng hạn, và những thay đổi này cần thời gian và nỗ lực mới đạt được.

    Hiện thực sự kiện là những người, những nhóm người, các nhóm nhỏ lãnh đạo hùng mạnh, và các giai cấp trong xã hội sẽ tiếp tục có những niềm tin, kiên trì trong cách hành sử, và đeo đuổi những mục đích mà nhiều người trong chúng ta bác bỏ vì lí do “không công chính,” bất chấp sự kiện là những điều này đang bị thách thức bởi các chế tài bất bạo động. Cũng là một sự kiện nữa khi các cơ quan này bị thách thức bởi những phương tiện bất bạo động thì những nhóm người này thông thường sẽ từ chối đầu hàng và sẽ phản ứng bằng cách áp dụng các chế tài. Đây là một nhân tố căn bản “cố định” của hoàn cảnh xung đột mà những người muốn khác đi không thể mơ ước là không xảy ra được.

    Chính trong bối cảnh này mà câu hỏi của những nhóm sử dụng các chế tài bất bạo động cần phải được xem xét. Tuỳ theo những niềm tin và hoàn cảnh của họ mà họ sẽ sử dụng các chế tài thuộc một loại nào đó: câu hỏi duy nhất là loại nào. Người ta có muốn những nhóm như thế sử dụng bạo lực hay không? Bởi vì các chế tài tối hậu thuộc hai loại, chế tài bạo động và chế tài bất bạo động, loại này hoặc loại kia sẽ được dùng. Không có sự chọn lựa thứ ba. Do đó, trong vòng những hạn chế của hoàn cảnh, người ta phải hỏi xem là sử dụng những chế tài bạo động hay là những chế tài bất bạo động thì “tốt đẹp” hơn – theo những tiêu chuẩn đo lường nào.

    Khi những nhóm và những tổ chức ủng hộ những ý đồ “không công chính” bỏ rơi các chế tài bạo động để tranh thủ các mục đích của họ và thay thế bằng các chế tài bất bạo động, thì những bộ phận này vẫn là một “vấn đề.” Ví dụ, nếu nhãn quan của họ, như kì thì chủng tộc chẳng hạn, động cơ thúc đẩy những hành động của họ, được thay thế bởi những quan điểm và những niềm tin thừa nhận nhân phẩm của tất cả mọi người thì có lẽ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi điều này không xảy ra, thì việc những nhóm này chuyển đổi từ các chế tài bạo động sang các chế tài bất bạo động để tranh thủ các mục tiêu của họ sẽ tốt hơn rất nhiều cho xã hội như là một tổng thể, và cả cho nhóm người mà họ trút lên tất cả hận thù nữa. Ví dụ, nếu một nhóm người “da trắng” kì thị chủng tộc, để ủng hộ niềm tin của họ, sẵn lòng tuần hành với kỉ luật bất bạo động, trong mọi hoàn cảnh trong thời gian của cuộc biểu tình có tổ chức và trong tương lai, thì điều này có thể là một tiến bộ lớn lao trong việc nhân bản hoá phương cách tiến hành những xung đột cực đoan trong một xã hội kì thị chủng tộc. Biến cố này cần phải được so sánh không những chỉ với cái lí tưởng mà theo đó sự kì thị chủng tộc được huỷ bỏ, mà còn phải được so sánh với những phương pháp trước đây của những nhóm kì thị chủng tộc, bao gồm việc treo cổ mà không cần xét xử, đánh đập, đánh bom, và những bạo hành thân xác khác nhằm làm hại, giết, hoặc hăm doạ người ta.

    Thỉnh thoảng khi người ta lần đầu tiên ý thức được là những chế tài bất bạo động có thể không những chỉ có sức mạnh mà còn có thể được chấp nhận bởi những nhóm kì thị chủng tộc hoặc những nhóm khác có những nhãn quan và chánh sách mà họ ghét, thì họ đặt câu hỏi: “Nếu Hitler trước đây sử dụng hành động bất bạo động thì thế nào?” Nếu Hitler và những người đồng thời Đức Quốc Xã của ông chuyển đổi từ những phương tiện bạo động sang những phương tiện bất bạo động, thì họ vẫn là một đe doạ nghiêm trọng, nhưng toàn bộ bản chất của Đức Quốc Xã sẽ thay đổi. Kì thị chủng tộc, chống Do Thái, chủ nghĩa ưu tú hẳn vẫn hiện hữu và sẽ đòi hỏi những biện pháp phản công gắt gao từ những người và những nhóm người chối bỏ những thứ này và muốn xoá bỏ những ảnh hưởng của chúng. Tuy nhiên, không có bạo lực thì những người Đức Quốc Xã đã không bao giờ có thể lập nên được các trại tập trung, tra tấn và hành quyết những đối thủ chính trị, tận diệt những người Gypsies, những người Do Thái, những người đông Âu, và những người khác nữa, hay là xâm lược và thả bom những nước khác. Nếu những người Đức Quốc Xã chỉ tự hạn chế mình vào những cuộc tẩy chay kinh tế, những buổi tuần hành, và những cuộc đình công nhịn đói, chẳng hạn, thì trong bầu không khí của thời bấy giờ họ vẫn đã có thể gây nên nhiều tai hại, nhưng hẳn sẽ không có cuộc Tàn Sát [người Do Thái] và không có chiến tranh. Những vấn đề kì thị chủng tộc, chống Do Thái, chủ nghĩa ưu tú, và nguyên tắc lãnh đạo đã có thể là những đối tượng để tấn công cho những đối thủ của Đức Quốc Xã — đối chiếu với những gì thực sự đã xảy ra vào Đệ Nhị Thế Chiến. Sự chấp nhận các chế tài bất bạo động và bỏ rơi các chế tài bạo động bởi những nhóm có những quan điểm và những mục đích mà chúng ta xem như là không công chính là một sự thay đổi cần được đón mời như là một bước rất giới hạn nhưng quan trọng tiến đến những thay đổi cơ bản hơn cần phải có.

    Nếu những nhóm sử dụng các chế tài bất bạo động cho những ý đồ “không công chính” và áp dụng những chế tài này đối với một phong trào đòi thay đổi cũng đang sử dụng những chế tài bất bạo động thì tốt đẹp nhiều hơn là những nhóm đó sử dụng những chế tài bạo động để đạt cùng những mục đích như vậy. Lí do là vì những hậu quả riêng rẽ và xã hội của ngay cả việc sử dụng các chế tài bất bạo động như thế vẫn tốt hơn là những hậu quả của các chế tài bạo động.

Những Tác Dụng Của Các Chế Tài Bất Bạo Động

     Chế tài bất bạo động, so với chế tài bạo động, sẽ có khuynh hướng:

  • đem lại ít đau khổ, thương tích, và chết chóc hơn rất nhiều;
  • về phương diện tâm lí ít tác hại hơn đối với những người tham dự (Franz Fannon thu thập tài liệu về tác hại tâm lí đối với những người sử dụng bạo lực cho những mục đích cách mạng16, và những tổn thương như thế của những quân nhân Hoa Kì tại Việt Nam cũng được nhiều người biết đến);
  • tác động sâu xa lên tiến trình của cuộc đấu tranh bằng cách giảm thiểu sự leo thang của sự phá huỷ vật chất và xã hội, và đưa vào những động năng đem lại những kết quả không những ít gây tác hại mà ngay cả còn có lợi nữa;
  • giúp duy trì sự chú trọng vào những vấn đề được nêu ra trong cuộc đấu tranh, hơn là đi lệch theo những việc khác, do đó mở đường cho một giải pháp lâu dài cho những vấn đề nói trên;
  • đóng góp vào những chuyển đổi quan trọng về các tương quan lực lượng theo chiều hướng phân tán quyền lực và tăng cường khả năng cho quần chúng; và
  • đóng góp vào việc phát triển một giai đoạn mới cho việc áp dụng chế tài trong các xã hội chính trị mà trong đó người ta đang tiến hành những cuộc xung đột gắt gao chưa được giải quyết bằng cách cả hai phe đều sử dụng những chế tài bất bạo động, thay vì bạo động chống bạo động.

    Nhân tố cuối cùng này có khuynh hướng đưa đến việc làm cho các chế tài bất bạo động được tinh xảo theo nhiều phương cách khác nhau. Những phương cách này bao gồm gia tăng việc duyệt xét các nhân tố đóng góp vào thành công, những nhân tố liên quan đến con người liên hệ đến cuộc đấu tranh, và nhu cầu cải tiến sự thông cảm lẫn nhau. Có lẽ quan trọng nhất là những việc sử dụng các chế tài bất bạo động cho những mục đích “không công chính” và như là những chế tài để chống lại những thách thức của đấu tranh bất bạo động sẽ đóng góp vào việc tách rời ra khỏi tập quán cũ dùng các chế tài bạo động để chống lại chế tài bạo động với hậu quả tập trung quyền lực hữu hiệu, thu tóm ráo riết bạo lực chính trị được định chế hoá, và tiềm lực về những hậu quả trầm trọng.

 

 

 

__________________________________________

CƯỚC CHÚ

 aTrái ngược với sự tin tưởng của Lenin vào một đảng lãnh đạo nhỏ gồm những “nhà cách mạng chuyên nghiệp,” Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht lí luận: “Cách mạng xã hội và tái thiết không cần phải được lo liệu và thực hiện ngoại trừ bởi chính quần chúng….Quần chúng vô sản được kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội từ từng viên đá một bằng nỗ lực của chính họ. Chính quyền tự quản, tự do [chỉ có thể đạt được bởi]…công việc của chính người lao động, chứ không phải bởi hành động vô vọng của một thiểu số.” (Trích bởi Barthelemy de Ligt, Thắng Bạo Lực [ New York: E.P. Dutton, 1938, và London: Geo. Routledge & Sons, 1937, và New York: Garland Publishing, 1972]).

bXem những thảo luận ngắn gọn về kĩ thuật đấu tranh bất bạo động ở Chương, “Tương Đương Về Chính Trị Với Chiến Tranh- Phòng Vệ Trên Căn Bản Dân Sự,” Chương, “Phạm Trù Xã Hội,” và sự duyệt xét rốt ráo trong tác phẩm trước đây của tôi, Chính Trị Của Đấu Tranh Bất Bạo Động (Boston: Porter Sargent Publisher, 1973). 

cXem Chương, “Tương Đương Về Chính Trị Với Chiến Tranh – Phòng Vệ Trên Căn Bản Dân Sự,” và Chương, “Tìm Một Giải Pháp Cho Vấn Đề Chiến Tranh.”

dBarthelemy de Ligt viết: “Vấn đề lớn của đấu tranh cách mạng của quần chúng nằm trong điểm này: làm thế nào để tìm ra những phương pháp đấu tranh vừa xứng đáng với con người vừa đồng thời làm cho những quyền lực phản động được võ trang hùng mạnh nhất vẫn không thể chịu đựng nổi.” (Barthelemy De Ligt, Chinh Phục Bạo Lực: Một Luận Đề Về Chiến Tranh và Cách Mạng [New York: E.P. Dutton,1938, va London: Geo. Routledge and Sons, 1937, va New York: Garland Publishing, 1972], t.163)  

14Harijan, 21 tháng Chín, 1934, t.250; trích từ Gopi Nath Dhawan, Triết Lí Chính Trị Của Mahatma Gandhi (Bản sửa đổi thứ ba; Ahmedabad: Navajivan, 1962 [1957]), t.276.

15Robert K. Merton, Lí thuyết Xã Hội Và Cơ Cấu Xã Hội (Glencoe: Ill.: Free Press, 1949), t.52.

16Frants Fanon, Những Kẻ Khốn Cùng Của Trái Đất (chuyển ngữ bởi Constance Farrington; New York: Grove Press, Evergreen Black Cat Edition, 1968), “Chiến Tranh Thuộc Địa Và Những Rối Loạn Tâm Thần,” tt.249-310.

 

 

 

Categories: Uncategorized

0 Comments

Leave a Reply

Avatar placeholder

Your email address will not be published.