Các chiến dịch chống lại những nền độc tài có thể bắt đầu bằng nhiều cách. Trong quá khứ những cuộc đấu tranh này hầu như luôn luôn không được chuẩn bị và chủ yếu là do tình cờ. Những kêu ca bất bình cụ thể đưa đến những cuộc đấu tranh đầu tiên trong quá khứ khác nhau rất nhiều, nhưng thường là vì những bạo tàn mới, vì sự bắt bớ hay là giết chết những người được người ta hết sức coi trọng, vì một chánh sách hay mệnh lệnh mới, vì những thiếu thốn về lương thực, vì sự bất kính đối với những niềm tin tôn giáo, hay là kỷ niệm hằng năm của một biến cố liên quan quan trọng. Đôi khi một hành động nào đó của nhà độc tài đã làm cho quần chúng giận dữ đến độ họ phải lăn xả vào hành động mà không hề có ý nghĩ là cuộc nổi dậy có thể sẽ kết thúc như thế nào. Vào những lúc khác thì một cá nhân dũng cảm hay một nhóm nhỏ nào đó đã có hành động khơi động được sự ủng hộ. Một sự bất bình cụ thể có thể được những người khác công nhận như là tương tự như những điều sai quấy mà họ đã từng kinh nghiệm và họ, cũng thế, có thể do đó tham gia cuộc đấu tranh. Đôi khi, một lời kêu gọi đối kháng nào đó bởi một nhóm nhỏ hay một cá nhân có thể được một số người rất đông đáp ứng một cách thật bất ngờ.
Dù sự bột phát có vài phẩm tính tích cực, nhưng nó thường có những bất lợi. Thường thường những người đối kháng dân chủ vì đã không tính trước được những bạo tàn của các nhà độc tài, nên họ đã phải chịu đau khổ rất nhiều, và phong trào đối kháng đã sụp đổ. Đôi lúc sự thiếu chuẩn bị của các nhà đấu tranh dân chủ đã để mặc những quyết định quan trọng cho rủi may, đưa đến những hậu quả thảm hại. Ngay cả khi hệ thống áp bức đã bị lật đổ, việc thiếu kế hoạch làm thế nào để giải quyết sự chuyển tiếp đến một hệ thống dân chủ đã đóng góp vào sự xuất hiện của một nền độc tài mới.
Thiết lập kế hoạch thực tế
Trong tương lai, đấu tranh của quần chúng không được chuẩn bị hẳn sẽ đóng những vai trò quan trọng trong những cuộc nổi dậy chống lại các nền độc tài. Tuy nhiên, ngày nay người ta có thể tính toán những phương cách hữu hiệu nhất để lật đổ một nền độc tài, để thẩm định khi nào hoàn cảnh chính trị và tâm lí quần chúng đã chín muồi, và để chọn cách làm thế nào để khởi động một chiến dịch. Đòi hỏi cần phải suy tư rất cẩn trọng dựa trên một thẩm định có cơ sở thực tế của hoàn cảnh và của những khả năng của quần chúng để chọn lựa những phương cách hữu hiệu hầu tranh thủ tự do trong những tình huống như thế.
Nếu người ta muốn thành quả thì điều khôn ngoan là phải thiết lập kế hoạch để thực hiện điều đó. Mục đích càng quan trọng, hay là những hậu quả của thất bại càng trầm trọng, thì việc thiết lập kế hoạch càng trở nên quan trọng. Thiết kế chiến lược tăng xác suất các tài nguyên có được sẽ được huy động và sử dụng hữu hiệu hơn cả. Điều này đặc biệt đúng đối với một phong trào dân chủ — vốn có tài nguyên vật chất giới hạn và những người ủng hộ sẽ gặp nguy hiểm – đang cố gắng lật đổ một nền độc tài hùng mạnh. Ngược lại, nền độc tài thường tiếp cận được rất nhiều tài nguyên vật chất, sức mạnh tổ chức, và khả năng thực hiện những điều tàn bạo.
“Thiết kế một chiến lược” ở đây có nghĩa là tính toán một đường hướng đấu tranh làm cho việc tiến tới từ hiện tại đến một hoàn cảnh mong muốn trong tương lai có thể xảy ra được. Trong ý nghĩa của cuộc thảo luận này, điều đó có nghĩa là từ một nền độc tài đến một hệ thống dân chủ trong tương lai. Một kế hoạch nhằm đạt mục tiêu này thường bao gồm một loạt những chiến dịch được phân chia thành nhiều giai đoạn và những sinh hoạt có tổ chức được thiết kế nhằm tăng sức mạnh cho dân chúng bị áp bức và cho xã hội và làm suy yếu nền độc tài. Một đại chiến lược mà giới hạn mục tiêu vào việc chỉ đập tan nhà độc tài đương nhiệm mà thôi thì sẽ gặp phải nguy cơ lớn là tạo nên một nhà chuyên chế khác.
Những chướng ngại cho việc thiết kế
Một số người ủng hộ tự do ở nhiều nơi trên thế giới đã không dốc hết toàn năng lực để tác động lên vấn đề làm thế nào để đạt được giải phóng. Chỉ hoạ hoằn lắm những người ủng hộ này mới công nhận tầm quan trọng cực kỳ của thiết kế chiến lược cẩn trọng trước khi họ hành động. Do đó, thiết kế chiến lược hầu như là không bao giờ được thực hiện.
Tại sao những người có cái viễn tượng đem lại tự do cho dân mình lại hiếm khi chuẩn bị một kế hoạch chiến lược toàn bộ để đạt mục đích đó? Rất tiếc là thường hầu hết những người trong các nhóm đối lập dân chủ không hiểu được nhu cầu cần phải có thiết kế chiến lược hay là không quen hoặc không được huấn luyện suy nghĩ một cách chiến lược. Đây là một công tác khó khăn. Liên tục bị phiền nhiễu bởi nền độc tài, và bị tràn ngập bởi những trách nhiệm cấp kỳ, các nhà lãnh đạo đối kháng thường không có được sự an toàn hoặc thời giờ để phát huy những kỹ năng suy tư chiến lược.
Thay vì như vậy, thường mọi người có một tập quán chung là chỉ đơn thuần phản ứng lại những sáng kiến của các nhà độc tài. Đối lập do đó luôn luôn ở trong thế tự vệ, chỉ tìm cách duy trì các quyền tự do có giới hạn và các thành trì của tự do, có giỏi lắm thì cũng chỉ làm trì chậm sự tiến công kiềm chế của nền độc tài hay là tạo nên một vài khó khăn cho các chánh sách mới của nền độc tài mà thôi.
Một số cá nhân hay phe nhóm, dĩ nhiên, không thấy có nhu cầu lập kế hoạch toàn bộ dài hạn cho phong trào giải phóng. Thay vì thế, họ có thể ngây thơ nghĩ rằng nếu họ chỉ cần đeo đuổi mục đích của họ một cách mạnh mẽ, chắc chắn, và lâu dài đủ, thì thế nào rồi cũng thành công. Những người khác thì cho rằng nếu họ chỉ cần sống và làm chứng nhân theo đúng những nguyên tắc hay lý tưởng của họ mặc dù những khó khăn, thì họ đang làm tất cả những gì họ có thể làm được để thực thi những nguyên tắc hay lý tưởng đó. Đeo đuổi những mục đích nhân bản và trung thành với lý tưởng của mình là một điều đáng khen ngợi, nhưng cực kỳ thiếu sót trong việc chấm dứt một nền độc tài và tranh thủ tự do.
Những người chống đối độc tài khác có thể ngây thơ suy nghĩ là nếu họ chỉ cần sử dụng bạo lực đủ, thì sẽ có tự do. Nhưng như đã ghi nhận trước đây, bạo lực không bảo đảm thành công. Thay vì giải phóng, bạo lực có thể đưa đến thất bại, thảm trạng to lớn, hay cả hai. Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, nền độc tài thường được vũ trang tốt nhất cho một cuộc đấu tranh bạo động và những thực tế quân sự thường hiếm khi có lợi — nếu có trường hợp này– cho các nhà đấu tranh dân chủ.
Còn có những nhà hoạt động khác đặt những hành động của mình trên cơ sở những gì họ “cảm thấy” là họ nên làm. Tuy nhiên, những phương cách này không những chỉ xem mình là trung tâm mà còn không đưa ra hướng dẫn cho việc thiết lập một đại chiến lược giải phóng.
Hành động dựa trên một “ý kiến hay” của một người nào đó đưa ra cũng giới hạn. Thay vì như vậy, điều cần là nên hành động dựa trên một sự tính toán cẩn trọng “bước kế tiếp” cần phải có để lật đổ nền độc tài. Không có phân tích chiến lược, các nhà lãnh đạo đối kháng sẽ không biết được “bước kế tiếp” đó phải là gì, bởi vì họ đã không suy nghĩ cẩn thận về những bước cụ thể kế tiếp nhau cần phải có để đạt được chiến thắng. Sáng tạo và những ý kiến hay rất quan trọng, nhưng chúng cần phải được sử dụng để làm thăng tiến hoàn cảnh chiến lược của những lực lượng dân chủ.
Ý thức một cách sắc bén là có nhiều hành động có thể thực hiện được chống lại nền độc tài và không thể quyết định được là nên bắt đầu ở đâu, một vài người đã cố vấn là “Làm tất cả cùng một lượt.” Điều này có thể hữu ích, nhưng, dĩ nhiên, là không thể thực hiện được, nhất là đối với những phong trào tương đối còn yếu. Hơn nữa, một phương cách như thế không đưa ra hướng dẫn cần bắt đầu ở đâu, nên tập trung những nỗ lực vào nơi nào, và cần sử dụng tài nguyên thường hạn chế như thế nào.
Những người hay nhóm người khác có thể nhìn thấy nhu cầu cần có thiết kế phần nào, nhưng chỉ có thể suy nghĩ về thiết kế trên căn bản ngắn hạn hay chiến thuật mà thôi. Họ có thể không thấy là thiết kế dài hạn là cần thiết hay có thể thực hiện được. Đôi khi họ có thể không có khả năng suy tư và phân tách theo ý nghĩa chiến lược, để mình liên tục bị chia trí bởi những vấn đề tương đối nhỏ nhặt, thường phản ứng lại những hành động của đối phương thay vì giành sáng kiến cho đối kháng dân chủ. Cống hiến không biết bao nhiêu là sinh lực như thế vào những sinh hoạt ngắn hạn, những nhà lãnh đạo này thường sẽ không khai thác được nhiều đường hướng hành động khác nhau có thể hướng dẫn những nỗ lực toàn bộ để đều đặn tiến dần đến mục đích.
Hẳn cũng có thể là một vài phong trào dân chủ không thiết kế một chiến lược toàn bộ để lật đổ nền độc tài, thay vì như vậy lại chỉ tập trung vào những vấn đề tranh chấp cấp thời, vì một lý do khác. Trong thâm tâm, họ không thực sự tin rằng nền độc tài có thể được chấm dứt bằng những nỗ lực của họ. Cho nên, lập kế hoạch làm thế nào để thực hiện điều này là một việc làm lãng mạn mất thời giờ hay là một công việc vô ích. Những người đấu tranh cho tự do chống lại những nền độc tài tàn bạo đã ăn sâu bén rễ thường phải đối đầu với sức mạnh quân đội và cảnh sát lớn đến độ hình như là những nhà độc tài có thể hoàn thành bất cứ điều gì mà họ muốn. Thiếu hy vọng thực sự, những người này tuy thế vẫn sẽ thách thức nền độc tài vì những lý do chính trực và có lẽ lý do lịch sử nữa. Mặc dù họ có thể không bao giờ thừa nhận, có lẽ sẽ không bao giờ công nhận một cách có ý thức, nhưng những hành động của họ đối với chính mình hình như tỏ ra là vô vọng. Do đó, đối với họ, thiết kế chiến lược toàn bộ dài hạn là một việc làm không mang lại giá trị nào cả.
Hậu quả của những việc không thiết kế chiến lược như thế thường là thê thảm: sức mạnh bị tiêu tán, hành động không hữu hiệu, sinh lực bị lãng phí trong những vấn đề lặt vặt, những lợi thế không được tận dụng, và những hy sinh bị lãng phí. Nếu những nhà dân chủ không thiết kế chiến lược thì có lẽ họ sẽ không đạt được những mục tiêu của mình. Một sự hỗn hợp kỳ quặc của những sinh hoạt được thiết kế một cách nghèo nàn sẽ không dẫn đưa nỗ lực đối kháng chính yếu tiến tới phía trước, trái lại, có lẽ sẽ làm cho những nhà độc tài gia tăng sự kiềm chế và quyền lực của họ thêm nữa.
Rất tiếc là hiếm khi, nếu thực sự có, những kế hoạch chiến lược toàn bộ được thiết lập cho giải phóng, cho nên các nền độc tài tỏ ra bền vững hơn là thực tế. Những nền độc tài này đã tồn tại hằng bao nhiêu năm hay là hằng bao nhiêu thập kỷ lâu hơn là cần thiết.
Bốn từ quan trọng trong thiết kế chiến lược
Để giúp chúng ta suy nghĩ một cách chiến lược, sự rõ ràng về ý nghĩa của bốn từ căn bản rất quan trọng:
Đại chiến lược là một ý niệm dùng để phối hợp và điều động việc sử dụng tất cả những tài nguyên thích hợp và có được (kinh tế, nhân lực, đạo đức, chính trị, tổ chức, v.v.) của nhóm đang tìm cách tranh thủ những mục tiêu của mình trong một cuộc đấu tranh.
Đại chiến lược — bằng cách tập trung sự chú ý chính yếu vào những mục tiêu và những tài nguyên của nhóm — quyết định kỹ thuật đấu tranh thích hợp nhất (như là chiến tranh quân sự quy ước hay là đấu tranh bất bạo động) cần được sử dụng trong cuộc xung đột. Khi thiết kế một đại chiến lược các nhà lãnh đạo đối kháng phải thẩm định và lập kế hoạch cho những áp lực và ảnh hưởng nào cần phải được đưa vào để tác động đối phương. Hơn nữa, đại chiến lược sẽ bao gồm những quyết định về những điều kiện và thời gian tính thích hợp cho việc tung ra những chiến dịch đối kháng tiên khởi và những chiến dịch tiếp theo sau đó.
Đại chiến lược đặt ra một cái khung nền tảng cho việc chọn lựa những chiến lược có giới hạn hơn trong việc tiến hành công cuộc đấu tranh. Đại chiến lược cũng còn phân chia những công tác tổng quát cho các nhóm trách nhiệm và phân phối những tài nguyên cho họ để sử dụng trong cuộc đấu tranh.
Chiến lược là ý niệm làm thế nào để tìm ra phương cách tốt nhất để tranh thủ một số mục tiêu nào đó trong cuộc xung đột, vận hành bên trong lãnh vực của đại chiến lược đã được lựa chọn. Chiến lược quan tâm đến việc có nên đánh hay không, đánh khi nào, đánh như thế nào, cũng như làm sao để đạt được hiệu quả tối đa trong công cuộc đấu tranh cho những mục đích nào đó. Một chiến lược thường được so sánh với một ý niệm trong đầu óc của một nghệ sĩ, trong lúc kế hoạch chiến lược là đồ bản*thiết kế của một kiến trúc sư.
Chiến lược còn có thể bao gồm những nỗ lực khai triển hoàn cảnh chiến lược có lợi đến độ đối phương có thể thấy trước là đấu tranh công khai có lẽ sẽ đưa đến một thất bại chắc chắn cho chúng, và do đó đầu hàng mà không cần phải có đấu tranh công khai. Hay là, nếu không phải thế, thì hoàn cảnh chiến lược được cải tiến sẽ làm cho sự thành công của những người thách thức được chắc chắn trong cuộc đấu tranh. Chiến lược còn liên quan đến việc phải hành sử như thế nào để sử dụng cho được tốt những thành công một khi đã đạt được.
Áp dụng vào chính tiến trình đấu tranh, kế hoạch chiến lược là một ý niệm căn bản về việc một chiến dịch cần phải được khai triển như thế nào, và những bộ phận rời rạc phải được ráp lại với nhau bằng cách nào để có thể đóng góp vào việc đạt được những mục tiêu một cách có lợi hơn cả. Kế hoạch chiến lược nói đến vấn đề khéo léo dàn trận các toán đấu tranh trong những chiến dịch nhỏ. Thiết kế cho một chiến lược khôn ngoan cần phải xét đến những điều kiện để thành công trong việc điều hành kỹ thuật đấu tranh đã lựa chọn. Dĩ nhiên là chỉ thoả mãn những “điều kiện” không mà thôi thì không đủ để bảo đảm thành công. Cũng cần phải có những nhân tố khác nữa.
Trong công việc phác hoạ các chiến lược, các nhà đấu tranh dân chủ cần phải định nghĩa rõ ràng những mục tiêu của mình và quyết định là sẽ đo lường hiệu quả của những nỗ lực nhằm đạt những mục tiêu đó như thế nào. Việc định nghĩa và phân tích này cho phép chiến lược gia nhìn thấy được những điều kiện chính xác để củng cố từng mục tiêu đã lựa chọn. Nhu cầu cần có sự rõ ràng và định nghĩa này cũng áp dụng cho trường hợp thiết kế chiến thuật.
Các chiến thuật và phương pháp đấu tranh được sử dụng để thực thi chiến lược. Chiến thuật quan tâm đến vấn đề chiến đấu, trong lúc chiến lược bao gồm những xét định rộng lớn hơn. Một chiến thuật nào đó chỉ có thể được quan niệm như là một thành phần của chiến lược toàn bộ của một mặt trận hay là một chiến dịch. Chiến thuật được áp dụng cho những giai đoạn thời gian ngắn hơn là chiến lược, hay là trong những lãnh vực nhỏ hẹp hơn (về địa lí, cơ chế, v.v.) hay là bởi một số người ít hơn, hoặc cho những mục tiêu giới hạn hơn. Trong đấu tranh bất bạo động, sự khác biệt giữa một mục tiêu chiến thuật và một mục tiêu chiến lược có thể phần nào thấy được qua việc mục tiêu được chọn lựa cho cuộc đấu tranh nhỏ hay lớn.
Những trận tấn công chiến thuật thường được lựa chọn để hỗ trợ việc tranh thủ những mục tiêu chiến lược. Những đụng độ chiến thuật là những công cụ của chiến lược gia trong công việc tạo những điều kiện thuận lợi cho việc tung ra những cuộc tấn công quyết định chống lại đối phương. Do đó quan trọng hơn cả là những người được giao phó trách nhiệm thiết kế và thi hành những hành động chiến thuật phải có kỹ năng thẩm định tình hình, và lựa chọn những phương pháp thích hợp nhất cho tình hình đó. Những người được trông đợi tham gia cần phải được huấn luyện về cách sử dụng kỹ thuật đã được lựa chọn và về những phương pháp cụ thể.
Phương pháp nói đến những vũ khí đấu tranh cụ thể hay là những phương tiện đấu tranh. Trong địa hạt đấu tranh bất bạo động, những vũ khí này bao gồm hằng tá những hình thái đấu tranh khác nhau (như là nhiều loại đình công, tẩy chay, bất hợp tác chính trị, và những hành động tương tự) đã được trích dẫn trong Chương Năm. (Cũng xem thêm phần Phụ Lục, Bài 018).
Việc thiết lập một chiến lược hữu hiệu và có trách nhiệm cho một cuộc đấu tranh bất bạo động lệ thuộc vào sự soạn thảo và sự chọn lựa cẩn thận một đại chiến lược, các chiến lược, các chiến thuật, và các phương pháp.
Bài học chính yếu của cuộc thảo luận này là đòi hỏi cần phải sử dụng có tính toán trí óc trong việc hoạch định cẩn trọng chiến lược giải phóng khỏi ách độc tài. Không thiết kế thông minh có thể đóng góp vào những thảm hại, trong khi sử dụng hữu hiệu những khả năng trí tuệ của mình có thể vạch ra được một đường hướng chiến lược sử dụng một cách sáng suốt những tài nguyên mà mình có để dẫn đưa xã hội tiến đến mục đích tự do và dân chủ.
_________________________________
*Robert Helvey, trao đổi riêng tư, 15 tháng Tám 1993.
0 Comments