Nhiều nhà xã hội học và kinh tế gia đặt câu hỏi là những động lực nào đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Maximilian Karl Emil Weber (21 April 1864 – 14 June 1920), một nhà xã hội học và là kinh tế gia người Đức, trong tác phẩm nổi tiếng của ông The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (1905) đã phân tích và đưa ra giả thuyết là những đặc tính của đạo Tin Lành, đặc biệt là của hệ phái Calvin, như sự khắc khổ, tính phiêu lưu, tháo vát, làm việc chuyên cần, tằn tiện, và không hoang phí là những đức tính thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và kĩ nghệ. Mặc dù ông không khẳng quyết là đạo Tin Lành, hệ phái Calvin, là nguyên nhân của tiến bộ và lưu ý là cũng có thể những người có những đặc tính này hay theo đạo Tin Lành mà thôi. Điều này cho phép ta tạm đưa ra kết luận là những đức tính đặc thù này, dù những người có những đặc tính này theo đạo gì, là những động lực thúc đẩy phát triển kinh doanh và kĩ nghệ. Những tổ phụ Thanh giáo (Puritanism) – có nguồn gốc từ hệ phái Calvin – đến Mỹ trên chiếc tàu Mayflower (1620) mang theo một hệ thống giá trị luân lí bao gồm sự chuyên cần trong việc làm, cần kiệm, kỉ luật, và sự ngay thẳng.
Nếu chính những đặc tính của con người, chứ không phải là việc theo một tôn giáo nào, là yếu tố thiết yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thì chúng ta thử tìm hiểu xem người Việt Nam có có những đặc tính này hay không.
Những đặc tính của một dân tộc là do văn hoá của dân tộc đó tạo nên. Mà văn hoá là kết quả hình thành bởi tôn giáo, giáo dục, phong tục, tập quán.
Giáo dục Việt Nam suốt gần hai ngàn năm — kể từ đời Sĩ Nhiếp (chữ Hán: 士燮; 137 – 226) đến kì thi khoa bảng cuối cùng dưới thời Minh Mạng vào năm 1919 — đặt nền tảng trên Khổng giáo có trọng tâm giáo huấn sĩ tử với mục đích là mẫu người quân tử phải bao gồm những đức tính như ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; ngũ luân: quân thần hữu nghĩa (vua tôi có nghĩa) , phụ tử hữu thân (cha con có tình thân), phu phụ hữu biệt (vợ chồng có những trách nhiệm khác nhau), trưởng ấu hữu tự (lớn nhỏ có thứ tự), bằng hữu hữu tín (bạn bè phải có chữ tín). Mô thức giáo dục này không hề đề cập đến nhu cầu phát triển kinh tế cho cá nhân, xã hội, hay quốc gia. Tuy nhiên, phong tục, tập quán của xã hội như được phản ánh qua ca dao, tục ngữ cho thấy là người bình dân Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế và có sẵn tất cả những đặc tính mà người Tin Lành, nhất là hệ phái Calvin, đã thể hiện vào thế kỉ 17 ở Âu châu.
Trước tiên, chúng ta thấy người bình dân Việt Nam
- Chịu khó làm việc:
Rành việc hơn rành lời.
Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn.
Năng làm thì nên.
Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn.
Không những chịu khó làm việc, không ăn không ngồi rồi, người bình dân còn thể hiện sự nhẫn nại, miệt mài, kiên trì, cần mẫn trong công việc làm ăn:
- Cần cù trong lao động:
Cần cù bù thông minh.
Đầu tắt, mặt tối.
Có chí thì nên.
Thua keo này, bày keo khác.
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
Chịu khó cần cù lao động, một yếu tố khẩn thiết cho việc phát triển kinh tế, người Tin lành theo hệ phái Calvin còn xem hoang phí là một tội lỗi. Người bình dân Việt Nam cũng
- Khuyên lơn không nên chơi bời, phung phí, phải nghĩ đến ngày mai:
Giàu tiêu hoang không bằng nghèo chắt mót.
Ít chắt chiu hơn nhiều hoang phí.
- Để thuyết phục, người bình dân còn đi xa hơn nữa: Đả kích hoang phí bằng những thí dụ cụ thể vềnhững kết quả tệ hại của hành vi hoang phí:
Phí của trời, mười đời chẳng có.
Lắm bạc tiêu pha, chân sa vào lưới.
Trái ngược với hoang phí là sự tằn tiện. Trong lúc các Tổ phụ Thanh giáo đến Tân Thế Giới xem sự làm việc cần cù và tiết kiệm là hai mái chèo của con thuyền mà tín hữu dùng để đi đến Thượng đế thì người bình dân Việt Nam
- Nhiệt liệt cổ vũ sự cần kiệm:
Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng.
Cũ người mới ta.
Kiến tha lâu đầy tổ.
Ăn bữa trưa, chừa bữa tối.
Ăn chắt, để dành.
Ăn củ môn bữa mai, để củ khoai bữa mốt.
Ăn tối, lo mai.
Ăn trái, phải dành trái xanh.
Ăn xưa, chừa nay.
Tích thiểu thành đa.
Tích thiểu thành đại.
Tích tiểu vi đại.
- Và để thuyết phục về giá trị của tằn tiện, người bình dân đã trưng dẫn những kinh nghiệm về hậu quả tốt đẹp do cần kiệm đem lại cũng như những hậu quả tệ hại vì không cần kiệm
Buôn Ngô, buôn Tàu không giàu bằng hà tiện.
Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có.
Giàu không hà tiện, khó liền trong tay,
Khó không hà tiện, khó ăn mày.
Buôn thuyền buôn vã chẳng đã hà tiện.
Buôn tàu bán bè chẳng bằng ăn dè hà tiện.
Buôn tàu, buôn bè không bằng ăn dè hà tiện.
Chẳng lo trước, ắt luỵ sau.
Ăn không lo, của kho cũng hết.
Bán cám ngon canh,
Nuôi lợn thì lành áo.
Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
Làm khi lành, để dành khi đau.
Ăn thuốc bán trâu, ăn trầu bán ruộng.
Có lẽ người ta thường có ý nghĩ là người bình dân Việt Nam có khuynh hướng bám chặt vào làng, xã của mình và không muốn đi xa. Tuy nhiên, trên thực tế, người bình dân rất ham mê phiêu lưu, mạo hiểm để gia tăng kiến thức :
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Nguyễn Công Trứ, một danh thần triều Nguyễn và là một nhà thơ nổi tiếng, cũng bày tỏ cùng tâm nguyện, chí phiêu lưu:
Vùng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Và nếu không muốn đi cho biết đó, biết đây thì sẽ bị đánh giá không khác gì
Ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng vung.
Ngoài ra, người bình dân còn tỏ ra rất tháo vát trong công việc làm ăn của mình. Điều này không những được chứng minh qua câu tục ngữ
Miệng nói, tay làm
mà còn có thể được chứng minh qua sự quan sát sự linh động xoay xở hằng ngày của các tiểu thương, trong thực tế hiện tại, của các quán ăn vĩa hè trên toàn quốc. Những chủ tiệm/quán ăn vĩa hè đặt mua hàng tấn thịt mỗi ngày mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ là đã chuẫn bị xong hàng sẵn sàng để bán. Khách mua đông nghịt, nhưng những người bán hàng này vẫn miệng nói, tay làm một cách nhanh nhẹn, gọn gàng, sạch sẽ, theo đúng thứ tự chờ đợi của khách hàng trong lúc vẫn có thể nhận tin nhắn của khách mua hàng qua điện thoại di động. Và trong đa số những cuộc giao dịch tiểu thương này, chủ tiệm, thường là phụ nữ không có trình độ học vấn cao, còn có khả năng sử dụng các ứng dụng (apps) điện tử để gia tăng lượng hàng bán.
Tóm lại, người bình dân Việt Nam có tất cả những đặc tính cần thiết cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cá nhân, và do đó cho quốc gia.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao người bình dân Việt Nam – chiếm tỉ lệ dân số khoảng 90% – mãi cho đến cuối thế kỉ 20, hội đủ những đặc tính cần thiết cho việc phát triển thương mại và kĩ nghệ mà sự phát triển kinh tế quốc gia vẫn cứ trì trệ? Phải chăng là vì chiến tranh liên tục tàn phá đất nước khiến người dân không có cơ hội thực hiện những dự án của mình? Phải chăng là vì Khổng giáo mang tính độc tôn áp đặt người dân phải chỉ thờ vua và ngành nghề duy nhất được tôn vinh là nghề làm quan cai trị dân với nấc thang giá trị “sĩ, nông, công, thương”. Kẻ sĩ làm quan, danh giá được sắp hàng đầu trong nấc thang xã hội. Thứ đến là người làm ruộng, suốt kiếp tôi đòi đóng thuế cho vua, quan. Nghề sản xuất và thương mại đáng lí phải được tôn trọng vì cần thiết cho sự phát triển kinh tế quốc gia, lại bị xếp vào nấc thang cuối cùng của xã hội và thường bị khinh miệt vì lí do lái buôn hay gian dối. Với một lối tư duy như thế trong suốt mấy ngàn năm thì đầu óc của người dân không thể nào không bị ảnh hưởng.
Đến hậu bán thế kỉ 19, khi người Pháp đến xâm chiếm và đô hộ nước ta, họ mang theo cả hệ thống giáo dục của họ bao gồm những giá trị của cuộc Cách Mạng Pháp (1787-1799) với khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Tứ hải Giai Huynh Đệ*” và nhiều giá trị nhân bản khác qua lịch sử và văn chương Pháp. Hiện tượng này đã ảnh hưởng rất mạnh – dĩ nhiên là ngoài dự tính của người Pháp – lên tầng lớp sĩ phu Việt Nam vào những thập kỉ đầu của thế kỉ 20, cộng thêm ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn đả kích những hủ tục cố hữu làm trì chậm sự tiến hoá của văn minh. Kết quả là lịch sử Việt Nam trong thế kỉ 20 đã nở rộ những phong trào cách mạng tranh thủ giành lại độc lập cho đất nước, như phong trào Cần vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, chiến dịch Bãi Sậy, Phong trào Việt Minh, Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, v.v…
Những biến cố gây ảnh hưởng mang tính nhân quyền này hẳn đã thay đổi thái độ của giới trí thức đối với lập trường của người bình dân thôn dã trong ý thức phổ biến về bình quyền và cũng rất có thể là đòn bẩy thúc dục tâm tư của người bình dân Việt Nam luôn luôn âm ỷ mầm mống đối kháng cách mạng tư tưởng và ước mơ thực hiện giấc mộng phát triển kinh tế của mình:
Và họ hoàn toàn tin tưởng vào giấc mộng đã ấp ủ từ lâu này như là một sự thật hiển nhiên: “phi thương bất phú”. Không buôn bán thì không thể giàu được. Làm giàu là mộng ước của người dân:
Buôn Ngô, buôn Tàu không giàu bằng hà tiện.
Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có.
Tuy người bình dân Việt Nam hội đủ những đặc tính cần thiết cho việc phát triển kinh tế, nhưng họ phải có cơ hội để thể hiện những đặc tính này, nghĩa là họ phải có tự do phát huy khả năng của họ. Từ 1954 đến 1975, người dân ở miền bắc vĩ tuyến 17, dưới chế độ cộng sản toàn trị, người dân không được phép tự do sinh hoạt kinh tế mà phải sinh hoạt trong phạm vi luật lệ khắt khe, bóc lột của những hợp tác xã sản xuất nên đã hoàn toàn trở nên nghèo đói, xơ xác, trong lúc ở miền Nam tự do, mặc dù chiến tranh hạn chế phần nào khả năng sản xuất, người Việt sống sung túc hơn nhiều, làm choáng ngợp người dân miền Bắc khi họ xâm chiếm miền Nam năm 1975 và chứng kiến tận mắt sự giàu có của người dân miền Nam (Xem Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương). Miền Nam tự do trù phú đã từng là giấc mơ của Nam Hàn.
Sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, chế độ cộng sản Việt Nam, cai quản toàn cõi đất nước, vẫn tiếp tục áp dụng chính sách “kinh tế chỉ huy” từ 1975 đến 1985, qua chế độ bao cấp, nên đã biến miền Nam phồn thịnh thành nghèo đói, cơ cực như miền Bắc mặc dù không còn chiến tranh nữa. Nhưng nhờ sự thức tỉnh “đổi mới” của chế độ cộng sản năm 1985, theo đuôi mô thức kinh tế của Đặng Tiểu Bình, ngược với niềm tin chính thống của chủ thuyết Mác-Lê, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã áp dụng chính sách “kinh tế thị trường”, nghĩa là tự do kinh doanh, nên đã đem lại sinh lực của người dân đầu tư vào việc phát triển kinh tế cho cá nhân, và do đó, cho quốc gia. Người ta chứng kiến sinh lực này của người dân tự phát một cách mãnh liệt ở giới tiểu thương và tiểu công nghệ, vì họ được tự do sinh hoạt vì tư lợi, theo sáng kiến của riêng mình. Người ta đang chứng kiến những người này cần cù lao động, hằng ngày thức khuya đến 11, 12 giờ đêm và dậy sớm từ 2 hay 3 giờ sáng để lo buôn bán, tảo tần. Thị trường tấp nập kẻ mua, người bán luôn tay, không ngưng nghỉ. Tuy nhiên, với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” gắn vào sau “kinh tế thị trường”, nghĩa là những dự án lớn về kinh doanh, kĩ nghệ ở tầm mức quốc gia đều do chính phủ (Đảng Cộng sản) quản lí hoặc do tư nhân hay nhóm lợi ích có liên hệ gia đình hoặc làm ăn bất chánh với quan chức cao cấp của chính phủ. Những chương trình quốc doanh luôn luôn gây thâm thủng ngân sách và dự án thường không thành công hay ngưng hoạt động giữa chừng, hoặc bị bỏ hoang. Những chương trình tư nhân thì thường được thông qua các vụthầu thiên vị vì tham nhũng, lũng đoạn ngân sách quốc gia. Không ngày nào mà người ta không thấy báo chí đề cập đến các quan chức cao cấp của chế độ với mức lương khoảng 600 đến 800 đô mỗi tháng mà có nhà đáng giá hàng chục triệu đô. Ngay cả những quan chức cấp quận, xã cũng có nhà đáng giá từ 6, 7 trăm ngàn đến một vài triệu đô. Cái đuôi “định hướng xã hội này” – một quái thai được sinh ra từ cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa kinh tế thị trường của tư bản và kinh tế chỉ huy của cộng sản – đã gây ra bao nhiêu là tệ nạn xã hội vì chính quyền độc tôn đảng trị không có luật pháp công minh vì không có tam quyền phân lập, gây ra tham nhũng tràn lan không ngăn cản được. Nạn buôn người ra nước ngoài làm nô lệ tình dục hoặc nô lệ lao động rất phổ biến, cũng như buôn thuốc phiện lậu, đĩ điếm, trộm cướp, bao che gian lận sòng bạc, đàn áp dân oan, hạ tằng cơ sở của đất nước bị hư hại, môi sinh bị tàn phá khó hồi phục trong tương lai. Tệ hại nhất là chính sách này đã kéo lui, làm trì trệ đà tiến của một dân tộc trẻ trung (trên 60% dân số dưới tuổi 40) đầy tiềm năng và sinh lực đang trên con đường phát triển thương mại và kĩ nghệ, và đã đánh mất, trong 47 năm qua, cơ hội đất nước có thể đã trở thành con rồng Đông Nam Á vươn lên trong sự phồn thịnh và văn minh cùng với những quốc gia tiến bộ trên thế giới.
__________________________________
THAM KHẢO
Peyrefitte, Alain. Le Mal Français. @Alain Peyrefitte et Librairie Plon, 1976.
*Từ “Fratrenité” được dịch là “Tứ hải giai huynh đệ” thay vì tình anh em, tình huynh đệ, tình đồng đội, hay ngay cả bác ái bởi vì “fraternité” trong cụm từ “liberté, égalité, fraternité” được rút ra từ bản Hiến pháp năm 1848 của Pháp với ngữ nghĩa là sự đoàn kết trong ý nghĩa “tương trợ xã hội” và “khả năng sống chung với nhau” (khoan dung, độ lượng và tôn trọng tha nhân). https://www.vie-publique.fr/dossier/276089-liberte-egalite-fraternite.
0 Comments