NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA NGƯỜI BÌNH DÂN TRONG LIÊN HỆ MẬT THIẾT VỚI CẦN LAO NHƯ ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA VĂN HỌC DÂN GIAN
Trong bài “Những Giá trị về Cần lao trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như Là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế”, chúng tôi đã có dịp trình bày những đặc tính mà người bình dân Việt Nam có, liên hệ đến cần lao, là những điều kiện “cần” cho việc phát triển kinh tế; nhưng chưa phải là những điều kiện “đủ”. Suốt dọc dài lịch sử chính thống trên hai ngàn năm của đất nước, người dân Việt Nam vẫn có những đặc tính liên hệ đến cần lao như rất chịu khó làm việc, trân quý sự cần cù lao động và sự kiên trì, v.v… Trong lúc những đặc tính này được chứng minh là đã giúp những quốc gia Âu châu cũng như Hoa Kì trở nên thịnh vượng. Nhưng Việt Nam thì vẫn nghèo. Vậy sự khác biệt giữa những quốc gia thịnh vượng này với Việt Nam nghèo đói có nguồn gốc từ đâu?
Sự khác biệt chủ yếu là mô thức quản trị dân chủ tản quyền, môi trường phát huy tự do tư duy, tự do sáng tạo, và tự do hành động trong mọi lãnh vực; những điều kiện “đủ” cho việc phát triển kinh tế. Các nước Âu châu cũng như Hoa Kì đều có mô thức quản trị dân chủ từ lâu. Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến hậu bán thế kỉ 20 là một quốc gia nghèo đói mặc dù người dân có đủ những đặc tính cần lao cần thiết cho việc phát triển kinh tế, nhưng vì đã chịu sự quản trị độc tôn của các triều đại vua chúa nên không phát triển được. Mãi cho đến khi mô hình quản trị dân chủ tự do được khai sinh với nền Đệ Nhất Cộng Hoà (1955), Việt Nam mới lần đầu tiên, sau hơn hai ngàn năm, đã trở thành một quốc gia mà sự phát triển kinh tế là mơ ước của những quốc gia lân cận như Singapore, Lào, Kampuchia, Mã Lai, Thái Lan, và ngay cả Nam Hàn. Nhưng đến năm 1975, khi đảng CSVN cưỡng chiếm miền Nam và áp dụng chính sách kinh tế quốc doanh do đảng CSVN hoạch định suốt thời gian bao cấp từ 1975 đến 1986, thì những người giàu có trước đây ở miền Nam Việt Nam đã trở nên nghèo nàn và đói khổ cùng cực, cũng giống như toàn thể xã hội miền Bắc từ 1954 đến 1975, vì chính sách quản trị tập trung độc quyền của đảng CSVN. Sau 1986, đảng CSVN, theo gót chân của Đặng Tiểu Bình trong chính sách “cải cách và mở cửa” và phần nào của Gorbachev trong chính sách perestroika (đổi mới) và glasnost (minh bạch), Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã áp dụng chính sách “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế của Việt Nam. Nói cách khác, với chính sách “cởi trói” cho tư duy, sáng tạo, và hành động trong lãnh vực kinh doanh, đất nước lại cất cánh về kinh tế trong thị trường nội địa cũng như trên thế giới như chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Tuy nhiên, cái đuôi “định hướng xã hội” – nghĩa là thu tóm quyền lực trong mọi lãnh vực khác vào một nhóm nhỏ gọi là Bộ Chính Trị – đã biến nền kinh tế thị trường thành một nền kinh tế “tư bản man rợ” (savage capitalism) làm giàu cho những cán bộ cao cấp và những nhóm lợi ích, những thành phần toa rập với chính quyền công an tạo điều kiện cho tham nhũng, đục khoét công quỹ, áp bức, chiếm đoạt đất đai của dân, bạo hành phụ nữ và trẻ con, đàn áp các tôn giáo và những người khác chính kiến, hối lộ, giết người, gian lận, đĩ điếm, nha phiến, buôn gái và trẻ con, lường gạt, trộm cướp, v.v…
Việt Nam hiện nay tuy phần nào có tự do trong lãnh vực kinh doanh nên đã có phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự phát triển kinh tế méo mó, mất cân bằng, phân cực xã hội thành hai nhóm: một nhóm quan chức và tài phiệt cực giàu và một nhóm dân đen rất nghèo khổ, tạo nên những mâu thuẫn trầm trọng trong những mối tương giao giữa người với người về phương diện quyền lợi và trách nhiệm xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, giáo dục, luân lí, đạo đức. Mô thức quản trị hiện hành là một mô thức dân chủ nửa vời trong đó mọi tự do sáng tạo và hành động đều bị khống chế, ngay cả trong lãnh vực kinh tế, tự do cũng còn giới hạn. Vấn đề áp dụng luật pháp chỉ là tuỳ tiện và hình thức kiểm soát việc tuân thủ luật pháp cũng tuỳ tiện và độc đoán. Mô thức quản trị này mang theo những hệ luận tiêu cực tất yếu như tham nhũng, những áp bức chiếm đoạt đất đai, việc đàn áp các tôn giáo, nhất là những người theo giáo phái Tin lành ở vùng Cao nguyên Trung phần, hay những người khác chính kiến, áp bức, bạo hành, hối lộ, gian lận, đĩ điếm, nha phiến, buôn người, lường gạt, trộm cướp như vừa đề cập ở phần trên, dần dà sẽ làm cho một số lớn người sống trong xã hội này chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà mất đi nhân tính hoặc sẽ tạo nên những đợt sóng đối kháng lớn đòi hỏi thay đổi xã hội. Những đợt sóng lớn này, theo lí luận biện chứng, chỉ là vấn đề thời gian chờ đợi người dân thức tỉnh.
Trong lúc chờ đợi sự thay đổi cơ bản tất yếu này, chúng ta cần nhìn lại một cách chi tiết để hiểu rõ những đặc tính cần lao sẵn có của người bình dân Việt Nam, những điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế.
Đặc tính thứ nhất là tinh thần luôn luôn chịu khó làm việc:
Khéo thay công việc nhà quê,
Quanh năm khó nhọc, dám hề khoan thai.
Kể việc làm ruộng mọi đường,
Tôi xin kể được rõ ràng hử ai.
Tháng chạp là tiết trồng khoai,
Tháng giêng tưới đậu, tháng hai cấy cà.
Tháng ba cày bửa ruộng ra,
Tháng tư bắc mạ, thuận hoà vui thay.
Tháng năm cắt lúa vừa rồi,
Tháng sáu mưa xuống, nước trôi đầy đồng.
Tháng bảy cày cấy đã xong,
Tháng tám thấy lúa tốt lòng vui thay.
Tháng chín tôi lại kể nay,
Bắc mạ xem được mới hay trong lòng.
Tháng mười lúa chín đầy đồng,
Cắt về đổ cót, đề phòng năm sau.
Tháng mười một là tiết cấy sâu,
Một năm kể cả tự đầu đến đuôi.
Giàu sang thì cũng chẳng màng,
Khó khăn ta liệu, ta làm, ta ăn.
Canh một chửa nằm, canh năm đã dậy.
Đầu tắt, mặt tối.
Chồng chài, vợ lưới, con câu
Mặt trời đã mọc đàng đông,
Em ơi! Thức dậy ra đồng kẻo trưa.
Thế gian kẻ cấy người bừa,
Riêng em ngủ sớm, dậy trưa sao đành.
Mặt trời đã hé rạng đông,
Chàng ơi! Trở dậy ra đồng kẻo trưa.
Cơm ăn bao quản muối dưa,
Việc làm bao quản nắng mưa dãi dầu.
Ngày đêm ta phải lo âu,
Chăm sao cho được hoa màu tốt tươi.
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Trâu ơi! Ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Kể chi trời rét đồng sâu,
Có chồng, có vợ rủ nhau cày bừa.
Bây giờ trưa đã hồ trưa,
Chồng vác cây bừa, vợ dắt con trâu.
Một đoàn chồng, vợ trước sau,
Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng.
Nửa đêm sao sáng mây cao,
Triệu trời nắng gắt, nắng gào chẳng sai.
Lúa khô, nước cạn, ai ơi!
Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu.
Trông cho mau sáng, mau ngày,
Em mang phân đi vãi, anh vác cày theo sau.
Năm canh thì ngủ lấy ba,
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn.
Trời mưa, trời gió đùng đùng,
Cha con chú Sùng đi gánh phân trâu.
Đem về trồng bí, trồng bầu,
Trồng rau, trồng đậu, trồng cau, trồng dừa.
Rạng ngày vác cày ra đồng,
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu.
Ruộng đầm nước cả bùn sâu,
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa.
Việc làm chẳng quản nắng mưa,
Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày.
Ai ơi! Bưng bát cơ đầy,
Biết công kẻ cấy, người cày mấy nao!
Kể như những kẻ lười ngu,
Hay ăn mà chẳng hay lo, hay làm.
Yêu em không phải em giòn,
Yêu em chất phác, việc làm siêng năng.
Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn.
Tháng giêng chân bước đi cày,
Tháng hai vãi lúa, ngày ngày siêng năng.
Thuận mưa, lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.
Tháng chín thì quýt đỏ trôn,
Tháng hai ngái1 mọc cò con tìm về.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để cho ta lại làm mùa tháng năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Không những chỉ chịu khó làm việc mà người bình dân còn trân quý sự cần cù lao động vì họ nhận thấy chỉ chịu khó làm việc không mà thôi thì vẫn chưa đủ mà phải làm việc cật lực thì mới đem lại lợi tức đáng kể.
Của ở bàn chân, bàn tay
Hay học thì sáng, hay làm thì có
Hay làm hay làm: đầu quang mặt sạch;
Chẳng hay làm: đầu rếch, mặt dơ
Hay làm: đầu quang, mắt bạc;
Không hay làm: đầu rác, mặt dơ
Hay làm hay làm: quanh năm chẳng lo đói
Hay làm: đắp ấm vào thân
Hay làm: không chịu đói
Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Hay làm thì giàu, hay cầu thì nghèo
Hay làm thì no; trời cho mới giàu
Trăm năm trong cõi trời chung,
Trăm nghề cũng phải có công mới thành.
Cứ trong gia nghiệp nhà mình,
Ngày đêm xem sóc giữ gìn làm ăn.
Chữ rằng: “Tiểu phú do cần”
Còn như “đại phú” là phần “do thiên”.
Đừng trễ nải, chớ ghét ghen,
Còn như lộc nước có phen dồi dào.
Đại phú do thiên, tiểu phú do cần,
Thức khuya, dậy sớm, tảo tần cho quen.
Có chịu làm thì mới có; có bẩn như chó thì mới giàu
Thóc gạo đầy bồ cũng nhờ tới anh phạt bờ, cuốc góc
Trọng của, trọng công: của một đồng, công một nén
Vô tác, gác mỏ
Có khó mới có miếng ăn,
Ngồi không, ai dễ đem phần đến cho.
Vất vả, có lúc thanh nhàn,
Không dưng ai dễ mang tàn che cho.
Có làm thì mới có ăn,
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
Muốn no thì phải chăm làm,
Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi.
Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi! Chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.
Nghé ơi, ta bảo nghé này,
Nghé ăn cho béo, nghé cày cho sâu.
Ở đời khôn khéo chi đâu,
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.
Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra.
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô.
Chín, mười cắt rạ đồng mùa,
Một chạp vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn, rồi anh lại nằm,
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Chẳng thà lấy chú lực điền,
Gạo bồ, thóc giống còn phiền nỗi chi.
Quanh năm cấy hái, cày bừa,
Vụ chiêm thì hạ, vụ mùa thì đông.
Ai về nhắn chị, em cùng,
Muốn cho sung sướng, nghề nông phải cần.
Dưa gang, một, chạp thì trồng,
Chiêm cấy trước Tết thì lòng đỡ lo.
Tháng hai đi tậu trâu, bò,
Cày đất cho ải, mạ mùa ta gieo.
Tháng sáu mà cấy mạ già,
Thà rằng công ấy ở nhà ẵm con.
Tháng chạp mà cấy mạ non,
Thà rằng công ấy ẵm con ở nhà.
Năng làm thì nên.
Anh ơi! Cố chí canh nông,
Chín phần, ta cũng dự trong tám phần.
Hay gì để ruộng mà ngăn,
Làm ruộng lấy lúa, chăn tằm lấy tơ.
Tằm có lứa, ruộng có mùa,
Chăm làm, Trời cũng đền bù có khi…
Quanh năm cấy hái, cày bừa,
Vụ chiêm thì hạ, vụ mùa thì đông.
Ai về nhắn chị, em cùng,
Muốn cho sung sướng, nghề nông phải cần.
Dưa gang, một, chạp thì trồng,
Chiêm cấy trước Tết thì lòng đỡ lo.
Tháng hai đi tậu trâu, bò,
Cày đất cho ải, mạ mùa ta gieo.
Tháng sáu mà cấy mạ già,
Thà rằng công ấy ở nhà ẵm con.
Tháng chạp mà cấy mạ non,
Thà rằng công ấy ẵm con ở nhà.
Một điểm đặc thù khác rất quan trọng, như là một giá trị cần lao, là nhu cầu tất yếu của thực hành và chuyên cần luyện tập. Chịu khó làm việc và làm việc cật lực nhưng không biết cách làm thì cũng không đem lại hiệu quả mong muốn. Do đó, muốn biết thì phải học cách làm, và muốn làm việc giỏi thì phải lo chuyên cần luyện tập.
Rành việc hơn rành lời.
Học hay, cày biết
Học bất như hành
Học để mà hành
Dao năng liếc thì năng sắc
Dao sắc đến đâu bỏ hoài cũng rỉ
Văn ôn, võ luyện
Không thiếu gì người chịu khó làm việc, làm việc rất hăng say, và làm việc rất giỏi. Tuy nhiên, lại dễ chán nản và thường bỏ rơi công việc mình đã bắt đầu. Người bình dân hiểu rõ khuynh hướng này nên họ đã cổ vũ và tôn vinh đức tính kiên trì.
Cần cù bù thông minh
Có chí thì nên
Ai ơi, đừng chóng chớ chầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Ở đây gần bạn gần thầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Ngọc kia chuốt mãi cũng mòn,
Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim
Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng, đổi nền mặc ai
Đừng lùi bước trước khó khăn,
Đừng sầu muộn khi cùng đường
Dẫu rằng trí thiển tài hèn, chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ
Cát lâu cũng đắp nên cồn
Dốt đến đâu, học lâu cũng biết
Ngọc lành có vết
Người có chí ắt phải nên,
Nhà có nền ắt phải vững
Nước chảy đá mòn
Thế suy, lực kiệt, đường cùng;
Hễ khéo miếng nhữ, anh hùng lại lên
Chậm còn hơn không
Chậm đến đâu, học lâu thì biết
Đau lại đã (khỏi), ngã lại dậy
Thắng không kiêu, bại không nản
Thua keo này, bày keo khác
Thua keo trước, được keo sau
Một anh học trò vào chùa Long Tuyền
Ai ngờ nay lại đỗ Giải nguyên
Ở đời chẳng có việc gì khó
Người ta lập chí phải nên kiên.
(Trích Luân lí giáo khoa thư)
Qua văn học dân gian, chúng ta thấy được người bình dân Việt Nam hội đủ tất cả những đặc tính cần lao cần thiết cho việc phát triển kinh tế. Hơn nữa, nghiên cứu hàn lâm còn cho thấy những quốc gia có truyền thống của đạo Tin lành phát triển hơn những quốc gia có truyền thống đạo Công giáo vì một trong những nguyên nhân là tín đồ Tin lành có cơ chế trực tiếp kiểm soát hành vi sai trái của cá nhân. Trong bối cảnh văn hoá của người bình dân thôn quê ở Việt Nam, không có hiện tượng những người đi viếng thăm từng gia đình để khuyên lơn, nhắn nhủ về phương diện đạo đức như trong đạo Tin lành, nhất là những người theo giáo phái thuộc hệ Calvin2. Tuy nhiên, văn hoá Đông phương, nói chung, đặt nặng vấn đề thể diện. Các nhà xã hội học thường phân chia các nền văn hoá thành hai loại3: (1) loại văn hoá mà trong đó người làm điều sai trái thường cảm thấy mình tội lỗi (guilt culture) và (2) loại văn hoá mà trong đó người làm điều sai trái cảm thấy nhục nhã (shame culture) vì sự phê phán công khai của cộng đồng chung quanh làm mất thể diện người vi phạm mẫu mực đã được chấp nhận. Văn hoá Việt Nam đặt nặng vấn đề thể diện. Cha mẹ sẽ rất hãnh diện có con cái đạo đức, học giỏi và ngược lại, sẽ cảm thấy nhục nhã nếu con cái hư hỏng, bê tha, dốt nát. Sự hãnh diện cũng như sự nhục nhã này là do sự phê phán của những người chung quanh đem lại. Do đó, những dư luận tốt hay xấu từ những người chung quanh có hiệu lực điều hướng hành vi của cá nhân trong cộng đồng, không khác gì ảnh hưởng của những tín đồ Tin lành trực tiếp kiểm soát hành vi của cá nhân.
Trong lãnh vực lao động, tiêu biểu cho những phê phán này là sự đả kích, chê bai tính lười biếng:
Nam mô Bồ Tát,
Chẻ lạt đứt tay,
Đi cày trâu húc,
Đi xúc phải cọc,
Đi học thầy đánh,
Đi gánh đau vai,
Nằm nhà nhịn đói.
Bé đi câu, lớn đi hầu.
Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi ăn cơm vợ.
Siêng ăn, biếng làm.
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.
Làm trai rửa bát, quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây.
Làm trai tập sảy, tập sàng,
Phòng khi vợ đẻ, lo làm mà ăn.
Ngán thay cái kiếp lợn sề,
Ăn bèo với cám nằm lê trong chuồng.
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
Ghét kẻ lười, không ai cười kẻ lấm gối.
Ai đâu thương kẻ ngu si,
Ai đâu thương kẻ nằm lì mà ăn.
Ai đâu thương kẻ ngu si,
Của đâu cho đứa nằm lì mà ăn.
Anh này rõ khéo làm ăn,
Đi cày chẳng biết, chít khăn mượn người.
Những người lêu lõng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.
Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu phải nên chọn người.
Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.
Làm vậy, làm vọ; làm nọ, làm khác.
Củ rủ, đuổi ruồi không đi.
Lánh nặng, tìm nhẹ.
Làm chẳng bằng ai, ngủ thì như chết.
Làm không đụng xác, vác không đụng vai.
Một người siêng bằng ba người nhác.
Ngồi gốc sung há miệng chực rơi.
Ăn thì hay, cày thì dở.
Ăn mau, làm chậm.
Ăn thì mau chân, việc cần thì đủng đỉnh.
Ăn như thúng lủng khu,
Mần thì đủng đỉnh như du [dâu] mới về.
Sáng tai họ [dừng lại nghỉ], điếc tai cày.
Điếc tai cày, sáng tai họ.
Sớm rửa cưa, trưa mài đục.
Sớm rửa cưa, trưa mài đục, tối giục cơm.
Kẻ kéo cho chết, người không động mình.
Trước đau, sau nhác.
Đời người chỉ được gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang.
Một hình thức phê phán thứ hai là châm biếm cách làm việc nhếch nhác:
Ăn như rồng cuốn,
Làm như cà cuống lội ngược.
Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.
Làm như chỉ lộn cuồng.
Làm như chó ỉa vãi.
Làm như mèo mửa.
Làm như nhà trò giữ nhịp.
Làm như nhái bỏ dĩa.
Một hình thức phê phán khác nữa là bài bác tính trì hoãn:
Nước đã đến chân
Nước đến chân mới nhảy
Nước đến trôn mới nhảy
Tính lần khân: nước đến chân mới nhảy
Ra trận mới mài giáo
Người bình dân rất khinh chê những người hay trốn công việc và chỉ muốn giành lấy hưởng thụ về phần mình:
Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.
Ăn đàn anh, làm đàn em.
Ăn là anh, làm là em.
Ăn thì ăn những miếng ngon,
Làm thì chọn những việc cỏn con mà làm !
Ăn no, ngồi chỗ mát.
Ăn thì có, mó thì không.
Ăn thì cúi trôốc [đầu], đẩy nôốc [ghe] thì van làng.
Đặc biệt nhất là họ rất ghét tính ỷ lại, chỉ ăn hại và không làm được công việc gì:
Bắc nước, chờ gạo người.
Của đời ông mệ để cho,
Mần không, ăn có, của kho cũng rồi.
Ăn no, ngủ kĩ, chổng tĩ lên trời.
Ngoài những đặc tính trực tiếp liên hệ đến cần lao, tín đồ giáo phái Tin lành còn tôn trọng đức tính cần kiệm như một tín điều cần thiết cho việc đi đến Thượng đế trong lúc các học giả tìm thấy đức tính này giúp đóng góp vào sự phồn thịnh của nền kinh tế tư bản. Người bình dân Việt Nam, hoặc dựa vào trực giác hay dựa vào kinh nghiệm thường nghiệm, cũng quý trọng và khuyến khích đức tính cần kiệm.
Cũ người mới ta4.
Kiến tha lâu đầy tổ.
Ăn bữa trưa, chừa bữa tối
Ăn củ môn bữa mai, để củ khoai bữa tối
Ăn chắt, để dành.
Ăn củ môn bữa mai, để củ khoai bữa mốt.
Ăn tối, lo mai.
Ăn trái, phải dành trái xanh
Ăn xưa, chừa nay.
Tích thiểu thành đa.
Tích tiểu thành đại.
Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
Làm người chỉ biết tiện tần,
Đồ ăn, thức mặc, có ngần thì thôi.
Những người đói rách rạc rời,
Bởi phụ của trời làm chẳng nên ăn.
Tiền buôn tiền bán thì để trong nhà; tiền cờ tiền bạc thì ra ngoài đường.
Buôn tàu bán bè chẳng bằng ăn dè hà tiện.
Buôn tàu, buôn bè không bằng ăn dè hà tiện.
Buôn Ngô, buôn Tàu không giàu bằng hà tiện.
Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện.
Và họ khẳng định giá trị của tằn tiện vì họ biết rõ hậu quả tích cực cũng như tiêu cực của cần kiệm và không cần kiệm.
Giàu không hà tiện, khó liền trong tay;
Khó không hà tiện, khó ăn mày.
Làm khi lành, để dành khi đau.
Ăn thuốc bán trâu, ăn trầu bán ruộng
Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng.
Ăn thì lành, để dành thì đau
Chẳng lo trước, ắt luỵ sau.
Làm người chẳng biết lo xa,
Trẻ trung đã vậy, tuổi già làm sao.
Làm người cho biết tiện tằn,
Đồ ăn thức mặc, có ngần thì thôi.
Những người đói rách rạc rài,
Bởi phụ của trời, làm chẳng nên ăn.
Ăn không lo, của kho cũng hết.
Chồng cần vợ kiệm là tiên;
Ngông nghênh, nhăng nhít là tiền bỏ đi.
Vụng ăn vụng tiêu, vơi niêu vơi nồi.
Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có.
Bán cám ngon canh; nuôi lợn thì lành áo.
Tiết kiệm có sẵn đồng tiền;
Phòng khi túng thiếu, không phiền luỵ ai.
Đối nghịch với cần kiệm là sự hoang phí. Người bình dân Việt Nam một mặt trân quý sự cần kiệm và, mặt khác, như một hệ luận, đả kích sự hoang phí vì không những hoang phí sẽ làm cho người ta nghèo đói mà còn có thể dẫn đưa đến cảnh tù tội.
Ít chắt chiu hơn nhiều hoang phí.
Giàu tiêu hoang không bằng nghèo chắt mót.
Phí của trời, mười đời chẳng có.
Lắm bạc tiêu pha, chân sa vào lưới.
Chơi bời, nha phiến, trai gái, vung vãi tiền bạc, không nghĩ đến ngày mai với những hậu quả tiêu cực tất yếu là những hình thức hoang phí tai hại.
Ở trên đời ăn chơi thú vị,
Điếu thuốc giải phiền với chị đương xuân.
Mơ màng quán Sở, lầu Tần,
Đồ chơi hài hán, áo quần bảnh bao.
Đồ chơi vắt vẻo võng đào,
Đồ chơi ghế chéo, ngồi cao ngựa bành.
Nhập nhoè trên trướng dưới mành,
Bốn mùa thắp ngọn đèn xanh chơi bời.
Rồi trên đời không ai bạn nữa,
Rồi gia tài, nhà cửa sạch không!
Khi xưa áo thắm, quần hồng,
Mùa hè lương cấp, mùa đông kéo mền.
Bây giờ cắp nách, vo viên,
Tả tơi rách rưới, đảo điên bơ phờ.
Nhà không lạnh ngắt như tờ,
Ngày trông nắng dọi, đêm chờ trăng soi.
Phong lưu là cạm ở đời,
Hồng nhan là bả những người tài hoa.
Phong lưu, rách một ống quần,
Còn một ống nữa, dần dần rách sau.
Tuy nhiên, cần kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, một tật xấu mà người bình dân thường châm biếm và chê trách.
Bao dung hạt cải, rộng rãi trôn kim.
Một đặc tính khác của người bình dân Việt Nam liên hệ chặt chẽ với sự chịu khó làm việc, cần cù và kiên trì trong lao động là nỗ lực của chính bản thân: tinh thần phấn đấu, tự cung tự cấp, tự thân tự lập. Tinh thần này được thể hiện rõ nét trong câu nói của nhà văn và là nhà giáo dục Nguyễn Bá Học mà hầu như người Việt nào cũng biết: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”
Văn học dân gian cũng phản ánh đầy đủ tinh thần này.
Khó ở mình, dễ ở mình
Anh hùng tạo thời thế
Tận nhơn lực phương tri thiên mạng5
Muốn ăn hét phải đào giun
Muốn ăn hét thì phải đào giun; muốn đến cống Cun thì phải đi thuyền mướn6
Muốn ăn quả phải trồng cây
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Muốn ăn thì lăn vào bếp
Muốn ăn thì lăn vào bếp; muốn chết thì lết vào săng
Muốn ăn thì trôốc cúi (đầu gối) phải bò
Muốn ăn trái, phải đốt gốc
Muốn ăn xôi thì ngồi gần bếp
Muốn biết, phải hỏi; muốn giỏi, phải học
Muốn lên thì phải cho lên; quang rơm, gánh đá cũng bền ba đông
Ngọn đèn được tỏ, trước khêu bởi mình
Thắng không kiêu; bại không nản
Tự thực kì lực7
Từ việc cổ vũ nỗ lực bản thân đến việc tôn vinh trách nhiệm cá nhân chỉ là một tiến trình đương nhiên của luận lí.
Ai làm người ấy chịu.
Ai làm, nấy chịu.
Ai đội mũ lệch, người ấy xấu
Công ai nấy nhờ, tội ai nấy chịu.
Mình làm mình chịu.
Tội hữu sở quy, ai làm nấy chịu.
Và trong tinh thần chịu khó, cần cù, và kiên trì trong công việc thì tôn vinh trách nhiệm cá nhân đòi hỏi trách nhiệm còn có nghĩa là công việc phải được thực hiện đến nơi đến chốn.
Ai ơi, đã quyết thì hành,
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi
Ai ơi! Đã quyết thì hành,
Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây.
Ăn đến nơi, làm đến chốn
Đã thương thì thương cho trót,
Đã vót thì vót cho nhọn
Đã vo thì vo cho tròn,
Đã vót thì vót cho nhọn
Đã trót thì phải trét
Trong tinh thần tôn vinh trách nhiệm cá nhân, tự thân tự lập, dĩ nhiên là người bình dân Việt Nam nhất thiết không muốn phải mắc nợ, mang ơn người khác.
Ăn một miếng, tiếng một đời.
Thọ tài như thọ tiễn8.
Của biếu là của lo, của cho là của nợ.
Ơn to khó trả, nghĩa cả khó đền.
Nên ra tay kiếm, tay cờ,
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ cậy ai.
Suốt dọc dài mấy ngàn năm lịch sử của đất nước, người bình dân Việt Nam, thành phần đại đa số của dân tộc, đã có những đặc tính liên hệ mật thiết với cần lao, như sự chịu khó làm việc, tính cần cù, kiên trì, khảnăng chuyên môn và thực hành cũng như sự chuyên cần luyện tập, những đặc tính mà các nhà xã hội học đã kết luận qua những công trình nghiên cứu lịch sử (longitudinal studies) là những đặc tính dẫn đưa đến sự phát triển kinh tế ở các nước Âu châu và Hoa Kì9.
Ngoài ra, còn có một công trình nghiên cứu hàn lâm khác mà kết quả đã được trình bày trong bài “Những Giá trị Xã hội trong Văn học của Người Bình dân Việt Nam Như là Những Động lực Thúc đẩy Phát triển Kinh tế” của tác giả Nguyễn văn Thái. Trong công trình nghiên cứu đó, học giả Benito Arruñada10 đã dùng phương pháp phân tách thống kê để tìm ra 3 đặc tính làm cho những quốc gia có truyền thống tôn giáo Tin lành phát triển hơn những quốc gia có truyền thống Công giáo mặc dù cả hai loại quốc gia đều phát triển kinh tế. Ba đặc tính đó là: (1) Tín đồ Tin lành thượng tôn pháp luật hơn những tín đồ Công giáo trong ý nghĩa là tín đồ Công giáo có thể vì tình bạn bè hay tình gia đình mà có hành vi co giản về luật pháp trong lúc tín đồ Tin lành thường triệt để tuân thủ luật pháp dù có thể mất đi tình bạn hay tình gia đình; (2) giáo phái Tin lành, đặc biệt là hệ phái Calvin, có một hệ thống trực tiếp kiểm soát hành vi sai trái của cá nhân; và (3) những quốc gia Tin lành có hệ thống quản lí tản quyền và tự do hơn những quốc gia Công giáo có khuynh hướng tập quyền, đặc biệt là quyền của vịGiáo hoàng. Chính ba yếu tố này đã làm cho những quốc gia có truyền thống Tin lành phát triển kinh tế hơn những quốc gia có truyền thống Công giáo.
Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh ở đây tôn giáo không phải là yếu tố quyết định mà chính là mô thức quản trị hành vi con người có những yếu tố tạo môi trường thích hợp cho những đặc tính cần lao thúc đẩy phát triển kinh tế. Mô thức quản trị này là mô thức dân chủ mà tự do là điều kiện cốt lõi trong đó những nhà quản trị cũng như người dân phải thượng tôn và tuân thủ luật pháp. Hơn nữa sự tuân thủ luật pháp phải được kiểm soát bởi một cơ chế độc lập và công minh.
Việt Nam hội đủ tất cả những điều kiện cần lao thiết yếu cho việc phát triển kinh tế, nhưng đây chỉ là những điều kiện “cần” chứ chưa phải là những điều kiện “đủ” như đã được đề cập ở phần trên. Những điều kiện “đủ” là (1) sự triệt để tuân thủ một nền pháp luật công minh, (2) mô thức kiểm soát hiệu nghiệm những hành vi sai trái của cá nhân, và quan trọng nhất là (3) mô thức quản lí hành vi cá nhân và tập thể bằng thể chế dân chủ tự do tản quyền.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc, qua mấy ngàn năm, chịu sự cai trị của các triều đại vua chúa cũng như dưới sự quản lí độc quyền của đảng Cộng sản, nên đã có tập tục tuân thủ pháp luật; do đó, đã thoả mãn điều kiện (1). Về mô thức kiểm soát hành vi cá nhân thì ngoài tập tục tuân thủ pháp luật, dư luận của cộng đồng chung quanh phê phán hành vi cá nhân như đã được trình bày ở trên là một biện pháp chế tài có hiệu lực mạnh mẽ bởi vì văn hoá của người Việt là một nền văn hoá đặt nặng thể diện (shame culture), nên đã thoả mãn được điều kiện (2). Chỉ còn điều kiện quản lí bằng thể chế dân chủ tự do tản quyền, điều kiện (3), là còn khiếm khuyết. Ngoài tự do kinh tế, khẩn thiết còn cần phải có các tự do tư duy và hành động trong các lãnh vực khác như tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do phát biểu ý kiến, tự do tham gia chính trị, tự do dân quyền (gồm bình quyền), tự do khỏi bị sợ hãi, tự do thông tin, và tự do có quyền riêng tư. Chỉ có tự do kinh doanh không mà thôi trong lúc các quyền công dân khác đều được thu tóm vào sự phán quyết độc đoán của một nhóm nhỏ người là Bộ Chính Trị của đảng CSVN thì dù có phát triển kinh tế, kết quả cũng chỉ là một xã hội mất cân bằng và phân cực thành một nhóm nhỏ cực giàu và đại đa số dân chúng nghèo khổ. Hơn nữa, những hệ luận tiêu cực của mô thức khuyết tật này, về phương diện nhân văn, nhất thiết tạo nên một xã hội bệnh hoạn trong các tương giao nhân sinh làm mất đi nhân tính của những con người sống trong xã hội đó. Rồi một ngày nào đó, sau khi ý thức được quyền làm người chính đáng của mình, người dân bị áp bức sẽ đứng lên đòi hỏi thay đổi xã hội bệnh hoạn này thành một xã hội lành mạnh hơn.
Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Thứ Sáu, ngày 30 tháng 6, năm 2023
North Wales, Pennsylvania
___________________________________
CHÚ THÍCH
1 Một loại cây cùng họ với cây sung có lông cứng, dùng để ủ tương
2 “Calvinists stressed hard work, discipline, thrift, honesty, and morality. Citizens faced fines or other harsher punishments for offenses such as fighting, swearing, laughing in church, or dancing. Calvin closed theaters and frowned on elaborate dress. To many Protestants, this emphasis on strict morality made Calvinist Geneva seem a model community.” (p. 48) http://mprapeuro.weebly.com/uploads/2/9/3/0/29308547/puritan_laws.pdf
[Tín đồ đạo Calvin đặt nặng sự cần cù, kỉ luật, cần kiệm, sự ngay thẳng, và đạo đức. Người dân sẽ bị phạt tiền hoặc chịu những hình phạt khác nặng hơn cho những vi phạm như đánh nhau, chửi thề, cười lớn tiếng trong nhà thờ, hay nhảy đầm. Đạo Calvin đóng cửa các rạp hát và bài xích cách ăn mặc diêm dúa. Đối với nhiều tín đồ Tin lành, việc đặt nặng luân lí khắt khe này làm cho hệ phái Calvin Thuỵ Sĩ được xem như là một cộng đồng kiểu mẫu] (tr.48)
3 Gregory McNamee. Shame vs.Guilt. https://muse.jhu.edu/article/567032/pdf
4 Người Mĩ có câu “One man’s trash is another man’s treasure”
5 Phải làm hết sức mình rồi mới biết mệnh trời là gì
6 Cống của sông Cun ở tỉnh Thái Bình chảy ra sông Trà Lí, thuộc xã Đông Huy, tỉnh Đông Hưng
7 Mình tự làm lấy mà ăn
8 Chịu nhận tiền của cũng như chịu nhận mũi tên
9 Peyrefitte, Alain. Le Mal Français. @Alain Peyrefitte et Librairie Plon, 1976.
10 Arruñada, Benito, “Protestants and Catholics: Similar Work Ethic, Different Social Ethic”, Barcelona Economics Working Paper Series Working Paper no 497, The Economic Journal, 2010, 120 (547), 890-918.
0 Comments