VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN NHƯ LÀ VĂN HOÁ ĐỐI KHÁNG II
Bài II
Những Nỗ lực của Người Đàn Bà Đối kháng Bất công trong Liên hệ Lứa đôi
Trong bài “Văn chương Bình Dân như là Văn hoá đối Kháng, Bài I”, tác giả có đề cập đến sự phản bội là một tính xấu mà người bình dân rất ghét và chống đối. Phản bội có thể xảy ra trong những liên hệ như giữa cha con, vợ chồng, những người yêu nhau, giữa anh em, bạn bè, nghĩa là những liên hệ mà trong đó người ta mặc nhiên trông đợi một sự gắn bó liên đới về sự trung thành trong những trao đổi song phương, nhất là về phương diện tình cảm. Đi ngược lại sự trông đợi này là vi phạm một quy ước bất thành văn và gây phẫn uất và đối kháng từ nạn nhân của sự phản bội này. Bài này tập trung vào cội nguồn dẫn đưa đến sự đối kháng tính phản bội trong liên hệ lứa đôi giữa những cặp tình nhân hay vợ chồng.
Trong bối cảnh văn hoá Việt, nạn nhân của sự phản bội trong liên hệ lứa đôi thường là người đàn bà. Người đàn bà trong văn hoá cổ truyền, nói chung, thường đến với tình yêu bằng tất cả chân tình và chờ đợi một sự bền bỉ kéo dài suốt cuộc đời. Người đàn ông – không biết vì bản chất bẩm sinh hay vì được uốn nắn bởi nền văn hoá đặt nặng quyền lợi của người đàn ông và xem nhẹ quyền lợi của người đàn bà (“Nam trọng nữ khinh”) – thường đến với tình yêu không bằng một thái độ son sắt như đa số người đàn bà. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tình yêu chân thật và tha thiết của người đàn ông. Tuy nhiên, sự nhiệt thành và đam mê của người đàn ông – ngoại trừ một số người đặc biệt – hầu như dễ bị xói mòn bởi thời gian, và thời gian có thể dài hoặc rất ngắn tuỳ theo cá tính của mỗi người. Đó là nói đến những người đàn ông đến với tình yêu với tất cả sự chân thành, nhưng sự chân thành này hầu như ít khi được bảo đảmdù là bằng những quy ước bất thành văn của xã hội.
Do đó, người đàn bà thường sợ bị thiệt thòi và lo lắng vì tính bất nhất và đong đưa của người đàn ông trong liên hệ lứa đôi:
Trèo lên cây trảy, thấy mụt măng vòi,
Anh thương sao chắc chắn, hẳn hòi thì thương.
E mai không thiệt như lời,
Lăng xăng như bướm, đậu rồi lại bay.
Thân em như đoá hoa rơi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa.
Dạ chàng như đám quân quan,
Dạ em như cánh hoa tàn dầm sương.
Biết rằng chàng có lòng thương,
Hay là cợt giễu ngoài đường mà thôi.
Chim xanh ăn trái xoài xanh,
Ăn no, tắm mát, đậu cành cây đa.
Cực lòng em phải nói ra,
Chờ trăng, trăng xế; chờ hoa, hoa tàn.
Căn duyên chăng đó, hỡi trời!
Gió nam phảng phất mát rồi lại không.
Trước kia đằm thắm muôn phần,
Nay sao đểnh đoảng như cần nấu suông?
Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu,
Khi vui nó đậu, khi sầu nó bay.
Tình thâm mong trả nghĩa dày,
Non kia có chắc cội này cho chăng.
Ngày xưa tôi dặn người rằng:
Đâu hơn thì lấy, đâu bằng đợi tôi.
Đã đành có chốn thì thôi,
Đèo bòng chi mãi, tội Trời ai mang.
Nghe lời người nói thêm càng…
Tình càng thảm thiết, dạ càng ngẩn ngơ.
Công tôi đi đợi về chờ,
Sao người ăn nói lững lờ như không!
Thân em mỏng mảnh, quê cảnh lạ lùng,
Thuyền quyên mong sánh anh hùng.
Bớ anh ơi!
Lại e như nàng Kiều nọ bạn cùng Thúc Sanh.
Còn đâu nay thiếp, mai chàng,
Ghe anh rời bến, bài bác thói lăng loàn, biết đâu?
Anh ở làm răng mà lăng nhăng, líu nhíu,
Vô vòng lịu địu, dứt nỏ đặng tình.
Em chờ cho truông vắng một mình,
Đón anh để hỏi sự tình vì ai.
Do đó, để có thể yên tâm về thái độ bất nhất của người đàn ông, người đàn bà quyết định khuyên nhủngười đàn ông nên xác minh lập trường của mình đối với tình yêu để người đàn bà khỏi phải chịu thiệt thòi:
Có thương thì thương, không thương thì nói,
Làm chi lần lần, lữa lữa như hẹn nợ thêm buồn.
Trên chùa đã động tiếng chuông,
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu…
Có yêu thì nói rằng yêu,
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong.
Làm chi dở đục, dở trong,
Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư.
Có tình xa mấy cũng mê,
Không tình đứng cạnh, ngồi kề cũng không.
Có thương anh nói dứt đi,
Không thương ta chẳng lo gì đến ai.
Bình bồng khó lắm, anh ơi!
Thân em như chiếc thuyền trôi giữa vời.
Đứng xa kêu bớ anh Mười,
Thương không, anh nói thiệt, đừng cười đẩy đưa.
Núi Mẫu Sơn tháng ngày đá chảy,
Sông Nhật Lệ nước chảy mênh mông.
Anh có thương em phân lại cho rõ lòng,
Kẻo em đã chờ đợi mấy thu đông trời tròn.
Một con sông, nước chảy hai dòng,
Một đèn hai ngọn, chàng trông ngọn nào?
Chàng trông ngọn thấp hay là ngọn cao,
Chàng trông ngọn nào, chàng chỉ tay lên.
Bấy lâu gắn bó thề nguyền,
Bây giờ lơ lửng như thuyền đứt dây.
Nói lời thì giữ lấy lời,
Đừng như con bướm, đậu rồi lại đi.
Nói ra thì nhớ lấy lời,
Đừng như ong bướm, đậu rồi lại bay.
Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như ong bướm, đậu rồi lại đi.
Nói lời phải giữ lấy lời,
Tạc vàng bia đá để đời cho nhau.
Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như ong bướm, đậu rồi lại đi.
Chàng ràng chi lắm bướm ơi!
Đậu đâu bướm đậu một nơi cho rồi.
Nhộn nhàng chi lắm bướm ơi!
Bướm đậu đâu, bướm đậu một nơi cho rồi.
Yêu ai yêu hẳn một người,
Đừng như ăn cỗ, lắm nơi, nhiều lời.
Chưa đi anh đã vội về,
Đã đi đừng vội, vội về đừng đi.
Có thương thì thương cho chắc,
Có trục trặc thì trục trặc cho luôn.
Đừng làm như con thỏ nọ đứng đầu truông,
Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.
Đã thương thì thương cho chắc,
Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn.
Đừng như con thỏ nọ, nó đứng đầu chuồng,
khi vui giỡn bóng, khi buồn bỏ đi!
Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
Liệu bề đạt được thì đương,
Đừng gầy rồi bỏ thói thường cười chê.
Chàng đề phú, thiếp quay tơ,
Mãi nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
Khuyên chàng giữ việc bút nghiên,
Đừng tham nhan sắc mà quên học hành.
Bạn đôi mình, ý nghĩ càng xinh,
Chung tình đây đó
Xắn vó đêm đông
Năm ba canh thề nguyền
Tình yêu mến
Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén
Thiếp gần chàng, đôi đàng oan én.
Anh thương sao cho trọn, cho vẹn thì thương,
Sao cho trọn trăm đường
Kẻo lòng trông đợi, dạ sầu vương.
Ăn ý ưa lòng, thương đừng thương,
Trọn một niềm trăm năm, đừng vong.
Chúng mình đây đó,
Thương nhau thì liệu cho xong.
Công cha nghĩa mẹ, thiếp đền,
Xin chàng đừng có kết duyên chốn nào.
Xin đừng đứng thấp trông cao,
Xin đừng tơ tưởng chốn nào hơn đây.
Xin đừng tham gió, bỏ mây,
Tham vườn táo rụng, bỏ cây nhãn lồng.
Chàng về em dặn lời này,
Dặn câu thưa mẹ, dặn lời trình cha.
Để đẹp duyên phận đôi ta,
Thì chàng sẽ bước chân ra mà về.
Chàng về, xin cứ việc về,
Đừng nên bẻ lá nguyện thề với ai.
Đừng ham sao tỏ bỏ trăng,
Một năm sao tỏ không bằng trăng lên.
Non non, nước nước, khơi chừng,
Ái ân đôi chữ xin đừng có quên.
Tình sâu mong trả nghĩa đền,
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này.
Nước vơi rồi lại nước đầy,
Tình kia chưa trả, nghĩa này chớ quên.
Anh về, em nắm cổ tay,
Em dặn câu này anh chớ có quên:
Đôi ta đã trót lời nguyền,
Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng.
Coi chừng thương được thì thương,
Đừng đem em bỏ giữa đường, khổ em.
Đạo cang thường khó lắm bạn ơi,
Chẳng dễ như ong bướm, đậu rồi lại bay.
Đạo cang thường khá dễ đổi thay,
Dẫu làm nên võng giá, rủi ăn mày cũng theo.
Đạo cang thường quý lúc ban sơ,
Có thương nhau ráng thắt mối tơ.
Chớ đừng rày đây, mai đó, em đợi chờ, uổng công.
Thôi thôi, buông áo em ra,
Đặng em đi bán kẻo hoa em tàn.
Có nên thì nói rằng nên,
Chẳng nên, sao để đấy quên, đây đừng.
Làm chi cho dạ ngập ngừng,
Đã có cà cuống thì đừng hạt tiêu.
Làm chi cho dạ ngập ngừng,
Đã có nơi đấy thì đừng nơi đây.
Thôi đừng bắt cá hai tay,
Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn.
Nhưng khi sự tình đã rõ ràng về sự phản bội của người đàn ông, thì người đàn bà chỉ còn biết oán trách tại sao người đàn ông lại dấn thân vào cuộc tình làm chi – vũ khí duy nhất mà người đàn bà có thể có – và kêu gọi sự hiểu biết của người đàn ông về những thiệt thòi, mất mát, và gánh nặng mà người đàn bà phải gánh chịu khi bị bỏ rơi:
Trách chàng ăn ở chấp chênh,
Em như thuyền thúng lênh đênh giữa dòng.
May ra trời lặng, nước trong,
Chẳng may bão táp, cực lòng thiếp thay.
Chợ nhiều khế, ế chanh,
Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng.
Chàng ràng như ếch hai hang,
Như chim hai tổ, như nàng hai nơi
Đem lòng ngơ ngáo sao đành,
Chẳng duyên tơ tóc cũng tình ngãi nhơn
Chẳng thương thì nói thuở đầu,
Làm chi lăn lóc nửa chầu lại thôi.
Chưa gì anh đã tháo lui,
Chưa thắng đã lùi, chưa hợp đã tan.
Thà rằng chẳng biết cho đừng,
Biết ra dan díu nửa chừng lại thôi.
Con chim trong rừng, con chim đừng múa mỏ,
Con cá trong chậu khôn liếc lỡ trừng.
Ngày xưa kia em bảo anh đừng,
Thương làm chi đặng đó, nửa chừng lại thôi.
Chờ anh như lá chờ dao,
Anh còn mong những cây cao lá dài.
Ân tình chi anh mà lao xao như bọt nước,
Nghĩa nhơn chi anh mà từa tựa như đám mây bay.
Ngày xưa khắn vó, ngày rày lãng xao.
Vì ai cho thiếp võ vàng,
Vì chàng tư lự, hoa tàn nhị rơi.
Cực lòng thiếp lắm, chàng ơi!
Biết rằng lên ngược, xuống xuôi đằng nào?
Không thương nỏ nói khi đầu,
Làm chi dan díu giữa cầu mà buông.
Lênh đênh một chiếc thuyền tình,
Mười hai bến nước, biết gửi mình vào đâu.
Được buồng này, anh khuây buồng nọ,
Được ngãi đó, anh bỏ ngãi đây.
Giả như lạng vàng sa xuống hồ Tây,
Lạng vàng không tiếc, tiếc duyên đó, nợ đây chưa thành.
Đất Châu thành nam thanh, nữ tú,
Trong vườn thú đủ các thứ chim.
Em trách ai mọn dạ kiếm tìm,
Đem lời huyễn hoặc lỗi niềm tóc tơ.
Chim loan, chim phụng, chim én, chim nhàn,
Bốn con họp lại một đoàn,
Con kêu rầm rĩ, con kêu rầm rít, con kêu rầm rì.
Thiếp đây, ơi hỡi chàng ni,
Chàng nghe ai, bỏ nghĩa thiếp, đi sao đành.
Chim khôn bay qua cửa hàng,
Không ai tệ bạc hơn chàng, chàng ơi!
Chàng từ, thiếp cũng xin thôi,
Hồ sen tát cạn, ai hôi thời vào.
Bởi vì chàng cho nên thiếp quá [goá?],
Không có chàng, thiếp đã có nơi.
Khi tê ai mượn chàng quyến luyến mà nay lại thôi.
Dùng dằng khó dứt, phận lỡ duyên ôi, ai đền?
Đang thương, đang nhớ, đang sầu,
Bỏ đường ngao ngán cho nhau mà về.
Lẽ đâu, đầu gối, tay kề,
Anh bỏ cho đứt mà về cho đang.
Mối tình còn hãy dở dang,
Thầy mẹ ép gả trong làng chưa xong.
Chung quanh những nước non người,
Giữa hòn Non Nước có tôi với chàng.
Ví chàng mà có lòng thương,
Thì chàng đắp điếm trăm đường đi cho.
Thắm lắm lại sợ mau phai,
Rồi khi mưa nắng, biết ai cậy nhờ.
Chung quanh những chị em người,
Ở chùa Non Nước, một tôi với chàng.
Dù chàng mà có yêu đương,
Thì chàng đắp điếm trăm đường đi cho.
Yêu chán thì chàng lại no,
Dẫu khi ngúng nguẩy, biết nhờ cậy ai.
Rồi trong cảnh thất thế bẽ bàng, người đàn bà không biết trông cậy vào đâu, chỉ còn cách vạch trần sự thật tàn nhẫn do người đàn ông gây nên đưa đến thiệt thòi cho người đàn bà, và khuyên can những người con gái không nên nghe lời đường mật của người đàn ông để rồi về sau phải mang gánh nặng một mình:
Xem lên hòn núi Thái sơn,
Hòn trăn hòn trở, thiếp cũng muốn thương.
Chàng thương đỡ, đỡ không dám thương lâu,
Nghĩ thân phận chàng như áo vá hai bâu,
Đêm chung tình với vợ,
Ngày thả lưới buông câu cho thiếp lầm.
Người như huê ở trên cành,
Anh như con bướm lượn vành trên hoa.
Bây giờ anh lấy người ta,
Như dao cắt ruột em ra làm mười
Nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn:
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
Chàng ơi! Chẳng thấy chàng sang,
Bây giờ chữ “liễu” nét ngang mất rồi.
Ngỡ rằng ông thử, ông thương,
Ai ngờ ông thử trăm đường, ông thôi.
Chớ nghe quân tử ỉ òn,
Mà rồi có lúc ẵm con một mìn
Tình yêu của những người bình dân thường không được sắp xếp. Họ đến với nhau qua sự tự do cảm nhận những tình cảm chân thật của nhau. Rồi họ yêu nhau. Nhưng một thời gian sau, người đàn bà bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu khiến họ nghi ngờ:
Dò thì dò biển dò sông,
Dò mô được dạ đàn ông mà dò.
Trăng lên đỉnh núi, trăng tà,
Mình yêu ta thực, hay là yêu chơi?
Mình ơi, ta hỏi thiệt mình
Có thương nhau nữa, hay tình muốn thôi?
Lập vườn trồng nhãn, trồng hoa,
Thấy mặt anh đó, không biết nhà anh đâu.
Khi vui miếng thuốc, miếng trầu,
Khi buồn đi mất, biết đâu mà tìm.
Phải chi ngoài biển có cầu,
Em ra, em vớt cái đoạn sầu cho anh.
Anh có thương em thì thương cho trót,
Có trục trặc thì trục trặc cho luôn.
Đừng làm theo thói ghe buồm,
Nay về, mai ở cho buồn dạ em
Hành động ít thường lui tới của người đàn ông làm cho người đàn bà bắt đầu ái ngại và nghi ngờ; buổi ban đầu thì chỉ mới nghi ngờ không biết người đàn ông có còn yêu mình hay không, nên người đàn bà thường chất vấn:
Đường đi lên lận đận, lịu địu,
Đường đi xuống liếu điếu ngành dâu.
Đôi ta ăn nói đã lâu,
Vì ai nên chàng xa thiếp, cách mấy câu ân tình.
Bữa nay tôi hỏi thiệt lòng mình,
Còn thương nghĩa cũ hay tình lãng xao.
Sự phân vân và nghi ngờ làm cho nàng khó xử, không biết có nên dấn thân toàn diện vào kiếp sống vợchồng để rồi sẽ chỉ làm trò cười cho hàng xóm:
Đạo vợ chồng không mốt, thì mai,
Không trong tháng chạp thì ngoài tháng giêng.
Em muốn xê vô gá nghĩa, trao duyên,
Sợ anh hôm thay, mai đổi, xóm giềng cười chê.
Sự phân vân, lo nghĩ không biết người yêu có còn yêu mình nữa hay không và lí do tại sao, dần dần được cụ thể hoá qua hình bóng của một đối tượng – mặc dù chỉ mới là một đối thủ trong tưởng tượng – đối tượng của sự nghi ngờ càng ngày càng lớn dần, bào mòn sự kiên nhẫn của đợi chờ lòng chung thuỷ trong tình yêu đôi lứa, dù là tình yêu giữa nhân tình hay tình yêu giữa vợ chồng.
Đi đâu mà chẳng thấy về,
Hay là quần tía dựa kề áo nâu
Chưa chi anh đã vội về,
Hay là xuân dục anh về với xuân.
Mình ơi, ta hỏi thực mình
Còn không hay đã có tình nơi nao?
Mình ơi, ta hỏi thực mình
Còn không hay đã chung tình với ai?
Hôm xưa tát nước gàu dai,
Có phải nhân ngãi hay ai tát cùng?
Con dao be bé sắc thay,
Chuôi sừng bịt bạc về tay ai cầm.
Lòng tôi yêu vụng nhớ thầm,
Trách ông Nguyệt Lão xe nhầm duyên ai!
Duyên tôi còn thắm chưa phai,
Hay là người đã nghe ai dỗ dành.
Chàng ơi, có thấu hay chăng,
Ba năm cách biệt, thiếp hằng nhớ thương !
Hay chàng đã có đa mang,
Có the quên lụa, có vàng quên thau.
.
Chàng về có nhớ em không ?
Hay là vui thú vườn hồng, mau quên.
Giờ đây anh nói anh thương,
Đến khi vắng mặt, vấn vương nơi nào ?
_Nội trong lục tỉnh Nam kỳ,
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương.
_Có mặt tui mình nói rằng thương,
Mình về chốn cũ vấn vương nơi nào
Rồi sự nghi ngờ không còn là nghi ngờ vì đối thủ tình trường đã thành hiện thực, và phản ứng của người đàn bà trước tiên là trách móc, rồi khuyên nhủ người đàn ông không nên phụ bạc tình nghĩa:
Chàng về cho chóng mà ra,
Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng.
Cơn lạnh còn có cơn nồng,
Cơn đắp áo ngắn, cơn chung áo dài.
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài chẳng chung.
Non non, nước nước khơi chừng,
Ái ân đôi chữ, xin đừng có quên.
Tình sâu mong trả nghĩa đền,
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này.
Nước vơi rồi lại nước đầy,
Tình kia chưa trả, nghĩa này chớ quên.
Chim nhàn bắt cá lòng khơi,
Thấy anh chàng chấu nhiều nơi, em buồn.
Mưa rơi gió tạt vô thành,
Đôi ta chồng vợ, ai dỗ dành, đừng xiêu.
Anh ơi! Anh ở lại nhà,
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời.
Còn tiền kẻ rước, người mời,
Hết tiền, chẳng thấy một người nào
Tràn ngập đớn đau và cô đơn trong một đêm trăng thanh vắng vì cách biệt người yêu và không biết người yêu có bao giờ trở lại, người đàn bà đã có ý nghĩ quyên sinh nếu thực sự người đàn ông đã phụ tình:
Đêm khuya nguyệt khuất mái nhà,
Nhìn trăng luống những thiết tha lòng này.
Nhớ mặt anh, tấc dạ chẳng khuây,
Đi đâu xa cách bấy chầy bặt tin.
Hay là đem dạ phụ tình,
Nếu chàng dứt nghĩa, thiếp liều mình cho an.
Quyết định quyên sinh như là một hình thức đối kháng không phải chỉ phát sinh từ sự hiện diện của một đối thủ tình yêu trong trí tưởng tượng mà nảy sinh từ hành động bội bạc thực sự của người đàn ông sau khi vừa thoả mãn dục vọng của mình:
Con mèo trèo lên cây táo,
Mồ hôi chưa ráo, áo cụt chưa khô.
Dầu mà anh có nơi mô,
Em nguyền thác xuống ao hồ trọng danh.
Mặc dù đối kháng quyết liệt như thế, cuối cùng người đàn bà cũng không thể thay đổi được thực trạng và đành phải chấp nhận hoàn cảnh bất công, nhưng vẫn cương quyết giữ vững lập trường chung thuỷ:
Cá rô, canh cải, nấu gừng,
Không ăn thì chớ, xin đừng mỉa mai.
Khuyên chàng đừng ở đơn sai,
Vắng mặt chàng sẽ yêu ai mặc lòng.
Phụ hề sanh, mẫu hề dưỡng,
Đạo mạc trọng ư cương thường.
Thấy anh chàng ràng đôi ngã ba phương,
Em đây cứ ôm duyên thủ tiết giữa chốn sông Hương đợi chờ
Nhưng thực trạng vẫn là:
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa.
Mang bầu tới quán rượu dâu,
Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình.
Xưa nay thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Bầm về bầm gọi: con ơi!
Ra đây bầm bế đến chơi ngoài bà.
Bố con đi nguyệt về hoa,
Quên cửa quên nhà, chẳng nhớ đến con.
Anh kia có vợ con rồi,
Mà anh còn muốn hoa hồi cầm tay.
Hoa hồi vừa đắng vừa gây,
Vừa mặn như muối, vừa cay như gừng.
Đã thành gia thất thì thôi,
Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang.
Đàn ông năm bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Đàn ông một trăm lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Sông dài thì lắm đò ngang,
Anh nhiều nhân ngãi thì mang oán thù.
Và ô trọc như không còn gì ô trọc hơn là thực tế hiện sinh mà đa số người đàn bà trong xã hội Việt Nam phải đối mặt trong liên hệ vợ chồng:
Nước nóng đổ lọ bình vôi,
Tôi ngồi tôi nghĩ bố tôi tôi buồn.
Bố tôi dở dại, dở khôn,
Say mê cái l… bỏ mẹ con tôi.
Hiện thực của liên hệ tình ái giữa những cặp tình nhân hay vợ chồng trong xã hội Việt Nam truyền thống là sự bất công về cách đối xử phân biệt giữa người đàn ông và người đàn bà. Xã hội Việt Nam truyền thống hầu như chấp nhận là bình thường hay ít nhất là không khiển trách việc người đàn ông có thể thân mật với người đàn bà này đến người đàn bà khác, hay việc người đàn ông đã có vợ mà vẫn trai gái hay có nhiều vợ. Người con gái có nhiều người yêu, đừng nói chi là thân mật với nhiều người con trai khác nhau, thường bị chê trách là không đứng đắn, là trắc nết. Người đàn bà đã có chồng mà theo trai liền bị kết án ngay là lăng loàn, là dâm phụ. Hoàn cảnh bất công này được giai tầng xã hội trung lưu, thường là những gia đình có nho học, chấp nhận. Người bình dân ở thôn quê không thấy tình trạng này là bình thường vì liên hệ lứa đôi của họ không dựa trên sự sắp xếp và bổn phận mà dựa trên tình yêu. Tình yêu giữa trai và gái, giữa vợ và chồng là một sựdấn thân tự nguyện đòi hỏi một sự trao đổi cân xứng và công bằng. Do đó, người đàn bà bình dân không chờđợi phản trắc từ người mình yêu và đã phàn nàn, oán trách, cũng như phản kháng hành vi phản bội của người yêu. Nhưng xã hội Việt Nam từ thành thị đến thôn quê đều bị khống chế bởi những phạm trù luân lí phổbiến bởi giai cấp trung lưu, nặng quan điểm Khổng giáo, dù là quan điểm Khổng giáo chính thống hay đã được biến dạng vì Tống Nho, hay bị hiểu lầm bởi các Nho sĩ không thẩm thấu đạo học, nhưng đã gây ảnh hưởng sâu đậm trong quần chúng. Cho nên câu
Trai năm thê, bảy thiếp;
Gái chính chuyên một chồng.
đã trở thành một hiện thực được xã hội, nhất là giai tầng xã hội trung lưu, hầu như mặc nhiên công nhận như là một lối sống chính đáng. Tuy nhiên áp lực của xã hội không làm người đàn bà dân dã sờn lòng. Họ đã phản đối và vạch trần sự bất công này. Họ tiếp tục phản đối qua hàng trăm câu ca dao, tục ngữ mà quý độc giả đã chứng kiến trong bài này cũng như những bài kế tiếp.
Trở lại một ý niệm được nói đến từ đầu bài, nhưng chưa được khai triển: Không biết người đàn ông có hành vi đối xử phân biệt trong liên hệ lứa đôi như thế là vì bản chất bẩm sinh hay là vì văn hoá bản địa đã uốn nắn thái độ và hành vi của họ. Xét từ góc độ từ cái nhìn trên bình diện quốc tế thì hầu như trong đa số các xã hội, người đàn ông thường có những hành vi bất công như thế đối với người đàn bà và cường độ bất công thì tuỳ thuộc vào mức độ văn minh khác nhau của từng xã hội. Tuy nhiên, tại một số bộ lạc ở vùng Amazon cũng có hiện tượng người đàn bà có nhiều chồng. Hiện tượng này có xác suất phần nào phủ nhận giả thuyết bản tính bẩm sinh. Nhưng dù sao, nói chung, đa số các xã hội đều có vẻ dung túng người đàn ông về quyền lợi thiên vị trong liên hệ lứa đôi, và xã hội càng văn minh, tiến bộ về văn học và luật pháp thì sự bất công đối với người đàn bà càng được giảm thiểu. Sự giảm thiểu này lại tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tiến bộ về học vấn cũng như sự đấu tranh liên tục của người đàn bà (feminist movement) cho quyền lợi của họ. Người đàn bà dân dã trong xã hội truyền thống Việt Nam, dù không có trình độ học vấn cao, vẫn liên tục đấu tranh cho quyền con người của mình bằng đối kháng qua ca dao và tục ngữ. Đây là một dấu ấn đặc thù đáng được ca ngợi có tác dụng thúc đẩy nhanh chóng công bằng xã hội.
Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Ngày 16 Tháng 6 Năm 2022
Post Views:
310
0 Comments