LINH MỤC THẦN HỮU THANH, THƯỢNG NGHỊ SĨ HOÀNG XUÂN TỬU, DÂN BIỂU NGUYỄN VĂN KIM BIỂU TÌNH TẠI HUẾ
Linh Mục Trần Hữu Thanh quê tại Phúc Lộc, Quận Triệu Phong, Tỉnh Quảng Trị. Ông sinh ngày 8 tháng 8 năm 1915, mất ngày 24 tháng 10 năm 2007.
Linh mục Trần Hữu Thanh là chủ tịch Phong Trào Chống Tham Nhũng thành lập tại Sàigòn vào giữa năm 1974, ra mắt phong trào tại giáo xứ Tân Việt.
Phong trào Chống Tham Nhũng của cha Thanh gồm có:
Chủ Tịch: Linh Mục Trần Hữu Thanh
Phó Chủ Tịch: Linh Mục Đinh Bình Định
Phó Chủ Tịch: Thượng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu (Tổng Ủy viên Thường vụ Bộ Chỉ Huy Trung Ương Đại Việt Cách Mạng)
Các thành viên phong trào:
Dân biểu Nguyễn Văn Kim (Đại Việt Cách Mạng)
Dân biểu Nguyễn Văn Binh
Dân biểu Nguyễn Văn Cứ
Dân biểu Nguyễn Trọng Nho
Dân biểu Nguyễn Hữu Hiệu
Dân biểu Đặng Văn Tiếp
Luật sư Đặng Thị Tam
vv… Tôi không nhớ hết.
Phong trào khai sinh họat động có 2 mục đích chính:
1- Mục đích thứ nhất công khai:
– Tố cáo tham nhũng
– Đòi cải tổ nhân sự
– Thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo Chính Quyền, Quân Đội
2- Mục đích thứ hai tối bí mật, ngậm miệng không bao giờ nói ra:
Mục đích chính của phong trào chống tham nhũng là nhằm lật đổ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, đưa người của phong trào thay thế Tổng Thống Thiệu.
Mục đích này nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân, phe phái, mà mục đích này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu mà cộng sản Bắc Việt đã nhiều lần đưa điều kiện với chính phủ Hoa Kỳ rằng họ chỉ thương thuyết vói chính quyền Miền Nam chừng nào chính quyền Miền Nam không còn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu!
Như vậy dù là vô tình đi chăng nữa thì mục đích thứ 2 của phong trào cũng đã gãi đúng chỗ ngứa của chính Phủ Hoa Kỳ, vì họ đang cần dàn xếp với Bắc Việt rút chân ra khỏi Nam Việt Nam cho lẹ.
Chúng ta thấy rõ thành phần chủ lực của phong trào gồm một phần nhỏ tín đồ công giáo của cá nhân linh mục Trần Hữu Thanh và bên phía đảng phái chính trị tham gia là Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký, mà ông Thượng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu làm đại diện với chúc vụ Phó Chủ Tịch Phong Trào. Cạnh đó là dân biểu Nguyễn Văn Kim cũng là một nhân vật cao cấp của đảng Đại Việt Cách Mạng tham gia với tính cách là thành viên của phong trào. Nhưng chính đương sự là người lèo lái phong trào của linh mục Thanh đi theo chiều hướng có lợi cho cộng sản Bắc Việt.
Sở dĩ tôi nói những âm mưu của dân biểu Nguyễn Văn Kim hoạt động theo ý đồ của cộng sản Bắc Việt bởi lẽ đã từ lâu lắm chúng tôi có một số dữ kiện nghi ngờ dân biểu Nguyễn Văn Kim là nội tuyến hoạt động cho tình báo Cộng Sản.
Thời Đệ I Cộng Hòa, Nguyễn Văn Kim vượt tuyến từ vùng Nghệ An qua Lào vào năm 1954. Chính Phủ VNCH thời đó đã đưa những người vượt tuyến như ông ta về Sàigòn nuôi dưỡng cho ăn học. Học ở bậc trung học tại Sàigòn một thời gian, sau đó Nguyễn Văn Kim ra Huế, trú ngụ tại nhà thờ cụ Phan Bội Châu gần chùa Từ Đàm, vào học hai năm tại trường Quốc Học, năm đệ nhị và đệ nhất.
Sau đó Nguyễn Văn Kim vào học Đại Học Huế cải đạo công giáo, được linh mục Viện Trưởng Cao Văn Luận nhận làm con đỡ đầu. Thời gian đó tên của ông ta là Nguyễn Văn Tú, chứ không phải Nguyễn Văn Kim.
Trong cuộc phản loạn Miền Trung của Trí Quang Đôn Hậu vào hè năm 1966, hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan đang bị lực lượng an ninh của chúng tôi theo dõi vây bắt, chúng tôi phát hiện Nguyễn Văn Tú tức vị dân biểu sau này của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Kim, đã bí mật tiếp xúc với Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Thời gian này Hoàng Phủ Ngọc Tường là cán bộ trí vận trực thuộc Khu Ủy Khu 5 của cộng sản và cán bộ cộng sản điều khiển Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc đó là Hà Kỳ Ngộ. Sinh Viên Nguyễn Văn Tú đến gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường có phải với một chỉ thị nào đó của Hà Kỳ Ngộ hay không vì thời gian nầy Khu Ủy Khu 5 hoàn toàn bị gián đoạn liên lạc với đám cán bộ của chúng đang hoạt động trong phong trào tranh đấu làm loạn của Trí Quang Tại Huế. Tay chân của đám Khu Ủy khu 5 đang trốn chui, trốn nhủi vì bị lực lượng an ninh của chúng tôi vây bắt ráo riết.
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tổng thư ký Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Quận II, tay chân thân tín của Diệp Trương Thuần tức Thích Đôn Hậu, phó chủ tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình
(Hoàng Phủ Ngọc Tường đang nói trước micro phone, chửi rủa “Thiệu-Kỳ đàn áp dân chúng và Phật giáo”, còn nhân viên CSQG, người bên trái đeo kính râm, thì khép nép bên cạnh tên CS tay chân thân tín của Thích Đôn Hậu, một trong những nhân tố chìm quan trọng của các Biến Động Chính Trị Xã Hội Miền Trung)
Sau nầy trong cuốn hồi ký “Hoàng Phủ Ngọc Tường Tuyển Tập” tập số 2 trang 706 và 707, Hoàng Phủ Ngọc Tường tiết lộ rằng, vào thời điểm căng thẳng nhất của cuộc tranh đấu Phật giáo 1966, Chính Quyền Trung Ương Sàigòn sắp mở cuộc hành quân đàn áp. Vào một đêm khuya, Nguyễn Văn Tú đã bí mật gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường tại “Tuyệt Tình Cốc” tức nhà của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thành Nội Huế, và đưa kế hoạch giải thoát cho Hoàng Phủ Ngọc Tường lên mật khu bằng cách ngụy trang mặc áo dòng tu do y cung cấp. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết rằng y có biết rõ Nguyễn Văn Tú sau nầy chính là Nguyễn Văn Kim dân biểu VNCH hiện sống tại hải ngoại.
Sau 1975 tại hải ngoại, trong phong trào kháng chiến của Hải Quân Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Văn Kim len vào cũng nắm giữ một vai trò quan trọng trong đó. Nhiều tin tức cho biết cái chết của Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cũng đã có bàn tay của Nguyễn Văn Kim nhúng vào.
Tôi còn nhớ khi phong trào kháng chiến Hoàng Cơ Minh ở trong giai đoàn cực thịnh có lần tôi gặp anh Đại Tá Trần Minh Công và có nói với anh Trần Minh Công tất cả những gì tôi biết về Nguyễn Văn Kim hầu anh Công để ý đến con người nguy hiểm nầy. Sau đó chính Đại Tá Trần Minh Công đã phát hiện y có nhiều hành tung rất khả nghi.
Sau nầy Nguyễn Văn Kim lại mưu đồ phản bội ông Hà Thúc Ký để nắm quyền, nhưng bất thành.
Phát hiện cuối cùng về lý lịch liên hệ với cộng sản của Nguyễn Văn Kim là Nguyễn Văn Kim có một người em ruột cấp bậc Đại Tá hoạt động trong ngành tình báo thuộc Tổng Cục 2 Quân báo Hà Nội. Sau 1975 viên Đại Tá nầy phụ trách về tình báo hải ngoại và nhà của hắn ta hiện nay ở tại đường Trần Bình Trọng thành phố Sàigòn.
Trở lại việc Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh đến Huế và tổ chức biểu tình lớn tại Huế.
Nếu tôi nhớ không lầm, khoảng thời gian mà Linh Mục Trần Hữu Thanh cùng với ban chỉ đạo cao cấp của phong trào chống tham nhũng đến Huế là vào khoảng tuần lễ thứ ba của tháng 10/1974, với mục đích là sẽ tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống tham nhũng, yêu cầu cải tổ chính phủ, thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo hành chánh cũng như quân đội, và mục tiêu tối hậu là yêu sách Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Cần phải nói là họ chỉ tổ chức biểu tình lớn đòi cải tổ và liên tục đòi thanh lọc hàng ngủ chính quyền và quân đội, nhưng chính linh mục Thanh và bộ tham mưu của ông ta không thể đưa ra được một kế hoạch cải tổ cũng như thanh lọc hữu hiệu nào cả. Tôi tự hỏi không hiểu họ tài đức trong sạch thế nào mà đòi thanh lọc hàng ngũ này hàng ngũ kia nhất là hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bản thân linh mục Trần Hữu Thanh là một tu sĩ nhưng cũng quá tham sân si những chuyện quyền hành chính trị thế tục, do đó quả thật cá nhân tôi không thể kính trọng hàng ngũ tu sĩ mà tâm hồn quá vọng động chính trị kiểu như ông Trần Hữu Thanh.
Năm ngày trước khi Linh mục Trần Hữu Thanh và phái đoàn đến Huế, Thiếu Tá Trương Công Ân Phụ Tá Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt của Ty CSQG Thừa Thiên/Huế đã trình tôi một phúc trình về phái đoàn của Linh Mục Trần Hữu Thanh sẽ đến Huế, ngày giờ, danh sách phái đoàn gồm những nhân vật nào.
Thường trong mọi hoạt động tình báo, nếu không có tin tức nội tuyến, hay nói trắng ra nếu không cài người vào các tổ chức của Việt Cộng, các phong trào chống đối chính phủ thì những tin tức thâu lượm được đều có giá trị rất thấp. Các thẩm quyền có trách nhiệm khó có thể có quyết định và phản ứng phù hợp và đúng đắn với những tình huống sắp xảy ra.
Trường hợp linh mục Trần Hữu Thanh và bộ tham mưu cao cấp của ông đến Huế để phát động Phong Trào Chống Tham Nhũng, Bộ Chỉ Huy chúng tôi lúc đầu không cài được một ai trong tổ chức của họ vì thời gian quá ngắn ngủi, nên những tin tức thâu lượm được về việc họ sẽ hoạt động gì sẽ làm gì tại Huế quả thật hết sức mù mờ, không rõ ràng.
Chỉ còn bốn ngày nữa là Cha Thanh và phái đoàn đến Huế, may mắn thay Thiếu Tá Trương Công Ân gọi điện thoại cho tôi:
– Anh bận không? Tôi qua văn phòng gặp anh ngay, có tí việc.
– Qua đi, tôi đang rảnh.
Thiếu Tá Ân đi cùng với một nhân viên Cảnh Sát Đặc Biệt dưới quyền của Ân, vừa gặp tôi, Ân nói ngay:
– Trình anh, đây là anh Thu phụ trách trong tổ Tôn giáo. Anh Thu gặp tôi sáng nay và trình bày cho tôi biết anh ta là con đỡ đầu của linh mục Trần Hữu Thanh. Ngày hôm qua cha Thanh có gọi cho anh Thu và yêu cầu anh Thu ba ngày nữa gặp cha tại Dòng Chúa Cứu Thế vì cha cần anh phụ giúp một vài việc lặt vặt, ngoài ra cũng nói anh mượn chiếc xe hơi của ông Hùng trên Phủ Cam lái đưa cha đi đó đi đây trong thời gian mấy ngày cha ở Huế.
Tôi biết ngay là ý của anh Thu muốn gì, nhưng vẫn cố tình giả đò không biết, tôi nói với Ân và Anh Thu:
– Thì đó là chuyện riêng tư giữa anh Thu và cha Thanh đâu quan hệ gì đến công việc của cảnh sát mà cần phải gặp tôi.
Thiếu Tá Ân đỡ lời cho anh Thu:
– Trình anh, nhưng qua báo chí và qua lời cha Thanh, anh Thu biết rõ Cha Thanh ra Huế kỳ nầy là để tổ chức biểu tình chống tham nhũng và chống Tổng Thống Thiệu, nên anh ta sợ. Vì anh Thu là con đỡ đầu của cha Thanh nên khó từ chối lời yêu cầu của cha, nhưng anh Thu lại sợ anh, vì anh ta là Cảnh Sát Đặc Biệt mà lại tham gia vào công việc của cha Thanh.
Tôi cười, nhìn anh Thu và nói:
– Mấy ông Cảnh Sát Đặc Biệt khôn đáo để, làm việc gì cũng trù đường tiến và tính đường lui.
Vì đã đoán gần đúng ý định anh Thu muốn gặp tôi ngay khi Thiếu Tá Ân giới thiệu anh Thu là con đỡ đầu của cha Thanh, nên tôi trả lời với Ân và Anh Thu ngay:
– Chuyện nầy có gì quan trọng và khó giải quyết đâu, anh Thu có 3 giải pháp để chọn:
1- Từ chối lời yêu cầu của cha Thanh với lý do bận rộn gia đình vợ đau, con ốm, hoặc vì công vụ phải rời khỏi Huế trong thời gian đó.
2- Nhận lời yêu cầu của cha Thanh, là lẽ đương nhiên nếu cha Thanh làm những điều gì đó vi phạm luật pháp anh Thu cũng sẽ bị liên lụy và đương nhiên sẽ bị biện pháp chế tài của Bộ Chỉ Huy ngay, vì tôi không nuốn lực lượng chúng ta ngày hôm nay giống như năm 1966, tham gia vụ phản loạn của Ông Thích Trí Quang chống chính phủ.
3- Giải pháp thứ 3 là nhận lời cha Thanh nhưng giúp chúng tôi bằng cách thông báo cho chúng tôi biết tất cả mọi chuyện mà cha Thanh sẽ thực hiện tại Huế. Như vậy mọi chuyện sau nầy có gì xảy ra thì anh Thu vô can vì đây là công vụ mà tôi và anh Ân giao phó cho anh.
Đây chỉ là đề nghị của tôi, chứ không là lệnh, mà cũng chẳng ép buộc gì anh cả, và tôi nghĩ cũng chẳng làm anh áy náy vì xúc phạm đến Cha hoặc tôn giáo của anh, nếu anh từ chối thì chúng tôi vẫn phải tìm kiếm một người nào đó làm công việc nầy thôi. Anh nghĩ sao?
Không cần suy nghĩ lâu, anh Thu trả lời tôi:
– Dạ được ông Ty, tôi xem đây là công vụ, chẳng có gì áy náy cả. Tôi sẽ trình với ông Ty mọi chuyện.
– Cám ơn anh đã hiểu. Anh có thể nghỉ việc ngay ngày hôm nay, để lo việc cho cha Thanh, không cần trực tiếp gặp tôi, mọi chuyện anh làm việc với Thiếu Tá Ân là được rồi, tất cả mọi nhu cầu, mọi phương tiện anh cần cho công tác cứ việc hỏi Thiếu Tá Ân.
Đến chiều ngày hôm sau Ân trình tôi: Anh Thu cần mình giúp cho anh ta một chiếc xe để đưa đón cha Thanh đi các nơi, vì xe ông Hùng hư đang sửa.
Tôi đồng ý và hỏi Ân:
– Hắn có biết lái xe không Ân? Nếu không thì cho người tập riết cho hắn ba ngay ba đêm thì xong ngay.
– Hắn biết, vì trước đây hắn làm cho cơ quan Cord.
– Vậy tốt, lấy một xe dân sự bên anh, mang số ẩn tế giao cho hắn, nói với ban tiếp liệu cấp phiếu xăng cho hắn đầy đủ mấy ngày.
Như vậy là xong, chúng tôi không còn lo không có tin tức nóng bỏng với giá trị cao để cấp thời phản ứng. Cha Thanh và phái đoàn chưa đến Huế mà Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế đã lo lắng mọi bề cho cha và phái đoàn của cha như thế là quá “chu đáo” rồi! Cha là chủ tịch phong trào chống tham nhũng, cha đi xe mang số ẩn tế của Cảnh Sát Đặc Biệt, tài xế của cha là con đỡ đầu của cha và cũng là nhân viên Cảnh Sát Đặc Biệt, cho nên những gì cha dự định làm tại Huế thì lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế đều biết trước để… hầu cha. Vỏ quít… dày thì móng tay phải… nhọn, phải không ạ?
Cám ơn Cha! Thiện tai, thiện tai!
Cá nhân tôi vẫn có thói quen, bất kỳ từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn tôi vẫn thường nhường nhịn thiên hạ trước, nghĩa là “Tiên Lễ Hậu Binh”.
Lần nầy cũng không ngoại lệ, trước một ngày linh mục Trần Hữu Thanh và phái đoàn đến Huế, tôi liên lạc với Thầy Roman thuộc Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Nguyễn Huệ, thuộc Quân III. Ông là giám đốc nhà máy cưa gỗ của Dòng Chúa Cứu Thế. Là một người tu hành, nhưng ông là một trí thức, hiểu chuyện đời và quen biết rất nhiều những nhân vật cao cấp trong chính giới và trong chính quyền tại Sàigon, đặc biệt tôi thích ở ông ta là một người rất chống cộng. Đã gần mười năm nay tôi và ông trở thành đôi bạn già, trẻ rất hợp nhau.
Tôi gọi điện thoại cho ông và nói:
– Liên Thành đây thầy, thầy rảnh không? Con vào gặp thầy một tí.
– Vào đi, thầy đang rảnh.
Chỉ khoảng 10 phút sau tôi đã có mặt tại văn phòng của ông ta trong nhà máy cưa gỗ.
– Sao ông Ty, chuyện gì đây?
– Thì là chuyện cha Thanh đó.
– Biết rồi, nhưng bây giờ ý ông Ty muốn sao?
– Con muốn gặp cha Thanh và dàn xếp mọi chuyện, tình hình Việt Cộng nặng lắm rồi, chưa biết bọn chúng tấn công Huế lúc nào, với tình nầy nếu cha Thanh phát động biểu tình ở Huế thì thật là thảm thương cho Huế.
– Ngày mai Cha mới ra mà?
– Con muốn gặp cha Thanh vào chiều mai giờ nào cũng được.
– Được rồi, thầy sẽ báo cho con biết giờ nào.
– Thầy nghĩ sao về phong trào nầy?
– Nói chung thì các cha trong Dòng đều không bằng lòng, nhưng chẳng ai dám cản cha Thanh. Thầy và các cha cũng biết là tình hình Huế đã đến hồi nguy ngập quá rồi, nhiều gia đình giàu có đã chuẩn bị bỏ Huế vào Sàigòn. Bây giờ mà còn làm vậy chi nữa, sao không đoàn kết ôm nhau mà sống.
– Sao thầy không nói cho các cha, và giáo dân biết tình hình Huế nguy lắm rồi, nếu biểu tình lên đường xuống đường lúc nầy chỉ hoàn toàn có lợi cho Việt Cộng mà thôi.
– Đã có nói rồi, các cha lo lắm.
– Đức Tổng Giám Mục Điền thì sao.
– Đức Cha cũng rất lo về vấn đề an ninh.
Thầy Roman nói tiếp:
– Hình như bên đảng Đại Việt đang nắm chặt cha Thanh, quay cha chạy vòng vòng, nghe nói Đại Việt ông Hà Thúc Ký đã thỏa hiệp với ông Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lật ông Thiệu chia quyền với ông Khiêm, ông Ty có nghe vậy không?
– Có nghe, ngày mai Thầy sẽ thấy Ông Hoàng Xuân Tửu, phó của ông Hà Thúc Ký và dân biểu Nguyễn Văn Kim cũng là nhân vật cao cấp của Đại Việt sẽ xuất hiện cạnh cha Thanh, và hình như ông “mắt xanh mũi lõ cũng nhúng tay trong vụ nầy”. Nhưng quan trọng và nguy hiển nhất là dân biểu Nguyễn Văn Kim, con nghĩ thằng nầy là cộng sản, chúng con có hồ sơ của hắn và đang theo hắn, thầy cẩn thận với tên nầy.
– Ủa vậy sao! Cha Thanh ngài biết chưa?
– Thầy hỏi con, con hỏi ai đây? Thôi, con phải đi. Cho con biết giờ nào chiều mai.
Theo sự sắp xếp của thầy Roman, tôi gặp cha Thanh vào khoảng gần tối ngày hôm sau tại văn phòng của thầy Roman ở hãng cưa gỗ đối diện với Dòng Chúa Cứu Thế.
Trước đây tôi chỉ nghe nói về tư cách đạo đức và nhất là những hiểu biết của linh mục Thanh về cộng sản, nay sắp được gặp mặt và nói chuyện với linh mục lòng tôi cũng thấy có một mong đợi và hy vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Trước khi gặp linh mục Trần Hữu Thanh với mục đích thuyết phục ông bỏ ý địng tổ chức cuộc biều tình lớn tại Huế, tôi đã chuẩn bị sẵn một bản đồ ghi nhận tình hình địch rất đầy đủ. Sau phầm thăm hỏi xã giao, tôi xin phép linh mục cho tôi trình bày những khó khăn về an ninh khi có cuộc biểu tình lớn xảy ra nhất là tình hình địch quá nặng, trong thời gian nầy. Vừa nói tôi vừa chỉ bản đồ tình hình địch cho linh mục Thanh xem, đó là vào tháng 10/1974. Cộng quân có thể tấn công Huế bất cứ lúc nào và câu kết luận của tôi rất thống thiết:
– Thưa Cha, xin cha thương dân Huế, trải qua ba biến động từ vụ tranh đấu 1966, đến Mậu Thân 1968, Mùa hè 1972, dân Huế xơ xác tội nghiệp quá rồi, nay họ đã biết với tình hình hiện tại Huế và ngay cả Miền Nam Việt Nam cũng đang sắp sửa phải gánh chịu tai ương lớn, đã có nhiều gia đình giàu có bỏ Huế đi vào Saigon rồi và tình trạng đó hiện đang tiếp diễn, dân chúng còn lại đang hoang mang, hốt hoảng. Nay cha tổ chức cuộc biểu tình lớn, đương nhiên con phải dồn nổ lực tối đa vào vấn đề đối phó với cuộc biểu tình của cha, tất nhiên không như thế sẽ không tránh khỏi sơ xuất trong vấn đề ngăn chận đề phòng Việt Cộng xâm nhập vào thành phố Huế.
Thưa cha, sao cha và phong trào không chọn Thủ Đô Saigon làm thí điểm cho cuộc biểu tình lón của phong trào, như vậy có hơn không? Vì Saigon đất rộng, người đông, báo chí quốc tế, đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia đều có mặt, phong trào sẽ gây được nhiều tiếng vang đối với cộng đồng quốc tế nhiều hơn. Con xin cha!
Bao nhiêu năm qua, nay tôi vẫn còn nhớ rõ từng chữ, từng lời nói của linh mục Trần Hữu Thanh trả lời tôi:
“Mọi chuyện cha làm là vì các con, vì đất nước”.
Ông gằn tiếp, nét mặt rất dữ:
“Thằng Thiệu và tập đoàn tham nhũng của hắn phải ra đi, chúng ta cần một chính phủ mạnh và trong sạch mới nói chuyện với cộng sản được. Việc cha làm, không ai cản nỗi.”
Căn cứ vào giọng nói cứng rắn cương quyết của ông, tôi thấy không có một cơ may nhỏ nhoi nào có thể tránh được cuộc đụng trận với cha vào ngày mai, trong lòng tôi bỗng có chút cay đắng liên tưởng đến ông Trí Quang và tình hình Thừa Thiên-Huế vào năm 1966: giặc ngoài, loạn trong.
Cha Thanh đã lái câu chuyện sang một đề tài khác rất lịch sự và vui vẻ là hỏi thăm sức khỏe của thân phụ tôi. Thì ra hai người có quen biết nhau. Tôi biết đã đến lúc phải chia tay và tôi phải gởi lời “tuyên chiến” chính thức với Cha:
– Thưa Cha, con rất vui và hân hạnh được gặp và thưa chuyện với cha, nhưng mọi chuyện không có kết quả, ngày mai cha làm bổn phận của cha đối với dân tộc và đất nước. Còn con, trong cương vị nhỏ bé của con, con cũng sẽ phải làm bổn phận và trách nhiệm đối với đồng bào Huế của con, là thi hành luật pháp quốc gia, che chở, bảo vệ sinh mạng và tài sản đồng bào, ngăn ngừa cộng sản lợi dụng sự rối loạn an ninh chính trị để tấn công.
Trên đường về Bộ Chỉ Huy, tôi bỗng phát hiện Linh Mục Trần Hữu Thanh và ông Trí Quang có những điểm rất giống nhau là:
Cố chấp, ương ngạnh và tự phụ. Sau này khi cuộc biểu tình xảy ra tôi càng thấy họ giống nhau thêm một tí đó là người thì dùng chiêu “bàn thờ Phật xuống đường”, kẻ thì dùng kế “Thánh Giá Chúa xuống đường”.
Ngay khuya hôm đó tôi triệu tập phiên họp tham mưu khẩn cấp tai phòng hội của Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực. Hiện diện trong phiên họp gồm có:
Thiếu Tá Trương Văn Vinh Chỉ Huy Phó BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế
Thiếu Tá Trương Công Ân Phụ Tá Cảnh Sát Đặc Biệt
Thiếu Úy Dương Văn Sỏ Trưởng G-2
Đại Úy Trần Văn Tý Đại Đội Trưởng Đại Đội 102/CSDC
Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG/Quận III. Trung Úy Phạm Cần
Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG/Quận II Đại Úy Ngô Trọng Thành
Chỉ huy Trưởng BCH/CSQG/Quận I Đại Úy Lê Khắc Vấn
Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Hình Cảnh Trung Úy Văn Hữu Tuất
Đại Úy Trần Văn Trinh, Trung Tân Trưởng Trung Tân Hành Quân Cảnh Lực
Đầu tiên tôi thông báo cho ban tham mưu biết tin không vui là việc thương lượng với linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong Trào Chống Tham Nhũng, bất thành. Ngày mai sẽ có cuộc biểu tình lớn.
Kế đến Thiếu Tá Trương Công Ân trình bày những tin tức mà phòng Cảnh Sát Đặc Biệt ghi nhận được về cuộc biểu tình sắp tới:
1- Thời Gian:
Vào 2 giờ chiều ngay mai.
2- Địa điểm:
Đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ nhà thờ Phủ Cam di chuyển từ đường Nguyễn Trường Tộ, qua đường Nguyễn Huệ trực chỉ về Dòng Chúa Cứu Thế. Một sân khấu lộ thiên sẽ được dựng tại đây, và là địa điểm chính thức của cuộc mít-tinh.
3- Lực lượng tham dự biểu tình:
Giáo dân Làng Phủ Cam, giáo dân vùng Dòng Chúa Cứu Thế và những vùng phụ cận. Ngoài ra cũng có khả năng có một số đảng viên của đảng Đại Việt Cách Mạng tham dự. Ước lượng số đồng bào giáo dân tham dự cuộc biểu tình khoảng trên hai ngàn người.
Tại địa điểm chính, Linh mục Trần Hữu Thanh sẽ tuyên đọc “Bản Cáo Trạng Số 1” nội dung là tố cáo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ tham nhũng, đồng thời kêu gọi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
Sau phần trình bày tin tức của Thiếu Tá Trương Công Ân, tôi bắt đầu đi vào kế hoạch đối phó với lực lượng biểu tình ngày mai. Phải nhận rằng trong suốt thời gian gần chín năm làm việc tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế, đây là lần đầu tiên tôi đương đầu với cuộc biểu tình do một vị linh mục cầm đầu từ Sàigòn ra, trước đây hầu hết là biểu tình của các Đại Đức Thượng Tọa Phật giáo. Tất nhiên, cuộc biểu tình không là của Giáo Hội Công Giáo mà chỉ là cá nhân của ông ta sách động.
Lẽ dĩ nhiên trong lòng không tránh khỏi những phiền muộn đắn đo, vì người cầm đầu cuộc biểu tình là linh mục Trần Hữu Thanh, một nhân vật chống cộng nỗi tiếng hiện thời, một nhân vật có đầy đủ đạo đức và tư cách để đại diện cho đại đa số quần chúng nói lên lời yêu cầu chính phủ phải trong sạch hóa guồng máy cầm quyền trong phạm vi dân sự cũng như quân sự hầu có đủ uy tín đứng ra trong thế mạnh thương lượng với cộng sản miền Bắc. Nhưng linh mục Thanh đã quá lầm, mặc dù linh mục là một trong những lý thuyết gia về chủ nghĩa cộng sản, giảng viên đại học về môn này. Thật sự linh mục không hiểu sâu bản chất cộng sản, đó là: đối với cộng sản đừng bao giờ mơ có sự thương lượng, mà chúng chỉ có sự lường gạt mà thôi. Cái mà chúng cần là một chính quyền Miền Nam càng yếu kém càng tệ hại càng tốt để chúng có thể đi đêm với chính quyền đó để thôn tính Miền Nam một cách dễ dàng hơn. Chính quyền mạnh và có uy tín của Miến Nam là trở ngại mà chúng không bao giờ muốn.
Cộng sản chúng muốn gì? Chúng muốn thay chính quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bằng một chính quyền tệ hại hơn sớm chừng nào tốt chừng nầy, có nghĩa là chúng muốn có được chính quyền của Dương Văn Minh càng sớm càng tốt. Sự “ương ngạnh” của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đối với chính quyền Nixon- Kissinger trước khi ông bị ép buộc ký vào Hiệp Định Paris chứng tỏ cho thấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một khúc xương không dễ gặm và Dương Văn Minh là một chọn lựa tuyệt vời nhất cho Hà Nội trong vấn đề dứt điểm Miền Nam. Thực tế đã chứng minh như thế. Vì vậy kể từ năm 1974, cộng sản đã cố gắng giật giây để tạo ra các bất ổn chính trị cho Miền Nam bên cạnh những tấn công quân sự ngỏ hầu dứt điểm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhanh chừng nào tốt chừng đó. Và như vậy, những xì căng đan chính trị và đặc biệt là phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh là tất cả những gì cộng sản muốn. Cộng sản đã cài đặt Nguyễn Văn Kim vào trong phong trào này để lèo lái cha Thanh và lèo lái phong trào chống tham nhũng đi theo hướng lật đổ chính quyền VNCH.
Nói một cách chính xác không ngoa, phong trào chống tham nhũng thực chất đó là phong trào lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Số phận Miền Nam sao quá đắng cay, giặc ngoài thù trong triền miên, hết thầy rồi cha, rồi báo chí!. Ai cũng biết giặc ngoài dễ đối phó, nhưng thù trong thì nguy hiểm khôn lường. Giờ phút đất nước đang lâm nguy này mà còn biểu tình lên đường xuống đường chống chính phủ! cho dù là chống tham nhũng đi nữa thì cũng cầm bằng như giúp không cho cộng sản, nối giáo cho giặc.
Suy nghĩ của linh mục Thanh thật quá ngây thơ và hẹp hòi, vô hình chung giáng một đòn chí tử vào sức chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Người lính cầm súng sẽ còn sức chiến đấu trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng thế này hay không khi nghe những tin tức cấp trên và chính quyền VNCH của mình quá tham nhũng thối nát? Và chính quyền có còn đủ minh mẫn quyết tâm và nghị lực để đối phó chống lại cộng sản hay không, khi chính họ đang bị khủng hoảng chính trị trầm trọng, bị biểu tình lên đường xuống đường kết tội là tham nhũng thối nát, bị phe chính trị đối lập và báo chí đối lập thừa nước đục thả câu thổi phồng sự thật trong lúc tình hình quân sự và viện trợ đang vô cùng bi đát? Trong lúc đó thì dân lành vô tội đang hoang mang sợ cộng sản xâm chiếm lãnh thổ, gồng gánh bỏ chạy vào Nam. Họ có quan tâm tới phong trào chính trị chống tham nhũng nỗi đình nỗi đám của cha Thanh hay không? Hay họ chỉ quan tâm mỗi việc là không thể sống với cộng sản, cộng sản đánh đến đâu họ bỏ nhà bỏ cửa bỏ ruộng nương chạy đến đó, linh mục Trần Hữu Thanh và ông Hoàng Xuân Tửu không thấy đó sao?
Ai cũng muốn có một chính quyền trong sạch không tham nhũng, nhưng xin hỏi, ai có thể vỗ ngực xưng tên cho rằng sẽ tận diệt được tham nhũng? Ngay cả thời điểm bây giờ tại đất nước số một của thế giới là Hoa Kỳ có ai chắc là không có tham nhũng? Và việc tham nhũng của chính quyền và một số viên chức quân đội VNCH ngày ấy có to lớn như các nước như Phi Luật Tân, Nam Dương v.v. hay không? và đất nước của họ có vì tham nhũng mà lọt vào tay cộng sản hay không? việc làm của cha Thanh có thích hợp với tình trạng chiến tranh của quốc gia và có đúng thời điểm không? Hay phong trào chống tham nhũng của linh mục Thanh là một việc làm vô cùng đáng trách? Có bao nhiêu câu hỏi mà lịch sử sẽ đặt ra khi phân tích về lý do tại sao Miền Nam mất vào tay cộng sản, mà trong đó, những hoạt động biểu tình lên đường xuống đường chống lại chính phủ VNCH cho dù là với bất cứ lý do gì, trong suốt giai đoạn đất nước đang có chiến tranh với cộng sản, tất cả ít nhiều đều mang tội với lịch sử.
Điểm lại thời gian mà cha Thanh hãnh diện với phong trào nỗi đình nỗi đám của ông ta: Chúng ta đang ở vào gần cuối tháng 10/1974 và ngày 28 tháng 3 năm 1975 Cộng quân chiếm Huế, ngày 29 tháng 3 năm 1975 cộng quân chiếm Đà Nẵng, 30 tháng 4 năm 1975 Cộng quân chiếm Miền Nam Việt Nam.
Đã quá muộn, mạng sống của miền Nam giống như một người đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, nguồn oxy viện trợ đang mõn dần, vậy mà cha Thanh nỡ giáng một đòn chí tử vào bộ não của bệnh nhân. Xin hỏi, theo lý thuyết của cha Thanh, đó là ông cần một chính quyền có uy tín để thương lượng với bọn cộng sản, thế thì ông đã có ai trong đầu là “chính quyền có uy tín” chưa? Ông muốn đập đổ cái hiện tại thì ông phải có cái khác để thay thế chứ? Và thế thì từ tháng 10/1974 đến tháng 4/1975 là bao nhiêu tháng để linh mục Trần Hữu Thanh có thể chọn ai để thay đổi Tổng Thống Thiệu, thay đổi chính phủ, thay đổi các giới chức cao cấp của ngành hành chánh, thay đổi các tướng lãnh trong quân đội nhằm mục đích trong sạch hóa chính quyền và quân đội hầu có thể đương đầu với Cộng Sản Bắc Việt? Viết đến đây tôi chợt thấy cha Thanh có điểm tương đồng với Thích Trí Quang đó là nghĩ mình là quốc phụ có thể sắp xếp người này người kia để tạo một chính phủ theo ý các ông. Các ông có hoang tưởng không? tôi cho là có, các ông có quyền làm điều này không?, thưa theo luật pháp các ông không có quyền hạn này, và dựa theo khả năng, hai ông Trí Quang và Trần Hữu Thanh cũng hoàn toàn không có. Nếu suy nghĩ này sai, xin quý vị tha lỗi cho tôi.
“Chúng ta cần một chính phủ mạnh và trong sạch mới nói chuyện với cộng sản được”.
Câu nói này của linh mục Thanh chỉ là ảo tưởng. Cộng sản có muốn nói chuyện với bất cứ ai không? Hoàn toàn không. Tất cả chỉ là một sự lường gạt. Khi yếu thì chúng giả hòa rồi tìm cách giết lén chẳng hạn như vụ án Ôn Như Hầu. Khi ngang sức thì chúng vừa đánh vừa đàm. Khi mạnh thì chúng thẳng tay sát thủ. Kịch bản lường gạt này thật cũ rích nhưng thời nào cũng có người khờ khạo tin theo. Đến bây giờ ngay cả ở hải ngoại cũng bị tình trạng như thế. Linh Mục Trần Hữu Thanh và phong trào của ông đã hoàn toàn làm lợi cho cộng sản, giúp người Mỹ rút chân nhanh khỏi Nam Việt Nam, nhanh đến độ chính họ cũng không ngờ và cũng không muốn nhanh với tốc độ như vậy. Nói một cách chính xác phong trào của cha Thanh đã làm chính họ phải gấp rút tháo chạy chứ không phải là rút lui. Thời gian đâu có đủ để gọi là rút lui?
Ngoài ra, phong trào của cha Thanh cũng có giúp một số chính trị gia cơ hội của Miền Nam, thừa nước đục thả câu, khi mà tổ quốc đã đến hồi điêu linh, quê hương sắp mất vào tay cộng sản, vẫn cố tranh quyền đoạt vị, vẫn cố loại trừ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để nắm lấy chính quyền để nói chuyện với chính phủ cộng sản, mưu đồ kiếm ghế từ cuộc thươgn lượng với cộng sản! Giấc mộng hảo huyền này bị trả giá bằng một sự thật khủng khiếp: Miền Nam rơi vào tay cộng sản! số chính trị gia kiểu này vào trại cải tạo, một số chết trong tù, số sống sót trở ra hải ngoại.
Ấy vậy mà bài học lịch sử vẫn không bao giờ thuộc, đến nay vẫn có kẻ vẫn tin vào chính sách hòa hợp hòa giải của bọn cộng sản, trở về tham gia xây dựng đất nước để… thay đổi thể chế chính trị!. Tôi chỉ có thể nói một câu thế này: những người này thuộc loại hết thuốc chữa!
Theo thiển ý của tôi, một sĩ quan ở cấp nhỏ và một cấp chỉ huy ở vị trí thấp, nếu phong trào của Linh Mục Trần Hữu Thanh là một phong trào có thể kết hợp được mọi tôn giáo, mọi đảng phái chính trị, cùng với Dân, Quân, Cán, Chính của Miền Nam một lòng một dạ hợp nhất, muôn triệu người là một, cùng đứng lên chống lại quân xâm lăng cộng sản miền Bắc may ra tình thế có thể thay đổi chăng?
Nếu không làm được điều nầy, thì mọi nổ lực nhằm thay đổi Tổng Thống, Chính Phủ, Quân Đội, chống tham nhũng, ký giả ăn mày v.v chỉ là mơ tưởng hảo huyền và tạo cho tình hình càng thêm rối loạn trầm trọng. Bên cạnh đó, những chính trị gia bất tài cơ hội ngỡ rằng thời cơ đã đến, cờ đã trong tay phải phất nên thi nhau tranh nhau dành quyền lực chia chát tính toán chức vụ. Miền Nam không còn thì nhiều thì giờ, hai tên khốn kiếp Lê Đức Thọ và Kissinger đã thông đồng với nhau an bài số phận của Miền Nam Việt Nam. Do đó điều mà các chính trị gia, các cơ quan truyền thông báo chí VNCH phải làm là giữ vững tinh thần chiến đấu của quân đội, ổn định tình hình an ninh chính trị hậu phương, chứ không phải là thi nhau tố cáo chính phủ gieo tư tưởng bi quan yếm thế cho xã hội làm suy sụp tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ VNCH. Nỗ lực này đòi hỏi sự hiểu biết của mọi công dân nhất là giới báo chí, nhưng ngược đời thay, trong lúc đó thì không biết bao nhiêu là các bài báo các hoạt động chống phá chính phủ trung ương, đã kích và thậm chí vu khống quá đáng cho quân đội tham nhũng này kia v.v. Hai tên lưu manh Thọ và Kissinger chúng muốn Miền Nam tắt thở càng sớm càng tốt, và những phong trào chống đối như của linh mục Thanh thay vì phải giúp thêm dưỡng khí cho con bệnh thì lại bóp nghẹt thêm Miền Nam, làm lợi cho hai tên lưu manh này. Rốt cuộc chúng đã nâng ly rượu chúc mừng lẫn nhau sớm hơn chúng dự tính, đó chính là lúc Miền Nam trút hơi thở cuối cùng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Trở lại công việc trước mắt của tôi là đối phó với cuộc biểu tình ngày mai của linh mục Trần Hữu Thanh và phong trào chống tham nhũng của ông ta. Như tôi đã trình bày, chủ trương của tôi là “tiên lễ hậu binh”, lễ không xong, thì nay phải dụng binh. Mà đã phải dụng binh thì phải thật mạnh quyết không nhân nhượng.
Tôi đã trình bày với ban tham mưu của tôi trong buổi họp như sau:
Tình hình hết sức tế nhị, không dễ dàng, vì đây là cuộc biểu tình của tôn giáo và đảng phái chính trị kết hợp. Chúng ta nhân nhượng thì họ sẽ làm tới, có nghĩa sau cuộc biểu tình ngày mai, nếu họ thành công thì sẽ có những cuộc biểu tình kế tiếp, nếu chúng ta đàn áp mạnh có thể có những phản ứng bất lợi vì linh mục Trần Hữu Thanh kết hợp với một thế lực chính trị lớn đó là Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký. Ngày mai ba nhân vật hiện diện trong đoàn biểu tình là Linh mục Trần Hữu Thanh,Thượng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu nhân vật thứ 2 của đảng Đại Việt, Dân Biểu Nguyễn Văn Kim cũng là nhân vật quan trọng của đảng Đại Việt, cuộc chiến không dễ chút nào.
Nhưng dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải làm nhiệm vụ của chúng ta là thi hành luật pháp quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào. Để đối phó với cuộc biểu tình ngày mai, tôi trình bày kế hoạch với ban tham mưu của tôi như sau:
Lực Lượng.
1- Sử dụng 500 Cảnh Sát Dã Chiến. Dùng 250 Cảnh Sát Dã Chiến làm lực lượng tấn công, 250 CSDC còn lại làm lực lương trừ bị.
2- 250 Cảnh Sát Đặc Biệt gồm cả Biệt Đội Thiên Nga, đảm trách an ninh chìm, trà trộn vào đám biểu tình và trong đám đông đồng báo hiếu kỳ.
3- Các BCH Quận I,II,III tăng cường nhân viên tối đa kiểm soát chặt chẽ các nút chận ra vào thành phố, đề phòng bọn Việt Cộng lợi dụng thời cơ đưa người và vũ khí xâm nhập thành phố.
4- Đơn vị Tuần Cảnh Hỗn Hợp tăng cuờng tối đa các xe tuần tiểu, sẵn sàng bít các ngõ vào khu biểu tình, ngăn chận đồng bào hiếu kỳ xâm nhập khu vực biểu tình tạo khó khăn thêm cho lực lượng giải tán biểu tình.
Chỉ huy:
1- Chỉ huy trực tiếp lực luợng Cảnh Sát Dã Chiến trực tiếp tấn công dẹp đoàn biểu tình: Thiếu Tá Liên Thành, chỉ huy Trưởng BCH/CSQG/Thừa Thiên- Huế.
2- Phụ Tá: Đại Úy Trần Văn Tý Đại Đội Trưởng Đại Dội 102/ CSDC.
3- Chỉ huy 250 Cảnh Sát Dã Chiến trừ bị, Đai úy Chung Châu Hồ, đại đội phó Đại Đội 102/CSDC.
4- Chỉ huy lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt bao gồm Biệt Đội Thiên Nga: Thiếu Tá Trương Công An phụ tá Ngành Đặc Biệt.
Phụ Tá Thiếu Tá Trương Công Ân, Thiếu Úy Dương Văn Sỏ, Trưởng cơ quan G-2.
5- Thiếu Tá Trương Văn Vinh, Chỉ huy phó BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế, chỉ huy tổng quát lực lượng an ninh trật tự trong 3 quận thị xã và các nút chận ra vào thành phố.
Tôi xoay qua nói với Thiếu Tá Trương Văn Vinh Chỉ huy phó của tôi nửa đùa nửa thật:
– Ôn là dân đạo dòng, dân Phú Cam thứ thiệt, tui bố trí cho ôn lo công tác an ninh trật tự mặt ngoài, không dính dấp gì vào đám dẹp biểu tình là thương ôn nhiều lắm… Nếu ôn đi dẹp biểu tình với tui, chiều về lại Phủ Cam ôn tìm nhà ôn không ra mô. Một vài dân quá khích Phủ Cam bọn họ đốt nhà Ôn phó rồi, ngõ mô mà về…
Thiếu Tá Vinh trả lời tôi:
– Sức mấy! Bọn họ dám?
– Anh là dân công giáo, nhưng không phải loại tín đồ tưởng thầy là Phật, xem Cha là Chúa, nhưng dù sao để tránh khó khăn cho anh sau nầy bị mang tiếng là tên “phản đạo” như tôi, tốt hơn hết anh lo an ninh trật tự mặt ngoài, chuyện ở trong để tôi.
Trước khi chấm dứt buổi họp tôi nói rất rõ với các sĩ quan trong ban tham mưu của tôi rằng:
– Vấn đề giải tán biểu tình ngày mai hơi tế nhị và rắc rối, vì thế trước sự hiện hiện của anh em tôi xin xác nhận:
1- Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn trước thượng cấp và luật pháp về quyết đinh và hành động của tôi và của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế.
2- Tôi sẽ là người chỉ huy trực tiếp lực lượng tấn công đoàn biểu tình ngày mai.
3- Tôi là người đầu tiên bắn quả phi tiển và tung lưu đạn cay đầu tiên vào đám biểu tình.
Anh em có gì thắc mắc xin cứ hỏi, còn nếu bằng không thì tất cả trở về đơn vị và đợi lệnh điều động
Phiên họp chấm dứt, tôi nói với Thiếu Tá Ân:
– Ân, năm phút nữa gặp anh tại văn phòng tôi.
Năm phút sau tại phòng làm việc của tôi, tôi hỏi Ân:
– Sao Ân? Anh Thu có tin tức gì cho mình không?
– Dạ có, có một vài tin tức quan trọng:
1- Cha Thanh giao bản thảo “Cáo Trạng Số 1” về Thống Thống Nguyễn Văn Thiệu cho anh Thu và nhờ anh Thu đi in để ngày mai trong cuộc biểu tình phân phát cho đồng bào và cho phái đoàn báo chí Sàigòn và ngoại quốc.
2- Theo cha Thanh tiết lộ, cuộc biểu tình ngày mai chỉ là dò đường, nếu thành công, sẽ có một cuộc biểu tình lớn hơn rầm rộ hơn tại Huế vào những ngày kế tiếp.
3- Mục đích chính của Phong Trào Chống Tham Nhũng là lật đổ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
4- Đại Việt Cách Mạng là một trong những thành phần chủ lực của cha Thanh.
5- Xác nhận chắc chắn cuộc biểu tình ngày mai trong hàng ngũ lãnh đạo dẫn đầu cuộc biểu tình ngoài linh mục Trần Hữu Thanh còn có thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu nhân vật thứ 2 của đảng Đại Việt và dân biểu Nguyễn Văn Kim Ủy viên trung ương đảng Đại Việt. Sự hiện diện của hai ông thượng nghị sĩ và dân biểu VNCH nhằm mục đích phô trương thanh thế lực lượng của đoàn biểu tình.
6- Về báo chí của Sài Gòn và ngoại quốc, có 8 người từ Sàigon ra hiện đang trú tại khách sạn Hương Giang, ngày mai họ sẽ đi theo đoàn biểu tình làm phóng sự.
Tôi và Ân cùng ngồi im lặng suy nghĩ, bỗng Ân cất tiếng hỏi tôi:
– Anh nghĩ sao? Vụ nầy khó nuốt thật, vừa là Công Giáo lại cộng thêm đảng Đại Việt thế lực họ mạnh quá, mình dám húc không anh?
Tôi trả lời Ân:
– Ân à, anh thấy đó, mình đã thương lượng với họ rồi, “tiên lễ hậu binh”, lễ không xong thì không còn chọn lựa nào hơn là húc, mà đã húc thì phải húc thật mạnh, không nhân nhượng và không nương tay. Nếu không thì cộng sản có cơ hội tràn vào, chúng ta không còn lựa chọn nào khác.
Tôi nghĩ rằng không một cá nhân nào, không một tôn giáo nào, không một đảng phái chính trị nào có quyền đứng trên luật pháp quốc gia. Họ không có quyền nhân danh tôn giáo, hoặc đảng phái để vi phạm luật pháp quốc gia. Ngày mai nếu họ vi phạm chúng ta phải thi hành luật pháp để chế tài họ ngay vì đó là bổn phận của chúng ta.
Căn cứ trên những tin tức anh vừa cho tôi biết, tôi thấy có những việc mình phải làm ngay:
1- Bản “Cáo Trạng Số 1” cha Thanh đưa cho Anh Thu đi in, mình phải in cho anh Thu ngay, khoảng 1000 tờ là quá đẹp rồi. Phải in xong và giao cho anh Thu trước 11 giờ trưa ngày mai để anh ta còn kịp thì giờ giao lại cho Cha Thanh. Chuyện nầy để bảo mật, anh giao cho ai đó đem qua một nhà in bên phố in ngay và trả tiền khá khá cho họ, tuyệt đối không in, không làm copy trong BCH rất dễ bị lộ.
2- Đối với 8 ông báo chí, ngày mai anh dặn anh em vẫn để cho họ vào vùng biểu tình, nhưng anh bố trí 8 anh em mỗi người kèm một ông, khi họ đưa máy ảnh lên là lúc mình quẹt tặng cho họ một cục mở xe vào ống kính máy ảnh vậy là xong, sẽ không có bức hình nào ngoài ý muốn của mình đuợc phổ biến cả.
3- Vì tình hình địch tại Thừa Thiên Huế mỗi ngày mỗi tồi tệ mỗi nặng, cha Thanh và phong trào của ông ta đã có kế hoạch sẽ còn tổ chức các buổi biểu tình lớn hơn tại Huế, chúng ta bằng mọi giá buộc lòng phải ngăn chận, kẻo không thì địch sẽ thôn tính Huế. Tôi đã có chương trình vô hiệu hóa các hoạt động của Cha Thanh trong những ngày kế tiếp tại Huế như thế nầy… thế nầy… thế này…
Tôi chỉ nói cho anh biết, nghe rồi quên đi, mọi chuyện tôi chịu trách nhiệm, và thi hành kế hoạch nầy là tiểu đội “biệt kích”.
Nghe tôi trình bày kế hoạch vô hiệu hóa mọi họat động của cha Thanh xong, Thiếu Tá Trương Công Ân cười lớn, và hỏi tôi:
– Ông ơi, hơi nguy hiểm đó, có làm nỗi không? Bạo quá, sao mà ông nghĩ ra mỗi chuyện nầy, tôi chịu thua.
– Chỉ cần anh bố trí cho tôi một toán khoảng mười anh em Cảnh Sát Đặc Biệt vây quanh cha Thanh với lệnh rõ ràng là bảo vệ an ninh cho cha là được rồi, chuyện còn lại để tôi và đội “biệt kích”.
Ngay bây giờ anh gọi ông trưởng ban kế hoạch thảo 3 công điện khẩn cấp trình bày tình hình và tôi sẽ ký để chuyển trình ngay:
1- Trình Đại Tá Tỉnh Trưởng nội vụ và nhớ đừng quên câu:
“Xin Đại Tá Tỉnh Trưởng ban chỉ thị cho Ty tôi thi hành”.
2- Trình Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Khu I.
3- Trình Thiếu Tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Nhớ kèm bản “Cáo Trạng số 1”.
hằng loạt các biến động chính trị, tôn giáo, lên đường xuống đường tại Huế, lần nào cũng trình lên ba Ôn chỉ huy hàng dọc, hàng ngang: Tỉnh Trưởng, Chỉ Huy Trưởng CSQG vùng I, Tư Lệnh tại Sàigòn, xin chỉ thị để thi hành bằng công điện khẩn cấp vì tình hình rối loạn sắp xảy ra tại Huế, thế nhưng:
“Một lần như mọi lần, chỉ thị của ba vị đó luôn là im lặng vô tuyến.”
Nếu dùng bạch văn có thể tạm dịch công điện “im lặng vô tuyến” đó như sau: Nếu anh làm thành công tôi gắn huy chương cho anh, còn nếu anh thất bại tôi sẽ cách chức anh, lột lon, và thậm chí có thể… lột da anh bỏ tù anh.
Trở lại vụ biểu tình, chín giờ sáng ngày hôm sau tôi đến văn phòng cố vấn Cảnh Sát Đặc Biệt tức nhóm cố vấn tình báo Hoa Kỳ để họp trình bày cho họ biết tình hình ngày mai cùng kế hoạch đối phó của chúng tôi. Tôi vừa họp xong ra xe, xe chưa nỗ máy thì bỗng thấy Bộ Tham Mưu của phong trào Chống Tham Nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh đi vào văn phòng Cố Vấn Tình Báo Mỹ của chúng tôi! …Lạy chúa!
Tôi choáng váng, thật không ngờ vụ này lại có người Mỹ nhúng tay vào!
Tôi nhận diện ra ngay người đi đầu là dân biểu Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Kim và những người khác trong phái đoàn. Rất may là họ không nhìn thấy tôi. Thật ngoài tưởng tượng của tôi, thật không ngờ, chẳng lẽ phong trào nầy là do tình báo CIA tạo dựng? Chẳng lẽ những con người kia mở miệng ra là những lời vàng ngọc, nào là vì quốc gia, vì dân tộc, vì đất nuớc, và vì nhiều thứ nhiều thứ khác…lại hành động dưới sự chỉ bảo của ngoại bang? Những lời nói đó phải chăng chỉ là những lời nói chót lưỡi đầu môi, chẳng phải là vì dân vì nước, mà chỉ vì làm theo chỉ thị của tình báo Mỹ để hưởng chút danh lợi do tình báo Mỹ ban cho mà thôi?
Chúng tôi họp và làm việc với văn phòng cố vấn Mỹ vì đó là trách nhiệm mà chính phủ VNCH giao phó, đó là lệnh của chính phủ phải phối hợp hành động với các cơ quan tình báo bạn trong trọng trách truy tìm cộng sản nằm vùng bảo vệ an ninh trật tự cho dân chúng. Còn họ, những kẻ gọi là “dân biểu” “linh mục” “thượng nghị sĩ” thì họ họp với tình báo Mỹ để làm cái gì? Nhận chỉ thị “truy tìm cộng sản” bảo vệ an ninh trật tự xã hội từ phía Mỹ? Họ đâu phải là nhân viên tình báo của chính phủ VNCH cần phối hợp với cơ quan tình báo bạn? Nếu không phải vậy thì họ làm nhiệm vụ gì ở đây ngoài hai chữ “tay sai”?
Linh mục Trần Hữu Thanh! Lại một kiểu Thích Trí Quang thứ hai! Trí Quang thì trốn vào tòa Đại Sứ Mỹ khi chính phủ truy bắt bọn tạo phản, linh mục Trần Hữu Thanh thì cho đồng bọn đến văn phòng Cố Vấn Mỹ để tổ chức biểu tình, tôi chua xót nhủ lòng
Đối với người Mỹ, cuộc chơi “chiến tranh” nầy đã chấm dứt, Kissinger đã nói:
“Sao bọn chúng nó không chết nhanh cho rồi”.
Và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng đã nói:
“Cứ mỗi lần ông Đại Sứ Mỹ đến gặp tôi đưa ra một số yêu sách, nếu không được tôi thõa mãn thì ngày hôm sau lại có những cuộc biểu tình chống đối trên đưòng phố Sàigòn”
Viết đến đây, tôi cảm thấy thật ngậm ngùi cho số phận của hai vị nguyên thủ quốc gia của VNCH cũng như bất nhẫn cho số phận Miền Nam. Cả hai vị, tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đều vì quyền lợi đất nước mà phải hứng chịu những áp lực nặng nề cũng như những thủ đoạn chính trị từ phía người bạn Mỹ đồng minh duy nhất. Trong khi đó thì Hồ Chí Minh và đảng cộng sản có cả một khối rất đông cộng sản đứng sau lưng. Bắc Việt không bị áp lực của khối cộng sản Đông Âu khi chúng viện trợ, còn số viện trợ từ Trung Cộng đến Hà Nội thì chúng đã thuận mua vừa bán. Bắc Việt đã bán Ải Nam Quan và toàn bộ vùng biển Việt Nam, đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng để đổi lấy viện trợ và quyền lực ngay từ năm 1958 rồi. Trong sự mua bán này, Trung Cộng và Việt Cộng đều có lợi, còn đất nước và con dân Việt Nam thì bị bán đứng. Cho nên những kẻ đã từng chạy theo cộng sản tất cả phải bị kết tội trước lịch sử Việt Nam.
Phong trào chống tham nhũng của cha Thanh được lập ra không ngoài mục đích yêu sách Tổng Thống Thiệu từ chức, “chết” nhanh cho gọn! Người chủ thật sự của Phong Trào Chống Tham Nhũng năm 1974 cũng là người chủ của phong trào Phật giáo Tranh Đấu năm 1963, biến động miền trung 1966, này không ai khác hơn là Mỹ. Nhưng người chủ Hoa Kỳ đã bị một người chủ khác gác tay trên, đó là bọn cộng sản Bắc Kinh và Hà Nội. Chúng đã khéo léo cài đặt người, đem những điệp viên cộng sản mà chúng đã tinh luyện và tạo uy tín trong hàng ngũ quốc gia cài đặt vào những biến động chính trị tại Miền Nam. Có thể nói tất cả những cuộc biểu tình phản đối lớn nhỏ chống chính phủ và bôi bẩn quân lực, chính quyền VNCH đều có bàn tay cộng sản chủ mưu giựt dây kích động. Bọn điệp viên này là ai? Chúng là những kẻ có một thành tích “đại” quốc gia, thậm chỉ có thể gọi là “đại quốc gia quá khích”, vỏ bọc là đảng viên các đảng phái chính trị quốc gia, nhân viên chính quyền, sĩ quan cao cấp trong quân đội, là giới tăng lữ tu sĩ v.v, và khi bọn quốc gia giả hiệu này ra tay, đó chính là lúc chính phủ VNCH phải khốn đốn, vì dân chúng cứ ngỡ rằng chúng là người quốc gia đứng lên đòi cải tổ đất nước và một số đã ủng hộ tin theo. Điều cay đắng mà chúng ta phải hứng chịu từ phía người bạn đồng minh thân mến đó là, chiến thuật của Mỹ khi muốn thay đổi một chính quyền, một chính sách mà họ cho rằng tốt hơn hoặc cần thiết cho họ, thì họ liền tiếp tay cho những nhóm đối lập chính trị, bên ngoài thì biểu tình lên đường xuống đường, bên trong họ đặt điều kiện.
Thật buồn cho đất nước Việt Nam, những biến động chính trị lớn đáng kể kể từ ngày nền Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 luôn được cầm đầu bởi những tu sĩ tôn giáo. Hết thượng tọa rồi lại linh mục! Hết Thích Trí Quang rồi lại Trần Hữu Thanh! Vì đâu nên nỗi? Phải chăng vì chính người dân chúng ta đã quá tôn sùng các vị lãnh đạo tôn giáo nên chính chúng ta đã bị họ lợi dụng?
Tôi tự hỏi tại sao những nhân vật này không cởi bỏ chiếc áo tu hành để tha hồ làm chính trị? Tại họ không đủ bản lãnh và năng lực để làm một chính trị gia thuần túy nên phải mượn chiếc áo tôn giáo để đạt được mục tiêu chính trị chăng? hay tại dân mình chỉ biết tin tưởng mù quáng vào các chiếc áo tu hành nên tạo mãnh đất màu mỡ cho những kẻ chính trị xảo quyệt, dùng thần quyền để đoạt lấy thế quyền? hay đó là sự pha trộn của tất cả các hai yếu tố trên?
Nhóm cầm đầu “Phong Trào Chống Tham Nhũng”, 11 năm sau phong trào “Phật giáo Tranh Đấu”, lần này là một linh mục và hai chính trị gia dân cử VNCH thuộc Đại Việt Cách Mạng!
Bây giờ yêu sách của người Mỹ là Tổng Thống Thiệu phải ra đi để Miền Nam sụp đổ nhanh và người Mỹ phủi tay bước ra khỏi Việt Nam. Nếu Tổng Thống Thiệu không chịu ra đi theo lệnh trực tiếp của người Mỹ, thì vũ khí khác của họ để trị ông là Phong Trào Chống Tham Nhũng.
Và khi Tổng Thống Thiệu ra đi rồi thì quý vị trong phong trào Chống Tham Nhũng có quyền mơ tưởng đến một Chính phủ Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc với cộng sản Hà Nội. Đó là giấc mơ của linh mục Trần Hữu Thanh và có lẽ cả thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu! Mỹ và nhóm linh mục Thanh hai bên cùng hưởng lợi: Mỹ hết trách nhiệm, nhóm linh mục Thanh có chính quyền! Thật quá ngây thơ!
“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời giặc cộng có thương dân mình”, và trong “công tác” chống tham nhũng này, nói một cách cụ thể và chính xác, chỉ có “dân biểu” Nguyễn Văn Kim là có lợi. Cá đã cắn câu, linh mục Trần Hữu Thanh và thượng nghĩ sĩ Hoàng Xuân Tửu đã cắn câu tên điệp viên vượt tuyến Nguyễn Văn Kim tức Nguyễn Văn Tú, con nuôi viện trưởng Đại Học Huế linh mục Cao Văn Luận.
Cộng Sản Việt Nam luôn chủ trương “yếu thì đàm, mạnh thì đánh” nhưng cuối cùng vẫn là “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”, quý vị như các ông Hoàng Xuân Tửu, linh mục Trần Hữu Thanh chỉ là những kẻ ngây thơ dại dột, còn “dân biểu” Nguyễn Văn Kim, người được Hà Nội cài vượt tuyến vào Nam y phải làm nhiệm vụ vì y chính là cộng sản. Quý thượng cấp gồm linh mục Trần Hữu Thanh, và quí vị cao cấp khác lãnh đạo trong phong trào Chống Tham Nhũng ở địa vị “cấp trên” làm chính trị kiểu nầy thì chúng em dân, quân, cán, chính, Miền Nam ở vị trí “cấp dưới” chết là cái chắc! Và Miền Nam đã chết thật, chết nhanh hơn dự kiến
Trở lại vụ biểu tình, mười hai giờ trưa ngày hôm sau toàn bộ lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế đã ở trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Cẩn thận hơn, tôi lệnh cho Đại Úy Trần Văn Trinh Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực gọi Thiếu Tá Ân, Đại Úy Tý, Thiếu Tá Trương Văn Vinh Chỉ Huy Phó của tôi xem có gì trở ngại không, và bảo họ sẵn sàng đợi lệnh xuất phát. Tôi cũng ra lệnh cho Đại Úy Trinh lệnh cho mọi đơn vị từ giờ nầy trở đi nếu không có chuyện khẩn cấp tuyệt đối im lặng vô tuyến, nhường hệ thống truyền tin lại cho chúng tôi làm việc, và Đại Úy Trinh trực máy 100% với tôi, theo lệnh ghi nhận mọi diễn biến xảy ra vào báo cáo vào Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Khu I tại Đà Nẵng, và Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn để trình thượng cấp.
Tôi gọi anh tiểu đội trưởng “Biệt Kích” của tôi giao “việc quan trọng” mà tôi đã nói cho Thiếu Tá Trương Công Ân nghe, đồng thời cũng lệnh cho anh ta phái ba nhân viên “biệt kích” trang bị súng phi tiễn nạp đạn sẵn đi cạnh tôi, và sẵn sàng chuyển súng phi tiễn thật nhanh cho tôi ngay khi tôi làm thủ lệnh.
Như vậy là xong, bây giờ đã hơn một giờ trưa, thời gian chờ đợi cũng có phần căng thẳng, chỉ cần bộ phận theo dõi của Thiếu Tá Ân gọi máy báo cho tôi biết đoàn biểu tình bắt đầu xuất phát tôi sẽ lập tức ra lệnh cho đơn vị xuất phát ngay.
Một giờ 45 phút trưa vẫn chưa có gì.
Hai giờ 10 phút trưa tình hình vẫn yên tĩnh, chúng tôi vẫn ở trong tư thế sẵn sàng chờ đợi…
Hai giờ 45 chiều, có tiếng Thiếu Tá Trương Công Ân gọi tôi trên hệ thống truyên tin:
– Tango…Tango…
– Tôi nghe anh, nói đi.
– Trình thẩm quyền, họ bắt đầu xuất phát. Đoàn biểu tình đã ra khỏi nhà thờ Phủ Cam. Ước lượng khoảng trên 1200 người. Ba người dẫn đầu đoàn biểu tình, đi giữa là Linh mục Trần Hữu Thanh, bên phải là Thượng Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu, bên trái là dân biểu Nguyễn Văn Kim.
Sau ba người đó là Cây Thánh Giá lớn, và kế tiếp là đoàn người biểu tình.
– Tôi nhận anh rõ. Tôi sẽ đổ quân chận họ ngay ngã tư Nguyễn Huệ – Đống Đa. Anh ước tính khoảng bao nhiêu phút thì đoàn biểu tình mới đến ngã tư nầy?
– Trình anh ít nhất phải trên 30 phút.
– Nhận rõ, tôi cũng nghĩ như vậy, dư ăn!
Dứt với Ân, Tôi gọi Đại Úy Trần Văn Tý:
– Tý, Tango gọi.
– Tôi nghe thẩm quyền.
– Kiểm soát anh em lại một lần chót, không súng đạn, chỉ dụng cụ giải tán biểu tình, lựu đạn cay, phi tiễn mà thôi.
– Nhận rõ.
– Chúng ta sẽ đàn áp mạnh không nhân nhượng, vì thế, trang bị tối đa lựu đạn cay cho anh em.
– Tôi đã làm rồi thẩm quyền.
– Năm phút nữa tôi qua anh, tôi dẫn đầu đoàn xe, tiếp theo là anh, sau đó là xe các trung đội. Sau khi đổ quân ở ngã tư Nguyễn Huệ- Đống Đa anh cho dàn đội hình ngay.
– Nhận rõ thẩm quyền.
– Vinh, Tango gọi.
– Tôi nghe thẩm quyền.
– Anh bắt đầu diều động các xe tuần tiểu hỗn hợp phong tỏa các ngõ đi vào khu vực biểu tình, nhớ chú ý nhắc nhở 3 Chỉ Huy Trưởng Quận I,II,III kiểm soát các nút chận ra vào thành phố, đề phòng bọn nó lợi dụng xâm nhập thành phố.
– Nhận rõ Tango.
– Ân, Tango gọi.
– Tôi nghe Tango.
– Người của mình có trong đoàn biểu tình chưa?
– Có rồi.
– 10 người “bảo vệ” cha có chưa?
– Có rồi.
– 8 anh em với 8 cục mỡ xe cho phái đoàn báo chí ngoại quốc và Sàigòn có chưa?
– Có rồi.
– Tốt.
– Nhắc lại, bắt giữ ngay thành phần tình nghi phá hoại, bất kể họ là ai.
– Nhận rõ thẩm quyền.
Khoảng năm phút sau tôi đã có mặt tại sân của Đại đội 102/CSDC. Tý và đơn vị của anh đã sẵn sàng. Chúng tôi khởi hành, xe tôi dẫn đầu, đến xe Tý theo sau là xe các trung đội.
Chỉ mười phút sau, chúng tôi đã đổ quân ngay ngã tư Nguyễn Huệ- Đống Đa. Sở dĩ tôi chọn địa điểm nầy vì đây là một ngã tư, khi lực lực lượng chúng tôi đàn áp mạnh thì những người trong đoàn biểu tình họ có đến ba ngõ chạy thoát, nếu bít dường không cho họ chạy thì thật là huy hiểm, “tức nước vỡ bờ” tức nhiên sẽ có cuộc xô xát với nhân viên công lực, đó là điều chúng tôi không bao giờ muốn xảy ra cả.
Chỉ năm phút sau Đại Úy Trần Văn Tý đã dàn xong đội hình. Năm trung đội Cảnh Sát Dã Chiến đã “oai hùng” đứng ở vị trí sẵn sàng trấn áp bạo động. Đội hình được sắp xếp như sau:
Đứng đầu hàng thứ 1, đối diện với đoàn biểu tình là tôi cùng với 4 anh em trong đội “biệt kích” của tôi, với 4 cây súng phi tiển đã nạp sẵn đạn cay vì tôi là người bắn phi biển đầu tiên.
Hàng thứ 2, sau lưng tôi là Đại Úy Trần Văn Tý ĐạiĐội Trưởng 102/CSDC và 6 cận vệ của anh ta.
Hàng thứ 3 là đội hình của 5 trung đội.
Vậy là xong, chúng tôi bình tỉnh chờ đợi cơn bão kéo đến.
Ba mươi phút trôi qua, bây giờ là 3 giờ 30 chiều, cơn bão đang chầm chậm kéo đến… Thiếu Tá Trương Công Ân gọi tôi:
– Tango… Tango…
– Tôi nghe anh.
– Đoàn biểu tình đã qua khỏi ngã tư Nguyễn Trường Tộ-Nguyễn Huệ, anh thấy họ chưa?
– Thấy rồi.
– Đi đầu là Cha Thanh, thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu và dân biểu Nguyễn Văn Kim, sau lưng họ là cây Thánh Giá lớn anh cẩn thận.
Tôi trả lời Ân:
– Còn cẩn thận cái mẹ gì nữa Ân, bây giờ có ông trời xuống đây biểu tình thì mình cũng phải húc thôi, chứ đùng nói đến thầy, cha, nghị sĩ, dân biểu. Không một ai có quyền đứng trên luật pháp quốc gia, nhất là trong lúc tình hình an ninh đang nguy ngập như thế này.
Tôi ngưng liên lạc với Ân, tôi dùng loa phóng thanh nói lớn với anh em:
– Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng trong vài phút nữa là hành động.
– Tôi là người bắn phi tiễn và tung lựu đạn cay đầu tiên sau đó mới đến anh em.
– Chúng ta sẽ chẻ đám biểu tình ra làm ba toán và đẩy ba toán nầy chạy thoát vào ba ngã đường trước mặt anh em.
– Sử dụng lựu đạn cay tối đa, nhưng cấm không được bạo lực với họ nếu chưa có lệnh tôi.
– Để tránh gây thương tích cho đồng bào, xạ thủ phi tiễn cấm bắn cầu vồng hoặc trực xạ, chỉ bắn phi tiễn sát mặt đất mà thôi.
– Tất cả nhận rõ chưa?
Tất cả anh em cùng la lớn:
– Nhận rõ!
Theo luật pháp quốc gia, tôi lấy trong túi áo giáp ra một băng cờ Việt Nam Cộng Hòa khoác ngang vào người. Vậy là xong, mọi việc sẵn sàng.
Mười phút sau, đoàn biểu tình đã đến quá ngã tư đường Nguyễn Huệ-Đống Đa, và họ chỉ còn cách chúng tôi khoảng chưa đầy một trăm mét.
Đi đầu đoàn biểu tình là linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong Trào Chống Tham Nhũng. Bên tay mặt linh mục Thanh là ông Hoàng Xuân Tửu phó chủ tịch phong trào, thượng nghị sĩ Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa. Bên phía trái linh mục Trần Hữu Thanh là ông Nguyễn Văn Kim, dân biểu Hạ Viện Việt Nam Cộng Hòa. Phía sau ba vị nầy là một cây Thánh Giá lớn rất uy nghi, và sau đó là đoàn biểu tình.
Đương nhiên có cuộc biểu tình nào mà không có hoan hô đả đảo.
Tôi dùng loa phóng thanh kêu gọi đoàn biểu tình giải tán, tôi còn nhớ đại khái lời kêu gọi có nội dung như sau:
“Tôi là Thiếu Tá Liên Thành, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế:
Nhân danh Luật Pháp Quốc Gia, nhân danh Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, tôi yêu cầu đồng bào giải tán, bằng không, buộc lòng nhân viên công lực phải hành động giải tán cuộc biểu tình nầy.
Mọi cản trở lưu thông, ngăn cản sinh hoạt của dân chúng trong giờ nầy là vi phạm luật pháp quốc gia, yêu cầu đồng bào giải tán.
Đây là lần đốc thúc thứ nhất.”
Luật quy định phải kêu gọi 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 phút.
Đại Úy Trần Văn Tý đã cùng với tôi giải tán hằng chục loạt các cuộc biểu tình, nên anh rất thuộc bài và biết ý tôi, tôi vừa kêu gọi lần đốc thức thứ 2 xong thì ngay lập tức Đại Úy Tý cho lệnh đơn vị mang mặt nạ chống hơi cay vào mặt, sẵn sàng hành động.
Năm phút trôi qua của lần đốc thúc thứ 2, khi tôi vừa dứt câu nói “Đây là lần đốc thúc lần thứ 3”… và 5 phút nữa trôi qua… rất nhanh tôi với tay chụp ngay cây súng phi tiễn nơi tay người lính đứng cạnh tôi, nhắm thẳng vào linh mục Trần Hữu Thanh, bắn trực xạ ngay vào bụng ông. Chỉ nghe “bụp” viên đạn đụng ngay vào bụng cha Thanh xịt khói xanh, cha Thanh ngã ngay giữa đường nhựa.
Tôi chụp cây phi tiễn thứ 2 nhắm vào ông Hoàng Xuân Tửu, “bụp” đạn đi, viên đạn phi tiễn trúng ngay bụng ông ta, cũng như cha Thanh, ông Tửu ngã giữa đường nhựa.
Dân biểu Nguyễn Văn Kim đang còn há hốc miệng chưa kịp phản ứng gì thì bị tôi bắn ngay quả phi tiễn thứ 3 vào bụng, ông ta bị dội lui và ngồi bệt xuống giữa đường.
Có lẽ độc giả cho đây là một màn trong phim ảnh, không, đây là sự thật, tôi hành động quá nhanh vì đã quá quen thuộc với những lần trấn áp biểu tình lên đường xuống đường triền miên tại Huế, mà phần nào đó đã làm tâm hồn tôi trở nên chai đá trước các cái “sợ” và ngày càng tức giận các “chính trị gia” các giới tu sĩ vì tham quyền lực mà vô trách nhiệm trước vận mạng đất nước, “bất quá thì trả tôi về lại quân đội chứ có gì đâu!”. Hơn nữa, linh mục Thanh, thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, dân biểu Nguyễn Văn Kim quá tự tin nghĩ rằng tôi sẽ không dám động tới các ông lớn như họ nên họ không đề phòng. Họ lầm, đối với tôi không một ai có thể ngồi trên luật pháp quốc gia, không có ai có thể cản trở tôi khi việc làm của các vị có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lãnh thổ, an ninh xã hội và nhất là tạo cơ hội cho cộng sản phát động tấn công.
Sau ba quả phi tiễn cay đó, Đại Úy Tý tung toàn bộ lực lượng 250 Cảnh Sát Dã Chỉến, với lựu đạn cay mù trời, Tý đã chẻ đoàn biểu tình ra làm 3, từ từ đẩy lui họ vào ba ngỏ đuờng khác nhau. Không có chống đối mạnh của đoàn biểu tình, chúng tôi đã dồn và hướng dẫn họ thoát chạy theo ý chúng tôi muốn.
Khoảng 15 phút sau trật tự đã vãn hồi, đoàn biểu tình giải tán trên đoạn đường Nguyễn Huệ-Đống Đa, lưu thông, trật tự đã được tái lập. Thế nhưng chuyện vẫn chưa chấm dứt tại đường Nguyễn Huệ-Đống Đa, tôi cho lệnh Tý thâu quân ngồi nghỉ bên vệ đường đợi lệnh, vì sẽ có màn thứ 2 gây cấn hơn. Quả thật như vậy, chỉ khoảng hơn 30 phút sau, trên hệ thống truyền tin Thiếu Tá Trương Công Ân gọi tôi giọng có vẻ khẩn trương:
– Tango… Tango…
– Tôi nghe anh, nói đi.
– Trình Tango, đám người kia đã tụ tập lại tại Dòng Chúa Cứu Thế rồi, có lẽ cuộc mít-tinh sắp bắt đầu và sau đó sẽ biến thành cuộc biểu tình.
– Tôi nhận anh rõ, ước lượng khoảng bao nhiêu người?
– Khoảng trên 1500 người.
– Tôi nhận anh rõ, 10 nhân viên “an ninh” cho cha đã có mặt chưa?
– Họ đã sẵn sàng rồi.
– Đám báo chí ở đâu? Hồi nãy trên nầy tôi không thấy họ.
– Họ đang ở ngoài, chưa vào được khu vực bên trong.
– Tám ông “bạn “của tám ông nhà báo đã sẵn sàng chưa?
– Sẵn sàng rồi.
– Tôi và lực lượng sẽ đến ngay.
Đại Úy Tý đang đứng cạnh tôi, Tý hỏi tôi:
– Cần gọi Đại Úy Hồ đem lực lượng trừ bị đến không anh?
– Họ có khoảng 1500 người, anh gọi Đại Úy Hồ đem trừ bị đến. Bây giờ minh đi, đến nơi anh đổ quân dàn đội hình ngay.
Tôi dẫn đầu đoàn xe và chỉ khoảng năm phút sau chúng tôi đã đổ quân ngay bên nầy đường đối diện với đám đông đồng bào tụ họp bên kia đường tại khu vực Dòng Chúa Cứu Thế.
Chúng tôi đến thì cuộc mít-tinh đã bắt đầu. Một rừng người đang bừng bừng khí thế nghe linh mục Trần Hữu Thanh chủ tịch phong trào chống tham nhũng oai phong lẫm liệt hạch tội Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời kêu gọi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay lập tức để có thể thanh lọc chính quyền thanh lọc hàng ngũ quân đội thành lập chính phủ mới có uy tín v.v…
Theo lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với linh mục Thanh khi ông đặt chân đến Huế thì ông nói thế này: một chính quyền VNCH có “uy tín”đó là điều kiện đầu tiên để chính quyền Hà Nội mới đồng ý ngồi xuống thương lượng, có nghĩa là chính phủ Hà Nội chỉ có thể giao tiếp với một chính quyền Miền Nam thuộc cùng tầng lớp (high class?) với Hà Nội mà thôi.Tôi không biết tại sao cha Thanh lại biết điều kiện này trong khi cha chỉ là một linh mục, không phải là một thương thuyết gia, đại diện cho chính phủ nhận nhiệm vụ thương thuyết với cộng sản trong giai đoạn đó. Phải chăng chính Nguyễn Văn Kim đã bơm vào đầu cha Thanh ý tưởng này?
Bản Cáo Trạng Số 1 được phân phát cho đồng bào. Nội dung bản cáo trạng là tố cáo Tổng Thống Thiệu và tay chân ông tham nhũng, Tổng Thống Thiệu buôn bán bạch phiến, cần sa, ma túy, xây nhà cửa trong Bộ Tổng Tham Mưu, tạo dựng đất đai cơ sở riêng tư v.v…
Một rừng biểu ngữ đả đảo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cộng vào tiếng la hét hoan hô phong trào chống tham nhũng, đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, khí thế bừng bừng kích động oai phong ngút trời…
Tôi đang đang theo dõi tình hình, quan sát trận địa để khi tung quân là có thể đè bẹp ngay thì Thiếu Tá Trương Văn Vinh gọi tôi:
– Tango… Tango…
– Tôi nghe anh.
– Trình Tango các ngõ ra vào khu vực biểu tình tôi đã khóa hết rồi, hiện có một vài anh em báo chí muốn vào ông cho họ vào không?
– Để họ vào.
– Ông cẩn thận nghe!
– Cám ơn ôn, khó nuốt lắm nhưng cố gắng. Ôn khóa cửa lại nhưng phải mở cửa ra khi tôi bắt đầu giải tán họ, tôi sẽ đẩy họ ra khỏi khu vực mít-tinh, phải để lối cho họ chạy ra nghe!
– Nhận rõ thẩm quyền.
Tôi gọi Ân:
– Ân Tango gọi.
– Tôi nghe Tango.
– Anh ở đâu? Đến gặp tôi ngay, mình sắp bắt đầu.
– Cho tôi 2 phút.
– Tôi đợi anh.
Hai phút sau tôi hỏi Ân:
– Có bao nhiêu nhà báo?
– Tổng cộng có 12 người chứ không phải 8, tôi đã bố trí 12 anh em bám sát rồi. Toán 10 người an ninh lo cho Cha cũng đã có ở vị trí rồi.
– Được rồi, anh lo việc của anh vài phút nữa mình bắt đầu.
Ân lủi vào đám đông.
Tôi xoay sang nói với Đại Úy Tý:
– Lực lượng trừ bị của Chung Châu Hồ đã đến chưa?
– Đến rồi, hiện tại tổng cộng có khoảng gần 500 anh em CSDC
Vừa lúc đó thì Đại Úy Chung Châu Hồ Đại đội phó của Tý cũng đã đến đứng chụm với tôi và Tý, tôi nói với Tý và Chung Châu Hồ:
Khi tôi nói dứt câu “lần đốc thúc thứ 3” là tấn công ngay, anh cho lệnh anh em sử dụng tối da lựu đạn cay, anh chỉ huy cánh mặt, Đại Úy Hồ chỉ huy cánh trái, mình cắt đám biểu tình ra làm hai mảnh, mảnh tay mặt của anh, đẩy họ về phía An Cựu, mảnh trái của Hồ đẩy họ về phía trường Thiên Hựu.
Gần 500 Cảnh Sát Dã Chiến do đại đội trưởng Đại Úy Trần Văn Tý, và đại đội phó Đại Úy Bác Sĩ Chung Châu Hồ chỉ huy dàn đội hình trấn áp bạo động trông thật chuyên nghiệp và đẹp mắt. Tôi lại khoác ngang người băng cờ VNCH lần nữa, và như tất cả mọi lần khác, tôi nhân danh đủ thứ, từ luật pháp quốc gia tối thượng đến Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tối cao vẫn chẳng ăn thua gì với linh mục Trần Hữu Thanh, với thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu và với dân biểu Nguyễn Văn Kim.
Diễn văn chửi bới chỉ trích Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa thóa mạ chính phủ và quân đội tham nhũng thối nát không tiếc lời vẫn cứ tiếp tục, chen lẫn vào đó là tiếng đả đảo hoan hô nghe rầm trời rầm đất và…
“Đây là lần đốc thúc lần thứ 3, yêu cầu đồng bào giải tán, bằng không, buộc lòng nhân viên công lực phải giải tán cuộc mít-tinh nầy”.
Nói vừa dứt câu, tôi bắn ngay một quả phi tiễn vào đám đông, lập tức hàng loạt phi tiễn bắn sát đất, kế đến là hằng loạt lựu đạn cay của gần 500 Cảnh Sát Dã Chiến tung vào. Đám đông bắt đầu hỗn loạn, gần 10 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến xông vào chia họ ra làm hai, đẩy họ lui dần theo hướng mà chúng tôi đã chọn. Đồng bào lui dần… lùi dần…
Chỉ khoảng ba mươi phút sau lực lượng chúng tôi đã tái lập đuợc trật tự trong vùng. Thế nhưng một số theo lệnh cha Thanh lại kéo nhau vào bên trong khuôn viên của nhà dòng, tái tập họp tổ chức màn hoan hô đả đảo. Đám đông có lẽ họ đã nghĩ rằng chúng tôi không bao giờ dám xâm phạm vào nơi nầy.
Họ đã lầm. Đối với tôi và đối với nhân viên công lực của ty CSQG Thừa Thiên/Huế, những nơi thờ phụng tu hành, đình, chùa, miếu vũ, nhà thờ, dòng tu là những nơi tôn nghiêm anh em chúng tôi rất tôn kính, nhưng nếu những nơi này bị lợi dụng trở thành những địa điểm để hoạt động chính trị chống lại chính quyền trung ương, vi phạm luật pháp quốc gia, thì chúng tôi sẵn sàng đương đầu mà lương tâm chúng tôi không cắn rứt. Vì chính những người như linh mục Trần Hữu Thanh và thượng nghĩ sĩ Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Kim đã đẩy chúng tôi vào tình thế khó xử này chứ chúng tôi không bao giờ muốn hành động như vậy. Mặt khác khi cộng quân đang áp sát chờ chực để thôn tính Huế, tình hình an ninh Huế đang cực kỳ nguy hiểm, thì cho dù bất cứ ai quyền thế to lớn tới đâu, bất cứ tổ chức nào, tôn giáo nào, đảng phái nào sử dụng các khu vực tôn giáo để hoạt động chính trị, thì chúng tôi cũng không ngại đối đầu bằng mọi giá và sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận cái giá phải trả cho chính bản thân mình, miễn sao Huế được an toàn, chẳng hạn giống như lần tôi tấn công chùa Trà Am lúc 6 giờ 30 sáng ngày 19 tháng 5 năm 1970 bắt Thích Như Ý sau đó tịch thu được 6 kg chất nổ hợp chất C3 và 8 ngòi nổ chậm dành để đặt tại rạp Ciné Tân Tân và Châu Tinh và môt số cơ sở quan trọng của chính phủ VNCH tại Huế. Sau vụ lục soát chùa và bắt Thích Như Ý là hàng loạt các cuộc biểu tình của Phật giáo đòi thả Thích Như Ý, người có liên hệ họ hàng với Thượng Tọa Thích Trí Thủ, tổng thư ký Viện Hóa Đạo Sàigon. Vì biểu tình của Phật giáo có nguy cơ bùng nổ lớn nên tôi đã suýt bị cách chức và bị bắt giam bởi Thiếu Tướng Trần Thanh Phong tại phi trường Phú Bài ngày 23 tháng 5 năm 1970 để xoa dịu khối Phật giáo Huế.
Gốc là một quân nhân, cũng đã từng nhiều lần chạm trán cận chiến với địch, tôi phải thú nhận rằng chiến tranh đối đầu với cộng quân không căng thẳng như chiến tranh đối đầu với những thế lực chính trị và thế lực tôn giáo. Căng thẳng khi giao tranh với địch quân chỉ là những cảm xúc lo lắng trong chốc lát, hoặc trong vài giờ, sau đó là trạng thái bất cần và bất chấp cái chết, còn căng thẳng khi đối đầu với những quyền lực chính trị đặc biệt là tôn giáo, là một cảm giác căng thẳng suy tính kéo dài triền miên bất tận, hàng ngày hàng tuần hàng tháng.. cho đến khi sự việc ngã ngũ, hoặc mình giữ được khí tiết, bảo vệ được chính nghĩa quốc gia, hoặc mình thân bại danh liệt mà thậm chí có khi… tù tội.
Nghĩ lại, ngày ấy anh em BCH lưc lượng CSQG Thừa Thiên/ Huế chúng tôi còn quá trẻ nên có lẽ… điếc không sợ súng chăng? Tuy nhiên, nếu lịch sử lập lại thì anh em chúng tôi cũng sẽ làm như vậy mà không hề hối tiếc.
Chính những kẻ hoạt động chính trị như linh mục Trần Hữu Thanh, thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Kim là những người đáng bị lịch sử phê phán vì họ đã biến những nơi tôn nghiêm này trở thành thế tục để mưu đồ chính trị, đẩy các anh em trong lực lượng CSQG Thừa Thiên Huế và cá nhân tôi đến chân tường. Trong tình thế này chúng tôi còn có chọn lựa nào nữa không? Bất cứ khi nào khi ký ức của tôi trở về biến cố đó, tôi vẫn còn thấy tức giận hành động của cha Thanh và ông Hoàng Xuân Tửu, còn Nguyễn Văn Kim chúng tôi không muốn bàn tới. Lợi lộc gì cho bản thân mình khi phải tấn công các nơi thuộc về tôn giáo, nếu không muốn nói là chỉ rước họa vào thân? Năm ấy tôi và các anh em trong ty CSQG Thừa Thiên/Huế còn rất trẻ, tuổi thanh niên tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết trong sáng, chỉ biết một lòng phục quốc gia và một lòng căm thù cộng sản, những gì bất lợi cho chính quyền chống cộng quốc gia VNCH là chúng tôi thề hy sinh tất cả để bảo vệ, chúng tôi chỉ đơn giản như thế. Và vì vậy, khi những kẻ đó bắt đầu trưng biểu ngữ, bắt đầu cất giọng chưởi bới mạt sát hạch tội Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, chê bai quân đội yếu kém tham nhũng thối nát là lúc tôi cho lệnh Đại Úy Tý dàn đội hình, chúng tôi bắn phi tiễn trực xạ vào bên trong khuôn viên nhà dòng, tung lựu đạn cay và tôi cùng anh em CSDC xông thẳng vào giải tán đám người ô hợp, vô trách nhiệm trước sự an nguy của đât nước, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng chổ tu hành tôn nghiêm để mưu đồ chính trị.
Và trong cảnh hỗn loạn, trong tiếng la hét ồn ào của đám đông trong buổi mít-tinh, tự nhiên có tiếng thét rất lớn của linh mục Trần Hữu Thanh:
“Á… Á… á… đau quá!… đau quá! Á… á. Đừng!… đừng!… gì lạ vậy! Á…á!”
Những ai đứng cạnh cha cũng nghe nhưng chẳng biết tại sao cha lại la to như vậy, và mọi người trong bộ tham mưu của linh mục Trần Hũu Thanh cũng chẳng hiểu tại sao. Ngày hôm sau cha ra thông cáo “Cha bị bệnh”, nhưng không cho biết bệnh gì và phái đoàn trở lại Sàigòn ngay, không có cuộc mít-tinh biểu tình nào nữa cả, như cha Thanh và các thành viên trong “phong trào” đã dự tính trước.
Bao nhiêu năm trôi qua, tiếng la lớn của cha Thanh ngoài cha Thanh ra, chỉ có ba người biết tại sao cha la to như vậy: Tôi, Thiếu Tá Liên Thành Chỉ Huy Trưởng BCH/CSQG/Thừa Thiên Huế và hai nhân viên thuộc đội “biệt kích” của tôi, hai nhân viên này hiện đang sống tại Hoa Kỳ, thỉnh thoảng chúng tôi gọi phone cho nhau và vẫn còn không thể nín cười về chuyện này. Đó là chính tôi là người ra lệnh cho hai nhân viên nầy thi hành kế hoạch tạm gọi tắt là “BD”: Đó là nhân lúc tình hình hỗn loạn bất thần “tấn công” “bộ tổng tham mưu” của cha, nói một cách thành thật và trần trụi là… là…“bóp dế” cha.
Như tôi đã thưa trước, “lễ không xong thì phải dụng binh”. Tôi buộc lòng phải sử dụng hạ sách để vô hiệu hóa một chuỗi các cuộc biểu tình lớn của Phong Trào Chống Tham Nhũng mà di hại của nó rất khó lường. Nó có thể lan rộng toàn quốc và đặc biệt là làm môi trường béo bở cho cộng quân chiếm Huế lần nữa. Huế đã quá khổ rồi thưa cha! Mong cha thứ lỗi.
“Thưa Cha, con là thủ phạm vụ “bóp dế” của cha làm cha phải tức tốc trở về Sài Gòn không kèn không trống, nhưng con không còn lựa chọn nào hơn. Như cha đã nói: “Cha làm vì quốc gia dân tộc”. Và con cũng đã thưa lại với cha: “trong vị trí nhỏ bé và trách nhiệm của con, con làm vì bổn phận phải bảo vệ an ninh trật tự, sinh mạng và tài sản đồng bào Huế của con”. Cha ở SàiGòn sao cha không làm chuyện này ở Sài Gòn mà cha lại làm ở Huế? Dân Huế đã khổ quá rồi! Con cũng xin thưa thêm với cha rằng cái cha muốn là “Cha làm vì quốc gia dân tộc” thì đã có kết quả nhản tiền rồi!…đó là cái dân tộc cái quốc gia Việt Nam Cộng Hòa mà cha muốn bảo vệ đó, đã rơi vào tay cộng sản một cách nhanh chóng và gọn gàng hơn, vì những hành động góp thêm phần như của cha!
Bây giờ thì Cha đã đi khuất không còn trên cõi đời nầy nữa, Cha linh thiêng, xin nhận lời tạ tội của con, Amen!…Liên Thành”.
Phàm việc gì xảy ra cũng có nguyên nhân, kết quả, hậu quả, và ảnh huởng, và đây là kết quả:
Phong trào chống tham nhũng của linh mục Thanh thật sự tạo được một phần tiếng vang trong dân chúng, cũng như gây đau buồn và hoang mang cho nhiều người, nhưng vì thời điểm phát động của phong trào đã không đúng lúc như tôi đã trình bày ở phần trên, nên đã gây tác hại trầm trọng thay vì mang lại lợi ích cho đất nước. Thời điểm năm 1974 là thời điểm để cùng đoàn kết chống cộng, không phải là thời điểm để bươi móc tố cáo tham nhũng, cho dù là tố cáo chính xác đi chăng nữa! Đàng này linh mục Thanh đã dựa vào những tin đồn không bằng cớ, và những bằng cớ ngụy tạo, nữa vời, để tố cáo bừa bãi. Miền Nam đang trong cơn hấp hối, thay vì phải ôm nhau đoàn kết thành một khối chống lại Cộng Sản Bắc Việt đang ở ngay trước cửa nhà, thì những vụ tố tham nhũng như thế chỉ làm cho chính quyền khó tập trung chống giặc mà chỉ lo tập trung để đối đầu với những tác hại chính trị của việc tố cáo. Nó đã tạo chia rẽ nghi ngờ trong nội tình Miền Nam. Bất mãn hoang mang dâng cao trong dân chúng đối với chính quyền, và tạo ảnh hưởng nặng nề trong mọi tầng lớp thuộc cấp đối với thượng cấp trong hệ thống quân đội và chính quyền. Sự nản lòng lan rộng, sức chiến đấu suy giảm, đâu đâu người ta cũng bàn về tham nhũng, thuộc cấp không còn tin tưởng vào thượng cấp, nghĩ rằng thượng cấp của mình chỉ lo tham nhũng thối nát, quân đội thì hoang mang. Tình trạng kỷ luật quân đội, kỷ luật công sở trở nên lỏng lẽo trong lúc quốc gia đang có chiến tranh thật quả quá tai hại.
Đó là những tác hại trầm trọng, trong khi đó thì thật sự như thế nào? Sự thật thì tham nhũng chỉ có trong một số rất ít nào đó ở các vi lãnh đạo hành chánh cũng như quân sự. Con số này thật sự không nhiều và các vụ tham những cũng không lớn như phong trào Chống Tham Nhũng của linh mục Thanh rêu rao. Linh mục Thanh và các ông trong bộ tham mưu của phong trào này đã phóng đại các con số và đưa ra những dẫn chứng vu vơ và kết luận hết sức sai trái, ngụy tạo quá đáng, và vô cùng vô trách nhiệm mà lịch sử sẽ phê phán ông ta cùng những ai trong phong trào này như ông Hoàng Xuân Tửu rất nặng nề. Còn Nguyễn Văn Kim chúng tôi không muốn nói đến vì chính ông ta là nội tuyến cộng sản, đương sự làm nhiệm vụ của đương sự, đó là phải lợi dụng phong trào chống tham nhũng này để lật đổ chính quyền VNCH, mỗi thứ một ít, đẩy Miền Nam vào tình thế phải thay ngựa giữa dòng, và cuối cùng để cho cộng sản đi bộ vào Nam. Tôi muốn đề cập về một giai đoạn lịch sử mà trong đó có những người quốc gia chống cộng, nhưng lại thiếu trách nhiệm, thiếu khả năng, lại hám danh hám quyền đưa đến gây hại cho đất nước. Phong trào chống tham nhũng chỉ nhằm mục đích bôi nhọ để lật đổ và đạp đổ chứ không đưa ra được một thay thế tốt hơn nào cả.
Thưa linh mục Trần Hữu Thanh và tất cả các thành viên trong Phong Trào Chống Tham Nhũng, tham nhũng là một vấn đề muôn thuở của nhân loại. Hãy nhìn đất nước Hoa Kỳ, nơi được xem là chuẩn mực của thế giới, xin hỏi ở Hoa Kỳ có tham nhũng không? Thưa có, tham nhũng chìm con số bao nhiêu không ai biết, nhưng chắc chắn là có. Tham nhũng công khai được luật hóa qua cái gọi là Earmark, lobby, là bonus v.v. con số này phải nói lên đến cả chục tỷ đô la hàng năm. Xin hãy bình tâm nhìn lại và so sánh tham nhũng của một số viên chức của quân đội và chính quyền Miền Nam Việt Nam trước 1975 với các nước bạn như Phi Luật Tân hoặc Nam Dương, ngay cả Đại Hàn và Đài Loan, thì chúng ta sẽ có câu trả lời ngay. Gia tài của Tổng Thống Ferdinand Marcos lên đến vài tỷ đô la, gia tài của Tổng Thống Soeharto cũng là một con số rất lớn, còn gia tài của các vị tướng lãnh quân đội VNCH hiện nay tại các nước ngoài ra sao?, nếu không muốn nói đa số các vị cựu tướng lãnh VNCH đã sống trong thanh bạch nghèo khó. Gia tài của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước đó được phóng đại thêu dệt quá đáng trong khi thực tế ông chỉ ở một căn nhà nhỏ với giá trị khoảng 300 ngàn đô la tại Boston. Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH sống trong một căn chung cư khiêm tốn ở DC với sự thăm viếng chăm sóc của vài cựu quân nhân và ông chết cô đơn trong một viện dưỡng lão. Người ta cũng đồn đại Trung Tướng Đặng Văn Quang là môt trùm tham nhũng, tay chân tổng thống Thiệu, tay chân CIA v.v nhưng thực tế ra sao? Trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn còn liên lạc với ông, cách đây trên 10 năm tôi gặp ông tại Bolsa với chiếc xe Chevrolet 8 máy cũ rích mà cho quý vị chưa chắc quý vị đã cảm ơn mà còn muốn…chưởi. Ông sống rất nghèo khó, làm nhân viên cho một nhà quàn. Có một số anh em quân đội gặp ông hỏi có phải ông là Trung Tướng Đặng Văn Quang không? Ông chối không phải! Đời binh nghiệp của một vị Tướng VNCH kết cuộc như thế đó, mà vẫn bị vu khống là tham nhũng thối nát. Ông là một trong những vị tướng mà tôi kính trọng, hiện đang sống cô đơn nghèo khổ trong một viện dưỡng lão miễn phí của chính phủ tại Sacramento, CA.
Đã hơn 36 năm trôi qua, xin hãy bình tâm nhìn lại và đánh giá lại vấn đề tham nhũng của một số viên chức quân đội và chính quyền Miền Nam Việt Nam trước 1975, với tham nhũng của đại đa số cán bộ cộng sản Việt Nam từ trên xuống hiện nay, thì chúng ta sẽ thấy ngay tham nhũng tại Miền Nam ngày truớc thật chẳng là gì so với các nước khác, và đặc biệt chỉ là con số không so với sự tham nhũng khổng lồ được quốc tế xếp hạng thuộc loại nhất thế giới của băng đảng cộng sản Việt Nam hiện tại. Tình trạng tham nhũng của VNCH ngày xưa không thể nói là một quốc nạn. Mà quốc nạn lúc đó và đến cả bây giờ chính là đảng Cộng Sản Hà Nội và bè lũ tham tàn sát nhân Hồ Chí Minh, thì tại sao linh mục Trần Hữu Thanh, ông Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Kim không tấn công chính quyền cộng sản Hà Nội mà lại còn dùng đề tài nầy để khuấy động chính trường, tạo thêm rối loạn trong khi mà sự sống còn của Miền Nam đang đến giờ hấp hối? Lợi hay hại khi các ông đem dầu đổ thêm vào lửa trong thời điểm đó?
Đã vậy linh mục Trần Hữu Thanh còn nói rằng “chúng ta cần một chính phủ mạnh và trong sạch mới nói chuyện với cộng sản được”!, xin thưa, bọn cộng sản Hà Nội tư cách chúng đến đâu mà linh mục nói rằng chúng ta phải mạnh và trong sạch để có đủ tư cách được nói chuyện với chúng? Chẳng lẽ chúng ta thấp kém hơn chúng nên phải làm mọi điều kiện chúng đưa ra để có thể nói chuyện với chúng, với phường thảo khấu man rợ đó? Ai có thể tin được bọn có thành tích triền miên bịp bợm như cộng sản? Và nữa, chỉ có phường bất lương mới có thể ngồi nói chuyện với phường bất lương và tin bọn bất lương mà thôi! Tóm lại chỉ có đối đầu, hoặc thắng hoặc thua với chúng là giải pháp duy nhất cho vấn đề Việt Nam lúc đó mà thôi. Tin vào những lời nói của cộng sản thì có ngày mất cả chì lẫn chài mà danh dự cũng tiêu ma, lại bị chúng khinh bỉ như thứ rác rưỡi. Cụ Nguyễn Hải Thần, Nhất Linh trong chính phủ liên hiệp với cộng sản năm 1945 và tấm gương vắt chanh bỏ vỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Lực Lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình là những bài học hòa hợp hòa giải mà những kẻ cả tin hoặc hám danh cho đến bây giờ vẫn học không thuộc.
Trở lại chuyện mười mấy ông nhà báo địa phương Huế và từ Sàigòn ra cũng như các ông báo chí ngoại quốc nhảy vào ăn có trong phong trào chống tham nhũng, tưởng phen nầy sẽ có những tấm hình chụp cảnh biểu tình mít tinh, cảnh nhân viên công lực đàn áp dân chúng đàn áp tôn giáo. Kiếm được những tấm hình đó sẽ có đề tài khai thác tốt cả trong nước lẫn quốc tế. Linh mục Trần Hữu Thanh và các ông chính trị gia các ông nhà báo mơ mộng phen nầy Phong Trào Chống Tham Nhũng sẽ gây được tiếng vang lớn, sẽ nổi đình nổi đám và sẽ gây chấn động qua các loạt bài phóng sự và nhất là những tấm hình do báo chí phe mình chụp được. Thế nhưng than ôi! Khi 12 máy ảnh vừa mới được đưa lên thì rất nhanh có thằng côn đồ nào đó đứng sát bên đã lẹ làng giơ tay trét một cục mở xe to tổ bố vào ống kính của máy ảnh, ống kính máy ảnh bỗng tối như đêm ba mươi thì hình với ảnh cái gì nữa trời!
Sau nầy theo lời các “nạn nhân” ký giả, nhà báo, thì mấy thằng quẹt mở xe lên ống kính máy ảnh của họ là mấy thằng công an mất dạy của thằng trưởng ty du đảng Liên Thành. Thiện tai…Thiện tai… Quý đạo hữu đã ngộ!!!
Xin lỗi quý vị ký giả (thiệt), gì thì gì, tôi không thể bắt chước vị Tướng mà suốt đời tôi kính trọng đó là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, đó là đã không xoa mỡ ống kính máy hình của Eddie Adams. Bài học của ông tôi phải học. Vả lại suốt chín năm làm việc tại Huế, lời rủa xả “Liên Thành là tên trưởng ty du đảng” tôi nghe riết cũng đã quen rồi, thì có tăng thêm chút danh giá gì cho tôi không nếu như tôi phải gượng ép đóng vai quân tử?
Ngày hôm sau, trưởng ban an ninh phi trường Phú Bài, thiếu úy Nguyễn Đang Bằng thuộc phòng Cảnh Sát Đặc Biệt (hiện định cư tại thành phố Houston, TX) trình tôi danh sách hành khách khởi hành từ Huế vào Sàigòn trong đó có linh mục Trần Hữu Thanh và phái đoàn của ông.
Những ngày kế tiếp tại thủ đô Sàigòn, Phong Trào Chống Tham Nhũng tổ chức hằng loạt các buổi họp báo tố cáo chính quyền, quân đội và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, và họ cũng không quên tố cáo trưởng ty Liên Thành và lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế đàn áp thô bạo cuộc biểu tình của phong trào tại Huế, nhưng tuyệt đối không ai nói gì đến âm mưu thâm độc của bè lũ CSQG Thừa Thiên/ Huế đối với …“bộ tổng tham mưu” của cá nhân ông chủ tịch phong trào.
Và bây giờ là ảnh hưởng và hậu quả đến với cá nhân tôi, tên trưởng ty ba trợn dám đụng đến cha Thanh và các ông cực lớn Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Kim.
Tôi còn nhớ vào khoảng 8 giờ tối ở thời điểm cuối tháng 11 năm 1974 tôi đang ngồi ký một số công văn giấy tờ cần thiết tại văn phòng, thì bỗng điện thoại reng, tôi nhấc ông liên hợp và trả lời:
– Thiếu Tá Liên Thành tôi nghe.
Có tiếng nói đầu dây bên kia của Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình:
– Thiếu Tướng Tư Lệnh đây Liên Thành.
– Dạ, Thiếu Tướng!
– Liên Thành, Trung Tá Hoàng Thế Khanh sẽ ra thay anh, tôi sẽ gởi anh đi học Khóa Bộ Binh Cao Cấp tại Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức.
– Dạ, Thiếu Tướng.
Chỉ vắn tắt như vậy, Thiếu Tướng Bình cúp máy, tôi nhẹ nhàng gác ống liên hợp điện thoại xuống, và tôi hiểu rằng tôi… đã bị cách chức!
Đêm cuối cùng của tôi tại Huế để rồi sáng ngày hôm sau bàn giao đơn vị lại cho vị chỉ huy mới tôi vẫn làm việc như thường lệ, vẫn ngồi trên xe tuần tiểu đi khắp các yếu điểm quan trọng chung quanh thành phố, gặp anh em đang đứng canh giữ tại các chốt, miệng muốn nói câu từ biệt, nhưng lòng lại nghẹn đắng không nói nên lời.
Quá nửa đêm, tôi một mình dừng xe lại ngay giữa cầu Tràng Tiền. Trời về khuya vắng lặng, thành phố đang trong giấc ngủ, nhìn về phía Văn Thánh, Linh Mụ, Bạch Thổ, Hoàng Cung nói câu tạ từ với hư không tĩnh mịch:
Huế ơi! Xin tạm biệt từ đây… tạm biệt từ đây!…
Có chút gì thấy mặn ở môi và cay ở mắt…
Tôi đâu ngờ một lần đi là muôn đời cách biệt. Ba mươi sáu năm rồi chưa một lần trở lại và biết đâu sẽ mãi mãi không bao giờ không bao giờ thấy lại Huế, vì… Huế đã lọt vào tay cộng quân.
Tôi rời Huế vào Sàigòn trở lại trường mẹ BB Thủ Đức học khóa Tham Mưu Cao Cấp, bồi hồi nhớ lại hình ảnh một anh học sinh vừa đậu tú tài toàn rời ghế trường Quốc Học đầy thơ mộng và lãng mạn, dấn thân vào trường Bộ Binh Thủ Đức chọn binh nghiệp làm lý tưởng đời mình. Tôi cũng nhớ thật nhiều những người bạn khóa 16 Thủ Đức của tôi. Lần trở lại trường Thủ Đức này những người bạn đó không còn nữa, biền biệt nơi đâu? Ai còn ai mất?
Tại trường Thủ Đức, tôi đã kể lại những gì đã xảy ra tại Huế cho đồng đội của tôi nghe, đa số là đàn anh mà tôi hình như là nhỏ nhất. Cả nhóm “học trò” quân đội ngồi nghe thằng nữa quân đội nữa tình báo cảnh sát kể chuyện. Thỉnh thoảng câu chuyện chưa dứt thì đã đến giờ vào lớp, có tiếng nói: “Đ.M nghe Liên Thành kể chuyện sướng hơn!”
Mãn khóa, rồi mất nước!
Huế Ơi! Vĩnh biệt… Vĩnh biệt… Vĩnh biệt Huế dấu yêu ngàn đời.
Và bây giờ là hậu quả và ảnh hưởng đến các “nạn nhân” khác trong ty CSQG Thừa Thiên/Huế.
Trong vụ cha Thanh, ngoài tôi ra có thêm hai người vì hành động của tôi mà phải liên lụy.
Người thứ nhất là Đại Tá Tỉnh Trưởng Tôn Thất Khiên, ông bàn giao chức tỉnh trưởng, trước tôi một ngày, cho Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ, Đại Tá Duệ từ Bộ Tổng Tham Mưu ra. Bao nhiêu năm qua, giờ đây tôi xin gởi lời tạ lỗi cùng Đại Tá Tôn Thất Khiên (Ông hiện đang định cư tại Virginia Hoa Kỳ). Thật ra Đại Tá Tôn Thất Khiên chẳng dính líu gì vào vụ này. Ông không hề ra lệnh cho tôi đối phó với Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh mà ông chỉ làm thinh.
Người thứ hai bị cách chức là Thiếu Tá Trương Công Ân phụ tá Đặc Biệt của tôi. Người thay Thiếu Tá Trương Công Ân là Thiếu Tá Trương Công Đảm. (không họ hàng gì với Trương Công Ân). Nhân đây tôi cũng xin lỗi Thiếu Tá Ân, phải nói câu công bình là Thiếu Tá Trương Công Ân chỉ thi hành lệnh của tôi mà thôi, thì tại sao cũng bị cách chức?
Với sự thay đổi nhân sự như vậy, bên phía Phật giáo Ấn Quang liền tung tin rằng chính phủ trung ương đã nhượng bộ theo yêu sách của linh mục Trần Hữu Thanh nên đã đưa người công giáo ra nắm giữ các chức vụ quan trọng tại Huế là:
– Tỉnh Trưởng Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ (Công Giáo)
– Chỉ huy Trưởng Cảnh Sát Trung Tá Hoàng Thế Khanh, (Công Giáo)
Có thể đây là một sự trùng hợp tình cờ mà thôi, nhưng cũng có thể là sự nhượng bộ của chính phủ đối với phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh. Nói gì thì nói đây cũng là một tình trạng đau lòng của đất nước trong giai đoạn chiến tranh chống lại kẻ thù hiểm ác nhất hoàn cầu là cộng sản, mà lại có quá nhiều bè phái đảng phái, tôn giáo tranh chấp quyền lực chính trị, xâu xé vận mệnh quốc gia.
Còn lại là những người lính trẻ như thế hệ chúng tôi lên đường theo tiếng gọi non sông, lòng không chút vụ lợi, bị kẹt giữa hai thế lực, thế lực của quân thù cộng sản ngoài trận địa và trong mặt trận tình báo cực kỳ nguy hiểm, và thế lực của những nhóm quyền lực chính trị bởi các đảng phái, bè nhóm, chính trị gia và tôn giáo. Tất cả hai thế lực này đều nguy hiểm như nhau mà thế hệ chúng tôi phải đối diện.
0 Comments