CỘNG SẢN HÀ NỘI MỞ CHIẾN DỊCH NGUYỄN HUỆ NGÀY 30/3/1972.NGÀY 5/5/1972 ĐIỆP VIÊN CỘNG SẢN HÀ NỘI HOÀNG KIM LOAN CÙNG CÁC CƠ SỞ VIỆT CỘNG TRONG PHẬT GIÁO,MƯU TOAN TỔNG NỖI DẬY CHIẾM HUẾ LÀM THỦ ĐÔ CHO MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
[Trích tác phẩm Trận Chiến Tình Báo, Phản Tình Báo Giữa Việt Nam Cộng Hòa /CIA và Tổng Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng sản Hà Nội, của tác giả Liên Thành, Trang 608- 615]
Ngày 30-3-1972, chiến dịch Nguyễn Huệ của Bắc quân bắt đầu. Trên 10,000 quân bộ chiến, gồm Sư Đoàn 304, 308 và 4 Trung đoàn đặc công 31, 426, 270 của mặt trận B2, với sự yểm trợ của 3 trung đoàn pháo nặng, 38, 68, 84, cùng với 200 chiến xa, vượt vùng phi quân sự tấn công thị xã Đồng Hà một thành phố nhỏ nằm về cực Bắc. Thị xã Đồng Hà thất thủ.
Ngày 30-4-1972, một phần phía Bắc tỉnh lỵ Quảng Trị lọt vào tay quân Cộng sản. Chiều ngày 30-4-1972, Tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư Đoàn III cùng bộ tham mưu và Cố vấn Mỹ dùng trực thăng rời khỏi Cổ Thành Quảng Trị, nơi đặt BTL/Sư Đoàn III. Tỉnh lỵ Quảng Trị thất thủ, lọt vào tay CSBV.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 1-5-72, tôi tăng cường cho trạm kiểm soát An Hòa một trung đội Cảnh Sát Dã chiến để kiểm soát và hướng dẫn đồng bào Quảng Trị, trên đường di tản vào Thành phố Huế. Khoảng 8 giờ 30 sáng, đoàn người chạy giặc đầu tiên đã xuất hiện tại trạm kiểm soát. Họ là dân tỉnh Quảng Trị chạy giặc, di tản bằng đường bộ, dọc theo quốc lộ I, xuôi về hướng Nam vào Thành phố Huế.
Bắc quân trải pháo trên một đoạn đường dài 9 cây số, đoạn đường mà dân chúng đang tháo chạy về hướng Nam. Hàng ngàn thân xác ông già, bà lão, trẻ thơ gục chết trên đoạn đường 9 cây số, thịt xương rơi vãi khắp nơi, quân cộng sản tạo đoạn đường này thành ”Đại lộ Máu, Đại lộ Kinh hoàng”. Họ đã dã man tàn sát dân lành đang tìm đường chạy thoát khỏi sự chiếm đóng của họ.
Dân chúng thuộc các quận phía Bắc Thừa Thiên-Huế như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Điền, nhập với đoàn người chạy giặc Quảng Trị vượt sông Mỹ Chánh chạy vào Huế. Gần cả trăm ngàn người chạy giặc trên đoạn đường máu, đoạn đường của tử thần, nhưng dù chết dù sống, đoàn người tỵ nạn vẫn cố vượt qua để xuôi về hướng Nam.
Đoạn đầu của đoàn người đã vào đến cửa phía Bắc Thành phố Huế, cửa An Hòa, đoạn cuối của đoàn người này vẫn còn tại quận Phong Điền, giáp ranh với tỉnh lỵ Quảng Trị. Họ hốt hoảng, kinh hoàng, đói khát, nối tiếp nhau tiến vào thành phố, dưới cơn nắng bốc lửa của mùa hạ.
Từ cửa An Hòa, đến cầu Bạch Hổ, xuống Phu văn Lâu, đường Trần Hưng Đạo, Chợ Đông Ba, Cầu Mới, cầu Tràng Tiền, trường Trung học Kiểu Mẫu, khu Đại học Văn Khoa, người tỵ nạn nằm ngồi la liệt, rục rã bất động. Hằng trăm chiếc xe máy cày từ vùng đồng quê Phong Điền, Quảng Điền, chất đầy người và vật dụng, chiếu, mền, nồi niêu soong chảo, treo lủng lẳng hai bên, nối tiếp nhau, mệt nhọc lăn bánh vào thành phố. Dân chạy giặc đã đến được thành phố, nhưng rồi còn chạy đi đâu? Sau Quảng Trị, Huế đang nằm trong vòng vây của Bắc quân.
Phía Bắc Thừa Thiên-Huế đã có mặt các đại đơn vị của cộng quân từ Đồng Hà, Quảng Trị kéo vào. Phía Tây Thành phố Huế ngay vòng đai an ninh xa, địch đã xuất hiện với lực lượng gồm Sư Đoàn 324B, Công trường 5 đặc công, Công trường 4, 6, cùng với 1 trung đoàn pháo nặng, tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của Quân khu Trị Thiên cộng sản, đang giao tranh với Sư Đoàn I BB. Cao điểm chiến lược Bastogne, phía Tây Huế đã bị cộng quân chiếm giữ từ tháng 2/1972.
Địch bắt đầu pháo kích vào Huế từng giờ một, bằng các loại hỏa tiễn 122 ly và 130 ly. Huế bắt đầu rối loạn, Huế kinh hoàng, Huế hốt hoảng. Huế từ từ rã ra từng mảnh trong ngơ ngác, sợ sệt. Hình ảnh đám sát thủ Cộng sản của năm Mậu Thân 1968 lại hiện về với người dân Huế. Việt cộng vào thành phố là đem theo chết chóc, chết đứng, chết ngồi, chết hàng loạt, chết tức tưởi, chết bị trói hai tay bằng dây kẽm gai, chết bị chôn sống, ngộp thở dưới đáy hố sâu, hàng chục, hàng trăm thi thể cùng một hố, mồ chôn tập thể.
Dân tỵ nạn Quảng Trị nhập với dân Huế, bắt đầu di tản, chạy giặc xuôi về hướng Nam, hướng Đà Nẵng. Bằng mọi phương tiện, xe hai bánh, xe 4 bánh, bằng đôi chân, họ kéo nhau di tản trên quốc lộ I, Huế – Đà Nẵng, đoạn đường dài 102 Km. Họ băng qua Dạ Lê, Phù Lương, Phú Bài, An Nông 1, An Nông 2, Truồi, Cầu Hai, Phú Lộc, Lăng Cô, vượt đèo Hải Vân cao ngút ngàn!!! vào Đà Nẵng. Tất cả rời bỏ xứ Huế thân yêu, rời bỏ quê hương xứ sở, bỏ lại nhà cửa, tài sản, chỉ mong thoát khỏi vùng lửa đạn, lánh xa bọn quỉ dữ cộng sản. Tôi đứng ngay cầu Tràng Tiền nhìn đoàn người chạy giặc lòng bỗng chùng xuống, nỗi buồn vô hạn làm uất nghẹn lòng tôi, sao điêu linh, khổ nạn cứ bám sát người dân Huế mãi không thôi.
Bây giờ là 2 giờ chiều ngày 4-5-1972, từ sáng sớm đến giờ, Bắc quân đã pháo kích 6 đợt hỏa tiễn 122 và 130 ly vào Huế, nhắm vào Bộ Tư lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I tại Mang Cá, Thành Nội, vào BCH/Cảnh Sát, Tiểu Khu, Mac-V thuộc Quận III. Bọn chúng bắn khá chính xác, có lẽ tiền sát pháo binh của bọn chúng ngụy trang chạy theo đoàn người tỵ nạn đã lọt vào thành phố.
Đại Úy Liên Thành đang giới thiệu hàng sĩ quan thuộc Bộ chỉ huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên với Đại Tá Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh CSQG tại BCH/CSQG/ Thừa Thiên Huế, vào mùa hè đỏ lửa vào 5/1972
Đại Úy Liên Thành và hàng sĩ quan thuộc bộ tham mưu
9 giờ 30 tối ngày 4-5-1972, sau một vòng tuần tiễu và kiểm soát các đơn vị CSQG bố trí phòng thủ tại các nút chận và các yếu điểm trong thành phố, tôi đậu xe ngay Cầu Mới, cây cầu cạnh bệnh viện Trung Ương Huế và Câu lạc bộ Thể Thao. Đang mải nhìn phía Chùa Thiên Mụ, Văn Thánh, nơi có ánh hỏa châu soi sáng, và xa hơn tận chân núi là những ánh lửa loé sáng của đạn pháo, thì bỗng có tiếng la thất thanh của Nguyễn Đình Ánh, người cận vệ của tôi, vừa là nhân viên truyền tin đang ngồi trên xe:
– Đại Úy, Đại Úy, Chợ Đông Ba cháy!!!
Quả thật, chợ Đông Ba cháy. Ngọn lửa mới bắt đầu bùng lên, nhưng cũng đã soi sáng một góc phố Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu. Ngay lúc đó tôi nghe giọng nói của Đại Úy Ngô Trọng Thành, Chỉ Huy Trưởng CSQG Quận II, phát qua loa khuyếch đại của máy truyền tin Motorola gọi tôi:
– Tango,Tango… (danh hiệu truyền tin của tôi).Trình thẩm quyền chợ Đông Ba bị cháy.
– Tôi nghe anh, tôi đang đứng ở cầu Mới tôi thấy rồi, nhưng tại sao cháy?
– Trình thẩm quyền chưa rõ nguyên nhân, nhưng nhiều người trong chợ chạy ra họ nói: ”Lính chạy làng Sư Đoàn 3 đốt chợ”.
– Tôi cho xe cứu hỏa qua giúp anh ngay, anh cẩn thận, để lại trung đội CSDC giữ BCH quận, đề phòng bọn đặc công Việt cộng tấn công, còn tất cả nhân viên xông vào chợ cứu số đồng bào đang bị kẹt trong đó. Tôi sẽ đến ngay.
Tôi vào hệ thống truyền tin C.46 báo cáo cho Đại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng, Đại Tá Tôn Thất Khiên:
-Trình thẩm quyền chợ Đông Ba đang bị cháy, chưa rõ nguyên nhân, tai nạn hay bị phá hoại, tôi đã cho 5 xe cứu hỏa sang chữa cháy.
– Anh đang ở đâu?
– Tôi đang ở cầu Mới.
– Anh đợi, tôi đến ngay.
Có lẽ Đại Tá Tỉnh Trưởng cũng đang đi tuần tra gần đó, nên chưa đầy 2 phút sau ông đã có mặt tại Cầu Mới. Sang xe tôi, ông ngồi ghế trưởng xa và tôi lái. Tôi bật còi hụ và đèn khẩn cấp, lái thật nhanh, chỉ khoảng 5 phút là đã đến ngay trước chợ Đông Ba.
Bây giờ thì ngọn lửa đã quá lớn, bốc cao đỏ rực cả thành phố. Năm xe cứu hỏa sắp cạn nước, đội cứu hỏa, và gần 100 nhân viên Cảnh sát tăng cường, cả tôi lẫn Đại Tá Tỉnh trưởng lăn xả vào chợ. Cuối cùng cũng phải đành bó tay trước ngọn lửa điên cuồng, thiêu rụi gần cả mặt trước của khu chợ Đông Ba. Trong khi đó thì lực lượng Nhân Dân Tự Vệ phường, khóm, nổ súng loạn xạ. Dân chúng cư ngụ dọc dãy phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Chi Lăng, cộng thêm dân tỵ nạn Quảng Trị nằm dọc hai bên vệ đường, vừa thấy chợ Đông Ba cháy, vừa nghe tiếng súng nổ, tưởng Việt cộng đã vào thành phố, ùn nhau kéo chạy. Cảnh tượng vô cùng hỗn loạn, tưởng chừng không thể tái lập được an ninh trật tự. Tôi nói với Đại Tá Tỉnh Trưởng:
– Đại Tá, ông rời khỏi đây ngay, nơi này nguy hiểm quá, nếu Đại Tá có chuyện gì là dân Thừa Thiên-Huế như rắn không đầu, ở đây tôi lo được. Miệng nói, tay ngoắc 2 người lính cận vệ của ông, và 4 người của tôi, hộ tống ông ra xe rời khỏi vùng chợ Đông Ba.
Tôi dùng loa phóng thanh trên xe kêu gọi đồng bào bình tĩnh, và giải thích cho họ rõ, chợ cháy là do tai nạn, tiếng súng nổ là do lực lượng Nhân dân tự vệ bắn bừa bãi chứ không phải của Việt cộng. Nửa giờ sau, an ninh, trật tự vãn hồi. Khu chợ Đông Ba đã cháy rụi gần một nửa. Những ngày sau vẫn còn dư âm: ”Lính chạy làng đốt chợ Đông Ba”.
Tôi vẫn không tin, sau này, khi bắt được tên Hoàng Kim Loan, tôi là người trực tiếp thẩm vấn Hoàng Kim Loan nhiều lần, có một lần đang hỏi hắn về những vấn đề khác, tôi đột ngột nhìn thẳng vào mặt hắn và hỏi:
– Tại sao anh cho lệnh đốt chợ Đông Ba?
Với câu hỏi đột ngột, không kịp phản ứng, hắn trả lời:
– Đúng, người cho lệnh đốt chợ là tôi, thi hành công tác là cơ sở nội thành của tôi.
– Tại sao?
– Gây hoang mang, hỗn loạn trong quần chúng, và tạo tiếng vang, chuẩn bị cho cuộc Tổng Nổi Dậy.
– Các anh mệnh danh là quân “Giải Phóng”, sao lại Giải phóng luôn cả tính mạng và tài sản của dân lành vô tội. Anh có biết là khi anh cho lệnh đốt chợ Đông Ba là đốt luôn tài sản của dân chúng và đốt luôn cả cuộc đời của họ. Giờ đây hàng ngàn gia đình không còn phương tiện sinh sống, vì tài sản của họ đã bị anh giải phóng sạch sẽ. Các anh đốt chợ, lại phao tin ”Lính Sư Đoàn 3 chạy làng, đốt chợ Đông Ba”, có phải chính anh cho cơ sở phao tin này hay không?
– Đúng, khi đó chúng tôi muốn dân chúng Huế ghê tởm các anh, những kẻ tay sai và lính đánh thuê cho giặc Mỹ xâm lược.
– Anh lầm, với kinh nghiệm Mậu Thân 1968, dân Huế đã quá biết thủ phạm trong vụ đốt chợ Đông Ba là quân “giải phóng” các anh, là những người cộng sản, không còn có chút nhân tính.
Từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 đến nay là năm 2007, đã 35 năm trôi qua, người dân xứ Huế và những ai đã ở lại Huế trong những ngày binh lửa và đã chứng kiến cảnh chợ Đông Ba bị đốt cháy, đến nay mỗi lần nhắc đến Huế, hoài niệm những ngày tháng cũ, chắc hẳn trong lòng vẫn còn câu hỏi, ai đốt chợ Đông Ba? Lính Quốc Gia hay là Việt cộng?
Đã 35 năm trôi qua, giờ đây tôi mới có cơ hội trình bày sự thật và nêu đích danh thủ phạm vụ đốt chợ Đông Ba. Tôi mong những nạn nhân trong vụ cháy và những ai đã từng chứng kiến cảnh tượng bi thảm, hãi hùng đêm hôm đó, ngày hôm nay, còn ở quê nhà, xứ Huế hay ở hải ngoại, xin hiểu cho rằng:
– Người lính VNCH, lính Sư Đoàn 3 BB mặc dầu trong điều kiện ngặt nghèo họ phải di tản, nhưng không vô kỷ luật đến độ đi đốt phá tài sản của đồng bào, và chợ Đông Ba bị đốt cháy là do tên Trung Tá cộng sản Hoàng Kim Loan, Ủy Viên Thành Ủy Huế và cơ sở nội thành của hắn thực hiện, để gây kinh hoàng, xáo trộn, tạo điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi cho cuộc Tổng Nổi Dậy tại Thành phố Huế, mà bọn chúng định thực hiện trong tháng 5, mùa hè đỏ 1972. Thủ phạm là Hoàng Kim Loan và đồng bọn.
Xin trả lại sự công bằng và minh oan cho người lính Sư Đoàn 3 BB, đã phải gánh chịu một hàm oan nhục nhã, mà bọn cộng sản đã phao vu và gán ghép cho họ.
Trở lại tình hình Huế, từ nhiều ngày nay, kể từ khi Bắc quân vượt vùng phi quân sự tấn công Đồng Hà, Quảng Trị. Tin tức từ các đường giây đơn tuyến nằm sâu trong Quân khu Trị Thiên và hai cơ quan Tỉnh Ủy và Thành Ủy Huế của cộng sản dồn dập gởi về, xác nhận Quân khu Trị Thiên sắp tung một cuộc tấn công lớn vào thành phố Huế. Tỉnh thị Ủy Thừa Thiên-Huế đã có kế hoạch ”Dùng lực lượng quân sự hỗ trợ cho lực lượng chính trị”, Tổng Nổi Dậy cướp chính quyền tại Huế. Nhân vật lãnh đạo trong kế hoạch cướp chính quyền tại Huế chính là Hoàng Kim Loan.
0 Comments