BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG
LIÊN THÀNH
Đầu tháng 6-1965, tình hình chính trị tại Sài Gòn tạm ổn định. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra đời, do Quân đội nhận lãnh trách nhiệm. Chủ Tịch là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó ngày 19-6-1965, nội các Chiến tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập. Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng).
Nhìn vào thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Nội các Chiến tranh, hầu như không có người của Thích Trí Quang. Phản ứng đầu tiên của Trí Quang là gặp Đại Sứ Mỹ Cabot Lodge tại Sài Gòn, tỏ ý muốn tổ chức đảo chánh lật Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Đại Sứ Mỹ Cabot Lodge hỏi Trí Quang:
– Nếu đảo chánh lật Thiếu Tướng Kỳ thì Thượng Tọa đưa ai thay thế?
Thích Trí Quang giải thích rằng y muốn y có thể đưa ông Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ xuống được thì cũng có thể đưa ông ta lên được. Xong y ra về.
Thích Trí Quang từ Sài Gòn ra Huế, phát động cuộc dấy loạn miền Trung. Bộ Chỉ Huy đầu não cuộc tranh đấu Miền Trung của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Thích Trí Quang lãnh đạo đặt tại chùa Từ Đàm.
Mục đích của Trí Quang khi phát động cuộc tranh đấu Phật Giáo Miền Trung là lật đổ Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Chính Phủ Trung Ương do Quân đội nắm giữ, qua đại diện là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Mục đích của Thích Trí Quang là để nắm lại quyền chủ động kiểm soát và sắp đặt nhân sự từ Chính Phủ Trung Ương đến địa phương, mà y đã dần dần mất đi sau ngày 1-11-1963 và sau các cuộc chỉnh lý, đảo chánh, của tướng lãnh tại Sài Gòn. Hình ảnh một Trí Quang trong cuộc “cách mạng 1963” đối với các tướng lãnh trẻ và quần chúng miền Nam đã mờ nhạt và như vậy ngôi “quốc phụ” của y khó đứng vững.
Che dấu ý đồ riêng và để lừa bịp quần chúng, Trí Quang đưa ra chiêu bài tranh đấu cho tự do, dân chủ, bằng cách yêu cầu chính phủ soạn thảo Hiến Pháp mới, tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Pháp và đả đảo Thiệu Kỳ, đả đảo chế độ Quân Phiệt, đả đảo Dư Đảng Cần Lao.
Từ cuối tháng 2-1966, Miền Trung và Thừa Thiên-Huế bắt đầu dậy sóng. Theo lệnh của Trí Quang và Đôn Hậu, quần chúng Phật giáo đồ Ấn Quang Miền Vạn Hạnh chuẩn bị xuống đường ào ạt.
Các tổ chức trong lực lượng tranh đấu cuả ông Thích Trí Quang gồm có:
Tổ chức Học sinh, Sinh Viên Phật Tử, Quân Nhân Phật Tử, Cảnh sát Phật Tử, Công Chức Phật Tử, và Tiểu thương Phật Tử với sự hỗ trợ của tên điệp viên Trung Tá Cộng sản Hoàng Kim Loan phụ trách tôn giáo vận, trí thức vận, cùng với những cơ sở Việt Cộng nằm vùng trong Phật giáo như:
Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu, và Thích Chánh Trực. Đặc biệt trong đó là viên bí thư thân tín của Thích Trí Quang là Nguyễn Khắc Từ. Sau 1975, Nguyễn Khắc Từ đã lộ nguyên hình là một Đại Tá Tình báo Cộng sản. Thêm nữa là đám sinh viên, giáo sư, thành phần trí thức cơ sở nội thành VC như:
Giáo sư Đại học Huế Lê Văn Hảo, Giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường, Sinh viên Nguyễn Đắc Xuân, Sinh viên Tôn Thất Kỳ, Sinh viên Nguyễn Hữu Giao v.v…
Ngoài ra theo chỉ thị của ông Thích Trí Quang, Nguyễn Đắc Xuân, sinh viên Sư Phạm Ban Sử Địa năm thứ 2, một cơ sở quan trọng của cơ quan Thành ủy Huế, nằm vùng trong Tổng Hội SV Đại học Huế và trong Phật giáo, Nguyễn Đắc Xuân thành lập 3 đại đội SV Quyết tử. Ba đại đội này được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư lệnh Sư Đoàn I BB và Đại Đức Thích Chánh Nghiêm, Tuyên úy Phật Giáo Sư Đoàn I BB. Ba đại đội này được gởi vào TT/Huấn luyện Văn Thánh để huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí, hầu làm lực lượng nòng cốt chống lại lực lượng quân sự của Chính Phủ Trung Ương.
Còn hai phong trào quần chúng do Trung Tá điệp viên Hoàng Kim Loan vừa mới thành lập:
Phong Trào Sinh Viên Tranh Thủ Hòa Bình, do SV Y Khoa Tôn Thất Kỳ làm Chủ Tịch, và Phong Trào Sinh Viên Tranh Thủ Dân Chủ, do SV Luật Khoa Nguyễn Hữu Giao làm Chủ Tịch. Hai phong trào này cũng là một trong các lực lượng nòng cốt của Thích Trí Quang.
Đầu tháng 3-1966, cuộc dấy loạn bắt đầu. Các Khuôn hội Phật giáo từ Xã, Quận, Tỉnh, Học sinh, Sinh viên Đại Học Huế bãi khóa. Tiểu thương chợ Đông Ba và Thành phố Huế đình công bãi thị, chợ không đông, phố xá đóng cửa. Mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng hoàn toàn bị tê liệt. Hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố, từ đường Lê Lợi, qua cầu Tràng Tiền, khu phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu. Khẩu hiệu “đả đảo Thiệu, Kỳ, đả đảo Quân Phiệt, đả đảo dư đảng Cần Lao” được nghe suốt ngày đêm.
Màn thứ 2, Thích Trí Quang cho tổ chức các lực lượng xung kích: Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử. Lẽ dĩ nhiên trong đó gồm cơ sở Học Sinh, Sinh Viên Cơ Sở Nội Thành Việt cộng. Tất cả đoàn viên quyết tử đều mang băng đỏ, Cảnh sát Phật Tử, Công Chức Phật Tử, Quân Nhân Phật Tử, và Tiểu thương Phật Tử. Họ vẫn tiếp tục lên đường xuống đường hằng ngày. Loa phóng thanh đặt ở mọi ngã đường trong thành phố rộn rã kêu gọi dân chúng xuống đường, đình công bãi thị, chống Thiệu, Kỳ.
Huế, 4-1966, Quân Nhân Phật Tử tập trung tại chùa cùng nhau biểu tình sau khi Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ cách chức Tư lệnh QĐ I của Tướng Nguyễn Chánh Thi vì lý do theo Thích Trí Quang làm loạn.
Màn thứ 3, kế tiếp: Bạo Động. Cướp chính quyền. Màn này có sự đạo diễn của Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng sản Hà Nội. Cán bộ Cục TBCL Cộng sản Hoàng Kim Loan nhảy vào cuộc.
Một nửa quân số của Sư Đoàn I BB, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân các quận, buông súng trở về thành phố, tham gia cuộc nổi loạn chống Thiệu, Kỳ và Chính Phủ Trung Ương. Nhóm Quân Nhân Phật Tử thành lập Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức.
Công chức các ngành, Giáo chức mọi cấp nghỉ việc, nghỉ dạy, tham gia tranh đấu chống chính phủ.
Thích Trí Quang cho lệnh chiếm đài phát thanh Huế. Đài phát thanh Huế của Chính Phủ trở thành đài phát thanh của lực lượng tranh đấu Phật giáo miền Trung. Hằng giờ phát đi lời kêu gọi của Trí Quang và của Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Tranh Đấu tại Từ Đàm. Xen kẽ chương trình là nhạc tranh đấu và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Dân Huế hằng giờ nghe rền rỉ bên tai bản nhạc: Kẻ thù ta đâu phải là người.. Giết người đi thì ta ở với ai…
Trong khi đó thì một phần của lực lượng Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử chiếm Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Thành phố Huế.
Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên là người của Thích Đôn Hậu. Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế, Nguyễn Văn Cán, là cán bộ cộng sản nằm vùng cơ sở của Cục TBCL Hoàng Kim Loan.
Bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử này phá kho súng của 2 Ty Cảnh Sát, trang bị cho hàng ngàn đoàn viên Quyết Tử. Khoảng gần 4000 súng gồm tiểu liên, Shotgun, và súng lục, 120 thùng lựu đạn M 26, khoảng 100 xe Jeep Cảnh Sát, và toàn bộ máy móc truyền tin bị bọn chúng lấy đi. Bọn chúng dùng xe, máy móc truyền tin, và súng của Cảnh Sát vào việc tuần tiễu và canh gác trong thành phố.
Thích Trí Quang và Hoàng Kim Loan đi xa hơn nữa là cho lệnh Đoàn HS, SV Quyết Tử bao vây Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, tại đường Lý Thường Kiệt, Quận III Thành phố Huế, và nhào vô đốt phá tan tành phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Huế.
Bây giờ thì miền Trung và Thừa Thiên-Huế hoàn toàn vô chính phủ, không còn có luật pháp quốc gia. Mọi quyền hạn nằm trong tay Quốc Phụ Thích Trí Quang và đám tranh đấu áp dụng luật rừng trong thành phố. Bọn chúng chia ra từng tổ, từng toán, gõ cửa mỗi nhà, yêu cầu tham gia phong trào tranh đấu. Gia đình nào lơ là hoặc từ chối bị chúng phao vu là dư đảng Cần Lao, hoặc là người của Thiệu, Kỳ. Gia đình đó lập tức bị dọa nạt đốt nhà đốt cửa, hoặc bị hành hung. Một số gia đình đã phải bỏ nhà, trốn vào làng Phú Cam, nơi an toàn khu, vì nơi đây là khu Công Giáo, Trí Quang và đám Quyết Tử chưa dám đụng đến. Đời sống dân chúng mỗi ngày một khó khăn. Dân chúng hoang mang lo sợ. Quân đội và Công chức sống nhờ vào đồng lương của Chính Phủ. Bây giờ đình công bãi thị, chống chính phủ, thì lương hàng tháng cho Quân đội và Công chức có đâu để nuôi vợ, con.
Một số ít đơn vị quân sự đang ở vị trí hành quân tác chiến cũng gặp trở ngại không nhỏ. Quân số thiếu hụt trầm trọng, vì một số lớn sĩ quan và binh sĩ bỏ đơn vị về thành phố tham gia tranh đấu. Đạn dược và điện trì truyền tin cho hệ thống hành quân tác chiến bị hạn chế tối đa, vì không còn được cung cấp từ Trung Ương.
Tình hình an ninh tại Quảng Trị và Thừa Thiên ở mức báo động đỏ. Các Công trường 4, 5, 6 của Quân khu Trị Thiên Việt cộng, lởn vởn ở vòng đai an ninh xa, phía Tây của Thành phố Huế. Trong lòng Cố Đô Huế thì đám cán bộ và cơ sở nội thành của cộng sản công khai hoạt động. Bọn chúng nằm trong bộ chỉ huy của lực lượng tranh đấu, nắm giữ những vai trò then chốt và quan trọng, tỷ như:
Vĩnh Kha, Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đại học Huế. Trưởng đoàn Sinh Viên Phật Tử.
Nguyễn Đắc Xuân, sinh viên Sư Phạm.
Trần Quang Long, sinh viên Sư Phạm.
Hoàng Phủ Ngọc Phan, sinh viên Y Khoa.
Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân, sinh viên.
Nguyễn Thiết tức Hoàng Dung, sinh viên Luật Khoa.
Hoàng Phủ Ngọc Tường, giáo sư Trường Quốc Học.
Nguyễn Hữu Châu Phan, sinh viên.
Hoàng Thị Thọ, nữ sinh Đồng Khánh.
Phạm Thị Xuân Quế, sinh viên Y Khoa.
Tôn Thất Kỳ, sinh viên.
Bửu Chỉ, sinh viên.
Và nhiều… nhiều nữa…
(Khi cuộc dấy loạn miền Trung bị dẹp tan, Hoàng Kim Loan đưa đám này ra mật khu, và năm Mậu Thân 1968, bọn chúng trở lại Huế bắn giết, tàn sát vô số đồng bào vô tội).
Trí Quang và cộng sản đã ước tính sai khi tung ra cuộc dấy loạn Miền Trung năm 1966. Vào năm 1963, Mỹ dùng một số tướng lãnh cùng Trí Quang và quần chúng Phật giáo, để lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bây giờ là 1966, Trí Quang không còn có giá trị lợi dụng nữa. Đối với các Tướng Lãnh VNCH đang nắm quyền, thì Trí Quang là một trở ngại, một chướng ngại vật trên bước đường công danh và sự nghiệp của họ. Chướng ngại vật này phải được dẹp bỏ.
Còn đối với người Mỹ và đặc biệt là cơ quan tình báo của họ, phương tiện nào cũng tốt, miễn là đạt được mục đích, quốc gia hay cộng sản cũng vậy thôi. Họ dư biết Trí Quang là cộng sản, là đảng viên cộng sản, và trong hàng ngũ của Trí Quang có quá nhiều cán bộ cộng sản nằm vùng. Nhưng vì nhu cầu, họ vẫn tạo hình tượng Thích Trí Quang cho hào quang bóng nhoáng. Sau 1963, hình tượng đó không còn cần thiết nữa, mà còn tạo nhiều trở ngại, thì Trí Quang phải được dẹp bỏ.
Năm 1966, Mỹ đang đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Chính phủ Mỹ đang cần một hậu phương Miền Nam ổn định chính trị. Trí Quang và cộng sản đã quá lầm lẫn, nếu không nói là… ngu, khi phát động Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung trong thời gian này. Dưới mắt ông Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn bấy giờ, thì Trí Quang là một kẻ gây rối, một kẻ tham, sân, si, say mê quyền lực và một trở ngại lớn cho Tòa Đại Sứ Mỹ trong việc ổn định tình hình chính trị tại Sài Gòn. Trí Quang phải được dẹp bỏ lập tức, mạnh mẽ, không nương tay, không nhân nhượng.
Những nhận xét của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vụ Phản loạn miền trung do Thích Trí Quang cầm đầu:
Những quan hệ ngoại giao, 1964-1968[1]
Giờ đây một phần tử mới và nguy hiểm hơn đã nhảy vào cuộc. Những tên tu sĩ chính trị Phật giáo và những phần tử có thế lực mạnh ở Quân Đoàn I bây giờ đang bắt đầu gây rối cho chính phủ, dùng việc Nguyễn Chánh Thi bị loại trừ như là cái cớ và là điểm để khởi động tấn công. Những phần tử này trước đây đã nằm yên một thời gian. Họ không có tình cảm gì với chính phủ Kỳ nhưng cũng không căm ghét như lúc ban đầu. Tuy nhiên, chính phủ thì không có lợi cho những mệnh lệnh của họ. Rõ ràng rằng họ đã thấy tình hình chính trị mới ở Quân Khu I là một cơ hội để làm áp lực lên chính phủ, hy vọng rằng chính phủ phải thay đổi theo đúng hình thức mà họ muốn hoặc giả phải thay bởi một chính phủ khác mà họ thích.
Xin đọc bức Công Điện của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Ông Dean Rusk gởi cho Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn thì sẽ thấy Chính phủ Hoa Kỳ muốn gì, và lời lẽ vừa nhục mạ vừa răn đe Thích Trí Quang cùng nhóm tăng lữ Cộng sản Việt cộng tức nhóm Ấn Quang thì sẽ thấy bọn chúng nhục nhã đến mức nào:
Điện Tín của Bộ Ngoại Giao gởi Tòa Đại Sứ Việt Nam[2]
Washington ngày 16 tháng 3 năm 1966, lúc 4 giờ 13 phút
- Tuyên bố của Thích Hộ Giác, được báo cáo bởi UPI (United Press International) cam đoan rằng Phật giáo sẽ chiến đấu đến “giọt máu cuối cùng và hơi thở cuối cùng” để đạt được yêu sách 4 điểm, trong đó việc loại trừ chính phủ VNCH hiện tại, được nhấn mạnh là yêu sách hàng đầu. Chúng ta, chính phủ Hoa Kỳ phải tìm cách làm cho Phật giáo hiểu rằng, với việc chính phủ Hoa Kỳ tham gia sâu vào việc bảo vệ quốc gia của họ chống lại sự thôn tính của Cộng sản, không có nghĩa là chỉ để ủng hộ chính phủ và quân đội của họ, đây không phải là thời gian để Phật giáo đập đổ mọi thứ và làm hỏng những nỗ lực mà đã bắt đầu có hiệu quả. Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng như chính phủ Nguyễn Cao Kỳ cam kết sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế và các tiến bộ xã hội mà Phật giáo cũng luôn nói như vậy. Nhưng những điều này không thể thành tựu qua đêm và chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được nếu như Việt cộng chiếm Miền Nam. Ngoài ra, nếu thay đổi chính phủ thì những thành tựu của Việt Nam sẽ không được thúc đẩy nhanh hơn mà ngược lại sẽ chỉ làm cho chậm trễ thêm mà thôi
Phật giáo phải được cho biết rằng trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ về việc tiếp tục giúp đỡ người Việt Nam chống cộng và phát triển quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào việc họ phải sẵn sàng dẹp bỏ sự khác biệt giữa họ với nhau và phải hợp tác với nhau.
Trong quyết định của Đại Sứ, ông có toàn quyền truyền đạt cho Thích Trí Quang cũng như các tổ chức Phật giáo khác và các người lãnh đạo các tổ chức này mà ông thấy cần thiết, rằng quan điểm của Tổng Thống Hoa Kỳ là, nếu họ tiếp tục việc phá hoại và vô trách nhiệm như hiện nay, thì không những họ sẽ mất thiện cảm của công luận và chính quyền Hoa Kỳ mà trước đây họ đã có, mà họ sẽ làm cho tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ trầm trọng hơn lên, trong đó sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho Việt Nam sẽ không có hiệu lực nữa. Tổng Thống Hoa Kỳ hy vọng rằng Phật giáo sẽ thể hiện điều này, rằng không những chỉ có những người yêu nước Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của quốc gia mình mà những người lãnh đạo tôn giáo cũng phải biết quan tâm đến vận mệnh của các tín đồ của họ và những giáo lý mà họ cho là họ đại diện.
Rusk
Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ
Nguyên Bản Anh Ngữ:
Người Mỹ giúp mọi phương tiện cần thiết cho chính phủ Sài Gòn mở cuộc hành quân dẹp loạn tại Miền Trung.
Ngày 4-4-1966, bằng phương tiện không vận của Hoa Kỳ, lực lượng quân sự VNCH đổ quân xuống Đà Nẵng.
Tư lệnh Sư Đoàn I BB là Tướng Nguyễn Văn Chuân, Tư lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Tướng Chuân được cử thay thế Trung Tướng Thi, Trung Tướng Thi bay ra Huế. Như đã biết, Trung Tướng Thi là người của Trí Quang.
Những ngày kế tiếp, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ra Đà Nẵng gặp Tướng Nguyễn Văn Chuân, sau đó Tướng Chuân theo Trung Tướng Có vào Sài Gòn.
Sài Gòn cử Trung Tướng Tôn Thất Đính ra Đà Nẵng thay thế Trung Tướng Thi, mọi chuyện không ổn, Trung Tướng Đính phải chạy vào BCH của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ xin tỵ nạn.
Chính Phủ lại cử Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao ra thay Trung Tướng Đính. Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao là tín đồ Công Giáo. Khi từ Đà Nẵng đến Huế cùng với viên Đại Tá Cố Vấn phó Quân Đoàn là Arch Hamblen, Thiếu Tướng Cao đã bị các Lực Lượng Tranh Đấu do đám Sinh Viên Học Sinh Quyết Tử cầm đầu biểu tình phản đối. Đoàn biểu tình hàng ngàn người bao vây, Tướng Cao và đoàn cận vệ khó khăn lắm mới chạy thoát vào sân bay Tây Lộc, Thành Nội. Tại đây một phi cơ trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đợi sẵn để đưa ông vào Đà Nẵng. Đoàn biểu tình rượt theo Tướng Cao và Đại Tá Arch Hamblen vào tận sân cờ BTL/SĐ. I. Trực thăng chở Tướng Cao và Đại Tá Arch Hamblem vừa rời khỏi mặt đất vài chục mét thì trong đoàn biểu tình, viên sĩ quan của Sư Đoàn I BB, Trung Úy Nguyễn Đại Thức rút súng lục bắn Tướng Cao, may mắn ông không bị trúng đạn. Lập tức xạ thủ đại liên của trực thăng, viên hạ sĩ quan người Mỹ, nổ súng đại liên bắn trả. Nguyễn Đại Thức chết gục tại ngay sân cờ BTL, dưới sự chứng kiến của Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố, Phó Tỉnh trưởng Nội An Thừa Thiên – Huế. Những ngày sau, khi Thích Trí Quang thành lập Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử của Sư Đoàn I BB, cho lấy tên viên sĩ quan này đặt cho chiến đoàn, gọi là Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức.
Cũng giống Trung Tướng Tôn Thất Đính, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao vào Đà Nẵng, nơi đặt BCH Quân Đoàn I. Thiếu Tướng Cao liên lạc với Tướng Tư lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và tỵ nạn tại đó.
Bây giờ thì miền Trung và Thừa Thiên-Huế hoàn toàn vô chính phủ, mặc sức Thích Trí Quang và đám cộng sản Hoàng Kim Loan tung hoành. Dân chúng sống từng giờ trong nơm nớp lo sợ: sợ Thầy, sợ Việt cộng, sợ các đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử của Thầy. Công chức, quân nhân sợ không được lãnh lương, vợ con đói.
Vị Tướng kế tiếp được Chính Phủ cử ra làm Tư lệnh Quân Đoàn I là Thiếu Tướng Trần Thanh Phong. Thiếu Tướng Phong đến Đà Nẵng đúng vào thời gian cao điểm của phong trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung. Ông chuẩn bị cho cuộc đổ quân ra Huế dẹp loạn. Trong khi đó thì tại Huế lực lượng chống lại phong trào tranh đấu được phân loại như sau:
1- Thành phần chống đối tiêu cực:
Khối Công giáo: Đại đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo sống tại làng Phú Cam, nơi có nhà thờ Chính Tòa Phú Cam, vùng Dòng Chúa Cứu Thế, nơi có nhà thờ và dòng tu, Dòng Chúa Cứu Thế, vùng Gia Hội có nhà thờ Gia Hội, vùng Kim Long nơi có dòng tu kín của các nữ tu. Họ chống lại Phong trào Tranh Đấu nhưng tiêu cực. Các vị lãnh đạo không muốn giáo dân vướng vào vòng xung đột của hai tôn giáo là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Khu an toàn Phú Cam được giáo dân canh gác, đề phòng cẩn mật vì sợ các đoàn Quyết Tử của Phong Trào Tranh Đấu quấy phá. Họ sẵn sàng chống trả chỉ trong trường hợp tự vệ. Đại đa số trầm lặng là giáo chức, thành phần trí thức, những người lớn tuổi, và Hoàng Tộc đều bất bình và chống lại cuộc Tranh Đấu Miền Trung nhưng họ chỉ giữ thái độ im lặng và không hợp tác.
2- Thành phần chống đối tích cực:
Các đảng phái chính trị quốc gia như:
– Việt Nam Quốc Dân Đảng.
– Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký.
Lực lượng nòng cốt của Đại Việt Cách Mạng tại Thừa Thiên-Huế là Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn, do Thiếu Tá Nguyễn Văn Lý làm Tỉnh Đoàn Trưởng. Ông là một lãnh tụ quan trọng và cao cấp của Đảng Đại Việt. Một nhân vật chống cộng sản tuyệt đối, nếu không muốn nói là quá khích.
Tỉnh đoàn Xây Dựng Nông Thôn đã góp công lớn trong việc dẹp loạn Miền Trung. Họ tung nhân viên tham gia vào Lực Lượng Tranh Đấu thu thập tin tức, thiết lập hồ sơ những thành phần quá khích cung cấp cho đơn vị hành quân dẹp loạn.
Cũng không thể không nói đến một góp sức không nhỏ cho việc dẹp loạn Miền Trung là Cơ Quan Dân Ý Vụ. Đây là một cơ quan được thành lập vào năm 1965, phụ trách về Tình Báo Nhân Dân, lãnh lương từ ngân sách viện trợ. Chỉ Huy Trưởng cơ quan này là ông Trần Đông Hoài, một giáo sư dạy Pháp Văn tại trường Trung Học Thiên Hựu, nói ngoại ngữ Anh và Pháp giống như người ngoại quốc. Mặc dầu là một nhà giáo, nhưng lại có thiên phú đặc biệt tình báo. Cơ Quan Dân Ý Vụ cung cấp hầu hết các kế hoạch hành động của lực lượng tranh đấu.
Ngoài ra, lực lượng quân sự chống lại cuộc nổi loạn miền Trung chỉ có 3 đơn vị nhỏ đó là:
Phía Bắc Thừa Thiên:
Quận Quảng Điền, do Đại Úy Nguyễn Quang Anh làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng. Ông là thành viên cao cấp của Quốc Dân Đảng. Đại Úy Anh dự định lập khu biệt lập Quảng Điền, dùng lực lượng quân sự của Chi Khu chống lại đám dấy loạn Miền Trung. Công việc bại lộ, Đại Úy Anh phải đào tẩu vào Đà Nẵng trình diện Thiếu Tướng Tư lệnh Quân Đoàn I, Trần Thanh Phong. Khi lực lượng hành quân của chính phủ đổ quân ra Huế dẹp loạn, ông theo lực lượng hành quân ra Huế trở lại nhiệm sở cũ, chức vụ cũ. Sau đó, trong một cuộc đụng trận lớn với lực lượng cộng sản tại quận lỵ Quảng Điền vào năm 1967, Đại Úy Anh đã anh dũng đền nợ nước.
Phía Nam Thừa Thiên:
Quận lỵ Hương Thủy nằm về phía Nam Thành phố Huế. Bộ Chỉ Huy Quận và Chi Khu Hương Thủy nằm cạnh phi trường Phú Bài và căn cứ của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Phú Bài, cạnh Quốc lộ I trên đường vào Đà Nẵng.
Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Văn Tăng. Thiếu Tá Quận Trưởng Hương Thủy là một trong những đơn vị trưởng quân sự đầu tiên chống lại Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung. Trong những ngày đầu của cuộc tranh đấu, ông cho lực lượng quân sự Chi Khu bố trí và án ngữ ngay vùng Dạ Lê trên Quốc lộ I. Đồng thời ông cũng yêu cầu đơn vị TQLC Mỹ tại Phú Bài tăng phái 2 xe tăng M 48, chận ngay quốc lộ I vùng Dạ Lê, ngăn chặn không cho lực lượng tranh đấu từ Thành phố Huế tràn xuống. Văn phòng Quận, Chi Khu Hương Thủy bấy giờ trở thành BCH của lực lượng chống phong trào Tranh Đấu.
Trung Tá Phan Văn Khoa, Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị Xã Huế, kiêm Tiểu Khu Trưởng là vị Tỉnh Trưởng đầu tiên tại miền Trung chống lại phong trào tranh đấu. Nguyễn Đắc Xuân đã kéo đoàn Sinh viên Quyết tử đến bao vây và định đốt nhà Trung Tá Tỉnh Trưởng. Sau đó Trung Tá Khoa dời văn phòng Tỉnh Trưởng về quận Hương Thủy, vì Thành phố Huế rối loạn, mất an ninh, chính quyền không còn kiểm soát được nữa.
BCH lực lượng chống tranh đấu hằng ngày tấp nập các phái đoàn của Chính Phủ Trung Ương Sài Gòn bay ra hội họp. Lãnh tụ các đảng phái chính trị và nhiều phái đoàn quân sự cũng như tình báo Mỹ, họp với Trung Tá Tỉnh Trưởng, bàn soạn kế hoạch tái chiếm lại Thành phố Huế hiện đang nằm trong tay đám tranh đấu.
Tại Thành phố Huế, độc nhất còn lại BCH Tiểu Khu Thừa Thiên chưa bị đám phản loạn chiếm cứ. BCH Tiểu Khu Thừa Thiên đóng gần Đài Phát Thanh Huế. Trung Tá Khoa giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố, Phó Thị Trưởng Nội An, trấn giữ. Đám tranh đấu chưa dám chiếm Tiểu Khu vì đây là cơ quan quân sự.
Huế hoàn toàn bỏ trống, không còn chính quyền, thành phố nằm gọn trong tay đám tranh đấu Thích Trí Quang.
Phía Tây Thành phố Huế:
Lực lượng thứ 3 chống lại đám tranh đấu là Quận Nam Hòa, nằm về phía Tây Thành phố Huế. Quận Nam Hòa là một quận miền núi, mặc dầu chỉ cách Thành phố Huế khoảng 12Km.
Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng là Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt. Phụ Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Phó là tôi, Thiếu Úy Liên Thành.
Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt là vị chỉ huy đầu đời trong đời binh nghiệp của tôi. Ông là một sĩ quan trẻ cấp Thiếu Tá, nhưng ông có đủ khả năng quân sự vừa chiến thuật và chiến lược. Là người Bắc, ông rất tế nhị, cẩn trọng trong mọi vấn đề, mọi trường hợp. Trong những ngày đầu của cuộc dấy loạn Miền Trung, ông không chống mà cũng chẳng ngả về phong trào tranh đấu. Chỉ đứng khoanh tay nhìn thời cuộc.
Lực lượng quân sự của Chi Khu Nam Hòa gồm có:
– 200 Dân Vệ (sau gọi là Nghĩa Quân).
– 2 Đại Đội tăng phái từ Tiểu Khu.
– 1 Pháo Đội 105 ly tăng phái từ Sư Đoàn I BB.
Tôi vừa là Chi Khu Phó vừa là Liên Đại Đội Trưởng.
Trong thời gian thành phố biểu tình lên đường, xuống đường thì tình hình địch tại Nam Hòa mỗi ngày mỗi nặng. Hai đại đội chạm địch liên miên, ngày nào cũng có binh sĩ bị thương hoặc tử thương.
Tôi còn nhớ vào một đêm trong tháng 3-1966, Đại Đội do tôi chỉ huy đụng nặng với đơn vị Việt cộng. Tôi gọi máy xin pháo đội 105 ly pháo binh Quận yểm trợ. Tọa độ xin tác xạ là 76… bản đồ tỷ lệ 1/100,000, ba tràng đạn nổ chạm. Chỉ 5 phút sau pháo đội báo: Đạn đi, đợi hoài chẳng thấy đạn nổ mà chỉ nghe ba tràng đạn nổ từ xa vọng lại, rất xa tọa độ tôi xin.
Sáng hôm sau, tôi kéo Đại Đội vượt nguồn hữu ngạn sông Hương trở về Quận, vừa đến chợ Tuần thì đại họa đến. Đại Đội tôi đụng đầu với một đoàn biểu tình của nhóm Tranh Đấu từ Thành phố Huế kéo lên, toàn là Sinh Viên, Học Sinh đang đứng gần chợ Tuần. Họ la lớn, “đả đảo Cần Lao đàn áp Phật giáo, bắn sập Chùa, giết hại Tăng Ni”. Đoàn biểu tình kéo lại định vây đơn vị tôi vào giữa. Lính vừa đói vừa mệt lả, tôi cũng vậy. Tôi phản ứng rất nhanh nhưng mà dại. Tôi quay qua viên Thượng Sĩ Đại Đội ra lệnh rất nhanh: “Đội Hình”. Binh sĩ túa ra bố trí. Đoàn biểu tình thấy lính phản ứng nên lùi lại, cũng may trong đám biểu tình có tiếng la lớn:
– Khoan đã, đừng làm bậy, hắn là Liên Thành con thầy Trợ Cử (phụ thân tôi là một nhà giáo), cháu của Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết không phải Cần Lao đâu. — Tiếng la đó phát xuất từ thằng bạn học cũ của tôi ở Trường Quốc Học và cũng ở cùng xóm Chùa Từ Đàm với tôi. Anh ta là Trần Văn Rô, Sinh Viên Đại Học Khoa Học. Tôi chưng hửng hỏi Trần Văn Rô:
– Chuyện gì vậy? — Rô trả lời:
– Tối hôm qua mày bắn sập chùa Sư Nữ ở Cầu Lim, gần Đàn Nam Giao phải không? — Tôi trả lời Rô:
– Có, tao có gọi pháo binh bắn yểm trợ, vì tụi tao đụng nặng với Việt cộng, nhưng tụi tao đánh nhau bên kia sông, trong núi đâu phải bên này. Chuyện này tao vô can. — Đoàn biểu tình kéo về Huế.
Trên đường về Quận, tôi nghĩ mình ngu quá, ra lệnh cho binh sĩ dàn đội hình tác chiến, lỡ có người lính nào mất bình tĩnh bắn đại vào đám sinh viên biểu tình thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Khi về đến Quận đã thấy có phái đoàn điều tra của Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo và Ty Cảnh Sát hiện diện tại đó. Sự việc sáng tỏ. Tôi gọi bắn yểm trợ ở tọa độ 76… (trục hoành độ), nhưng vì cả pháo đội đang có sòng xì phé đến hồi gay cấn, lúc tôi gọi xin tác xạ, viên thượng sĩ già mắc dịch làm xạ bản tác xạ đang thua bạc, hấp tấp viết số 76 thành 70 có tí râu, nên trục hoành độ đã dời qua phía đông 6 cây số. Đạn rơi trúng phóc vào chùa Sư Nữ ở Cầu Lim. Cũng may chỉ sập 1 góc chùa, các vị sư nữ đêm đó kéo nhau ra giếng ngoài ruộng tắm giặt, nên chẳng ai bị thương tích gì, thật hú hồn.
Những ngày kế tiếp, lính tại đơn vị mỗi ngày mỗi thưa dần, đa số đã bỏ súng tại đơn vị, trốn về Huế gia nhập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức “bảo vệ Thầy, bảo vệ đạo pháp đang lâm nguy”. Số binh sĩ hiện diện còn tại đơn vị đa số là người Công Giáo và lính già. Cùng thời gian tôi nhận được công điện hỏa tốc của BCH Tiểu Khu Thừa Thiên: Yêu cầu đơn vị hạn chế tối đa đạn dược và điện trì cho máy truyền tin, vì không còn nhận được tiếp tế từ Quân Đoàn.
Thời gian đó tại mỗi Quận, Chi Khu đều có Văn Phòng Cố Vấn Mỹ. Viên cố vấn cho Chi Khu Nam Hòa tên Bob, cấp bậc Thiếu Tá. Tôi phải vận dụng tối đa công lực, vừa miệng, vừa tay xổ tiếng Mỹ với viên Thiếu Tá, cho ông ta biết tình trạng hiện tại và nói tôi muốn trốn vào Đà Nẵng trình diện Quân Đoàn. Ông ta hỏi tôi:
– Anh không theo tranh đấu? — Tôi cười trả lời:
– Như vậy có khác gì theo Việt cộng.
Viên Thiếu Tá Mỹ nói:
– Hỏi vậy thôi chứ tôi biết rõ Thiếu Úy. Tôi sẽ giúp Thiếu Úy, tuy nhiên Thiếu Úy cũng nên bàn với Thiếu Tá Quận Trưởng. — Tôi nói:
– Tôi sẽ bàn với ông ta.
Trong khi đang đứng nói chuyện với tôi bỗng nhiên anh ta giật mình nói nhỏ với tôi:
– Thiếu Úy, nhìn kìa!
Tôi nhìn theo hướng tay ông ta chỉ về phía pháo đội 105 ly thì thấy cả hai khẩu pháo 105 ly đã quay hướng súng về phía căn cứ Phú Bài từ hồi nào. Trong lúc đó tôi vẫn còn 1 đại đội đang hoạt động trong vùng trách nhiệm phía vùng núi bên kia sông, vùng núi Kim Phụng, pháo đội phải quay súng về hướng đó để sẵn sàng tác xạ yểm trợ theo yêu cầu, tại sao lại quay hướng súng về Phú Bài. Tôi đang suy nghĩ thì viên Thiếu Tá Mỹ nói ngay:
– Tôi nghĩ Pháo đội này đã theo lực lượng tranh đấu. Họ quay hướng súng về phía Phú Bài để tác xạ vào Sư Đoàn TQLC Mỹ của chúng tôi. Tôi sẽ báo ngay cho Bộ Chỉ Huy MAC-V. — Nói xong ông ta đi vào văn phòng. Khoảng 30 phút sau đó Thiếu Tá Bob trở ra mời tôi vào văn phòng của ông ta và nói ngay:
– Thiếu Úy, mình phải chiếm hai khẩu súng này ngay lập tức.
Bây giờ thì không thể xài tiếng Mỹ bằng miệng và bằng tay được nữa, mà phải xài tiếng Mỹ qua thông dịch viên. Tôi hỏi viên Thiếu Tá:
– Thông dịch viên anh đâu, tôi cần hắn dịch rõ ràng vì chuyện quan trọng. — Viên Thiếu Tá Mỹ nói: Có ngay. — Và ông ta gọi viên Trung Sĩ Mỹ vào làm thông dịch. Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì bao lâu nay tôi chưa từng nghe người Trung Sĩ Mỹ này nói một chữ tiếng Việt.
Với giọng Bắc rất rõ ràng, viên Trung Sĩ Mỹ nói:
– Thiếu Tá chúng tôi cần Thiếu Úy ra lệnh cho Pháo Đội quay hướng súng lên núi. Nếu Pháo đội không chịu thì phải dùng vũ lực chiếm 2 khẩu súng này, vì họ muốn tác xạ vào đơn vị TQLC của chúng tôi. — Viên Trung Sĩ nói tiếp:
– Trong vòng 1 giờ nữa sẽ có một Trung Đội TQLC của chúng tôi đến đây giúp Thiếu Úy. — Qua thông dịch viên tôi nói với Thiếu Tá Bob:
– OK, nhưng để tôi cho mời Trung Úy Pháo đội trưởng lên đây. Mình nói chuyện với ông ta trước để rõ sự việc như thế nào. Tôi không muốn phe mình bắn phe ta. — Chỉ trong vòng 10 phút sau Trung Úy Pháo đội Trưởng đã có mặt. Tôi nói ngay:
– Ông hơn cấp bậc tôi, nhưng ông tăng phái cho tôi, lẽ dĩ nhiên phải dưới quyền chỉ huy và điều động của tôi. Xin Trung Úy cho biết ai cho quay hướng súng về Phú Bài, trong khi đó tôi đang còn một đơn vị đang hành quân bên kia sông, hướng núi Kim Phụng?
Pháo đội trưởng chậm rãi trả lời:
– Tôi nhận lệnh của Sư Đoàn, quay súng về phía đó và đợi lệnh. — Tôi hỏi viên Pháo Đội Trưởng:
– Nếu có lệnh của Sư Đoàn Trung Úy có bắn không?
– Không.
– Tại sao?
– Tôi không theo đám tranh đấu.
Tôi nói tiếp với Trung Úy Pháo Đội Trưởng:
– Tôi tin Trung Úy. Bây giờ xin cho quay hướng súng trở lại. Nếu có ai báo cáo với Sư Đoàn, Trung Úy cứ nói theo yêu cầu của Chi Khu, vì họ cần tác xạ vào một số tọa độ khuấy rối trong đêm.
– Ông yên tâm, tôi cho quay hướng súng lại ngay. Hai phần ba binh sĩ của pháo đội tôi đã trốn theo tranh đấu. Số còn lại là đệ tử thân tín của tôi.
Trong khi tôi nói chuyện với Trung Úy Pháo Đội Trưởng thì viên Hạ sĩ quan Mỹ đã dịch hết cho Thiếu Tá Bob nghe rồi. Tôi xoay qua viên Thiếu Tá Mỹ hỏi ông cần nói gì với Trung Úy không? Ông ta bắt tay Trung Úy Pháo đội trưởng nói:
– Tôi tin ông, nhưng kể từ giờ phút này Chi Khu không cần Pháo Binh của ông yểm trợ nữa. Pháo Binh của Sư Đoàn TQLC Hoa Kỳ tại Phú Bài sẽ đảm trách. Chốc nữa, sẽ có 1 trung đội TQLC Hoa Kỳ xuống đây. Nếu có lộn xộn tôi sẽ cho lệnh trung đội này phá hủy ngay 2 khẩu 105 ly của Trung Úy.
Trung Úy pháo đội trưởng:
– OK, Thiếu Tá. — Mọi người cùng cười, tan hàng.
Sáng hôm sau tôi về Huế gặp Thiếu Tá Quận Trưởng, sau khi trình bày tình hình với ông, tôi kết luận:
– Không còn gì nữa, lính đào ngũ theo tranh đấu. Đạn và điện trì cho máy truyền tin cũng cạn, lấy gì đánh nhau với Việt cộng.
Tôi cho ông biết ý định của tôi và tôi hỏi ông:
– Thiếu Tá, ông đi không?
– Bao giờ?
– Ngày mai, 10 giờ sáng.
– Đi, sáng mai tôi lên Quận đi với anh.
Đúng 10 giờ sáng ngày hôm sau, trực thăng của Thiếu Tá Bob đón chúng tôi bay vào Quân Đoàn I trình diện Thiếu Tướng Tư lệnh Trần Thanh Phong. Trước khi đi tôi nói với Thiếu Úy Hành, Trưởng Ban 3:
– Anh coi nhà, tôi, Thiếu Tá Quận Trưởng, và Thiếu Tá Bob đi họp hành quân với TQLC Mỹ sẽ về trong ngày.
Khoảng 45 phút sau, chúng tôi đáp xuống sân bay trực thăng của BTL/ Quân Đoàn. Tại sân bay đã có một Trung Tá Mỹ đón chúng tôi và đưa thẳng vào phòng hội của BTL.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại Úy Anh, Quận Trưởng Quận Quảng Điền, người đã chạy thoát khỏi cuộc lùng bắt của đám Sinh Viên Quyết Tử tại Huế, khi ông chống lại Phong trào Tranh Đấu của bọn chúng. Chúng tôi mừng rỡ ôm choàng nhau.
Phòng hội có khoảng 30 sĩ quan cấp Tá trở lên vừa Việt, vừa Mỹ. Khoảng 5 phút sau Thiếu Tướng Tư lệnh vào phòng hội.
Sau phần trình bày tình hình tại Huế của Thiếu Tá Quận Trưởng Nam Hòa Phạm Khắc Đạt, Thiếu Tướng Tư lệnh chỉ thị chúng tôi trở lại Huế. Thiếu Tá liên lạc với Trung Tá Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa, hiện đang có mặt tại Quận Hương Thủy để nhận lệnh. Phần tôi trở lại Chi Khu Nam Hòa chỉ huy 2 đại đội cơ hữu đợi lệnh. Hằng ngày Đại Úy Anh sẽ liên lạc với tôi.
Chúng tôi chào từ giã Thiếu Tướng Tư lệnh.
Thiếu Tá Bob gặp chúng tôi ngay phòng hội cho biết 3 giờ sau sẽ gặp nhau tại bãi đáp trực thăng Quân Đoàn để trở về lại Huế.
Đại Úy Anh chở chúng tôi đi ăn phở tại Đà Nẵng. Ông đưa cho tôi một đặc lệnh truyền tin và nhiều tần số liên lạc. Hàng ngày vào buổi sáng ông sẽ bay ra Nam Hòa và sẽ liên lạc với tôi để nhận báo cáo tình hình. Ông dặn dò:
– Nói ngắn, gọn, đề phòng bọn nó vào tần số mình nghe lén. Mỗi ngày thay đổi tần số liên lạc như đã qui định.
Chúng tôi trở lại Nam Hòa cùng ngày. Thiếu Tá Quận Trưởng về Hương Thủy gặp Trung Tá Tỉnh Trưởng nhận lệnh hành động. Tôi tiếp tục ở lại quận.
Đầu tháng 5-1966, Thiếu Tá Đạt gọi tôi về gặp ông ta và Trung Tá Tỉnh Trưởng tại BCH/ chống Tranh Đấu tại Chi Khu Hương Thủy. Trung Tá Tỉnh Trưởng hỏi tôi:
– Liên Thành, anh có liên hệ gia đình với Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết phải không?
– Dạ đúng.
– Anh có người anh đi tu là Đại Đức Thích…?
– Dạ đúng.
– Anh có nhiều bạn trong đám sinh viên Đại Học Huế?
– Dạ đúng.
– Vậy thì tốt, công tác này anh làm được, bọn Tranh Đấu không nghi ngờ. Đã đến lúc phải tắt tiếng Đài Phát Thanh tranh đấu của bọn chúng. Đài Phát Thanh Huế của chính quyền bọn hắn chiếm bây giờ mình phải lấy lại.
Tôi nói không suy nghĩ:
– Dạ, với 2 Đại đội cơ hữu của em, em tấn công thẳng chiếm lại Đài Phát Thành Huế, không trở ngại.
Trung Tá Tỉnh Trưởng và Thiếu Tá Đạt cùng cười. Tôi biết mình hố rồi. Trung Tá Tỉnh Trưởng nói:
– Tấn công cái… đầu của anh. Lính Sư Đoàn I và Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức bọn chúng xơi tái 2 Đại Đội của anh ngay. Vụ này chỉ có một mình anh làm mà thôi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
– Trung Tá nói vậy nghĩa là sao?
– Người Mỹ sẽ huấn luyện và chỉ cách cho anh.
CÒN TIẾP….
0 Comments