BẢN PHÚC TRÌNH CUỘC ĐIỀU TRA CỦA PHÁI ĐOÀN LIÊN HIỆP QUỐC VỀ VẤN ĐỀ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CHÍNH PHỦ CỦA ÔNG CÓ ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO HAY KHÔNG[1]
Sự việc khởi đầu khi một số quốc gia Hội viên Liên Hiệp Quốc nhận được những báo cáo của vị Đại Sứ Gunewardene, Tích Lan, nói rằng: Đã có vấn đề đàn áp Phật giáo tại Việt Nam, nên số quốc gia nầy yêu cầu đưa vấn đề đàn áp Phật giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào chương trình nghị sự của Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 chưa có tư cách hội viên, mà chỉ được có tư cách là Quan Sát Viên Thường Trực mà thôi. Ngay khi được tin Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ đưa vấn đề “đàn áp Phật giáo” vào chương trình nghị sự, thì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chỉ thị cho vị đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại 5 quốc gia ở Phi Châu, Bác học Bửu Hội, tiếp xúc với Hội Đồng để giải quyết vấn đề này.
Trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Đại Sứ Bửu Hội tuyên bố: Việt Nam Cộng Hòa có chủ quyền nên không chấp nhận bất kỳ một phái đoàn nào của ngoại quốc đến điều tra hay can thiệp vào nội tình của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ vấn đề chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có đàn áp Phật giáo hay không, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chính thức mời một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc sang tìm hiểu tình hình Phật giáo tại Việt Nam. Để được vô tư và minh bạch trong vấn đề tìm hiểu điều tra Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cam đoan thi hành những điều sau đây:
1)- Việt Nam Cộng Hòa bảo đảm phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc rằng, họ có thể đi khắp mọi nơi, bất cứ nơi nào nào mà họ muốn. Họ có thể thăm hỏi, phỏng vấn, điều tra bất kỳ một ai nếu họ muốn, ngay cả những vị sư sãi, và một số thành phần dân sự hiện đang bị Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tạm giữ để điều tra vì can tội phá rối trị an.
2)- Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sẽ trịnh trọng chấp nhận kết luận và lời khuyến cáo của phái đoàn, và nếu có lỗi, sẽ đồng ý sửa sai những lỗi lầm đó.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận lời mời của Đại sứ Bửu Hội. Ngày 24 tháng 10 năm 1963 một phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc gồm đại diện các quốc gia như Afghaniatan, Brezil, Costa Rica, Nepal Ceylon, Dahomey đến Sài Gòn để điều tra sự việc. Tại Sài Gòn phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã mở cuộc họp báo và họ tuyên bố với báo chí Việt Nam và quốc tế rằng: Phái đoàn sẽ điều tra tại chỗ, nghe ngóng, tiếp xúc, phỏng vấn, và tiếp nhận thỉnh nguyện thư để tìm sự thật và báo cáo các sự kiện lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Hai ngày đầu Phái đoàn gặp các viên chức chính quyền như ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương, ông Đại Biểu Chính phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, ông Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế, và nhiều giới chức khác. Phái đoàn cũng đã đi thăm 3 chùa và gặp đại diện Phật giáo. Sau đó phái đoàn tự ý chủ động thực hiện cuộc điều tra. Phái đoàn đã tự do đến nơi giam giữ các các tu sĩ Phật giáo, các thành phần dân sự như học sinh, Sinh viên, thành phần trí thức. Phái đoàn cũng đi ra Huế đến chùa Từ Đàm và các chùa khác gặp rất nhiều các tu sĩ Phật giáo và Phật tử, ngoại trừ Thích Trí Quang hiện đang trốn tránh trong tòa Đại Sứ Mỹ. Mặc dầu có lời yêu cầu của Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge nhưng phái đoàn vẫn từ chối không tiếp xúc với Thích Trí Quang.
Ngay cả phía Hoa Kỳ, chính Đại Sứ Cabot Lodge trong bản phúc trình của ông ta gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng phải xác nhận rằng: Chính quyền Nam Việt Nam đối xử rất đàng hoàng với phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc, chính phủ Nam Việt Nam đã cho phép phái đoàn gặp mọi người kể cả các tu sĩ Phật giáo đang bị giam giữ.
Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc Tiếp Xúc và Phỏng Vấn Những Người Tố Cáo Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Chính phủ của Ông Đàn Áp Phật Giáo
Có hai thành phần tố cáo Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông đàn áp Phật giáo đã được Phái Đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc tiếp xúc, phỏng vấn gồm có:
1- Các tu sĩ trong hàng ngũ Phật giáo
Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, Thích Hộ Giác, Thích Thiện Minh, Thích Đôn Hậu, Thích Tâm Châu, Thích Thiện Hoa, Thích Huyền Quang, Thích Đức Nghiệp, Thích Mật Nguyện, Thích Thiện Siêu, Thích Quảng Liên, Thích Chánh Lạc, Thích Quảng Độ, Thích Giác Đức, Thích Pháp Tri, Thích Thể Tịnh, Thích Thiên Thăng, Thích Tâm Giao, ni cô Nguyễn Thị Lợi, ni cô Tịnh Bích, ni cô Diệu Khuê, ni cô Diệu Không, ông Mai Thọ Truyền.
2- Các giáo sư Đại học Huế, Sài Gòn, trí thức khoa bảng, chính trị gia, sinh viên học sinh
Giáo sư Bùi Tường Huân, Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Huế, Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa Trưởng Đại học Y khoa Huế kiêm Giám Đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế, giáo sư Nghiêm Xuân Thiện, ông Trần Quốc Bửu, ông Trần Văn Đỗ, ông Phan Huy Quát, ông Lê Quang Luật, ông Hồ Hữu Tường. Bên cạnh đó, phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng đã tiếp xúc với một số người đã báo cáo rằng họ bị bắt giam, bị đánh đập, bị thương, hay thân nhân của những người báo cáo đã bị giết chết, các người chuẩn bị tự thiêu, các sinh viên và Phật tử bị bắt v.v…
Đây là lời trình bày của Ông Đại Biểu Chính phủ Trung Nguyên Trung Phần Hồ Đắc Khương, văn phòng đặt tại Huế với vị Trưởng Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc, Sir Gunewardene người Tích Lan là một quốc gia Phật giáo và Ông Đại Biểu Chính phủ cũng là Phật tử.
Sir Gunewardene:
– Cờ Vatican có được treo khắp nơi ở Huế trước ngày Phật Đản không?
Ông Đại Biểu Chính phủ:
– Trước hết Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phân biệt gì giữa cờ Phật giáo và cờ Công giáo, nhưng ông lại rất khắc khe phân biệt giữa cờ Quốc Gia và mọi cờ khác để tỏ rõ lòng yêu nước của ông. Những lần đi thị sát ở thủ đô, mỗi khi ông thấy một lá cờ quốc gia bị rách nát và dơ bẩn, ông khiển trách người trách nhiệm về tình trạng nầy. Trước ngày lễ Phật Đản, có cuộc lễ Công giáo tại một nơi không phải Huế có treo cờ Công giáo mà không có cờ Quốc Gia, Tổng Thống lấy làm giận. Tuy rằng buổi lễ không dính líu đến Quốc Gia, cử hành trong một tòa nhà tư, Tổng Thống đã chỉ thị phải treo cờ Quốc Gia và cờ Quốc Gia phải cao hơn tất cả các cờ khác. Các cờ khác là Tổng Thống nhằm vào cờ Công giáo mà ông đã thấy trong buổi lễ đó. Rủi thay chỉ thị của Tổng Thống ban ra 3 ngày trước ngày lễ Phật Đản, và sự thật chỉ thị đã bị vô tình hoặc cố ý bóp méo. Theo tôi đây là cách cố tình, bởi vì những người bóp méo là những người Cộng sản. Cộng sản đã xâm nhập vào hàng ngũ Công giáo và Phật giáo. Họ lợi dụng việc nầy. Vì vậy kẻ tạo ra vụ rắc rối không phải là Phật giáo, mà là những kẻ gọi là Phật giáo mà thực chất là những tên Việt cộng xâm nhập.
Trả lời của Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Bùi Văn Lương trong cuộc phỏng vấn của Sir Gunewardene Trưởng Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc:
– Chính phủ có bằng chứng tuyệt đối về điểm các vụ chống đối chính phủ gồm có xúi giục bạo động không?
Ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi Văn Lương trả lời:
– Sau ngày rắc rối xảy ra ở Huế, tôi tìm hiểu tại sao lại có bạo động thình lình như thế và tại sao lúc tôi có mặt ở Huế ngày trước đó 6/5/1963 tôi không có một ý nghĩ gì về việc nầy. Tôi đã đích thân gặp tất cả các vị sư mà phái đoàn đã phỏng vấn hôm qua kể cả Thích Trí Quang (hiện đang ở trong Sứ Quán Hoa Kỳ). Tôi đã nói chuyện với họ. Tôi đã giải thích cho họ ý nghĩa Thông Tư về việc treo cờ và bàn luận với họ. Họ đã xác quyết với tôi rằng những giải thích của tôi thích đáng và họ hài lòng và rất vừa ý. Như thế tôi có thể yên tâm trở về Sài Gòn. Tôi rất vui vẻ và tôi trở về Sài Gòn không hề đoán được rằng ngày sau đó sẽ xảy ra chuyện rắc rối.
Bây giờ tôi làm sáng tỏ một số vấn đề: Thông tư ngày 6/5/1963 đến Huế. Tôi đích thân ra Huế ngày 7/5/1963. Tôi đến Huế lúc 10 giờ sáng. Nửa giờ sau tôi gặp những vị sư lãnh đạo yêu cầu được gặp tôi để tôi giải thích cho họ rõ ràng nội dung và lý đo tại sao có thông tư đó. Tôi giải thích cho họ nghe và chỉ thị cho nhân viên hành chánh sở tại tạm thời đừng thi hành thông tư. Lý do của chỉ thị đó là khi tôi đến Huế, trên đường từ sân bay về Thị xã tôi thấy cờ Phật giáo và cờ Quốc Gia đã được treo từ trước khi có Thông Tư. Các vị sư lãnh đạo rất vui lòng. Họ nghe tôi giải thích và nói với tôi rằng họ đã hoàn toàn thỏa mãn những ý nguyện của họ.
Sau khi tôi về Sài Gòn thì tôi được trình rằng ngày 8/5/1963 đã có vụ lộn xộn đổ máu ở Huế. Tôi ngạc nhiên và tôi lại bay ra Huế. Tôi tự hỏi tại sao những vị sư trưởng đã quả quyết với tôi rằng họ hài lòng mà nay lại xảy ra vụ lộn xộn. Lúc đó tôi không hiểu tại sao. Nhưng sau khi chúng tôi bắt được ba người, tôi được đọc tờ khai của một cộng sự viên gần gũi Thích Trí Quang, ông Đặng Ngọc Lựu. Tôi đọc tờ khai đó và lúc đó tôi mới hiểu là âm mưu của Cộng sản. Như vậy Thông Tư ngày 6 tháng 5 năm 1963 ấn định thể thức treo cờ tôn giáo đã được Cộng sản dùng để làm lý do hữu lý cho họ tạo ra rắc rối, vì âm mưu đã được quyết định ngay từ trước.
Phản Tướng Tôn Thất Đính nhận định: Một nước chỉ có Quốc kỳ là được công khai chính thức treo nơi công cộng dù số lượng bao nhiêu cũng được, còn các loại cờ khác chưa có quy luật rõ ràng thì chỉ nên treo ở giáo đường hay niệm phật đường. Các cơ quan của chính phủ khi treo cờ tôn giáo trong các quốc lễ thì treo bên cạnh quốc kỳ như lễ Phật Đản, lễ Giáng Sinh. Đó là ý kiến của Tổng Thống Diệm thường nêu lên trong các cuộc kinh lý mà Tướng Tôn Thất Đính được chỉ định tháp tùng Tổng Thống. Tổng Thống Diệm tỏ ra giận dữ khi thấy cờ Công giáo Vatican trắng vàng treo khắp nơi công cộng còn cờ Quốc gia theo ý ông thì không thấy đâu cả. Tổng Thống Diệm tỏ ra bực mình và có dặn Tướng Tôn Thất Đính rằng: “Lần sau mà anh thấy quan cảnh như vậy, thì bảo rằng Tổng Thống nói dẹp đi, nếu không thì quốc gia chẳng còn thể thống gì. Đây là Việt Nam chứ đâu phải là tòa thánh La Mã”.
Trong hồi ký 20 Năm Đời Binh Nghiệp, Phản Tướng Tôn Thất Đính nhận định rằng:
“Biến cố về giới hạn treo cờ tôn giáo đã được giải quyết nhanh chóng. Ngay tại Thủ đô Sài Gòn hoàn toàn không gây ra bất cứ một xáo trộn nào về mặt dư luận. Lễ Phật Đản tại Huế vẫn được diễn ra trong bầu không khí tự do. Ở đây không có một chủ trương nào giới hạn treo cờ Phật giáo. Nghĩa là lễ Phật Đản vẫn được cử hành như đã chuẩn bị, không có bất cứ một sự giới hạn nào về diễn hành cũng như hành lễ. Đại diện chính phủ gồm có Ông Hồ Đắc Khương, Đại Biểu Chính phủ Trung Nguyên Trung Phần, là một Phật tử, Ông Nguyễn Văn Đẳng Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên cũng là một Phật tử, và Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Tư Lệnh Quân Đoàn I, cũng là một Phật tử cầm đầu phái đoàn Đại Biểu Chính phủ tham dự lễ Phật Đản tại lễ đài chùa Từ Đàm. Như vậy về phía chính phủ đã giải quyết xong vấn đề treo cờ tôn giáo, không còn gì phải đề cập đến nữa”.
Tướng Tôn Thất Đính cũng như các Phật tử ở Huế cho biết rằng lễ Phật Đản tại Huế trong đêm 7/5/1963 được tuần tự diễn tiến rất tốt đẹp từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm. Nhưng sáng ngày 8/5/1963 ngày lễ chính tại chùa Từ Đàm thì Thượng Tọa Thích Trí Quang thình lình trương các biểu ngữ chống đối chính phủ lên, đọc diễn văn với giọng điệu khích động, hận thù phản đối chính phủ, công khai vu khống về vụ treo cờ, và ông gọi đó là đàn áp Phật giáo.
***
KẾT QUẢ VẤN ĐỀ ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO
BẢN PHÚC TRÌNH CỦA ỦY BAN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ VẤN ĐỀ KỲ THỊ, ĐÀN ÁP PHẬT GIÁO CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sau một thời gian 2 tuần điều tra, phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc đã phúc trình với kết luận như sau:
A- Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã tận tình hợp tác với Phái Đoàn, Phái Đoàn có thể đi bất cứ nơi đâu mà họ muốn. Phái Đoàn cũng đã tiếp xúc và lấy lời khai của tất cả các nhân chứng mà họ thấy cần thiết.
B- Đây là lần đầu tiên mà Liên Hiệp Quốc thực hiện một cuộc điều tra tại chổ về một chính phủ bị tố cáo vi phạm nhân quyền, nhưng không phải là do yêu cầu của Liên Hiệp Quốc, mà lại do lời mời của chính phủ đó.
C- Chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tạo cho Phái Đoàn Điều Tra một cảm tưởng rằng chính phủ sẵn sàng sửa chữa những sai lầm nếu đã phạm phải, cũng như chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm tin chắc rằng những sự kiện căn bản sẽ chứng minh rằng chính phủ không có lỗi.
D- Ông Đại Sứ Volio trong Phái Đoàn Điều Tra của Liên Hiệp Quốc đã kể lại một số chi tiết sau khi nghe lời khai của một người dự định tình nguyện tự vận bằng cách tự thiêu như sau: “Có một vị sư trẻ mới 19 tuổi, khai với phái đoàn điều tra rằng, ông ta được một số sư sãi khuyến khích tự thiêu vì Hòa Thượng Hội Chủ Phật Giáo Thích Tịnh Khiết đã bị giết, hằng trăm Phật tử đã bị chính quyền dìm chết dưới sông Sài Gòn, nhiều ni cô đã bị mổ bụng, và chùa Xá Lợi đã bị đốt cháy. Nhà sư 19 tuổi nầy được yêu cầu tình nguyện hy sinh tự vận vì Phật giáo và được bảo đảm rằng ông ta sẽ được cho uống thuốc để không bị đau đớn. Ngoài ra ông ta cũng được đưa 3 bức thư tuyệt mệnh đã được viết sẵn để cho ông ta ký vào. Ông ta bị cảnh sát bắt, ngăn chận cuộc tự thiêu của ông ta và cũng là kịp lúc nhà sư trẻ 19 tuổi nầy biết được những gì mà ông ta đã nghe các nhà sư kia kể chỉ là những chuyện láo khoét bịa đặt, độc ác và hoàn toàn thất thiệt. Tất cả chỉ là để kích động ông mà thôi.”
E- Phái Đoàn cũng đã tìm gặp được một số nhà sư lãnh đạo Phật giáo và thanh niên Phật tử mà theo những báo cáo trước đây nhận được rằng những người nầy đã bị chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm giết chết. Nay hóa ra đó chỉ là những báo cáo khống, không đúng sự thật.
F- Phái Đoàn không tìm thấy bằng chứng nào xác nhận những báo cáo đã được công bố nói rằng có những nhà sư đã bị ném từ trên các tầng lầu cao xuống đất vào đêm Thiết Quân Luật 20/8/1963, khi lực lượng quân đội của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm mở cuộc hành quân lục soát chùa Xá Lợi.
G- Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dold cũng gởi những báo cáo lên Thượng Nghị Sĩ James E. Eastland, Chủ Tịch Nội An Thượng Viện, ngày 17 tháng 2 năm 1964 những tin tức mà ông ta đã nhận được:
“Chúng ta đã nhận được những báo cáo rằng chính phủ Diệm đã khủng bố tôn giáo một cách tàn nhẫn đến nỗi những người vô tội đã bị dồn vào thế phải tự vận để phản đối. Nhưng nay ta thấy sự thật không phải như vậy, mà sự thật là không hề có vấn đề khủng bố ai cả và cuộc khuấy động nầy căn bản mang tính cách chính trị.”
Ngoài ra, lời tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dold như sau: “Những lời buộc tội chế độ Diệm tại Liên Hiệp Quốc không có căn bản, và không chấp nhận được.” Theo ông ta “những tài liệu tố cáo chất đống, quá nhiều, nhưng tất cả đều không chứng minh được đã có sự kỳ thị tôn giáo hay xâm phạm tự do tôn giáo”.
Tóm lại Bản Phúc Trình của Liên Hiệp Quốc đã chính thức kết luận rằng:
1)- Tại Việt Nam hoàn toàn không có chính sách kỳ thị áp bức hay khủng bố đối với Phật giáo trên căn bản tôn giáo.
2)- Những người khai báo cho Phái Đoàn biết về vụ nầy thường là chỉ nghe nói lại và trình bày một cách mơ hồ, tổng quát.
3)- Mỗi nhân chứng đều cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể để trình với Phái Đoàn, nhưng ruột cuộc chỉ thấy có một vài hành vì lẻ tẻ, nhỏ nhặt, mang tính cách cá nhân mà thôi.
4)- Vì vậy căn cứ trên những sự kiện, bằng chứng đưa ra từ các người được Phái Đoàn phỏng vấn, Phái Đoàn đi đến kết luận rằng: Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông ta không chủ trương chính sách chống Phật giáo vì lý do tôn giáo.
Chính Dân Biểu Sablocki của Đảng Dân Chủ thuộc Tiểu Bang Wisconsin, Hoa Kỳ, vào ngày 13 tháng 11 năm 1963 tại Hoa Thịnh Đốn đã tuyên bố rằng:
“Dù rằng vụ đảo chánh đã đem lại một đổi thay cho hiện trạng Việt Nam, thế nhưng bản trường trình của Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc vẫn có giá trị lịch sử trong việc giải minh vấn đề Phật giáo.”
[1] Report of the United Nations Fact-finding Mission to South Vietnam. Published by The Committee of Judiciairry, United States, 88th Congress, 2nd Session. US Goverrnent Printing Office, 1964.
0 Comments